Số lần đọc/download: 9476 / 197
Cập nhật: 2014-12-26 23:40:46 +0700
Chương 8 - Chuyện tình thứ ba
“Q
uê hương tôi lúa ngô xanh rì bao la trù phú. Đây bàn tay lao động, đây người nông dân làm nên. Nhưng quê tôi, bao nhiêu năm vẫn một xóm nghèo ngày tháng gieo neo sớm chiều thiếu đói...
Quê hương tôi thiết tha chờ mong đón đội về làng... Đội về làng là cuộc đời ta đổi mới là sướng... ướng... ớ vui... ui.. u...”.
Đêm nào ánh đuốc của thiếu nhi cũng rực sáng ở các xóm thôn, ngõ ngách. Hô khẩu hiệu rầm rộ khắp nơi rồi về miếu ông Cuội tập hát đến quá nửa đêm.
Mỗi em đóng một quyển sổ tay, chép đặc khẩu hiệu, bài hát và đua nhau chép thơ ở các sách lớp 4, lớp 5. Hội nghị nào của người lớn các em cũng đến phục vụ hát và đọc bài thơ tranh đấu và bài gì nữa không biết tên cứ gọi là “bài gì mà đứng là dậy đấy”. Từ thiếu nhi lan tới các ông, các bà đi làm cỏ, gánh phân, đào ao, xây chuồng lợn cũng nhẩm thuộc về có khí thế tranh đấu “long trời lở đất” nay mai:
“Hôm nay ngày tranh đấu.
Chủ đồn điền ủ rũ đứng co ro
Thân lợn sề tiu nghỉu cái mặt mo”
Hoặc là
“Nông dân đã nói thì làm
Đã đứng là dậy đã vùng là lên
Đã lật, lật dưới lên trên...”
Chưa bao giờ nhà bà Đất lại rộn rã tất bật và tối mắt tối mũi suốt ngày đêm như thế. Cả nhà công tác. Cả nhà phải gánh vác công việc hệ trọng như là quả đất sắp sửa bửa vỡ ra nay mai. Bà ca cẩm một cách mãn nguyện: “Trời ơi, tôi cứ phục dịch bố con, chú cháu nhà ông ấy hội họp ghi chép sổ sách cũng đã hết hơi rồi”. Và trong bụng bà thầm ước: Giá như cả đời bà cứ được sấp ngửa ngược xuôi lo toan công việc giúp chồng con như những ngày này! Thôi thì cũng là “sông có khúc”. Cái lúc bà được làm người vài ba năm nay, tuy vẫn đói rách, chật vật nhưng cũng là được làm người, được sum họp vui vầy chồng vợ, con cái. Con cái mới có cái họ, cái tên trong sổ sách đàng hoàng. Họ thằng Hiếu, do chị nhớ cái ngày lưu lạc của hai mẹ con nên bảo nó là họ Lưu. Anh thêm chữ Minh ở giữa. Thằng cu em là Mai, cu út là Sau. Cả hai đều “Nguyễn Văn” theo bố. Ngày ấy anh được huyện uỷ cử về trực tiếp làm bí thư chi bộ, kiêm trưởng ban nông hội xã Ngoại Thượng. Thằng Hiếu làm trưởng ban phụ trách thiếu nhi xã. Ngày ấy địch mở chiến dịch Lạc Đà (Dromadaire). Hai chú cháu bận hoạt động chống phá âm mưu địch, một mình chị phải gánh hai con chạy loạn, lúc về mất cả hai con lợn, 13 con gà mà thằng Hiếu lại đòi cưới vợ. Anh phụ trách lấy em đội trưởng thiếu nhi, thật đẹp đôi. Con cháu nó cũng hiền lành, nhanh nhảu. Bố chết sớm, mẹ con mót hái nuôi nhau nhưng con bé sáng dạ. Học bình dân đứng nhất. Lại đẹp nhất xã. Làm gì anh trưởng ban chả mê. Tính tuổi ta, thằng Hiếu 20, con cháu Xuyến 16 là vừa. Thống Bứt bảo: “Lấy vợ xem tuổi đàn bà”. Cưới năm nay là Kim Lâu. Ôi dào, chả biết lâu hay mau gì mà cưới nhau đầu năm, cuối năm đã tòi ra cho bà một “cục vàng”. Trộm vía nó chứ, cháu gái bà rồi mai kia lại chả ăn đứt con mẹ nó. Chỉ trừ khi nó bú mẹ còn bà không thể rời nó ra một phút. “Ông mày, thằng bố mày, các chú mày bà cho đi hoạt động hết, bà chỉ cần có cháu bà đây là đủ rồi: bà quên hết. Chỉ cần nhớ đến cháu bà thôi nhá!”. Đẻ con được một năm chúng nó xin ra ở riêng. Chú Kiêm bảo: Cả nhà dọn vào một nửa. Một nửa để vợ chồng anh Hiếu. Nhưng chúng nó xin sang ở với bà ngoại. Thôi thế cũng được. Vợ thằng Hiếu, con cái Xuyến nó là lớn, bà cụ bảo ở bên ấy giúp bà trông nom các em. Tuỳ. Chú Kiêm bảo: “Các con thích ở đâu thì ở. Nếu ở bên ấy, cho các con rặng tre mà làm nhà”. Chị gái chú cho cái xe đạp, chú bán, tậu được con bò cũng cho hai vợ chồng dắt về bên ấy làm lưng vốn.
Mọi dự định êm ấm ấy mới đang bắt đầu. Nghĩa là năm ngoái mới phá rặng tre nhà bên này mang sang ao nhà bên ấy ngâm. Vợ chồng nó ở tạm gian nhà tre một gian hai trái ở bên ấy để cuối năm bỏ móng lấy ngày, sang năm xây. Ông thống Bứt bàn thế. Nhà này cứ “ậm ừ” nghe ông. Đằng nào, cuối năm tre cũng mới chín, bò bán mới được giá chứ tuổi tác, kiêng khem gì. Lúc nào có thì làm. Bằng không, hẵng cứ thế này đã. Hai đứa nó ra ở bên ấy cho vợ chồng nó “rộng cẳng” còn con nó vẫn vứt cho bà nội. Tiếng là ở hai nhà vẫn ăn một nồi đã riêng tây cái gì. Con mẹ nó từ “em thiếu nhi” thoắt cái có con, đã thành phụ nữ, được bầu vào chấp hành. Bà vừa trông cháu vừa hầu hạ ba chú cháu công tác. Vẫn là bữa đực, bữa cái, lúc bát bánh đúc ngô, khi vài củ khoai lang, dong riềng, nắm ngô rang mà trên thuận, dưới hoà vui vầy, ấm cúng thế này bà còn mong gì hơn. Cũng là ở hiền, gặp lành. Ngỡ tưởng đời mình đã là bỏ. Không ngờ lại được đến lúc như thế này. Thôi, cũng bõ cái công chìm nổi nuôi con cho chồng vào tù, ra tội, đánh giặc giải phóng đồng bào, giữ gìn làng xóm yên vui, đầm ấm. Ông ấy bảo:
- Mẹ nó này, tôi biết mẹ nó mỗi ngày vác cây tre đi chợ chỉ kiếm được bát gạo cho cháu, còn thừa đồng nào may ra chỉ đủ khoản chè mạn, thuốc lào cho tôi tiếp khách. Cố chịu vất vả, thiếu thốn ít ngày nữa là đời sống bà con nông dân ta sẽ thay đổi cơ bản đấy.
