Số lần đọc/download: 2341 / 52
Cập nhật: 2016-04-16 02:31:36 +0700
Tập 8
T
ừ nhỏ chí lớn cha mẹ khuyên lơn dạy dỗ thì chẳng điều chi khác hơn là bảo phải ráng học làm thầy thông thầy ký rồi cưới vợ giàu cho sung sướng tấm thân. Nay thầy thông Phong đã được đứng thông ngôn cho quan Chủ tỉnh, oai thế lẫy lừng, mà lại thêm cưới được vợ giàu, cửa nhà hực-hỡ, chỗ ước vọng của thầy đã đủ rồi, bởi vậy thầy lấy làm vui lòng đắc chí lắm.
Có khi nằm một mình thầy nhớ lời ước hẹn với cô hai Liền là con gái của ông Chủ Hạnh, nhớ lời mắng nhiếc của cô Sáu Lý là em vợ thầy ký Trương, nhớ vụ Trường Sanh làm nhục tại nhà cô Diệu Anh, thì thầy mơ màng như thấy chuyện trong giấc mộng, mày-mạy (38) như nhớ chuyện xưa, bởi vậy thầy chúm chím cười rồi rùn vai không thèm nghĩ đến việc cũ.
Từ ngày thầy được cấp bằng làm ký-lục cho đến nay đã hơn một năm rồi, bởi vậy thầy đã thông thạo công việc làm chút đỉnh, nên không lừng khừng bợ- ngợ như hồi mới xuống tới Cà-mau vậy.
Đã vậy mà quan Chánh Chủ tỉnh vị tình ông hội đồng Hữu nên đem lòng yêu thầy, có việc nào kín cứ biểu thầy làm, đi giảng các làng thì dắt thầy theo, chẳng những tổng làng dân sự thấy thầy gần quan lớn thì kính sợ thầy mà thôi, mà thậm chí mấy thầy giúp việc tại Toà bố ai cũng kiêng nể thầy hết thảy.
Ai có việc chi muốn vào hầu quan Chánh Chủ tỉnh, trước phải ghé nhà thầy mà năn nỉ cậy thầy giúp lời, chớ năn nỉ miệng không, thì thầy nộ nạt rầy rà, rồi việc dễ cũng hóa ra khó. Nào người muốn làm làng, làm tổng, nào người muốn xin sắm súng, mề đay (39), nào người muốn khẩn đất, muốn tranh hội đồng, muốn xuất tiền công nho, muốn lãnh bài vĩnh viễn, mỗi muốn làm việc chi cũng phải đến cậy thầy. Theo thế thường hễ giúp việc quan mà đắc thời, được người ta sợ và có tiền nhiều, thì ai cũng kiêng dè, phải bải-buôi dịu ngọt mà mua lòng thiên hạ. Thầy thông Phong đắc thế đắc thời, được giàu được sang rồi, thầy lại ỷ thân thế, mê giàu sang, tưởng mình trên thiên hạ hết thảy, hễ đi ngoài đường hương chức không chào hỏi thì thầy bắt lỗi, lúc ngồi nói chuyện, anh em bạn nói chơi lỡ lời thì thầy hay trành tròn. Còn làng cùng dân đến nhà mà lo lót với thầy nhiều khi thầy ở trên lầu trửng giỡn với vợ mà để cho người ta đợi một hai giờ, mà chừng thầy ra khách đặng thâu tiền, thầy cũng chẳng hề mời khách ngồi, để họ đứng khóm róm khoanh tay đặng cho thầy ra mặt người sang trọng.
Có nhiều người già cả lụm cụm có việc đến cầu thầy; thầy không kiêng nể tuổi tác cứ bắt đứng khoanh tay, nếu ông Hương sư Sắc mà thấy cái cảnh nầy, chẳng biết ông vui được con cao sang, hay là buồn vì con xấc xược.
