Số lần đọc/download: 7574 / 93
Cập nhật: 2016-08-01 22:05:00 +0700
Chương 8
T
rong khi Lu-ga-nốp ở Vô-rô-ne-giơ đang vui vẻ nói chuyện với bà Na-vơ-rô-xcai-a và vùi đầu vào các tập hồ sơ lưu trữ, thì ở N., Mi-rô-nốp cũng đang khẩn trương dò tìm tung tích của Cô-nhi-lê-va. Giờ đây, đã xác định được là ở Cui-bư-sép lẫn Vô-rô-ne-giơ đều không có Cô-nhi-lê-va. Còn giả thuyết về Ki-xlô-vơ-xcơ cũng không có căn cứ gì cả nên đối với cuộc điều tra đối tượng còn lại duy nhất ở N. là Rư-gi-cốp. Đường dây này có vẻ chắc hơn vì chính Cô-nhi-lê-va đã bị giam tại các trại tập trung của bọn Hít-le ngay trong vùng N. này. Tính chất quan hệ của Rư-gi-cốp với Cô-nhi-lê-va có nhiều vẻ đáng nghi ngờ lắm. Sự chú ý của An-đrây đối với Rư-gi-cốp càng tăng lên sau khi, sau một hai hôm ở N. nghiên cứu, anh đã có nhiều điểm bổ sung đầy đủ hơn so với những điều anh đã biết trước đây. Mi-rô-nốp cũng thấy nhẹ nhõm hơn khi anh biết rằng, Rư-gi-cốp làm việc ngay tại nhà máy vô tuyến điện ở N. chứ không phải ở nhà máy bí mật vùng ngoại ô như anh tưởng trước đây.
Tới N. An-đrây đến nhà máy vô tuyến điện nơi Rư-gi-cốp đang làm việc. Sau khi làm việc với Đảng ủy, phòng tổ chức cán bộ và nói chuyện với những người biết anh ta, Mi-rô-nốp đã thấy là kỹ sư Rư-gi-cốp tuy đã sống và làm việc ở đây nhiều năm nhưng chưa hề có tiếng khen nào tốt đẹp cả. Ngược lại là khác. Rư-gi-cốp rất khôn khéo, xảo trá, có nhà riêng và thích chạy đua theo "lối sống phương Tây". Nhìn chung phần lớn những dư luận về anh ta đều không hay lắm, tuy không ai kết luận là xấu. Nhưng điều đó mới chỉ là một mặt của vấn đề. Mi-rô-nốp còn chú ý đến điểm khác: anh đã điều tra thấy Rư-gi-cốp chả có chị em thúc bá nào cả. Như vậy, việc Ôn-ga nhận Rư-gi-cốp làm anh họ là hoàn toàn bịa, cô ta đã dối trá bao nhiêu lần rồi...
Thêm nữa theo những điều mà Mi-rô-nốp điều tra được thì ở đây không có ai cử Rư-gi-cốp tới Crai-xcơ công tác cả và nói chung việc cử đi công tác như vậy ở đây rất ít. Tuy vậy, khi đăng ký tạm trú ở khách sạn Crai-xcơ, Rư-gi-cốp lại đưa giấy công tác của nhà máy cấp hẳn hoi. Rõ ràng đây cũng là một việc mờ ám.
Trước khi áp dụng những biện pháp quyết định, Mi-rô-nốp thấy cần phải suy tính, xem xét thêm thật kỹ và thật khách quan.
Mấy ngày sau, ý kiến đó của Mi-rô-nốp đã được chứng minh là đúng vì có những hiện tượng đáng chú ý xảy ra. Vào một buổi chiều Rư-gi-cốp có một cuộc gặp gỡ, mà xét về thực chất nó có vẻ rất bí mật. Tan giờ làm việc, Rư-gi-cốp không về nhà mình mà đi thẳng ra cảng. Anh ta rẽ vào một bãi hàng và đứng đấy như chờ đợi ai. Đúng vậy, sau đó một lát có một người nữa xuất hiện, đi thẳng về phía anh ta và hai người sánh vai nhau như đi dạo. Vừa đi họ vừa nói chuyện khoảng chừng hai mươi phút dọc theo bến tàu.
Hành tung của họ đáng ngờ: gặp nhau -- không chào hỏi, chia tay -- không từ biệt và lúc đó Rư-gi-cốp lại dấm dúi đưa cho người kia một gói gì nho nhỏ. Trong khi nói chuyện thì anh kia mắt la mày lét ngó nhìn chung quanh như kiểm tra xem có ai đi theo họ không.
Theo điều tra thì biết rõ người gặp Rư-gi-cốp hôm đó là Láp-tin,nhân viên kỹ thuật của xưởng ra-đi-ô ở ngay khu vực cảng
Kết quả kiểm tra về Láp-tin sau cuộc gặp gỡ đáng ngờ kia đã mang lại nhiều thú vị. Láp-tin, một người đã đứng tuổi, là một kỹ thuật viên vô tuyến giàu kinh nghiệm. Trong thời kỳ Đức chiếm đóng, anh ta vẫn không rời khỏi xưởng vô tuyến lúc đó thực tế do cơ quan tình báo hải quân của Hít-le làm chủ.
