Books are a uniquely portable magic.

Stephen King

 
 
 
 
 
Tác giả: Trung Sĩ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Thuy
Upload bìa: Nguyễn Gia Mẫn
Số chương: 20 - chưa đầy đủ
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6072 / 256
Cập nhật: 2018-09-21 16:57:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: Ra Chốt
Ở căn cứ thêm mấy ngày nữa, ngày 8/12/1978, chúng tôi lên đường ra chốt.
Lại lên xe. Nhưng không phải xe ca nữa, mà là xe REO, loại xe vận tải quân sự của Mỹ. Chạy về hướng Sài Gòn à? Ai cũng thắc mắc, mặt trận ở hướng Tây kia mà? Lại qua những xóm ấp yên bình, những cánh đồng, trảng mía ngút tầm mắt, sông Vàm Cỏ đông nước xanh ngăn ngắt, thị trấn Gò Dầu hạ tấp nập... Chóp núi Bà Đen uy nghiêm chầm chậm xoay mình theo hướng xe lăn....
Bây giờ thì chóp núi ấy đã ở phía sau chúng tôi, hơi chếch về tay phải. Có nghĩa là trước mặt là hướng chính Tây... Đường bắt đầu vắng teo. Cánh đồng không cày cấy cỏ dại dày rịt, vàng úa. Một con đê thấp nằm chắn ngang cánh đồng, đùn lên là mấy ụ đất bao quanh mấy khẩu pháo tự hành lừng lững. Dãy lều bạt lụp xụp nửa chìm nửa nổi. Đơn vị pháo chiến dịch 175mm (pháo Mỹ) đấy! Cửa khẩu Mộc Bài đấy! Biên giới đấy! Ôi chao biên giới là thế này đây...! Nó không như hình dung của tôi. Đoàn xe bình thản vượt qua ranh giới vô hình ấy.
Chúng tôi ngoái lại nhìn nước Việt một lần nữa. Ôi đất nước mẹ tôi em tôi! Có lẽ nhiều nghìn ngày nữa, trên những con đường đầy khói bụi của chiến tranh, có thể tôi sẽ gặp, hoặc không gặp lại Người!
Đồng không mông quạnh. Thốt nốt mọc theo những bờ ruộng thành từng cụm hoặc đơn lẻ. Xe chạy nhanh và xóc lắm. Cả bọn bám thành xe, nghiêng ngả. Gần đến ngã ba Chi Phu, đoàn xe rẽ trái xuôi về hướng nam theo con đường đất chừng 1.5 km rồi dừng lại. Bộ đội xuống xe, tập trung dưới một chòm thốt nốt khá rộng. Đã có một số các “thủ trưởng” nhốn nháo chờ sẵn đón chúng tôi ở đó. Một cha gầy nhẳng, thấy tôi xách cây đàn gọi nhắng lên: ”Tuấn ơi! Tuấn ơi! Lấy thằng này!”. Các anh ấy là cán bộ tiểu đoàn 4 lên thẳng trung đoàn chọn quân rôì dẫn về. Tôi và nhiều anh em Hà Nội khác được điều về tiểu đoàn 4, trung đoàn 2, sư đoàn 9 thuộc quân đoàn 4. Anh Tuấn - hỗn danh Tuấn “còi”, trung đội phó thông tin tiểu đoàn dẫn tôi và đoàn lính mới tò te băng đồng về chốt. Bố này muốn doạ, hoặc ra điều ta đây lính cũ thỉnh thoảng lại nhắc: “Bảo đi khom là đi khom, bảo chạy là chạy rõ chưa! Không 12.8 mm nó quất cho bỏ mẹ!”. Tiếng thì eo ** như con gái, nghe vừa tức, vừa buồn cười.
Xế chiều hôm đó, chúng tôi về đến chốt Long An. Địa bàn chốt giữ của tiểu đoàn nằm trọn trong vùng Mỏm Vẹt, phía nam cách ngã ba Chi Phu chừng 4 km.
