Every breath we take, every step we make, can be filled with peace, joy and serenity.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Charles Dickens
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Đình Chi
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 59 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ào thời điểm tôi đứng trong nghĩa địa nhà thờ đọc các bia mộ gia
đình, tôi đã được học vừa đủ để có thể đánh vần được chúng. Tôi thậm chí
còn chưa thể hình dung ra cho thật đúng ý nghĩa đơn giản của mấy tấm bia, vì
tôi hiểu “vợ của người ở trên” như một lời tán dương đề cao việc bố tôi đã
vươn tới một thế giới tốt đẹp hơn; và ví thử ai đó trong những người thân đã
khuất của tôi được nhắc tới bằng mấy từ “bên dưới”, tôi chắc đã suy nghĩ rất
tệ hại về người đó. Và thậm chí cách hiểu của tôi về những khái niệm thần
học sách giáo lý vẫn ràng buộc tôi cũng không phải lúc nào cũng chính xác;
vì tôi còn nhớ rất rõ từng nghĩ lời tuyên thệ của chính mình rằng tôi sẽ phải
“bước đi trong mỗi ngày của đời mình như nhau” bắt buộc tôi luôn phải từ
nhà mình đi qua làng theo một hướng nhất định, và không bao giờ được đi
chệch khỏi con đường ấy bằng cách rẽ xuống xưởng làm bánh xe hay rẽ lên
cối xay.
Khi đủ lớn, tôi sẽ trở thành thợ học việc của Joe, và cho tới khi có thể
giành được vị trí vinh dự đó, tôi không được phép là một đứa “hư hỏng” như
tôi luận ra từ cách nói của bà Joe. Vì thế, tôi không chỉ là cậu nhóc phụ việc ở
lò rèn, mà nếu có láng giềng nào tình cờ cần thêm một tay để xua đuổi lũ
chim, lượm đá hay làm những chuyện tương tự, tôi luôn là lựa chọn được ưa
thích. Tuy nhiên, để vị thế hơn hẳn của chúng tôi không vì thế mà bị phương
hại, có một cái hộp đựng tiền được để trên bệ lò sưởi, và mọi người đều biết
là tất cả tiền nong tôi kiếm được đều bỏ cả vào đó. Tôi có cảm giác những
món tiền này cuối cùng sẽ đóng góp vào xóa nợ cho nhà nước, nhưng cũng
biết mình sẽ chẳng có chút hy vọng nào trong việc tự thân tham gia chia chác
kho báu này.
Bà cô của ông Wopsle có mở một lớp học ban đêm trong làng; nói thực
ra thì đó là một bà lão lẩm cẩm với hiểu biết vô cùng hạn chế và vô vàn
nhược điểm, thường ngủ thiếp đi từ sáu giờ đến bảy giờ vào mọi buổi tối
trong lúc bầu bạn với những đứa trẻ đã trả hai penny mỗi tuần để có được cơ
hội học hành bằng việc ngắm bà lão ngủ gật. Bà lão thuê một căn nhà nhỏ, và
ông Wopsle có phòng ở trên lầu, trên đó đám học sinh chúng tôi thường nghe
thấy ông này đọc to thành tiếng với giọng thật oai phong lẫm liệt, và thỉnh
thoảng còn đấm lên trần. Có một câu chuyện bịa rằng cứ mỗi quý ông
Wopsle lại “khảo hạch” các học sinh một lần. Vào những dịp này, ông xắn cổ
tay áo lên, vuốt tóc dựng đứng, và đãi chúng tôi bài diễn thuyết của Mark
Antony trước thi thể Caesar. Tiếp theo luôn là bản Ngợi ca Cảm xúc của
Collins, trong đó tôi đặc biệt ngưỡng mộ ông Wopsle trong vai Báo Thù ném
thanh kiếm sấm sét nhuốm máu xuống, rồi cầm lấy cây kèn trumpet lên án
chiến tranh với một cái nhìn ủ rũ. Hồi ấy, không như sau này, mỗi khi đọc bài
thơ này tôi vẫn chưa có thói quen so sánh những cảm xúc trong đó với
Collins và Wopsle một cách rất bất lợi cho cả hai quý ông này.
