Số lần đọc/download: 2067 / 61
Cập nhật: 2015-10-21 20:49:31 +0700
Chiến Trường Tạm Yên Tĩnh
B
uổi sáng, Quảng ngãi sau lũ lụt, thời tiết lạnh. Tom mặc áo len ngắn. Một vòng dây da hở nơi rẽ vai, hắn có đeo súng. Phúc đã gặp hắn ở Phan rang trong những tháng cứu trợ trước. Tom người Mỹ trắng, tốt nghiệp đại học Berkerley, gia nhập “Peace Corps -Đoàn Thanh niên Phụng sự Hoà bình” tình nguyện sang Việt nam sống lam lũ với nông dân. Hắn nói thạo tiếng Việt và mang tên Ninh.- Anh ra đây từ đầu vụ lụt?- Không, mười lăm ngày sau. Phúc hỏi Tom về những chiếc quạt gió kéo nước ở Phan rang hồi này ra sao. Tom bảo tất cả vẫn y nguyên, phải cái đồng ruộng ngập nước dân làng cũng chẳng cần đến quạt gió nữa. Nhớ lại hôm gặp Tom trên cánh đồng trải dài đến tận chân núi đá; từng đàn dê lổ lang trên đó, một chú dê đực cắt hình trên nền trời từ một mỏm đá thật cao. Biển xanh phẳng lặng phía xa, rải rác những cánh quạt gió chuyển động chậm, kéo nước biển lên những ruộng muối đọng trắng. Phúc hỏi Tom:- Anh không giận chứ? Vụ chúng tôi quyết định đi riêng không có anh. Trong bước đầu chúng tôi không muốn có sự ngộ nhận của người dân và nhất là không để cán bộ cộng sản tại đó có lý do tuyên truyền xuyên tạc. Cái lý do xuyên tạc ấy là vấn đề mất chủ quyền, miền Nam là bù nhìn, đám thanh niên cứu trợ ấy cũng chỉ là bọn tay sai đế quốc Mỹ. Sau kháng chiến chống Pháp, người cộng sản lại đang rêu rao tiếp tục một cuộc kháng chiến thần thánh khác chống Mỹ giành độc lập và thống nhất đất nước. Xem ra cái chiêu bài ấy vẫn còn hấp dẫn đối với người dân nhất là ở nông thôn. Sau vụ thảm sát các tăng sinh của trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, Phúc bắt đầu hiểu rằng chẳng làm gì có cái không gian lý tưởng phi chính trị để chàng và các bạn bình tâm làm công tác xã hội. Mà chính trị đối với Phúc không gì khác hơn là những thủ đoạn giả dối và sự độc ác. Tom cười thông cảm, bàn tay to thô nắm lấy vai Phúc: - Tôi hiểu ngay khi anh nói câu đầu tiên. Ở đây lâu năm thực sự muốn sống hòa mình nhưng tôi vẫn thấy lạc lõng. Giọng Tom thành thật đượm vẻ cay đắng. Muốn tránh những ý nghĩ khúc mắc, Phúc quay sang chuyện khác:- Những người con gái Chàm mắt thật đẹp phải không Tom? Hắn cười, ánh mắt xanh biếc nhìn Phúc tinh quái. Tom bảo rất thích lối ăn mặc của người Chàm. Hắn khoe mới làm quen được một cô giáo Chàm và cô ta cũng biết chút Anh ngữ. Phúc nhớ tới hình ảnh những người con gái Chàm rất đẹp với đôi mắt lai say say, mang vẻ gì u uất. Phúc hỏi Tom số người Chàm còn lại bao nhiêu.- Tôi không rõ, có điều họ sinh sản thật ít và phần lớn đã đồng hóa. Viên thông ngôn trẻ quay sang nói với Phúc:- Khi trước tôi có ở Phan rang, học ở đó nữa. Người Chàm thì tôi biết quá mà, đẻ không mấy sản so với người Kinh, chỉ vài năm nữa thì họ tiệt chủng. Phúc tỏ vẻ khó chịu về sự phân biệt:- Diệt chủng thì không đúng, dân Chàm họ sống hòa mình và dần dà đồng hóa với người Kinh. Tất cả đều là dân Việt.
