Số lần đọc/download: 7574 / 93
Cập nhật: 2016-08-01 22:05:00 +0700
Chương 9
K
hi Ê-li-xtơ-ra-tốp lần lượt gọi ông già chủ cũ của xưởng in và sau đó là Láp-tin đến hỏi cung ở Cục an ninh nhà nước thì Mi-rô-nốp hầu như không có mặt ở đấy cả ngày. Anh đang bận việc điều tra về Rư-gi-cốp. Càng nghiên cứu về Rư-gi-cốp và càng thu thập được nhiều tài liệu về con người ấy bao nhiêu thì anh càng tin rằng có thể gọi trực tiếp anh chàng đến để hỏi về Cô-nhi-lê-va. Anh suy nghĩ tìm một lý do hợp lý nào đó để làm cho anh chàng khỏi chột dạ và vì thế có thể dấu diếm mối quan hệ giữa anh ta và Cô-nhi-lê-va. Tuy nhiên dấu cũng không thể được vì trong tay Mi-rô-nốp đã có đủ các con bài cần thiết. Phải tạo một cái cớ nào đó để ngụy trang cho lý do chính và như thế mới hành động được. Nhưng cớ đó chưa tìm được.
Anh quyết định là phải xin ý kiến của lãnh đạo Cục an ninh nhà nước tỉnh và vào khoảng bốn giờ chiều anh đến cơ quan Cục gặp đại tá cục trưởng. Nhưng anh chưa kịp nói kỹ ý kiến của mình thì bỗng cánh cửa phòng sịch mở, anh nhân viên điều tra được cử theo Ê-li-xtơ-ra-tốp hốt hoảng bước vào. Mặt anh ta tái mét.
-- Báo cáo đại tá, -- anh nói, giọng hổn hển vì hồi hộp, -- xin phép đồng chí vào được không ạ? Tôi xin lỗi vì đường đột nhưng việc khẩn quá... Một việc rất khẩn cấp...
Ngay khi vừa nghe người cán bộ an ninh trẻ báo cáo về việc Ê-li-xtơ-ra-tốp gọi Láp-tin đến và tính chất cuộc hỏi cung thì An-đrây hiểu rằng, khó lòng mà cứu vãn anh ta được nữa: Ê-li-xtơ-ra-tốp đã "tự hại" mình rồi. Biết làm sao được.
Dần dần anh nhân viên điều tra, sau khi trấn tĩnh lại, đã trả lời rành rọt những câu hỏi chín chắn của đại tá về cuộc lấy cung người chủ cũ của xưởng in, về cuộc hỏi cung tiếp theo ngay với Láp-tin và về thái độ của Ê-li-xtơ-ra-tốp đã dùng những phương pháp không đúng để cưỡng bức Láp-tin nhận những chứng cớ về hoạt động phản bội mà ông ta không có.
Trong khi nghe báo cáo của người đồng nghiệp trẻ tuổi, An-đrây rộn lên hai tình cảm lẫn lộn. Một bên là sự phẫn nộ sâu sắc trước khuyết điểm nghiêm trọng không thể tha thứ được của Ê-li-xtơ-ra-tốp. Anh rất xấu hổ trước tư cách của người cán bộ đại diện cho cơ quan an ninh trung ương về công tác ở địa phương. Tuy vậy anh rất vui mừng vì anh cán bộ trẻ tuổi của cơ quan an ninh rõ ràng là vừa vào nghề chưa được bao lâu đã hiểu được điều chính yếu và cơ bản nhất trong nghề của mình nên đã mạnh dạn, thẳng thắn, đấu tranh với một người vừa là ở cương vị cấp trên và ở cơ quan cấp trung ương, vừa có kinh nghiệm hơn; vì người cấp trên của anh đã vi phạm thô bạo quyền tự do của con người, vi phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa. Điều đó nói lên cái gì? Phải chăng đó là trình độ của cán bộ và phong cách làm việc ở cơ quan an ninh nhà nước đã đổi khác.