Bà cô của ông Wopsle, ngoài tổ chức lớp học này, còn duy trì cả một
tiệm tạp hóa cũng trong căn phòng đó. Bà lão cũng chẳng rõ mình có những
món hàng nào trong tay, hay giá của từng món; nhưng vẫn có một quyển sổ
ghi chép nhỏ trơn nhẫy được cất trong ngăn kéo đóng vai bảng giá, và cô bé
Biddy dựa theo cuốn sấm này mà thu xếp mọi giao dịch. Biddy là cháu gái bà
cô của ông Wopsle; tôi phải thú nhận là mình không tài nào hiểu nổi cô bé có
mối quan hệ thế nào với ông Wopsle. Cô bé cũng mồ côi như tôi; và cũng
như tôi, cô đã được nuôi hộ bằng tay. Theo suy nghĩ của tôi, cô bé quả là
đáng chú ý về những điểm thái quá trên cơ thể; vì mái tóc cô lúc nào cũng
cần được chải, hai bàn tay luôn ở trạng thái cần được rửa, còn đôi giày lúc
nào cũng ở trạng thái cần được khâu và thay đế. Bản mô tả này chỉ đúng vào
các ngày trong tuần. Vào những ngày Chủ nhật cô bé luôn được chăm chút tử
tế khi tới nhà thờ.
Hầu hết nhờ tự nỗ lực, cộng thêm sự giúp đỡ từ Biddy còn nhiều hơn từ
bà cô ông Wopsle, tôi vất vả đánh vật với bảng chữ cái như thể nó là một bụi
mâm xôi; mỗi chữ cái đều khiến tôi phải lao tâm khổ tứ. Tiếp theo, tôi rơi vào
tay chín chữ số, những gã trộm thực sự, dường như vào mỗi tối chúng đều
nghĩ ra trò ngụy trang mới để làm tôi không tài nào nhận ra nổi nữa. Nhưng
rồi cuối cùng, bằng cách chậm chạp mày mò, tôi cũng biết đọc, biết viết và
biết làm toán ở mức độ sơ đẳng nhất.
Một tối, tôi đang ngồi ở góc lò sưởi với cái bảng trên tay, nỗ lực hết
sức để viết một bức thư cho Joe. Tôi nghĩ lúc ấy chắc đã qua cả năm sáu lần
chúng tôi đi săn đuổi tên tù trên đầm lầy, vì lúc đó là rất lâu sau, và đang mùa
đông và sương giá dày đặc. Có bảng chữ cái để bên bếp lò sưởi dưới chân để
tham khảo, tôi nắn nót cả một hai giờ đồng hồ để viết nhòe nhoẹt bức thư
này:
“JOE HÂN MẾM EM Y VỌN A VẨM KỎE EM Y VỌN EM XẼ
SỚN CÓ THỂ RẠY A JO XAU ĐÓ TRÚNG TA XẼ DẤT VUI VÀ KHY
EM HỌC VỊC A JO XẼ TUIỆT LẮN TIN EM ĐY EM IÊU A NHỀU PIP.”
Chẳng có gì cần thiết buộc tôi phải liên lạc với Joe bằng thư, nhất là
khi anh ngồi ngay cạnh tôi và chỉ có hai anh em với nhau. Nhưng tôi vẫn tự
tay đưa bản trao đổi bằng chữ viết này (cùng với cái bảng) tới anh, và Joe đón
nhận nó như một phép mầu của học thức uyên bác.
“Ái chà, Pip, anh bạn thân mến!” Joe reo lên, đôi mắt xanh mở to,
“Cậu đúng là học giả! Phải không nào?”
“Em cũng muốn được thế lắm,” tôi vừa nói vừa liếc nhìn cái bảng anh
đang cầm; với chút lo ngại rằng những dòng chữ có phần ngoằn ngoèo không
thẳng hàng.
“Sao chứ, đây là một chữ J này,” Joe nói, “và một chữ o chẳng kém ai
cả! Đây là một chữ J và một chữ o, Pip và một J-O, Joe.”
Tôi chưa bao giờ nghe thấy Joe đọc lên thành tiếng được gì nhiều hơn
là từng âm tiết một, Chủ nhật trước ở nhà thờ, khi tôi tình cờ cầm lộn ngược
quyển kinh cầu nguyện của chúng tôi, dường như anh thấy chuyện đó cũng
ổn thỏa chẳng kém gì so với nếu tôi cầm xuôi. Vì muốn nhân cơ hội này để
tìm hiểu xem nếu dạy Joe tôi có nên bắt đầu ngay từ đầu hay không, tôi nói,
“Hay quá! Nhưng đọc phần còn lại đi, Jo.”
