Số lần đọc/download: 9476 / 197
Cập nhật: 2014-12-26 23:40:46 +0700
Chương 9 -
G
iá như con vợ nó tỉnh táo mà nhớ ra thằng chồng nó đã mấy chục năm áp mặt vào nó bằng cái cằm nhẵn thín thì sẽ không làm theo thằng chồng dặn lúc anh du kích đi đái. “Cho tôi cái lưỡi dao bào (mince lame) ghìm vào miếng bầu trắng để tôi cạo râu”.
Giá như tên Kiêm đừng có bộ râu quai nón ngày nào cũng phun đen tua tủa đầy mặt! Vì những cái “giá như” ấy, mà cái chết của tên phó tổng gian ác để lại hồ sơ của Kiêm những dòng như sau: “Ngày 4-4 tên Đào Văn Bạt cứa đứt cổ tự sát lúc nửa đêm. Năm giờ chiều hôm ấy tên Kiêm xin phép đi đái vào nồi hông dưới bụi tre ở phía sau nhà. Khi Kiêm đái xong, tên Bạt cũng xin đi. Gặp nhau giữa đường, lợi dụng lúc hai du kích (một dẫn tên Kiêm, một dẫn tên Bạt) chào nhau, tên Kiêm nhanh chóng đặt vào tay tên Bạt một lưỡi dao bào” rồi đưa tay lên cổ giả vờ gãi để làm ám hiệu cho Bạt cứa vào cổ. Trong lời khai thì Bạt đã thú nhận tất cả mọi hành động giết cán bộ, phá vỡ cơ sở cách mạng của hắn đều nhận chỉ thị bí mật của tên Kiêm, Kiêm là thượng cấp luôn luôn bám sát tên Bạt, không bao giờ tên Bạt dám trái lệnh Kiêm. Biết để Bạt sống sẽ lần lượt khai hết những bí mật quan trọng khác, Kiêm ra lệnh cho tên Bạt phải tự sát để bịt đầu mối.
(Trong biên bản hỏi cung tên Bạt có một đoạn như sau: Hỏi: Trong thời kì cách mạng ở vùng này, mày có biết Kiêm là người có quyền quyết định số phận của mày không? Trả lời: Thưa đội. Có. Con có biết ông Kiêm là người có quyền để con sống hay bắt con chết ạ. Hỏi: Có bao giờ mày dám chống lại những mệnh lệnh chỉ thị của Kiêm? Trả lời: Bẩm đội, không bao giờ con dám hé răng nói một lời hỗn hào với ông ấy, chứ có bao giờ lại dám chống lại.
Hỏi: Có nghĩa là Kiêm bảo làm bất cứ việc gì kể cả bảo mày phải chết mày cũng không dám cưỡng lại? Trả lời: Bẩm đội, đúng như thế ạ. Tên Bạt đã xem lại và kí vào hai bản một để hồ sơ của hắn, một kèm theo hồ sơ của Kiêm).
Anh đội Lăng là người đặc trách hỏi cung của hai tên nguy hiểm xảo quyệt. Anh trực tiếp hỏi và ghi lời khai của chúng. Với đoạn hỏi cung trên anh chỉ cần chừa một chỗ không cần rộng lắm để ghi thêm một chữ “phá” trong câu hỏi mở đầu. Câu hỏi ấy có nghĩa là “Trong thời kì phá cách mạng ở vùng này...” Vậy thì Kiêm ra lệnh cho Bạt phải cứa cổ tự sát. Bạt phải làm theo là tất nhiên.
Từ khi Bạt phải chết theo lệnh của Kiêm xã này còn thêm ba tên nữa tự sát bằng treo cổ, nhảy xuống đầm Cuội và cắn lưỡi. Chưa bị bắt cũng đã tự vẫn chết. Cuộc đấu tranh càng đến giai đoạn cuối cùng gay go quyết liệt. Phải có những biện pháp kiên quyết táo bạo hơn nữa mới chặn được bàn tay chống phá của chúng mà kẻ đầu sỏ không còn ai khác là tên Kiêm. Vì sự nguy hiểm của tên này nên việc giam giữ nó từ nay phải hoàn toàn bí mật. Bốn du kích bịt mắt nó, dắt nó đi lên trại giam của cụm lúc 10 giờ đêm. Đi đến giữa đường thì bàn giao, bản thân bốn anh du kích cũng không thể biết nơi giam sắp tới của Kiêm. Những tên còn lại từ nay không những chỉ cùm, còn phải trói cả tay, chỉ trừ khi ăn hoặc đi ỉa, đi đái mới được cởi trói nhưng thừng vẫn xiết ở một bên cánh tay.. Anh du kích cầm đầu dây đứng quay mặt đi đợi. Khi nó làm “các việc mả mẹ” nhà nó xong lại dắt vào như dắt con chó, cho vào cùm, trói lại. Có nhiều tên mắc bệnh trĩ bệnh táo bón ì ạch hàng tiếng đồng hồ vẫn phải cầm dây thừng đứng đợi. Có anh sốt ruột chửi giục. Nó lạy rối rít.
- Xin ông. Con lạy ông cho con xin tí nữa.
- Mày định giả vờ ngồi đây, phải không?
- Lạy ông, tự nhiên con mắc bệnh này con muốn ngửi mãi làm gì.
Về sau các anh du kích bảo nhau. Càng chửi, càng quát tháo nó càng thót lại không ra được, mình càng khổ. Vậy ra mình cứ phải kiên trì đứng ngửi cứt chúng nó. Tiên sư cái bọn địa chủ xã Cuội này có gì ăn mà cứt lại thối không thể ngửi nổi.
o O o
Lăng về làng Cuội Thượng (xóm Một) được năm ngày, Hiếu được thả về.
Lí do thứ nhất, xét thái độ và lời nói của anh ta do bồng bột xốc nổi, không nghĩ đến tác hại của nó để tên địch đầu sỏ (ý chỉ Kiêm) lợi dụng. Bản thân không có động cơ xấu, không có chủ tâm làm mất uy tín của đội.
Thứ hai: Cơ bản là anh cùng giai cấp với chúng ta. Anh sinh ra và lớn lên đã mang dòng máu huyết thống của một chiến sĩ cách mạng. Cha anh Lưu Minh Lâm sinh năm 1914 (không rõ quê quán) bố mẹ chết đói từ năm ba tuổi, lớn lên với người mẹ nuôi (đã chết) Lâm đi theo cách mạng từ tháng 6 năm 1931 hoạt động tại vùng La Hiên, Thái Nguyên. Tại đây đã gặp Bùi Thị Đất. Cưới vợ tháng 1-1933. Hiếu sinh ra (10-1933) thì người cha đã bị giặc Pháp bắn chết trong một trận phục kích trên đường anh đi công tác từ Đại Từ đi Võ Nhai tháng 7 năm 1933.v.v...
