God be thanked for books! they are the voices of the distant and the dead, and make us heirs of the spiritual life of past ages.

W.E. Channing

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Tuân
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3598 / 118
Cập nhật: 2016-03-10 08:46:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thời Và Thơ Tú Xương
ăm 1873, sĩ quan thủy quân Pháp hạ xong thành Hà Nội thì xuống đánh luôn thành Nam Định quê hương Tú Xương. Thành Nam Định ba cửa: cửa Tây, cửa Nam, cửa Đông cùng bị đánh một lúc, tướng Tây Gácnhe bắc thang leo vào thành. Cũng như Hà Nội, ngày nay Nam Định vẫn còn một đường phố chính mang tên một cửa thành của cái thành đã phá đi ấy. Hạ xong thành, việc trị an và bình định Nam Định là do Tây Hácmăng. Tên người Hácmăng cai trị đó sau thành tên dãy phố ăn ra bến Đò Quan, nhưng người Nam Định chân chính nay vẫn cứ gọi là phố Cửa Trường (để nhớ những việc thi cử có nền nếp của tỉnh Nam?) Lúc bấy giờ bộ máy đàn áp danh nghĩa chỉ có hai mươi tám Pháp thực dân văn võ, nhưng thực ra có nhiều tay sai, và đắc lực là viên cố đạo ta Paulus Trinh đứng ra lừa phỉnh dọa nạt những nhà nho ái quốc tỉnh Nam. Lúc bấy giờ nhà thơ Tú Xương còn lật sấp lật ngửa giữa cái nôi sông Vị núi Gọi mà cười cái tiếng cười ra đời mà mếu cái tiếng mếu vào đời của một em bé mới ba tuổi thơ.
Năm 15 tuổi, người học trò Trần Tế Xương đó bắt đầu mang chõng đội lều vào một khu trường thi vừa dựng lại xong, sau khi bị lính Tây đốt trụi từ năm 1882. (Tức là năm Hà Nội thất thủ lần thứ hai và trường Hà Nội mất một khóa thi năm Nhâm Ngọ. Chỗ trường thi Hà Nội nay là khu Thư viện trung ương. Thí sinh Hà Nội cũng như thí sinh Nam Định, đều phải vào thi nhờ trong Thanh Hóa đất nhà vua). Năm 1885 Trần Tế Xương đi thi hương khoa đầu tiên đó cũng là năm quan Đốc học chữ Hán sau này của tỉnh Nam Định là Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền cũng đã thi hội ở Huế, loa nhà vua ngày 23 tháng năm ta sắp xướng danh những vị tiến sĩ mới thì đại bác Pháp lại nổ vào trường thi, lại nổ vào kinh thành.
Cảnh Huế thất thủ kinh đô ngày 25-7-1885, còn ghi lại ở bài từ Ông lão sông Hương:
Cờ quạt rải rác bỏ khắp đường
Bên đường xương chất quạ bâu đặc
Sông Hương bóng xế nước ùn ùn
Mùi máu xông, người không qua được... "
(Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền của Lê Thước Vũ Đình Liên)
Năm 24 tuổi, Trần Tế Xương đã thành ông Tú Xương đỗ tú tài "Tú rốt bảng khoa Giáp Ngọ; nổi tiếng tài hoa". Ở một đống giấy lộn trong thúng một bà đồng nát bán rong sách báo Tây cũ làm giấy gói hàng ở dọc phố Lãn Ông Hà Nội, thấy có những tờ rời nói về khóa thi hương Giáp Ngọ (1894) ông Xương đỗ tú tài rằng:
Trường thi Nam Định năm 1894 đông như kiến cỏ. Năm 1891, Nam Định chỉ có 9000 sĩ tử, năm 1894 con số người đi thi lên tới 11 vạn. Từ giữa trường thi chỗ đường thập đạo trông ra, trùng trùng điệp điệp những mu rùa bằng tre, những tấm mui luyện nhà đò (ý nói những thí cụ lều chõng). Kỳ đệ nhất vào ngày 25-10-1894. Kỳ đệ nhị, ngày 15-11. Kỳ đệ tam 25-11. Và kỳ phúc hạch đệ tứ là ngày 2-12-1894. Ngày 8-12-1894 là lễ xướng danh những người đỗ. Tiếng loa ran lên, ồm ồm lanh lảnh. Tiếng í ới gọi nhau lạc đường của các thầy khóa, của tiểu đồng lão bộc quản gia nhổ lều đội chõng ra về trong đêm tối lập lòe ánh đuốc. Đám đông lên tới hai mươi nhăm ngàn người. Lễ xướng danh từ sớm cho đến chiều. Ghế bành của các quan chấm trường dự lễ tai ghế cao đến bốn thước mét. Quan Toàn quyền bận không đến, có quan cai trị Moren thay mặt dự lễ. Cứ xong mỗi tên ông tân khoa xướng lên là mất 5 phút, tính từ lúc cất tiếng loa gọi tên xoáy sang phía phải xoáy sang phía trái cho tới lúc người trúng thi thích cánh lách được lên chỗ đệ trình căn cước.
