Số lần đọc/download: 5248 / 28
Cập nhật: 2017-12-28 08:30:50 +0700
Chương 7
V
ũ từ từ nói hết ý mình về việc thiết lập bệnh viện dành riêng cho bệnh nhân nghèo. Các bạn chàng, bác sĩ Thân, bác sĩ Trọng, bác sĩ Dụng, bác sĩ Lương đều chăm chú ngồi nghe. Thỉnh thoảng, họ lại nhìn Vũ với đôi mắt nửa kinh ngạc nửa lạ lùng. Tuần trước, Vũ điện thoại mời các bạn dùng cơm trưa tại nhà, rồi nhơn cuộc họp mặt, chàng trình bày ý kiến của mình. Các bác sĩ đều ngơ ngác, không hiểu Vũ dự tính chương trình đó từ bao giờ và do yếu tố nào thức đẩy?
Vũ vẫn cất giọng đều đều:
- Chúng ta họp mặt hôm nay cũng gần đủ số những bè bạn thân ở Pháp. Chắc các anh bất ngờ về dự tính của tôi, nhưng nếu ai còn nhớ đêm Noel ở nhà chị Hường năm, sáu năm trước, việc nhắc nhở những gì mình dự tính, khi còn là sinh viên, chắc không có chi là lạ!
Bốn bác sĩ đều lặng thinh hồi tưởng lại buổi họp mặt trên đất Pháp. Thật tình không ai quên các đêm vui vẻ đó, song họ nghĩ chuyện kia đã qua như bao nhiêu chuyện trà dư tửu hậu. Nào ngờ Vũ còn nhớ và có ý định thực hiện...
Bác sĩ Trọng là người thân nhứt với Vũ, rất chú ý lời bạn nói. Trọng ngỡ Vũ đang gặp phải một phản ứng tâm lý nào đó, nên mới nghĩ đến việc thiết lập bệnh viện miễn phí.
Vũ thấy mình đã nói hết ý mà các bạn vẫn lặng thinh, liền hỏi:
- Thế nào? Các anh chẳng ai bày tỏ ý kiến gì sao? Hay tại tôi nhắc nhở không nhằm lúc?
Bác sĩ Thân nhìn chiếc quạt đang xoay trên trần; bác sĩ Dụng và Lương ngầm trao đổi với nhau một ý gì; riêng Trọng, hút hết một hơi thuốc, mới cất tiếng:
- Anh nhắc chuyện đó bây giờ cũng phải, nhưng...
- Sao hả anh?
- Nhưng... trong ý định của anh, có chỗ cần nghĩ lại.
- Nghĩ sao?
Trọng tiếp lời:
- Theo anh việc xây cất bệnh viện để săn sóc, điều trị bệnh nhân, đều trông vào sự đóng góp tiền bạc, công sức của chúng ta và những nhà hảo tâm. Nghĩa là bệnh viện sẽ không thâu tiền bất cứ ai?
Vũ gật đầu:
- Đúng thế!
- Tôi sợ anh không thực tế vì bệnh viện sẽ không thể nào đứng vững lâu được.
Vũ quả quyết:
- Anh không phải lo! Bạn đồng nghiệp của ta nào phải ít, ai lại không có lòng bác ái? Người nào cũng dư dả hằng muôn, hằng triệu, bỏ ra chút đỉnh làm việc công ích, tôi tin họ sẽ sẵn lòng. Nhiều người có tiền dư chẳng biết làm gì mà.
Rồi Vũ dẫn chứng lời nói của mình:
- Các anh có biết bác sĩ Điền không?
- Biết chớ!
- À! Hồi ở Pháp về, tôi gặp ổng trong một bữa tiệc. Ông đã thân mật bảo tôi: Toa sẽ chán cái nghề "gõ be sườn" ở xứ mình! Làm tiền cho nhiều rồi không biết làm gì? Gởi băng chồng chất, cũng phát ngán. Coi cái phòng mạch tồi tệ như vậy chớ gởi Đông Dương Ngân Hàng trên mười triệu bạc đó.
Trọng gật đầu:
- Bác sĩ Điền thì nhứt định giàu rồi!
Dụng cất tiếng:
- Ông Điền nói phải đó. Nhiều lúc mình nghĩ cũng chán. Có tiền chẳng biết làm gì? Ngày chủ nhật chỉ còn có nước rủ năm ba thằng bạn đến đánh phé hay tứ sắc giải khuây.
Vũ được thể nói thêm:
- Đó, các anh thấy chưa? Thiếu gì người dư tiền, dư thời giờ mà không biết làm gì? Tại sao mình không thuyết phục được họ?
Trọng nói:
- Tôi tin có người sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của anh, nhưng số đó không nhiều đâu.
- Sao vậy?
- Vì cha nào bây giờ cũng lo thủ phận làm giàu. Bên ngoài họ bảo dư tiền không biết làm gì, chớ thực tế họ chỉ lo sắm hột xoàn cho vợ. Họ không phí tiền vì việc "công ích” đâu.
Lương ngập ngừng bảo Vũ:
- Bệnh nhân nghèo... thì có nhà thương thí... Sao anh khéo lo dữ vậy?
Vũ lặp lại:
- Nhà thương thí! Có thấm gì đâu so với số bệnh nhân do nghèo đói, chiến tranh gây ra đã làm hao mòn sinh lực dân ta, suốt bao năm rồi.
Trọng cất tiếng:
- Ý kiến của anh rất đúng và chính tôi cũng thấy cần thực hiện, nhưng phải có kế hoạch... Tính như anh, nếu đa số đồng nghiệp không hưởng ứng, chương trình gãy đổ ngay. Lập bệnh viện thì rất có hy vọng, nhưng tiền đâu tiếp tục mua thuốc men, dụng cụ để chữa trị bệnh nhân? Xin mãi các nhà hảo tâm được sao? Họ sẽ ngán gặp chúng mình rồi việc lợi ích cũng đành bỏ dở...
Vũ đắn đo trước câu nói của Trọng. Chàng khẽ hỏi:
- Theo anh, kế hoạch phải thế nào?
- Tôi thì tôi không lập bệnh viện thí mà là bệnh viện "tính giá rẻ” tùy hoàn cảnh gia đình bệnh nhân. Nếu bệnh nhân quá nghèo mình cũng trị không công vậy. Mình cần tiền để mua thuốc và trả công ít nhiều cho anh em chớ.
- Sao lại tính tiền công bác sĩ? Anh đùa ư?
- Không! Tôi nói thật chớ. Đã là bệnh viện thì cần nhiều bác sĩ chuyên khoa. Các bạn nghĩ sao?
Vũ nhìn bác sĩ Dụng trước hơn hết. Dụng ngập ngừng:
- Tôi... thì... chắc còn phải nghĩ lại.
Vũ quay đi. Trong đôi mắt chàng thoáng nét khó chịu. Chàng tin tưởng Dụng là người khá nên mời đến đây. Thật không ngờ. Khi còn ở Pháp, mỗi một chuyện gì Dụng cũng hưởng ứng trước hơn ai hết. Có khi lại đề xướng nữa. Vũ nhìn sang bác sĩ Lương. Lương lắc đầu:
- Tôi thì anh cũng biết hoàn cảnh nặng nề lắm. Phần bận rộn luôn, sợ không đủ thì giờ.
Vũ thở dài ngó bác sĩ Thân. Thân lúc nào cũng điềm đạm:
- Tôi thì ai sao tôi vậy. Các anh tính thế nào tôi xin theo thế ấy.
Vũ vui mừng:
- Có anh Thân cũng đỡ khổ, chớ không tôi với Trọng sẽ đơn độc lắm.
Lương ái ngại nói:
- Tôi thật tình lắm anh Vũ! Liệu mình không đủ sức là nói ngay.
- Tôi hiểu lắm!
Bầu không khí trong phòng trở nên nặng nề. Dụng và Lương thấy mình ngồi nán lại cũng thừa nên đứng lên cáo từ. Thân cũng theo hai người. Vũ và Trọng đưa ba bạn ra cửa. Khi ba chiếc xe nhà rời khỏi cổng biệt thự rồi, hai người mới trở vào. Vũ bảo bạn:
- Tôi thật không thể ngờ, mới có mấy năm mà anh em mình đều thay đổi hết. Những người như anh Dụng, anh Lương ngày xưa thật hăng hái vì việc "công ích" bao nhiêu, bây giờ lại thế.
Trọng lắc đầu cười:
- Anh thật thà quá mà ham làm những chuyện bất ngờ. Bộ anh tưởng ai cũng như cũ hết sao? Địa vị xã hội và hoàn cảnh gia đình đã biến đổi con người. Anh không chịu tìm hiểu Dụng và Lương cho thật kỹ mà cứ tưởng như khi còn ở Pháp. Họ bây giờ khác xưa nhiều lắm.
- Tôi cũng thấy thế.
- Anh không chịu thấy trước, để khỏi phải mời họ đến đây thố lộ tâm tình. Họ sẽ đi nói xấu anh khắp nơi cho mà xem.
Vũ nhìn sững bạn:
- Có thể như vậy sao?
- Tôi đoán thế, vì có nói xấu anh, họ mới đỡ phải mắc cỡ.
- Thiệt bậy quá!
Trọng đốt thuốc, ngả lưng vào thành ghế:
- Anh Dụng tệ lắm. Tôi cũng nghe người ta nói nhiều, nhưng có chuyện nầy khiến tôi rất bất nhẫn.
- Chuyện gì anh?
- Cô у tá làm cho tôi bây giờ, trước đã từng giúp việc ở phòng mạch anh ấy. Cô kể cho tôi nghe một chuyện thật đáng buồn: có một bà lão coi bộ nghèo khổ lắm, vì thiếu có hai chục đồng bạc mà bị Dụng đuổi ra khỏi phòng mạch với lời lẽ cộc cằn.
Vũ mở to đôi mắt:
- Tàn tệ vậy sao? Dụng mà có hành động như thế được ư?
- Sự thật là thế? Dụng xem mạch cho toa với giá nhứt định bảy chục đồng. Bà lão có năm chục thì phải... (giá trị đồng tiền hồi năm 1950 ở Sài Gòn)
- Trời, tôi thật không ngờ. Hay là tại cô у tá của anh ghét Dụng mà đặt điều.
- Cô ấy khinh Dụng mới xin thôi. Chính tôi cũng nghĩ như anh nên mới gặp Dụng để hỏi thăm cho biết sự thay đổi tâm tánh của một người bạn cũ.
Trọng nín lặng hút một hơi thuốc dài. Vũ nóng lòng hỏi:
- Dụng có nhìn nhận chuyện đó không?
Trọng gật đầu:
- Chuyện у như thế không thêm không bớt. Dụng còn khuyên tôi một câu: "Anh nên coi chừng những hạng người đó. Họ thấy mình dễ dãi, họ làm bộ làm tịch, bớt tới bớt lui. Họ không đủ tiền mà dám vào phòng mạch của mình. Nhiều khi họ muốn phá giá mình đó!"
Vũ lặng thinh không nói nữa. Sự việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng của chàng. Thế mà chàng đi mời Dụng tiếp tay để lập bệnh viện thí cho dân nghèo. Thiệt là trớ trêu! Một lúc, chàng hỏi Trọng:
- Thế còn anh Lương thì sao?
Trọng mĩm cười đáp:
- Cha đó thì "thực lộc chi thê”, vợ sai đâu làm đó. Trọng và Vũ thân nhau từ khi mới đặt chân lên chuyến tàu sang Pháp, nên bọ cùng hiểu hoàn cảnh của nhau. Trọng nói chuyện bác sĩ Lương "thực lộc chi thê" không làm cho Vũ phiền lòng vì biết bạn không chút ẩn ý nào cả. Tuy nhiên, chàng cũng thấy ngượng khi hỏi thêm chuyện của Lương. Trọng tiếp:
- Vợ bỏ tiền ra lập bệnh viện tư, tối ngày "cha ấy" lu bu với công việc, chắt mót từng trăm bạc, để bên vợ thấy rõ mình làm được việc. Anh định mời "cha ấy" đi làm thí công với bọn mình hay xuất tiền ra thì nhứt định không được rồi. Chị ấy không thích thì đời nào “cha ấy” dám.
Hai người cùng yên lặng rất lâu. Vũ chợt nghĩ đến bác sĩ Thân:
- Không ngờ chỉ có anh Thân hiền lành lại ít thay đổi.
- Ờ! Cha đó bao giờ cũng vậy! Ít nói, đạo mạo, không hăng hái lắm nhưng ai đi tới đâu là theo tới đó. Tôi mến Thân một phần nhờ vậy.
Mộng Ngọc đun nước khuấy cà phê ở phòng bên, được dịp nghe rõ câu chuyện trao đổi giữa Vũ và các bạn. Chính nàng cũng bất ngờ trước dự tính của chồng. Vũ nghĩ đến một công việc to tát như thế mà cũng không cho nàng biết? Mộng Ngọc thở dài, trong lòng buồn khổ vô cùng.
Đã mấy tháng qua rồi, từ ngày Vũ đi tìm không gặp Hiền trở về, tánh tình chàng trở nên lạnh lùng khó hiểu. Chỉ những khi chàng giỡn với bé Dung là còn cười nói vui vẻ. Ngoài ra, lúc nào nét mặt Vũ cũng lầm lầm, lì lì đến khó hiểu. Chàng làm việc suốt ngày và đọc sách khuya hơn trước kia. Giữa vợ chồng, Mộng Ngọc cảm thấy như có một bức rào ngăn cách.
Mộng Ngọc chỉ biết buồn lấy phận mình, nhưng lúc nào cũng hết lòng thương yêu chăm sóc cho Vũ. Nhiều hôm, Vũ làm việc quên dùng cơm, nàng cũng không dám kêu mà lại mang đồ ăn sang phòng mạch cho chàng. Nàng thấy Vũ nhìn nàng với đôi mắt bớt lạnh lùng hơn và lời trao đổi giữa hai vợ chồng đượm ít nhiều thân mật.
Bây giờ, Mộng Ngọc thấy những giờ phút đó rất quý trong đời mình. Và nàng hy vọng một ngày nào đó, Vũ sẽ hết hẳn thái độ lạnh lùng dễ sợ kia. Nàng tin tưởng ở sự khôn khéo chiều chuộng của mình sẽ làm cho Vũ bớt buồn rầu vì sự ra đi của Hiền. Mộng Ngọc bưng cà phê ra cho Vũ và Trọng, rồi hỏi chồng, mặc dù đã biết rõ:
- Mấy anh Dụng, Lương, Thân về hết rồi hả mình? Sao mấy ảnh không ở lại uống cà phê?
