Số lần đọc/download: 2591 / 45
Cập nhật: 2018-03-07 14:34:06 +0700
Chương 8: Cơ Mưu Bại Lộ
Đ
ảo Hạ Uy Di, một buổi chiều. Nằm giữa Thái Bình Dương, cách Nhật Bản 6 tiếng đồng hồ máy bay phản lực, Hạ Uy Di, với khí hậu tươi mát, trong sáng, là một thiên đường của nhan sắc, của sóng biển, dừa xanh, và nhạc điệu man dại.
Thủ đô của Hạ Uy Di là Honolulu.
Bétsy, cô gái có cái mông bất hủ mà Văn Bình gặp hôm nào trong bệnh viện giải phẫu mỹ CIA, cũng có mặt trong số du khách của mùa hạ tại Honolulu. Nàng được nghỉ phép nửa tháng. Lần đầu, nàng tới Honolulu nên quang cảnh trời nước đã làm nàng say mê. Trời bắt đầu ngả chiều. Bétsy mặc áo tắm bikini, gồm 2 mảnh vải hoa mỏng, và nhỏ như chiếc khăn tay hỉ mũi. Áo tắm càng chật, càng nhỏ, cơ thể của nàng càng được tôn lên. Vì vậy, suốt từ sáng tới trưa, nàng vẫn nằm lì trên bãi cát trắng xóa Oaikiki (1). Bãi này là của riêng khách sạn Halékulani mà nàng có phòng ở đó.
Bétsy đi nhiều, nhưng chưa thấy nơi nào có những bãi biển và khách sạn như Honolulu. Khách sạn Halékulani không phải là một buyn đinh cao lêu nghêu với đủ máy lạnh tối tân như khách sạn Hilton (2) ở Nữu Ước, Tây Bá Linh,… mà gồm những căn nhà nhỏ, riêng biệt, giữa một khu toàn dừa và chuối chạy dọc dài bờ biển Oaikiki. Bétsy ngồi dậy, lấy áo choàng mặc vào rồi bách bộ về khách sạn. Nửa giờ sau, nàng xuống vườn, lộng lẫy trong cái áo mỏng màu tím nhạt, màu rất hợp với khách thừa lương từ 4 phương đổ tới. Nàng mở cửa chiếc xe Hoa Kỳ mới tinh sơn trắng mà nàng thuê của một hãng ở đại lộ Kalukaua. Chiếc xe chạy êm như ru.
Đường phố buổi chiều bắt đầu đông đảo. Bétsy vừa lái xe, vừa nhẩm một bài hát nhẹ. Bétsy chưa chồng, nàng cũng chưa yêu ai. Đúng ra, chưa yêu ai thì không sát với sự thật vì nàng đã gặp nhiều người đàn ông, và hơn thế nữa nàng đã sống chung với họ. Tuy vậy, nàng chưa gặp được ý trung nhân hợp sở thích. Nàng cũng không hiểu vì khó tính hay vì do nghề nghiệp của nàng bắt buộc. Một đứa bé bán hoa chạy băng qua đường. Nàng mắm môi đạp lút bàn thắng, chiếc xe đứng dừng hẳn lại. Bồ hôi toát đầm cả trán nàng. Thế mà thằng bé lại nhăn răng trắng nhởn ra cười với nàng.
Bétsy lái xe vào vệ đường. Nàng đã tới ngã tư của đại lộ Kalukaua và đường Lu ớt (3). Nàng tắt máy, xuống đường, đi bách bộ. Chợt có tiếng xe hơi phanh đánh «kít» làm nàng giật bắn mình. Tiếp sau tiếng thắng gấp là tiếng kêu rầm. Nàng quay phắt lại, một chiếc xe không mui vừa húc một chiếc cam nhông đồ sộ của nhà binh ở gần ngã tư. Mọi người đổ xô tới.
Chiếc xe du lịch bị bẹp dúm, trông rất dễ sợ. Người lái xe là một thanh niên mặc áo rằn ri, gục đầu vào vô lăng, hình như bị thương nặng. Vừa nhìn thấy dung mạo của nạn nhân, Bétsy buột miệng:
- Trời ơi! M.20!
