Số lần đọc/download: 2098 / 40
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:04 +0700
Chương 4: Việc Điều Hành Cuộc Chiến Tranh
C
ụm từ “điều hành cuộc chiến tranh” được dùng để chỉ hành động mà một quốc gia hoặc một liên minh tiến hành nhằm mục đích thực hiện các mục tiêu chiến tranh của họ. Việc điều hành chiến tranh là việc của chính phủ và được dàn trải trên tất cả các lĩnh vực: quân sự, chính trị, ngoại giao, tâm lý, xã hội và kinh tế...
Trên lĩnh vực quân sự, nó bao gồm chủ yếu việc tuyển mộ, duy trì các lực lượng quân đội, trang thiết bị và tinh thần của họ. Việc bố trí lực lượng trên mặt trận, định ra công tác chung giao cho các tư lệnh ở các mặt trận nói trên là trách nhiệm của chính phủ. Chính phủ là một trong các thành viên tham gia việc điều hành chiến tranh. Thật vậy, trên lĩnh vực quân sự, chính phủ phải có trách nhiệm trao vào tay một hay nhiều người có trách nhiệm chỉ huy các phương tiện tốt nhất có thể có để “tiến hành các cuộc hành quân” và vạch ra cho họ cách sử dụng các phương tiện này.
Vì vậy chỉ có được sự điều hành tốt các cuộc hành quân trong khuôn khổ điều hành tốt cuộc chiến tranh. Nếu việc điều hành này không được đảm bảo bằng một sự kiên quyết, một cách làm việc có phương pháp, một sự liên tục và tích cực thì không thể nào có được thành công cho dù chất lượng của những người chỉ huy có tốt như thế nào.
Điều này có nghĩa là những người lãnh đạo chính trị, tức là những người chịu trách nhiệm điều hành cuộc chiến tranh, phải có kiến thức đầy đủ để hiểu được các yêu cầu chiến lược, và để chỉ đòi hỏi ở các nhà hoạch định chiến lược những gì khả thi trong khuôn khổ của một chính sách đã được hoạch định. Chỉ trong thế giới Cộng sản mới có những nhà lãnh đạo chính trị đã đọc Clausewitz. Ở phương Tây, nhất là ở Pháp, sự dốt nát về kiến thức quân sự của các nhà chính trị cũng tương đương với sự kiêu căng của họ trong việc phán xét các vấn đề quân sự.
o O o
Việc điều hành cuộc chiến tranh ở Đông Dương vào lúc đầu và suốt trong một thời gian dài là một vấn đề đơn giản, nếu không nói là dễ dàng. Đối đầu với Việt Minh, chỉ có một mình nước Pháp. Mọi quyết định đều do nước Pháp quyết. Các quyết định đều không tùy thuộc vào Việt Nam, Lào hay Campuchia. Nền độc lập của các quốc gia này chỉ có trên lý thuyết; họ không có một phương tiện nào để thể hiện tiếng nói của họ. Còn nước Mỹ chỉ là một khán giả ngồi xem những gì chúng ta làm với một cặp mắt không thiện cảm lắm.
Dần dần, các vấn đề đã chuyển biến trở nên vô cùng phức tạp. Trong liên minh mà chúng ta hình thành vào lúc này, với sự tham gia của các Quốc gia Liên kết và Mỹ, các vấn đề chỉ có thể được giải quyết bằng một sự thống nhất giữa nước Pháp với các đối tác của nó.
Các Quốc gia Liên kết là các quốc gia kém phát triển, vừa thoát khỏi chế độ thực dân, cũng chưa hoàn toàn thoát khỏi sự độc lập với Pháp. Họ vẫn chấp nhận trên nguyên tắc giữ các mối quan hệ hữu cơ với Pháp dù những mối quan hệ này chưa được định nghĩa một cách rõ ràng. Một khi họ có được một nền độc lập thật sự hơn, rộng rãi hơn; và một khi họ được yêu cầu đóng góp nhiều nỗ lực hơn cho cuộc chiến, họ lại yêu cầu được xem như những quốc gia hoàn toàn có chủ quyền trong liên minh. Nhưng mặt khác, họ không có phương tiện cần thiết vì cho dù - nhờ vào chúng ta - họ đã có được những bước phát triển tương đối; họ không có nguồn nhân lực chính trị - quân sự, không có các nguồn tài chính, những người làm công tác quản lý có trình độ, mà lẽ ra nhà nước độc lập cần phải có. Tất cả những điểm nói trên, họ cần một sự bảo hộ, mà chỉ có chúng ta mới đủ sức cung cấp cho họ.
Người Mỹ không phải là người thật sự tham gia cuộc chiến tranh. Những sự rủi ro họ chấp nhận rất hạn chế, thế nhưng họ lại đòi hỏi một ảnh hưởng ngày càng gia tăng, đo bằng sự giúp đỡ về vật chất cho chúng ta. Mặt khác, người Mỹ lại có khuynh hướng cổ vũ cho sự tự trị của các quốc gia Đông Dương đối với nước Pháp bên trong khối liên minh này. Họ cố gắng tìm cách trực tiếp nắm các quốc gia này.
Nước Pháp, trong ý đồ vừa duy trì quyền lực của mình đối với các quốc gia Đông Dương, vừa tự do hành động trong quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ, tìm cách trút gánh nặng nhân sự của cuộc chiến lên các quốc gia Đông Dương, gánh nặng tài chính lên vai nước Mỹ. Đây là chính sách tìm kiếm sự cân đối rất khó có thể tiến hành một cách lâu dài.
Tuy vậy, cho đến khi nào có được một trật tự mới, nước Pháp vẫn là người “lãnh đạo” của liên minh này. Vì thế, trách nhiệm của Chính phủ là phải điều hành cuộc chiến tranh.
Để làm việc này, phải thiết lập một cơ cấu lãnh đạo có hiệu quả, trung tâm ở Paris, nhưng phải có những cơ chế vận hành ở Sài Gòn và Washington.
Ở Paris, cần phải thành lập một tổ chức dưới cái tên là Ủy ban Chiến tranh hoặc bất cứ một cái tên gì, để ra những quyết định chung. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, hoặc người được ông ủy nhiệm, cơ chế này phải bao gồm những bộ trưởng có liên đới với vấn đề Đông Dương, có thể gồm trong một số trường hợp những Cao ủy tại Paris của các Quốc gia Liên kết, và có thể một quan sát viên của Hoa Kỳ. Ủy ban này sẽ được Ủy ban các tham mưu trưởng cố vấn cho những vấn đề về mặt quân sự.
Ở Sài Gòn, cần một cơ chế tương tự, do một đại diện của Pháp lãnh đạo và bao gồm đại diện của các Quốc gia Liên kết, có trách nhiệm thực hiện một cách chi tiết những quyết định chung của Ủy ban tại Paris.
Cuối cùng tại Washington, cần một cơ chế duy nhất, trực thuộc Ủy ban Paris, có trách nhiệm giải quyết mọi vấn đề liên quan đến tất cả những viện trợ mà Mỹ cung cấp cho Đông Dương.
Nhưng không một điều nào được thực hiện.
Tại Paris, các vấn đề Đông Dương do chính bộ trưởng giải quyết.
Tổng trưởng phụ trách quan hệ với các Quốc gia Liên kết có trách nhiệm về chính sách với các quốc gia này, về các cuộc hành quân và điều hành các lực lượng trên bộ.
Tàn dư của chế độ thuộc địa1 là nguyên nhân khiến các lực lượng bộ binh ở Đông Dương không còn phụ thuộc thẩm quyền như trước nữa. Ngay khi các sĩ quan hoặc binh sĩ bước chân xuống tàu hoặc lên máy bay họ sẽ trực thuộc Tổng trưởng phụ trách các mối quan hệ với các Quốc gia Liên kết. Trên thực tế, thì Bộ này không có phương tiện để thực hiện vai trò được giao, một sự thoả hiệp loạc choạc dần dần thể hiện. Qua đó vẫn là người cung cấp quân lính, phương tiện trang thiết bị cho các đơn vị không còn trực thuộc Bộ nữa và các trợ giúp của Bộ này chỉ có tác dụng rất tương đối2.
Ngược lại, Tổng trưởng các Bộ Hải quân và Không quân vẫn giữ trách nhiệm trong việc điều hành và bảo trì lực lượng của họ phải sang Dông Dương nhưng phần các Bộ này trích từ ngân sách để cấp phát lại hoàn toàn phụ thuộc vào thiện ý của các tổng trưởng. Do đó các lực lượng ở Đông Dương - nhất là lực lượng không quân, được xem bà con nghèo.
Bộ trưởng Quốc phòng nắm vai trò phối hợp hành động - có tính lý thuyết hơn là thực tế - giữa ba ông tổng trưởng (Chiến tranh, Không quân và Hải quân), nhưng đã bị cắt đi trách nhiệm cơ bản của ông: kiểm soát những cuộc hành quân; trách nhiệm này được giao cho Tổng trưởng phụ trách các mối quan hệ với các Quốc gia Liên kết3.
Tất nhiên là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao không thể từ chối nhiệm vụ giải quyết các vấn đề Đông Dương trên trường quốc tế, và nhất là trong các mối quan hệ ngày càng quan trọng hơn với nước Mỹ khi nước này ngày càng đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến. Các mối quan hệ công tác qua lại giữa Quai d’Orsay (Bộ Ngoại giao Pháp) và Bộ Quan hệ với các Quốc gia Liên kết từ đấy trở nên thường xuyên.
Lẽ tất nhiên Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong vấn đề Đông Dương cũng như trong tất cả những vấn đề khác, vẫn có một cách hành xử độc đoán. Do sự yếu kém của chế độ, nhất là sự yếu kém ở cấp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nên Bộ trưởng Bộ tài chính thường lộng hành xen vào công việc của các bộ trưởng khác, vì một lý do đơn giản là ông nắm tiền, không một việc nào có thể tiến hành được nếu không có sự nhất trí của ông ấy. Kết quả là những vấn đề đại sự, đáng lẽ phải được cứu xét theo quan điểm chính trị tổng thể, thì cuối cùng chỉ được giải quyết qua lăng kính thiển cận của người kế toán.
