Cầu Chúa ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những thứ con không thể thay đổi, sự caN đảm để thay đổi những thứ con có thể, và sự khôn khoan để phân biệt những cái có thể thay đổi và không thể.

Dr. Reinhold Niebuhr

 
 
 
 
 
Tác giả: Vũ Ngọc Anh
Thể loại: Hồi Ký
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: Toan Nguyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 27
Cập nhật: 2024-10-26 21:10:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7: Hà Giang - Chuyến Đi Tình Nguyện Tiếp Theo
hư trình bày ở chương trước, tôi đã có cơ hội để đặt chân đến Hà Giang - điểm địa đầu của Tổ quốc. Một chuyến đi tình nguyện (là phụ, khám phá là chính với tôi) khó quên nhất trong suốt hành trình dọc miền Bắc của tôi, Hà Giang, hai từ đều ám chỉ sông ngòi nhưng ở đây chủ yếu lại toàn đồi núi, dân tộc thiểu số chiếm phần đông nên văn hóa và con người nơi đây cũng rất khác so với miền xuôi. Nhóm tình nguyện chúng tôi đến xã Yên Thành, huyện Quang Bình vào một chiều hè mát mẻ.
Xác định sau chuyến đi Thái Nguyên đợt trước nên đợt này tôi không còn dám mạo hiểm để leo núi nữa, tôi không muốn mình lại gặp nguy hiểm lần nữa trước khi chinh phục được 4 đầu cực của Tổ quốc và lần sau có leo núi, nhất định ngọn núi tôi leo sẽ là Fanxipan. Đến Hà Giang, đặt chiếc xe lăn của tôi xuống mặt đường đất đầy bụi bặm, tôi lại bắt đầu hành trình tiếp theo của cuộc đời, men theo con đường tỉnh lộ dài hun hút để đến với địa điểm tập kết.
Ngay vừa xuống xe, mọi người trong đoàn trong đó có tôi vội vã vác những phần quà nhỏ đến thăm các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng học tập để đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cái cảm nhận riêng khi đến nơi này của tôi là mỗi căn nhà cách xa nhau quá, nhà tôi ở quê cũng xa nhưng ở đây thì xa hơn, mỗi nhà cách nhau cả ki-lô-mét và để đi được khoảng nhà 10 em thì chúng tôi phải đi một quãng đường là 20km, cả đi lẫn về, hoàn toàn bằng đi bộ.
Để có thể đến thăm hết các em chúng tôi đành phải tách đoàn, cứ 2-3 người một nhóm đến nhà các em trong danh sách đã lập trước đó. Tôi và một bạn nữa được cử đến thăm em ở gần điểm tập kết trong danh sách. Ngôi nhà gỗ em ở nằm chênh vênh trên một khoảng đất trống rộng lớn, cả căn nhà dường như chả có gì đáng giá ngoài một chiếc ti vi đời cổ, một chiếc xe đạp và một chiếc giường.
Điều kỳ lạ nhất và khiến bạn ngạc nhiên nếu đi lần đầu thăm nhà của người dân tộc là trâu bò cũng ở trong nhà cùng con người, người miền xuôi có thể thấy hôi, và nghĩ họ ở bẩn, nhưng con trâu, con bò là cả tài sản to lớn với những người nơi đây. Họ coi con trâu, con bò như những thành viên trong gia đình mình, cần được bảo vệ, chăm sóc. Em nhỏ chúng tôi đến thăm là một bé gái, người nhỏ nhắn, đen choắt, rất đảm đang. Lúc chúng tôi đến, em đang cùng mấy đứa em của mình lầm lũi nấu nướng cái gì đó.
- Đi học xa có mệt không em? - Bạn tôi hỏi.
- Đi quen rồi. - Con bé lũn củn trả lời và thoăn thoắt rót nước mời tôi và bạn.
- Đi học từ đây đến trường thì ai đưa đi?
- Không ai đưa cả, tự đi.
- Tự đi cơ à, giỏi vậy, từ đây tới trường đi mất bao nhiêu cây?
- Cũng không biết, nhưng đi mất hơn 1 tiếng. - con bé tiếp tục trả lời.