Điều quan trọng nhất, quyết định cái lai lịch hoàn hảo lại không được ai biết đến. Anh đội Lăng đi dọc bờ tre phía tây xóm Cuội Thượng. Những âm mưu, thủ đoạn, những cách đánh, cách trấn áp địch đang rối tung trong đầu. Một cô gái đi ngược chiều run rẩy dừng lại:
- Con chào ông đội ạ.
Anh ngẩng lên. Không nhớ tên nhưng nhận ngay ra nó và chắc nó cũng nhận ra anh từ hôm đội ra mắt. Hôm ấy anh đã nói những điều chắc chắn không người dân lao động nào có thể quên. Các anh nhớ nó, cô gái đứng hàng đầu xóm Cuội Thượng, sát bàn anh đứng nói chuyện. Anh đã gặp nhiều, chơi bời nhiều, đến tối nay mới thấy đôi mắt “rợp mát” làm cho không khí quanh chiếc đèn măng sông trước mặt anh dịu hẳn xuống. Và cái miệng cười! Sao mà ngoan thế?
Lúc bước xuống anh còn “sâu sát” bà con lao động hỏi: “Đây là thôn nào? “ “Báo cáo đội, chúng em thôn Cuội Thượng!”. Cô ta nói xong, anh còn nhớ có cô đứng sau chen vào: “Báo cáo đội, chị Xuyến, chấp hành xã, phụ trách phụ nữ thôn Cuội Thượng em đấy ạ!” Tối đó anh có hứa sẽ có dịp về Cuội Thượng gặp bà con. Nghe tiếng chào sáng nay anh sững sờ chừng một vài giây, hỏi lại:
- Cô là...
- Con là Xuyến, vợ tên Lưu Minh Hiếu ạ.
Anh “à” một tiếng trong khi hai chân như muốn khuỵu xuống. Anh lầm lầm bỏ đi không kịp để cho vợ thằng phản động chào lại.
Vợ thằng Hiếu gục mặt xuống thành giường khóc. Thái độ của anh đội phó Lăng sáng nay làm nó vừa sượng sùng vừa đau đớn nghĩ đến sự hèn mọn của mình. Cô cũng hoảng sợ về một tai hoạ nào đấy sẽ ụp xuống. Gần trưa, con vợ Hiếu và mụ Đất đến miếu ông Cuội gặp đội. Cuộc thẩm vấn vợ tên phản động được diễn ra ở cái bàn bằng tre có phủ mảnh vải nhựa màu mận chín kê ở gian bên phải miếu. Vợ tên phản động ngồi run rẩy cạnh anh du kích. Ngồi chờ khoảng 10 phút anh đội Lăng đến. Du kích được ra ngoài “tăng cường” gác con mụ Đất ngồi chờ ở ngoài gốc bàng. Cửa miếu được mở rộng ra. Đội ngồi vào ghế tựa cho nó ngồi vào cái ghế băng đối diện. Cứ ngồi như thế và im lặng đến mấy phút. Anh đội vẫn nhìn vào cái mặt cúi gầm của nó. Đã hàng tuần nay anh cứ thắc thỏm tìm cách xuống xóm Một để... gặp cô ta. Đến sáng nay... không ngờ... Độ nửa tiếng sau khi hầm hầm bỏ đi anh đột ngột ra lệnh cho Thó: 11 giờ cho du kích dẫn mẹ con con Đất đến để anh làm việc. Vợ thằng phản động thấy run lên vì sợ và ngượng trước cái nhìn của đội như táp lửa vào mặt nó. Đội hỏi. Hình như môi đội đã khô lại nên câu hỏi nghe nhỏ và không hiểu đội định hỏi gì?
- Thế nào?
Mặt vợ thằng phản động tái ngắt. Nó không thể trả lời được câu hỏi của đội. Đội cũng đủ nhận ra sự vô nghĩa của câu mình vừa hỏi. Anh dịu giọng nói:
- Tôi đã nghiên cứu kĩ toàn bộ hồ sơ về tên Kiêm và vợ chồng cô.
- Dạ.
- Cô cũng là con nhà lao động.
- Bẩm thưa đội. Chính anh ruột con chết đói năm 1945.
- Cô lấy chồng phải theo nhà chồng.
Cô như người bước hụt, ngồi lặng. Anh đội thở dài như là thông cảm, như là thương xót hoàn cảnh của cô. Anh ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt cô. Cô vội vàng cụp mặt lại như là chạy trốn. Đội hỏi:
- Cô còn thích công tác nữa không?
- Thưa đội. Từ ngày ở thiếu nhi, rồi lên phụ nữ đến giờ con không lúc nào nề hà.
- Tôi hỏi bây giờ cô còn thích không?
- Dạ... thưa. Nếu lại được công tác con thích ạ.
- Nếu chỉ có hai người như thế này cô không phải xưng con và gọi tôi bằng anh thôi.
- Dạ. Con sợ.
- Nhưng nếu tôi thích thế thì có được không?
- Dạ thưa. Quyền ở đội. Cho thế nào con... à em được thế ạ. Em chỉ sợ chồng em vẫn bị oan ức.
- Có thật là oan?
- Dạ thưa...
- Cô muốn chồng cô được thả?
- Thế thì con, à em đội ơn đội...
- Không cần thế. Cô còn có thể công tác? Có thể tiếp tục công tác.
- Gia đình chồng em được xuống thành phần hở anh?
- Không bao giờ. Hình như cô có vẻ thương xót tên đại phản động địa chủ ác bá này?
- Không không ạ. Em chỉ sợ là... Chúng em là phần tử liên quan, làm gì cũng khó.
- Cái khó là... tìm cách tách ra để không bị liên quan thì có làm gì vợ chồng cô mới được làm.
- Thôi thì trăm sự em nhờ ơn đội...
- Được. Khi thoát khỏi thành phần bóc lột, cô có dứt khoát đứng về phía bà con bần cố để đấu tranh?
- Đội và bà con nông dân bảo em lội xuống sông em cũng lội ạ.
- Không ai có thể bắt buộc cô phải làm việc gì. Vấn đề ở đây là cô đã thực sự thấy cuộc đấu tranh giai cấp là sâu sắc, mà tự nguyện đứng vào hàng ngũ của giai cấp từ bỏ tất cả mọi mối quan hệ phức tạp?
