People sacrifice the present for the future. But life is available only in the present. That is why we should walk in such a way that every step can bring us to the here and the now.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: スプートニクの恋人 Supūtoniku no koibito - Sputnik Sweetheart
Dịch giả: Ngân Xuyên
Biên tập: Yen
Upload bìa: anthony Lai
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8200 / 717
Cập nhật: 2015-10-06 23:38:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
iều đầu tiên tôi nghe thấy là giọng đàn ông trầm trầm nói tiếng Anh rất nặng, kêu tên tôi oang oang, rồi hét lên, "Tôi gặp đúng người chứ?" Tôi đang ngủ say sưa. Đầu óc tôi trống rỗng, như cánh đồng lúa trong mưa dông, và tôi không thể nghĩ được sẽ xảy ra chuyện gì. Tấm khăn trải giường vẫn phảng phất ký ức cuộc ân ái ban chiều, và hiện thực thì rối tung lên như chiếc áo len cài nhầm khuy. Người đàn ông nhắc lại tên tôi. "Tôi gặp đúng người chứ?"
"Ông gặp đúng người rồi," tôi đáp. Dường như nó không giống tên tôi, nhưng chuyện gì đến thì đã đến rồi. Có tiếng lạo xạo một lúc như có hai luồng không khí khác nhau va đập mạnh.
Tôi nghĩ chắc Sumire gọi cuộc điện thoại quốc tế từ Hy Lạp. Tôi để ống nghe ra xa tai một chút, đợi giọng nói của cô vang lên tiếp tục câu chuyện. Nhưng giọng nói tôi nghe sau đó lại không phải của Sumire mà là của Miu.
"Tôi chắc anh đã nghe Sumire nói về tôi?"
"Vâng, tôi có nghe," tôi đáp.
Giọng chị trên điện thoại méo đi vì khoảng cách xa xôi, vì tác động của chất vô cơ, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự căng thẳng ẩn chứa trong đó. Một cái gì đó cứng và rắn chắc như đám mây băng qua đường dây điện thoại tràn vào phòng khiến tôi tỉnh ngủ hẳn. Tôi ngồi bật dậy trên giường, vươn thẳng người, cầm chặt ống nghe.
"Tôi phải nói nhanh," Miu nói không ra hơi. "Tôi đang gọi từ một hòn đảo Hy Lạp, và gần như không thể liên lạc được với Tokyo, có khi đang nói cũng bị ngắt giữa chừng. Tôi thử nhiều lần rồi, và cuối cùng thì cũng kết nối được. Vì vậy anh cho phép tôi bỏ qua phép xã giao để vào việc ngay chứ?"
"Chị cứ nói," tôi đáp.
"Anh có thể đến đây được không?"
"Đến đây, chị muốn nói là Hy Lạp?"
"Vâng. Càng sớm càng tốt."
Tôi buột miệng thốt ra ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu. "Có chuyện gì xảy ra với Sumire à?"
Miu dừng lại lấy hơi. "Tôi vẫn chưa biết. Nhưng tôi nghĩ cô ấy muốn anh đến đây. Tôi chắc chắn thế."
"Chị nghĩ cô ấy muốn thế?"
"Tôi không thể nói chuyện này qua điện thoại được. Sẽ chẳng có hiệu quả gì khi chúng ta bị cắt giữa chừng, vả lại đây là vấn đề tế nhị, và tôi muốn nói chuyện trực tiếp với anh hơn. Tôi sẽ thanh toán vé khứ hồi cho anh. Chỉ cần anh đến. Càng sớm càng tốt. Hãy mua vé đi. Hạng nhất ấy, anh thích như thế nào cũng được."
Mười ngày nữa năm học mới sẽ bắt đầu. Tôi phải quay về trước khi khai giảng, nhưng nếu tôi muốn thì một chuyến dạo chơi Hy Lạp cũng không phải điều không thể. Theo kế hoạch thì trong kỳ nghỉ tôi phải đến trường hai lần để hoàn thành một số việc nhưng tôi có thể nhờ người khác làm hộ.
"Chắc là tôi có thể đi được," tôi nói. "Đúng vậy, tôi nghĩ mình có thể đi được. Nhưng chính xác thì tôi phải đến đâu?"
Miu nói tên hòn đảo. Tôi ghi những điều Miu nói vào bìa trong một cuốn sách để cạnh giường. Tên hòn đảo nghe quen quen.
"Anh bay từ Athens đến Rhodes rồi đi phà. Mỗi ngày có hai chuyến phà ra đảo, một vào buổi sáng và một vào buổi chiều. Tôi sẽ đến cảng đón anh bất cứ khi nào phà tới. Anh đến chứ?"
"Tôi nghĩ là mình sẽ thu xếp được. Chỉ có điều..." Tôi chưa kịp nói hết câu thì đường dây đã bị cắt. Đột ngột, thô bạo, như có người cầm rìu chặt vào dây thừng vậy. Và lại là tiếng lạo xạo khó chịu đó. Hy vọng liên lạc được nối lại, tôi ngồi yên một lúc, ống nghe áp bên tai, chờ đợi, nhưng tất cả những gì tôi nghe thấy là tiếng động khó chịu ấy. Tôi gác máy và rời khỏi giường. Trong bếp, tôi uống một cốc trà lúa mạch lạnh, tựa lưng vào tủ lạnh, cố sắp xếp lại những suy nghĩ trong đầu.
Tôi có thực sự phải lên máy bay và vượt bằng đấy đoạn đường tới Hy Lạp?