Mi-rô-nốp lại mất công nghiên cứu thêm những hồ sơ lưu trữ về hoạt động của cơ quan tình báo hải quân Đức ở N. trong thời gian bị chúng chiếm đóng. Đúng là những buổi nghiên cứu đó không đến nỗi vô ích. Trong một cặp lưu trữ anh phát hiện được một lá đơn tố cáo gửi cho cơ quan an ninh vào năm cuối của cuộc chiến tranh.
Người viết đơn này là một đoàn viên thanh niên cộng sản kể rằng, theo sự phân phối của Xô-viết thành phố, anh được cấp một căn phòng vắng chủ của một tên tay sai đã bỏ chạy theo bọn phát-xít Đức sau khi chúng rút lui. Trong khi dọn dẹp, sửa sang căn phòng anh vô tình phát hiện thấy một ngăn ngầm xây trong tường có chứa đầy những truyền đơn in bằng máy. Đọc qua nội dung anh biết những truyền đơn chống Liên-xô này được in vào thời kỳ bọn Đức sắp rút khỏi thành phố. Anh rút ra một kết luận đúng đắn là người xây ngăn tường bí mật để giấu truyền đơn này phải là người đã ở trong căn phòng lâu năm, và sống ở đó cho đến trước khi quân phát-xít xâm lược rút khỏi thành phố N.
Cơ quan tình báo quân sự, sau khi nhận được lá đơn tố cáo, đã xác minh được người chủ trước sống ở căn phòng này là Su-ra-nốp -- một nhân viên của cơ quan tình báo hải quân phát-xít. Hắn đã chạy theo bọn Đức. Một hồ sơ phụ cho biết rằng, người thân thích duy nhất của Su-ra-nốp hiện còn lại trong thành phố này là Láp-tin, chú của hắn, làm kỹ thuật viên của xưởng vô tuyến điện. Ngoài ra, trong tập hồ sơ không còn giấy tờ gì khác.
Về dấu vết của Su-ra-nốp người ta không phát hiện được gì thêm, còn về Láp-tin cũng không có tài liệu gì mới khác nên việc này vẫn xếp vào kho lưu trữ hồ sơ.
Lấy tờ truyền đơn chống Liên-xô đính kèm theo lá đơn, Mi-rô-nốp đề nghị nghiên cứu kỹ xem nó được in ở đâu và do ai in. Với sự giúp đỡ của các cán bộ cơ quan an ninh tỉnh N. việc đó cũng đã làm xong. Nghiên cứu một cách kỹ càng và nghiêm túc nhiều mẫu chữ, các cán bộ điều tra xác minh rằng, truyền đơn này được in ở một xưởng in tư nhân hiện vẫn đang còn tồn tại. Thật ra thì nó đã vào hợp tác xã ngành in rồi nhưng người chủ cũ của nó vẫn làm việc ở đây với danh nghĩa đốc công.
Nói chuyện bằng điện thoại đường dài với Mát-xcơ-va, Mi-rô-nốp báo cáo vắn tắt với thiếu tướng Va-xi-li-ép những vấn đề thu lượm được.
-- Báo cáo đồng chí, -- An-đrây kết luận, -- tôi cho rằng, đường dây Rư-gi-cốp -- Láp-tin -- Su-ra-nốp là rất mới, cần phải chú ý, nhưng tôi không muốn bị sa vào việc này. Mục tiêu chính của tôi là Cô-nhi-lê-va, và trong kế hoạch này tôi chỉ cần đến Rư-gi-cốp thôi...
-- Đúng lắm, -- thiếu tướng tán thành. -- Anh đừng đi sâu vào nút phụ mà bỏ mất mạch chính là tìm cho ra Cô-nhi-lê-va. Còn đường dây mới: Su-ra-nốp -- Láp-tin hãy giao lại cho các đồng chí ở địa phương làm. Tuy nhiên, nếu họ yêu cầu, thì tôi sẽ bảo Ê-li-xtơ-ra-tốp ở lại giúp họ. Hiện nay đồng chí ấy đã hoàn thành đợt công tác ở N.
Sáng hôm sau, chuyên viên điều tra của cơ quan an ninh trung ương, Ê-li-xtơ-ra-tốp đến gặp Mi-rô-nốp. Trông anh độ ngoài bốn mươi một chút, người hơi cao, gầy, dáng lanh lẹn. Bộ tóc bóng bẩy, dày, chải ngược ra sau để lộ vầng trán cao. Đôi mắt màu gio của anh luôn nhìn thẳng vào người nói chuyện với mình một cách xoi mói.