- Dạ. Thưa đội em tự nguyện ạ.
- Cô dám từ bỏ...?
- Em xin từ bỏ mọi thứ.
- Bố mẹ?
- Vâng.
- Anh em.
- Vâng!
- Chồng con?
Đội vừa hỏi bàn chân của đội dưới gầm bàn bỏ khỏi dép để lên bàn chân cô. Cô giật mình, mặt đỏ tía lên mà không dám rụt chân mình lại. Cô hơi quay mặt ra phía gốc bàng, run rẩy bảo đội.
- Em sợ.
Anh đội cứ coi như cái chỗ của bàn chân mình tất nhiên nó phải ở trên chân cô, không có gì cần phải nghĩ đến. Mặt anh nghiêm lại dặn, trong khi mắt nhìn ra ngoài.
- Tất cả mọi cử chỉ và xưng hô, cô vẫn cứ phải như mọi ngày.
- Vâng ạ.
- Nếu gia đình tên Kiêm và cả chồng cô biết những gì về nội dung cuộc thẩm vấn của tôi với cô, cô hoàn toàn chịu trách nhiệm.
- Vâng ạ. Em chỉ xin đội cho em nếu con mụ Đất nó có hỏi là đội hỏi gì mày...!
- Cô nhớ lại những gì anh Quyền, anh Thó hỏi mọi ngày. Tôi cũng hỏi như thế. Cô cũng vẫn trả lời như thế.
- Vâng ạ.
Đội nhấc chân ra khỏi chân cô mỉm cười.
- Nhớ kĩ chưa?
- Dạ. Em nhớ rồi ạ.
Anh đứng dậy quát:
- Các đồng chí du kích.
- Có!
Hai du kích như ngồi ngủ gật giật mình đồng thanh “có” rất to, chạy vào đứng nghiêm ở cửa miếu. Đội nói:
- Cho nó về.
Xuyến đứng dậy, đội dặn lần cuối:
- Trong khi chờ đội xem xét, không được có hành động gì láo xược với bà con nông dân, nghe chưa.
- Dạ. Bẩm thưa đội, con xin nghe rồi ạ.
Con Xuyến không bị quản thúc nên chỉ dẫn ra đến đầu miếu cho nó về. Anh đội Lăng lệnh:
- Cho mụ Đất vào.
- Rõ.
Con Xuyến mới lớn lên không tham gia bóc lột và là con dâu đã ở riêng được ba năm. Nó chỉ liên quan đến thằng chồng nó và đang xét tách thành phần nên được ngồi trước mặt đội. Thị Đất là địa chủ đại gian ác, trực tiếp bóc lột nông dân phải đối xử khác. Vào đến cửa miếu, nó quỳ xuống khoanh tay trước ngực, lê vào trước mặt đội.
- Con xin bẩm ông đội, con đã được đến hầu đội ạ.
Đội Lăng quên phắt, đã quá trưa từ lúc nào, anh chưa ăn cơm. Anh đi ra khỏi miếu như không hề có ai ở cạnh, không hề nghe mụ Đất vừa chào đội. Hai du kích ngồi ở ghế băng, dựa súng vào vai gác con mụ đại địa chủ quỳ chờ đội hỏi. Ra sau đình nhìn thấy Xuyến đi xa xa còn ngoảnh lại. Đội gật đầu và Xuyến cũng gật đầu vừa như chào, vừa như cô đã hiểu tất cả những gì anh đội đã dặn dò. Nếu cô không muốn bị cắt đầu thì phải biết “sống để bụng, chết mang đi”.
Vừa đói lả, vừa tê dại cả hai đầu gối thị Đất cứ đổ ụp xuống rồi lại chống tay gượng dậy khoanh ở ngực trông như mụ quỳ lễ thánh. Quỳ đã quá lâu dễ đến hai giờ đồng hồ vẫn không thấy đội quay lại, mụ van xin hai ông du kích thưa với đội để đội ra xét hỏi mụ rồi cho mụ về với hai đứa con mụ cũng đói lả nằm còng queo ở nhà. Hai anh du kích trước đây cũng là thiếu nhi do thằng Hiếu phụ trách và cũng thấy thương tình mụ lúc này nhưng không ai dám cả gan thưa với đội lời cầu xin của mụ. Hai anh ngồi nhìn mụ cứ “đổ” xuống “đổ” lên như con gà dù ngáp chết, không ai chịu được. Các anh xách súng đứng ở cửa nhìn ra cánh đồng. Trong thâm tâm anh nào cũng muốn cho mụ ngồi xuống. Khi đội đến, quát nó phải quỳ cho nghiêm chỉnh. Nghĩ vậy nhưng cả hai người đều không ai dám nói ra, đều sợ “thằng bạn” nó báo cáo. Dù là hai thằng bạn thân, chơi với nhau từ bé, kể cả chuyện bóp vú con nào cũng nói với nhau, đến lúc này vẫn cứ phải cảnh giác. Đang là bạn bè, thoắt cái nó thành cốt cán. Cũng có thể thoắt cái nó thành kẻ thù giai cấp.
Nó là kẻ thù giai cấp, phải đấu tranh. Nó là cốt cán phải đề phòng. Thù đấy. Bạn cũng ngay đấy. Biết thế nào mà dám tin nhau.
- Con lạy các ông. Thương tình hai con con ở nhà.
-...
- Con cắn cỏ trăm lạy, nghìn lạy...
- Câm mồm. Đã bảo cứ chờ đấy. Mày muốn chết hả?
Lại chính anh quát, bảo anh kìa:
- Để nó léo nhéo chịu không nổi nữa. Mày gác, tao liều đi gặp anh đội.
Ở nhà Thó, hai “đội” đã ngủ dậy vắt màn nhưng vẫn ngồi trong giường. Anh Thó pha nước. Thấy du kích đến, anh ra cửa hỏi nhỏ. Nghe du kích nói xong, anh ra lệnh cũng nhỏ:
- Cứ để nó quỳ đấy đã. Các anh dậy uống nước xong còn đi hội ý.
Anh đội Lăng nhìn ra hỏi:
- Chuyện gì?
- Báo cáo anh. Thị Đất nó bảo buổi sáng nó được đội cho gọi.
- Nó đâu?
Du kích:
- Thưa đội, nó vẫn quỳ ở miếu. Chúng em vẫn canh gác cẩn thận ạ.
Anh đội Lăng chợt nhớ là anh có lệnh cho nó cùng đi với Xuyến từ sáng.
- Tạm cho nó về. Đúng bảy giờ tối dẫn nó đến đây.