Mải suy nghĩ, An-đrây không nghe rõ đại tá đã hỏi anh đến lần thứ hai. Giật mình khi biết rằng đại tá hỏi mình, Mi-rô-nốp mỉm cười ngượng nghịu:
-- Xin lỗi đồng chí, tôi đang mải suy luận một điều. Đồng chí bảo tôi đánh giá việc này ra sao ư? Theo tôi, nếu được đồng chí cho phép, thì cuộc hỏi cung này cần phải đình chỉ ngay và phải hỏi lại Láp-tin. Ai sẽ gặp lại Láp-tin thì do đồng chí quyết định. Theo tôi, có lẽ ta cũng cần phải hỏi lại cả ông già chủ cũ xưởng in. Chả cần gì phải bàn đến chuyện khác, vì chẳng hạn như phương pháp và hình thức hỏi cung là đã vi phạm tính chất hợp pháp của nó rồi, chỉ riêng việc đưa các tấm ảnh ra cũng đã rõ. Anh ta chỉ đưa một tấm ảnh hỏi để buộc ông già phải nhận ngay
Quả thực là tôi không thể tin việc ông già nhận mặt người trong ảnh là đúng. Chúng ta tự suy xét xem, ai mà có thể nhớ kỹ khuôn mặt một con người tình cờ thoáng gặp cách đây hàng mười lăm - mười sáu năm trời, huống chi đây lại chỉ là môt tấm ảnh? Thật vô lý.
-- Tôi đồng ý! -- Đại tá khẽ gật đầu. -- Bây giờ thế này, -- ông quay lại nói với người cán bộ trẻ. --_Anh đến ngay phòng Ê-li-xtơ-ra-tốp và báo cho anh ta rõ ý kiến của tôi là: nếu có thể thì mời anh ta đến đây ngay. Anh hiểu ý tôi chứ? Đến ngay không được dềnh dàng vì lý do gì hết. Còn anh thì ngồi lại đấy tiếp Láp-tin nhưng không được hỏi han gì về câu chuyện vừa rồi cả. Rõ chứ?
-- Rõ... Báo cáo đại tá, xin tuân lệnh.
-- Khoan đã, -- đại tá vội giơ tay ngăn anh chàng cán bộ trẻ vừa đứng dậy và đang định đi ra. -- Trưa nay ai là người tổ chức việc gọi và hỏi cung ông già chủ xưởng in? Anh phải không? Thế thì anh biết là ông ta ở đâu chứ? Biết không? Tốt nhất là thế này: lấy ngay xe ô-tô phóng đến mời luôn ông ta đến đây gặp chúng tôi. Thi hành đi.
Khi người nhân viên đã đi ra, đại tá trầm ngâm im lặng, xoa xoa cái tẩu thuốc. Mi-rô-nốp cũng ngồi yên. Hai người cứ ngồi đến mấy phút cho đến lúc Ê-li-xtơ-ra-tốp bước vào phòng. Anh ta bước những bước dài, có vẻ bực bội, mắt nhìn thẳng. Không khí trong phòng không có vẻ gì hứa hẹn anh ta là cuộc nói chuyện sẽ êm thấm nhưng Ê-li-xtơ-ra-tốp tự nhủ mình rằng: chả có gì đáng sợ.
-- Mời anh ngồi. -- Đại tá nói. -- Hôm nay, tôi được báo cáo là anh đã cho mời ông già chủ xưởng in đã in truyền đơn của bọn phát-xít trước đây, lên hỏi cung. Có phải thế không? Anh vui lòng cho chúng tôi xem biên bản hỏi cung.
-- Sẵn sàng thôi, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp nhún vai, bực dọc mở cặp lấy tập biên bản và đưa cho đại tá, -- Đây mời đồng chí xem. Những lời khai của người bị hỏi cung xác nhận rằng, Láp-tin chính là kẻ đã đưa cho ông ta in tờ truyền đơn.
-- Công nhận thế à? -- Mi-rô-nốp không giấu nổi vẻ bực mình, -- ông ta nhận thế nào. Anh cứ nói thẳng ra. Anh đã đưa ảnh của những ai ra để ông già nhận mặt. Mấy người tất cả?
-- Đồng chí thiếu tá, về câu hỏi của đồng chí thì, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp dằn giọng hai chữ "đồng chí" một cách lạnh lùng, -- tôi không có ý trả lời đâu. Đồng chí nghĩ rằng, có lẽ tôi không rõ là tôi đưa ảnh ai ra à?