Khoa thi 1894 lấy 60 cử nhân và 200 tú tài (lệ triều đình đặt ra thường lấy theo tỷ lệ nhất cử tam tú, cứ chấm lấy một cử nhân thì lấy được ba tú tài). Xướng xong tên 60 ông cử tân khoa, thì quan sứ Moren về. Các ông tân khoa phục xuống lạy. Ở tỉnh đường quan Tổng đốc, quan Kinh lược Bắc Kỳ ban mũ, ban áo tấc xanh, ban ô, ban tráp sơn, nó là những huân hiệu cụ thể của người men chân lên cái thang hoạn lộ. Ngày yết bảng ấy được kết thúc nhốn nháo la đà ở tòa sứ Nam Định bằng một tiệc rượu nhảy đầm có mặt đủ các thứ tai họng tai mũi thực dân nứt mắt cũng như xồm xoàm (...)
Khóa Đinh Dậu sau đây khác với khóa Giáp Ngọ trước, có Toàn quyền Đume đến thật chứ không phải ai đại diện, có cả công sứ Đặc (Darles) một trong "tứ hung Bắc Kỳ". Lễ xướng danh lại có hàng loạt ca nông bắn dọa. Chả hồi ấy lại hay xì xào về ông Kỳ Đồng khởi nghĩa. Thành Nam bỗng rầm rập răm rắp các thứ mật thám áo dài áo cộc lính khố đỏ khố xanh, pháo thuyền hếch sẵn mũi súng ở bến Đò Quan. Cô đầu Hàng Thao khó mà phân biệt làng chơi ai là đi hát thật ai là người giả vờ nghe đàn để ngóng tin. Ngã sáu Mỹ Trọng rất là nhiều người lạ mặt, tốt xấu lẫn lộn.
Khóa thi Giáp Ngọ 1894 ông Tú Xương đỗ rốt bảng ấy mở vào cuối thu và đóng vào lúc sang đông đã vàng hết lá những gốc hòe bờ sông Vị Hoàng thành Nam. Đối chiếu với lịch sử Pháp chiếm đóng Bắc Kỳ và so ngày vào kỳ đệ nhất (29-10-1894) với ngày Pháp xin ký hòa ước ngừng bắn với (quan) Đề (Hoàng Hoa) Thám để mở nốt đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn, thì khoa thi Giáp Ngọ ấy được mở ra sau năm ngày ngừng nổ súng ở căn cứ du kích Yên Thế. Trước đó mấy tháng Lê Hoan được gặp Đề Thám ở Cao Thượng và định bỏ thuốc độc vào chén uống của Đề Thám; rồi đến Bá Phúc hàng Tây vào thành Phồn Xương du thuyết vờ xem chèo mà gài bom định ám hại cụ Thám. Thời kỳ ấy, giữa vườn hoa bách thú Hà Nội (nay gọi là Bách Thảo), một buổi trưa hè oi ả tiếng ve sầu, tù phạm đi cỏ vê nổi dậy cướp súng lính tập áp tải. Giữa Hà Nội năm 1894, lại có cuộc yến tiệc mừng trùm thực dân là Pavie, một tên Tây hiểm độc phá những cuộc khởi nghĩa vùng Tây Bắc trước đây và có rất nhiều quan hệ với gia đình tên phản nước Đèo Văn Long hiện nay đang âm mưu ở Lào. Chả là hồi đó Pavie nguyên tổng lãnh sự Pháp ở Xiêm về họp ở Hà Nội rồi lại sang Lào với cái danh nghĩa là chủ tịch ủy ban vạch biên giới Lào Xiêm 1894.
