Số lần đọc/download: 1670 / 39
Cập nhật: 2016-02-24 22:07:39 +0700
Chương 6: Cô Em Gái
C
ó những người như thế này, họ quyết rời mảnh đất của mình để đến sống với một dân tộc khác. Ví như Doãn Tiểu Phàm ngày còn ngồi trên ghế trường trung học, Khiêu hỏi về ý định tương lai, Phàm không do dự trả lời sẽ ra nước ngoài.
Phàm có năng khiếu ngôn ngữ và trí nhớ rất tốt. Ngay từ hồi học tiểu học Phàm đã đọc diễn cảm hết sức lưu loát bài văn Em bé bán diêm bằng tiếng Anh, cùng mẹ nói chuyện thời tiết, ăn uống, vệ sinh bằng tiếng Anh. Mỗi lần gặp những người nước ngoài trong công viên, Phàm rất vui vẻ nhận làm hướng dẫn viên du lịch bằng thứ tiếng Anh trẻ con. Phàm lên Bắc Kinh học ngoại ngữ, nhiều bạn học nước ngoài trong lúc tán chuyện hỏi Phàm về Trung Quốc từ hồi nào.
Bạn về Trung Quốc hồi nào? Trình độ tiếng Anh của Phàm làm nhiều người tưởng rằng Phàm lớn lên trong môi trường Anh ngữ ở nước ngoài, Phàm nói với mọi người mình học tiếng Anh ở Trung Quốc, chưa hề đi đâu, về sau Phàm quen David người Mỹ, cùng David sang Mỹ.
Khiêu hỏi Phàm có định về nước không, Phàm trả lời không về, cuộc sống của Phàm ở Mỹ hơn mọi người ở nhà nhiều. Với lại, còn David nữa. Phàm cũng rất tự hào, có lẽ tự hào cũng là bản năng của Phàm, tự hào vì có chồng là người Mỹ. Phàm nói tiếng Anh giọng châu Âu, thỉnh thoảng còn sửa cả ngữ pháp cho David. Hồi học trung học, Phàm đánh máy chữ tiếng Anh đạt trình độ B, thi TOEFL với Phàm không có gì là khó cả. Không như những người Trung Quốc khác khi ra nước ngoài thường thiếu tự tin, không dám nói chuyện, Phàm thì mạnh dạn trò chuyện với người nước ngoài.
Nếu bạn đi du lịch ở bất cứ góc trời nào của trái đất mà vẫn có thể nói chuyện được thì sẽ trở thành người chiến thắng. Phàm không lúc nào không nghĩ đến chiến thăng, tuổi còn trẻ, Phàm ra nước ngoài để không bị thiệt vốn tiếng Anh của mình. Nước Mỹ có nhiều, có nhiều thứ tốt đẹp chờ Phàm, nhiều thứ hơn ở Trung Quốc, nhiều hơn ở Trung Quốc rất nhiều. Trung Quốc có gì? Tất nhiên có người thân, nhưng ở vào tuổi Phàm, Phàm cũng không coi trọng tình cảm của con cái với bố mẹ. Thời nhỏ Phàm rất quý chị Khiêu, kính nể và rất yêu, có điều gì ấm ức đều mách chị. Hai chị em đồng cam cộng khổ, lại còn... lại còn có bí mật nhỏ về tội ác mà người đời không hay biết. Chưa bao giờ Phàm nghi ngờ trí nhớ của mình, nhớ tất cả những gì đã xảy ra. Cống nước thải mở nắp trên lối đi nhỏ trong khu tập thể Viện Thiết kế, bé Thuyên dang hai tay ngã xuống, Phàm và Khiêu nắm tay nhau đứng ở phía sau, hai chị em kéo tay nhau không bình thường, bàn tay lạnh buốt ẩm ướt, như lên gân... Không phải Phàm kéo tay Khiêu mà là Khiêu kéo tay Phàm, Phàm là người bị động, bị kéo tức là bị ngăn lại. Hai mươi năm sau vẫn đọng lại trên bàn tay Phàm sức mạnh của Khiêu vào giây phút ấy. Không phải vì thế mà Phàm phải bỏ Trung Quốc mà đi, Phàm không muốn nhớ lại thật tỉ mỉ tất cả những điều đó. Hồi ấy Phàm mới bảy tuổi, trái tim non nớt của Phàm đã muốn làm một đứa trẻ ngoan. Cống nước bẩn, bé Thuyên, hai chị em kéo tay nhau... tư thế như trả thù, thanh trừ những người không cùng với mình, tất cả của tất cả đều làm cho Phàm muốn trở thành một đứa trẻ ngoan, một đứa trẻ ngoan ngoãn nhất. Tưởng như chỉ có thế mới xứng với cái chết của một đứa bé ngay từ lúc lọt lòng đã làm cho Phàm không vui và ghét bỏ.
Phàm vừa muốn làm một đứa bé ngoan, mặt khác đối với Khiêu cũng đòi hỏi rất cao. Phàm không còn mếu và thán phục chị như trước kia, trong lòng bao phủ một bóng đen không thể xoá sạch, người chị này không còn được Phàm phục tùng vô điều kiện. Ngược lại, Phàm mong được chị yêu, chị chiều, muốn chứng minh từ mọi phương diện Phàm là sinh mệnh được coi trọng nhất trong gia đình. Hai chị em công khai tỏ ra không bằng lòng nhau bắt đầu từ cái áo gió. Hồi ấy, Phàm đang học ở Học viện Ngoại ngữ Bắc Kinh, Khiêu lên đặt hàng gọi điện thoại cho Phàm ra chơi. Hai chị em đi ăn sữa chua, cả hai cùng thích sữa chua một cách kì lạ. Hồi đó, những sản phẩm giải khát của Mỹ chưa vào Trung Quốc, sữa chua của Bắc Kinh đựng trong những bình sứ vừa thô vừa nặng, miệng bình được bịt bằng giấy nến, chung quanh buộc một vòng chun to như sợi dây thừng. Khi ăn dùng ống hút chọc thủng giấy nến rồi mút chùn chụt, ngon tuyệt. Khiêu mời Phàm ăn sữa chua, cho Phàm cái váy ngắn bằng bàng len mỏng mà Khiêu mua hôm đi họp ở Thượng Hải. Khiêu rất thích sắm áo quần cho Phàm, đi đâu cũng không quên. Nhưng hôm ấy Phàm không chú ý nhiều đến cái váy ngắn len mỏng mà để ý đến cái áo gió Khiêu đang mặc trên người.
Chị ơi, cái áo của chị được lắm, em thích.
Ừ, áo đẹp, chị cũng thích.
Chị mua cho em một cái.
Áo mua ở nước ngoài đấy.
Ai cho chị thế?
Anh Phương Kăng.
Trong nước không có à?
Có thể không có.
Nhưng em thích thì sao?
Để chị xem có cái nào giống cái này chị mua cho.
Cứ cho em cái này đã, chị mua sau.
Không ngờ cô em lại đòi cái áo đang mặc trên người làm cho Khiêu lúng túng. Khiêu có thể cho em nhiều thứ khác nhưng không muốn cho cái áo gió này, bởi không những ở nước ngoài đem về mà còn là của Phương Kăng tặng. Khiêu thấy cách xin của cô em gái có phần khác lạ, gây cảm giác khó chịu. Khiêu không trả lời, hai chị em im lặng.
Chị còn yêu em nữa không?
Chị vẫn yêu em, em biết rồi đấy.
Vẫn yêu thì chị cho em cái áo em thích đi.
Em xem chị chỉ yêu em thế thôi sao?
Đúng thế.
Chị thì không thể.
Chị không định cho chứ gì?
Chị nghĩ, chị không thể cho em được.
Có thể đây là lần đầu Khiêu nói không với em, Khiêu nói rất nhanh, không mập mờ, trong lòng bực dọc nhưng không hiểu vì sao. Có thể Khiêu sai, tại sao không cho em cái mà nó thích? Khiêu không thể.
Rõ ràng tình cảm của Phàm cũng lắng lại, chưa bao giờ Phàm giấu giếm tình cảm với chị. Hai chị em ngồi trước những bình sữa không còn biết nói gì thêm. Nói chuyện khác cũng là cách để xoay chuyển tình cảm, nhưng biết nói chuyện gì, bởi hai chị em đã hiểu nhau lắm rồi. Nói sang chuyện khác chỉ là với người ngoài, sẽ là giả dối đối với hai chị em. Cả hai im lặng không nhìn nhau, Phàm nhìn đồng hồ rồi bảo phải về trường. Khiêu nhắc Phàm cầm lấy cái váy. Phàm miễn cưỡng cầm lấy chiếc váy trong túi nilon, cuộn sơ qua rồi nhét vào cái túi xách như muốn nói với Khiêu: cái váy này cũng không dỗ được em, cái váy không thay thế được cái áo gió đâu.
Có nhiều việc cũ không thể nhắc lại, giữa những người thân có nhiều chuyện cũ không tiện nhắc lại, ví như chuyện cái áo gió chẳng hạn, câu chuyện không phải bất cứ lúc nào cũng có thể nhắc lại để làm vui lòng nhau. Khi mọi người trong nhà bảo Phàm có tài bắt chước lại nhớ đến việc Phàm nhại một người bà con thường rụt cổ lúc nói chuyện, Phàm mới nghiêng cổ chưa kịp nói gì thì đã bị vẹo. Phàm bị vẹo cổ phải nghỉ học mất hai hôm, Khiêu lấy cái chày cán bột hơ nóng để chườm lên cổ Phàm. Phàm nhại tiếng Phúc An, cái chày gọi là cấy thày. Những chuyện như thế lúc nào nhắc lại cũng được, là trò đùa của trẻ con Trung Quốc, có xuất bản hẳn hoi. Cho dù sau khi Phàm trở thành công dân Mỹ, sau khi liên tiếp có những chuyện không vui với Khiêu, nhưng cứ mỗi lần nhắc lại chuyện thời thơ ấu thì trái tim buốt giá và mềm yếu của Phàm chợt ấm lên.
Cũng chỉ chợt ấm lên, ấm lên cũng không giống phong cách của công dân Mỹ. Phàm học làm công dân Mỹ cũng sắp đạt: uống nước lạnh, khi đi làm uống nhiều cà phê, sau khi ăn dùng tăm tẩm bạc hà, cho thật nhiều đá vào Coca cola, sáng nào cũng tắm nước nóng, áo chỉ mặc một lần rồi giặt, rất ít ăn thịt lợn, để tránh khỏi mỡ tuyệt đối không xào ở bếp, lái xe (quay đầu xe) cực kì thành thạo, định kì khám răng, uống sinh tố, trên giường tuyệt đối không để chăn, lúc ngủ đắp càng ít càng tốt, vân vân và vân vân. Phàm là người nhanh chóng thích nghi với môi trường Mỹ, hoặc có thể nói bởi muốn nhanh chóng thích nghi với David.
Chưa bao giờ David nói không yêu Phàm, anh ta gọi Phàm là "hạt đậu bé nhỏ". Nhưng hai người cưới nhau không lâu thì anh ta lại hẹn hò với một người đàn bà Đức hơn anh ta đến chục tuổi, vốn là bạn cũ, quen nhau từ lâu. Lấy vợ cũng không làm anh ta dứt bỏ quan hệ với người đàn bà Đức kia. Nếu anh ta yêu Phàm thì chuyện anh ta với người đàn bà Đức kia là gì? Đó là việc Phàm không thể chấp nhận, bởi chuyện xảy ra ở Mỹ càng làm Phàm khó bề chịu đựng. Nếu ở Trung Quốc thì ngoài việc cãi nhau với chồng, Phàm có thể bỏ về nhà mẹ mà khóc hoặc tìm bạn thân để mong có sự đồng cảm, nhưng mà là ở Mỹ, ở Mỹ không có mẹ đẻ, cũng không có bạn thân. Vốn tiếng Anh của Phàm có thể giúp cô giao tiếp không chút trở ngại với người bản xứ, nhưng ngôn ngữ không thể nào giải quyết nổi trở ngại về tình cảm, trở ngại ngay trong lòng. Khi David hẹn hò với người đàn bà Đức thì lần đầu tiên Phàm mới cảm thấy thế nào là lạnh buốt sống lưng, lần đầu tiên mới nhận ra rằng mình không còn chốn trở lại. Trên đất Mỹ, Phàm là người ngoại quốc, mãi mãi không thể hiểu nổi David và những bí mật của anh ta với người đàn bà Đức trên đất America. Phàm và David cãi nhau kịch liệt, văng cả "đồ đểu" ra với chồng. Nhưng cãi cọ chỉ làm David đi với người đàn bà Đức nhiều hơn. Anh ta không định li hôn với Phàm, bởi người bạn gái kia đã có chồng.