Chẳng cần phải nghi thức gì cả, Ê-li-xtơ-ra-tốp ngồi ngay xuống trước mặt Mi-rô-nốp, dở nhanh từng tờ trong tập hồ sơ Su-ra-nốp -- Láp-tin, mải miết đọc. Thỉnh thoảng anh lại buông lửng vài câu rời rạc:
-- Một thằng hèn, một tên lọt lưới... Thằng phản bội... Đúng là kẻ thù ngụy trang...
Còn Mi-rô-nốp thì vẫn ngồi im lặng chờ cho Ê-li-xtơ-ra-tốp đọc.
Đọc xong tập hồ sơ, Ê-li-xtơ-ra-tốp gập mạnh bìa lại, ngẩng đầu hỏi Mi-rô-nốp:
-- Thế nào, An-đrây I-va-nô-vích, ý kiến anh ra sao?
Mi-rô-nốp nhún vai:
-- Thật lòng mà nói thì quả là tôi chưa có kế hoạch gì cụ thể cả. Láp-tin hay là Su-ra-nốp làm cho tôi chú ý bao nhiêu thì Rư-gi-cốp lại càng làm cho tôi cảnh giác bấy nhiêu. Nói đúng hơn, tôi chú ý đến mối liên hệ giữa Rư-gi-cốp và Cô-nhi-lê-va, chỗ trú ngụ của cô ta hiện nay. Do đó, tôi đang nghiên cứu một kế hoạch theo hướng này.
-- "Nghiên" với lại "cứu", -- cặp môi mỏng của Ê-li-xtơ-ra-tốp khẽ mấp máy, vẻ khinh thường. -- Anh định "nghiên cứu" lâu không? Còn tôi ấy à, đối với loại kẻ thù này thì chả cần lôi thôi mất thì giờ gì cả...
-- Không nên vội, Nhi-cô-lai I-va-nô-vích ạ, không nên vội. -- Mi-rô-nốp cố nén tự ái, điềm tĩnh nói. -- Tại sao lại vội vã kết luận như vậy được? Anh tin rằng Láp-tin là kẻ thù à? Ông ta không như Su-ra-nốp, vì rằng ta không có những chứng cớ cụ thể về tội lỗi của Láp-tin...
-- Vâng, thì tôi tin. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp cắt ngang lời Mi-rô-nốp. -- Còn chứng cớ ư? Sẽ có chứng cớ. Cần phải tìm ra chứng cớ chứ chúng nó có phải tự nhiên ở trên trời rơi xuống đâu. Cần phải điều tra để tìm chứng cớ.
Mi-rô-nốp im lặng suy nghĩ. Anh nhớ lại cuộc va chạm về quan điểm giữa anh với Ê-li-xtơ-ra-tốp vào đầu những năm năm mươi. Lúc đó anh mới được điều động về cơ quan an ninh trung ương. Trong một cuộc họp tổng kết nghiệp vụ, anh đã phát biểu tranh luận một vài quan điểm khác nhau về phương pháp công tác. Anh cho rằng, một sai lầm nghiêm trọng của một số cán bộ an ninh là quá say sưa lao vào những việc điều tra, hỏi cung vụn vặt mà không chịu phân tích kết quả của nó. Theo quan điểm của Mi-rô-nốp thì việc hỏi cung người bị bắt không thể và không bao giờ được coi là giữ vai trò quyết định duy nhất trong việc xác minh tội lỗi của người đó. Vai trò quyết định, -- Mi-rô-nốp nói, là ở những cuộc điều tra sơ bộ hay đại thể, ở chỗ nghiên cứu một cách tỷ mỉ và kỹ càng tất cả mọi sự kiện, hiện tượng, hoàn cảnh và chỉ qua quá trình đó mới có thể thu thập được những chứng cớ không thể bác bỏ, không thể chối cãi được về tội lỗi của người ấy. Còn nếu như chưa điều tra kỹ lưỡng mà chỉ dựa vào những lời khai của người bị bắt hoặc của các nhân chứng rồi quyết định bắt người ta, như một số trường hợp đã xảy ra, là hoàn toàn không nên...
Mi-rô-nốp đã khẳng định như vậy, nhưng không phải ai cũng đồng ý với anh ngay. Nhất là Ê-li-xtơ-ra-tốp lúc đó được coi như là một "thần tượng" của cơ quan an ninh nhà nước. Anh ta đã bác bỏ ý kiến đó, coi như là ý kiến của một người chưa có kinh nghiệm trong công tác điều tra. Mặc dầu vậy, Mi-rô-nốp vẫn bảo vệ những ý kiến của mình, đồng thời anh tin rằng không phải chỉ riêng anh mới có những quan điểm như vậy...
Mấy năm sau các cơ quan an ninh nhà nước đã có những cải tiến cơ bản cả về tổ chức lẫn các phương pháp điều tra. Quan điểm của Mi-rô-nốp và số người ủng hộ anh được chứng minh là cơ bản đúng.