Chừng như thời thế phức tạp lúc ấy đã cho là gặp được nhà thơ làm chứng cho diễn biến mọi sự việc, nên núi sông chỗ này chỗ kia đều luôn luôn có chuyện. Chính năm 1894, Tú Xương đỗ tú tài là năm Pháp san bằng thành Thăng Long, gạch triệt hạ thành đem bán đấu giá cho me tây thầu khoán, Pháp phá thành Hà Nội, Pháp lấp sông Tô Lịch ở Hà Nội. Và ở Nam Định thì lấp sông Vị Hoàng. Con sông Vị Hoàng của thơ Tú Xương."Ai xui khiến vậy sông nên bãi - Bỗng chốc xoay ra phố cả làng.
Khúc sông Vị Hoàng Pháp lấp để mở tỉnh và đóng dấu Pháp vào đời hành chính tỉnh Nam, con sông ấy bị mất rồi nhưng hôm nay đây, đọc thơ ông Tú, trong tai chúng ta vẫn còn róc rách tiếng sóng nước vọng lại từ gậm cầu tre nào của một ngày xưa gần đây:
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng riêng ai gọi đò.
o O o
Ấy là thời Tú Xương. Bây giờ ta đi vào thơ Tú Xương - một thứ thơ dội lên từ cái thời ấy, như mũ nấm thác sinh từ đống gỗ ruỗng mục nọ của buổi giao thời.
Thơ Tú Xương là tiếng nói chung của dân tộc, không nặng nề về thổ ngữ âm nhưng đọng cô vào một hương vị thổ ngơi Nam Định. Tú Xương là một chứng từ về đạo học thành Nam tàn cục vào đuôi một thế kỷ và kéo cái tàn lụi ấy sang cả dần thế kỷ chúng ta. Thơ và phú Tú Xương là tập ký sự chi tiết về đời sống thành Nam, về sinh hoạt vật chất và tinh thần của một lớp nhà nho tỉnh Nam lúc Tây sang, cũng lều chõng như ai, nhưng nghĩ thấy nó chả ra làm sao cả:
(...)Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì.
(...)Dại chốn văn chương ấy dại khôn
(...)Nói dơi nói chuột khối người khen
(...)Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng.
Rồi Tú Xương than cho đạo học con tự không coi mù tịt mất, sách chữ Hán rồi sẽ thay thế bằng chữ Tây, chữ nghĩa chính truyền không ai xem nữa, mà mọi người đều xử thế theo cái lối Dẫu không bia đá còn bia miệng - Vứt bút lông đi giắt bút chì.
Đã thế mà ngày xuân họ lại còn rủ nhau chè chén ngâm vịnh: Ý hẳn thịt xôi lèn chặt dạ - Cho nên con tự mới thò ra.
Tú Xương lại càng than cho đạo học Sĩ khí rụt rè gà phải cáo - Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi. Than rồi lại kêu Chúc cho khắp hết cả trên đời - Sao được cho ra cái giống người. Tiếng thở dài, mang nỗi lo xa phảng phất tí giọng sấm ký Sông bể khơi nguồn mãi cũng vênh, quả đất chảy ra rồi hỏng mất.