Một nhạc trưởng được giao trách nhiệm cầm trịch tất cả những nhạc cụ trên đây. Đó là Tổng trưởng phụ trách các vấn đề với các Quốc gia Liên kết - nhưng những người chơi các nhạc cụ trên kia lại không chịu nghe ông này vì cho rằng ngài tổng trưởng này là một nhân vật quá nhỏ bé1. Hơn nữa cùng với vai trò một người nhạc trưởng, ông lại phải cùng chơi một lúc ba nhạc cụ (chính trị, điều hành các chiến dịch quân sự, điều hành các lực lượng trên bộ), ông vừa đá bóng vừa thổi còi, không thể là một trọng tài được. Trên thực tế, ông này chỉ là một hộp thư. Vị trí trong nội các và tư cách cá nhân của ông đều không giúp cho ông làm được một cái gì hơn.
Chỉ có người đứng đầu Chính phủ mới có thể điều hành được cuộc chiến tranh. Nhưng trong một cuộc chiến như chiến tranh Đông Dương, kéo dài rất lâu, xa xôi và chỉ có một phần của đất nước tham gia, các quyền lực của Chủ tịch Hội đồng chỉ cho phép ông điều hành công việc từ một khoảng cách rất xa. Để bổ sung cho sự khiếm khuyết này, ông Laniel đã lập ra chức vụ Phó chủ tịch Phụ trách những vấn đề Đông Dương, được ông ủy quyền toàn bộ. Người nắm chức vụ này là ông Paul Reynaud. Nắm trong tay quyền lực của chức vụ, trong quá khứ đã từng đứng đầu nội các, ông là người duy nhất có thể điều phối công tác của các bộ, tạo nên sự thống nhất hành động là điều kiện tối cần để thành công. Nói tóm lại, ông Paul Reynaud là người có khả năng điều hành cuộc chiến. Nhưng lại chẳng hề làm bất cứ việc gì, thậm chí có lẽ ông không nhận thấy cần phải làm.
Còn ở tại Sài Gòn công việc diễn biến có tốt hơn đôi chút. Trách nhiệm điều hành cuộc chiến tranh thuộc về ông Tổng ủy Pháp, là một điều không thể bàn cãi. Tổng ủy là người nắm tổng thể quyền lực chính phủ. Nhưng trong cuộc chiến như chiến tranh Đông Dương, điều hành chiến tranh và điều hành những cuộc hành quân tại chỗ là việc không thể tách rời nhau. Do cơ cấu tổ chức quyền hành, việc điều hành cuộc chiến được giao cho ông Tổng ủy và việc điều hành những cuộc hành quân được giao cho vị tổng chỉ huy các lực lượng quân đội. Việc này tạo ra một cơ chế hành động nhị nguyên đòi hỏi phải có một sự thống nhất toàn diện. Tuy nhiên với một cơ cấu tổ chức tồi, chúng ta vẫn có được những kết quả tốt, nếu những người tham gia công tác làm hết sức mình vì công việc chung. Đó là thành quả làm được tại Sài Gòn, nơi giữa tôi và ông Dejean đã có một sự thông cảm hoàn toàn, chúng tôi đã hạn chế đến mức tối đa những điểm yếu không thể tránh khỏi do sự phân quyền.
Theo đề nghị của tôi, một “Ủy ban Chiến tranh” đã được thành lập, tập hợp người chỉ huy tối cao quân đội, một số sĩ quan và công chức cao cấp, dưới sự chủ tọa của Tổng ủy để giải quyết những vấn đề liên quan đến việc điều hành chiến tranh. Những giải pháp do ủy ban này thông qua, sau đó sẽ được đệ trình lên Chính phủ của các Quốc gia Liên kết trong các buổi họp thường kỳ với sự có mặt của ông Tổng ủy và tôi dưới hình thức “Ủy ban Quân sự Cao cấp” 2. Chính ở đây các quyết định dứt khoát được thống nhất. Cơ chế này đã tạo ra những kết quả đáng ca ngợi, nhưng mặt khác nó vẫn chưa đủ để tạo một sự thống nhất thật sự để thúc đẩy các Quốc gia Liên kết có những hành động quyết liệt cần thiết.
Tại Washington, các vấn đề liên quan đến viện trợ của Mỹ cho Đông Dương do ông đại sứ Pháp hoặc người đại diện Pháp trong nhóm thường trực xử lý, và thường là được hai người cùng giải quyết một lúc. Thật là một điều phi lý, nó làm tăng thêm sự liên lạc qua lại, tạo ra sự chồng chéo, nhưng không vì thế mà dẫn tới những khó khăn nghiêm trọng.
o O o
Ngoài thực tế vô tổ chức của việc điều hành cuộc chiến tranh, còn có một sự thật mà tôi đã báo trước - việc thiếu hẳn một định nghĩa chính xác cho chính sách của Pháp ở Viễn Đông.
Do thiếu sự định nghĩa ấy mà quan hệ của chúng ta với các Quốc gia Liên kết và Mỹ không bao giờ có thể được xác lập trên những cơ sở rõ ràng, cả về mặt quan điểm quân sự lẫn chính trị. Chỉ cho đến tháng giêng năm 1954, mới có một nhóm công tác do ông Pleven cầm đầu đến Đông Dương để tìm cách xác định một cách khách quan các mục tiêu mà Pháp còn có thể đạt được ở Đông Dương, các phương tiện Pháp có thể cung cấp và các thỏa thuận Pháp có thể thống nhất với các Quốc gia Liên kết và Mỹ. Đây là lần đầu tiên và là lần cuối cùng có được một nỗ lực đúng đắn để xác định vị thế của nước Pháp trong việc điều hành chiến tranh. Nhưng nó quá trễ.
Chính thái độ của chúng ta đối với nước Mỹ là yếu tố quan trọng nhất quyết định tình hình của ta ở Đông Dương.
Tôi đã nói nước Pháp phải có một sự lựa chọn giữa hai chính sách: hoặc chấp nhận là một thành viên trong trận tuyến chống Cộng dưới sự lãnh đạo của Mỹ; hoặc tự mình giữ được, dưới hình thức này hay hình thức khác, sự thống lĩnh của mình ở Đông Dương - và nếu như thế thì nước Pháp phải tự mình gánh vác các nỗ lực và hy sinh cần thiết. Tôi cũng đã cho rằng, do không thể có được một sự lựa chọn giữa hai đường lối kể trên, nên Chính phủ tìm cách đi theo một con đường trung dung, với hy vọng có thể giúp cho nước Pháp giữ lại được “một cái gì đó” - mà chính Chính phủ cũng không biết rõ ràng là một cái gì - để có được sự hỗ trợ ngày càng nhiều của nước Mỹ cho chi phí của cuộc chiến. Chính sách này tạo điều kiện cho nước Mỹ có cơ hội kiểm soát chặt chẽ hơn các động thái và quan hệ của ta với các Quốc gia Liên kết.
Người Mỹ xưa nay vẫn có ác cảm với chúng ta, giờ đây họ vẫn giữ nguyên mối ác cảm tuy đã trở thành đồng minh của ta. Họ giúp chúng ta về vật chất, nhung lại đánh chúng ta về mặt tinh thần. Họ vừa tận dụng tối đa “con chốt” Pháp trong cuộc chơi chống Cộng của họ, vừa ra sức phá hoại các quyền lợi của chúng ta, để cuối cùng đi đến triệt tiêu chúng.
Sự thiếu thiện cảm của người Mỹ thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đôi lúc nó mang tình chất công khai và thô lỗ. Ngay khi tôi vừa nắm quyền chỉ huy, tôi bắt buộc phải lên tiếng phản đối bài báo của một tờ nhật báo lớn. Tác giả là một nhà báo đã luôn luôn được chúng ta tiếp đón nồng hậu mỗi khi ông đến thăm bất cứ nơi đâu, nhưng đã có những lời chửi mắng thô lỗ, thậm tệ quân đội Pháp.
Không có một tuần nào mà chúng ta không bị sức ép của Mỹ dưới mọi hình thức, hoặc dưới dạng một bài diễn văn, hoặc dưới hình thức những lời tuyên bố với báo chí của các nhà chính trị Mỹ đến thăm Đông Dương. Những sự bực dọc khi đi du lịch cùng với các tin tức không đầy đủ và một sự tuyên truyền mị dân có hệ thống chống Pháp thi nhau tác động đến các chính khách Mỹ. Người thì cho rằng “viện trợ của Mỹ phải tuỳ thuộc vào sự trao trả độc lập hoàn toàn của Pháp cho các nước Đông Dương”. Người khác thì phát biểu “chiến tranh chỉ thắng nếu người bản xứ được tự do sử dụng sự giúp đỡ của người Mỹ”. Còn chính khách thứ ba cho rằng: “Khi người Pháp từ chối trao trả một nền độc lập hoàn toàn cho các dân tộc ở đây, thì Chủ nghĩa Cộng sản không thể bị quét sạch ra khỏi nơi này”.
Chính sách của người Mỹ còn mang tính chất “kinh doanh”, thể hiện qua những cuộc chiếm đoạt giấu mặt nhưng ngày càng lộ rõ hơn, các vị trí then chốt của nền kinh tế Đông Dương khi tương lai không chắc chắn đã khiến cho người Pháp phải dần dần bỏ các kế hoạch làm ăn.
Sự can thiệp vào các công việc của chúng ta là việc làm của “nhóm công tác viện trợ kinh tế”, mà thành viên thường là những người đại diện cho các tập đoàn lớn núp dưới vỏ bọc của các viên chức và nhân viên công tác. Đây chắc chắn không phải là việc làm của đại sứ Mỹ Heath, một người quá trung thực, quá nhân đạo và quá thông minh để có thể thực hiện một chính sách thúc ép người Pháp chiến đấu một mình và hy sinh cả ngàn con em trong một cuộc chiến tranh - cho dù có thắng lợi - cũng sẽ không mang lại một quyền lợi gì cho họ. Dù vậy nó vẫn được giới thẩm quyền chính thức của Mỹ ra sức khuyến khích.