Tiểu đoàn bố trí đội hình hàng ngang theo chiều dài một con đê thẳng tắp. Đại đội 2 nằm ngoài cùng, gần phum chùa có cái mái ngói đỏ. Tiếp đó là đại đội 1. Đại đội 3 nằm nhô lên phía trên đội hình tiểu đoàn chừng 350m trong một cụm nhà cũ đã bị phá huỷ. Đại đội 4 - đại đội hoả lực nằm gần tiểu đoàn bộ, hơi chếch về bên trái. Đã bắt đầu mùa khô nhưng những căn hầm nửa nổi nửa chìm tựa vào bờ đê vẫn toát lên mùi mốc ẩm. Thôi nhé từ nay vĩnh biệt thời huấn luyện! Ah ha! Cái phản lính dài dằng dặc trại Trảng Lớn trở thành niềm mơ ước. Còn cốc chè đậu đường đen thị xã Tây Ninh, trong tiếng hát ma mị Khánh Ly chừng thuộc một thế giới xa mờ. Thôi tiến lên nào, anh lính chiến!...
Chập tối. Các cán bộ lục tục về hội ý tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng lúc đó là anh Huỳnh Ngọc Sơn. Chính trị viên là anh Sông. Các anh ấy gọi tên hiệu anh ấy là “già như Sông”
Đêm đầu tiên lính mới về thì được nghỉ, không phải gác. Hầm thông tin thêm 6 người nên chật. Tuấn còi B phó bảo tôi ra ngoài hầm truyền đạt ngủ. Hầm này nằm ngoài cùng, cách hầm gác có 5-6m. Tôi ôm mùng ra đó nằm luôn một mình. Nửa đêm thấy lục sục trong mùng, rồi có con chết tiệt gì nằng nặng, ngồi chồm hỗm trên ngực mình. Bật quẹt lên mới thấy con chuột to kinh khủng. Nó phải to bằng bụng chân người lớn. Thấy ánh sáng, nó cuống lên nhảy tứ tung phá chạy nhưng vướng mùng không ra được. Bực cả mình! Tôi mới rình chụp tấm chăn dạ đỏ Nam định lên người nó rồi vồ được. Hai tay cứ thế bóp xiết của nợ nần nẫn ấy vì một tay không đủ vòng. Nó chết tươi ằng ặc qua lần chăn dạ. Sau tôi vất xác ra ngoài, kéo chăn ngủ tiếp.
Chuột ở chốt Long An nhiều nhưng anh Ky, A phó hữu tuyến, nói chưa khủng bằng chốt Ngã tư Nhà Thương. Bọn chuột xơi quen bông băng, máu mủ, thịt cắt lọc thương binh tử sỹ trong trạm phẫu nên con nào con nấy núc ních, thành tinh cả. Thằng Hải cụt dưỡng thương xong mới về đơn vị. Chưa kịp nhận nhiệm vụ thì đêm đó, một con chuột đại tướng, có lẽ là con đầu đàn, ngửi mùi da non chỗ ngón chân cái cụt của nó táp ngay một miếng. Thằng này kêu ré lên, máu tuôn ướt vạt mùng. Hôm sau lại phải cho lên K.23 điều trị tiếp. Trạm phẫu được ưu tiên thực phẩm cho anh em thương binh. Hồi đó đánh gần biên giới nên ngoài thịt hộp, mỳ tôm, rau xanh… thỉnh thoảng còn có trứng tươi do Hội Phụ nữ tỉnh Tây ninh và các má gửi cho. Các anh què đánh chén xong, vỏ hộp thịt, vỏ trứng xả bừa bãi. Đêm chuột kéo vào bãi xả cạp vỏ hộp, tha vỏ trứng lục sục ầm ĩ như địch vào. Lia đèn pin, thấy khắp bãi cả đàn chuột chạy rầm rầm.
Tình hình những ngày cuối năm 1978 ở địa bàn đứng chân của trung đoàn 2 khá yên tĩnh. Ta và địch cách nhau một cánh đồng rộng khoảng 1.2km. Ngoại trừ một lần vào lúc chập tối, tiểu đoàn trưởng Sơn lệnh cho đại 3 mang cối 60 tập kích địch để thăm dò. Khẩu đội cối bò lên trước đội hình khoảng 600m, nạp liều 3 bắn chừng hơn chục quả. Địch trả lời bằng 12.8 mm toang toác suốt đêm.