Con người điển trai, vạm vỡ mà nàng thấy nằm sóng soài trên băng ca bằng vải trắng đẫm máu kia là người mà nàng biết mặt, và đã có dịp săn sóc trong bệnh xá của CIA, dưới bí hiệu là M.20. Chàng đã bế nàng trong lòng, và hứa sẽ mang nàng đi du lịch Hạ Uy Di sau khi bình phục. Thế rồi, M.20 biến đi đâu không ai biết. Dầu sao, nàng cũng có cảm tình với M.20. Nhưng nàng vừa thốt ra câu đó xong, lại giật mình lo lắng. Kỷ luật của CIA đã rõ ràng: bất cứ những điều gì liên quan đến CIA phải giữ thật kín. Nàng dáo dác nhìn quanh, biết đâu trong đám đông chả có người nghe được câu nói của nàng hồi nãy trong khi sửng sốt. Xe Hồng thập tự đã tới chở nạn nhân vào nhà thương Tripler General Hospital, một trong những nhà thương lớn nhất thế giới. Bétsy đứng lại, tần ngần bên chiếc xe méo mó, trong lòng buồn rầu và sợ sệt.
- Có lẽ không ai nghe ta nói đâu, nàng nghĩ như vậy.
Nhưng nàng đã lầm. Có một vành tai đã nghe rõ tiếng kêu thất thanh của nàng. Đó là một người cao cao, xương xương, lông mày chổi xể, mũi cà chua, miệng nhỏ xíu, gã thuyền trưởng đã đưa nhà bác học Lý Dĩ lên tàu ngầm. Tên hắn là Lêvin, cán bộ cao cấp của sở R.U Xô Viết, hoạt động trên đất Mỹ. Tuy là nhân viên cao cấp, hắn lại không phụ trách về phần hành động, mà chỉ chuyên việc đưa người ra vào đất Mỹ bằng đường thủy vì hồi ở Nga Xô hắn là một sĩ quan hải quân. Hắn không thể bỏ qua biến cố hi hữu này. Thứ nhất: nạn nhân giống hệt người mà đêm ấy hắn chở xuống tiềm thủy đĩnh ở ngoài khơi tiểu bang California. Thứ hai: một người đàn bà thấy mặt nạn nhân lại kêu lên bí danh M.20.
Lêvin núp sau một cửa hàng bán sách, đợi Bétsy đi qua. Nàng trèo lên xe hơi. Xe của nàng vừa chạy khuất thì Lêvin rồ máy chiếc xe đua cực mạnh theo sau. Đợi cho xe nàng vào khách sạn Halékulani, hắn mới quyết định. Hắn nhìn nàng đứng trước một ngôi nhà trắng đối diện ra biển. Một lát sau, thấy bóng nàng ở cửa sổ, mặc quần áo nhẹ, hắn mới chịu lui xe về đường Kalia. Hắn đứng trước một biệt thự nhỏ, 2 tầng. Trông trước trông sau không có ai, hắn liền xô cửa bước vào. Vào đến thềm, hắn mới bấm chuông. Một cái chuông nhỏ gắn giấu sau cửa. 3 tiếng ngắn, 1 tiếng dài, reo lên lanh lảnh. Đúng 4 phút sau, cửa mở. Một người đứng tuổi, nét mặt nghiêm nghị nhưng đầy thiện cảm, tóc bạc một mái, mở cửa mời Lêvin vào. Qua phòng khách, sang thư viện, Lêvin chưa kịp ngồi xuống ghế bành thì người đứng tuổi đã trách:
- Anh không biết chỉ thị hay sao? Có việc tối hệ, anh mới được phép tới nhà tôi. Anh không biết rằng cơ sở bị động rồi ư?
Lêvin đáp:
- Thưa, có việc rất quan trọng liên quan tới vụ Lý Dĩ.
Khalếp, người đàn ông tóc bạc, giật mình. Lêvin châm một điếu Camel đoạn báo cáo lại cho Khalếp nghe về tai nạn xe hơi. Mặt Khalếp đương hồng hào, bỗng chuyển sang màu xanh tái. Khalếp là ủy viên tối cao của tổ chức do thám Nga ở Mỹ, và chịu trách nhiệm về kế hoạch bắt cóc nhà bác học Lý Dĩ. Khalếp hỏi gặng:
- Anh có chắc nạn nhân hồi nãy giống cái người xuống tàu đêm đó không?
- Thưa, không những giống mà thôi, thoạt tiên tôi còn tưởng là người đó nữa là khác.
Khalếp lẩm bẩm:
- Nghĩa là… nghĩa là…
Lêvin chêm vào:
- Có thể tàu ngầm của ta bị nạn chăng?
Khalếp vuốt tóc trả lời:
- Cũng có thể. Để tôi xin Mátscơva xác nhận lại. Nếu Lý Dĩ đã được đưa đến nơi đến chốn thì chúng mình chết.
- Thưa đồng chí, tại sao ạ?
Khalếp đấm tay xuống bàn gắt:
- Chết. Chết cả nút. Như vậy tức là có 2 Lý Dĩ. Lý Dĩ thật và Lý Dĩ giả. Tức là cái thằng được Rômanốp o bế, đưa sang Liên Xô chỉ có thể là Lý Dĩ giả hiệu. Bọn CIA đã chơi xỏ mình, chúng đi guốc vào bụng chúng mình.