Chúng ta không thể chiến đấu một cách hiệu quả chống lại những âm mưu này tại Sài Gòn. Vấn đề phải được giải quyết một cách công khai giữa Paris và Washington. Chúng ta phải nói rõ cho người Mỹ: “Chúng tôi chiến đấu ở Đông Dương để bảo vệ quyền lợi của người Pháp. Chúng tôi không có giấu giếm gì việc này vì đó là quyền chính đáng của chúng tôi. Chúng tôi làm việc này còn vì quyền lợi của phương Tây khi giữ được vùng Đông Nam Á - mà các ông là người chính được lợi. Do cuộc chiến đấu của chúng tôi phục vụ lợi ích của các ông nên các ông phải chi viện cho chúng tôi. Chúng tôi không phải cảm ơn các ông, nhất là chúng tôi không thể trả bằng việc hy sinh quyền lợi của chính chúng tôi”. Và chúng ta phải nói rất rõ rằng, cho đến một kỳ hạn nào đó rất ngắn, nếu tất cả âm mưu chính trị kinh tế và trên tất cả những lĩnh vực khác không được các quan chức và tư nhân Mỹ chấm dứt, chúng ta sẽ yêu cầu đổi vị trí chiến đấu cho ai muốn chiếm chỗ của chúng ta. Nếu yêu cầu này không được đáp ứng chúng ta sẽ thỏa hiệp với đối phương. Đã nhiều lần tôi phát biểu quan điểm này, nhưng không nhận được một hồi âm nào. Những người có trách nhiệm vạch các chính sách của ta đã chọn phương án không biết gì về vấn đề này hoặc bác bỏ sự hiện hữu của nó.
Đối với các Quốc gia Liên kết đường lối của chúng ta phải dung hòa được hai yêu cầu mâu thuẫn. Một là sự cần thiết phải thi hành tuyên bố ngày 3 tháng 7 năm 1953, hứa giao trả độc lập cho họ trong khuôn khổ của khối Liên hiệp Pháp. Hai là phải thúc đẩy họ tham gia vào cuộc chiến.
Có điều chắc chắn rằng nỗ lực tối đa cho cuộc chiến chỉ có thể đạt được khi chúng ta giữ được quyền chỉ huy trực tiếp và chỉ giao trả độc lập khi chiến tranh chấm dứt. Nhưng chuyện này không thể nào làm được. Chúng ta đã hứa giao trả độc lập cho họ. Cả Việt Nam, Lào và Campuchia đều muốn đạt được nền độc lập ngay lập tức và các sự khuyến khích họ nhận được từ người Mỹ là không thể nào cưỡng lại được đối với chúng ta.
Trong những hoàn cảnh như thế, giải pháp tốt nhất là tận dụng tối đa con bài độc lập, tìm cách tranh thủ tất cả những gì nó có thể đem lại. Có thể sự phấn khởi của tinh thần quốc gia sẽ tạo ra một ý chí chiến đấu cho các dân tộc, sẽ bù đắp sự thiếu hiệu quả khi chúng ta không còn nắm quyền chỉ huy trực tiếp. Đây là đường lối - cho dù người Mỹ suy nghĩ như thế nào - rất khó thành công nhưng ở hoàn cảnh của chúng ta thì không thể có một giải pháp nào khác.
Việc này đòi hỏi nước Pháp không cần phải từ bỏ những quyền lợi ở Đông Dương, chấp nhận một hình thức Liên hiệp Pháp mới, khác với hình thức quy định trong bản Hiến pháp năm 1946 mà những người theo chủ nghĩa quốc gia của ba nước này xem như một “nhà tiền chế” và từ chối không chịu vào trú ngụ.
Nhưng Chính phủ Pháp không có sự thống nhất cho giải pháp này. Một số ủng hộ với mức độ khác nhau cho sự biến đổi của Đông Dương, một số khác chống lại mọi sự cải tổ.
Người ủng hộ khuynh hướng thứ hai là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Bidault đã thể hiện suy nghĩ của mình bằng một sự so sánh mà ông lấy làm khá thích thú: “Nếu bạn đồng ý trợ cấp cho mỗi nhân viên xe điện ở Lille một chiếc áo choàng, thì những nhân viên ở Perpignan cũng sẽ sớm đòi hỏi như thế”. Đây là một khả năng rất có thể xảy ra - nhưng liệu đây có phải là một lý do chính đáng để từ chối nhân viên ở Lille chăng? Có thể chúng ta giải quyết cho các nhân viên ở Perpignan một sự bù đắp phù hợp với khí hậu tại địa phương: một bộ trang phục mùa hè chẳng hạn. Nhưng ngài Bidault không thấy một giải pháp nào khác ngoài sự từ chối, ông lại được sự ủng hộ của Tổng thống.
Tuy không chứng tỏ quan điểm một cách rõ ràng, ông Paul Reynaud, người giữ một vai trò chủ yếu trong Chính phủ và ông Marc Jacquet, Tổng trưởng phụ trách những Quốc gia Liên kết, có vẻ ủng hộ cho một chính sách cởi mở hơn. Riêng đối với ông Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tôi không biết quan điểm của ông ta như thế nào.
Chưa bao giờ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, một cương lĩnh chính xác được vạch ra, và “chính sách” của chúng ta chỉ là tìm cách né tránh việc thực hiện trao trả độc lập mà ta đã đồng ý về mặt nguyên tắc.
Hậu quả do sự thiếu trách nhiệm của Chính phủ đối với nỗ lực chiến tranh của các Quốc gia Liên kết rất là nặng nề. Nó đã làm cho những nỗ lực này không thể có được, sau này chúng ta sẽ thấy rõ hơn.
Do đó, vì thực thi một giải pháp lai căng giữa việc duy trì chế độ thực dân và giao trả độc lập hoàn toàn, chúng ta đã đánh mất những thuận lợi của chính sách thứ nhất, mà cũng không tận dụng được những ưu điểm của chính sách thứ hai.
Sự thiếu vai trò của Chính phủ trong việc điều hành cuộc chiến tranh đã thể hiện trên mọi lĩnh vực.
Trước hết là sự thiếu phối hợp giữa yêu cầu của đường lối chính trị và yêu cầu chiến lược. Đây là sự thiếu vắng tệ hại nhất.
Nó ngăn cản việc có thể có được một câu trả lời cho câu hỏi của tôi về việc bảo vệ vùng Bắc Lào.
Đứng về quan điểm chính trị, nước Pháp có trách nhiệm phải bảo vệ Quốc gia Liên kết này. Nhưng về mặt quân sự, chúng ta không đủ can đảm để tiến hành những nỗ lực cần thiết. Phải có một sự lựa chọn. Do Chính phủ tỏ ra bất lực, có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ bắt buộc phải chiến đấu trong hoàn cảnh không có đủ phương tiện cần có.
Có khả năng tránh né được vấn đề này. Chúng ta còn nhớ các tham mưu trưởng quân đội đã đề xuất một hành động ngoại giao để ngăn chặn không cho Việt Minh mở cuộc tiến công vào nước Lào. Bộ Ngoại giao sợ rằng một hành động như vậy sẽ tạo ra sự quốc tế hóa cuộc chiến Đông Dương, là một điều không có lợi nên họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc xúc tiến thực hiện nó.
Cho đến khi hội nghị Berlin mở ra thì chúng ta mới thấy rõ tính chất nghiêm trọng và hậu quả rất xấu của sự không thống nhất giữa đường lối chính trị và chiến lược quân sự của chúng ta. Trong khi tôi luôn luôn yêu cầu trước khi kết thúc các cuộc hành quân chủ động, được đánh dấu hằng năm bằng sự trở lại của mùa mưa, chúng ta không nên có một động thái nào để tạo thêm khó khăn cho tôi, thì một sáng kiến ngoại giao được quyết định mà không hề có sự tham khảo ông Tổng ủy và tôi, nghĩa là không có một nghiên cứu đầy đủ về những hậu quả mà nó có thể tạo ra cho các cuộc hành quân cũng như bầu không khí chính trị tại địa phương. Quyết định này đã tạo điều kiện mở ra hội nghị Genève, tôi sẽ phân tích những hậu quả tồi tệ ở phần sau.
Tôi có thể kể ra một ví dụ ảnh hưởng kém quan trọng hơn về sự thiếu phối hợp giữa các bộ chức năng ở Pháp, là việc cho phá giá đồng bạc Việt Nam. Đây là một biện pháp lý giải được về mặt đạo đức, tài chính. Nó đã được quyết định mà không có sự cân nhắc về hậu quả, tạo ra một sự khủng hoảng bầu không khí chính trị và kinh tế Đông Dương trong vòng nhiều tháng, cũng tạo ra hệ quả rất xấu trong lĩnh vực quân sự.
Việc phá giá đồng tiền Việt Nam đã được quyết định vào tháng 5 năm 1953, dưới sức ép của dư luận. Mục đích của việc phá giá đồng tiền này là ngăn chặn những vụ “buôn tiền nổi tiếng”, cho phép kiếm lời nhờ vào khoảng chênh lệch giữa tỷ giá chính thức là 17 francs và tỷ giá thực tế là 10 francs. Ngay khi tỷ giá chính thức được đưa trở về 10 francs, thì tỷ giá thực tế lại rơi xuống 6 francs, và việc buôn tiền lại tiếp tục. Các kết quả về mặt tài chính và đạo đức đạt được là một điều có thể tranh cãi.
Nhưng mặt khác, các bất lợi về mặt chính trị và quân sự thực sự là rõ ràng, không thể tranh cãi. Các Quốc gia Liên kết, do không được tham khảo, cảm thấy bị đụng chạm đến sự độc lập của họ. Nền kinh tế của họ chịu một cú sốc rất căng. Họ lấy cớ này để “làm nư” và né tránh mọi nỗ lực. Trên lĩnh vực quân sự, hậu quả của chiến dịch này cũng rất xấu. Nó đã đưa đến việc lập ra một chính sách vô lý về khoản “tiền tiết kiệm” 1, tạo ra một ảnh hưởng rất tồi tệ đối với tinh thần của đội quân Viễn chinh, làm phức tạp thêm công tác quản lý, đến mức độ các chỉ huy đơn vị phải rút các hạ sĩ quan ra khỏi các đơn vị chiến đấu để làm kế toán. Nó cũng tạo ra những khó khăn rất lớn trong việc mua các nhu yếu phẩm cần thiết tại địa phương để chi viện cho quân đội. Nhưng quan trọng hơn nữa, nó là một trong những nguyên nhân chính đưa đến sự căng thẳng nghiêm trọng với Campuchia. Sự căng thẳng này đã kéo dài suốt mùa hè 1953 khiến tôi phải huy động nhiều tiểu đoàn để bảo vệ sự an toàn của người Pháp tại Campuchia, trong khi tôi đang rất thiếu quân.