-- Bình tĩnh, bình tĩnh nào, các đồng chí, -- đại tá hơi cau mày. -- Còn đồng chí Ê-li-xtơ-ra-tốp, dầu sao cũng nên nói cho rõ là đồng chí đã đưa những tấm ảnh nào cho người bị hỏi cung xem?
-- Tôi hoàn toàn không hiểu câu hỏi của đồng chí đấy. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp vẫn trả lời, vẻ ngang bướng. -- Tôi không phải là trẻ con nên tôi cũng phải hiểu là tôi làm gì chứ. Tất nhiên là tôi chỉ đưa những tấm ảnh mà tôi thấy cần thiết.
-- Nhưng là ảnh nào chứ? -- Đại tá nhắc lại câu hỏi với thái độ điềm tĩnh.
-- Ảnh nào nữa, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp hơi cười gượng. -- Tôi đưa ngay ảnh của Láp-tin ra còn các ảnh khác thì trong tay tôi không có cái nào cả.
-- À ra thế. -- Đại tá nói. -- Thế tại sao đồng chí lại cố ý hành động trái với luật pháp và những điều quy định hiện hành? Tôi nghĩ rằng có lẽ đồng chí cũng hiểu rõ chả kém gì người khác là khi tiến hành hỏi cung và cần có ảnh để nhận dạng thì không được phép đưa một mà phải đưa ra nhiều ảnh để người bị hỏi tự do nhận mặt.
-- Tôi biết, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp chống chế, -- nhưng đó chỉ là hình thức mà thôi...
-- Sao? Luật pháp xô-viết chỉ là hình thức thôi à? -- Đại tá nhún vai vẻ không hiểu. -- Thế đồng chí cho rằng, việc thỉnh thị ý kiến và xin quyết định của lãnh đạo cũng là hình thức chăng? Tại sao đồng chí gọi Láp-tin đến hỏi cung mà không hề báo cáo cho ai biết cả? Xin lỗi, điều này có thể chạm đến tự ái của đồng chí đấy. Nhưng tôi muốn biết rõ thái độ của đồng chí ra sao...
-- Không, đồng chí đại tá, chính tôi phải xin lỗi đồng chí, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp vội tranh lời, giọng nói đã có vẻ biết điều hơn nhưng vẫn khăng khăng một mực, -- sở dĩ như vậy vì tôi cho rằng, chả cần phải câu nệ hình thức làm gì khi gọi một người nào đó đến hỏi cung sơ bộ lại cứ phải được sự đồng ý của lãnh đạo Ủy ban an ninh. Do đó, tôi thấy không cần thiết phải gọi điện cho Mát-xcơ-va. Còn về đồng chí, thì tôi xin phép được nhắc rõ rằng, tôi không phải là cấp dưới trực tiếp. Dù sao thì tôi cũng là cán bộ biệt phái của cơ quan an ninh trung ương..
-- À, ra thế đấy! Đại tá hơi ngạc nhiên, ngắt lời Ê-li-xtơ-ra-tốp. -- Vậy thì, trong trường hợp này, tôi cũng xin nhắc lại để anh rõ là, thời đại mà cán bộ cơ quan trung ương coi thường mọi ý kiến của cơ quan địa phương đã vĩnh viễn qua rồi. Hỏi cung cũng có năm bảy cách khác nhau. Anh hãy báo cáo kết quả cuộc hỏi cung Láp-tin cho tôi rõ.
-- Nhưng cuộc hỏi cung đã xong đâu...
-- Không sao, tôi và đồng chí Mi-rô-nốp chỉ cần biết những điều mà anh đã hỏi và ghi chép được. Anh có mang biên bản đến đây không?
Ê-li-xtơ-ra-tốp không còn cách nào chống chế được. Anh ta lặng lẽ rút trong cặp ra tập biên bản và ngượng ngùng đưa cho đại tá. Đại tá chăm chú đọc hết trang này sang trang khác và lần lượt đưa cho Mi-rô-nốp đọc. Họ chưa đọc hết thì trực nhật vào báo cáo với đại tá là người chủ xưởng in đã tới và đang ngồi chờ ở phòng khách.
