Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Chương 3
C
hắc rằng vị tu sĩ Miến Điện này thường hay tới Mudon lắm, vì thỉnh thoảng chúng tôi thường nhìn thấy ông ta. Cứ mỗi khi nhìn thấy ông ta chúng tôi lại nhớ Mizushima quá chừng. Một hôm, lúc đi làm công tác xây cất, chúng tôi gặp ông ta tận mặt. Một người trong bọn chúng tôi kêu to: "Ê, Mizushima!"
Vị tu sĩ ngừng bước, cúi đầu như thể sợ hãi, rồi nán chờ cho chúng tôi đi qua. Chúng tôi cảm thấy thích thú nhưng lại hơi buồn.
"Không được chòng ghẹo người ta," đại úy cảnh cáo. "Thấy chưa, các chú đã làm cho con người đáng thương ấy sợ sệt rồi đấy."
Cứ như thế chúng tôi tiếp tục mong chờ.
Mizushima, nhưng chẳng bao giờ anh lại, Chúng tôi đâm ra chán nản, và cuộc sống tù binh khổ sở lại càng buồn chán hơn.
Ngoài ra, bây giờ lại đang là mùa mưa khó chịu, ẩm ướt, dài lê thê. Một thứ mưa mờ mờ như khói rơi ra rích ngày này qua ngày khác, không lúc nào ngừng. Nước liên tiếp đổ xuống mái nhà chòi nipah. Rừng dừa trông mờ mịt, giống như một bức tranh vẽ bằng mực trên giấy ướt. Đó là loại tranh khiến mình muốn lấy giấy thấm mà thấm cho khô đi.
Chúng tôi sống trong cơn mơ màng uể oải, buồn chán. Không ca hát nữa và bỏ xó những nhạc khí còn lại mặc cho hư hại dần dần, Vài người cứ ngồi ôm đầu gối ngước nhìn bầu trời. Có lần một anh tưởng như đang ngủ lại thấy khóc thút thít ở trong chăn. Anh em còn đâm ra cãi cọ nhau, điều mà trước kia không bao giờ ai làm cả.
"Này, đồ ăn thừa của tớ đâu rồi?" Một anh vừa hỏi vừa lắc cái lon sắt rỗng không. "Tớ tính đem chỗ đó cho con khỉ ăn."
Đại úy có nuôi một con khỉ để làm cho chúng tôi vui, thế nhưng ngay cả con khỉ cũng trở thành đề tài tranh luận.
Cuối cùng đại úy thúc đẩy chúng tôi ca hát lại để giữ tinh thần anh em. Cứ mỗi khi mưa ngừng rơi, chúng tôi đi ra ngoài sân và tập hát. Kể cũng lâu rồi chúng tôi mới lại hít không khí mát rượi vào trong phổi, nên cảm thấy như thể đang sống lại. Ở những trại giam khác cũng thế, nhiều hoạt động khác nhau được bắt đầu có lẽ vì cùng một lý do. Có người chơi đùa, có người ra ngoài chơi thể thao, một số ít lại mở lớp học nữa. Mỗi khi có một cuộc biểu diễn thuộc loại nào đó, người Miến Điện thường tụ tập bên ngoài hàng giậu tre để xem. Đôi khi họ vỗ tay tán thưởng nhiệt tình hoặc phá ra cười theo.
Bài hát của chúng tôi đặc biệt bình dân. Chúng tôi luôn luôn cố hát cho hay hơn, khi có người đứng nghe. Chúng tôi nói cho nhau biết về những người đã tụ tập quanh đây, về một người đã tới lần thứ hai để nghe và về bài hát của chúng tôi đã át cả môn chơi của nhóm khác ra làm sao.
