Mỗi con người có 03 loại tính cách: tính cách anh ta phô bày, tính cách anh ta có, và tính cách anh ta nghĩ anh ta có.

Alphonse Karr

 
 
 
 
 
Tác giả: Franz Kafka
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phùng Văn Tửu
Biên tập: Duy Vo
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12551 / 445
Cập nhật: 2015-08-31 15:47:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 Tên Đao Phủ
ấy hôm sau, vào một buổi tối, khi K. đang đi trong dãy hành lang ngăn cách văn phòng của anh với cầu thang chính - anh là một trong những người ra về sau cùng và ở ngân hàng chỉ còn lại hai người đương thanh toán nốt một số việc được sai phái trong quầng ánh sáng tròn nho nhỏ của một ngọn đèn điện - thì nghe thấy những tiếng thở dài lại bắt đầu. Ý nghĩ đầu tiên của anh là đi tìm một người đầy tớ đề phòng trường hợp cần có người làm chứng; nhưng anh tò mò ghê gớm đến nỗi đưa tay đẩy tung cả cửa ra. Đúng như anh nghĩ, đây là buồng để xếp xó các đồ vật cồng kênh; ngưỡng cửa bừa bộn những ân phẩm không còn dùng được nữa và những bình mực cũ bằng đất nung, nhưng ở giữa buồng có ba tay đàn ông đứng hơi khom khom vì trần thấp. Một cây nến gắn ở giá soi sáng họ.
“Các người làm gì đấy?”, K. hỏi, hối hả vì xúc động, nhưng lạc cả giọng.
Một trong ba gã có lẽ là chủ của hai tên kia và K. nhìn thấy đầu tiên, mặc một bộ áo liền quần bằng da màu sẫm vai rất rộng để lộ cả hai cánh tay trần. Gã không trả lời gì cả. Nhưng hai gã kia kêu lên:
“Thưa ông! Chúng tôi phải ăn đòn vì ông than phiền chúng tôi với ngài dự thẩm”.
Lúc đó K. mới nhận ra chúng là hai gã thanh tra Franz và Willem và thấy người thứ ba tay đương cầm roi để đánh chúng thật.
- Thế nào! - K. nói, mắt nhìn chúng chằm chằm - Tôi có than phiền gì đâu, tôi chỉ đơn giản trình bày những chuyện xảy ra tại nhà tôi, ở đấy rõ ràng là các ông đã xử sự chẳng phải là không đáng chê trách vào đâu được.
- Thưa ông, - Willem nói trong lúc Franz tìm cách nấp sau lưng hắn để tránh tay thứ ba - nếu ông biết chúng tôi bị trả lương tồi tệ thế nào, ông sẽ không phán xét chúng tôi như vậy. Tôi có một gia đình phải nuôi và Franz muốn lấy vợ. Người ta xoay xỏa kiếm cách làm giàu, và đâu phải chỉ làm việc là giàu lên dù có còng lưng quần quật như một con bò. Những quần áo đẹp của ông đã cám dỗ tôi; tất nhiên, các thanh tra không có quyền được hành động như thế; tôi đã sai lầm nhưng theo truyền thống thì quần áo ấy về tay chúng tôi; xưa nay vẫn vậy, ông cứ tin lời tôi; vả chăng đó là lẽ khá đương nhiên, vì các đồ vật ấy liệu còn có thể dùng làm gì nữa đối với những người không may bị bắt? Đã đành là nếu chuyện lộ ra, thì tội phạm phải bị trừng trị.
- Tôi chẳng hiểu ông nói gì với tôi thế, hơn nữa tôi có yêu cầu người ta trừng phạt các ông đâu, đối vớl tôi đó chỉ là một vấn đề nguyên tắc. Franz, lúc đó Willem nói với bạn đồng nghiệp tớ đã bảo cậu là ông ấy không yêu cầu trừng trị chúng ta là gì? Bây giờ cậu thấy rõ ông ấy thậm chí không biết là chúng ta phải bị trừng trị nữa.
- Ông đừng mủi lòng vì các lời lẽ đó, - Gã thứ ba nói với K. - trừng trị là đúng cũng như không thể tránh khỏi.