Câu trả lời là phải. Tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi lôi từ giá sách xuống tập bản đồ thế giới để xác định vị trí của hòn đảo Miu nói. Nó nằm gần Rhodes, chị nói vậy, nhưng không dễ tìm ra nó giữa vô số hòn đảo rải rác trên biển Aegean. Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng phát hiện ra tên của nơi mình đang tìm kiếm được in nhỏ xíu. Một hòn đảo nhỏ nằm cạnh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhỏ tới mức thật sự bạn không thể nói được hình thù của nó.
Tôi lấy hộ chiếu ra khỏi ngăn kéo và kiểm tra thấy nó vẫn còn hiệu lực. Sau đó tôi gom hết tiền mặt có trong nhà tống vào ví. Số tiền không nhiều nhưng sáng ra tôi có thể rút thêm tiền ở ngân hàng. Tôi có ít tiền tiết kiệm và khoản tiền thưởng mùa hè hoàn toàn chưa dùng đến. Khoản tiền này cộng với thẻ tín dụng là đủ cho tôi mua vé khứ hồi đến Hy Lạp. Tôi nhét mấy bộ quần áo vào một cái túi thể thao bằng nhựa kèm theo bộ đồ vệ sinh. Thêm hai cuốn tiểu thuyết của Joseph Conrad tôi định đọc lại. Tôi phân vân không biết có nên mang theo đồ bơi không, nhưng cuối cùng cũng mang đi. Có lẽ khi tôi đến đó thì mọi vấn đề dù là gì đi nữa cũng đều được giải quyết, mọi người đều vui vẻ, khỏe mạnh, mặt trời lơ lửng yên bình trên bầu trời, và tôi có thể bơi lội thỏa thích một, hai lần trước khi phải quay về - dĩ nhiên đó sẽ là kết quả tốt đẹp nhất đối với tất cả những ai có liên quan.
Thu xếp đồ đạc xong xuôi, tôi tắt đèn, ngả đầu xuống gối, cố gắng ngủ lại. Mới hơn ba giờ, tôi vẫn có thể chợp mắt một chút trước khi trời sáng. Nhưng tôi không thể ngủ được. Tiếng lạo xạo khó chịu đó vẫn đều đều gõ trong huyết mạch tôi. Sâu thẳm trong đầu mình tôi có thể nghe thấy giọng người đàn ông đó, đang quát tên tôi. Tôi bật đèn, lại rời khỏi giường, vào bếp pha một cốc trà đá uống. Rồi tôi xem xét toàn bộ cuộc nói chuyện với Miu, từng từ một từ đầu tới cuối. Lời chị nói nghe mông lung, mơ hồ, đầy ám chỉ. Nhưng trong những gì chị nói có hai việc. Tôi ghi lại vào sổ ghi nhớ:
1. Có chuyện xảy ra với Sumire. Nhưng Miu không biết là chuyện gì.
2. Tôi phải đến đó càng sớm càng tốt. Sumire, theo Miu, cũng muốn thế.
Tôi nhìn chằm chằm vào cuốn sổ ghi nhớ. Và gạch dưới hai từ:
1. Có chuyện xảy ra với Sumire. Nhưng Miu không biết là chuyện gì.
2. Tôi phải đến đó càng sớm càng tốt. Sumire, theo Miu, cũng muốn thế.
Tôi không thể hình dung nổi có chuyện gì xảy ra với Sumire trên hòn đảo nhỏ Hy Lạp ấy. Nhưng tôi chắc chắn đó phải là chuyện xấu. Vấn đề là xấu như thế nào? Từ giờ đến sáng tôi cũng không thể làm được gì cả. Tôi ngồi trên ghế chân gác lên bàn, đọc sách và chờ ánh sáng đầu tiên xuất hiện. Nó dường như dài vô tận.
Ngay khi trời hửng sáng, tôi bắt chuyến tàu Chuo Line đến Shinjuku, nhảy lên tàu Narita Express và tới sân bay. Đến chín giờ tôi rảo qua quầy bán vé thì mới hay không có chuyến nào bay thẳng từ Narita đến Athens. Sau một hồi mò mẫm tôi mua vé hạng thương nhân của hãng KML bay đi Amsterdam. Từ đấy tôi có thể bay đến Athens. Rồi từ Athens tôi sẽ lên chuyến bay nội địa của hãng Olimpic đến Rhodes. Hãng KML lo hết vụ này. Nếu không có gì trục trặc thì hai chặng chuyển tiếp của tôi sẽ hanh thông. Đấy là cách nhanh nhất để đến đó. Tôi mua vé khống cho chuyến khứ hồi nên trong vòng ba tháng tới tôi có thể về lúc nào cũng được. Tôi trả tiền bằng thẻ tín dụng. Ông có gửi hành lý không? Họ hỏi tôi. Không, tôi đáp.
