Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Chương 8
N
ơi ở trong thị trấn của ông Pumblechook tại phố High đâu đâu cũng
hiện diện hạt tiêu khô và bột mì, nhà của người buôn bán lương thực và hạt
giống thì phải thế. Tôi thấy như ông là người thật hạnh phúc khi có nhiều
ngăn kéo nhỏ đến thế trong cửa hàng của mình; và tôi tự hỏi khi ngó vào một
hai ngăn kéo ở mấy hàng dưới cùng và nhìn thấy những gói giấy nâu buộc
chặt bên trong, liệu những hạt giống hoa và mầm cây có bao giờ muốn một
ngày đẹp trời để thoát ra khỏi mấy phòng giam đó mà đâm chồi nảy lộc hay
không.
Tôi thực hiện cuộc thăm dò này lúc sáng sớm sau ngày tới nơi. Tối
hôm trước, tôi được đưa thẳng lên giường ngủ trên gác xép có mái nhà dốc
xuống kề sát vào chỗ kê giường đến mức tôi ước chừng những viên ngói lợp
mái chỉ cách lông mày tôi chừng một foot là cùng. Cũng vào buổi sáng sớm
đó, tôi khám phá ra một mối liên hệ độc đáo giữa ngũ cốc và những cái quần
nhung kẻ. Ông Pumblechook mặc quần nhung kẻ, và người quản lý cửa hàng
của ông cũng thế; và theo cách nào đó tất cả những cái quần nhung kẻ này
đều có một dáng vẻ và thứ mùi chung rất gần với bản chất của ngũ cốc, và ở
các món ngũ cốc lại có dáng vẻ và thứ mùi chung rất gần với bản chất của
những cái quần nhung kẻ, đến mức tôi khó lòng phân biệt cái nào là cái nào
nữa. Cũng dịp này cho tôi cơ hội nhận ra là có vẻ như ông Pumblechook điều
hành việc làm ăn của mình bằng cách nhìn qua bên kia đường về phía cửa
hàng của ông thợ làm yên ngựa, ông này có vẻ làm ăn bằng cách không rời
mắt khỏi cửa hàng của ông thợ đóng xe ngựa, ông này lại kiếm sống bằng
cách đút tay túi quần ngắm nghía hàng bánh mì, đến lượt ông thợ làm bánh
lại khoanh tay nhìn về hàng tạp hóa, trong khi ông chủ hàng tạp hóa đứng bên
cửa ngáp dài ngó về phía hàng thuốc. Ông thợ đồng hồ, luôn ngồi cặm cụi
sau một cái bàn nhỏ với một cái kính lúp đeo trên mắt, và luôn bị một nhóm
người quần áo lam lũ đứng ngó nhìn qua cửa sổ lắp kính của cửa hàng, dường
như là người duy nhất trên phố High có công việc đòi hỏi ông ta phải tận tâm
chú ý.
Ông Pumblechook và tôi ăn sáng lúc tám giờ trong phòng khách đằng
sau cửa hàng, trong khi người quản lý cửa hàng ngồi uống trà và ăn bánh mì
phết bơ trên một bao đậu ngay trước cửa hàng. Tôi thấy thật kinh khủng khi
phải ở cạnh ông Pumblechook. Ngoài việc bị ám ảnh ý tưởng từ chị gái tôi
rằng nhất thiết phải làm cho chế độ ăn uống của tôi thể hiện thật rõ tính chất
khổ hạnh và trừng phạt - ngoài việc dành cho tôi càng nhiều bánh vụn và
càng ít bơ càng tốt, đồng thời cho vào sữa của tôi nhiều nước ấm đến mức
nếu thẳng thắn hơn thì đừng cho sữa vào cho xong - những câu trò chuyện
của ông chỉ toàn về những phép toán. Khi tôi lễ độ chúc ông buổi sáng tốt
lành, ông kênh kiệu hỏi lại, “Bảy lần chín là mấy, cậu bé?” Và làm sao tôi trả
lời cho được khi bị vặn hỏi theo cách ấy, ở một nơi xa lạ, với một cái bụng
rỗng tuếch! Tôi đang đói lả, nhưng tôi chưa kịp nuốt miếng nào, ông đã bắt
đầu một chuỗi phép cộng kéo dài suốt cả bữa ăn sáng. “Bảy?” “Cộng bốn?”
“Cộng tám?” “Cộng sáu?” “Cộng hai?” “Cộng mười?” Và cứ thế mãi. Và sau
khi mỗi phép cộng được giải đáp, hầu như tôi chỉ vừa kịp cắn một miếng hay
uống một ngụm thì câu hỏi tiếp theo đã tới; trong khi ông thì thoải mái ngồi
đó chẳng phải đoán gì, ngốn ngấu ăn hùng hục (nếu tôi được phép sử dụng
cách diễn đạt này) thịt muối và bánh nướng nóng hổi.
