Số lần đọc/download: 1971 / 75
Cập nhật: 2017-11-18 21:12:48 +0700
Chương 9 -
"B
ao nhiêu năm nay em nằm mơ thấy anh. Sao chẳng về với mẹ con em? Giặc tan hết rồi. Các con anh đã đi lấy chồng, anh đã có thêm một cháu ngoại. Anh có thấy thằng cu Thành mỗi khi về vẫn chắp hai tay nhỏ xíu vái ông không? Nó khấn ông phù hộ cho nó, hay ăn chóng lớn, đi làm nuôi bà ngoại đấy anh ạ.
Con rể út anh cũng là quân nhân đấy. Mãi tháng trước con gái anh mới nói cho nó biết là anh chưa về với em. Thế là sáng mai, mấy mẹ con em đi tìm anh đấy. Anh sống khôn chết thiêng, chỉ cho mẹ con em chỗ nằm nhé. Mẹ con em sẽ đưa anh về, để được gần cận dân làng, với các đồng đội anh về trước rồi.
Anh không về, là để em nhẹ gánh đi bước nữa. Sao không nghe anh? Hoá ra anh gan không bằng em. Anh chịu thua em rồi… Mẹ con cứ đi đi, anh đợi mẹ con ở chính nơi anh đã nằm xuống đấy"
Người đàn ông có khuôn mặt rắn rói, gan lì nói vậy. Bà An tỉnh hẳn.
Mấy hôm trước, bà An đã sang ông Tiết - ông anh chồng và ông Sùng hàng xóm, người cùng nhập ngũ với chồng mình một ngày, nhờ đi tìm mộ chồng. Suốt ngày hôm qua bà cứ quanh ra quẩn vào, chẳng làm được việc gì, ngoài việc lau đi lau lại bàn thờ và quét nhà. Thỉnh thoảng bà lại nhìn ông. Lạ cái bà đi chỗ nào, ông theo chỗ ấy. Từ cửa buồng nhìn lên tấm ảnh trên bàn thờ, cũng thấy ông đang nhìn. Từ ngoài sân bước vào, ngước lên cũng thấy ông chăm chăm nhìn. Cái nhìn thăm thẳm, xót xa, tiếc nuối.
Chồng mất mấy năm, có một ông, trước làm Trưởng ban Tuyên giáo, rồi lên Phó chủ tịch huyện, chẳng hiểu vì sao bỏ vợ (hay vợ bỏ), nhăm nhe… Xe ô tô đỗ ngoài ngõ như để ngầm giới thiệu địa vị của mình với làng xã. Không hiểu sao bà An không thể trò chuyện được với con người này. Bà còn nhớ, ông ta nói như đinh đóng cột: "Tôi là đảng viên, trong cấp uỷ huyện. Em cũng là đảng viên. Nhất định chúng ta sẽ có một cuộc sống gia đình hạnh phúc".
Bà An vừa đặt đồ cúng lên bàn thờ, thì vợ chồng Đại đánh xe về. Ông Tiết, ông Sùng, mỗi người xách một túi quần áo và mũ sang. Ông Sùng mặc quân phục còn mới, mũ kê pi gắn ngôi sao quân hiệu, ngực lấp lánh huân chương. Mỗi người thắp một nén hương lên bàn thờ rồi mới vào mâm.
Cơm nếp đỗ xanh bà An thổi chẳng khác xôi đồ chõ. Một đĩa gà luộc, một đĩa đường trắng. Hôm qua, khi điện về hẹn giờ đi, bà An bảo chuẩn bị cơm nắm, thịt kho đi ăn đường. Đại giải thích, trên đường đi, cái ăn rất dễ, khỏi phải cách rách. Anh dặn vợ bỏ mấy chai nước sôi để nguội, loại hai lít vào trong ngăn đá. Từ Thanh Hoa về đá vẫn là đá, mới nóng chảy một ít xung quanh. Đi đường trường, uống thứ nước nhà đun để lạnh thế này mới thích
Ông Sùng ngồi hàng ghế trước với Đại. Mẹ con Linh ngồi hàng ghế sau với ông Tiết.
Câu chuyện về trống của ông bác vợ hôm nào vẫn làm Đại hứng thú. Nhưng anh băn khoăn về cách thức làm ăn. Hỏi thêm ông Tiết, Đại biết, tuy đã được chuyên môn hoá (nhà chuyên làm tang trống, nhà chuyên làm da, nhà chuyên bưng trống. Còn da sống và gỗ thì người ta tự mang đến), nhưng vẫn là những gia đình cá thể, riêng rẽ. Giả dụ, đặt cả trăm chiếc thì ký hợp đồng với ai. Một người thôi chứ! Phải có người đại diện chung, không lẽ ký với từng người một. Phải có một tổ chức, có tư cách pháp nhân hẳn hoi. Chẳng nhẽ đến từng nhà thu mua à? Đại cũng có nghĩ đến Uỷ ban xã. Nhưng anh gạt ngay ý định ấy. Không ai lạ gì mấy ông xã. Trì trệ lắm. Trách nhiệm chẳng rõ ràng. Rồi đồng đổ cho tướng, tướng đổ cho đồng, chả ai gánh chịu khi việc không thành. Ấy là chưa nói đến chuyện, thêm một khâu trung gian là thêm một chi phí, thêm một sự chậm trễ, ách tắc, thêm một sự phiền hà mất thì giờ. Không phải tất cả ý nghĩ ấy, Đại đều nói ra với ông Tiết. Anh chỉ hỏi:
- Bác thấy có cách gì để các hộ làm trống hợp tác, liên kết với nhau trong một tổ chức nào không? Gọi là doanh nghiệp cũng được, công ty cũng được, mà trở lại mô hình hợp tác xã thủ công cùng hay. Làm ăn thời buổi này phải danh chính ngôn thuận. Thậm chí phải đăng ký thương hiệu nữa
Ông Tiết thấy anh cháu rể, rõ là một người hiểu biết và có thiện ý thì bảo:
- Anh nói chí phải. Đề tôi nói chuyện với các bác ấy xem. Chắc phải thế thôi. Sản phẩm nhà nào, mang kí hiệu nhà ấy. Chỉ nhãn hàng là chung thôi. Nếu có phải trả lại cũng dễ xử.
