Số lần đọc/download: 2591 / 45
Cập nhật: 2018-03-07 14:34:06 +0700
Chương 6: Một Cuộc Lênh Đênh Miễn Cưỡng
V
ăn Bình được đặt nằm trên một cái nệm dày, bên cạnh Katy còn ngủ mê mệt. Bây giờ thì chàng đã chắc đó là một con thuyền đánh cá cỡ trung bình có lắp máy chạy dầu cặn. Loại thuyền thường lênh đênh trên hải phận Mỹ. Rô Ma Nốp ngồi chụm đầu với người chủ thuyền dưới ngọn đèn bão, ngọn lửa xanh lè. Văn Bình thấy Rô Ma Nốp đang nghiên cứu một bản địa đồ bằng lát tích, trên miệng ngất ngưởng một điếu xì gà to tướng. Bắt đầu từ chỗ này, nếu đã ra hải phận thì Rô Ma Nốp không còn sợ thủy quân tuần tiễu của Mỹ nữa.
Rô Ma Nốp đưa tay trái lên xem giờ. Xem giờ xong, hắn liếc nhìn tên chủ thuyền. Có lẽ Rô Ma Nốp chờ đợi một cái gì. Thuyền trưởng là một người cao lớn, gày gò, nét mặt xương xương đanh ác, lông mày như nét mác rậm rì quệt một vệt dài trên cái mũi cà chua khổng lồ, và cái miệng nhỏ xíu không bao giờ cười. Đúng hắn là hạng người mà các sở gián điệp cộng sản cần tới. Thuyền trưởng nói với Rô Ma Nốp bằng tiếng Nga, đặc biệt tiếng Nga của người ở Mạc Tư Khoa:
- Không hiểu tại sao lại chậm như vậy? Đồng chí rán chờ thêm 15 phút nữa xem?
Rô Ma Nốp đáp:
- Nếu đêm nay không gặp thì mình đi đâu?
Thuyền trưởng nói:
- Mình cứ lui tới khoảng này thôi. Về gần bờ công an duyên hải sẽ chặn lại ngay.
Rô Ma Nốp nói giọng lo lắng:
- Ở ngoài hải phận thì hay, nhưng nếu họ nghi ngờ, họ vẫn cứ chặn chúng ta lại như thường. Nếu lỡ việc thì…
Rô Ma Nốp chưa kịp nói hết, trong bóng đêm hắn thoáng thấy nhiều tia đèn bấm cực mạnh cháy lên rồi tắt, rồi cháy. Đèn bấm lại hiện lên lần nữa. Mật hiệu của tàu ngầm Nga. Thuyền trưởng đứng dậy, rút đèn trong mình ra bấm làm hiệu trả lời.
Văn Bình nghe rõ tiếng máy đều đều của tiềm thủy đĩnh. Chỉ mấy phút sau, chiếc thuyền đã đến sát tàu ngầm.
Trời mùa hạ ở vùng California cũng không khác gì ở Việt Nam. Mây trong và cao. Một giòng sao chạy dài trên nền trời đen mướt trông như sợi giây kim cương đặt trên tấm thảm nhung lớn. Văn Bình thấy 2 người đứng trên boong tàu ngầm. Thuyền trưởng đánh cá quăng sợi dây buộc thuyền vào lan can tiềm thủy đĩnh. Rô Ma Nốp xốc Katy lên vai, bước lên cái thang sắt mà thủy thủ trên tàu ngầm vừa thả xuống. Viên thuyền trưởng đánh cá vẫn đứng như pho tượng ở mũi thuyền. Nhiệm vụ của hắn là chở Rô Ma Nốp và “hàng hoá”, chứ không được lên tiềm thủy đĩnh. Văn Bình được xốc lên sau. Quả Rô Ma Nốp có sức khỏe phi thường tuy hắn nhẹ cân và thân hình nhỏ bé. Hắn vác Văn Bình trên vai, trèo thang sắt mà không tỏ vẻ mệt nhọc.
Nắp tàu ngầm mở ra, bên trong chiếu ra ánh sáng đỏ quạch. Văn Bình được đưa xuống tầng dưới, vào một căn buồng nhỏ, bên cạnh phòng hạm trưởng. Katy thì ngủ trên cái giường sắt trải nệm và drap màu nước biển. Căn buồng của 2 người cũng giống như những căn buồng mà Văn Bình đã sống qua trong các tàu ngầm Mỹ. Khác một điểm là tàu ngầm Mỹ có máy vô tuyến truyền hình và máy thu thanh, máy hát cho phòng sĩ quan giải trí, còn ở đây, bốn phía lại khô khan, trống trơn, một màu buồn tẻ trên sắt. Ngoài hai cái giường nhỏ, một cái bàn viết gắn vào thân tàu ngầm, còn có một chân dung khá lớn của đồng chí đảng trưởng Cút Xếp treo chễm chệ trên đầu giường. Cút Xếp giương cặp mắt ti hí soi mói nhìn Văn Bình. Bất giác chàng mỉm cười.
Chàng bỗng thấy người nóng ran. Cảm giác nóng ran cho chàng biết tác động của thuốc tê bại bulbocapnine đã nhạt hết, chàng liền vung tay ra thử. Vung tay được, chàng duỗi chân ra. Duỗi được. Sau mấy tiếng đồng hồ biến thành tượng đá, Văn Bình đã cử động lại như thường. Chất bulbocapnine sẽ làm chàng mềnh mệt nhưng không hại nhiều đến cơ thể. Chàng còn nhớ một nhà bác học của Sở Mật vụ có thói quen tinh nghịch mỗi khi ăn cơm, uống cà phê, đọc sách đều tiêm bulbocapnine cho một con mèo hay phá phách, gây ồn ào, rồi đặt nó lên bàn, trước mặt. Chú mèo không cử động được trong một tiếng đồng hồ. Người nhà lầm tưởng đó là mèo nhồi bông chứ không biết là mèo sống. Đến khi nhạt thuốc, chú mèo lại cử động và kêu meo meo như cũ. Văn Bình vừa bị mật vụ Xô Viết coi như con mèo nghịch ngợm. Nhưng một phút sau chàng lại nuốt giận vào bụng vì chàng vừa liếc trên bàn đêm gặp 2 chai rượu, 1 chai bourbon, và 1 chai vodka. Chàng liền nhỏm dậy khui bourbon uống. Uống 3 ly đầy ắp xong cho đã thèm, chàng bóc thuốc lá cũng để trên bàn ra hút. Bực mình một cái là không phải thuốc lá bạc hà Salem.
Vừa nằm hút thuốc, Văn Bình vừa lan man nghĩa ngợi. Từ lúc đặt chân xuống tàu ngầm, chàng đã dẫm chân lên đất địch. Một sơ hở cỏn con sẽ là bản án tử hình đối với chàng. Katy vừa tỉnh. Lần này nàng có vẻ ngơ ngác hơn lần tỉnh dậy ở Charleston. Văn Bình âu yếm hỏi:
- Em… em mệt không?
Katy gật đầu:
- Hơi mệt anh ạ, đây là đâu hả anh?
Văn Bình đáp:
- Chúng mình đang nằm trong tàu ngầm.
Katy hỏi dồn:
- Tàu ngầm đi đâu?
Văn Bình hút một hơi thuốc lá:
- Anh không biết.
Katy nín thinh không hỏi nữa. Chàng thừa hiểu tàu ngầm sẽ đi dọc duyên hải Mỹ trên đường về Nga Xô. Cựu Kim Sơn, mũi Măng Đô Xin Nô (Cap Mendocino), nơi mà tàu ngầm nổi lên, thuộc vĩ tuyến 40, kinh tuyến 120. Nếu chàng đoán không lầm thì tiềm thủy đĩnh sẽ chạy ra tới vùng kinh tuyến 160 tránh xa quần đảo A Lê U Chiên (Aléoutiennes), thuộc tiểu bang Nê Brát Ka (Nebraska) và tiến tới hải phận Xô Viết. Hoặc tàu ngầm ngoi lên ở Kam Chát Ka (Kamtchatka), hoặc chạy về biển Ô Khốt (Okhotsk) ở phía bắc Nhật Bản. Katy ra hiệu cho Văn Bình:
- Cho em một ly huýt ky đi anh.