Đủ loại người từ thành phố tới tụ tập ở hàng rào. Vì là dân nhiệt đới, có nhiều thì giờ rảnh rỗi, họ thường dựa người vào hàng giậu hoặc thân cây mà ngắm nhìn từ sáng đến tối. Họ hoan hô từng bài hát. Trẻ con bắt chước chúng tôi học điệu hát và lập đội đồng ca riêng. Đôi khi các thiếu nữ trẻ tuổi mặc quần áo lụa xanh hoặc đỏ tươi nhảy múa theo điệu nhạc của anh em chúng tôi. Thật là thích thú. Có những ông già thường gói tiền và thức ăn rồi lén lút ném qua hàng rào vào trong cho chúng tôi. Người lính gác thường giả vờ không trông thấy và thường ngân nga hát theo chúng tôi bài nào người ấy biết. Tuy nhiên không bao giờ chúng tôi hát bài Hanyu no Yado, bởi vì nó gợi lại quá nhiều kỷ niệm đau đớn.
Một hôm, khi chúng tôi hát được nửa bài thì một anh lấy khuỷu tay thúc một anh khác, rồi chỉ tay về phía đám người đứng nghe. Một tu sĩ Miến Điện đang đứng đằng sau đám đông. Đó là vị tu sĩ chúng tôi đã gặp trên cầu - giống hệt Mizushima. Ông ta có con vẹt xanh ở trên vai và đang chăm chú nhìn chúng tôi, đôi mắt sâu hoẳm.
Khi hát xong, chúng tôi nghểnh cổ nhìn ông ta.
"Thấy không! Giống Mizushima như đúc!"
"Không. Già hơn nhiều."
Một anh cầm gói tiền người ta ném vào cho ném ra phía người tu sĩ. Gói tiền rơi xuống chỗ chân ông ấy. Một thiếu nhi cúi xuống nhặt lên, rồi kính cẩn đưa cho ông ấy. Vị tu sĩ chắp hai bàn tay lại trong dáng điệu cảm ơn thầm lặng. Đó là dáng điệu của thầy tu đầy vẻ thuần thục nên nhiều người trong chúng tôi đã chào đáp lại ông.
Chúng tôi cảm kích cung cách dân xứ này tôn kính giới tu sĩ. Sự bố thí của họ không phải là một hành vi bác ái mà là một hành vi cảm tạ, biết ơn những người đi tu để giải thoát tất cả chúng sinh. Họ không những chỉ trao tặng vật mà còn quì xuống rồi dâng tặng vật một cách kính Cẩn. Thoạt đầu chúng tôi không hiểu điều này và hình như đã có vẻ thô lậu khi làm công việc bố thí.
Sau đó vị tu sĩ thường tới trại giam anh em chúng tôi. Ông luôn luôn đứng đằng sau những người khác khi đưa mắt nhìn chúng tôi. Anh em thường vất cho ông ta tiền và đồ ăn đã được phát.
"Ông ấy lại đến!"
Ở đây luôn luôn có đồ bố thí, cho nên thằng cha hành khất lang thang này rắp tâm lợi dụng tới mức tối đa," người khác nói một cách khinh khi.
"Đến bụt cũng phải bực mình vì lão ta, nhưng cậu thấy, lão ta mới khác người làm sao," người khác nói. "Dù có là người trầm tĩnh đến mấy Mizushima cũng chẳng vớ vẩn như thằng cha tu sĩ này đâu. Còn nhớ anh ấy oai phong ra làm sao không khi đứng ở trên xe đạn chơi đàn!" Hôm ấy vị tu sĩ hình như đã trở lại đây sau một cuộc hành trình dài. Chiếc cà sa rách bươm, bẩn thỉu, tóc mọc tua tủa và hai chân không đang bị băng bó. Vì là một người thánh thiện nên có lẽ ông ta thường đi thi hành Phật sự.
Người Miến Điện sùng đạo đến độ lúc trẻ thanh niên nào cũng đi tu một thời gian, sống hoàn toàn khổ hạnh. Vì thế chúng tôi nhìn thấy vô số tu sĩ trẻ tuổi trạc tuổi anh em chúng tôi.