- Đi đến đâu em cũng thấy bà con thì thầm thế. Đội người ta về kì này là vùng ngoại bối không bao giờ còn đói khổ, ngập lụt nữa.
- Không hẳn là thế. Căn bản là người nông dân được giải phóng hoàn toàn.
- Thế ngày trước bố thằng Mai đưa bộ đội về đánh bốt bảo chúng ta được giải phóng hoàn toàn rồi còn gì nữa.
- Đấy mới là giải phóng khỏi ách đế quốc thôi. Còn phải tiến lên đấu tranh giai cấp ác liệt nữa.
- Thế cái thằng giai cấp lại ác hơn thằng đế quốc à? Nó thế nào mà sao em chả thấy bố Mai nói gì bao giờ.
- Khổ quá. Tôi không ngờ mẹ mày lại... Đúng là nay mai mẹ nó phải chịu khó đi học tập. Các đồng chí ở đội ta giảng cho mẹ nó hiểu.
Người vợ ghìm một hơi thở dài. Nhưng lại nhắc đầu chồng đặt lên cánh tay mình, hỏi:
- Thầy thằng Mai thấy em lạc hậu có ghét em không?
- Mẹ nó thấy tôi có điều gì không phải mà lại nói như thế.
- Em biết thầy thằng Mai thương hết lòng nhưng chỉ sợ thầy nó đi đây đó được học hỏi, chúng bạn nhiều, lại thấy em quê mùa.
Bỗng người chồng nhắc mình lên hẳn phía trên ôm ghì lấy vợ.
- Kệ nó... Nào... “Ta về ta tắm ao ta” thế này vẫn hơn.
- Ứ... ư... thầy nó...
Không ngờ sau đêm nay không bao giờ vợ chồng người bí thư chi bộ xã này được nói với nhau những lời âu yếm.
Bao nhiêu cót, bao nhiêu nong nia, mẹt thúng đều được đem ra kẻ khẩu hiệu bằng vôi, căng, cắm, treo ở tất cả mọi nơi. Bất cứ chỗ nào có mảng tường gạch, tường vôi là có khẩu hiệu.
“Phóng tay phát động quần chúng. Triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức”. “Kiên quyết đánh đổ bọn cường hào ác bá, đầu sỏ, gian ác”. “Có nghèo ôn nghèo, có khổ kể khổ. Không bao che, không bị mua chuộc, không để lọt lưới bọn phản động làm tay sai cho đế quốc, phong kiến”. “Bần cố quyết tâm một lòng đoàn kết với trung nông, liên hiệp với phú nông đánh đổ bọn địa chủ cường hào ác bá”. “Nhiệt liệt hoan nghênh chính sách giảm tô, cải cách ruộng đất”.
La liệt là khẩu hiệu. Rực đỏ là cờ bay. Vang lừng là tiếng hò, tiếng hát. Người đứng ra tổ chức khí thế tưng bừng đón đợi suốt cả nửa tháng trời ấy là đồng chí Kiêm huyện uỷ viên trực tiếp làm bí thư chi bộ xã. Cả xã nô nức đi mít tinh nghe đồng chí Kiêm nói chuyện và reo lên khi giới thiệu đội cải cách đã về với bà con nông dân chúng ta. Nhưng đội cải cách ra mặt đêm hôm trước, đến đêm hôm sau đã ra lệnh bắt Kiêm, cùm hai chân và trói hai tay “giật cánh khỉ” để ở miếu ông Cuội. Không thể đợi “rung chà, cá nhảy”. “rút dây động rừng” một cách thông thường được. Phải “chõm ngay con cá to”. Phải diệt ngay “đầu não của nó” để “nó” không có khả năng tổ chức lực lượng chống phá. Chiến thuật của đội 5, cụm 7 thật bất ngờ, nhanh gọn, không cho địch kịp giở tay. Tối hôm trước là người đứng đầu xã. Tối hôm sau là tên đầu sỏ. Tối hôm trước anh Đội Quyền vẫn “bắt rễ” nằm “ba cùng”, tối hôm sau đã thành kẻ tội phạm nguy hiểm không ai có thể đến gần. Bí mật bất ngờ tuyệt đối. Xã Ngoại Thượng nhập với Ngoại Trung vẫn lấy tên là ngoại Thượng. Có 14 xóm, việc bố trí đồng chí Quyền về xóm 1 (xóm Cuội Thượng) cũng làm cho kẻ địch chủ quan không thể nào phát hiện ra chủ trương của ta. Vì thế ngay từ những ngày đầu tiên của bước đầu tiên đồng chí Quyền đã chứng tỏ khả năng “làm nòng cốt” của đội công tác.