Anh du kích “rõ”. Xách súng chạy đi. Đúng bảy giờ tối anh lại dẫn nó đến quỳ dưới nền nhà anh Thó, ngay trước mặt anh đội Quyền. Một cậu học sinh lớp năm, người duy nhất được học ở trường cấp hai của huyện, hết giờ học được trưng dụng làm thư kí riêng cho anh Thó, ghi biên bản. Trong khi đó tại gian giữa nhà địa chủ Chăm anh đội Lăng hỏi Hiếu khi vừa được tháo cùm ở chân và cởi trói ở tay.
Hỏi: - Anh biết gì về những tội ác của tên Kiêm?
Thưa: - Con đã khai nhiều lần là con không hề biết gì.
Hỏi: - Tên Kiêm có biết việc anh làm mất uy tín của đồng chí Quyền?
Thưa: - Hôm ấy Kiêm đã bị giam giữ. Từ khi “ông ta bị bắt con đã về ở hẳn nhà vợ con, không hề có liên lạc gì bên ấy.
Hỏi: - Anh có biết những cuộc họp Quốc dân đảng ở nhà tên Kiêm?
Thưa: - Con cũng thấy mấy cuộc họp kín ở đấy. Họ bảo là họp chi bộ. Con không biết là chi bộ gì ạ.
Hỏi: - Cuộc họp huyện uỷ ở nhà Kiêm tháng 2 năm 1952 bị máy bay đến bỏ bom chết 10 người dân anh biết chứ.
Thưa: - Cả vùng này ai cũng biết chuyện ấy ạ.
Hỏi: - Tôi muốn hỏi anh có biết bàn tay gián điệp trong vụ này?
Thưa: - Ngày ấy chúng con đều được phổ biến là có Việt gian.
Hỏi: - Có bắt được Việt gian không?
Thưa: - Dạ không.
Hỏi: - Làm sao mà bắt được. Nó ngay trong cuộc họp. Anh có biết lúc bom nổ, Kiêm ở đâu?
Thưa: - Ông Kiêm đi tìm mẹ con đi mua cá mòi ở ngoài sông. Ông Kiêm vừa gặp mẹ con thì nghe “rầm”.
Hỏi: - Đang họp sao lại bỏ ra sông?
Thưa: - Ông ấy nói thấy mẹ con đi lâu quá nên phải đi tìm.
Hỏi: - Bỏ họp, đi mang cá về?
Thưa: - Con thấy ông ấy bảo nghỉ giải lao.
Hỏi: - Một vở kịch dàn xếp khá. Xem ra anh có vẻ kiên trì bao che cho tên phản động?
Thưa: - Xin đội xem xét thương tình cho con. Hắn âm mưu những gì, làm việc cho địch ở đâu ngay trong lúc ở nhà thì lúc nào hắn làm việc cho địch, lúc nào làm việc của ta con cũng không thể biết một tí gì. Quả thật như thế. Con không dám man trá, giấu giếm điều gì. Xin đội xét cho hoàn cảnh của con. Vợ dại con thơ. Nếu con có làm sao thì vợ con con...
Anh đội Lăng có vẻ mủi lòng trước lời van xin của Hiếu. Anh gật gật như đã tìm ra được một chút hi vọng mỏng manh nào đấy. Anh hỏi:
Hỏi: - Anh ăn riêng từ khi nào?
Thưa: - Từ đầu năm 1954, sau khi con lấy vợ được hơn một năm.
Hỏi: - Đầu năm 1953 ở vùng này học tập chính sách giảm tô giảm tức?
Thưa: - Đúng như vậy ạ.
Hỏi: - Sao anh lại không ăn riêng từ đầu năm 1953?
Thưa: - Chúng con mới lấy nhau chưa biết thế nào. Với lại, cả hai chúng con đều đang bận công tác.
Hỏi: - Anh có hiểu, muốn tách thành phần phải không phụ thuộc kinh tế từ ba năm trở lên?
Thưa: - Con cũng có được nghe nói như thế ạ. – Nói xong lúc trở về nhà, anh mới biết mình ngu. Đáng nhẽ phải nói: “Con biết như thế nên xin đội ra tay cứu giúp con”. Cũng may, đội không thèm chấp chuyện nhỏ nhặt.
Hỏi: - Anh nghĩ gì về bọn địa chủ “ngồi mát ăn bát vàng”?
Thưa: - Bọn địa chủ độc ác dã man, tham tàn xảo quyệt bóc lột tận xương tuỷ người nông dân lao động. Ta phải kiên quyết đánh đổ giai cấp địa chủ, cường hào ác bá.
Hỏi: - Anh thuộc như thế là tốt. Tôi muốn hỏi từ đáy lòng anh?
Thưa: - Tự đáy lòng con, con cũng căm thù. Kiên quyết không đội trời chung với chúng trong cuộc đấu tranh lay trời lở đất, một mất, một còn này ạ.
Hỏi: - Nếu được đứng về phía nhân dân lao động, có lúc nào anh để bọn địa chủ lợi dụng phản lại giai cấp bần cố?
Thưa: - Con xin thề sẽ không có một mảy may giây phút mềm yếu nào để cho bọn địa chủ lợi dụng phản lại giai cấp đấu tranh, phản lại lợi quyền của giai cấp bần cố.
Hỏi: - Trong mọi trường hợp?
Thưa: - Vâng ạ: Bất kể trường hợp nào, trong hoàn cảnh nào.
Hỏi: - Kể cả có thể phải hi sinh?
Thưa: - Dù có phải hi sinh thân mình để bảo vệ lợi quyền. Vâng, cả uy tín và danh dự của giai cấp con cũng xin sẵn sàng hi sinh.