Suýt nữa chàng quên mất bổn phận làm chồng mới cưới của mình. Lý Dĩ vốn là gã nịnh đầm số một và chiều vợ hết mực kia mà! Nếu địch dán mắt nhìn trộm, họ đã nhận ra sự thiếu sót đáng trách tai hại của chàng. Chàng liền rót rượu cho Katy, và bưng tận miệng cho nàng. Nhắp môi vào, Katy không quên ban cho chàng một cái nhìn trìu mến. Uống xong, nàng chồm lên hôn Văn Bình trên môi. Văn Bình run người vì sung sướng. Katy cũng rùng mình khoái lạc, giật bắn người lên như bị sốt rét. Trong cơn nguy hiểm, 2 người vẫn cảm thấy ma túy của ái tình. Hôn xong, chàng như cảm thấy lạnh. Katy lại ôm ghì lấy chàng. Chàng trèo lên giường, kéo chăn trùm cả 2 người.
Chợt có tiếng mở khóa cửa lách cách. Có người tới. Văn Bình tảng lờ như không biết. Chàng ôm xiết Katy trong vòng tay với cử chỉ suồng sã giữa 2 vợ chồng. Rô Ma Nốp đứng sừng sững trước cửa buồng. Hắn se sẽ lắc đầu. Lý Dĩ vẫn bị nhiều người chê bai là mê gái, thích truy hoan. Giờ đây, Rô Ma Nốp đã chứng kiến tận mắt. Nhà bác học quên bẵng đây chỉ là căn buồng tàu ngầm không kín đáo, chứ không phải là giường khách sạn thơm mùi nước hoa và hoa hồng gửi từ Ba Lê sang, như ở Las Vegas.
Nhưng một tư tưởng khác lại chớm nở trong lòng Rô Ma Nốp: tư tưởng thèm khát xác thịt. Rô Ma Nốp đã yêu, đã trải qua nhiều kinh nghiệm ân ái, nhưng chưa bao giờ thấy một thân hình hấp dẫn, một nhan sắc diễm kiều, gợi mê đắm của cô gái sính màu trắng như Katy. Katy là đảng viên cộng sản. Katy không lẽ lại làm vợ một kẻ không phải cộng sản? Rô Ma Nốp bần thần đứng mãi ở cửa phòng. Văn Bình vẫn tự nhiên như không nghe tiếng Rô Ma Nốp tới, chàng mải mê miệt mài truy hoan với vợ.
Một lát sau, chàng tung chăn ngồi dậy. Thấy Rô Ma Nốp còn đứng ngắm Katy mê mệt, Văn Bình mỉm cười:
- Xin lỗi. Ông đến lúc nào mà tôi không biết?
Rô Ma Nốp cười gượng cười:
- Ông có gì mà xin lỗi. Tiện đây, tôi xin ông bà thể tình cho về cách đối xử hồi đêm. Từ nay, ông bà sẽ là thượng khách của chính phủ và nhân dân Liên Xô. Ông bà sẽ được hoàn toàn sung sướng cả 2 mặt: vật chất và tinh thần.
Katy ngước cặp mắt trong suốt lên nhìn Rô Ma Nốp và hỏi, giọng ngây thơ:
- Thưa ông, bây giờ chúng tôi đi đâu?
Rô Ma Nốp cười đáp:
- Chúng ta về Liên Xô. Chiếc tiềm thủy đĩnh đương chở chúng ta là một trong những con tàu chạy nhanh nhất thế giới.
Rô Ma Nốp nhấn mạnh 2 tiếng «chúng ta» một cách khoái trá. Hắn tiếp:
- Tôi sẽ cùng đi với ông bà đến tận nơi. Nếu có chuyện gì cần, xin ông bà cứ cho biết. Ở đầu giường có giây nói ăn thông với hạm trưởng, ông bà có thể gọi tôi bất cứ lúc nào.
Katy vẫn hỏi ngây thơ:
- Nhưng chúng tôi không biết tên ông là gì thì gọi sao được?
Chợt nhớ ra, Rô Ma Nốp gật gù:
- Bà thông minh quá, tên tôi là Séc ghi Rô Ma Nốp.
Katy lập lại:
- Rô Ma Nốp, Rô Ma Nốp, chà tên ông nghe mê tai quá.
Rô Ma Nốp sung sướng nói:
- Bà cứ dạy!
- Chắc ông có họ với lãnh tụ Cút Xếp, thảo nào ông làm lớn.
Rô Ma Nốp cười to:
- Vâng, đồng chí lãnh tụ Cút Xếp cũng mang tên Séc ghi như tôi. Nhưng đúng ra chỉ trùng tên chứ không phải là bà con gần xa gì.
Hắn định tán thêm nhưng sực nhớ tới bổn phận vội im bặt. Tuy là nhân vật cao cấp của R.U. hắn vẫn sợ biết đâu lại chẳng có một kẻ vô hình trên tàu có nhiệm vụ theo dõi hắn để báo cáo với Mạc Tư Khoa. Lệnh của trung ương R.U. dặn hắn phải tuyệt đối đứng đắn, và không được lả lơi với Katy. Rô Ma Nốp nuốt nước miếng, chào vợ chồng nhà bác học «giả» đoạn quay vội ra cửa. Văn Bình cố ngăn tiếng cười khinh bỉ trên môi.
Bữa ăn trưa hôm sau, thủy thủ dọn vào tận buồng cho 2 người. Thực đơn cũng sang trọng không kém thực đơn mà chàng biết, đối với sĩ quan trong tàu ngầm. Từ món cá đến món thịt, tất cả đều tươi tốt, không như đồ khô hoặc ướp lạnh lâu ngày mà thủy thủ phải ăn. Là thượng khách của chính phủ Liên Xô mà lị. Nhưng không biết chàng sẽ được trọng vọng làm thượng khách trong bao lâu nữa?
Trong những giờ đầu tiên sống với Katy, người vợ miễn cưỡng, Văn Bình cảm thấy hay hay. Katy không giữ kẽ với chàng như lúc gặp nhau ở Las Vegas nữa. Văn Bình ngạc nhiên trong lòng, không hiểu ông Sì Mít tài hoa như thế nào mà có thể khám phá ra những con người đẹp đẽ và quyến rũ nhường ấy? Có lẽ hồi còn thanh niên, ông Sì Mít phải có bùa mê, cũng như ông Hoàng ở bên kia Thái Bình Dương vậy. Văn Bình phá lên cười một mình. Nằm bên chàng, Katy bật hỏi:
- Tại sao anh cứ hay cười một mình như thế?
Văn Bình quay mặt lại, chàng nghĩ nằm bên cạnh một kho tàng gợi cảm mà không khám phá ngọn nguồn quả là dại dột. Biết đâu ông Sì Mít chẳng được ông Hoàng rỉ tai bầy ra vai trò Katy để thưởng công cho chàng? Chàng cầm lấy ống nói ở đầu giường:
- Alô, ông Rô Ma Nốp có đấy không?
Rô Ma Nốp trả lời ngay. Văn Bình hỏi tiếp:
- Xin lỗi, làm rộn ông quá. Chúng tôi không có đồng hồ nên không biết giờ giấc gì cả Ông có thể gửi cho một cái đồng hồ được không?
Rô Ma Nốp lí nhí trong miệng, đoạn hắn nói to:
- Thôi cũng đã gần tới rồi.
Văn Bình thừa hiểu nguyên nhân khiến họ không muốn chàng giữ đồng hồ bên mình: họ không muốn chàng biết từ California sang Nga mất bao nhiêu lâu. Văn Bình liền trêu tức Rô Ma Nốp:
- Thưa ông, bây giờ mấy giờ rồi?
Rô Ma Nốp đáp:
- 7 giờ sáng.
Trước khi gác máy, Văn Bình bồi thêm một vố nữa:
- Mới 7 giờ thôi à? Còn sớm chán. Thôi chúng tôi ngủ thêm một chút nữa ông nhá.
Chàng ôm Katy hôn chùn chụt cốt cho ở đầu giây Rô Ma Nốp nghe rõ tiếng, đoạn chàng tắt ngọn đèn xanh để trên bàn đêm. Katy nhích lại sát mình chàng. Mùi thơm của tóc nàng tỏa ra thơm thơm như quyện mùi hương phong lan mà chàng thường được ngửi những đêm trăng sáng lang thang trong rừng Đà Lạt.