Việc đặt lĩnh vực tài chính lên hàng đầu một cách có hệ thống để giải quyết các vấn đề và coi nhẹ các mặt quan trọng khác đã tạo ra những hậu quả khác rất đáng tiếc.
Ví dụ, do tính toán bần tiện về tiền nong, Chính phủ Pháp đã yêu cầu người Mỹ trực tiếp thanh toán các khoản đài thọ cho quân đội các Quốc gia Liên kết. Trong một buổi họp nội các hạn chế vào tháng 7 năm 1953 mà tôi được mời tham dự, tôi đã đứng lên phản đối biện pháp này. Tôi cho rằng, sự đóng góp của người Mỹ nhất thiết phải được trao cả gói cho chính phủ Pháp để chúng ta phân phát cho các Quân đội Liên hiệp theo yêu cầu thực tế là rất cần thiết. Bộ trưởng Ngoại giao Bidault chia sẻ cùng quan điểm với tôi. Ông Bộ trưởng Tài chính Edgar Faure cho rằng - theo tôi là một sự sai lầm - ông sẽ nhận thêm được vài tỷ francs khi yêu cầu người Mỹ chuyển trực tiếp sự viện trợ của họ cho quân đội các Quốc gia Liên kết. Ông ta đã thắng thế trong cuộc tranh cãi này. Và cũng từ ngày đó, ảnh hưởng của chúng ta lên Quân đội Liên hiệp sa sút một cách nhanh chóng, rơi vào tay Hoa Kỳ, và chúng ta mất đi phương tiện chính tác động đến họ.
Về mặt tài chính, cuộc chiến tranh Đông Dương được tiến hành trong những điều kiện hoàn toàn bất bình thường mà Bộ Tài chính trước sau nhất định không chịu thay đổi. Chi phí cho lực lượng quân Viễn chinh được giải quyết như những chi phí bình thường của bất cứ một bộ nào khác: dự toán phải được lập ra sáu tháng trước khi bắt đầu một tài khóa mới. Người ta yêu cầu, người chỉ huy tối cao dự kiến từ sáu đến mười tám tháng nhu cầu cho các cuộc hành quân. Đòi hỏi này cũng có nghĩa là người chỉ huy phải biết trước những gì địch quân sẽ làm. Quy trình vô lý như thế không phù hợp với việc chỉ huy có hiệu quả trong chiến tranh. Trong cuộc chiến tranh Maroc năm 1925, một tài khoản đặc biệt của ngân sách đã được mở để tài trợ cho cuộc chiến. Một cách giải quyết thuận lợi như vậy đã không thể có được cho Đông Dương.
o O o
Như tôi đã nói ở phần trên, việc phân bổ phương tiện trên các chiến trường hành quân khác nhau là một trong những khía cạnh của việc điều hành chiến tranh.
Việc gửi quân tiếp viện đến những chiến trường ở Đông Dương đòi hỏi Chính phủ Pháp phải có một sự lựa chọn giữa những khía cạnh khác nhau của đường lối quân sự của nước Pháp: cuộc chiến tranh Đông Dương, việc bảo vệ châu Âu, nền an ninh của Bắc Phi và của các thuộc địa. Đã không có một sự lựa chọn nào được đưa ra. Do đó, nước Pháp, vì không chấp nhận những sự cố gắng cần thiết để có được một sức mạnh quân sự ở khắp mọi nơi, cuối cùng không có sức mạnh ở đâu cả.
Tôi xin nhắc lại là, ngay khi nắm quyền chỉ huy, tôi đã yêu cầu phải có một quyết định dứt khoát dưới dạng “một ngõ cụt”, trong vòng hai năm trong việc phòng thủ châu Âu để chuyển một số lực lượng sang Đông Dương. Và tôi cũng đã nói về số phận dành cho sự gợi ý này.
Ở đây tôi xin trình bày một cách rất vắn tắt về vấn đề chi viện.
Vào tháng 7 năm 1953, trong chuyến công tác đến Paris, tôi có đưa các yêu cầu mà tôi nghĩ rằng rất cần thiết cho việc thực hiện kế hoạch.
Những yêu cầu này đã được Ủy ban các tham mưu trưởng nghiên cứu. Ủy ban đã trình bày những hậu quả xấu tạo ra cho toàn bộ tình hình quân sự nói chung của nước Pháp nếu những yêu cầu của tôi được thỏa mãn.
Trong các buổi họp hạn chế của nội các và của Ủy ban Quốc phòng diễn ra trong tháng 7, những yêu cầu của tôi và ý kiến của các tham mưu trưởng đã được Chính phủ xem xét. Chính phủ đã quyết định: một mặt, tôi phải xem lại yêu cầu của tôi, số quân xin tăng viện phải nhỏ hơn rất nhiều; mặt khác, sự chấp thuận các yêu cầu của tôi - cho dù được hạn chế - sẽ tuỳ thuộc vào sự tài trợ của Mỹ, và những cuộc thương thảo với họ sẽ được xúc tiến1.
Vào cuối tháng 8, sau một cuộc nghiên cứu chặt chẽ, tôi trình bày những yêu cầu có giảm đi chút ít - tôi nói rõ ràng - là sự nhượng bộ cuối cùng của tôi. Những yêu cầu này đã không được Chính phủ chấp thuận; và một quyết định cấp bộ thông báo cho tôi biết điều này, ngày 11 tháng 9.
Tôi không chấp nhận quyết định này. Vào đầu tháng 10 tôi đã trả lời rằng: tôi chỉ có trong tay “một phương tiện được làm bằng giá rẻ” và nói rõ “những cơ hội cho sự thành công đã giảm sút”.
Một buổi họp của Ủy ban Quốc phòng ngày 13 tháng 11 năm 1953, đã bác bỏ sự kêu gọi của tôi. Tôi được thông báo bằng một công văn ký ngày 21 tháng 11, và chỉ đến tay tôi vào ngày 4 tháng 12.
Tôi lại nhấn mạnh một lần nữa trong nhiều bức thư và công điện, tạo ra nhiều sự tranh luận. Nhất là trong một bức điện tín, tôi đã phát biểu với một lập luận gây nhiều phản ứng gay gắt đối với tôi: “Tôi ghi sự từ chối này vào danh sách dài những giải pháp tạm bợ đã áp đặt cho tôi, làm giảm sút sức mạnh chiến đấu của tôi”. Bức điện tín này đã không mang lại một kết quả cụ thể nào.
Tôi đặt lại tất cả các vấn đề về sự chi viện trong một bức thư đề ngày 1 tháng 1 năm 1954, trình bày cho Chính phủ biết tình hình tổng thể, và những lo lắng rất nghiêm trọng mà tình hình nói trên tạo ra cho tôi. Bức thư này đã không được trả lời.
Chỉ vào thời điểm mà chiến dịch Điện Biên Phủ đi vào giai đoạn nghiêm trọng, những nguồn chi viện tôi yêu cầu và đã bị từ khước mới bắt đầu được gửi sang. Chúng đến quá trễ để có thể đóng góp một vai trò nào đó.
Tôi xin bàn đến các vấn đề chi viện đặt ra cho tất cả ba binh chủng như thế nào2.
Lục quân
Như đã trình bày ở phần trên, tôi phải rút lại suy nghĩ ban đầu là yêu cầu chi viện thêm hai sư đoàn hoàn chỉnh.
Những yêu cầu về sau của tôi lên đến những con số sau đây lẽ tất nhiên là cộng thêm số quân dùng cho việc “bổ sung” bình thường1.
Về các lực lượng nguyên vẹn, tôi được chi viện thêm 8 tiểu đoàn bộ binh, đội pháo binh và tiểu đoàn công binh, nhưng các lực lượng này lại rất thiếu quân số và được rút ra từ những lực lượng dự kiến sẽ bổ sung cho năm 1954. Thực ra đây không phải là một lực lượng chi viện thật sư, mà chỉ là một “sự tạm ứng trước, phải hoàn lại”.
Lực lượng chi viện riêng lẻ là chủ đề không ngớt được tranh cãi; với số quân cuối cùng được chấp nhận, tôi thiếu đến 420 sĩ quan, 2.350 hạ sĩ quan, 2.600 quân Bắc Phi và 800 lính châu Phi. Nếu so sánh với những con số tôi yêu cầu, thì có thể nói rằng tôi không được cấp một sự chi viện nào cả. Kết quả là các đơn vị chiến đấu - nhất là lực lượng bộ binh - lại phải tiếp tục ra trận với quân số rất thiếu, không bao giờ vượt quá quân số lý thuyết từ 50% đến 60%. Chúng ta không thể nào đòi hỏi một quân đội có thể chiến đấu tốt trong những điều kiện như thế.
Trong một báo cáo ngày 26 tháng 11 năm 1953, tôi đã tạo được sự quan tâm của tướng Ely, Tổng tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng và tướng Blanc, Tham mưu trưởng Lục quân về sự thiếu thốn nghiêm trọng khung chỉ huy cho các đơn vị. Nhưng bản báo cáo này cũng không có được cách giải quyết, và thực tế là rất khó có cách giải quyết trong những điều kiện như thế.
Nếu ta thử làm một bản so sánh giữa các khung chỉ huy, một bên là các đơn vị không tham gia chiến đấu (đóng tại Chính quốc, Đức, Bắc Phi, Pháp hải ngoại), còn bên kia là các lực lượng đang chiến đấu tại Đông Dương, ta thấy rằng khung chỉ huy trung bình cho các lực lượng không chiến đấu là: một sĩ quan chỉ huy dưới 20 người và khung chỉ huy cho các lực lượng đang chiến đấu tại Đông Dương thì một sĩ quan phải chỉ huy đến 30 người2. Một sự so sánh với khung hạ sĩ quan cũng cho thấy một kết quả tương tự.