Vũ nhìn vợ gật đầu, trong lúc Trọng cất tiếng:
- Họ về hết, tôi được uống nhiều hơn phải không chị?
Mộng Ngọc mỉm cười trước câu pha trò của Trọng, nhưng nàng cũng cảm thấy sự có mặt của mình khiến Vũ không mấy vui. Nàng để tách cà phê bên cạnh Vũ rồi lặng lẽ quay vào. Trọng thoáng nhận thấy cử chỉ lạnh nhạt giữa vợ chồng Vũ. Chắc có chuyện gì xảy ra giữa hai người, song chàng không dám hỏi.
Vũ bỗng hỏi Trọng:
- Bây giờ chúng mình tính sao hả anh?
Trọng lo ra nên giựt mình hỏi lại:
- Tính việc gì bây giờ?
- Kìa! Cái bệnh viện mình định xây cất đó.
- Thì tiếp tục chương trình anh hoạch định, chớ có sao đâu?
Vũ nói:
- Tôi cảm thấy chúng mình lẻ loi quá! Những bạn thân nhứt, giàu tâm huyết nhứt mà ngày nay đã như thế thì còn biết kêu gọi ai nữa.
Trọng mỉm cười:
- Anh đừng vội bi quan. Ngoài bạn bè thân, giới chúng ta thiếu chi người có tâm huyết, biết thương đồng bào. Đâu phải tất cả đều tham lam, chỉ lo chắt mót làm giàu đâu?
Ngừng một phút, Trọng tiếp:
- Nhưng... có điều tôi hơi e ngại.
- Điều gì anh?
- Chúng ta còn quá trẻ, vả lại chưa có thành tích gì đáng cho các bạn đồng nghiệp nể trọng, ngoài một nguyện vọng tha thiết chưa thực hiện. Tôi sợ mình không đủ uy tín đối với mọi người.
Vũ hỏi:
- Theo ý anh mình phải có thành tích gì?
- Một là chúng ta phải thật giàu tiền, hoặc đã có nhiều tuổi nghề, làm bác sĩ lâu năm thì nói họ mới chịu nghe.
- Cha! Cả hai điều kiện, tôi với anh đều không có, biết làm sao? Tiền thì chúng mình có giàu hơn ai đâu? Còn tuổi nghề thì chưa được ba năm.
Trọng gật đầu nói:
- Khó khăn là ở đó. Phải chi bè bạn cũ đều hưởng ứng công việc của mình rồi chúng ta lấy số đông tranh thủ tình cảm từng người. Đằng nầy...
Vũ thở dài:
- Thế là hết hy vọng.
- Anh cứ hay nông nổi. Tính việc gì cũng hăng hái lắm, chừng gặp trở ngại là chán ngay. Đâu được, phải đeo đẳng dằng dai, san bằng mọi khó khăn mới thực hiện được.
Hai người lại lặng thinh. Một lúc sau, Trọng nói:
- Tôi có ý này có thể thành công được!
- Ý gì anh?
- Chúng mình đừng nên đứng ra đề xướng việc xây cất bệnh viện mà nhờ một người khác.
Vũ hỏi:
- Nhờ ai?
- Một bác sĩ nhiều năm trong nghề, lớn tuổi và có uy tín trong giới.
- Ai vậy anh?
Trọng đáp:
- Cha vợ tôi.
- Bác sĩ Thuận?
- Phải! Tôi sẽ bàn qua ý chúng mình với ông rồi cho anh hay sau?
Vũ lo ngại:
- Liệu bác Thuận nhận lời không?
Trọng mỉm cười:
- Tôi cũng đang tự hỏi như anh, nhưng mười phần có hy vọng được chín. Vợ tôi là con một anh quên sao, tôi sẽ nhờ "elle" tranh thủ giúp chắc thành công mà.
Vũ nói:
- Được bác Thuận đứng ra đề xướng thì còn gì bằng. Trong giới bác sĩ ai lại không nể bác? Hay là thế nầy...
Trọng hỏi ngay:
- Anh có ý gì khác chăng?
- Anh cứ để chị tranh thủ lần lần với bác, bao giờ thấy có hy vọng, anh và tôi đến gặp bác. Xem chừng bác Thuận cũng mến tôi lắm!
- Được! Tôi cũng nhận thấy ba tôi mến anh. Thôi, tôi về đây.
Trọng đứng lên toan bước ra nhà sau chào Mộng Ngọc, thì Mộng Ngọc đã ra cửa hỏi:
- Anh cũng về sao?
- Đã hai giờ hơn rồi chị. Tôi không về "bả" lại cằn nhằn.
Mộng Ngọc biết vợ Trọng vốn hiền dịu và nể chồng, không bao giờ có thái độ đó nên cười đáp:
- Anh làm như chị khó khăn lắm vậy?
- Thật mà chị! Bây giờ có thai thêm đứa thứ ba, xấu đi, nên bả bắt đầu ghen.
-Thôi đi anh! Anh đặt chuyện nói xấu chỉ hoài. Tôi mét đa.
Trọng nói:
- Thôi! Tôi xin chị...
Chàng cúi chào Mộng Ngọc rồi bắt tay Vũ ra cửa. Chàng thấy mặt bạn trở nên lạnh lùng một cách khó hiểu. Nhứt định có chuyện gì xảy xa trong tòa nhà nầy. Trọng nghĩ thế nên định bụng sẽ hỏi Vũ lúc thuận tiện.
Vũ đưa Trọng ra đến ngoài xe rồi dặn thêm:
- Bao giờ có hy vọng anh điện thoại, tôi sẽ đến ngay.
- Được mà! Anh cứ tin ở tôi.
Xe Trọng đi rồi, Vũ quay vào nhà thấy vợ đứng trước cửa. Chàng cúi mặt, lặng lẽ bước vào phòng khách. Mộng Ngọc theo sau chồng, khẽ hỏi:
- Mình định lập bệnh viện đó thật à?
Vũ từ từ quay lại:
- Bộ em tưởng anh bịa để giỡn chơi sao?
- Dạ, em đâu dám nghĩ vậy! Chương trình to tát như vậy mà anh không bàn qua em biết.
Mộng Ngọc cố gượng lắm mới khỏi nghẹn ngào. Vũ đáp:
- Anh cũng định sẽ cho em biết chớ. Nhưng đến giờ phút nầy, mọi chuyện nào đã đi đến đâu.
- Đành thế, song ít ra anh cũng bàn qua với em, xem em có giúp được gì chăng? Cũng như ngày xưa...
Hình như động mối thương tâm, Mộng Ngọc không dằn lòng được, nức nở:
- Mấy tháng nay, anh sống như một người xa lạ trong cái gia đình nầy. Em đã cố gắng hết sức mình, để được vừa lòng anh nhưng rồi vẫn phải chịu cái cảnh lạnh nhạt, bẽ bàng.
Mộng Ngọc ngồi xuống ghế, ôm lấy mặt khóc:
- Em và con nào có tội tình gì đâu anh?
Vũ bồi hồi xúc động. Thật tình, chàng có muốn làm khổ Mộng Ngọc đâu? Nhưng mà sự thể đã xảy ra như vậy, chàng không biết làm sao? Mỗi lần đến bên Mộng Ngọc, chàng lại nghĩ đến Hiền, nghĩ đến cảnh đời đau khổ mà nàng đang trải qua. Rồi tự nhiên, chàng thấy khó thể nói một câu âu yếm với vợ.
Vũ đến gần Mộng Ngọc nói nhỏ:
- Thôi em. Nào có gì đâu? Em cứ hay nghĩ ngợi bâng quơ rồi tưởng... vậy…
- Không. Em không lầm đâu! Em biết là tình chồng vợ chúng mình đã sứt mẻ nhiều rồi. Không hiểu sao, hôm nay em lại khóc, chớ em định bụng sẽ cố gắng mãi mãi để tìm lại những ngày vui đẹp xa xưa. Và em tin tưởng em sẽ thành công.
Vũ càng thấy tội nghiệp vợ hơn, chàng ngồi xuống bên thành ghế ôm lấy nàng vào lòng. Mộng Ngọc ngả đầu lên bụng chàng, nước mắt ràn rụa. Mấy tháng qua rồi, đây là lần đầu tiên hai vợ chồng mới có dịp âu yếm bên nhau và cởi mở ít nhiều u ẩn trong lòng. Mộng Ngọc tiếp:
- Nếu em thất bại, không tìm lại được niềm vui cũ trong gia đình chắc là em và con sẽ không ở bên anh nữa.
Câu nói của nàng vô tình làm cho Vũ nghĩ đến hoàn cảnh của mẹ con Hiền. Tự nhiên chàng thấy lòng mình "lạnh tanh". Chàng đứng lên, đi qua đi lại trong phòng. Mộng Ngọc ngạc nhiên nhìn chàng, không hiểu gì hết. Chàng có thái độ đó là vì đâu? Vũ thở dài lấy thuốc ra hút. Đầu óc chàng bị ám ảnh nặng nề vì sự bỏ đi của Hiền. Chính vì Hiền không tìm lại được "niềm vui cũ" nên phải lặng lẽ ra đi trong sự buồn đau, khổ hận. Câu hỏi nầy vẫn dầy xéo tâm hồn Vũ: "Từ bao lâu nay, nàng và con sống bằng gì, lấy tiền đâu mà sống?”. Mỗi khi nghĩ đến sự sa chân, lỡ bước của bao nhiêu thiếu nữ trên đường đời, chàng lại thấy mình chết đi được. Vũ đã mướn người đi tìm Hiền khắp mọi nơi và vẫn thường liên lạc với Giáo Hoài ở Phước Định, xem Hiền có trở về đó chăng, nhưng vẫn không hy vọng. Mấy tháng nay, bệnh tình của bé Lệ đã như thế nào rồi? Thật khổ cho chàng. Đã là bác sĩ mà con đau không săn sóc được. Mộng Ngọc thấy Vũ tuy đang đứng gần mình nhưng trí nghĩ đâu đâu thì nhìn xuống đất. Nàng biết chàng đang nhớ đến mẹ con Hiền và trong giờ phút nầy, mình chỉ là một kẻ thừa.
Ngọc đứng lên từ từ bước vào trong. Vũ giựt mình cất tiếng gọi:
- Mộng Ngọc.
Ngọc dừng chân, khẽ hỏi:
- Anh gọi em?
- Em đi đâu vậy?
Nàng quay lại nhìn chồng, cố gượng cười:
- Em ra nhà sau, chớ có đi đâu đâu.
Rồi nàng bước nhanh vào trong. Vũ ngồi xuống ghế, ngả lưng ra sau nhìn lên trần nhà. Vũ cũng thấy mình đối xử quá bất thường với Mộng Ngọc, nhưng chàng chưa thay đổi được, biết sao? Chàng muốn nói một câu cho vợ khỏi buồn lòng nhưng tìm mãi không ra lời.
Mộng Ngọc từ trong phòng nói vọng ra:
- Anh khỏi bận lòng. Em còn chịu đựng được mà.
Rồi nàng im lặng hoàn toàn. Vũ ngồi xuống ghế, ngả lưng ra sau, nhìn lên trần nhà. Không biết đến bao giờ chàng mới tìm lại được sự bình tĩnh trong tâm hồn và thoát ra ngoài nỗi giằng co giữa hai bổn phận.
Chàng vói tay lấy tờ báo ở trên bàn xem qua những hàng tít lớn bên trang nhứt. Lòng chàng càng chán nản hơn. Cuộc chiến tranh Việt Pháp cứ kéo dài. Hôm nay, họ đăng tin về cuộc hành quân của Pháp ở Đồng Tháp Mười với những lời tường thuật như sắp đặt trước. Có đọc báo rồi cũng như không. Vũ lật sang trang tư và đôi mắt chàng liếc qua những hàng chữ mà không để tâm cho lắm.
Bất đồ chàng ngồi nhỏm dậy, chăm chú nhìn vào tờ báo. Có thể như vậy sao?
Chàng đọc lại một lần nữa:
Nhắn Tin Cô Hiền,
Nên đem bé Lệ trở về, anh V. đang nhớ con và khổ lắm! Tôi cũng rất khổ tâm vì đã hiểu lầm cô. Được tin này, cô nên về ngay.
Ngọc
Vũ đứng thẳng lên, nắm chặt tờ báo trong tay. Đúng là Mộng Ngọc đã nhắn tin cho Hiền, chớ không ai khác. Nàng sợ để lộ tên mình, các bạn khác biết nên phải viết tắt chữ V. Tại sao Mộng Ngọc lại làm thế? Chàng toan gọi vợ, nhưng không hiểu nghĩ sao lại thôi.
Mộng Ngọc đã đăng những hàng nhắn tin tự bao giờ? Sao nàng không cho chàng biết mảy may nào hết? Vũ càng nhận thấy một cách rõ ràng hơn, điểm tế nhị trong tâm hồn Mộng Ngọc. Nàng đau khổ lắm, nhưng vẫn âm thầm chịu đựng và tìm hết cách dò la tin tức của Hiền để làm vừa lòng chồng. Nhưng Mộng Ngọc nhắn tin cho Hiền trở về, rồi câu chuyện giữa ba người sẽ giải quyết ra sao? Ngọc đã chấp nhận sự có mặt của Hiền trong gia đình này ư? Hay là nàng đã tìm thấy một phương cách giải quyết khác hơn! Vũ chợt nhớ đến câu nói của Mộng Ngọc lúc nãy:
- "Nếu em thất bại, không tìm lại được niềm vui cũ trong gia đình, chắc là em và con sẽ không ở bên anh".
Vũ thấy lo lắng trong lòng. Có thể Mộng Ngọc dự định rời chàng mãi mãi chăng? Có tiếng động ở chỗ phòng ngủ, Vũ giựt mình quay lại thấy bé Dung vừa mới thức giấc trưa. Nó đứng xa xa nhìn cha, chớ không chạy a đến bên cha như mọi khi, Vũ thoáng ngạc nhiên trước thái độ của con, nên dang hai tay ra gọi:
- Dung, đến đây với ba.
Bé Dung gật đầu không đáp. Vũ lo lắng nhìn con, mọi hôm dù mới thức nó cũng nói cười luôn miệng, chớ có phụng phịu như vầy đâu. Hay là nó muốn bệnh? Vũ sờ tay lên trán con thấy mát rượi như thường thì không đáng lo.