Phàm cũng không nói chuyện này với người nhà ở trong nước, nỗi đau không nơi thổ lộ là do mình chuốc lấy. Phàm như người có bệnh mà không chữa dứt bệnh, vẫn là chứng bệnh cũ, việc David không chung thuỷ ngược lại khiến Phàm mỗi lần viết thư cho Khiêu đều đặc biết nhận mạnh: bọn em rất yêu nhau! Vào lúc này Phàm và anh chàng David đang rất mông lung. Không ai hiểu hơn Phàm, một người phương Đông và một người phương Tây không thể hiểu nhau thật sự, cho dù là vợ chồng suốt đời thuận hoà thì chỉ hiểu nhau đến sáu mươi phần trăm là may mắn lắm rồi. Phàm thì không muốn thừa nhận điều đó, cuộc sống từng bước, từng bước lặng lẽ buộc Phàm phải khẳng định và khẳng định cảm nhận kia. Sự khẳng định không thể bày tỏ cùng ai, bởi Phàm muốn làm người chiến thắng trong cuộc sống, từng giờ từng phút Phàm muốn buộc người nhà phải xác nhận cuộc sống của Phàm tốt hơn họ.
Nhưng nguồn gốc bệnh của Phàm ở đâu? Nguồn gốc bệnh của Phàm gây nỗi sợ vô cớ cho Phàm. Từ trong bản năng Phàm cảm thấy có lẽ David thích những người đàn bà hơn tuổi, kể cả Khiêu lớn hơn Phàm và David bảy tuổi. Không bao giờ Phàm bày ảnh Khiêu đã lớn, chỉ để tấm ảnh hai chị em chụp chung hồi nhỏ: Khiêu nhăn mặt, Phàm thì cười trông rất ngây ngô. David hỏi Phàm, tại sao không có ảnh chị Khiêu? Anh rất thích ảnh chị gần đây, chị bảo đã gửi cho chúng ta rồi kia mà? Phàm không giải thích quanh co, nói mình rất muốn nhớ lại chuyện cũ. Chỉ có những tấm ảnh thời thơ ấu mới có thể nhớ lại chuyện cũ, chuyện cũ ở Trung Quốc.
Ôi, chuyện cũ ở Trung Quốc!
Lòng tự tin của Phàm xuống đến mức thấp nhất, thậm chí còn từ chối cả việc cùng David về nước thăm thân. Thà rằng Phàm để David hẹn hò với người đàn bà Đức kia khi Phàm vắng nhà còn hơn để anh ta cùng về Trung Quốc. Phàm rất sợ, thậm chí sợ cả Khiêu qua điện thoại dùng tiếng Anh nhiệt tình mời David "rất hoan nghênh anh về thăm nhà". Những lúc như thế Phàm phải cầm lấy ống nghe từ một máy khác cắt đứt câu chuyện giữa Khiêu và David, nói, chị ơi, chị phải luyện tiếng Anh tốt vào, tiếng Anh của chị khó nghe lắm, chị học ở đâu thế? Phàm cắt ngang câu chuyện của hai người bằng cách chê tiếng Anh của Khiêu, Khiêu quát lên "im đi". Thần kinh Phàm căng thẳng không thể chịu đựng được hơn nữa. David cũng rất bực về thái độ bất lịch sự của Phàm. Hai người đặt máy xuống, David nói, tôi có quyền nói chuyện với bất cứ ai, em không được phép cắt ngang. Phàm nói, em đâu có cắt ngang câu chuyện của hai người, chẳng qua em động viên chị ấy tiếp tục học tiếng Anh đấy chứ. David cười nhạt, nói, đâu phải em động viên, mà là châm biếm chị Khiêu. Phàm nói, anh không biết tiếng Trung Quốc thì đừng nói. David nói, tôi biết giọng của em, không phải em khuyến khích động viên, em nói to, người Trung Quốc nói to lắm. Phàm nói, nói to thì sao, anh biết người Trung Quốc nói to thì không thể kết luận nói to là không tốt. David nói, cách nói của em vừa rồi không phải là tốt, tôi biết rồi. Phàm nói, anh biết gì em? Cả đời anh cũng chẳng hiểu nổi em. David nói, không được nói "cả đời", tiếng ấy không tốt đâu. Phàm nói, cả đời, cả đời, cả đời. David bật cười, nói: thôi, chúng mình làm lành với nhau nhé. Có thể anh ta yêu Phàm, nhưng chẳng hiểu nổi cô vợ người Trung Quốc này. Cũng như anh không hiểu tại sao Phàm không để anh về Trung Quốc thăm thân. Anh ta rời Trung Quốc đã năm năm, hồi đó anh đang thực tập trong công ty của bố anh ở Bắc Kinh, học được vài tiếng Trung Quốc, bây giờ chỉ còn nhớ được một câu: "Cho một li Cola". Anh ta muốn đi du lịch thăm bố mẹ vợ và chị Khiêu.
33
Khiêu đón Phàm ở sân bay Thủ đô. Năm ấy Khiêu chưa lên Phó Giám đốc Nhà sản xuất bản Nhi Đồng, mới chỉ là Trưởng phòng biên tập. Chuyện của Khiêu và Phương Kăng đã hoàn toàn trở thành quá khứ, "hoàn toàn" có nghĩa là thực sự giải thoát, giải thoát khỏi mối tình nước sôi lửa bỏng. Khiêu cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, cần phải hồi phục, chỉ có thể giải thoát hoàn toàn mới có thể nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, mới có thể hồi phục. Giống như sức sống mãnh liệt của cánh đồng hoang: lửa không thiêu nổi, gió xuân về lại xanh tươi.
Khiêu đã hồi phục.
Khiêu tập trung sức lực và trí tuệ cho công việc, năm nào cũng làm lãi kha khá cho nhà xuất bản. Những năm gần đây, tinh thần Khiêu khá tập trung, nội tâm cũng yên tĩnh, không còn nhỏ nước mắt vào ngăn kéo nữa, khí sắc cũng dần dần khá lên, cuộc sống phía trước có cơ may nào không? Có lẽ Khiêu đang mong đợi, nỗi mong đợi của người bình tâm, có cả sự mong đợi, nỗi mong đợi của người không cam tâm. Trái tim Khiêu không còn tranh giành, dần dần Khiêu hiểu ra rằng hạnh phúc không thể giành giật mà có. Có lúc Khiêu nhớ đến cô gái đã gặp ở bưu điện. Đó là dịp nghỉ Quốc khánh, Khiêu ra bưu điện lĩnh tiền. Người lĩnh tiền rất đông, Khiêu đang xếp hàng thì vô tình nghe thấy một cô gái gọi điện thoại. Khiêu không muốn nhận rằng mình nghe trộm, thoạt đầu Khiêu nhìn lưng cô gái một cách bình thường. Khiêu nghĩ, nhìn phía sau thì cô nàng đúng là ở nông thôn ra, hai bím tóc cùng dáng đứng, đôi chân rắn rỏi và tay cầm ống nghe đều đậm nét nông thôn, khoẻ mạnh và hơi thô, không được tự nhiên. Nhưng nội dung trao đổi qua điện thoại chứng minh cô là sinh viên, sinh viên hoặc là học sinh một trường trung cấp chuyên nghiệp, đúng là một cô gái nông thôn thi vào được trường đại học hoặc trung học chuyên nghiệp nào đấy của Phúc An. Rõ ràng người đầu kia đường dây là con trai, vì Khiêu nghe thấy tiếng phổ thông rất quê của cô gái, có nói, trường anh được nghỉ mấy hôm? Người đầu kia đường dây trả lời, cô gái lại nói, trường em nghỉ ba hôm, em không về, anh có về không? Có thể người đầu dây bên kia trả lời không, cô gái vui hẳn lên, nói, đến trường đi. Người đầu kia đường dây có lẽ nói không đến được, cô gái bắt đầu động viên. Lúc này Khiêu mới chú ý "nghe trộm" điện thoại.
Khiêu phát hiện từ phía sau cô gái này đang tỏ ra căng thẳng hơn, vai bên phải ghì chặt ống nghe, tưởng như dưới nách đang kẹp một thứ gì đó. Thời gian nói chuyện tiếp tục kéo dài, cô ta bỏ tiếp những đồng xu vào máy điện thoại, có vẻ bối rối. Cô ta nói với người ở đầu kia đường dây, anh đến đây với em, phòng em bọn chúng nó về hết, hay lắm. Thế nào, chuẩn bị thi à? Không đâu, không đâu, anh phải đến... Cô gái khẽ lắc người, Khiêu thấy tấm lưng lay động không thoải mái, càng chứng tỏ người nói chuyện ở đầu kia đường dây là con trai như Khiêu phỏng đoán. Cô gái nũng nịu nhưng không thạo lắm, cứ liên tục ứ ừ ứ ừ... rồi từ từ động viên đến cầu khẩn, chuyển sang lẩm bẩm... biến thành... cái gì? Cuối cùng là xẵng giọng bực dọc, lên gân, bất cần tất cả, cô gái nói, thôi thôi, không phải xin lỗi! Tôi biết thi quan trọng rồi, thôi nhé, gặp nhau sau, ừ, chào... Tay cô gái nắm chặt ống nghe, những khớp ngón tay trắng cả lên. Cô gái treo ống nghe lên máy, đi nhanh ra cửa thì nước mắt đã đầm đìa khuôn mặt. Khiêu hết sức cảm thông với cô gái không quen biết kia, không sao quên được giọng nói đanh, rắn rỏi và bàn tay nắm chặt ống nghe. Đó là những giây phút ít ai biết, bởi bưu điện đang ồn ào, đông người, không ai phát hiện ra vẻ mặt bối rối của cô gái. Khiêu thấy nhưng không thể chia sẻ nỗi đồng cảm của mình với cô gái, không thể nói với cô ta trên thế gian này không phải chỉ một mình cô ngã lòng. Cô gái nói chuyện điện thoại theo lối giành giật người bạn trai đến chơi trong những ngày nghỉ. Chỉ cần cô ta với tư thế giành giật thì nhất định sẽ thất bại. Khiêu đã từng giành giật, bất cứ một ai còn giàu sức trẻ đều một lần giành giật cuộc sống bằng những cách khác nhau, ấu trĩ nhưng không buồn cười.
Chuyến bay của Phàm đáp xuống sân bay. Từ xa Khiêu đã trông thấy cô em gái xa cách năm năm đang đứng trong đám đông chờ lấy hành lí. Phàm gầy quá, mặc cái áo màu huyết dụ dài sát đất, trông dáng người càng cao hơn. Phàm đẩy xe hành lí ra, hai chị em ôm nhau. Sắc mặt Phàm không tươi. Khiêu thấy nhiều người con gái từ Mỹ về sắc mặt đều không sáng. Ở một nơi đầy những người da trắng thì nước da vàng như càng vàng hơn. Cho dù Phàm có nhà cửa, có công việc, có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, lại là nhân viên của một công ty đầu tư xuyên quốc gia, đời sống cao cũng không thể nhuận sắc khuôn mặt, thậm chí khi cười Khiêu còn nhận ra một cài nếp nhăn ở đuôi mắt. Năm ấy Phàm chưa đến ba mươi tuổi.
Cứ trông bề ngoài thì Khiêu, người con gái sống trên đất Trung Quốc lại có phần khá hơn. Phàm không thể không than thở, nói: chị, không nghĩ chị lại... lại đẹp hơn trước. Khiêu nói, em thấy thế à? Phàm nói, đúng thế, chị ạ. Hai chị em ra nơi đỗ xe, lên chiếc xe của Nhà xuất bản Nhi Đồng. Phàm nói, em cứ nghĩ phải đi tàu về đấy, đi tàu như hồi em còn học đại học ấy. Khiêu nói, bây giờ thôi rồi, em xem chị lái xe đây. Phàm hỏi, xe của chị à? Khiêu nói, xe của Nhà xuất bản. Phàm hỏi, chị được cấp xe riêng sao? Khiêu nói, chưa, nhưng lúc cần vẫn có thể mượn. Phàm nói, ở Mỹ thì không thể. Khiêu không hiểu đó là lời thán phục hay trách cứ.
