Số lần đọc/download: 3598 / 118
Cập nhật: 2016-03-10 08:46:13 +0700
Dostoievsky
Đ
ốt như một rừng đại thụ. Nay giới thiệu Đốt mà trích một vài đoạn tiểu thuyết, có khác gì định đưa ra một cành cây, một thân cây để giới thiệu cả một cái rừng già phức tạp, thăm thẳm, mênh mông một triền rừng đại ngàn. Nhưng tôi tạm đưa ra nét lớn một tác phẩm để thấy cái cách Đốt biểu hiện tư tưởng qua nghệ thuật. Tội phạm và trừng phạt nói tới đây, chưa là tác phẩm tiêu biểu nhất của Đốt, nhưng vẫn mang những ý chính về nhân sinh quan Đốt. Vả chăng cũng là một tác phẩm nhiều người trên thế giới đọc, và độc giả Việt Nam cũng đã từ lâu nhiều người có đọc qua bản dịch tiếng Pháp.
Tội phạm và trừng phạt là một truyện dài mới đọc thì tưởng đâu như là một tiểu thuyết trinh thám có giết người, có tìm ra kẻ sát nhân và xã hội đã bỏ tù kẻ giết người. Nhưng đọc kỹ Tội phạm và trừng phạt cũng như khi đã đi sâu vào hệ thống tư tưởng và phương pháp tư tưởng nói chung của Dostoievsky trong toàn bộ sáng tác của Đốt, thì thấy được cái chủ đề của tiểu thuyết.
Đây là chuyện một chàng sinh viên nghèo, cuồng chữ, đòi hỏi một thứ tự do tuyệt đối, rất ngông trong nhân sinh quan, và cái lý luận rất ngông kia đã đưa anh ta vào việc giết người. Sinh viên Raskolnikov nhân vật chính của tiểu thuyết có một cách nhìn cuộc đời, và chia con người ra làm hai thứ: 1. Hạng tầm thường; 2. Hạng thoát tục. Hạng tầm thường chỉ sống để mà tuân theo cuộc đời mặc dầu cuộc đời ấy là nhố nhăng không đạo lý. Hạng thoát tục là những người dám nghĩ và dám tợn tạo làm ngược lại tất cả những cái mà những người tầm thường khác nép mình theo mà sống một cách cẩu thả.
Lý luận như thế, và tự cho mình phải bạt thiệp xuất chúng, anh sinh viên Raskolnikov đã cầm búa chém chết một mụ già cầm đồ lấy lãi. "Ta giết mụ ấy, số tiền lớn kia sẽ tán phát ra dùng được vào bao nhiêu việc tốt ở đời. So với trăm ngàn cuộc đời từ đây sẽ cứu vớt khỏi nghèo khổ, thì cái sinh mệnh mụ già bỉ ổi kia, có nghĩa lý gì trên cán cân thế sự?". Raskolnikov say sưa với những ý nghĩ anh hùng chủ nghĩa kiểu Nã Phá Luân đó.
Đối với Raskolnikov, mụ cầm đồ kia là một trở lực mà những kẻ siêu phàm như anh phải vượt, mà chỉ có cách vượt bằng việc diệt nó đi. Raskolnikov bảo rằng "không phải là tôi hành thích một mạng người, mà chính là tôi đã tiêu diệt một cái nguyên tắc". Diệt xong cái gọi là nguyên tắc ấy, anh sinh viên cho là sẽ được toại nguyện trong cuồng vọng làm siêu phàm. Nhưng trong thực tế, từ sau khi anh muốn thoát ra ngoài những điều kiện làm con người, thì chính là lúc anh sinh viên kia tự thấy mình bị câu thúc tâm hồn và thân thể mình hơn lúc nào hết, hơn ai hết. Anh khổ sở và đã thú tội. Anh chỉ thú tội với một người tri kỷ thôi. Người mắt xanh đó là chị Sonia, một người mãi dâm vì phải nuôi cha và dì ghẻ.
Sonia bảo Raskolnikov là bây giờ đã như thế, thì chỉ còn có ở tù để đền tội, nhận lấy sự khổ thống và tự cải tạo mình trên cái cơ sở đau khổ tự giác ấy, lấy hối hận mà chuộc lại lỗi lầm và lấy nó ra mà mua lại cái tự do thật sự cho tâm tư mình. Và Sonia đã tự nguyện đi theo kẻ tội đồ Raskolnikov sang đất trích Tây Bá Lợi Á và tự nguyện góp phần mình vào công cuộc tái- sinh làm người của Raskolnikov.
