Số lần đọc/download: 1971 / 75
Cập nhật: 2017-11-18 21:12:48 +0700
Chương 7 -
N
ếu không đi công tác xa, thì tháng, hơn tháng Đại lại đưa vợ con về thăm bà ngoại. Lần này, Đại mời cả bố mẹ và em gái đi cùng. Cũng là một lần người thành phố đi dã ngoại.
Kiên bận công việc, hẹn khi khác sẽ về thăm quê chị dâu. Đại lái xe lấy, vợ con ngồi hàng ghế trên, ngay bên cạnh.
Những gì anh quan sát được đều có thể trò chuyện với vợ con. Ông bà Hoè và Thảo Tần ngồi hàng ghế sau. Thấy con ngựa từ xa, Đại hỏi con: "Cu ơi, con có biết con gì đang kéo xe kia không?" Bố hỏi thế, mẹ Kiều Linh thì giảng giải: Con ngựa đấy. Nó có hai cái tai vểnh ngược lên đấy. Có mở tóc loà xoà trước trán đấy, cái bờm chạy dọc từ đầu đến cổ đấy. Cái đuôi dài đuổi ruồi muỗi và để kéo đàn đấy. Cu có thích cưỡi ngựa không hay ngồi xe, nó kéo nhé".
Có nhiều đoạn, chiếc MAZDA cứ nhẩn nha. Người đi đường cứ tưởng xe tập lái. Đường mới được nâng cấp, bốn làn đường, chưa kể khoáng lưu không hai bên lề. Giải phân cách là một dẻo đất dài như vô tận. Hoa trúc đào phơn phớt tím hồng, khiến con đường nhựa có nét duyên riêng. Linh nói chồng chạy chầm chậm sau chiếc xe ngựa một quãng, để thằng cu có dịp quan sát. Cu Thành nói chưa thật sõi, nhưng rất hay hỏi. Phía trước có con trâu đang cặm cụi gặm có vệ đường:
- Đố đố cu Thành, con gì kia?
Nó đã trông thấy con trâu lao giờ đâu, nên không trả lời được. Không trả lời được, nhưng nó không chịu nhận là không biết, mà hỏi lại bố: "Thế con gì đen đen, lại bân bẩn thế hả bố?"
Mẹ nó báo đấy là con trâu. Đã không biết trâu là con gì, làm sao nó trả lời được câu hỏi của mẹ Linh:
- Thế con trâu nó kêu thế nào hả cu?
Linh hỏi câu vô lý ấy, là để thứ xem con trả lời thế nào.
Thằng bé ngẫm nghĩ một tí, rồi chúm cái miệng xinh xinh:
- Con trâu nó kêu… "trâu"!
Cả nhà cùng cười. Ông Hòe cười to hơn cả. Đã có lần nó nhìn thấy hai mẹ con con bò gặm cỏ ở vệ đê. May mắn thế nào, tự nhiên lại thấy con bò mẹ kêu: "bò" Linh đọc được suy nghĩ thầm của con, nên giải thích:
- Có phải con đã thấy con bò kêu "bò" thì con trâu cũng phải kêu "trâu" không?
Cu Thành sung sướng ngửa mặt lên nhìn mẹ:
- Đúng thế nhỉ, mẹ Linh nhỉ?
- Không phải thế đâu con ạ. Rồi con sẽ được bố Đại cho đi nhiều nơi, biết được những con vật, người ta đặt tên nó, bởi nó kêu giống thế. Như con chim chích con chim cu, chim khướu, chim cuốc, con mèo v.v… Còn con trâu thì không như thế, nó lại kêu "nghé ọ" cơ!
Cu Thành cố uốn lưỡi bắt chước tiếng "nghé ọ" mẹ nó vừa kêu. Bố nó liền "nghé ọ" lại mấy lần cho nó "nghé ọ" theo.
Không ai tham gia vào câu chuyện với cu Thành. Nhưng ông Hoè thì nở từng khúc ruột. Ngày ấy mà ông quyết định sai lầm, thì làm sao bây giờ con trai có một gia đình hạnh phúc thế này? Bà Phụng mừng thầm, thấy con dâu mới, chăm con còn hơn cả cô con dâu xấu số. Thảo Tần nghĩ, cứ bảo cô gái nông thôn quê mùa nữa đi. Mà điều quan trọng nhất là chị ấy yêu chồng. Chị Thuỷ Miên không yêu anh trai mình lắm thì phải. Đại rất lạ, không biết vợ có những kiến thức ấy ở đâu. Có thể thằng bé chưa hiểu được những điều mẹ nó giảng giải. Nhưng rõ ràng là vợ anh rất hiểu tâm lý con. Cái câu Linh hỏi "con trâu kêu thế nào" theo anh là rất giỏi. Anh phải thú thật, mình không có được những cái đó. Càng ngày anh càng khám phá ra những nét mới ở vợ. Có phải vì thế mà anh thêm quý, thêm thương, thêm ơn người mẹ, đã sinh cho anh người vợ yêu thương này. Và có phải vì thế mà anh năng cho vợ con về thăm bà?
So với quê vợ, Đại rất ít về quê nội. Bởi ông Hoè không hay về. Chuyện Mận, bà vợ đầu của ông, tố điêu hồi cải cách ruộng đất khiến ông giận dữ, bỏ lửng. Lại dẫn đến chuyện Hồi, con trai ông với bà Mận chết trên đường chạy, quyết mang thành tích cho đơn vị trong ngày hội thao quân khu, nghĩ cho cùng, cùng là lỗi tại ông. Tiếp đó là chuyện ông "lấy vợ chui" ở Thanh Hoa… Toàn những chuyện chả ra sao.