Để đưa khung chỉ huy của lực lượng Pháp Đông Dương lên ngang tầm với khung chỉ huy trung bình của quân đội Pháp, thì phải gửi thêm 3.000 sĩ quan cùng một số lượng rất lớn các hạ sĩ quan. Đây là một việc không thể làm được vì nhịp độ thay quân đã làm cho bộ máy tổ chức của quân đội Pháp trở nên hoàn rối loạn.
Khi chỉ đặt gánh nặng chiến tranh lên vai quân đội đóng tại Đông Dương, nước Pháp đã tự đặt trước cho mình bản án: chỉ tiến hành cuộc chiến ở “mức độ thấp” - tức là thua cuộc chiến tranh này. Giải pháp duy nhất có thể làm được - như Hoa Kỳ đã từng tiến hành tại Triều Tiên - là đưa bộ khung trù bị vào chiến đấu cùng với lực lượng lính quân dịch. Nhưng để làm việc này phải có một sự huy động ở quy mô quốc gia mà không một Chính phủ Pháp nào biết hoặc muốn làm.
Chỉ vào ngày 10 tháng tư năm 1954, tức ngay giữa thời điểm nóng bỏng của chiến dịch Điên Biên Phủ, Chính phủ mới quyết định gửi lực lượng tiếp viện. Tôi đã nhận được lời hứa gửi một vài đơn vị nguyên vẹn3 và một số chi viện riêng lẻ4. Không một đơn vị nào đến kịp để dự vào trận đánh.
Chất lượng binh lính của các lực lượng chi viện và bổ sung là một vấn đề vô cùng tồi tệ.
Chỉ trừ hai trung đoàn đến thẳng từ Đức5, sau vài tuần thích ứng đã tỏ ra rất thiện chiến, chất lượng của những đơn vị tiếp viện còn lại đều rất yếu kém6.
Lực lượng chi viện riêng lẻ cũng tương tự như vậy. Các sĩ quan khung thường là không được chuẩn bị tốt cho chiến tranh và thường không hiểu gì về quân lính mà họ chỉ huy7. Họ không được huấn luyện đầy đủ. Đặc biệt là lính Bắc Phi được đưa vào chiến đấu với một thời hạn phục vụ quá ngắn8. Ta có thể kết luận là Chính quốc và đặc biệt là Bộ Tổng tham mưu đã có nhiều thiếu sót trong chuẩn bị và huấn luyện những đơn vị bộ binh tiếp viện cho chiến trường Đông Dương, là một điều mà ai cũng biết.
Không quân
Yêu cầu của tôi đặt trọng tâm vào những điểm sau đây:
- Một phi đoàn máy bay vận tải thứ tư1 gồm 25 chiếc máy bay.
- Một sự gia tăng các phương tiện hỏa lực bằng cách, trước hết tăng từ 20 đến 30 máy bay ném bom trong những phi đoàn máy bay ném bom đang có, sau đó thành lập thêm một tập đoàn gồm hoặc các oanh tạc cơ hoặc khu trục oanh tạc cơ2.
- Một số lượng quan trọng các máy bay trực thăng3 để trước hết dùng vào việc di tản thương binh và giao liên, sau đó có thể sử dụng vào công tác chiến đấu.
- Gia tăng số nhân lực cần thiết (phi hành đoàn và thợ máy) để các đơn vị vận tải, ném bom và chiến đấu có thể đạt được hiệu quả tối đa4.
- Một sự triển khai quan trọng cơ sở hạ tầng hàng không ở phía tây dãy Trường Sơn để có thể đối phó với hành động của quân địch tại Lào5.
Sự thỏa mãn hoàn toàn các yêu cầu trên đây sẽ giúp gia tăng lên gần gấp đôi hiệu quả của lực lượng không quân Đông Dương. Nó chỉ yêu cầu nước Pháp đóng một lực lượng tương đối nhỏ về nhân lực, khoảng 4000 người6 và một nỗ lực về tài chính khoảng 6 tỷ (ngân sách dành cho hạ tầng cơ sở đã được đưa vào ngân sách năm 1953). Các phương tiện vật chất là do Mỹ cung cấp.
Kinh phí không được chấp thuận, đến nỗi các cơ sở hạ tầng được xây dựng một cách rất không đầy đủ, do sự chậm trễ trước đó, rất khó kịp hoàn tất để yểm trợ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Quân số được chấp thuận chi viện đã không lên đến 700 người, thay vì 4.000.
Vì vậy và với sự tranh cãi không dứt giữa không quân Pháp (trong việc cung cấp nhân sự) và không quân Mỹ (trong việc cung cấp trang thiết bị) tình hình đã diễn biến như sau7:
- Phi đoàn vận tải thứ 4 chỉ được sẵn sàng khi chiến dịch Điên Biên Phủ bắt đầu. Đã có một sự thiếu thốn trầm trọng khi chuẩn bị cho chiến dịch.
- Việc tăng viện các phi đoàn máy bay ném bom chỉ được thực hiện khi chiến dịch đã xảy ra.
- Việc thành lập phi đoàn ném bom thứ ba chỉ được hoàn thành vào cuối chiến dịch, nhưng trong các điều kiện như thế thì sự tham gia của nó cũng trở nên vô nghĩa8.
- Quân số cho các đơn vị vận tải, ném bom và khu trục quá ít để có thể tạo điều kiện cho các đơn vị nới trên phát huy công suất tối đa.
Kế hoạch yêu cầu tăng cường máy bay trực thăng của tôi luôn không được quan tâm một cách hết sức nực cười.
Vì vậy, chỉ có một lực lượng không quân hoàn toàn không đầy đủ về mặt khí tài, nhân sự, và cơ sở hạ tầng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Do đó hiệu quả không thể nào cao được.
Sự thiếu thốn về mặt không quân là yếu tố chính cho sự thất bại của chúng ta trong chiến dịch Điên Biên Phủ. Bộ Chỉ huy tối cao không quân có trách nhiệm trong sự thất trận này. Và sẽ không công bằng khi đổ trách nhiệm lên Bộ Chỉ huy không quân tại chiến trường.
Hải quân
Các lực lượng chi viện của hải quân có mục đích tăng khả năng vận chuyển, yểm trợ hỏa lực, và nhất là lực lượng không quân trực thuộc hải quân (qua sự ứng chiến thường trực của một tàu sân bay). Nói chung là các yêu cầu này đã được đáp ứng.
Trong ba quân chủng, hải quân đã làm tốt nhất nhiệm vụ của họ - tất nhiên nhiệm vụ này không tốn kém như những quân chủng khác. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ những nỗ lực của hải quân vượt quá những gì chúng tôi mong đợi, nhưng đã quá trễ để có thể có được những kết quả quan trọng.
o O o
Một trong những nhiệm vụ cơ bản của một chính phủ trong thời kỳ chiến tranh là khôi phục và giữ vững tinh thần quốc gia và quân đội. Không một chính phủ nào từ khi cuộc chiến bắt đầu đã chịu quan tâm đến nhiệm vụ này. Người cầm đầu chính phủ vào thời gian tôi làm Tổng tư lệnh quân đội ở Đông Dương cũng không nghĩ đến vấn đề này.
Ở phần trên tôi đã nhắc đến suy nghĩ này khi nói đến tình hình ở Đông Dương lúc tôi mới nhận nhiệm vụ, cuối tháng 5 năm 1953. Ngay vào tháng 7 năm ấy, đã diễn ra một sự kiện góp phần làm cho tình hình thêm tồi tệ đi: cuộc đình chiến ở Triều Tiên. Việc thông báo cuộc đình chiến này đã khơi dậy ở Pháp hy vọng chính đáng về một nền hoà bình nhanh chóng ở Đông Dương. Nhiệm vụ của Chính phủ rõ ràng là bằng các nỗ lực của mình, làm thế nào biến niềm hy vọng ấy thành sự thật, và cảnh giác dư luận đối với những hy vọng hão huyền. Trong bất cứ tình huống nào, Chính phủ phải có những biện pháp cần thiết để không xảy ra một cuộc khủng hoảng tinh thần.
Và Chính phủ đã không làm gì cả. Không những thế các chính phủ đã để cho một phong trào chống chiến tranh Đông Dương phát triển ngày một công khai từ mùa hè năm 1953, và gia tăng mạnh mẽ đến khi hội nghị Genève diễn ra, và một vài thành viên trong chính phủ còn ra sức đồng ca theo phong trào này.
Có những tổ chức vô trách nhiệm như “Liên minh các Quyền con người”, không ai không biết các khuynh hướng của họ, hoặc “Diễn đàn quốc gia vì hoà bình ở Đông Dương”, tập hợp những kẻ chủ bại chuyên nghiệp. Họ có tất cả mọi cơ hội để kích động dư luận; báo chí thì đầy rẫy các bài làm suy sụp tinh thần quốc gia; có một đảng với nhiều thành viên có mặt trong chính phủ đã biểu quyết chính thức một kiến nghị đòi hòa bình; thật không may đây là những việc không tránh được trong một chế độ dân chủ đang đến hồi thoái hóa mà chúng ta đang phải trải qua.
Nghiêm trọng hơn rất nhiều là có những nhà chính trị có tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo của các đảng phái lớn gọi là “quốc gia” hoặc thậm chí thành viên của chính phủ đã dám thuyết giảng công khai ở nơi công cộng về sự vô ích của những nỗ lực chiến tranh và đề nghị thương thuyết với kẻ địch ngay trong thời kỳ cao điểm của cuộc chiến. Những việc này lẽ ra phải được tranh luận tại hai Viện quốc hội trong những Ủy ban Cơ mật. Thế nhưng báo chí từ tháng 7 năm 1953 đến tháng 3 năm 1954 đã có rất nhiều những lời phát biểu mà đáng lẽ tác giả của nó, ở một quốc gia trong tình trạng chiến tranh có thể bị kết án là làm hại đến tinh thần của Quốc gia và Quân đội1, khốn nỗi chúng ta lại không chính thức ở trong tình trạng chiến tranh.