Anh đội Lăng có vẻ bằng lòng sự thành thật quyết tâm hối cải của cậu thanh niên mới vào đời. Anh hướng dẫn cho cậu viết bản tự kiểm điểm xin lỗi anh đội Quyền và bà con nông dân lao động. “Cam đoan không bao giờ... Nếu tôi còn có lời nói, việc làm tái diễn...” Chiều mai nộp cho anh đội Quyền. Tối mai công bố mọi việc trước bà con nông dân lao động. Còn bây giờ anh cho Hiếu được hạ thành phần xuống bần nông kể từ giờ phút này. Anh lệnh cho du kích thả Hiếu về. Nói xong, đội đi ngay. Hiếu luống cuống thu dọn bộ quần áo, cái khăn mặt trong rổ bát đũa vợ mang cơm đến ăn xong chưa rửa (Bao giờ vợ mang “cơm” đến cho anh mới mang bát đũa bữa trước về rửa). Thu dọn xong, bê cái rổ ra đến cửa tự nhiên anh thấy mình ngơ ngác, không biết buồn hay vui. Lúc bị cùm, trói, bị hành hạ sỉ nhục chỉ mong làm sao được thoát ra ngoài. Về với vợ con! Bằng giá nào cũng đánh đổi để được cái phút tự do. Đến bây giờ sắp đi khỏi cái gian nhà lạnh lẽo đầy đặc muỗi đốt ban đêm, dĩn cắn ban ngày, và một cái cùm gỗ lim ở dưới chân, những sợi dây thừng trói trên tay lại thấy bàng hoàng, ngơ ngẩn. Thèm được thả ra. Thèm xuống thành phần, được làm người nông dân lao động! Thèm được cái phút âu yếm bên vợ, bên con, anh đã thề bồi, đã hứa hẹn cam kết bất kể một điều gì anh đội Lăng muốn. Không phải anh hối hận những gì đã nói ra. Cũng không sợ những điều cam đoan sẽ viết ra giấy nộp cho anh đội Quyền vào chiều mai. Anh sẽ không bao giờ có lời nói và việc làm “xúc phạm” “làm mất uy tín” của đội và của bất cứ ai. Anh chợt nghĩ đến cái thành phần bần nông, cái gia đình “cách mạng” và nguồn gốc lai lịch trong sạch mà anh vẫn khai từ trước đến nay. Bằng những cái đó anh đã được tách thành phần khỏi gia đình ông Kiêm và mẹ anh! Mẹ anh và ông Kiêm thành kẻ thù giai cấp không thể đội trời chung! Thuở nhỏ anh đã đọc loáng thoáng quyển vở gần như chép lại những bức thư mẹ không gửi được. Ngày ấy anh không hiểu gì. Đến khi đội về, hình như chú Kiêm linh cảm thấy điều gì, chú bảo: “Thôi vợ chồng con dọn hẳn về bên kia mà ở”. Hôm ấy đội chưa “ra mắt”. Chú Kiêm đi họp, mẹ đi làm, anh lục lọi tất cả “gia tài” riêng của mình để tách ra khỏi cái nhà ngói năm gian to nhất xã này. Một cái ống tre đã hàng chục lần chôn xuống, bới lên, bây giờ anh tìm thấy nó trong tay nải của mẹ ở dưới đáy chum. Anh dốc ra một cuốn vở cuộn tròn, cuốn vở anh đã đọc ngày trước. Những điều còn thấp thoáng trước kia bây giờ như hòn đá đè lên đầu anh đang gục xuống ở xó buồng. Làm sao mẹ lại đẻ ra con? Giá mẹ cứ để cho chó tha, hay là ngay lúc đẻ xong mẹ quẳng con đi để khỏi khổ mẹ, khổ con, đeo đẳng suốt đời sự dối trá thế này! Chưa bao giờ anh thấy một nỗi xót xa, một nỗi tủi hổ và hoảng sợ nó như bây giờ. Cũng chưa bao giờ anh thương mẹ, một người mẹ đã khốn khổ gian nan vì con! Mẹ đi làm về, chạy vào buồng thấy con gục vào chiếc tay nải mẹ đã hiểu điều gì xảy ra. Mẹ giật lấy quyển sổ tay trong tay con van lạy: “Mẹ đã đẻ ra con, mẹ đày đoạ bêu riếu con! Thôi mẹ cắn cỏ lạy con, con cho mẹ xin. Con đừng nói ra chuyện này. Con mà nói ra thì bằng con giết mẹ đi còn hơn con ơi!” Anh để mẹ cầm lấy quyển vở. Mẹ để nguyên vai áo mẹ thấm đầm nước mắt con “Mẹ ơi, đừng bao giờ mẹ nghĩ con khinh mẹ. Con hiểu mẹ đẻ ra con gian truân bằng người ta đẻ ra mười lần. Mười lần người ta đẻ, người ta còn được chia sẻ sự vui mừng với làng xóm rồi làng xóm chia sẻ nỗi cực nhọc vất vả với người ta. Còn mẹ! Bây giờ con chỉ xin...” “Bây giờ là quyền ở con. Mẹ chỉ sợ con biết thì khổ thân con, không ngờ con đã biết cả rồi!” “Con muốn mẹ cho con đốt đi để vợ con con, các em con sau này. Rồi đội người ta đã về đánh đổ đế quốc phong kiến.” “Làm thế nào cốt con khỏi khổ là mẹ vui rồi, mẹ giữ làm gì”.
Trưa hôm ấy ngọn lửa đã châm vào “quá khứ” của hai mẹ con đặt ở giữa bếp tro. Còn đêm nay! Anh du kích nâng anh dậy bằng tình thương bạn bè.
- Anh Hiếu sao thế này?
- Thưa... Bẩm. Con.
- Ơ anh Hiếu làm sao thế?
- À à... Cuồng chân quá. Nó cứ tê cứng lại không nhấc lên được. Bây giờ thì...
Tối hôm sau chính anh đội Quyền nói rất dài dòng, vòng vèo về cái lí lịch mang huyết thống cách mạng của anh, về cống hiến và sự hi sinh của người cha đã sinh ra anh. Còn cái con đã đẻ ra anh bị choáng ngợp trước hào quang phú quý, trước sự phỉnh nịnh lừa gạt ngon ngọt của bọn đế quốc phong kiến, phản động mà đã dứt bỏ tình nghĩa với người chiến sĩ cách mạng để làm vợ một tên đại địa chủ, đại phản động gian ác đang chờ ngày “trả nợ” bà con nông dân ta. Cho nên con mụ Đất từ nay không thể là mẹ của anh. Nó thuộc về giai cấp bóc lột. Anh là giai cấp bị bóc lột. Hai giai cấp phải đấu tranh một mất một còn không thể có mẹ con tình nghĩa gì vào đấy. Anh kết luận:
- Cũng còn may đấy bà con ạ. Nếu đội không sáng suốt, suýt nữa giai cấp ta mất một cốt cán lọt vào tay địch. Thế mới biết thằng địch nó có mưu thâm hiểm thật. Đấy nó như thế. Thôi thế là xong hết mọi vấn đề. Từ nay tôi với đồng chí Hiếu có gì ta bổ khuyết cho nhau. Đồng chí Hiếu có nhiều khả năng lắm đấy bà con ạ. Ta phải “hoạt động” đồng chí ấy. Đấy nó như thế. Chúng ta phải cùng nhau nhất thống hiệp lực thì nhất định thằng địa chủ đại gian đại ác phản động ở đây có mưu mô đến mấy thì cũng không thể được bà con bần cố ta. Đấy nó như thế. Đề nghị bà con ta cho một tràng pháo tay hoan hô đoàn kết thắng lợi.