- Cháu nhờ bác nói chuyện với các bác ấy giúp. Hợp đồng của cháu, chỉ là đầu tiên thôi, muốn làm ăn lớn phải tổ chức lại sản xuất bác ạ.
Từ ngày phục viên, ông Sùng chưa có chuyến đi nào xa thế nào. Cái chân héo chân tươi là chuyện để ông nại ra thôi. Thật ra là bí đồng ra đồng vào. Với trăm nghìn với người thành phố, chẳng phải tính đếm, chứ với người nông dân là một món to rồi. Một tí trợ cấp thương tật, chả bõ bèn gì. Hôm nay đúng là nhà quê ra tỉnh ấy.
Thế làm sao người ta phải vẽ ra đường thế kia hả anh Đại? Cả mấy ngàn cây số từ Bắc vào Nam đều vẽ mấy đường trắng toát thế kia à? A này, hễ sắp đến Nam Định, anh bảo tôi nhé
- Có việc gì ạ? Bác định gặp người quen à? Để lúc về có được không ạ?
- Khốn nạn! Nào có quen ai ở tận đấy. Chả là ngày tôi với bố vợ anh, đi tàu vào Thanh Hoá, mới đến gần ga Nam Định, thì buổi chiều nhà ga bị bom đánh tan hoang rồi, phải xuống cuốc bộ, theo đường tắt sang Ninh Bình, qua cái nông trường gì nhiều bò lắm, vượt quèn Voi sang đất Thanh Hoá. Ông ấy ít tuổi hơn tôi, nhưng đã qua lính nghĩa vụ rồi, còn tôi là lính mới tò te nên phải huấn luyện tân binh mấy tháng ở Thạch Thành. Ông ấy được tiểu đoàn rút lên huấn luyện riêng. Sau về giữ đại liên trợ chiến đại đội tôi.
Linh mời mọi người uống nước. Đại không biết là cả ông Sùng và bà An đều không quen uống nước đá. Anh phải để một chai lên cốp xe cho nắng dọi thẳng vào. Nhưng vẫn chả bớt lạnh được mấy tí. Anh phải tạt vào quán, mua một chai. Chỉ có bác Tiết với vợ chồng cô là tu nước đá ngon lành.
Sợ mọi người chưa quen đi xa, Đại dừng xe ở Thanh Hoá ăn cơm. Ông Sùng hỏi giá tiền từng món ăn, rồi kêu:
- Thế thì bán hàng ăn lãi thật bà An ạ. Mâm cơm này, quê mình vào tay bà làm, chỉ hết non nửa tiền.
Lúc lên xe đi tiếp, ông Sùng bỗng kêu:
- Sao cái ghế tôi ngồi, tự nhiên lại… ưỡn ra thế này?
Cá Linh và Đại cùng cười, nhưng không dám cười thành tiếng. Đại giải thích:
- Cháu bẻ ra cho bác ngả lưng, để có thể ngủ được đấy mà. Nếu bác không thích thì cháu gập lại như cũ.
- Anh cứ để như cũ. Nhà quê có ngủ trưa như người thành phố đâu mà lo.
Nói thế, nhưng chỉ lúc sau, ông đã ngoẹo sau ngủ. Bà An, ông Tiết đều gà gật. Đại cho xe chạy chậm lại, từ từ tạt vào lề đường. Mở cửa xe phía ông Sùng, tay tôi đỡ cái tựa, tay phải điều chỉnh cho chiếc ghế ngả ra. Ông Sùng không hay biết gì, vẫn ngủ ngon lành. Linh dựa vào mẹ ngủ như đứa trẻ.
Chiếc xe lại mải miết lao đi.
o O o
Trung tâm Đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh, nghe Đại và ông Sùng trình bày thì, việc đầu tiên là mời cả toàn nghỉ tại nhà khách của sở Lao động Thương binh Xã hội, ăn ở hoàn toàn miễn phí. Hai mẹ con bà An, Linh một phòng hai giường. Ba người đàn ông ở phòng ba giường. Phòng nào cũng có ti vi, quạt trần, phích nước nóng, ấm chén, trà, công trình phụ khép kín. Trung tâm có xe đưa gia đình lên nghĩa trang liệt sĩ. Ông Sùng không thể tưởng tượng được, sao họ lại tốt với mình thế.
