Số lần đọc/download: 1965 / 4
Cập nhật: 2016-02-08 22:08:54 +0700
Chương 9
Đ
áng lẽ ra, sau khi vua Lý Thánh Tông mất, Thái Hậu Thượng Dương đã nguyện đi theo chồng xuống dưới kia phụng quân vương. Ấy thế mà đến bây giờ bà vẫn còn đang đứng chiêm ngưỡng mình trước chiếc gương đồng to tướng. Bà cần sống chỉ vì bà còn một mối hận lòng chưa trả được.
Mà sống ngày nào là còn cần phải đẹp. Tội lỗi xấu xa đáng thù ghét nhất đối với bà là làm thân gái mà để cho xấu xí người đi. Trang điểm là thú vui độc nhất của đời bà. Trong số bảy mươi hai cung nga phục dịch, bà còn chọn ra những cô mặn mà sắc sảo nhất, chuyên việc suốt ngày chăm chuốt sắc đẹp hiếm có của bà. Bà cầm chắc rằng dung nhan ngà ngọc của bà còn có sức quyến rũ hơn vạn lần những chùm lá dâu mật tươi mát để nhử chiếc xe dê của quân vương phải dừng lại trước cung bà. Ngoài công việc bận rộn này, còn lại chút thời gian rảnh rỗi, bà đem dùng vào việc đánh đông dẹp bắc để loại trừ dần những ả phi tần nào dám mon men đến cạnh vua chia sẻ ân sủng của bà.
Nhưng mặt rồng bỗng vắng bóng ở Thượng Dương cung. Việc ấy đến đột ngột như một vết vôi ghi trên trán bà làm bà tỉnh mộng. Lần tay bấm đốt thì sự kiện ấy đã xảy ra từ năm Quí Mão cách đây ngót ngét mười năm rồi. Ngày ấy, một cô gái lọt ra từ cửa thứ dân, sinh giữa nong tằm đẻ trong lò kén vừa bước vào cung đã được thăng lên chức Nguyên Phi và được quân vương nhất mực yêu vì. Đành rằng tuổi của ả trẻ hơn bà một giáp nhưng về sắc thì ánh đom đóm kia làm sao dám sánh với trăng rằm. Chắc ả phải có thuật riêng để mê hoặc quân vương. Bà đã hao tâm tổn lực phái nhiều cung nữ để dò la nhưng rốt cuộc vẫn không tìm ra được manh mối thứ bùa chú quỉ ma đó.
Hơn nữa, niềm ước vọng thiết tha chưa được toại nguyện, nó luôn luôn phảng phất trên gương mặt bà một nét buồn thầm kín, niềm ước vọng ngoài sức người ấy, Thượng đế cũng ban phát cho ả một cách quá hào phóng. Bà thì không có con trai mà ả thì đẻ sòn sòn. Thái tử Càn Đức vừa ra đời thì hai năm sau ả lại đẻ tiếp Thái tử Minh Nhân. Đến trời cũng giúp ả, biết trách vào đâu bây giờ.
Đến vụ năm Kỷ Dậu thì cái uất của bà không để vào đâu cho hết. Năm ấy, Tiên vương thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Đành rằng xưa nay bà không biết gì về chính sự, thậm chí bà không ưa chuyện chính sự vì bà cho đó là việc của đàn ông, nhưng cứ trao cho bà thì bà cũng sẽ làm được có sao đâu. Ấy thế mà đức vua không cử bà lại đem trao quyền nhiếp chính cho ả. Ả thuộc hàng phi tử, còn bà đường đường ở ngôi chính hậu. Vua làm thế có khác gì đương nhiên vô cớ truất mất phẩm trật của bà. Mà ả làm việc ấy trôi chảy giỏi giang mới sôi máu chứ. Đến nỗi khi đức vua quay về nửa đường nghe tin ả trị nước yên dân đã phải thốt: "Kẻ kia đàn bà còn làm được như thế, ta làm trai há chịu thua kém ru?"