- Nãy cô đi vào trong đây có con suối, bình thường cháu lội qua suối hay có đường khác không? Bạn tôi hỏi tiếp
- Lội qua suối thôi, hôm nào nước lên thì mới đi đường khác, mà xa lắm phải đi vòng qua một quả núi bên kia kìa. - Con bé nó vừa nói vừa kéo tay tôi ra chỉ cái quả núi “bên kia kìa” của nó.
- Có được học sinh giỏi không cháu? - Tôi hỏi.
- Có, giấy khen kia kìa.
- Mấy cái hình này cháu vẽ à? Đẹp quá! Cháu vẽ những gì thế?
- Cái này là bố, mẹ, em, con trâu, váy cưới… - Em gái đó khoe cả một “gallery tranh” nhỏ của mình được vẽ bằng bút chì màu nguệch ngoạc.
- Cháu thích vẽ lắm hả?
- Vâng.
- Lớn lên thích làm gì?
- Làm cô giáo.
- Làm cô giáo à, làm cô giáo thì có gì hay?
- Làm cô giáo về dạy mấy em ở đây. Như mấy cô giáo dưới xuôi lên ấy.
- Ừ, nhưng mà làm cô giáo thì không được vẽ đâu.
- Vậy thì làm cô giáo dạy vẽ. - Em lanh lợi đối đáp chúng tôi và cười to.
- Sao mấy đứa nhà xa mà lại chăm đi học thế?
- Đi học cho đỡ khổ, bố mẹ bảo đi học sau này sẽ được nhiều tiền. Không phải đi nhặt củi nữa.
Ở đâu cũng thế áp lực đồng tiền luôn luôn là gánh nặng lên những người nghèo, họ luôn mong có tia hy vọng làm thay đổi cuộc sống của họ và con cái. Tôi thấy em gái đó may mắn vì bố mẹ em lựa chọn con đường đúng đắn cho em, chứ không như nhiều ông bố bà mẹ vùng cao khác, con gái là “hàng hóa” để đổi món tiền thách cưới cao. Thấy bọn nhóc tò mò về chiếc xe lăn của mình, tôi đổi sang ngồi ghế để chúng nó có thể lấy chơi một lát, đôi mắt ngây thơ của chúng ánh lên sự háo hức và thích thú, có đứa còn bảo muốn được ngồi trên xe lăn cả đời như tôi vì ngồi xe lăn sướng quá. Chúng còn non nớt quá! Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng được ngồi lên một ghế có bánh, có lẽ trong tiềm thức của chúng đang mơ đến một ngày được ngồi ô tô xuống Thủ đô xem vườn thú.
Buổi tối hôm đó, chúng tôi tổ chức chương trình ca nhạc, vui chơi cho các em và bà con vùng cao trên này, từ đuổi hình bắt chữ cho đến nhảy sạp. Trên này không có khu vui chơi, lâu lâu đoàn chiếu bóng hay một tổ chức tình nguyện nào đó mới đến để tổ chức chiếu phim hay văn nghệ thành ra ai ai trên cái vùng cao Hà Giang này cũng nhiệt tình tham gia, các cán bộ xã thậm chí coi chúng tôi như anh em, đồng bào trên này, hăng hái giúp đỡ tổ chức chương trình, thậm chí còn mời cơm chúng tôi nữa. Hình như càng thiếu thốn người ta càng sống với nhau đậm tình người, hàng xóm tắt lửa có nhau, chứ không thờ ơ, lãnh đạm với nhau như ở những vùng có của ăn của để khác.
Hà Giang chìm vào đêm…Không gian im lặng hoàn toàn, bầu trời nơi này khác với bầu trời ở Hà Nội hay Hải Phòng, nó thoáng đãng, lững thững, chân thành và giản dị. Mới 8 giờ tối nhưng nhà nào cũng đã tắt đèn đi ngủ, thi thoảng xen lẫn trong tiếng rì rào của màn đêm vang vọng tiếng nói cười của vài đôi trai gái hoặc một nhóm đi chơi tối. Trời càng vào đêm càng se lạnh, cái lạnh miền núi làm tôi đôi lúc rùng mình.