Gã thông ngôn vẫn giữ giọng kỳ thị:- Không đâu, tụi nó vẫn cố giữ nếp sống biệt lập. Anh để ý coi, chỗ làm nhà của tụi nó không khi nào có cây, bộ Canh nông có trồng cho, họ cũng phá hết. Họ dị đoan ra sao đó.
Phúc tò mò quay sang hỏi thêm:- Tại các trường, Kinh và Chàm học chung, nghe nói dân họ rất thông minh.
Gã thông ngôn đắc chí cười ha hả:- Đúng vậy, trong lớp toàn tụi nó đứng đầu không à. Không có đứa nào mà học dốt, bết lắm cũng phải trên thứ mười. Phải cái mọi chuyện khác tụi nó thua người mình xa.
Khi hỏi hắn về sự thua kém đó, hắn cười to nói thích thú:- Chứ sao, tụi nó chỉ được cái học vậy thôi chứ như “lưu manh” đâu có bằng nổi dân mình. Vẻ mặt hắn kiêu hãnh thành thật. Phúc ngỡ ngàng nhìn hắn và không muốn bắt chuyện thêm. Gã thông ngôn lại quay sang ba hoa nói tiếng Anh với Tom. Câu chuyện xoay quanh vấn đề “gái của buổi tối”. Không phải lúc, Tom cười gượng và không khứng bắt chuyện với hắn. Sự có mặt của người Mỹ làm mọi giá trị đảo lộn. Ngọn thủy triều tràn lên, rút xuống cuốn theo mọi thứ. Họ trách nhiệm một cách vô tội vạ điều Phúc vừa nghĩ. Giữa trưa đường vắng lạ. Những mảng đường bị nước xoáy đào trũng. Hàng dây điện trên cao còn bám đầy cỏ rác. Chiếc đầu cầu bị nước kéo giật sập trong xa. Tiếng gã thông ngôn vẫn đùa cợt với Tom, âm thanh vẩn đục ray rứt.
Chiếc Jeep 4-Wheel màu xanh đậu giữa lối đi vào sân. Bụi đỏ bôi lấm hông xe, khỏa mờ dấu Thập tự đỏ và hàng chữ Medico kẻ sơn trắng. Larry ngồi đó. Mỗi lần đến với Tom, Phúc đều gặp người bác sĩ trẻ tuổi, khuôn mặt thanh tú trí thức, nét hao giống bác sĩ Thomas Dooley. Tuy không hình dung rõ nét mặt Dooley ra sao, vậy mà Phúc vẫn nghĩ trông anh ta thật giống. Quả quyết về sự giống nhau giữa người mới gặp với một khuôn mặt không quen, Phúc cũng tự thấy mình kỳ quái. Vừa tốt nghiệp ra trường, Larry sớm chán ghét xã hội Mỹ. Anh tình nguyện ra nhập hội Medico do Dooley sáng lập và được phái sang Việt nam. Ở một xứ nghèo và chiến tranh, Larry thấy mình hiện diện không phải là thừa thãi. Mỗi ngày tận tâm với công việc chuyên môn, buổi tối vào những phút rảnh rang anh loay hoay viết sách “Bên lề cuộc nội chiến”. Larry bảo, anh không quan tâm tới chính trị chủ nghĩa, anh chỉ nhìn chiến tranh như một thảm khốc chết chóc, kéo theo cảnh nghèo đói và nỗi khốn khổ của con người. Truyện của anh không có nhân vật mà chỉ là những hoàn cảnh. Phúc bảo đùa - Biết đâu Larry chẳng là một nhà văn lớn của Mỹ. Phúc lại nhớ tới Đình nhà văn, đến lối tạo dựng nhân vật đã trở thành quen thuộc của hắn. Một mẫu người cô đơn, bước vào đời sống như một người lạ, lúc nào cũng băn khoăn về một trống rỗng siêu hình, chưa hoạt động đã mang vẻ thấm mệt, suốt ngày mò mẫm trong bóng đêm của tiềm thức, đôi lúc hắn cũng thoát ra giao tiếp với tha nhân bằng những ngạo mạn chửi rủa và rồi cũng ngã xuống giữa những ham muốn thú vật của thể xác, để rồi sau đó lại thấy hắn tìm kiếm, vẫn chẳng khám phá ra được điều gì và kết qủa chỉ là một thân hình thêm bệnh hoạn... Larry bảo anh mong hiểu Việt nam như Pearl Buck biết về Trung hoa. Larry ít giao du, là người Mỹ nhưng anh lãnh đạm và xa cách với đồng hương và yêu mến dân Việt. Larry kín đáo yêu say mê cô gái Huế - người nữ cán bộ thanh niên. Tâm sự với Tom, Larry bảo sẽ không lấy vợ trước ba mươi và khi có gia đình vợ anh chắc chắn không phải một cô gái Mỹ. - Tóc vàng mắt xanh, anh không nên quá xông xáo. Tụi nó không mấy ưa người Mỹ, anh đừng lái xe xa thành phố ban đêm.