Ôi! Cái uất này chồng lên cái uất nọ cao hơn đầu người. Nó trở thành cái bóng thâm tím quanh quẩn theo bà trong cung son lạnh lẽo. Thật ra vua Lý Thánh Tông lạnh nhạt với bà không phải vì nhan sắc bà sút kém đi. Ngược lại là đằng khác. Nhưng tấm nhan sắc ấy đã mất dần sức hấp dẫn ban đầu.
Vua Thánh Tông là một vị vua có óc đầu óc rộng, chí hướng cao, hoài bão lớn. Càng ngày ông càng cảm thấy cần có bên mình một người đàn bà có thể cùng ông chia sẻ những lo nghĩ về việc lớn của thiên hạ. Mà bà chỉ biết đem trao đổi với ông những tủn mủn quanh quẩn trong đời sống hàng ngày vô vị của cung Thượng Dương. Câu chuyện giữa hai người cứ vữa ra, rời rạc như cơm nguội. Tư chất thông tuệ hoàn toàn không có ở bà. Sự lười nhác suy tư và trì trệ trong cảm nghĩ của bà đã làm đức vua chán ngấy.
Cho đến giờ này bà vẫn đứng trước gương soi bóng dung nhan. Tuy còn vài năm nữa bà sẽ ăn mừng lễ tứ tuần nhưng đường nét người bà vẫn thon thon như thời con gái. Vẻ thanh tú còn được giữ nguyên từ hàng mi đến đầu ngón chân tay. Và lần này cũng như bao lần khác, nhìn bóng mình trong gương, bà lại tự hỏi: Làm sao đức vua lại có thể hững hờ với một sắc đẹp như thế này, một sắc đẹp mà đến bà cũng thấy yêu nó, để đến ôm ấp một ả tiện tỳ hôi hám kia nhỉ? Bà không hiểu và vĩnh viễn không thể hiểu được rằng ngoài sắc đẹp hình hài bên ngoài, còn có một thứ sắc đẹp khác ở bên trong, một thứ sắc đẹp vô hình nhưng có sức quyến rũ lâu bền: sắc đẹp trí tuệ. Chính Thái Phi Ỷ Lan đã đáp ứng được điểm này. Ỷ Lan có một bộ óc cực kỳ minh mẫn, ham học ham biết, am hiểu đời sống lê dân. Nhiều ý kiến thông minh, xác đáng của bà làm đức vua phải sửng sốt. Câu chuyện giữa đức vua với Ỷ Lan rất tâm đắc. Vua Thánh Tông đã sớm tìm thấy được trong Ỷ Lan một người bạn đường tri kỷ.
Nhưng đã qua rồi mười năm ngậm cay nuốt đắng. Mười năm than thân trách phận trong thâm cung vò võ. Mười năm sống đấy mà cũng như chết đấy. Phải đợi sau ngày Tiên Đế qua đời, nhờ sự can thiệp cứng rắn và kiên quyết của Thái Sư Lý Đạo Thành, bà lên nắm quyền chấp chính. Vua con phải tôn bà lên làm đích mẫu. Bà sống lại trong ước muốn thôi thúc được rửa thù trả hận, cái hận bấy lâu âm ỉ nay đã bốc cao ngọn trong lòng bà. Mới đây bà đã gạt được Thái Phi ra ngoài không cho dự việc triều chính. Lắng nghe cung nhân thuật lại chuyện Thái Phi lo buồn vật vã, bà nở nang mày mặt. Bà nhấm nháp nỗi đau của tình địch như uống từng ngụm thuốc bổ.
Nhưng đám cung nữ bà phái đi do thám bên cung Kiến Hoa, đã dồn dập trở về phi báo:
- Tâu bà, Thái Phi đã phái Hạnh Hoa đi gặp Thái Úy.
- Tâu bà, Thái Phi đã năm lần bảy lượt đến cung Long Đức bàn mưu tính kế với Thượng Hoàng Thái Hậu.
- Tâu bà, Thái Phi đã ba lần gặp ấu quân khóc lóc với Người.
- Tâu bà, e rằng trong triều sắp xảy ra chính biến.
