I divide all readers into two classes; those who read to remember and those who read to forget.

William Lyon Phelps

 
 
 
 
 
Tác giả: Vũ Ngọc Anh
Thể loại: Hồi Ký
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: Toan Nguyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 27
Cập nhật: 2024-10-26 21:10:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5: Câu Chuyện Về Sự Sợ Hãi
uộc sống khấm khá đó vẫn cứ tiếp diễn, ngày qua ngày tôi vẫn làm những công việc thường nhật của mình, phơi phóng, làm việc và khám phá Hà Nội. Mà Hà Nội đâu chỉ có tình người, đó còn là sự nguy hiểm nữa, người bình thường đối mặt với nó còn khó huống hồ một thằng ngồi xe lăn như tôi... Những chuyện như cướp, trêu đùa, hay đôi khi chỉ là đe dọa của những đứa thanh niên vỉa hè trở thành cơm bữa với tôi vì thế ra đường lúc nào tôi cũng tối giản nhất những thứ có trên người, để một cái túi bí mật dưới đệm xe lăn và coi đó như là cốp xe, cất hết những thứ có giá trị vào đó như điện thoại tiền bạc.
”Cảnh giác lắm cũng có ngày gặp ma cô”, và chuyện gặp cướp không phải tôi không gặp. Có lần đi về muộn gặp mấy anh choai choai đứng trong góc là tôi hiểu sẽ có chuyện gì xảy ra với tôi rồi. Một đứa không võ vẽ, sức khỏe yếu, chỉ cần cầm tay bẻ nhẹ cái là xương gãy, rơi vào trường hợp này lúc đó thì chỉ vãi hết các thứ cần vãi ra ngoài, dù mất bình tĩnh nhưng tôi vẫn đủ tỉnh táo để biết nên chạy thật nhanh tránh xa bọn này. Tất nhiên chạy xe lăn không thể nào nhanh bằng người thường chạy, không ngoài dự đoán của tôi, ba thằng côn đồ đó chặn xe tôi, hắng giọng: “Mày có gì thì đưa hết ra đây”. Tiền và đồ vật quan trọng thì tôi đã để hết dưới ngăn bí mật, còn lại hơn 200K trong túi để lát về qua hiệu tạp hóa mua mì với trứng, thêm cái điện thoại Nokia 1200. Gặp cướp thông minh nhất là có gì trong túi nên đưa hết cho chúng nó, “sức yếu không nên ra gió”, đó là những gì tôi tâm niệm và quả đúng là đưa hết những gì trong túi xong, chúng tha cho tôi (có thể các bạn bảo tôi yếu đuối, không đáng mặt đàn ông nhưng nếu rơi vào hoàn cảnh như tôi thì tôi cam đoan 99,9% các bạn sẽ hành động giống tôi). Vậy là lần đầu tiên bị cướp, ở giữa một nơi không ai quen biết, không thân thích và quên không xin lại chúng cái sim để lưu danh bạ, cảm giác lúc đó của tôi vừa sợ, vừa bực. Tôi ước nếu mình khỏe mạnh hơn thì hay biết mấy, nếu tôi có đồ phòng thân thì tốt biết mấy, nếu tôi không phải ngồi xe lăn thì… Cứ thế, hàng vạn câu “nếu” cứ văng văng trong đầu tôi và chung quy lại lý do tôi thích “nếu” lúc đó chẳng qua chỉ vì muốn “Đập cho bọn nó một trận”.
Về đến nơi, mấy em phòng đối diện vẫn còn thức, nhác thấy bóng tôi, mấy em vội ra hỏi thăm, mà H nhạy thật, thấy tay tôi run run liền đoán ngay ra tôi gặp chuyện, liền “tra vấn” tôi như mấy anh công an hình sự, sau khi biết sự thể, ba em hàng xóm liền thi nhau mắng tôi “ngu” đã yếu lại không chịu về sớm, mấy em còn dọa “Đàn ông con trai đi về muộn là dễ bị “hiếp” như anh ở vườn ổi đó”.
Lần đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi bị cướp, sau vụ cướp trắng trợ đó, tôi luôn giữ trong người một bình xịt cay be bé để tự vệ “nhẹ nhàng” trong trường hợp khẩn cấp và một đèn pin gây choáng được một ông anh tặng khi nghe câu chuyện “vụ cướp giữa đêm khuya”. Xã hội nhiều điều nguy hiểm khó lường nhưng cũng chính nhờ những nguy hiểm đó mà ta học được cách bảo vệ bản thân khỏi hiểm nguy và rút ra được bài học sâu sắc về tự vệ: luôn thủ sẵn “đồ nghề” trong tay để khi gặp “biến” thì ứng phó ngay.