“Phần còn lại hả Pip?” Joe nói, nhìn xuống cái bảng thật chậm chạp, dò
dẫm. “Một, hai, ba. Sao chứ, trong này có ba chữ J, rồi ba chữ O, vậy là ba JO, ba chữ Joe trong đó, Pip!”
Tôi cúi xuống bên Joe, vừa dùng ngón trỏ chỉ tôi vừa đọc cho anh nghe
cả bức thư.
“Thật kinh ngạc!” Joe thốt lên khi tôi đọc xong. “Cậu ĐÚNG là một
học giả.”
“Anh đánh vần Gargery thế nào, Joe?” tôi hỏi anh, pha một chút âm
hưởng sư phụ khá khiêm tốn.
“Anh không đánh vần nó,” Joe nói.
“Nhưng giả sử anh có đánh vần thì sao?”
“Chuyện này không giả sử được,” Joe nói. “Mặc dù thực ra anh thích
đọc lắm ấy.”
“Thật thế hả Joe?”
“Dất thích,” Joe nói. “Hãy đưa cho anh một quyển sách hay, hoặc một
tờ báo hay, và cho anh ngồi xuống trước một lò sưởi đang cháy rực, vậy là
anh chẳng đòi hỏi gì hơn thế nữa. Chúa ơi!” ông anh rể tôi nói tiếp, sau khi đã
xoa xoa đầu gối một chặp, “khi cậu có thể viết ra một chữ J với một chữ O,
và rồi cậu nói, ‘Đây là một chữ J-O, cuối cùng em cũng viết được rồi, Joe’
thật tuyệt biết bao khi đọc chứ!”
Từ những lời này, tôi có thể đoán ra học vấn của Joe, cũng hệt như
công nghệ máy hơi nước, vẫn còn đang ở mức độ sơ khai. Tiếp tục theo đuổi
chủ đề này, tôi dò hỏi.
“Chẳng lẽ anh chưa bao giờ đi học khi còn nhỏ như em sao, Joe?”
“Không đâu, Pip.”
“Sao anh lại chưa bao giờ đi học khi anh còn nhỏ như em hả Joe?”
“Được rồi, Pip,” Joe nói, cầm lấy que cời lò, và bận rộn với công việc
quen thuộc mỗi khi anh nghĩ ngợi gì đó, chậm rãi cời to ngọn lửa lên qua các
thanh chắn lò, “Anh sẽ nói cho cậu biết. Bố anh, Pip ạ, ông ấy thích uống
rượu, và khi ông ấy uống quá nhiều, bố anh liền nện mẹ anh như quai búa,
dất tàn nhẫn. Và có vẻ đó là những cú quai búa ra hồn duy nhất mà ông từng
làm, quả vậy, ngoại trừ khi ông đánh anh. Rồi bố anh nện anh còn mạnh hơn
bất cứ cú quai búa nào ông từng nện xuống đe, nếu ông đã từng quai búa
mạnh xuống đe. Em vẫn nghe và hiểu đấy chứ, Pip?”
“Vâng, Joe.”
“Kết quả là mẹ và anh đã phải chạy trốn bố anh vài lần; sau đó mẹ anh
ra ngoài làm việc, và mẹ nói, ‘Joe’, phải, mẹ anh sẽ nói thế, ‘bây giờ, vì
Chúa, con sẽ được đi học chút ít, con trai,’ và bà đưa anh đến trường. Nhưng
bố anh lại có trái tim nhạy cảm đến mức ông không thể chịu được cảnh vắng
mẹ con anh. Vậy là ông ấy tìm đến cùng một đám người hung tận, sầm sầm
đấm cửa làm loạn lên ở dãy nhà nơi mẹ con anh đang sống, làm cho những
người sống tại đó buộc phải không dám dây dưa gì đến mẹ con anh và phải
giao lại mẹ con anh cho ông ấy. Rồi ông ấy lôi mẹ con anh về nhà, đánh đập
tàn tệ. Và cậu thấy đấy, Pip,” Joe nói, đồng thời ngừng trầm ngâm cời lửa
quay sang nhìn tôi, “chính điều đó đã làm chuyện học hành của anh không đi
đến đâu.”
“Phải rồi, Joe tội nghiệp!”
“Dù vậy cậu thấy đấy, Pip,” Joe nói, gõ que cời một hai cái lên thanh
chắn lò trên cùng, “nếu ngẫm đến mọi việc người ta đã làm, và luôn giữ lấy
công bằng giữa người và người khi phán xét, bố anh có trái tim tử tế vậy đấy,
cậu không thấy sao?”