Ông chỉ về vào những ngày giỗ bố mẹ hoặc tết nhất. Và cũng chỉ có mấy bố con về. Bà Phụng cố chấp, vì sợ mang tiếng cướp chồng người, chỉ về một vài lần khi các con chất vấn: "Thế không có ông bà đẻ ra bố thì mẹ lấy ai?". Quê ông Hoè vẫn làm ruộng đấy, nhưng ai mới vào làng cùng có cảm giác đi giữa phố quê. Tần nêu nhận xét với anh trai, cái gì Thanh Hoa có, thì đây có. Kể cả vàng bạc, đồ trang sức, hàng phở, hàng cơm. Mà không phải một đâu. Môi thứ vài ba quán. Đại bảo, chỉ thiếu hàng sách báo, ca ve và thuốc phiện thôi. Nhà nào cũng có ruộng, nhưng nhiều nhà đã thuê người làm, để chuyên việc chạy chợ. Chuyến đi chở hàng thủ công lên Hà Nội hoặc Thanh Hoa. Chuyến về cất hàng từ đấy về. Thời khốn khó thì đèo quạt nan, khăn mặt, khăn vằn, vải. Bởi làng có nghề dệt thủ công. Nhà nào cũng có khung cửi. Đi từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng canh cách tiếng đánh thoi. Khi nghề dệt tàn thì nghề mộc nổi. Những bộ bàn ghế lim nặng trịch, nhất là chiếc ghế dài hơn hai mét có tựa, mặt ghế kéo ra thành giường. Vậy mà đèo trên xe đạp thì thánh thật. Chiếc xe bắt buộc phải nghiêng nghiêng trong suốt mấy chục cây số thì mới không bị đổ. Đại phục lăn.
Quê Đại có một thói quen… kinh dị. Ấy là triệt để quán triệt câu tục ngữ: Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng. Đường ra nghĩa trang hai bên cứ trắng xoá giấy lộn. Đường hẹp, phải để xe ven làng. Đi bộ suốt hơn nữa cây số, giữa "bãi mìn" dầy đặc là một sự tra tấn khủng khiếp, nhất là đối với hai chị em Kiều Linh, Thảo Tần. Cũng có nhà vệ sinh công cộng đấy, nhưng ở ngoài đồng, phải xe đạp, xe máy mới đi được. Trong làng, giờ cũng đã có nhà làm xí bệt, xí xổm. Nhưng nhà ông Trưởng họ thì chưa. Vì thế, bố con ông Hoè không dám qua đêm ở quê.
Quê Linh thì vẫn nghèo. Cuộc đô thị hoá chưa lần đến đâu. Trò chơi điện tử, internet chưa lần đến đây. Vẫn là một làng nông nghiệp vẫn còn những luỹ tre. Cây đa đầu làng treo một quả bom thối, kẻng gọi bà con đi làm, kỷ niệm một thời hợp tác. Vui thì có vui, nhưng chỉ no cười, bởi chuyện tiếu lâm của cánh đàn ông chứ không no bụng được. Cây đa đầu làng to lắm. Có lần ông Tiết, phụ trách văn hoá xã hỏi cụ cao niên nhất làng về tuổi thọ nó. Cụ bảo, tôi đã hỏi bố tôi, bố tôi bảo, hồi bé đã hỏi ông tôi, ông tôi lại bảo, hồi bé và hỏi cụ tôi, cụ tôi bảo hồi bé đã hỏi cụ tổ, thì cụ tổ bảo, lớn lên đã thấy cây đa đứng đấy tự bao giờ". Sao làng nào cũng có cây đa. Thưa cụ, mà cây đa nào cũng mọc ở đầu làng là nghĩa làm sao? Cụ già cười bảo: "Anh nói lạ! Sao lại bảo nó mọc ở đầu làng? Nếu tự mọc, thì thích đâu mọc đấy chứ. Làng này đa mọc đầu làng, làng kia mọc ở giữa, làng nọ mọc ở cuối làng chứ. Anh văn hoá không biết thật à? Đấy là cây đa các cụ tổ làng trồng. Mà phải trồng ở đầu làng để bàn dân thiên hạ ai cũng biết, làng tôi bắt đầu từ đây. Làng nào giàu thì xây cổng làng. Cây đa ở ngay bên cổng làng. Nhiều cổng làng cùng tuổi cây đa, để báo cho người hàng xứ biết, đã đến làng tôi, đã vào làng tôi".
A ra thế. Cây đa đầu làng là cột mốc, cột toạ độ của làng. Đa cũng được trong bên cạnh làng. Người ta gọi nó là cây đa cạnh làng, để phân biệt với cây đa đầu làng. Đa có rễ phụ nên sống lâu lắm. Rề phụ như những đứa con, cùng cha mẹ chèo chống ngôi nhà. Nhiều cây, gốc chính bị sâu đục, mỗi ngày một mục rỗng. Nhờ những rễ phụ, mà vẫn chống chọi được giông bão, can qua. Cây đa làng Linh từng bị gãy một cành rất to, bởi bom Mỹ. Cành đa cụt sùi ra như một quả đấm thẳng, vẫn chìa ra kia.
Chả phải chỉ vì Đại yêu vợ mà thích quê vợ. Anh thích cái làng quê nguyên sơ này. Không biết, khi một cơ sở công nghiệp nào mọc lên gân cây, khi cờ bạc hút xách về đây, nó sẽ biến dạng thế nào. Còn bây giờ, mỗi lần đưa vợ con về quê, anh thấy lòng thanh thản. Mọi lo toan công việc của công ty lùi xa. Con anh được khám phá một thế giới, rất khác những gì nó biết ở nhà. Cần một quê hương cho tâm hồn nó tung tẩy, không bên nội thì bên ngoại. Có sao. Linh thì còn phải nói. Mỗi lần về quê là một lần được gặp mẹ, được sống lại tuổi thơ.