Hầm của trung đội thông tin nằm gần hầm tiểu đoàn. Ban ngày, tiểu đội hữu tuyến củng cố lại dây dợ máy móc. Tiểu đội vô tuyến 2W chúi đầu học bảng mật danh mới. Thằng Vỹ, thằng Mạnh, Thằng Ban trố suốt ngày lầm bầm như cầu kinh: “01 tiểu đội, 02 trung đội, 03 tiểu đoàn, 04 trung đoàn....” Cha Nhương - tiểu đội trưởng 2W suốt ngày càu nhàu vì quân lâu thuộc. Nhưng tôi dám chắc nếu kiểm tra thì chính bố này thể nào cũng tậm tịt nhất. Đã thế lại còn cái tính hay chê, bôi bác người khác.
Chẳng hạn kể chuyện anh Hoạch bên hữu tuyến, hồi mới giải phóng Sài Gòn cứ tưởng cái bồn cầu là chậu vo gạo. Thế là cứ tống gạo vào vo. Đến khi giật nước gạo trôi đi sạch cứ thắc mắc um lên. Lại còn luôn mồm chửi tiện nghi của bọn tư bản là thâm độc. Hay chuyện Khương “khàn” dưới đại 1 dẫn lính đi khao. Không biết gọi phin cafe là gì mới e hèm cất giọng khàn khàn: “Này cô em! Cho một số cái nồi ngồi trên một số cái cốc”! Hết biết!
Tuy tiểu đoàn bộ nằm lui về sau đội hình nhưng vẫn tổ chức gác ba vọng đề phòng địch bâu bám mật tập. Tôi đã biết định vị sao Tua Rua để căn giờ gác. Trong đêm, nếu ếch nhái đang rỉ rả ầm ĩ mà tự nhiên im bặt, hoặc chim đêm trong chòm cây phía trước bỗng dưng xao xác là phải coi chừng. Luồn hào về bấu tay anh em dậy rồi trở lại vị trí gác ngay. Hãy cúi thật thấp sát mặt đất, dùng nền trời đêm sáng mờ làm phông sẽ dễ phát hiện địch hơn.
Lại còn muỗi mới khiếp. Muỗi Chi Phu có họ với muỗi Đồng Tháp mười, con nào con nấy to như con châu chấu con. Áo ka ki ga ba đin Nam Định không là cái đinh gì. Vòi muỗi xuyên qua hết. Muỗi đốt không ngứa mà đau nhói vì toàn muỗi đói. Muỗi lăn xả cảm tử xông vào đốt người. Không được đập vì sẽ gây tiếng động. Cũng không được dùng dầu gió xoa vì ban đêm trên đầu gió, mùi dầu sẽ lan rất xa. Chỉ được phép vuốt thôi, vuốt đến đâu lép bép đến đó... Có anh (chắc là con bác Ba Phi) còn kể là hồi mùa mưa, mình nằm trong màn. Muỗi bâu kín ngoài màn hết lớp này lớp khác, một lúc thì dây màn (dây dù) đứt phựt. Lỡ để một ngón tay sát chân màn, muỗi châm ngay. Những con khác không châm được thì châm ngay vào bụng con đang hút máu mình thành một dây chuyền dài hàng mét. Tóm lại là cũng biết làm ăn theo kiểu hợp tác xã.
Tôi được điều xuống đại đội 1 cùng với anh Ky. Đại trưởng đại 1 lúc đó là anh Thẩm, người Hà Bắc. Đại đội phó là anh Liêu, người Hà Nam Ninh. Ngay ca gác đầu tiên khi phối thuộc với đại đội 1 ở chốt Long An là tôi đã nổ súng “tiêu diệt địch” rồi. Đang ngồi gà gật lơ mơ trên thành hầm quan sát sở đại đội thì giật mình có tiếng động. Thằng “địch” đen đen ngồi chồm hổm cạnh bờ ruộng. Nó còn chống nẹ, cánh tay áo phất phất...Người tôi túa mồ hôi lạnh, nhưng tay vẫn kịp xiết cò. Khẩu đại liên bên tay trái ăn theo tằng tặc một tràng. Tất cả túa ra hầm. Anh Liêu đại phó hỏi mày phát hiện hướng nào? Sao nó không bắn lại?