Chàng cúi xuống hỏi con:
- Dung, làm sao vậy? Con giận ba đó à?
Nó lắc đầu. Vũ lại hỏi:
- Sao con không cười với ba? Đâu con nhìn ba coi nè.
Bé Dung vẫn xụ mặt. Vũ chợt nhớ là mình hứa mua cho Dung một con búp bê lớn biết mở mắt, nhắm mắt nhưng chưa kịp mua. Có lẽ nó giận chàng là vì thế!
Chàng cười bảo con:
- Dung giận ba chưa mua búp bê chớ gì?
Nó lắc đầu, rồi nói:
- Không! Con không ham búp bê đâu. Ba đừng đánh má con nữa.
Vũ sững sờ nhìn con không hiểu nó muốn nói gì? Chàng nhấc nó lên để ngồi trên đùi mình, hỏi lại:
- Con nói gì lạ vậy?
Dung đáp y như lúc nãy:
- Con không ham búp bê nữa đâu! Ba đừng đánh má con nữa nghe ba.
Mộng Ngọc từ phía nhà sau vừa lên đến nơi, nghe con nói thế thì lộ vẻ lo âu rõ rệt. Nàng muốn chận lời bé Dung nhưng không biết phải làm sao? Vũ ngồi xây mặt ra cửa, không thấy vợ đang đứng phía sau mình. Chàng vẫn chưa đoán được lời nói ngây ngô của con phát sinh vì nguyên do nào, nên hỏi nó:
- Nào ba có đánh má bao giờ đâu? Sao con nói vậy?
Bé Dung ngước lên nhìn chàng quả quyết:
- Có nè! Đêm hôm qua, má khóc con thấy đây. Con đang ngủ mà nghe má khóc con thức đó. Con hỏi má, má còn chối nữa nè. Sao ba đánh nhiều quá vậy ba? Má khóc ướt hết trơn gối hà.
Vũ bồi hồi thương cảm và chàng thầm đoán được phần nào câu chuyện. Thì ra đêm đêm, Mộng Ngọc vẫn khóc một mình trong phòng vắng. Còn ban ngày, nàng cố giữ vẻ mặt hết sức bình thường, để cho chàng không để ý. Bé Dung tiếp nói:
- Con hỏi má, má nói tại con đòi mua búp bê hoài, nên ba đánh má. Con thương má quá ba à. Ba đừng đánh má nghe. Con không đòi mua gì nữa hết.
Vũ thấy tràn ngập trong lòng niềm hối hận. Chàng ôm chầm lấy con nói:
- Không. Ba không đánh má nữa đâu. Má có tội gì mà hành hạ má. Tội là tội của ba mà.
Vũ gục đầu vào mình con, trong lòng đau đớn xót xa. Chàng bị một cơn khủng hoảng quá nặng nề, nên đã lạnh nhạt với Mộng Ngọc một cách sai lầm. Hiền và bé Lệ chịu khổ đã đành rồi, sao chàng lại gây thêm sự buồn khổ cho Mộng Ngọc và bé Dung? Hai mẹ con nàng nào có lầm lỗi gì đâu? Chàng chợt nghe có tiếng nức nở sau lưng mình, nên quay phắt lại. Mộng Ngọc đang bước đến bên chàng, nước mắt tuôn tràn xuống má. Bé Dung cũng vừa nhìn thấy mẹ reo lên:
- Má! Má.
Nó bỏ Vũ chạy đến ôm chầm lấy mẹ. Mộng Ngọc bồng lấy con, ôm chặt vào mình. Vũ cũng đứng lên từ từ bước đến bên nàng, nói nhỏ:
- Em tha thứ cho anh.
Mộng Ngọc lắc đầu:
- Không. Anh đừng nói vậy. Em đâu dám.
- Không! Anh có lỗi mà. Anh đã làm khổ em hết sức vô lý. Từ mấy tháng nay, sự ra đi của Hiền và bé Lệ khiến anh mất hết bình tĩnh mà xử sự không đúng với em. Nhưng khổ quá...
Vũ ngồi xuống bên thành ghế "sa lông" ôm lấy đầu. Mộng Ngọc thả bé Dung xuống đất rồi bảo nhỏ bên tai con:
- Dung ra nhà sau chơi nghen.
Giọng nàng nghiêm nghị, bé Dung không dám hỏi gì thêm, chạy thẳng đi. Mộng Ngọc đến bên chồng, khẽ nói:
- Không có gì hết, mình à. Bao giờ em cũng vẫn thương yêu kính trọng mình. Em không phiền trách gì đâu.
Vũ ngước lên, nắm lấy tay vợ kéo xuống ngồi cạnh bên mình rồi nói:
- Anh biết. Anh hiểu rõ tấm lòng cao đẹp của em. Những lời nhắn tin trên báo kia có phải là của em không? Em đăng từ bao giờ?
Mộng Ngọc bẽn lẽn cúi đầu. Nàng vui mừng vì Vũ đã hiểu được tấm lòng của nàng đối với Hiền cũng như đối với chàng. Đợi Vũ hỏi thêm lần nữa, nàng mới đáp:
- Dạ, đăng lâu rồi mình. Từ hôm anh đi Vĩnh Long về. Đã ba tháng qua mà không có tin tức gì của Hiền.
Vũ thở dài:
- Chắc không bao giờ Hiền trở lại đây nữa. Nàng muốn lánh mặt luôn cho gia đình ta được trọn vẹn hạnh phức.
- Em cũng biết thế, nên em thành thật quí trọng cô ấy, mình à.
Vũ nhìn Mộng Ngọc, bồi hồi xúc động. Chàng lại nghĩ ngợi xa xôi. Nếu một khi Hiền và con chàng tìm về đây, Mộng ngọc sẽ đối xử như thế nào? Nàng có giữ được sự quí trọng Hiền chăng? Vũ nghĩ thế thôi, chớ không muốn hỏi Mộng Ngọc. Bây giờ, không có Hiền, chàng cứ tạm nhìn nhận tấm lòng tốt của vợ đi... rồi mai kia, nếu hai người cò dịp gần nhau... đó lại là chuyện khác.
Mộng Ngọc bỗng hỏi chồng, với giọng âu lo:
- Mấy tháng qua rồi, em không thể nào hiểu được Hiền mang con đi đâu và sống bằng gì?
Vũ đáp:
- Chính anh cũng thắc mắc điều đó.
- Hôm anh về Vĩnh Long, sự việc xảy ra như thế nào, em chưa hiểu rõ lắm. Em thấy anh quá buồn khổ thì đoán là không gặp được cô ấy...
Mộng Ngọc nói xong, nhìn chồng chờ đợi.
Vũ gật đầu:
- Em đoán đúng như vậy.
- Cô ấy không về Vĩnh Long sao?
- Có chớ! Nhưng khi anh xuống đến nơi thì Hiền đã đem con qua Cái Bè để làm cho một tiệm may nhưng tiệm may đã đổi chủ. Rồi cũng không biết Hiền trôi giạt về đâu?
Mộng Ngọc bàn vào:
- Cái Bè là một chợ nhỏ, anh không tìm được cô ấy sao?
- Anh đã dùng đủ mọi phương cách tìm kiếm Hiền, nhưng không gặp được. Anh ngỡ là nàng đã thấy anh nên lánh mặt luôn.
Hai người lại lặng thinh cùng nghĩ đến hoàn cảnh của Hiền hiện tại. Một lúc sau, Mộng Ngọc lại nhớ đến việc xây cất bệnh viện của Vũ nên hỏi:
- Chương trình xây cất bệnh viện sẽ bắt đầu như thế nào hả anh? Lúc nãy, em chưa kịp hỏi hết.
Vũ đứng lên rồi ngồi ghế đối diện đáp:
- Anh và Trọng sẽ vận động những người có uy tín trong giới đứng ra đề xướng.
- Như ai hả anh?
- Như bác sĩ Thuận, cha vợ của anh Trọng.
Mộng Ngọc nghĩ đến cha mình, trong lòng cảm thấy buồn hơn. Một ý nghĩ vụt nẩy ra trong đầu: hay là bàn với Vũ cho cha góp công trong việc nầy. Biết đâu việc công ích kia sẽ hàn gắn lại được những gì sứt mẻ giữa ông Thiện và Vũ.
Mộng Ngọc nhìn chồng nói:
- Em có ý kiến nầy, anh nghe được thì bàn tới, còn không thời thôi nghen.
- Ý kiến gì mà em rào đón dữ vậy? Quan trọng lắm sao?
- Vâng. Không quan trọng đối với mọi người. Nhưng rất hệ trọng đối với em.
Vũ chăm chú nhìn vợ chờ đợi ý kiến của nàng. Mộng Ngọc nín lặng một lúc bảo Vũ:
- Anh còn nhớ ý ba về việc xây cất bệnh viện chăng?
- Sao lại không? Nhưng sao em lại nhắc đến chuyện đó?
- Chắc anh cũng hiểu là ba vì chúng ta nên mới có ý định đó.
Vũ không muốn nói sự thật trong ý nghĩ của mình vì không nỡ làm buồn lòng Mộng Ngọc. Chàng chỉ gật đầu. Ngọc nói tiếp:
- Bây giờ, anh muốn lập bệnh viện thí cho bệnh nhân nghèo thì ta nên nói thẳng với ba.
Vũ lắc đầu:
- Không dễ như em tưởng đâu.
Mộng Ngọc ngơ ngác:
- Sao vậy anh? Bề nào thì ba cũng xuất vốn cho mình lập bệnh viện đó mà.
- Ý nghĩ của ba khác mà anh lại khác. Ba lập bệnh viện tối tân với ý định khuếch trương công cuộc làm ăn. Ba xem bệnh viện như một hãng buôn lập ra để kiếm lời. Còn đằng nầy, các anh nuôi mộng làm việc công ích cho xã hội.
Mộng Ngọc thấy Vũ cứ giữ mãi thành kiến đối với cha thì buồn lòng lắm, Nàng nói nhỏ:
- Đó là ý định trước kia. Chớ bây giờ... nếu chúng mình chịu khó giải thích cho ba rõ, em tin ba sẽ sẵn lòng góp công vào.
Vũ lắc đầu:
- Anh không hy vọng,
Mộng Ngọc chận lời chàng:
- Mình... Mình cố gắng một lần có được chăng. Em mong mỏi giữa mình và ba không còn phiền lòng nhau nữa. Nhơn việc nầy, em tin là mình và ba sẽ hòa thuận với nhau như xưa.
Vũ thở dài:
- Em đòi hỏi ở anh nhiều quá. Ba nỡ lòng đối xử với anh như vậy mà em còn buộc anh...
Mộng Ngọc rơm rớm nước mắt:
- Em có dám buộc anh gì đâu? Em chỉ còn có một người cha, mà ba cũng chỉ có mình em. Giữa anh và ba có chuyện không thuận nhau, em vui làm sao được.
Nàng nghẹn ngào:
- Đời em có lẽ khổ nhứt là trong khoảng thời gian nầy.
Vũ lặng thỉnh. Mộng Ngọc tiếp:
- Xét cho kỹ ba cũng không lầm lỗi gì lắm đâu anh. Ba chỉ có lỗi là quá lo đến hạnh phúc con mình. Rồi đây, khi bé Dung lớn khôn đến tuổi dựng vợ gả chồng, anh phải lo tương lai cho nó, anh mới biểu được nổi khổ tâm của ba. Em chắc chắn như vậy.
Vũ cảm động trước những lời tha thiết của vợ. Rất có thể, một ngày xa xôi nào đó, chàng lại sẽ như ông Thiện, khi phải lo nghĩ đến hạnh phúc của bé Dung. Chàng thấy mình không nên khắt khe đối với người vợ rất xứng đáng như Mộng Ngọc. Vả lại, từ mấy tháng nay ông Thiện không đến nhà, đủ chứng tỏ là ông biết nhìn nhận sự không phải của mình. Bỗng dưng, Vũ nghĩ ngược lại:
- “Hay là ông đang giận mình? À, có thể như thế lắm!”
Chàng hỏi Mộng Ngọc:
- Có phải ba cũng đang phiền giận anh chăng?
Mộng Ngọc ngó chồng, không biết phải trả lời thế nào? Nàng nói sự thật ra, càng gây khó khăn hơn nữa. Cha hay chồng nàng đều có những ý nghĩ riêng tư. Vũ trách cha thì ông cũng phiền giận Vũ và cho là chàng quá lấn lướt Mộng Ngọc. Ông dự định làm to chuyện ra xem Vũ đối phó bằng cách nào, nhưng ông lại thôi. Mấy lần sang thăm cha, Mộng Ngọc đều cố giữ vẻ mặt vui tươi, nhưng làm sao nàng qua mắt ông được?
Mộng Ngọc gật đầu:
- Anh dè dặt như thế cũng phải! Vậy để lần khác em sẽ nói với ba.
Vũ nghiêm nghị nói:
- Không! Anh yêu cầu em đừng nói với ba một lời nào. Anh nhìn nhận lỗi mình nhưng không muốn ba giúp vào chuyện này. Anh muốn tránh sự mâu thuẫn về sau.
Mộng Ngọc không hiểu được sự mâu thuẫn mà Vũ phòng xa đó, song thấy chàng không muốn thì nàng cũng đáp xuôi theo:
- Dạ! Anh không thích thì thôi.
Buổi tối, Mộng Ngọc dỗ cho bé Dung ngủ rồi giao cho chị Vú trông nom, nàng và Vũ đi đến hãng thầu của ông Thiện. Từ hôm rời nhà Vũ, ông Thiện về hẳn đây chớ không đi đâu hết. Ông muốn ở luôn hãng thầu cho tiện công việc.
Hãng thầu của ông rất lớn, chiếm một khoảnh đất bằng bảy, tám tòa biệt thự của Vũ. Ban ngày thầy thợ đến làm rất đông nhưng ban đêm thật vắng vẻ. Ông Thiện sống cô độc một mình với mấy người giúp việc trong nhà.
Vũ ngừng xe trước cổng thấy quang cảnh lặng lẽ đó trong lòng cũng áy náy không yên. Bây giở chàng mới cảm thông được hết nỗi lòng của Mộng Ngọc đối với cha. Ông Thiện sống cô độc quá mà và chỉ còn tình thương đối với mẹ con Mộng Ngọc. Nếu chàng không thuận với ông, thì ông chỉ đành biết sống một mình. Mộng Ngọc mở cửa xe bước xuống. Nàng quay lại thấy Vũ còn ngồi trên xe thì hỏi:
- Anh định đem xe vào nhà ư? Bên trong không có chỗ trống.