Vì những lý do vừa kể, tôi mừng không kể đâu cho hết khi chuông
đồng hồ điểm mười giờ và chúng tôi lên đường tới nhà cô Havisham; cho dù
tôi chẳng hề thấy thoải mái chút nào về cách ứng xử tôi sẽ phải làm quen
dưới mái nhà quý bà này. Trong vòng mười lăm phút chúng tôi đã tới nhà cô
Havisham, một ngôi nhà cũ xây bằng gạch, lạnh lẽo, quanh nhà có rất nhiều
song sắt to tướng. Một số cửa sổ đã bị xây bít kín; trong những ô cửa còn lại,
tất cả cửa sổ ở tầng dưới đều bị bịt bằng những chấn song gỉ sét. Có một
khoảng sân đằng trước, và quanh sân cũng có hàng rào; vậy là sau khi rung
chuông chúng tôi buộc phải đợi cho tới khi có người ra mở cửa. Trong khi
đứng đợi ngoài cổng, tôi ngó vào trong (ngay cả lúc ấy ông Pumblechook vẫn
hỏi, “Cộng mười bốn?” nhưng tôi giả bộ không nghe thấy), và thấy ở cạnh
ngôi nhà có một xưởng ủ bia lớn. Nhưng trong đó chẳng có mẻ bia nào đang
được ủ, và có vẻ đã lâu lắm không còn mẻ bia nào được ủ trong đó.
Một ô cửa sổ mở ra, và một giọng nói rành rọt cất lên hỏi, “Ai vậy?”
Và người dẫn tôi trả lời, “Pumblechook.” Giọng nói kia đáp, “Đúng rồi,” và ô
cửa sổ lại đóng lại, rồi một cô gái băng qua sân đi tới, trong tay cầm chùm
chìa khóa.
“Đây là Pip,” ông Pumblechook nói.
“Đây là Pip phải không?” cô gái trẻ đáp lại, cô này rất đẹp và có vẻ rất
kiêu kỳ. “Vào đi, Pip.”
Ông Pumblechook cũng định vào thì cô gái đóng cổng ngăn ông này
lại.
“Ồ!” cô gái nói. “Ông muốn gặp cô Havisham à?”
“Nếu cô Havisham muốn gặp tôi,” ông Pumblechook lúng túng đáp.
“À!” cô gái nói, “nhưng ông thấy đấy, bà ấy không muốn gặp ông.”
Cô gái nói rất kiên quyết, với giọng điệu không cho phép bàn cãi, đến
mức ông Pumblechook, mặc dù đang bị đụng chạm đến lòng tự tôn, cũng
không thể phản đối. Nhưng ông nhìn tôi thật khắc nghiệt cứ như thể tôi đã
làm gì ông! Rồi quay về sau khi đã nói xong mấy lời đầy trách cứ: “Cậu bé!
Hãy cư xử khi ở đây sao cho xứng đáng với những người đã nuôi nấng cậu!”
Tôi không gạt bỏ được nỗi sợ ông sẽ quay lại hỏi với qua cổng, “Cộng mười
sáu?” Nhưng ông Pumblechook đã không làm thế.
Cô dẫn đường trẻ tuổi của tôi khóa cổng lại, và hai chúng tôi băng qua
sân. Khoảng sân được lát tinh tươm và sạch sẽ, nhưng cỏ dại đang mọc chồi
lên qua mọi kẽ nứt. Có một lối đi nhỏ dẫn sang xưởng ủ bia, và hai cánh cổng
gỗ dẫn vào lối đi ấy đang mở toang, cả nhà xưởng đằng sau cũng mở toang,
mãi cho tới tận bức tường bao cao ngất; khắp bên trong đều trống trơn, hoang
vắng. Cơn gió lạnh dường như lạnh hơn khi thổi qua trong đó so với bên
ngoài cổng; và cơn gió tạo thành tiếng rít nhói buốt khi nó rền rĩ luồn vào rồi
chui ra qua hai bên thông thống của nhà xưởng, giống như tiếng gió thổi qua
dây chằng buồm của một con tàu ngoài biển.
Cô gái thấy tôi nhìn về phía nhà xưởng và nói, “Giờ thì cậu có thể uống
tất cả chỗ bia nặng được lên men trong đó mà chẳng hại gì rồi, cậu bé.”
“Có lẽ tôi nên nghĩ là tôi có thể, thưa tiểu thư,” tôi ngượng ngùng nói.
“Tốt hơn bây giờ không nên ủ bia ở trong đó nữa, nếu không bia sẽ
chua hết, chàng trai; cậu không nghĩ vậy sao?”
“Trông có vẻ đúng là thế, thưa tiểu thư.”
“Mà thực ra cũng chẳng có ai thực sự muốn thử,” cô gái nói thêm, “vì
tất cả đã bị dọn sạch trong đó rồi, và nhà xưởng ấy sẽ bị bỏ không như thế
cho tới khi nó đổ sụp. Còn về phần bia nặng, dưới hầm đã có quá đủ rồi, đủ
để nhấn chìm Manor House.”
“Đó là tên của ngôi nhà này phải không, thưa tiểu thư?”
“Một trong những cái tên của nó, cậu bé.”
“Vậy là nó có đến hơn một cái tên sao, thưa tiểu thư?”
“Còn một cái tên nữa. Tên còn lại của nơi này là Satis; trong tiếng Hy
Lạp, hay Latinh, hay Hebrew, mà cũng có thể trong cả ba thứ tiếng - hay tất
cả chỉ là một với tôi - có nghĩa là đủ.”
“Nhà Đủ,” tôi nói, “một cái tên thật lạ, thưa tiểu thư.”