Bao giờ cũng thế, Đại đánh xe ra thẳng nghĩa trang liệt sĩ. Linh sắp đồ lễ mang theo, đặt lên mộ bố. Nắm nhang cháy đỏ nghi ngút được chia ra làm hai. Đại cầm một nữa, đi cắm ở bát hương lớn đặt dưới chân ngôi tháp, nơi ghi tên tất cả các liệt sĩ xã từ thời hoạt động bí mật, chống Pháp, chống Mỹ, ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Hàng chữ "Tổ quốc ghi công" khắc trên đá đó. Đoạn anh qua xuyên đường, xuống nhà đặt bát hương của từng liệt sĩ, cắm hương vào bát hương của bố vợ và hai người anh họ vợ.
Ông Hoè tha thẩn bên mộ các liệt sĩ chống Pháp. Đọc tên đồng đội. Không có cái tên nào ông quen. Nhưng vẫn thấy gần gũi thân thiết. Mùi hương khói đánh thức cảm giác tâm linh phụ nữ, làm mẹ con bà Phụng, Tần cũng thấy rưng rưng thương cảm. Ngoài kia, Linh cũng đã thắp hương cho bố, hai người anh họ và các mộ khác xung quanh.
Cu Thành đứng giữa, hai vợ chồng hai bên, bà Phụng ông Hoè đứng bên con trai, Tần đứng cạnh chị dâu. Ngôi mộ liệt sĩ vô tình nối họ gần thêm, cùng chắp tay lầm rầm khấn khứa. Cu Thành ngoáy ngoáy tay mấy cái chiếu lệ rồi chạy loăng quăng trong sân nghĩa trang. Linh cầu khấn bố phù hộ cho vợ chồng, con cái hạnh phúc, cu Thành hay ăn chóng lớn. Đại thầm ơn những người đã hy sinh cho vợ chồng anh có ngày hôm nay. Lúc thu đồ lễ ra về, Linh nói với chồng:
- Dưới nấm mồ bố, không có gì đâu anh ạ.
- Sao lại thế được?
- Thì đã tìm được hài cốt bố đâu.
Đại ân hận quá. Sao lại vô tâm thế được. Chưa bao giờ anh hỏi tỉ mỉ về cái chết của bố vợ.
Xe vào tận sân nhà. Hai tiếng còi ngắn như tiếng chim khách báo "nhà có khách". Bà An chạy ra. Hai bên thông gia chào nhau. Cu Thành chào bà ngoại. Trong khi hai bà cháu quấn quít nhau thì hai vợ chồng Linh khuân vào nhà đủ thứ lỉnh kỉnh cho mẹ. Đại không chỉ một lần nhắc vợ, lần nào về cũng phải mua biếu mẹ một thứ gì đấy mà em cho là mẹ cần như quạt hoặc lò sưởi. Bây giờ có cả quạt ắc quy rồi đấy, đề phòng mất điện. Em nhớ mua cái nồi cơm điện cá nhân, để lúc nào mẹ cũng có cơm nóng… Những thứ mới ấy đưa tận tay mẹ. Còn những thứ dùng rồi thì cứ cất đâu đó, lúc nào mẹ cần thì lấy. Cái gì phải dặn dò thì mới nói với mẹ. Đại sợ bà cho là đồ thừa, cũ tống về nên dặn vợ hơi kỹ.
Bà An cứ muốn bế cháu. Mà cháu thì chỉ thích chạy chơi. Nó ngồi cạnh cái bu gà ở gác sân. Con gà mái mơ nghênh nghênh cái đầu nhìn nó. "Gà ơi mày làm gì đấy? Sao không đi chơi đi?" Con gà thấy nó đưa tay sờ bu thì sợ, chạy cuống cuồng. "Gà, mày thích đi chơi chứ gì?" Nó lấy chân đá, cái bu đổ kềnh.
Con gà ù té chạy. Bà ngoại kêu:
- Sao cu thả gà ra thế? Để bà làm thịt mời ông bà nội đấy mà!
Lập tức thằng bé lon ton chạy ra vườn, nơi con gà mái mơ ban này đang túm tụm với đám bạn bè chúng. "Cu bắt gà cho bà! Cu bắt gà cho bà". Bà ngoại vội chạy theo bế bổng cháu lên: "Ngã bẩn áo quần, mẹ Linh đánh đấy. Để bà lấy nắm thóc dụ nó nhé". Đại bảo:
- Ăn gì chà được. Ngoài ấy cũng sẵn gà mà bà!
- Nhưng đây là gà tôi nuôi, gà vườn cơ mà!
- Thôi, bà kiếm đâu mở cua, con hái nắm rau vườn là hay nhất. Nhà có cà pháo nén phải không bà?
Trong khi bà An đi đâu đó, thì Tần theo bố đi dạo trong làng. "Lần này về phải xây lại mộ cho mẹ con nó". Người vợ xấu số bị ông Hoè bỏ lửng vẫn cứ ám ảnh. Bà Phụng vốn nhìn đời bằng con mắt mậu dịch viên thời bao cấp, nên trong thâm tâm cũng không nể trọng thông gia lắm. Khi Đại dẫn Linh về, bà đã bảo cô là con yêu tinh làm hại nhà này…
Nhưng rồi bà thấy, con trai bà rất yêu "con yêu tinh" ấy. "Con yêu tinh" lại đẻ cho bà một đứa cháu khôi ngô. Nó biết chăm bẵm cháu bà. Rất biết nuôi dạy cháu bà. Chứng kiến cảnh vợ chồng con cái nó quây quần bên nhau thế này, bà thấy yên lòng. Xem nết ăn ở của con dâu, bà biết nó cũng được mẹ dạy dỗ tử tế, chứ không phải như bà nghĩ ban đầu.