Hai chị em qua rất nhanh đoạn đường hai trăm cây số. Đêm đã khuya, bố mẹ vẫn thức chờ. Cả nhà vẫn ở trong khu chung cư của Viện Thiết kế, chỉ có đổi căn hộ, đơn nguyên bốn phòng và hai sảnh, diện tích gấp ba lần diện tích hồi bố mẹ lao động ở nông trường Vi Hà, gấp đôi ngày Phàm ra nước ngoài. Từ khi xuống sân bay Phàm đã thấy trong nước có nhiều thay đổi. Duy chỉ có sân bay vẫn tối tăm và chật chội, nhân viên hải quan mặt lạnh như tiền. Nhưng ra khỏi sân bay đã thấy thay đổi, cho đến tận nhà. Bố mẹ và chị gái, không khí ấm cúng gia đình bao bọc lấy Phàm, mùi canh béo ngậy quen thuộc sộc lên mũi, đó là món mì thập cẩm bố nấu chuẩn bị đón con gái. Cả nhà đều biết Phàm rất thích món này.
Bát mì nóng hôi hổi, những con tôm vàng ươm, nhánh hành tươi, mùi tỏi mùa đông, táo tía, dầu thơm... Phàm ăn liền hai bát, buông đũa khen ngon. Phàm chuẩn bị về thăm nhà với tư thế cao sang, có ý vinh quy cố quốc, nhưng hai bát mì vào bụng làm Phàm định thần lại, nhận ra cố hương không như mình nghĩ, không chênh so với cuộc sống của Phàm. Nhất là chị Khiêu biết lái xe lên tận Bắc Kinh đón Phàm và Khiêu cũng có nhà riêng. Phàm tưởng mình ở Mỹ về sẽ sang hơn, nhưng đã thất vọng. Phàm khóc, không phải khóc sụt sịt giấu giếm mà khóc công khai. Cho đến khi Phàm khóc thì Khiêu mới thực sự cảm thấy em gái đã về, người này thực sự là cô em gái rồi.
Phàm khóc làm cả nhà bối rối, khi ngừng khóc ông Tầm mới hỏi ở bên đó sống thế nào. Phàm kể về cuộc sống ở Mỹ, kì thực những chuyện đó Phàm đã nói qua điện thoại và viết trong thư cả rồi. Cả nhà đều biết "con và David rất yêu nhau", nhưng không ai biết Phàm phải đi làm trong các nhà hàng ăn. Phàm cười nói với mọi người, mấy năm trước Phàm học lấy bằng thạc sĩ thì David phản đối, Phàm quyết không lấy tiền của anh ta, Phàm vừa học vừa làm việc cho một hãng bảo hiểm, vừa được Viski - một người bạn Pháp khuyến khích vào làm thêm cho một nhà hàng ăn kiếm tiền trả học phí. Phàm nói, không ngờ sang Mỹ phải đi dọn bàn trong các quán ăn. Viski nói, bây giờ kiếm tiền dễ dàng, sau khi hết giờ đếm những đồng tiền thưởng nhỏ mọn trong túi thì cảm thấy khác, rồi sẽ say việc, Viski đã say. Cô bạn này giới thiệu Phàm vào làm ở một nhà hàng trong khu giàu có nơi cô ta đang làm, ông chủ hỏi Phàm có năng khiếu gì, Phàm trả lời, tôi có năng khiếu hát đĩa hát 33 vòng thành đĩa hát 78 vòng. Phàm hát thử, ông chủ phá lên cười, ông ta không thể để một người thông minh nhanh trí như thế làm nhân viên chạy bàn. Năng khiếu nói tiếng Anh nhanh làm ông chủ thích thú, thế là Phàm được làm nhân viên dẫn khách cho nhà hàng. Phàm nói cô đã say công việc, suýt nữa thì bỏ việc ở công ty bảo hiểm. Với công việc ngày nào cũng có thêm những đồng đô-la như thế ai mà không say. Tất nhiên cũng có lúc không vui. Nhà hàng nay nằm trong khu nhà giàu, khách đến ăn đều mũ áo trịnh trọng. Một hôm, bố mẹ David - bố mẹ chồng - vào ăn làm Phàm hết hồn phải bỏ đi trốn, không muốn bố mẹ chồng biết mình làm ở đây. Phàm đi trốn nên không có ai phục vụ khách, thế là có người ăn xong rồi bỏ đi, không trả tiền. Phát hiện vắng khách, Phàm phải đuổi theo, không đuổi kịp ông chủ sẽ trừ vào tiền công. Phàm nói, hai người khách cố tình không trả tiền nên họ đi rất nhanh. Phàm đuổi theo nhưng không thể gọi to giữa phố đông người. Phàm đuổi ráo riết, đuổi qua hai dãy phố mới bắt được. Phàm quyết đuổi bằng được, nói đúng ra là đồ chó má. Phàm đuổi kịp, nghiêm trang nói, xin lỗi, ông bà quên thanh toán tiền ăn. Đôi trai gái tóc vàng đứng ngây ra, Phàm thấy rõ vẻ lúng túng giả dối cố tình ngây ra kia. Hai anh chị định với vẻ ngây ngô giả dối đó để đổ lỗi cho Phàm nhầm, nhưng Phàm hết sức bình tĩnh và lễ độ nói, xin lỗi, ông bà quên thanh toán. Phàm với vóc dáng của người phương Đông, thấp bé hơn hai người kia nhưng nét mặt nghiêm nghị và tiếng Anh của người có học làm cho hai người kia không thể xem thường, khi người con trai định nói gì đó thì Phàm nói thêm, nếu ông bà không chịu thanh toán buộc tôi phải gọi cảnh sát. Đến lúc này họ mới ngoan ngoãn trả tiền ăn và còn cho Phàm tiền thưởng. Sau rồi thế nào? Khiêu hỏi, không giấu nổi dòng nước mắt. Phàm nói, sau đó David biết Phàm đi làm ở nhà hàng, anh ta đến tìm, đưa Phàm về, không cho Phàm đi làm như thế. Anh ta đồng ý để vợ đi học lấy bằng thạc sĩ, anh chi tiền vì "hạt đậu" của anh ta.
Phàm hơi mệt. Mãi gần sáng cả nhà mới đi ngủ. Khiêu nằm mơ một giấc mơ nặng nề, thấy mình đi qua một con dốc, nghe dưới chân có tiếng gọi: chị ơi, chị cứu em với... cứu em... Khiêu nhìn xuống thì thấy Phàm đang ở dưới đất chui lên, Phàm như ngày còn học tiểu học, tóc cắt ngắn, mặc áo nhung kẻ màu vàng nhạt chấm đen, khuôn mặt bầu bĩnh lấm lem. Khiêu vội vàng lôi thốc Phàm lên, ôm chặt vào lòng. Toàn thân Phàm ướt đẫm, tuy dưới con dốc không phải là sông suối. Phàm trợn mắt, há hốc miệng thở dốc. Trong miệng có mùi tanh, Phàm còn khạc ra cả một ngọn rong. Khiêu sợ lắm, ngọn rong trong miệng chứng tỏ nó sống dưới lâu ngày. Khiêu không muốn thấy rong trong miệng em, Khiêu vừa ôm em vào lòng, vừa cho tay vào miệng nó, cũng có thể nói Khiêu đang nhổ rong, nhổ những ngọn rong trong miệng Phàm, nhiều rong vô kể, Khiêu phải cho tay vào sâu trong miệng Phàm để đào, để moi, Phàm thì nôn ọe... Chợt Khiêu tỉnh cơn mê.
Khiêu tỉnh lại mới biết mình đang thổn thức. Giường bên Phàm vẫn ngủ say sưa. Phàm ngủ suốt ngày, ngủ lăn ngủ lóc, nắm sấp trong chăn, nằm như con nhái. Tưởng như Phàm bù lại những ngày thiếu ngủ ở Mỹ, như năm nào mẹ ở nông trường Vi Hà về, bù lại những giấc ngủ thiếu thốn ở nông trường. Tưởng như năm năm vừa rồi ở Mỹ Phàm ngủ mà như không, ở Trung Quốc mới thật là ngủ, người Trung Quốc ngủ những giấc ngủ Trung Quốc, ngủ không bận tâm, thả lỏng và nếu có những cơn ác mộng khi tỉnh dậy đã có người ngồi bên giường canh cho giấc ngủ.
Cuối cùng thì Phàm cũng phải mở mắt vươn vai, thấy Khiêu mắt mọng đỏ đang nhìn mình, Phàm chớp chớp mắt hỏi chị sao thế. Khiêu kể lại cho Phàm nghe giấc mơ vừa rồi. Khiêu hơi mê tín, cho rằng đã nói ra được giấc mơ dữ là điềm lành. Phàm tỏ ra không động lòng. Hai bàn tay Phàm để chéo sau gáy, mắt nhìn lên trần nhà, nói, ở nhà đừng lo lằng gì cho em, em không đến nỗi đáng thương như trong giấc mơ của chị đâu, em chẳng sao hết.
Khiêu giải thích, chị đâu có thương hại gì cho em, chỉ lo thôi, lo như trong mơ, em ở nước ngoài một thân một mình.
Làm sao em ở nước ngoài một thân một mình được? Chồng em không phải là người sao? Nếu nói một mình thì chị mới một mình. Chị một mình còn thương hại cho em.
Khiêu bắt đầu không hiểu Phàm. Tình cảm thất thường của Phàm khiến mọi người cảm thấy Phàm sống ở Mỹ không hẳn tốt như Phàm nói, nhưng Khiêu không có gì để làm bằng chứng.
34
Vẫn có những lúc vui. Mạnh Do Do cô bạn thời niên thiếu, thời học sinh mời bạn bè ăn cơm.
Lớn lên, Do Do thực hiện được mong muốn cháy bỏng của mình, cùng chồng mở nhà hàng ăn không lớn lắm ở ngay Phúc An, tên gọi "Nhà hàng Do Do" đối ứng với "món ăn nam bắc, tôm cua cá biển". Tám chữ ấy làm Do Do thấy vừa ngang vừa chối... Ở phố Nhã Bảo khi sứ quán Bắc Kinh có nhà hàng Cô Phùng, khách đông nườm nượp. Khiêu đã đến đấy ăn cơm về nói chuyện lại. Do Do nói, vậy thì mình cũng gọi là nhà hàng cô Mạnh. Khiêu nói, gọi cô làm tớ nghĩ đến cô Bát trong phim Mật hiệu thành Quảng Châu, nhân vật trong phim thật thê thảm, tại sao không gọi là nhà hàng Do Do? Phải rồi, cứ gọi là nhà hàng Do Do. Nhà hàng Do Do khá đông khách, có các món ngon như lươn tẩm bột, móng giò hầm, gà hấp bia, cá diếc kho mặn... Do Do thuộc phái cởi mở, món nào nhiều người ăn thì làm, ví dụ món cá diếc kho mặn là đặc sản của Phúc An, ngon ra trò, Do Do cố gắng làm thật ngon.
Khiêu nói với Phàm, em còn nhớ Do Do không? Phàm nói, nhớ chứ, còn cả người đẹp Đường Phi nữa.
Phàm nhớ hồi nhỏ dành phần sữa đưa đến nhà Do Do, chờ mỏi mắt mới được ăn món bánh tiểu tuyết cầu.