“Phải,” cô gái đáp, “nhưng ý nghĩa của nó còn nhiều hơn thế. Ý nghĩa
của cái tên này là khi ngôi nhà này được trao cho ai đó, bất cứ người nào sở
hữu nó sẽ không muốn thêm gì nữa. Tôi đoán vào thời đó người ta cũng dễ
thấy thỏa mãn. Nhưng đừng có rề rà thế chứ, cậu bé.”
Cho dù cô gái luôn miệng gọi tôi là “cậu bé” với âm điệu dửng dưng
còn xa nghe mới giống lời khen, cô cũng chỉ bằng trạc tuổi tôi. Tất nhiên,
trông cô có vẻ lớn tuổi hơn tôi nhiều, vì là con gái, đồng thời lại thật xinh đẹp
và tự tin; cô có vẻ khinh miệt tôi như thể cô đã hai mươi mốt tuổi và là một
bà hoàng.
Chúng tôi đi vào nhà qua cửa ngách, cửa vào rộng đằng trước có hai
dây xích móc ngang bên ngoài, và ấn tượng đầu tiên của tôi về ngôi nhà là tất
cả các lối đi đều tối om, và cô gái đã để lại một cây nến thắp sẵn bên trong.
Cô cầm nến lên, rồi chúng tôi đi qua thêm nhiều hành lang nữa, leo lên một
cầu thang, và xung quanh vẫn tối om, chỉ có độc ngọn nến soi đường cho
chúng tôi.
Cuối cùng, chúng tôi tới trước cửa một căn phòng, và cô gái nói, “Vào
đi.”
Tôi trả lời, do rụt rè nhiều hơn lịch sự, “Mời cô đi trước, thưa tiểu thư.”
Nghe thấy thế, cô gái quay lại: “Đừng có ngốc thế, cậu bé; tôi sẽ không
vào đâu.” Rồi khinh khỉnh bỏ đi, và - chuyện này thậm chí còn tệ hơn - cầm
theo luôn cây nến.
Tình cảnh này thực chẳng dễ chịu chút nào, và tôi bắt đầu thấy hơi sợ.
Tuy nhiên, điều duy nhất tôi có thể làm là gõ cửa, vậy là tôi gõ, và được
giọng nói từ bên trong vọng ra bảo đi vào. Thế là tôi vào phòng, và nhận ra
mình đang ở trong một căn phòng khá rộng, được thắp sáng bằng nến sáp.
Trong phòng không thể thấy được dù chỉ một tia sáng ban ngày. Đây là một
buồng thay đồ, tôi đoán vậy từ đồ đạc trong phòng, cho dù vào hồi ấy phần
lớn những món đồ này có hình dạng và công dụng tôi không hề biết. Nhưng
nổi bật lên trong tất cả là một chiếc bàn có phủ khăn với một chiếc gương soi
chạm trổ, và chính từ đó tôi đoán chừng ngay từ cái nhìn đầu tiên rằng đây là
bàn trang điểm của một quý bà đẹp đẽ.
Liệu tôi có đoán ra nhanh đến vậy công dụng của món đồ này hay
không nếu không có một quý bà sang trọng ngồi kế bên nó, tôi không biết
nữa. Ngồi trong một chiếc ghế bành, một khuỷu tay chống lên bàn, đầu tựa
lên bàn tay bên đó, trước mặt tôi là quý bà kỳ lạ nhất tôi từng gặp cho tới lúc
ấy cũng như từ đó về sau.
Bà phục sức rất sang trọng - toàn là xa tanh, đăng ten, rồi lụa - tất cả
tuyền một màu trắng. Đôi giày bà đi cũng màu trắng. Và từ mái tóc vị phu
nhân này rủ xuống một tấm voan trắng dài, trên tóc bà cài hoa theo kiểu cô
dâu, song mái tóc đã bạc trắng. Vài món trang sức sáng lấp lánh trên cổ và
hai bàn tay bà, vài món khác lóng lánh nằm trên mặt bàn. Những bộ xiêm y,
ít lộng lẫy hơn bộ đồ bà đang mặc, cùng những cái rương đang xếp dở dang
nằm rải rác khắp xung quanh. Vị phu nhân vẫn chưa mặc xong y phục, vì bà
mới xỏ có một bên giày vào chân - chiếc giày còn lại đang nằm trên bàn ngay
gần bàn tay bà - tấm voan mới được chỉnh trang được nửa chừng, đồng hồ
quả quýt và dây đeo vẫn chưa được đeo vào, vài món đăng ten dùng trang trí
cho ngực áo vẫn còn nằm cạnh các món đồ trang sức cùng khăn tay, găng tay
của bà, rồi cả mấy bông hoa, một quyển kinh cầu nguyện, thảy đều bày bừa
quanh cái gương soi.