- Không! Anh xuống đây chớ.
Hai vợ chồng đi sâu vào trong sân. Ông Thiện đang ngồi xem sổ sách, chợt nghe tiếng động trước cửa phòng liền ngẩng lên. Ông sững sờ khi thấy hai vợ chồng Vũ bước vào. Mộng Ngọc đi trước, xá cha rồi cất tiếng:
- Thưa ba.
Ông Thiện vẫn chưa hiểu có chuyện gì mà hai vợ chồng cùng qua một lượt, nên buông viết đứng lên, vẻ mặt âu lo.
Ông khẽ hỏi:
- Hai con sang đây có chuyện gì vậy?
Mộng Ngọc nhìn chồng. Vũ cất giọng trang trọng:
- Thưa ba! Con đưa vợ con sang đây để xin lỗi ba. Mấy tháng qua, con có lỗi nhiều lắm. Ba vì thương vợ chồng con mà tha thứ...
Ông Thiện vụt hiểu tự sự, nên tươi ngay nét mặt. Ông chận ngang lời Vũ:
- Như thế đủ rồi. Con không phải nói thêm nữa.
Và cũng với giọng quả quyết của người giàu kinh nghiệm, ông tiếp:
- Ba biết thế nào rồi cũng có lúc con nghĩ lại chớ. Ba tin tưởng như thế, nên con có thấy ba nói gì đâu? Con phiền giận ba thì ba bỏ nhà đi ngay, mặc dầu trên cõi đời nầy con Ngọc là tình thương yêu duy nhứt của ba. Ba chắc chắn con sẽ hổi hận, vì mình là người trí thức mà.
Vũ chỉ cúi đầu vâng dạ. Mộng Ngọc mừng đến rơm rớm nước mắt. Mấy lần nàng dợm muốn nói đến chuyện xây cất bệnh viện của Vũ, nhưng nhớ đến lời dặn dò của chồng, nàng lại không dám. Nếu cha nàng góp công với Vũ trong việc công ích kia nàng sẽ sung sướng biết bao.
Ông Thiện bỗng nói với Vũ:
- Phải mấy tháng nay, gia đình không có chuyện "xui xẻo" thì đâu đó xong xuôi cả rồi. Con lại đây xem.
Vũ hơi khó chịu trước câu nói: Chuyện "xui xẻo'’ của ông Thiện. Sao lại là chuyện "xui xẻo"? Ông xem việc Hiền và bé Lệ đến với chàng là chuyện "xui xẻo" ư? Mộng Ngọc thấy chồng tự nhiên xuống sắc thì hiểu ngay, nên bước đến nắm lấy tay chồng:
- Anh!
Vũ quay lai nhìn vợ rồi gượng cười bước theo ông Thiện. Ông dẫn vợ chồng Vũ đến bên một chiếc bàn rộng, có nhiều mô hình ở trên. Ông cầm chiếc gậy dài, chỉ vào bàn, bảo Vũ:
- Đây! Bệnh viện của mình đây.
Vũ vâng dạ qua loa, trong lúc Mộng Ngọc càng náo nức, muốn nói cho cha nghe ý định của chồng. Ông Thiện vẫn thao thao bất tuyệt:
- Ba đã thăm dò ý kiến của nhiều giới và ai ai cũng cho việc làm của ba là hợp thời cơ lắm! Đã đến lúc người Việt Nam mình phải làm cho ngoại quốc nể mặt. Nhiều tư sản dư có hàng mấy mươi triệu hoặc bạc tỷ không biết để làm gì, thật ba tiếc cho họ.
Rồi ông vỗ vai Vũ:
- Mấy lúc sau nầy, ba tiếp tục công cuộc đã hoạch định, nhưng trong lòng không mấy tha thiết. Vì không có con, ba có xây lên cũng chẳng làm gì? Ba dự định cùng lắm là cho mướn chớ biết sao? Bây giờ con để ý vào việc tổ chức trong ngoài giúp ba lo khởi công cất bệnh viện nầy.
Vũ ngập ngừng muốn nói ra ý mình nhưng lại thôi. Ông Thiện không hỏi, nhưng đã để ý thấy điều đó. Linh tính cho ông biết là Vũ còn đang nghĩ đến một chuyện gì khác. Khi hai vợ chồng Vũ kiếu từ ra về, ông đưa đến cổng ngoài. Và thừa lúc Vũ lên xe mở máy, ông hỏi Mộng Ngọc rất nhanh:
- Hình như Vũ còn bận lo nghĩ đến việc gì phải không?
Mộng Ngọc tưởng đâu cha nhắc đến chuyện Hiền nên gật đầu. Ông Thiện tiếp:
- Ba thấy nó không mấy tha thiết đến chuyện xây cất bệnh viện.
Mộng Ngọc liếc lên xe nhìn chồng rồi nói nhanh:
- Sao lại không thiết hả ba? Nhưng ý của ảnh khác. Mai con qua, con nói cho ba nghe.
- Ủa! Ý nó thế nào, nó cũng có thể nói cho ba nghe vậy. Kêu Vũ vào đây.
Mộng Ngọc sợ hãi:
- Không được đâu ba. Mai con qua mà. Ba đừng làm vậy, ảnh giận con. Thôi con về.
Mộng Ngọc hấp tấp mở cửa xe bước lên. Vũ cúi chào ông Thiện một lần nữa rồi vọt xe đi. Ông Thiện quay vào nhà, trong lòng rất băn khoăn vì những lời sau cùng của con gái. Vũ không đồng ý với ông về điểm nào trong việc xây cất bệnh viện. Sao chàng không bảo thẳng cho ông biết mà lại để cho Mộng Ngọc nói ra? Ông vào ngồi chỗ bàn viết định tiếp tục việc kiểm tra sổ sách, nhưng ý nghĩ kia cứ ám ảnh ông. Vũ không đồng ý về việc gì? Họa đồ xây cất, địa điểm hay thế nào? Ông Thiện bước đến bên mô hình xem xét, nghĩ suy. Suốt đêm, có lẽ ông phải thắc mắc luôn về chuyện đó.
Bỗng ông nhìn về phía bàn viết. Ông muốn điện thoại ngay cho Vũ, khi chàng về đến nhà. Ông chỉ cần hiểu qua ý chàng là đủ yên tâm để ngủ. Ông Thiện đợi khoảng mười lăm phút sau, liền quay điện thoại gọi Vũ. Có tiếng Vũ ở đầu dây bên kia:
- A lô. Ai đó?
- Có phải Vũ đó không con?
- Dạ. Ba hả. Con đây. Có chuyện gì đó ba?
Mộng Ngọc đang thay đồ chợt nghe tiếng điện thoại reo vang, rồi tiếng Vũ hỏi thì nhủ thầm:
- Giờ này, ba còn gọi điện thoại làm gì kìa? Hay là...
Nàng nhớ đến câu chuyện mà nàng đã hứa với cha lúc nãy trong lòng càng lo lắng hơn. Nếu ông Thiện không chờ để gặp nàng, mà đi hỏi Vũ liền thì chi cho khỏi Vũ trách cứ nàng! Ngoài phòng khách, Vũ đang châm chú nghe từng câu hỏi của ông Thiện:
- Vợ con có ở đó không?
- Dạ, không ba. Ba muốn nói chuyện với Ngọc để con gọi.
Đằng đầu giây bên kia, ông Thiện nói mau:
- Không! Ba muốn nói chuyện riêng với con.
Vũ biết là chuyện quan trọng, nên ngồi xuống ghế chờ đợi. Chàng cũng không khỏi băn khoăn tại sao lúc nãy ông Thiện không hỏi mà để đến bây giờ?
Ông Thiện hỏi:
- Ba nghe hình như con có ý gì khác trong việc xây cất bệnh viện phải không?
Vũ chưa hiểu được ông Thiện muốn nói gì, nên hỏi lại:
- Thưa ba. Ba nói gì con chưa hiểu. A lô...
- A lô! À, thì chuyện xây cất bệnh viện của mình đó. Con có ý gì khác không mà vợ con nó nói với ba... Con cứ nói thẳng với ba có phải tiện hơn không? Mình cứ bàn với nhau rồi sửa đổi.
Vũ đã hiểu rõ tự sự. Thì ra Mộng Ngọc không bao giờ giấu cha được, bất cứ chuyện gì. Chàng cũng hỏi kỹ lại ông Thiện:
- Thưa ba, vợ con đã nói gì?
- Nó chưa nói rõ. Nó hẹn ngày mai sẽ gặp ba... vì hình như nó sợ con rầy lắm.
Vũ liếc nhìn về phía phòng Mộng Ngọc rồi đáp:
- Nếu vậy thì con xin nói rõ ý con.
- Ba đang chờ nghe đây! Con muốn xây cất thế nào? Ba mới phóng họa đồ và đổ đất thôi, chưa xuống cừ hay "bê tông" gì cả.
- Dạ thưa ba... con không có ý xen vào chuyện xây cất đó. Đây là vấn đề khác.
Ông Thiện kêu lên:
- Ủa, sao vợ con lại...
Vũ đáp nhanh:
- Mộng Ngọc chưa nói hết ý, khiến ba nghĩ lầm.
Ông Thiện nín lặng một lúc rồi hỏi:
- Vậy ý con ra sao?
Vũ biết mình nói ra câu nầy, dù không có ai ở gần, ông Thiện cũng sửng sốt mở to mắt, nhìn vào khoảng không. Chàng từ từ cất tiếng:
- Con đang dự tính với một số đồng nghiệp lập một bệnh viện cho bệnh nhân nghèo ba à.
Đúng như Vũ dự đoán, ông Thiện ngơ ngác:
- Bệnh nhân nghèo? Nghĩa là sao?
- Nghĩa là chúng con sẽ trị bệnh miễn phí, hoặc có nhận tiền thì với một giá thật ít, dùng để mua thuốc men vậy thôi.
Ông Thiện hỏi tới:
- Rồi tiền đâu xây cất, tiền đâu mướn thêm bác sĩ, y tá, công nhân?
- Dạ chúng con định kêu gọi các nhà hảo tâm trong nước và sự góp công góp sức của toàn thể giới y khoa.
- Vậy con định lấy bệnh viện của mình làm nơi...
Biết ông Thiện hiểu lầm, Vũ chận lời ngay:
- Dạ thưa ba, không ạ! Con đâu có ý đó. Hiện tại, con đang vận động những người có uy tín trong giới bác sĩ đứng ra kêu gọi. Công việc còn đang tiến hành. Còn bệnh viện của ba xây cất, chuyện đó khác mà. Tại vợ con, nó nói không nhằm lúc, nên ba hiểu lầm.
Ông Thiện lặng thinh không nói nữa. Ý kiến của Vũ quá đột ngột, nên ông chưa có một ý niệm nào cả? Xây cất bệnh viện miễn phí cho dân nghèo! Thật nhiều lúc, ông không hiểu được chàng rể của ông. Việc làm kia là của Nhà nước, chớ nào phải của tư nhân?! Thấy ông Thiện lặng thinh, Vũ lại hỏi:
- Chắc ba đã hiểu rõ ý con?
- Ờ... cũng hiểu như con nói vậy thôi! Nhưng ai đề xướng việc này mà làm cho con bận trí quá vậy. Thế còn thì giờ đâu mà con lo đến phòng mạch, rồi bệnh viện ở nhà khi đã xây xong?
Vũ thấy khó tránh việc làm phiền lòng cha vợ. Chàng không nói hết ý mình bây giờ thì về sau càng khó khăn hơn. Chàng đáp:
- Thưa ba! Con cũng định hôm nào sẽ thưa hết với ba, nhưng vì ba đã hỏi, con xin nói luôn thể.
Ông Thiện vẫn lặng thinh, Vũ tiếp:
- Con định thưa với ba, chắc con không thể trông nom bệnh viện ở nhà mình được.
- Ủa? Sao con nói lạ vậy? Ba cất bệnh viện đó là vì con mà.
- Nhưng ba cũng thấy rõ con đang dính vào một "công ích" khác. Không thể bỏ rơi các bạn, trong lúc công việc chưa xong xuôi gì cả.
Ông Thiện thở dài:
- Con thật lạ quá! Chuyện của mình đã sẵn sàng cả rồi mà không chịu lo lại tính chuyện “bao đồng”. Thôi được. Con muốn sao cũng được.
Vũ nghe ông Thiện gác ống nói xuống một cách bực dọc thì biết là ông đang phiền lắm. Chàng vừa đứng lên đã nghe tiếng Mộng Ngọc:
- Ba hả mình?
Chàng quay nhìn vợ, toan lên tiếng trách nàng nhưng thấy vẻ lo sợ của Mộng Ngọc, chàng không đành lòng mà chỉ gật đầu.
Mộng Ngọc bước đến bên chàng, cất giọng nhỏ nhẹ:
- Ba giận mình phải không? Lỗi ở em hết mà. Em xin mình...
Vũ gượng cười:
- Không. Em có lỗi gì đâu? Sớm muộn gì thì ba cũng biết thôi, nhưng để ba phiền như vậy hơi sớm quá. Anh mới vừa xin lỗi ba mà.
Mộng Ngọc bảo chồng:
- Không hề gì đâu anh. Em tin là ba sẽ không giận anh. Ngày mai, em về bên nhà, cố gắng nói cho ba hiểu việc "công ích" mà anh sắp làm.
Vũ lắc đầu:
- Thôi em! Không hy vọng gì đâu. Lúc nãy đang nói chuyện mà ba gác điện thoại. Như vậy chứng tỏ là ba đang giận lắm. Em nói không khéo còn nguy hơn.
Mộng Ngọc ngả đầu vào ngực chồng, nói nhỏ:
- Anh quên em là con duy nhứt của ba? Làm gì đi nữa ba cũng phải chìu em chớ.
Vũ lặng thinh, đưa tay vuốt tóc vợ. Mùi nước hoa quen thuộc thoang thoảng bay trong đêm. Chàng cúi xuống nhìn Mộng Ngọc, đôi mắt nàng vụt sáng long lanh. Tự nhiên, Vũ thấy vợ tươi đẹp hơn bao giờ hết. Trong giờ phút này, bao nhiêu hình ảnh khác đều mờ dần trong trí của Vũ. Chàng ôm sát vợ vào lòng và nghĩ đến đêm mùa đông xa xôi nào trên đất Pháp, có hai người tìm đến bên nhau.