Cánh bạn bè của Do Do ăn uống trong căn phòng xinh xắn, dễ chịu, Đường Phi cũng đến. Phi tặng Phàm chiếc vòng sơn son đỏ kiểu cổ. Lúc này Phàm mới nhớ ra mình chưa biếu quà những người bạn của chị gái, người Mỹ ít lễ lạt hơn người Trung Quốc nhưng không xem thường tặng phẩm. Phàm đã là người Mỹ chưa? Từ trong cốt tủy chưa bao giờ Phàm xem mình là người Mỹ, đáng tiếc Phàm cũng không phải là người Trung Quốc, tình và nghĩa của người Trung Quốc, bật luận hư thực, cách xa Phàm quá. Cảm ơn Đường Phi, Phàm thấy buồn vì không nơi nương tựa. Phàm mời Đường Phi hút thuốc, thuốc lá More điếu dài dành cho phụ nữ, cả hai cùng hút. Hai người hút thuốc và thăm dò nhau. Đường Phi mặc áo da đen, váy da siêu ngắn, chất da mịn, mềm như lụa, nếu xếp loại thì cũng thuộc loại cao cấp ở Mỹ. Cách ăn mặc và mái tóc lượn sóng dài ngang lưng của Phi lại làm cho Phàm nhớ đến những gì Phi đã trải qua. Qua Khiêu, Phàm biết tất cả, bởi thế Phàm không hỏi về công việc hiện tại của Phi, Phàm thấy con người như Phi công việc cũng có điều gì đó đáng ngờ. Phàm không thể không thừa nhận cuộc sống trong nước hiện tại khá hơn nhiều so với ngày Phàm ra đi. Phàm để ý đến cách ăn mặc của những người ngồi trước mặt đây, thầm phục áo quần Trung Quốc may chẳng kém gì ở Mỹ. Phàm ngồi nghe chị, Đường Phi, Do Do nói chuyện với nhau, Khiêu với Phi thì luôn luôn đem khách đến nhà hàng Do Do để tiếp, có đến tám chín phần mười khách của nhà xuất bản được Khiêu kéo đến đây. Khiêu nói, có hai vợ chồng người Canada là khách đặc biệt của nhà xuất bản, họ giúp biên soạn bộ truyện vui bằng tiếng Anh dành cho thiếu nhi, rất thích món bánh củ cải thái chỉ, trước khi rời Phúc An họ đến ăn ở nhà hàng này liền ba hôm, không thích gì ngoài một li trà hoa cúc, một tá bánh củ cải thái chỉ, vừa ngon vừa rẻ. Do Do nói với Khiêu, đằng ấy thử đoán xem Phi đưa khách đến tớ phải thế nào? Khiêu nói, khách của Đường Phi toàn là người có tiền, người nhiều tiền đâu có đến nhà hàng của đằng ấy, phải không Phi? Đường Phi phá lên cười, tớ đưa khách đến đấy mấy lần rồi, trước khi đến đều gọi điện cho Do Do chuẩn bị một thực đơn khác, tính lại giá tiền, những món ba chục đều nâng lên thành ba trăm. Với những thực khách sẵn tiền đều có thói quen hỏi "món gì ngon nhất" hoặc hỏi "nhà hàng có món gì đắt nhất", bọn họ toàn gọi những món đắt tiền, món cá diếc kho lên đến một trăm tám mươi đồng. Khiêu cười vang: thật đáng đời, phải tay tớ sẽ cho thêm một số không nữa, thành một nghìn tám trăm đồng. Phàm ngồi nghe, không thú vị gì với câu chuyện của mấy chị, Phàm có phần bất bình với trò khôn vặt kiểu Trung Quốc, bởi Phàm thanh cao, bởi Phàm không thể hoà nhập, không thể nhập bọn. Phàm rất phục chị và hai người bạn gái ngồi cùng bàn tỏ ra rất dân dã, còn mình bây giờ không thể thế được nữa.
Bữa cơm đãi khách kết thúc, Khiêu gọi điện thoại cho Trần Tại rồi quay lại nói với Phàm, lát nữa anh Tại đưa xe đến đón chị em mình đi xem khu biệt thự Mỹ Sơn do anh ấy thiết kế.
Trần Tại đi học ở Anh về, hồi này đã là kiến trúc sư nổi tiếng, anh thiết kế thành công nhà bảo tàng thành phố, tòa cao ốc nhà xuất bản và khu biệt thự Mỹ Sơn do các nhà đầu tư Singapore bỏ vốn. Năm nay anh đang xây dựng văn phòng thiết kế của mình. Anh đã lấy vợ, lấy vợ nhưng vẫn không quên Khiêu. Anh rất muốn làm một việc gì đó cho Khiêu, rất muốn làm những việc mà Khiêu muốn. Hai người vẫn thường gặp nhau, vừa trong sáng vừa bí mật, không có chuyện gì là không nói với nhau. Tại không phải là người thân của Khiêu, nhưng không hiểu vì sao mỗi khi Khiêu gặp điều phiền muộn đều nghĩ đến Trần Tại trước tiên. Một trai một gái, hoặc họ không có ý định nhìn đích trước mắt, anh biết Khiêu cùng sống trong một thành phố, Khiêu biết anh sống với mình trong một thành phố, hai người cùng tồn tại, như thế là đủ lắm rồi.
Trần Tại đưa xe đến đón Khiêu và Phàm đi xem biệt thự Mỹ Sơn, đúng là một vùng cảnh đẹp ngoại ô Phúc An, cách trung tâm thành phố không xa, vừa từ một đô thị ồn ào thoáng cái đã đến một vùng đồi yên tĩnh không chút khói bụi, cảm giác "thoáng cái" thật hấp dẫn. Xe đi qua cùng nhà cửa thưa thớt đến ngay biệt thự số một. Tất cả còn mới, chưa sử dụng. Trần Tại là người thiết kế, có quyền dùng trước mọi thứ ở đây. Khiêu rất thích thiết kế của biệt thự số một: phong cách Tây Ban Nha giản dị, phóng khoáng và thực dụng. Họ tắm hơi rồi vào ăn bữa tối, phòng tắm hầm hập làm làn da mọi người đỏ lên. Bỗng Phàm đòi uống rượu Trung Quốc, uống Ngũ Lương Dịch. Khiêu uống nhiều, Trần Tại xót xa, khuyên Khiêu uống từ từ thôi. Anh khuyên, mặt vẫn bình thản, chỉ có những trai gái hiểu nhau nét mặt mới bình thản như thế. Trần Tại vẫn nói chuyện với Phàm, nói chuyện bằng tiếng Anh, anh khen Phàm phát âm hay. Còn Khiêu mỉm cười nhìn hai người. Khiêu bằng lòng để Trần Tại thân với Phàm, mong cho Phàm vui. Dẫu thế, Phàm vẫn có cảm giác lạc lõng. Hai người rất ân cần và chu đáo với Phàm nhưng cũng không làm lòng Phàm ấm lên, ngược lại càng tương phản với tấm lòng thân thiết của hai người. Phàm cố tình thúc giục Khiêu chạm li, chỉ mong Khiêu phải ngượng với Trần Tại bởi không thắng nổi chén rượu. Khiêu liều lĩnh uống, Trần Tại phải giật lấy cái li trong tay Khiêu, nói với Phàm, uống giúp cho chị, chị... chị say rồi. Trước mắt Phàm cũng trở nên mơ hồ, những gì không có thì ở đây đều có, xa xỉ nhất là sự hoà hợp sâu nặng khó nắm bắt của đôi trai gái phương Đông. Phàm ghen tị, ngưỡng mộ sự hoà hợp này, Phàm mong được như đôi trai gái phương Đông. Phàm nhớ đến người bạn trai hồi còn học đại học ở Bắc Kinh, hai người có cảm tình với nhau. Anh này là người vùng quê Sơn Đông, một lần kể cho Phàm nghe chuyện hồi nhỏ. Nhà cậu ta nghèo lắm, bố mẹ chết phải ở với chú. Cậu ta nhớ, người cha trước khi chết đã xoa đầu con và than thở, con trai tội nghiệp, con chẳng còn đâu cuộc sống tốt đẹp. Cậu ta nhớ mãi câu ấy, câu nói đã cổ vũ cậu học tập phấn đấu để có ngày mai tốt đẹp. Cậu ta bị ức hiếp, ai ức hiếp cậu ta đều trả thù. Cách trả thù cũng rất độc đáo, cậu ta lấy một con dao nhỏ, trong túi áo là gói hạt hoa tiêu, chờ lúc vằng người cậu ta đến nhà người gây thù gây oán, dùng dao khoét một lỗ nhỏ dưới gốc cây dương ở giữa sân, nhét vào đấy một vài hạt hoa tiêu, cây dương kia sẽ chết. Phàm hỏi cậu ta học ở đâu cách trả thù ấy, cậu bảo một người ăn xin ở huyện bên bảo thế. Lúc đó Phàm nhìn cây dương ở giữa sân định thử xem sao. Nhưng rồi không làm, chỉ mong câu chuyện chỉ là câu chuyện, sự thật trong câu chuyện hấp dẫn hơn sự thật ở ngoài đời, sự thật trong câu chuyện có thêm sức hấp dẫn của người kể. Phàm nghĩ, con trai nên như anh sinh viên này, có chủ ý, có điểm nổi bật. Sau rồi, Phàm quen David, anh sinh viên biết làm cho cây dương chết cũng biến mất trong tầm mắt Phàm. Bây giờ Phàm lại nhớ đến cậu ta trong buổi tối yên tĩnh này, buổi tối uống rượu Ngũ Lương Dịch, buổi tối tấm lòng Trần Tại và Khiêu hoà hợp cùng nhau, Phàm không nhớ David mà nhớ anh sinh viên học cùng lớp. Có thể bởi Phàm là người Trung Quốc, người con gái Trung Quốc chưa bao giờ yêu một người con trai Trung Quốc nào.
Tối hôm ấy ba người ngủ lại ở biệt thự số một, Khiêu và Phàm ngủ chung một phòng, đều ngà say. Hai chị em mỗi người một giường, nói chuyện với nhau câu được câu mất. Phàm hỏi, chị thích anh Tại không? Khiêu nói, anh Tại đã có vợ, Phàm nói, có vợ và thích là hai chuyện khác nhau, tại sao chị không trả lời thẳng vào vấn đề? Khiêu nói, chị không thích, bây giờ chị không còn thích bất cứ người con trai nào nữa. Phàm nói, chị nói dối. Khiêu nói, chị không nói dối đâu. Phàm nói, nếu em thích anh Tại thì chị nghĩ sao? Khiêu không trả lời. Phàm nói, chị sợ rồi, sợ không nói được câu nào. Khiêu nói, thôi đi, đừng nói vớ vẩn. Phàm nói nghiêm chỉnh, chị không thích anh ấy là phải, đừng mong người đàn ông có vợ thành thật yêu chị. Phàm tỏ ra hơn hẳn khi nói được câu ấy, chỉ một phút nữa là Phàm đem David ra làm ví dụ, David khi lấy Phàm là người chưa vợ. Khiêu không nói gì nữa, đã ngủ. Có thể là vờ ngủ.
Ba người ăn uống ngủ nghê tận chiều hôm sau mới về Phúc An. Vừa về đến nhà mẹ tỏ ra vui mừng nói, tối nay cả nhà đi ăn hàng Nhật Bản, món ăn Nhật ở Mỹ rất đắt, mẹ đã đặt chỗ ở nhà hàng rồi. Phàm hơi cau mày nói, Phúc An cũng có nhà hàng Nhật Bản cơ à? Mẹ nói, có, vừa mới mở. Bố nói thêm, nguyên liệu, thịt bò của nhà hàng này đưa từ cảng Kobe đến Thiên Tân rồi từ Thiên Tân đưa bằng máy bay về đây. Phàm vẫn cau mày, phải một lúc mới quyết định có đi ăn nhà hàng Nhật Bản hay không, bởi Phàm đang đau bụng. Nói xong, Phàm về phòng mình nằm. Phàm tỏ ra không thú lắm, tưởng như việc ở Phúc An có nhà hàng Nhật Bản làm Phàm không vui.