Dân chúng gọi đồng chí là anh đội Quyền. Anh đội Quyền năm nay chừng 45, 46 tuổi, miệng rộng, môi dày, mắt có lông quặm, người xóm Cuội gọi là “mắt viền vải tây”. Sau đêm ra mắt, anh khoác bao gạo, túi dết về nhà Kiêm. Sáng hôm sau anh đi lân la tìm nhân mối, bắt rễ vào nhà anh Thó. Đến chiều anh liền để túi dết đấy, trở lại nhà anh Kiêm, lấy quần áo gói trong cái khăn vuông và hai bao gạo đi đến nhà anh Thó thì trời vừa tối. Anh ăn cơm ngô ở nhà anh Kiêm từ sáng sớm, đến lúc này nhà Thó dọn ra bốn củ khoai lang, hai củ dong riềng để trong bát yêu tàu, đặt trong cái mâm mộc, Thó bê lên đặt trước mặt, mời anh rồi chủ nhà đi ra cửa. Anh đội Quyền bảo cả nhà cùng ăn cho vui. Anh Thó bảo: “Mời bác xơi, nhà em, cháu nó xin phép trước cả rồi”. Anh gọi tất cả bốn đứa con nhỏ ra sân. Đợi bố quay đi, bọn trẻ bâu ở khe liếp nhìn vào. Anh chỉ ăn mỗi thứ một củ. Đêm bụng sôi èo èo đau thắt lại không ngủ được nhưng vẫn nằm im như người ngủ say. Gần sáng anh ngồi dậy. Anh Thó cũng dậy theo anh, thổi mồi rơm châm đèn. Anh đội Quyền nhớ lời đội trưởng dặn lúc khuya khoắt tĩnh mịch mà gợi khổ thì dễ dàng được nhiều khổ lắm. Thế là anh gợi. Anh Thó là người khổ nhất xã này. Chuyện thằng con trai anh chết đói năm lụt không có chỗ chôn, ông Cu Từ phải mang thả trôi sông ai cũng biết. Bảy đứa con lớn đi ăn đi ở mỗi đứa một nơi, bốn đứa nhỏ nheo nóc như là cái kiếp của anh phải đẻ nhiều và đứa nào cũng đói rét, nhem nhếch. Nhưng không biết nó tại ai, vì sao, anh không thể nói được. Anh đội Quyền phải kể chuyện mình làm mẫu. Quê anh ở Bình Lục. Nhà anh ba đời là cố nông. Cố nông là không có tấc đất cắm dùi. Đời ông đi ở. Đời bố đánh dậm và chạy te, đời anh lại đi ở. Từ năm 45 lại đây anh lại đi chạy te và đánh dậm theo nghề của bố. Bị địa chủ cường hào ác bá bóc lột anh không được ăn học. Anh là cốt cán của đợt 4 mới được đi học ban đêm. Biết mặt 23 hoặc 24 chữ cái nhưng chưa biết đánh vần ngoài chữ “Quyền” tên anh. Khi làm chánh án toà án nhân dân đặc biệt kí vào bản án tử hình của tên bí thư chi bộ Quốc dân đảng phản động anh cũng chỉ kí chữ Quyền. Còn họ và tên do anh thư kí viết. Nhà anh khổ nhất huyện nhưng khi kể làm mẫu cho anh Thó, anh cũng chỉ kể chung chung hàng mấy tiếng đồng hồ mà loanh quanh chỉ được có thế. Những gì được học tập bồi dưỡng để đi cải cách đợt năm này anh quên mất. Còn những gì đội làm trong khi ở nhà thì anh nhớ rất kĩ. Nghĩa là ngày hôm sau anh cũng đi “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) làm cỏ đỗ với vợ chồng anh Thó. Hai ngày sau nữa anh đi “thăm nghèo, hỏi khổ”. Tiếp theo là “cắm rễ”, “xâu chuỗi”. Rễ thì anh cắm vào nhà anh Thó là được rồi, không bị “thối”. Bà con xóm Cuội ai cũng bảo nhà anh Thó là nghèo nhất, trong sạch nhất. Từ “rễ cái”, trong một tuần anh đã “xâu chuỗi” được 37 người. Đêm học tập phát động quần chúng căm thù tố khổ, ngày đi xâu chuỗi liên tiếp mà những lần lên phản ánh tình hình ở đội đều bị phê bình là chậm, chưa gây được khí thế. Đội phó phụ trách tuyên huấn yêu cầu anh phải giảng ý nghĩa, mục đích tầm quan trọng của cuộc đấu tranh một mất một còn này có tác dụng quyết định trong nhiệm vụ hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân để nước ta nhanh chóng tiến lên chủ nghĩa xã hội cùng các nước anh em trong phe ta. Nhưng việc đó anh đã học rồi. Học nhiều lần là khác. Nhưng chữ nghĩa không biết, không ghi chép được. Với lại, bảo anh phải ngâm mình dưới nước suốt ngày giá rét để đánh dậm còn dễ hơn ngồi nghe giảng. Thành ra hai mắt anh cứ díp lại, lõm bõm nghe câu được, câu không, đúng sai có biết đường nào mà lần.
Ai ngờ, đến đây bao nhiêu thứ phải giảng giải cho bà con nông dân anh đều phải làm hết. Được cái, bài nào anh cũng nhớ mang máng và anh cũng biết “co” ở chỗ này sang chỗ kia cho nó liền nhau nên cũng nói được trơn tru. Có bài anh lại “tóm” nó gọn lại để bà con dễ nhớ. Chẳng hạn nói về nhiệm vụ chiến lược đấu tranh chống bọn đế quốc xâm lược ở miền Nam và đánh đổ bọn phong kiến bóc lột ở miền Bắc, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, sản xuất xây dựng... anh tóm lại bốn điểm như sau: Điểm thứ nhất: Trước đây chúng ta đã anh dũng ghê lắm. Thằng tướng Ca-di và thằng Tắc Xi (DeCastries và Delattre de Tassigny) đã thua thì nay thằng AXuHao (Aixenhao) có to đến mấy thì to cũng không xui thằng Ngô Đình Diệm đánh được ta. Đấy nó như thế!
Điểm thứ hai: Xưa kia dân ta bị một cổ ba vòng (ba tròng) phong kiến là đế quốc Pháp là Nhật, địa chủ là phú nông đã đè lên đầu bắt dân ta phải cúi xuống, dân ta vẫn cứ ngóc đầu dậy được thì bây giờ đã được thoát ra cả ba cái vòng rồi bà con bần cố ta phải vùng lên tranh đấu. Đấy nó như thế!
Điểm thứ ba: Đảng ta rất là sản xuất (có tiếng ai đó nhắc là sáng suốt. Anh đội Quyền nghiêm mặt lại) tôi nói là Đảng ta rất là sản xuất lãnh đạo bà con bần cố ta làm ăn thì không sợ đói kém, mất mùa nữa. Đấy nó là như thế?
Điểm thứ tư: Khi cả miền Bắc cũng như miền Nam ta vững mạnh rồi thì là thằng Mỹ có bom hoại tử hay bom kinh khí cũng không thể doạ ta được. Đấy nó như thế!
Anh vừa nói xong thì ở một góc nào đó có tiếng nói to: – Thưa đội, nên nói phong kiến và đế quốc, Pháp và Nhật, vì nước Pháp ở bên Tây mà nước Nhật ở bên đông, hai nước khác nhau đấy ạ.
Anh đội Quyền lấy tay khum khum che mặt nhìn ra phía tiếng nói. Chưa nhận ra ai thì anh Thó đã nói:
- Thưa đội. Anh Hiếu người nhà tên Kiêm đấy ạ.
“Đúng rồi. Tên Kiêm xảo quệt, ngoan cố nó vẫn gài người vào hàng ngũ chúng ta để phá hoại”. Ý nghĩ ấy chợt loé lên như một sự khám phá mới mẻ khiến anh phải hành động kịp thời. Anh như đã thành người khác, trông dữ dội, kiên quyết.
- Các đồng chí du kích đâu. Trói tên Hiếu lại.
Bốn anh du kích với hai khẩu súng, hai quả lựu đạn gác ở bốn góc sân miếu xông ngay lại trói Hiếu trước sự ngơ ngác, sợ hãi của mọi người. Anh đội Quyền phê bình anh Thó:
- Tại sao đồng chí không đình chỉ người nhà tên Kiêm lại, còn cho đi học tập?