Thật mới khác làm sao, ở Nhật Bản tất cả thanh niên đều mặc quân phục. Nhưng ở Miến Điện, họ mặc áo cà sa. Chúng tôi thường tranh luận về điều này. Cưỡng bách huấn luyện quân sự hoặc cưỡng bách học tu tập đạo - trong hai điều này thì điều nào tốt hơn? Điều nào tiến bộ hơn? Là một quốc gia, là những con người, chúng ta sẽ chọn điều nào?
Thật là một thứ tranh luận kỳ lạ luôn luôn gặp bế tắc. Tóm lại, sự khác biệt giữa hai lối sống hình như ở điểm này: tại một quốc gia thanh niên mặc quân phục, tuổi trẻ ngày nay rõ ràng sẽ trở thành những người lớn mẫn cán, siêng năng của ngày mai. Nếu để làm cho được việc thì quân phục là cần thiết. Ngược lại, áo cà sa có nghĩa là để sống một cuộc sống phụng thờ thầm lặng, chứ không phải để làm việc cực nhọc, nhất là để gây chiến tranh. Nếu trong lúc trẻ một người mặc quần áo như thế, có lẽ người ấy sẽ phát triển được một tâm hồn dịu dàng hòa đồng với thiên nhiên cùng bè bạn và sẽ không có khuynh hướng hiếu chiến, vượt chướng ngại bằng chính sức mạnh của mình.
Ngày xưa người Nhật chúng ta mặc quần áo giống như áo cà sa của tu sĩ, nhưng ngày nay chúng ta mặc quần áo đồng phục giống Tây phương. Và ai cũng mong muốn như thế, vì lẽ ngày nay chúng ta đã trở thành một trong những quốc gia hoạt động nhất, mẫn cán nhất thế giới và cuộc sống thanh bình, êm ả là một điều thuộc quá khứ rồi. Điều khác biệt cơ bản là ở thái độ của một dân tộc; hoặc là, như người Miến Điện, chấp nhận thế giới theo nguyên trạng của nó, hoặc là cố gắng thay đổi nó theo ý riêng của mình. Tất cả xoay quanh điểm này.
Người Miến Điện, kể cả những người sống trong các đô thị, vẫn không mặc Âu phục. Họ mặc bộ áo cổ truyền rộng thùng thình. Ngay cả các chính khách hoạt động trong chính giới cũng mặc quốc phục, để khỏi bị mất uy tín tại quốc nội Đó là bởi vì người Miến Điện, khác người Nhật Bản, vẫn giữ nguyên nếp sống cũ! Thay vì muốn chế ngự tất cả bằng sức mạnh và trí thông minh, họ nhằm mục đích giải thoát bằng sự khiêm nhường và lòng tin tưởng vào một sức mạnh lớn lao hơn chính họ. Vì thế họ nghi ngờ những người nào mặc Âu phục và thái độ của những người này khác thái độ của chính họ.
Cuộc tranh luận của chúng tôi thường dịu đi và dẫn tới điểm này: điều đó là do người ta muốn sống như thế nào - cố gắng chế ngự thiên nhiên bằng chính những cố gắng của mình hoặc thỏa hiệp với thiên nhiên rồi đắm mình vào một trật tự sống sâu hơn, rộng hơn. Nhưng trong những thái độ này, trong những lối sống này thì cái nào tốt đẹp hơn đối với thế giới và nhân loại? Và chúng ta nên chọn cái nào?