Bà Vũ và ông Tầm có phần cụt hứng, nhưng vẫn dịu giọng hỏi làm sao Phàm đau bụng, hay là ở biệt thự Mỹ Sơn ăn phải thứ gì độc? Phàm nói, không biết, có thể là thế. Khiêu nói ngay, không hẳn thế, tại sao bụng chị không đau. Phàm nói, em khác, em còn lạ nước lạ cái, em về nước được hai hôm thì bị đi ngoài, chị biết không? Khiêu nói, hai hôm nay bụng xấu thì đừng trách thức ăn ở biệt thự Mỹ Sơn. Phàm nói, em đâu có trách, chỉ nói có thể. Khiêu nói, chị hiểu ý em rồi. Bỗng Phàm ngồi bật dậy, nói, em càng hiểu ý chị, bởi bạn chị mời em ăn, mời em chơi, mời em tắm hơi, em đi hóng mát khắp nơi, đi đến đâu cũng luôn mồm cảm ơn, phải không nào? Cái gì em cũng phải khen tốt chứ gì? Tại sao chị cứ bắt người khác phải tỏ ra biết ơn? Việc gì em phải biết ơn chị, việc gì phải biết ơn chị! Khiêu bị kích động, không băng lòng với cách nửa nằm nửa ngồi vẻ khó chịu của Phàm, Khiêu nói, em ở nước Mỹ văn minh nhưng không học được cái văn minh tối thiểu đối với người làm việc tốt cho mình sao?
Khiêu làm Phàm nổi giận, có lẽ Phàm cũng muốn làm chị nổi giận mới có cơ hội trút hết những điều bực bõ vô cớ. Cho dù Khiêu không làm thì Phàm cũng cố tìm cách để Khiêu làm Phàm giận. Không như thế Phàm cũng đứng ngồi không yên, cơn giận trong lòng không có lí do để bùng phát, ngọn lửa trên mặt cũng không thể nóng lên được. Bấy giờ thì tốt rồi, Phàm đã có cớ để nói, Phàm nheo mắt và nói, được người khác đối xử tốt? Chị đối xử tốt với em đấy à? Xin lỗi, em không có ý nhận sự đối xử tốt của chị, mấy lần đi ăn cũng là người khác bỏ tiền, tắm hơi, ngủ biệt thự cũng là của anh Tại, làm sao em cảm ơn chị được? Bố phải nói chen vào, Phàm, con nói thế không được, để đón con, chị phải xin nghỉ mấy hôm, lái xe lên Bắc Kinh đón con về... Phàm ngắt lời bố, con đang định nói về cái xe, đó là xe của nhà xuất bản, xe công, chị lấy xe công đi làm việc tư có gì hay đâu. Chị cứ tưởng em phục lắm sao? Còn những người bạn của chị, cái quán ăn tồi tàn nân giả thật tầm thường không để đâu cho hết, chỉ có ở Trung Quốc mới có chuyện như thế, ối dào, thế mà các chị cũng vui với nhau được... Phàm nói thao thao giống như người ăn cháo đá bát. Khiêu nghĩ ra ví dụ ấy, nghĩ đến việc Phàm thích ăn bánh xốp củ cải thái chỉ của nhà Do Do, ăn xong còn bảo chị lấy đem về. Khiêu không thể hiểu nổi cô em đang ở trước mặt đây, không thể hiểu nổi nguyên do giận dữ của Phàm. Lúc này mẹ lên tiếng khuyên can: Phàm, thôi đi con, con chườm túi nước nóng vào bụng để tối còn đi nhà hàng Nhật Bản. Lập tức Phàm chuyển cơn giận sang mẹ: con không hiểu tại sao bố mẹ cứ bảo con đi ăn, nhất là mẹ, từ thuở bé đến giờ con chưa được ăn bữa cơm nào mẹ nấu, mẹ làm được món gì con cũng chẳng biết. Con ở nước ngoài về tại sao không cho con được ăn cơm nhà mà cứ phải đi nhà hàng? Con không đi, con không đi nhà hàng Nhật Bản, con không muốn lúc nào cũng nói chuyện ăn uống. Thật đáng ghét, người Trung Quốc không bao giờ quên được ăn ăn ăn, lấy miếng ăn ngon làm hạnh phúc...
Khiêu im lặng từ nãy đến giờ mới nói với vẻ đắc ý: nói cho em hay nhé, chị là người Trung Quốc, lấy miếng ăn ngon làm hạnh phúc thế đấy.
Phàm biết chị đang giận. Khiêu ra vẻ đắc ý. Trông thấy vẻ đắc ý của Khiêu, Phàm chỉ muốn tát cho chị một cái.
Hai chị em giận nhau.
35
Hai chị em cãi nhau suốt một tháng trời kể từ khi Phàm xuống máy bay. Kì lạ là, sắc mặt Phàm mỗi ngày một khá lên, người béo ra, hai má hồng hào, da căng bóng. Tất cả tưởng như do cãi nhau, được thoải mái tâm hồn và thể xác trên quê hương, dùng tiếng Trung Quốc để cãi nhau, cãi nhau mệt rồi ăn cháo Trung Quốc, cơm Trung Quốc, rồi nằm ngủ không cần giữ ý - cách ngủ biếng nhác kiểu Trung Quốc. Mỗi lần cãi nhau với chị xong, Phàm lại có cảm giác sảng khoái. Phàm sợ hãi nghĩ, phải chăng về nước để cãi nhau với chị? Không, ý Phàm không phải thế, nhưng không biết phải thế nào đây.
Lúc nghỉ cãi nhau, Phàm ăn ngon lành cháo gạo, cháo thịt nạc trứng gà mà ở Mỹ không hề được ăn, Phàm thấy chị không để bụng, thậm chí còn tỏ ra tốt với mình, Phàm cảm thất đau lòng. Đau lòng làm cho trong nhà trở nên ôn hoà, tưởng như chưa hề xảy ra chuyện gì, như Phàm chưa ra nước ngoài, giống như sau mỗi buổi học, đem theo mũi sắt gỉ ở lớp về, lẳng cặp sách bằng da nhân tạo lên mặt bàn. Hồi thi đại học, một hôm bài làm không tốt lắm, Phàm mặt mày nhợt nhạt hớt hải chạy về, miệng khô, mồ hôi nhễ nhại, vừa vào đến cửa đã kêu toáng lên "hỏng, hỏng hết, hỏng hết..." Khiêu nhớ lại Phàm với vẻ mặt vô cảm, vội vã hoảng hốt, vô cảm của Phàm chân thực hơn, tin cẩn hơn vẻ kiêu căng của Phàm.
Những lúc làm lành hai chị em cũng nói với nhau về chuyện riêng tư, nhà cửa. Phàm thì vừa khen David lắm tài và trách anh tính khí trẻ con, có lần bỏ ra năm mươi đô-la để mua một cái bình sữa cũ, bởi nó giống cái bình sữa anh ta dùng hồi nhỏ, cái bình sữa có thể làm anh sống lại cảm giác hồi nhỏ. Phàm nói, bình sữa cũ ấy chỉ đáng giá mười đô-la, nhưng anh ta nhất định mua bằng được. Khiêu nói, có thể thông cảm với anh ấy, bởi nhớ lại quá khứ là bản năng của con người, em với David không cùng quá khứ, cậu ta không thể cùng em nhớ lại, đành thông qua cái bình sữa để tìm về quá khứ, vui với quá khứ. Phàm lập tức trở nên nhạy cảm, nói, đúng là em không cùng chung quá khứ với David, anh ấy nói chuyện với họ hàng của anh ấy rằng, em im lặng về quá khứ, chỉ có hiện tại, hiện tại thì làm sao? Khiêu nói, em có quá khứ, quá khứ Trung Quốc của em, chị không hiểu tại sao em chối bỏ quá khứ, quá khứ của em, quá khứ của hai chị em mình, những bạn học thời học sinh của em, tại sao em không muốn gặp lại chúng nó? Phàm nói, em không muốn gặp bọn chúng, với chúng nó xưa nay em có chuyện gì để nói đâu. Khiêu nói, có một người bạn thời trung học của chị đã đi Australia, cứ mỗi bận về nước thế nào cũng cùng mọi người họp mặt. Chị tham gia mấy lần, không có gì gọi là cao sang, nhưng rất xúc động. Cậu này cùng học với chị từ năm đầu bậc trung học, rất thích văn học, tuy hồi ấy chẳng có gì đáng gọi là văn học. Một lần, trong giờ làm văn, thầy giáo ra đề "Lớp học của chúng em", cậu ta viết: "Lớp học của chúng em có nhiều cửa kính bị vỡ, lớp học giống như khuôn mặt đang cười tươi". Bài văn bị thầy giáo phê kịch liệt, thầy phê cậu ta bôi nhọ lớp học, hình dung cửa kính lớp học bị vỡ như khuôn mặt đang cười. Cậu ta biện giải răng, cậu ta nhìn thấy thế, không thấy kính vỡ có điều gì đáng buồn, căn phòng có cửa kính vỡ làm cậu ta có cảm giác vui vẻ, tự do thoải mái, bởi vì trong giờ học có thể nhìn ra ngoài mà không bị cản trở. Vậy mà đã qua nhiều năm, trong một lần họp mặt, các bạn cùng lớp nhắc lại bài văn này, khi có bạn đọc to "lớp học của chúng em có nhiều cửa kính bị vỡ, lớp học như khuôn mặt đang cười", thì tất cả như trở về với quá khứ, mọi người như trẻ lại.
Phàm nói, chị đang so sánh em với bạn chị đang ở Australia đấy à? Em không chịu được như thế đâu, em không chịu được tâm lí không bình thường của người Trung Quốc cứ nghĩ rằng hễ ai ra nước ngoài cũng đều giàu có, ra nước ngoài là xúc được của. Tại sao chị lại gây sức ép tâm lí đối với người ra nước ngoài, mà khi về nước thăm thân lẽ nào cũng phải nghe lũ bạn thời học sinh chỉ bảo? Khiêu nói, em lại lẫn lộn chuyện nọ sang chuyện kia rồi, ở nhà có ai bảo em ra nước ngoài giàu to đâu, ở nhà ai cũng mong cho em có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Nếu em cứ bất chấp sự thật nói những chuyện không đâu vào đâu thì đó là vấn đề phẩm chất. Những lời nghiêm khắc của Khiêu đã dẹp được cơn nóng giận của Phàm, nhưng Phàm lại lấy bố ra làm ví dụ: nhưng bố một mặt gây sức ép với em, hỏi em tại sao không học lấy bằng tiến sĩ? Tiến sĩ hay không là chuyện của em. Ngược lại, em muốn hỏi, tại sao bố không giục chị học lấy bằng tiến sĩ? Ngay cả bằng thạc sĩ chị cũng không, nhưng chị tỏ vẻ thành đạt, em có cố gắng đến đâu cũng không đủ, em phải thế nào mới thoả mãn được mọi người?
Khoảnh khắc im lặng.
Khiêu nói, em lắm chuyện quá rồi đấy Phàm ạ, tại sao em lắm chuyện thế? Tại sao em lại có ác cảm với cuộc sống ở trong nước như thế? Phàm nói, em có ác cảm, ác cảm tại sao các người lại giả dối, trốn thuế lậu thuế như thế, miệng chị nói ra với em, ngoài lương ra chị không bao giờ nộp thuế các khoản thu nhập khác. Đó là những ngày tốt đẹp của chị. Ở Mỹ trốn thuế phải ngồi tù, chị biết không. Khiêu nói, chị trốn thuế thật đấy, nhưng chị cảm thấy em phẫn nộ không xuất phát từ việc trốn thuế của chị, em phẫn nộ bởi không trốn thuế được như chị. Phàm nói, đó là tâm lí mờ ám của chị, chứ ý thức nộp thuế của người Mỹ hơn chị nhiều. Khiêu nói, đừng nói nước Mỹ toàn vẹn không kẽ hở nào nhé, em sang Mỹ mới được ba tháng đã nhập quốc tịch Mỹ bằng cửa sau đấy thôi, chính em nói với chị, chồng em chạy chọt để em có được tờ giấy chứng nhận em sinh ở Mỹ. Em sinh ở Mỹ à, có phải em sinh ở Mỹ không nào? Em là đứa trẻ đẻ ở Bắc Kinh, lớn lên ở Phúc An, em có tên Trung Quốc là Doãn Tiểu Phàm.
Em bằng lòng không phải là người lớn lên ở Phúc An, em căm giận giai đoạn lịch sử ấy.
Giai đoạn lịch sử nào? Giai đoạn lịch sử nào làm em ác cảm vậy?
Có thật chị muốn em nói ra không?
Chị muốn em nói đấy.
Bảy tuổi - Phàm nói - năm bảy tuổi, một hôm em ngồi đan tất ở cửa, chị ngồi đọc sách, nó... nó xúc đất ở gốc cây, tay cầm cái xẻng với cái xô con, có mấy bác gọi nó, các bác ngồi đóng Tuyển tập Mao Trạch Đông ở kia, nó không nghe thấy các bác ấy gọi, em nghe thấy. Nhưng nó nhìn thấy các bác ấy vẫy tay, vỗ tay gọi, thế là nó... không em không nói, không muốn nói nữa.
