Butterflies don't know the color of their wings, but human eyes know how beautiful it is. Likewise, you don't know how good you are, but others can see that you are special.

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: Trần Hùng
Số chương: 41 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 5
Cập nhật: 2024-09-01 17:39:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần II Trích Dịch
ỜI DẪN
Như phần trên chúng tôi đã nói, có rất nhiều bản Chiến Quốc sách, nhưng chúng tôi chỉ kiếm được ba bản:
1. Bản Chiến Quốc sách do Cao Dụ chú, trong loại Quốc học cơ bản tùng thư của Thương vụ ấn thư quán in năm 1958 ở Thượng Hải. (Chúng tôi gọi tắt là Cao Dụ).
Bản này in kỹ, không có lỗi, có ghi cả những lời hiệu đính của Tăng Củng, Bão Bưu…, lại có chú thích in ngay trong bài, nhưng không được kỹ, nhân danh, địa danh không làm dấu, thành thử những người mới học đọc hơi khó khăn. Cứ chép hết một bài rồi xuống hàng, không đánh số bài, cũng không đặt nhan đề cho bài.
2. Bản Chiến Quốc sách do Hứa Khiếu Thiên chú của nhà Tân lục thư cục, in năm 1962 ở Đài Bắc. (Chúng tôi gọi tắt là Hứa Khiếu Thiên).
Bản này in vội, mắc rất nhiều lỗi, chú giải tuy tương đối kỹ, nhưng có nhiều chỗ rườm hoặc sai, trái lại có nhiều chỗ đáng giảng thì lại không giảng. Sự trình bày không tiện, không hợp lý: những lời chú giải đặt cả ở cuối mỗi bài không đánh số, cho nên kiếm hơi mệt; lại thêm soạn giả phân biệt những điều chú giải ra hai loại: khảo và chú, chỉ thêm mất công người đọc, vì có chữ đáng cho vào chú thì lại cho vào khảo, và ngược lại.
Nhưng bản này có chỗ tiện hơn bản trên là nhân danh, địa danh có làm dấu (nhiều chỗ sai), và có đánh số mỗi bài, nhưng không cho nhan đề.
Cách đánh số của Hứa đôi chỗ không hợp lý: Có bài nên tách ra thì soạn giả gom lại. Ví dụ bài Tần I3, bản Cao Dụ tách làm hai là phải, Hứa Khiếu Thiên gom lại là sai. (Trong bản dịch của chúng tôi bỏ phần dưới: Tần I4). Bài Tống 6 cũng vậy, tách ra làm hai như Cao Dụ thì hợp lý hơn.
Lại có bài như bài Vệ 14, Hứa tách ra làm hai Vệ 12 và Vệ 13, Cao Dụ gom lại làm một.
Nhưng chính bản Cao Dụ nhiều khi cũng vô lý: như bài Tần II12 và 13 không nên gom lại, Hứa Khiếu Thiên tách ra là phải; bài Chu 5 và 6 cũng vậy. Như vậy toàn bộ Chiến Quốc sách bản Cao Dụ, gồm:
Quyển 1. Đông Chu 23 bài. Q.2. Tây Chu 17 bài. Q.3. Tần I 12 bài. Q.4. Tần II 16 bài. Q.5. Tần III 17 bài. Q.6. Tần IV 9 bài. Q.7 Tần V 8 bài. Q.8. Tề I 17 bài. Q.9. Tề II 8 bài. Q.10. Tề III 12 bài. Q.11 Tề IV 10 bài. Q.12. Tề V 1 bài. Q.13. Tề VI 8 bài. Q.14. Sở I 19 bài. Q.15. Sở II 8 bài. Q.16. Sở III 10 bài. Q.17. Sở IV 13 bài. Q.18. Triệu I 17 bài. Q.19. Triệu II 7 bài. Q.20. Triệu III 21 bài. Q.21. Triệu IV 19 bài. Q.22. Ngụy I 26 bài. Q.23. Ngụy II 18 bài. Q.24. Ngụy III 10 bài. Q.25. Ngụy IV 25 bài. Q.26. Hàn I 24 bài. Q.27. Hàn II 19 bài. Q.28. Hàn III 22 bài. Q.29. Yên I 14 bài. Q.30. Yên II 14 bài. Q.31. Yên III 5 bài. Q.32. Tống, Vệ 14 bài. Q.33. Trung Sơn 10 bài. Cộng là 473 bài.
3. Bản Bạch thoại Chiến Quốc sách độc bản do Cao Dụ chú và Diệp Ngọc Lân dịch ra bạch thoại, gồm hai quyển, của nhà Quảng Ích thư cục in năm 1947 ở Thượng Hải. (Chúng tôi gọi tắt là Diệp Ngọc Lân).
Bản này khác hẳn hai bản trên, không in hết những bài trong Chiến Quốc sách mà chỉ lựa độ một nửa, chú thích của Cao Dụ in ngay ở trong bài, cuối bài lại dịch ra bạch thoại, nhân danh và địa danh đều làm dấu, nên rất tiện cho những người mới học. In khá kỹ, ít lỗi, nhưng khi dịch thì có đôi chỗ sai.
Không đánh số bài, nhưng mỗi bài dùng ngay mấy chữ đầu hoặc tóm tắt câu đầu mà làm nhan đề (chẳng hạn bài đầu bộ, câu đầu là: “Tần hưng sư lâm Chu nhi cầu cửu đỉnh” thì lấy mấy chữ này: “Tần cầu Chu cửu đỉnh” làm nhan đề). Đầu bộ có mục lục các bài (hai bản trên không có mục lục ấy, vì không có nhan đề cho mỗi bài), nên công việc tìm kiếm cũng dễ được một phần nào.