Tôi nói không biết! Chắc bị tiêu diệt rồi, kia kìa! Lão ấy với thằng Đồng xồng xộc vọt hào lên đấy luôn. Đ...má! Ông ấy chửi ầm ĩ... Tiêu diệt gì bay cái gốc chuối cụt? Lúc đó vừa sợ, vừa ngượng, nhưng cũng thấy thêm yên tâm ấm áp nữa. Vì lúc đó chưa hết ca, chúng nó vẫn còn lục sục thức cùng với mình chán...!
Những ngày rảnh, mà nằm chốt thì toàn những ngày rảnh. Rất khoái! Không vất vả như thời huấn luyện. Chỉ có mỗi ban đêm khổ vì gác địch. Những ngày như thế, tôi xách AK đi vẩn vơ dọc bờ mương bắn cá. Tháng 12 rồi mà sen hồng, súng hồng vẫn nở. Điều đó quả là lạ với một anh học trò mới đi bộ đội. Nhớ sen hồ Tây, cữ tháng chạp là sen tàn. Chỉ còn những cọng khô, tiêu điều xơ xác. Lá sen tàn, quăn lại trong gió bấc. Đầm sen hiu hắt, lấy chỗ cho những con le le lầm lụi, chổng mông lên lặn hụp kiếm mồi. Ở đây sen, súng vẫn rộ như mùa hè. Nước trong leo lẻo… Đứng rình một lúc, từng đàn cá “mã giáp” to cỡ bàn tay từ từ nổi lên. Thân cá dẹp, lốm đốm chấm hoa, đôi râu vây ngực dài thướt. Đích thị cá mã giáp(!). Tôi há cả mồm ra mà nhìn. Nghĩ thầm sao cá mã giáp ở đây sao nó to khủng thế?
Ngày bé, tôi ham nuôi cá cảnh. Buổi trưa hay mò ra hàng mấy bà bán cá, nơi tiếp giáp giữa chợ Đồng Xuân và chợ Bắc qua. Cá gì mà tôi không lạ? Vạn long, mã giáp, thần tiên, sê can, hồng tử kỳ, kiếm mắt đỏ, mún, ngựa vằn, hắc quần, mây chiều…Rồi chọi hồng, chọi tím than… Rẻ nhất, mắn đẻ nhất là mấy anh khổng tước. Con đực bé tí và đỏm dáng, lúc nào cũng xun xoe quanh con cái, rình húc *** vào cái bụng đầy trứng. Cái giống khổng tước cái, động tí là chửa... Tóm lại không thiếu loại gì tôi không biết. Nhưng quả thực cá “mã giáp” to như bàn tay thì chưa thấy bao giờ.
Bụp! Cá láng trắng nước. Tôi lội ào xuống vớt được mấy con chạy về khoe ầm lên. Các anh ấy ôm bụng lăn ra cười. Mày bảo gì? Cá mã giáp hả? Mã giáp là cá gì? Ối giời ơi…! Mấy con sặc bông mà bày đặt mã giáp.
Lại học được thêm một từ mới: ”bày đặt”. Đơn vị năm đó toàn lính Bắc, từ quan tới lính. Nhưng ngôn từ thì điển hình rặc Nam bộ, tuy vẫn giữ giọng Bắc. Từ đó, tôi quen dần với những từ: ”cà chớn”, “dễ nóng”, “bầy hầy”, “siêng nhác”, “nói nam nam”… Và cũng học thêm một điều nữa là bắn cá xong phải lấy miếng mùng rách vớt ngay.. Vì nó bị sức ép, bị choáng thôi. Chỉ một lát sau là nó hồi lại. Cá mang về đun với lá, với đài hoa cây chân vịt chua cọng tím là món ăn hàng ngày của lính chốt.