Nói vậy nhưng anh biết là chưa có chỉ thị của anh, trưởng xóm, không dám làm bất cứ việc gì.
Sau một ngày đội về, toàn bộ con dấu, sổ sách, súng đạn của chi bộ, uỷ ban, công an, xã đội và các đoàn thể nộp lại cho đội. Mọi quyền hành của Đảng và chính quyền, đoàn thể đều do đội quyết định hết thảy. Dưới đội là các trưởng xóm, phó xóm, xóm đội (chỉ huy du kích) và công an xóm. Ngoài các chức danh trên của các xóm ra, toàn bộ các tổ chức của xã, thôn, xóm ở vùng tạm chiếm thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đều có địch chui vào phá hoại, kể cả chi bộ đảng cũng là chi bộ quốc dân đảng nên phải đình chỉ. Rồi dưới sự lãnh đạo của đội giảm tô, cải cách, mọi tổ chức sẽ được bắt đầu từ “rễ” “xâu chuỗi” mà lên. Các tổ chức du kích được củng cố đầu tiên. Trừ “rễ” và “chuỗi” lựa chọn được cốt cán, từ cốt cán đưa vào du kích. Trong số 10 người của xóm Cuội Thượng có bốn “bị bắt” làm hương dũng nhưng không gây tội ác gì. Họ đều là cố nông không hề có một tấc ruộng đất, suốt đời phải nai lưng làm thuê cho địa chủ. Thực ra, ở vùng này tất cả đàn ông từ 18 tuổi trở lên được hưởng một suất đinh. Sau cách mạng và sau giải phóng cả đàn ông đàn bà đều được một “suất đinh” ruộng công điền như nhau. Bốn người kia hoặc lười thối thây, lại không biết làm ăn hoặc rượu chè cờ bạc phải bán ruộng hoặc cho làm giẽ lấy một phần. Vả lại, đi làm thuê sẵn miếng ăn và xà xẻo vụng trộm nó cũng dễ. Làm thuê dễ gấp trăm lần tự mình phải nghĩ ra cách làm giàu, tội gì không đi làm thuê cho nó nhàn cái thân khỏi phải lo nghĩ. Ăn mày, làm mõ mà kiếm được miếng ăn cũng còn đi nữa là làm thuê. Từ hôm được thành lập, du kích chỉ chờ có sự “long trời” để ra oai, được quát tháo, hù hoạ, được trợn trạo “làm việc quan trọng”. Mà lại chưa có việc thì buồn. Cho nên, phải có bắt người, có canh gác, rình mò, mắt tròn mắt dẹt thì thào thì du kích xóm này mới vui. Anh đội Quyền rất bằng lòng đêm nay mình đã “rung chà” cho “cá nhảy” lên rồi. Anh đã “thăm nghèo hỏi khổ” và trong khi học tập đã có hàng chục người tố khổ trong các tiểu tổ bần cố mà vẫn chưa thấy căm thù tên Kiêm. Xóm có 121 hộ theo tỷ lệ phải có 6 địa chủ, mà mới có một tên Kiêm thì lại không ai nói gì. Đúng là có bàn tay nó khống chế và mua chuộc, lừa phỉnh bà con bần cố. Chưa có cách lần ra đầu mối phá tan âm mưu của nó, nó đã tự “lạy ông tôi ở bụi này”. Đợi du kích dẫn thằng Hiếu đi, mọi người ổn định trở lại, anh đội Quyền nói:
- Chính địa bàn xóm ta là cái hang, cái ổ của địch chống phá. Nhưng hôm nay mới là con cá nhỏ thôi. Con cá to sụ nó mới chỉ quẫy đuôi rồi lặn đi chúng ta chưa nhìn thấy nó đâu. Nhưng nó không thể thoát khỏi tay chúng ta. Đặt vó, úp nơm, chạy te không được, chúng ta sẽ có lưới quét mà mày còn rúc xuống bùn thì ông, à quên, thì các ông các bà nông dân lao động sẽ tát cạn. Các nước anh em người ta có máy hút, hút cạn cả nước sông, nước biển còn được nữa là đây chỉ là đám cá đồng, tép riu.
Ngay đêm đó anh đi gặp ban chỉ huy đội và cho giải thằng Hiếu đến. Ban chỉ huy biểu dương anh nhạy bén. Ngay sau khi bắt phó tổng Bạt người Cuội Hạ, ban chỉ huy đã kết luận tên Bạt chỉ là tên phản động bên ngoài ai cũng thấy rõ tội lỗi của nó. Tên Kiêm mới là tên địch vô cùng nguy hiểm. Ban chỉ huy đội đã quyết định lấy xóm Một làm trung tâm. Bổ sung đồng chí Lăng đội phó tăng cường cho xóm Một. Kể từ giờ phút này (10 giờ đêm) lấy thêm du kích đội 10 (một phần làng Nhằng nơi đóng trụ sở của đội) canh gác nơi giam tên Kiêm thật nghiêm ngặt. Quản thúc mẹ con mụ Đất, không cho nó liên hệ với bên ngoài. Muốn đi đâu phải xin phép đội, kể cả đi đưa cơm cho chồng, con nó. Được phép đi, phải hẹn giờ. Sai cho bắt tạm giam ở miếu Cuội. Giam bao nhiêu tuỳ theo nó chậm trễ lâu hay mau.
Cái gian lều lợp lá mía đã được dỡ xuống làm chuồng bò dưới bụi tre cạnh cổng hương dũng mở ngày xưa. Từ hôm tịch biên, niêm phong nhà, mẹ con Đất xuống ở thế chỗ con bò đã được bà con bần cố dắt đi. Du kích gác cả ngày cả đêm. Mỗi phiên ban ngày được chi nửa đấu ngô, hoặc 10 củ khoai lang. Ban đêm ba củ dong riềng để anh em nướng ăn khỏi buồn ngủ. Những anh bảo an hương dũng ngày xưa rình mò quát tháo (nhưng chưa gây tội ác) vợ tên Việt Minh đầu sỏ nay là bần cố được chọn vào du kích canh gác cẩn mật con mẹ Đất vợ thằng đầu sỏ phản động, cường hào ác bá. Tên đồn trưởng Bạt, phó tổng, một tên chỉ điểm gian ngoan ngày đêm đi lùng sục tìm kiếm tên Việt Minh đầu sỏ, nay lại cùng bị cùm chung với nhau, mỗi người một đầu nhà.