*
* *
Thời gian vui thú với Katy đã chấm dứt. Một hôm, sau bữa cơm chiều, Rô Ma Nốp vào phòng, mời 2 người lên boong. Văn Bình mặc bộ âu phục mới, còn Katy vẫn mặc chiếc áo dài sa tanh trắng, nhưng bên ngoài nàng chàng thêm cái áo lông đắt tiền khác màu.
Tiềm thủy đĩnh cặp một bến lạ. Trời tối, ánh sáng trên thương cảng lập lòe nên Văn Bình không biết là đặt chân lên đâu nữa. Tuy nhiên, nghe mấy người trên bờ nói tiếng Nga với nhau, giọng nằng nặng, Văn Bình đoán là ven biển Ô Khốt, thuộc Tây Bá Lợi Á. Văn Bình đi theo Rô Ma Nốp dắt Katy trèo lên bờ. Rô Ma Nốp mở cửa chiếc xe hòm Zim sơn đen, dài ngoằng, đậu sẵn trên bến, mời Katy lên trước.
Cửa đóng đánh sầm, tài xế ấn lút ga, chiếc xe mạnh mẽ nhảy chồm lên như bị ma đuổi. Chiếc Zim không chạy vào thành phố mà rẽ vào một con đường nhỏ. Nhìn phía sau, Văn Bình thấy một chiếc cam nhông có quân sĩ đeo súng máy chạy hộ tống.
Hai giờ sau, chàng đến một bãi trống: phi trường. Một dãy nhà nhiều tầng sơn trắng, đứng sừng sững giữa khoảng đất rộng bao la. Dưới ánh đèn ống xanh xanh, Văn Bình thấy ngọn cờ đỏ búa liềm to tướng bay phất phới trên kỳ đài.
Chàng đã đặt chân lên đất Nga.
Trong phi cảng, không có một ai. Có lẽ phi trường quân sự thì phải. Văn Bình đảo mắt nhìn chung quanh, cố tìm một chữ, một dấu hiệu để tìm ra địa điểm. Nhưng không thấy. Chiếc Zim không đậu trước phi cảng mà lại chạy vòng ra phía sau vào sân bay. Đến một hàng rào sắt, Văn Bình nghe tiếng binh sĩ Nga hô «Stoi» (đứng lại). Xe dừng lại. Chưa đầy 10 giây đồng hồ sau, rào sắt được kéo lên, chiếc Zim chạy như bay vào bên trong. Văn Bình thấy 2 bên la liệt máy bay chiến đấu và trực thăng. Đúng như chàng đoán trước: đây là phi trường quân sự.
Trước khi rời Las Vegas, Văn Bình đã học thuộc địa hình, địa vật những vùng chàng có thể tới. Chàng được biết trong biển Okhotsk có 3 trường bay quân sự tối tân là Ô Khốt (Okhotsk), Ma Ga Đăng (Magadan) và A I Ăng (Aiang). Chàng được đưa đến sân bay nào? Mà có đúng là chàng đến biển Okhotsk không?
Xe Zim đậu sát một phi cơ 2 máy. Đèn chiếu sáng rực một góc sân bay xi măng. Văn Bình lên trước, Katy theo sau. Đúng ra nhà bác học lịch sự nên để vợ lên trước, nhưng chàng cần bước lên trước để lấy cớ. Khi trèo tới nấc thang chót, chàng quay lại dắt Katy vào máy bay. Mưu của chàng đã thành công. Vì mệt nên Katy ì ạch chậm chạp. Văn Bình đứng yên trên bậc thang cao nhất, chìa tay ra cho vợ níu lấy. Chỉ một giây đồng hồ đảo mắt chung quanh, chàng đã tìm thấy cái muốn tìm. Họ không muốn cho chàng nhìn thấy bảng tên trường bay ở bên ngoài, nhưng họ không ngờ nhà bác học ham chơi lại là đại tá Văn Bình. Nên chàng đã biết tên phi trường. Lồ lộ trên tầng thứ hai là một hàng chữ to tướng sơn đen. Chàng đọc rõ: «Căn cứ Quân sự Okhotsk».
Bản địa đồ nước Nga hiện rõ trong óc Văn Bình. Okhotsk nằm trong khu vực thuộc vĩ tuyến 60, gần kinh tuyến 140. Phía sau Okhotsk là giãy núi Da Dua (Djaougd Jougr) trùng điệp, khí hậu lạnh buốt. Chàng sẽ được mang đến đâu?
Tiếng động cơ máy bay nổ ròn. Chuyển mình nhè nhẹ, phi cơ từ từ rời sân bay Okhotsk. Katy ngồi nép vào bên chàng, vẻ mặt lo sợ, mệt mỏi. Văn Bình thừa biết rằng nàng chỉ mệt mỏi, chứ không lo sợ. Trong đời, có lẽ Katy đã từng trải qua nhiều lần mạo hiểm như thế này rồi. Nàng cố tạo vẻ mặt lo sợ chẳng qua để đánh lừa Rô Ma Nốp.
Rô Ma Nốp chìa chai vodka thượng hạng mời chàng uống. Văn Bình uống một hơi dài, đoạn đưa cho Katy. Nàng lắc đầu. Cùng đáp chuyến bay này rời căn cứ Okhotsk, còn một sĩ quan nét mặt nghiêm nghị, và 2 quân nhân đeo súng máy hộ vệ. Sĩ quan này không đeo lon, nhưng căn cứ vào thái độ kính cẩn của Rô Ma Nốp và nhất là bọn lính, Văn Bình đoán hắn phải từ cấp tá trở lên. Trời ban đêm tối om nên Rô Ma Nốp không kéo riềm cửa phi cơ. Văn Bình nhắm mắt giả vờ ngủ, nhưng chỉ mấy phút sau, chàng hé mắt ra nhìn sang bên cạnh. Dưới ánh đèn trong vắt, chàng thấy một rặng núi phủ tuyết trắng xóa: đúng là núi Da Dua.
Bay được 3 tiếng đồng hồ, chàng đương chập chờn bỗng nghe tiếng Rô Ma Nốp buột miệng:
- Ta Ku Ti (Takoutie) rồi, chóng quá!
Văn Bình vẫn nhắm mắt tảng lờ ngủ say. Chàng không muốn để Rô Ma Nốp biết chàng quan tâm tới lộ trình, sợ hắn nghi hoặc. Đến Ta Ku Ti là phi cơ phải bay qua con sông An Đăng (Aldan), và Vi Li Ni (Vilini), nhánh của con sông Lê Na (Lena), thuộc Tây Bá Lợi Á.
Một lát sau, chàng ngủ quên đi.
Lúc thức dậy thì trời đã sáng rõ, riềm cửa phi cơ đã được kéo lại không biết từ khi nào. Katy bị say sóng nên vẻ mặt xanh xao, mệt mỏi. Rô Ma Nốp thân chinh bưng đồ điểm tâm đến cho 2 vợ chồng. Văn Bình nhai ngấu nghiến chiếc xăng uých thịt gà thơm tho, còn Katy chỉ ăn qua loa một mẩu bánh sữa. Rô Ma Nốp rót thêm cà phê vào cốc cho Katy, đoạn nói, giọng chứa chan thiện cảm:
- Bà gắng dùng thêm một chút cà phê nữa cho lại sức. Còn xa lắm mới đến nơi.
Katy gợi chuyện:
- Trời! Còn xa là bao lâu nữa, hả ông?
Rô Ma Nốp đáp nho nhỏ:
- Mãi tối mịt mới đến.
Katy nắm lấy vạt áo của Rô Ma Nốp:
- Chúng ta đi đâu, thưa ông?
Rô Ma Nốp nhìn viên sĩ quan, tỏ ý cầu cứu. Viên sĩ quan lắc đầu một cách gượng gạo:
- Thưa, chúng tôi không biết.
Katy gắt:
- Tôi là đồng chí, chứ có phải là kẻ thù đâu mà các ông giấu diếm?
Đoạn Katy làm mặt giận, đẩy mâm đựng điểm tâm sang bên, không ăn nữa.
