From my point of view, a book is a literary prescription put up for the benefit of someone who needs it.

S.M. Crothers

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Tuân
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3598 / 117
Cập nhật: 2016-03-10 08:46:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Truyện Ngắn Andersen
ăn hào Ăngđớcxen (Hans Christian Andersen) của nước Đan Mạch sinh tại thành phố Ođenxơ vào đầu thế kỷ thứ XIX, tức là cái thế kỷ đặc biệt nổi bật lên ở châu Âu hai luồng văn chương lãng mạn và hiện thực. Năm mười bảy tuổi, Ăngđớcxen đã viết một tập kịch thơ, và liên tiếp sáng tác trong năm mươi ba năm liền cho đến cái ngày không cầm bút được nữa. Lúc thôi viết, thọ bảy mươi tuổi.
Ăngđớcxen xuất thân ở tầng lớp nghèo thành thị. Bà mẹ muốn con mình trở thành một người thợ may lành nghề. Nhưng Ăngđớcxen sớm có chí lớn và hoài bão sống bằng nghệ thuật và sống cho nghệ thuật. Năm mười bốn tuổi đã xin mẹ đi một mình lên lập thân ở thủ đô Copenhaghen. Trong một tiểu thuyết tự truyện, Ăngđớcxen đã tâm sự với bạn đọc: "Tổ quốc tôi, nước Đan Mạch là một đất nước nên thơ, có rất nhiều cổ tích thần thoại phương Bắc, nhiều tập tục, nhiều điệu hát. Những rừng sên um tùm, những cánh đồng cỏ và đồng lúa mì phì nhiêu phủ kín các mặt đảo.
(...) Cha tôi rất chiều tôi. Ngày chủ nhật, cha tôi cắt những miệng bìa làm những phong cảnh bài trí từng mảnh tháo rời được và lắp lại được. Cha tôi làm cho tôi cái sân khấu tí hon. Cha tôi đọc cho tôi nghe từng đoạn kịch trích ra, và đọc cho nghe những chuyện Thiên phương dạ đàm (...). Ở trường, giờ ra chơi, tôi ít dự vào trò chơi của bạn học; một mình ở trong lớp. Ở nhà, tôi thiếu gì đồ chơi cha tôi đã làm cho tôi rất nhiều. (...) Cha tôi làm nghề thợ giày mất sớm. Mẹ tôi đi giặt thuê quần áo. Tôi làm thợ may, thích nghề này, vì nó cho tôi có những mảnh mụn dạ xanh đỏ để may áo cho búp bê (...). Chỉ đến các rạp hát là tôi mới thấy dễ chịu hơn bất cứ ở đâu Thường tôi ít được ai đưa đến rạp hát. Tôi đánh bạn với người phát chương trình, ngày nào anh ta cũng cho tôi một bản. Tôi lánh ra một chỗ, đọc đi đọc lại, căn cứ vào tên vở và nhân vật tuồng diễn mà hình dung ra cả nội dung của vở. Đó là những bài thi ca thô sơ đầu tiên của tôi (...). Sau, đọc những bản dịch các vở tuồng Sếchxpia. Và lấy những đồ chơi đem diễn trên sâu khấu con múa rối. Tôi viết một vở, có rất nhiều người chết. Tôi có giọng hát và muôn trở thành con hát. Tôi theo gánh tuồng, đóng những vai chạy hiệu (...) Tôi có viết những vở kịch, đưa các hý viện, nhưng không được nhận diễn... ".