Tôi chẳng thấy thế; nhưng cũng không nói vậy.
“Được rồi!” Joe nói tiếp, “phải có ai đó giữ cho trong nồi luôn có thứ
gì đó, Pip, nếu không cái nồi sẽ rỗng tuếch, cậu có biết không?”
Tôi cũng nhìn ra chuyện này, và nói thế.
“Kết quả là bố anh chẳng hề phản đối chuyện anh đi làm; vậy là anh
bắt đầu làm nghề anh đang làm hiện giờ, và đáng lẽ cũng là nghề của ông ấy
nếu bố anh chịu theo đuổi nó, và anh đã làm việc rất cần mẫn, anh cam đoan
với cậu đấy, Pip. Dần dà anh đã có thể chăm lo cho bố anh, và tiếp tục chăm
lo cho ông tới khi ông qua đời vì một cơn nhồi máu. Và anh vẫn muốn ghi
lên bia mộ ông rằng, Cho dù ông ấy đã làm sai những gì, Những ai đọc bia
này hãy nhớ tận trong tim ông ấy là người tốt.”
Joe tự hào nhắc lại hai câu này một cách rất cẩn thận, đến độ tôi hỏi có
phải anh đã tự nghĩ ra chúng không.
“Anh đã nghĩ ra đấy,” Joe nói, “chính anh. Anh nghĩ ra mấy câu này
trong một khoảnh khắc. Cứ như làm ra một cái móng ngựa hoàn chỉnh chỉ
bằng một nhát búa vậy. Cả đời anh chưa bao giờ thấy ngạc nhiên đến thế -
không dám nghĩ đó là của mình nghĩ ra - nói thật với cậu, anh hầu như không
tin nổi là do chính mình nghĩ ra. Như anh vừa nói với cậu, Pip, anh vẫn muốn
khắc mấy câu đó lên bia mộ cho ông ấy; thế nhưng văn hoa thì lại tốn tiền,
cho dù cậu muốn khắc thế nào đi nữa, dù to dù nhỏ, vậy nên chuyện này vẫn
chưa được làm. Chưa kể phải trả tiền cho những người khuân quan tài, tất cả
tiền anh dành dụm được đều cần dùng cho mẹ anh. Sức khỏe bà rất kém, và
hồi ấy gần như bà đã suy sụp. Tội nghiệp mẹ anh, chẳng bao lâu sau bà cũng
đi theo bố anh, và cuối cùng bà cũng có được phần bình yên cho mình.”
Đôi mắt xanh của Joe đã hơi ươn ướt; anh dụi một bên mắt, rồi đến bên
kia, một cách không mấy phù hợp và thoải mái, bằng cái nắm tròn trên chốt
cán que cời lò.
“Hồi đó anh thật cô quạnh,” Joe kể, “phải thui thủi sống một mình ở
đây, rồi anh quen chị gái em. Còn bây giờ, Pip,” Joe nhìn tôi thật quả quyết
như thể đã biết tôi sẽ không tán thành anh, “chị gái em là một phụ nữ thật đẹp
đẽ.”
Tôi không đừng được mà nhìn chằm chằm vào ngọn lửa trong trạng
thái rõ ràng là ngờ vực.
“Cho dù cậu có nghĩ thế nào, người đời có nghĩ thế nào đi chăng nữa,
Pip, chị gái cậu,” Joe nói, và cứ sau mỗi từ tiếp theo lại dùng que cời lò gõ
lên thanh chắn trên cùng, “một - phụ - nữ - đẹp - đẽ!”
Tôi chẳng thể nghĩ ra gì hay hơn để nói ngoài, “Em thấy mừng vì anh
nghĩ thế, Joe.”
“Anh cũng vậy,” Joe ngắt lời tôi. “Anh thấy mừng vì mình nghĩ thế,
Pip. Vài vết đỏ bầm hay chút ê ẩm trong xương, ở chỗ này hay chỗ kia, với
anh chúng có nghĩa gì kia chứ?”
Tôi khôn ngoan nhận xét, nếu chuyện đó chẳng có nghĩa gì với anh,
vậy nó có nghĩa với ai đây?