Từ đấy, không ai nói với ai một lời. Nếu không có viên sĩ quan hộ tống có lẽ Rô Ma Nốp đã nói thẳng cho Katy biết là đi tới đâu. Nhưng Văn Bình cũng chẳng cần. Trước sau rồi chàng cũng biết.
Càng bay vào nội địa khí lạnh càng tăng thêm tuy phi cơ được trang bị mặt điều hòa khí hậu và đầy đủ tiện nghi tân tiến. Đúng như Rô Ma Nốp nói, đến tối mịt thì phi cơ hạ cánh. Khác với Okhotsk, ở đây chỉ có đèn sân bay là được bật sáng cho phi cơ đáp xuống, còn bên trong tịnh không có một ngọn. Hình như họ cố tình tắt hết đèn để Văn Bình không thể nhận được vị trí. Một chiếc Zim sơn đen, cửa mở sẵn, đợi ngay dưới chân máy bay. Khí lạnh bên ngoài làm Văn Bình rùng mình như bị sốt. Katy cũng lẩy bẩy đứng không vững. Rô Ma Nốp khoác thêm cho Katy một cái áo lông nữa, và trao cho Văn Bình 1 cái áo lông ngắn, một cái mũ lông.
Căn cứ vào sức lạnh này, Văn Bình đoán phỏng đã đến sát Bắc Băng Dương. Cứ tính tốc độ của phi cơ 300, 400 cây số một giờ thì sau mười mấy giờ bay, có lẽ chàng đã đến một vùng gần biển Ka Ra (Kara), hay biển Láp Tếp (Laptev).
Chiếc Zim có máy sưởi ấm bên trong nên Katy và chàng có thể cởi áo lông mà vẫn dễ chịu. Rô Ma Nốp ngồi bên Katy nói, phào hơi khói:
- Gớm, lạnh quá bà nhỉ?
Katy đáp:
- Vâng, lạnh quá!
Trong xe, không có mặt viên sĩ quan hồi nãy. Katy liền hỏi thêm:
- Đây là đâu mà lạnh như vậy, thưa ông? Sợ tôi không chịu nổi.
Rô Ma Nốp đáp chậm rãi:
- Ở miền bắc Liên Xô. Khí hậu tuy lạnh, nhưng ông bà sẽ làm việc tại một nơi ấm áp.
Katy không hỏi vặn nữa vì biết Rô Ma Nốp sẽ không trả lời. Vả lại, vị tất Rô Ma Nốp được biết 2 người sẽ được chở tới đâu. Quả nàng đoán không sai. Xe chạy được một quãng thì dừng lại. Một quân cảnh Nga ló đầu qua cửa xe, nói nhỏ vào tai Rô Ma Nốp. Văn Bình thấy mặt Rô Ma Nốp đổi sắc, sau đó hắn mở cửa xe, bước xuống vội vàng. 10 phút sau, Rô Ma Nốp thò đầu vào trong xe nói với Văn Bình:
- Tôi rất tiếc là phải tạm biệt ông bà từ đây. Trước kia, tôi cứ tưởng là được theo ông bà đến tận nơi làm việc. Xin ông bà tha lỗi cho những sơ xuất từ trước đến nay.
Katy chìa tay ra chào Rô Ma Nốp:
- Ông tử tế với vợ chồng tôi quá. Nếu ông trở lại Mỹ thì đừng quên gửi thư cho chúng tôi đấy.
Rô Ma Nốp không thể ngờ rằng câu nói vô tình của nàng lại chứa một cạm bẫy. Và hắn cho chân vào dễ dàng:
- Dạ, thưa, có lẽ tôi được đổi hẳn về Mạc Tư Khoa.
Katy vẫn nói:
- Ông sung sướng nhỉ? Lần này được về đoàn tụ với gia đình rồi. Tôi xin gửi lời chào bà Rô Ma Nốp.
- Cám ơn bà, tôi kém may mắn hơn ông bà nhiều. Tôi chưa có gia thất.
Vừa lúc đó có tiếng gọi giật:
- Đại tá. Đại tá.
Rô Ma Nốp chào vội Văn Bình và Katy. Chiếc Zim băng mình trong đêm khuya giá buốt. Bốn bề tối om. Quang cảnh đìu hiu, vắng lặng. Xe cứ chạy đều đều như vậy đến gần sáng. Nhìn phía trước, Văn Bình thấy một rặng núi trắng xóa. Chiếc Zim rẽ sang bên phải, lặng lẽ trèo núi. Xe chạy qua một cái bảng viết bằng tiếng Nga. Văn Bình đọc thấy:
“Căn cứ 123. Cấm người vô phận sự lai vãng trong đường kính 10 cây số.”
Tài xế dừng lại trước trạm kiểm soát đầu tiên. Văn Bình thấy 2 người lính cao lớn, đứng sau ổ súng máy hạng nặng, trong lô cốt bên đường. Họ không chạy ra, mà đứng nguyên chỗ, nói vào máy vi âm trước miệng. Tài xế xe Zim cũng ấn một cái nút, nói vào ống vi âm ở táp lô. Tiếng nói được phóng ra nghe được xa và rõ. Có lẽ được lệnh trước nên lính gác chỉ hỏi số xe, số công tác lệnh rồi một tên bấm nút điện trước mặt. Hàng rào thép dạt sang bên, chiếc Zim phóng lên phía trước.
Đường đi vòng quanh núi khiến chàng có cảm tưởng đương trèo lên Blao. Ở đây chỉ khác Blao ở chỗ đường rộng gấp 3, tráng xi măng như ở bên Mỹ và có lan can đèn điện 2 bên. Đi độ nửa cây số, đến trạm kiểm soát thứ hai. Trạm này đã được báo trước nên hàng rào thép được mở ngay, không cần xe phải đậu lại. Qua trạm thứ 3, chiếc Zim giảm tốc lực, chạy vào một con đường nhỏ, hai bên lót cỏ xanh rờn. Xe dừng. Một sĩ quan đeo lon đại tá mở cửa mời Văn Bình và Katy xuống. Viên đại tá tự giới thiệu:
- Kính chào bà và bác sĩ Lý Dĩ. Tôi là đại tá Kôrênin, phụ trách căn cứ 123 này.
Văn Bình bắt tay một cách thân mật:
- Vợ chồng tôi xin kính chào đại tá Kôrênin.
Kôrênin dẫn 2 người qua cái sân rộng tráng xi măng, đến một dãy nhà tầng quét vôi trắng. Kôrênin nói với Văn Bình:
- Đây là khu nhà dành riêng cho các nhà bác học. Biệt thự của ông bà là cái số 3 ở trước mặt kia kìa.
Tuy gọi là biệt thự nhưng đó chỉ là nhà một tầng nhỏ, phía trước có cái sân nhỏ xíu. Ga ra cũng nhỏ xíu. Tuy nhiên, Văn Bình không nhìn thấy xe hơi. Biệt thự gồm một phòng khách lẫn phòng ăn, và một phòng ngủ. Đặc biệt là cửa sổ được gắn kính, và mỗi phòng đều có lò sưởi, củi cháy lách tách. Kôrênin nói:
- Nếu ông bà thiếu gì, xin gọi giây nói cho tôi. Tôi sẽ lo liệu đủ.
Văn Bình cười tủm tỉm, liên tưởng đến một lời của Rô Ma Nốp lúc ở trên tàu ngầm. Katy ngồi phịch xuống ghế bành. Kôrênin hỏi:
- Chắc bà mệt lắm thì phải? Để tôi gọi y sĩ tới. Bây giờ mời ông bà nghỉ một lát cho khỏe, và quên những kỷ niệm lo ngại của cuộc hành trình. Và đây là nơi làm việc.
Kôrênin mở cửa phòng khách chỉ cho Văn Bình thấy giẫy nhà cũng sơn trắng ở xa, sát sườn núi. Kôrênin nói:
- Đến mai, tôi sẽ đưa bác sĩ tới phòng thí nghiệm. Thôi, bây giờ tôi xin chào ông bà.
Kôrênin quay ra.