Lòng Khiêu lắng xuống theo lời thuật lại của Phàm, cứ nghĩ Phàm không nhắc lại chuyện cũ đã từ lâu khép kín. Khiêu cho rằng hoặc Phàm không nhớ rõ, nhưng Phàm nhắc lại, Khiêu không có quyền ngăn cảm, không thể ngăn cản, có thể ngày phản xử đã đến, Phàm sẽ nói với bố mẹ, nói với xã hội để Phàm có thể giải thoát. Lòng Khiêu lắng xuống nhưng lại gợi lên nỗi tuyệt vọng ngọt ngào. Ở đời đúng là có những nỗi tuyệt vọng ngọt ngào, tựa như người thất tình bị cơn bão tình yêu tàn phá. Khiêu giục Phàm nói tiếp, Khiêu không chấp nhận Phàm cắt ngang câu chuyện, đã có gan nhắc đến chuyện đó thì cũng nên có đủ dũng cảm để nói hết.
Khiêu giục Phàm nói tiếp. Phàm nói, không, em không nói nữa, xin lỗi, em không nói nữa đâu.
Em phải nói. Khiêu nói.
Lúc đó nó thấy các bác vẫy tay gọi - Phàm nói - nó liền, nó liền vứt xẻng và cái xô đồ chơi, chạy về phía các bác. Trên đường nó chạt có cống nước bẩn, cống nước bẩn ấy mở nắp, nó chạy thẳng tới, chị và em cũng đứng dậy. Chúng mình đứng phía sau nó, cách chừng hai chục mét, ba chục mét. Em nhớ em gọi nó tránh ra, nhưng em biết không ích gì, bởi nó không nghe thấy, nó bị câm, bị điếc. Em định chạy tới... lúc đó chị kéo tay em lại, chị kéo tay em, không phải là kéo mà là giữ em lại.
Phải rồi, chị giữ tay em lại, em nói đúng - Khiêu nói - Kéo là ngăn cản - Khiêu nói thêm.
Lại một khoảnh khắc im lặng.
Khiêu thản nhiên thừa nhận đã "giữ tay" Phàm, phần nào khiến Phàm bất ngờ, trách nhiệm cuối cùng thuộc về một mình Khiêu, cái chết của bé Thuyên không liên quan gì đến Phàm, Phàm từ trong bóng tối của hai mươi năm trước bước ra, đó là giai đoạn lịch sử mà Phàm ác cảm. Nhưng Phàm không thực sự cảm thấy nhẹ nhõm, bởi không có khả năng nói với Khiêu: vậy Phàm có thích bé Thuyên không?
Phàm là người kể chuyện bản thân năm bảy tuổi thành người muốn cứu sinh mệnh, ai có thể chứng minh được khi Phàm cất bước về phía trước là thật sự muốn cứu người? Có thể do sợ hãi Phàm đã đưa tay cho Khiêu, hôm ấy hai chị em nắm tay đứng sóng đôi. Suốt đời Phàm không muốn nghĩ đến điều ấy. Đó là sự thật không thể chối bỏ, dù là lương tâm hay lí trí. Chỉ có chủ nghĩa thực dụng mới làm cho sự việc trở nên hợp lí một cách tương đối. Vào giờ này Phàm vận dụng chủ nghĩa thực dụng, có thể trong lòng không đau khổ lắm bởi cái chết của bé Thuyên từ thời xa xưa mà muốn dập tắt sự bực tức của Khiêu: cái "kéo tay" hơn hai mươi năm trước của Khiêu chỉ là "thoáng chút", Phàm muốn để Khiêu biết sự ngẫu nhiên nhắc lại kia chẳng có ý nghĩa gì, tất cả Phàm vẫn chưa quên. Khi câu chuyện trở lại nguồn gốc: ngày ấy Phàm có thích bé Thuyên không, thì Phàm lẩn tránh. Phàm im lặng, nhưng Khiêu nói thẳng ra: chị không thích bé Thuyên. Chỉ một chút nữa là Khiêu buột miệng nói ra tại sao mình không thích bé Thuyên, nguyên nhân không phải do ghen tị bản năng như của Phàm, Khiêu không có cách nào nói ra được. Ngoại trừ Đường Phi, còn trước và sau đó Khiêu không trao đổi với bất cứ ai về chuyện ấy. Khiêu không có cách nào nói ra được.
Thế là Phàm đâm ghen ghét Khiêu thẳng thắn, chợt Phàm cảm thấy giải thoát không phải là trút bỏ trách nhiệm tội lỗi sang cho người khác, giải thoát là phải nhìn thẳng vào trách nhiệm của mình. Khi Khiêu cảm thấy mây đen bao phủ cũng là lúc bắt đầu được giải thoát. Phàm thì bỏ lỡ cơ hội, bởi thế Phàm không có cảm giác đắc thắng trong tưởng tượng, tuy Khiêu ngồi trước mặt đây bị giày vò bởi chuyện ấy. Khiêu ngồi đây, mắt nhìn vô định, người cũng như thu nhỏ. Khiêu làm sao có thể thanh thản siêu thoát để bình phẩm về cuốc sống của Phàm ở Mỹ được nữa, Khiêu làm sao có thể để lòng mình thanh thản hưởng thụ cuộc sống trên mảnh đất vừa quen thuộc vừa thân thiết của mình đã làm cho Phàm đau đầu.
Trước ngày chia tay, hai chị em muốn khách khí với nhau, nhưng vô ích, càng ra vẻ khách khí lòng hai chị em càng thêm nặng nề. Khiêu nói như nịnh, em càng ngày càng đẹp. Có thể do hơi nhiều chăng? Phàm khiêm nhường, chị ơi, em thấy áo quần của chị đẹp hơn của em đấy. Nói xong, cả hai chị em đều thầm biết mình đang giả dối với nhau. Khiêu mua ở cửa hàng Hữu Nghị cho Phàm con búp bê trai mặc áo chùng đỏ, quần không đáy, đầu đội mũ quả dưa, con búp bê làm dịu căng thẳng giữa hai chị em. Người bán con búp bê này khá hiểu tâm lí khách nước ngoài, hoặc làm để bán cho khách nước ngoài. Khiêu nhớ ra Phàm bảo phải mua cho cháu gái David một tặng phẩm nho nhỏ, con búp bê mặc quân không đáy này còn gì bằng. Phàm đặt tên cho búp bê là Vương Đại Quý, lí thú hơn là Vương Đại Quý còn để chim ra ngoài, cái chim nho nhỏ bằng bông dài chừng một phân.
Chuyến về thăm Trung Quốc của Phàm kết thúc ở Vương Đại Quý, Phàm ra sân bay Thủ đô cùng với Vương Đại Quý và Khiêu đi tiễn, bỗng Phàm méo xệch miệng khóc to. Khi đã làm xong thủ tục gửi hành lí, xác nhận vé, vào cửa hải quan, không còn gần Khiêu được nữa, Phàm vẫy tay gọi to, chị ơi, em nhớ chị lắm!
Trên thế gian này người Khiêu nhớ nhất có thể vẫn là Phàm.
Khiêu khóc, lòng rối bời, nhìn theo Phàm khuất hẳn ở nơi xa, chợt cảm thấy mình đã bỏ em gái, còn Phàm về lần này là để nói với Khiêu, trách cứ Khiêu chuyện năm lên bảy, cùng nỗi niềm sâu nặng của người bị hại. Khiêu bỏ Phàm, chủ nhật ấy hai chị em đứng phía sau bé Thuyên, khi Khiêu kéo tay Phàm cũng là lúc bỏ Phàm. Khiêu chỉ để lại cho công dân Mỹ mặc áo da màu huyết du này điều rất đáng sợ mà lúc nào cũng có thể đem ra hành hạ, giày vò Khiêu.
36
Từ đó, Phàm phát hiện ra rằng, cứ mỗi lần về nước là một lần giày vò người nhà. Sau lần ấy Phàm còn về nước nhiều lần. Công ty xuyên quốc gia nơi Phàm làm việc đang kinh doanh tại Trung Quốc, Phàm phụ trách một bộ phận của công ty, năm nào cũng phải đi công tác, Bắc Kinh, Toronto, Tokyo... mỗi chuyến công tác Phàm đều ghé thăm nhà. Phàm không yêu cầu Khiêu lái xe lên Bắc Kinh đon, bởi Phàm đã lớn tiếng phê phán hành vi tham nhũng của Khiêu. Phàm lam mình không còn đường lui cuộc phải nhờ Trần Tại. Trần Tại có xe, Phàm muốn anh lên Bắc Kinh đón mình, Phàm tính táon chi li gấp trăm lần Khiêu, không chịu mất tiền thuê tắc-xi từ Bắc Kinh về Phúc An.
Hoặc là do một nguyên nhân khác. Ở Mỹ, cứ mỗi lần gọi điện cho Khiêu xong thế nào Phàm cũng gọi điện cho Trần Tại. Không thể nói Phàm làm thế là để giám sát hành tung của Khiêu và Trần Tại, dò xét mức độ thân sơ của hai người, không có mục đích gì khác, chỉ tán chuyện thế thôi. Phàm mong những ngày ở lại Trung Quốc sẽ có những giờ riêng với Trần Tại, ví dụ trên quãng đường từ Bắc Kinh về Phúc An.
Trần Tại hai lần đánh xe đi đón Phàm. Trên đường cao tốc Phàm đòi lái thử. Phàm nói không dám lái xe ở Trung Quốc, hồi đi học cưỡi xe đạp rất giỏi, bây giờ xe đạp cũng không dám đi, chủ yếu không quen với đường đông người, đông người làm Phàm bối rối. Tay lái của Phàm khá dẻo, bàn tay với những móng để dài tô son màu hoa hồng đặt trên vô-lăng, động tác thật dứt khoát và tự nhiên trông mới đẹp làm sao. Chốc chốc Phàm lại đưa tay lên vuốt những sợi tóc xõa xuống tai - Phàm để tóc dài. Mỗi cử chỉ, mỗi tư thế tay của Phàm, tiết tấu trong câu chuyện, chừng mực trong lời nói, ánh mắt thi thoảng liếc nhìn Trần Tại... tất cả đều ra vẻ người quen với nếp sống Mỹ. Phàm luôn miệng hỏi, anh Tại thấy em thế nào? Trần Tại trả lời, thông minh, giỏi, tuyệt vời. Phàm lại hỏi, so với chị Khiêu thế nào? Trần Tại nghiêng đầu nhìn ra cửa xe, cười và không trả lời. Hoặc là anh thầy Phàm hỏi rất trẻ con, bởi là trẻ con nên người lớn khó trả lời. Anh cười, không trả lời như gửi cho Phàm tín hiệu: Phàm đã nhìn ra trong lòng Trần Tại có Khiêu, không thể tùy tiện nói về Khiêu, anh cũng không muốn đem chuyện của Khiêu ra nói. Thật là một người đàn ông tế nhị và kín đáo. Phàm khó có thể đoán ra điều gì, nội tâm anh không êm ả như bề ngoài. Công bằng mà nói, Phàm cũng không thích con người Trần Tại, trong Phàm mơ hồ ý nghĩ muốn Trần Tại thích mình, muốn những người đàn ông thích chị Khiêu càng phải thích mình hơn, Phàm không rõ mình đanh giành phần cao thấp với chị hay là ác ý.