Năm hai mươi tư tuổi, Ăngđớcxen đi khắp nước Đan Mạch, vừa đi vừa thâm nhập vào cái tâm hồn Tổ quốc yêu quý, vừa đi vừa cảm thông với đời sống và tập truyện của nhân dân. Đến năm hai mươi tám tuổi, Ăngđớcxen đi nước ngoài, bắt đầu sang nước Đức; sau đó sang Thụy Sĩ, sang Pháp và sang Ý. Xuất thân từ nhân dân lao động nên, dù ở trong nước hay lúc ra nước ngoài, cái nhìn của Ăngđớcxen bao giờ cũng quyến luyến với con người quần chúng làm ăn. Trong các chuyến đi ra ngoài Ăngđớcxen rất chú ý đến đời sống các dân tộc. Trong sáng tác, khung cảnh của nhân vật truyện Ăngđớcxen rộng từ Hy Lạp đến Thụy Sĩ, và tác giả sử dụng luôn cả các vốn cũ dân gian các dân tộc Thụy Điển, Đức và phương Đông. Những bút ký tiểu luận về các chuyến đi đều nổi lên những nét hiện thực chứng tỏ một quan điểm nhân dân đầy xúc động. Ký sự Tập ảnh không vẽ chứa chan những tư tưởng dân chủ và bác ái của tác giả đối với mọi người và mọi dân tộc. Có một truyện tả lại cái thảm kịch của những người nông dân nghèo phải bỏ nước ra ngoài để tìm hạnh phúc. Tiểu thuyết Người ứng khẩu xây dựng cái uy tín trứ tác cho Ăngđớcxen, là một tiểu thuyết tả sinh hoạt của nhân dân Ý, nhân vật chính từ trong quần chúng nhân dân hiện lên và tha thiết giúp ích cho đời. Trong các truyện dài khác, nhân vật của Ăngđớcxen cũng đều là những người khao khát làm lợi cho nhân dân. Năm ba mươi tuổi, tập truyện ngắn đầu tiên của Ăngđớcxen ra đời. Ngày tết năm đó, Ăngđớcxen viết cho bạn: "Từ nay, tôi bắt đầu sáng tác cho các trẻ em. Anh nên nhớ, tôi làm việc cho những thế hệ tương lai". Từ đó, năm nào cũng có những sáng tác mới cho thiếu nhi. Có lúc Ăngđớcxen đã nói ra: "Người người đều hờn dỗi với tôi, mỗi lần tôi để cho cái tháng chạp qua đi, mỗi lần người ta không có tác phẩm mới của tôi mà trẻ già đều ưa thích và treo lên cành cây thông tết Noel". Truyện ngắn ba tập đã được rất nhiều người nhắc luôn luôn tên tuổi Ăngđớcxen. Mười năm sau, tác giả đổi tên sách, không gọi là truyện thiếu nhi nữa, bởi vì lúc ấy, ngoài nhưng độc giả trẻ em, có vô số người đứng tuổi đọc truyện ngắn Ăngđớcxen.
Truyện ngắn Ăngđớcxen có những riêng biệt đặc sắc. Nó không nghịch ngợm hoặc đỏm dáng như truyện kể của Perôn nước Pháp, nó cũng không kỳ quái huyền ảo như truyện của nhà văn lãng mạn Đức. Mà nó dung dị, đậm ý vị thơ, bừng sáng trước cuộc sống xám mờ, dâng trào mãi mãi lên sự yêu quý con người. Truyện hấp dẫn người xem chính là ở đấy. Những bài học của truyện Ăngđớcxen (ví dụ những truyện ngắn Chim họa mi; Truyện một bà mẹ; Áo mới của Hoàng đế v..v.) từ lòng câu chuyện kể mà toát ra, chứ không giáo điều ép gượng.
Người ta hay nói đến tấm lòng thơm thảo và xúc động tinh vi của Ăngđớcxen. Thực ra, những đức tính ấy của nhà văn chỉ hiện lên khi nào nhà văn đề cập đến những con người quần chúng mình yêu mến. Cái khía cạnh khác ở truyện Ăngđớcxen, là cũng rất cay độc, châm biếm, chửi đời sắc cạnh. Chẳng hạn như đối với những cái hợm mình rởm đời thô tục, những cái đã ngu mà lại ác bạo của đám cửa quyền phong kiến và thượng lưu tư sản.
Đi vào cuộc đời nghệ thuật, Ăngđớcxen đã thử qua nhiều lối văn, nhiều thể cách: đã từng làm thơ, đóng kịch, viết tiểu luận, viết vở nhạc kịch ca kịch, viết truyện dài. Nhưng truyện ngắn là một hình thức sở trường và thành tựu nhất để Ăngđớcxen đột phá vào cuộc sống. Ăngđớcxen đã nổi danh vì truyện ngắn, và nội dung và hình thức truyện kể ấy đã tạo được vui sướng cho mọi lứa tuổi bạn đọc, trẻ em cũng như người lớn. Đúng như lời nhà phê bình Nga Biêlanhxki đã nói về truyện thiếu nhi: "Sáng tác đi, viết cho thiếu nhi; nhưng phải viết thế nào để cả những người đứng tuổi cũng đọc và thấy thú vị...". Một em nhỏ nào đã đọc qua truyện ngắn Ăngđớcxen thì trọn đời không khi nào quên và dửng dưng với thơ ca, mộng ước, tình thương yêu và lòng công bằng. Còn trứng nước, người độc giả tý hon thấy ở truyện Ăngđớcxen cái thế giới tưởng tượng xa xôi có yêu tinh nhưng cũng có Nàng Tiên, và sớm biết rằng kẻ ác dù oai tợn đến đâu rồi cuối cùng cũng cứ lăn chiêng đổ nhào. Lớn dần lên, tưởng tượng dồi dào hơn, người bạn đọc sẽ thấy nhân vật là những người cố gắng vượt khó để tiến gần lên công lý và nhích mãi tới chân lý. Đứng tuổi rồi thì người bạn đọc sẽ thấy ở truyện ngắn đó bừng lên những kinh nghiệm về lẽ đời và đạo người, thấy cái triết lý sinh động của sự sống, và cái lý giải chân xác về cuộc sống. Ở người độc giả lớn tuổi, Ăngđớcxen đã biết tỉnh gợi được lại cái phần hồn nhiên trong trắng vẫn đọng chìm, đánh thức lại những cái bồng bột chân chất của tuổi măng trứng để mà đối soi vào thực tế phiền phức.
