Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Chương 2
T
heo lệnh quân đội Anh, đại đội chúng tôi di chuyển từ trên núi xuống đồng bằng, rồi đi thuyền xuôi sông Sittang, cuối cùng đáp xe lửa và lấy xe cam nhông tới Mudon. Đến đó chúng tôi được đưa vào một trại tù binh chiến tranh.
Nỗi lo sợ về sinh mạng của anh em đã tan biến rồi. Chúng tôi được biết tổ quốc chúng ta đã bị bại trận, hầu hết bị tàn phá, nhưng chúng tôi cũng được biết tổ quốc chúng ta không bị tàn phá hoàn toàn, tù binh chiến tranh chúng tôi sẽ được hồi hương một ngày nào đó.
Tại Mudon chúng tôi bắt đầu một cuộc đời mới, đợi ngày trở về quê hương.
Khu chúng tôi ở gồm có một số nhà chòi nipah đơn sơ - một thứ nhà tranh, cột và sàn cao hơn mặt đất, mái lợp rạ. Căn nhà quá ư lộng gió đến nỗi trở nên rất ẩm ướt. Chúng tôi phải ngủ dưới đất không có giường chiếu chi cả. Nhưng điều đó không phải là sự cực khổ thực sự tại một nơi khí hậu nóng bức như thế. Một hàng rào tre vây quanh căn nhà để giam giữ không những chúng tôi ở trong mà còn ngăn cản cả người khác đi vào. Một lính gác người Ấn đứng canh ở cổng ra vào; cứ mỗi khi thấy một người bán hàng rong hoặc ai định lẻn vào bên trong người lính ấy thường bắn chỉ thiên đuổi đi.
Có một dãy dài hàng rào tre như thế; mỗi cái giam một nhóm tù binh. Ngoài ra, chúng tôi còn bị cấm không được liên lạc với những tù binh khác, vì thế anh em chẳng biết gì đang xảy ra ở bên ngoài. Luật lệ này được duy trì khe khắt. Tuy nhiên sự đối đãi xem ra tử tế.
Thỉnh thoảng chúng tôi được sai ra ngoài làm công tác xây cất hoặc kéo gỗ từ rừng về, nhưng nói chung ra thì chúng tôi sống một cuộc sống đều đều, êm ả, chẳng có gì để làm hết.
Đã lâu rồi - thực ra đến cả hàng năm ấy -chúng tôi không được sống những ngày thanh thản như thế này. Chúng tôi đã luôn luôn bị dao động, quấy rối và rượt đuổi. Luôn luôn căng thẳng và lo lắng về cái gì sẽ xảy ra sau đó. Đặc biệt trong suốt năm vừa qua, chúng tôi sống trong một thế giới chớp lòe đến mù cả mắt, tiếng nổ đến điếc cả tai. Bỗng dưng tất cả những cái đó ngừng hết - bây giờ không còn tiếng bom nổ, không còn mệnh lệnh, không còn gọi giật dậy giữa đêm khuya. Hết ngày này qua ngày khác chúng tôi ngồi im lặng trong căn nhà chòi, đưa mắt nhìn ra một rừng dừa. Thoạt đầu, đối với chúng tôi điều này hầu như kỳ lạ, không thể chịu nổi. Trong khi ngồi đó, chẳng có việc gì làm, chúng tôi cảm thấy trong lòng bối rối và lo âu. Song le, rồi thì, cái cảm giác khó chịu mơ hồ này cũng qua đi, và chúng tôi trở nên quen với cuộc sống êm ả, thầm lặng.
Nhưng, đúng lúc đang cảm thấy thoải mái, thì một cảm giác khó chịu khác bắt đầu giày vò chúng tôi. Lần này, chúng tôi thắc mắc bởi vì Mizushima đã đi lâu quá rồi.
Mới đầu ai cũng tin tưởng trong vài ngày Mizushima sẽ đi theo đến chỗ anh em ở đây. Chúng tôi mong đợi cánh cổng mở tung ra bất kỳ lúc nào và Mizushima bước vào hăng hái, vui tươi như bao giờ. Chúng tôi thường thấy nhau nhìn về phía cái cổng. Đôi khi, lại còn nghĩ nghe thấy cả tiếng chân anh ấy nữa.