Con người thơ Tú Xương muốn đứng đắn mà đời sống lại thành ra lưu đãng hão huyền. Con nhà nho khái muốn thanh bần với đạo thánh hiền mà cuộc sống đặt cho nhiều mối lụy. Cái tâm hồn thèm chan hòa ấy lại sa vào cô đơn, con người khái ấy lại sống nhờ vào tình bạn, lần hồi đắp đổi vào sự nhớ thương:
(...) Há rằng thiếu níp không bồ
Tri âm đã vắng Bồng Hồ cũng thôi
(...) Bạn đàn chưa dễ tìm nhau
Bạn nghiên bạn bút có đâu được nhiều
(...)Tương tư chẳng lọ là trai gái
Một ngọn đèn khuya trống điểm thùng.
Con người tú tài "nổi tiếng tài hoa", "phong nguyệt tình hoài" chơi ngông ấy, hiên ngang ấy đâm ra phá bĩnh.
... Non nước thề bồi thôi xúy xóa
Quỷ thần nào chứng ở hai vai
Lại xoay ra ba rọi với người ta:
...Ba mươi mấy độ chôn chồng
Còn toan trang điểm má hồng chôn ai.
Tú Xương xóa những lời thề ước với phụ nữ này phụ nữ khác, nhưng lại đi "thề với người ăn mày":
...Cha thằng nào có tiếc không cho
Ông chửi nặng, rồi ông chửi mát, mắng yêu:
... Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không
Ông đâm ra ác khẩu. Ác khẩu trong cách đối chữ đối câu cái tôn nghiêm đem đọ với những cái không tiện hô đúng tên thật, ông lỡm sự sống, ông cho lộn tùng phèo cả đi. Nghĩ về người quan văn người quan võ thời nhí nhố ấy, ông đem cái võng (võng điều võng thắm) ra mà đối với cái khố dây (khố đỏ, khố xanh). Tường thuật việc trường thi chữ Nho có Tây đến ra bài, ông đem cái lọng quan sứ mà đối với váy mụ đầm, đem cái đít vịt bà đầm ra đối với cái đầu rồng một ông cử dốt đang lạy tạ mũ áo vua ban.
Tú Xương tâm Phật, nhưng miệng xà, ông "thây mẹ thây cha" trong vần điệu của ông, ông hành lạc một cách sục sặc, ông nhiếc, ông văng tục, ông nói lái trong thơ, ông văng cái nọ cái kia, con này con khác trong câu đối viết lên giấy hồng điều.
Hay khen hèn chê, mặc miệng thế
Giàu tậu khó bán, cười bòi ông
Ông Tú văng ra đủ các thứ, ông Tú văng vào cái lề lối khuôn phép, lúc nhố nhăng đó. Đó cũng là một cách phá công thức của một con người không chịu được nữa, của một nhà thơ thừa lễ độ chăng?
Nhưng cuối cùng, ở Tú Xương, sau những chửi bới om sòm đó thì còn lại cái gì? Thưa rằng là còn lại cái gì đáng còn lại của Tú Xương mà ta vẫn đáng giữ lấy. Nghĩa là những lời kiêu bạc kia, những cái cười phá phách kia, những câu gây sự to tiếng chửi mắng kia cũng là sự chẳng được đừng của Tú Xương. Tình hình và thực chất thơ Tú Xương là bay nhẹ ở trên tất những cái đó kia.
Đánh giá thơ Tú Xương, thấy công lao Tú Xương góp vào văn học ta không phải là ít. Đừng quên rằng cái hồi đó chữ Tàu chữ Tây mới là tiếng nói con bà cả, chứ tiếng ta chỉ là một thứ con bà hai nếu không là con sen con đòi. Tôi chưa dám khẳng định xem ở Tú Xương, con người yêu nước đã cho Tú Xương cái ý thức nuôi dưỡng tiếng nói dân tộc, hay là ngược lại, con người sành Nôm yêu tiếng mẹ đẻ ấy đã hình thành cho tâm hồn ái quốc đó. Chỉ biết rằng trong Tú Xương có cả yêu nước có cả yêu tiếng nói dân tộc.
