The smallest bookstore still contains more ideas of worth than have been presented in the entire history of television.

Andrew Ross

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Sa Lan
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 29
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1184 / 17
Cập nhật: 2016-05-29 15:34:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ang chơi với con nơi phòng khách Kính nghe hai tiếng đing đong.
- Chắc bạn của ba tới...
Kính nói với Huệ đang ở trong nhà bếp rồi bước ra mở cửa. Thấy hai vợ chồng Hữu anh cười thốt.
- Dạ con chào hai bác...
Hữu bắt tay Kính.
- Sao khỏe không con?
- Dạ cám ơn bác... Có thằng nhỏ một tuổi mệt đừ bác ơi...
Ngọc bước ra cười đón khách.
- Dạ chào anh chị... Mời anh chị ngồi... Huệ rót nước cho hai bác đi con...
Miên, vợ của Hữu khoát tay.
- Thôi khỏi đi con... Người nhà không mà nước nôi làm chi. Chừng nào bác khát bác lấy một mình...
Nhìn Hữu Ngọc cười nói.
- Anh Hiền ảnh đi đón hai người bạn của ảnh chắc cũng sắp về tới...
- Ai vậy?
- Hai người này là bạn cùng xóm và học cùng lớp với ảnh ngày xưa...
Nghe có tiếng xe ngừng Ngọc tiếp nhanh.
- Chắc ảnh về tới...
Có tiếng người nói loáng thoáng rồi cửa mở ra. Hiền bước vào trước theo sau là một người đàn bà và hai người đàn ông. Bắt tay Hữu và gật đầu chào Miên Hiền cười.
- Chào chị...
- Chào chú... Lúc này tôi coi chú mập mạp và hồng hào ra...
Miên cười đùa. Hiền cười lớn.
- Dạ nhờ Ngọc thương nuôi cơm ngày bốn bữa...
Chỉ vào hai người người bạn anh tiếp.
- Xin giới thiệu với anh chị đây là Hùng, biệt danh Hùng Cò, bạn cùng xóm, cùng lớp của tôi. Đây là Hòa Nhóc cũng là bạn cùng xóm cùng trường. Còn đây là chị Lan, vợ của Hòa...
Dừng lại giây lát Hiền mới nói tiếp.
- Còn đây là anh Hữu với chị Miên. Anh Hữu là bạn với mình ở hải quân...
Ba người lính già bắt tay nhau. Gật đầu chào Ngọc Hùng Cò cười vui vẻ.
- Chào chị... Tôi thấy chị trẻ hơn hồi năm ngoái...
Ngọc chưa kịp nói Hiền xen vào trước.
- Tại Ngọc đọc truyện chưởng Kim Dung riết rồi luyện được thuật cải lão hoàn đồng của Châu Bá Thông...
Ngọc ré lên cười. Hiền vui vẻ nói tiếp với mọi người.
- Ngọc mới nói cho tôi biết là mê cuộc nhậu giữa Kiều Phong và Đoàn Dự...
Cười ha hả Hữu phụ họa.
- Vậy hả... Vậy là mình có đủ người để vừa nhậu vừa bàn chuyện chưởng rồi... Miên ghiền chưởng của Kim Dung còn hơn tôi nữa... Bả sắp luyện thành pho Hàng Long Thập Bát Chưởng rồi đó...
Cười hăng hắc Huệ tiếp lời Hữu.
- Thưa bác... Con thích ngón đòn Hàm Mô Công của Tây Độc hơn...
Miên bật lên tiếng cười vui vẻ.
- Rồi... Đụng rồi... Hàm Mô mà đụng với Hàng Long là đụng lớn nghe con...
Thấy thế Kính cũng xen vào câu chuyện.
- Thưa bác gái... Con khoái ngón Nhất Dương Chỉ của Đoàn Nam Đế. Nó xịt ra một cái là thiên hạ chới với liền...
Hữu, Hiền, Hòa và Hùng đều phá ra cười ha hả khiến cho Kính ngơ ngác. Bốn ông già hiểu theo nghĩa bóng. Còn bốn người đàn bà cũng đỏ mặt cười cười. Sau cùng Miên mới lên tiếng.