Đại cầm rổ ra vườn. Anh tuốt lá mấy khóm rau ngót, cấu ngọn cho nó đẻ nhánh. Những ngọn mồng tơi nguềnh ngoàng trên bờ giậu bị Đại hái sạch. Rau rền đỏ, rau rền trắng tốt ngang gối. Cả đám rau rền cơm loà xoà mặt đất trong vườn cũng bị anh tỉ mẩn ngắt từng ngọn nhỏ. Sang đám rau đay đỏ tía, anh cũng kiếm được một chét tay. Mấy chùm hoa và một quá mướp hương hơn gang tay cũng được anh vặt xuống. Đúng là rau tập tàng đây. Hồi còn trong quân ngũ, bòn được nắm rau thế này là quý lắm. Mà lạ, canh cua rau tập tàng có cái vị rất riêng. Ngon lạ lùng.
Bà An về với giỏ của, con cá quá to vẫn còn đang cong mình giẫy giụa và một mớ ốc. Đủ cả ốc bươu, ốc nhồi, ốc vặn. Loại này luộc mới ngon. Tay vẫn xách con cá, bà An hỏi bà Phụng:
- Tôi định rán và nấu riêu. Không biết bà thích riêu me hay giấm bỗng, hoặc dọc, khế?
Bà Phụng được hỏi, hả dạ lắm:
- Bà chu đáo quá. Kể ra thì nấu mẻ ngon hơn. Sợ không có.
- Bà không lo, chợ quê bây giờ cũng sẵn, chả kém thành phố đâu bà ạ.
Đại ra góc vườn, đào lấy một củ gừng, hái cả đám lá gừng, vặt mấy cái lá chanh nữa. Anh hỏi vọng vào:
- Nhà còn giấm không bà?
- Thì chai giấm vợ anh mang về tháng trước vẫn còn đấy Nhà quê không hay ăn thứ ấy.
Kiều Linh pha nước chấm, đưa cho Tần nếm thứ, rồi múc ra bát con cho từng người. Xoong ốc luộc mang ra. Bà ngoại nhể cho cháu. Thằng bé không thích món này. Bà phải luộc cho nó quả trứng gà ăn tạm. Cái gai bồ kết dài nghêu, Linh xin bên hàng xóm, khêu ốc mới thích. Chưa bao giờ Đại, Tần ăn một bữa ốc luộc ngon thế.
Ngày bé, Linh ở nhà với mẹ, cũng có những xoong ốc luộc thế này, nhưng không có giấm, nước mắm cũng chả ra sao. Ốc luộc, hơn nhau ở cái anh nước chấm. Bây giờ lại ăn trong cảnh mẹ con, bà cháu, vợ chồng thế này - ngon quá!
Ông Hoè ăn mấy con lấy lệ. Bà Phụng có vẻ giữ ý với thông gia. Nhưng thấy không khí cởi mở thân tình, chị em Linh, Tần có vẻ hợp nhau đang sì sụp chấm chấm, mút mút nên cũng ăn nhiều. Đàn bà, con gái, mấy người chê ốc luộc. Đã có lần bà được mời ốc hấp thuốc bắc. Cũng lạ miệng. Nhưng ăn cái gì quen miệng, như món nước chấm hôm nay vẫn hợp khẩu vị hơn.
Đến bữa trưa, bà An cho Linh đi mời ông anh chồng sang tiếp khách cùng mình.
Mỗi khi về thăm mẹ, bao giờ Linh cũng đưa chồng con sang thăm bác và dì, em ruột mẹ. Nhà nào cũng một túi quà, số lượng quà bánh cũng có khác nhau, tuỳ theo "nhân khẩu" nhiều hay ít. Và bao giờ các bậc cao niên cũng có những loại quà riêng, chứ không nhai kẹo cứng như bọn trẻ được. Với hàng xóm xung quanh thì Linh thường tạt sang một mình. Đại bảo, đi đâu em nên dắt con đi, nếu cần trong các mối quan hệ thì kéo cả anh đi, không nhất thiết là với ai cũng phải kéo cả nhà đi, nhưng với ông trẻ và các bác thì anh phải đi cùng.
Điều này thì Linh hiểu. Ý ăn không bằng ý ở. Cô lớn lên không phải chỉ nhờ cha sinh mẹ dưỡng, mà còn nhờ tình làng nghĩa xóm, nhờ cái không khí ấm áp làng quê này, cái khung cảnh đẹp tuyệt trần làng quê này.
Mẹ ở nhà làm cơm, Linh đưa bố mẹ chồng và em chồng ra thăm Chùa. Chùa không tên, cứ gọi là Chùa làng thôi. Cũng không bề thế danh tiếng gì. Nhưng tuổi thơ cô gắn liền với nó. Dạo hợp tác xã, tượng Phật bị xếp đống lại một góc, hai gian làm lớp học cấp 1, một phần làm kho thóc. Sân Chùa thành nơi trục lúa ban tối, sân phơi ban ngày. Sư thầy dạt đi đâu không biết. Chùa chỉ còn các vãi qua lại chăm sóc.