Thầy thông Phong được giàu sang thanh thế, thầy đã không nhớ ơn cúc dục, mà lại còn trách mẹ cha sao hồi khai sanh cho thầy không kiếm chữ tốt mà lót tên. Để bây giờ kêu là Trần Văn Phong nghe chẳng khác nào tên mấy thằng dân trong làng kia vậy. Thầy kiếm mấy ông thông chữ nho mà hỏi coi tên thầy bây giờ lót chữ gì tốt. Họ khuyên thầy lót chữ Xuân đặng thành Xuân Phong là gió mùa Xuân. Thầy nghe cắt nghĩa lấy làm đắc ý, lật đật viết thơ cho nhà in trên Sài- gòn mà đặt một trăm danh thiệp mà đề như vầy:
TRẦN XUÂN PHONG
Interprète de l'Administrateur Chef de province
CHÂU ĐỐC
Mấy thầy trong tỉnh ai nấy thấy danh thiệp như vậy cũng tức cười, nhưng cười thầm mà thôi, chớ chẳng ai dám cười trước mặt.
Từ ngày cưới vợ cho con xong rồi, vợ chồng ông Hương sư Sắc, vì xét phận mình nghèo, nên sợ dâu về nhà nó thấy nhà mình xấu nó khi dễ nên không dám biểu dâu con về thăm, nhưng mà hai ông bà thầm ước chúng nó dắt nhau về chơi một lần, đặng cho hương chức trong làng họ biết mặt con dâu giàu sang, kẻo họ nghi mình khoe dối.
Hai ông bà chờ đến ba bốn tháng mà không thấy con dắt dâu về, túng thế bà lên Châu-đốc mà thăm rồi biểu con xin phép về chơi ít bữa.
Thầy thông Phong dọ ý vợ thì vợ bằng lòng đi chơi cho biết Tầm-vu. Thầy rất mừng lật đật xin phép nghỉ một tuần lễ rồi dắt về thăm tổ quán.
Ông Hương sư Sắc thấy con dâu về nhà thì ông mừng quýnh, bởi vậy ông lăng xăng lớp thì hối đứa ở quét sân lau ván, lớp thì cậy lối xóm lên chợ Tân-an mua thịt cá với bánh mì.
Bà con cùng hương chức trong làng nghe nói có vợ chồng thầy thông về, rùng rùng kéo nhau đến thăm, tuy ngoài miệng nói đến mừng vợ chồng thầy, song trong lòng quyết xem coi cô thông có thiệt con nhà giàu sang hay không.
Thầy thì hiu hiu tự đắc, cười nói om sòm, còn cô thì chim bỉm tự cao, ai hỏi cô cũng biếng ừ biếng nói.
Nhơn tình thiệt là lạ! Ai đến đó thấy áo quần của cô thông lòa lẹt, thấy hột xoàn của cô chớp nhoáng, rồi áp trầm trồ khen ngợi ông Hương sư Sắc có phước chớ chẳng có một ai dọ tánh nết cô thông tốt xấu thế nào.
Lúc ăn cơm, thịt cá dọn đầy mâm mà cô thông cứ ngồi chống đũa ngó ngơ, chê cá kho tanh, cơm hôi cám cô ăn không được.
Tối lại ông Hương sư hối bà quét giường của ông cho sạch sẽ, rồi giũ mùng trải chiếu mới, đặng cho con dâu ngủ cho tử tế. Như Hoa ngủ tại giường cha mẹ chồng mà cô cứ cằn nhằn mùng cũ hôi mốc, chiếu cấn đau lưng, cô ngủ không được.
Sớm mai gần chín giờ cô mới thức dậy. Lúc trong mùng bước ra thì mẹ chồng đỗ nước sẵn trong thau cho cô rửa mắt, mà cô còn trề môi nhăn mặt chê nước đục lại hôi phèn.
Thầy thông xin phép nghĩ tám bữa. Mà về nhà chơi mới có một ngày một đêm, chưa đi thăm bà con được một người nào, rồi cô nói với thầy sao đó không biết, mà trưa bữa sau thầy sửa soạn bỏ quần áo vô va ly thưa với mẹ cha rằng thầy phải lên Sài-gòn mua đồ cho ông Cai Tổng rồi vợ chồng dắt nhau đi tuốt, không trở về Tầm-vu nữa.