Không phải tôi nhìn thấy tất cả những thứ kể trên chỉ trong vài khoảnh
khắc đầu tiên, cho dù trong vài khoảnh khắc đầu tiên đó tôi đã nhìn được
nhiều hơn hẳn so với lẽ thường. Nhưng tôi nhận ra tất cả những gì nằm trong
tầm mắt mình phải có màu trắng thì vốn đã trắng vậy từ lâu lắm rồi, đã mất đi
vẻ óng ả ban đầu, đã ố và ngả vàng. Tôi thấy cô dâu vận bộ áo cưới cũng đã
héo úa đi giống như chính bộ trang phục, giống như mấy bông hoa, và chẳng
còn tỏa ra chút ánh sáng nào ngoài tia sáng trong đôi mắt trũng sâu. Tôi thấy
bộ áo cưới từng được khoác lên thân hình đầy đặn của một phụ nữ trẻ, còn
thân hình mà lúc này nó đang thùng thình phủ lên đã quắt queo lại chỉ còn da
bọc xương. Tôi từng có lần được dẫn đi xem mấy bức tượng sáp kinh khủng
ở hội chợ, thể hiện một nhân vật quái gở nào đó tôi không biết đang nằm uy
nghi. Một lần khác, tôi được đưa tới một trong những ngôi nhà thờ cũ gần
đầm lầy ở quê chúng tôi để xem một bộ hài cốt mặc trang phục sang trọng đã
mục nát cả vừa được khai quật lên từ một hầm mộ dưới nền nhà thờ. Còn lúc
này, tượng sáp và hài cốt dường như có đôi mắt đen sẫm có thể động đậy và
nhìn vào tôi. Nếu có thể, chắc tôi đã hét tướng lên.
“Ai đó?” phu nhân ngồi cạnh bàn hỏi.
“Pip, thưa bà.”
“Pip nào?”
“Cậu bé của ông Pumblechook, thưa bà. Đến để… chơi.”
“Lại gần hơn nào; để ta nhìn cháu xem. Lại gần đây nào.”
Mãi đến khi đứng trước mặt bà, cố gắng tránh đôi mắt bà, tôi mới để ý
kỹ những đồ vật xung quanh, và nhận thấy cái đồng hồ quả quýt của bà đã
ngừng ở chín giờ kém hai mươi, và một cái đồng hồ treo tường để trong
phòng cũng dừng lại ở chín giờ kém hai mươi.
“Nhìn ta nào,” cô Havisham nói. “Cháu không sợ một bà già chưa bao
giờ nhìn thấy mặt trời kể từ khi cháu chào đời đấy chứ?”
Tôi lấy làm tiếc phải kể ra đây là lúc ấy tôi đã chẳng hề e ngại nói ra
điều dối trá to tướng tạo thành câu trả lời của mình, “Không ạ.”
“Cháu có biết ta đang áp tay vào cái gì ở đây không?” bà nói, úp hai
bàn tay lên nhau áp vào ngực trái.
“Có, thưa bà.” (Câu hỏi làm tôi nghĩ tới người đàn ông trẻ từng là chú
rể.)
“Ta đang chạm vào cái gì vậy?”
“Trái tim bà ạ.”
“Một trái tim tan nát!”
Vị phu nhân nói ra mấy từ này kèm theo một cái nhìn háo hức, bằng
giọng nói được nhấn mạnh, cùng một nụ cười kỳ dị có chút gì đó kiêu hãnh.
Tiếp theo, bà giữ hai bàn tay ở đó một lát, rồi từ từ buông tay xuống
như thể chúng nặng trĩu.
“Ta mệt mỏi lắm rồi,” cô Havisham nói. “Ta muốn giải khuây, và ta
chịu đựng những người đàn ông và những người đàn bà đủ rồi. Chơi đi.”
Tôi nghĩ những độc giả thích tranh cãi nhất của mình hẳn cũng sẽ thừa
nhận rằng gần như không có việc gì mà bà chủ nhà yêu cầu cậu nhóc khốn
khổ phải làm lại khó thực hiện hơn thế trong hoàn cảnh ấy.
“Đôi khi ta vẫn có những sở thích quái gở,” bà nói tiếp, “và ta có sở
thích quái gở muốn thấy ai đó chơi. Kìa, kìa!” bà sốt ruột ra hiệu bằng mấy
ngón tay phải, “chơi, chơi, chơi đi!”
Trong khoảnh khắc, với nỗi sợ bà chị bảo ban mình hiển hiện trước
mắt, tôi tuyệt vọng nảy ra ý tưởng đi vòng vòng quanh phòng trong vai cỗ xe
của ông Pumblechook. Nhưng tôi cảm thấy mình dưới tầm vai diễn đến mức
đành bỏ cuộc, rồi đứng đó nhìn cô Havisham với thái độ tôi đoán bị bà coi là
lì lợm, ít nhất qua những gì bà nói, khi chúng tôi đã nhìn nhau khá kỹ lưỡng.
“Cháu lúc nào cũng sưng sỉa bướng bỉnh thế này sao?”
“Không, thưa bà, cháu rất ái ngại cho bà, và rất xin lỗi vì bây giờ cháu
không chơi được. Nếu bà phàn nàn, thể nào cháu cũng gặp rắc rối với chị
cháu, vì thế cháu chắc chắn sẽ chơi nếu có thể; nhưng mọi thứ ở đây thật mới,
thật lạ, và thật đẹp - thật buồn nữa,” tôi ngừng lại, sợ rằng có thể mình nói
quá nhiều hay có thể đã làm vậy rồi, và chúng tôi lại nhìn nhau lần nữa.
Trước khi lên tiếng trở lại, vị phu nhân đưa mắt khỏi tôi, nhìn xuống bộ
váy cưới bà đang mặc, lên bàn trang điểm, và cuối cùng nhìn mình trong
gương.
“Quá mới mẻ với thằng bé,” bà lẩm bẩm, “quá cũ kỹ với ta; quá lạ lùng
với nó, quá quen thuộc với ta; quá buồn bã với cả hai chúng ta! Gọi Estella
đi.”