- Mấy ông thật là...
Kính gượng cười lên tiếng hỏi.
- Con nói có cái gì đâu mà ba má và mấy bác cười...
Huệ khom người nói nhỏ vào tai chồng. Nghe xong Kính đỏ mặt rồi bật cười hăng hắc.
- Vậy à... Điệu này anh phải học ngón Nhất Dương Chỉ để uýnh nhau với em...
Không muốn bàn tới chuyện chưởng nữa Ngọc nói với con gái và con rể.
- Hai đứa con phụ đem va li và chỉ cho bác Miên với bác Lan phòng đi con...
Riêng Hiền khều Hùng.
- Tao chỉ cho mày chỗ trụ trì...
Anh mở cửa hông đưa bạn vào một gian phòng rộng có tivi thật lớn đặt sát vào vách. Kế bên là dàn máy hát có năm cái loa theo lối surround sound. Nơi góc phòng đặt một cái giường nhỏ.
- Đây là phòng chơi của tụi nhỏ ngày xưa...
Hùng cười với bạn.
- Nhà rộng dữ hả...
Hiền cũng cười.
- Ba con với hai vợ chồng thành ra phải kiếm nhà rộng. Thằng An ra riêng và dọn lên Virginia năm rồi. Thằng Quốc dọn đi Houston rồi. Giờ chỉ còn hai vợ chồng tao với đứa út...
Đặt va li của bạn vào góc phòng Hiền liếc nhanh chiếc đồng hồ treo tường.
- Bảy giờ rồi... Để tao hỏi bả xem có cái gì mình lai rai không...
Hùng lục trong va li của mình đoạn lôi ra chai Remi Martell.
- Cái này cho mày... Tao mua để dành mấy năm nay...
Hiền cười với người bạn thân nhất của mình.
- Để dành mai mốt tao với mày và thằng Hòa cưa... Mày ở chơi bao lâu?
- Một tuần...
Hiền gục gặt đầu.
- Mày nghỉ một chút đi... Trong tủ lạnh có bia...
Lát sau Hiền mở cửa theo sau là Hòa và Hữu.
- Mình hạ thổ cho tiện...
Hữu cười nói đoạn ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu bông. Bốn người đàn ông ngồi xuống trong lúc Huệ dọn thức ăn ra.
- Ba... Má nói chỉ có hai món bê thui và bò tái chanh thôi. Má còn có giò thủ và tôm khô củ kiệu cho ba nữa...
Hùng cười với Hiền.
- Đứa này út phải không?
Hiền trả lời trong lúc khui bia cho mọi người.
- Nó đó... Tao vượt biên lúc nó mới được năm tháng...
Đưa chai Sapporo cho Hòa Hiền cười hỏi.
- Nghe nói mày sắp có cháu nội phải không?
Hớp ngụm bia Hòa gật đầu.
- Ừ... Giáng Sinh năm ngoái hai vợ chồng mày lên Louisville ăn đám cưới của nó...
Hữu chép miệng.
- Lẹ thật... Mới đây mà đã ba chục năm... Hồi 30 tháng 4 năm 75, lúc tàu bắt đầu rời An Thới tôi có hỏi xếp đi chừng nào mới về. Ổng trả lời chắc năm ba năm thôi. Năm ba năm hóa ra thành năm ba chục năm... Mình già hết trơn... Mai mốt tụi mình sẽ rủ xương nơi đất khách quê người...
Hùng, Hiền và Hòa cùng thở dài vì câu nói của Hữu. Uống một hơi bia dài Hòa cười nói với Hữu.
- Bởi vậy tôi dặn bà xã và mấy đứa nhỏ khi tôi chết đừng có chôn mà thiêu rồi đem tro về Việt Nam. Quăng hay rải bậy bạ đâu đó cũng được. Tôi không muốn làm con ma ở xứ này. Cô đơn lắm...
Hùng cười ha hả vì câu nói của bạn. Hữu hỏi Hùng.
- Hùng chắc cũng con cháu đầy đàn?
Hiền trả lời thay cho bạn.
- Nó còn độc thân anh...
- Trời đất... Bạc đầu rồi mà côi cút một mình buồn lắm. Có vợ dù sao cũng đỡ hơn...