Tháng 10 năm 1953, ông Daladier tuyên bố trước diễn đàn “Tuổi trẻ cấp tiến” ở Vaucluse: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc chấm dứt cuộc Viễn chinh ở Đông Dương, nơi chúng ta không còn bảo vệ quyền lợi của người Pháp”.
Tháng 10 năm 1953, ông Edgar Faure, thành viên chính phủ, trước hội nghị của những doanh nghiệp vừa và nhỏ phát biểu: “Dù có thắng hay bại trận, chúng ta sẽ không ở lại Đông Dương”.
Tháng 11 năm 1953, ông André Monteil - trong tạp chí “Chứng nhân Thiên Chúa giáo” ra ngày 27 tháng 11 năm 1953 - nói: “Chúng ta đánh nhau ở Đông Dương để tìm một con đường rút. Tôi chọn con đường thương thuyết để ở lại”.
Ngày 17 tháng 2 năm 1954, ông Naegelen tuyên bố trước phân bộ đảng Xã hội tại Perpignan: “Cuộc chiến tranh Đông Dương là một cuộc chiến tranh xấu xa, khủng khiếp...” và sau đó: “Chúng ta đóng góp vào đó những chi phí mà tốt hơn là nên dùng vào việc nâng cấp các trường học, xây dựng đường dẫn nước, phát triển tiện nghi trong các làng của chúng ta...”
Đối với tất cả những lời phát biểu này, Việt Minh chỉ giữ im lặng. Báo chí và đài phát thanh của họ chỉ lên tiếng nói rằng: nếu có một sự phấn khởi do cuộc đình chiến ở Triều Tiên, thì đó là “một việc hoàn toàn của Triều Tiên”; và phương cách tốt nhất để buộc nước Pháp đi đến hoà bình là tiêu diệt càng nhiều địch quân càng tốt, “mở rộng cuộc chiến” và “Dân tộc Việt Nam phải dựa trên sức mình, chuẩn bị tinh thần cho một cuộc kháng chiến lâu dài”.
Thực tế là phía sau vẻ bề ngoài lạnh lùng như vậy, Việt Minh quan sát rất kỹ các phản ứng của chúng ta. Sau đó, sau một vài lần thăm dò kín đáo và chắc chắn phải có sự tiếp xúc với những người trong chúng ta ủng hộ hòa bình bằng mọi cách, vào ngày 30 tháng 11 năm 1953 Việt Minh đã làm nổ tung “quả bom” bằng những lời tuyên bố mang tính hòa bình của ông Hồ Chí Minh với tờ báo Thụy Điển Expressen. Chắc chắn là họ đã gây được những thiệt hại ở mức cao nhất trong nội bộ chúng ta.
Hoàn toàn bị mất phương hướng, bị chia rẽ trầm trọng, Chính phủ Pháp tỏ ra bất lực trong việc hoạch định chính sách của mình trước một khúc quanh có tính quyết định như vậy của cuộc chiến. Tổng trưởng Bộ Quan hệ với các Quốc gia Liên kết phát biểu quan điểm cho rằng tin mới này có tính “quan trọng toàn cầu”. Cùng ngày hôm đó, một bản thông cáo của Văn phòng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho biết quan điểm này “hoàn toàn không được xem như phù hợp với đường lối của Chính phủ”. Thật không may, đường lối này chưa bao giờ được xác định cả, cho đến thời điểm đó.
Kết quả là, trong dư luận Pháp có một sự rối loạn sâu sắc về mặt tinh thần và một sự gia tăng của phong trào chủ bại, trong khi tại các Quốc gia Liên kết, niềm tin vào nước Pháp cùng với ý chí chiến đấu đã ngày càng suy sụp.
o O o
Một nhiệm vụ khác của chính phủ một quốc gia trong tình trạng chiến tranh là ngăn chặn các sự phản bội bằng mọi cách - kể những phương cách quyết liệt nhất - để các binh sĩ tham gia chiến trận không bị đâm sau lưng. Đây là một công việc thiêng liêng mà trước cuộc chiến tranh Đông Dương không một chính phủ nào đã phạm sai lầm nghiêm trọng.
Nhưng không may là sự việc đã diễn tiến khác đi ngay từ khi cuộc chiến tranh bắt đầu. Sự phản bội của Đảng Cộng sản (Pháp) và những đảng phái tập họp chung quanh họ đã không bao giờ bị một chính phủ nào ngăn cản.
Sự phản bội này được tiến hành dưới bất cứ một hình thức nào có thể được: tạo ra sự mất tinh thần trong nước, chỉ trích quân đội, kích động binh lính bất tuân lệnh, phá hoại những nhà máy sản xuất1, kho lưu trữ, các phương tiện vận chuyển vũ khí và đạn được, chuyển thông tin cho phía địch.
Vào tháng 8 năm 1952, sự phản bội đó gia tăng đến mức độ ông Pleven, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhân dịp tình cờ phát hiện một tập hồ sơ của ông Jacques Duclos2 chứa đứng một biên bản những cuộc họp bí mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản, để quyết định mở cuộc điều tra.
Vào tháng 10 năm 1952, Tư pháp quân đội kiến nghị rút bỏ quyền miễn trừ đối với những lãnh tự chính của Đảng Cộng sản.
Sau hơn một năm rưỡi của cái gọi là nghiên cứu vấn đề, với mục đích chính là kéo dài thời gian, Ủy ban đặc trách các vấn đề miễn trừ của Quốc hội đã bác bỏ kiến nghị này.
Ngày 6 tháng 11 năm 1953, Quốc hội với số phiếu là 302 chống 291, đã từ chối việc rút lại quyền miễn trừ: 200 dân biểu của những đảng phái khác nhau gọi là “quốc gia” đã cùng với các đảng viên Cộng sản1 tuyên bố việc phản bội là hợp pháp khi núp bóng một Đảng Chính trị. Tuy những dân biểu này đã ý thức rất rõ sự nghiêm trọng việc biểu quyết của họ. Một bản tường trình của Hội Cựu chiến binh Đông Dương đã được phân phát cho họ. Chính phủ quyết định không phản ứng trước vở hài kịch này, tạo nên một cú sốc sâu sắc đến tinh thần quân sĩ ở Đông Dương.
Sự việc được gọi là “các sự rò rỉ” càng chứng minh rất rõ sự bất lực của chế độ chống lại sự phản bội.
Về mặt chính thức, tính cách nghiêm trọng của vụ việc đã được làm giảm xuống nấc thang nhẹ nhất, coi đó là đường dây gián điệp bị khám phá trong lòng một cơ chế chính thức - có nghĩa chỉ là một sự việc bình thường và chỉ nghiêm trọng ở chỗ, khi một đường dây bị khám phá qua sự tình cờ vẫn còn rất nhiều đường dây khác tiếp tục hoạt động một cách bình yên. Tất cả những gì đã được phát biểu hoặc làm để chống lại quan điểm này và để phơi bày sự thật đều bị trình bày với công chúng như là “những mưu đồ chống chế độ”.
Vụ kiện kéo dài này vén lên một góc của tấm màn che đậy sự phân hóa của chế độ. Đất nước đã thoáng thấy được sự thật về việc xâm nhập của Chủ nghĩa Cộng sản trong bộ máy chính phủ, các mối quan hệ đáng ngờ ngay trong thời gian chiến tranh của những người làm công tác lãnh sự với những người rõ ràng là điệp viên của đối phương; việc buông lỏng, thói cẩu thả, tệ ba hoa ở cấp cao nhất của nhà nước; sự hoàn toàn thiếu cảnh giác trong những cơ mật hàng đầu, sự “rò rỉ” của những bí mật này cho Việt Minh thông qua những kênh khác nhau dưới sự che chở của thái độ khoan dung thậm chí đồng lõa của những người có chức vụ cao nhất. Đất nước cũng nghe được tiếng nói của người đại diện những cựu chiến binh Đông Dương tuyên bố: “Bây giờ chúng tôi biết rằng quân đội Pháp đang chiến đấu trên lãnh thổ bất cứ nào, cũng có thể bị đâm sau lưng”.
Sự thật khủng khiếp đó đã không được đưa ra ánh sáng vì người ta đã làm mọi cách để che giấu nó. Tất cả các chính phủ kế tiếp biết được sự việc đều tìm mọi cách để giảm nhẹ đến mức tối đa tính cách nghiêm trọng của sự việc và xóa nó đi. Nếu sự thực có “âm mưu chống lại chế độ” chính là ở sự bưng bít này.
Tất cả mọi phương cách đều được sử dụng: sự can thiệp của các bộ trưởng để che chở kẻ sai phạm chính, thay thế các công chức quyết tâm hoàn thành trách nhiệm của họ bằng những người sẵn sàng làm theo mệnh lệnh chính trị, gây sức ép lên Viện Công tố, các thẩm phán và nhân chứng, che giấu tài liệu, và vin vào các lý do không chính đáng để từ chối cung cấp những tài liệu khác - và cuối cùng là loại bỏ thẩm quyền xét xử của Toà án Quân sự về vụ án “rò rỉ tin tức” nghiêm trọng nhất này.
Vụ “rò rỉ tin tức” không được đưa ra xử đã làm cho ông ủy viên chính phủ tuyên bố: “Thủ phạm lớn nhất đã vuột ra khỏi tay các ông rồi”, ông Georges Bidault cũng phát biểu trong lời chứng của mình: “Điều gây sốc cho tôi là những người vắng mặt”. Vụ này đã có những tác động quan trọng và có thể nói là quyết định đối với các sự kiện. Vì vậy, tôi xin bàn đến vấn đề ở đây với một số chi tiết2.