Vì bà vẫn chăm chú nhìn vào hình ảnh phản chiếu của mình, tôi nghĩ
bà đang tiếp tục độc thoại cùng bản thân nên tôi im lặng.
“Gọi Estella đi,” vị phu nhân nhắc lại, đưa mắt nhìn tôi. “Cháu có thể
làm việc đó. Hãy gọi Estella. Ngoài cửa.”
Đứng trong bóng tối của dãy hành lang bí hiểm trong một ngôi nhà xa
lạ, lớn tiếng gọi Estella với một cô tiểu thư khinh khỉnh chẳng hề thấy mặt
cũng không buồn trả lời, và cảm thấy chuyện gọi toáng tên cô gái lên là một
sự sỗ sàng đáng sợ, chuyện này quả tình cũng tệ chẳng kém gì phải chơi theo
lệnh. Nhưng rồi cuối cùng cô gái cũng trả lời, và ngọn nến cháy sáng của cô
tiến lại theo hành lang tối om như một ngôi sao.
Cô Havisham vẫy gọi cô gái lại gần, rồi cầm một món trang sức trên
bàn lên, ướm thử nó lên khuôn ngực trẻ trung đẹp đẽ và mái tóc nâu lộng lẫy
của cô gái. “Rồi đến một ngày kia sẽ là của con, con yêu quý, và con sẽ đeo
thật đẹp. Hãy cho ta xem con chơi bài với cậu bé này nào.”
“Với cậu nhóc này ư! Sao có thể chứ, cậu ta chỉ là một thằng bé cần lao
thấp kém!”
Tôi nghĩ có thoáng nghe thấy cô Havisham trả lời - chỉ có điều câu trả
ấy dường như thật khó tin - “Thế nào? Con có thể làm tan vỡ trái tim cậu ta
đấy.”
“Cậu chơi bài gì nào, cậu bé?” Estella hỏi tôi, khinh khỉnh tột bậc.
“Tôi chỉ biết chơi trò ‘tước sạch hàng xóm’* thôi, thưa tiểu thư.”
Beggar my neighbor: một trò chơi bài đơn giản cho 2 người, mỗi người được nửa cỗ bài (26 quân).
Bài của mỗi bên được xếp úp xuống thành một chồng, hai bên lần lượt lật từng lá bài từ trên xuống.
Nếu một bên lật được lá bài “phạt” (gồm các lá bài A, K, Q, J), bên kia sẽ phải nộp phạt từ chồng lá
bài của mình (với mỗi quân A 4 lá, K 3 lá, Q 2 lá và J 1 lá).
“Hãy tước sạch cậu ta đi,” cô Havisham nói với Estella. Thế là chúng
tôi ngồi xuống chơi bài.
Lúc ấy tôi mới hiểu rằng mọi thứ trong căn phòng, giống như hai chiếc
đồng hồ, đều đã ngừng lại từ lâu. Tôi nhận thấy cô Havisham để món đồ
trang sức xuống đúng chỗ bà cầm nó lên. Trong khi Estella chia bài, tôi liếc
nhìn về phía bàn trang điểm lần nữa, và thấy chiếc giày để trên đó, từng có
thời màu trắng, giờ ngả vàng, chưa bao giờ được xỏ chân vào. Tôi liếc xuống
bàn chân còn thiếu giày, và thấy chiếc tất lụa đi bên ngoài nó, từng có thời
màu trắng, giờ ngả vàng, đã được mang đến rách xơ xác. Nếu không có trạng
thái chững lại của mọi thứ, không có sự đứng im của tất cả những đồ vật nhợt
nhạt đang mục nát dần này, thậm chí cả bộ đồ cưới xơ xác phủ trên thân hình
tàn tạ kia trông chắc cũng không giống đồ moi dưới huyệt ra đến thế, và tấm
voan dài chắc cũng không giống một tấm vải liệm đến vậy.
Vậy là vị phu nhân ngồi đó như một thi thể trong khi hai chúng tôi chơi
bài; những diềm xếp và đồ trang trí trên váy cưới của bà trông như làm bằng
giấy cũ. Hồi ấy tôi chẳng hề biết gì về những khám phá thỉnh thoảng người ta
vẫn bắt gặp với những thi thể được chôn cất từ thời xa xưa, người ta chỉ vừa
kịp nhìn thấy là chúng đã nát vụn thành bột; nhưng kể từ lúc đó, tôi vẫn
thường nghĩ có vẻ như bà phu nhân sẽ tan thành bụi nếu bị ánh sáng tự nhiên
của ban ngày chiếu vào.
“Cậu nhóc này gọi mấy quân bồi là quân J!” Estella khinh miệt nói, từ
trước khi ván bài đầu tiên của chúng tôi kết thúc. “Hai bàn tay cậu ta mới thô
kệch làm sao! Lại còn đôi ủng dày bình bịch này nữa chứ!”
Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc phải xấu hổ về hai bàn tay
mình; nhưng tôi bắt đầu thấy chúng thật xoàng xĩnh. Vẻ khinh miệt cô gái
dành cho tôi thật kinh khủng, như một thứ bệnh truyền nhiễm, và tôi đã
nhiễm phải.
Cô gái thắng ván bài, và tôi phải chia bài. Tôi chia nhầm, một chuyện
hoàn toàn tự nhiên khi tôi biết cô gái đang rình tôi làm sai điều gì đó; và cô
lập tức lên tiếng gọi tôi là một cậu nhóc cần lao ngu ngốc, hậu đậu.