Bố Nhương lại có kiểu bắt cá khác. Không biết anh ấy kiếm đâu được quả đạn B.40 lép liền tháo ngòi nổ ra. Buộc vào một thanh tre cứng dài chừng 2m rồi vác xuống cái đìa cạn gần đại đội 4. Vào xin ít liều cối tọng vào đầu đạn đốt. Thuốc nổ TNT bắt lửa cháy thổi ra đen kịt. Thế là cha ấy gí cái dụng cụ bắt cá quái dị ấy xuống đìa. Rà đi rà lại một lúc như đi cày cho thuốc cháy hết rồi lội ào xuống. Quờ quạng, quăng liên tiếp lên bờ những con cá lóc đen bị say thuốc to cỡ bắp tay. Tôi ngán cái dụng cụ nghề cá ấy quá. Kinh bỏ mẹ! Thôi! Để em xách cá về cho nào...
Ăn cá mãi cũng phát chán. Có thằng còn đập chết con chuột đồng. Phanh bỏ ruột, ướp ngũ vị hương, kẹp tre tươi nướng vàng lên chén ngay. Lần đầu tiên tôi mới thấy người ta ăn thịt chuột. Dù đọc hồi bé, biết rằng ở làng Đình Bảng bên Bắc Ninh, cỗ chỉ đóng tư. Và chỉ có cỗ nào to mới có thịt chuột đồng hấp, ép lá chanh dưới cối đá.
Buổi trưa nằm hầm, thiu thiu nửa ngủ nửa thức. Vẫn nhớ in cái nóng âm âm, giữa không gian tịch mịch, giữa cánh đồng chỉ nghe tiếng gió lào thào... Tịch lặng đến mức có thể nghe tiếng lá thốt nốt đang nỏ dần, cựa mình tí tách trên mái lá nóc hầm… Loạt xoạt loạt xoạt… Một cái đuôi đen dài thòng xuống, rồi cái lườn xanh bóng loáng duyên dáng ườn ra. Cái đầu nhỏ tí lại rúc vào phía trong mái. Phần thân béo núc lồ lộ. Chết mẹ mày con rắn mối! Ai cho ỉa lên đầu chúng ông? Mà phân của loài này thì rất khó ngửi. Thằng Đồng với cái que thông nòng, lấy cái thùng đại liên kê đứng lên. Roạt…! Vô mánh rồi! Cái đuôi tự rụng, văng ra giãy giãy. Nhặt lấy nốt! Nó để nguyên con kẹp cây, xuống anh nuôi cời than nướng luôn cả vỏ. Đó là kiểu nướng mọi: thơm phức, và thịt rất ngọt. Chấm muối ớt ăn thôi rồi ngon.
Cả trận địa phòng ngự chúng tôi dàn hàng ngang, tựa vào bờ đê. Nhìn về phía địch thấy một rặng cây xa mờ. Buổi trưa tan sương, thấy rõ bên đó một mái chùa đỏ ngói. Còn ban đêm, đôi khi thấy những vệt đèn pha chấp chới rồi tắt ngấm. Chúng tôi đào khoét vào thân đê những cái hố chiến đấu hình móng ngựa. Những bụi cây ráy, cây điên điển lúp xúp che khuất những bờ đất mới đắp trên ụ. Còn ngủ thì trong những cái lán nửa nổi nửa chìm. Phần nổi đắp đất dày ba mặt chống đạn nhọn. Mái lán thì úp đủ các loại: chằm lá thốt nốt, che tôn hoặc lợp rạ sơ sài. Hầm và ụ hoàn toàn không có nắp đắp như hầm phòng không thời đi sơ tán máy bay Mỹ. Hẳn là hỏa lực cối pháo địch ở đây không đáng kể. Mọi hoạt động của đơn vị hoàn toàn diễn ra sườn bên này con đê.