Đại và ông Sùng được mời sang phòng lưu trữ. Một cô gái trẻ măng, tóc ép duỗi, làm vài thao tác trên máy tính. Lập tức các liệt sĩ có tên bắt đầu bằng con chữ T hiện ra. Hàng chữ trôi mãi, trôi mãi. Trong danh mục của bất kỳ danh sách nào, mục từ T cùng dài nhất. Đại ngồi một bên, ông Sùng một bên, cùng dán mắt vào màn hình.
Đột nhiên ông Sùng hét toáng lên:
- Dừng lại, đúng ông ấy đây rồi, bố vợ anh đây rồi. Lê Hồng Thiệu - Đình Cao, Phù Cừ, Hưng Yên, nhập ngũ ngày… hy sinh ngày… an táng tại nghĩa trang… khu vực tỉnh Hưng Yên, mộ số…
Đại chạy ra gọi bác Tiết và mẹ vợ vào.
- Đúng chú ấy đây rồi thím ơi!
Bà An, Linh không nhìn thấy gì. Hai mẹ con không làm sao cầm được nước mắt. Đại nhờ cô gái in hộ ra giấy. Bà An cầm mảnh giấy mà như được cầm một vật thân thiết của chồng.
Đêm lặng như tờ, Linh giở ảnh bố ra ngắm. Cô cố tìm trên gương mặt bố, nét thân thuộc của mình. Linh không biết mặt bố. Mẹ báo, ngày bố được thưởng phép sau đợt huấn luyện, mẹ mới mang thai cò. Rồi bố đi mãi. Hôm nay bố con mới gặp nhau đây. Tối qua cô báo mẹ nghỉ để mình đi mua đồ cúng. Đại trù tính, hơn bốn chục cây số đường tốt, cũng phải trừ hao mất một giờ. Tối qua anh đã đổ xăng sau khi thả vợ ở gần chợ.
Việc bốc hài cốt phải diễn ra trước lúc mặt trời mọc. Hài cốt ở nghĩa trang thì bốc nhanh thôi. Không như bốc mộ ở quê, phải đào một khối lượng lớn đất, lại còn rửa sạch đất cát, xếp lại…
Nhận điện từ tối qua nên xe đến đã thấy cổng nghĩa trang mở. Người quản trang, cũng là bộ đội phục viên, cùng hai người nữa mang xà beng theo.
Đêm miền núi tối đặc, cả đoàn đi theo ánh đèn ắc quy người quản trang. Lần đầu tiên Linh đi giữa nghĩa trang vào giờ khắc này. Cô không thấy sợ vì có chồng đi bên, vì cô đến với cha cô cơ mà. Người quản trang dừng lại, rọi đèn vào đúng tấm bia mộ mang tên bố cô: hàng thứ ba từ tường sau nghĩa trang, ngôi thứ ba mươi bảy, tính từ trái sang, chiếu đúng sau đài tưởng niệm. Bà An dang hai tay, cố ôm hết nấm mộ vào lòng.
- Anh nằm bấy nhiêu năm ở đây, mà em không biết có khổ em không anh ơi! Anh gan lắm mà. Anh Sùng bảo, nếu anh rút ngay khi có lệnh thì đã chả nên nông nỗi này. Anh cứ bắn cố, bảo còn cản đường cho anh em rút hết, nên mới trúng đạn chúng nó. Từ nay em có anh ở bên rồi. Bữa cơm ăn đỡ nhạt hơn. Anh trò chuyện hàng ngày cho em đỡ cô quạnh hơn. Anh trò chuyện hàng ngày cho em đỡ tủi…
Linh, nước mắt ròng ròng, chia đồ lễ ra làm hai, phần nhỏ hơn, đặt trên bàn thờ chung, phần to hơn đặt trên phần mộ bố. Bó hương cháy đỏ trên tay Đại. Anh chia mỗi người một nắm. Ngồi xuống bên bà An, sẽ lay vai bà:
- Mẹ thắp hương khấn bố đi, để anh em còn làm, không trời sáng mất.
- Anh ơi hôm nay em cùng các con, bác Tiết, bác Sùng đưa anh về quê cha đất tổ. Anh nằm mãi nơi đất khách quê người rồi. Đã đành, còn có bao nhiêu đồng đội, nhưng đồng đội chỉ thân thiết trong lúc đánh nhau thôi chứ. Bây giờ là lúc phải về với vợ con, để em cơm nước bằng ngày cho anh, giặt giũ áo quần cho anh… Dậy đi nào anh, em sẽ ôm chặt anh, suốt từ đây về nhà. Để bù lại những ngày anh lạnh giá giá một mình giữa rừng xanh núi đỏ này…
Những nấm mộ xây hàng loạt này, được thi công theo lối đúc sẵn, ghép lại gồm hai phần. Sau khi đặt tiểu đựng hài cốt liệt sĩ xuống, đúng theo hàng ngang lối dọc, người ta úp một khối bê tông có lỗ vuông phía trên lên chiếc tiểu. Đấy là phần nấm mộ. Lỗ vuông trên nấm, chính là chỗ cắm hương, cũng là đường thông thiên địa. Dựng một tấm bê tông ở đầu mộ, phía trên hình vòng cung. Miết xi măng vào các mạch, trát phủ vữa bên ngoài. Gắn mộ chí vào tấm bê tông đầu mộ. Xong.