- Đừng nghe nó. - Willem nói và chỉ ngừng lại để đưa lên miệng cái bàn tay vừa bị tên đao phủ nện cho một roi - Chúng tôi bị trừng trị chỉ vì ông tố cáo chúng tôi, nếu không đã chẳng có chuyện gì xảy ra, ngay cả nếu người ta biết việc chúng tôi làm; cả hai đứa chúng tôi, mà nhất là tôi, luôn luôn tỏ ra là những tên canh giữ tốt. Chính ông cũng sẽ thừa nhận chúng tôi đã canh giữ cẩn thận về mặt chính quyền. Chúng tôi từng hy vọng được thăng cấp và chắc chắn ngay cả chúng tôi cũng đã có thể trở thành nhân viên phạt trượng như viên thanh tra đây là người có cái may mắn chưa bao giờ bị tố cáo - vì chuyện đó thật sự rất hiếm khi xảy ra lắm - còn bây giờ, thưa ông, tất cả thế là đi đời, con đường tiến thân của chúng tôi chấm dứt, người ta sẽ chỉ dùng chúng tôi vào những công việc còn thứ yếu hơn cả việc canh giữ các bị can, đã thế chúng tôi còn bị trận đòn nên thân này nữa.
- Cái roi này đánh đau lắm ư? - K. hỏi và ngắm nhìn cái dụng cụ gã đao phủ đương vung lên.
- Là vì chúng tôi sẽ phải cởi quần áo ra. - Willem nói.
- À! Trong những điều kiện ấy...? - K. nói và anh nhìn tên đao phủ, đó là một gã đàn ông rám nắng như một thủy thủ với cái đầu dữ tợn và cương quyết. - Thế không có cách nào tránh cho họ những ngọn roi này được ư?
- Không. - Gã phạt trượng lắc đầu mỉm cười đáp.
“Cởi quần áo ra”, gã ra lệnh cho các tên thanh tra.
Và gã bảo K.:
“Không nên tin vào tất cả những lời chúng nói vì sợ roi vọt nên chúng có phần nào mụ người đi; những điều tên này kể lể về con đường tiên thân của nó - và gã trỏ Willem - là hoàn toàn lố lăng, ông xem nó béo thế này này; những ngọn roi đầu tiên sẽ lún vào lớp mỡ. Ông có biết làm cách nào mà nó trở nên béo ú lên như thế không? Chính là bằng cách ngốn bữa ăn trưa của tất cả những kẻ bị nó bắt. Thế nó không ngốn bữa trưa của ông à? Đẩy, đúng là như thế đấy! Một kẻ có cái bụng như thế kia thì không bao giờ có thể trở thành nhân viên phạt trượng được, tuyệt đối không thể được”.
- Thế mà có những viên phạt trượng giống tôi đấy. - Willem khẳng định và nới thắt lưng quần.
- Không, - Gã đao phủ nói và lướt ngọn roi lên cổ Willem một cái khiến hắn rùng mình - mày không phải hóng chuyện mà cởi quần áo ra.
- Tôi sẽ trả tiền cho ông hậu hĩ nếu ông thả họ ra. - K. vừa nói vừa rút ví mà không nhìn gã đao phủ, bỏi vì tốt nhất là nên giải quyết loại việc này với đôi mắt nhìn xuống.
- Ông lại muốn tố cáo cả tôi nữa, - Gã đao phủ nói - và để tôi cũng bị đánh đòn như mấy đứa kia, không, không.
- Ông phải biết suy nghĩ, - K. nói - nếu tôi muốn cho hai người kia bị trừng trị, thì bây giờ tôi chẳng tìm cách bỏ tiền ra cho họ được tự do làm gì; tôi chỉ việc khép cửa lại, không nghe không nhìn thấy chi nữa và quay về nhà; ông thấy rõ là tôi không xử sự như thế, tôi tha thiết giải thoát cho họ, và nếu như tôi biết là họ phải bị trừng trị thì tôi đã chẳng bao giờ nói tên họ ra, vì tôi không xem họ là những kẻ phải chịu trách nhiệm. Chịu trách nhiệm tổ chức, đó là những viên chức cao cấp.
- Đúng thế. - Hai tên thanh tra thốt lên và lập tức được nhận ngay một ngọn roi vào xương sống để trần.
- Nếu dưới ngọn roi của ông ở đây là một trong những viên qua tòa, - K. bảo gã, và vừa nói anh vừa vít cái roi mà gã đã lại giơ lên - chắc chắn tôi sẽ chẳng ngăn cản ông đánh đòn đâu, trái lại còn trả thêm tiền để ông có sức mà phục vụ chính nghĩa.
- Điều ông nói chẳng phải là kỳ cục, - Gã đao phủ bảo - nhưng tôi không để bị mua chuộc đâu. Tôi được thuê để đánh đòn và tôi cứ đánh đòn.
