You know you've read a good book when you turn the last page and feel a little as if you have lost a friend.

Paul Sweeney

 
 
 
 
 
Tác giả: Takeyama Michio
Thể loại: Truyện Ngắn
Dịch giả: Đỗ Khánh Hoan
Biên tập: kmejoko
Upload bìa: Thanh Minh Le
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
rong khi thời gian cứ tiếp tục trôi qua, điều anh em nghĩ rằng Mizushima đã chết đã ăn sâu vào tâm khảm tất cả mọi người. Anh em thôi không nói về anh ấy nữa. Ai nấy cũng thận trọng tránh nó. Thế rồi một nguồn tin bất ngờ đến với chúng tôi, và dường như chắc chắn là anh ấy đã chết rồi.
Nguồn tin này do một bà lão bán hàng đến trại giam cho biết. Bà thường bán hàng cho lính Nhật đóng tại thành phố Mudon khi họ hãy còn tràn trề uy quyền. Bà thuộc loại mình gọi là "Bà" mà anh thường thấy tại các đồn binh. Bà thường đối đãi với lính tráng như thể họ chính là con cháu mình, nào giặt nào mạng quần áo hoặc mời họ về nhà ăn cơm.
Bà cụ này ngoan đạo lắm, dù là đối với một người Miến Điện. Vì đã buôn bán khá nhiều với quân đội Nhật Bản, chắc bà đã kiếm được rất khá tiền, nhưng đã đem những tiền ấy cúng vào chùa và vẫn sống nghèo khổ. Tuy bây giờ chúng tôi là tù binh song bà vẫn thường đến giúp đỡ anh em. Bà thường nói chuyện với bất kỳ ai, vừa khoa những cánh tay xạm nắng vừa cười vui vẻ, đến độ cái thân hình mập mạp rung lên. Khi nghe thấy tiếng bà cười, chúng tôi không thể không bị lây và cũng khúc khích cười với nhau. Bất kỳ khi nào bà lão tới, chúng tôi cũng thấy vui hết cả ngày. Bà là người duy nhất lính gác cho phép ra vào tự do, giả vờ như không biết.
Vào dạo này bà không bán hàng nhiều nữa và chỉ đổi chác với chúng tôi mà thôi. Ngay từ đầu quần áo và đồ trang bị của anh em đã ít ỏi; nhưng vì không có đồ thay thế, nên chúng tôi đã phải dành dụm từng tí một, đi đâu cũng đeo ở trên lưng, nhờ thế hãy còn một số ít sót lại.
Một hôm bà lão tới, đầu đội một bó hàng lớn. Nhe răng cười với người lính gác Ấn Độ, bà đi qua cổng. Chúng tôi liền bu quanh.
"Này, Bà, đổi cho cháu một quả chuối lấy cái áo này"
"Được, ông ạ," bà trả lời bằng tiếng Nhật.
"Bà ạ, hôm qua cháu làm xong chiếc sáo này, tiếng nó thổi nghe hay lắm. Đổi cho cháu vài thanh chandaka nhé." Chandaka là một loại đường thỏi cứng màu nâu.
"Được, kokanKokan - "tiếng ta nghĩa là đổi - được người ta biết ở nhiều nơi hải ngoại, ngay cả trẻ con nữa. Tuy nhiên, bà có thể nói tiếng Nhật khá trôi chảy, giọng Osaka. Binh sĩ đóng ở đây trước kia hẳn là đã từ miền Osaka tới.
"Ê, Bà ơi, cháu không thích con khỉ này vừa mua hôm nọ - có thể đổi lấy ngapi được không ạ?" Ngapi là bột cá biển rất mặn người Miến Điện dùng để ướp đồ ăn.
"Không, không, không đổi đâu!" Bà lão nói. Con khỉ ấy ranh mãnh, nghịch ngợm lắm. Còn ai thích Ngapi nữa không?"
Cuối cùng bà sờ soạng trong áo và lôi ra một con chim. Con chim hãy còn sống. Đó là con vẹt xanh.
Con chim đậu trên tay bà lão, nhìn xung quanh, hai mắt tròn xoe, rồi vỗ cánh. Đoạn, vừa chép mỏ vừa lắc cái lưỡi đen xì, ngắn lửng, nó kêu ki ki, tiếng khô khan, the thé.