Việc thứ nhất của Văn Bình là vào phòng tắm rửa mặt. Kinh ngạc xiết bao khi chàng thấy vòi nước nóng. Có lẽ chàng và Katy được ở trong tòa nhà tốt nhất trong căn cứ. Trong khi ấy ở phòng ngoài, Katy mở lò sưởi điện kê sẵn gần cửa sổ. Katy vốn không ưa sưởi bằng củi. Vừa rửa mặt Văn Bình vừa băn khoăn nghĩ đến việc sắp làm. Thú thật rằng chàng chưa biết sẽ làm những việc gì nữa. Cuộc đời gián điệp nhiều khi như người bịt mắt, cầm gậy chọc vỡ cái nồi nước trong đựng con vịt. Cứ chọc hú họa may thì trúng, không may thì trật. Nhưng cứ chọc mãi rồi tất phải trúng.
Rửa mặt xong, Văn Bình kéo hết riềm cửa rồi trèo lên giường ngủ thêm giấc nữa cho lại sức. Mãi đến bữa cơm trưa, chàng mới sực tỉnh. Katy dậy từ lâu, và đã trang điểm tươm tất, ngồi đợi chàng bên bàn ăn. Bữa ăn gồm nhiều món thịnh soạn. Katy nhìn chàng, nói:
- Có người chở xe mang cơm đến đây đấy.
Văn Bình tỏ dấu ngạc nhiên:
- Không phải mình được nấu riêng à?
Katy lắc đầu:
- Không, ở đây không ai được nấu riêng. Đúng ra thì ăn cũng phải ăn chung, nhưng chúng mình mới tới nên đại tá Kôrênin cho hưởng chế độ biệt đãi.
- Kôrênin có cho người đến làm việc vặt cho mình không?
- Có lẽ không. Vả lại, em làm lấy cũng được rồi. Hồi nãy Kôrênin lại đây hỏi em việc đó, và em đáp là không cần người làm việc vặt. Anh bằng lòng không?
Văn Bình cũng chỉ mong có thế. Không có gia nhân chàng càng dễ hành động. Đứng trong nhìn ra, Văn Bình chỉ thấy một bầu trời trắng xóa màu tuyết. Đâu cũng có tuyết. Tuyết phủ kín các rặng núi dài, tuyết bao bọc những đồng cỏ hoang vu. Tiện tay chàng mở máy thu thanh đặt gần lò sưởi. Chàng không ngạc nhiên khi chỉ thấy một cái nút mở, tắt độc nhất. Kinh nghiệm nhiều lần hoạt động trên đất Nga cho chàng biết máy thu thanh của người Nga nhiều khi chỉ bắt được một đài phát thanh địa phương cố định. Chẳng hạn ở đây, chàng chỉ bắt nổi đài Mạc Tư Khoa hoặc một đài nào khác được chính quyền định trước. Trong máy vẳng ra một bài hát. Bài hát của công nhân xưởng máy. Tiếp đến giọng chắc nịch của một nữ xướng ngôn viên. Nghe một lát, chàng nhận ra không phải đài Mạc Tư Khoa mà là đài của căn cứ quân sự 123. Căn cứ quân sự 123 tọa lạc tại đâu? Suốt buổi phát thanh, chàng không hề nghe được một chi tiết nào đáng kể hầu giúp chàng tìm ra địa điểm. Chợt máy điện thoại reo vang. Katy cầm lên nghe. Đó là đại tá Kôrênin. Hắn muốn nói chuyện với nhà bác học Lý Dĩ. Katy trao ống nghe cho Văn Bình. Giọng Kôrênin ngọt ngào như tẩm bằng mật ong:
- Xin chào bác sĩ. Nếu bác sĩ khỏe rồi, tôi xin đưa tới thăm phòng thí nghiệm.
Văn Bình đáp:
- Tôi cũng không thấy mệt gì mấy. Mời đại tá cứ tới.
Trả lời xong, Văn Bình băn khoăn trong dạ. Hồi sáng Kôrênin hẹn đến hôm sau mới đưa chàng tới phòng thí nghiệm, nhưng chỉ mấy giờ sau hắn đã đổi ý kiến. Hắn vừa nhận được lệnh trên chăng? Mấy phút sau, Kôrênin dừng xe trước nhà. Katy ôm chầm lấy Văn Bình hôn lên má. Văn Bình mở cửa phía sau, ngồi bên cạnh Kôrênin.
Chiếc xe chạy hết con đường vòng rồi chui vào hầm đá rộng rãi. Văn Bình bắt đầu kinh ngạc. Thì ra căn cứ quân sự 123 gồm một giãy hầm đục sâu trong núi đá. Thảo nào Rô Ma Nốp nói là chàng sẽ được làm việc tại một nơi khí hậu ấm áp. Hầm đá cao bằng nhà lầu 2 tầng, điện thắp sáng như ban ngày. Đi quanh co một hồi, xe đậu trước một tấm cửa thép dày có lính bồng súng gác. Kôrênin nói:
- Đây là khu B, khu làm việc của bác sĩ.
Bước vào bên trong, Văn Bình thấy 2 cái thang máy đồ sộ sơn xanh. Chàng chợt hiểu là phòng thí nghiệm được xây ngầm dưới đất. Chàng miên man nghĩ đến một lời nói của ông Sì Mít:
- Tôi được biết Nga Xô đào một số hầm trong núi đá, ăn sâu trong lòng đất để thí nghiệm võ khí nguyên tử. Nếu họ thí nghiệm ngầm như vậy thì việc khám phá ra không phải là dễ.
Chàng bỗng tự hỏi:
- Không lẽ nhà cầm quyền Nga Xô lại giấu những tài liệu về núi Út Tun Tắc trong cái hầm đá bí mật gần Bắc cực này sao?
Thang máy mở cửa. Kôrênin bước vào. Văn Bình mải suy nghĩ nên quên bẵng. Kôrênin phải thúc giục:
- Kìa, bác sĩ.
Văn Bình cười xòa, chữa thẹn. Thang máy từ từ tụt xuống. Phía dưới không khí mỗi lúc một ấm áp hơn. Thang máy dừng ở tầng 4, cũng thắp đèn ống giấu trong tường, có vẻ huyền ảo và ngoạn mục. Tường đều sơn màu xanh nhạt. Bốn bề vắng tanh. Kôrênin dẫn Văn Bình tới cuối hành lang và gõ cửa. Một thiếu phụ trạc 28 tuổi, khoác áo choàng trắng, khuôn mặt dễ coi, nghiêng mình chào 2 người. Kôrênin chỉ thiếu phụ giới thiệu:
- Đây là nữ bác sĩ Lôra.
Văn Bình bắt tay Lôra. Nàng kéo ghế mời chàng ngồi, rồi hỏi:
- Có phải ông là bác sĩ Lý Dĩ không ạ?
Văn Bình gật đầu. Lôra nói tiếp:
- Thật là vinh hạnh. Bác sĩ Vôn Liệt đã nhắc với tôi nhiều về tài ba phi phàm của bác sĩ. Giờ đây được làm chung với nhau để xây dựng xã hội chủ nghĩa, tưởng không còn cái may mắn nào bằng.
Văn Bình không đáp. Hồi còn ở Hoa Thịnh Đốn, ông Sì Mít đã dặn chàng khá đầy đủ về nhà bác học Vôn Liệt, người Đức. Vôn Liệt là đồng nghiệp, và là bạn của Lý Dĩ. Nếu chàng hớ hênh trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Vôn Liệt sẽ sinh nghi thì hỏng bét. Dầu Vôn Liệt là người chống cộng, chàng cũng phải đóng trò thật khéo, đợi cơ hội thuận tiện mới nói hết sự thật ra cho ông ta biết. Kôrênin chêm vào:
- Bác sĩ Lôra sẽ phụ tá bác sĩ trong cuộc thí nghiệm ở căn cứ này. Cần gì, xin bác sĩ nói với đồng chí Lôra. Có xe hơi và tài xế dành riêng cho bác sĩ ở bên ngoài. Mỗi khi muốn đi đâu, xin bác sĩ gọi điện thoại cho ban thường trực. Tuy nhiên, về vấn đề đi lại… vì đây là căn cứ quân sự quan trọng nên bác sĩ chỉ nên lui tới trong phạm vi những vùng không bị nghiêm cấm.
Văn Bình hỏi:
- Nhiệm vụ của tôi ra sao?