Mấy cố vấn Mỹ thường nhắc nhở anh như thế, nhưng mỗi khi có thân nhân người đau tới gọi, Larry vẫn một mình lái xe trong tối tăm của làng xóm rất xa thị xã vào giữa ban đêm. Bản thân Larry không tin vào quy luật quốc tế của chiến tranh. Anh bảo Việt cộng sẽ không chừa xe Hồng thập tự cũng chẳng cần biết tổ chức Medico là ai. Chúng có thể bắn anh như gặp bất cứ người Mỹ nào khác. Larry không tự hào về can đảm nhưng anh giữ thái độ bình tĩnh và phó mặc cho số mạng rủi may.- Người ta quá lo về an ninh, trông người dân nào cũng ra Việt cộng, làm gì có nhiều cộng sản đến như vậy!
Và Larry vẫn phóng túng dọc ngang, chẳng hề biết sợ là gì. Tom quay sang hỏi Larry:- Sau lụt, nghe nói an ninh vùng này coi bộ khá hơn?- Dĩ nhiên, các hầm hố xụp hết, không phải chỉ mất súng đạn dược mà cả lương thực và thuốc men. Bọn họ sẽ đói và gặp khó khăn trong khoảng thời gian khá lâu.
Chiếc xe tuy chạy chậm nhưng vẫn nhồi dữ vì suốt đoạn đường bị nước lũ tàn phá. Hoàng chỉ tay về phía ngọn tre đàng xa: hai chiếc phóng pháo đang nghiêng cánh chúi xuống. Phi cơ bay sà thấp từng đợt. Phúc nói phỏng đoán:- Lại oanh kích yểm trợ cuộc hành quân nào đây! Giọng Hoàng gay gắt:- Vụ bắn chết mấy chục học sinh cậu biết chưa?
Việt cộng lén treo cờ Giải phóng trên nóc trường, phi cơ bay qua thấy nhào xuống bắn, ngôi trường tan nát, cả thảy mấy chục học sinh chết gần hết. Hoàng gốc phản chiến nhưng lại luôn luôn lên án một phía; Phúc không kìm hãm được nói:- Nguyền rủa chiến tranh một bên có giải quyết được gì không hay chỉ làm nản lòng những người đang chiến đấu!
Phúc quay sang nhìn Hoàng. Ánh mắt nó chỉ nói lên những thù hận. Sự trái ý giữa hai người không có gì là trầm trọng nhưng đã đến lúc Phúc phải bảo hắn là không còn muốn nghe luận điệu xách động từ miệng một đứa bạn. Phúc nói sang những chuyện khác.
Cả làng vắng vẻ. Ai cũng lo âu về những chờ đợi bất chắc phía trước mặt. Không có lấy bóng dáng một người đàn ông. Vài đứa trẻ bụng ỏng gầy ốm tong teo, thấy có người Mỹ đi qua lẽo đẽo chạy theo xin kẹo, luôn miệng Hello, Okay. Nắng hanh chiếu vàng các bụi tre thưa với thân lá còn đầy bụi lấm. Lớp keo đất trên mặt ruộng khô se lại và bắt đầu rạn nứt. Đã đến tuần hăm mốt ngày, dân làng bận rộn cúng lễ cho những linh hồn chết đuối. Thấp thoáng khắp ngả đường xóm những vành khăn xô trắng che rủ trên mỗi khuôn mặt cam chịu và thảm buồn. Từng cơn gió nồng thổi trườn trên những thửa đất bốc hơi co rút. Cảnh đồng quê sau lũ lụt lại mang vẻ khô héo xác xơ như mùa hạn.