Còn Ê-li-xtơ-ra-tốp thì sao? Lúc bấy giờ anh ta lại là một trong những người lớn tiếng nhiều nhất. Tại bất cứ cuộc họp nào và bất cứ ở đâu, anh ta cũng luôn luôn to miệng phê phán những phương pháp sai lầm cũ và đổ lỗi mọi sai lầm đó cho những người lãnh đạo trước đây. Anh ta đã làm lành với Mi-rô-nốp và hay nhắc lại sự xung đột quan điểm cũ. Những năm gần đây Mi-rô-nốp cho rằng Ê-li-x tơ-ra-tốp đã đoạn tuyệt với phương pháp và phong cách làm việc cũ kỹ, thế mà tại sao giờ đây anh ta lại có ý kiến như vậy được?..
An-đrây trầm ngâm suy nghĩ và tự nhủ thầm là phải chăng mình đã vội vàng nhớ tới những sai lầm cũ, và thành kiến với anh ta chăng? Cũng có thể là như vậy, nhưng cần nhìn nhận Ê-li-xtơ-ra-tốp kỹ hơn vì những năm gần đây họ ít liên quan đến nhau trong công tác...
-- Thế thì thế này vậy, anh Nhi-cô-lai I-va-nô-vích ạ, -- Mi-rô-nốp nói, -- chúng ta thống nhất với nhau: anh sẽ phụ trách Láp-tin và tìm Su-ra-nốp nhưng nhớ là đừng có làm hỏng việc đấy. Còn tôi sẽ truy tìm Cô-nhi-lê-va và sẽ vạch kế hoạch điều tra Rư-gi-cốp. Chúng ta sẽ thông báo kết quả cho nhau trong quá trình điều tra. Đồng ý thế chứ?
Ê-li-xtơ-ra-tốp im lặng nhún vai đi ra, sau khi đóng sầm cửa phòng lại.
Ngay sớm hôm sau, Ê-li-xtơ-ra-tốp cùng một cán bộ điều tra của Cục an ninh nhà nước tỉnh N. gọi người chủ cũ xưởng in đã nhận in tập truyền đơn tìm thấy trong ngăn tường bí mật đến hỏi cung. Vừa mới trông thấy tờ truyền đơn ông già đã nhận ngay là nó đã được in ở xưởng ông và thề với nhà chức trách rằng, lúc đó ông không thể nào làm khác được. Lúc đó chính quyền trong tay bọn Đức!..
-- Đúng, không ai kết tội ông cả! -- Ê-li-xtơ-ra-tốp ngắt lời ông già đang hoang mang, ngơ ngác. -- Tốt hơn hết là ông hãy nói, ai giao cho ông in cái của ghê tởm này?
Quả là ông già khó mà nhớ được. Theo ông nói, hình như có một người đứng tuổi, ăn mặc sang trọng đã đến gặp ông. Nhưng khẳng định lại diện mạo người đó thì ông không thể nhớ nổi. Đã hàng chục năm trôi qua rồi.
-- Đứng tuổi à, ông nhớ chứ? -- Ê-li-xtơ-ra-tốp dằn giọng hỏi.
Rõ ràng là người chủ xưởng in khó mà trả lời được.
-- Ông còn chần chừ gì nữa, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp cao giọng, vẻ hách dịch, -- ông hãy nói thẳng ra. Ông có xác định lại lời ông vừa nói rằng, đấy là một người đứng tuổi hay là ông chối từ?
Rõ ràng là lời lẽ và giọng nói đó đã có tác dụng mạnh đến nỗi người chủ xưởng in cuống lên.
-- Tôi xác nhận, xin xác nhận, -- ông già vội lắp bắp nói, -- ông nói đúng, tất nhiên là đúng, rằng đó là người đứng tuổi...
-- Hắn đây hả? -- Ê-li-xtơ-ra-tốp như reo lên và cầm tấm ảnh Láp-tin để úp trên bàn giơ ra trước mặt người chủ xưởng in đang hoang mang cực độ. -- Hắn phải không? Ông biết hắn chứ?
Ông già lại do dự nói:
-- Thưa ngài dự thẩm, tôi không biết được ạ.
-- Sao? Ông gọi ai là ngài ở đây, hả? -- Ê-li-xtơ-ra-tốp lại cắt ngang lời ông già, -- ông quên là ông đang sống ở thời nào và ông đang ngồi ở đâu hả?
-- Tôi có lỗi, ngài đồng chí, tôi xin lỗi. -- Ông già sợ quá líu cả lưỡi. -- Quả thực tôi không thể nhớ được, xin ngài à...xin ông tự xét hộ. Bao nhiêu năm rồi... có thể là giống đấy nhưng cũng có thể không phải là ông ta thì sao ạ?
-- Nhưng dầu sao cũng có nét giống chứ? -- Ê-li-xtơ-ra-tốp vẫn cố bắt ông già phải nhận.