Bây giờ, dỡ ra, tức là làm ngược với quy trình lắp vào, vì thế rất nhanh. Khối bê tông đã được bẩy lên, để cách xa cho rộng chỗ. Mọi người xúm cả lại. Bà An sắp được gặp chồng. Linh sắp được gặp bố. Ông Tiết sắp được gặp đứa em trai. Ông Sùng sắp được gặp người đồng đội hàng xóm. Đúng là, vào thì sống mà ra thì chết. Đại cũng hồi hộp không kém. Anh sắp được gặp bố vợ và sắp làm xong một việc có ý nghĩa với vợ và mẹ vợ. Ngọn đèn ắc quy từ tay người quản trang rọi vào chính giữa chiếc tiểu sành. Hai công nhân thận trọng, từ từ nhấc nắp tiểu ra. Mọi cặp mắt đổ dồn vào lòng tiểu.
Trống không! Không có gì! Không xương sọ. Không xương sống. Không xương sườn, xương tay, xương chân… Không có gì sất!
Mọi người thất kinh. Ông Sùng hô:
- Chuyển đèn sang bên này, xem chỗ khuất sáng có gì không? Chả có xương là gì kia? Cầm lên xem nào!
Người công nhân đưa bàn tay chai sạn xuống, cầm lên mấy chiếc xương. Ông Sùng hét:
- Đưa đây xem nào!
Đỡ mấy chiếc xương, bằng cả hai tay, lập rức ông kêu lên:
- Xương lợn! Trăm phần trăm là xương lợn! Cam đoan là xương lợn. - Đưa mắt nhìn mọi người, dừng lại ở Đại, ông bảo: - Tôi vẫn đi mổ lợn thuê mà.
Ông quản trang tái mặt. Hai công nhân mặt cúi gầm. Bà An ngã lăn ra đất. Linh choáng người, lảo đảo chực ngất. Ông Tiết gầm lên: "Thế này là thế nào hả? Hả?" Đại vội xốc mẹ vợ lên, Linh chạy lại, đỡ hai chân mẹ đang kéo lê trên đất.
Trời chưa sáng. Thình lình trên đầu một tiếng sấm vang óc. Trận mưa quái, hắt nước ràn rạt. Không ai nghĩ đến chuyện chạy mưa. Mà chạy làm sao thoát?
o O o
Đại đánh xe quay về thị xã. Sanh, Giám đốc Trung tâm chạy ra đón. Nhìn mặt mọi người, ông ta chưng hửng. Không hẳn là buồn. Không hẳn là thất vọng. Không hẳn là uất giận. Không hẳn là khinh bỉ. Nó là tất cả những cái đó cộng lại.
Ông ta không dám hỏi gì.
Đã từng có bà mẹ đập vỡ phích. Nước nóng lênh láng khắp nhà. Đôi chân trần nứt nẻ của bà, bị nước nóng bò tới tấn công Bà nhẩy như con choi choi, càng điên lên, bà bê cả bộ ấm chén ném luôn ra cửa sổ. Đây là lần thứ hai bà cất công đi mấy trăm cây số vào đây lại về không. Bà không tìm thấy mộ con. Hẳn như thế còn chịu được. Đằng này… Cả bấy nhiêu bộ mặt lặng câm, khó đăm đăm, u uất. Không ai nói nửa lời. Người nào người ấy, áo quần ướt như chuột lội.
Chắc vừa có việc gì ghê gớm xảy ra. Quay ngoắt lại như chạy trốn, Sanh tạt vào Văn phòng, nhấc máy gọi người quản trang:
- Xảy ra chuyện gì thế?
- Báo cáo anh…
- Chuyện gì. Nói mau! - ông ta gầm lên.
- Sao im lặng thế? Mồm để đâu rồi.
- Thưa… Em xin lên báo cáo trực tiếp ạ.
- Không cần lên. Tao xuống ngay bây giờ. Ngồi im đấy đợi! Cấm ra khỏi nhà!
Chiếc xe gầm cao chồm lên, phóng như hoá rồ.
Mọi người lên phòng, tắm rửa qua loa. Có tiếng gõ cửa.
- Cứ vào!
Một cô gái thò đầu vào, lễ phép:
- Mời gia đình xuống nhà khách xơi cơm ạ!
Không ai động đậy. Ông Tiết đứng lên, đến gần:
- Cháu này. Nói thật là… không bụng dạ nào ăn cho được. Mà thật tình… lúc này các bác không muốn… gặp ai.
Đúng ra là "không muốn nhìn mặt ai ở đây" nhưng ông đã kịp thay đổi. Cô gái này đã nghe Giám đốc quát tháo trong máy điện thoại lúc nãy, không biết chuyện gì, nhưng cảm thấy là chuyện chẳng lành, nên cố lựa lời:
- Các bác cố ăn, kẻo ốm thì khổ. Đê cháu mang cơm lên phòng, gia đình ăn lúc nào cũng được ạ!
Ông Tiết không nói có, cũng chả nói không. Cô gái quay xuống, cùng với một người nữa bưng mâm cơm lên. Lặng lẽ khép cửa xuống nhà. Đại nói với ông Tiết, ông Sùng:
- Chuyện đi thế này, ta phải tìm cách khác. Bây giờ cháu mời mẹ cháu sang ăn cơm đã, rồi ta bàn tiếp. Có được không ạ?