Hội nghị vỗ tay đôm đốp. Ai cũng mừng cho vợ chồng anh Hiếu. Cho xóm làng có thêm một người cùng giai cấp đấu tranh. Ngay cả thị Đất không được đi họp, thấy người ta kháo nhau cũng mếu máo mừng cho vợ chồng nhà nó và con “chó cún” của mụ không phải chịu cảnh chui lủi thưa bẩm nữa. Không ai nói tường tận với mụ, mụ cũng biết nhờ ơn đèn đội soi xét. Ai cũng bảo ông đội Lăng là người sáng láng, công minh, con cháu mụ mới được phận nhờ. Số kiếp mụ trời đã đày đoạ thế, mụ đành thế. Con cái mụ được đứng vào giai cấp là mụ như được sống lại rồi. Ít ngày sau nghe ngóng biết con dâu, con giai lại được tin cẩn, được giao công tác mụ càng mừng cho con và cũng le lói một hi vọng đến một ngày nào đó chẳng hạn dăm bữa nửa tháng nữa chồng mụ cũng “oan” được thả về, nhà mụ xuống thành phần, được là “bà con nông dân lao động”, được đi họp, hai đứa con mụ được chơi đùa với những đứa trẻ khác! Chưa khi nào mụ thấy mình lẻ loi, đơn độc đến mức này. Ngày trốn lủi ở xó rừng La Hiên cũng vẫn còn có người dám gần gũi! Khi bị cạo đầu bêu riếu khắp nơi, bà con cũng còn dám xúm lại cưu mang. Bây giờ ai cũng sợ liên can, trông thấy mụ như thấy một con hủi cái, phải vội vàng quay mặt, phải lánh đi. Thà rằng cứ đánh đập, cứ cùm kẹp, cứ để chết đói, chết khát, cứ bắt tù đày còn đỡ rùng rợn khủng khiếp hơn sự nhất loạt lạnh lùng của cả làng, cả tổng. Có thời nào, có ở đâu ông giời lại sinh ra cái giai cấp tởm lợm như cái giai cấp nhà mụ? Ai ai cũng sợ theo dõi, mà ai ai cũng đi theo dõi. Ai ai cũng vì miếng cơm manh áo mà khiếp đảm, sợ bị theo dõi, sợ liên can. Thời nào con người chả cần miếng cơm manh áo. Có nhẽ thời này có nhiều công tác quá, ai ai cũng sợ mất công tác, ai ai cũng muốn tiến bộ, cũng muốn đội tin, muốn mình là người quan trọng hơn kẻ khác nên nỗi sợ hãi nó tràn ra như là cả tổng, cả huyện đang có dịch tả hay đậu mùa? Mót được vài bát dải khoai, mụ cắp cái rổ ở nách cúi mặt đi về. Bao giờ mụ cũng phải cúi mặt để các ông bà nông dân khỏi quát mắng: “Mày còn muốn vênh vang cái mặt lên hả”. Lên đường cái, mụ vừa ngước nhìn lên, thấy ngay một ông nông dân độ bốn năm tuổi tồng ngồng, cong người cầm “chim” đái. Mụ cúi xuống
- Con chào ông nông dân ạ.
Ông nông dân thích chí, quay người cầm “chim” “vót” vào mặt mụ. Nước giàn xuống mồm mằn mặn, mụ không rõ chỉ là nước đái ông nông dân hay là nó trộn cả nước mắt của mụ. Mụ lầm lũi cúi mặt đi. Các ông du kích và bố mẹ “ông nông dân” đứng cách đấy chừng mười lăm bước cười ha hả, ha hả!
o O o
Hắn 44 tuổi. Hai má hắn nhô lên tua tủa râu như chùm lấy cả hai con mắt lờ lờ thụt hẳn xuống. Lưng hắn khòng khòng trên đôi chân đã teo lại. Hắn đi lẩy bẩy, xiêu về phía trước, có cảm giác đầu hắn cắm xuống đất, bất cứ lúc nào. Hắn được ra khỏi cùm và được cởi trói ra khỏi phòng giam. Hai du kích đi hai bên, cắp súng ở nách, chúc xuống. Họ sẵn sàng đến mức độ, nếu tên đại địa chủ quốc dân đảng phản động ngoan cố chỉ cần nhấc chân chạy, không một viên đạn nào của hai khẩu súng ra khỏi người hắn. Đi qua sân cỏ rộng của bãi bóng lâu ngày không có người đá, hắn được dẫn đến phòng chỉ huy trưởng trại giam. Đến cửa, một du kích lấy mũi súng ẩy hắn vào phòng. Nếu hắn không lấy hai tay chống kịp xuống đất, hắn đã ngã dập mặt. Hắn bò dậy ngả đầu vào tường ở một xó nhà thở và hai chân thõng thượt trên nền đất. Hai con mắt lờ đờ thụt hẳn xuống hai hố mắt đang nhắm lại. Bỗng hắn choàng dậy khi có tiếng quát:
- Ngồi thu chân lại. Ngay ngắn lại.
Nhanh như chớp, hắn ngồi thẳng lên, trông gọn ghẽ. “Thì ra mày vẫn cứ giả vờ ốm yếu”. Anh du kích lầm bẩm rồi đứng nghiêm chào người đến gặp hắn. Người ấy chừng 46, 47 tuổi, da dẻ hồng hào, tóc lốm đốm bạc, ông hơi đứng ngớ người, rồi mới nhìn thấy hắn ở ngay xó nhà cạnh cửa ra vào. Hắn nhận ngay ra ông. Còn ông, phải cho hắn ngồi lên ghế băng trước mặt, mới nhận ra hắn. Tất cả đã thành con người khác hẳn với một con người đã từng sống, làm việc với ông. Mới xa nhau có năm năm trời hắn đã đến nỗi này. Ông hỏi:
- Anh thấy tôi có khác lắm không!
- Bẩm!... thưa ông, cũng không già đi bao nhiêu. Chỉ có tóc... lại... bạc.
Xuýt nữa thì ông gắt: “Thưa bẩm kiểu gì buồn cười”. Song ông nhận ngay ra kẻ ngồi trước mặt ông là kẻ nguy hiểm, không phải một huyện uỷ viên ngồi trước mặt bí thư huyện uỷ năm năm trước.