-- Dạ,có giống ạ, -- ông già trả lời vì ông biết rằng, người ta đang mớm cho ông trả lời như vậy, -- rõ ràng là giống ạ...
-- Thế chứ, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp nói, vẻ hài lòng, -- chúng tôi sẽ ghi biên bản lời chứng của ông.
Anh ta với tay rút trong cặp ra tờ mẫu in sẵn biên bản hỏi cung và vừa hỏi vừa viết lia lịa với một vẻ hài lòng tự tin.
-- Tên, tên đệm? Họ? Năm sinh? -- Anh ta hỏi cụt lủn. -- Tôi báo cho ông biết rằng nếu ông mà khai man thì sẽ bị xử phạt theo hình sự đấy. Rõ chưa? Phải khai cho thật. Thế qua bức ảnh đưa cho ông xem, ông khẳng định người trong ảnh này là ai? Hà hà, được. Đó là người đã ra lệnh cho ông in các truyền đơn chống Liên-xô trong thời gian Đức chiếm đóng. Có phải không? Khai tiếp đi...
Công việc tiến hành khá nhanh. Không đầy một giờ sau, biên bản khẩu cung đã làm xong. Anh chàng nhân viên điều tra trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm của Cục an ninh tỉnh N. được phân công giúp việc Ê-li-xtơ-ra-tốp băn khoăn liếc trộm cấp trên ở trung ương về, lòng thầm nghĩ tới kết quả nhanh chóng và dễ dàng mà anh ta đã làm cho ông già kia phát hoảng lên để nhận mọi lời mớm cung và đã hoàn thành tờ biên bản một cách chóng vánh đến như vậy.
Trong khi đó thì, Ê-li-xtơ-ra-tốp, hình như không muốn để mất thì giờ và cũng chả hỏi ý kiến ai, đã cho gọi luôn Láp-tin đến để hỏi cung. "Lão già không thể chối cãi gì cả. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp suy nghĩ. -- Lão đang hoang mang. Còn ở đây, ở đây thì không ai lại xử người chiến thắng cả. Để xem rồi đây anh chàng kênh kiệu Mi-rô-nốp có còn khoác lác nữa không. Công này ngoài ta ra thì còn ai vào đây được nữa. Chỉ mình ta thôi!"
Anh nhân viên Cục an ninh tỉnh N. định phản đối việc gọi Láp-tin một cách nóng vội như vậy thì Ê-li-xtơ-ra-tốp trả lời gọn lỏn: ồ, anh bạn trẻ ạ, miệng chưa hết hơi sữa mà cứ làm ra vẻ!
Khoảng nửa giờ sau Láp-tin vẻ rụt rè bước vào phòng. Ê-li-xtơ-ra-tốp giơ tay chỉ chiếc ghế cho ông. Ông già ngồi xuống, lặng lẽ và lo lắng đưa mắt nhìn chung quanh. Mấy phút im lặng trôi qua: Ê-li-xtơ-ra-tốp nhìn chằm chặp vào Láp-tin, thái độ tỏ vẻ thông cảm.
-- Nào, chúng ta làm quen nhau đi, -- cuối cùng Ê-li-xtơ-ra-tốp lên tiếng trước, giọng nói có vẻ bình thường, tử tế. -- Tôi là Ê-li-xtơ-ra-tốp. Nhi-cô-lai I-va-nô-vích Ê-li-xtơ-ra-tốp. Tôi là dự thẩm trưởng của Ủy ban an ninh nhà nước. Bây giờ đến lượt ông: ông hãy kể sơ qua về mình, đừng ngại ngần gì cả.
Láp-tin, rõ ràng là hồi hộp, kể vắn tắt tiểu sử mình. Còn Ê-li-xtơ-ra-tốp sau khi nghe xong liền cầm một tờ biên bản khẩu cung giơ lên.
-- Ông biết cái gì đây không? -- Anh ta hỏi, giọng hăm dọa. -- Không à? Đây là tờ b-i-ê-n b-ả-n. -- Hai tiếng "biên bản" Ê-li-xtơ-ra-tốp nói dằn mạnh, tách từng âm một. -- Biên -- bản hỏi cung. Hiểu chưa? Giờ tôi sẽ hỏi ông và nhiệm vụ của ông là trả lời cho thật, và nhớ là chỉ được nói thật. Hiểu chứ?
Đôi mắt ông già nhân viên kỹ thuật giương to, kinh ngạc.
-- Biên bản à? -- Ông hỏi lại có vẻ không tin ở tai mình. -- Hỏi cung? Hỏi cung tôi à? Nhưng, sao lại như vậy? Tôi có lỗi gì? Tôi chả biết là mình có lỗi gì cả...