“Tất nhiên!” Joe đồng ý. “Thế đấy. Cậu nói đúng, anh bạn! Khi anh
làm quen với chị gái cậu, người ta đã kể rất nhiều về việc chị cậu đã tự tay
nuôi nấng cậu thế nào. Chị cậu quả là rất tốt, mọi người đều nói vậy, và anh
cũng nói vậy cùng với họ. Còn về cậu,” Joe nói tiếp với bộ dạng như thể đang
nhìn thấy thứ gì đó thực sự rất tệ, “giá cậu biết được cậu từng bé xíu, yếu ớt
và hư đến thế nào, anh bạn thân mến, chắc cậu cũng thấy rất khó chịu về
chính mình.”
Không mấy thích nhận xét này, tôi nói, “Đừng bận tâm đến em, Joe.”
“Nhưng anh có quan tâm đến cậu đấy, Pip,” ông anh rể đáp lại chất
phác đầy trìu mến. “Khi anh ngỏ lời muốn lấy chị em, và được hỏi ở nhà thờ
khi chị em đồng ý và sẵn sàng tới lò rèn sống, anh đã nói với chị em, ‘Và
mang cả đứa bé tội nghiệp nữa. Xin Chúa ban phước cho cậu bé tội nghiệp,’
anh nói với chị em, ‘ở lò rèn có đủ chỗ cho nó’”
Tôi bật khóc và xin anh tha thứ, rồi ôm chầm lấy cổ Joe: anh bỏ que
cời lò xuống ôm chặt lấy tôi và nói, “Chúng ta mãi mãi là bạn tốt, phải không
nào, Pip? Đừng khóc nữa, anh bạn!”
Khi khoảng gián đoạn ngắn ngủi này kết thúc, Joe nói tiếp:
“Vậy là, cậu thấy đấy, Pip, chúng ta ở đây! Đó chính là điều tốt đẹp;
chúng ta ở đây! Còn bây giờ, khi cậu dạy anh học, Pip (và anh nói trước với
cậu là anh tối dạ lắm, tối dạ khủng khiếp), không được để bà Joe biết nhiều
về thứ chúng ta muốn làm. Ý anh muốn nói là chuyện dạy học này cần kín
đáo. Và tại sao lại phải kín đáo? Anh sẽ cho cậu biết lý do, Pip.”
Ông anh rể tôi lại cầm que cời lò lên; không có nó, tôi ngờ anh khó
lòng trần tình được suy nghĩ của mình.
“Chị cậu được trao cho chính quyền.”*
Ý Joe là chị Pip nắm quyền chỉ đạo trong nhà, trong khi Pip lại hiểu bà chị cậu bị chính quyền bắt
giữ.
“Được trao cho chính quyền sao, Joe?” Tôi giật mình, vì tôi vừa nảy ra
vài ý nghĩ mờ ám (và tôi sợ rằng phải nói thêm là cả hy vọng nữa) rằng Joe
đã ly dị bà chị tôi để nhường lại cho Đô đốc Hải quân hay quan coi Quốc
khố.
“Được trao cho chính quyền,” Joe nói. “Ý anh muốn nói là quyền với
cậu và anh.”
“Ồ!”
“Và chị cậu chẳng thích gì chuyện trong nhà có người lắm chữ đâu,”
Joe nói tiếp, “và nhứt là sẽ không thích chuyện anh biết lắm chữ, vì sợ anh sẽ
vùng lên. Như một kiểu nổi loạn ấy mà, cậu không thấy sao?”
Tôi đang định phản bác bằng một câu vặn hỏi, và chỉ mới nói được
“Tại sao…” thì Joe ngắt lời tôi.
“Đợi tí đã. Anh biết cậu định nói gì, Pip; đợi tí đã! Anh đồng ý là chị
gái cậu lúc này lúc khác vẫn khắc nghiệt với anh em mình. Anh không phủ
nhận chuyện chị cậu nhăn nhó cáu gắt với anh và cậu, thậm chí có lúc nặng
tay với chúng ta. Vào những lúc như thế, chẳng hạn như khi chị cậu nổi tam
bành, Pip,” Joe vừa hạ giọng thì thào vừa liếc nhìn ra cửa, “thật thà mà nói,
buộc phải thú nhận chị ấy là một quả Bom.”
Joe phát âm từ cuối cùng cứ như thể nó bắt đầu với ít nhất mười hai
chữ B viết hoa vậy.
“Sao anh lại không vùng lên? Đó là điều cậu muốn nói khi anh ngắt lời,
đúng không Pip?”
“Đúng vậy đấy, Joe.”