Hai ông không nói gì. Có nghĩa là ừ rồi. Đại sang mời mẹ vợ và vợ sang ăn cơm.
Ai cũng đói, mà cứ như bò nhai trấu. Đại hỏi ông Sùng:
- Cháu nghe nhà cháu kể là, chính tay bác chôn cất phần còn lại của thi thể bố cháu cơ mà.
- Chứ sao!
- Thế bác còn nhớ vùng đất ấy không?
- Nhớ mang máng thôi. Ban ngày thì nằm hầm, nơi ém quân. Chập tồi, trinh sát mới dẫn vào chiếm lĩnh trận địa, đào hố cá nhân. Gần sáng mới nổ súng. Có phải ban ngày ban mặt đâu mà nhớ quang cánh xung quanh. Nhưng mà cứ đi. Hỏi thăm thêm vậy.
Bà An kế:
- Bác Tiết, bác Sùng ạ. Đêm qua nhà em báo mộng là cứ tìm ở chính chỗ ông ấy ngã xuống sẽ thấy.
Ông Sùng giật mình, buông bát:
- Thế hả bà? Thì đúng thế mà! Tôi chỉ sợ vật đổi sao dời không còn nhận ra địa hình địa vật thôi.
Đại quả quyết:
- Thế thì được rồi. Bây giờ mẹ với hỏi bác đi nghỉ. Cố ngủ lấy sức, mai ta đi sớm.
Thấy vợ có vẻ băn khoăn, Đại hỏi thì Linh trả lời:
- Em định rửa bát, nhưng cơm canh còn nhiều quá, không biết đổ vào đâu.
- Anh với em bê xuống nhà ăn, để họ xử lý vậy.
Chiều muộn. Bà An dậy đã thấy Linh đi rồi. Vợ chồng Đại đi mua đồ cúng và thức ăn đồ uống cho ngày mai. Anh đồ rằng, công việc tìm kiếm không dễ dàng gì. Sẽ nhỡ bữa. Anh đã có phương án dự phòng từ nhà.
Ông Sanh từ nghĩa trang về. Hỏi dò nhân viên xem gia đình liệt sĩ có phản ứng gì không. Thấy chiếc xe không còn ở đấy, đoán Đại đi giải quyết việc gì. Ông ta ngồi ở Văn phòng đợi. Kinh nghiệm cho thấy, những chuyện như thế này, nói với người già khó hơn với người trẻ nhiều. Lúc mới gặp, ông đã biết chút ít nhân thân Đại nên bây giờ, chọn Đại thăm dò.
- Chuyện này, xin anh bỏ quá cho. Anh nói với các bác hộ tôi, quân tôi nó đốn thế đấy. Tôi sẽ giềng chúng nó một trận. Tôi đã báo cáo Giám đốc Sở rồi. Ngày mai đồng chí ấy sẽ trực tiếp gặp gia đình xin lỗi.
Đại hỏi:
- Đây là trường hợp đầu tiên à?
- Vâng, báo cáo anh, trường hợp đầu tiên ạ.
- Nhưng tôi chắc, không phải là trường hợp duy nhất. Không phải chỉ một cái mộ này, các anh lấy xương súc vật đặt vào để lấy tiền Nhà nước. Anh cho kiểm tra lại đi. Gia đình khác vào mà lại gặp chuyện này thì… thì công luận chôn sống các anh đấy
Ông Sanh toát mồ hôi hột, mặt xanh đít nhái. Ông ta vội đưa cả hai tay ra nắm chặt tay Đại cầu khẩn:
- Xin anh thương cho. Anh đừng kể cho ai nghe chuyện này. Cánh nhà báo mà moi ra thì bọn tôi chết cả lũ. Thế thưa anh, anh và các bác định liệu thế nào ạ?
Đại thấy ngán ngẩm con người này. Anh buông xõng:
- Thôi anh cứ lo chuyện của các anh. Gia đình tôi tự giải quyết
Ông ta cố nài nỉ:
- Thưa anh, anh giải quyết thế nào ạ?
- Thì lên trận địa cũ tìm chứ sao.
- Vâng, có nhẽ phải thế thật ạ. Tôi sẽ cho một xe hộ tống, với mấy công nhân, cuốc, xẻng, xà beng mang theo. Bác gì… bạn đồng ngũ với ông cụ nhà anh chỉ đâu, họ sẽ đào đấy ạ. Chứ lên đấy, lạ nước lạ cái, nhờ đồng bào dân tộc giúp cũng kép công lắm ạ. Làng bản lại rất xa, đường khó đi, xe không vào được.
Chả biết, nếu không có việc kia, liệu họ có nhiệt tình giúp đờ thế không. Để ông ta đỡ mặc cảm tội lỗi, Đại báo:
- Có phiền các anh lắm không. Gia đình có phương án rồi!
Ông Sanh rối rít:
- Không ạ, đấy là trách nhiệm của chúng tôi mà. Thế mấy giờ xuất phát ạ?
Đại gọi Linh xuống, hai vợ chồng lại ra phố mua thêm đồ ăn thức uống, hoa quả. Lúc nãy chỉ tính người nhà. Giờ phải chuẩn bị thêm cho cả "xe hộ tống".
Gọi là "xe hộ tống", nhưng nó đi trước dẫn đường.