Truyện còn nhiều nhân vật khác, nhưng nói chung, đều là những con người phá cách hết thảy. Và ánh sáng tỏa ra, ở đây, lại là từ cái tâm hồn một cô gái trụy lạc Sonia mà Raskolnikov tôn trọng và gọi là "hiện thân của tất cả sự thống khổ nhân loại".
Nói qua loa về Tội phạm và trừng phạt, để mong muốn độc giả Việt Nam chúng ta còn có dịp đi vào pho truyện Anh em Karamazov nó biểu hiện cái thế giới thị dục tới một mức khủng khiếp, và nó chứng thực cái thiên tài tạo tác của Đốt về mặt dựng truyện từ kiếp người.
Anh em Karamazov là một thiên tuyệt tác của Đốt, hoàn thành nó xong thì Đốt tắt nghỉ, nghìn sau còn ngân mãi cái dư ba tiếng hát con thiên nga.
o O o
Nếu nhân vật của nhà tiểu thuyết Pháp Balzac có thể chia thành hai loại: một thuộc về hạng người có tài, hai là những con người thuộc về hạng người có chí, thì nhân vật của nhà tiểu thuyết Nga Dostoievsky cũng có thể chia làm hai loại: một là những con người khiêm nhượng, hai là những con người ngạo mạn. Tiểu thuyết bao giờ cũng cấu tạo những quan hệ giữa người này với người nọ, những quan hệ gia đình xã hội, những quan hệ giai cấp. Riêng với Dostoievsky, ta lại còn thấy có thêm một mối quan hệ nữa: mối quan hệ giữa cá nhân nhân vật với đích thân họ. Những nhân vật của Dostoievsky là những con người đại diện cho cái thế giới của lòng dục không bờ bến. Họ là những con người đòi hỏi những điều kiện làm người ở ngoài thực tại này. Dostoievsky đã tập hợp họ lại, rọi ngang vào họ một thứ ánh sáng. Mỗi nhân vật đều có một vùng bóng tối rất quan trọng cho phạm vi hoạt động của họ, họ tẩm vào cái bóng ấy mà suy nghĩ hoặc hành động. Những tranh biếm họa của Leonard de Vinci cho ta thấy tất cả những cái gì là dị thường trong một thân hình con người, nó khác với cái thân thể bình thường hàng ngày. Cũng cái kiểu Leonard de Vinci đó, Dostoievsky đã tóm con người đúng vào cái phút nó cuồng nhiệt nhất, kích động nhất, đúng vào cái giây phút con người muốn vượt qua cái giới hạn những khả năng của con người.
Đánh giá kỹ thuật Dostoievsky dùng luật tương phản giữa ánh sáng và bóng tối để hiện thực con người, một nhà phê bình văn học đã so sánh kỹ thuật ấy với bút pháp tạo hình của họa sư Rembrandt cũng sử dụng ánh sáng tương phản với bóng tối. Nhân vật tranh Rembrandt là những vị thánh trong Kinh Thánh, nhưng lúc vẽ các thánh thì họa sĩ đã đi tìm mẫu người ở ngay những con người nhân dân lao động khuân vác ở bến tàu.
Những mẫu nhân vật của Dostoievsky lấy ra ở những người nông dân Nga, và những người can án, những người cờ bạc rượu chè, và dưới cái nhỡn quan của Dostoievsky, những con người hạ đẳng của thời áp bức ấy đã trở nên những vị thánh sống đang hành một cái đạo sống. Do chỗ cùng chung một nỗi điêu linh trong thân thế, cùng bị những thế lực của xã hội tiền bạc xúc phạm và bức hiếp, cùng bị dồn dập đến cái chỗ đáo để nhất của sự sỉ nhục về nhân tình thế cố, mà hai con người họa sĩ Rembrandt và văn sĩ Dostoievsky, trong cách biểu hiện thực chất con người, mặc dầu xa cách nhau trong thời gian và không gian đã cùng chung một nhận thức, một phương pháp về hiệu lực sáng tạo của thuật tương phản.
Trong những hình thù đê hạ nhất của cuộc sống, cả hai người đều tin ở cái phẩm chất con người đều gạn ra được những cái chất đẹp, chất quý. Cũng như Rembrandt, từ trong những chỗ tối tăm, Dostoievsky đã lọc gạn ra những nét sáng của con người.
Dostoievsky là một người không thích những gì là hòa hợp, và thường hay đưa ra những cái tương phản nhau. Bên cạnh những cái rất bay bổng, rất thiêng liêng, Đốt kèm vào những cái rất phàm tục thô bạo.