“Thế này nhé,” Joe nói, chuyển que cời lò sang bàn tay trái để anh có
thể mân mê bộ ria; và mỗi khi ông anh rể tôi bận bịu với chuyện này, coi như
tôi phải từ bỏ mọi hy vọng vào anh, “chị gái cậu là một người giỏi điều hành
mọi việc. Một người giỏi điều hành.”
“Thế là sao ạ?” tôi hỏi, hy vọng khiến anh dừng lại. Nhưng Joe lại quả
quyết với định nghĩa của anh hơn tôi tưởng, và ngăn tôi lại bằng cách lý luận
lòng vòng, rồi trả lời kèm theo một cái nhìn chăm chú, “Cô ấy.”
“Còn anh không phải là một người giỏi điều hành,” Joe nói tiếp, khi
anh tôi không còn nhìn chằm chặp một chỗ nữa, mà đã trở lại với bộ ria mép.
“Và cuối cùng, Pip - và điều này anh muốn nói một cách nghiêm chỉnh với
cậu, anh bạn - anh đã phải chứng kiến quá nhiều, qua số phận bà mẹ tội
nghiệp của anh, chuyện một người phụ nữ phải vất vả cực nhọc như nô lệ,
trái tim bị giày vò tan nát và chẳng bao giờ biết đến bình yên trong cả cuộc
đời, vì thế anh rất xợ phạm sai lầm trong việc đối xử sao cho phải lẽ với một
phụ nữ, và anh thà phải là người chịu thiệt thòi trong hai người còn hơn
ngược lại, và bản thân anh sẵn sàng chịu chút ít bất tiện. Anh ước gì điều đó
chỉ đến với mình anh thôi, Pip; anh ước gì cậu không phải chịu đựng Cây Cù,
anh bạn; anh ước gì được một mình gánh chịu tất cả; nhưng đây là đầu đuôi
ngọn nguồn, Pip, và anh hy vọng cậu sẽ bỏ qua những gì không hay.”
Dù dạo ấy còn rất bé, tôi tin mình bắt đầu có thêm một sự ngưỡng mộ
dành cho Joe từ tối hôm đó. Sau cuộc nói chuyện, chúng tôi vẫn bằng vai
phải lứa với nhau hệt như trước; nhưng từ đó trở đi, vào những lúc yên tĩnh,
khi tôi ngồi nhìn Joe và ngẫm nghĩ về anh, tôi có một cảm giác mới mẻ, tôi ý
thức được rõ ràng mình quý trọng Joe trong sâu thẳm trái tim.
“Tuy nhiên,” Joe vừa nói vừa đứng lên lấy thêm củi cho vào lò sưởi,
“đồng hồ đã sắp sửa đánh chuông báo tám giờ rồi, thế mà cô ấy vẫn chưa về
nhà! Anh hy vọng con ngựa cái của bác Pumblechook không bị khuỵu vì
giẫm phải băng.”
Vào những ngày chợ phiên, bà Joe thỉnh thoảng lại đi vài chuyến cùng
bác Pumblechook để giúp ông này mua những món hàng và đồ gia dụng cần
đến con mắt lựa chọn của một phụ nữ; bác Pumblechook sống độc thân và
không hề tin tưởng vào người hầu của ông. Hôm nay vừa vặn đứng ngày
phiên chợ, và bà Joe đang vắng nhà thực hiện một chuyến đi như thế.
Joe thêm củi vào lò và cời lò, rồi hai chúng tôi đi ra cửa chờ lắng nghe
tiếng cỗ xe ngựa. Lúc ấy là một buổi tối lạnh lẽo khô ráo, gió thổi mạnh, và
sương giá buông xuống trắng xóa, dày đặc. Một người nằm ngủ ngoài đầm
lầy chắc sẽ chết cóng tối hôm ấy, tôi thầm nghĩ. Và sau đó tôi ngước nhìn lên
các vì sao, rồi tự hỏi một người đàn ông đang chết dần chết mòn vì lạnh cóng
sẽ cảm thấy khủng khiếp đến thế nào khi ngửa mặt nhìn lên chúng, và thấy
không có chút trợ giúp hay trắc ẩn nào từ cả bầu trời sao lấp lánh đó.
“Con ngựa cái về đây rồi,” Joe nói, “rộn ràng như cả một chùm
chuông!”
Tiếng móng sắt của con ngựa gõ xuống mặt đường cứng nghe cũng khá
giàu nhạc điệu, vì nó chạy tới với nước kiệu gấp gáp hơn lệ thường nhiều.