Nhưng có một người đàn bà vẫn ở đấy, không biết từ bao giờ, cho đến bây giờ. Hồi bé, Linh vẫn chơi với cô ấy. Cô ấy vẫn ôm Linh vào lòng. Hình như cô khen Linh xinh đẹp, xinh như Linh sẽ nhiều con, hình như mẹ Linh sẽ được nhờ cô con gái rượu này. Những lúc ra chơi thế nào Linh cũng chạy vào với cô một tí, rồi mới ra nhảy dây với đám bạn. Linh vẫn mang cho cô khi thì củ khoai lang béo đỏ như con lợn bột, khi thì mấy củ dong đao, có khi một bát rượu nếp. Thỉnh thoảng cô vẫn vào xin mẹ Linh nắm chè lá. Nhiều đứa cũng hay theo Linh ra chơi với cô. Nhưng không đứa nào thân với cô như Linh. Mà Linh lại chả biết gì về cô. Không biết gì, không hiểu gì, không chia sẻ được gì, nhưng vẫn thân mới lạ. Bao nhiêu năm rồi, bây giờ cô vẫn là cô của bé Linh ngày nào, tuy cô còn nhiều tuổi hơn cả mẹ Linh.
Vừa thấy Linh cô đã chạy ra. Mừng như gặp người ruột thịt. Linh đưa túi quà cho cô. Cô ẩy lại. Linh ấn vào tay lần nữa cô mới chịu cầm. Cô ngồi thụp xuống trước mặt cu Thành, định ôm thằng bé vào lòng như ngày xưa vân ôm mẹ nó. Thằng bé sợ hai ôm chặt chân mẹ. Linh không thể giải thích cho con, đành bế con lên. Sau phút mừng rỡ cô mới chỉ vào ông Hoè bà Phụng, hai ngón trỏ đặt úp chéo vào nhau, rồi chỉ vào Đại, vào Tần ra ý hoi đấy là bố mẹ chồng Linh phải không?
Hình như cô bảo Đại bẻ lái ô tô về, nh như cô bảo Linh đẻ thêm con gái để tóc nó cũng dài chấm gót như mẹ nó ngày đi học. Linh cười, gật đầu nhìn Đại và "dịch" cho anh.
Cu Thành nhoài người, đòi mẹ thả xuống. Chân vừa chấm đất, nó đã chạy ra gốc muỗm. Cô đưa tay cài lại chiếc khuy áo ngực Linh bị tuột vì cu Thành vừa tụt xuống. Đại chạy theo con. Linh bóp chặt cánh tay cô trước khi đến chỗ con.
Tiếng cô đuổi theo Linh.
Đã bao nhiêu năm nay, môi lần ra chơi với cô, lúc về tiếng cô vẫn đuổi theo Linh như thế. Đấy là tiếng thân thương của Linh, là tiếng kêu ai oán số phận một kiếp người, không nói được tiếng lòng mình như mọi người, nhưng vẫn tại lòng mình với người mình quý.
o O o
Bà An biết người thành phố có thói quen ngủ trưa, nên vừa dọn mâm đi, đã giục khách ngả lưng. Ông Hoè, Đại một giường. Bà Phụng, Tần một giường. Mẹ con Lỉnh ngủ với bà ngoại. Giường nào cũng có quạt cây. Linh đã bỏ chiếu cũ ra, trải chiếc chiếu sạch vào. Không biết có phải Linh từng nghĩ đến có lần sẽ đón bồ mẹ về không, mà cô đã sắm đến bảy tám chiếc gối dự trữ, cả gối bông, gối mây. Khách đã lên giường, Linh ôm con dỗ nó ngủ. Mẹ Linh bỏ mấy tấm mành xuống cho đỡ sáng, rồi mới đi rửa bát.
Ông Hoè không chắc mình đã ngủ được, nhưng vẫn nhắm mắt nằm im.
… Có tiếng "bung bung!" rất vui gọi, Hoè chạy ra ngõ. Một tay cầm xâu hạt bưởi, mẹ đã tỉ mẩn bóc từng hạt xiên lại phơi khô. Xiên hạt bưởi cháy sáng, soi rõ khuôn mặt với đôi lông mày lưỡi mác vểnh ngược. Tay kia cầm chiếc đèn ông sao năm cánh bố hì hụi vót nan, làm khung, phết phết, dán dán. Tiếng trống vẫn "bung, bung" giục giã… Tre con tụ tập ở sân đình, hò reo, tiếng trống "bung, bung" đánh thức những lá cờ ngũ sắc, cuốn kỹ ngủ li bì trong góc đình, vươn vai, vươn ngực, hùng dũng đứng quanh sân đình. Cơ man nào là người tứ xứ kéo về. Lấp loá áo đỏ, áo xanh thiếu nữ. Yếm sồi nâu non thanh nữ thấp thoáng trong vạt áo tứ thân. Xông xênh váy chùng các bà. Chỉnh tề khăn xếp, áo the cánh đàn ông.
"Bung, bung, bung!" Tiếng trống làm cả làng nhớn nhác vét cho đủ suất sưu. "Tùng, tùng! Tùng, tùng, tùng!" Tiếng trống ngũ liên báo đê trực vỡ. "Tùng! Tùng!" Tiếng trống trường gọi cu Hoè, tóc trái đào, lần đầu cắp sách đi học… "Bùng, binh" tiếng trống đưa mẹ ta ra đồng…
Tiếng trống "bung! bung!" chập chờn trong giấc ngủ lơ mơ lạ giường, làm ông Hoè chợt tỉnh. Mẹ Linh mời ông đi rửa mặt.
Mẹ con bà Phụng cũng dậy. Đại ngủ ngon. Anh hay đi xa nên không có chuyện lạ giường. Mẹ con Linh vẫn ôm nhau ngủ. Thằng cu nằm gọn lỏn trong lòng, đầu gối lên cánh tay mẹ, trông mới thích làm sao.