Ngày xưa, theo đường mòn Hồ Chí Minh vào, rồi rẽ ngang, rẽ dọc, rồi tạt phải tạt trái, giao liên dẫn đi, trinh sát dẫn vào trận. Vùng núi này, ngày ấy chưa bị chất độc hoá học phát trụi nên còn rậm rạp lắm. Bây giờ chỉ còn lơ thơ cây bụi.
Không thể nhạn ra đâu là nơi mình đa đi qua, cũng không thể nhận ra đâu là trận địa cũ. Mấy người của Trung tâm, dẫn cả đoàn đến một địa điểm, mà họ nói là đã xảy ra một trận đánh dữ dội.
- Sao biết?
- Thì chúng tôi đã đi cùng mấy ông chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn đánh trận ấy mà. Họ cũng đi tìm hài cốt lính đơn vị họ.
Ông Sùng bần thần một hồi, nhìn rất lâu vạt núi trước mặt, đột nhiên quay phắt lại, nhìn xuống khe sâu. Ông lắc đầu mấy cái như hồ nghi, rồi lại nheo mắt nhìn ra xa, sang ngọn đồi trước mặt:
- Thế các anh đào thấy mấy bộ hài cốt ở chỗ nào?
- Dạ, ngay mé dưới kia, cách chỗ này một đoạn ạ!
- Bao nhiêu bộ?
- Bẩy bộ gần nhau ạ.
- Đúng người tiểu đội tôi rồi. Hai hố, một hố bốn người, một hố ba người, phải không?
- Đúng đấy ạ. Chúng em có vẽ lại sơ đồ cẩn thận.
- Cẩn thận cái tiên sư các anh! Chỉ được cái dẻo mỏ - ông Sùng chửi thầm cái gã luôn mồm vâng dạ. Đại thấy miệng ông Sùng cứ lẩm nhẩm, lẩm nhẩm điều gì. Ông đưa mắt như muốn ước lượng khoảng cách chỗ này, chỗ kia, lục trong trí nhớ, tìm những sự việc, hình ảnh quá khứ. Ông chắp nối từng đoạn rời rạc như một đoạn phim quay chậm.
- Đúng chỗ này rồi. - ông tập tễnh, bước thấp bước cao đến chỗ những bụi sim, mua thấp hơn so với xung quanh. Nghĩa là đất chỗ đó hõm vào sườn núi một khoảng - Chính nó, cái hầm hàm ếch khoét vào sườn núi. Khẩu đại liên của Thiệu, bố vợ anh đặt đấy. Nếu không có khẩu đại liên ấy bắn cản đường, thì đại đội tôi không còn mống nào sống sót. Sau trận pháo cấp tập của địch, chúng tôi còn đang tối tăm mặt mũi, chưa kịp rũ đất cát đầy đầu cổ, người bị thương chưa kịp băng bó, liệt sĩ chưa kịp kéo về phía sau, bộ binh nó đã ào lên. Thương vong nhiều quá! - ông Sùng lắc đầu, quay lại nói với Đại, vẫn bám theo từng bước, sẵn sàng đỡ, nếu ông sẩy chân. - Chưa đến tầm bắn có hiệu quả của AK, nên chúng tôi tranh thủ củng cố công sự cá nhân bị sạt lở. Khẩu đại liên của ông Thiệu và khẩu bên cánh trái, từ này đã vãi đạn vào đội hình địch. Tổ tôi nằm chỗ kia, cách khẩu đại liên ông Thiệu ba bước chân. Tôi ngoái nhìn rất nhanh về phía ấy. Máu đỏ lòm bên má trái ông ấy, suốt từ thái dương xuống cổ. Từ bả vai, máu ướt cả cánh tay, xuống cả bàn tay, cứ như ông ấy vừa nhúng tay vào thùng máu ấy. Cằm ông ấy bạnh ra, cổ rụt lại, người cúi lom khom, hết đảo bên này lại đảo bên kia, theo báng súng, rê nòng nhằm chỗ địch đông nhất. Đến lượt bọn tôi đồng loạt siết cò. Chúng nó đổ cũng nhiều, nhưng vẫn xông lên. Ức nhất là lũ máy bay quần thảo, nã rốc két yếm trợ cho bộ binh.
Thấy không thê cầm cự được, Đại đội trưởng lệnh rút lui. Tưởng ông ấy không nghe thấy mệnh lệnh, tôi lom khom đến bên hét thật to, tay ra hiệu chỉ về phía sau. Ông ấy vẫn siết cò, miệng hét "rút trước đi, tôi cản hậu". Khẩu đại liên trong tay bố vợ anh khạc lửa vào đội hình địch. Thình lình, một quả rốc két phóng cạnh ông ấy, phía tay phải. Mới rút được mấy bước, ba chiến sĩ cạnh tôi còn hy sinh nữa là ông ấy Tôi ở xa hơn một chút, được các đồng đội hứng bớt mảnh đạn nên chỉ bị gẫy xương đùi.
Hai ngày sau, khi ta tổ chức phản công, giành lại trận địa đã mất, thì chỉ còn tìm được hai chân ông ấy, từ khoảng giữa đùi trở xuống. Người trợ thủ cho ông ấy thì chỉ còn nữa người. Anh em chôn họ ở ngay chỗ tìm thấy.
- Tức là ngay chỗ đất hõm vào?
