Số lần đọc/download: 3614 / 73
Cập nhật: 2016-02-18 21:13:13 +0700
Chương 8
S
au tuần trăng mật dạt dào như sóng, cuộc sống hạnh phúc của Tống Phàm Bình và Lý Lan bắt đầu như con suối nhỏ róc rách chảy mãi. Khi đi làm, họ cùng ra khỏi nhà, khi hết giờ làm việc, họ lại cùng về nhà. Trường học của Tống Phàm Bình gần nhà, khi hết giờ làm việc, anh thường ra đứng trên cầu trước, khoảng ba phút, sau khi Lý Lan bước tới, hai người mỉm cười sóng vai đi về nhà. Họ cùng đi mua thức ăn, cùng nấu cơm, cùng giặt quần áo, cùng ngủ, cùng dậy, gần như lúc nào hai người cũng bên nhau.
Được một năm thì chứng đau nửa đầu của Lý Lan tái phát. Niềm yên vui sung sướng của tân hôn đã làm cho Lý Lan tạm thời mất bệnh cũ, nhưng căn bệnh cũ như đã ủ lại, thời gian càng lâu, ủ càng nhiều, khi trở lại một lần nữa, nó lại rất dữ dội, Lý Lan không còn suýt xoa kêu trong mồm như cũ, mà bây giờ nó đau khiến nước mắt chị giàn dụa, như ngồi ở cữ, đầu chị quấn một chiếc khăn mặt trắng, suốt ngày giơ ngón tay day gí và gõ vào huyệt thái dương, chẳng khác nào ông sư gõ mõ trong chùa, làm cho không khí trong gia đình luôn không yên ổn.
Thời gian này Tống Phàm Bình thiếu ngủ nghiêm trọng, anh thường bị tiếng rên đau đớn của Lý Lan làm thức giấc vào lúc đêm khuya, anh bò dậy ra ngoài nhà, múc một gầu nước giếng ngâm khăn mặt vào nước mát lạnh, rồi vắt khô đặt lên trán Lý Lan, như thế Lý Lan sẽ dễ chịu hơn nhiều. Như đối xử với một bệnh nhân sốt rét cả đêm, mỗi buổi tối Tống Phàm Bình phải dậy mấy lần thay khăn mát cho Lý Lan. Tống Phàm Bình nhận thấy Lý Lan phải đi bệnh viện chữa trị một thời gian, anh coi thường y bác sỹ trong huyện, ngồi trước bàn ăn cơm, anh viết thư cho chị gái đang công tác ở Thượng Hải, gần như tuần nào anh cũng viết một bức thư như vậy, giục chị gái nhanh chóng liên hệ với một bệnh viện ở Thượng Hải, thư nào anh cũng luôn luôn viết hai chữ "hoả tốc", hơn nữa lần nào chấm hết anh cũng dùng một dãy chấm than.
Hai tháng sau, cuối cùng chị gái đã trả lời, chị đã liên hệ được ở một bệnh viện, nhưng họ yêu cầu phải có giấy chuyển viện của bệnh viện địa phương. Hôm nay Lý Lan cảm thấy sâu sắc chồng chị là một người ghê gớm biết chừng nào, Tống Phàm Bình xin nhà trường cho nghỉ nửa ngày để anh cùng chị đến nhà máy tơ lúc hết giờ làm việc buổi chiều. Tống Phàm Bình cần phải tìm giám đốc nhà máy của Lý Lan nói chuyện xin phép ông đồng ý để Lý Lan đi Thượng Hải chữa bệnh đau nửa đầu. Lý Lan nhút nhát là một người có bệnh nhưng không dám xin nghỉ, khi chị dẫn Tống Phàm Bình đến ngoài văn phòng giám đốc nhà máy, khẽ van nài chồng, chị bảo không dám vào, anh có thể vào một mình được không? Tống Phàm Bình cười gật đầu, bảo Lý Lan ở ngoài chờ tin vui, một mình đi vào.
Tống Phàm Bình là danh nhân của thị trấn Lưu chúng tôi, cú úp bóng rổ ghê gớm của anh đợt ấy, khiến cả thành phố đểu biết tên, khi anh giới thiệu mình với giám đốc nhà máy, chưa dứt lời, ông giám đốc đã vung tay bảo anh không cần giới thiệu, ông đã biết anh là ai, anh là người đã úp vào rổ quả bóng đó. Sau đó hai người nói chuyện như bạn cũ, họ trao đổi với nhau hơn một tiếng đồng hồ, suýt nữa Tống Phàm Bình quên vợ anh đang chở ở bên ngoài. ở bên ngoài Lý Lan mê mải nghe hai người nói chuyện, mãi về sau này rất lâu, khi nhớ đến chồng, chị vẫn nói một cách vô vàn cảm khái:
Anh ấy tài nói thật!