Còn thời gian trước khi cất cánh, vì vậy tôi ăn sáng tại nhà hàng sân bay. Tôi rút ít tiền mặt từ máy ATM và đổi sang séc du lịch. Tiếp đó tôi mua cuốn hướng dẫn du lịch Hy Lạp ở hiệu sách. Tên hòn đảo Miu nói với tôi không xuất hiện trong cuốn sách nhỏ này nhưng tôi cần biết thông tin về đất nước đó - tiền tệ, khí hậu, những vấn đề cơ bản. Ngoài lịch sử Hy Lạp cổ và kịch cổ điển thì tôi chẳng biết mấy về mảnh đất này. Cũng chỉ ngang bằng kiến thức của tôi về địa lý sao Mộc hay cách vận hành bên trong của hệ thống làm lạnh xe Ferrari mà thôi. Cả đời mình tôi chưa một lần tính đến khả năng tới Hy Lạp. Ít nhất là cho tới hai giờ sáng cái ngày đặc biệt đó. Ngay trước buổi trưa tôi gọi điện cho một đồng nghiệp. Tôi bảo cô là một người bà con của tôi gặp tai nạn nên tôi phải rời Tokyo khoảng một tuần, không biết cô có thể giúp tôi giải quyết công việc ở trường cho đến lúc tôi quay về không. Không sao cả, cô đáp. Chúng ta đã nhiều lần giúp đỡ nhau như vậy nên chuyện này không có gì khó khăn cả. "Vậy anh đi đâu?" Cô hỏi. "Shikoku," tôi đáp. Tôi không thể nói rõ với cô tôi đang trên đường tới Hy Lạp.
"Rất tiếc khi nghe tin này," cô nói. "Dù sao đi nữa, hãy bảo đảm là anh sẽ quay về kịp khai giảng năm học mới. Và nếu được thì nhớ mua quà kỷ niệm cho tôi nhé?"
"Nhất định rồi," tôi đáp. Sau này tôi sẽ mua quà.
Tôi vào phòng đợi của hành khách hạng thương nhân, ngả mình lên ghế và thiếp đi chốc lát, một giấc ngủ chập chờn. Thế giới đã mất đi mọi ý nghĩa của thực tại. Màu sắc thì gượng gạo, chi tiết thì sống sượng. Phông bằng giấy bồi, các ngôi sao làm từ lá nhôm. Đâu đâu cũng thấy hồ dán và mũ đinh. Tiếng loa thông báo của sân bay ong ong trong đầu tôi. "Tất cả hành khách đi chuyến bay 275 của hãng hàng không Air France tới Paris." Trong trạng thái chập chờn ngủ không ra ngủ thức không ra thức đó tôi nghĩ về Sumire. Giống như cuốn phim tài liệu về hàng bao tháng năm quá khứ, từng cảnh một lại khơi lên trong tâm trí những nơi chốn, những khoảng thời gian chúng tôi chia sẻ cùng nhau. Trong cảnh náo nhiệt của sân bay, giữa các hành khách đi tới đi lui, cái thế giới mà tôi chia sẻ với Sumire dường như thật tồi tàn, mong manh và bấp bênh. Cả hai đứa tôi đều không biết chuyện gì thực sự quan trọng cũng như không có khả năng điều chỉnh nó. Không có gì vững chắc để chúng tôi có thể dựa vào. Chúng tôi gần như là hai con số không vô hạn, chỉ là hai sinh vật nhỏ nhoi đáng thương đi từ sự lãng quên này đến sự lãng quên khác.
Tôi thức giấc, vã mồ hôi, chiếc áo dính chặt vào ngực. Cơ thể bơ phờ, đôi chân tê cứng. Tôi cảm thấy như mình bị bầu trời u ám nuốt chửng. Chắc hẳn trông tôi có vẻ nhợt nhạt. Một nhân viên phòng đợi lo lắng hỏi tôi có sao không. "Tôi bình thường," tôi đáp, "chỉ do nóng thôi." Ông muốn uống chút gì lạnh không? Cô hỏi. Tôi đắn đo chốc lát rồi đề nghị bia. Cô mang cho tôi một chiếc khăn mặt lạnh, một lon Heineken và một gói lạc tẩm muối. Sau khi lau khuôn mặt đẫm mồ hôi và uống hết nửa lon bia, tôi cảm thấy khá hơn. Và tôi có thể thiếp đi một lúc.
Máy bay rời Narita gần như đúng giờ và theo đường cực Bắc tới Amsterdam. Muốn ngủ thêm chút nữa nên tôi uống một ít whisky, và khi thức dậy thì ăn tối nhẹ. Do không thấy ngon miệng nên tôi bỏ bữa sáng. Tôi muốn giữ đầu óc bận rộn nên khi thức tôi tập trung đọc Conrad.
Đến Amsterdam tôi chuyển máy bay đi Athens, tới phòng đợi dành cho hành khách đi chuyến bay nội địa và lên chiếc 727 bay đến Rhodes. Hành khách trên máy bay phần lớn là thanh niên sôi nổi đến từ mọi đất nước có thể hình dung ra được. Tất cả họ đều rám nắng, mặc áo phông hay áo ngắn tay và quần bò ngố. Phần đông thanh niên để râu (hoặc quên không cạo) và buộc tóc đuôi ngựa. Tôi trông có vẻ lạc lõng trong chiếc quần màu be, áo sơ mi thể thao ngắn tay và áo khoác bằng vải cotton màu xanh đậm. Thậm chí tôi còn quên mang theo kính râm. Nhưng, ai có thể trách tôi được? Mới mấy giờ trước tôi còn ngồi trong căn hộ của mình tại Kunitachi vò đầu bứt tai không biết xử lý đống rác thải thế nào.
Xuống sân bay Rhodes tôi đến bàn chỉ dẫn hỏi cách đi phà ra đảo. Phà nằm ở bến tàu bên cạnh. Nếu nhanh chân tôi có thể kịp chuyến phà chiều. "Trên phà còn chỗ không?" tôi hỏi cho chắc. Một phụ nữ mũi nhọn khó đoán tuổi ngồi ở bàn chỉ dẫn tỏ vẻ khó chịu phẩy tay. "Lúc nào họ cũng kiếm được chỗ cho một người nữa," bà ta nói. "Có phải thang máy đâu."