Nói chung mấy đồ nghề đó chỉ hỗ trợ phần nào thôi, các bạn nhớ tránh được thì tránh, ra đường gặp chuyện bất bình thì bỏ qua, chứ đừng có làm anh hùng khi tay không tấc sắt.
Tôi cứ tưởng chuyển nhà trọ đến khu khác sẽ yên ả hơn, không còn gặp chuyện đáng sợ như ở Trần Duy Hưng, nhưng đời người nào biết trước được chữ ngờ, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Lúc tôi chuyển sang Đội Cấn thì “vớ” ngay phải chuyện “kinh dị” khác.
Kể sơ qua về cái nơi ở mới trên phố Đội Cấn này nhé, đó là một ngôi nhà cấp 4, có một phòng ngủ và một phòng khách, phòng ngủ tầm 9m2 và phòng khách chắc cũng được tầm 20m2. Tôi ở trong phòng ngủ, chị Vịt (gọi chị là chị Vịt vì chị và tôi tình cờ gặp nhau ở chùa Bồ Đề trong đợt làm tình nguyện, tính chị khá hay và phóng khoáng, chính chị là người mời tôi về nhà ở cùng cho vui) ở phòng khách cùng em chị đang học lớp 6. Nói chung ở chỗ này khá là ổn ngoại trừ cái phòng bên trong tôi tường bị thấm, và mỗi lần mưa là nước mưa nó ngấm vào tường, ẩm ướt lắm, nhưng mà không sao, đối với tôi có một chỗ ở là được rồi, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu là tốt rồi, tôi không cần gì hơn nữa. Nhà chị Vịt nằm sau trong một con ngách nhỏ, muốn tìm được con ngách đó, đảm bảo các bạn cứ phải đi một vòng tròn mới thấy. Lần đầu đến nhà chị, tôi, trong cái nóng khủng khiếp của mùa hè Hà Nội, lạc đường. Loay hoay mãi dọc mấy cái ngách trên đường Đội Cấn đó tôi mới tìm được nhà chị. Ở nhà chị Vịt khá thoải mái duy chỉ có điều bất tiện do nhà chị nằm trong ngõ của nhà khác nên hàng tháng ngoài tiền trọ, tiền ăn, tôi còn phải đóng 300K tiền “đi lại” thành ra mới có câu chuyện “kinh dị” thứ hai để kể cho các bạn. Chả là tôi mới dọn đến nên đã biết mô tê gì đâu, chưa kịp uống nước phục hồi chuyện dọn nhà thì có một chú, trông mặt mũi khá “nguy hiểm” theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đến nói chuyện:
- Cái ngõ này, chúng mày đi phải đóng tiền không tao chặn lại không cho đi nữa.
- Cháu không biết, cháu mới dọn đến mà.
- Dọn đến thế con mẹ T không nói mày biết à? (T là bà chủ nhà).
- Cháu cũng không biết nữa, chị cháu làm hợp đồng.
Nói xong tôi đi vào nhà và khóa trái cửa lại, ở ngoài chú đó bắt đầu nguyên một tràng chửi từ đời nọ, đời kia về việc không đóng tiền ‘đi lại’, nghe chú chửi được một lúc thì tôi thấy có tiếng đập cửa ầm ầm bên ngoài, hóa ra thằng con của chú về và đang giúp chú phụ họa chửi, vừa thoáng thấy mặt tôi thì bỗng «choang», cái gương trong nhà vỡ tan tành, hóa ra để «minh họa» cho bài chửi được sống động, «ông» con chú tiện tay ném viên gạch làm kỉ niệm. Lúc đó tôi thần hồn nát thần tính, còn thấy sợ hơn cả lần bị cướp vì cướp thì chỉ cần đưa tiền liền chúng nó tha đằng này có đưa tiền cũng bị chửi, chưa kể hai cha con nhà này khá manh động, sẵn sàng xông vào nhà đập tôi một trận nếu muốn. Đèn pin gây lóa, xịt hơi cay tôi chưa kịp mang sang. Rơi vào tình huống này chỉ có nước gọi chị thuê nhà cùng cầu cứu, ấy thế mà vừa nhắc đến «phí đi lại» chị ấy cũng ngớ người ra, không biết gì luôn. Sau một hồi nói chuyện, hai chị em quyết định gọi cho bà chủ nhà, nhưng hôm đó số tôi như «bọ rệp», gọi mãi mà bà chủ nhà không nghe máy, chị liền bảo tôi: «Mày là đàn ông con trai nghĩ cách gì xem sao?», rồi cụp máy luôn.