Khi Tống Phàm Bình và giám đốc xưởng cùng đi ra, giám đốc nhà máy không những đồng ý Lý Lan đi Thượng Hải chữa bệnh, mà còn giặn đi giặn lại Lý Lan, sau khi đến Thượng Hải đừng có lo ngại gì hết, cứ yên tâm chữa bệnh, có khó khăn gì tìm đến nhà máy, nhất định nhà máy giúp giải quyết.
Tiếp đó tài nói chuyện khiến Lý Lan mê mẩn của Tống Phàm Bình lại được tái diễn theo ý muốn ở bệnh viện, khi anh nói chuyện với một bác sĩ trẻ, cứ tán vung thiên địa, trên biết thiên văn, dưới tường địa lý, cuộc nói chuyện giữa hai người cứ nhảy hết chuyện nọ sang chuyện kia, hai người có quan niệm giống nhau đối với từng chủ đề, hai người nói chuyện vui vẻ tới mức tươi cười hớn hở, nước bọt bắn cả ra. Ngồi ở bên cạnh, Lý Lan cứ mắt chữ i mồm chữ o lắng nghe, chị quên cả cơn đau đầu, chị hết sức sửng sốt nhìn Tống Phàm Bình, chị không ngờ người đàn ông chung sống với mình hơn một năm lại tài hoa đến vậy. Sau khi họ cầm trong tay giấy chuyển viện, người bác sĩ trẻ vẫn còn sốt sắng tiễn họ ra cổng, khi tạm biệt, xiết chặt tay Tống Phàm Bình, anh nói, hôm nay coi như uống rượu gặp tri kỷ, đấu cờ gặp đối thủ, anh bảo nhất định phải dành thời gian mua nửa lít rượu cẩm, xào hai món thức ăn, ngồi tán chuyện thâu đêm, tán cho thật đã đời.
Dọc đường về nhà, Lý Lan phơi phới niềm vui, chị luôn luôn khẽ đụng tay vào tay Tống Phàm Bình, khi Tống Phàm Bình quay đầu nhìn chị, ánh mắt chị rừng rực như ngọn lửa trong lò. Về tới nhà, Lý Lan kéo chồng vào trong buồng, sau khi đóng cửa, chị ôm chặt lấy anh, ngả đầu vào lồng ngực to rộng của chồng, nước mắt hạnh phúc ướt sũng ngực áo anh.
Từ sau khi chồng trước của chị chết chìm trong hố phân, người đàn bà nhút nhát này đã quen với cuộc sống tự ti, quen với nỗi cô quạnh, không nơi nương tựa, bây giờ Tống Phàm Bình đã đem đến cho chị niềm hạnh phúc trong mơ cũng không nghĩ tới, quan trọng hơn là từ đó, Lý Lan đã có nơi nương tựa, hơn nữa trong con mắt của chị, nơi nương tựa này vững như trái núi, chị cảm thấy từ nay về sau, mình không còn bao giờ phải cúi đâu khi đi đường, Tống Phàm Bình đã khiến chị ngẩng đầu lên một cách kiêu hãnh.
Tống Phàm Bình không biết vì sao Lý Lan xúc động như vậy, anh cười định đẩy chị ra, hỏi tại sao em làm thế? Lý Lan lắc đầu không nói gì, cứ ôm thật chặt anh. Mãi cho đến khi Lý Trọc và Tống Cương nói to ở nhà ngoài: Chúng con đói rồi! đói rồi! đói rồi! Lý Lan mới buông tay, Tống Phàm Bình hỏi chị tại sao khóc? Chị xấu hổ quay đầu mở cửa, vội vàng đi ra.
Chiều hôm sau, Lý Lan đi xe ô tô đường dài đến Thượng Hải. Trưa hôm đó, cả nhà ra khỏi cửa, Tống Phàm Bình xách một túi du lịch mầu tro, đây là chiếc túi anh mua ở Thượng Hải khi kết hôn lần đầu, một bên của túi du lịch in hai chữ to "Thượng Hải" đỏ thẫm. Cả nhà đều mặc quần áo sạch sẽ, họ đến hiệu ảnh chụp một kiểu kỷ niệm toàn gia đình. Hơn một năm trước, sau hôm hai người cưới nhau, Tống Phàm Bình đã muốn chụp một kiểu cả nhà, vì lúc đó mặt mũi anh sưng vù đã không chụp được, về sau anh quên mất việc này, hôm nay Lý Lan đi Thượng Hải chữa bệnh, anh mới nhớ chụp ảnh kỷ niệm toàn gia đình.