Kôrênin nhún vai, đáp:
- Bác sĩ sẽ tiếp tục công việc đã bỏ dở từ nhiều năm trước. Ở đây, chúng tôi đã thu được một số tiếng vang của Sơn thần Út Tun Tắc, nơi bác sĩ đã từng tới nghiên cứu xưa kia. Nhiệm vụ này, bác sĩ Vôn Liệt đã thực hiện được phần nào. Tiện đây, tôi xin thêm rằng cách đây không lâu bác sĩ Vôn Liệt đã tự động rời Nam Mỹ về Liên Xô phụng sự cho hòa bình thế giới. Vôn Liệt hiện phục vụ tại căn cứ 123 này.
Văn Bình hỏi:
- Vôn Liệt làm việc ở khu nào? Ông ta là bạn thân của tôi, tại sao ông không cho phép chúng tôi làm việc chung với nhau?
Kôrênin lắc đầu:
- Đáng tiếc là lệnh trên chưa cho phép tôi đưa bác sĩ đến gặp Vôn Liệt hôm nay. Nhưng theo chỗ tôi biết, thì chỉ trong một thời gian ngắn, bác sĩ sẽ được giáp mặt Vôn Liệt.
Văn Bình định hỏi thêm nữa nhưng thấy Kôrênin đội mũ lên đầu nên chàng im lặng. Kôrênin đứng nghiêm chào Văn Bình và Lôra, rồi bước ra.
Một phút đồng hồ im lặng.
Đến lúc này chàng mới có dịp nhìn kỹ cô bạn gái Lôra. Nàng không cao không thấp, không khêu gợi nhưng cũng không tầm thường. Lôra trang điểm giản dị nhưng rất khéo léo. Làn phấn thoa rất kín đáo, nếu nhìn không kỹ có thể lầm là da của nàng. Đôi môi quả tim đỏ chót, hàm răng đều và bóng, cái cổ 2 ngấn dễ thương, bộ ngực vừa vặn, cặp mắt sâu và chứa chan ý nghĩ. Lôra rút thuốc lá ra mời Văn Bình:
- Mời bác sĩ dùng thuốc.
Cầm điếu thuốc trong tay, Văn Bình có vẻ ngần ngừ. Như hiểu ý Văn Bình, Lôra nói:
- Bác sĩ không quen với thuốc này thì phải? Để lát nữa tôi xuống cục Tiếp Tế lãnh thuốc lá Mỹ cho bác sĩ.
Văn Bình cười, ra dấu cám ơn. Hơn một lần hành động trên đất Nga, Văn Bình đã quen với mùi thuốc lá khen khét của Nga, nên cực chẳng đã mới chịu hút. Lệ thường ở Nga có 3 loại thuốc, mỗi giai cấp được phát một thứ. Giới cao cấp hút Sêvênaya Panmira, thuốc ngon thượng hạng. Trung cấp hút Bêlôma Canan. Còn lớp lính trơn chỉ được hút thứ thuốc hạng bét tên là Mahoócka. Vẫn biết Lôra mời chàng hút Sêvênaya Panmira, nhưng làm sao ngon bằng thuốc Salem bất hủ?
Lôra mở cửa hông mời Văn Bình vào phòng thí nghiệm. Văn Bình thấy ở đâu cũng có máy móc từ máy thu thanh nhỏ xíu đến máy tính điện tử đồ sộ. Chàng hoa cả mắt vì chàng được thấy máy này nhiều lần, nhưng thú thật là chưa bao giờ học cách sử dụng. Chẳng qua chàng chỉ biết quay băng nhựa, thu hay phát thanh một bài «chachacha», hay rock’n’roll cuồng vọng, hoặc một điệu twist man dại và tình tứ. Đến cái máy tính điện tử mới nguy hiểm cho chàng. Là nhà bác học chuyên việc tìm tòi ngữ học, chàng phải thông thạo cách sử dụng máy tính có bộ óc điện tử. Nhờ máy tính này, chàng mới có thể rút ngắn được công cuộc nghiên cứu. Nếu Lôra yêu cầu chàng bắt tay tức khắc vào việc làm thì thật nan giải cho chàng.
Nhưng không, Lôra rất nhã nhặn và có ý tứ. Nàng đưa chàng từ máy này đến máy khác, giải thích một cách tỉ mỉ. Đến trước máy tính điện tử, nàng dừng lại khá lâu, giọng hãnh diện:
- Có lẽ bác sĩ chưa quen dùng thứ máy tính này. Đây là bộ óc điện tử có một không hai trên thế giới. Ngày mai, bắt tay vào việc, tôi xin nói rõ thêm phương pháp sử dụng với bác sĩ.
Vô tình, Văn Bình dựa sát vào ngực nàng. Trong thoáng mắt, Văn Bình thấy vẻ mặt nàng ửng đỏ. Lôra cũng biết thẹn ư? Lôra cũng còn biết rung động ư? Thấy vậy, Văn Bình liền áp dụng chiến thuật tình cảm. Chàng mỉm cười, dò ý Lôra:
- Xin lỗi bác sĩ, tôi nên xưng hô cách nào cho tiện: là cô hay là bà?
Nàng cười, nhe hàm răng trắng bóng:
- Dạ, tôi chưa ở riêng ạ.
Văn Bình bồi thêm:
- Tôi đoán quả không lầm. Cô khó thể là đàn bà đã có chồng.
Lôra ngạc nhiên:
- Tại sao bác sĩ biết?
Văn Bình cười:
- Là thanh niên giàu kinh nghiệm, sao tôi không biết?
Lôra ngượng ngùng, giả vờ bước sang chỗ khác. Văn Bình hiểu rõ tâm trạng Lôra. Nàng giống như hàng ngàn cán bộ chuyên môn khác của xứ sở cộng sản này. Sống trà trộn với nam giới, bị giảm mất thiên tính, họ không hề được nghe những tiếng nói êm ái, lịch sự. Có lẽ Lôra mới được nghe một thanh niên ca tụng nhan sắc của mình lần đầu. Chắc Lôra có trách nhiệm theo dõi, kiểm soát công việc của chàng. Theo kinh nghiệm chàng có thể sử dụng Lôra như sử dụng cái máy tốt về mọi phương diện. Còn nhiều thời giờ chán! Rồi đây, họ sẽ biết Lôra quyến rũ được nhà bác học Lý Dĩ hay Lý Dĩ mê hoặc được nữ cán bộ trung kiên Lôra?
Lôra ấn nút điện, bức tường trước mặt rút lên, để lộ ra cái tủ sắt đồ sộ. Lôra vặn khóa chữ, tủ két mở, bên trong Văn Bình thấy nhiều cái hộp hình chữ nhật, trông giống như gói thuốc lá xếp chồng cất lên nhau.
Lôra giải thích:
- Đây là băng nhựa mà bác sĩ Vôn Liệt thu được ở Út Tun Tắc.
Văn Bình hỏi:
- Thu đúng ngày, đúng cách không?
- Vâng, thu đúng ngày Phật đản, và đúng địa điểm mà trước đây bác sĩ đã nghiên cứu. Cả thảy thu được 10 cuộn băng.
- Tại sao đây chỉ có 7 cuộn?
- Vôn Liệt hiện giữ 3 cuộn.
- Tại sao không in thành nhiều cuộn để phòng bị mất mát và tiết kiệm thời giờ?
Lôra lắc đầu:
- Lệnh trên chỉ cho giữ mỗi thứ một cuộn. Trước kia, tôi đã đề nghị xin in, nhưng thượng cấp nhất định không cho. Còn vấn đề mất mát thì bác sĩ đừng ngại. Vôn Liệt cũng làm việc gần đây.
Văn Bình vừa nắm được một bí mật mới: đó là Vôn Liệt chỉ ở quanh quất đâu đây, và căn cứ quân sự 123 chỉ có 10 cuộn băng nhựa thu thanh duy nhất của Sơn thần Út Tun Tắc. Nếu chàng bắt cóc Vôn Liệt, và đánh cắp được 10 cuộn băng, ông Sì Mít sẽ nắm được độc quyền về những tiên tri của núi đá Tây Tạng. Chàng liền hỏi dò Lôra:
- Vôn Liệt đã dịch được mấy cuộn băng của Sơn thần?
Lôra đáp:
- Vôn Liệt nghiên cứu 3 cuộn, và nghe đâu mới dịch được 2 thì phải.