Uống ngụm bia Hùng cười buồn.
- Tôi hứa hôn năm bảy lăm rồi sau đó bị đi cải tạo. Sau khi ra khỏi trại cải tạo mới biết nguyên gia đình vợ chưa cưới đã vượt biên. Sau đó tôi cũng vượt biên và sang Mỹ. Phần gia đình vợ chưa cưới của tôi đã mất tích. Từ đó tôi chờ hoài... Nói trắng ra tôi không yêu được ai nên đành ở vậy...
- Hùng đi cải tạo bao lâu?
- Dạ hơn bốn năm anh. Cái số của tôi xui lắm. Đúng ra với cấp bậc trung úy thời tôi không phải ở lâu nhưng vì tôi khai chức vụ an ninh tình báo tiểu khu thành ra được hân hạnh gỡ thêm gần hai cuốn nữa... Tụi nó bảo an ninh và tình báo có nợ máu với nhân dân nhiều lắm...
Hữu cười ha hả.
- Tôi có một thằng em bà con cũng bị tình trạng như vậy. Nó là thượng sĩ của hải quân bên người nhái. Thấy nó đô con và đẹp trai nên lính tráng và bạn bè thường gọi đùa là đại úy. Thế rồi nó bị ở tù bốn năm năm chỉ vì khai thêm bốn chữ đại úy người nhái... Tôi có nói tại sao mày không giải thích cho tụi Việt Cộng biết. Nó lắc đầu nói giải nghĩa với mấy thằng dốt thời vạch đầu gối nói chuyện sướng hơn. Nó đâu có chịu nghe mình nói anh... Nhưng cũng may cho nó là nhờ ở bốn năm mà sau này nó được sang Mỹ...
Uống cạn chai bia Hùng hỏi Hiền.
- Mày có nhạc không?
- Có chứ... Mày muốn nghe nhạc gì? Tiền chiến, nhạc tình hay nhạc quê hương?
Hùng cười nhẹ.
- Nhạc quê hương hay ly hương càng tốt...
Hiền mằn mò hồi lâu mới tìm ra một dĩa nhạc. Bỏ vào máy anh nói với ba người bạn của mình.
- Đây là một dĩa nhạc chọn lọc. Tôi chọn tất cả những bản nhạc ly hương mà tôi thích rồi nhờ thằng Kính đưa vào computer rồi sau đó nó làm ra dĩa cho tôi...
Giọng hát cất lên nghe buồn não nuột khiến cho Hùng thở dài còn ba người kia ngồi im lắng nghe.
- Tôi đã gặp em bở ngỡ tình cờ
Đôi mắt ngây thơ đến từ thành phố
Ngục tù tối tăm nói với cuộc đời
Sài Gòn có vui? Sài Gòn có vui?
Em ngước nhìn tôi cúi đầu nói nhỏ
Còn gì nữa đâu thành phố mộng mơ
Thành phố đớn đau vẫn còn nhắn nhũ
Sài Gòn chỉ vui khi các anh về
Tôi sẽ về đòi lại quê hương đã mất
Tôi sẽ về cùng em lau khô hàng nước mắt
Tôi sẽ mời em dạo chơi phố xá tươi vui
Những con đường tình, trường xưa, công viên tràn nắng mới
Tôi sẽ quỳ bên thánh giá bao dung
Tôi sẽ nguyện cầu cho tình yêu và cuộc sống
Đem tiếng khóc cười dâng đời khúc hát say mê
Cám ơn Sài Gòn tôi sẽ trở về
Sài Gòn mến yêu! Người tình mến yêu! Tôi sẽ trở về...
Uống cạn chai bia Hòa thở một hơi dài.
- Nghe những bản nhạc loại này hay nhưng mà buồn...
Hùng cười nói với bạn.
- Nhạc của mình buồn mới hay. Ít có bản nhạc vui mà hay lắm...
Hữu trầm ngâm không nói. Hiền cũng vậy. Đốt điếu thuốc, hít hơi dài Hùng uống cạn chai bia. Giọng hát của Khánh Ly cất lên.
- Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy
Gởi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang
Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng
Con gởi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình
Em gởi về cho anh một cây bút máy
Anh vẽ cuộc đời như ước vọng mong manh
Gởi về cho mẹ dăm gói chè xanh
Mẹ pha hộ con nước mắt đã khô cằn
Gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa
Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương
Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương
Em bán cho đời tìm đường vượt biên
Con gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ
Cha chôn cuộc đời trong trong tử tù chung thân
Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần
Mơ ước yên lành... trong giấc ngủ.... da.... vàng....
Bốn người tuy tuổi đời có khác nhau đôi chút nhưng cùng chung tâm trạng của người lính già xa quê hương cho nên im lặng uống rượu và nghe nhạc. Thỉnh thoảng mới có người nói một câu.
- Sài Gòn em ở đó
Có còn những hàng cây
Chờ người anh đứng ngóng
Cuối đường lá nhẹ bay
Cuộc tình theo cơn gió
Bao nguyện ước cùng nhau
Áo em đã phai màu
Sài Gòn em ở đó
Bây giờ những chiều mưa
Giọt buồn như nước mắt
Ướt đẫm bóng ngày xưa
Một thời vui đã mất
Em còn biết tìm đâu
Có là mãi nghìn sau
Em dáng yêu đôi vai gầy
Làn tóc ngát hương say
Mắt xanh nay u hoài
Cuộc sống không ngày mai
Không một bóng tương lai
Trên đường lầy tăm tối
Em lệ sầu tê tái
Ôi đời mãi đêm dài
Sài Gòn em ở đó
Phố tàn vắng người qua
Giọng nào lên tiếng hát
Ân tình những bài ca
Sài Gòn còn mưa bão
Đưa em đi phương nào
Sài Gòn còn hay mất
Hận sầu chợt dâng cao
Sài Gòn em ở đó
Có thầm trách người đi
Vội vàng hay không đến
Cho lời cuối biệt ly
Sài Gòn em bên ấy
Tha phương anh bên này
Làm sao ta nói tới
Nghìn trùng rồi em ơi...
Hùng tự nhiên nghĩ tới Hằng. Anh nhớ khuôn mặt. Đôi mắt. Bàn tay. Tiếng cười vui tươi. Hùng cảm thấy mặt mình nóng bừng khi hồi tưởng lại cảnh Hằng mặc bikini khom người trước mặt mình để cho anh thấy những gì anh mơ được thấy. Anh nhớ lại cảnh tượng trong chiếc áo ngủ hở cổ Hằng chống tay lên bụng của mình nhìn chăm chú con nai đứng ngoài cửa sổ. Tự dưng anh nhớ cô cháu gái, người tri kỷ bé bỏng của mình. Thèm được nghe giọng nói thanh thanh. Tiếng cười hắc hắc trong như ngọc thạch. Tiếng hát trầm buồn. Hơn hai tuần lễ rồi hai chú cháu không có nói chuyện với nhau vì Hằng bận đi làm hai việc để kiếm tiền cho mùa nhập học sắp tới.
Ngồi đây uống rượu với bạn bè nhưng Hùng nhớ tới hai ngày cuối tuần ở Rocky Mountain National Park với Hằng. Đó là một kỷ niệm không bao giờ quên. Tâm tư của anh hướng về vùng núi non của Colorado với các địa danh như Fall River, Sundance Mountain, Deer Mountain. Con đường mòn mà hai chú cháu đặt tên là Đường Lên Thiên Thai. Đất đỏ hoạch len lõi trong khu rừng cây thông xanh bạt ngàn.
- Sài Gòn em ở đó
Bây giờ những chiều mưa
Giọt buồn như nước mắt
Ướt đẫm bóng ngày xưa
Một thời vui đã mất
Em còn biết tìm đâu
Có là mãi nghìn sau
Em dáng yêu đôi vai gầy
Làn tóc ngát hương say
Mắt xanh nay u hoài
Cuộc sống không ngày mai
Không một bóng tương lai
Trên đường lầy tăm tối
Em lệ sầu tê tái
Ôi đời mãi đêm dài
Sài Gòn em ở đó
Phố tàn vắng người qua
Giọng nào lên tiếng hát
Ân tình những bài ca
Sài Gòn còn mưa bão
Đưa em đi phương nào
Sài Gòn còn hay mất
Hận sầu chợt dâng cao
Sài Gòn em ở đó
Có thầm trách người đi
Vội vàng hay không đến
Cho lời cuối biệt ly
Sài Gòn em bên ấy
Tha phương anh bên này
Làm sao ta nói tới
Nghìn trùng rồi em ơi...