Ngày 30 tháng 7 năm 1953, tuần báo France-Observateur đăng một bài báo ký tên Roger Stéphane có tựa là “Một cuộc chiến đáng nghi ngờ”. Trong bài báo này tác giả phơi bày về cơ bản những gì đã được phát biểu trong buổi họp sáu ngày trước đó tại Ủy ban Quốc phòng ngày 24 tháng 7, về vấn đề bảo vệ nước Lào. Bài báo viết như sau: “Tướng Navarre đã khẳng định nếu các biện pháp này (ám chỉ “kế hoạch Navarre”), được phối hợp với một chiến lược phù hợp, chúng có khả năng tạo điều kiện cho việc bảo vệ một cách hiệu quả vùng châu thổ sông Hồng và tình hình an ninh bên trong (trấn áp những cuộc xâm nhập) vào khoảng tháng 6 năm 1954. Khi một bộ trưởng lưu ý là cuộc chiến tranh không thể chỉ giới hạn ở vùng châu thổ sông Hồng và Nam Bộ, tướng Navarre khẳng định là không thể bảo vệ một cách chắc chắn những vùng khác. Ông nhìn nhận rằng không thể bảo vệ nước Lào chống lại một cuộc tiến công có khả năng xảy ra của đối phương”.
Ngay khi bài báo được đưa cho tôi xem tại Sài Gòn, vào đầu tháng 8, tôi đánh giá đây là một thông tin vô cùng quan trọng đã được cung cấp cho đối phương. Có thông tin quý giá nào với đối phương bằng việc báo chí cung cấp cho họ biết chúng ta đang lo sợ nhất về hoạt động nào của họ? Việc này giống như hướng dẫn cho một tay chơi bài biết nước kẹt của ta ở đâu, hoặc là báo cho kẻ trộm biết mã số của tủ tiền. Phản ứng đầu tiên của tôi là yêu cầu có sự điều tra pháp lý.
Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ tôi thấy làm như vậy lại là cách tốt nhất xác nhận cho Bộ Chỉ huy Việt Minh thấy tính chính xác của thông tin này. Họ đánh giá tầm quan trọng của thông tin tuỳ theo mức họ tin cậy ông Stephane trên tư cách chỉ điểm của họ. Vì không biết gì về tay nhà báo này, không biết mối quan hệ của ông ta với các nhà chính trị hàng đầu, cũng như mọi liên hệ của ông ta với những người chỉ điểm của địch ở Paris, tôi nghĩ là có thể Bộ Chỉ huy đối phương không quan tâm đến những thông tin này do đó không nên chứng tỏ cho họ thấy tầm quan trọng của nguồn thông tin trên bằng việc khởi tố tác giả bài báo.
Bài báo của tờ France-Observateur đóng vai trò như thế nào trong quyết định của Việt Minh tấn công nước Lào? Tôi không thể có được một sự giải đáp chính xác công khai cho câu hỏi này. Cái tôi có thể nói là mọi việc đã diễn tiến như thể Bộ Chỉ huy quân địch biết được các nguồn thông tin rất chính xác, và tôi tin rằng thông tin mà ông Stephane đã tiết lộ có thể được những nguồn tin khác xác nhận thêm - là một trong nhiều yếu tố, nếu không là yếu tố quyết định, để Việt Minh đưa ra quyết định của họ.
Chỉ một năm sau đó, khi vụ “rò rỉ thông tin” được lôi ra ánh sáng, một cuộc điều tra được tiến hành chống lại báo France-Observateur, vì đã có những hành vi sai trái trong nhiều vụ tiết lộ thông tin khác.
Các nhà báo bị điều tra - tác giả bài báo và tổng biên tập tờ báo - đã công khai bảo vệ lập luận là, việc họ tìm hiểu những bí mật quốc gia để thông tin và phổ biến là một việc bình thường. Quan điểm về báo chí như thế trong trường hợp liên hệ đến những bí mật quốc phòng quốc gia phải bị xem như hoạt động gián điệp và có tính chất phản bội. Nhưng, quan điểm này lại được sự đồng tình của hầu hết giới báo chí - kể cả giới báo chí được gọi là quốc gia.
Mặt khác, Chính phủ đã hành động như đã đồng ý quan điểm nói trên của giới báo chí. Chính phủ tìm cách ém vấn đề này và ngăn cản hành động của luật pháp đối với những người có trách nhiệm trong việc làm lộ bí mật quốc gia. Một sự che chở mạnh mẽ như vậy đã giúp cho tờ France-Observateur thoát khỏi vụ án “rò rỉ thông tin bí mật” và chỉ đưa các nhà báo ra trước một cuộc xét xử vô nghĩa, chẳng khác gì một cuộc xét xử “ẩu đả gây thương tích hoặc sử dụng séc không tiền bảo chúng” đúng như cách nói của ông Georges Bidault trong lời chứng trước toà.
Cho dù sự phản bội của Đảng Cộng sản Pháp diễn ra như thế nào, việc họ không bị xử phạt là hoàn toàn xuất phát từ Chính phủ Pháp. Các cơ quan an ninh và toà án đã luôn luôn tìm cách thi hành nhiệm vụ của họ. Nhưng họ đã bị các cơ quan công quyền ngăn cản.
o O o
Trên đây là sự phác họa một cách khái quát việc điều hành cuộc chiến tranh của Chính phủ. Nó có thể được đúc kết bằng một câu đơn giản: Không làm gì hết.
Không một mục đích nào được vạch ra cho cuộc chiến; không một chính sách nào được đề ra đối với những Quốc gia Liên kết và với đồng minh Hoa Kỳ; không có một sự phối hợp nào giữa những bộ có liên quan đến các vấn đề Đông Dương; tinh thần của quốc gia và quân đội đã bị bỏ trống không được bảo vệ chống lại mọi âm mưu khuynh đảo; quân đội đã không có được những thứ cần thiết, cả về khung chỉ huy, quân số, trang thiết bị; họ đã liên tục bị đâm sau lưng bởi một sự phản bội mà không có một biện pháp nào để ngăn chặn.
Trong những điều kiện như thế, việc quân đội của chúng ta chiến đấu như họ làm được đã là một niềm danh dự mãi mãi cho họ rồi.
o O o
Đến đây, tôi nghĩ đến câu hỏi đã được rất nhiều người đặt ra đến nỗi tôi không thể không trả lời ngay ở đây. Đó là tại sao đứng trước một tình thế như vậy tôi lại không xin từ chức?
Trước hết tôi xin lưu ý, một câu hỏi như vậy có thể được đặt ra bất cứ lúc nào cho tất cả các vị chỉ huy quân sự đang nắm giữ những trách nhiệm cao nhất1. Sự phân tích bộ máy quân sự của chúng ta, trên thực tế cho thấy là những người có trách nhiệm nghĩ rằng rất khó hy vọng có khả năng hoàn tất được các nhiệm vụ của họ.
Ví dụ, tôi không nghĩ rằng các vị tham mưu trưởng của chúng ta, cho dù ở Bộ Quốc phòng hay ở tại các quân chủng lục quân, hải quân hoặc không quân dám nghĩ quân chủng mà họ phụ trách hoàn toàn có khả năng đối phó với những yêu cầu do Chính phủ đặt ra, khi những yêu cầu khác nhau, mâu thuẫn với nhau, và vượt khỏi khả năng các phương tiện mà họ đang có. Tôi cũng có thể kể ra các trường hợp khác, như trường hợp của vị tư lệnh quân đội chúng ta ở Đức; tôi nghĩ là ông không có ảo tưởng về khả năng chiến đấu trên vùng sông Rhin của quân đội mình ngoài việc phải đánh vì danh dự. Hoặc người chịu trách nhiệm phòng vệ bên trong quốc nội tự đánh giá về khả năng đối phó các lực lượng nhảy dù của đối phương hay những đạo quân thứ năm.
Một cách lôgic, thì tất cả các vị tư lệnh trên đều nên xin từ chức. Tốt nhất là họ nên từ chức đồng loạt vào một ngày nào đó, vì đây là phương cách duy nhất để họ có thể giải thích một cách công khai cho cả nước biết về khả năng quốc phòng quá yếu kém của chúng ta. Nhưng trong khi chờ đợi đến ngày đó thì sẽ không có ích gì khi cá nhân một vị tư lệnh nào đó làm đơn xin từ chức. Kết quả đạt được chỉ là thay thế một vị chỉ huy có cá tính bằng một người dễ dãi hơn, mà người ta cũng sẽ không phải khó khăn để tìm ra2.
Tất cả những vị giữ chức vụ cao trong quân đội đều tìm cách hoàn thành nhiệm vụ của họ trong những điều kiện họ biết rằng rất tồi tệ, họ nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất với những phương tiện mà họ biết là không đầy đủ.
Vấn đề đối với tôi ở Đông Dương cũng không khác với những gì tôi đã trình bày. Nó chỉ khác ở chỗ là khó khăn phức tạp hơn rất nhiều. Sự thiếu trách nhiệm của Chính phủ có thể tạo ra những hậu quả tức thì cho việc thực hiện các nhiệm vụ của tôi, và cuộc giằng co trong lương tâm tôi căng thẳng hơn rất nhiều, vì truyền thống quân đội ta không cho phép từ bỏ nhiệm vụ khi đang ở trong giai đoạn chiến tranh nóng bỏng.
Có thể tôi xin từ chức được, nếu tôi nhận thấy tình hình sáng sủa hơn trước khi trận đánh quyết định bắt đầu diễn ra.
Nhưng dần dần tôi nhận thấy là những điều kiện tôi đặt ra đã không được thực hiện, những yêu cầu tôi đòi hỏi đã không được thỏa mãn, hoặc là được thỏa mãn một phần rất nhỏ. Cái tôi phải đối đầu không phải là sự từ chối yêu cầu của tôi, mà là sự lần chần muốn né tránh, sự dè dặt giữ ý, sự không trả lời hoặc là trả lời quanh co, những lời hứa không được giữ hoặc giữ một cách chậm trễ. Không phải là tôi đụng phải một bức tường, mà trước mặt là một chiếc chăn lông. Trong hoàn cảnh như thế, lúc nào tôi có thể đập bàn được?
Mặt khác - chúng ta sẽ được thấy rõ ở chương sau - tình hình chiến sự ở Đông Dương cho đến tháng 3 năm 1954 đã diễn biến và cho phép có thể hy vọng bước qua mùa hè, tức là mùa mưa không gặp một thất bại nào đáng kể. Chúng tôi sẽ có một thời gian nghỉ ngơi để tổng kết tình hình và để quyết định tôi có tiếp tục chấp nhận đảm nhiệm công tác nữa không.