Đi quanh những lối xóm ra tới bờ sông; trên dốc một gò đất, người đàn bà ngồi đó, tóc khô cứng xác xơ, mặt buồn chai rạn, héo quắt lại không làm sao đoán được tuổi tác. Bà cúi xuống kéo gấu quần thâm lấm bùn đất, quệt lau nước mắt kể lể:-Mọi năm thì cũng lụt lội nhưng đâu đến nỗi vậy... Kỳ rồi nước lũ đỏ lòm, con nước quá lớn đánh gãy cả cây cầu sắt. Bao nhiêu là cây rừng trôi về tấp hết vô cây cầu làm như bức thành vậy đó; nước đổ về thoát khó nên càng xoáy dữ, nhà cửa thì ngập hết, còn lại bao nhiêu người kéo sang trú nơi ngôi nhà lầu đó tề; ai cũng tưởng chắc ăn nhưng đến chiều cả ngôi lầu bị nước lũ xoáy xập, ba mươi mấy người lớn bé chết tiệt không còn một mống...
Theo tầm tay người đàn bà chỉ, ngôi nhà nơi gốc chân cầu không còn vết tích đâu nữa. Bờ sông bị lở quá cỡ, nơi hạ lưu phía xa giữa giòng sông nhô lên hai nhịp cầu sắt bị nước lũ đánh gẫy và kéo trôi băng xuống đó. Con nước còn cao nhưng đã chảy về lòng sông vẻ an phận hiền lành. Trên bờ dốc, chỗ nước xoáy cũ, đất bị đào thành một vũng giếng lớn. Cạnh đấy đoàn sinh viên Bách khoa đang hì hục cuốc bới tìm một căn nhà bị chôn sâu. Người đàn bà mất hai con ở đó. Từ những nhát cuốc chỉ bới lên được những mảnh tranh mục, chiếc sườn nhà hay mảnh quần đen cũ bị xé nát. Nước lũ bốc lên cả bãi tha ma, rải rác trên đất những mảnh xương người mốc trắng. Lẫn trong đám sinh viên, ông bác sĩ nhân sĩ vẫn lăng xăng cầm cuốc đào bới và luôn ngửa mặt cười cho người nhà chụp hình - Mấy hôm nữa đây, khuôn mặt xã hội của ông xuất hiện tràn ngập trên mặt báo Sài gòn, và dĩ nhiên không thiếu những chi tiết trên tờ nhật báo riêng mang tên ông. Sau bao nhiêu năm lê gót nơi xứ người, mới ở Pháp về dù ít được ai biết đến nhưng ông đã có cách tự quảng cáo mình và báo chí là khí giới lợi hại để ông có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử tới. Đang cười nói người đàn bà lại thút thít khóc. Nước mắt chảy dài trên gò má khô nhăn nheo, nét mặt quá chai rạn không còn vẻ gì đau khổ:-Suốt đêm lạnh ướt, ba mẹ con tui ôm nhau la khóc trên nóc nhà đó tề... Không có ai dám vô, nước xoáy quá mà, xuồng cứu cũng không dám vô, có chiếc chưa tới gần đã bị lật úp. Cả ba mẹ con đói mệt... Trời, nhúng tay vô nước lụt sao mà lạnh như nước đá vậy đó. Chỉ cần nước lên cao chừng năm phân nữa là chết cả làng.
Lần này lại vẫn trước ống ảnh ông bác sĩ bụng to khuôn mặt đỏ hồng, tới gần làm bộ hỏi han và ông tươi cười lấy tờ bạc trăm mới trao cho người đàn bà. Tự ái người nhận bị tổn thương hơn cảm kích. Không chịu được cảnh đó, Hoàng vùng vằng bỏ đi chỗ khác. Dưới ánh nắng hanh, toán người đào cuốc mãi chỉ thấy toàn gỗ mục tranh nát. Mấy sinh viên Bách khoa mồ hôi nhễ nhại, có vẻ mất kiên nhẫn. Họ họp bàn quyết định bỏ dở công việc đang làm rồi phân toán đi thông xúc các giếng nước. Ông bác sĩ môi dày mặt ngắn vẫn cười cười đứng đó. Phúc theo mấy người khác xuống thuyền trở về bên này sông. Ngoảnh lại nhìn vào bờ, người đàn bà vẫn ngồi yên trên gò đất bất động, chỉ còn như một bóng đen cắt hình trên nền trời xám.