Văn Bình hỏi thêm:
- Cô biết nội dung bản dịch của Vôn Liệt không?
Lôra nhìn tận mắt Văn Bình, nói giọng nghiêm nghị:
- Thú thật, tôi không biết. Nhưng theo luật lệ của căn cứ 123 thì dầu biết cũng không được phép nói. Nếu bác sĩ muốn sống yên ổn thì từ rày trở đi đừng tò mò như thế nữa. Việc này lọt vào tai Kôrênin sẽ bất lợi cho bác sĩ.
Văn Bình tỏ dấu sợ hãi:
- Tôi đâu biết như thế! Xin cô quên hộ cho.
Lôra cười đáp:
- Không, tôi không bao giờ dám làm mích lòng bác sĩ. Đó là tôi sợ bác sĩ bị đại tá Kôrênin khiển trách đấy thôi.
Văn Bình hỏi thêm:
- Ở đây chỉ có tôi và cô. Kôrênin biết chuyện sao được?
Lôra đáp:
- Thì ra bác sĩ không hiểu gì hết. Không có mặt ở đây thì không nghe được lời chúng ta nói hay sao?
Văn Bình giả bộ chợt hiểu. Chàng giả vờ phục thiện, nín thinh một lát. Hai người trở sang căn phòng hồi nãy. Lôra mang 2 ly giấy lại máy pha cà phê ở góc phòng, vặn đầy rồi đon đả:
- Mời bác sĩ uống chút cà phê nóng.
Văn Bình vừa uống cà phê vừa nhìn cái miệng thiết tha của nữ bác sĩ Lôra. Chàng ít có dịp được hôn môi đàn bà Nga, nhất là đàn bà Nga có thân nóng bỏng, và có học thức như Lôra.
*
* *
Katy đứng sau cửa kính, nhìn ra con đường tráng xi măng trước biệt thự. Mới xa Văn Bình nửa giờ mà nàng đã nhớ. Nàng ước mong Văn Bình được ở bên nàng mãi mãi, và nàng được tiếp tục đóng vai vợ chính thức của chàng dầu phải thử thách với bao khó khăn và nguy hiểm đến tánh mạng. Chợt nàng thấy chiếc xe sơn đen của Kôrênin dừng trước cửa. Không thấy Văn Bình trên xe, Katy hơi băn khoăn. Có thể chàng bại lộ rồi chăng? Nhưng nếu vậy, tại sao nét mặt Kôrênin vẫn tươi tỉnh và vui vẻ? Một ý nghĩ thoáng qua trong óc. Nàng bỗng nhớ lại những lời căn dặn vàng ngọc của ông Sì Mít trước ngày nhận công tác.
Nàng cúi xuống nhìn lại cái áo ngủ mỏng dính nàng đương mặc bằng ni lông hồng, mỏng tanh, ngắn cũn cỡn, hở vai, lưng, và chỉ xuống quá mông độ một tấc. Loại áo ngủ này ở Mỹ đã được mệnh danh là áo ngủ «nguyên tử» và chưa người đàn ông Mỹ nào có sức khỏe, có trái tim còn đập, nhìn thấy mà không bỏng cổ họng? Nếu ở Mỹ mà áo ngủ «nguyên tử» còn gây được biển lửa thì thử hỏi ở căn cứ 123 này, một mảnh đất băng tuyết gần Bắc cực, vắng bóng đàn bà và thú giải trí, ai đủ bản lãnh cưỡng lại?
Katy giả vờ quay lưng ra cửa. Kôrênin mở cửa nhè nhẹ. Thấy cơ thể phía sau đầy đặn của Katy ẩn hiện qua làn vải mỏng, Kôrênin đứng sững như lúc giữ động tác «nghiêm» để chào một nhân vật cao cấp. Từ thuở làm người đến nay chưa bao giờ Kôrênin được gặp một thiếu phụ đẹp mê hồn như Katy. Hắn gọi Katy:
- Chào đồng chí Catơrin.
Catơrin là bí danh của nàng trong tiểu tổ cộng sản Nữu Ước. Nàng đứng yên, không ngoảnh lại. Đợi Kôrênin có đủ thời giờ chiêm ngưỡng nàng và gọi lần thứ 2, Katy mới ngồi xuống ghế, ban cho viên tư lệnh căn cứ 123 một nụ cười chết người:
- Chào đồng chí Kôrênin.
Kôrênin mân mê cái mũ trên tay:
- Mátscơva yêu cầu tôi khen ngợi đồng chí đã cống hiến một phần quan trọng vào kế hoạch mang nhà bác học Lý Dĩ về Liên Xô. Riêng tôi, tôi rất sung sướng khi được biết đồng chí còn là đảng viên cộng sản trung kiên.
Katy nghiêng mình đáp:
- Đó là bổn phận. Vả lại, muốn công bình hơn, tưởng nên nói rằng vì tình cờ mà tôi đưa được Lý Dĩ về đây. Mãi đến khi tôi kết hôn với Lý Dĩ, đảng bộ mới ra chỉ thị cho tôi.
Kôrênin xua tay:
- Đồng chí nhũn nhặn quá. Nếu không có đồng chí thì dễ đâu tìm được Lý Dĩ.
Katy không đáp. Kôrênin tự tiện rót một cốc vốt ka, đưa lên môi uống. Một phút sau, Kôrênin nói:
- Nhân danh đại diện cho Đảng ở đây, tôi xin nhắc lại với đồng chí một điều: đồng chí có trách nhiệm sửa đổi tư tưởng cho bác sĩ Lý Dĩ. Dầu sao bác sĩ Lý Dĩ vẫn là sản phẩm của chế độ tư bản. Nói thế, tôi không sợ đồng chí phật lòng vì tôi biết đảng viên cộng sản bao giờ cũng đặt quyền lợi Đảng lên trên hết. Đồng chí là đảng viên trung kiên. Mối tình của đồng chí đối với chồng là nặng, nhưng Đảng còn nặng hơn nhiều. Chồng dễ thay, chứ Đảng thì không thể nào thay được. Chắc đồng chí khỏi cần tôi nhắc lại điều đó.
Katy gật đầu, ra dấu ưng thuận. Kôrênin nói tiếp:
- Bắt đầu từ nay, hàng ngày đồng chí báo cáo với tôi một lần. Hoặc đồng chí gọi điện thoại cho tôi, hoặc đến văn phòng tôi.
Katy mừng rỡ:
- Thưa, văn phòng của đồng chí ở đâu?
Kôrênin cũng mừng rỡ đáp:
- Nếu đồng chí không bận việc thì xin đi cùng tôi đến văn phòng.
Lúc ấy Katy mới giả vờ nhớ ra chiếc áo ngủ mỏng dính, vẻ mặt bẽn lẽn và nói:
- Chết, ăn mặc như thế này mà ra tiếp đồng chí. Xin đồng chí tha lỗi cho.
Kôrênin xoa 2 tay vào nhau:
- Đồng chí ăn bận như thế này còn đẹp hơn mặc tươm tất nhiều. Vả lại, giữa đồng chí với nhau cả, có gì mà ngại?
Trong khi Katy vào phòng thay áo, Kôrênin quay điện thoại ra lệnh cho Lôra giữ Văn Bình ở lại phòng thí nghiệm nửa giờ nữa. Qua dây nói, Lôra phản đối:
- Hiện ông ta đã đòi về.
Kôrênin ngắt lời:
- Tôi ra chỉ thị cho đồng chí giữ ông ta lại ít nhất nửa giờ nữa. Lý Dĩ muốn gì thì phải chiều hắn, nhớ chưa? Nếu Lý Dĩ về trước nửa giờ, có gì xảy ra tôi quy hết trách nhiệm cho đồng chí.
Katy hiện ra ở cửa phòng ngủ. Nàng mặc cái áo dạ màu xanh đậm. Màu xanh càng tôn màu da trắng toát của nàng. Kôrênin khoác áo lông vi dông lên mình Katy, đoạn dẫn nàng ra xe hơi. Dọc đường, tuy nói chuyện với Kôrênin, Katy vẫn không bỏ lỡ chi tiết nào ở chung quanh. Nàng thu vào óc mỗi con đường vòng, mỗi trạm gác, mỗi lối đi bỏ trống. Văn Bình rất cần những chi tiết này để hoàn toàn nhiệm vụ. Xe của Kôrênin cũng dừng ở hành lang mà Văn Bình vào hồi nãy, nhưng lại mở cửa một thang máy khác. Văn phòng của Kôrênin ở tầng hai.