Tôi bắt taxi ra bến. "Tôi đang vội," tôi bảo người lái xe nhưng có vẻ anh ta không hiểu ý tôi. Xe không có máy điều hòa, và ngọn gió nóng nực bụi bặm lùa vào qua khung cửa sổ đang mở. Suốt dọc đường anh tài xế luôn miệng chỉ trích đồng Euro bằng thứ tiếng Anh trúc trắc, khó nhọc. Tôi lịch sự chêm vào mấy câu để chứng tỏ mình đang theo dõi câu chuyện nhưng thực ra không nghe gì. Thay vào đó tôi ngắm nhìn quang cảnh thành phố Rhodes lướt qua rạng rỡ bên ngoài. Bầu trời không gợn mây, không một dấu hiệu của mưa. Mặt trời nung rám các bức tường nhà bằng đá. Bụi phủ thành lớp trên các thân cây xù xì bên đường, dân chúng ngồi dưới tán cây hoặc dưới những chiếc lều ngoài trời và hầu như im lặng ngắm nhìn xung quanh. Tôi bắt đầu tự hỏi không biết mình có đến đúng chỗ không. Nhưng những tấm biển sặc sỡ viết bằng chữ Hy Lạp quảng cáo thuốc lá và rượu hồi tràn ngập dọc đường từ sân bay về thành phố đã mách cho tôi - một cách khá chắc chắn - đây là Hy Lạp.
Chiếc phà chiều vẫn đậu ở bến. Nó to hơn tôi tưởng. Ở phía đuôi có chỗ dành riêng cho ô tô, và đã đậu sẵn hai chiếc xe tải hạng vừa chở thực phẩm và hàng hóa lặt vặt cùng một chiếc Peugeot cũ mui kín. Tôi mua vé lên phà, và vừa kịp ngồi xuống chiếc ghế xếp thì dây buộc phà đã được tháo ra khỏi bến và động cơ nổ ầm ĩ. Tôi thở dài nhìn trời. Bây giờ tất cả những gì tôi có thể làm là đợi chiếc phà đưa tôi tới nơi tôi đang đến.
Tôi cởi chiếc áo vải cotton bụi bặm ướt đẫm mồ hôi, cuộn lại nhét vào túi sách. Đã năm giờ chiều nhưng vầng thái dương vẫn lơ lửng giữa bầu trời, ánh nắng chói chang. Một cơn gió từ mũi phà lướt dưới cánh buồm, hiu hiu thổi trên đầu tôi, chậm rãi đến mức tôi bắt đầu thấy bình tĩnh hơn. Những cảm xúc u ám nảy sinh trong tôi khi ngồi ở phòng đợi sân bay Narita đã biến mất. Tuy nhiên vẫn còn chút dư vị cay đắng.
Trên phà chỉ có vài khách du lịch, do đó tôi đoán hòn đảo tôi đang tới không phải điểm du lịch nổi tiếng. Hành khách đa phần là dân địa phương, chủ yếu là người già sang Rhodes mua hàng bây giờ trở về nhà. Hàng hóa họ mua về được đặt cẩn thận dưới chân như những con vật yếu đuối. Mọi khuôn mặt già cả đó đều hằn sâu nếp nhăn và ngây ra bất động, như thể vầng mặt trời chói chang và cuộc sống lao động cực nhọc đã tước mất của họ mọi biểu hiện tình cảm.
Trên phà còn có mấy người lính trẻ. Và hai khách du lịch bụi, túi xách nặng cầm tay, ngồi bệt trên sàn. Cả hai đều chân gầy nhom, mặt dữ tợn.
Cũng có một cô gái Hy Lạp mặc váy dài. Cô rất đáng yêu, với đôi mắt đen sâu thẳm. Mái tóc dài tung bay trong gió khi cô trò chuyện với người bạn gái. Khóe miệng cô thoáng nét cười như có một điều diệu kỳ nào đó sắp xảy ra. Đôi khuyên tai bằng vàng lấp lánh dưới ánh nắng. Mấy chàng lính trẻ dựa vào hàng lan can trên boong, hút thuốc, vẻ bình thản, thỉnh thoảng liếc vội về phía cô gái.
Tôi nhấp ngụm soda chanh mua ở quầy hàng trên phà, ngắm nhìn mặt nước biển xanh thẳm và những hòn đảo nhỏ tí xíu nhấp nhô xung quanh. Phần lớn đó không phải đảo mà là những khối đá nổi trên biển, hoàn toàn hoang vắng. Những con chim biển trắng đậu trên mỏm đá, săm soi mặt biển tìm cá. Chúng không thèm để ý con phà. Sóng vỗ vào chân vách đá, tạo thành một dải trắng xóa. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy một hòn đảo có người ở. Phủ trùm lên nó là những cái cây dáng khô cằn, trên các sườn dốc rải rác mấy ngôi nhà tường trắng. Những chiếc thuyền sơn đủ màu nhấp nhô trong lạch, các cột buồm cao vẽ thành hình vòng cung khi con thuyền lắc lư theo sóng.
Một ông già nhăn nheo ngồi cạnh tôi lấy thuốc ra mời. Cám ơn ông, tôi mỉm cười, xua tay, nhưng tôi không hút thuốc. Ông mời tiếp kẹo gum bạc hà. Tôi cầm thanh kẹo với vẻ cảm kích, vừa nhai vừa chằm chằm nhìn biển.
