People sacrifice the present for the future. But life is available only in the present. That is why we should walk in such a way that every step can bring us to the here and the now.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 913 / 2
Cập nhật: 2015-07-17 11:06:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
m đau khổ nhìn con số 5 đỏ chói cạnh bài ám đọc và hàng chữ “Gắng học bài thuộc hơn”. Đúng là nét chữ thân quen của cô giáo Hòa nhưng nó làm em muốn khóc quá! Đâu có bao giờ em bị ít điểm như thế. Và cũng chưa khi nào cô phê em một câu “nhục nhã” như thế. Em buồn bã nói với thằng Mai:
- Mai kỳ quá! Sao lại trả bài không thuộc? Tôi đã dạy Mai đọc kỹ rồi mà!
Mai nhún vai nói:
- Ơ… tôi đâu có quen trả bài. Với lại, bài gì mà khó quá, tôi quên mất.
- Nếu Mai quên, thì Mai phải bắt chước tôi, nói “Thưa cô cho con về chỗ để con học lại”, thì đâu có bị 5 điểm.
Thằng Mai gắt gỏng:
- Nhưng tôi đâu có biết chữ mà học lại. Được 5 điểm còn kêu rêu.
Em ngạc nhiên:
- Mai… không biết chữ?
- Đã bảo rằng lúc Trí thức thì tôi ngủ trong lớp đó, tôi đâu có thích học mà bảo tôi phải biết chữ.
Em tròn xoe đôi mắt nhìn thằng Mai. Nó không có vẻ gì áy náy vì con số 5 trong vở cả, mà em thì đau khổ lắm. Em hỏi:
- Rồi… giờ toán, Mai làm sao viết?
Thằng Mai cười:
- Viết? Viết? Tôi đâu thèm viết. Tôi vẽ.
- Mai vẽ cái gì?
- Vẽ bà giáo. Bà giáo già của Trí đó.
Em tức giận:
- Mai dám… kêu cô giáo như vậy đó hả?
Thằng Mai hếch mặt lên:
- Ừ, chứ bộ phải gọi là “cô” sao? Tưởng gì chứ bà ta già khú, năm mươi, sáu mươi tuổi rồi mà “cô” gì?
- Tôi gọi “cô” vì cô là cô giáo, hiểu chưa?
- Cô giáo của Trí, chứ cô giáo của tôi à? Tôi vẽ bà ta bới tóc ngược trên đầu.
- Không đâu! Cô Hòa bới tóc đẹp lắm!
- Có giắt cây bút vàng, và bị treo cổ. Ha ha!!!
Em hoảng hốt suý‎t rú lên. Em ngồi bật dậy, nhìn đăm đăm vào người thằng Mai. Trời ơi! Nó ác quá! Em run run hỏi:
- Rồi… rồi cô có biết không?
- Biết chứ lị. Thế mới thích.
- Ôi chao!
Cô Hòa sẽ thất vọng đến đâu! Em bàng hoàng ngơ ngẩn nhìn thằng Mai:
- Mai hại tôi rồi!
- Cái gì mà hại? Chuyện cỏn con mà Trí quý‎nh lên vậy?
Em ghét thằng Mai quá! Em không muốn nói chuyện với nó. Nó làm em thất vọng, làm cô Hòa buồn khổ. Trời ơi! Em nghĩ đến cô Hòa bị thằng Mai chọc giận. Cô yếu đuối và hiền dịu, làm sao cô trị nó? Em hối hận vì đã để thằng Mai đi học thay em.
Giờ phút trôi qua nặng nề. Em muốn thằng Mai biến mất nhưng nó vẫn thản nhiên chơi cờ trên giường em. Nó chu môi huýt sáo. Em khó chịu nói:
- Nè Mai! Ít ra Mai cũng phải giống tôi một tí chứ!
- Chứ tôi không giống hệt Trí đây à?
- Mai giống tôi về hình vóc, mà tính tình thì…
Thằng Mai cười thích chí:
- Đúng rồi! Tính tình thì không giống nhau tí nào. Trí đã hiểu rồi đó! Trí muốn tôi giải nghĩa ra hơn nữa không? Hay là Trí cứ nghĩ rằng tính tôi và tính Trí như nước với lửa, trái ngược hẳn nhau đi!
Em ngơ ngác nhìn thằng Mai, lẩm bẩm:
- Tôi không tin.