Nhưng dù cho anh em có chờ đợi đến thế nào anh ấy cũng chẳng bao giờ tới.
“Không hiểu cái gì đã xảy ra cho Mizushima” chúng tôi cứ nói hoài. “Chúng mình chẳng thể hát hay được nếu không có cây. thụ cầm của anh ấy.”
“Không phải chỉ có thế; chúng mình không làm được nhiều việc nếu không có anh ấy.” “Mọi việc dường như buồn chán khi không có anh ấy ở đây.”
Hết ngày này qua ngày khác chúng tôi chờ đợi vô ích. Mizushima không trở lại. Liệu có thực là anh ấy đã đi tới đỉnh núi hình tam giác, hoặc liệu anh ấy có thể cứu sống những người lính quyết tử ấy khỏi tự sát hay không, chúng tôi không biết. Anh em đã mặc nhiên công nhận là Mizushima có thể thi hành công tác ấy tốt đẹp. Nhưng bây giờ anh em nhận ra rằng đó mới là một công tác khủng khiếp làm sao. Rất có thể chính bộ đội của chúng ta sẽ giết chết anh ấy, vì đã khuyến dụ họ đầu hàng. Hết ngày này sang ngày khác, chúng tôi lại càng suy nghĩ nhiều hơn về sự nguy hiểm của sứ mệnh anh ấy thi hành. Chúng tôi chỉ hy vọng anh ấy trở về, dù cho đã thất bại. Đại úy chau mày và nói: “Tôi không nghĩ chú ấy đã bị giết, ở khu đó đánh nhau rất lớn, vì thế có thể chú ấy đã bị thương. Có lẽ chú ấy đang được điều trị ở một nơi nào đó. Tôi hy vọng chúng ta có cách nào tìm ra - chắc chắn thế nào chú ấy cũng trở lại càng sớm càng hay. Vì thế chắc hẳn chú ấy đã gặp khó khăn. Tôi hy vọng sự việc không đến nỗi nghiêm trọng quá…”
Tất cả chúng tôi đều lo lắng như thế, nhưng vẫn không được tin tức gì của Mizushima. Ai nấy đều nói chuyện về anh ấy; mặt khác, vì là tù binh, dù muốn khuây khỏa nỗi ưu tư riêng, chúng tôi cũng không thể phái người nào ra ngoài điều tra. Nhiều tháng trôi qua như thế này. Vào những ngày không phải kéo gỗ từ rừng về hoặc xây cất cái gì, chúng tôi không thể không nói đến Mizushima. Trong những ngày ấy chúng tôi thường ra chơi trong vườn dừa đằng sau doanh trại, tìm kiếm vật liệu sửa chữa căn nhà chúng tôi đang ở, thường bị bão tố và mưa lũ làm hư hại. Chỉ trong một ngày thôi, ở trong rừng cây ấy, chúng tôi đã có thể thu nhập được những gì cần thiết cho hầu hết bất kỳ sự tu sửa nào. Thân cây dừa thì khá dài và thẳng sẽ được dùng làm cột hoặc xà nhà; lá dừa thật tốt để lợp mái và những sợi tơ của vỏ dừa dầy cộm chịu nước rất dai có thể vặn lại thành dây bền bỉ, cứng cáp. Với những vật liệu này anh có thể tu sửa một cái nhà sàn nipah, dù cho nó có bị hư hại đến mấy đi nữa.
Quả thực bộ phận nào của cây dừa cũng ích dụng đối với chúng tôi. Anh em đã dùng tất cả các bộ phận ấy để làm thành đủ mọi thứ cần thiết ở trong nhà. vỏ ngoài của cây dừa được dùng làm bàn chải để cọ; nếu chẻ cái gáo dừa ra làm hai, chúng tôi có hai cái bát; nếu gắn một cái cán vào cái bát ấy, chúng tôi sẽ có một cái gáo để múc nước. Anh cũng có thể biến chế cái vỏ quả dừa tròn tròn, rắn chắc thành vô số đồ dùng khác nữa hoặc kéo các sợi tơ kết thành sợi dây mà mấy người lính bện thành những cái thúng và những cái rổ. Thật như thể những đồ dùng trong bếp đang treo trên một cái cây. Và chúng tôi còn buộc lá dừa lại để làm chổi quét. Mỗi tháng một cây dừa mọc ra và rụng mất một tàu lá, giữ cho số lá trên cây không thay đổi. Nói khác đi, mỗi tháng mỗi cây dừa ném xuống đất một cái chổi.