o O o
Anh Lăng năm nay 28 tuổi. Nước da trắng săn sít lại rất hợp với cái mặt thon của anh. Anh có đôi mắt vừa sắc sảo vừa mơ màng dù một bên là con mắt giả, lại có cái cười nửa miệng, hóm. Lại nói năng lưu loát. Lại có năng lực chắp nối những điều mơ hồ thành cụ thể, rất chặt chẽ không ai có thể bắt bẻ. Cái dung nhan của anh và anh Quyền hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng năng lực của hai người khác nhau lại còn rõ hơn cái vẻ ngoài. Cùng ngồi học với nhau, anh Quyền ngủ gật hoặc có thức thì nghe câu nào cũng chỉ lõm bõm. Anh Lăng nghe thoáng qua, thậm chí nghe phong thanh mà người ta gọi là “nghe hơi nồi chõ” ở chỗ quán nước anh cũng có thể tưởng tượng ra được cái chuyện gì đấy, hoàn chỉnh như thật. Tất cả những cái đó anh trở thành con người của xóm Một như sau: Anh ấy là chánh văn phòng đảng vụ đoàn uỷ đội 4 (thực ra ngày ấy anh chỉ là cán bộ văn phòng phụ trách thống kê). Mới 23 tuổi (chứ không phải 28 tuổi). Chưa thèm để ý đến ai. Nếu như ai thích “lai lịch” thì anh Chi Lăng có một hoàn cảnh và lai lịch tuyệt vời, là niềm mơ ước của nhiều thanh niên lúc bấy giờ. Là con liệt sĩ. Thành phần gia đình bần nông. Bản thân: phụ thuộc. Tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi. Có bằng xéc-ti-phi-ca nên vào làm văn phòng, rồi lên đến chánh văn phòng huyện uỷ. Tham gia liền hai đợt cải cách. Cái thành phần bần nông tức là nhà ông nghèo nhưng cả bố mẹ, em gái và bản thân Lăng không hề có ai biết làm ruộng. Có 5 sào ruộng tư cho cấy rẽ còn cả nhà trông vào quán nước cạnh đường số Một Nam Định đi Hà Nội, là chỗ để xe đỗ dọc đường, thường xuyên chứa hàng từ vỏ quạch, hàng tấm, hàng sành sứ đến mua bán vàng bạc trao tay hoặc mách mối (kể cả mối người “làng chơi” ở quê cho khách tỉnh) mà bốn năm chục năm sau người ta gọi bằng cái tên nghe như tiếng Tây “Cô-ti-chi-cho-mếch”. Bần nông là loại nghèo khổ, đói rách nhưng bất cứ lúc nào Lăng cần vài “đồng cân” là mẹ và em gái tìm cách gửi ra vùng tự do cho anh. Những khi anh đi “ba cùng” thể nào anh cũng tìm cách đi đến hàng quán nào đấy hoặc tối khuya hoặc sáng sớm hay giữa trưa để mua cái đùi gà, đùi vịt, quả tim, miếng gan, miếng lầm chó luộc gói vào lá chuối để trong túi dết về đến giữa đường lánh xuống ruộng hay gốc cây vắng vẻ như là đi đại tiểu tiện gì đấy. Ăn xong, chùi mồm cẩn thận, anh trở về. Nếu là khi có người biết anh đi chợ, ra quán thì khi về thế nào cũng có củ khoai, miếng sắn, cái củ bột, củ dong riềng luộc hoặc lẻ ngô rang, mấy quả dưa chuột... móc ở túi dết ra mời gia đình hoặc anh em cùng bộ phận văn phòng “liên hoan”. Những lần như thế anh thường nhận được lời trách móc âu yếm “tưởng mò mẫm đi chợ mua được cái gì!” Tin phải chỗ sa hàng quán, chợ búa thì anh “mượn” được chiếc xe đạp Xteclinh hoặc Pơgiô của “thằng em rể, em họ” nào đấy để bảo đảm việc “cùng” nhịn, “cùng” ăn khoai, ăn vài hạt ngô rang với bà con nông dân được “kiên trì chịu đựng”. Phải nói, anh không những là một cán bộ đội lập trường vững vàng, đứng hẳn về phía bần cố hăng say nhiệt tình cách mạng, đánh địch quyết liệt mà còn có trình độ, mưu trí linh hoạt trong tất cả mọi tình huống gay go phức tạp nhất. Từ một nhân viên thống kê của đội 4 anh trở thành đội phó vào loại xuất sắc của đội 5. Còn cải cách chắc chắn anh còn lên. Nhưng hồi địch tạm chiếm mẹ anh ở trong vùng tề, đi xem bói người ta bảo: số anh chỉ đi phò tá cho người khác. Không bao giờ được làm minh chủ dù tài sức, mưu mẹo hơn hẳn người đứng đầu. Có leo đến đâu cũng chỉ có làm phò tá.
Xuống xóm Một buổi chiều thì buổi tối nghe Quyền và tất cả cốt cán nói lại cách thức tiến hành trong những ngày vừa qua, anh phải uốn nắn lại, gần như giảng giải bài toán khó cho đám học trò dốt. Từ chủ trương, chỉ thị của trên anh đã vận dụng nó như thế nào, cách thức ra làm sao, anh tổng kết kinh nghiệm bản thân từ đợt bốn đến giờ, đọc như đọc chính tả cho các cốt cán ở các tiểu tổ chép.
A – Lấy khổ gợi khổ. Khổ chủ nói ra nỗi khổ của mình từ đơn giản đến tinh vi, từ cái chung đến từng điểm riêng nổi bật. Từ những điểm mọi người đều biết đến việc không ai biết. Từ căm thù một tên địa chủ cụ thể đến căm thù cả giai cấp của chúng. Không tố một lần mà phải tố đi tố lại nhiều lần. Nhưng không phải là “cơm nguội rang lại” mà càng tố càng đào sâu mãi vào tội ác của nó. Tố từ tiểu tổ bần cố trước rồi mới đến tố mở rộng. Một mình bà con chưa dám tố, cốt cán phải tố trước, lần nào cũng hăng hái xung phong tố trước để quần chúng mạnh dạn tố theo. Kết hợp tố riêng với tố khổ tập thể về một việc gì đó của một tên địa chủ. Lúc đầu chưa cho trung nông tố vì họ còn trơn tru hơn, bần cố ngại và đề phòng họ tố lấn át bần cố, nhưng lại biết dùng họ để “gây men” khi bần cố còn ngượng. Tránh tình trạng vừa rồi bần cố “đóng cửa” tố khổ lâu quá. Làm như thế bần cố thì chán mà trung nông họ cảm thấy bị gạt ra ngoài.