Hơn bảy giờ thì phà cập đảo. Vầng thái dương chói chang đã xế bóng nhưng trời vẫn sáng như trước, ánh sáng mùa hè thực ra còn rạng rỡ hơn. Tên hòn đảo được viết bằng những chữ cái to trên bức tường trắng của bến tàu giống như trên tấm biển đề tên khổng lồ nào đó. Con phà rụt rè tiến vào cầu tàu, và hành khách lần lượt bước xuống ván cầu, hành lý cầm trên tay. Đối diện bến tàu có một quán cà phê ngoài trời, và những người đón khách đi phà thường đợi ở đó cho đến khi nhận ra người mình đang tìm.
Vừa đặt chân lên bờ tôi đã đảo mắt tìm Miu. Nhưng xung quanh chẳng thấy ai có vẻ giống chị cả. Mấy người chủ quán trọ bước đến hỏi có phải tôi đang tìm chỗ nghỉ không. "Không, tôi không cần," lần nào tôi cũng lắc đầu nói vậy. Thế nhưng, ai cũng đều đưa danh thiếp cho tôi trước khi bỏ đi.
Những hành khách cùng rời phà với tôi đã tản đi các hướng. Người đi mua hàng lê bước về nhà, khách du lịch thì đến khách sạn và quán trọ. Những người ra đón sau khi gặp được người quen tay bắt mặt mừng rồi thì kéo nhau đi. Hai chiếc xe tải và chiếc Peugeot cũng đã dỡ hàng và gầm lên biến mất ở phía xa. Đến bọn chó mèo xúm lại vì tò mò chẳng mấy chốc cũng đã biến mất dạng. Chỉ còn lại mấy người già rám nắng trong tay có quá nhiều thời gian. Và tôi, túi thể thao trên tay, hoàn toàn lạc lõng ở nơi này.
Tôi vào quán cà phê gọi một cốc trà đá, băn khoăn không biết nên làm gì tiếp theo. Tôi cũng chẳng có nhiều việc để làm. Màn đêm đang nhanh chóng buông xuống, còn tôi thì chẳng biết gì về hòn đảo cũng như quang cảnh vùng đất này. Nếu một lúc nữa vẫn không thấy ai đến thì tôi sẽ thuê phòng ở đâu đó, rồi sáng mai trở lại bến phà hy vọng sẽ gặp Miu. Theo lời Sumire thì Miu là người cẩn thận nên tôi không thể tin nổi chị đã thất hẹn với mình. Nếu chị không ra bến phà được thì chắc hẳn phải có lý do hợp lý. Cũng có thể chị không nghĩ tôi đến nhanh thế.
Tôi đói cồn cào. Cái đói khiến tôi quằn quại. Không khí mát lành ở biển khiến cơ thể tôi nhận ra là từ sáng đến giờ chưa có chút gì vào bụng. Tuy nhiên, tôi không muốn bỏ lỡ mất Miu nên quyết định chờ thêm lúc nữa ở quán cà phê. Thỉnh thoảng, một người dân địa phương đi ngang qua và liếc nhìn tôi vẻ tò mò.
Ở quầy sách báo cạnh quán cà phê, tôi mua một cuốn sách mỏng giới thiệu lịch sử và địa lý hòn đảo này. Tôi giở lướt qua cuốn sách trong lúc nhấp thứ nước trà đá vô vị đến độ không tin nổi. Dân số trên đảo chừng từ 3000 đến 6000 người tùy theo mùa. Dân số tăng vào mùa hè do lượng khách du lịch và giảm vào mùa đông vì dân chúng đi kiếm việc làm ở nơi khác. Đảo không có ngành công nghiệp nào đáng kể, nông nghiệp thì khá hạn chế - ôliu và mấy thứ cây ăn quả. Ngoài ra còn có nghề đánh cá và vớt bọt biển. Vì vậy từ đầu thế kỷ hai mươi hầu hết dân đảo đã di cư sang Mỹ. Phần lớn đến Florida, nơi họ có thể tận dụng các kỹ năng đánh cá và vớt bọt biển. Thậm chí ở Florida có hẳn một thành phố mang tên hòn đảo này.
Trên đỉnh đồi có một trạm rađa quân sự. Cạnh bến tàu dân sự có thêm bến thứ hai nhỏ hơn dành làm nơi neo đậu cho tàu tuần tra của quân đội. Do giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nên người Hy Lạp muốn ngăn chặn những cuộc vượt biên trái phép và hành vi buôn lậu, vì vậy trong thành phố mới có quân lính. Mỗi khi có tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ - trên thực tế những cuộc đụng độ nhỏ xảy ra khá thường xuyên - lưu lượng giao thông ở cảng tăng hẳn lên.
Hơn hai nghìn năm trước, trong thời kỳ cực thịnh của nền văn minh Hy Lạp, hòn đảo nằm trên con đường huyết mạch dẫn sang châu Á này đã phát triển thành một trung tâm thương mại. Thời đó, các quả đồi vẫn còn phủ kín cây xanh, được ngành công nghiệp đóng tàu thịnh vượng tận dụng triệt để. Tuy nhiên, khi nền văn mình Hy Lạp suy tàn và cây bị đốn hết (cây cỏ không bao giờ còn um tùm trở lại) thì kinh tế của hòn đảo này cũng tụt dốc nhanh chóng. Cuối cùng, người Thổ lên nắm quyền. Ách thống trị của họ rất hà khắc, theo cuốn sách viết. Nếu có điều gì trái ý họ, họ cắt mũi xẻo tai dân đảo dễ như đốn cây chặt cành. Cuối thế kỷ mười chín, sau vô số trận chiến đẫm máu, cuối cùng hòn đảo đã giành lại được độc lập từ tay người Thổ, và lá cờ xanh trắng của Hy Lạp đã tung bay trên bến cảng. Tiếp đó quân của Hitler đến. Người Đức xây trạm rađa và trạm khí tượng trên đỉnh đồi để quan sát vùng biển quanh đó, vì dãy đồi là nơi có tầm nhìn tốt nhất. Một lực lượng không kích Anh từ Malta đã oanh tạc các trạm này. Họ giội bom xuống cảng cũng như đỉnh đồi, đánh chìm một vài thuyền đánh cá vô tội và giết chết một số ngư dân không may. Trong cuộc tấn công đó người Hy Lạp bị chết nhiều hơn người Đức, và nhiều dân chài kỳ cựu vẫn ấp ủ trong lòng mối oán giận đối với vụ ném bom này.