*
Ông Thiện nằm ngả mình ra sau lưng ghế bành, miệng ngậm píp, lơ đãng nhìn lên trần nhà, nhưng sự thật ông không bỏ sót một lời nào của Mộng Ngọc. Ông Thiện biết dư con qua vì chuyện đêm trước nên bảo nàng lo đồ điểm tâm, trong lúc ông đi rửa mặt. Khi hai cha con ngồi vào bàn ăn, ông mới hỏi:
- Con qua làm gì sớm vậy? Phải để nói chuyện thằng Vũ không?
- Dạ. Con định thưa rõ cho ba nghe.
Ông Thiện lắc đầu:
- Không cần nữa con ạ, vì đêm hôm qua, ba có điện thoại cho nó. Vũ đã nói hết ý định cho ba nghe rồi.
Mộng Ngọc nói:
- Dạ. Con có biết chuyện đó.
Ông Thiện đang ăn, vụt ngừng tay:
- Vậy ra con nghe nó nói hả?
- Lúc ba nói chuyện với ảnh có con ở đó.
- Hèn gì! Như thế là đủ lắm rồi, con còn gặp ba đề nói gì nữa? Thằng Vũ nó không ưa ba mà! Ba đã cố gắng lo lắng cho con rể mà nó không hiểu được lòng ba, cứ tìm đủ cách làm ngược lại. Đêm hôm, ba buồn quá.
Rồi ông Thiện không dùng điểm tâm nữa mà lại lấy thuốc nhồi vào "píp" hút. Mỗi lần như thế là Mộng Ngọc biết cha giận lắm. Nàng không dám giải bày liền, mà chờ điểm tâm xong, cho ông nguội bớt cơn giận mới bắt đầu trở lại câu chuyện. Chị bếp vừa bưng đồ rа nhà sau thì ông Thiện tiếp lời:
- Ba nghĩ thật lạ, tại sao việc ba lo xong xuôi hết cả mà nó không chịu nhận, lại đi qui tụ anh em để làm chuyện thí công cho dân nghèo. Coi chừng đa! Thời buổi lộn xộn, Tây tà nó hay nghi kỵ, bày đặt qui tụ anh em làm chuyện như vậy, họ nghi lập hội, lập hè chống đối Nhà nước thì mệt lắm đó.
Mộng Ngọc lắc đầu:
- Không sao đâu ba. Anh Vũ và các bạn ảnh từ trước tới giờ không hề dính dáng đến một tổ chức chính trị nào hết thì đâu có ngại gì. Đây là việc xã hội công ích chung, họ muốn phao vu cũng không có cớ.
- Con đừng nói vậy. Chừng họ muốn đặt điều hại mình thì có khó gì, vả lại lập bệnh viện thí và tính rẻ tiền, tức nhiên làm hại quyền lợi nhiều bác sĩ khác. Thằng Vũ và các bạn nó tăng thêm uy tín với đồng bào lại càng dễ bị thù hằn hơn. Ba thấy chuyện này không xong đâu.
Mộng Ngọc khổ quá. Giữa cha và chồng nàng ý nghĩ luôn luôn trái ngược nhau, nàng cố công thế mấy cũng không thể dung hòa được hai người. Nàng gục mặt xuống khóc. Ông Thiện nhìn thấy con gái trong tình trạng ấy thì dịu ngay.
Ông ngồi nhỏm dậy hỏi:
- Việc gì mà con khóc? Vũ nó muốn làm gì thì cứ theo ý nó mà làm, ba có cấm cản hay công kích gì đâu?
Mộng Ngọc nghẹn ngào:
- Con không biết mình đến bao giờ mới hết khổ? Không bao giờ ba và anh ấy thuận ý với nhau. Hai người càng xung đột thì con càng khổ mà.
Động tới mối thương tâm, Mộng Ngọc càng khóc nhiều hơn. Ông Thiện bồi hồi trước nỗi đau của con gái thương yêu. Ông có toan tính làm việc hay gầy dựng thêm cơ sở là để cho Mộng Ngọc được đầy đủ hạnh phúc chớ nào có ý gì khác. Bây giờ, trái lại, Mộng Ngọc không hạnh phúc mà càng sầu khổ luôn.
Ông nói nhỏ:
- Ba thiệt không biết tính sao bây giờ? Thằng Vũ nó không nghĩ tận tường. Tất cả sản nghiệp nầy là của vợ chồng con, ba có làm gì thì cùng chỉ vì con rể thôi. Tại sao nó lại hay chống đối ba? Như trong việc nầy chẳng hạn, nó cố tình làm ngược lại cho ba tức mà chết đi chắc.
Rồi ông nói luôn một câu mà chính Mộng Ngọc cũng không hề nghĩ tới:
- Hay là nó thù ba về vụ con Hiền?
Dù không hiểu được thực sự ý nghĩ của chồng, nhưng Mộng Ngọc cũng binh chồng:
- Không phải vậy đâu ba. Anh Vũ dự định chuyện nầy lâu rồi.
- Mà ai xúi nó tính chuyện "bao đồng" vậy con?
- Dạ các bạn ảnh hồi ở Pháp. Hình như có bác sĩ Thuận nữa đó ba.
Câu nói của Mộng Ngọc khiến ông Thiện lộ vẻ ngạc nhiên. Ông hỏi lại:
- Bác sĩ Thuận nào? Có phải Lê Văn Thuận, chuyên trị ruột, bao tử đó không?
- Thưa ba phải! Cha vợ của anh Trọng đó.
Ông Thiện nín lặng. Bình thường, ông vẫn cố ý nể trọng bác sĩ Thuận hơn hết vì đó là người đã cứu ông thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo. Chẳng những thế, ông còn cảm phục tánh tình hiền hậu và gương thanh bạch của bác sĩ.
Ông thiện nhủ thầm:
- "Bác sĩ Thuận mà cũng có mặt trong bọn Vũ nữa sao?"
Mộng Ngọc thấy cha không nói gì thêm thì hy vọng tràn trề. Ở nhà, trước khi đến đây, nàng đà tin tưởng nói tên bác sĩ Thuận cũng đủ làm cho cha thay đổi thái độ. Thật đúng như sự dự đoán của nàng. Ông Thiện hút một hơi thuốc dài rồi nói:
- Nếu có bác sĩ Thuận thì ba tin rằng Vũ còn có thể thành công được. Nhưng ba không hiểu việc làm đó sẽ đưa đến kết quả nào?
Mộng Ngọc biết cha đã xiêu lòng, khẽ đáp:
- Dạ theo con biết thì cái bệnh viện đầu tiên này sẽ giúp cho những bác sĩ khác theo gương. Họ mong mỏi có nhiều bệnh viện như thế ở mỗi vùng, để trị cho bệnh nhân nghèo.
- Bộ tính đóng cửa hết các phòng mạch sao?
- Dạ đâu có ba. Mình vẫn mở làm việc như thường chớ. Việc nầy có nhiều người góp công vào. Họ sẽ thay phiên với nhau mà trông nom săn sóc bệnh nhân.
Ông Thiện không hỏi nữa mà lộ vẻ suy nghĩ nhiều lắm. Vũ không nhúng tay vào thì kế hoạch xây cất bệnh viện của ông kể như phải đình trệ. Ông cũng có thể mướn một bác sĩ khác trông coi bệnh viện thay Vũ nhưng ông không còn thiết nữa. Ông có làm là làm cho vợ chồng Vũ, chớ riêng ông có cần gì. Sản nghiệp này ông có xài phá đến mãn đời cũng không hết. Hành động của Vũ và cả bác sĩ Thuận nữa khiến ông phải suy nghĩ. Từ xưa đến giờ, ít khi ông bận tâm về những ý nghĩ tương tế hay trợ giúp đồng bào. Có đôi khi người ta đến xin tiền giúp nạn lụt hay hỏa hoạn, ông cũng có bỏ tiền cho vậy. Nhưng đó chỉ là hành động tạo lấy tiếng khen cho mình, hay để vừa lòng những người có quyền thế. Còn việc xây cất bệnh viện cho dân nghèo của Vũ và bác sĩ Thuận theo ông thấy không phải với ý nghĩ đó. Họ làm việc công ích không phải để lấy tiếng hay vì lợi riêng.
Ông Thiện bỗng hỏi Mộng Ngọc:
- Con có nghe họ dự định xây cất bệnh viện đó ở đâu chưa?
Mộng Ngọc thật tình thưa với cha:
- Dạ con chưa nghe nói! Hình như trong giới cũng còn nhiều người không chịu hưởng ứng việc làm dó.
Ông Thiện gật đầu:
- Dĩ nhiên là vậy rồi. Ba đã nói lúc nãy, bộ con quên sao? Đề xướng việc nầy ra thiếu gì kẻ thù. Họ không làm được thì phá cho bỏ ghét. Nhưng... có bác sĩ Thuận…
Mộng Ngọc hy vọng mình sẽ đạt được mong muốn là kêu gọi sự góp công của cha vào việc công ích nầy.
Ông Thiện khẽ nói:
- Nếu có thằng Vũ nhúng tay vào chuyện này thì ba chắc thế nào bác sĩ Thuận cũng hỏi tới ba.
- Con... cũng nghĩ thế.
Ông Thiện nhìn nàng hỏi tiếp:
- Ba tính như vầy con xem có được không?
Mộng Ngọc nôn nao hỏi:
- Ba tính sao hả ba?
- Vũ không chịu trông nom bệnh viện chắc là ba cũng không tiếp tục công cuộc xây cất đó nữa. Bây giờ, còn miếng đất trống ở đó, ba định giao cho nhóm bác sĩ Thuận được không?
Mộng Ngọc mừng rỡ suýt kêu lên thành tiếng. Nàng chưa kịp nói ý mình thì cha đã nghĩ trước. Ông Thiện thấy nàng lặng thinh liền hỏi:
- Sao con? Con thấy có được không? Hay thằng Vũ vì ghét ba mà nó xúi họ từ chối nữa thì chắc ba...
Mộng Ngọc lắc đầu:
- Ba đừng nói vậy, tội nghiệp cho ảnh. Anh Vũ đâu có kỳ vậy. Được miếng đất thì họ mừng lắm, con biết mà.
Ông Thiện tiếp:
- Chiều nay, ba sẽ đến gặp bác sĩ Thuận để nói chuyện đó.
Mộng Ngọc lo lắng nhìn cha. Nếu chiều nay, cha nàng đến viếng bác sĩ Thuận thì hỏng hết mọi việc. Vì thật ra ông Thuận cũng chưa biết một chút gì về chuyện nầy. Nàng nghe Trọng và Vũ dự định nhờ bác sĩ Thuận đề xướng, chớ nào ông đã nhận lời đâu! Bây giờ, phải làm thế nào ngăn cha lại, không khéo còn hại lây đến công việc của Vũ.
Mộng Ngọc ngước nhìn cha nói:
- Thưa ba! Con thấy... ba khoan đến gặp bác sĩ Thuận...
Ông Thiện ngạc nhiên:
- Sao vậy?
- Con thấy ba nên để chậm lại vài hôm. Chờ có nhiều người hưởng ứng rồi mình đến giúp thêm, tốt hơn. Chớ bây giờ ba tới, lỡ... ông Thuận mời ba đứng chung với những người đề xướng việc này, không lẽ ba từ chối?
- Ờ há! Công việc của ba thì nhiều, ông Thuận ngỏ ý như con thì kẹt cho ba lắm. Để vài hôm nữa xem...
Mộng Ngọc thở ra nhẹ nhõm. Khi trở về nhà nàng liền qua phòng mạch gặp Vũ. Nàng chờ lúc không có bệnh nhân mới gõ cửa bước sang, nhưng cũng làm cho Vũ và cô Liễu lộ vẻ ngạc nhiên. Nếu không có việc gì quan trọng, ít khi Mộng Ngọc qua phòng mạch như vậy.
Liễu chắc là nàng muốn nói chuyện riêng với Vũ nên lặng lẽ bước ra phòng khách. Vũ khẽ hỏi vợ:
- Có chuyện gì vậy mình? Có gặp ba không?
- Dạ gặp. Ba đã hiểu rõ việc làm của anh rồi.
- Ý ba thế nào?
Mộng Ngọc lộ vẻ tươi vui:
- Ba rất tán thành.
Vũ ngạc nhiên nhìn vợ:
- Thật ư? Em nói lạ quá, chính hồi hôm ba còn giận anh về chuyện đó mà.
- Bây giờ khác hẳn rồi anh. Ba còn đồng ý tặng không miếng đất dành riêng xây cất bệnh viện của mình vào viêc công ích đó nữa.
Vũ buông viết ngẩn ngơ:
- Thế là ba không tiếp tục xây cất bệnh viện tối tân đó nữa sao?
Mộng Ngọc lắc đầu:
- Không, mình ạ. Ba nói mình không nhúng tay vào, ba xây cất để dành cho ai mới được? Ba làm thế là cốt cho vợ chồng mình.
Vũ lặng thinh và tự nhận thấy mình có trách nhiệm trong việc làm hỏng kế hoạch dự định của ông Thiện. Sự thật, chàng đâu cố ý làm thế. Chẳng qua chàng làm theo ý muốn mình thôi.
Chàng nhìn vợ:
- Nhưng em đã nói gì mà ba xiêu lòng, đến đỗi bỏ cả một chương trình đã dự định trước.
Mộng Ngọc thuật lại tận tường những lời đã trao đổi với cha. Vũ nghe xong mỉm cười nói:
- Thì ra có bác sĩ Thuận nhúng tay vào nên ba mới tin là việc làm đúng đắn. Thế mới biết uy tín của bác Thuận thật là lớn.
Chàng vụt hỏi Mộng Ngọc:
- Nhưng... Bác sĩ Thuận nào đã đồng ý giúp mình? Sao em đám chắc vậy? Lỡ ra ba...
Mộng Ngọc mím môi:
- Thế anh mới biết em liều. Chừng ba nói để chiều ba đến gặp bác sĩ Thuận về chuyện miếng đất em mới hết hồn.
Vũ nóng lòng hỏi:
- Rồi em làm sao?
- Em thưa với ba là để chậm vài hôm nữa đã, vì ba đến ngay bây giờ, rất có thể bác Thuận mời ba vào trong nhóm đề xướng việc xây cất bệnh viện đó. Anh biết ba ít khi chịu mất thì giờ của mình, nên nghe vậy, ba đồng ý ngay.
Bây giờ thì Vũ đã hiểu tại sao Mộng Ngọc đột ngột sang phòng mạch.