-- Dẫn ông ta vào đây, -- Đại tá ra lệnh rồi quay sang nói với Mi-rô-nốp và Ê-li-xtơ-ra-tốp, -- các anh cùng ngồi dự luôn ở đây.
Đúng như Mi-rô-nốp đã nhận định, cuộc hỏi cung lần này đã chứng minh hết sức rõ ràng: trong số năm bức ảnh mấy người đàn ông đứng tuổi được đưa ra cho người chủ xưởng in xem, ông ta không nhận được ai cả. Không những ông ta không nhận được ai mà ngay cả ảnh Láp-tin mà lúc trưa người ta đã đưa cho ông xem, ông cũng không nhận ra nổi.
Sau khi đã cho ông chủ xưởng in đi ra, đại tá đề nghị Mi-rô-nốp và Ê-li-xtơ-ra-tốp cùng ngồi dự cuộc hỏi cung Láp-tin. Đại tá tự hỏi cung. Ông hỏi rành rọt, điềm tĩnh. Ông bắt đầu bằng câu hỏi là Láp-tin có công nhận những lời khai của ông ta về những hoạt động với cơ quan tình báo Đức vừa rồi không. Láp-tin ấp úng, rồi cau có hết nhìn đại tá lại nhìn Ê-li-xtơ-ra-tốp và ngập ngừng công nhận những lời khai của mình. Ê-li-xtơ-ra-tốp mỉm cười, đắc thắng.
-- Ông hãy nói cụ thể xem, ông nhận việc gì trong cơ quan tình báo Đức? -- Đại tá hỏi tiếp. -- Ông nhớ kỹ xem, chúng nó giao cho ông việc gì cụ thể, ai giao và ông đã thi hành ra sao?
-- Nhiệm vụ cụ thể à? -- Láp-tin hốt hoảng hỏi. -- Tôi chả biết nhiệm vụ gì cả... Tôi làm việc ở xưởng sửa chữa máy thu thanh mà người ta nói là thuộc cơ quan tình báo ở cảng quản lý. Còn nhiệm vụ thì...
Đại tá liền hỏi ngay câu khác:
-- Do đâu mà ông biết được xưởng đó thuộc cơ quan tình báo Đức?
-- Do đâu à? Thưa do chính ông dự thẩm này nói cho tôi biết mà. -- Láp-tin vừa nói vừa hất đầu chỉ Ê-li-xtơ-ra-tốp.
Lần này thì Ê-li-xtơ-ra-tốp không cười nữa.
-- Tôi hỏi ông chứ không hỏi ông thiếu tá này. Bản thân ông đã làm sao và bằng cách nào mà biết được rằng, chính bọn tình báo Đức là chủ các xưởng sửa chữa máy thu thanh?
-- Tôi vừa mới biết tại đây thôi, ngay trong cuộc hỏi cung lúc nãy, -- Láp-tin đáp ngay không do dự gì cả.
-- Ở đây à? Thật thế chứ! Thế còn việc liên lạc của ông với cơ quan tình báo này? Ông làm gì ở xưởng và những điều khác mà ông biết về xưởng này ra sao? Ông nói được chứ?
-- Còn gì nữa à? Tôi làm thợ nguội. Chỉ có thế thôi.
-- Trong thời gian Đức chiếm đóng, có bao nhiêu người làm ở xưởng này? -- Đại tá nêu tiếp câu hỏi khác.
-- Ồ, thưa ông thủ trưởng. -- Láp-tin sôi nổi. -- Làm sao mà tôi biết được? Có thể là hai trăm mà cũng có thể là ba trăm.
-- Thế tức là toàn bộ hai trăm hay ba trăm công nhân kỹ sư và viên chức làm việc ở xưởng đều là những tay sai,đều là kẻ phản bội đã hợp tác với bọn Đức cả hay sao?
Láp-tin im lặng. Ông ta biết trả lời thế nào được. Cuộc hỏi cung lần này khác với lúc nãy.
-- Thế nào, ông Láp-tin? Sao im lặng thế? -- Đại tá giục hỏi. -- Ông có cho rằng tất cả những người làm ở xưởng này đều là gián điệp cả không?
Láp-tin xua xua tay vẻ chán chường:
-- Tôi không biết, tôi không biết gì hết.
-- Ông làm ở xưởng này bao nhiêu năm rồi? -- Đại tá bỗng hỏi tiếp.