“Cháu chẳng nói gì về cô bé cả,” cô Havisham nói với tôi trong khi tiếp
tục quan sát. “Nó nói rất nhiều điều nặng nề về cháu, nhưng cháu chẳng nói
gì về nó cả. Cháu nghĩ thế nào về cô bé?”
“Cháu không thích nói,” tôi ấp úng.
“Hãy nói thầm vào tai ta vậy,” cô Havisham cúi người xuống nói.
“Cháu nghĩ cô ấy rất kiêu kỳ,” tôi thì thầm trả lời.
“Gì nữa?”
“Cháu nghĩ cô ấy rất đẹp.”
“Gì nữa?”
“Cháu nghĩ cô ấy hay xúc phạm người khác.” (Lúc đó cô gái nhìn tôi
đầy ác cảm.)
“Gì nữa?”
“Cháu nghĩ cháu thích về nhà.”
“Và không bao giờ gặp lại cô bé nữa, dù cô bé rất xinh?”
“Cháu không chắc cháu có không thích gặp lại cô ấy hay không, nhưng
bây giờ cháu thích về nhà.”
“Cháu sẽ sớm được về thôi,” cô Havisham nói to lên thành tiếng. “Chơi
nốt ván bài đi.”
Ngoại trừ nụ cười kỳ quái lúc đầu, tôi có thể cảm thấy gần như chắc
chắn là khuôn mặt cô Havisham không thể cười. Khuôn mặt ấy đã xịu xuống
thành vẻ ủ ê săm soi - nhất là khi mọi thứ liên quan tới bà đều trở nên bất
động cứng đờ - và có vẻ như sẽ chẳng có gì nhấc nó lên thành nụ cười nổi
nữa. Khuôn ngực bà phu nhân chảy xệ xuống, làm người bà còng hẳn lại; và
giọng nói của bà cũng tụt xuống, vậy là bà nói thật trầm, cả người bà hiện rõ
vẻ tĩnh lặng chết chóc; nói tóm lại, cả thân thể lẫn tâm hồn vị phu nhân có vẻ
đều bị bẻ gập xuống, cả trong lẫn ngoài, dưới sức nặng của một cú đánh trời
giáng.
Tôi kết thúc ván bài với Estella, và cô tước sạch của tôi. Cô gái ném
những lá bài xuống bàn sau khi đã thắng hết tất cả chúng, như thể khinh bỉ vì
thắng được chúng từ tôi.
“Khi nào ta sẽ lại gọi cháu đến đây nhỉ?” cô Havisham hỏi. “Để ta nghĩ
xem nào.”
Tôi định nhắc để bà nhớ hôm nay là thứ Tư thì bà ngăn tôi lại vẫn với
cử chỉ sốt ruột lúc trước của mấy ngón tay phải.
“Thôi, thôi nào! Ta chẳng biết gì về các ngày trong tuần cả; ta chẳng
biết gì về các tuần trong năm hết. Sáu ngày nữa hãy quay lại đây. Cháu nghe
rõ chưa?”
“Vâng, thưa bà.”
“Estella, dẫn cậu ta xuống dưới nhà. Lấy cho cậu ta thứ gì đó để ăn,
cho cậu ta đi chơi loanh quanh và để mắt đến cậu ta trong khi cậu ta ăn. Đi đi,
Pip.”
Tôi đi theo ngọn nến xuống dưới nhà, như đã đi theo nó lên nhà, và cô
gái để cây nến lại chỗ chúng tôi đã thấy. Cho tới khi cô gái mở cửa ra vào bên
hông ngôi nhà, tôi đã tưởng tượng, mà không suy nghĩ gì, rằng chắc hẳn lúc
đó là ban đêm. Luồng ánh sáng ban ngày lùa vào làm tôi khá bối rối, khiến
tôi cảm thấy như thể mình đã ở trong ánh nến của căn phòng kỳ dị nọ trong
suốt nhiều giờ.
“Cậu phải đợi ở đây, cậu bé,” Estella nói; rồi quay vào và đóng cửa lại.
Tôi nhân cơ hội chỉ có một mình ngoài sân để ngắm nghía đôi bàn tay
thô kệch và đôi ủng tầm thường của mình. Những gì tôi nghĩ về chúng quả
thực chẳng mấy tốt đẹp. Trước đây chúng chưa bao giờ làm tôi phải băn
khoăn, nhưng giờ thì chúng lại trở thành những thứ vụn vặt khiếm nhã làm
tôi bực dọc. Tôi quyết lòng sẽ hỏi Joe vì sao anh lại dạy tôi gọi mấy lá bài có
vẽ hình kia là J, trong khi phải gọi chúng là bồi. Tôi ước gì Joe đã được nuôi
dạy quý phái hơn, khi đó chắc tôi cũng đã được như thế.
Cô gái quay trở lại, mang theo bánh mì, thịt và một cốc bia nhỏ. Cô đặt
cốc bia xuống nền đá sân nhà, đưa bánh mì và thịt cho tôi mà chẳng thèm
nhìn tôi, với vẻ khinh miệt như thể tôi là một con chó bị thất sủng. Tôi cảm
thấy ê chề, bị tổn thương, hắt hủi, xúc phạm, cảm thấy phẫn nộ, thương thân -
tôi không thể tìm ra chính xác tên gọi cho cảm giác đau khổ đó - có Chúa mới
biết nên gọi nó là gì - đến nỗi nước mắt bắt đầu dâng lên ầng ậc trong mắt tôi.