Chàng hỏi vợ:
- Bởi thế, em định sang đây bảo anh gặp bác Thuận trước chớ gì?
Mộng Ngọc gật đầu, không nói. Việc nầy càng làm cho Vũ chú ý đến sự khôn khéo của vợ. Nàng rất sáng trí, thông minh nên mỗi việc gì cũng giải quyết rất nhanh. Những chuyện gì nàng lo được thì không khi nào để cho Vũ phải bận lòng. Chàng nhớ có lần bác sĩ Trọng nói với chàng:
- Chị nhà khôn ngoan lắm. Anh thành công trên đường đời phần lớn là nhờ chị.
Và Trọng sợ chàng hiểu lầm ý mình, còn nói thêm:
- Tôi nói về phương diện tinh thần thôi. Người đàn bà biết nhận mình là "cái bóng” ở bên chồng là người đàn bà đáng mến. Bao giờ cũng dính liền với chồng nhưng không làm bận rộn chồng. Chị Ngọc thuộc vào hạng những người khó tìm đó.
Mộng Ngọc thấy Vũ không nói gì hết thì lo ngại hỏi:
- Mình thấy sao? Em hành động có sai lầm chăng?
Vũ cười:
- Không! Em đáng khen lắm. Có ba góp công, của vào thì sẽ có nhiều nhà hảo tâm khác noi gương theo. Để anh đến gặp anh Trọng ngay mới được. Anh bàn với ảnh đến thăm bác Thuận chiều nay xem có được không?
- Phải đó anh! Nếu để trễ hơn, lỡ ba gặp bác Thuận thì nguy.
- Em không lo. Thế nào bác Thuận cũng nhận lời mà.
Mộng Ngọc sung sướng nhìn chồng rồi trở về nhà riêng. Vũ ngó theo vợ trong lòng cùng thấy vui lây. Chàng tin tưởng cái bệnh viện miễn phí kia sẽ thành hình rất nhanh chóng. Rồi đây, sẽ có một số đông bệnh nhân nghèo được cứu giúp tử tế. Chàng hy vọng một ngày nào đó sẽ không còn cái cảnh bệnh hoạn mà phải nằm ngủ ở ngoài đường, như mẹ con người đàn bà mà chàng đã gặp ở Cái Bè mấy tháng trước.
Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo vang. Vũ cầm lên nghe:
- A lô... Ai đó? Bác sĩ Vũ đây.
Chàng nghe tiếng Trọng ở đầu giây nói bên kia:
- Anh Vũ đó hả? Xong xuôi rồi đó anh.
- Việc gì? Anh đã thưa chuyện với bác Thuận rồi hả?
- Không. Tôi chỉ mới hẹn giờ để anh tới thôi chớ. Kìa anh đã bảo tôi như vậy mà.
Vũ cười:
- Xin lỗi tôi quên. Bao giờ mình gặp bác?
- Tối nay. Tại nhà tôi!
Vũ thấy chờ đến tối cũng không hại gì nên đáp:
- Được! Anh hẹn với bác mấy giờ?
- Tối anh đến dùng cơm, sẽ gặp luôn. À nầy, vợ tôi mời chị sang chơi đó... Anh nhớ cho chị qua luôn nhé.
Vũ đáp:
- Vâng. Tôi sẽ bảo qua cho nhà tôi biết.
Rồi chàng nhớ đến ông Thiện cho miếng đất cất bệnh viện, liền bảo Trọng:
- Mộng Ngọc đã có công trước mình đó anh.
Trọng ngơ ngác hỏi trong điện thoại:
- Anh nói sao?
- Mộng Ngọc xin được miếng đất cất bệnh viện rồi.
- Thật à! Chị tài tình quá vậy. Mà xin của ai hả anh?
Vũ đáp:
- Của ba tôi.
- Bác nhà cũng góp công vào nữa sao? Tôi thật không ngờ và càng phục anh chị.
Vũ nói nhỏ hơn:
- Tại ba tôi nghe Ngọc nói có bác Thuận để xướng việc nầy đó.
Trọng chợt hiểu ra:
- À, thì ra thế.
- Bởi vậy tối nay, nếu bác Thuận không nhận lời thì nguy lắm.
- Anh đừng lo. Vợ tôi có ướm thử lời, xem chừng ba tôi đồng ý lắm. Để tối nay anh sẽ biết...
Trọng lại nói tiếp:
- Thôi nghen anh. Tôi còn bận tiếp vài người khách nữa.
Vũ thoáng thấy Liễu bước vào phòng, nên đáp:
- Tôi cũng còn thân chủ đây. Chào anh.
Chàng gác máy điện thoại rồi hỏi Liễu:
- Còn mấy người hả cô?
Liễu mỉm cười đáp:
- Còn hai người nhưng có lẽ đợi lâu quá họ về hết rồi.
Vũ lắc đầu:
- Thật hại quá! Chắc là khách phiền tôi lắm.
- Tôi cố giải thích cho họ rõ là bác sĩ bận chuyện nhà, xem chừng họ cũng thông cảm.
Vũ xem đồng hồ rồi nói:
- Gần 12 giờ rồi, thôi cô Liễu về cũng được.
- Dạ!
Nhưng Liễu không đi thay "blouse" mà lại đến bên Vũ ngập ngừng nói:
- Thưa bác sĩ. Tôi muốn thưa với bác sĩ...
Vũ ngạc nhiên trước vẻ trịnh trọng của nàng:
- Chuyện gì vậy cô?
- Thưa bác sĩ. Tôi muôn xin bác sĩ cho tôi nghỉ.
- Được rồi. Có chuyện gì quan hệ không cô? Cô định nghỉ nấy hôm?
Liễu ngập ngừng đáp:
- Dạ, Tôi muốn xin bác sĩ được nghỉ luôn...
Vũ sửng sốt nhìn người nữ y tá quen thuộc của mình:
- Sao vậy cô Liễu? Cô nghỉ luôn thiệt à?
- Dạ!... Tôi muôn thưa với bác sĩ mây hôm nay, nhưng không có dịp.
- Mà tại sao vậy cô? Tôi có làm gì phật ý cô chăng?
Liễu lắc đầu:
- Dạ không. Tôi đâu dám vậy.
Vũ nghĩ chắc số lương không đủ sống, nên nàng mới xin thôi. Chàng tiếp:
- Nếu vì tiền lương thì tôi xin tăng thêm cho cô nhé. Mình làm việc quen với nhau rồi, cô bỏ đi tôi có mướn người khác cũng không bằng. Vả lại, tôi sắp sửa hợp tác với anh em lập một bệnh viện đó cô. Công việc sẽ bề bộn lắm và nhứt định cần sự tiếp tay của những y tá giỏi giắn như cô...
Liễu lắc đầu nói:
- Rất tiếc là tôi không còn giúp bác sĩ được nữa. Thật ra, nghỉ làm việc tôi cũng buồn lắm…
Vũ đã nói hết lời mà thấy Liễu vẫn không xiêu lòng thì nhìn nàng hỏi nhỏ:
- Nhưng cô vẫn chưa nói rõ cho tôi biết nguyên cớ nào cô thôi việc.
- Dạ... Tôi... sắp thành lập gia đình...
Vũ hết ngay vẻ băn khoăn:
- À, ra thế!... Nhưng cô định lập gia đình rồi không làm việc nữa sao? Ông ấy không cho à?
Liễu bẽn lẽn cúi đầu:
- Dạ... ảnh đâu có bắt buộc tôi như vậy. Nhưng vì ảnh làm việc ở Đà Lạt, thưa bác sĩ.
Vũ thoáng nét băn khoăn:
- Cô đi xa rồi bác ở nhà làm sao?
Liễu lộ vẻ buồn:
- Hoàn cảnh của tôi cũng khổ lắm, thưa bác sĩ. Anh ấy muốn má tôi về ở chung, nhưng tôi sợ bất tiện về sau nầy. Má tôi thì khuyên tôi lên Đà Lạt, thỉnh thoảng về dưới nầy thăm bà cũng được.
- Riêng ông ây có ý kiến gì không?
- Dạ, ảnh cũng muốn má tôi lên Đà Lạt nữa, nhưng thấy má tôi không chịu, ảnh làm đơn xin đổi về dưới nầy.
Vũ gật đầu:
- Người biết phải quấy như vậy là khó kiếm lắm đó, cô Liễu.
Liễu tươi ngay nét mặt, trước sự nhận xét của bác sĩ. Riêng Vũ, chàng muốn nói thêm một câu:
- Nếu ông ấy được đổi về Sài Gòn thì cô trở về làm việc với tôi nhé!
Song nghĩ kỹ, chàng lại thôi. Liễu bỗng nối tiếp:
- Trong lúc chưa đổi được chắc là tôi đi lên đi xuống Đà Lạt thường lắm. Bởi thế, tôi khó có thể làm việc.
Vũ nói:
- Bác ngại bên ông ấy nói ra nói vào cũng phải, nhưng theo tôi tùy theo chàng rể và cách đối xử của mình.
Vũ chợt nín lặng. Chàng thấy mình thiếu thành thật với Liễu và chàng khuyên cho có khuyên chớ nào đã nghĩ chín chắn đâu? Chàng hỏi sang chuyện khác:
- Bao giờ hôn lễ cử hành, hả cô?
- Dạ thưa, cuối tháng nầy. Tôi có để thiệp ở trên bàn bên nhà, mời ông bà.
Vũ ngước lên nhìn Liễu. Tự nhiên, chàng thấy luyến mến nàng một cách lạ thường. Có lẽ tại Liễu là người đã hiểu ít nhiều tâm sự của chàng và Hiền, mà cũng là người còn có thể cho Vũ thố lộ được tâm tình xưa cũ. Liễu đi lấy chồng! Âu cũng là lẽ tự nhiên.
Chàng khẽ nói:
- Vợ chồng tôi nhứt định sẽ đến dự lễ thành hôn của cô, nhưng giờ đây, tôi xin chúc trước cô Liễu được tươi vui hạnh phúc.
Liễu cúi đầu sung sướng, đôi má đỏ hồng. Sự quí mến giữa nàng và Vũ đã vượt ra ngoài mức giao tiếp giữa bác sĩ và người у tá. Nàng ra đi vĩnh viễn, không trở lại phòng mạch nầy cũng là điều đáng buồn! Người đời ai ai cũng sợ phải xa cách những gì quen thuộc. Liễu nhìn khắp phòng mạch, từ cái bàn viết, cái tủ đựng thuốc, cái hình treo trên vách, cái lọ, cái chai, cái kéo để cắt băng... mỗi thứ đều dính liền với cuộc sống của nàng. Đôi mắt nàng, đôi tay nàng đã quen thuộc với từng thứ một. Cả đến hơi hướm trong gian phòng nầy cũng rất gần gũi với nàng. Có đi xa rồi là nhớ đến ngay!
Còn bác sĩ nữa... Với bao nhiêu ngang trái trong tâm tình bác sĩ, Liễu đều thấu hiểu và tin chắc dù cho vật đổi sao dời, nàng cũng khó thể quên. Nếu một ngày nào đó, gặp lại Hiền, nàng tin là mình vẫn còn nhớ rõ như chuyện vừa mới xảy ra. Vũ thấy Liễu đứng lặng yên nhìn khắp gian phòng thì đoán hiểu được phần nào tâm trạng của nàng. Chàng ngả lưng vào thành ghế không nói gì hết.
Liễu bỗng quay lại bảo chàng:
- Thấm thoát đã gần hai năm rồi, từ ngày tôi bước chân đến đây...
- Phải đó cô Liễu! Chính tôi cũng không ngờ mình về nước lâu đến thế mà vẫn chưa làm được gì cả.
Rồi Vũ lại tiếp, giọng buồn bã khác thường:
- Đã không làm được gì mà còn vướng thêm nhiều nỗi khổ tâm.
Liễu cũng thấy lòng không vui khi nghĩ đến Hiền. Mấy tháng qua rồi, nàng sống bằng gì và hiện ở đâu? Nhiều lúc nàng định hỏi Vũ về Hiền, nhưng sợ chàng buồn, khổ lại thôi. Nàng biết Vũ vẫn mướn người dò la tin tức của Hiền, nhưng chỉ hoài công vô ích! Dễ gì tìm lại được một cánh chim trời.
Liễu cúi đầu chào Vũ lần chót:
- Xin giã từ bác sĩ. Tôi rất mong ông bà đến dự lễ cưới của tôi.
Vũ đứng lên mỉm cười:
- Cô Liễu yên lòng. Tôi và Mộng Ngọc sẽ đến chúc mừng cô. Còn đây...
Chàng lấy một xấp bạc bỏ vào bao thư trao cho Liễu:
- Đây là tiền lương của cô.
Liễu không đếm tiền nhưng biết chắc Vũ gởi thêm cho nàng quá số lương. Nàng cầm lấy bao thơ ngập ngừng nói:
- Xin cám ơn bác sĩ.
Vũ rời khỏi bàn viết, nói:
- Có chi đâu. Thỉnh thoảng có về Sài Gòn, cô cũng nên đến thăm vợ chồng tôi nghen.
- Vâng ạ.
Vũ xô cửa bước sang nhà riêng, trong lúc Liễu thay đổi y phục. Xong xuôi, nàng cũng sang qua nhà chào Mộng Ngọc lần chót.
*
Bác sĩ Thuận ngồi yên, chăm chú nghe Vũ trình bày việc thiết lập bệnh viện miễn phí cho dân nghèo. Thỉnh thoảng, ông nhìn Mộng Ngọc rồi nhìn bác sĩ Trọng. Ông cũng đã nghe vợ Trọng nói sơ qua dự định này, nhưng không ngờ Trọng và Vũ tính một chương trình đại qui mô như thế!
Vũ dứt lời, ông Thuận cất giọng vui vẻ:
- Bác không ngờ cháu và Trọng tính chuyện lớn vậy! Nhắm đủ sức làm không? Còn phải đủ kiên nhẫn mà chịu sự ganh ghét của đồng nghiệp nữa đó.
Vũ khôn khéo đáp:
- Dạ, bọn cháu còn trẻ, chỉ có tấm lòng nhiệt thành với việc công ích. Còn mọi sự mong nhờ bác sắp đặt cho.
Ông Thuận gật đầu:
- Kể ra "bọn trẻ" mới bước vào nghề mà có tấm lòng ưu ái với đồng bào cũng hiếm lắm. Cháu và Trọng làm cho bác rất hãnh diện. Đã có thiện chí thì cứ làm, đến đâu hay đến đó. Đừng sợ trước những trở ngại thì bao giờ cũng thành công.