Một anh chê người Miến Điện và nói: "Chưa bao giờ tớ thấy một dân tộc lại lười biếng, yếu đuối đến thế. Mọi thứ họ có, từ những bóng đèn điện đến các đoàn xe lửa đều do ngoại quốc chế ra cả cho họ dùng. Họ phải canh tân, phải trút bỏ những chiếc sà-rông, phải mặc quần tây. Ngay cả những trường học ở đây cũng chỉ để diễn kịch hoặc ca hát; chẳng có lấy một trường thương mại hoặc kỹ thuật nào. Họ nói trình độ giáo dục của họ cao. Cái đó là so sánh với những xứ khác ở Đông Nam Á - tất cả những gì nền giáo dục của họ nhằm tới là tu sĩ dậy tụng kinh trong các chùa chiền. Cứ đà này, quốc gia sẽ đi đến chỗ suy sụp. Thảo nào xứ này lả một thuộc địa của tụi Anh."
Có anh phản đối, bảo rằng thay sà-rông bằng quần tây không nhất thiết mang lại hạnh phúc. "Nhìn Nhật Bản mà xem!" Anh ấy nói: "Và chỉ Nhật Bản thôi - toàn thể thế giới đang lộn xộn. Khi người ta trở nên hợm hĩnh và cố đặt ý chí của mình lên mọi thứ, người ta sẽ thất bại. Cho dù có đạt được một vài thành công, song rút cuộc chẳng ra gì."
"Cậu có ý nói cứ sống mãi mãi trong tình trạng bán khai như người Miến Điện là phải không đấy hà?"
"Không văn minh? Đôi khi tớ nghĩ chúng mình không văn minh như họ."
"Cậu gàn rồi. Cậu có muốn nói với tớ rằng chúng mình không văn minh bằng cái dân tộc ở cái nơi lạc hậu, bẩn thỉu này chẳng thèm cố gắng làm việc và giáo dục nhau đế tự lực, tự cường không đấy hử?
"Đúng thế. Chúng ta có phương tiện để tiến tới văn minh, nhưng trong nội tâm chúng ta hãy còn là những kẻ dã man, không biết dùng những phương tiện ấy như thế nào. Chúng ta đã làm những gì với những phương tiện ấy trừ việc gây ra một cuộc chiến tranh khủng khiếp rồi lại còn vượt bao đường dài kéo đến đây để xâm lăng Miến Điện, gieo rắc đau thương khủng khiếp cho dân xứ này? Ấy thế mà họ chấp nhận đau thương khủng khiếp đó và tiếp tục sống êm ả, thanh thản. Người Miến Điện dường như không bao giờ phạm vào những lỗi lầm xuẩn động của chúng ta là đi đánh người khác. Cậu bảo họ không có giáo dục nhưng họ tin tưởng vào đạo Phật và dùng tôn giáo này làm kim chỉ nam hướng dẫn toàn cuộc sống của họ. Họ sống một phần tuổi trẻ làm tu sĩ và lối sống của đức Phật đã trở thành bản tính thứ hai đối với họ. Đó là lý do tại sao tâm hồn họ trong sáng, tinh khiết, và tại sao họ sống thanh thản, yên vui. Phải chăng đó không phải là một thứ giáo dục cao cả hơn hay sao?"
"Nhưng thế còn chuyện mức sống thấp kém thì sao? Đâu có hợp với một con người. Thứ nhất cái thứ đạo Phật của họ chẳng có nghĩa quái gì. Từ bỏ thế giới. Chấp nhận khổ đau. Không bận tâm đến sự việc đang trở nên tốt hoặc xấu mà chỉ tập trung ý nghĩ vào việc giải thoát linh hồn - và sự giải thoát chỉ đến sau khi cậu đã từ giã thế giới này, bước vào một cuộc đời mới với tư cách một tu sĩ. Tớ hiểu, đó là kết quả của việc hiểu lời ông Phật dạy một cách sát nghĩa như thế đấy! Cậu thấy loại Phật giáo tiểu thừa này ở Miến Điện chứ gì. Họ thảy đều trở thành tu sĩ. Họ không quan tâm gì đến thế giới hiện tại. Cuộc đời trên cõi thế hình như chẳng có nghĩa lý gì nên họ không có ý muốn phát minh ra những cái mới mẻ, và chẳng bao giờ thấy họ tỏ ra cố gắng cải tiến cuộc sống. Cho đến nay họ chưa phát triển được một thế chế khả dĩ giúp cho một người sống trong tự do. Liệu cậu có thế gọi cái đó là hạnh phúc không? Cứ đà này, không bao giờ có tiến bộ cả."