Ngay khi chúng trào ra, cô gái nhìn tôi và lập tức vui ra mặt vì được là
nguyên do gây ra chúng. Thái độ của cô gái đem đến cho tôi sức mạnh để
kìm nước mắt lại và nhìn cô: vậy là cô gái hất hàm thật kênh kiệu - nhưng tôi
nghĩ để nói cô đã biết quá rõ tôi bị tổn thương tới mức nào - rồi bỏ đi để tôi
lại đó.
Nhưng khi cô gái đã đi khỏi, tôi lập tức nhìn quanh tìm một chỗ để
giấu mặt vào, rồi tôi tới sau một cánh cổng mở vào lối đi dẫn sang xưởng ủ
bia, tì tay áo lên tường ở đó, gục trán lên mà khóc. Vừa khóc tôi vừa đá vào
tường và giật xoắn tóc mình một cái thật mạnh; cảm xúc của tôi lúc ấy thật
cay đắng, và nỗi đau không tên kia thật nhức nhối, đến mức cần phải được
làm dịu đi theo cách nào đó.
Cách thức chị tôi nuôi nấng tôi đã làm tôi trở nên đa cảm. Trong thế
giới nhỏ bé mà trẻ con sống, bất kể là ai nuôi nấng chúng, không gì được
nhận biết và cảm thấy sâu sắc bằng sự bất công. Có thể đứa trẻ chỉ phải chịu
bất công rất nhỏ thôi; song đứa trẻ nhỏ xíu, thế giới của nó cũng rất nhỏ bé,
nên con ngựa gỗ đồ chơi với nó cũng cao như một con ngựa nòi Ireland dùng
đi săn. Trong thâm tâm, từ lúc lọt lòng tôi đã phải chịu đựng một cuộc xung
đột liên tục với bất công. Tôi biết từ khi bập bẹ tập nói là chị gái tôi, trong
ách áp bức đồng bóng thất thường và dữ tợn của chị, đã bất công với tôi. Tôi
luôn nuôi dưỡng một niềm tin sâu sắc rằng việc nuôi tôi lớn bằng tay cũng
không cho chị quyền nuôi dạy tôi bằng những trận đòn. Tôi đã nung nấu sự
đoan chắc này qua mọi lần bị trừng phạt, mắng mỏ, bị bắt nhịn đói, thức đêm,
cáu kỉnh hay phải chịu những hình thức ăn năn chuộc lỗi khác; và tôi cho
rằng việc thường xuyên đánh bạn với ý nghĩ đó trong cảnh cô độc không
được che chở phải chịu phần lớn trách nhiệm cho tính cách rụt rè đa cảm của
tôi.
Tôi rũ bỏ tức thời những cảm xúc bị tổn thương bằng cách đá chúng
vào tường xưởng ủ bia, giật xoắn chúng ra khỏi tóc mình, rồi tôi dùng tay áo
lau mặt và từ đằng sau cánh cổng chui ra. Bánh mì và thịt cũng dễ ăn, còn bia
thì ấm và mạnh, vậy nên chẳng bao lâu tôi đã có tâm trạng để đưa mắt nhìn
quanh mình.
Có thể thấy chắc đây là một nơi hoang vắng, tới tận cái chuồng bồ câu
ngoài sân xưởng ủ bia, đang bị một cơn gió mạnh thổi qua làm lắc lư trên cây
cột trụ, và hẳn sẽ khiến lũ bồ câu nghĩ chúng đang ở giữa biển, nếu còn con
bồ câu nào lưu lại trong đó để trải qua cảm giác bị lắc lư chao đảo. Nhưng kỳ
thực chẳng có con bồ câu nào trên chuồng bồ câu, chẳng có con ngựa nào
trong chuồng ngựa, không có lấy một con lợn trong chuồng lợn, chẳng hề có
mạch nha trong nhà kho, cũng không có mùi của ngũ cốc và bia trong nồi
đồng hay thùng ủ. Tất cả sản phẩm và hương vị của xưởng bia có lẽ đã bay
hơi hết theo làn khói cuối cùng từ đó tỏa ra. Trong một khoảng sân bên chất
đống những cái thùng bộng rỗng xếp lộn xộn, trong đó hẳn vẫn còn phảng
phất ít nhiều hoài niệm chua loét nhắc nhở về những ngày tốt đẹp hơn; song
thứ hoài niệm ấy quá chua để có thể được chấp nhận như một mẫu vật của
thứ bia đã biến mất - và về chuyện này tôi nhớ dư vị của chúng cũng giống
như phần lớn những trường hợp khác.
Tít đằng sau xưởng ủ bia có một khoảnh vườn rậm rạp với bức tường
bao cũ kỹ, không quá cao, cho phép tôi leo lên và bám lại đủ lâu để nhìn qua
tường, và thấy khu vườn rậm rạp này chính là vườn của ngôi nhà chính, cũng
như thấy nó đã bị cỏ dại um tùm xâm lấn song có một dấu vết để lại trên các
lối mòn màu xanh lục và vàng, như thể ai đó vẫn thỉnh thoảng đi lại trong
vườn, và Estella lúc ấy đã đi khỏi rồi. Nhưng cô gái có vẻ hiện diện khắp nơi.