Lêvin tái mặt:
- Vô tình chúng ta đã đưa một tên gián điệp lọt vào cơ sở quan trọng bậc nhất. Bây giờ biết tính sao, thưa đồng chí?
Khalếp chắp tay sau đít, đi đi lại lại trong phòng, nhiều nếp răn hiện trên trán. Một lát sau hắn nói:
- Cũng may có tai nạn xe hơi ngẫu nhiên này, và anh lại có cái may được chứng kiến. Cái con bé ấy chắc biết được nhiều chuyện. Hiện tôi chưa thể chắc được Lý Dĩ sang Nga là thật hay là giả. Cần phải hỏi con bé kia mới được. M.20? M.20?
Khalếp rút ngăn kéo, lấy ra khẩu súng lục còn nguyên bì đạn. Hắn đút khẩu súng vào túi áo vét tông, đoạn ra lệnh cho Lêvin:
- Anh đi với tôi. Chúng ta phải làm ngay. Đợi bọn CIA đánh hơi thấy thì còn nguy hơn nữa.
Chiếc BMW kiểu xe đua cực nhanh của Lêvin biến vào bóng tối Hạ Uy Di. Xa xa vẳng lại một điệu nhạc lẳng lơ, thác loạn, và quyến rũ. Ngọn gió mát từ đại dương quay lại, chiếc xe đã tới cuối đường Kalia.
*
* *
Trong khi ấy, tiếng điện thoại réo vang tại văn phòng tư lệnh đồn binh Fort Shalter. Mới nghe xong câu đầu, viên tư lệnh biến sắc. Một nhân vật được Hoa Thịnh Đốn gửi tới «nghỉ mát» với điều kiện canh chừng từng bước vừa bị tai nạn xe hơi. Mà ác thay, tai nạn đã xảy ra vào lúc mà nhân vật này chưa được phép rời đồn binh Fort Shalter. Theo lệnh, hàng ngày người này chỉ được rời Fort Shalter đi dạo mát và tắm biển từ 8 giờ tối trở đi. Người này được lái xe riêng, nhưng phía sau luôn luôn có xe có vô tuyến của đoàn an ninh quân đội mặc thường phục chạy theo sát. Nhân dịp xe hơi bị mắc kẹt ở một ngã tư, người này phóng lên trước, thành ra chiếc xe hộ tống đành chậm lại sau. Đến khi theo kịp thì chuyện đáng tiếc đã xảy ra. Viên tư lệnh đồn Fort Shalter thở dài. 5 phút sau, ông gọi điện thoại cho tòa Ngũ Giác Đài ở Hoa Thịnh Đốn. Cuộc điện đàm được thâu thanh và được chuyển tới ông Sì Mít, tổng giám đốc CIA. Đúng 15 phút sau khi tai nạn xảy ra tại Honolulu, ông Sì Mít ấn chuông trong văn phòng ở Ngũ Giác Đài, gọi đại tá không quân Pít, phụ trách hành động của CIA tới. Pít chưa yên vị, ông Sì Mít đã nhăn mặt:
- Anh nghĩ sao về vụ Lý Dĩ ở Honolulu?
Pít đáp:
- Việc này, tôi đang điều tra gấp để tìm nguyên nhân. Sau khi Văn Bình xuống Las Vegas, tôi đã thân chinh tới tận nơi đưa nhà bác học Lý Dĩ đi. Công việc được thi hành hoàn toàn bí mật, địch không thể nào biết nổi. Thoạt đầu, tôi mời Lý Dĩ đi Miami, nhưng chỉ được mấy ngày, ông ta đã đề nghị xin về. Vì không thể cưỡng bách được họ Lý, nên tôi phải đưa ông ta tới Hạ Uy Di, nhưng gởi vào trại binh Fort Shalter có lính túc trực ngày đêm. Ngay viên tư lệnh đồn Fort Shalter cũng không biết người bị giam lỏng là Lý Dĩ.
- Tôi không tin rằng đây là ngẫu nhiên. Chắc chắn bên trong có sự trục trặc. Tôi muốn điện ngay với phái viên của Sở ở Honolulu để tìm hiểu sự thật.
- Ông muốn tôi báo cáo cho FBI để hợp tác mạnh thêm không?
- Không, tôi không muốn làm ồn ào để địch biết rằng Lý Dĩ bị nạn là Lý Dĩ thật. Nhân viên của ta phải hoạt động thật kín, và nhất là không được phép lưu lại dấu vết. Nội đêm nay, anh phải tường tình cho tôi biết. Chậm qua sáng mai, Văn Bình và Katy ở bên Nga phải chết.