Có đêm vợ chồng ông Hương Sắc ngủ đã thèm rồi, đến khuya thức dậy nấu nước trà uống mà nói chuyện đời với nhau. Ông vưà cười vưà nói rằng:
- Mình cưới được con dâu giàu sang thiệt là đẹp mặt nở mày quá. Người trong làng ai cũng cho nhà mình đại phước.Tuy vậy mà nghĩ lại con dâu mình nó chưa têm được cho mình một miếng trầu cho mình ăn, chưa nấu được một siêu nước cho mình uống.
Bà châu mày trợn mắt mà đáp rằng:
- Ối! Miễn nó giàu sang thì thôi, tôi không chấp nhứt chi hết. Ông muốn có dâu nó têm trầu cho ông ăn, nấu nước cho ông uống lắm sao? Vậy sao hồi trước ông không kiếm con ăn mày mà cưới, chớ con người ta như vàng như ngọc từ nhỏ chí lớn kẻ bẩm người dạ, không làm động móng tay, gót chân không chấm đất, bây giờ ông biểu nó vô bếp mà nấu nước cho ông uống hay sao?
Ông vuốt râu và cười mơn mà nói rằng:
- Ta nói chuyện nghe chơi vậy thôi, chớ ai bắt tỳ bắt ố gì đó hay sao mà bà giận.
Xét bấy nhiêu đó thì biết vợ chồng ông Hương Sắc trọng con dâu là dường nào. Gái khôn thấy cha mẹ chồng nghèo càng thương, thấy cha mẹ chồng tưng tiu càng sợ. Như Hoa đã không thương, không sợ, mà thấy thói cha mẹ chồng quê, thấy cha mẹ chồng xấu lại đem lòng khinh khi bỉ bạc, bởi vậy về tới Châu-đốc rồi hễ ai hỏi thăm chuyện bên chồng của cô, thì cô trề nhún, tỏ ý khinh thị bên chồng biết chừng nào. Nhiều khi nói chuyện với thầy cô cũng tỏ ý ấy, chớ không kiêng nể chi hết. Mà hay cho thầy, thầy nghe lời khinh bỉ cha mẹ mà thầy đành đoạn ngồi ngó vợ mà cười tự nhiên, đã không chỉ chỗ quấy mà dạy vợ, lại cũng không phiền trách cô chút nào hết.
Cô đã sẵn tánh khinh chồng nghèo, mà thầy cũng có sẵn tánh sợ vợ giàu, bởi vậy hai tánh ấy gặp nhau mới có năm sáu tháng mà trong chốn gia đình mọi
việc đều tự quyền cô nhứt định hết thảy. Cô muốn đánh bài giờ nào tuỳ ý, đến nhà thiên hạ đánh đã thèm rồi, lại còn rủ họ về nhà mình mà đánh nữa, kiếm đàn bà không đủ tay, cô rủ tới đàn ông mà thầy cũng không dám cản. Thầy lãnh lương bao nhiêu phải đưa hết cho cô, ai đem đền ơn thầy bao nhiêu thầy cũng không dám giữ, bửa nào thầy muốn đi chơi với anh em thì thầy xin năm ba chục đồng bỏ dằn bóp mà thôi.
Thầy ở vậy mà cũng chưa vừa lòng cô, nhiều khi còn phải bị mắng nhiếc. Thầy sợ rầy rà trong nhà nên hễ cô nói lớn tiếng thì thầy lặng thinh bỏ đi chỗ khác. Cô thấy vậy càng lên nước, nên cứ theo ăn hiếp thầy hoài, biết rằng hễ nói ra thì thầy chịu nhịn thua dường ấy có hại gì mà không dám nói, lần lần rồi cô hành hạ thân thầy chẳng khác nào đứa ở trong nhà, hễ cô giận dầu trước mặt làng tổng hay là mấy thầy cô cũng mắng.
