Số lần đọc/download: 1493 / 24
Cập nhật: 2015-07-27 08:23:44 +0700
Tử Tù Và Án Oan - Kỳ 5: vô Tội, Sau Bốn Án Tử
N
gày 24-4-2005, người dân huyện Hắc Sơn, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) xôn xao khi phát hiện một vụ án mạng khủng khiếp. Cô Triệu Lâm Lâm, 21 tuổi, bị cưỡng hiếp và chết thảm tại nhà.
Từ Đông Chấn (phải) trở về nhà sau bốn lần bị tuyên án tử - Ảnh: Tân Lãng báo
Tôn Học Song, người tử tù được báo giới giải cứu - Ảnh: Sina Weibo
Theo Tân Hoa xã, đầu năm 2005 Bộ Công an Trung Quốc chỉ đạo ngành công an phá các vụ án mạng “bằng mọi giá”. Trước áp lực đó, lực lượng công an Trung Quốc đã làm tất cả để đảm bảo thực hiện kế hoạch phá án đề ra. Ví dụ, chỉ tính riêng tại Hắc Sơn, một huyện nhỏ ở tỉnh Hà Bắc, tỉ lệ phá án trong năm 2005 đạt 100%. Thành tích phá án nhanh trở thành cơ hội thăng quan tiến chức trong ngành công an.
Vấn đề là do cảnh sát thi đua lập thành tích phá án nhanh, không ít người dân vô tội bị đẩy vào con đường lao lý. Điển hình nhất là trường hợp của Tôn Học Song.
Theo cáo trạng, nhân lúc cha cô Triệu đang đánh mạt chược ở nhà hàng xóm, anh nông dân Tôn Học Song, 37 tuổi, đột nhập vào nhà giở trò đồi bại và sát hại cô gái bằng bồ cào. Sự thật thì sao?
Khánh kiệt vì kêu oan
Theo báo Ðô Thị Nam Phương, sau khi vụ án xảy ra, do không tìm được chứng cứ, cảnh sát đã treo thưởng 1.000 nhân dân tệ (NDT - khoảng 163 USD) cho người nào tìm thấy hung khí gây án. Vài ngày sau, anh Tôn Học Song nhờ người gọi điện thoại đến cảnh sát thông báo việc tìm thấy hung khí.
Chính cú điện thoại này đã biến Tôn trở thành nghi phạm số một trong vụ án giết người. Phía cơ quan điều tra phỏng đoán rằng Tôn giao hung khí vì nổi lòng tham trước số tiền 1.000 NDT. Các chứng cứ đưa ra đều không có mối quan hệ trực tiếp với Tôn Học Song.
Thậm chí có chứng cứ còn mâu thuẫn với vụ án. Chiếc khuy áo còn sót lại tại hiện trường cho thấy chiếc áo hung thủ mặc lúc sát hại cô Triệu Lâm Lâm có màu xanh, mà các nhân chứng xác nhận Tôn mặc chiếc áo màu xám vào thời điểm cô Triệu bị sát hại.
Ngoài ra viện kiểm sát còn dùng lời khai một phạm nhân cùng phòng giam để buộc tội Tôn. Phạm nhân này cho biết Tôn từng thú nhận mình khó lòng ra khỏi tù và nhờ anh này chuyển lời rằng vợ Tôn hãy về sống cùng em trai Tôn. Trên thực tế Tôn Học Song không có em trai.
Nhiều bằng chứng cho thấy công an cố tình che giấu các chứng cứ có lợi cho Tôn. Cơ quan điều tra từng tuyên bố sẽ cho xét nghiệm ADN, nhưng cuối cùng lại không công bố kết quả xét nghiệm.
Ngoài ra, cảnh sát phát hiện dấu giày tại hiện trường có cỡ số 42. Tôn Học Song chỉ mang giày số 39. Chứng cứ đáng tin cậy nhất trong vụ án chính là lời khai nhận tội của Tôn Học Song. Nhưng tại tòa, Tôn đã phản cung và cho biết anh nhận tội vì bị công an dùng nhục hình bức cung.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Tôn mang theo móng chân của mình làm bằng chứng cơ quan điều tra đã bức cung buộc anh nhận tội. Tôn cho biết anh bị đánh đến sứt móng chân. Dù vậy, tòa vẫn bác bỏ cáo buộc của Tôn và giảm hình phạt xuống còn tù chung thân. Mắt đẫm lệ, Tôn vứt “bằng chứng” tại tòa.
Hai tháng sau khi bị bắt, tòa tuyên Tôn án tử hình và bồi thường cho gia đình Triệu Bảo 60.000 NDT (khoảng 9.750 USD).
Ðể chạy vạy khắp nơi kêu oan cho Tôn Học Song, cả đại gia đình họ Tôn trở nên khánh kiệt. Cô con gái đang học lớp 8 của Tôn cũng phải bỏ học để cùng mẹ kiếm tiền thuê luật sư cho cha. Gia đình Tôn còn đi khắp các tòa soạn báo ở Trung Quốc với mong muốn có thể rửa oan cho người thân của mình.
Và rồi các bài báo đã xuất bản, tạo ra dư luận mạnh mẽ buộc tòa án phải xem xét lại phán quyết đối với Tôn. Mãi cho đến ngày 24-9-2009, tòa mới tuyên bố vụ án còn nhiều mâu thuẫn và nghi vấn, không đủ chứng cứ buộc tội Tôn Học Song. Ngày 16-10, Tôn được trả lại tự do sau gần bốn năm rưỡi ngồi tù.