Đáng lẽ dẫn Katy vào cửa chính, Kôrênin lại mở cửa bí mật dùng riêng trong khi cấp cứu. Hắn không muốn Katy gặp những cộng sự viên, trong đó có nhà bác học Vôn Liệt. Vả lại, hắn cảm thấy trong mình nóng sôi lên vì dục vọng. Văn phòng của Kôrênin là một kỳ công trang trí của kỹ thuật Xô Viết. Thoạt vào, Katy nhận thấy không thua kém những căn phòng bí mật dưới hầm tòa Ngũ Giác Đài mà nàng đã có dịp ra vào để nhận mệnh lệnh của CIA. Đèn điện đều giấu trong tường, trên trần ánh sáng gián tiếp từ 4 phía tỏa ra, 4 bức tường lót vi nin màu xanh nhạt. Vi nin là thứ da lót rất bền, làm với chất ni lông. Trên bàn giấy, Katy thấy hàng chục cái hộp nhỏ, mỗi hộp lớn bằng cuốn tự điển. Katy đứng nhìn sửng sốt như đứa trẻ. Kôrênin cười hềnh hệch:
- Đồng chí muốn biết đó là cái gì ư? Đồng chí cố thử đoán xem?
Katy ngây thơ:
- Điện thoại interphone, phải không đồng chí?
Kôrênin cười lớn thêm:
- Đồng chí không biết được đâu. Đây này, đồng chí hãy lắng tai nghe đi.
Kôrênin ấn cái nút màu trắng, trong cái hộp ghi số 4. Có tiếng rè rè, rồi bên trong vẳng ra rõ mồn một một giọng quen thuộc của Văn Bình:
- Tôi không ngờ ở chốn băng tuyết này lại có thể có những khối óc giỏi giang và những người đàn bà xinh đẹp như Lôra.
Tiếng của Lôra:
- Cám ơn lời khen tặng của bác sĩ.
Kôrênin tắt máy. Katy đỏ mặt vì tức giận. Nàng tức là phải vì nàng cảm thấy yêu Văn Bình. Nhưng nàng vội nhớ ra bổn phận mà 2 người phải thi hành. Tuy nhiên, nếu Katy không tức giận, biết đâu Kôrênin lại ngờ vực?
Kôrênin hỏi:
- Hình như Lý Dĩ ăn chơi nhiều lắm, phải không đồng chí?
- Vâng, nhà tôi vốn có tính trác táng. Nếu đồng chí đã biết như vậy tại sao còn ghép nhà tôi làm chung phòng với đàn bà đẹp?
Kôrênin cười một cách hiểm độc:
- Đẹp thì đẹp thật, nhưng cũng chỉ bằng 1 phần 10 đồng chí mà thôi.
Kôrênin đứng lên nắm lấy cánh tay của Katy. Katy để yên không cưỡng lại. Kôrênin kéo nàng sát vào mình, hôn vội lên má. Khi ấy Katy mới lồng lộn song vòng tay sắt của Kôrênin đã khép chặt quanh nàng. Nàng đờ người nhận cái hôn lên môi của đại tá Kôrênin. Khi Kôrênin buông ra. Nàng nói, giọng lo lắng:
- Nếu nhà tôi phong phanh chuyện ông lừa tôi tới phòng riêng để ôm hôn thì sẽ giết chết.
Kôrênin dề môi, ra vẻ không quan tâm tới lời hăm dọa của Katy. Ba phút sau hắn mở thang máy, ra xe, đưa nàng về biệt thự. Văn Bình về trước nàng 5 phút. Katy để cho chàng ôm hôn lên má, rồi nàng vào phòng thay y phục. Văn Bình thản nhiên theo vào sau. Nàng đuổi yêu:
- Ai cho anh vào?
- Chồng cũng bị cấm ư?
- Chồng cũng vậy.
Nhưng vừa nói, nàng vừa thay quần áo. Nàng lại mặc chiếc áo ngủ màu xanh lúc nãy. Ra ghế ngồi, nàng hỏi:
- Anh đã nhận việc xong chưa?
- Xong rồi em à. Em đi đâu về thế?
Biết chắc Kôrênin ghi âm tất cả những cuộc nói chuyện giữa 2 vợ chồng nên nàng đáp:
- Em lên văn phòng đại tá tư lệnh để xin cho anh mấy chai huýt ky và một bịch thuốc lá Mỹ.
- Thế à, em tôi ngoan quá.
Văn Bình ôm hôn Katy chùn chụt. Katy lấy bút chì viết lên mảnh giấy nhỏ giòng chữ như sau:
Em vừa bị Kôrênin lừa lên phòng hắn, và giở trò khốn nạn. Phòng hắn có máy thu thanh mọi cuộc nói chuyện. Em nghe được một mẩu chuyện giữa anh với một thiếu phụ người Nga. Kôrênin có vẻ mê em lắm. Anh nghĩ có nên lợi dụng hắn không?
Văn Bình giật bắn người lên như bị bỏng. Chàng không ngờ sự việc lại xảy ra chóng vánh như vậy. Chỉ trong buổi đầu tiên, chàng sắp chinh phục được nữ cán bộ Lôra, nhưng cũng chỉ trong buổi đầu tiên Kôrênin đã mưu toan chinh phục vợ nhà bác học Lý Dĩ. Chàng lượm mảnh giấy cho vào miệng nhá nát và nuốt chửng. Katy rót rượu cho chồng. Chàng chiêu một ngụm rượu cho trôi mảnh giấy vo tròn xuống bao tử. Văn Bình ngẫm nghĩ một lát, đoạn mang giấy bút ra bút đàm với Katy:
Bây giờ chúng mình thử cãi lộn với nhau. Sáng mai thế nào Kôrênin cũng hỏi em nguyên nhân của cuộc cãi lộn. Em sẽ có dịp gần hắn hơn, và khám phá ra chỗ Vôn Liệt làm việc. Đêm nay anh có hẹn với một nữ cán bộ tên là Lôra mà Kôrênin đưa ra để quyến rũ anh.
Cũng như mảnh giấy trước, Văn Bình chiêu bằng một ngụm rượu. Chàng không dám đốt vì kinh nghiệm cho biết mẫu giấy đã đốt thành than cũng có thể giúp đối phương tìm ra chữ viết, và phăng ra manh mối. Chàng nheo một mắt, ra hiệu cho Katy. Nàng đổi giọng nói:
- Ồ, anh say rượu quá, cái miệng nồng nặc như thế này!
Văn Bình giả vờ lè nhè:
- Thế mà là say à? Mới uống có nửa chai vốt ka thôi mà. Làm người mà không được quyền say hay sao?
Giọng nàng có vẻ gắt:
- Ở Mỹ khác, đây khác. Ở đây, anh làm việc cho nhân dân, xây dựng xã hội chủ nghĩa, anh không nên bê tha. Nếu anh không bỏ thói rượu chè như hôm nay thì…
Văn Bình ngắt lời:
- Thì em sẽ yêu người khác chứ gì?
Văn Bình ôm chầm lấy Katy. Hai người vật nhau trên nệm. Katy cưỡng lại mãnh liệt. Một hồi sau, im lặng. Ngoại trừ tiếng ngáy o o của nhà bác học Lý Dĩ giả hiệu. Katy tắt ngọn đèn ở đầu giường. Nàng cầm bàn tay của Văn Bình se sẽ đưa lên môi hôn. Nàng có cảm tưởng như chàng đương truyền điện vào môi nàng. Katy rùng mình.
Nàng xích lại gần Văn Bình. Văn Bình quay lại. Đôi mắt chàng sáng quắc trong bóng tối. Đột nhiên chàng đọc được ý nghĩ thầm kín của ông Hoàng và ông Sì Mít. Hiểu được cuộn băng thâu tiếng động của Sơn thần Út Tun Tắc. Biết được bí mật về Lôra, Vôn Liệt, Kôrênin.
Chàng tung chăn ngồi dậy.
Đã đến giờ nhà bác học Lý Dĩ trốn vợ đi hò hẹn với người đẹp Lôra.