Có một vài thầy thân thiết thấy gia đình của thầy như vậy thì buồn dùm cho thầy và trách thầy sao không dạy vợ, để nó hỗn ẩu quá như vậy thiên hạ chê cười. Thầy không biết lấy tiếng chi mà chữa mình, túng thế thầy mới nói rằng:
- Ở nhà tôi nó hiền lắm chớ, không biết tại sao mà từ hôm có nghén đến nay nó quạu quọ như vậy. Tôi chắc hễ nó đẻ rồi thì nó hết hỗn nữa.
Thiệt cô Như Hoa đã có nghén. Đến ngày khai hoa cô đẻ một đứa con trai. Thầy thông Phong mừng húm nên hễ mãn giờ làm việc rồi về nhà cứ cà-rà một bên vợ đặng bồng con. Cô nói cho con bú cực khổ cô chịu không nổi. Bà Cai Tổng Luông lật đật về bên nhà ép vợ một tên tá điền phải dứt sữa con nó đặng ra ở vú nuôi con cho cô Như Hoa.
Cô đẻ vừa mới đầy tháng thì đã rủ họ đến đánh bài lại như cũ. Bởi còn non ngày nên cô phải đánh tại nhà, chùng cứng cáp rồi, cô lần lần tới nhà họ mà đánh. Có khi cô đánh bài ban ngày rồi đánh luôn tới ban đêm nữa, cô không thèm ngó ngàng chi hết.
Thầy thương con, mà thấy cô lạt lẽo với con như vậy thì thầy buồn nên đêm nọ thầy dùng lời dịu ngot mà khuyên cô hãy giảm bớt bạc bài, để có giờ săn sóc con cho tử tế. Thầy nói nhỏ nhẹ mà cô lại óng tiếng đáp lại rằng:
- Tao đánh bài dầu có thua đi nữa, thì tao thua tiền của mầy hay sao mà
mầy nói? Tao là con nhà giàu, từ nhỏ đến lớn tao ăn xài bài bạc chơi đã quen rồi chớ phải quân ăn mày coi đồng bạc như cái bánh xe đâu. Mầy có chê tao thì mầy để (40) tao ra rồi đi cưới vợ khác đi. Cha chả! Mầy tưởng tao màng cái tuồng mặt mầy lắm sao? Bực mầy đó là đồ bỏ đa, đừng có làm phách.
Thầy thông Phong nghe mấy lời hỗn hào mà lại bất nghĩa quá như vậy thì thầy buồn tủi nên nằm gác tay qua trán lặng thinh, mà nước mắt tuôn dầm dề.
Đến chủ nhựt thầy qua Phú-hội than phiền với cha vợ, thì Cai Tổng Luông kiếm lời an ủi thầy, hứa rằng bữa nào ông qua ông sẽ rầy con.
Thiệt đến đầu tháng ông Cai Tổng Luông đi hầu lệ ông có ghé rầy la Như Hoa. Mà ông rầy cũng như không, bởi vì ông về rồi cô cũng đi đánh bài và chửi chồng như cũ. Thầy buồn chí không muốn nói đến vợ nữa, bổn thân coi săn sóc giỡn chơi với con cho giải khuây.
Thầy đặt tên con là Trần Xuân Sơn, nhưng vì cô cằn nhằn trách thầy sao không lựa tên tây mà đặt, nên trong nhà cỡi lại mà kêu thằng Jean.
Thằng nhỏ da trắng, tóc nhiều, biết cười, biết ngó, lại thêm sổ sữa, nên coi thiệt là ngộ nghĩnh. Tuy thầy đau lòng về vợ song thầy vui lòng được chút con, hễ về nhà thấy con thì thầy bớt buồn, bởi vậy thầy chẳng lấy làm sầu não cho lắm.
---------------------
38 tương tư
39 huy chương
40 ly dị, bỏ