Cơn giận làm mặt bà tái nhợt. Không kịp suy nghĩ - mà bà có quen suy nghĩ đâu - bà long mắt khít răng truyền lệnh: "Thanh Nga đâu? - Thanh Nga là cung nga sủng ái nhất của bà - Con đi gọi ngay nội giám Lý Thông đến cho ta.
Viên nội giám Lý Thông trước kia là người thân tín của Thượng Dương. Sau đấy hắn chuyển sang cung khác. Không hiểu có điều gì xảy ra mà hắn đem lòng oán hận Thái Phi. Gần đây hắn thậm thọt đi lại cung Thượng Dương và cũng giúp bà được đôi ba việc. Hắn tỉ tê xúi giục bà một chuyện mà lâu nay bà vẫn còn lưỡng lự. Bà chưa thật tin hắn. Nhưng nay sự tình thúc bách, bà đánh liều làm điều mà lòng bà chưa muốn...
Tiếng chày đá nện vào chuông ngọc lanh canh. Bà ra phòng ngoài gặp Lý Thông. Bà rút ra một mảnh giấy con trao cho hắn: - Ngươi làm việc này phải hết sức cẩn thận. Cung Thượng Dương sẽ không quên công ngươi. Chức Đô Tri đang chờ ngươi đấy.
- Muôn tâu lệnh bà, tiểu thần làm thế này thì quỷ thần cũng khó tra xét - Hắn lấy ra kim chỉ vừa quì, vừa tâu, vừa khâu mảnh giấy con vào bên trong dải áo của hắn, trước mặt Dương Hậu.
Nội giám Lý Thông lui ra thì Lý Ngân cũng vừa về đến cung. Chàng trình lại mọi việc và quả quyết: - Chỉ trong chiều nay là Thái Úy có mặt ở điện Hàm Quan.
Nhìn nét mặt bà đang vui, Lý Ngân ngập ngừng rồi tiếp: - Thưa dì, cháu còn chút việc riêng muốn thưa cùng dì.
- Việc riêng này dì đã biết từ lâu - bà nhoẻn một nụ cười thật hồn hậu. - Con bé đó trông rất được mắt, hiềm nỗi cháu còn tang cha vướng nặng trên đầu.
- Dạ thưa dì, cháu đã mãn tang bố được mấy tháng nay rồi.
- Chưa đâu, tang lớn của cháu còn kéo dài chưa biết đến kiếp nào mới chấm dứt
- Dạ, dì nói thế nào cháu nghe chưa rõ.
Thái Hậu nhìn quanh: - Chỗ này không phải chỗ để dì cháu ta trò chuyện. Cháu hãy theo ta.
Bà đưa Lý Ngân vào căn buồng kín có đặt hương án, có lẽ nơi bàn thờ riêng đức Tiên Đế. Những cây hồng lạp thắp sáng như sao sa, mùi nhang thơm ngát mũi.
Bà ái ngại nhìn cháu: - Lâu nay dì phải cố ngậm miệng giấu cháu, nhưng đến cơ sự này, dì đành nói thật. Cha cháu chết trận nhưng chết oan ức. Vì muốn tranh chức đoạt quyền họ đã nhẫn tâm ám hại cha cháu.
- Ôi! Dì nói sao? Kẻ nào đã ra tay ám hại cha cháu?
- Kẻ đó quyền nghiêng thiên hạ. Nhắc đến tên kẻ ấy, đến dì cũng kinh hãi. Dì nói ra chắc cháu chưa tin nhưng cháu cứ đọc lá thư này thì rõ.
Bà bước lại nhấc một ống thư trên hương án. Bà định rút lá thư ra nhưng tay bà do dự: - Không được. Cháu phải có lời tuyên thệ trước rằng cháu sẽ không bao giờ hở môi nói nửa lời cho ai chuyện này dù là người ruột thịt thân thiết.
Lý Ngân khẳng khái bước ra trước bàn thờ buông lời thề độc như buông một mũi tên số phận.