Quyết định tổ chức hội nghị Genève, tôi có ám chỉ phần trên, và những hệ quả tồi tệ về quân sự của nó - tôi sẽ chứng minh ở những chương sau - đã bất ngờ làm đảo lộn mọi tính toán của tôi.
Tôi cũng có thể lấy cớ là quyết định này đã được quyết mà tôi không được biết, để xin từ chức và để rời bỏ trách nhiệm một cách chính đáng. Nhưng trước mắt là phải đối phó cuộc tổng tiến công, chúng ta sẽ rõ ở phần sau, đây là một cuộc tổng tiến công Việt Minh phát động khi thấy viễn cảnh hội nghị sắp diễn ra. Một trận đánh căng thẳng và quyết định sẽ nổ ra, không chỉ ở Điện Biên Phủ mà trên cả Đông Dương, và tôi không được phép, cho dù kết quả nó sẽ như thế nào, bỏ rơi việc chỉ huy trước khi cuộc chiến kết thúc.
Chú thích
1. Lúc trước quân đội ở Đông Dương do Bộ các thuộc địa quản lý, mà người kế tục tàn dư này chính là Bộ Quan hệ với các Quốc gia Liên kết.
2. Tình trạng mâu thuẫn và tạo mầm mống cho sự hỗn đơn đã kết thúc vào năm 1953. Bắt đầu từ ngày 1 tháng giêng năm 1954, việc điều hành các lực lượng trên bộ được trả lại cho Tổng trưởng Bộ chiến tranh. Và dĩ nhiên là sự thay đổi này tạo ra sự xáo trộn trong nhiều tháng.
3. Nghị định số 53618 ký ngày 10 tháng 7 năm 1953 quy định quyền hạn cho ông Tổng trưởng Bộ các Quốc gia Liên kết. Điều 3: “Ông Marc Jacquet trợ giúp cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong việc lãnh đạo các lực lượng quân sự bảo vệ Đông Dương và phối hợp việc thực hiện công cuộc bảo vệ này”.
1. Chỉ ông Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc cùng lắm là một Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng do chính chủ tịch chỉ định mới có khả năng điều phối hoạt động của các bộ trưởng. Một ví dụ, ông Bộ trưởng Quốc phòng không bao giờ có thể thực hiện được một quyền lực thực tế lên các tổng trưởng Chiến tranh, Không quân và Hải quân.
2. Các Ủy ban Quân sự Cao cấp tập họp trong mỗi Quốc gia Liên kết các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của quốc gia ấy cùng với những người đại diện của nước Pháp (Tổng ủy, Tổng tư lệnh quân đội, Cao ủy và Tư lệnh quân đội nơi quốc gia sở tại).
1. Khoản “tiền tiết kiệm” được thực hiện bằng cách phong tỏa một phần số tiền lương phải trả. Biện pháp thường được dùng trong việc quản lý các trại cải huấn, chưa bao giờ được áp dụng cho binh sĩ. Những người phục vụ trong binh đoàn Viễn chinh xem đây là sự xem thường những quyền lợi chính đáng, vừa là sự xúc phạm đến phẩm cách của họ.
1. Những cuộc thương thảo này đã đạt được các kết quả như ý muốn. Hoa Kỳ nhận tài trợ và duy trì toàn bộ tất cả các lực lượng Quân đội Liên hiệp. Ở phần trên, tôi có nói đến những bất lợi của việc hỗ trợ này.
2. Đây là những con số tròn.
1. Người ta gọi lực lượng “bổ sung” là tất cả những lực lượng được Chính quốc cung cấp để thay quân và bổ sung cho những sự thiệt hại.
Các lực lượng nguyên vẹn (dùng để tăng cường Binh đoàn Tác chiến): 12 tiểu đoàn bộ binh - một đội pháo binh thả dù - một tiểu đoàn công binh.
Lực lượng chi viện riêng lẻ (nhằm mục đích nâng cấp khung chỉ huy các đơn vị và bổ sung quân số cho các lực lượng chiến đấu): 750 sĩ quan - 2.550 hạ sĩ quan - 2.600 lính Bắc Phi và 800 lính châu Phi.
2. Bài toán này đã được thực hiện trên cơ sở bỏ ra ở cả hai vế của sự so sánh các lực lượng phục vụ. Về phía Chính quốc: bỏ ra các bộ tham mưu với các lực lượng đồng minh, các trường quân sự, những lực lượng đổi ca cho quân đội tại Đông Dương... Về phía quân đội tại Đông Dương: bỏ ra các trường quân sự, khung chỉ huy của các lực lượng bổ sung, những nhóm công tác bên cạnh các Quân đội Liên hiệp...
3. Ba tiểu đoàn nhảy dù, một đội cơ động Algérie và ba chiến đoàn thiết giáp.
4. 130 sĩ quan, 500 hạ sĩ quan, 400 binh lính Pháp, 700 lính Bắc Phi và 800 lính châu Phi.
5. Trung đoàn 5 khinh binh (bộ binh nhẹ) Maroc và trung đoàn 7 khinh binh Algérie.
6. Tiểu đoàn về từ Triều Tiên khi giao cho tôi được cắt làm đôi và cùng với những đơn vị tại địa phương làm thành hai tiểu đoàn. Nó rất vững chắc nhưng toàn lính quá lớn tuổi để có thể thích ứng với một cuộc chiến tranh khó khăn hơn cuộc chiến tranh Triều Tiên rất nhiều. Những đơn vị nguyên vẹn khác đến Đông Dương với một quần số hạn chế và phải được bổ sung bằng binh lính được tuyển tại địa phương.
7. Thường thì trong mỗi tiểu đoàn Bắc Phi chỉ có hai hoặc ba sĩ quan đã phục vụ trong lực lượng khinh binh trước khi đến Đông Dương.
8. Họ chỉ đến phục vụ ở Đông Dương trong thời hạn từ sáu đến tám tuần.
1. Đã có sẵn 3 phi đoàn C.47 (Dakotas) tức là 75 máy bay vận tải. Yêu cầu của tôi là tăng lên cho đủ 100 chiếc.
2. Các phương tiện của không quân và lực lượng không quân trực thuộc hải quân là 48 máy bay ném bom B26 và Privateer; 112 khu trục oanh tạc cơ Hellcat và Beercat, tức là 160 máy bay. Những yêu cầu của tôi nhằm đưa số lượng máy bay lên con số 210.
3. Đầu tiên là 50 chiếc, sau đó là 100 chiếc. Đây là những con số tối đa mà các nhà máy có thể sản xuất được cùng với con số tối đa những phi công và nhân viên bảo trì có thể huấn luyện được. Cho đến năm 1953, không có một nỗ lực nào được thực hiện trên lĩnh vực máy bay trực thăng. Khi tôi đến Đông Dương thì có 19 chiếc đang phục vụ, nhưng chỉ có 4 hay 5 chiếc là bay được. Lục quân và không quân đã đùn đẩy với nhau tại Paris một vấn đề mà họ không quan tâm đến.
4. Các lực lượng không quân thiếu hụt trầm trọng về nhân viên phi hành, các kíp thợ máy bảo trì và sửa chữa cần thiết để các máy bay hoạt động hết công suất. Ít nhất phải tăng cường thêm một phần ba quân số.
5. Cơ sở hạ tầng này hoàn toàn không được quan tâm trong quá khứ. Tất cả mọi nỗ lực đều phải dồn về phần phía đông của dãy Trường Sơn. Việc bảo vệ nước Lào từ đó trở nên vô cùng khó khăn.
6. 180 sĩ quan - 1600 hạ sĩ quan - 1450 binh sĩ và 610 nhân viên dân sự.
7. Người Mỹ từ chối không cung cấp thêm máy bay cho đến khi nào chúng ta vẫn chưa cung cấp đủ nhân sự để đưa công suất máy bay đang phục vụ lên đến mức tối đa.
8. Những thành phần của phi đoàn máy bay ném bom thứ ba này được đưa đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ đã xảy ra - trong một sự hỗn độn hoàn toàn. Tiếp theo một phi đoàn thứ tư cũng được đưa đến. Với các nhân viên phi hành đoàn đến từ Pháp và máy bay đến từ Mỹ đã được sử dụng theo cách tốt nhất trong các phi đoàn có mặt tại chỗ.
1. Đây là một vài lời tuyên bố (theo báo chí) xuất phát từ những người đều là các nhà chính trị quan trọng và tự xung là “quốc gia”.
1. Các hình thức phá hoại dưới đây cùng với một số hình thức khác được ghi nhận và báo cáo lên Chính phủ: bỏ mạt sắt vào bộ phận cầu xe ô tô, bù long vào hộp số, phá hoại bạc đạn, làm giả đồ phụ tùng thay thế, đâm thủng dù nhảy.
2. Tập hồ sơ của Duclos chứa đựng những lệnh sau đây từ các lãnh tụ Cộng sản:
- Làm thất bại cuộc chiến tranh của quân đội Pháp tại Việt Nam, tại Triều Tiên, lại Tunisie.
- Cần thiết phải có hành động của đông đảo quần chúng chống lại việc sản xuất, lưu trữ vũ khí và đạn dược.
- Hỗ trợ, giúp đỡ những ai hành động một cách có hiệu quả chống lại việc vận chuyển và sản xuất thiết bị chiến tranh.
- Làm tan rã các đoàn quân Viễn chinh Pháp tại Đông Dương.
1. Những dân biểu sau đây đã bỏ phiếu chống lại việc bỏ quyền miễn trừ đối với các đại biểu Quốc hội: 100 dân biểu Cộng sản, 105 S.F.I.O, 53 M.R.P., 13 dân biểu xã hội cấp tiến, 9 U.D.S.R., 1 độc lập, 4 R.P.F.
2. Đây là lời khai của tôi tại phiên toà xử vụ “rò rỉ thông tin”.
1. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến những vị chỉ huy quân sự, nhưng đây cũng gần như là hoàn cảnh của vị đứng đầu các cơ quan dân sự cho dù họ là Công sứ, Thống đốc, Đại sứ, hay Thị trưởng...
2. Sự thật đúng như vậy đã diễn ra vào mùa xuân và đầu mùa hè năm 1956, khi có những sự thay đổi ở Bộ Chỉ huy tối cao và ở Maroc.