Tên thanh tra Franz có lẽ trông chờ vào sự can thiệp có kết quả của K., từ nãy vẫn đề phòng giữ thế, bây giờ tiến ra cửa, mặc mỗi một cái quần, quỳ xuống trước mặt K., bíu vào cánh tay K. và nói với anh:
- Nếu ông không thể cứu được hai chúng tôi, thì ít nhất xin ông cố giải thoát cho tôi vậy, Willem già hơn tôi, da anh ấy về mọi mặt đều cứng hơn, và anh ấy đã từng bị hình phạt loại này một lần rồi cách đây vài năm, còn tôi thì chưa bị lần nào và tôi chỉ hành động theo sự thúc ép của Willem, anh ấy là chủ của tôi trong điều thiện cũng như trong điều ác. Trước cửa nhà ngân hàng, cô vợ chưa cưới tội nghiệp của tôi đương chờ đợi kết quả và tôi không biết trốn tránh vào đâu bây giờ.
Hắn lau bằng vạt áo vét của K. bộ mặt đầm đìa nước mắt.
“Tao không đợi nữa”, gã đao phủ nói và dùng cả hai tay nắm lấy cái roi để quật xuống người Franz, trong khi Willem ngồi xổm ở một xó và lén lút nhìn không dám vẫy tai: vừa lúc đó nghe vút lên tiếng kêu của Franz, một mạch liền hơi và một giọng duy nhất; dường như đó không phải là tiếng kêu của một con người mà của một cỗ máy đau đớn, cả dãy hành lang đều vang lên, khắp tòa nhà đều nghe thấy.
“Đừng hét lên như thế”, K. phát khùng, thốt lên.
Và vừa bồn chồn nhìn về phía bọn đầy tớ có thể kéo đến, anh xô cho hắn một cái không mạnh, nhưng đủ làm hắn ngã lăn quay; người ta thấy hai bàn tay hắn qườ quạng tìm mặt đất; nhưng hắn không thoát khỏi tay gã đao phủ; cái roi lung hắn dưới đất, người ta thấy roi giơ lên hạ xuống nhịp nhàng trong khi hắn quằn quại đau đớn.
Một tên đầy tớ đã xuất hiện xa xa, theo sau vài bước là một tên khác. K. nhanh chóng đóng ngay cửa lại, anh đều mở một cái cửa sổ quay ra sân. Tiếng kêu đã dứt hẳn. Để ngăn không cho bọn đầy tớ lại gần, anh thét bảo chúng:
- Tôi đây mà!
- Chào ngài, thưa ngài đại diện, - Chúng đáp - có chuyện gì xảy ra thế ạ?
- Có gì đâu, - K. trả lời - chỉ là con chó nó rít ngoài sân đấy thôi.
Nhưng thấy bọn đầy tớ vẫn không nhúc nhích, anh thêm:
“Các người đương công việc gì cứ làm việc nấy”.
Và để khỏi phải trò chuyện với chúng, anh cúi ra ngoài cửa sổ.
Một lát sau, khi anh quay nhìn lại dãy hành lang, bọn chúng đã đi rồi. Song anh vẫn đứng bên cửa sổ; anh không, dám trở vào buồng xếp xó các đồ cồng kềnh nữa, và cũng không muốn về phòng riêng. Mảnh sân anh đương nhìn bé tí tẹo, vuông vắn và có các phòng giấy bao quanh; mọi cửa sổ đều đã tối om, song những khung cửa sổ cao nhất đã le lói ánh trăng, K. cố phân biệt trong xó tối những chiếc xe kéo tay, vốn xếp đống lại đấy, chiếc nọ lồng vào chiếc kia. Anh day dứt vì không ngăn cản được việc trừng trị hai tên thanh tra: nhưng có phải lỗi tại anh đâu; nếu Franz đừng thét lên - roi quất chắc là đau thật đấy, nhưng trong lúc gay cấn, cần phải biết cố mà nhịn chứ - vậy là nếu Franz đừng thét lên, rất có thể K. tìm ra cách khác để thuyết phục gã đao phủ. Nếu tất cả các nhân viên cấp dưới của cái tổ chức tư pháp kia đều là bọn vô lại, thì tại sao gã đao phủ, kẻ vô nhân đạo nhất so với tất cả, lại có thể là một ngoại lệ? K. đã nhìn thấy rõ tia chóp thèm thuồng vụt qua mắt gã khi nhìn thấy những tờ giấy bạc. Rõ ràng hắn ta đánh đòn chỉ là để được tăng thêm tiền đút lót, mà K. thì có tiếc gì đâu, vì anh chủ tâm giải thoát cho những tên thanh tra. Vì anh đã bắt đầu đấu tranh chống lại sự đồi bại của tổ chức tư pháp, thì cũng là lẽ đương nhiên nếu anh tiến hành cả trong trường hợp này.