Ông Sì Mít nhấn mạnh những chữ cuối bằng giọng nói đều đều, nghiêm nghị. Trông mắt ông, người ta bỗng thấy chất thép tóe lửa chứ không còn vẻ hiền lành, ngớ ngẩn của người tiểu chức về hưu nữa. Ngừng một phút, ông Sì Mít tiếp:
- Nếu không kịp, anh phải cho một nhân viên đắc lực tới Honolulu ngay bây giờ.
- Thưa ông, hiện có Bétsy nghỉ mát ở đó.
- Cô gái ở bệnh xá thẩm mỹ ấy à?
- Thưa vâng.
- Anh điện ngay cho cô ta.
Pít nắm lấy máy điện thoại. Chàng gọi cấp tốc cho khách sạn Halékulani ở Honolulu. Tuy chàng được quyền ưu tiên mà một lúc sau chàng mới nói chuyện được với khách sạn Halékulani. Nghe giọng nói run run của Bétsy, Pít vội hỏi:
- Tại sao thế có chuyện gì mà cô sợ hãi như vậy?
- Đại tá Pít đấy ư? May cho em quá! Không biết em có thoát khỏi đêm nay không? Lúc nãy em ra phố, sau vụ M.20 bị nạn xe hơi, có 2 người đàn ông lái xe theo em.
Pít giục:
- Hai người ấy ra sao?
Bétsy đáp:
- Một người trẻ quen quen, còn người già không quen.
- Quen như thế nào?
- Em nói trong điện thoại được không?
- Không hề gì. Điện thoại có máy phá – thu thanh.
- Người trẻ hình như có ảnh trong ban Lưu trữ Tài liệu. Cao độ 1 nước 79, mũi cà chua, lông mày dính chặt, mặt choắt lại, trong hồ sơ A của ngoại quốc. Hình như tên y là…
- Tên gì?
Bétsy im bặt. Rồi nàng nói:
- Trời ơi! Họ đã mở cửa phòng khách.
Pít thét to:
- Súng đâu?
Trong điện thoại, Pít và ông Sì Mít nghe «pụp» một tiếng như tiếng nút chai sâm banh mở. Điện thoại rơi xuống đất. Rồi 2 người không nghe được gì nữa hết. Bồ hôi ướt đẫm bộ quân phục của đại tá Pít. Chàng thở dài, đưa mắt nhìn ông Sì Mít. Ông Sì Mít lặng lẽ thở khói xì gà lên trần, đoạn ra lệnh:
- Chậm rồi, chậm lắm rồi. Địch đã biết ta đưa Lý Dĩ giả sang Nga. Anh sẽ dựa vào tướng mạo mà Bétsy mô tả để truy tầm nhân viên của địch. Nhưng việc này không quan hệ. Quan hệ hơn là việc liên lạc ngay với U.M.86 ở Mạc Tư Khoa trong đêm nay. Nội trong đêm nay. Để báo tin cho Văn Bình và Katy hay rằng họ bị lộ. Làm nhanh lên để Văn Bình biết tin trước khi họ biết. Thế thôi.
Ông Sì Mít lục hồ sơ, tìm việc khác. Đại tá Pít quay về ban Hành động.
*
* *
Chiếc BMW của Lêvin dừng trước khách sạn Halékulani. Khalếp dặn Lêvin:
- Con bé này, ta phải hành động trước. Nhưng phải cẩn thận, nghe chưa?
Lêvin hỏi:
- Liệu con bé có biết ta lái xe theo sau không?
Khalếp cười:
- Sao lại không? Chính tôi cố làm lộ liễu cho con bé mách với cấp trên. Nếu chúng huy động bộ máy rầm rộ để vây bắt, ta sẽ biết chúng đã đánh tráo Lý Dĩ giả để lừa Rômanốp.
Hai người bước vào con đường đầy dừa xanh, dẫn đến ngôi nhà mát của Bétsy. Lêvin mở cửa bước vào. Hắn thấy qua khe hở của phòng ngủ bóng Bétsy đương gọi điện thoại. Khalếp từ từ theo sau. Nhanh như cắt, Lêvin nhảy vào phòng ngủ. Khẩu súng cắm ống cao su ngăn tiếng động bắn trúng ống điện thoại bằng nhựa, vỡ tan tành.
Lêvin quát:
- Đứng im, không chết mất xác.
Bétsy muốn bắn mà lúng túng không được. Thì ra trong lúc sửng sốt, nàng quên không kéo cò an ninh. Khalếp giật khẩu 6.36 nhỏ xíu trong tay nàng, ném lên nệm, cười khẩy:
- Ồ, cái đồ chơi trẻ con nít thì đánh với đấm gì? Cô em biết điều thì khai hết sự thật, nếu không thì đừng hòng về nhà.