Dostoievsky đã dùng lời nói để đi sâu vào con người. Lời nói tâm tư là cái công cụ có hiệu lực nhất để Đốt làm những cuộc thám hiểm vào lòng người. Có những nhà văn diễn tả chủ yếu bằng mắt. Đốt diễn tả bằng tai, đôi tai rất lạ của Đốt. Hình như Dostoievsky tự đặt cho mình một phương pháp làm việc chung với nhân vật mình, giao ước với nhân vật: các anh, các chị, các ông, các bà, tất cả lũ bay cứ nói đi. Dostoievsky có cái tật nói nhiều, lắm lời, nói rất nhiều, bởi vì nhân vật của Dostoievsky vốn nói dài, có những đoạn độc bạch (monologue) rất dài. Đốt lắng nghe rất kỹ và sau đó viết lại cho họ những lời họ đã nói. Cuộc sống của nhân vật hiện lên đầy đủ nhất là những lúc họ được nghĩ to lên, họ được say nói. Có một số tác phẩm Dostoievsky được đưa lên sân khấu như các tiểu thuyết Tội phạm và trừng phạt, Anh em Karamazov, Chàng ngốc. Những phóng tác kịch dựa trên tiểu thuyết nguyên thủy của Dostoievsky chứng tỏ cái khía ngôn thoại thần tình của tác giả. Những mảng lớn tác phẩm của Đốt là những đoạn giao thoại rất có tính kịch, như là có thể cứ thế mà đưa lên sân khấu. Những người sành đọc tiểu thuyết của văn hào Tolstoi thường nói rằng trong tiểu thuyết chúng ta nghe thấy nhân vật động tiếng, có tiếng nói, vì chúng ta đã trông thấy nhân vật đó. Với Dostoievsky, chúng ta chỉ trông thấy được họ sau cái khi nghe thấy họ nói chuyện một mình một bóng, hoặc nói chuyện với nhiều người khác. Nhân vật Dostoievsky lúc im lặng, khi họ mà còn chưa cất tiếng lên chữ nào thì họ đều là những cái bóng cô hồn. Người đọc Đốt có cảm tưởng như mình bước vào một căn phòng mờ mờ tối, sự vật và con người đều lờ mờ hình nét, và trong đó người ta nghe thấy xì xào, không rõ những lời lẽ phào phào đó là của những ai. Rồi người ta quen dần dần với những con người đó. Hiệu năng gợi cảm và truyền cảm do lời nói của Dostoievsky làm cho nhân vật của Đốt hiện dần lên và rực sáng lên như những thỏi sắt nung đỏ. Nhờ có thị dục mà nhân vật Dostoievsky hiện lên rừng rực. Hình ảnh nhân vật Dostoievsky chỉ đọng chung quanh những vấn đề gì thuộc về dục tính. Ngoài dục tính, nhân vật Dostoievsky rất nhạt nhẽo, và thị dục đó, khi được nhân vật Dostoievsky biểu hiện một mình hoặc giao tranh với nhiều người khác, và lại được Dostoievsky lên tiếng thêm cho, thì những lòng dục ấy trở nên sống động một cách ghê gớm. Lời nói của Dostoievsky có những thần hiệu đặc biệt về mặt hiện thực. Mỗi chữ trong câu, và từng tiếng đã chọn lọc đều có cương vị nhất định. Nếu trong một câu có những tiếng bỏ đi hoặc không phát âm lên là đều có nguyên do tâm lý, đều có sự bố cục. Những đoạn ngập ngừng, những lời lắp đi lắp lại, những chỗ giọng ngọng nghịu, cũng là những điều cần thiết cho sự tính toán của nghệ thuật diễn tả. Lời nói dùng trong câu văn của Dostoievsky có những dáng dấp lúc bóng gió, lúc nặng nề ưu tư, lúc hồi hộp vì lo âu, lúc ghê sợ vì âm mưu nó dồn dập bao nhiêu những hành động sắp xảy ra. Qua lời nói của nhân vật Dostoievsky, không những người đọc biết nhân vật sắp làm gì mà lại còn thấy được cả những việc họ định giấu giếm, những cái ý nghĩ họ không dám thốt ra.
Khung cảnh bài trí ra để nhân vật Dostoievsky hoạt động, không phải là những phòng khách to, những khách sạn lộng lẫy, những lâu đài những bàn giấy sáng sủa. Dostoievsky toàn dắt chúng ta vào những căn nhà tồi tàn như sắp sụp đổ, nồng lên một mùi cồn rượu, những căn phòng chật như quan tài thửa sẵn cho một số người sống.