Tú Xương là một nhà thơ có một vị trí rõ nét trong sự biết ơn của chúng ta, nhất là những người cầm bút kể cả thơ kể cả văn xuôi. Tú Xương là một kho kinh nghiệm sáng tác cho ta học. Nó còn là một cái phần hương hỏa trong gia tài tiếng nói Việt Nam. Hương hỏa Tú Xương bên văn giữ hay bên thơ giữ? Tôi cho đó là của chung của cả văn của cả thơ. Và nói như Béctôn Bờrét "cái đó thuộc về kẻ nào làm cho nó khá hơn lên được". Thơ Tú Xương còn tác dụng lâu dài, và cũng như Yên Đổ đã điếu Tú Xương:
Kìa ai chín suối XƯƠNG không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn.
Có lúc tôi đã thấy giật mình cho Tú Xương, khi tôi giả tỉ thơ Tú Xương không có cái khía trữ tình cái hơi lãng mạn của nó, mà lại chỉ rặt những: "cống hỉ, mét xì, thôi thôi lạy mợ xanh căng lậy...". Thú thật, tôi thấy chối tai đấy. Ở ai thế nào thì tôi không hay, nhưng ở tôi, khi mà Tú Xương cứ hiện thực chỉ có như vậy thôi, cái gốc hiện thực ấy mà không có cái ngọn trữ tình, cái tán lãng mạn ấy, thì Tú Xương cũng tắt gió trong tôi từ lâu rồi, và đã bay ra khỏi tôi lúc nào không biết chừng.
Cho nên ai muốn nói gì đến Tú Xương thì cứ nói, tôi đều coi trọng (cũng như chúng ta đều tôn trọng cái quyền dân chủ tự do nói nghĩ của mọi người) nhưng tôi vẫn cho rằng thơ Tú Xương đi bằng cả hai chân hiện thực và trữ tình, mà cái chân hiện thực ở người Tú Xương chỉ là một cẳng chân trái. Tú Xương lấy cái chân phải trữ tình mà khiến cái chân trái tả thực. Chủ đạo cho đà thơ là ở chân phải và Tú Xương - đã băng được mình thơ tới chúng ta bằng nước bước lãng mạn trữ tình.
Tôi có đọc thơ Đức Béctôn Bờrét, tôi cảm thấy như có thể láy một chút gì thi pháp Bờrét ra mà cắt nghĩa thi pháp Tú Xương mặc dù hai người ở trường đời và trường thơ khác nhau. Tôi dẫn ra đây một bài thơ Bờrét. Bờrét mượn lời và thắc mắc của một công nhân đọc lịch sử rồi nghĩ về cái đám "anh hùng" phong kiến tư sản toàn là vua này chủ kia mà tịt mù không thấy bóng dáng mảy may quần chúng nhân dân nào cả:
...Mỗi trang là một chiến thắng
Nhưng ai đã nấu nướng phục vụ cho tiệc vui?
Cứ mươi năm lại một vĩ nhân
Quỹ nào đài thọ?
...Xây xong Vạn Lý Trường Thành
Rồi hiệp thợ nề đi về đâu...
Cũng như Tú Xương, một cách không phải là ngẫu nhiên, Bờrét bạo tay đưa vào thơ mình những chữ những ảnh thông tục có khi trắng trợn, đưa nhiều vào thơ những chi tiết nôm tạp của sự sống nó đã tệ rồi ngay ở cõi văn xuôi chứ đừng nói chi đến trong cõi thơ. Nhưng mà chốc lát (cái chốc lát ấy là có tính toán cả đấy) chốc lát Bờrét mới cho bổng lên một ảnh thơ nó vô hạn bâng khuâng tưởng như không còn ai vạch được ra bến bờ cho nỗi day dứt đó. Như Bờrét vừa mượn cái trí não người thợ mà đưa vào pho sử khập khiễng kia một chiều hoàng hôn làm nhòe hết mặt mày vĩ nhân phong kiến đã chìm hết hào quang giả tạo.