-- Tôi ấy à? -- Láp-tin ngẩng đầu. Mặt ông ta có vẻ rạng rỡ hơn, đôi mắt long lanh. -- Gần nửa thế kỷ rồi đấy. Tôi làm ở đây từ hồi còn bé và lúc đó nó mới là xưởng điện thoại của một chủ khác. Tôi làm với bố tôi. Đó là từ trước cách mạng cơ đấy. Lúc đầu là học việc, sau làm thợ nguội. Mãi gần đây mới được đề bạt là đốc công đấy...
Đại tá càng hỏi thêm bao nhiêu thì Láp-tin càng trả lời sôi nổi và cụ thể bấy nhiêu. Điều đó càng chứng minh rõ là những lời Ê-li-xtơ-ra-tốp ghi vào biên bản chỉ là những gợi ý hết sức vô lý.
Sau khi cho phép Láp-tin ra về, đại tá liền quay sang Ê-li-xtơ-ra-tốp đang ngồi ỉu xìu ở góc bàn:
-- Tôi không ngờ một người vẫn tự coi là cán bộ điều tra có kinh nghiệm như anh mà lại có thể tiến hành một cuộc hỏi cung với dụng ý xấu như vậy. Anh lại có thể khinh thường một con người đến như thế đấy. Thật là đáng xấu hổ!
-- Thưa đồng chí đại tá, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp mặt trắng bệch, lắp bắp, -- đồng chí nhầm rồi. Chẳng qua giữa chúng ta có những phương pháp hỏi cung khác nhau. Ngay phương pháp vừa rồi của đồng chí, chúng ta cũng còn cần phải tranh luận cho ra lẽ.
Đại tá ngạc nhiên nhìn anh ta. Một lát sau, ông buồn bực lắc đầu:
-- Quả là anh cố tình không muốn mở mắt ra. Anh không hiểu tí gì cả... Tôi buộc lòng phải đình chỉ công tác điều tra của anh và báo cáo hành động của anh về Mát-xcơ-va. Và, theo tôi... Theo tôi, thì tốt hơn hết anh hãy về ngay Mát-xcơ-va càng sớm càng tốt: ở đây, anh chả có việc gì để mà làm nữa.
Về sau Mi-rô-nốp được biết là Ê-li-xtơ-ra-tốp đã bị kỷ luật xứng đáng: anh ta bị đưa ra khỏi cơ quan an ninh và bị khai trừ ra khỏi Đảng. Nhưng, việc đó xảy ra sau khi An-đrây rời N. và mãi tới lúc vụ án đã kết thúc mới giải quyết xong.
Tối hôm đó, Mi-rô-nốp cho gọi Rư-gi-cốp đến hỏi. Cái cớ cần tạo ra đã có: Láp-tin đã khai lý do cuộc gặp gỡ giữa ông ta với Rư-gi-cốp ở cảng (việc mua lậu các linh kiện máy thu thanh) nên anh đã có một cớ rất chính đáng để gọi Rư-gi-cốp đến. Chả cần phải nói dối anh ta làm gì. Từ đấy sẽ dần dần khai thác những điều khác cần thiết hơn.
Đúng hẹn, Rư-gi-cốp khép nép bước vào phòng. Anh ta rụt rè ngồi xuống ghế và Mi-rô-nốp đã nhận thấy thái độ sợ sệt của Rư-gi-cốp.
Mặt anh ta lúc đỏ bừng, lúc thì xanh xám lại. Anh ta không biết để hai tay vào đâu. Khi thì khoanh trước ngực, khi thì đút vào túi áo rồi lại đặt lên đầu gối! Anh ta nhìn quanh, nuốt nước bọt.
Mi-rô-nốp đứng dậy bước đến bên chiếc bàn con, cầm bình nước rót một cốc đầy tận miệng và đưa cho Rư-gi-cốp.
-- Anh uống đi.
Rư-gi-cốp nuốt nước bọt khan rồi cầm lấy cốc và uống cạn một hơi. Cặp môi anh run run trên mép cốc.
-- Việc gì anh lại hồi hộp thế? -- Mi-rô-nốp mỉm cười, hỏi.