Ê-li-xtơ-ra-tốp cười ha hả:
-- Lại dở vở cũ rồi, ông Láp-tin ạ. Mọi người bị gọi đến đây cũng đều mở đầu như vậy. Nhưng sau đó, như người ta vẫn nói là chả dấu được gì cả. Chỉ tiếc rằng, đến lúc đó thì đã muộn. Ông càng ngoan cố bao nhiêu thì càng làm khổ mình bấy nhiêu thôi. Biết làm sao khác được, vì rằng, nếu ông tự nói ra, nói hết mọi việc ra, thì tức là ông tự mình đình chỉ các hoạt động chống Chính quyền xô-viết của ông lại. Điều đó sẽ có lợi cho ông. Và tôi sẽ là người đầu tiên đề nghị khoan hồng cho ông. Nhưng nếu như ông cứ ngoan cố chối cãi thì sự khoan hồng không đến với ông đâu. Mà trước sau rồi ông cũng phải khai hết. Dù sớm hay muộn, nhưng rồi ông cũng phải khai hết! Khai sớm bao nhiêu càng tốt cho ông bấy nhiêu.
Tuy vậy, Láp-tin vẫn lặng thinh, Ê-li-xtơ-ra-tốp đã bắt đầu nổi cáu, giọng nói đầy vẻ dọa dẫm:
-- Đây, đồng hồ đây, -- anh ta cau có, nói. -- Tôi cho ông suy nghĩ hai phút, nếu sau hai phút mà ông vẫn không nói gì cả thì tôi sẽ vạch mặt ông ra. Có chứng cớ hẳn hoi. Có tài liệu hẳn hoi. Đến lúc ấy thì đừng hòng có khoan hồng gì cả...
Vô ích. Láp-tin vẫn im lặng.
-- Được. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp cau có càu nhàu. -- Tôi buộc phải vạch ra cho ông thấy vậy.
Anh ta giơ tay chỉ vào mấy chiếc cặp giấy dày cộp để trên bàn.
-- Ông nghĩ xem, cái gì đây? Giấy lộn chắc? Không phải đâu, ông bạn thân mến ạ! Đây, theo như người ta vẫn nói, là tiểu sử đời ông đấy. Tất cả tội lỗi mà ông đã làm đều được ghi và giữ ở đây đấy. Thế nào, ông hiểu chứ? Nào, thế bây giờ chúng ta bắt đầu nói chuyện chứ.
Láp-tin ngơ ngác nhún vai:
-- Này, đồng chí dự thẩm...
-- Này, này, này! -- Ê-li-xtơ-ra-tốp cau có ngắt lời. -- Tôi đồng chí gì với ông? Ông, thưa ông dự thẩm. Hiểu chưa? Nhớ lấy!
-- Được thôi. Nhưng, thưa ông dự thẩm tôi muốn nói rằng, có lẽ chả ai có thể biết tôi hơn chính tôi biết tôi, -- người chuyên viên già nói.
Ê-li-xtơ-ra-tốp càng cau có, giận dữ đối với Láp-tin bao nhiêu thì ông già lại càng điềm tĩnh bấy nhiêu. Ê-li-xtơ-ra-tốp hiểu rõ điều đó và anh ta liền đổi chiến thuật, cố giữ vẻ bình tĩnh, tử tế như lúc ban đầu:
-- Ông bạn ạ, ông cáu giận tôi làm gì? Chả lẽ ông lại không hiểu được rằng, tôi muốn giảm nhẹ gánh nặng số mệnh cho ông hay sao? Số mệnh của ông và...-- Ê-li-xtơ-ra-tốp giả vờ ngừng một lát để dò phản ứng của ông già, -- và của cháu ông.
Quả là cú đấm này đã đánh đúng vào chỗ yếu của ông già. Láp-tin giật mình, nhỏm dậy:
-- Cháu tôi à? Nhưng, lạy Chúa, thằng bé ở đâu? Có chuyện gì vậy?
-- Ông cứ ngồi xuống! -- Ê-li-xtơ-ra-tốp quát lên, -- Sao? Chạm nọc rồi hả?
Láp-tin nặng nề gieo mình xuống ghế. Tay ông run bần bật.
-- Thế nào, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp nói tiếp. -- Ta bắt đầu bằng thằng cháu của ông chứ?
-- Cháu nào? -- Láp-tin thở dài, buồn rầu nói. -- Cháu tôi. Tôi biết nói gì về nó được? Nó là một đứa tốt, nhưng bị mồ côi từ bé. Nó lớn lên chả có bố mẹ. Chỉ còn mình tôi đối với nó là người thân thích nhưng tôi làm gì với nó được? Thằng bé trở nên hư đốn, giao du với bọn người xấu. Rồi thì chiến tranh, và bọn Đức đến... Nó sa ngã, suốt ngày bám lấy bọn Đức và khi chúng bị đuổi khỏi đây thì nó cũng biến mất luôn. Cứ như là chìm nghỉm dưới nước ấy... Ông biết nó chứ? -- Giọng Láp-tin như nghẹn lại, đau xót. -- Tôi chỉ còn mình nó là người thân thiết. Một mình nó.