B – Cán bộ tiểu tổ phải biết lấy điểm nào khổ chủ thấm thía nhất, nhớ dai nhất khoét sâu vào, kể cả chuyện nhỏ nhặt nhất cũng có thể thành mối thù lớn. Không được bỏ qua tất cả mọi chuyện nhỏ nhặt nhất. Có khi một chuyện nhỏ nhặt nhất của khổ chủ còn lớn hơn chuyện chết người ở chỗ khác. Chẳng hạn như tên Kiêm mắng một người có thù với vợ con nó là “Mày ngu như bò” thì người ấy đau đớn hơn là nghe một người ở Hà Nội bị chết trôi ở đây. Dù chỉ một câu nói mắng mỏ như thế cũng phải biết nắm lấy phát triển nó ra, phân tích cho khổ chủ thấy mình bị khinh thường, rẻ mạt. Phải thấy được nỗi chua cay ấm ức của kẻ bị xỉ nhục mà nuôi lòng căm thù.
C – Phải động viên mọi người đều quy về một mối, truy đến tận cùng. Ví dụ thế này. Một người mắc bệnh gầy yếu xanh xao cũng phải bồi dưỡng cho người ta tự hỏi: “Vì sao mà gầy yếu xanh xao?” – “Vì hay ốm” – “Vì sao mà ốm?” – “Vì thiếu ăn?” – “Vì sao mà thiếu ăn? “ – “Vì lụt lội mất mùa”, – “Lụt lội mất mùa sao vẫn có nhà nó vẫn có ăn, vẫn khoẻ mạnh béo tốt?” Phải bảo cho bà con bần cố biết so sánh cái thiếu của người ta với cái thừa của kẻ khác, cái khổ của người ta với cái sướng của người khác. Phải khích lệ những cái thèm của người ta đang có trong tay kẻ khác. Phải biết hỏi: Tại sao người nông dân hai sương một nắng quần quật suốt ngày đêm mà vẫn khổ sở đói rét? Kẻ khác lại phè phỡn sung sướng. Vì sao? Vì số phận! Vì lười biếng, dốt nát? Phải nhớ rằng không có số phận nào hết. Đã là bần cố nông không có ai lười biếng ngu si cả. Bà con bần cố có ai phản đối chúng ta nói như thế không? Một trăm lần không. Dù người đui què mẻ sứt người ta cũng không thể nghĩ là mình lại kém cỏi, ngu si, lười biếng hơn kẻ khác. Vậy thì lúc ấy ta sẽ hỏi bà con: “Có ai muốn chịu khổ cực cay đắng hết đời này qua đời khác không?” Chắc là sẽ không ai nói “có”. Vì đâu mà người nông dân, nhất là bà con bần cố ta, phải chịu khổ cực? Đến đây người ta đều có thể trả lời một cách dễ dàng. Ta hỏi tiếp: Có nên căm thù cái bọn bóc lột đại gian ác ấy không? Căm thù thì phải làm gì? Lúc này chắc chắn ai cũng có thể biết không còn con đường nào khác là đấu tranh. Nhưng đấu tranh một mình không thể đánh đổ được bọn cường hào, địa chủ bóc lột. Muốn thắng lợi phải đoàn kết người nghèo (bần cố) mới đánh được kẻ giàu (địa chủ). Như thế gọi là đấu tranh giai cấp. Giai cấp bần cố phải đấu tranh một mất một còn với giai cấp địa chủ giành thắng lợi thì mới hết khổ cực.
Thế là những câu chữ rắc rối không sao hiểu hết bây giờ nó cứ rõ như ban ngày. Ai cũng như muốn nuốt lấy, muốn học thuộc lòng từng lời minh bạch của anh đội phó trẻ trung. Khi chỉ còn hai người, anh đội Quyền nói:
- Báo cáo đồng chí, hôm nay tôi thấy sáng ra nhiều điều lắm. Tôi cũng đã đi sâu khêu gợi thì, bà con ai cũng bảo: Họ biết là có địa chủ, cường hào ác bá nhưng ở nơi khác. Còn làng này chỉ có một thằng tổng Lỡi thì nó đã chạy vào tận trong Nam mất rồi. Tay chân của thằng Kiêm nó gài chắc như đóng cọc be bờ. May có đồng chí trực tiếp xuống xóm. Nhưng tôi vẫn thấy khó làm được cái khí thế nó nổi lên.
Về thành phần cơ bản và sự trung thành với giai cấp của Quyền thì không ai có thể nghi ngờ nếu không muốn nói là phải học tập. Về năng lực, ai cũng thấy anh phải làm một công việc quá sức anh nhiều quá. Phần không ai dám thay đổi nhiệm vụ của anh, phần khác sợ bị mất uy thế chung của đội cải cách nên anh vẫn phụ trách xóm Một. Trên thực tế anh chỉ là người để anh đội Lăng sai vặt. Tuy vậy Lăng vẫn nói:
- Anh cứ yên tâm, tôi sẽ giúp để xóm Một của anh không chỉ là điểm của đội mà phải làm cho nó có tiếng ở cả cụm bắc này – Lăng còn nhắc mấy hôm nữa Quyền chuyển sang “rễ” khác ở.
Quyền cãi lại:
- Báo cáo anh, rễ này chắc lắm, làm rễ cái cũng được.
- Tôi không nói rễ của anh đã “thối” hay làm sao. Anh phải chuyển vì ở lâu một “rễ” các “rễ” khác nghĩ là đội không tin cậy. Người ta sẽ tị nạnh, không phấn khởi đấu tranh.
Quyền nghe thủng, “Vâng” một câu lí nhí rồi mặt cứ đần ra không biết nói gì nữa. Hai hôm sau anh đến ở nhà “rễ” Soạn, em anh Bàn, còn Lăng ở nhà bà ba Xòi.