Sài Gòn em bên ấy
Tha phương anh bên này
Làm sao ta nói tới...
Nghìn trùng rồi... em... ơi...
Bản nhạc dứt và bốn người lính ngồi im như những pho tượng buồn câm nín. Qua men bia chập chờn họ hồi tưởng về một thành phố đã xa ngàn trùng. Đường Duy Tân. Tự Do. Lê Lợi. Bến Bạch Đằng. Nguyễn Huệ. Giờ giới nghiêm. Còi hụ. Ly cà phê phin không đường. Chai 33 ướp lạnh. Dĩa tiết canh đỏ rực. Ly rượu đế pha xá xị cay chảy nước mắt của một lần về phép. Tiếng hát của ca sĩ nào đó trong ca khúc Quê Hương Bỏ Lại của Lam Phương khiến cho không khí buồn càng thêm lặng buồn.
- Những ngày xa quê hương
Là những ngày mang đau thương.
Một ngày xa quê hương
Là một ngày mang đau khổ
Một ngày không nắng ấm
Và một ngày mong mưa rào
Một ngày thiếu hơi thở
Của đồng cỏ nước Việt Nam
Đất nào sinh ra tôi
Mẹ hiền nào cưu mang tôi
Miền nào nuôi thân tôi
Mà giờ này tôi xa rồi
Này dòng sông phơi nắng
Kìa đồng ruộng lúa chín vàng
Giờ này đã xa rồi
Và ngàn đời nhớ Việt Nam
Hãy nhớ và hãy nhớ
Người Việt Nam đang lạc loài
Hãy thương và hãy quý
Người đồng bào ta với ta
Hãy biết và hãy biết
Rằng ngày mai khi ta về
Hãy nhóm ngọn lửa hồng
Đốt sáng vạn niềm tin
Gió chiều mang hương quê
Lòng giật mình trong cơn mê
Ngày dài ôi lê thê
Mà hồn mình như ê chề
Sài Gòn ta vẫn nhớ
Đà Lạt giàu trong mưa phùn
Chiều nào biển Vũng Tàu
Dòng tận cùng đến Cà Mau
Nhớ chiều quê hương ơi
Thật tận cùng xa xôi thôi
Vùng trời Nha Trang xưa
Và dòng Đồng Nai hững hờ
Nào Cần Thơ nắng ấm
Kìa ruộng đồng lúa chín vàng
Giờ này đã xa rồi
Và ngàn đời nhớ Việt Nam...
Thở dài khe khẽ Hòa lên tiếng hỏi Hiền.
- Mày còn nhớ Ngọc Liên?
- Nhớ... Bộ mày gặp cô ta à?
Hiền trả lời và hỏi lại. Khui chai bia mới Hòa Nhóc gật đầu.
- Tao gặp cô ta ở Louisville... Có chồng rồi... Hai con nữa... Nàng nhắc tới hai đứa tụi bây nhất là thằng Hùng...
Hùng cười cười tu cạn chai bia. Nhìn thấy dĩa bê thui và bò tái chanh hết trơn Hiền cầm dĩa đứng lên.
- Để tao đi ngoại giao xem còn món gì không?
Lát sau Hiền bước vào cười nói với Hữu.
- Hết rồi... Chị Miên nói tới giờ ăn cơm rồi. Mình chịu khó ăn cơm với canh chua cá kho. Ngày mai thứ bảy sẽ có đại tiệc...
Bốn người lính ngưng uống ra phòng ăn cơm rồi lo nghỉ ngơi.