- Riêng lúc này anh gọi tôi như cũ. Tôi tự giới thiệu. Hiện nay tôi là đoàn phó đoàn Tây cải cách ruộng đất. Tất cả những câu hỏi của tôi anh cứ suy nghĩ kĩ, nói cho chính xác, thành khẩn. Chỗ nào chưa nhất trí có thể thảo luận và anh có quyền đề đạt những ý kiến của mình. Tôi hỏi:
- Tại sao anh chống phá lại chính sách cải cách ruộng đất?
- Bẩm thưa – à báo cáo anh.
- Anh cứ nói ngay vào nội dung, không phải thưa bẩm, báo cáo mất thì giờ lắm.
- Tôi không chống phá.
- Ai đưa lưỡi dao cạo và ra hiệu cho thằng Bạt tự tử? Ai chỉ đạo kẻ khẩu hiệu đả đảo cải cách ruộng đất?
- Tôi có râu nên người ta bắt tôi phải có lưỡi dao cạo. Thực chất tôi không hề có bất cứ một thứ gì trong người. Tôi cũng không hề biết chuyện thằng Bạt chết bằng cách gì, lúc nào. Còn khẩu hiệu thì, hôm chuẩn bị đội ra mắt, tôi huy động rất nhiều người kẻ khẩu hiệu vào tất cả mọi chỗ, mọi cái có thể được. Lúc kẻ xong mới kiểm lại thấy khẩu hiệu “đả đảo địa chủ cường hào...” quá nhiều mà khẩu hiệu “Cải cách ruộng đất muôn năm” lại quá ít. Lúc ấy anh em họ rửa mẹt để khẩu hiệu “đả đảo” trôi hết vôi đi, lau khô mẹt để kẻ khẩu hiệu: “Cải cách...” vào đấy. Không ngờ lúc ráo mẹt, chữ đả đảo lại hiện ra mờ mờ và khẩu hiệu cải cách đã át đi những vần có thể đọc được cứ “đả đảo”. Khi biết việc này tôi đã cấm không được treo cái mẹt khẩu hiệu ấy lên, anh em họ làm theo. Cái mẹt ấy đã cất đi, rồi mà suốt mấy tháng nay tôi vẫn bị truy. Người ta truy bức tôi ngay hôm bị bắt, tôi đã yêu cầu đội cho thu cái mẹt ấy lại để xem xét. Xin anh hỏi lại. Mà việc làm ấy là của anh em thông tin tuyên truyền kết hợp với trường phổ thông cấp I và chi đoàn thanh niên, sao lại gánh vào tôi. Tôi chỉ biết nó khi khẩu hiệu đã kẻ xong, tôi xem từng cái rồi mới cho treo, cho cắm.
- Chính những người ấy họ khai: tất cả mọi khẩu hiệu đều viết theo chỉ thị của anh?
- Vâng. Trong cuộc họp chi bộ xã, tôi đã yêu cầu các ngành, giới đều phải làm mọi việc để nó tạo nên khí thế phấn khởi đón đội về xã. Tôi đã giao cho ngành thông tin phải kẻ tất cả các khẩu hiệu.
- Thôi được, việc này để lại. Tôi hỏi tất cả những việc khác, anh chỉ nói “có” hoặc “không” chưa cần giải thích.
- Anh có vào quốc dân đảng không?
- Có.
- Anh bị Tây bắt ở dốc Vĩnh?
- Đúng ạ!
- Anh có bí mật gặp thằng phó tổng Bạt hồi “đen tối”?
- Có ạ.
Người hỏi cung thất vọng. Ông ngồi thượt ra như kẻ ngồi trước mặt ông xỉ vả ông, như là hắn vừa xọc một lưỡi dao vào lòng tự trọng của ông. Trong khi người ta luận tội hắn ông đã khẳng định: Ông là người trực tiếp chỉ huy hắn khi khởi nghĩa tháng Tám. Từ năm 1950 đến 1952 ông về huyện làm bí thư huyện uỷ thì hắn là một uỷ viên. Ở tên này không thể nghi ngờ gì về sự chân thật và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng. Tưởng có sự oan khuất, nhầm lẫn gì đó, ông đề nghị cho thẩm tra lại hồ sơ. Đoàn uỷ chấp nhận và giao việc này cho ông. Về đây ông thấy mình trở thành kẻ quan liêu nếu không muốn nói là bao che. Đến lúc này ông mới ớ người vì chính ông chưa hề đọc lí lịch của hắn. Ở với nhau trong cảnh vào sống ra chết chả nhẽ ngày nào cũng giở lí lịch của nhau ra mà xem. Với lại, cơ quan tổ chức, bảo vệ họ làm việc này. Thấy không có vấn đề gì thì để ý làm gì.
Ông đã đậy nắp bút để gấp sổ lại, giọng cố trấn tĩnh hỏi:
- Anh có khai và hàng năm bổ sung vào lí lịch của mình?
- Báo cáo anh. Không những khai, bổ sung mà tất cả những đợt chỉnh quân, chỉnh cán ở trong bộ đội và chỉnh huấn ở tỉnh tôi đều kiểm thảo và viết đến hàng chục bản “kiểm điểm sự việc” rồi. Bổ sung hàng năm cũng hàng chục bản nữa. Viết bao nhiêu cốt để tổ chức lưu kho làm của riêng, không đưa lên cấp trên đọc, không thèm phân tích, kết luận. Lúc có sự việc gì mới lại ồn cả lên, “triển khai” một cách vội vàng, “kết luận” một cách hấp tấp bất kì số phận của người ta ra sao.
- Lúc này không phải là lúc chỉ trích dài dòng. Anh nói cụ thể từng việc tôi nghe.
- Vâng ạ. Việc theo quốc dân đảng của tôi nó thế này. Khoảng cuối năm 1942, trong anh em học sinh truyền nhau cái tin Việt Minh nổi lên chống lại giặc Pháp. Rồi lại bảo có Việt Quốc, Việt Cách cũng đánh Pháp đuổi Nhật như Việt Minh. Thế là bàn nhau mỗi anh đi theo một bên xem đầu đuôi thế nào. Tôi đi với mấy anh em theo Quốc dân đảng. Được hai tuần thấy Quốc dân đảng toàn những con nhà khá giả chỉ bàn luận, chỉ trích tất cả Pháp Nhật và Việt Minh. Họ không tập luyện gì để đánh Pháp, đánh Nhật. Họ có vẻ là những người “gió chiều nào che chiều ấy”. Thế là anh em học sinh bàn nhau bỏ Quốc dân đảng đi tìm Việt Minh. Sau này mới biết nó là tổ chức phản động. Còn lúc ấy cứ thấy ai bảo đi cứu nước là theo, có biết đầu đuôi thế nào. Còn nhiều anh em ở lớp học cũ công tác ở các nơi biết chuyện này.