o O o
Chỉ xuống xóm Một hai ngày anh đội Lăng đã làm cho khí thế nó bềnh hẳn lên. Anh cũng đã lên xong hồ sơ của tên Nguyễn Văn Kiêm đại phản động địa chủ, cường hào ác bá gian ác. Ngoài phần “lai lịch” thông thường ra, hồ sơ của Nguyễn Văn Kiêm như sau: Kiêm vốn xuất thân từ một gia đình trung nông lớp trên đã lưu manh hoá. Cả bố và mẹ đều bị chết trong khi ăn cắp ở ga Văn Điển. (Tháng 2 năm 1943, sau khi lên Văn Điển mua sắn, cám lợn về ăn được hai hôm cả bố mẹ và em trai Kiêm đều chết ở nhà). Anh rể làm phòng nhì cho sở mật thám Hà Nội, đóng vai chữa đồng hồ ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để theo dõi các hoạt động của ta ra vào nội thành (anh rể Kiêm là con của gia đình bán cháo quẩy buổi sáng ở phố Hàng Đậu. Vì đông con nên ai muốn học nghề gì cũng được, người nào phải học lấy một nghề. Bố mẹ sắm cho bộ đồ rồi đi đâu kiếm ăn thì tuỳ. Năm 1935 anh ấy về nhờ một nhà kê cái tủ kính chữa đồng hồ ở phố huyện. Người nhát còn hơn cả con cáy. Mới nghe tin trung đoàn Thủ đô ra khỏi Hà Nội đã xách đồ nghề, mang vợ con từ Văn Giang chạy xuống tận một làng hẻo lánh thuộc huyện Tiên Lữ. Sang giữa năm 1946 các em phải đi đến “áp tải” mới dám đưa vợ con về Hà Nội). Tên Kiêm đã được anh rể nuôi dưỡng, nhồi sọ cho tư tưởng chống đối cách mạng từ bé. Tên này, móc nối với Kiêm liên lạc với tên Lỡi làng Cuội Trung làm tay sai cho Pháp và Nhật. Sau khi Nhật đổ, quay hẳn ra ôm chân thực dân Pháp. Lỡi làm đến chức tỉnh trưởng. Kiêm được gài vào làm cán bộ Việt Minh huyện rồi chuyển sang bộ đội. Tháng 3-1947 Kiêm giả vờ về nhà cưới vợ đêm hôm trước, sáng sớm sau chúng đón Kiêm tại dốc Vĩnh, nguỵ trang là địch phục kích. Sau đó Kiêm làm nhiệm vụ dò xét để quân Pháp tiến công lên căn cứ cách mạng ta ở chiến khu Việt Bắc. Trong khi Lỡi về làng bắt nhân dân lao động phải bỏ ra hàng nghìn công (con số do bà con nông dân tố cáo bị bắt làm phu là 9357 công) để xây nhà cho thị Đất, vợ Kiêm – bắt bảo an, hương dũng gác cho thị Đất để thị hàng ngày sang bên kia sông cung cấp tin tức, các hoạt động của ta cho địch. Hắn đã chỉ đạo tên Bạt, phó tổng kiêm đồn trưởng, là tên ác ôn khét tiếng đi càn quét, bắn giết, chặt đầu hàng trăm cán bộ và cơ sở bí mật của ta thuộc ba huyện ven sông Hồng, phá tan tất cả các cơ sở. Các cơ quan đầu não của huyện và tỉnh phải bật đất đi nơi khác. Tháng 5 năm 1951 biết thế phản công của ta đang như thế chẻ tre phá tan hệ thống đồn bốt, tháp canh của ta ở đồng bằng Khu Ba, tên Kiêm đóng vai “trốn tù” trở về hoạt động trong cơ quan huyện uỷ. Âm mưu của hắn lúc này là cài cắm lâu dài ở địa bàn chiến lược cung cấp những tin tức về chủ trương, đường lối của ta cho tên Lỡi hiện đang là tay sai đắc lực cho Ngô Đình Diệm hòng âm mưu đánh ra miền Bắc của chúng ta và tổ chức lực lượng tại chỗ phá ta từ “ruột” mà ra. Hắn đã leo lên đến chức huyện uỷ viên trực tiếp làm bí thư chi bộ thực chất là chi bộ quốc dân đảng và v.v...
Không ngờ đội lại biết được tỉ mẩn không biết bao nhiêu chuyện kinh khủng. Bà con nông dân ngồi nghe đội “cung cấp” quá trình phản động của tên Kiêm ai cũng rợn hết cả người. Thì ra nó gian ngoan lừa đảo từ bao giờ? Bà con nông dân sờ đầu gối nói chân thật, ai nói thế nào nghe vậy làm sao biết được nó lại thâm hiểm quỷ quyệt đến thế. Đấy, cứ bảo là nó lành, nó thương người nữa đi: Có thế nào với nhau tổng Lỡi mới bắt dân xây nhà cho vợ nó? Tội bán nước hại dân, tùng xẻo nó là phải rồi!
Hai tên Từ và Mỡ, anh ruột thị Đất là chỗ dựa tin cậy của Kiêm bị bắt. Con mụ Bùi Thị Đất, tên chỉ điểm lợi hại cho giặc, bị bắt. Sự dồn dập quyết liệt của đội Lăng đã biến những cuộc tố khổ tràn lan chung chung, tập trung vào đối tượng chủ yếu. Nhân dân hoảng hốt sợ “liên quan” nên háo hức đi họp, đi tố khổ. Chiều chiều, anh Thó trưởng xóm chỉ cần đứng trên cây bàng ở sân miếu giơ cái loa bằng vỏ quả bầu trắng lên: “A lô, a lô mời bà con nông dân lao động”... là già trẻ, gái trai sấp ngửa nhanh chóng kéo nhau ra miếu để học tập, đấu tố mà thực ra là để nghe ngóng xem những ai đã bị đình chỉ học tập, những ai đã có người tố đến! Ai đã bị “liên quan”? Liệu nhà mình có làm sao không? Ai chả có liên quan với thằng phản động đầu sỏ từ ngày đi cướp thóc, đi mít tinh? Ai chả dính dáng hơi hướng họ hàng nhà Từ nhà Mỡ và mụ Đất với Thống Bứt, tên xã uỷ cường hào. Đang là du kích, là bà con bần cố đấy, bị lên thành phần, bị đình chỉ, bị bắt ngay đấy. Thành ra ai cũng “lạnh” ở trong người, thấy hồi hộp chờ đợi các tiếng “bà con nông dân lao động” phát ra từ cái loa của anh Thó trên cây bàng ở sân miếu. Rồi tiếng loa ấy cất lên. Gia đình Nguyễn Văn A, Phạm Văn B nào đấy kể từ tối nay bị đình chỉ học tập. Trong cả cuộc đời làm ruộng chân lấm tay bùn, chưa bao giờ người nông dân lại thèm được đi họp, được tố khổ như lúc này. Tố được nhiều, tố mạnh, tố “sâu sắc” thì đỡ bị liên quan. Lúc đầu chưa quen còn ngượng, còn vấp, còn chưa có gì đặc biệt. Về sau được gợi khổ, được bồi dưỡng khổ chủ nên ai cũng nghĩ phải nhập tâm cho thuộc. Ngày đi làm, đêm về ngủ đều phải nghĩ, phải nhẩm cho thuộc. Nghĩ mãi nhập tâm mãi, khi tố ai cũng thấy như mình đang lên đồng, người như mê đi không còn thấy ông bà, bố mẹ, không thấy vợ chồng, con cái, anh em ruột thịt. Không thấy họ hàng bạn bè, xóm làng, quê quán. Không có trước