"Nào, ông thích con vẹt này?"
Mê quá tất cả chúng tôi trố mắt nhìn.
"Các ông ạ, các ông có thể dạy con chim này nói tiếng Miến Điện, tiếng Nhật Bản hoặc bất kỳ thứ tiếng nào."
"Đây là thứ chim ông sư ấy mang theo," có người nói.
"Đúng rồi," một người khác vừa nói vừa cầm con chim để lên vai, rồi ngắm nghía rất kỹ càng. "Ông ấy để nó như thế này..."
Điều này lại khơi mào cho bà lão nói chuyện thật nhanh.
"Ồ, ông cũng nhìn thấy vị sư ấy hả? Con này là em con chim của vị sư ấy! Ông hàng xóm gần nhà tôi bắt được cả hai con. Thấy vẹt đang làm tổ trên một cây, ông ấy bỏ hết cả ngày để chặt cái cây ấy và bắt được năm con. Ông ấy khoái chí lắm nên bảo rằng chúng thật đáng giá ba ngày công và từ hôm ấy ông ấy vẫn nghỉ không đi làm. Nhưng đúng lúc ông ấy bắt được chim thì vị tu sĩ đi ngang qua hỏi thăm đường, vì thế ông hàng xóm nhà tôi vái xá và biếu người con chim xanh nhất. Từ đó vị tu sĩ đi quanh quẩn đâu cũng mang theo con vẹt ở trên vai. Con này thì hơi xanh, nhưng không đẹp sao?"
Đại úy cũng đang lắng nghe; khi biết con chim này có liên hệ với con chim của ông sư thì ông cảm động quá nên đổi cái hộp thuốc lá cho bà lão mà lấy con chim.
Từ đó con vẹt trở thành con vật được cả đại đội cưng yêu, và ai cũng dạy nó nói vài ba tiếng.
Nó học nhanh lắm. Đúng như bà lão nói, nó học nói tiếng Miến Điện và tiếng Nhật Bản khá như nhau; nó cho mình một cảm giác là lạ khi nghe nó nói. Một anh cố hết sức dạy nó hát nhưng không kết quả.
Cũng ngày hôm đó bà lão kể cho chúng tôi nghe một tin đồn về một toán tù binh Nhật Bản đã được áp giải từ nội địa tới đây. Nghe thấy nói đại đội này tử thủ trong một pháo đài trong một ngọn núi hiểm trở và nghe đâu đại đội bị tổn thất nặng nề - hầu hết những người sống sót đều bị thương. Trông họ thật đáng thương. Những người này đang được điều dưỡng tại một bệnh viện Anh ở Mudon, nhưng không phải tất cả đều hồi sinh. Những người nào đã chết rồi thì được chôn trong nghĩa trang bệnh viện và dân thành phố nói trong đám ấy có vài thanh niên trẻ trông đến thương tâm.
Khi nghe thấy tin này chúng tôi đều nhìn đại úy. Chỉ có vài đơn vị còn tiếp tục chiến đấu sau khi chiến tranh châm dứt, vì thế người mà bà lão cho thúng tôi hay tin xem ra giông giống, người ở đỉnh núi hình tam giác ấy.
"Bà ạ." đại úy nói với bà lão một cách hồi hộp. "Xin bà làm ơn nghe ngóng thêm tin tức về đại đội ấy và xem xem có người lính Nhật nào, trong lúc mặt trận đang diễn ra đã không hoàn tất nhiệm vụ liên lạc với đại đội ấy. Nếu người ấy hoàn tất nhiệm vụ, xin bà hỏi hộ xem người ấy đã gặp phải cái gì. Xin bà tìm kiếm hộ tin tức về người ấy - có phải lúc này người ấy đang ở với những người kia hay là bị thương hoặc bị bắt ở nơi nào đó. Cháu sẽ tìm cách đền bù bà xứng đáng."
Bà lão gật đầu.