Tôi lặng lẽ đi vòng quanh chốn này, mỗi lần một mình như vậy tôi lại suy nghĩ về đời mình, càng đi càng nghĩ, lúc ngừng nghĩ thì đã quay về chỗ nghỉ lúc nào không hay. Hóa ra con người ta đi trăm hướng, muốn rời bỏ điểm xuất phát mà không được, dù cố bảo “thôi không cần biết đi đâu, hướng nào cũng được” nhưng suy cho cùng rồi có ngày lại quay về nơi ta bắt đầu. Trò chuyện vài câu với người bạn, tôi quay về chỗ mình ngủ và chìm vào giấc mơ bình yên lúc nào không hay. Đêm Hà Giang cứ qua đi nhẹ nhàng như vậy…
Sáng sớm hôm sau, cả đoàn chúng tôi tranh thủ đi thăm chợ phiên vùng cao, vì chúng tôi đến đúng dịp cuối tuần nên phiên chợ rất sầm uất bày bán đủ mọi mặt hàng từ những thứ bé tí như cây kim, sợ chỉ cho đến những thứ to đùng như trâu bò, thậm chí có cả xe máy. Đến đây, bạn có thể tìm thấy những thứ mà đã không được nhìn thấy rất lâu rồi, như mì cân, đèn pin kiểu cổ, đèn dầu, lương khô…, thậm chí có cả súng Colt có băng đạn, bắn tóe lửa mà tôi hay chơi ngày bé, thứ mà tôi những tưởng “tuyệt chủng” lâu lắm rồi thế mà không ngờ được bày bán la liệt trên này.
Hàng hóa được bày bán trên này nhiều nhất chủ yếu vẫn là nông sản, người dân tộc đi chợ để chơi, để giao lưu, để bán sản phẩm họ làm ra, để trao đổi lấy những thứ khác. Sức mạnh của đồng tiền không làm ảnh hưởng đến con người nơi đây, họ thường trả giá cho vui, cho xôm chợ, ít có cảnh nói thách quá cao, đối với họ ít tiền đi chợ cũng được vì họ đã quen cảnh thiếu tiền quanh năm, họ chỉ cần được đi chợ, được gặp người nọ người kia, được ngà ngà say mà thôi.
Đứng giữa phiên chợ vùng cao, tôi vừa cảm thấy quen vừa thấy lạ, quen vì nó có nét giống những phiên chợ miền xuôi (có thể do đường xá đi lại dễ dàng hơn nên những thứ miền xuôi có thì trên này cũng có), lạ vì ở đây bạn vẫn còn thấy được nét hoang sơ rừng núi. Người dân tộc có ở khắp mọi nơi, họ nói thứ tiếng tôi không hiểu, vài người bập bẹ được tiếng Kinh, vài người khác còn tự dưng “xổ” được cả tiếng Anh, những tiếng nói hòa quyện vào nhau tạo bản nhạc rất lạ tai, đầy đủ các cung bậc âm nhạc.
Mỗi dân tộc Hà Giang có nét đẹp trang phục rất riêng. Ví như hoa văn trên quần áo của dân tộc người Giáy khá đơn giản, không cầu kì, lòe loẹt như trang phục của người Mông. Mỗi cô gái người Mông đều quấn xà cạp, đeo “tạp dề” (tôi không biết dùng từ gì cho chính xác để miêu tả nó) nom như công chúa Hàm Hương trong phim “Hoàn châu cách cách”. Người Pu Péo thì có vẻ không thích hoa văn, họ chuộng mặc váy đơn sắc màu tím than, đeo khăn đỏ xen kẽ vân trắng… Mỗi dân tộc một kiểu nhưng họ tạo nên những đóa hóa đa sắc màu tô điểm núi xanh, mây trắng vùng Hà Giang còn nghèo đói này.
Tạm biệt mảnh đất Hà Giang vào trưa oi ả, tôi ra về trong luyến tiếc, luyến tiếc vì còn nhiều điều tôi chưa được khám phá, chưa được đi, và luyến tiếc nhất tôi vẫn chưa được đến Lũng Cú nhưng có lẽ lần sau, chỉ mình tôi và chiếc xe lăn sẽ đến đây một lần nữa, thực hiện nốt những điều luyến tiếc kia và giương cao ngọn cờ Việt Nam trên đỉnh Lũng Cú.
Hà Giang hãy đợi nhé! Hãy chờ tôi trở lại! Tôi sẽ đi tiếp để rồi có ngày lại vòng quanh trở về với bạn như cái đêm tôi vòng quanh rồi cuối cùng trở về nơi nghỉ ngơi…
Không Thể Vỡ Không Thể Vỡ - Vũ Ngọc Anh Không Thể Vỡ