- Cũng không hẳn như thế. Hình như tìm thấy chân ông ấy cách hàm ếch một đoạn. Nhưng không biết về hướng nào, không biết cách bao xa.
Đại lấy điện thoại di động ra.
- Thầy ạ. Tôi đang đứng đúng ở trận địa bố vợ tôi hy sinh. Xin thầy chỉ dẫn cho.
Anh quay về phía mặt trời mọc đi. Bên trái anh, cách chừng năm mét có một bụi cây, cao hơn hẳn các bụi cây xung quanh. Có đúng không? Bên phải là sườn dốc ngọn đồi. Có đúng không? Anh cho đào cách bụi cây cao ấy chừng ba bước chân, về phía mặt trời mọc, khắc thấy.
Lập tức mấy công nhân vào cuộc.
- Thấy cho biết, đào sâu bao nhiêu, rộng bao nhiêu ạ?
Các tay cuốc, hai người một kíp, đã năm bấy lần thay nhau đào bới. Đất đồi rắn như đá. Nắng đố lửa. Mấy chiếc ô Linh mua mang theo chỉ che được nắng, không chắn được óng tứ phía vây bọc. Công nhân, mỗi lần tu hết nửa chai. Uống bao nhiêu mồ hôi tháo ra bấy nhiêu.
- Thưa thầy, đã đào như thầy chỉ dẫn, vẫn không thấy gì ạ.
- Phải kiên nhẫn, nhất là phải tin sẽ thấy thì mới thấy. Bây giờ đào chếch sang phía đông, độ một bước. Đào đi!
Lại thay nhau đào. Xà beng, cuốc chim mỗi nhát chỉ nậy được một cục đất bằng nắm tay. Lại thêm dăm lần nghỉ đổi ca. Lại bấy nhiêu lần nạp nước và quýt, táo, bánh mì kẹp thịt xay. Tốp công nhân, hình như được Giám đốc xác định tư tưởng trước, nên tỏ vẻ có trách nhiệm. Người nào cũng hùng hục làm. Đại sợ bà An và Linh say nắng nên bảo xuống chân đồi Dưới ấy có một rừng keo lá tràm, đỡ nắng hơn. Nhưng mẹ con Linh không nghe. Linh bảo "Em đợi bố dậy!".
Đại cũng không mấy tin vào sự điều khiển từ xa của ông thầy ngoại cảm. Nhưng nhiều người nhờ thấy mà tìm được.
Anh biết "Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người" đã mời một số nhà ngoại cảm đến để thực nghiệm. Vẫn chưa thế kết luận là có cơ sở khoa học, bởi vẫn chưa thế kiểm chứng được Nhiều người cho rằng ngẫu nhiên, hú hoạ thôi. Nhưng cũng không thể bác được, vì tỉ lệ tìm thấy hài cốt không phải là thấp. Vì thế, khi đi, Đại cũng đã cẩn thận làm một cái lễ xin thấy chỉ bảo.
Loay hoay từ sáng đến giờ, anh cũng thấy nản. Khi nói chuyện qua điện thoại, nghe miêu tả, Đại cảm thấy như thấy nhìn rõ từng chi tiết, cảnh vật nơi này, thậm chí nhìn thấy cả những vật chôn trong lòng đất. Cứ như thầy có máy viễn thám mặt trên vệ tinh ấy. Nhưng, đến lúc này thì hy vọng, vốn đã mong manh, chỉ còn là cầu may, là an ủi, là liệu pháp tâm lý, cũng tan biến như mồ hôi rơi xuống những hòn đất lổn nhổn nóng rẫy kia.
Đại ngồi ngay trên miệng hố. Mắt dõi theo từng nhát bổ cuốc chim, từng nhát lao xà beng. Chỉ sợ, nhỡ nó động vào xương cốt bố vợ mình. Áo sơ mi anh sũng mồ hôi. Đến cả cạp quần ka ki cũng đã thấm đẫm mồ hôi. Anh luôn tay chuyển những chai nước cho tốp công nhân. Một hộp mấy chục chai mang đi theo không uổng. Đại vừa đưa mắt nhìn rặng núi xa xa, quay lại nhìn xuống đáy hố, thấy một cái gì đen đen. Anh bước một chân xuống, nhặt cái vật ấy lên, nó mủn ra khi anh đụng đến:
- Đào rộng ra. Cẩn thận đấy
Ông Sùng vội đến chỗ Đại, bước cái "chân tươi" xuống hố trước, "chân héo" xuống sau, lấy ngón tay sờ một chỗ khác.
- Đúng là vải mưa của lính rồi!
Mọi người tỉnh táo trở lại. Ai cũng xúm quanh hố, mắt đổ dồn theo từng nhát đào. Đã nhận ra một lớp ni lông xanh lá cây dài hơn nữa mét. Linh tính bảo ông Sùng, đây chính là phần thi thể còn lại của người đồng đội dũng cảm, người hàng xóm gan lì. Lớp đất xung quanh được xắn đi.
- Đúng chú ấy đây rồi bà An ơi. Linh ơi, bố cháu đây rồi!