Lại trở lại thi pháp Tú Xương phối hợp cả hiện thực cả trữ tình, lấy cái hơi trữ tình mà làm sống động lên những sự vật thường dụng và sự việc dung tục. Như trong bài Đi hát mất ô:
Đêm qua anh đến chơi đây
Giày giôn anh dạn, ô tây anh cầm
Rạng ngày sang trông canh năm
Anh dậy em hãy còn nằm trơ trơ
Hỏi ô, ô mất bao giờ
Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa
Chỉn e rày gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình.
Ở tám câu lục bát này thì 42 tiếng trắc bằng của sáu câu đầu tôi gạt sang cho phần hiện thực, với những tiếng choang choang lên chất tả thực: giày giôn - ô tây - nằm trơ trơ - hỏi ô mất - ậm ờ không thưa. Sáu câu đầu, nói rành rọt về một chuyện mất ô, mất ở đâu mất trong trường hợp nào, và có thể đoán được người ăn cắp và thấy hiển hiện nỗi ấp úng lúng túng của kẻ gian đó. Câu chuyện kể lại bằng thơ ít lời nhưng đủ sự việc tình tiết không kém gì lời văn xuôi, có thể làm thỏa mãn được một ông quan tòa dự thẩm, và có thể làm mẫu cho một cách giảng văn ở một lớp văn nào. Có thể ngừng ở đó. Nếu làm văn xuôi (làm một cách xuôi xuôi), được phép ách lại đó.
Nhưng đây là làm thơ, chưa ngừng được, chưa thấy gì là mùi thơ tiếng thơ, chưa thấy ló ra thi sĩ. Cho nên phải đi bước nữa, nếu thật sự muốn làm thơ. Chỉ thêm có hai câu nữa mà cứu được đoạn văn xuôi xuôi dễ dàng đó, và chuyển tất cả sang phạm vi thơ. Chuyển thể tài, chuyển đề tài và chuyển cả chủ đề. Bài thơ nổi gió lên từ hai câu cuối cùng. Từ một chuyện ăn cắp đồ vật, đáng lý chỉ gây nổi một chút tiếc của, Tú Xương trang trọng nâng nó lên thành một nỗi niềm hồi hộp xót thương của những cặp tình nhân muôn thuở, - vẫn trên cái cơ sở thực tế đề hạ ấy mà nâng lên, chứ không vu đàm khoát luận gì cả...
Bên cái tục tằn, Tú Xương lồng vào một nét thanh, Tú Xương lấy một cái trong trắng mà gạn lọc cái vẩn đục và hút nó lên theo với thơ mình. Định nghĩa về chất thơ cho thật chính xác và toàn thập, tôi thấy nó cũng khó như định nghĩa cho chất uy mua (humour), nhưng cái cách xúc cảm và mở gỡ cho nhân sự thế tình như Tú Xương vừa cho ta thấy trong việc lạc ô lầu hát đó, tôi ngờ rằng đấy cũng là một cách đóng góp chí tình vào việc định nghĩa thế nào là thơ và nhà thơ.
Theo tôi nghĩ, thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đống tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp. Thơ là mở ra được một cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như là bị phong kín. Bài Sông Lấp dưới đây càng rõ cái điệu mở ra mở vào đó:
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ giồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Tôi không được tường về năm sinh tháng đẻ chính xác của bốn câu lục bát này, nhưng theo ý riêng tôi thì đây là ngữ ảnh của những thanh điệu chín nhất tròn nhất viên mãn nhất ở tiếng thơ Tú Xương.