Ngay cả ngày nay, bây giờ đây, với chúng ta đây, cuộc sống so với thế kỷ của Ăngđớcxen đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn căng thẳng, vẫn còn nhiều bóng đen muốn chụp vào ánh sáng, chúng ta vẫn thấy cái giá trị hiện thời của truyện Ăngđớcxen lúc nào cũng ca ngợi Hòa bình và Dân chủ.
Ăngđớcxen là một văn hào nổi tiếng trong nước, và danh vang ra nhiều nước ngoài như Nga, Đức, Thụy Điển, Anh, Pháp, Mỹ. Lúc sống đã như vậy và sau lúc nằm xuống, lại càng lừng lẫy. Sinh thời Ăngđớcxen là bạn thân của Henri Heine nước Đức, Victor Hugo nước Pháp, Charles Dickens nước Anh; Gorki là người rất thích truyện ngắn Ăngđớcxen. Ăngđớcxen đã nói: "Tôi rất sung sướng thấy tác phẩm của tôi được đọc nhiều ở nước Nga vĩ đại và hùng cường mà tôi đã hiểu phần nào về văn học súc tích từ Karamzine, Pouchkine đến những thời cận đại". Tự hào về cái phần của Tổ quốc Đan Mạch mình đóng góp vào văn học thế giới, Ăngđớcxen rất tha thiết với những thành quả của các nền văn học các nước.
Ăngđớcxen đã được dịch ra từ lâu rồi ở trên thế giới, trong khối dân chủ và cả ở nhiều nước tư bản. Riêng ở Liên Xô, đã dịch ra ba mươi ba thứ tiếng khác nhau, xuất bản một trăm chín mươi lần gồm hơn bảy triệu cuốn, đã phổ nhạc cho kịch viện thiếu nhi, các hý viện soạn truyện thành kịch, và đài truyền thanh có những buổi phát thanh cho trẻ em Liên Xô và dành riêng cho các truyện Ăngđớcxen.
Truyện Ăngđớcxen có một sức mạnh kỳ diệu. Tư tưởng nghệ thuật và tư tưởng nói chung của Ăngđớcxen thể hiện qua truyện ngắn đã ảnh hưởng đến văn học dân chủ trong nước Đan Mạch và tác động đến trào lưu văn học nước ngoài lúc bấy giờ. Cho tới ngày nay, những truyện ngắn ấy vẫn còn tác động rất sâu và rất xa. Vì tác giả ấy đã là một nhà thơ rất hiện thực, nội dung truyện kể luôn luôn đi vào nhũng chủ đề lớn: Sự sống còn; tình yêu thương; và sự lao động làm ra hạnh phúc con người.
Ăngđớcxen đã dựng lại cuộc sống thực tế với những quan hệ xã hội thực, có người giàu, người nghèo, với những cái bất bình đẳng và trái với công lý. Cái xã hội ấy nghễu nghện những địa chủ trọc phú quyền chức, những tên tư bản thủ đoạn, rất tự mãn và ngu tối. Xuất thân là người bình dân, lớn lên trong lao khổ, phải chịu đựng những bất công, Ăngđớcxen đã kiên quyết phấn đấu cho tất cả những người nghèo bị bóc lột và khao khát hạnh phúc chính đáng. Truyện ngắn Ăngđớcxen đã cụ thể hóa những hoài bão của tác giả. Càng am tường về sự mục ruỗng và đê tiện của đám quyền tước thống trị, mà tác giả lại càng nhận thức sâu sắc được về bản chất thuần phác của những con người nghèo, đói sạch, rách thơm, và tâm hồn có nhiều điểm rất cao quý.