"Đức Phật nhìn qua suốt loại hạnh phúc cùng tiến bộ này, và hạnh phúc ấy dẫn tới đâu hàng nghìn năm về trước. Ngài dạy chúng sinh đừng bám một cách tuyệt vọng vào cuộc sống trần thế, và người Miến Điện vẫn trung thành với lời dạy của Ngài. Nếu cậu thích một thế giới văn minh, thanh bình hơn, thì có lẽ chúng ta càng nên bắt chước người Miến Điện thay vì người Miến Điện bắt chước chúng ta."
"Không thể được. Trong thời đại bom nguyên tử cậu không thể tà tà, lừng khừng như người Miến Điện."
"Thật đúng thế, bởi vì chúng ta đang ở thời đại nguyên tử nên lại càng cần phải bình thản và suy tư hơn, Chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu, thảnh thơi nếu trao một điều nguy hiểm như thế vào tay các tu sĩ Miến Điện."
Chẳng bao giờ chúng tôi có thế đi tới một quyết định rõ rệt xem là quan niệm nào hay hơn. Tuy nhiên thường thường anh em đã chấm dứt cuộc tranh luận và đồng ý là người Miến Điện sống từng giai đoạn trong đời sống của họ phù hợp với một nền đạo đức cao xa, và không thể bị coi là không văn minh. Thật là sai lầm khi chế giễu họ chỉ vì họ không có cái loại hiểu biết giống chúng ta. Họ có một cái gì diệu kỳ mà chúng ta không thế làm sao hiểu nổi. Nhược điểm của họ chỉ là yếu đuối và không thể tự bảo vệ để chống lại kẻ xâm lăng như chúng ta. Có lẽ họ nên chú ý hơn nửa đến cuộc đời trần giới, không nên coi nó như là vô nghĩa mà nên đặt cho nó một giá trị cao hơn.
Cứ thế cuộc tranh luận kéo dài. Dĩ nhiên, chúng tôi không chỉ ngồi để tranh luận; mỗi khi có thể, chúng tôi đều đi ra ngoài ca hát.
Có lần chúng tôi cảm thấy muốn hát thử một số điệu khác nhau và chọn một bài dân ca Miến Điện nào đó, vì hát làm hai phần thì dễ dàng. Đó là phần Mizushima thường dùng ở trong rừng để báo hiệu hiểm nguy. Lúc chúng tôi bắt đầu tập bài hát ấy, người Miến Điện đứng bên ngoài hàng rào hình như thích thú lắm. Những ông già, những bà già, tay nắm tay nhau cùng đứng hát và trẻ con trèo lên nóc hàng rào hát theo.
Vị tu sĩ cũng ở đó. Chúng tôi muốn ông ấy hát theo. Và tha thiết vẫy tay ra hiệu cho ông ấy biết. Nhưng ông ấy chỉ đứng đó thẩn thờ, không chú ý, mắt lim dim. Hiển nhiên, ông ấy không muốn tham dự vào những chuyện tầm phào như thế.
Bẵng đi một dạo, chúng tôi chẳng buồn đế ý tới những lần vị tu sĩ đến xem. Trong khi đó anh em được biết người Miến Điện đang có cảm tình rất thân thiện với anh em tù binh chiến tranh; và một hàng rào khác được dựng lên bên trong hàng rào cũ để ngăn cách chúng tôi, xa hơn nữa, với những người đứng xem ở ngoài. Cho dẫu vị tu sĩ có đến chúng tôi cũng không thể cho ông ấy của bố thí. Có lẽ vì thế ông ấy cũng thôi không tới.