Hùng cảm thấy tỉnh táo vì tắm nước nóng. Ngồi im trong căn phòng bề bộn nhiều thứ anh không biết phải làm gì. Mở túi da anh lấy ra cái điện thoại cầm tay nhỏ xíu. Hằng đã cố vấn cho anh mua cái điện thoại tốt nhất của hãng Singular. Bấm số điện thoại của Hằng anh hơi cau mày khi thấy bên kia đầu dây bị bận. Bỏ điện thoại xuống anh tới mở tủ lạnh lấy chai bia đoạn trở về chỗ ngồi. Âm thanh giống như điệu nhạc vang lên báo cho anh biết có người gọi.
- A lô...
Hùng nghe tiếng cười hắc hắc rồi hai chữ êm ấm vang lên.
- Chú ơi...
- Chú gọi cháu mà điện thoại của cháu bị bận...
- Chú biết tại sao không. Cháu gọi cho chú đó... Chú đang ở đâu vậy?
- Tại nhà một người bạn ở Atlanta...
- Cháu quên là chú đi vắng. Cháu gọi lên Denver không có chú... Cháu sùng lắm...
Hằng cười hắc hắc sau câu nói.
- Chú nhớ cháu...
- Cháu cũng vậy... Nhớ chú thật nhiều... Chừng nào chú mới qua...
- Nhớ chú bằng nhớ bồ của cháu không?
Hùng đùa và Hằng cũng đùa lại.
- Nhớ chú không bằng nhớ ông thi sĩ của cháu đâu. Ổng đẹp trai, dễ thương và tài hoa hơn chú nhiều...
- Vậy hả... Để mai mốt chú cho ổng về hưu...
- Không được đâu chú ơi... Làm như thế là chú làm khổ cháu. Cháu lỡ mê ổng rồi...
Hùng cười và Hằng cũng cười khúc khích tiếp.
- Bởi vậy cháu phải xẻ thân cháu làm đôi... Nửa dành cho Huy Hùng và nửa dành cho ông thi sĩ Đã Quen Hằng...
Hùng cười lớn vì vui thích.
- Có ai ở gần chú không?
- Chi vậy?
- Cháu sợ người ta nghe người ta cười chết...
- Chú đang ở một mình trong phòng den rộng lắm...
- Chú đang nhậu hả?
- Không... Từ hồi cháu dặn cuối tuần không nên uống nhiều chú không có uống nữa...
Hằng cười hắc hắc bên kia đầu dây.
- Chú nghe lời cháu cưng... Không nhậu chú làm gì?
- Chú chạy bộ... Chú lên núi đi bộ...
- Giỏi... Mấy thứ đó làm cho chú sống lâu...
- Sống lâu để làm gì?
Im lặng thật lâu Hằng mới trả lời nhỏ và chậm.
- Để nói chuyện với cháu... Để lâu lâu mình gặp nhau...
- Như vậy chú càng chết sớm hơn...
- Sao vậy?
- Nhớ cháu... Nhớ tới điên luôn... Chắc chú phải tự tử bằng cách đập đầu vô gối...
Hằng ré lên cười.
- Cháu treo bức ảnh của chú tặng trong phòng riêng. Má thấy má khen đẹp. Má hỏi ai mua và cháu phải nói là của bạn tặng. Cũng may bữa đó má không có mang kiến nên không thấy bốn chữ n. v. h. h... Nếu thấy chắc má cũng đoán ra...
- Nếu má đoán ra, má hỏi thời cháu trả lời ra sao?
- Cháu sẽ nói của chú mua ở trên Denver hôm đi trượt tuyết rồi gởi xuống tặng cho cháu...
Ngừng lại giây lát Hằng thở dài nhè nhẹ.
- Cháu không muốn nói dối nhưng cháu cũng không muốn nói sự thật. Có lẽ...
Dường như không muốn nói tới chuyện đó Hằng đổi đề tài.
- Chừng nào chú mới qua đây?
- Thứ năm... 6 giờ chiều chú sẽ có mặt ở phi trường...
- Chú có cần cháu đón không?
- Chắc không trừ khi nào cháu muốn...
- Thứ năm cháu phải làm tới 9 giờ tối. Cháu " wait " cho một nhà hàng ở gần trường của cháu học...
- Chú đã lấy phòng và mướn xe rồi. Khi nào tới chú sẽ gọi cho cháu biết...