Nếu chúng ta cũng thỏa thuận rằng nói chung trong thơ Tú Xương có cả hiện thực có cả trữ tình, thì trong riêng bài Sông Lấp này lại càng rõ cả hai cái phần thể phách hiện thực và linh hồn trữ tình ấy. Hai câu đầu không có gì là "mở cửa sổ thấy núi" cả, bình thường thế thôi, các bạn làm thơ bình thường và tôi làm văn nhật trình tường thuật đưa tin thực tế, mọi người chúng ta đều làm được cả. Nhưng đó mới chỉ là đếm việc kể việc, như cái kiểu đi thực tế mà chưa biết nâng thực tế lên, còn nô lệ thực tế mà chưa có tí gì là sự hóa sinh do tâm hồn mình thổi vào. Nếu con sông Lấp Vị Hoàng mà chỉ có hai câu ấy thôi, thì con sông Tây lấp đi kia có thể coi là tuyệt tự rồi, và tên tuổi nhà thơ của nó cũng có thể phần nào lấp theo đi với con sông cạn. Nước con sông thời thế Vị Hoàng bất chấp mọi sự ráo kiệt cạn lấp, đến ngày nay vẫn còn chảy tới thế hệ chúng ta hợp lưu được với lòng chúng ta, chính là do cái nguồn mạch trữ tình của hai câu sau đẩy nó đi xa lắm, và mạch nước ngầm ấy còn chảy xa lắm. Tôi nghĩ đến một tương lai Việt Nam sông cái sông con suối chị suối em trên khắp Tổ quốc ta sẽ hết cả đò ngang mà chỉ còn có toàn cầu sắt, cầu bê tông, hoặc cùng giả lắm là phà máy. Cho là mười kế hoạch năm năm nữa thì căn bản có thể tuyên bố là hết đò ngang chứ gì!
Và lúc ấy đò ngang không là hình ảnh của vận tải quốc doanh mà chỉ là những vốn dân tộc giữ lại cho những cặp tình nhân nhàn tản trên mặt sông hồ sau những đợt dài lao động xã hội chủ nghĩa. Tôi cho rằng tới ngày đó và sau sau đó nữa trong lòng những người Việt Nam của năm 2000, của năm hai nghìn lẻ mấy trăm chi đó, vẫn vang hưởng cái giếng Tú Xương gọi đò trên sông Lấp.
Những thế hệ sau này thật là không thể nào hình dung được đầy đủ cái thảm kịch gọi đò đêm sông vắng, cái thảm kịch đợi nước gọi đò (hiểu theo cả nghĩa đen kinh tế lạc hậu, hiểu theo cả nghĩa bóng chính trị của những người yêu nước trước đây nói bóng gió về thời cục bằng hình ảnh thơ). Nhưng tôi tin rằng những thế hệ đó được nâng cao vật chất và tinh thần, được học nhiều hiểu rộng gấp mấy mươi chúng ta bây giờ, họ có một quan niệm rộng rãi hơn về xử sự xử thế của những con người sống trước họ, họ ái ngại nhiều hơn là lên án những người trước đây chỉ mới yêu nước trong phạm vi yêu tiếng nói dân tộc mà chưa chuyển được sang những hành động trực diện. Cái học lực của họ sẽ tạo cho họ nhiều độ lượng nhân ái hơn, tình cảm phong phú và thuần khiết hơn, và họ có thể còn cảm thông thâm thúy và quán triệt sâu sắc hơn nữa với hiện tại gần đây của lớp chúng ta. Thực ra cái lớp chúng ta đây cũng là một lớp người chưa thoát đò ngang, cũng là vừa sang xong một vài chuyến, có những chuyến thuận chèo trót lọt, bến đông rộn lên như hội mùa, nhưng cũng có chuyến gian nan tay lái không dẻo thì cũng dễ đắm con đò có lúc đã chiềng hẳn đi.
Cái tiếng gọi đò u hoài trong thơ Sông Lấp Tú Xương còn là cái tiếng gọi đàn của cả một đoạn sử ta cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, đất nước quê hương lộp cộp móng lừa tây, vó ngựa lai, giày đinh sắng đá, và đì đoành ca nông chấm câu cho những vần thơ yêu nước. ông Tú sinh lúc Tây hạ tỉnh phá tỉnh đóng tỉnh và năm 1907 ông Tú tịch đi là năm đất nước không gọi là yên tí nào được. Và đặc điểm của Nam Định hồi đó là một địa phương sớm có nhiều thanh niên vượt biển ra ngoài mà cầu học cách mạng. Thơ Sông Lấp đượm cái màu và cái mùi thời gian của nó. Bài thơ Sông Lấp là một cái hồi quang trung thực cả thời đại khó khăn và đau khổ đó. Phẩm chất nó rất hiện thực, nhưng phong cách nó lại tượng trưng và tác động của nó lại trữ tình. Dẫn thơ Tú Xương, có thể lược đi bài kia bài khác, nhưng không ai dám quên, nỡ quên bài sông Lấp. Bởi vì Sông Lấp là tiêu biểu cho hơi thơ, giọng thơ Tú Xương, đồng thời tiêu biểu cho cái thời Tú Xương.