Bốn người đi vào hiệu ảnh, một lần nữa Tống Phàm Bình lại khiến vợ ngạc nhiên, người đàn ông không cái gì là không biết này, đã nghiễm nhiên chỉ huy thợ chụp ảnh bố trí lại ánh sáng, anh bảo phải chụp làm sao thật rõ mặt mọi người. Anh thợ chụp ảnh đã nghe theo chỉ huy của Tống Phàm Bình, vừa di chuyển đèn chiếu sáng để dưới đất, vừa gật đầu với Tống Phàm Bình khen phải. Sau khi thợ chụp ảnh bố trí xong ánh sáng Tống Phàm Bình đến trước ống kính xem thử, lại bảo thợ chụp ảnh di chuyển một chút ánh sáng, sau đó bảo hai đứa con ngẩng đầu lên như thế nào, mỉm cười ra sao, … Anh bảo Lý Trọc và Tống Cương đứng ở giữa, bảo Lý Lan ngồi ở bên cạnh Tống Cương, còn anh ngồi ở cạnh Lý Trọc, anh bảo ba người đều nhìn vào tay giơ lên của thợ chụp, anh không để thợ chụp đếm một,, hai, ba mà tự mình đếm:
Một.. hai … ba … cười!
Thợ chụp ảnh bấm máy "xoạch" một tiếng, nụ cười rạng rỡ của cả nhà đã đi vào một kiểu ảnh đen trắng. Sau khi trả tiền, Tống Phàm Bình hết sức cẩn thận bỏ hoá đơn màu xanh vào ví da, anh quay người bảo hai con: Một tuần sau sẽ được xem ảnh. Sau đó anh xách túi du lịch màu tro dẫn vợ con ra bến xe đường dài.
Trong phòng đợi của bến xe, họ ngồi trên một chiếc ghế dài, Tống Phàm Bình cứ tả đi tả lại hình dáng của chị gái với Lý Lan, anh bảo chị gái sẽ đứng ở bên phải cửa ra của bến xe đường dài Thượng Hải, anh đã viết thư giặn chị tay cầm tờ "Giải phóng nhật báo". Khi Tống Phàm Bình luôn mồm nói, thì một người vác bó mía đứng trước mặt họ léo nhéo rao bán khiến Lý Trọc và Tống Cương ngẩng lên nhìn bố mẹ với vẻ mặt vô cùng đáng thương.
Thường ngày Lý Lan rất tiết kiệm, hận chẳng thể không ăn không uống, lúc này chị nghĩ đến sắp sửa xa hai đứa con, nên chị đã mua cho chúng cả một cây mía. Hai đứa trẻ nhìn người ta róch xoèn xoẹt từng chiếc vỏ mía, rồi tiện thành bốn khúc, sau đó hai cậu bé không biết bố mẹ nói chuyện gì, chúng chỉ biết cầm mỗi đứa một gióng mía gặm rău ráu.
Bắt đầu soát vé, tài nói chuyện của Tống Phàm Bình lại một lần nữa được phát huy tới số, anh đã thuyết phục người soát vé đồng ý để bốn người cùng vào, bốn người đều ngồi lên ô tô chở khách đường dài, Tống Phàm Bình bảo Lý Lan ngồi vào ghế của chị, anh để túi du lịch màu xám lên giá hành lý, nhờ một thanh niên giúp Lý Lan xách hộ túi hành lý sau khi đến Thượng Hải. Sau đó Tống Phàm Bình dẫn Lý Trọc và Tống Cương xuống xe, ba người đứng dưới cửa sổ xe của Lý Lan, Lý Lan hết sức âu yếm nhìn ba bố con, Tống Phàm Bình nói câu nào, chị gật đầu câu ấy, cuối cùng Tống Phàm Bình giặn khi về nhớ mua quà cho con, Lý Trọc và Tống Cương đang gặm mía lập tức nói to:
Kẹo sữa thỏ trắng to!
Bố mẹ hai cậu chợt nhớ tới, nói ở nhà vẫn còn kẹo sữa thỏ trắng. Lý Trọc và Tống Cương sợ tới mức không dám nhai đẫn mía trong mồm. Được cái lúc này ô tô đã nổ máy, khi ô tô ra khỏi bến, Lý Lan quay nhìn ba bố con mắt đẫm lệ, Tống Phàm Bình vẫy tay chào vợ, ô tô đã đi ra khỏi bến. Lúc này Tống Phàm Bình mỉm cười, anh không biết đây là lần cuối cùng mình nhìn vợ. ấn tượng cuối cùng Lý Lan để lại cho anh là cái bóng nghiêng Lý Lan giơ tay lau nước mắt, ấn tượng của Lý Trọc và Tống Cương lúc đó là một luồng bụi cuốn mù mịt khi xe khách đường dài đã đi xa.