Chúng tôi kê sẵn một cái ghế cho bà Joe bước xuống, rồi cời ngọn lửa lên để
những người đi chợ về có thể thấy khung cửa sáng, sau đó xem qua nhà bếp
lượt cuối cùng để cho chắc mọi thứ đều đâu vào đấy. Khi chúng tôi hoàn tất
mấy việc chuẩn bị này, cỗ xe cũng về tới nơi, trùm quấn đến tận mắt. Bà Joe
nhanh chóng xuống xe, sau đó bác Pumblechook cũng xuống xe, lấy một tấm
chăn phủ lên con ngựa, và không bao lâu sau tất cả chúng tôi đã ở trong bếp,
mang theo vào cùng nhiều khí lạnh bên ngoài tới mức dường như làm hút hết
hơi nóng của lò sưởi.
“Nào,” bà Joe vừa nói vừa hối hả bỏ áo khoác ra đầy phấn khích, “nếu
tối nay thằng nhóc này không cảm thấy biết ơn thì sẽ không bao giờ nó cảm
thấy thế nữa!”
Tôi tỏ vẻ biết ơn hết mức một cậu nhóc có thể tỏ ra khi hoàn toàn
chẳng biết tại sao mình lại buộc phải thể hiện ra cảm xúc này.
“Chỉ hy vọng,” chị tôi nói, “nó sẽ không bị nuông phát hư. Nhưng tôi
lo lắm.”
“Bà ấy không phải kiểu người đó đâu, bà mẹ,” ông Pumblechook nói.
“Bà ấy biết tốt nhất cần làm gì.”
Bà ấy? Tôi nhìn Joe, vừa mấp máy môi vừa nhướng mày, “Bà ấy?” Joe
nhìn lại tôi, cũng mấp máy môi vừa nhướng mày, “Bà ấy?” Chị tôi bắt quả
tang anh giữa chừng, vậy là ông anh rể tôi lại quệt mu bàn tay qua mũi với vẻ
dàn hòa quen thuộc trong những dịp tương tự trong lúc nhìn vợ.
“Thế nào?” chị tôi cáu gắt lên tiếng. “Làm sao mà anh nhìn tôi trừng
trừng thế hả? Nhà đang cháy à?”
“Bà ấy - người vừa được nhắc đến,” Joe lịch sự gợi ý, “là ai nhỉ?”
“Và bà ấy là một phụ nữ, tôi đoán vậy phải chứ?” chị tôi nói. “Trừ phi
anh gọi cô Havisham là một quý ông. Mà tôi dám ngờ anh có thể đi xa tới
mức ấy lắm.”
“Cô Havisham trong thị trấn sao?” Joe hỏi.
“Vậy chẳng nhẽ còn có cô Havisham nào ở ngoài thị trấn sao?” bà chị
tôi vặn lại. “Bà ấy muốn thằng nhóc này tới chơi nhà. Và tất nhiên nó sẽ đi.
Và tốt hơn nó nên chơi ở đó,” chị tôi nói, lắc đầu nhìn tôi như một lời động
viên tôi hãy phấn chấn và hăng hái vận động vào, “bằng không tôi sẽ bảo ban
nó.”
Tôi đã nghe kể về cô Havisham trong thị trấn - tất cả những ai sống
trong vòng vài dặm quanh đây đều từng nghe tới cô Havisham trong thị trấn -
như một quý bà rất giàu có và dữ tợn luôn sống khép kín trong một tòa nhà to
tối tăm ảm đạm được rào giậu chắc chắn để phòng trộm.
“À, chắc rồi!” Joe kinh ngạc lên tiếng. “Anh tự hỏi làm cách nào bà ấy
lại biết Pip!”
“Đồ ngốc!” chị tôi kêu lên. “Ai bảo là bà ấy biết nó?”
“Thì chẳng có người vừa nói,” Joe lại lịch sự gợi ý, “là bà ấy muốn
thằng bé đến nhà chơi còn gì.”