Bên kia bờ, một người đàn ông quần cụt áo đen đứng chờ sẵn, đón bác sĩ Larry tận bến. Ông lễ phép nói lí nhí ra dấu chỉ vào hướng trong xóm. Larry hiểu ý và đi theo. Chưa bước vào tới sân, từ trong nhà đã vang ra tiếng khóc. Chợt thấy mấy người Mỹ bà cụ càng khóc to hơn, ôm chiếc chân phù sưng làm bộ đau thê thảm. Bà vừa khóc vừa kể lể, hết kêu than chân đau lại ta thán chuyện thằng con trai để sót tên bà trong sổ thực phẩm cứu trợ. Bà mắng nhiếc con thậm tệ nhưng người đàn ông vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Tuổi đã hơn bốn mươi mà ông vẫn bị mẹ đối xử như con nít. Larry cúi xuống gõ nắn đầu gối tấy xưng của bà cụ và ân cần hỏi han ít câu. Đi nắng suốt cả buổi, mặt Larry đỏ gay và trên mi rớm nước mắt. Nhận những viên thuốc từ tay Larry, bà cụ vẫn cố tình khóc to kể khổ. Lòng kiêu hãnh quốc gia bị hạ xuống mức thấp nhất. Phúc buồn bực bỏ ra nhưng với ý nghĩ bào chữa: đời sống bà cụ chỉ còn trông vào đó.
Đường rất xấu, xe phải chạy chậm qua một vùng xôi đậu mất an ninh nên Tom giục về sớm. Chiếc Jeep chạy giữa những thửa ruộng ngập bùn. Một vài chỗ đã lổ lang những thửa mạ xanh. Cảm phục sức sống bền bỉ của người dân quê, Phúc quên đi ám ảnh về tiếng khóc than của bà già trong xóm khi nãy.
Trên đường ruộng nhỏ phía trước, bóng mấy người áo đen lật đật chạy theo hai chiếc võng có phủ chiếu. Phúc bảo Tom cho xe chạy chậm lại.- Có người nhà đau hả?- Đâu có, bị máy bay “bắng” hồi trưa giờ võng vô nhà thương.
Tiếng rên rỉ của người bị thương nằm trong võng xen lẫn tiếng hàm răng khua gõ lập cập. Larry vén tấm chiếu cũ rách, thấy áo người đàn bà đầy vết máu ở bụng. Bên võng kia, một đứa bé bị thương ở đầu, hai tay ôm siết viên đạn nơi mang tai đau khóc và kêu gào khát nước. Phúc chợt nhớ tới vụ máy bay oanh kích buổi sáng.-Sao không đưa ngay vô nhà thương?-Dạ phải võng từ Bình phiên về, xa hơn ba mươi cây số lựng; phải chạy gắng lắm mới tới đây giờ này.
Vẻ mặt người đàn ông đen sạm cam chịu không còn vẻ gì đau khổ. Phúc ngỏ ý muốn chở tất cả lên xe. Không còn sức đâu tỏ lộ vui mừng, người đàn ông nói:- Không gặp xe các thầy, có vô tới nhà thương cũng phải tới chập tối, chắc con mẹ nó chết quá à!
Vết thương nặng, người đàn bà mất nhiều máu nhợt xanh xao. Larry bảo Tom cho xe cố chạy nhanh trên một mặt đường nứt vỡ lam nham. Chân trời thấp, một màu xám quạnh quẽ. Vắng bóng những chiếc phi cơ oanh kích rất hung hãn lúc buổi sáng.