Bốn lần nhận án tử
Chẳng phải chờ đến năm 2005 các vụ án oan mới xảy ra ở Trung Quốc. Ngày 10-6-1998, người dân làng Hoắc Trang (thuộc thành phố Hình Ðài, tỉnh Hà Bắc) phát hiện thi thể một phụ nữ vùi dưới đám lúa mì, ngực loang đầy vết máu, phía trái cổ hằn sâu hai vết cắt.
Báo Tin Tức Trung Quốc cho biết nạn nhân họ Sa đã kết hôn. Cơ quan pháp y kết luận án mạng xảy ra vào lúc 9g tối 9-6. Hung thủ đã làm nạn nhân hôn mê trước khi dùng vật nhọn cứa cổ cô.
Cảnh sát nghi ngờ cô Sa đã quan hệ tình dục trước khi chết do bộ phận sinh dục nạn nhân còn sót lại một mẩu giấy vệ sinh có chứa tinh dịch. Hai ngày sau khi xảy ra án mạng, Từ Ðông Chấn, 25 tuổi, cùng chồng nạn nhân và hai thanh niên khác được triệu về phòng cảnh sát để lấy mẫu máu.
Khuya 16-9, cảnh sát ập đến nhà còng tay và giải Từ Ðông Chấn về đồn. Ban đầu Từ kêu oan, nhưng sau hai ngày hai đêm bị thẩm vấn Từ thừa nhận đã có quan hệ ngoài luồng với cô hàng xóm.
Thêm bốn ngày thẩm vấn, Từ đồng ý ký vào biên bản nhận tội giết cô Sa. Từ thừa nhận đã hẹn gặp cô Sa tại ruộng lúa mì vì sợ cô này để lộ việc ngoại tình của hai người. Sau khi quan hệ, Từ bóp cổ cô hàng xóm rồi về nhà lấy lưỡi hái cắt cổ nạn nhân. Từ khai dùng lúa mì phủ lên người nạn nhân rồi sau đó trở về nhà.
Theo tiết lộ của tạp chí Pháp Chế Và Xã Hội, Từ bị cảnh sát bắt giữ do anh có nhóm máu A, nhiều khả năng phù hợp với mảnh giấy vệ sinh còn sót lại trên cơ quan sinh dục người bị hại.
Tuy nhiên, giám định ADN trên vật chứng cho ra một kết luận hết sức mơ hồ. Ðó là không loại trừ khả năng tinh dịch còn sót lại trên mảnh giấy vệ sinh là của Từ Ðông Chấn. Khi vụ án được chuyển cho viện kiểm sát, Từ Ðông Chấn cho biết anh bị bức cung và đề nghị giám định lại ADN.
“Họ bắt tôi sửa lại nhiều lần các chi tiết phạm tội. Chỉ riêng hung khí, tôi đã khai đi khai lại nhưng vẫn không khớp với những gì họ yêu cầu. Ban đầu tôi nói là dùng dao thái rau cắt cổ nạn nhân, họ không đồng ý, tôi lại phải nói là dùng dao gọt trái cây, cứ như vậy cho đến khi tôi nói hung khí là lưỡi hái, họ mới không ép tôi phải khai nữa” - Từ nhớ lại.
Trong suốt một năm, phía công an và viện kiểm sát đùn đẩy nhau hồ sơ vụ án. Gia đình anh Từ liên tục yêu cầu giám định lại ADN. Rồi viện kiểm sát tuyên bố mảnh giấy vệ sinh có tinh dịch đã mất, không thể làm giám định ADN.
Mặc dù còn nhiều tình tiết chưa rõ ràng, viện kiểm sát vẫn quyết định truy tố Từ. Tháng 12-1999, tòa tuyên án Từ tử hình và bồi thường gia đình bị hại 5.000 NDT (hơn 800 USD). Trong suốt tám năm kháng án Từ bốn lần bị tuyên án tử.
Xuất hiện trên truyền thông, luật sư Từ Nghiêm Bình chỉ trích viện kiểm sát không có bất cứ bằng chứng vững chắc nào khép Từ Ðông Chấn tội giết người. Cảnh sát không thu được bất cứ bằng chứng nào tại hiện trường (dấu chân, dấu vân tay). Chiếc lưỡi liềm thu được ở nhà Từ cũng không hề có vết máu của người bị hại. Thậm chí kết quả giám định ADN cũng hết sức mơ hồ. Lời khai của Từ và các bằng chứng thu thập được có nhiều mâu thuẫn. Viện kiểm sát cũng không giám định lại ADN. Căn cứ duy nhất để kết tội Từ Ðông Chấn chính là biên bản nhận tội.
Ngày 14-12-2005, sau tám năm và tám phiên xét xử, Tòa án tỉnh Hà Bắc tuyên bố Từ Ðông Chấn vô tội và được trả tự do. Ngày trở về quê, hàng trăm người dân thôn Hoắc Trang đổ ra đường chúc mừng Từ. Nhiều người không kìm được nước mắt khi nhìn thấy cậu thanh niên khỏe mạnh ngày nào giờ đầu lấm tấm bạc, hình hài tiều tụy.