-- Chà, chà, chà! -- Ê-li-xtơ-ra-tốp lại cười vang, vẻ đắc chí. -- Thôi, ông đừng dài dòng con cà con kê nữa. Bỏ cái giọng rên rỉ ấy đi! -- Ê-li-xtơ-ra-tốp bỗng đổi giọng. -- Đừng lấy vải thưa che mắt thánh nữa. Ông hãy khai hết những việc mà ông với cháu ông làm với bọn Đức, về chuyện in truyền đơn...
-- Tôi không làm việc với bọn Đức, -- Láp-tin ngơ ngác nói. -- Tôi không biết tí gì về truyền đơn nào cả.
-- Sao lại không làm gì? Cả truyền đơn cũng không biết gì cơ à? Thế còn cháu ông, nó làm việc với bọn Đức, ông cũng không biết chứ?
-- Đúng, có lẽ như vậy đấy.
-- Sao lại "có lẽ"? Nói cho thật chính xác: có hay không?
-- Ừ, thì có làm...
-- Tôi nhắc lại nhé: cháu ông là kẻ phản bội Tổ quốc, là tên bán nước, là tay sai của cơ quan tình báo phát-xít. Có phải thế không?
-- Có thể là như vậy, nhưng tôi làm sao mà biết được.
-- Đừng chối quanh. Tôi nhắc lại câu hỏi: ông có biết là cháu ông làm việc cho bọn tình báo Đức không? Cả thành phố N. này đều biết điều đó!
-- Ừ, thì cứ cho là như vậy. Cứ cho là nó đã làm việc ấy.
-- Thế trong suốt thời gian đó ông có liên lạc, gặp gỡ cháu ông không?
Những câu hỏi của Ê-li-xtơ-ra-tốp nêu lên cụ thể, với giọng hỏi nhát gừng đòi phải trả lời ngay, giống như một loạt đạn súng máy liên hồi, khô khan xoáy vào trí não Láp-tin. Ông già đâm ra hoang mang, choáng váng. Dĩ nhiên ông ta có gặp cháu mình trong thời gian thành phố bị chiếm đóng và ông cũng không định chối điều đó. Láp-tin đã kể lại việc cháu ông muốn giúp ông thực phẩm và các thứ khác nhưng ông đã kiên quyết cự tuyệt và ông đã khuyên nó phải rời bỏ bọn Đức đi nhưng Ê-li-xtơ-ra-tốp tỏ ý không muốn nghe. Ông có liên lạc với cháu ông -- nhân viên của bọn tình báo phát-xít không? Có chứ! Thế là được rồi! Còn những điều khác Ê-li-x tơ-ra-tốp không cần biết.
Người nhân viên giúp việc của Cục an ninh N. vẫn im lặng ngồi cạnh Ê-li-xtơ-ra-tốp. Anh có vẻ rất hoang mang.
-- Thưa đồng chí thiếu tá, -- cuối cùng rồi anh ta đành phải lên tiếng với Ê-li-xtơ-ra-tốp, -- như thế này không nên đồng chí ạ. Tôi không hiểu được là...
-- Đã không hiểu thì đừng có phá ngang. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp cục cằn cắt lời anh.
-- Với kiểu làm ăn này, tôi xin phép được ra ngoài. -- Anh cán bộ trẻ đứng dậy, rời khỏi chỗ làm việc. -- Tôi cho rằng, sự có mặt của tôi ở đây là thừa.
Ê-li-xtơ-ra-tốp cười, vẻ mỉa mai và gật đầu, nói:
-- Anh cứ việc đi ra.
Cánh cửa sau lưng người nhân viên trẻ đóng sầm lại. Ê-li-xtơ-ra-tốp ngồi lại một mình, hơi trầm ngâm, im lặng, hai tay chống cằm. Bỗng anh ta lắc đầu và hỏi rất bất ngờ:
-- Ông hợp tác với bọn Đức, với cơ quan tình báo phát-xít từ lúc nào?
-- Tôi không hề hợp tác gì với bọn Đức cả.
-- Đừng ngoan cố. Trong thời gian bị chiếm, ông vẫn làm việc ở xưởng, ở cảng, phải không? Và, cả cháu ông cũng đã làm ở đấy, có phải không?
-- Phải.
-- Các xưởng đó thuộc quyền ai? Thuộc bọn Đức chứ? Thuộc cơ quan tình báo quân sự, chả lẽ không phải chăng?
-- Tôi không biết điều đó.
-- Ông không biết là các xưởng ra-đi-ô thuộc bọn Đức à? Ông định đùa chăng?
-- Không, điều này, tất nhiên là tôi biết nó thuộc về bọn Đức, nhưng còn cơ quan tình báo quân sự thì...
-- Ai mà chả biết được các xưởng đó do bọn Đức nắm. Như thế là ông làm việc cho ai: cho bọn Đức, tức là hợp tác với bọn tình báo phát-xít chứ gì?
Láp-tin bực tức xua tay:
-- Theo ông thế tức là đã hợp tác với bọn Đức?