Dostoievsky đưa ta vào những cái phố cái ngõ tối om, những cái cầu thang gác nhiều bóng đen cám dỗ của tội lỗi, những xà lim ngục tối, xóm chơi, nhà chứa. Đôi lúc Dostoievsky cũng nói đến một cái bóng trăng suông trong đêm dài. Nhưng cái chính mà Dostoievsky muốn nói và chuyên nói đến vẫn là con người, con người và những chốn hạ tầng nhất trong nội tâm những người uất ức, đói khát ở linh hồn. Những con người của Dostoievsky hiện lên trên một cái nền u ám của sự nghèo túng. Họ không được tự do xê đi xích lại trong cuộc sống thật, họ ở trong cái vô biên của thị dục. Nhân vật Dostoievsky đủ hạng: nhà quý tộc, gái đĩ, những viên chức các công sở, ông già, con trẻ, sinh viên, lái buôn, đám tôi tớ, những người đàn bà ho lao, rồi những người du thủ du thực, những người ngông nghênh, những người bất đẳng và vô sở bất chí mà vị trí xã hội rất là phiền phức. Dưới nhiều hình thù các tầng lớp xã hội, nhưng họ vẫn chỉ là những hóa thân của một thứ con người khát vọng tìm chân lý của sự sống.
Không còn gì quái rợn bằng cái sự tương phản giữa cái tiều tụy bên ngoài như thế với cái say sưa có tính chất trí tuệ và sự phong phú trong tấm lòng của các nhân vật chính và phụ của Dostoievsky. Đốt thường đem đối lập những cái cao siêu với những cái thông tục và đã kích động vô cùng sự cảm nghĩ của người đọc. Cái không khí tiểu thuyết Dostoievsky rất hiện thực. Nhưng nó lại tạo cho người đọc có một cảm tưởng bỡ ngỡ, cho như đó là những sự việc xảy ra ở một cuộc đời nào ở ngoài cái cuộc đời ta đang thực sự sống đây. Tác phẩm Dostoievsky vừa cuốn hút người đọc, vừa làm người đọc khó chịu muốn lánh nó. Đọc Dostoievsky rất căng não và mệt trí. Cái khuyết điểm của cả cuộc đời Đốt và cả nghệ thuật Đốt nữa, là không có sự nghỉ hơi. Trong các sách của Đốt, không có thiên nhiên. Đốt cũng lại là một người không chan hòa với âm nhạc và hội họa. Phong cảnh thiên nhiên, Đốt không bao giờ chú trọng đến. Tự nhiên và vũ trụ của Dostoievsky chỉ đóng khung vào con người, một thứ con người u ám, một thứ phong cảnh thê lương trong nội tình một con người "nhân dục vô nhai", cuồng tín, có lúc cổ lỗ trong tình ý cảm giác, sống sượng đòi hỏi vô biên cho xúc giác. Họ là những con người toàn tâm linh và toàn thần kinh. Không bao giờ ta thấy nhân vật Đốt ngồi ăn ra sao, uống ra sao, và hình như không thấy lúc nào họ ngủ. Họ toàn là thức giấc. Họ đứng sững lại trong cuộc sống, họ chợt nhớ ra điều ấy để chạy như ma đuổi. Họ nói, họ cảm, lúc nào cũng như lên một cơn sốt rung cả một cuộc sống bên trong lên. Họ đều là những người ngoa ngoắt, và trong nhân sinh quan, đều mắc cái bệnh viễn thị. Họ sống với cái tâm lý của người định làm tiên tri.
Nàng Nastassia Philipovna, một nhân vật chính trong tiểu thuyết Chàng ngốc của Đốt đã nói: "Anh đẩy tất cả mọi cái lên thành ra sự khát vọng đắm đuối". Đốt sáng tạo trong mê sảng, cũng như sống trong mê sảng, suy nghĩ trong mê sảng. Thế giới Đốt là do thị dục sáng thế ra. Cho nên muốn thông cảm được và đánh giá nó đúng, người đọc cũng cần phải dịch mình vào gần những xuất phát điểm thị dục ấy.
Chúng ta chớ nên quên rằng tâm trạng họ là những tâm trạng người Nga giữa và cuối thế kỷ XIX, vừa mới rút ra khỏi những tập tục của chế độ thị tộc, và họ đang ở tình trạng một nước chuyên chế chính trị, và chế độ nông nô chỉ mới chính thức bãi bỏ từ năm 1865.
Những cái thảm kịch của mọi con người nhân vật "ngồi không yên ổn đứng không vững vàng" kia, không tách rời vận mệnh của cả dân tộc. Họ đang hoang mang tìm đường. Trong một cái thế giới chưa biết rồi đây sẽ ra sao, họ có những khát vọng, và những câu hỏi họ đặt ra đều chưa có sự trả lời. Ví phỏng trước mắt họ đã là hạnh phúc rồi, thì họ cũng vẫn chưa chịu ngừng đứng lại đâu. Họ cứ cho thế giới của họ phải là ở cái nơi đâu đâu nó đau thương khổ não kia. Họ là những con người của một cuộc khởi hành. Họ là những con người của một buổi giao thời. Mỗi nhân vật đều muốn duyệt lại các vấn đề căn bản của cuộc sống, duyệt lại các giá trị tinh thần và vật chất.