Chúng tôi dùng cả ba bản kể trên và mỗi khi thấy có điểm gì đáng nghi ngờ trong hai bản Hứa Khiếu Thiên và Diệp Ngọc Lân thì dùng bản Cao Dụ mà quyết nghi.
Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo thêm:
4. Cuốn Intrigues – Studies of ChanKuo Ts’e của J.I Crump, Jr, do The University of Michigan in năm 1964 (Chúng tôi gọi tắt là Crump).
Tác giả là một giáo sư dạy Hoa ngữ ở trường Đại học Michigan (Huê Kỳ) có công nghiên cứu về Chiến Quốc sách và đăng bài trên tạp chí Thông báo (T’oung Pao) «通報» số 48 năm 1960, mà các thư viện ở Sài Gòn đều không có, nên chúng tôi không đọc được.
Cuốn Intrigues biên khảo về phương diện sử liệu và văn học trong Chiến Quốc sách, chứ không phải là một bản dịch toàn bộ Chiến Quốc sách; vì vậy tác giả chỉ dịch khoảng năm chục bài để dẫn chứng thôi, mà những bài đó không nhất định là những bài hay nhất. Mặc dầu vậy cuốn đó đã giúp chúng tôi nhiều vì viết rất công phu và chứa nhiều nhận xét mới mẻ. Sự thực thì từ trước tới nay chúng tôi cũng chỉ mới thấy một tác phẩm đó là nghiên cứu về Chiến Quốc sách.
Những bài trích dịch, Crump đều đánh số, nhưng những số của ông khác hẳn những số trong bản Hứa Khiếu Thiên.
5. Cuốn Anthologie raisonnée de la littérature chinois của Margouliès do nhà Payot xuất bản năm 1948. (Chúng tôi gọi tắt là Margouliès). Cuốn này dịch 13 bài trong Chiến Quốc sách, nhưng dịch không sát và có chỗ sai, nên không giúp chúng tôi được bao nhiêu.
Margouliès còn cuốn Le Kou-Wen Chinois (Payot 1926) trong đó có dịch thêm sáu bài Chiến Quốc sách nữa, nhưng sách đã tuyệt bản, chúng tôi kiếm không ra; và cuốn Histoire de la littérature chinois (Prose) cũng do Payot xuất bản, năm 1949, trong đó ông chỉ giới thiệu qua loa Chiến Quốc sách thôi.
*
Công việc của chúng tôi trong phần II này nhắm chung một mục đích với công việc của Diệp Ngọc Lân. Chúng tôi cũng lựa khoảng nửa số bài trong Chiến Quốc sách để giới thiệu với độc giả, nhưng những bài chúng tôi lựa không nhất thiết là những bài họ Diệp lựa. Tất nhiên chúng tôi dịch hết những bài có giá trị về nghệ thuật, chúng tôi lại dịch thêm những bài để dẫn chứng cho phần I (phần giới thiệu), và một số bài khác có tính cách vui vui nữa. Chủ ý của chúng tôi là giúp độc giả có thể vừa tiến khá sâu vào văn học Trung Quốc, vừa tìm trong tập này những kinh nghiệm của cổ nhân về tâm lý, hành động của bọn chính khách trong một thời loạn, như trong mấy năm gần đây một số ký giả đã làm trên các báo chí.
Số bài khá nhiều. Muốn cho độc giả dễ tìm kiếm, chúng tôi đã đánh số mỗi bài (chúng tôi đánh số lại, chứ không theo những số của Hứa Khiếu Thiên vì những lẽ đã trình bày ở trên); chúng tôi lại đặt hai nhan đề cho mỗi bài: một nhan đề tóm lại đại ý trong bài và một nhan đề dùng ngay mấy chữ đầu trong bài như Diệp Ngọc Lân đã làm. Như vậy độc giả nào nhớ mang máng một truyện có thể coi mục lục mà kiếm ra được trang nào, rồi có muốn đối chiếu với một bản chữ Hán, không ghi số bài thì cứ theo nhan đề chữ Hán mà dò tất sẽ thấy.
Chúng tôi đã cố dịch cho sát và chú thích cho gọn; gặp chỗ nào chưa tra ra được thì tồn nghi. Chúng tôi chỉ chú thích những nhân danh địa danh nào quan trọng hoặc thường gặp trong bộ, còn thì bỏ bớt đi cho khỏi rườm. Gặp một tên, một chữ đã chú thích ở một bài trên rồi, chúng tôi không chú thích lại nữa, nhưng ở cuối sách chúng tôi lập một bảng nhân danh, địa danh quan trọng trong sách và ghi số trang có chú thích để độc giả dễ kiếm.
Trong bảng Mục lục, gặp bài nào Crump và Margouliès đã dịch rồi chúng tôi ghi lại để độc giả có thể tìm mà đối chiếu. Crump có đánh số mỗi bài mà Margouliès thì không, cho nên bài của Margouliès chúng tôi phải ghi số trang trong cuốn Anthologie raisonnée de la littérature chinoise.
Sau cùng trong phần Phụ lục chúng tôi theo bảng niên biểu ở cuối bộ Từ Hải mà ghi lại những việc quan trọng trong thời Chiến Quốc.
Chúng tôi biết rằng công việc của chúng tôi còn nhiều chỗ sơ sót, dám mong được độc giả chỉ bảo.
Sài Gòn, ngày 15-11-1966
Chiến Quốc Sách Chiến Quốc Sách - Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê Chiến Quốc Sách