Thái Hậu trao lá thư cho Lý Ngân: - Đây là lá thư cha cháu viết trước trận Đồ Bàn. Mà cháu còn nhớ mặt chữ của cha cháu không chứ? Nếu quên - bà đưa ra một lá thứ hai - thì đây có bức thư cha cháu gởi cho mẹ con cháu lúc còn sông. Cháu hãy so sánh, thị sát kỹ thủ bút của cha cháu.
Lý Ngân bàng hoàng nhìn nét chữ thân quen, đôi mắt hoa hoa trong đầu óc. Chàng đi lại bên hương án, kề sát tờ thư vào cây hồng lạp cháy vạt ngọn. Tay run rẩy, dòng chữ nhún nhẩy. Mấy giọt nến nhểu xuống trang thư đỏ thẫm như giọt huyết. Mấy lần chàng cố định thần mới đọc nốt được những dòng chữ cuối cùng. Một quả chùy nặng như đập ngay vào mặt chàng, mắt chàng hoa lên những vòng tròn màu vàng lửa nến lấp lóa bắn ra những tia sáng đỏ đòng đọc như máu. Có tiếng Thái Hậu kêu lên rồi bà cúi xuống nhặt lá thư bị buông rơi trên đất, châm vào ngọn nến. Bà nhìn ngọn lửa liếm lẹm dần tờ thư, miệng lầm rầm: - Chú Quán ơi! Con nó đã đọc xong rồi. Chị gửi trả lại cho chú đây. Hồn chú có khôn thiêng hãy phù hộ cho con nó ơn đền oán trả.
Lý Ngân đứng trân chết điếng. Hồi lâu, từ bên trong cổ họng tắc tị, chàng mới khạc ra được một giọng khản đặc, như khạc ra một búng huyết trong mồm: - Thì ra kẻ mưu giết cha ta là Thái Úy Lý Thường Kiệt! - Rồi chàng đâm bổ ra ngoài - Thái Hậu kịp giữ chàng lại: - Cháu đi đâu thế?
- Cháu đi trả thù cho cha cháu!
- Khoan, nếu cháu đã quyết thì dì cũng sắp đặt trước rồi. Thanh Nga đâu? Tiếng dạ cùng với người theo ra - Con hãy đưa công tử đi, lo liệu mọi việc cho công tử. Nhớ cần phải thay ngay ống tên của công tử.
Lý Ngân gạt phắt: - Khỏi cần, dì ạ! Họ đã sát hại phụ thân một cách ám muội thì cháu trả thù họ một cách đường đường chính chính.
Chàng đi theo Thanh Nga như đi trong cơn mộng du. Lúc đến nơi bố trí, chàng mới sực nhận ra ngôi miếu thổ thần cạnh đầm sen, nơi hôm qua chàng suýt thốt lời thề độc với Hạnh Hoa. Dưới gốc sung còn ấm dấu chân nàng... Ôi! Lòng người hiểm độc khôn lường.
Chàng hạ cánh cung bằng gỗ thiết đằng đen bóng, to như cổ tay người lớn, rộng cả sải tay, lắp hai mũi tên liên châu vào. Trên đường hòe, bóng cỗ kiệu son rước Thái Úy về triều đã nghễu nghện tiến lại. Chàng cố trấn tĩnh tâm thần, đợi bóng tấm diềm trước đỏ chói lọt vào tầm bắn, nghiến răng bật dây cung. Sau đấy chàng không hay biết gì nữa. Chung quanh đổ nát, hoang vu, tăm tối. Dường như có tiếng Thanh Nga reo khẽ: - Trúng rồi! Và một bàn tay lạnh buốt nắm lấy tay chàng kéo đi, lên ngựa phi thẳng về phía bờ sông. Ở đấy chờ sẵn một chiếc thuyền lớn gắn sáu mái chèo. Chàng bước vào khoang, không kịp vái chào ai cả, đổ vật xuống ván thuyền.
Loáng thoáng dáng dấp ai như Đỗ đại nhân, người khách chàng đã gặp nhiều lần ở cung Thượng Dương và một khuôn mặt hao hao lang tướng Nguyễn Căn nhìn chàng chăm chú.
Sau đấy, hồn chàng phiêu phiêu bước vào một cuộc đi triền miên, mông lung, vô tận...