-- Theo tôi à? Thế còn theo ý ông thì sao?
Láp-tin im lặng.
-- Nào, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp tiếp tục, -- thế bây giờ ông còn định chối nữa hay không?
-- Ông muốn ghi gì thì tùy ông, -- vẻ mệt mỏi, bực bội, Láp-tin khoát tay, nói. -- Tôi sẽ ký tất cả. Chả cần.
-- "Ông cứ việc ghi", "Tôi sẽ ký tất cả", ông nói thế là thế nào? Ông bỏ cái lối đùa ấy đi! Tôi chỉ ghi những điều thú nhận của ông, chỉ những lời của ông thôi. Việc ông làm thì ông phải nhớ chứ. Đây, ông hãy ký vào đây, vào đây và đây nữa. -- Viên thiếu tá dự thẩm vừa nói vừa lần lượt chỉ cho Láp-tin hết trang này đến trang khác của biên bản hỏi cung. Ông già, vẻ chán chường, chả cần nhìn gì cả, cầm bút ký lia lịa. -- Thế chứ. Nào, chúng ta tiếp tục. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp xoa tay, vẻ sảng khoái. -- Bây giờ, tôi yêu cầu ông hãy khai tỷ mỷ về những người tòng phạm với ông. Ông muốn bắt đầu từ ai trước?
-- Ông muốn thế nào thì tùy ông.
-- Ồ, thế thì ta bắt đầu từ Rư-gi-cốp vậy. Ông nói đi.
-- Rư-gi-cốp nào? -- Láp-tin ngơ ngác hỏi lại. -- Rư-gi-cốp là ai cơ chứ?
-- Bỏ cái lối giả vờ ngây ngô ấy đi. -- Ê-li-xtơ-ra-tốp cao giọng. -- Ông lại dở tiết mục cũ ra làm gì. Chả lẽ, ông không biết hắn ta -- Rư-gi-cốp là kỹ sư nhà máy ra-đi-ô! Thế cách đây mấy hôm có một cặp nào đó đã gặp nhau ở bến cảng và nói chuyện bí mật với nhau, hả? Ông không chối nữa chứ?
Láp-tin cười khẩy, vẻ bất lực nhưng rất mỉa mai.
-- À ra thế, kỹ sư! Tôi làm sao mà biết được anh ta là Rư-gi-cốp. Tôi mới biết anh ta thôi, hoàn toàn tình cờ, ở một cửa hiệu bán các linh kiện máy thu thanh...
-- Các ông quen nhau ở đâu, -- Ê-li-xtơ-ra-tốp lại cắt ngang lời, -- chúng tôi không cần biết. Chỉ cần ông khai rõ những hành động gián điệp của ông với Rư-gi-cốp thôi.
-- Hành động gián điệp gì? -- Láp-tin hoảng lên. -- Tôi nhận lắp một số đài thu nhỏ để kiếm thêm tiền tiêu vặt, nhưng thiếu các linh kiện phụ. Một hôm tôi tình cờ gặp cái anh chàng đó -- anh chàng mà ông gọi là Rư-gi-cốp ở cửa hiệu ra-đi-ô. Anh ta nói chuyện với tôi. Biết tôi đang cần gì nên anh ta hứa là sẽ kiếm hộ vài thứ tôi thiếu. Do đó mà hôm thứ hai vừa rồi anh ta hẹn gặp tôi ở bến cảng.
Cặp môi Ê-li-xtơ-ra-tốp hé một nụ cười cay độc: trông vẻ mặt thì biết rõ là anh ta đang định hỏi một câu khác nham hiểm hơn. Nhưng anh ta chưa kịp hỏi. Cửa phòng sịch mở và anh nhân viên trẻ lúc nãy vừa bỏ đi ra, vội vã bước vào phòng.
-- Báo cáo thiếu tá, -- anh nói, cố nén vẻ hồi hộp, -- đại tá mời đồng chí đến ngay...-- Anh nói tên một cán bộ lãnh đạo của Cục an ninh tỉnh N. -- Đồng chí ấy nói rằng, nếu có thể, xin mời đồng chí đến ngay, không chậm trễ. Đề nghị mang theo cả các biên bản.
-- Nhưng, anh hãy báo là, tôi...-- Ê-li-xtơ-ra-tốp nói.
-- Báo cáo đồng chí, -- anh nhân viên phản gián kiên nhẫn nhắc lại, -- tôi chỉ được lệnh truyền đạt mệnh lệnh của đại tá tới đồng chí, đề nghị khẩn cấp... Tôi chỉ là người thừa hành. Mong đồng chí hiểu cho, xin mời đi ngay.
Ê-li-xtơ-ra-tốp im lặng, nhún vai vẻ khó chịu. Anh ta uể oải xếp các giấy tờ, biên bản hỏi cung vào chiếc cặp, bước ra khỏi phòng và với tay đóng sầm cánh cửa một cách bực tức.