- Chú qua lẹ đi... Cháu muốn thấy Hùng Cò của cháu...
Hằng cười hăng hắc sau khi nói.
- Chú ngủ ngon nha... Cháu cũng đi ngủ để mai thức sớm...
Tắt điện thoại Hùng thở dài khe khẽ. Anh không biết mình vui hay buồn. Hơn hai mươi mấy năm nay anh chưa hề có cảm tình với ai như với Hằng. Ngoài Quỳnh Hương ra anh chưa nhớ ai như nhớ Hằng. Từ khi biết người vợ chưa cưới đã mất tích trên biển Hùng nhớ thương vô cùng. Nhưng theo thời gian anh biết dù có nhớ, có thương anh cũng không thể sống với một người đã chết. Anh không thể sống mãi với hình bóng của Quỳnh Hương. Người ta sống rồi mới hoài niệm quá khứ chứ không có ai hoài niệm quá khứ để mà sống. Hùng biết điều đó nhưng sở dĩ anh không yêu được ai vì những người mà anh đã gặp qua không giống, không phù hợp với Quỳnh Hương của anh trong quá khứ. Họ không ở trong cái tuổi của Quỳnh Hương. Họ cũng không có cái nhân dáng, cái hồn nhiên, ngây thơ của Quỳnh Hương ở vào thời điểm hơn ba mươi năm về trước. Nói tóm lại là Hùng đi tìm một người đàn bà qua hình ảnh của Quỳnh Hương. Bởi vậy ngay khi gặp Thiên Hằng anh cảm thấy mình gắn bó và gần gụi với cô gái nhỏ hơn mình ba mươi mốt tuổi. Dù không giống hoàn toàn Hằng lại có cái nhân dáng, cá tính của Quỳnh Hương ba mươi năm trước. Huống chi Hằng còn có cái mà Hùng đam mê là chất văn nghệ. Hùng chỉ khám phá ra điều này cách đây vài ngày khi nằm trong phòng riêng ngắm bức ảnh bán thân của Hằng đã tặng cho mình. Anh đã đem bức ảnh tới một tiệm chụp hình nổi tiếng mướn họ phóng đại ra thật lớn rồi đóng khung cẩn thận để trang trọng treo trong phòng ngủ của mình. Khi nhìn khuôn mặt. Đôi mắt. Nụ cười. Mái tóc của Hằng Hùng mới khám phá ra Quỳnh Hương và Thiên Hằng có nhiều nét, nhiều điểm giống nhau. Không biết điều này có thật hay là tự ý anh nghĩ như thế, bởi vì hình ảnh của Quỳnh Hương bây giờ chỉ còn trong trí tưởng của anh mà thôi. Tuy nhiên điều mà anh biết là mình vui vẻ và yêu đời khi có Hằng ở bên cạnh. Cô cháu gái trẻ đẹp và tài hoa này như là liều thuốc hồi sinh cực mạnh tưới vào tâm hồn khô khan và cằn cỗi của Hùng. Bởi vậy dù biết tuổi tác cách biệt, dù tiếng đời dị nghị, dù cảm thấy áy náy khi bị cái nhìn trách móc của ba má Hằng; Hùng cũng không thể viện dẫn bất cứ điều gì để ngưng nhớ nhung và nói chuyện với Hằng. Một điều khiến cho Hùng bớt ngại ngùng khi dấn sâu vào tình cảm là Hằng đã trưởng thành chứ không phải con nít vị thành niên. Hai mươi lăm tuổi, học đại học Hằng có đủ trí khôn và kiến thức để biết và trách nhiệm về hành động của mình.
Suy nghĩ giây lát Hùng lên phòng khách kiếm Hiền.
- Mày cần cái gì?
- Tao có labtop nhưng tao cần nối vào đường dây của mày để lên mạng…
Hiền cười cười.
- Vậy hả... Để tao lo... Gì chứ điện toán tao cũng biết chút chút...
Năm phút sau Hùng lên mạng để sưu tầm về các nhà hàng và thắng cảnh của tiểu bang Oklahoma.
Những Người Đi Xây Mộng Những Người Đi Xây Mộng - Chu Sa Lan