Nhưng khi Franz đã kêu thét lên, K. không còn muốn mưu toan gì nữa, vì anh không thể đánh liều để bọn đầy tớ và có khi nhiều người khác nữa tới hàng đàn hàng lũ bắt gặp anh đương thương lượng với những gã trong buồng xếp xó các đồ cồng kềnh. Đó là một điều hy sinh mà thực ra không ai có thể đòi hỏi ở anh được. Anh mà có ý định làm thế, thì hầu như cũng chẳng khó khăn gì; anh chỉ việc tự mình cởi quần áo ra và xin chịu đòn thay cho hai tên thanh tra. Nhưng gã đao phủ chắc không đời nào chấp nhận kẻ thế mạng này, vì như thế gã cũng vi phạm nghiêm trọng bổn phận của gã mà chẳng được lợi lộc gì, và hai lần vi phạm, bởi cá nhân K. phải là thiêng liêng đối với các viên chức tư pháp trong suốt quá trình của vụ án. Trừ phi có một số quy định nào đây lường trước những ngoại lệ? Dù sao đi nữa, K. chỉ có thể khép cửa lại, tuy như thế không có nghĩa là tránh cho anh được mọi nguy hiểm. Anh chỉ ân hận đã xô ngã Franz, duy có sự xúc động của anh mới lý giải được cách cư xử ấy mà thôi.
Tiếng bước chân của bọn đầy tớ vẳng lại từ xa; để khỏi bị nhìn thấy; anh liền đóng cửa sổ lại và tiến về phía cầu thang chính. Gần cửa buồng chất đồ, anh dừng lại và lắng nghe một lát; không thấy có động tĩnh gì, gã kia có thể đã ra roi giết chết hai tên thanh tra; chẳng phải là chúng bị phó mặc hoàn toàn cho gã hay sao? K. đã vươn bàn tay về phía quả đấm cửa, nhưng lập tức rụt ngay lại. Anh không có thể cứu giúp được ai nữa; tất cả bọn đầy tớ sắp kéo đến bây giờ. Để bù lại anh quyết sẽ đem chuyện này nói ra, và trong chừng mực có thể, sẽ làm cho những tên tội phạm chính cống phải bị trừng trị, chúng là những viên chức cao cấp mà chưa tên nào dám xuất đầu lộ diện với anh. Khi bước xuống các bậc thềm nhà ngân hàng, anh chăm chú quan sát tất cả các khách qua đường, nhưng nhìn mãi tít đằng xa cũng không thấy có cô gái nào đợi ai cả. Những lời của Franz bảo rằng vợ chưa cưới của hắn đợi hắn ngoài kia, té ra chỉ là nói dối, nhưng thực ra có thể lượng thứ được, vì không nhằm mục đích nào khác là để làm tăng thêm lòng thương hại của K.
Ngày hôm sau, ký ức về những tên thanh tra cứ lởn vởn mãi trong đầu óc K. Anh làm việc mà tâm trí để tận đâu đâu, nên để có thể hoàn thành công việc, anh phải lưu lại ở văn phòng còn lâu hơn hôm trước một chút. Khi ra về, đi ngang qua trước căn buồng, anh vẫn bị ám ảnh nên mở cửa, và hốt hoảng khi nhìn thấy trong đó không phải là bóng tối như anh thấy hôm qua khi anh mở cửa ra, những ấn phẩm cũ kỹ, những lọ mực, gã đao phủ tay cầm roi, các tên thanh tra còn mặc nguyên quần áo và cây nến trên giá. Và mấy tên thanh tra lại bắt đầu rên rỉ như hôm trước:
“Ông chủ ơi! Ông chủ ơi!”.
K. đóng sập ngay cửa lại và còn nằm tay nện nện lên trên dường như cửa sẽ đóng chặt hơn. Gần như phát khóc, anh đi tới căn phòng bọn đầy tớ đương lặng lẽ quay máy sao chép: chúng ngạc nhiên dừng cả lại.
“Quét dọn phăng buồng xếp xó các đồ vật cồng kềnh ấy đi, - Anh thét bảo chúng - người ta ngụp lặn trong rác rưởi ở đây!”.
Bọn đầy tớ nói để hôm sau sẽ xin dọn dẹp; K. tán thành, vì thực ra đã quá khuya rồi, không thể bắt chúng làm ngay như anh dự định. Anh ngồi xuống một lát bên cạnh chúng để xem xét, lục lọi trong đống giấy sao chép, tưởng như thế là ra vẻ kiểm tra công việc chúng làm, rồi lại bước đi, đầu óc trống rỗng và mệt mỏi anh thừa biết rằng bọn đầy tớ sẽ chẳng dám bỏ đi cùng lúc với anh.
Vụ Án Vụ Án - Franz Kafka Vụ Án