Trên con đường đạo lý cắm mốc từ mười chín thế kỷ rồi, mỗi nhân vật đặt xuống một cái thạch tiêu riêng của mình, mỗi người tự đặt riêng lấy một cái ranh giới cho thiện ác. Cho nên lấy lý trí, lấy cái lẽ thường ra mà tìm hiểu họ, thì khó mà thấy. Mà phải vận dụng rất nhiều đến cảm tính. Một nhà phê bình đã gọi họ là bệnh nhân của một nhà thương điên. Dưới thời đại tàn bạo Nga hoàng nó cưỡi lên ngồi lên nhân phẩm con người như thế, không điên sao được! Cái điên này, phảng phất cái kiểu điên trong truyện Nhật ký người điên của Lỗ Tấn. Cái thế giới Nga mà Đốt dựng lên là một sự hỗn mang mênh mông. Họ là những người lý luận cao siêu nhưng cũng là những tâm hồn ngô dại, thơ mơ, hồng hoang. Họ muốn nhiều thứ. Họ là những người kích thước quá khổ với cỡ loài người. Họ ầm ầm đi tới, xô tới, bất kể là trèo những đỉnh cao siêu hoặc sa xuống vực thẳm. Họ khởi hành từ lòng nhiệt ái, từ một điểm đắm đuối gì, rồi đi tới hối lỗi, từ hối lỗi lại đi tới hành động, từ tội ác đến thú tội, rồi ngây ngất và gục xuống. Nhân vật của Đốt là những con người "đã không biết sống làm vui - tấm thân nào biết thiệt thòi là thương". Đó là những con người lôi thôi của một cuộc trường chinh ngoài thực tại. Nhân vật của Đất không ai hiển đạt cả - hiển đạt hiểu theo cái nghĩa thông tục hệ lụy của cuộc đời. Họ là những người được sinh ra chỉ để mà sinh sự với cuộc đời. Họ sống để nêu một số vấn đề mà cả đời họ không giải quyết được. Cuộc sống có lúc muốn níu họ ngừng lại, nhưng họ bứt áo đi thẳng. Với cái khí chất xlao của dân tộc, họ đi trên những vùng thảo nguyên vô tận.
Họ không đi vào thực tế, mà họ lại muốn vượt ra khỏi thực tế. Đời của họ, chỉ có ý nghĩa riêng đối với cái tâm tư khổ thống của họ. Danh vọng quyền thế, tiền bạc, những cái vưu vật ở thế gian này không có nghĩa gì đối với họ.
Mới nhìn qua, thấy họ như là những kẻ dại dột. Trong nhân sinh quan vũ trụ quan của một nhân vật, trong cái nhân vật phức tạp ấy, tình cảm xung khắc và những ý trái ngược nhau đều được chung sống. Những cái đó cùng chung sống nhưng không chung sống hòa bình. Những con người siêu phàm trác tuyệt ấy không tạo cho người đọc một phút nghỉ ngơi nào. Những con người bất nhất trong cảm tính lý tính ấy, đúng là những con người của một giai đoạn giao thời của nước Nga đang chuyển mình trong những quan hệ mới của xã hội tư bản Nga.
Nhân vật Đốt, không người nào bình tĩnh yên thân và thành tựu. Chả có người nào tới đích cả. Họ là bệnh nhân của một thứ thời bệnh tại nước Nga quê hương của đau thương. Hãy nghe lời than của người say rượu Marmeladoff trong truyện Tội phạm và trừng phạt: "Anh có hiểu được cái nghĩa của câu này không: chẳng còn có nơi đâu mà đi về nữa?".
Tác phẩm của Dostoievsky là những chứng cớ sâu sắc và lớn rộng, nó chỉ cho chúng ta sinh sau đẻ muộn trong một xã hội mà công lý và nhân đạo đã thắng thế, được thấy hết cái thảm kịch của nhân dân Nga sống trong sự sỉ nhục của một thời chuyên chế. Nhân dân nước Nga sống dưới sự roi vọt, dưới bóng các tròng treo cổ.