Bétsy đáp:
- Khai cái gì mới được chứ?
Lêvin tát cho nàng một cái nổ đom đóm mắt, miệng y quát:
- Còn già mồm hả?
Khalếp gạt Lêvin sang bên, đoạn vặn máy thu thanh cho vang lên. Bétsy lồm cồm bò dậy, tay xoa má còn nguyên 5 dấu ngón tay đỏ chót. Khalếp hỏi:
- Mày điện thoại cho ai?
- Không biết.
- Cho ông Sì Mít CIA chứ gì?
- Sì Mít là ai?
Khalếp chẳng nói chẳng rằng, chộp cái ví da của nàng để trên bàn, lục lọi một hồi. Hắn ném trước mặt Bétsy miếng giấy hình chữ nhật, bọc lát tích:
- Cái gì đây?
Đó là tấm thẻ nhân viên CIA mà nàng dùng để vào Ngũ Giác Đài. Lệ thường, khi đi chuyện riêng phải để giấy này ở nhà, không hiểu duyên cớ nào lại run rủi nàng mang theo người. Nàng không đáp. Ngó trân trân 2 người. Khalếp rút cây kim găm trong xấp giấy bạc trong ví ra bảo Bétsy:
- Mày biết cái gì đây không? Nó sẽ đâm lút vào ngực nếu mày không khai.
Bétsy vẫn giữ im lặng. Khalếp nắm mảnh áo trước ngực nàng giật mạnh xuống, làm hở một phần ngực trắng như ngó sen. Bétsy không còn thẹn nữa, tuy da thịt bị lõa lồ. Thấy Lêvin nhìn ngực nàng bằng con mắt thèm thuồng, Khalếp quắc mắt:
- Kim đây, đâm vào đi.
Lêvin đâm cây kim thật mạnh vào đầu vú Bétsy. Cây kim đâm vào thịt vú ngọt lịm, ngập đến đầu. Bétsy rẫy lên, máu chảy một giòng nhỏ ri rỉ xuống bụng. Nàng nghiến răng cho nước mắt trào ra nhưng không kêu lên vì nàng biết mình sắp chết. Tiếng nhạc của máy thu thanh trổi lên ầm ỹ, những nhà chung quanh chẳng ai nghe được tiếng nàng kêu cứu giữa tiếng gió thét và sóng gào mạnh mẽ. Nàng đành chịu chết. Khalếp ngó Lêvin:
- Nó gan đấy nhỉ? Tặng cho nó thêm một cây kim nữa. Vào đúng chỗ tim đập ấy.
Nhìn cây kim nhọn hoắt lấp lánh dưới ánh đèn, Bétsy rú lên, một tay đưa lên bịt mắt.
Lêvin cười hềnh hệch:
- Cô ả sợ à? Sợ thì khôn hồn khai đi.
Vừa nói hắn vừa dí đầu kim sát da nàng. Bétsy vẫn không hé răng. Giá nàng muốn khai, những cũng biết gì đâu mà khai. Khalếp hỏi:
- M.20 là ai?
Bétsy chợt hiểu. Đây là nhân viên của Trung tâm CIA. Nàng chưa hoạt động với nhân viên CIA trên đất địch lần nào, nhưng đã biết rõ những hình phạt mà Trung tâm dành cho nàng. Tuy nhiên, cây kim đâm trong vú đau buốt làm cho nàng không thể nào chịu nổi. Lại còn cây kim thứ 2 sắp sửa đâm vào sâu hơn nữa.
Khalếp giục:
- M.20 là ai trong CIA?
Câu hỏi rõ như ban ngày. Nàng gục đầu xuống cổ, trong đau đớn. Khalếp sai Lêvin:
- Rút cây kim ra cho nó.
Cây kim được rút ra xong, máu vẫn nhỉ nhưng Bétsy đỡ đau đớn. Khalếp hất hàm:
- Bây giờ nói đi.
Giọng thều thào, Bétsy đáp:
- Tôi không biết tên thật người đó là gì. Tháng trước, tôi làm nữ điều dưỡng cho bệnh xá CIA trong tòa Ngũ Giác, và được chăm sóc một người bí danh là M.20 bị thương ở mặt.
- Chữa xong rồi, hắn đi đâu?
- Tôi không biết.
- Ngày nào?
- Không nhớ rõ ngày, nhưng là trong tuần lễ đầu tháng.
- Nằm trong đó mấy hôm?
- Một tuần đúng.