Quả dừa nổi tiếng vì giá trị dinh dưỡng rất cao của nó. Bên trong chứa đầy một chất lỏng man mát, trông hơi xanh xanh, nhưng uống ngon đáo để. Người ta gọi chất lỏng này ở tiếng Anh là milk- sữa. Dầu được lấy ra từ cùi dừa trắng trong. Chất dầu ấy được biến chế thành chất béo margarine và làm xà phòng, cùng nhiều thứ khác nữa. cùi dừa rất bổ và có thể ăn sống. Thổ dân nạo ra, rắc lên thức ăn hoặc cuốn thành thỏi làm bánh nướng chín để ăn. Anh có thể vắt những cọng hoa dừa lấy nhựa để làm đường. Có những loại dừa chứa ngay trong thân chất tinh bột.
Lại có thể chế cả rượu dừa. Anh vạch một vệt sâu vào cọng hoa dừa, rồi cắm một cái ống tre ở đó cho nhựa chảy xuống. Khi nhựa cây đọng lại trong ống ấy,tự nhiên lên men và ít lâu biến thành một chất rượu thật ngon. Nhưng vì người Miến Điện không uống rượu nên không bao giờ chúng tôi thấy họ làm như phương pháp này được sử dụng ở vùng West Indies thuộc Hòa Lan, nơi nhiều lính Nhật Bản đã học được và tập tính khoái uống rượu dừa. Trong đại đội chúng tôi có một người thích thứ rượu này nên thường bí mật cắm ông tre vào những cây dừa trong rừng. Cứ mỗi khi bão nổi lên là anh ta mở cờ trong bụng. Chẳng cái gì làm anh ta thích cho bằng có dịp sửa mái nhà.
Hẳn thế cây dừa là một kho tàng vô giá.
Người ta bảo ở châu Âu một nông dân mà có một con bò thì sẽ không bao giờ bị thiếu thốn.
Tôi nghĩ cây dừa là con bò của miền nhiệt đới vậy.
Một hôm chúng tôi vào rừng chặt một cây dừa hì hục bện thừng, buộc xén các tầu lá và đục lỗ trên quả dừa. Người lính thích uống rượu ấy cứ chốc chốc lại lẻn ra một nơi nào đó, rồi trở về mặt đỏ bừng, tươi cười hớn hở ngân nga một bài hát Miến Điện.
Thường thường cứ khi nào một người nào đó cất tiếng hát là cả bọn anh em hát theo liền. Nhưng lần này chúng tôi tiếp tục im lặng làm việc, Mizushima thường hát bài ca Miến Điện ấy khi nào đi thám sát. Đó là dấu hiệu “an toàn”.
Người lính say sưa ấy chỉ hát một đoạn theo hứng riêng; nhưng đối với chúng tôi đoạn ấy dường như đem lại cho anh em cảm giác đang nghe một bài ca xa xưa vậy, cùng tiếng thụ cầm đệm theo vang lên từ lòng khu rừng. Trong tâm trí, chúng tôi nhìn thấy khu rừng trước mặt mình, những con chim đang bay lượn ở trên và anh chàng Mizushima mặc sà-rông đang biến dạng giữa hàng cây.
Đại úy vừa đan những lá dừa lại với nhau để vá một bức vách vừa lầm bầm một mình: “Đáng lẽ mình đi mới phải”. Ông chau mày và cắn chặt môi.
Những ai trong đám anh em nghe thấy ông nói đều hiểu ông muốn nói gì. Ông hối tiếc đã trao một sứ mạng nguy hiểm như thế cho một thuộc cấp trẻ tuổi của mình.