Giống như hầu hết đảo Hy Lạp, ở đây ít đất bằng, chủ yếu là đồi dốc đứng, chỉ có duy nhất một thành phố ven biển, ngay phía Nam cảng. Cách xa thành phố là một bãi biển đẹp đẽ, yên tĩnh, nhưng muốn đến đó thì phải vượt qua ngọn đồi dốc. Những chỗ dễ đến thì không có được bãi biển đẹp như thế, có lẽ đó là một lý do khiến lượng khách du lịch vẫn giậm chân tại chỗ. Trên đồi có mấy tu viện chính giáo Hy Lạp nhưng các thầy tu sống nghiêm theo giới luật nên du khách bình thường không được phép vào thăm.
Cứ như những gì tôi đọc được trong cuốn sách giới thiệu thì hòn đảo này không có gì đặc biệt cả. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, người Anh lại thấy nó đặc biệt hấp dẫn (dân Anh vốn kỳ cục mà) và họ đã hăm hở xây dựng cả một khu nghỉ mát trên ngọn đồi sát bến cảng. Cuối thập niên 1960 một số nhà văn Anh đã sống ở đây, vừa ngắm nhìn biển xanh mây trắng vừa viết tiểu thuyết. Một vài tác phẩm của họ được đánh giá cao khiến hòn đảo trở nên nổi tiếng trong giới văn chương Anh quốc là một chốn lãng mạn. Nhưng dân Hy Lạp địa phương lại chẳng mấy quan tâm đến khía cạnh văn hóa nổi bật đó của hòn đảo mình sống.
Tôi đọc tất cả những điều này để quên cơn đói. Tôi gấp sách lại và nhìn quanh lần nữa. Mấy ông bà già trong quán dán mắt ra biển chừng như đang thi xem ai nhìn được lâu hơn. Đã tám giờ tối, cơn đói của tôi gần như đang biến thành sự đau đớn về thể xác. Mùi thịt quay, cá nướng từ đâu bay tới làm ruột gan tôi cồn cào và, như một kẻ tra tấn tốt bụng, bóp chặt ruột gan tôi. Không thể chịu đựng thêm chút nào nữa, tôi đành đứng dậy. Khi tôi vừa nhấc cái túi lên và dợm bước đi tìm hàng ăn thì một người phụ nữ lặng lẽ xuất hiện trước mặt tôi.
Mặt trời, cuối cùng cũng đang chìm xuống biển, chiếu thẳng vào người phụ nữ, chiếc váy trắng dài chấm gối của chị lay nhẹ khi chị bước xuống bậc thang đá. Chị đi giày tennis nhỏ, đôi chân trẻ trung như chân con gái. Chị mặc áo choàng ngắn tay màu xanh nhạt, mũ hẹp vành và khoác chiếc túi vải nhỏ. Dáng đi của chị rất tự nhiên, rất bình thường, chị như hòa vào khung cảnh nơi đây, và thoạt nhìn tôi tưởng chị là người địa phương. Nhưng chị tiến thẳng về phía tôi và khi người phụ nữ tới gần, tôi có thể nhận ra nét châu Á ở chị. Gần như theo phản xạ, tôi ngồi xuống, rồi lại đứng lên. Người phụ nữ bỏ kính râm ra và nói tên tôi.
"Xin lỗi vì tôi đến muộn," chị nói. "Tôi phải tới đồn cảnh sát, vì mọi công việc giấy tờ đó mất nhiều thời gian quá. Và tôi cũng không ngờ anh đến được đây hôm nay. Tôi cứ nghĩ sớm nhất thì cũng phải trưa mai."
"Tôi không gặp trục trặc gì ở các chặng chuyển tiếp," tôi nói. Đồn cảnh sát?
Miu nhìn thẳng vào mặt tôi, hơi mỉm cười. "Nếu anh ổn cả chúng ta sẽ đến chỗ nào đó ăn uống và nói chuyện. Hôm nay tôi chỉ mới ăn sáng thôi. Ý anh thế nào? Anh có đói không?"
Chị có thể chắc chắn là có, tôi nói.
Chị dẫn tôi vào một quán ăn trong con hẻm gần bến tàu. Cạnh lối vào có một bếp than và mọi thứ đồ hải sản tươi sống đang được nướng trên vỉ sắt. Anh thích cá không? Miu hỏi và tôi đáp có. Chị gọi món với người hầu bàn bắng thứ tiếng Hy Lạp ngọng nghịu. Đầu tiên anh ta mang đến một bình vang trắng, bánh mỳ và ôliu. Không chúc rượu nhau cũng không lần chần gì nữa, chúng tôi tự rót rượu uống. Để dằn bụng tôi ăn mấy miếng bánh mì thô và quả ôliu.