Gọi cho chị Vịt chả giải quyết được gì, tôi càng run, bên ngoài có thêm mấy thằng cầm gậy gộc đến đứng, mở cửa đưa tiền cũng chết vì «mấy thanh niên» đó đang trong đà «điên», không mở cửa cũng chết vì «điên» quá là chúng nó phá cửa, trong túi tôi lúc này còn đúng 100K, thiếu tận 200K tiền phí. Đang như «gà mắc tóc» thì tôi thấy các đối tượng chuyển hướng chửi sang phía khác, rồi cửa tự dưng mở toang, mấy bóng xông vào… và trong những người vào nhà có bà chủ nhà. Sau một hồi thương lượng, đưa tiền, nài nỉ, chửi bới cuối cùng mọi chuyện cũng êm xuôi, tôi được giải cứu, «chủ nợ» ra về không quên kèm theo câu chửi “ngõ nhà tao mà chúng mày qua mặt tao là không được”. Nghe bà chủ nhà phân trần, xin lỗi này nọ tôi mới rõ, hóa ra nhà bà chủ nhà với nhà «đầu gấu» đó tranh chấp nhau mảnh đất bé tí, cả hai nhà lôi nhau ra tòa nhưng tòa xử bà chủ nhà thua nên giờ đành đi qua «đất» nhà người ta. Khổ, cái mảnh đất bé tí tẹo rộng chưa đầy 1m, dài chưa đầy 2m thì ở quê tôi cho luôn chứ chả thèm kiện. Thế mới thấy có mỗi mẫu đất cũng khiến con người ta ác đi, khiến người khác gặp nguy hiểm và mất hết tình người với nhau.
Trước khi ra về, bà chủ nhà hỏi han vài thứ rồi dặn tôi đóng cửa cẩn thận, cho số liên lạc khác để có chuyện gì bà ấy còn gọi cho công an xuống giải quyết. Ngồi ăn mì tôm trong bóng tối (tôi không dám bật đèn vì sợ có nhóm khác đến nhà đòi tiền gì nữa, thấy không có ánh điện sẽ nghĩ không có ai), tôi thở phào nhẹ nhõm, bắt đầu thấy sợ hãi đất Thủ đô ngàn năm văn hiến này.
Nhân nói đến chuyện sợ, về ở với chị Vịt, chị còn khiến tôi sợ cả đồ ăn. Mỗi lần tôi phụ nấu cơm với chị là một lần nghe chị kể chuyện đồ ăn trên này bẩn thế nào, nào là nhìn rau trông xanh thế thôi nhưng đầy thuốc trừ sâu phải rửa mấy lần nước cho đỡ thuốc, nào là thịt phải ngâm nước muối rồi tráng qua nước sôi cho hết lưu lượng thuốc tăng trọng… Nói chung với chị, và cả với tôi (sau lần ở với chị) đều sợ «ăn» nhưng không ăn sẽ chết nên phải nuốt sự sợ hãi đó vào để tồn tại.
Đọc đến đây chắc hẳn mọi người sẽ thắc mắc giờ tôi đã đủ mạnh để đánh lại bọn cướp chưa, đủ mạnh mẽ để có thể mở cửa xông ra khi gặp chuyện ở Đội Cấn chưa? Về chuyện đánh cướp hay mở cửa giữa bọn côn đồ thì tôi không chắc nhưng câu chuyện về sức khỏe của tôi sẽ được tái hiện ở những chương tiếp theo. Nhưng để các bạn có cái nhìn đúng đắn chuyện sức khỏe của tôi và dễ hình dung tôi của ngày hôm sau, tôi xin giải thích sơ qua về căn bệnh của mình
Như mọi ngời đã biết, bệnh xương thủy tinh (XTT) là một bệnh về gen. Các báo Việt Nam nói là do di truyền, nhưng hiện tượng của tôi không phải là do di truyền, và cũng không giống các tuýp XTT đã từng được khám phá. Tôi bị do đột biết gen hay còn được gọi là đột biến nhiễm sắc thể, và không di truyền, điều này rất khác những bệnh nhân XTT di truyền một điều là con cái của tôi sau này có đến 90% không di truyền bệnh của tôi. Bệnh này chỉ cần giữ gìn, không va chạm mạnh thì sẽ không gãy xương. Hiện nay trên thế giới đang nghiên cứu phương pháp tác động trực tiếp vào gen để kích thích tủy sống tiết ra một chất làm mô xương trở lên cứng cáp hơn, thậm chí có thể trở thành thành Wolverine nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu, vài chục năm nữa những đứa trẻ bị như tôi mới có hy vọng được cứu chữa.
Không Thể Vỡ Không Thể Vỡ - Vũ Ngọc Anh Không Thể Vỡ