Ông Hoè như sực nhớ ra điều gì, hỏi bà thông gia:
- Lúc này, hình như tôi nghe tiếng trống, có phải không bà?
- Vâng, thì làng tôi có nghề làm trống mà bác. Nếu bác muốn đi xem, tôi nói bác cháu dẫn đi. Bác cháu làm cán bộ văn hoá xã nên tường chuyện này lắm.
Hoá ra, ông Tiết là người rất am tường về trống, về nghề làm trống. Ba bố con ông Hoè, Đại, Tần theo chân ông đi khắp làng. Ông Tiết hỏi ông Hoè:
- Tôi hỏi khí không phải, ông có biết cái trống nguyên sơ nó ra đời thế nào không?
- Thì bác nói cho nghe, tôi không rành chuyện này đâu.
- Con người sớm biết lột da động vật, căng ra phơi để dùng. Một sự ngẫu nhiên nào đó, người ta phát hiện ra rằng, một tấm da căng trên mặt phẳng một vật nào đó, có khoảng không ở dưới, khi đánh vào sẽ được một âm thanh hay hay. Nó sẽ là cái trống đấy. Thì hồi bé, ta lột lấy da ếch, căng lên ống tre hay ống sữa bò, phơi khô, chả thành trống là gì phải không ông? Bây giờ vẫn gọi trống của trẻ con là trống ếch đó thôi.
Thấy cha con ông Hoè chăm chú nghe, ông Tiết càng say sưa:
- Tôi đố ông biết, có những loại trống gì nào?
Ông Hoè nhớ lòm bõm:
- Có trống đình này, trống cơm này, trống…
- Nhiều thứ lắm ông ạ. Trong sinh hoạt cộng đồng thì việc nào trống ấy, to nhó, lớn bé khác nhau. Trống trận phải khác trống đình. Trống đình phải khác trống đám ma chứ. Trống cho trẻ con chơi tết Trung thu, phải khác trống bỏi của mấy cụ đi hát cô đầu. Còn trên chiếu chèo, chiếu tuồng thì trò nào trống ấy. Trống chèo khác trống tuồng đấy ông ạ. Trống chiếu, còn gọi là trống ban hay trống ngũ lôi là trống của riêng tuồng. Trống đế là của riêng chèo. Còn trống chầu (trống cái), trống bản (trống rờn, còn gọi là trống rước), trống khẩu (trong gọi), trống lệnh, trống mảnh, trống bóc (còn gọi là trống bát âm), trống bồng (trống cơm) thì dùng chung cho cả chèo và trống… Tôi hỏi khí không phải, ông có biết vì sao gọi là trống cơm không ạ?
Ông Hoè chịu. Đại và Tần, từ này đến giờ đều lạ lẫm trước những câu hỏi của ông Tiết, cứ giỏng tai lên nghe. Ông giảng giải:
- Gọi là trống cơm, không phải là đánh trống gọi nhau đi ăn cơm như đánh kẻng hồi hợp tác đâu. Người ta dùng cơm nóng, dẻo miết lên mặt trống để làm cho âm thanh thêm trầm. Cùng một loại trống, nhưng to nho, dày mỏng khác nhau sẽ cho âm thanh khác nhau. Cùng một chiếc trống, nhưng tuỳ theo hoàn cảnh khác nhau mà lối đánh cùng khác nhau, và dùng các loại dùi khác nhau. Trống nào dùi ấy là thế mà ông. Trống ngũ liên giục người lính ra trận, trống hộ đê, trống hội vật cổ vu đô vật quyết hạ đối thủ lấm lưng ngửa bụng, tất nhiên là khác trống chèo. Lúc diễn viên ngân nga luyến láy không được mùi mẫn lắm, người cầm trống phải đế vào đúng lúc, cho câu hát khỏi gẫy, thậm chí còn phải nổi dồn dập để khoả lấp một câu hát đuối, một lời thoại vụng. Thế mới có câu vụng chèo khéo trống, hoặc đánh trống lấp đấy ông ạ. Bây giờ trống không chỉ cầm trịch dàn nhạc, lúc bản nhạc đến cao to. Các loại trống của dàn nhạc hiện đại còn biểu diễn hẳn một tiết mục riêng, độc tấu trống mới ghê. Thế ông có nghe nói đến liên hoan trống quốc tế chưa? Việt Nam đã tham gia cái Festival trống gồm bẩy nước đấy. Mà ông và hai cháu biết cho: chính trống người làng tôi tham gia đấy.
Họ đến trước một ngôi đền không to lắm dưới chân núi.
Hai gốc đại cổ thụ trấn ngự hai bên. Ông Tiết kể, ngày xưa, một người ăn mày sa cơ lơ vận dạt đến làng này. Được bà con cưu mang, rồi ở lại làm ăn. Ông có một con trâu rất khoẻ ngày cày nửa mẫu ruộng như chơi. Đã một lần, với con trâu ấy, ông cày thi với vua Dinh Tiên Hoàng, khi Người từ kinh đô Hoa Lư ra đây cày thi với lực điền làng tôi. Bây giờ, gọi thế là nhà Vua khuyến nông đấy ông nhỉ. Khi con trâu già yếu, không kéo cầy được nữa, ông làm thịt biếu bà con mỗi nhà một miếng. Ông nói: "Tôi sẽ biếu làng một vật dụng, làm từ con trâu đã làm bạn, nuôi sống tôi bao nhiêu năm nay". Cả làng xúm xít quanh ông nhiều ngày. Chiếc trống ra đời. Chưa bao giờ dân làng tôi được nghe một âm thanh lạ lùng đến thế, vang vọng đến thế. Người nông dân ấy là ông tổ nghề làm trống làng tôi đấy. Cụ vẫn nằm đây, phù hộ cho nghề làm trống làng tôi phát đạt.