Lần ấy về nước, Phàm đến ở mấy hôm trong căn hộ của Khiêu vừa được phân phối. Phàm rất thích căn hộ mới và những đồ dùng trong nhà Khiêu. Phàm hỏi thăm giá cả các loại đồ dùng và nơi sản xuất, tất cả đều làm tại Trung Quốc, ở Trung Quốc cái gì cũng có, mà lại rẻ nữa. Phàm còn nhớ, đầu những năm tám mươi, người Trung Quốc còn coi túi chất dẻo là bảo bối, nhiều người không nỡ vứt những túi chất dẻo đựng hàng mà còn rửa sạch, phơi khô, cất đi để dùng lại. Chỉ mới vài năm, bây giờ không ai lại không thấy túi chất dẻo, túi chất dẻo trở thành thứ ô nhiễm trắng. Giấy mới là thứ tốt, Trung Quốc chưa bằng Mỹ, ở Mỹ tất cả đều dùng túi giấy. Một hôm, Phàm xem truyền hình ở nhà Khiêu, giờ thời sự của đài Phúc An, ông Thị trưởng hô hào mọi người chú ý khi vứt bỏ túi chất dẻo cần thắt nút lại, không để túi bay lên ngọn cây, rơi vào chậu thức ăn của gia súc, nhiều gia súc chết vì ăn phải túi chất dẻo. Phàm không quan tâm đến thời sự thời cuộc, nhưng qua bản tin này Phàm biết được những tiến bộ ở Trung Quốc, tuy ông Thị trưởng răng đen, nói ngọng. Ông chưa biết đánh răng, nhiều quan chức mỹ cao áo dài đấy nhưng lại để răng bẩn.
Tiến bộ của Trung Quốc, những thay đổi ở Phúc An khiến Phàm không còn kể cho Khiêu nghe về những ưu việt của nước Kỹ. Cách đây ít lâu, bố mẹ David làm lễ cưới vàng, cho con cái đi nghỉ ở Ecuador Nam Mỹ, cả nhà thuê một chiếc tàu thủy du lịch, hơn hai chục người chơi bời thỏa thích trên tàu một tuần lễ. Phàm kể chuyện Ecuador cho Khiêu nghe, Khiêu lại kể về Jerusalem cho Phàm. Những năm gần đây Khiêu được đi nước ngoài, khiến Phàm vừa thán phục, vừa ngạc nhiên. Phàm không thể chỉ trích Khiêu đi nước ngoài là mờ ám, là tham những, những chuyến đi như thế đều là vì công việc, hoặc hợp tác xuất bản với các nhà xuất bản nước ngoài, hoặc dự những hội nghị xuất bản quốc tế. Đi đến đâu cũng nhớ mua quà cho Phàm, tuy Khiêu biết em gái không thiết thứ gì. Điều này đã trở thành thói quen từ lâu, trong Khiêu vẫn không sao lấp đầy nỗi nhớ cô em gái ngày càng tỏ ra khó chịu với chị. Khiêu giữ lại những thứ nho nhỏ ấy, chờ em từ Mỹ về để cho. Khiêu rất thích vòng tay Italia làm theo kiểu xoắn thừng bằng vàng ba màu mua ở Tel Aviv và cái mũ che nắng làm bàng sợi gai của hãng San Mishau mua ở hiệu Misa Hồng Kông. Quả là Phàm rất thích, Phàm rất thích nhưng lại hơi băn khoăn, Phàm đã từng nghĩ rằng những việc như thế phải là ngược lại, những sản phầm cao quý, tinh xảo này nên do Phàm đem về cho người trong gia đình, chỉ có Phàm mới đem từ nước ngoài về những thứ mà ở nhà không mua được và cũng không thấy. Nhưng nay thì khỏi cần. Ý nghĩa của việc Phàm đi Mỹ là gì? Tại sao Phàm cứ phải sống với người Mỹ?
Phàm không cho phép mình nghĩ thế, những điều hoài nghi hàm ý thất bại ấy không nên xuất hiện trong đầu óc Phàm. Lúc này Phàm phát hiện ra vòi nước trong nhà tắm Khiêu chảy quá yếu. Nước chảy quá yếu thì khó mà xối sạch đầu tóc. Lại cả nước, Phàm phàn nàn nước ở Phúc An cứng quá, không tốt cho những mái tóc dài. Phàm xõa mái tóc dài quý giá trước mặt Khiêu và nói, chị sờ tóc em xem, ở Mỹ đầu tóc em không có cảm giác này đâu. Phải rồi, nước ở Mỹ tốt, ở Mỹ trong nhà còn có cả buồng tắm hơi làm bằng gỗ, nước lúc nào cũng đủ. Cuối cùng Phàm tìm được lý do để lên án Trung Quốc. Khiêu miễn cưỡng sờ mái tóc Phàm rồi nói, tóc em gội sạch đấy chứ, chị không cảm thấy gì khác cả. Lập tức Phàm nói, chị cứ ru rú ở đây thì cảm thấy gì. Khiêu nói, phải, chị cứ ở đây, đây là nhà chị, chi không ở đây thì ở đâu? Còn em chẳng qua chỉ đổi chỗ ở mà thôi.
Tranh cãi lại bắt đầu, hai chị em không giữ nổi bình tĩnh. Có thể Khiêu nhượng bộ, bởi Phàm là khách. Nhưng Khiêu lại tính toán nhỏ hẹp, cảm thấy Phàm khiêu khích như thế quả là không biết điều. Phàm nói, em biết chị không muốn ai chê bai điều gì, em đâu nói chị xấu mà chỉ nói nước không ra sao. Khiêu nói, nước vẫn là nước ấy, tại sao em không đem theo một ít thuốc làm mềm nước về, hoặc như Nữ hoàng Anh đến Trung Quốc, đem đủ nước dùng riêng. Đáng tiếc, em chưa phải là Nữ hoàng, lên mặt vừa vừa chứ. Phàm nói, chị bảo em lên mặt à? Tính sĩ diện hão của chị không chịu được sao? Chị vừa lên Phó Giám đốc nhà xuất bản đấy, chị cứ tưởng em phải xun xoe như cấp dưới của chị ư? Đừng quên chị vào nhà xuất bản bằng cách nào nhé! Nếu không phải là Đường Phi bán mình cho chị thì chị vẫn phải ở trường học ăn bụi phấn gõ đầu trẻ mòn đời. Đó là mối quan hệ lộn xộn bừa bãi của các người, nghĩ đến mà buồn nôn?
Buồn nôn thì đi đi, Khiêu nói.
Đi thì đi. Phàm thu dọn đồ đạc và đi thật.
Một năm sau hai chị em không thư từ tin tức gì cho nhau. Bố mẹ thì trách Khiêu không nên tranh cãi với Phàm, khi hai chị em cãi nhau, bố mẹ thường đứng về phía cô em, "nhường em" là nguyên tắc bất biến của bố mẹ. Bố mẹ vẫn không cho rằng hai chị em Khiêu - Phàm đã thành người lớn, là người lớn phải biết kiềm chế tình cảm và phải tôn trọng lẫn nhau. Nhưng bố mẹ vẫn thường phải nói "nhường em, nhường em, nhường em đi con" chứ có biết gì đâu. Khiêu lặng lẽ nhìn bố mẹ, lòng buồn vô cớ.
Ông Tầm gọi điện thoại cho Phàm tưởng như chưa hề xảy ra chuyện gì. Ông nói như chưa xảy ra chuyện gì: sao con không gọi điện về, cả nhà mong mãi. Phàm nói, tại sao con phải gọi về, ở nhà chủ động gọi cho con khó khăn lắm sao? Ông Tầm nói, con vẫn nói cước điện thoại ở Mỹ rẻ kia mà. Phàm nói, rẻ cũng là tiền, với lại bố mẹ đâu có thiếu tiền. Tiền điện thoại không dám bỏ còn nói gì đến nhớ con. Phàm nói thế làm Khiêu vừa khó chịu vừa bõ tức. Để sự thật nói hộ, để sự thật làm thay đổi nguyên tắc "nhường em, nhường em đi con" của bố mẹ.
Khiêu phải làm gì để nhường em? Khiêu bực lắm. Nhưng giống như bố đối xử với mẹ, những lúc bực với mẹ cũng là lúc trong lòng Khiêu cực kỳ đau khổ. Đó là nỗi đau không hình hài, không quan hệ nhân quả, không logic, chỉ là nỗi đau trong lòng Khiêu, cuối cùng Khiêu gọi điện cho em. Khiêu nói sắp phải đi Mỹ dự hội nghị, lúc đó Phàm có ở Mỹ không? Khiêu rất muốn gặp em ở Mỹ.
Hai chị em gặp nhau ở Mỹ. Sau hội nghị, Khiêu bay từ Minneapolis đến Chicago. Đầu đông, Chicago gió to, nhưng là những cơn gió tỉnh táo đầu óc, gió thổi buốt thấu xương, buốt tinh thần. Khu vực hồ Michigan tràn ngập lá vàng để lại cho Khiêu ấn tượng khó quên, không phải lá vàng khô, không tàn lụi xơ xác, không xào xạc dưới chân người, mỗi ngọn lá đều mềm mại, bóng bẩy và vẫn tươi nguyên, như lụa, như niềm vui lặng lẽ.
Phàm hết sức nhiệt tình với chị, Phàm muốn bù lại sự bực tức bỏ đi một năm trước, khi xa Trung Quốc. Phàm nhớ lại những lời nói làm phật lòng Khiêu, nhất định trong lòng chị có những giây phút không bình yên. Phàm nồng nhiệt ôm chị, khi hai người về đến nhà, Khiêu đưa cho em cái vòng vàng ba màu Italia và cái mũ che nắng San Mishau mà Phàm vứt lại. Phàm khóc. Khiêu cũng khóc. Lúc này là nước mắt chân thực, nước mắt rửa sạch những vướng mắc mới và cũ trong lòng hai chị em. Phàm dẫn Khiêu thăm ngôi nhà và đưa về phòng nghỉ. Mèo cũng xuất hiện, con mèo trắng có tên gọi Bạch Sơn Dương, con mèo cứ lăn lộn ngốc nghếch trước mặt Khiêu. Nó chào mừng Khiêu, Khiêu không thích mèo, hơn nữa con mèo đang kỳ thay lông. Nhưng Khiêu thấy nên để PHàm vui, cũng giả vờ vuốt ve con mèo. Khiêu biết Phàm không thích mèo, nhưng David lại rất thích. David thích cũng là điều Phàm phải thích, bởi thế Phàm thích vô điều kiện.
Khiêu ở Chicago hai ngày, sau đó phải đi Austin bang Texas ít hôm, ở đó có người bạn mời Khiêu đến chơi. Hai ngày ít quá - Phàm nói - nhưng dù sao hai chị em cũng có hai ngày với nhau. Phàm xin phép công ty nghỉ hai ngày, gặp ai cũng khoe có chị sang chơi nên xin nghỉ, tình cảm lại gắn bó, vẫn mang nỗi nhớ chị Khiêu không sao hiểu nổi.
Phàm đưa Khiêu đi phố, hai chị em mua hàng cho nhau ở cửa hiệu Mesaes. Khiêu mua cho Phàm cái áo gió, Phàm mua cho Khiêu cái túi xách, mua quà cho bố, cho mẹ. Phàm không thích đi phố như Khiêu, đi phố quên ăn, Phàm phải kiên trì lắm để đưa Khiêu đi phố. Đi mệt, hai chị em vào quán cà phê, ăn uống thứ gì đó. Hai chị em cùng đi nhà vệ sinh, một bà người Mỹ từ đâu chạy vào đi trung tiện, hai chị em nhìn nhau không nhịn được cười. Phàm nói, những người thô tục kiểu này nhiều lắm. Khiêu nói, em cam đoan với chị họ không biết tiếng Trung Quốc đâu. Khiêu nói, không nghe hiểu tiếng của nhau cũng hay, có khi chửi lại tưởng là khen. Hai chị em cùng cười.
Hai chị em dạo chơi trên đường phố Goethe rất tao nhã bên hồ, đi qua cửa hàng bán hoa Phàm mua tặng Khiêu bông hoa bách hợp trắng Khiêu cầm trên tay. Khiêu cảm thấy hơi kiểu cách, nhưng Phàm muốn chị vui lòng. Khiêu cầm trên tay bông hoa tỏa hương dịu nhẹ đi trên phố Goethe, một chú chó lông xù chạy theo hai người, chủ nhân của chú chó là một bà người gầy, ăn mặc gọn gàng. Kỳ lạ là con chó vừa chạy vừa ngoái cổ lại tưởng như để hai chị em Khiêu nhìn thấy nó. Phàm nói, chị ơi, em thấy con chó này giống Gorki quá! Cách so sánh của Phàm thật bất ngờ. Khiêu không thể nào hình dung nổi mặt con chó này lại giống Gorki, nhưng cũng giống thật. Dường như để hai chị em xác nhận, con chó lại quay đầu lại. Khiêu bật cười, ôm bụng mà cười. Cành hoa bách hợp trong tay suýt nữa bị Khiêu làm nát. Phàm kéo chị vào nhà hàng có tên Bát Lớn. Nhiều năm sau hai chị em vẫn nhớ buổi dạo phố này: gặp Gorki ở phố Gorthe.