Sống trong sự tan rã của các mối quan hệ phong kiến đang nhường chỗ cho các mối quan hệ tư sản, hằng triệu con người thường dân Nga quằn quại. Gorki đã nói về Dostoievsky: "Không thể không xuất hiện một con người, một thứ người mà tâm hồn phải là sự hiện thân của hồi ức về những đau khổ ấy và phản ảnh được cái kỷ niệm đó" Gạt ra xong một số sai lầm của Đốt, rồi đặt Đốt vào bên cạnh Tolstoi, Gorki đã viết: "Vì hiệu lực của tài năng mà hai văn hào ấy đã hướng sự chú mục kinh ngạc của cả châu Âu vào nước Nga".
Ngày nay, thời gian đã gột rửa cho Đốt cái điều mà, vì quen một nếp nghĩ, người ta vẫn ghê tởm đối với tác phẩm của Đốt. Đốt mà người ta đã liệt vào loại tác giả bất lương vô đạo. Có lúc người ta còn mệnh danh Đốt là "nàng thơ của trại hủi". Cũng như có lúc những người chủ quan đã nghiêm khắc phê phán nhân vật Đốt là một lũ người sống không có ý chí, một bọn thiếu tinh thần trách nhiệm với sự sống của đích thân mình và đối với cuộc sống nói chung của tất cả chung quanh. Người ta hẹp hòi nói rằng những nhân vật ấy không có giá trị đại diện gì cho sự sống và chúng chỉ là những cơn ác mộng.
Đúng thế đấy, những con người ấy là những cơn ác mộng của nhân loại. Những cơn ác mộng của nhân loại ấy, ở một tỷ lệ hẹp hơn, cũng đã từng diễn ra ngay trên đất nước Việt Nam chúng ta trước ngày có Tổng khởi nghĩa, có cách mạng giành lấy chính quyền. Ngày nay chúng ta chớ nên nhân danh cuộc sống đang được đà tiến lên mạnh này mà đã vội quên mất đi cái xã hội trước đây của chúng ta. Có thử nhìn lại cuộc sống chúng ta trước đây mười mấy năm thì chúng ta mới đánh giá đúng những thành quả của cuộc đời nhiều triển vọng của chúng ta ngày nay.
Trước đây, ta là những người rất khổ sở, khá nhiều cuộc đời Việt Nam chúng ta cũng phảng phất những tâm trạng nhân vật Đốt. Cuộc sống hồi ấy là một sự giẫy giụa quằn quại trong nhục nhằn, đau thương, tức thở, phẫn uất. Xã hội ta hôm nay là cái xã hội có trật tự, nhưng ngược lên mười hai năm trước đây, là tất cả một sự ối a ba phèng và thối nát, sự sắp xếp bảng giá trị con người rất là lộn nhào. Thời đại lúc ấy là thời của những thằng mật thám bắt người yêu nước, có những năm, tù chính trị lên tới mười ngàn người và, tử hình lên tới 699 án. Thời đại lúc ấy có những thằng chỉ làm bồi săm mà lại có quyền xin mề đay cho quan An Nam. Có những cô gái điếm mà nhân phẩm lại cao quý hơn những bà được triều đình Huế tặng bảng "tiết hạnh khả phong". Có những con người ngày ngày soi gương vuốt mũi cho nhọn và ép mẹ ra tòa cứ khai là Tây hiếp để được vào làng Tây. Có những con mụ trùm chợ đen chợ đỏ, dựa vào phát xít để hành hạ những người tiểu thương đi điều khiển giá hàng lậu, xe hòm kính hai bên hai cờ Nhật. Có những con mụ tích trữ giấy in nhật trình hống hách hơn cả sở kiểm duyệt thực dân. Rồi những học thuyết định mệnh được in ra rất nhiều. Giấy bạc lạm phát nhiều hơn cả lá rừng. Trường nữ sinh là một chốn để con mụ đốc học ăn tiền hoa hồng dắt gái cho một tên Thống sứ quỷ sứ không có lông mày. Người ta nhảy đầm, người ta đánh cá ngựa, người ta lột nhau trong sòng tài sửu, người ta làm nghệ thuật vị nghệ thuật. Cuộc sống rất là thiểu não nhưng người ta hát vang "Sầm Sơn vui thú biết bao?". Trại tập trung ngày càng nhiều, bạn bè đi lưu xứ phát vãng cứ vợi vợi đi. Sự khủng bố của đế quốc lại có những khía tinh vi có hệ thống. Cờ bài rượu, cờ bài thuốc phiện mở ra rất nhiều để đắp vào khoản ngân sách tiêu cho bộ máy chỉ điểm, đội xếp lính tập mỗi ngày một tăng. Những người khinh bỉ cay độc nhất cái bọn bất lương làm với Tây để hại ta nhất thì, trào phúng