Khalếp liếc nhìn Lêvin. Thời gian này ăn nhịp với chương trình bắt cóc Lý Dĩ. Hắn không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng hắn vẫn hỏi thêm:
- Lý Dĩ là ai, có biết không?
- Tôi không biết.
- Vừa rồi, nói điện thoại với ai?
Bétsy nín thinh. Lêvin lại đâm mạnh cây kim vào đầu vú. Bétsy ôm ngực lùi lại, miệng kêu đau. Khalếp nhún vai:
- Đã sợ lại nín thinh làm gì?
Bétsy thở dài, nói:
- Tôi cũng không cần giấu làm gì. Người đó là đại tá Pít của Sở Mật vụ CIA.
Khalếp nghiến răng:
- Nghĩa là mày đã gọi điện thoại báo tin cho Mật vụ CIA biết trước?
Nàng cười một cách chua chát:
- Không đúng. Họ gọi cho tôi trước, không tin các ông hỏi lại người giữ điện thoại trong khách sạn mà xem.
Lêvin quay lại phía Khalếp:
- Thế thì bọn chúng đã đánh hơi thấy nội vụ?
Khalếp gật gù:
- Cũng không hề gì.
Đoạn hắn hất hàm về phía Bétsy. Khi ấy nàng ngồi bó gối trên giường, lấy cái gối che chỗ ngực bị kéo rách hết áo, vẻ mặt sợ hãi. Lêvin tiến lên, giật cái gối quăng xuống giường và nhổ bãi nước miếng lên trên:
- Sắp về âm phủ mà cũng biết thẹn ư?
Bétsy đứng bật dậy như lò so. Nàng không ngờ sẽ bị địch giết. Hai tay nàng vẫn che ngực. Lêvin quát:
- Bỏ tay xuống, quay lưng lại.
Đứng trước đàn ông, đàn bà thân thể lõa lồ chỉ nghĩ đến thẹn thò mà quên mọi nguy hiểm khác, cho nên Bétsy chỉ nghĩ tới 2 bàn tay che trước ngực, không chịu bỏ xuống. Lêvin cười ha hả, bóp cò luôn 3 phát liền. Bétsy ngã gục xuống. Đến lúc sang bên kia thế giới, 2 tay gan dạ của nàng vẫn cố che giấu bộ ngực to lớn, nõn nà. Khalếp đá cái xác đoạn nói với Lêvin:
- Dầu CIA biết, họ vẫn không trở tay kịp vì ta sẽ đánh vô tuyến ngay về Mátscơva. Tuy nhiên, ta cần chụp nội đêm nay bức hình của Lý Dĩ trong bệnh viện để gởi bằng bêlinô cho kịp.
Mấy phút sau, cả 2 trèo lên xe đua, phóng như bay về bệnh viện Triple General Hospital. Khalếp đậu xe ở xa, đoạn đi vòng ra sau, trèo qua một tường rào. Hắn đã quen với bệnh viện này, nên chỉ 4 phút sau đã tìm tới dãy phòng bệnh nhân Lý Dĩ. Vừa vào đến trong, Khalếp đụng phải một bác sĩ cao lớn, đeo kính trắng, ống mạch đeo tòng teng trên cổ, há miệng chưa kịp hỏi thì quả đấm như trời giáng của Lêvin đã rơi trúng giữa mặt. Cặp kiếng vỡ tan, viên bác sĩ ngã quay xuống đất, bất tỉnh nhân sự, máu me đầy mặt. Khalếp cúi xuống, lột cái áo choàng và ống mạch đeo vào người, đoạn kéo nạn nhân vào góc phòng, lấy vải trắng phủ lại. 2 phút sau, một viên bác sĩ nữa bước vào. Cũng như người trước, nạn nhân bị đánh mê man. Khalếp và Lêvin trong bộ áo choàng bác sĩ trịnh trọng mở cửa bước ra. Gặp một nữ y tá, Khalếp hỏi:
- Nạn nhân xe hơi buổi chiều ở ngã tư Kalakaua và Lewers nằm ở đâu?
Người nữ điều dưỡng cung kính trả lời:
- Thưa bác sĩ, ở phòng đàng kia kìa.
Khalếp tiến nhanh về cuối hành lang. Phòng Lý Dĩ nằm có 2 người lính bồng súng gác. Khalếp hỏi bằng giọng hách dịch:
- Đã có ai vào thăm bệnh chưa?
- Chưa, chúng tôi chỉ có bổn phận gác, còn thăm bệnh là bổn phận của bác sĩ.