- Thế ông và hai cháu có muốn xem làm trống không?
Mọi vật dụng xung quanh, ta dùng nó, quen thuộc nó, nhưng không dễ gì biết nó cũng có một lịch sử một cuộc đời và làm ra nó, biết bao khó nhọc, công phu. Vì thế, bố con Tần tỏ ra rất thích thú được ông Tiết dẫn đi xem làm trống.
Tần cứ nghĩ, da làm trống là da thuộc, bởi cũng đã có nhà báo viết thế. Ai ngờ, là da sống. Mọi người đứng quanh một thanh niên, với con dao cực sắc có hai chuôi để cầm được cả hai tay, anh bào dần từng lớp phía trong lớp da trâu, cho "con da" mỏng dần. Cái phụ phẩm này sẽ được chế biến thành keo da trâu. Cái tư thế bào mới lạ chứ: "con da" được đặt cho căng trên một chiếc giá gỗ phẳng, nghiêng. Người bào, từ phía trên gập người, hai tay đưa lưỡi dao nạo từng lớp từ trên xuống dưới. Anh ta ngừng bào, dùng tay phải bẹo, xem đã mỏng đến độ cần thiết chưa. "Con da" sẽ làm trống lớn phải tính toán làm sao cho vùng sẽ là tâm mặt trống, có độ dầy lớn hơn cả, rồi mỏng dần theo những vòng tròn đồng tâm trên mặt trống, ra tới tận tang trống. Có như thế mặt trống mới bền, tiếng trống mới vang. Dầy quá, tiếng bì bì, mỏng quá tiếng vang nhưng chóng thủng. Con trâu sẽ làm trống, cũng phải mô xẻ theo một yêu cầu riêng, để diện tích mặt trống là lớn nhất.
Đại thắc mắc:
- Thưa bác, thế da trâu nào cùng làm trống được chứ ạ?
- Da nào cùng làm được. Nhưng trâu càng già, da càng tốt. Trâu càng to, da càng tốt. Những chiếc trống lớn phải dùng da trâu cái, vì khi chửa bụng nó phình to ra, đẻ xong lại co lại do đàn hồi nhờ thế mới cao.
- Thế người ta phân loại trống thế nào ạ? Ý cháu muốn hỏi về độ lớn.
- Có chứ. Từ sáu mươi đến tám mươi phân là trống cái (trống chầu). Từ tám mươi phân đến mét rươi là trống đại. Mét rưỡi trở lên là trống sấm.
- Cháu chưa thấy trống sấm bao giờ.
- Tí nữa anh sẽ thấy. Niềm tự hào của làng tôi đấy. Anh sẽ có vinh dự được đánh mấy tiếng trống sấm ấy!
- Cháu có được đánh không ạ?
Ý Tần hỏi là, có kiêng đàn bà không. Ông Tiết cười tự hào:
- Làng bác không phân biệt nam nữ đâu. Cháu cũng được đánh thử.
Khách đến một nhà đang căng da phơi. Giầu có đến đâu thì nhà làm da cũng phải để sân đất. Bởi chỉ sân đất mới căng được da phơi. Người ta dùng những chiếc cọc tre, chọc thủng gần mép "con da", luồn cọc vào. Cắm nghiêng từ trong ra ngoài, cho đầu nhọn cọc ăn vào mặt đất một khoảng chừng bốn, năm phân. Kéo cho cọc đứng thẳng lên, cũng tức là con da bị kéo căng ra bốn năm phân nữa, sau đó mới đóng cọc, cố định con da ở trạng thái ấy dưới nắng nóng. Mỗi con da phải có vài chục chiếc cọc căng ra như thế. Vài cơn nắng là da chín, không hôi hám gì
Ông Tiết dẫn khách thăm một nhà chuyên làm tang trống. Đại quen phóng xe trên những con đường phẳng lì, thênh thang, bỗng cảm thấy con đường làng quanh co theo thế đất, vườn, nhà, điểm những cây lưu niên cổ thụ đẹp quá.
Lâu lắm anh mới có được phút thảnh thơi thế này. Đại cứ nghiêng nghiêng, ngó ngó. Nhà nào cũng muốn vào, chỉ để nhìn ngắm hàng cau phía trước, đám chuối phía sau. Một cây cau bung chùm hoa như đám sao sa trên trời. Dìu dịu hương cau quanh quất ngõ xóm. Tự nhiên Đại nghĩ nếu không có người vợ này thì mình sẽ chẳng có một vùng quê thế này để bố con gắn bó, đi về.
Còn cách một quãng, nhà làm tang trống đã rực lên màu hoa mướp. Gỗ giàng giàng, gỗ vàng tâm và gỗ mít đều màu vàng, dựng đứng phơi quanh nhà, quanh những gốc cây, đống rơm. Không quá nặng như đinh, lim, sến, táu, lại không mồi mọt, không cong vênh, không nứt nẻ… Gô tang trống kén ba loại gỗ ấy. Tốt nhất là mít - cây nhà Phật: lá đóng oản, quả cúng Phật, gỗ làm tượng Phật.