-- Không, không, tôi có... có hồi hộp gì đâu. Đồng, đồng chí... tưởng... tưởng nhầm đấy. -- Rư-gi-cốp cố nén lo sợ, làm ra vẻ bình thản trả lời.
Mi-rô-nốp đặt chiếc cốc vào chỗ và ngồi vào bàn. Nguyên nhân làm Rư-gi-cốp sợ hãi đã rõ ràng. Như đã xác minh, anh ta vẫn hay lén lút gặp bọn buôn lậu các hàng nước ngoài tại N. này -- một thành phố cảng lớn vẫn chưa thể hoàn toàn kiểm soát hết được. Và một trong những chứng cớ bổ sung cho sự việc trên là cuộc gặp gỡ giữa anh ta với Láp-tin để bán các phụ tùng hiếm của máy thu thanh. Cho nên việc Rư-gi-cốp sợ hãi khi bị gọi đến trước người đại diện của cơ quan an ninh là điều dễ hiểu. Nhưng có phải nguyên nhân chỉ đóng khung ở các hàng đầu cơ,ở các linh kiện hiếm của máy thu thanh, hay là còn lý do khác?
-- Anh Rư-gi-cốp, ta bắt đầu chứ? -- Mi-rô-nốp hỏi.
-- Bắt đầu cái gì cơ ạ?
-- Thế nào, anh định nói gì? -- Mi-rô-nốp ngạc nhiên. -- Hãy kể về các hoạt động của anh, chứ còn gì nữa.
-- Hoạt động gì cơ ạ?
-- Này, Rư-gi-cốp! Anh biết đấy, -- Mi-rô-nốp bình tĩnh nói, -- làm kiểu ấy không xuôi đâu. Đừng chơi trò ngây ngô nữa. Nếu như anh không biết bắt đầu từ đâu thì tôi sẽ nói hộ, sẽ giúp anh. Có thể kể cho biết là anh đã xoáy các linh kiện hiếm của máy thu thanh để bán cho Láp-tin -- đốc công xưởng sửa chữa máy thu thanh ở cảng -- bằng cách nào không?..
-- Vâng, vâng, tôi sẽ nói, sẽ nói hết, -- Rư-gi-cốp lắp bắp. -- Tất nhiên là tôi đã làm một việc không tốt. Đáng lẽ không nên lấy những linh kiện đó làm gì. Nhưng quả thật đó là những thứ không dùng được, không còn phẩm chất, thuộc vào loại hàng phế phẩm...
Uống vội cốc nước, Rư-gi-cốp vừa bị nấc vừa kể cho Mi-rô-nốp biết là anh ta đã mấy lần lấy cắp các linh kiện hỏng và bán lại cho những người chơi máy thu thanh. Do việc bán chác đó mà khoảng hơn một năm trước đây, Rư-gi-cốp đã gặp và quen biết với một tay chạy hàng xách. Anh chàng này chuyên bán lậu các loại áo quần phụ nữ như áo lót, áo cổ tròn, áo khoác các loại bằng ni-lông và kẹo cao-su mà anh ta đã mua được của những người du lịch nước ngoài theo giá hời và sau đó bán lại đắt gấp hai ba lần cho những kẻ chuộng hàng lạ,những người thích ăn diện trong thành phố N. hoặc những khách du lịch khác tới đây.
Anh chàng "thương nhân" đó đã đề nghị Rư-gi-cốp hợp tác và bán cho anh ta các phụ tùng máy thu thanh với giá khá hời, nhưng theo lời Rư-gi-cốp nói, thì anh ta cũng không bị sa vào chuyện đó. Thỉnh thoảng thì Rư-gi-cốp cũng có nhượng lại cho anh bạn "hàng xách" kia một ít mặt hàng của mình để đổi lại những "hàng hiếm"của hắn ta với giá phải chăng. Qua anh chàng này, Rư-gi-cốp đã quen biết thêm được một số tay buôn lậu khác mà thỉnh thoảng vẫn có những món hàng riêng, hấp dẫn. Rư-gi-cốp kể ra một số tên người và nghề nghiệp chính, chỗ ở cũng như nơi làm việc của họ...
Kết thúc câu chuyện, anh ta cười, vẻ nịnh nọt, bợ đỡ:
-- Thưa đồng chí, câu chuyện của tôi có vậy thôi đấy ạ.