Khalếp cười thầm trong bụng vì vừa gặp được một gã cứng đầu, nhưng lại có lợi cho hắn. Chẳng nói chẳng rằng, Khalếp bước vào trong phòng Lý Dĩ. 2 người lính cũng vào theo. Khalếp gắt:
- Các anh làm ơn ra ngoài kia một chút để cho tôi khám bệnh nhân.
2 quân nhân lắc đầu. Khalếp đành đặt ống nghe lên ngực Lý Dĩ, nghe qua quít. Còn Lêvin giả vờ loay hoay lấy cái bật lửa ra châm thuốc lá cho Lý Dĩ, nhưng kỳ thật để chụp hình nhà bác học bằng cái máy cực nhỏ. Khalếp đưa cho Lý Dĩ một viên thuốc màu xanh với lời dặn dò:
- Ông còn mệt lắm. Dùng viên thuốc này cho lại sức. Trong người không có thương tích nặng đâu.
Khalếp rót nước vào cốc, đưa cho Lý Dĩ chiêu với thuốc. Lý Dĩ cầm viên thuốc, đưa lên miệng toan nuốt thì một người lính xua tay:
- Không được, đại tá tư lệnh đồn binh Fort Shalter không cho nạn nhân này được uống thuốc nào mà không có đại tá chứng kiến.
Lêvin gắt:
- Thế thì để cho nạn nhân chết ư? Đại tá là quân nhân, biết gì thuốc men mà nói.
Nói xong, Khalếp bưng cốc nước đổ vào miệng Lý Dĩ. Một người lính xấn tới, định giằng lấy. Khalếp không thể trì hoãn được nữa. Hắn đợi cho bàn tay người lính tới gần sát mới nắm lấy, giật cho ngã nhoài ra đất. Như cái máy, Lêvin đánh ngã người lính thứ hai. Khalếp quay lại, định ép Lý Dĩ uống viên thuốc độc nhưng cửa phòng chợt mở toang, và một họng súng đen ngòm đã chĩa vào. Lêvin phóng mình ra, khẩu tiểu liên bị đánh lệch sang bên, người lính bị sức mạnh của Lêvin đẩy chúi vào thành cửa. Khalếp chạy băng ra hành lang. Lêvin bồi thêm một trái đấm nữa vào mặt tên lính cầm súng ngoài cửa, rồi co cẳng chạy theo Khalếp.
Một loạt đạn tiểu liên nổ ròn. Khalếp rút súng lục trong mình ra bắn. Nhưng Lêvin đã bị trúng đạn vào bắp chân. Hắn ngã xuống. Khalếp lôi hắn đi, nhưng hắn không đủ sức đứng dậy. Một loạt tiểu liên tiếp theo. Chỉ trong giây phút, bọn lính gác sẽ tìm ra chỗ hắn và Lêvin nấp. Hắn giận sôi lên. Giận Lêvin vụng về đến đỗi bị trúng đạn. Hắn cúi xuống nhìn Lêvin. Lêvin nhìn lại bằng con mắt van lơn. Nhưng Khalếp đã ban cho bạn một phát súng vào chính giữa sống mũi. Loáng một cái, hắn đoạt cái bật lửa trong có cái máy ảnh Miniphốt cực mạnh, đoạn băng mình qua lan can, ra ngoài sân.
Trời tối, gió thổi rì rào.
Khalếp nhảy lên chiếc xe đua tối tân. Về đến biệt thự, hắn lục tủ, lấy ra một mớ giấy, châm lửa đốt. Nếu không có thằng phải gió Lêvin, hắn đâu đến nỗi phải điêu đứng như thế này. Khalếp đợi đống giấy tàn hẳn mới ném vào chậu rửa mặt, kéo nước cho chảy hết. Xong xuôi, hắn lấy trong xe hơi ra một cái va li vuông. Bên trong là hộp điện đài do Sở Mật vụ Xô Viết mới chế tạo cho nhân viên hoạt động ở xa mẫu quốc. Hắn hí hoáy lấy bút chì viết một bức điện rồi dịch sang mật mã, đánh cho Trung ương ở Mạc Tư Khoa. Nhưng sau một phút nghĩ ngợi, Khalếp lại đánh diêm đốt cháy. Vẫn biết hắn đã khám phá ra CIA tráo Lý Dĩ giả để đánh lừa R.U, nhưng hắn chưa dám cả quyết ở đâu là Lý Dĩ thật. Biết đâu vì bị mất Lý Dĩ thật nên CIA mới đặt ra Lý Dĩ giả ở Honolulu. Có thể Lêvin bị sa bẫy, nay đã thành người thiên cổ. Khalếp càng khó nghĩ, vì hắn chưa biết rõ trong trường hợp nào Lêvin chứng kiến tai nạn xe hơi và để ý tới nữ nhân viên CIA.