- Không tin gì?
- Tôi không tin rằng Mai trái ngược với tôi. Tôi với Mai là một. Tôi cũng không muốn tin là Mai đã chơi ác với cô giáo.
Thằng Mai cười giòn:
- Tức quá! Tôi không đem tờ giấy vẽ về cho Trí coi. Bà Hòa đã lấy mất tiêu. Lần sau tôi sẽ có bằng cớ cho Trí tin.
Em kêu lên:
- Thôi, Mai ơi! Tôi van Mai chớ có đi học nữa.
- Hôm qua chính Trí nhờ tôi đi học.
Em nói khổ sở:
- Nhưng hôm nay khác rồi. Tôi năn nỉ Mai, ở nhà đi!
- Trí lẩm cẩm quá, đánh cờ đi!
Em gục đầu không đáp. Bàn cờ được thằng Mai sắp xếp lại. Em nghĩ có lẽ nên chiều nó đi, rồi trong khi chơi cờ em sẽ dỗ thằng Mai ở nhà.
Mỗi khi nể lời thằng Mai, ngồi đánh cờ, em vẫn thường nghĩ “Ta sẽ không bao giờ ghiền, không bao giờ ghiền”. Thế nhưng lần này em thấy bàn cờ có một sức hấp dẫn lạ lùng. Em lén nhìn thằng Mai. Từ tia mắt của nó như có một cái gì, vừa như tinh ranh, vừa như muốn thôi miên em. Bỗng dưng em đâm sợ. Hay là em đã ghiền? Không, một đứa học trò không bao giờ ghiền cờ bạc hay bất cứ trò chơi nào. Mỗi dịp tết má vẫn nhắc chừng em đừng chơi “bầu cua”, hay “cờ cá ngựa” nhiều, vì nó dễ sinh ra ghiền – tức là ham mê quá đó! Má nói luôn luôn phải. Em cũng chẳng thấy ham thích gì ở những môn chơi đó. Nhưng tại sao bây giờ em lại cảm thấy khó bỏ? Tại vì thằng Mai chăng? Nếu đúng là nó với em “như nước với lửa” thì em cần phải xa lánh nó, không thể bắt chước nó.
Thấy em uể oải, thằng Mai hỏi:
- Sao yếu xìu vậy?
- Tôi nhức đầu quá, nghỉ đi!
- Đói bụng rồi sao?
Em có cớ để gật đầu:
- Ừ, vừa mệt, vừa đói bụng.
Thằng Mai nhếch mép cười:
- Thèm ăn gì?
Em vừa đưa tay dẹp bàn cờ vừa nói:
- Xem cái chân tôi nè! Tôi chỉ được ăn cháo thịt heo không thôi nó lở ra, chậm lành.
- Tội nghiệp! Tôi thì vừa mới ăn một tô phở gà ngon tuyệt, trên đường về nhà.
Em ngạc nhiên nhìn thằng Mai, toan hỏi nó một câu, thì nghe có tiếng xe ba ngừng trước sân. Thằng Mai lùi vào góc tủ, rồi biến mất. Em vội vã giấu bàn cờ xuống dưới nệm, sợ ba má thấy được thì nguy.
Em nghe tiếng ba huý‎t sáo nho nhỏ trong phòng khách, nhưng chợt có tiếng má nói run run:
- Anh… hồi sáng anh có lấy tiền đi không?
Giọng ba ngạc nhiên:
- Không!?
- Chứ sao em lấy tiền đi chợ, thấy mất đâu hết ba nghìn.
- Xem lại đâu đó…
- Em đã tính đi tính lại, nếu anh không đem theo tức là mất.
- Lạ nhỉ!
- Nhà mình đâu có ai. Em khóa cửa lại chạy vội ra chợ rồi về. Bé Trí nằm trong phòng, nó cũng đâu có thấy gì. Không lẽ ăn trộm vào lấy có ba nghìn. Thiếu gì những thứ quý hơn để ở ngoài.
Ba nói gì em không nghe rõ và cả hai người hình như đang đi dần xuống bếp. Em khẽ gọi:
- Mai! Mai!
Nhưng không thấy nó xuất hiện. Em thấy mồ hôi tự nhiên đổ giọt trên trán.
Qua Giấc Mù Sương Qua Giấc Mù Sương - Nguyễn Thị Mỹ Thanh