Miu là người xinh đẹp. Ấn tượng đầu tiên của tôi là về thực tế rõ ràng và đơn giản đó. Không, có lẽ không hẳn là rõ ràng và đơn giản thế. Có lẽ tôi đã có một ấn tượng nhầm lẫn khủng khiếp nào đó. Cũng có thể do một số lý do, tôi đã bị cuốn vào một giấc mơ không thể thay đổi của một ai đó khác. Bây giờ nghĩ lại tôi có thể nói một cách chắc chắn là khi đó tôi thấy chị là người phụ nữ vô cùng xinh đẹp.
Chị đeo mấy chiếc nhẫn trên những ngón tay thon thả. Một trong số đó là chiếc nhẫn cưới giản dị bằng vàng. Trong khi tôi đang cố sắp xếp trong đầu những ấn tượng đầu tiên về chị thì chị nhìn tôi bằng cặp mắt dịu dàng, thỉnh thoảng nhấp ngụm rượu vang.
"Tôi có cảm giác từng gặp anh rồi," chị nói. "Có lẽ do lúc nào tôi cũng nghe nói về anh."
"Sumire cũng hay kể tôi nghe rất nhiều về chị," tôi đáp.
Miu cười rạng rỡ. Khi chị mỉm cười, và chỉ khi đó thôi, khóe mắt chị hiện lên những nếp nhăn mảnh mai quyến rũ. "Vậy thì tôi cho là chúng ta có thể bỏ qua phần giới thiệu rồi."
Tôi gật đầu.
Điều tôi thích nhất ở Miu là chị không tìm cách che giấu tuổi của mình. Theo Sumire, chị hẳn phải 38, 39. Và quả thật trông chị cũng trạc tuổi ấy. Với thân hình gọn gàng, cân đối, trang điểm nhẹ nhàng, và chị dễ dàng khiến mọi người tưởng nhầm là chưa đến ba mươi. Nhưng chị không cố làm vậy. Miu để tuổi tác hiện lên tự nhiên trên nét mặt, coi đó là chuyện đương nhiên và bình thản chấp nhận.
Miu bỏ một quả ôliu vào miệng, lấy ngón tay nhặt cái hột và duyên dáng bỏ vào gạt tàn, như nhà thơ đang đặt dấu chấm câu cho đúng chỗ.
"Tôi xin lỗi đã gọi điện cho anh giữa đêm như thế," chị nói. "Tôi ước gì mình có thể giải thích mọi chuyện rõ ràng hơn, nhưng tôi quá bối rối và không biết bắt đầu từ đâu. Giờ thì tôi vẫn chưa hoàn toàn tĩnh trí, nhưng đã đỡ bối rối hơn."
"Có chuyện gì vậy?" Tôi hỏi.
Hai bàn tay Miu đan vào nhau đặt trên bàn, tách ra, rồi lại đan vào nhau.
"Sumire đã biến mất."
"Biến mất?"
"Như làn khói," Miu nói.
Chị tiếp tục. "Đây là câu chuyện dài nên tôi nghĩ tốt nhất mình kể lần lượt từ đầu trở đi. Nếu không một số sắc thái sẽ bị bỏ qua. Chuyện này khá tế nhị. Nhưng trước hết hãy ăn đi đã. Ngay bây giờ thì thời gian không quá cấp bách, và bụng đói thì khó mà suy nghĩ sáng suốt được. Hơn nữa, ở đây ồn quá, khó nói chuyện."
Quán ăn chật ních cư dân Hy Lạp đang hoa tay múa chân nói năng ồn ã. Vì thế để nói chuyện được với nhau, Miu và tôi phải vươn người qua bàn cúi sát đầu vào nhau. Lúc này người hầu bàn mang đến đĩa xalát Hy Lạp đầy và một con cá hồi trắng nướng rất to. Miu rắc một ít muối lên cá, vắt thêm nửa quả chanh, rưới ít dầu ôliu vào phần cá của mình. Tôi cũng làm tương tự. Chúng tôi tập trung ăn. Như chị nói, việc quan trọng nhất thì phải làm trước tiên. Chúng tôi phải làm dịu cơn đói đã.
Anh ở đây được bao lâu? Chị hỏi. "Một tuần nữa năm học mới sẽ bắt đầu," tôi đáp. "Vì vậy đến lúc đó tôi phải quay về rồi. Nếu không sẽ khá phiền toái." Miu gật đầu đơn giản. Chị cắn môi, dường như đang tính toán gì đó. Chị không đưa ra câu thường lệ nào như "Đừng lo, anh sẽ về kịp thôi" hay "Tôi không biết liệu khi đó mọi việc đã ổn chưa." Chị chỉ tự mình rút ra những kết luận riêng, nhét chúng vào ngăn kéo, rồi lặng lẽ tiếp tục bữa ăn.
Sau bữa tối, khi chúng tôi uống cà phê, chị nhắc đến tiền vé máy bay. Anh có muốn lấy đô la hay là séc du lịch? Chị hỏi. Hay để tôi chuyển sang tài khoản của anh bằng đồng yên khi anh đã về Tokyo? Anh thích như thế nào hơn? Tôi trả lời, hiện tại tôi không gặp khó khăn về tiền bạc. Tôi có thể tự thanh toán. Nhưng Miu khăng khăng đòi trả. Tôi đề nghị anh đến đây mà, chị nói.