Có một lần, tôi không biết gì, mới mặc nguyên cái áo lót có tay còn trắng ra chỗ cây xoài cổ thụ. Chỗ đó là đài trinh sát 27 của sư đoàn. Trên đó, tổ đài làm một cái sàn nhỏ. Họ nằm cả ngày trên đó quan sát binh tình địch. Điện đàm lúc nào cũng léo nha léo nhéo. Tính leo lên theo cái thang làm bằng thân cây tre buộc vào thân, lên đó xin các ông ấy cho nhòm qua ống nhòm xem địch nó thế nào. Các anh ấy chửi um lên, bắt tôi leo xuống. Đ…má, mầy mặc áo trắng nó tỉa cho phọt óc bây giờ! Nghĩ lại thấy đúng là điếc không sợ súng.
Rồi cuộc đời nó sẽ còn dạy cho nhiều bài học nữa. Thể tích hình cầu, đạo hàm f(x) bậc 2 cùng đồ thị, hay những công thức tính lượng giác của các góc đặc biệt…ở đây chẳng có ý nghĩa gì hết. Phải nghe những người lính đi trước! Phải sống! Phải giết chết nó trước khi nó kịp giết mình là bài học có ý nghĩa nhất của chiến tranh.
Ở đại đội 1, tôi hay mò xuống trung đội 2 chơi. Ở đấy có thằng T và thằng Căn là bạn cùng đoàn. Anh Khương khàn, lính 75 quê ở Hà tây là trung đội trưởng. Anh ấy thường lọ mọ lấy xẻng bộ binh đi đào khoai nước ven đê, tống vào thùng đại liên để luộc ăn chơi. Tiếng anh ấy nói khíu khíu như tiếng ngỗng kêu. Không tinh thì chẳng nghe được câu nào. Chắc biết thế nên anh Khương ít nói. Chỉ cười hiền, khoe hàm răng ám khói thuốc rê vàng khè. Cán bộ đơn vị chiến đấu khác hẳn cán bộ đơn vị huấn luyện. Ở Phủ Lý, cỡ trung đội trưởng như anh ấy thì cứ gọi là thét ra lửa.
Một hôm, tiểu đoàn gọi xuống, lệnh cho mỗi đại đội 5 người đi lấy gạo và thực phẩm. Thằng T cùng trong quân số được phân công. Nó đi qua chỗ tôi, dúi cho cái bàn chải với tuýp thuốc đánh răng Ngọc lan còn mới. Nó kéo tôi ra, thì thầm bảo là tao biến luôn đây. Tao vẫn để cái chăn sợi Nam định với bộ quần áo đang phơi lại lán để chúng nó khỏi nghi. Mai mày xuống mà lấy nốt. Nói rồi nó khoác cái ba lô lép, chạy ù theo đám vận tải về trung đoàn. Tôi không biết nói một lời nào. Chỉ mong sao cho nó đi được thuận, chứ vệ binh họ tóm được thì khổ. Mà đã trông thấy thằng địch nào đâu mà bảo sợ, bảo hèn? Đến đêm, khi anh em trở về đại đội thì không thấy nó đâu nữa. Cũng chẳng thấy ai quát nạt, kiểm điểm những người còn ở lại. Bởi có lẽ còn bao nhiêu việc phải làm.