Trọng mừng rỡ hỏi:
- Vậy là ba đồng ý giúp tụi con?
- Sao lại "đồng ý giúp"? Phải nói là ba góp sức với các con chớ!
Mọi người đều mỉm cười sung sướng trước quyết định của ông Thuận. Trọng nheo mất với Vũ như ngầm bảo bạn là mình đoán không sai mà. Mộng Ngọc và vợ Trọng cũng nhìn nhau trao đổi một nụ cười thỏa ý.
Bác sĩ Thuận từ từ nói với Vũ:
- Cháu và Trọng không khác gì bác ngày xưa, trong lòng lúc nào cũng nghĩ đến chuyện giúp ích đồng bào. Đâu đâu mình cũng thấy sự nghèo đói và bệnh tật! Trước đó, bác còn say mê với những phát minh của Pasteur và nhứt là bác sĩ Yersin. Người ta đến đất nước mình, mà còn tìm được cái này cái nọ giúp ích cho nhân loại. Còn mình, sinh ra trên đất địa này, sao chi biết lấy tiền dân chúng làm giàu bằng cách cho toa lấy tiền!? Cứ nghĩ ngợi xa xôi, rồi nhìn chung quanh anh em đồng nghiệp mà thêm chua chát! Bên phe "bào chế" thì cũng chẳng hơn gì mình! Họ cứ làm phận sự một nhà buôn lo bán thuốc lấy lời.
Trọng tiếp lời cha vợ:
- Trong giới mình thì như vậy đó, nhưng hễ ai nói động tới thì cứ bảo họ ganh ghét nói xấu.
Vũ vẫn còn giận những bạn bè cũ nên nói thêm vào:
- Đồng nghiệp khác chẳng biết sao, chớ anh em khi xưa của cháu ở Pháp như bác sĩ Dựng, bác sĩ Lương mà còn thay đổi tính tình thì hết nói. Hôm nọ dùng cơm ở nhà, cháu mới thấy rõ được lòng dạ của họ.
Sợ cha vợ không hiểu rõ câu chuyện, Trọng nói:
- Dụng và Lương cùng học với con và Vũ ở Pháp, chơi thân với nhau như ruột thịt. Khi chưa đỗ đạt thì chúng con nuôi bao nhiêu là ước vọng. Đến giờ đây, ai cũng có cơ sở vững vàng, anh Vũ bàn đến chương trình lúc nãy thì họ bác ngay.
Bác sĩ Thuận mỉm cười:
- Như vậy cũng đỡ lắm đó. Sợ họ làm bộ tán đồng, mà hại thầm lén mình mới nguy.
Vợ Trọng chận lời cha:
- Ba nói vậy, chớ ai đâu!?
Ông Thuận bĩu môi:
- Ý! Tại con chưa biết đó thôi. Hồi đó, ba cùng vài người bạn hợp nhau định thành lập Hội Ái hữu Cựu Sinh viên Y khoa, cốt ý của mình là được gần gũi với anh em để hướng dẫn họ giúp ích đồng bào. Chương trình của ba cũng tương tợ như của cháu Vũ bây giờ, nhưng có điều thụ động hơn.
Trọng hỏi:
- Có thành công như ý ba không?
Ông Thuận cười lắc đầu:
- Thành công gì được. Suýt chút nữa còn bị tù là khác.
Mộng Ngọc kêu lên:
- Sao vậy bác?
- Có gì đâu. Họ hại lén mình bao giờ chẳng biết? Hội chưa thành lập mà Sở Mật thám Pháp đã có hồ sơ. Họ cho là bác dự định lập hội kín để chống lại chánh quyền. Thật là lôi thôi. Bị đòi lên đòi xuống mãi. Đến bây giờ bác vẫn chưa biết kẻ có dã tâm đó là ai? Cũng trong anh em đồng nghiệp thôi.
Vợ Trọng lo sợ hỏi:
- Như vậy, bây giờ mình lập bệnh viện miễn phí, kêu gọi các nhà hảo tâm, có hại không ba?
Ông Thuận lắc đầu:
- Có nhằm gì! Hồi xưa khác, đụng mỗi chút là họ mỗi nghi, chớ bây giờ, Tây nó còn bận bao nhiêu là việc. Chiến tranh cứ kéo dằng dai mãi, hơi đâu mà nó nghĩ đến mình. Nếu muốn làm chính trị thì ta theo kháng chiến chớ ở đây làm gì mà lập hội, lập hè.
Mọi người đều im lặng. Một lúc Trọng nói với ông Thuận:
- Ba à! Bác Thiện vừa ngỏ ý cho một miếng đất để xây cất bệnh viện đó.
Ông Thuận nhìn Mộng Ngọc hỏi lại:
- Thật vậy hả cháu? Anh Thiện hưởng ứng trước hết thì thế nào cũng thành công.
Vũ đáp thay lời vợ:
- Dạ... cũng nhờ ba cháu nghe nói bác đề xướng việc nầy.
Vợ Trọng sợ cha không hiểu, liền tiếp lời Vũ:
- Chúng con sợ bác Thiện không nhận giúp nên phải nói chính là ba đề xướng đó.
Bác sĩ Thuận chợt hiểu ra, gật đầu nói:
- À! Vì vậy mà anh Thiện tặng miếng đất đó hả? Cũng khá lắm, ba chắc còn nhiều nhà hảo tâm khác sẽ giúp mình.
Ngừng lại một phút ông Thuận tiếp:
- Dù gì thì mình cũng phải làm. Chiến tranh quá lâu, đồng bào đau khổ, bệnh tậí tràn lan nhiều hơn trước. Bệnh viện hiện giờ đâu đủ sức chữa trị bệnh nhân. Nếu giới bác sĩ, dược sĩ cùng nhứt loạt hưởng ứng việc công ích này thì đỡ biết mấy.
Vũ nói:
- Có bác đề xướng, chắc nhiều người sẽ nghe theo.
Bác sĩ Thuận tiếp tục ý mình:
- Có nhiều hoàn cảnh của bệnh nhân mình thấy thật là bất nhẫn! Riêng rẽ cứu giúp họ cũng chẳng ăn nhằm gì. Không có gì khổ bằng trong nhà không có tiền mà con cái bệnh nặng, chẳng biết phải làm sao? Vào nhà thương thì gặp lúc không có chỗ đành ôm con đứng ngoài đường mà khóc.
Rồi như sực nhớ ra chuyện gì, ông Thuận ngồi thẳng lên nói:
- Cũng có người liều lắm. Vào nhà thương thí không được, họ ôm con ào đại vào nhà mình. Các con có gặp trường hơp đó chưa?
Trọng lắc đầu:
- Dạ, chưa.
- Ờ, đâu hồi tháng trước nè. Buổi tối. Khoảng chín mười giờ gì đó, ba đang хеm sách thì chuông điện reo vang. Ba bảo con Năm rа xem ai đến. Một lúc nó trở vào, dẫn theo một thiếu phụ bồng con trên tay. Ba ngạc nhiên hỏi chị ta đi đâu thì chị ta bảo con chị bệnh nặng quá mà không xin vào Chợ Rẫy được.
Mộng Ngọc bảo vợ Trọng:
- Chắc đứa bé nguy kịch lắm nên họ mới liều vào nhà mình như vậy!
Ông Thuận gật đầu:
- Con nhỏ bị thương hàn cũng khá nặng. Nhưng điều đáng nói là sự liều lĩnh của mẹ nó. Các con biết sao không? Chị khóc lóc đưa cho ba một số bạc năm, sáu trăm đồng gì đó (giá trị đồng tiền hồi năm 1950 ở Sài Gòn), rồi nói là đã cầm hết đồ đạc lo cho con. Chị ta xin ba nhận số tiền đó và cứu giùm đứa nhỏ. Nếu còn thiếu, chị sẽ làm việc vặt vạnh trong nhà trả nợ.
Trọng lắc đầu:
- Trời! Thật là tội nghiệp.
- Ba bất nhẫn quá, nên bảo chị cất tiền lại, để cứu đứa bé trước đã.
Vợ Trọng hỏi cha:
- Ba có hỏi хеm nhà cửa ở đâu không? Còn chồng chị... sao mà để vợ con như vậy?
- Ba đâu có tò mò hỏi chuyện nhà người ta làm gì? Chỉ nghe nói hình như ở Mỹ Tho thì phải. Mà cô ta trẻ lắm! Chưa đầy ba mươi mà.
Tự nhiên, Vũ cảm thấy xót xa trong lòng. Biết chừng đầu mẹ con của Hiền cũng lang thang như vậy. Chàng ngập ngừng hỏi bác sĩ Thuận:
- Thưa bác. Rồi đứa bé có hết bệnh không?
Bác sĩ Thuận gật đầu:
- Hết chớ! Bệnh tình đứa bé cũng nặng lắm đó. Nhiều lúc bác sợ nó qua không khỏi.
Vũ lặng thinh, lấy thuốc ra hút, vẻ mặt tự nhiên đổi sắc. Mọi người trong bàn ăn không ai chú ý đến thái độ của chàng, chỉ riêng Mộng Ngọc khỏng bỏ sót cử chỉ nào của chồng. Nàng thầm đoán được nổi buồn thoáng qua trong lòng Vũ. Chắc chắn là chàng nghĩ đến Hiền và bé Lệ!
Bác sĩ Thuận tiếp:
- Hoàn cảnh của cô ấy thật đáng tội nghiệp! Xem mạch chích thuốc cho đứa bé xong, cô ta cứ nhìn ra ngoài trời rồi khóc. Bác ngạc nhiên hỏi thì cô ta trả lời là từ Mỹ Tho lên đây, định đem con vào Chợ Rẫy. Bất ngờ không vào được nên phải chịu bơ vơ. Cô ta thấy con đau nặng quá đánh liểu gọi cổng nhà mình. Bây giờ không biết phải mang con đi đâu? Mộng Ngọc ngập ngừng hỏi:
- Thưa bác. Bộ ở Sài Gòn, cô ấy không có bà con gì sao?
- Bác không tò mò hỏi nhưng chắc là không có nên cô ấy mới lúng túng như vậy. Hoặc có mà không tiện đến cũng nên...
Vợ bác sĩ Trọng cất tiếng:
- Thì mướn phòng khách sạn tạm ở vài hôm chớ gì?
Trọng lắc đầu bảo vợ:
- Tính được như em thì đỡ biết mấy. Mướn phòng khách sạn thì tiền đâu mà trả? Còn phải ăn, phải mua thuốc cho con. Em không nghe ba nói cô ta cầm hết đồ đạc chỉ có năm, sáu trăm đồng sao?
Ông Thuận gật đầu tiếp lời:
- Trọng nghĩ đúng đó. Cũng vì thế mà ba cho cô ta ở tạm căn phòng kế bên ga ra.
Vũ vụt cất tiếng:
- Thưa bác. Hai mẹ con cô ấy còn ở đó chăng?
Ông Thuận lắc đầu:
- Con bớt bệnh là cô ấy xin về Mỹ Tho liền. Hai mẹ con đi hồi chiều hôm qua.
Bác sĩ Trọng chú ý nhìn Vũ rồi nói giọng pha trò:
- Làm gì anh lưu ý đến hai mẹ con thiếu phụ kia quá vậy? Anh định mang về bệnh viện sắp xây cất của mình hả?
Ông Thuận và vợ Trọng cười vang lên. Mộng Ngọc cũng mỉm cười theo, chỉ riêng Vũ là cố gượng nhếch mép cho mọi người không để ý rồi thôi. Càng lúc chàng càng nghi ngờ hai mẹ con thiếu phụ kia là Hiền và bé Lệ. Phải chi họ chưa rời khỏi nhà bác sĩ Thuận thì chàng tìm đến ngay. Nếu quả thật Hiền mang con lên Sài Gòn để trị bệnh, sao nàng không đến với chàng? Trong hoàn cảnh nguy ngập của con, nàng phải nghĩ đến chàng chớ! Trong lòng Vũ thật là buồn. Ý nghĩ mẹ con thiếu phụ kia chính là mẹ con Hiền cứ ám ảnh chàng luôn. Đến lúc bác sĩ Thuận hỏi chàng:
- Bây giờ, cháu Vũ định sao? Mình bắt đầu kêu gọi các nhà hảo tâm được chưa?
Vũ giựt mình đáp:
- Dạ thưa bác, được rồi ạ.
Trọng nói:
- Theo ý con thì anh Vũ nên đánh máy rõ những điểm trong chương trình thiết lập bệnh viện miễn phí của mình. Rồi mình họp nhau thêm bớt, sửa chữa trước khi công bố.
Bác sĩ Thuận gật đầu:
- Phải đó cháu Vũ. Làm gì cũng phải đặt kế hoạch hẳn hòi mới mong thành công được.
Vũ đáp:
- Dạ cháu sẽ thảo xong trong đêm nay, ngày mai cháu mang đến bác xem.
Từ đó, cho đến lúc ra xe trở về nhà, Vũ không nói thêm một lời nào nữa. Mộng Ngọc cũng lặng thinh như chồng. Trọng chú ý đến điều đó, nên khi đưa vợ chồng Vũ ra xe, chàng hỏi nhỏ Mộng Ngọc:
- Có chuyện gì mà xem chừng anh Vũ không được vui vậy chị?
- Tôi cũng không rõ nữa anh à.
- Chắc tại ba tôi nói câu nào quá đáng đó chớ gì?
Mộng Ngọc lật đật đáp:
- Hổng phải vậy đâu anh? Chắc là ảnh đang nghĩ đến chuyện gì khác đó.
Khi hai vợ chồng về đến nhà, Mộng Ngọc thấy Vũ không đi thay đồ mà cứ ngồi ở hành lang hút thuốc. Chàng hút hết điếu này sang điếu khác mà không nói một câu nào. Mộng Ngọc định để yên cho Vũ với những ý nghĩ riêng tư của mình, nhưng nghĩ kỹ, nàng lại bước ra hành lang khơi chuyện với chồng. Thà là có người để trút bớt tâm sự, còn hơn chịu đựng một mình với những ý nghĩ nặng nề.
Vũ thấy Mộng Ngọc liền hỏi:
- Em chưa đi ngủ sao?
- Dạ chưa! Mình không thay đồ?
- Anh muốn ngồi yên một lúc.