Buổi tối, David hết giờ làm việc về nhà, ba người cùng đi ăn nhà hàng Nhật Bản. Thời gian trôi nhanh như nước chảy, mọi việc suôn sẻ đâu vào đấy, tất cả đều tốt đẹp. Rất muộn rất muộn nhưng Phàm vẫn ở phòng Khiêu nói chuyện, từ lâu hai chị em không nói chuyện riêng tư gì với nhau. Tối hôm ấy Phàm nói chuyện riêng của mình: hai người tình ngắn ngủi. Khiêu cũng nói về Mark, người bạn mời đi Texas.
Bạn trai chứ? Phàm hỏi.
Một người bạn trai - Khiêu nói - Chị quen anh ấy trong một hội nghị, anh ấy rất giỏi tiếng Trung Quốc, lần ấy giúp chị phiên dịch bài phát biểu của chị. Hiện tại anh ta làm nghiên cứu sinh ngôn ngữ Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh.
Chị thích anh ấy không? Phàm hỏi.
Khiêu không trả lời.
Đúng là anh ấy thích chị rồi. Phàm nói.
Anh ta ít tuổi quá, kém chị những bảy tuổi thì còn biết gì.
Ở đây người ta rất khâm phục những ai được con trai kém bảy tuổi yêu. Chị, em rất khâm phục chị, không ngờ chị lại... tuyệt vời thế!
Chị tuyệt vời? Chị không làm bất cứ điều gì.
Anh ấy... tóc màu gì, mắt màu gì, chị có ảnh đấy không?
Chị không có ảnh, nhưng em có thể gọi điện thoại thử trình độ tiếng Trung Quốc của anh ấy, nhân thể báo cho anh ấy biết chuyến bay của chị, anh ấy đã hẹn ra sân bay đón chị. Hai chị em đi gọi điện thoại cho Mark. Không để David biết, hai chị em gọi điện thoại ở bếp. Khiêu nói chuyện với Mark, hàn huyên mấy câu rồi giới thiệu Phàm: một người Trung Quốc giỏi tiếng Anh, một người Mỹ giỏi tiếng Trung Quốc nói chuyện với nhau thật có ý nghĩa. Phàm cầm máy nói chuyện với Mark.
Phàm nói tiếng Anh với Mark, không nói một tiếng Trung Quốc nào. Trong máy, nhất định Mark khen trình độ tiếng Anh của Phàm, Khiêu thấy em cười đắc ý. Phàm cười, nói chuyện rất lâu, bất chấp Khiêu đang đứng bên cạnh. Có thể vì Khiêu đang đứng bên cạnh nên Phàm mới cố tình nói chuyện bằng tiếng Anh dể cách ly Khiêu. Đúng là để cách ly, một việc trịch thượng và bất lịch sự. Lại như một tín hiệu, với trình độ tiếng Anh lưu loát gửi cho Khiêu một tín hiệu, đây là nước Mỹ, dù chị có quan hệ thế nào với Mark đi nữa, chị chỉ là người không biết nói, anh chị không thể giao lưu như tôi đây, Phàm cứ nói tiếng Anh, hoa tay vui vẻ, chốc chốc lại phá lên cười như đã quen Mark từ lâu. Vẻ hài hước và thông minh của Phàm làm câu chuyện sinh động, không bị khô cứng. Ôi, Mark, tại sao anh lại biết nói tiếng Trung Quốc, quên tiếng Trung Quốc đi, đừng mong dùng tiếng Trung Quốc để nói "tôi yêu em" với chị Khiêu nhé! Phàm vẫn cố tình nói chuyện bằng tiếng Anh, có thể không bình tĩnh nổi vì Mark đã nói chuyện với Khiêu bằng tiếng Trung Quốc. Khiêu làm bạn với người Mỹ trên cơ sở nào, chỉ biết vài tiếng ăn uống trên máy bay, hỏi thăm đường, mua bán trong các cửa hàng, chỉ là tiếng Anh tối thiểu thì làm bạn với người Mỹ thế nào được? Không may cho Phàm gặp một người Mỹ giỏi tiếng Trung Quốc. Đúng như câu nói dân gian: số ăn mày. Phàm không để Mark nói chuyện với Khiêu bằng tiếng Trung Quốc, tai không nghe có nghĩa là không biết, không nghe là không biết. Không nghe có nghĩa là không tồn tại, không có sự việc đó; nghe thì sao,tất cả đều xác thực: một người Mỹ phát âm tiếng Trung Quốc từ thanh đới của mình những lời ngọt ngào không phải nói cho Phàm nghe mà để thổ lộ với Khiêu, người đứng cạnh đấy không thể hiểu được điều gì đang xảy ra, Khiêu không thể chấp nhận sự thật này, cũng bực cho mình nhu nhược đến thế là cùng.
Cuộc điện đàm bằng tiếng Anh thật dài, dài đến nỗi Khiêu đâm ra nghi ngờ. Cuối cùng thì Phàm cũng rời máy khỏi tai, đưa cho Khiêu và nói, Mark hỏi chị còn nói gì nữa không?
Không hiểu sao Khiêu thoáng sợ, cầm ống nghe, Phàm trở thành nhân vật chính của cuộc nói chuyện điện thoại và khẩu khí giống như với người ngoài: "Mark hỏi chị còn nói gì nữa không" khiến Khiêu nghĩ đến hai tiếng "cay nghiệt", Khiêu không còn hứng thú nói chuyện với Mark nữa, không rõ mình tự ti hay đang buồn. Khiêu đặt máy xuống.
Hai chị em miễn cưỡng chúc nhau ngủ ngon rồi Phàm trở về phòng riêng tưởng như vẫn giữ thể diện cho nhau.
Nếu buổi sáng hôm sau Khiêu không có chút thiếu sót thì chuyến đi chơi Chicago coi như tốt đẹp, không may Khiêu phạm phải một sơ suất nhỏ: mấy hôm rồi Khiêu đến kỳ con gái, vô ý để dây bẩn ra đệm, rất bé, chỉ bằng đồng năm xu. Ngủ dậy, Khiêu vội cuộn khăn trải giường vào phòng vệ sinh định giặt thì gặp Phàm đang đánh răng.
Qua một đêm tình cảm Phàm trở nên xốn xang, không hiểu sao tấm khăn trải giường trong tay Khiêu lại làm Phàm khó chịu. Phàm hỏi, chị định làm gì? Khiêu nói, chị định gột chỗ này đi một tí. Phàm nói, khỏi cần, lúc nào giặt áo quần em sẽ giặt luôn một thể. Khiêu nói, cứ để chị làm. Phàm nói, chị cứ để đấy có được không? Khiêu nói, sao em lại bực mình thế? Phàm nói, em không hiểu tại sao chị không dùng OB? Bao giờ em cũng phải dùng "OB" mới không bị bẩn giường. Khiêu nói, chị nói với em rồi, chị không quen dùng bông vệ sinh OB. Phàm nói, tại sao chị không quen, người Mỹ quen tại sao chị không quen được? Khiêu nói, chị đã nói, chị không quen dùng bông vệ sinh cho hẳn vào âm đạo. Phàm nói, nhưng mà băng vệ sinh có cánh của chị làm bẩn cả giường. Khiêu nói, xin lỗi, chị đã làm bẩn giường của em, nhưng dùng băng vệ sinh nào là tự do của chị, tại sao em cứ bắt chị phải dùng cái mà em chỉ định. Phàm nói, không phải là em bắt chị dùng, mà là ở nhà có sẵn nhưng chị không dùng. Em đã lái xe ra siêu thị mua cho chị thứ mà chị vẫn quen dùng. Em đã thỏa mãn mọi ý thích của chị đem từ Trung Quốc sang Mỹ, chị còn đòi hỏi gì nữa! Khiêu nói, em nói đúng, chị có những ý thích riêng, chị biết em không bằng lòng với những ý thích của chị, cái túi du lịch, bạn bè, công việc của chị đều làm em không bằng lòng. Em cứ tưởng rằng chị phải khen mọi thứ từ con mèo, OB... của em đều tốt đẹp cả sao. Chị phải dang tay ra ôm lấy tất cả những gì mà em nói ra hay sao?
David vào, hỏi Phàm hai người đang nói chuyện gì, Phàm nói dối hai chị em đang nói về một người bạn ở Trung Quốc. David nhận ra tình cảm của hai người khong bình thường, nhưng anh ta không hiểu câu chuyện của hai chị em. Đó là điều thuận tiện bởi không hiểu ngôn ngữ của nhau. Hai người có thể nói chuyện âm đạo và OB ngay trước mặt David.
Phàm nói dối David xong quay sang nói với Khiêu, chị nói đúng, em không thích, những điều em không thích là do chị đưa đến. Chị, hồi xưa em bảy tuổi...
Khiêu biết cái hồi xưa bất hạnh lại bắt đầu, "hồi xưa" luôn luôn giày vò lòng Khiêu lại bắt đầu. Nhưng lạ thay, Khiêu không còn sợ như lần đầu ở trong nước Phàm nói ra. Tưởng chừng hoàn cảnh thay đổi thì cũng nảy sinh tác dụng kỳ lạ: dù là sự việc có thể khiến cho không còn trông thấy mặt nhau, nhưng khi đã rời khỏi nơi xảy ra sự việc, câu chuyện được nhắn lại nơi đất khách quê người thì không đáng sợ, nơi xa lạ rất thích hợp cất giữ dĩ vãng sợ hãi. Bởi thế, Khiêu không còn sợ Phàm nhắc lại chuyện cũ, thậm chí Khiêu thấy có đủ dũng cảm ở đây, ở Chicago bang Illinois này, khi Phàm thuật lại đầu đuôi câu chuyện xưa cũ thì Khiêu thẳng thắn nói với Phàm mình là hung thủ. Sự thẳng thắn chi tiết hơn, đầy đủ hơn của Khiêu cũng sẽ bị vùi lấp ở nước Mỹ mênh mông, bởi nước Mỹ không hứng thú quan tâm hoặc khiển trách tội lỗi bí mật của một người ngoại bang xa lạ, điều này khiến Khiêu như nói chuyện của người khác, như thật như giả, yên tĩnh lạnh lùng nhưng lại nóng bỏng. Có lẽ tâm trạng ấy vẫn chưa thật sự nóng bỏng, nhưng lúc này Khiêu tĩnh lặng, môi trường xa lạ cho Khiêu sự tĩnh lặng xa lạ. Khiêu lạnh lùng ngắt lời em gái: chị có câu này để bụng từ lâu, hôm nay nói với em, em đừng đem "hồi xưa" ra dọa chị nữa. Cho dù hồi xưa chị sai tất cả cũng không có nghĩa là em đúng.
Cho dù hồi xưa chị sai tất cả cũng không có nghĩa là em đúng!
Phàm nghe rõ câu nói đó, câu nói làm người nghe phải nhớ.
Khiêu rời khỏi nhà Phàm sớm hơn dự định, Khiêu gọi taxi ra sân bay sớm hơn bảy tiếng đồng hồ. Trời mưa và tuyết đan xen, Phàm lái xe đuổi theo ra sân bay. Phàm muốn ôm lấy chị như hai hôm trước đã ôm khi đón chị, Phàm muốn nói, em đã sai. Nhưng rồi Phàm không đủ dũng cảm, một người con trai tên là Mark ẩn hiện trước mắt Phàm. Đúng thế, Mark và những điều Khiêu được chẳng lẽ lại quá nhiều như thế hay sao? Khiêu bay đến thành phố có Mark một lần nữa bỏ Phàm lại. Cảm giác chua xót bao trùm lòng Phàm, trong khoảnh khắc Phàm cảm thấy hoảng loạn. Phàm là người bị hại, xưa nay là người bị hại, cô đơn khổ đau không nơi nương tựa, nhưng nơi sâu thẳm của lòng mình là khổ đau và cô đơn, nỗi khổ đau và cô đơn không thể nào nói ra, suốt đời không thể nói ra.