Một đêm trời nổi bão khủng khiếp. Mưa đổ xuống như thác và rừng dừa than van trong tiếng gió. Thỉnh thoảng chúng tôi nghe thấy tiếng rơi bịch khi một quả dừa lìa cội rụng xuống mặt đất. Tiếng động ấy đã nổi lên cùng làn gió và cứ tiếp tục như thế suốt đêm.
Chúng tôi nằm trong bóng tối lắng nghe, không làm sao mà nhắm mắt cho được.
“Lại một quả khác”, một người lính làu bàu.
“Những cây dừa chết tiệt nhỏ sữa suốt cả đêm.”
Thế rồi có người cất tiếng hát, giọng trầm trầm:
“Cây dừa trên hòn đảo cô đơn.
Sao mi không ngủ đi cho rồi?”
Gió rít lên. “Lại một quả nữa!” Một người vừa kêu vừa nhỏm đầu dậy. Và rồi: “À, bài hát ấy Mizushima thích lắm…”
“Im đi” Một -người nói vọng. “Ngày mai còn phải làm việc - hãy ngủ lấy một tí chứ.”
Mizushima cứ lẩn quẩn, trong đầu óc chúng tôi nên một hôm tất cả đều ngạc nhiên vô chừng. Chúng tôi đã tới Mudon khoảng ba tháng rồi. Đại đội đã bắc xong một cây cầu ở ven đô thành phố, một công tác nặng nhọc kéo dài đem đặt những tấm gỗ khít vào nhau bắc qua lòng một dòng sông. Sau nhiều ngày làm việc dưới nước đục ngầu, cuối cùng anh em đã hoàn thành công tác và đang đi qua cây cầu ấy, lúc trời bắt đầu ngả chiều, trở về thành phố. Đúng vào lúc ấy, chúng tôi nom thấy một tu sĩ Miến Điện, quần vén cao, đang đi về phía chúng tôi.
Lúc đi qua mặt người ấy ở trên cầu, chúng tôi sửng sốt, vì ông ta trông giống Mizushima quá. Tu sĩ là một thanh niên hãy còn trẻ tuổi, đầu cạo nhẵn thín. Ông ta ôm một cái bát để khất thực và mặc một tấm cà sa mới màu vàng, một bên vai choàng lỏng lẻo, trên đó đậu một con vẹt xanh mượt. Chắc chắn là ông ta đã từ một làng lân cận đi tới.
Ông ta chính là hình ảnh của Mizushima: vóc người tầm thước, vạm vỡ, mắt sâu và to, hai môi mím chặt, nước da đen kịt có lẽ là đi hành khất hàng ngày. Nếu có cái mũ quân đội Nhật Bản đội trên đầu, ông ta sẽ dễ dàng biến thành Mizushima. Ông ta có vẻ lúng túng - và hơi cáu kỉnh - bởi vì tất cả anh em tù binh chúng tôi đều trố nhìn vào tận mặt, hết người này đến người khác. Ngay cả cái vẻ mặt đăm chiêu của ông ta trông cũng giống một cách kỳ lạ.
Chúng tôi phải đi hàng một dọc cây cầu hẹp và lúc đi sát bên cạnh ông ta, lần lượt chúng tôi liếc nhìn nhau rồi cười ồ vì sự giống nhau ấy.
Cuối cùng vị tu sĩ Miến Điện hình như đành chịu sự sỗ sàng của chúng tôi. Một tay cầm con vẹt đưa lên vai, ông ta thầm lặng đi qua, hai mắt cúi gầm nhìn xuống.
Sau khi qua cầu chúng tôi rẽ và nhìn thấy vị tu sĩ rảo bước thật nhanh dọc theo bờ sông, đối diện, trực chỉ hướng bắc, cách xa thành phố. Chẳng mấy chốc ông biến vào trong rừng cây lưa thưa.
Đêm ấy chúng tôi nằm trên sàn nhà, nói chuyện về người tu sĩ ấy. “Mizushima thường mặc như thế khi đi thám thính.”
“Tớ muốn đem hắn về đây và đưa cho hắn cây thụ cầm hòa nhạc nghe cho vui.”
“Tụi tao sẽ làm thế lúc đưa đám mày.”
“Đừng vớ vẩn… nhưng ờ mà này, bây giờ Mizushima đang ở đâu nhỉ?”