rớt nước mắt thay? Lại chính là những người đã bỏ tiền túi ra nuôi chúng, họ đã hút rất nhiều thuốc phiện, họ đã uống rất nhiều rượu ty. Trong một năm 1939 (tức là năm có đạo dụ cấm tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản, và cũng là năm Toàn quyền Đông Dương ký nghị định tịch thu và phát mại các tài sản của Đảng Cộng sản Đông Dương) - chúng nó đã bán ra gần 39 triệu rít rượu cồn và 70 tấn thuốc phiện ty. Lúc ấy trông đến cái gì cũng thấy sợ. Ai ai cũng bắt nạt ăn hiếp được mình. Trong cái cuộc sống lộn tùng phèo nhức xương ấy, có nhiều chàng trai thời ấy đã đọc Dostoievsky. Có nhiều thanh niên trí thức vào tù ra tội vì nghĩa lớn, đã thương cảm sâu sắc với cuộc đời và tác phẩm Đốt. Cũng có những chàng trai chưa có ý thức làm cách mạng nhưng đã là những người đồng điệu nổi loạn của Đốt. Họ đã gặp những cái tư tưởng nổi loạn của Đốt nó chống lại cả một thứ trật tự giả tạo bất công, chống lại một thứ luân lý trái đạo lý làm người và cuối cùng họ đã gặp những cái triết lý về sự khổ thống nó bàng bạc trong tiểu thuyết Đốt. Qua tác phẩm, hình như Đốt đã bảo riêng những người độc giả Việt Nam lỡ độ đường hồi ấy: "Chúng ta đau khổ, vậy là chúng ta tồn tại!", hoặc: "Trên mặt đất này, chỉ trong đau khổ người ta mới thấy sự yêu thương nhau". Nhiều lúc sự đau khổ kia đã đẩy người ta đi sâu vào thói quen tật xấu và tà dâm. Có người cũng muốn bắt chước những linh hồn siêu phàm bạt tục ngạo mạn như Raskolnikov của Dostoievsky.
Người ta nguyền rủa cái xã hội Việt Nam đã bắt đầu lấy tiền bạc ra để nạt người để giết người như trong tiểu thuyết Chàng ngốc của Đốt. Rồi vẫn cái tiếng nói của Đốt nhắc lại mãi "Ngươi cứ đau khổ đi đã, vậy là ngươi tồn tại đó".
Nhưng mà ngày nay đây, chúng ta nhìn Đốt phải khác đi, rộng rãi hơn và sâu sắc hơn, đúng hơn. Ta đến với tác phẩm Đốt bằng cái thái độ của một người muốn góp cái phần thiện ý và chân cảm của mình vào một việc sửa sai đối với một giá trị văn hóa đã được Hội đồng Hòa bình Thế giới khôi phục trước nhân loại. Cái vấn đề chính của Đốt không phải là tại vì cái triết lý nào đó nêu ra trong truyện, không phải là tại vì đã nêu ra một phương pháp duy tâm sai lầm nào để giải quyết sự sống trắc trở.
Cái vấn đề của Đốt chính là nằm ở cái chỗ đã giúp ta thấy được những khát vọng cao cả của con người đối với chân lý, với tình yêu, với hạnh phúc. Cái thiên tài sáng tạo của nhà nghệ thuật vĩ đại Dostoievsky đã át hẳn con người tư tưởng ở Đốt. Con người tư tưởng ở Đốt có lầm lệch vì đã sống trong một thời tăm tối, chưa lần ra ánh sáng. Cũng như Tolstôi. Đốt nhìn rõ cái đêm sâu, trong đó quằn quại nhân dân Nga; nhưng Đốt không chỉ cho mọi người thấy được các ngôi sao sáng vẫn nhấp nhánh trong đêm tối. Cái giá trị của Đốt vẫn là nhận được ra cái đêm dài thế kỷ đó, và đánh thức mọi người chờ sáng.
Vươn lên một cuộc đời toàn đắng cay ấy, Đốt vẫn có những điều tin yêu lạc quan với sự sống. Đốt đã từng nói: "Con người lang thang thất thểu của nước Nga thấy cần phải có hạnh phúc cho tất thảy thiên hạ thì mới nguôi lòng". Ngày nay con người Việt Nam vừa kinh qua một cuộc cách mạng, vừa qua một cuộc kháng chiến, đã nhận thức đầy đủ cái ý nghĩa của sự chết, sự sống qua một cuộc chiến tranh bom đạn lửa, ngày nay con người Việt Nam có những kinh nghiệm thực tế về xây dựng cuộc sống. Thời đại này người Việt Nam có những khát vọng khác, có những tấm lòng nhiệt ái khác, có những lo nghĩ khác. Đọc Đốt, không còn có cái cảm xúc ghê sợ nữa. Mà chúng ta cảm thấy như là vừa đi tham quan một cái bảo tàng viện về tâm khổ của con người thời tiền cách mạng.