Thằng bạn thân nhất cùng lớp đã trốn đi. Mấy đứa kia thì đã sang tiểu đoàn 6. Từ nay lớp cũ còn mỗi mình tôi. Đêm đó thật buồn! Mé đất Việt, một quầng sáng hắt lên mây một màu vàng đục. Anh Ky bảo đấy là thị trấn Mộc Hóa. Nhìn thấy cái quầng sáng mà thèm, mà nhớ quê nhà. Cái quầng sáng ấy gần lắm! Tưởng chừng chỉ băng qua cái cánh đồng đầy cỏ lác này chừng hơn tiếng là đến nơi…Trời ơi là cái cánh đồng chó ngáp. Ban ngày xanh cỏ, loáng nước chói chang nhưng yên tĩnh. Ban đêm sôi động tiếng cá ăn móng, tiếng ếch nhái côn trùng, tiếng rắn trườn hay chuột chạy bùm bũm…Những âm bè lạc điệu ấy bị nhấn chìm trong một bè chính vĩ đại, là tiếng vĩ cầm của triệu triệu con muỗi đang rung cánh vu vu…Ca gác ban đêm, thấy cái gì cũng to ra, cái gì cũng kỳ quái như chứa đầy hiểm họa…
Ngày 22/12/1978 - ngày Tết Quân đội đầu tiên. Ngoài tiêu chuẩn mà xe hậu cần B3 chở từ nước sang, chúng tôi còn tổ chức hun đìa, đánh cá cải thiện thêm. Từ “Tết Quân đội” cũng mới biết trong thời gian này. Với tôi, khái niệm tết là chỉ dành cho tết Nguyên đán, tết Trung thu. Từ nay, trong bộ đồ xanh của lính, tôi có thêm một cái tết nữa để mà mong đợi…
Tôi giúp anh Ky đánh vảy con cá “sộp” đen trũi, lớn hơn bắp tay. Cả đời chưa thấy con cá sộp nào to như thế. Các anh hẳn còn nhớ cái ngõ nối chợ Đồng Xuân với phố Hàng Chiếu? Cái ngõ hẹp ướt át, lúc nào cũng tỏa mùi tanh, thông ra ngay cạnh rạp Bắc Đô, nay nhiều quán bán bún ốc. Ở đó, các bà buôn toàn loại cá cao cấp. Trong các thúng sơn xâm xấp nước, những con cá quả *** hơi tròn, mình vàng hoa đen, những con cá sộp đầu nhọn vằn vện, thỉnh thoảng lên cơn giãy đùng đùng. Có con còn vọt ra, toài được xuống cống… Trong đám cá siêu hạng thời bao cấp khốn khó đó, chẳng có con nào bự như những con cá “sộp” này.
Giờ tốt nhất hãy gọi tên nó là cá lóc. Không có các anh ấy lại chửi cho. Hết cá “mã giáp” lại đến cá “quả”. Đừng làm khổ chúng tao! Thực ra, khi còn đi cày, đi học ở quê nhà, các anh ấy cũng vẫn gọi là cá chuối, cá quả, cá sộp, cá tràu mà thôi. Ở Phúc Yên, nơi tôi sơ tán còn gọi con cá quả bé là con cá chõn. Nhưng ngôn ngữ phương xa nó có gì đó hấp dẫn mới mẻ, nó chứng minh sự từng trải. Hẳn vì thế mà người ta ưa dùng. Hết xảy!
Đã sạch vảy, tôi nhứ nhứ con dao, định mổ bụng moi ruột thì các lão đại đội rú lên rằng thằng Ky đâu? Xem nó kìa! Thằng này đ… biết làm cá! Anh Ky cười hề hề giằng lấy dao. Hắn khứa ngang thân con cá cả hai bên những đường chéo rất ngọt. Xát hành tím khô băm nhỏ, bột ngũ vị hương, tiêu, ớt lên thân cá…Sau đó, hắn đặt cá trong nhiều lớp bẹ chuối. Phía trong có lót đầy rau ngổ hái ở bờ đê rồi bó chặt lại. Xong rồi! Mày nướng đi! Thế là tôi nướng. Trở đi trở lại trên lửa than, bẹ chuối cháy đen vỏ ngoài vỏ trong. Thế là được!
Và cũng lần đầu tiên trong cái Tết quân đội đó, tôi biết uống rượu xoay vòng bằng bát sắt của lính. Được ngồi luôn với cán bộ đại đội. Rượu các anh ấy gửi mua từ Tây Ninh. Cái men cay và đắng của rượu mía Vàm cỏ đông đó ùa ngập hồn trong thằng trai mười tám, trong buổi trưa một ngày cuối năm nắng lồng lộng. Chẳng biết là tua thứ bao nhiêu nữa? Mái hầm luyênh loang chao nghiêng, bay bổng lên… Tôi nhớ mẹ, nhớ em, nhớ nhà... Lãng đãng đâu đó, có tiếng cười xa xăm của ai đó: “Thằng này xỉn rồi….! Ha ha…!”. “Khiêng nó vứt mẹ vào góc kia..Ha ha…!”
Tôi giàn giụa nước mắt. Tôi khóc.
Lính Tây Nam Lính Tây Nam - Trung Sĩ Lính Tây Nam