Trời về chiều. Đồng ruộng loang loáng nước phản chiếu một màu hồng buồn. Hoa rừng lau nhuốm vàng cả triền núi trên cao. Trên quốc lộ rải rác hàng một những người lính Địa phương quân, súng đeo lỏng trên vai, đi ngậm tăm, rẽ quẹo theo ngả đường mòn, mất hút sau rặng cây sẫm đen đàng xa của khu rừng chiều.
o O o
Phúc trở lại nhà thương hôm sau. Vui mừng vì tin hai mẹ con người đàn bà được cứu sống. Niềm vui quá với cả hy vọng mong ước. Nhìn sang giường kế bên là một gã con trai quần cụt áo đen, tuổi khoảng chưa đầy hai mươi, một chân còn bó bột cứng ngắc. Nằm trong trại bệnh mà hắn vẫn nói to oang oang như phân bua với người nhà quê mái tóc hoa râm, đứng cạnh đấy.- Bác coi, con trông thấy ảnh trước con đã ngơ đi mà ảnh thấy con ảnh cứ lia đại, tức mình quá mà, sao con không bắn trả cho được!
Người đàn ông tóc hoa râm, mặt buồn bã, mắt đỏ ngầu như chó dại, không muốn nghe thằng cháu mà cũng chẳng muốn bênh con, chưa biết phải nói sao, ông chỉ trách mắng thằng cháu giọng bâng quơ:- Ai khiến mày bỏ làng nhảy núi làm chi? Lâu lâu lại mò về mà nhiễu. Mày gẫy một chân, thằng Ba con tao gẫy một chân. Mồ mả ông cha tụi bay có động mô không dưng anh em lôi nhau ra mà bắn. Thôi may mà tính mạng hai đứa cũng chưa sao, tao biểu mày phải nghe, khỏi rồi tao bảo lãnh cho về sống ở làng mà làm ăn chứ cứ lên núi rồi vô bưng, đói khát cực như con chó...
Đứa con trai vẫn im lặng nằm đó, mặt cau có như không dấu được giận dữ. Vẻ mỏi mệt đến trơ lì trên khuôn mặt người đàn ông tóc hoa râm làm biến mất những nét đau đớn xúc động lúc đó. Ông nghĩ tới thời gian cách đây hai năm đứa cháu tuyên bố bỏ làng đi xa làm ăn. Ít lâu sau thấy hắn trở về, dân làng thì thào hắn được gửi đi học tập trên núi. Biết tung tích bị lộ, hắn lại bỏ đi biệt ít lâu. Nhưng rồi sau đó, đêm đêm hắn lại về làng cùng với mấy đứa lạ mặt kiếm ăn ngang nhiên như ngay trên đất nó. Họ hàng thương tình không ai nỡ báo, nhưng nó lại tưởng người ta sợ, được thể nó càng làm tới. Nó lộng quá lắm nên Dân vệ và Thanh niên chiến đấu mới tính chuyện bủa vây. Kết cuộc, thằng Ba Dân vệ con ông gãy một chân, thằng cháu Du kích cũng phải vô nằm đây với chân kia gẫy tốt. Rồi người đàn ông nghĩ tới bất hạnh đến vô phúc xảy ra cho giòng họ mình. Những cẳng chân bị đạn bắn gẫy nát của lũ con cháu khiến ông nghĩ tới sự gẫy đổ của cả một gia tộc - mà với ông gia tộc là trọn vẹn hình ảnh quê hương đất nước. Trong những lúc không còn hy vọng, ông lại tự an ủi vu vơ bằng lịch sử bốn ngàn năm văn hiến, ông chỉ được nghe chứ chưa hề thấy. Khi thấy bấu víu đó không vững, ông lại có những ý nghĩ buông xuôi rằng đất nước này cũng như số kiếp con người tới cái hồi mạt vận. Rõ quá mà, mảnh đất mà ông đang sống chẳng phải là quê hương ông, trước kia là của người Chàm. Và ông cảm thấy có tội trước trời đất trong việc xâm lấn và tiêu diệt họ. Cha ăn mặn con khát nước, ông nghĩ đến quả báo và rất tin như thế. Công khai phá và cũng là tội ác của cha ông, tang chứng còn đầy rẫy, với hận Đồ bàn còn vương sót trên những tháp Chàm rêu phong đổ nát. Tình cảm ông như kẻ phạm tội muốn được kín nhẹm, không còn muốn thấy dấu vết của tội ác. Vẫn còn vài gia đình Chàm sống rải rác phía chân núi trong xa - đó là mối ám ảnh thường trực khiến ông muốn bằng các nào đó phải xóa đi. Tàn bạo trong trường hợp này chỉ nói lên sự sợ hãi.
Quảng Ngãi 1965