-- Hết thực rồi chứ? -- Giọng An-đrây như báo cho Rư-gi-cốp biết là câu chuyện chưa xong đâu. -- Không, chưa hết đâu. Còn những chuyến đi du lịch, những chuyến công tác tỉnh xa của anh nữa, anh chưa quên chứ?
-- Những chuyến du lịch nào? -- Rư-gi-cốp ngạc nhiên hỏi lại. -- Chuyến đi nào cơ ạ?
-- Chuyến đi Crai-xcơ chẳng hạn. Anh đến đấy làm gì? Tôi tin rằng anh đến đấy là do yêu cầu công tác chứ?
Mặt Rư-gi-cốp từ từ đỏ bừng lên giống như máu từ chân tóc bốc lên.
-- Không, -- anh ta lúng túng. -- Tôi đến Crai-xcơ không phải do yêu cầu công tác. Ở đấy, ở... đấy tôi có người bạn gái.
-- Người đó là ai?
-- Xin lỗi đồng chí, đây là việc hoàn toàn riêng tư. Tôi xin phép không phải nêu tên cô ấy ra đây...
-- Nhưng tôi có thể nói rõ tên cô ấy ra chứ?
-- Sao ạ? Đồng chí biết?..
-- Đúng, tôi biết. Nếu như tôi không nhầm thì cô ta là Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na. Có phải không?
Rư-gi-cốp đứng bật dậy. Mặt anh ta từ vẻ ngạc nhiên chuyển sang vẻ kinh hoàng, sửng sốt đến sợ hãi, làm cho Mi-rô-nốp suýt bật cười.
-- Ôi, lạy Chúa! -- Rư-gi-cốp kêu lên. -- Lạy Chúa! Tôi xin kể hết, xin kể hết ạ.
Theo lời Rư-gi-cốp thì anh ta làm quen với Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Vê-lít-cô (anh ta gọi đúng từng họ, tên như vậy) từ mùa hè năm ngoái ở Ki-xlô-vơ-xcơ. Quen nhau chưa mấy chốc, Rư-gi-cốp đã tỏ vẻ săn đón cô ta hết mực. Ôn-ga vẫn niềm nở với anh ta nhưng vẫn giữ vẻ nghiêm nghị, không lộ ra ý gì ngoài phép lịch sự cần có. Có thể do đó mà làm cho Rư-gi-cốp, nếu như nói thật nghiêm túc, càng say như điếu đổ. Còn cô ta thì sao? Cô ta thì chỉ cười thôi, chả biểu lộ gì hơn nữa. Họ chia tay nhau trong tình hình như vậy.
Trở về N. Rư-gi-cốp không lúc nào là không nghĩ, không nhớ đến hình ảnh Ôn-ga. Mấy hôm sau Rư-gi-cốp quyết định đến Crai-xcơ, nơi ở của Ôn-ga mà anh ta đã biết được trước lúc họ chia tay ở Ki-xlô-vơ-xcơ. Rư-gi-cốp tự nhủ mình, Ôn-ga có lẽ sẽ đối xử với anh ta tốt hơn, thân mật hơn so với những ngày ở nhà nghỉ mát, khi thấy rõ hơn tình cảm của anh ta đối với mình trong chuyến đi thăm này. Nhưng anh ta đã nhầm. Ở Crai-xcơ cũng vậy, Ôn-ga vẫn bình thản trước sự xuất hiện bất ngờ của anh ta.
Sau khi ở Crai-xcơ ít ngày chả có hy vọng gì tốt hơn, Rư-gi-cốp trở về N. lòng không vui lắm.
Ba tháng sau anh ta lại đến Crai-xcơ một lần nữa. Nhưng làm thế nào để đi được? Rất đơn giản thôi, Rư-gi-cốp đã bịa ra một cớ rồi xin nghỉ phép tự túc và nhờ người bạn thân ở văn phòng Ban giám đốc cấp cho một giấy công tác để thuê khách sạn cho dễ dàng.