Vì khi tôi không cưỡng được sức cám dỗ của mấy cái thùng bộng và bắt đầu
bước lên chúng, tôi cũng thấy cô gái bước lên chúng ở cuối khoảng sân xếp
đống thùng. Cô quay lưng về phía tôi, hai bàn tay giữ mái tóc nâu đẹp đẽ xòe
rộng ra, và không hề quay lại lấy một lần, rồi đi thẳng ra ngoài tầm nhìn của
tôi. Cũng như thế ở trong chính xưởng ủ bia - ý tôi muốn nói tới không gian
rộng được lát nền có trần cao, nơi người ta từng dùng để làm bia, và những
dụng cụ phục vụ việc này hãy còn ở cả đó. Khi mới bước chân vào xưởng và
đứng gần cửa nhìn quanh, không khỏi e dè trước vẻ u ám của nó, tôi nhìn
thấy cô gái đi giữa những lò lửa đã tắt ngóm, bước lên một cầu thang nhẹ
bằng sắt, rồi ra ngoài qua một hành lang ở cao tít phía trên, cứ như thể cô đi
ra bầu trời phía ngoài vậy.
Và chính tại nơi này, vào khoảnh khắc này, một chuyện kỳ lạ đã xảy
đến với trí tưởng tượng của tôi. Lúc ấy tôi nghĩ đây là một chuyện lạ lùng, và
tận rất lâu sau này thì càng thấy nó lạ lùng hơn. Tôi đưa mắt - có phần hơi bị
mờ đi do nhìn lên thứ ánh sáng lạnh lẽo - về phía một thanh xà gỗ to nằm
trong góc thấp của nhà xưởng ngay gần bên tay phải tôi, và thấy một thân
người bị treo cổ ở đó. Một hình người toàn thân mặc đồ trắng đã ngả vàng,
nhưng dưới chân chỉ có một chiếc giày; thân hình đó cứ treo lơ lửng đó, và
tôi có thể thấy những đường diềm đã bạc phếch của chiếc váy trông như làm
bằng giấy cũ, còn khuôn mặt chính là khuôn mặt của cô Havisham, với cử
động trên cả khuôn mặt như thể bà đang cố gọi tôi. Trong cơn kinh hoàng khi
nhìn thấy dáng người nọ, cộng thêm nỗi kinh hoàng khi biết chắc chỉ mới một
khoảnh khắc trước thôi nó còn chưa hiện diện ở đó, thoạt đầu tôi co giò chạy
ra xa, rồi lại chạy thẳng về phía nó. Nỗi kinh hoàng của tôi lên tới đỉnh điểm
khi tôi chẳng tìm thấy thân người nào treo cổ ở đó cả.
Phải có chùm tia nắng lạnh lẽo từ bầu trời vui tươi, bóng người qua lại
thoắt hiện đằng sau các thanh song của cánh cổng dẫn vào sân, cùng với sinh
lực chỗ bánh mì, thịt và bia còn lại vừa đem tới mới giúp tôi hoàn hồn. Cho
dù có từng ấy trợ giúp, có lẽ tôi đã không bình tĩnh lại được sớm đến thế nếu
không thấy Estella xuất hiện cầm theo chìa khóa để mở cổng cho tôi ra về.
Tôi thầm nghĩ cô hẳn sẽ có một lý do thích hợp để khinh miệt tôi nếu cô thấy
tôi đang phát hoảng; và nhất thiết không được để cô có lý do nào hết.
Cô liếc mắt đắc thắng về phía tôi khi đi ngang qua, như thể rất thích
thú khi thấy đôi tay tôi thô kệch và đôi ủng tôi đi dày cộp như thế, rồi cô mở
cổng, và đứng giữ cổng mở. Tôi đang đi ra không ngó ngàng gì đến cô gái thì
cô đưa một bàn tay châm chọc cay nghiệt chạm vào tôi.
“Sao không khóc hả cậu bé?”
“Vì tôi không muốn.”
“Có đấy,” cô gái nói. “Lúc nãy cậu đã khóc muốn mù cả mắt, và bây
giờ cũng lại sắp khóc đến nơi rồi kia kìa.”
Cô gái bật cười khinh khỉnh, đẩy tôi ra, rồi khóa cổng lại. Tôi đi thẳng
về nhà ông Pumblechook, và vô cùng nhẹ nhõm khi phát hiện ra ông không
có nhà. Vậy là sau khi nhắn lại vài lời với người coi cửa hàng về ngày tôi lại
phải có mặt tại nhà cô Havisham, tôi bắt đầu chuyến cuốc bộ bốn dặm trở về
lò rèn của chúng tôi; vừa đi tôi vừa ngẫm nghĩ về tất cả những gì đã nhìn
thấy, và bị ám ảnh sâu sắc về chuyện tôi là một cậu nhóc lao động tầm
thường; rồi bàn tay tôi thô kệch; rồi đôi ủng tôi đi dày cộp; và cả chuyện tôi
mắc phải thói quen đáng khinh luôn gọi quân bồi là quân J; không những thế,
tôi còn dốt nát hơn nhiều so với những gì tôi đánh giá về mình tối hôm qua,
và tựu trung tôi là một kẻ thấp kém tồi tệ.