Truyện nào của Ăngđớcxen cũng phụng sự cho những người thường dân làm lụng, rất nhiều thiện ý những cũng rất nhiều đau khổ. Cái xấu, các ác, tủi thương khổ não vẫn bao vây con người, nhưng nhà viết đoản thiên kỳ tài của chúng ta vẫn là người tin chắc ở tương lai hạnh phúc, vẫn giữ độc giả mình đứng sát vào điều Thiện. Cái lòng lạc quan ở Em bé bán diêm ấy cũng là bao trùm toàn bộ trứ tác. Cái lớn của Ăngđớcxen là đã đưa vào văn học Đan Mạch lúc ấy cái hình ảnh hiện thực của con người bình dân làm việc nhiều, nhiều sáng kiến và nhiều đức tính. Thêm nữa, vạch cho mọi người thấy được chất thơ trong đời sống nhân dân. Đất nước Đan Mạch nhiều rừng sến, nhà gianh, cồn cát, lâu đài cổ hoang, và có rất nhiều truyền thuyết dân gian, ghi lại trong lòng dân chúng cái lịch sử nhân dân nhiều võ công nhưng cũng nhiều đầy ải. Dân ca là cái nguồn phong phú để Ăngđớcxen tìm chủ đề và nhân vật. Cái ngữ pháp chứa chan cảm xúc và rất sống mà tác giả vẫn dùng để kể chuyện, có rất nhiều nét hồn nhiên nhưng được người lớn rất thưởng thức, vì nó phản ảnh được cái tư tưởng thâm thúy của tác giả. Thêm một lẽ khác nữa, mọi người đọc đều yêu thích cái ngữ pháp ấy là bởi vì đó là cái tiếng nói rất giàu có tươi lành của nhân dân; nó hiền, nó sáng, nó rất phổ cập. Bất chấp sự dèm pha của bọn phê bình tư sản, Ăngđớcxen lúc đã nổi tiếng rồi, vẫn đứng trên sân khấu mà đọc truyện mình viết cho thợ thuyền và nhân dân lao động thưởng thức. Bọn quyền quý ve vãn, đãi cái này cái nọ, nhưng nhà văn đã nổi tiếng ấy vẫn giữ vững cái tính chất nhân dân của mình và đã viết trong một tâm thư: "Tính chất dân tộc của tôi là đã dùng tiếng nói của quần chúng trong sáng tác".
Lại còn phát biểu: "Tôi cảm thấy cái sứ mệnh của nhà thơ có khả năng nói cho hàng ngàn người nghe, là cao cả và thiêng liêng biết bao?". Ngay cái cách dùng thể truyện kể để truyền đi tư tưởng dân chủ và bác ái của mình, cũng biểu hiện cái tính chất nhân dân của tác giả, bởi vì "truyện ngắn bao giờ cũng chứa chất nhiều khát vọng lớn lao của nhân dân" (Pôlêvôi) và nhân dân vẫn quen thuộc với thể truyện kể, và dễ cảm thông với nó.
Ngoài những đức tính dân tộc, nhân dân nói trên, Ăngđớcxen còn là một văn hào rất yêu tin khoa học. Nhà thơ mộng ước về tương lai ấy vốn là một người viết truyện hiện thực, rất yêu cuộc đời và luôn luôn hướng vào sự cải thiện cuộc sống con người. Một mặt, tác giả dựng lại cái không khí thời trung cổ của Đan Mạch với tất cả những xâu xé phong kiến, áp bức nông dân, đả tất cả những cái lãng mạn phản động ca tụng dĩ vãng, mê tín và ngu dân.
Mặt khác, ca ngợi con người chinh phục thiên nhiên; ca tụng việc đặt đường điện tín qua đại dương và nối liền tư tưởng con người giữa hai cõi đại lục Âu và Mỹ; ca ngợi sự phát triển kỹ thuật như dây thép, máy ảnh và đường xe lửa giúp cho đời sống. Trong truyện Ông tằng tổ Ăngđớcxen cảm động mà bộc lộ tấm lòng biết ơn đối với khoa học. Rất yêu tin khoa học và kỹ thuật, nhưng Ăngđớcxen là người rất ghét chiến tranh, đã từng lên tiếng ghét thù nó, và đã gọi chiến tranh là "một con quái vật ghê tởm khát máu và nuốt các thành phố bốc lửa".
Ăngđớcxen là một văn hào lớn cách đây hơn một thế kỷ đã tự xếp mình vào hàng ngũ những nhà văn chiến đấu bảo vệ giá trị con người. Tuy chưa nêu lên được cái cách để giải quyết cụ thể những vấn đề của cuộc sống, nhưng đã rất tin tưởng ở quần chúng nhân dân, ở tương lai hạnh phúc nhân dân, luôn luôn nêu lên cái tinh thần khoa học, dân chủ và dân tộc. Giàu lòng yêu đất nước mình, Ăngđớcxen đã gợi lên cái tình hữu nghị các dân tộc và tha thiết với sự trao đổi văn lóa giữa các dân tộc.
Ăngđớcxen thù ghét chiến tranh, cũng là trên cái tinh thần bảo vệ cho bằng được mọi công trình văn hóa các dân tộc cần phải tăng thêm sự gìn giữ và sự trao đổi.
Báo Văn nghệ, 1955
Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học - Nguyễn Tuân Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học