Lần này Rư-gi-cốp quyết định hành động theo cách khác. Nhờ quen biết những tay xách hàng ở cảng, anh ta đã mua được những quần áo phụ nữ hợp mốt nhất như các kiểu áo lót ni-lông, mấy thứ đồ trang sức nước ngoài và lên đường. Nhưng những thứ hàng đó cũng không làm cho Ôn-ga chú ý. Cô ta không nhận. Thật là khó hiểu: Rư-gi-cốp đến thăm cô ta với những tặng phẩm hiếm thế mà Ôn-ga thì vẫn thờ ơ xem qua như một người mua hàng khó tính, thậm chí, chả thèm cảm ơn nữa, mời anh ta đi ra.
-- Bây giờ, thì quả là hết rồi, -- Rư-gi-cốp kết thúc câu chuyện. -- Và sau lần đó, như đồng chí biết đấy, tôi không đến đấy nữa và cũng không gặp Ôn-ga lần nào nữa.
Tuy nhiên, Mi-rô-nốp vẫn nêu lên những câu hỏi buộc Rư-gi-cốp phải suy nghĩ và trả lời sâu hơn. Sau đó, anh đưa tờ giấy trắng và bảo Rư-gi-cốp kê khai thật chính xác những đồ vật mà anh ta đã mang đến cho Ôn-ga.
Với vẻ ngạc nhiên thực sự, Rư-gi-cốp liếc nhìn Mi-rô-nốp và viết bản kê khai. Khi anh ta viết xong, Mi-rô-nốp liền cầm xem một cách chăm chú. Anh càng đọc kỹ bao nhiêu thì nét mặt càng có vẻ hài lòng bấy nhiêu.
-- Tốt lắm, -- Mi-rô-nốp nói và cất tờ khai vào cặp, -- giờ thì có thể cho là hết được rồi đấy, anh Rư-gi-cốp ạ.
Rư-gi-cốp ngập ngừng hỏi:
-- Xin cho biết là, tôi có việc gì không ạ? Tôi... tôi sẽ không bị bắt chứ ạ?
-- À, việc đó thì lại không thuộc phạm vi của tôi. Chúng tôi sẽ báo cho nhà máy biết việc làm của anh, việc anh giao thiệp với bọn buôn lậu, đầu cơ; ở đấy, họ sẽ xử sự đối với khuyết điểm của anh như thế nào thì tùy. Còn đối với bọn buôn lậu, thì anh đừng lo,chúng tôi sẽ tóm hết...
Rư-gi-cốp vừa ra khỏi phòng, Mi-rô-nốp liền xin nói chuyện đường dài với Crai-xcơ. Anh muốn so sánh bản khai số hàng của Rư-gi-cốp với bản kiểm kê số hàng mà Trê-nhi-a-ép đưa cho mụ Xa-môi-lốp-xcai-a đi bán. Dầu sao, cũng xác minh được là số hàng này đã rơi vào tay Ôn-ga bằng cách nào rồi. Phần điều tra này thì coi như kết thúc được, nhưng điều chính hiện nay là phải tìm cho ra Cô-nhi-lê-va. Cô gái mang tên giả là Vê-lít-cô ấy đang ở đâu? Đáp số của bài toán, cho đến nay vẫn chưa sao tìm ra.
Đường dây liên lạc với Crai-xcơ được nối khá nhanh.Mi-rô-nốp ngạc nhiên khi nhận ra giọng nói của Lu-ga-nốp ở đầu kia đường dây.
-- Cậu đấy à, Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích? Cậu từ Vô-rô-ne-giơ về bao giờ thế? Kết quả ra sao? Cậu chờ mình ở máy từ bao giờ mà nhanh thế?
-- Sao lại "chờ ở máy từ bao giờ", chính mình đang gọi điện cho cậu đây mà. -- Chả hiểu là ai đã dùng chữ "cậu" và "tớ" trước ai. -- Cậu định bao giờ thì về Crai-xcơ đấy?
-- Cậu gọi điện cho mình à?Thật không hiểu ra sao cả. Chính mình đăng ký gọi đi Crai-xcơ trước mà. Nhưng không sao. Có chuyện gì vậy?
-- Có tin buồn đấy, An-đrây ạ. Cậu Xa-vê-li-ép bị thương nặng. Các bác sĩ bảo khó sống... đấy... Cậu nên về ngay.
Sáng sớm hôm sau Mi-rô-nốp đáp chuyến máy bay đầu tiên đi Crai-xcơ.