sau, trên dưới, không có tình yêu và những kỉ niệm, không có tình nghĩa và ơn huệ. Những ông bà “đồng” khổ chủ tâm niệm chỉ có đấu tranh giai cấp. Chỉ có sự độc ác và nỗi đau khổ. Chỉ có những âm mưu thủ đoạn và những biện pháp chống trả. Chỉ có một mất, một còn và không thể đội trời chung. Chỉ có tình yêu giai cấp và tình yêu tranh đấu. Chỉ có bần cố và những kẻ độc ác. Chỉ có chiến thắng của giai cấp bần cố và sự sụp đổ của giai cấp địa chủ tham tàn độc ác. Bần cố là tất cả. Bần cố như đức chúa trời ngự trị cả muôn loài. Cứ như là kinh thánh “Hỏi đức chúa trời là ai” “Thưa đức chúa trời sinh ra trời đất”. Nếu bây giờ anh đội Lăng hỏi: “Bần cố là ai” – Chắc chắn người làng Cuội phải “Thưa, bần cố sinh ra trời đất”. Nhất đội nhì trời mà. Đã liên miên hàng tháng trời đêm nào cũng đi họp, đi tố, vẫn thấy thèm, vẫn sợ lên thành phần, bị đình chỉ. Giá thử ba năm liền đi họp suốt đêm cũng không thấy ngại ngần. Nhưng thiếu một đêm học tập, tố khổ thì quần quại trằn trọc chờ đến đêm sau sao mà dài dặc. Có thể nói anh đội Lăng là người muốn cái gì có thể làm được việc ấy. Cái hồ sơ của tên phản động Nguyễn Văn Kiêm anh đã nhanh chóng lập được, đội và đoàn uỷ tưởng là do nông dân tố giác. Bà con nông dân lại tưởng đội “người ta tài tình biết từ chân tơ kẽ tóc của nó hàng mấy chục năm nay”. Cho nên ai cũng “à” lên “đúng rồi”. Cái việc ấy cũng đã biết mà không nói lên được. “Đúng rồi. Sáng hôm nó đi...” “Đúng rồi; thằng tổng Lỡi đến gặp riêng con mẹ Đất, đuổi hết hương dũng ra ngoài...” “Đúng rồi, chính mồm thằng Kiêm bảo họ ăn ở với nhau, không phải con mẹ Đất chửa hoang. Đi tù sao lại được ăn ở với nhau? Nó cho thằng tổng Bạt bày ra trò bêu riếu để không ai ngờ vực, quả là mưu cao” “Đúng rồi...” Bao nhiêu cái “đúng rồi” của bà con nông dân càng khẳng định khả năng tưởng tượng tuyệt vời của anh đội Lăng. Anh cho mọi người chép lại, kí tên coi như bản hồ sơ gốc kia là do nông dân tố giác. Phần phát hiện có liên quan đến tên anh rể và bố mẹ đẻ của tên Kiêm cũng được mang đi lấy xác nhận của chính quyền các địa phương. Những ngày ấy chính quyền các địa phương do cốt cán nắm, việc xin giấy tờ đi đâu, làm gì mà xác nhận không có liên quan, không có tội thì khó khăn vô cùng. Nhưng chứng nhận cho kẻ có tội lại vô cùng dễ dàng.
Những tội trạng chính, quyết định số mệnh tên Kiêm cơ bản đã hoàn thành. Khí thế của bần cố cũng đang bùng lên như lửa cháy, ngay đến anh đội Lăng cũng không ngờ nó lại “lên” nhanh đến thế. Cái khó của anh lúc này làm sao vừa không để xảy ra manh động, vừa không làm phong trào chùng xuống. Vừa đưa được khí thế sôi sục đánh đổ toàn bộ uy thế của chúng vừa biết cho lúc nào nó “đổ” thì vừa, không được để nó “đổ” non. Hôm chưa bị bắt, mụ Đất bảo anh Thó vốn là người em họ xa của mụ:
- Xin phép anh cho tôi ra đồng mót ít khoai ạ.
Anh Thó quát:
- Con địa chủ cường hào gian ác, ai cho mày được phép gọi láo xược như thế?
Thị Đất run rẩy, chưa biết phải làm gì, nói thế nào, anh Thó ra lệnh:
- Ai cho mày đứng nói. Quỳ xuống. Từ nay mày nói với ông bà nông dân, kể cả ông bà mới đẻ cũng phải xưng con thưa ông bà nông dân. Nghe chưa?
Thị Đất lật bật ngồi xuống:
- Thưa ông nông dân.
- Tao là cán bộ. Không phải ai cũng “thưa ông nông dân” hiểu không?
- Thưa ông cán bộ, con xin phép ông cho con đi ra đồng mót nắm dải khoai về nấu cho các con con.
- Mày giả nghèo, giả khổ định trốn tránh tội ác hả?
- Thưa ông cán bộ, con không dám gian trá. Hai thằng con con nó đang xỉu đi ở góc lều, không tin ông đến chứng giám.
- Ông không thèm nhìn vào cái chỗ thối nát của giai cấp chúng mày. Mày định mua chuộc ông phải không. Các đồng chí du kích. Gô cổ con mụ này lại.
Ngày ấy sức mạnh của cán bộ đội và xóm là lệnh bắt. Lúc nào trong túi áo cũng có một nắm giấy lệnh bắt người, lệnh tịch thu, lệnh tịch biên, lệnh tạm giữ... Có lệnh đã viết trước, có lệnh đến chỗ tội phạm mới kê xuống đầu gối viết vào tờ lệnh có dấu lưu không. Còn vũ khí của du kích là thừng. Anh nào cũng có vài ba dây thừng cuốn kiểu khoanh giò dài chừng gang tay nhét vào cạp quần, bất cứ lúc nào cũng có thể rút ra trói. Lệnh giấy hay lệnh mồm cũng trói. Trưởng xóm, phó xóm, xóm đội ai cũng có quyền ra lệnh trói và giải đi. Nhưng hôm nay hai du kích xóm lại túm tay thị Đất lôi và ẩy nó vào gian lều của nó, không trói. Có lẽ anh trưởng xóm biết tội của nó chỉ như thế là vừa, anh không nói gì. Anh đi báo cáo tình hình mới xẩy ra này với cả hai anh đội. Anh đội Quyền nói:
- Đồng chí “thái độ” nó thế là đúng lắm (chắc anh muốn nói là đồng chí tỏ thái độ...) không được một phút nào chúng ta lơ đãng ăn phải mồi câu của nó.
Anh đội Lăng ngồi hơi nghiêng chỉ gật gù như cố giấu một nụ cười im lặng. Lúc anh Thó đi ra ngõ, anh Lăng đi theo nói nhỏ:
- Đồng chí bảo du kích cho phép nó cắt quả bầu trắng ở giàn “niêm phong” để nó nấu cho con nó ăn. Không được để nó chết. Kể cả chết đói, chết rét hay tự tử mà chết cũng không được để nó chết. Bọn chúng rất muốn chết để trốn nợ nông dân. Phải để nó sống bà con nông dân mới có thể “đòi nợ” nó cả thể xác lẫn tinh thần. Khi nào toàn bộ giai cấp của nó bị đánh đổ lúc đó ta mới xét xử, tuỳ theo tội của nó mà ta cho nó sống hay là chết. Nó chết là quyền của chúng ta chứ không phải là nó có quyền muốn chết lúc nào thì chết, đồng chí hiểu không?