Hai người cùng nín lặng. Cả hai đều hiểu rõ câu chuyện họ sắp nói ra, song không ai muốn bắt đầu trước. Mộng Ngọc bỗng nói:
- Lúc nãy, anh Trọng có để ý đến thái độ của mình. Ảnh hỏi em...
Vũ ngơ ngác:
- Anh Trọng hỏi gì?
- Tự nhiên thấy mình buồn, anh Trọng tưởng đâu bác Thuận có nói điều chi quá đáng, làm phiền lòng anh.
- Đời nào có chuyện đó. Sao anh ấy lại nghĩ kỳ vậy?
Mộng Ngọc cất giọng nhỏ hơn:
- Em cũng đoán thế nên đã trả lời anh ấy rồi.
Vũ nhìn vợ nói:
- Mình à! Tự nhiên, anh nghi ngờ hai mẹ con thiếu phụ đã đến phòng mạch bác Thuận là Hiền và bé Lệ. Linh linh như bảo với anh như vậy?
Mộng Ngọc không biết trả lời thế nào cho phải lẽ vì nàng cũng chẳng rõ được sự thật ra làm sao? Cố đánh bạt ý kiến cho Vũ đừng phiền lòng thì chàng có thể hiểu lầm mình.
Mộng Ngọc khẽ nói:
- Nếu mình nghi ngờ như vậy thì nên tìm kiếm thử coi. Bác Thuận có nói rõ là hai mẹ con thiếu phụ ở Mỹ Tho mà...
Vũ lặng thinh một lúc rồi lắc đầu:
- Thật khổ quá! Mình không có cách gì dò biết được có đúng là mẹ con của Hiền chăng? Một người đi một người tìm thật không dễ gì.
Mộng Ngọc nói thêm:
- Nếu là cô Hiền thì lạ quá. Bé Lệ đau nhiều như vậy tại sao về Sài Gòn không đem con đến đây?
Vũ nhìn vợ. Chàng muốn nói một câu nhưng sợ phiền lòng Mộng Ngọc, chàng lại thôi. Không lẽ chỉ căn cứ trên một chuyện hết sức vu vơ mà vợ chồng lại phiền giận nhau? Chàng dự định sáng mai sẽ tới bác sĩ Thuận, hỏi thăm "bồi bếp” trong nhà, họa chăng họ hiểu được phần nào về hai mẹ con người đàn bà kia. Nếu quả thật đứa bé tên là Lệ, chàng sẽ tính tới chuyện tìm kiếm Hiền và con.
*
Sự thật đứa bé kia, đúng tên là Lệ và người thiếu phụ đau khổ đã liều lĩnh mang con vào nhà riêng của một bác sĩ không quen biết đó chính là Hiền. Hoàn cảnh đẩy đưa nàng đến chỗ hành động táo bạo, mà lúc bình thường nàng không hề đám nghĩ tới. Từ Mỹ Tho lên Sài Gòn, Hiền đem con thẳng vào bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng không thể được!
Bệnh viện đầy nghẹt bệnh nhân vì nghe có một số quân lính Pháp bị phục kích, được mang cả vào đây cứu chữa. Họ chiếm rất nhiều phòng. Bệnh nhân nằm phòng có tiền mà còn không xin vào được, đừng nói nằm phòng thí. Hiền xót xa nhìn bé Lệ cứ nóng mê man mà không biết phải liệu sao? Nàng ở lì trong phòng giấy nài nỉ hết lời, ai cũng cảm thông hoàn cảnh của nàng, nhưng thật họ cũng không biết làm sao giúp nàng. Bên trong bệnh viện, nhiều bệnh nhân phải nằm trên “băng ca" để la liệt ngoài hành lang. Nếu cho vào cũng không có chỗ nằm. Họ bảo Hiền nán đợi... cho đến hết giờ làm việc. Rồi trời tối dần. Hiền khổ sở ôm con ra đường, nước mắt chảy quanh. Đi về đâu bây giờ? Tiền bạc không có bao nhiêu, cũng chẳng có ai là bà con thân thích? Đêm nay, mẹ con nàng không biết tá túc nơi nào? Thoáng một giây, Hiền nghĩ đến Vũ... nhưng lại thấy tủi nhục nhiều quá. Nàng không còn đủ can đảm để đến nhà chàng. Nàng có đến ở tạm nhà cô Liễu qua đêm thì Vũ cũng sẽ biết. Nàng bồng con đi dài dài trên lộ, sương đêm bắt đầu thấm lạnh. Hiền quấn chặt mền quanh mình bé Lệ, ôm chặt con vào lòng. Con nàng vẫn nóng mê man.
Một người đạp xích lô, chạy rề rề theo sau nàng hỏi:
- Cô lên xe đi. Cô đi về đâu?
Hiền ngừng lại, nhìn người đạp xích lô. Ông la đã có tuổi. Khuôn mặt khắc khổ nhưng hiền từ. Hiền hy vọng ông ta sẽ giúp được mình trong hoàn cảnh khó khăn này.
Nàng hỏi:
- Bác làm ơn chỉ giùm mẹ con tôi một phòng ngủ rẻ tiền để ở tạm qua đêm. Bác đưa mẹ con tôi tới đó, tôi sẽ đền ơn.
Nhìn thoáng qua dáng điệu của mẹ con Hiền, người đạp xích lô đã thấu hiểu được hoàn cảnh. Hằng ngày, túc trực trước cửa bệnh viện Chợ Rẫy, ông ta đã nhìn thấy biết bao cảnh đời tương tự như thế. Ông ta bước xuống đất hỏi:
- Phải cô xin vào bệnh viện Chợ Rẫy không được hả?
- Dạ. Cháu bé bệnh nhiều quá, tôi không biết phải làm sao?
Chú xích lô hỏi tiếp:
- Cô ở Lục tỉnh lên hả?
- Dạ!
- Không quen ai ở Sài Gòn sao?
Hiền lắc đầu rơm rớm nước mắt. Chú xích lô giở mép mền nhìn bé Lệ rồi nói:
- Cháu bé coi bộ đau nhiều mà không vào nhà thương được thì cũng khổ quá. Nhưng phải lo thuốc chớ. Cháu đau gì?
- Dạ, bệnh thương hàn.
- À! Ban c...
Đúng theo người mình, chứ kiêng cữ không nói động đến hai chữ tiếng "ban cua". Hiền nóng lòng muốn hỏi thăm về chỗ ở thì chú xích lô đã nói:
- Cô có định trị thuốc Nam không? Tôi biết một ông thầy giỏi lắm. Nên trị bệnh cho cháu đi. Cứu bệnh như cứu hỏa hơi đâu mà đợi vào nhà thương.
Hiền đáp nhỏ:
- Dạ tôi đang bối rối quá, không biết liệu sao?
Chú xích lô nhìn Hiền rồi thầm đoán hoàn cảnh của nàng. Chú nói:
- Ông thuốc Nam này tử tế lắm. Lấy rẻ mà! Không phải dân "đập đổ" đâu. Vợ con tôi đau ốm gì cũng nhờ ổng hết. Thiếu ấp lẫm rồi trừ luôn.
Hiền chưa kịp đáp thì chú lại nói luôn:
- Hay cô muốn trị thầy Tây? Cũng được vậy. Đem cháu lại ông Thuận. Bác sĩ Thuận thương người lắm. Tôi chưa đến cho ông trị bệnh lần nào nhưng nghe họ đi xe họ nói. Có tiền nhiều hay ít gì, ổng cũng trị tử tế lắm.
Hiền nhìn chú xích lô nói:
- Nhưng bây giờ khuya rồi làm sao chú?
Chú xích lô hơi ngần ngừ một chút rồi nói:
- Thì cứ đi đại xem sao? Ông dễ lắm? Chớ bệnh cháu nhiều, mà cô cứ chờ đợi sợ không được.
Hiền cảm động nói:
- Thật tôi hết biết đường tính rồi, chú à!
- Thôi, lên xe đi. Tôi đưa lại đó cho.
Hiền đánh liều bồng con bước lên xe. May mắn là nàng gặp được bác sĩ Thuận, một bác sĩ có lương tâm nghề nghiệp và giàu lòng thương người. Bác sĩ hết lòng cứu chữa cho bé Lệ và còn giúp cho mẹ con nàng nơi ăn, chốn ở, ngay trong biệt thự của ông.
Có đêm, ngồi bên cạnh con, Hiền đã nghĩ ngợi vẩn vơ. Nàng đành là không thể nào ở với Vũ rồi, nhưng còn bé Lệ. Nàng mang con đi như thế này cũng tội nghiệp cho nó. Đáng lý ra, nó được sống kề cận bên cha, được hưởng đầy đủ cái ăn, cái mặc, chớ đâu lại chịu cảnh đau không thuốc uống... đi cầu xin ân huệ của mọi người. Nghĩ cho kỹ, Hiền thấy chính mình làm khổ con. Phải chi nàng đủ sức nuôi nó, đủ sức lo lắng cho nó?!
Rồi đây, trên đường đời còn bao nhiêu cạm bẫy, nàng không biết mình có đủ sức gầy đựng cho con không? Thoáng một giây, nàng nghĩ đến việc giao nó cho vợ chồng Vũ dưỡng nuôi. Dù sao, nó cũng sẽ được yên lành hơn là sống vất vả như vầy. Bệnh tình bé Lệ dần thuyên giảm. Hiền vui mừng lắm và ý nghĩ giao con cho Vũ lại đến với nàng một cách mãnh liệt hơn. Vũ rất thương yêu bé Lệ. Điều đó nàng dám chắc như vậy, nhưng liệu Mộng Ngọc có làm khổ con nàng chăng? Những ý nghĩ trái ngược nhau cứ xung đột không ngừng trong đầu óc của Hiền. Rồi nàng cũng không biết liệu sao nữa?
Một sáng, bé Lệ tỉnh táo hơn mọi hôm nên hỏi mẹ:
- Nhà này của ai vậy mẹ?
Hiền nhìn con đáp:
- Nhà riêng của bác sĩ Thuận, người đã trị bệnh cho con đó.
- Vậy mà con tưởng là nhà của "ba con”. Sao mình lên Sài Gòn rồi, mà không về nhà ba hả mẹ?
Hiền không biết phải trả lời con như thế nào nữa. Không lẽ tìm cách dối quanh, đối quẩn mãi sao?! Nàng đành nói lảng sang chuyện khác cho bé Lệ không hỏi nữa.
Nhưng buổi tối, khi Hiền dỗ con ngủ, bé Lệ lại hỏi mẹ:
- Sao ba không đến thăm con hả mẹ?
Hiền đành đáp liều:
- Ba bận nhiều việc lắm.
Rồi nàng khẽ hỏi con:
- Lệ à!
- Chi mẹ?
- Con chịu về ở với ba không?
Bé Lệ nhìn mẹ nó rồi gật đầu:
- Dạ chịu. Ở nhà ba thiệt lớn mẹ há?
Bé Lệ còn ngây dại nào biết gì đâu. Những lời của nó thốt ra làm đau xót lòng Hiền, nhưng nàng vẫn gượng cười bảo con:
- Ráng hết bệnh, mẹ sẽ đưa con về nhà ba.
- Vậy hả mẹ? Ô, sướng quá. Ba mua đồ chơi cho con nhiều nè.
Hiền nhìn con cất giọng nghẹn ngào:
- Mẹ không ở đó với con, con chịu không?
Bé Lệ hỏi ngay:
- Sao vậy mẹ? Mẹ phải ở với ba chớ.
- Mẹ bận đi làm ăn xa nên gởi con ở tạm với ba trong ít lâu rồi mẹ về.
- Không đâu mẹ, mẹ đi, con đi nữa.
Hiền sung sướng nhìn con:
- Ơ kìa! Sao kỳ vậy? Thì con ở với ba trong ít lâu mà.
- Chừng bao lâu? Mẹ nói cho con biết đi.
- Một tháng hoặc hai tháng. Lệ chịu hông?
Bé Lệ lắc đầu:
- Gì mà lâu dữ vậy! Con hổng chịu đâu. Mẹ ở luôn bên con hà.
- Không được đâu con. Đi với mẹ cực khổ lắm, về với ba, con sẽ được sống sung sướng, đầy đủ hơn.
Bé Lệ vẫn giữ ý mình:
- Nhưng không có mẹ, con không chịu đâu?
- Chớ ba chi? Không có mẹ, ba cũng thương con vậỵ.
- Nhưng hổng được đâu mẹ.
Bé Lệ vẫn cương quyết chống lại ý kiến của Hiền. Từ nhỏ tới lớn sống liền bên mẹ, nó không hề xa cách một ngày, đừng nói chi cả tháng trời! Sở dĩ nó thích về với cha vì cha nó có nhà rộng, có đồ chơi nhiều và để bọn trẻ không bảo nó là "đồ không cha". Thật ra không có những thứ đó... cũng chẳng sao? Chớ vắng mẹ nó, mới là điều quan hệ. Với trí nghĩ non nớt, bé Lệ chưa hiểu gì nhiều, nó chỉ cần biết mẹ nó ở đâu là nó phải ở đó.
Hiền sung sướng nhìn con rồi hỏi thử nó:
- Bây giờ, có người lo lắng săn sóc cho con như mẹ vậy, con có chịu về ở với ba không?
Bé Lệ lắc đầu lia lịa:
- Hông, hông! Con hổng chịu đâu.
Rồi nó phụng phịu khóc. Hiền ôm chặt con vào lòng, nước mắt rưng rưng. Dù gì đi nữa, trên đường đời nàng cũng không quá lẻ loi. Con nàng đã dành sẵn cho nàng một tình thương bất tận! Bao nhiêu đó, cũng đủ giúp nàng giàu thêm nghị lực, để vượt qua những thử thách cam go.
Nàng nói trong tiếng nấc:
- Con yên lòng đi. Mẹ sẽ chẳng bao giờ xa con đâu. Con ở đâu là mẹ ở đó, nếu mẹ còn sống được với con.
Bé Lệ sung sướng rúc đầu vào ngực mẹ. Nó cảm thấy luôn luôn được bảo vệ.
Từ hôm đó trở đi, chính Hiền cũng không thấy con nhắc nhở đến chuyện "thăm cha" nữa.
Và khi bé Lệ thật bớt, Hiền xin phép bác sĩ Thuận được về ngay. Nàng không lưu lại Sài Gòn lâu hơn vì sợ gặp mặt những người quen biết cũ.
Hiền muốn từ đây, Vũ sẽ không để tâm tìm kiếm mình nữa. Nàng chỉ là một cái bóng mờ trong dĩ vãng của chàng.
HẾT TẬP I