Tôi lắc đầu. "Không phải tôi tỏ ra lịch sự hay cái gì đó tương tự. Tôi cũng đã định ít lâu nữa sẽ đến đây. Đấy là điều tôi muốn nói để chị hiểu."
Miu trầm ngâm một lát rồi gật đầu. "Tôi rất cám ơn anh. Vì đã đến đây. Tôi không biết nói sao cho hết."
Khi chúng tôi rời quán ăn, bầu trời rực rỡ sắc màu. Kiểu không khí tạo cảm giác như nếu anh hít nó vào thì phổi của anh sẽ được nhuộm bởi đúng cái sắc xanh ấy. Những ngôi sao nhỏ tí xíu bắt đầu nhấp nháy. Không thể chờ cho đến lúc ngày hè dài đã hoàn toàn trôi qua, sau bữa tối dân đảo đổ ra cảng đi dạo. Gia đình, tình nhân, bạn bè. Mùi thủy triều nhẹ nhàng cuối ngày lan khắp phố xá. Miu và tôi đi bộ qua khu phố. Phía bên phải là hàng dãy cửa hiệu, khách sạn nhỏ, các quán ăn bày bàn ra cả vỉa hè. Ánh sáng vàng ấm áp chiếu lên các ô cửa sổ nhỏ có cửa chớp bằng gỗ, nhạc Hy Lạp từ đài phát thanh vang vọng. Phía bên trái, biển trải dài, những con sóng đen sẫm êm đềm vỗ vào cầu tàu.
"Đi chút nữa là đường lên đồi," Miu nói. "Ta có thể leo cầu thang dốc hoặc theo con dốc thoai thoải. Đi cầu thang thì nhanh hơn. Anh không ngại chứ?"
"Không sao, tôi đi được," tôi đáp.
Dãy bậc thang hẹp bằng đá chạy song song với sườn đồi. Chúng dài và dốc nhưng đôi chân đi giày thể thao của Miu không lộ vẻ mệt mỏi và chị không một lần chậm bước. Gấu váy chị sột soạt đung đưa qua lại trước mắt tôi, đôi bắp chân rám nắng cân đối sáng bóng dưới ánh trăng gần rằm. Tôi là người kiệt sức trước và phải dừng lại thở. Càng lên cao, ánh sáng ở cảng càng xa và nhỏ hơn. Tất cả hoạt động của mọi người ngay cạnh tôi đã bị hút vào cái dải sáng vô danh ấy. Một cảnh vô cùng ấn tượng, một cảnh tôi muốn lấy kéo cắt ra đem găm lên bức tường ký ức của mình.
Nơi Miu và Sumire đang ở là một nhà nghỉ nhỏ có hàng hiên trông ra biển. Tường trắng, mái ngói đỏ, cửa sơn màu xanh lá cây sẫm. Một giàn hoa giấy che kín bức tường đá thấp bao quanh ngôi nhà. Chị mở cánh cửa không khóa mời tôi vào.
Căn nhà mát mẻ dễ chịu. Có phòng khách, một phòng ăn cỡ trung bình và bếp. Tường trát vữa trắng, treo mấy bức tranh trừu tượng. Trong phòng khách có một chiếc tràng kỷ, giá sách, và dàn âm thanh nổi. Hai buồng ngủ và một buồng tắm nhỏ lát gạch sáng. Đồ đạc trong nhà không có gì bắt mắt mà chỉ có vẻ ấm cúng và phù hợp.
Miu bỏ mũ, đặt túi xách lên chiếc kệ để thức ăn trong bếp. "Anh muốn uống chút gì không?" Chị hỏi. "Hay anh muốn tắm trước?"
"Có lẽ tôi đi tắm trước đã," tôi nói.
Tôi gội đầu, cạo râu. Sấy tóc, thay áo và quần soóc mới khiến tôi cảm thấy mình bắt đầu trở lại trạng thái bình thường. Dưới chiếc gương trong buồng tắm có hai cái bàn chải đánh răng, một xanh, một đỏ. Tôi tự hỏi cái nào là của Sumire.
Quay lại phòng khách tôi thấy Miu đang ngồi thoải mái trong ghế bành, tay cầm ly rượu brandy. Chị mời tôi cùng uống rượu nhưng thật sự tôi chỉ muốn bia lạnh. Tôi mở tủ lạnh lấy một chai Amstel và rót vào chiếc cốc cao. Miu ngồi sâu trong ghế, im lặng khá lâu. Có vẻ như không phải chị đang cố gắng tìm lời để nói mà là đang chìm vào ký ức riêng nào đó của mình, một ký ức không đầu không cuối.
"Chị ở đây lâu chưa?" Tôi phá vỡ sự im lặng.
"Hôm nay là ngày thứ tám," Miu nói sau một lúc nghĩ ngợi.
"Và Sumire biến mất từ đây?"
"Đúng vậy. Như tôi đã nói, như một làn khói."
"Chuyện xảy ra khi nào?"
"Ban đêm, bốn ngày trước," chị nói, đưa mắt nhìn quanh phòng như tìm kiếm đầu mối. "Tôi không biết nên bắt đầu từ đâu."
"Trong thư Sumire đã kể cho tôi về chuyến đi từ Milan đến Paris," tôi nói. "Sau đó kể về việc bắt tàu đến Burgundy. Hai chị em đã nghỉ tại ngôi nhà lớn ở trang trại của người bạn chị trong một ngôi làng Burgundy."
"Vậy tôi sẽ bắt đầu câu chuyện từ đó," chị nói.
Người Tình Sputnik Người Tình Sputnik - Haruki Murakami Người Tình Sputnik