Làm tang trống phải có kỹ thuật riêng. Phải dọc gỗ bằng lưỡi cưa lượn thì mới được thanh gỗ cong cong. Hai cạnh bên của thành tang trống lại phải cùng nghiêng một độ nào đó, thì khi ghép lại, mới khít và làm thành đường tròn. Chỉ cần xếp những thanh tang trống sít nhau, trong ba hoặc bốn (từ trống cái trở lên) chiếc đai (đánh bằng tre cũng được, tốt phải là mây, song sẽ được một chiếc tang trống. Lấy sơn ta, trộn cứt mọt gỗ, chít vào những khe hở, trải một lớp vải màn, lại một lớp sơn ta. Hai mươi lần như thế, bộ tang trống sẽ kín như bưng. Bưng mặt da hai đầu, cố định bằng đinh tre già, chỉ bằng đinh tre mới không bị han gỉ.
Bao nhiêu năm trước cho đến tận bây giờ, người làng này vẫn làm trống như thế.
Đình làng đây rồi! Ngôi đình cồ kính với chiếc hồ bán nguyệt phía trước thả sen, ngoài kia là con ngòi dẫn nước từ sông vào đồng. Qua cây sấu đá cong cong như chiếc lược sừng là đường làng. Cây muỗm cổ thụ làm nên ve cổ kính, thanh bình, dù tán lá chỉ che mát nữa sân đình.
Ông Tiết dang thẳng cánh, đánh một hồi. Tiếng trống vang như sấm rền. Không gian run rẩy. Bụi ngói rơi lá tả. Tiếng trống vượt qua mái đình, bay ra cánh đồng tản vào không trung. Đường gân thớ thịt mấy người đứng xung quanh rung rung rất lâu. Ông Hoè, rồi Đại, Tần, mỗi người được đánh mấy tiếng. Có thể thôi, mà người như lớn hẳn lên.
Không phải ai đến thăm làng cũng được hưởng vinh dự ấy. Nhờ ông bác Linh làm "quan văn hoá", cha con mới được đặc ân này.
- Đây gọi là trống sấm chưa hả bác?
Đại tò mò hỏi, tì chiếc trống đặt trên một cái giá to, chắc. Anh ước chiều cao phải bằng mình, đường kính thì bằng cô em gái. Ông Tiết kể:
- Đây là trống sấm do một cụ người làng cung tiến. Chiếc này đường kính suýt soát mét rưỡi. Làng Chờ, Bác Ninh có chiếc trống mét sáu tám cơ. Ở Fertival trống quốc tế Hàn Quốc, hai cường quốc trống quốc tế là nước chủ nhà và Nhật Bản cũng chỉ có trống nhỉnh hơn trống làng Chờ tí tẹo - mét bảy. Chiếc trồng sấm Thăng Long của thủ đô Hà Nội mới đáng mặt vô địch thế giới chứ!
- Đường kính nó bao nhiêu mà bác bảo là vô địch ạ.
- Nói vô địch là vô địch. Cả ba bố con anh, cả tôi chui vào còn rộng chán. Nó cao những 2,5 mét, đường kính lưng trống tới 2,8 mét cơ mà, đường kính mặt trống những 2 mét. Chả vô địch là gì. Mà anh nên nhớ rằng, tất cả những chiếc trống sấm, phi tay người làng tôi, không làm được đâu nhé.
Tần nhìn ông Tiết. Mặt ông lộ rõ vẻ hả hê, sung sướng.
Chưa hết. Ông còn giải thích:
- Chiếc trống sấm Thăng Long là tập trung sản vật của mọi miền nước ta đây. Lò mổ Đồng Năm, Thái Bình góp hai con da trâu cực đại. Tang trống xe ra từ một gốc mít hơn ba trăm tuổi ở gần Đàn Nam Giao, cố đô Huế. Đất tổ Hùng Vương cho thứ sơn ta kỳ diệu. Rừng núi Tây Bắc đưa về những cây song vô song để đánh đai. Người làng tôi góp bao nhiêu thế hệ tay nghề. Ông bảo không oai à?
"Đoàn tham quan" về lại nơi xuất phát. Mấy bố con ông Hoè có cảm giác mình vừa khám phá bí ẩn một miền quê mà lâu nay chỉ thấy nó phẳng lặng, chẳng có gì phải để ý.
Cu Thành chạy ra đón bố. Bà mẹ Linh bưng ra một mâm chè. Ông Hoè nhìn ông Tiết vẻ kính nể. Hai tay ông bưng bát chè mời ông Tiết:
- Từ bé đến giờ mới được bác vỡ lòng về trồng đấy. Cũng nhiều chuyện hay thật
Ông Tiết đáp lại bằng một lời xã giao:
- Không dám, ông cứ nói quá lên thế. Thế tôi hỏi khí không phải: ông và các cháu đã vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Thủ đô chưa?
Cha con ông Hoè nhìn nhau. Ông Tiết cười đắc ý:
- Ấy đấy ông và các cháu nên vào đấy tham quan: Nào tám mươi hai bia tiến sĩ, nào Khuê Văn Các, nào nhà Thái học, nào Thiên Quang tỉnh có từ hơn chín trăm năm nay. Các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam thường đến thăm. Chính Tổng thống Mỹ Clintơn vào đấy cũng phải trầm trồ kính phục trước biểu tượng ngàn năm văn hiến nước ta. Mà thế giới người ta nói rồi, Việt Nam thắng Mỹ bởi có mấy nghìn năm văn hiến đấy. Nghe đâu ông Clintơn có sờ tay vào chính chiếc trống sấm Thăng Long do làng tôi làm, đặt trong một toà tháp đẹp xây dựng riêng cho nó đấy.
- Vâng, ông đã giới thiệu thế nào bố con tôi cũng vào thăm.
Lúc đã yên vị trên xe, Tần bảo Linh:
- Chuyến đi thú vị thật, tiếc quá, nhà em không về được. Lần sau em với nhà em về thăm bác nhé.