Cái cảm xúc lớn lao ấy do thiên tài nghệ thuật Đốt tạo cho chúng ta. Mới hay Đốt đã vận dụng được bao nhiêu yếu tố của trí tưởng tượng mênh mông của mình để phụng sự cho chủ nghĩa hiện thực, xứng đáng làm người thừa kế về truyền thống hiện thực của Pouchkine, Gogol.
Con số hai mươi vạn trang in sáng tác lúc nào cũng vội vàng liên tiếp viết ra cho đến lúc sáu mươi tuổi tắt nghỉ, chứng tỏ một sức lao động phi thường của văn hào Dostoievsky. Bằng lao động nghệ thuật, Đốt đã tham gia vào cuộc sống xã hội. Đốt đã đưa ra những sắc thái độc đáo của chủ nghĩa nhân đạo và trong sự nghiệp lập ngôn, có nhiều kỳ công. Tác phẩm của Đốt là một ký sự trường thiên về cuộc đấu tranh của con người chống lại những bạo lực của bóng tối. Ở ta cái bóng tối ngày nay vẫn còn đe dọa cuộc sống một nước Việt Nam nửa hòa bình nửa chiến tranh. Tác phẩm Đốt đã gợi nhắc, đã cảnh cáo cho ta thấy được con người đã có thể hôn mê sa xuống vực thẳm đến như thế nào. Đọc lại Đốt hôm nay, có nghĩa là ta được yên trí sống cuộc đời có ánh sáng bây giờ, và đồng thời rất có ý thức trong việc chặn lại mọi bàn tay máu của bóng tối muốn quờ quạng vào sự sống đang vươn lên của tất cả mọi người.
Hà Nội, Câu lạc bộ Đoàn kết 21-12-/956.
Tái bút: Về thiên tài Picátxô, về thiên tài Đốtxtôi, thiên hạ ở Âu ở Mỹ viết rất nhiều. Đếm sao cho xuể những bài những cuốn viết về Đốtxtôi, những tiểu luận về bậc thầy kỳ tài Đốtxtôi. Ở Hà Nội đã khối người say Đốtxtôi; thuở ấy tôi cũng là một chàng trai mê Đốt.
Những năm nhiễu nhương Nhật Pháp lùng bắt nhiều người An Nam, Tây cho tôi vào tù. Ngoài quà bánh gởi vào sở Liêm phóng cho tôi, cha tôi còn gởi một lá số tử vi; và có cả ba cuốn tiểu thuyết Nga cùng là cuốn ký sự trại giam Xibêri (theo lời yêu cầu của tôi). Thằng mật thám ta đắc lực của Tây xem lá số tử vi, xem xem bốn cuốn của Đốtxtôi, cười cười rất lưu manh: "Số của ông tuy có quý nhân phù trợ, nhưng vẫn không thoát tù đày... Vào đây mà còn mang sách tác giả Nga vào theo, đi tù, còn oan nỗi gì..."(...).
Tù về, quản thúc, lại vẫn đọc tiếp Đốtxtôi và đến kháng chiến chống Pháp, lên rừng, bẵng đi không nghĩ thêm gì về Đốt nữa. Cho tới sau đại hội lần thứ hai mươi Đảng Cộng sản Liên Xô, mới thấy chỗ này chỗ kia nói rằng truyện của Đốtxtôi tái xuất hiện nhiều nhiều ở các thư viện nơi quê hương Đốt, và sau tiếp quản thủ đô hai năm, tôi được mời tới buổi lễ kỷ niệm Đốtxtôi để nói về đại văn hào. Vừa nói vừa đọc (như trên).
Sách đã viết về Đốtxtôi rất nhiều, tôi cũng chỉ biết được một số nào thôi, cuốn nào cũng đều có phân tích về thế giới tiểu thuyết, về bút pháp về kỹ thuật nghệ thuật của Đốtxtôi. Tôi ngờ rằng một số từ một số ảnh cùng là hình tượng nào đó đã nhập vào trong bài viết tôi đọc ở buổi kỷ niệm gần ba chục năm nay. Lấy và mượn của ai, ở đâu ở chọn nào thì cứ dẫn ra thôi, chứ có gì và có sao đâu Tội một nỗi là chỉ mang máng ngờ ngợ, chứ thật ra cũng không nhớ được ở đâu và là của ai nữa.
Vậy mong bạn đọc lượng tình cho.
1982