“Vậy bà ấy không thể hỏi bác Pumblechook xem bác có biết thằng bé
nào có thể tới đó chơi không ư? Chẳng lẽ không thể chỉ đơn giản có chuyện
bác Pumblechook là một người thuê nhà của bà ấy, và thỉnh thoảng - tất
nhiên ta không nói là mỗi quý hay nửa năm một lần, vì như thế là đòi hỏi quá
nhiều ở anh mà là thỉnh thoảng - bác cũng tới đó để trả tiền thuê nhà sao? Và
chẳng lẽ lúc đó bà ấy không thể hỏi bác Pumblechook xem liệu bác có biết
một thằng bé nào để đưa tới đó chơi hay không? Và chẳng lẽ bác
Pumblechook, người luôn quan tâm đến chúng ta, cho dù anh có thể không
nghĩ vậy, Joseph,” chị tôi nói với giọng đượm vẻ trách móc, như thể Joe là
đứa cháu nhẫn tâm nhất trên đời, “khi đó lại không nhắc đến thằng nhóc kia,
đứa lúc này đang nhảy cỡn lên” - một điều tôi xin trân trọng tuyên bố tôi
không hề làm - “đứa mà tôi lúc nào cũng cần mẫn cam chịu làm tôi tớ?”
“Lại đúng rồi!” ông Pumblechook reo lên. “Nói hay lắm! Rất trúng
đích! Rất đúng! Bây giờ thì anh biết chuyện rồi đấy, Joseph.”
“Không, Joseph,” chị tôi nói, vẫn bằng giọng trách cứ, trong khi Joe
không ngừng đưa mu bàn tay cọ qua cọ lại trên mũi ra điều biết lỗi, “anh vẫn
chưa hiểu gì đâu - dù anh có không nghĩ thế. Anh có thể cho rằng mình hiểu,
nhưng anh chưa hiểu đâu, Joseph. Vì anh không hề biết là bác Pumblechook,
nghĩ rằng vận hội của thằng bé này có thể đến khi tới nhà cô Havisham, đã
ngỏ lời đưa nó vào thị trấn tối nay bằng xe của bác, cho nó ở lại nhà bác tối
nay, rồi sáng mai đích thân đưa nó đến chỗ cô Havisham. Và Chúa dủ lòng
thương con!” chị tôi kêu lên, ném mũ đi trong cơn tuyệt vọng bất thần, “Tôi
lại phải đứng đây nói lằng nhằng với hai gã ngốc này, bác Pumblechook thì
đang chờ, con ngựa cái phải chịu lạnh ngoài cửa, còn thằng bé này thì lem
nhem bẩn thỉu từ đầu đến tận chân thế này đây!”
Nói dứt lời, chị nhảy bổ tới tôi như diều hâu vồ cừu non, và mặt tôi bị
nhúng vào từng chậu gỗ nước để rửa, rồi đầu tôi bị kê vào dưới vòi của thùng
nước, rồi tôi được xát xà phòng, kỳ cọ bằng khăn, gãi cào đến xước cả da,
cho đến khi tôi tối tăm mặt mày. (Đến đây tôi có thể nói tôi vẫn cho rằng
mình là người quen thuộc hơn ai hết với cạnh sắc của cái nhẫn cưới khi nó
chà xát không chút thương xót lên thân người.)
Khi việc rửa ráy cho tôi đã hoàn tất, tôi bị nhét vào bộ đồ mặc trong
bằng vải linen sạch cứng đơ, hệt như một nhóc sám hối phải khoác vải gai lên
người, rồi bị trùm ra ngoài bằng một bộ đồ chật chội hãi hùng nhất tôi từng
phải mặc. Tiếp theo, tôi được bàn giao lại cho ông Pumblechook, ông nghiêm
trang nhận tôi như thể là cảnh sát trưởng, và dành cho tôi câu dạy dỗ tôi biết
ông đã nóng lòng được nói ra nãy giờ: “Cậu bé, hãy mãi mãi biết ơn tất cả
những người bạn, và nhất là những người đã nuôi cháu bằng tay!”
“Tạm biệt, Joe!”
“Chúa ban phước lành cho cậu, Pip, anh bạn của tôi!”
Từ bé đến giờ tôi chưa bao giờ phải xa anh, và do cảm xúc đang dâng
lên cũng như do bọt xà phòng, thoạt đầu tôi chẳng nhìn thấy ngôi sao nào khi
ngồi trên xe. Nhưng rồi chúng lần lượt hiện ra nhấp nháy, dù chẳng rọi thêm
được chút ánh sáng nào lên câu hỏi vì sao tôi phải đến chơi nhà bà cô
Havisham, và tôi sẽ phải chơi gì ở đó.
Great Expectations (Tiếng Việt) Great Expectations (Tiếng Việt) - Charles Dickens Great Expectations (Tiếng Việt)