- Anh có liên lạc được với họ?
- Tôi phải tìm và theo sát địa chỉ độ mươi lăm anh để báo cáo tổ chức xác minh. Việc này trong chỉnh huấn đã làm rồi. Bây giờ đội lại không tin, bắt tôi phải công nhận chi bộ Ngoại Thượng do tôi làm bí thư là chi bộ Quốc dân đảng thì gí súng vào cổ, tôi cũng không nhận.
- Việc “Tây bắt” anh ở dốc Vĩnh?
- Tôi đã trình bày tỉ mỉ. Nhưng có một mình tôi đi, và sáng hôm ấy nó chỉ bắt được một mình tôi, làm sao mà ai chứng nhận được.
- Anh dẫn chúng lên Việt Bắc?
- Nó mở chiến dịch, bắt tù đi tải đạn. Không đi sao được.
- Có ai xác nhận?
- Được nửa chiến dịch tôi bị ngã nước nặng nó phải đưa về giam ở Nhà Tiền. Ở đấy liên lạc được với chi bộ và những anh em cùng trốn tù đã xác nhận thời gian này.
- Việc anh bí mật liên lạc với tên phó tổng Bạt?
- Anh còn nhớ nghị quyết huyện uỷ tháng 6 năm 1951 là để quét sạch được hệ thống đồn bốt tháp canh đầy như nêm cối chúng ta phải vận dụng nhiều biện pháp trong đó có biện pháp vừa dung doạ vừa vận động thuyết phục để nó tự phá đồn, đi theo ta. Tôi đã bí mật liên lạc với tên Bạt để nó tự phá đồn Tổng Dũng và 8 đồn bảo an, hương dũng khác ở vùng ngoại bối. Ta không mất một viên đạn mà thu được 25 súng các loại và hàng trăm hoả mù, lựu đạn mà ngày ấy anh đã khen tôi.
- Việc anh với tổng Lỡi?
- Tôi không hề biết tên này và không có quan hệ gì ngoài việc nhận chỉ thị của anh cho dân phá kho thóc nhà nó.
- Tôi muốn nói về cái nhà...
- Thưa. Chính anh “ra lệnh” cho nhà tôi và các cháu phải bỏ cái lều lá nứa lên ở đây khi tôi còn chưa về hẳn xã.
- Nhưng... tại sao tên Lỡi lại ra lệnh cho hương dũng phải làm nhà cho vợ con anh?
- Báo cáo, tôi không thể nào giải thích được việc này ngoài những điều anh đã phân tích cho tôi hồi ấy “Có thể nó mị dân”. Có thể nó muốn xoa dịu nỗi căm giận của cô Đất khi bị thằng con trai nó giở trò mất dạy. Có thể làm ra để người khác giữ hộ những kỉ niệm của nó, sau này cần thiết đòi lại. Và vân vân…
Người thủ trưởng cũ của hắn giảm được nỗi bực bội thì nỗi buồn lại dâng lên. Ông thở dài không cần giấu hắn:
- Còn những việc khác? Việc gì có, việc gì không anh nói đi.
- Báo cáo anh, việc gì cũng có cả. Nhưng người ta lấy một việc có thật ai cũng biết, để làm cái bao rồi nhét bao nhiêu cái ruột giả vào trong mà không ai cần tìm ra sự giả dối, vu oan. Thí dụ như việc tôi bị bắt lại bảo tôi tìm cớ để đi với Tây. Làm gì có ai trông thấy việc đó để xác nhận. Tôi là người của tổ chức mà trình bày bao nhiêu lần tổ chức vẫn không tin. Bây giờ có khi chính cái thằng Việt gian bắt tôi hôm ấy nó bảo là tôi tìm gặp Tây, có lẽ tổ chức lại tin. Không thì, “vấn đề chưa rõ ràng” “om” cho rục xương hết đời này qua đời khác.
- Anh nói gì thế? Có phải anh định lợi dụng lúc làm việc với người bạn cũ của mình để tố cáo tổ chức?
- Nếu lợi dụng, tôi đã xin anh tìm cách tha cho tôi. Tôi oan quá. Vợ tôi bao nhiêu năm bị đày đoạ vì tôi. Bây giờ lại là vợ thằng phản động! Hai đứa con tôi nó còn bé quá. Nhưng tôi không xin anh bất cứ một điều gì cho tôi.
- Anh đề nghị được gặp cấp trên để làm gì?
- Được gặp cấp trên! Lại được gặp anh. Một lúc tôi được cả hai thứ. Tôi xin phép anh. Nếu tôi có điều gì vô ý thức anh tha thứ cho tôi. Từ lúc trông thấy anh tôi mừng quá nên tôi nói năng có phần quá đà. Được gặp anh đây rồi, được gặp cấp trên đây, tôi yên tâm rồi. Nói thật với anh, suốt mấy tháng nay tôi không sợ cùm kẹp sỉ nhục, không sợ đói khát ốm yếu, không sợ...
- Anh sợ gì cứ nói thẳng ra đừng ngại.
- Tôi chỉ sợ Đảng ta gặp khó khăn. Anh phải phản ánh ngay với khu uỷ và Trung ương, cơ sở Đảng trong các chi bộ ở nông thôn bị phá tơi bời hết rồi. Ngày trước địch nó chà đi xát lại không thể nào phá được chi bộ ta, bây giờ vỡ hết. Mục đích tốt đẹp của Đảng ta không khéo bị chệch đi rồi anh ạ. Anh phải báo cáo ngay với Trung ương, không có nguy cấp lắm. Đã bao nhiêu lần tôi định viết thư báo cáo với Trung ương mà họ không cởi trói cho tôi. Xin gặp bao nhiêu lần họ cũng lờ đi.
Mặt hắn méo đi vì đau đớn, và hoảng hốt, vì lo sợ. Cứ y như là không có hắn nói với Trung ương thì mọi việc sẽ ngưng trệ tức khắc, sẽ suy sụp không phương cứu chữa. Trong khi đó vợ con hắn thèm khát có hắn biết chừng nào. Họ cũng khao khát được làm người như mọi người. Thèm không có dòng chữ đeo đẳng bên lí lịch “Bố do ta xử bắn trong cải cách. Đây là loại đối tượng không...” Nhưng hắn thì đến phút chết cũng không để ý đến cái chuyện nhỏ nhặt ấy, dù hắn là người hết lòng thương vợ, thương con.