Khoảng mười ngày sau bà lão trở lại. Khi chúng tôi háo hức nhắc lại câu hỏi, bà kể cho chúng tôi hay là có chuyện xảy ra giống như thế. Chính nhờ một người lính từ một đơn vị khác mà họ ngưng chiến đấu và tránh khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng sau đó chẳng ai biết người lính ấy ra sao. Người lính ấy đã lao mình chạy tới chạy lui trong giữa làn đạn và chắc hẳn đã chết ở trong núi.
Nghe tin này đại úy hình như choáng váng. Tất cả chúng tôi đều rền rĩ. Một người kêu lên: "Thế là anh ấy chết rồi!"
Tay run run, đại úy viết một lá thư cho đại đội ấy hỏi tin tức về số phận Mizushima. Bà lão hứa sẽ đưa lá thư; nhưng lần sau tới bà nói lính gác bắt được bà cầm lá thư đã mắng bà thậm tệ và cảnh cáo nếu còn làm như thế nữa bà sẽ không được phép bén mảng đến gần tù binh. Ngoài ra bà còn cho chúng tôi hay là những người lính bị thương ấy đã được chuyển sang một bệnh viện khác và không còn ở Mudon nữa. Đó là tất cả tin tức anh em có thế nghe ngóng được.
Tuy nhiên, bây giờ thì chúng tôi biết Mizushima đã hoàn tất nhiệm vụ, và anh không có mặt trong đám tù binh được đem từ đỉnh núi hình tam giác về đây. Hy vọng mong manh cuối cùng của anh em là anh còn sống sót đã tan biến.
Chúng tôi ước ao, ít nhất, có được xương cốt anh hoặc một mớ tóc của anh, nhưng dĩ nhiên, điều đó không thể được. Chắc chắn là thân xác anh đã bị bỏ rơi, đang nằm tại một vùng đất xa lạ nào đó, giống như thi thể biết bao thanh niên trẻ tuổi đồng bào của anh. Thực khó mà chịu đựng nổi một ý nghĩ như vậy. Anh em chỉ còn biết cho rằng Mizushima đã chết - một trong số rất nhiều người mất tích trong nhiệm vụ. Đại úy tiếp tục đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau và không chịu từ bỏ hy vọng; nhưng ông hiểu những lời ông nói đều trống rỗng. Anh có thể nhìn thấy điều ấy trên nét mặt Ông.
Chúng tôi đã quen với bực bội, nhưng lần này anh em thực sự thất vọng. Cuộc đời tù binh trở nên buồn hơn bao giờ hết. Chúng tôi sống hết ngày buồn chán, tẻ nhạt này sang ngày tẻ nhạt, buồn chán khác, chấp nhận từng ngày khi nó đến.
Trong khi đó mùa mưa đã chấm dứt, và mùa đông khô ráo đã tới; song tinh thần anh em không làm sao mà ngoi lên được. Chúng tôi cảm thấy chán nản, thất vọng và mất hết nhuệ khí. Chúng tôi đã nếm một cách thấm thía mùi vị chua chát của cảnh làm tù binh, không thể làm chủ được cuộc sống của chính mình. Ngay cả khi cùng nhau ca hát, chúng tôi cũng không thể cảm thấy sự hăng hái xưa kia. Có lẽ lúc ấy người Nhật Bản ở khắp mọi nơi đều ở trong trạng thái trì độn và chán nản cả.
Chẳng ai thèm để ý tới con vẹt nữa. Bị bỏ bê, nó cứ vừa đậu ở trên nóc nhà vừa ọe ra những câu khó chịu bằng tiếng Nhật và the thé kêu: "Ki ki!" Giọng lanh lảnh nghe chối cả tai. Tuy nhiên, nó bắt chuột rất tài, và đôi khi giữa đêm mổ con chuột nhắt đến chết, nó khua ầm ầm ở trên xà nhà.
Sau khi chúng tôi đã sống quá nửa năm trong trại tù binh thì có nhiều chuyện kỳ lạ, khó giải thích xảy ra, hết chuyện này đến chuyện khác mãi tới lúc anh em hồi hương về Nhật Bản. Chưng hửng, nghi ngờ và sợ hãi, hầu như đêm nào anh em chúng tôi cũng nói về những chuyện ấy.
Cây Đàn Hạc Miến Điện Cây Đàn Hạc Miến Điện - Takeyama Michio Cây Đàn Hạc Miến Điện