Ông Sùng thận trọng gạt lớp ni lông trên mặt. Động đến đâu, ni lông vụn ra đến đấy. Tự tay ông lấy xà beng xắn sâu xung quanh gói xương, thành một cái rãnh, cẩn thận lấy bay nậy hết đất trên mặt, xung quanh xương. Cuối cùng mới khẽ bẩy dần nó lên. Mẹ con bà An, kệ cho nước mắt ròng ròng, giơ từng khúc xương cho vào túi ni lông. Người trợ thủ bị mảnh đạn phạt ngang người nên gói xương của anh có thêm nửa bộ xương sườn, xương sống trở xuống.
Bà An thắp một bó nhang, tạ ơn mảnh đất đã cất giữ chút hình hài chồng. Bà bảo Đại bấm máy cho ông thầy, ở mãi đâu đó để bà cảm ơn.
Chiếc xe gầm cao của Trung tâm về trước báo tin, nên ông Sanh ra cổng đứng đợi. Thấy xe từ xa, ông đã đưa tay lên hua hua chào mừng. Đại cũng hua tay đáp lại. Xe vào sân, Đại chưa kịp mở cửa xe, ông đã mở giúp.
- Mừng quá! Chúc mừng gia đình. Trời đất phù hộ, liệt sĩ anh linh phù hộ. Mời gia đình lên phòng tắm rửa, thay quần áo rồi xuống dùng cơm.
Ông bắt tay từng người. Cái bắt tay nào cũng chặt, chia sẻ. Phải nói thật là, nếu không có tốp công nhân thì không biết sẽ xoay xở thế nào. Bởi, đường đến chỗ có dân xa lắm, xe con chẳng thể leo được. Mọi mệt nhọc quên hết. Không ai nói với ai câu gì, nhưng mặt ông Tiết, Đại và nhất là ông Sùng đều thoả màn, hể hả. Bà An và Linh có cái ngậm ngùi rất khó tả ban nãy, Đại bảo cứ để bọc xương trong cốp xe thì bà không chịu, cứ mang lên phòng. Bà để nó dưới sàn, cạnh đầu giường mình. Bà dặn Linh, chiều đi mua bằng được nước vang về "để mẹ tắm rửa cho bố".
Đại bàn giao cho ông Sanh gói hài cốt người đồng đội của bố vợ để cho vào tiểu của ông ấy mà anh tin rằng, trong ấy cũng chỉ có nắm xương lợn như trong tiểu của bố mình thôi.
Có tiếng gõ cửa. Không như tiếng gõ rụt rè trưa qua.
Tiếng gõ to, bạo dạn. Ông Sanh tự tin bước vào, mời mọi người xuống xơi cơm và báo tin:
- Đích thân đồng chí Giám đốc Sở mời cơm gia đình.
Mọi người lục tục xuống. Giám đốc Sở đón ở chân cầu thang. Bắt tay từng người. Khi mọi người đã yên vị, ông đứng dậy trịnh trọng:
- Tôi xin thay mặt lãnh đạo Sở, góp một niềm vui với bác An, chị Linh, anh Đại, bác Tiết, các thân nhân liệt sĩ Lê Hồng Thiệu, xin góp một niềm vui với bác Sùng, người đồng đội, đồng hương, đã cất công vào đây, cùng gia đình tìm bằng được hài cối liệt sĩ, thoả ước nguyện của gia đình. Cho tôi được dâng nén tâm hương lên vong linh liệt sĩ Lê Hồng Thiệu, đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng đất nước, để quê hương chúng tôi có được ngày hôm nay. Để tỏ lòng biết ơn liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, sở Lao động Thương binh Xã hội Tỉnh có chút quà, kính đề nghị bác An thay mặt chúng tôi, thắp nén tâm hương, dâng lên bàn thờ liệt sĩ, trong lễ truy điệu sẽ tổ chức tại quê nhà trong những ngày tới.
Nói đến đấy, ông Giám đốc đến chỗ bà An ngồi. Bà An vội đứng lên. Ông ta đặt vào tay bà một chiếc phong bì khá dầy. Bà không biết nên thế nào. Trả lại thì có vẻ không phải. Mà nhận thì chả ra làm sao. Không biết các gia đình khác có được đối xử như thế này không? Hay chỉ gia đình bà, do có chuyện không hay kia. Ý nghĩ ấy không chỉ lởn vởn trong đầu bà, mà trong cả Đại, ông Tiết, ông Sùng và Linh.
Mấy giây im lặng nặng nề trôi qua. Giám đốc Sở và ông Sanh lo ra mặt. Nếu gia đình không nhận thì gay go to. Cuối cùng Đại giục mẹ:
- Thôi, mẹ thay mặt gia đình cảm ơn đi!
Nghe câu ấy, mặt hai ông Giám đốc giãn hẳn ra:
- Còn chuyện xảy ra ở nghĩa trang, lãnh đạo Sở và Trung tâm thành thật xin lỗi gia đình. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại tất cả. Sẽ nghiêm khắc rút kinh nghiệm và có hình thức kỷ luật thích đáng những kẻ vô lương tâm, làm bậy trên xương máu các liệt sĩ…
Ông dừng lại một tí, như suy nghĩ rồi nói tiếp:
- Cũng xin gia đình, không nói lại chuyện đáng tiếc này với ai. Được thế, chúng tôi biết ơn vạn bội. Xin mời các bác, các anh chị dùng bữa cơm thân mật với anh em chúng tôi.
Thực đơn bữa này, rõ là tiệc chiêu đãi.