Khalếp sợ toát bồ hôi, biết đâu CIA bố trí như vậy để hắn báo cáo về Mạc Tư Khoa rằng Lý Dĩ của Rômanốp là giả. Thành ra không mất gì, CIA lại mượn tay R.U để giết Lý Dĩ, không cho nhà bác học đem tài ra phụng sự cho Liên Xô nữa. Thế mà suýt nữa mình đánh điện về, Khalếp nhủ thầm. Suy nghĩ một lát, hắn còn một cách thử lại bài toán: trở lại Nữu Ước, liên lạc với tổ chức cộng sản để tìm hiểu Katy. Đến khi ấy, thông báo với Mạc Tư Khoa cũng chưa muộn.
Càng nghĩ Khalếp càng thấy lý của mình là đúng. Vì nếu kẻ bị tai nạn xe hơi là Lý Dĩ thực thụ, tại sao CIA không cho người canh gác đàng hoàng, lại dùng 2 tên lính hạng bét? Khalếp nhìn đồng hồ tay, máy bay về miền Tây Mỹ sắp cất cánh. Khalếp gắn bộ râu giả lên mép cho đúng với tấm hình trong giấy thông hành, đoạn quơ vội mấy cái quần áo, trèo lên xe hơi, lái thẳng ra phi trường. Lúc máy bay cất cánh khỏi trường bay Honolulu thì trong tòa Ngũ Giác ở Hoa Thịnh Đốn, ông Sì Mít đương nói chuyện với đại tá Pít. Vẻ mặt đại tá tươi hơn hồi tối. Chàng báo cáo một mạch:
- Thưa, lệnh của ông đã được đánh đi, nếu không gặp trở ngại, Văn Bình có thể bắt được nội trong 12 tiếng đồng hồ.
Ông Sì Mít rút cặp kính cận thị ra lau lau, miệng hỏi Pít:
- Việc ở Honolulu yên ổn rồi chưa?
- Thưa xong, Bétsy đã bị chúng giết chết sau khi tra tấn. Quả như ông đoán, chúng đã tới bệnh viện tìm Lý Dĩ.
- Theo đúng chỉ thị của tôi chứ?
- Thưa vâng. Nhân viên của ta đợi ở ngoài, đợi chúng trốn ra khỏi mới theo sau.
- Thôi được, cứ cho theo tới Nữu Ước.
- Thưa ông, liệu bức điện của ta có chậm hơn điện của họ không?
Ông Sì Mít cười một cách kín đáo:
- Nếu đối thủ là ai thì còn sợ, chứ Khalếp thì anh yên tâm. Hắn là người rất cao mưu. Vì cao mưu, tất hay đa nghi nên hắn sẽ sa vào kế của tôi. Hắn là nhân viên cao cấp tất trước khi làm gì phải điều tra rất kỹ lưỡng. Hắn lại sắp được về hưu, nhỡ làm cái gì thất thố thì có là đi Tây Bá Lợi Á làm thợ mỏ sớm. Vì vậy hắn phải thận trọng. Nhưng dầu hắn có gởi điện về chậm cũng không thua ta mấy, vì hắn điện thẳng về Mạc Tư Khoa. Còn ta, ta phải qua trung gian.
- Tại sao ông không bắt quách Khalếp đi có ổn không?
- Nếu chỉ có một mình Văn Bình không thôi, thì còn gì bằng. Khốn nỗi ta đương có một số nhân viên làm việc với Khalếp, và giữ những địa vị quan trọng. Bắt Khalếp đi trong lúc này thì hết đầu mối.
- Thưa, còn Bétsy?
Ông Sì Mít đứng dậy, cho 2 tay vào túi quần, nét mặt trầm ngâm:
- Tội nghiệp, nhưng ta không thể làm gì hơn được nữa.
Pít tỏ vẻ phản đối:
- Thưa ông,…
Ông Sì Mít gạt phắt:
- Anh định phản đối tại sao tôi không ra lệnh cứu Bétsy chứ gì? Cứu được Bétsy thì dễ, nhưng cứu được đại cuộc mới khó, tuyệt khó. Anh ngu lắm. Nếu không cho chúng rảnh tay tra tấn ở khách sạn Hulékuani thì anh làm gì có thời giờ bố trí kế hoạch ở bệnh viện?
Pít chợt hiểu. Lệ thường, mỗi khi chàng lầm thì ông Sì Mít thường mắng chàng ngu một cách thân ái. Chàng mở cửa về phòng. Ở lại một mình, ông Sì Mít ấn chuông gọi mang một hồ sơ tối mật khác.
Chú thích:
(1) Waikiki.
(2) Hilton, khách sạn lớn nhất thế giới.
(3) Lewers Road.