Nếu chúng ta cũng liệt Tú Xương vào loại đỉnh thơ Nôm, thì Sông Lấp chính là một cái bóng cây hiên ngang trên sườn non đó vậy. Dẫn thơ Tú Xương mà vô tình hoặc cố ý đánh rớt bài Sông Lấp, tức là bước lên lầu tháp, mở cửa tầng này tầng kia mà quên đi mất cái chuông trên vọng lâu vậy. Tỉnh Nam Định chân phác của Tú Xương đã khác hết cả Nam Định nay thi đua sản xuất với nhà máy tận thủ đô Bình Nhưỡng Triều Tiên. Nam Định kết nghĩa anh em với thành phố Mỹ Tho quê hương của tiếng hát vọng cổ hoài lang Nam Bộ. Nam Định công nghiệp đang dệt lụa khổ rộng dệt nhiễu hoa óng ả nuột nà, Nam Định đang là một cái thành phố giàu có đóng góp nhiều cho kho tàng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cũng như Nam Định trước đây đã đóng góp cho kho tiếng nói Việt Nam một nhân tài Tú Xương của mình. Thành phố Nam Định mỗi ngày mỗi nâng cao mức đời sống rồi sẽ cần đến việc dựng những tượng đồng bia đá để cho đời sống tỉnh mình đầy đủ hơn nữa nhuần đượm hơn nữa. Đến một lúc nào của trình độ văn hóa được nâng cao mãi lên và trình độ kinh tế lại cho phép, tôi nghĩ rằng những người thợ dệt Nam Định sẽ đòi cho thành phố kỹ nghệ mình được có một pho tượng của nhà thơ Tú Xương tỉnh mình.
Giả thử tôi được làm nhà điêu khắc thì tôi muốn góp vào vườn hoa sông Lấp Vị Hoàng Nam Định một ngôi tượng dong dỏng một dáng người áo chùng khăn chít thơ thẩn bên dòng nước mà chờ một chuyến đò thời đại. Dưới chân tượng trước bệ tượng, phẳng tắp con sông thời gian.
Con sông tuổi phù sa hoa niên của Tú Xương đã cạn đi từ lúc sinh bình nhà thơ. Nhưng hôm nay tạc tượng Tú Xương, Tổ quốc là một cảnh nhộn nhịp "sông núi có chủ nhân", những người thợ dệt Nam Định đã khơi nguồn lại cho sông thơ nọ, để người thơ Tú Xương yên giấc bên sông mà không còn phải giật mình thức giấc để nhớ thương cho bất cứ tiếng gọi đò đêm nào. Lúc còn sống để làm thơ, ông Tú là một cây sầu đông ngoài tươi mà trong rầu héo, những lời trào lộng kiêu bạc chỉ là những hiện tượng da thịt bên ngoài phủ lên một tủy cốt chung tình. Cho nên pho tượng Tú Xương của tôi có cái dáng điệu thung dung tự tại của một người bộ hành sang ngang tin rằng sông bao giờ cũng có đò, tin rằng bến lạnh có mịt mù đến đâu đêm tối có đen ác đến mấy, thì cuộc sống tổ chức của Cái Thiện lúc nào cũng vẫn sẵn một bóng người du kích đưa mình vượt qua bờ. Mà nó đúng là pho tượng của một nhà thơ tự tin rằng khi mình đã cất nổi một tiếng gọi bên sông văn thì vẫn có tiếng đồng điệu vọng trả lời sang.
Văn nghệ, tháng 5-1961
Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học - Nguyễn Tuân Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học