Số lần đọc/download: 2067 / 61
Cập nhật: 2015-10-21 20:49:31 +0700
Hòa Bình Không Sớm Hơn
Khung cảnh là mênh mông rừng già Tây Nguyên. Thời gian là những năm đầu 70 với chập chững từng bước chuẩn bị Việt Nam hoá cuộc chiến. Cũng là giai đoạn các toán Thám Sát Biệt Cách Dù phát hiện con đường mòn Hồ chí Minh rộng như một xa lộ, chuyển vận ngày đêm chạy xuyên suốt tới vùng Tam Biên: đã như một mũi dao đâm thẳng vào cuống họng vùng địa đầu chiến lược Cao Nguyên này.
i##3[Tân Cảnh _ Kontum 1971]
o O o
Bảy ngày rồi, chứ phải ít đâu. Sáu đêm cả Đại đội thất lạc trong hoang vu của rừng già, cạn lương thực, thiếu nước mà vẫn không sao tìm ra được một hố bom hay con suối. Chỉ có những vũng sương ướt đọng trên các tấm ponchos qua đêm giúp chúng tôi khỏi chết khát. Đâu phải là không quen với chiến tranh của rừng rú, thứ trận địa mà chúng tôi đã dạn dày và lớn lên. Nhưng rõ ràng là hiện giờ chúng tôi đang bị lạc hướng. Mà nguyên do bởi tại nhóm phi hành đoàn Mỹ không nhiều can đảm và thiếu kinh nghiệm đã trút cả Đại đội chúng tôi xuống lầm bãi, cách xa tọa độ dự kiến nhiều cây số. Cũng không trách được vì bọn họ còn quá trẻ, lần đầu tiên làm quen với một cuộc hành quân vô quy ước được mệnh danh là Diều Hâu Thám Sát.
Ở những lúc, cả thể xác và tinh thần suy xụp, tôi thường có những điều để tự khuyến dụ mình. Phải giữ tinh thần tấn công
– to maintain your offensive spirit. Như là điều đã nhập tâm kể từ ngày tôi chọn Trường Võ Bị Đà Lạt và tình nguyện gia nhập binh chủng Mũ Xanh. Rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu không muốn thất trận (chữ này không có trong tự điển Võ Bị chúng tôi) – thì lúc nào cũng phải ở vị thế tấn công. Vẫn những chữ sắc cạnh ấy như hằn in trong óc.
Ngay từ đầu, lệnh hành quân rất rõ ràng là thả một Đại đội Thám Sát vào rừng lúc hoàng hôn không xa mục tiêu quá 2 cây số. Hổ Xám là tôi – cái tên cúng cơm bọn nó đặt cho tôi khi mới về toán Thám Sát có lẽ vì nhiều đặc điểm: không phải chỉ có tính gan lì trong trận mạc, mà tôi có nước da bánh mật đen như như người Thượng và tài đi rừng nhanh thoăn thoắt không thua gì họ. Tôi sẽ hướng dẫn Đại đội di chuyển ngay trong đêm, tiến sát gần mục tiêu – mà chúng tôi được biết trước là một trạm giao liên rất quan trọng của Sư Đoàn Sao Vàng – mai phục nằm chờ và đúng giờ G, toàn Đại Đội sẽ xung phong thanh toán căn cứ địch trước chạng vạng sáng. Trang bị tối tân với hỏa lực cực mạnh nhưng gọn nhẹ, kế hoạch hành quân táo bạo, ước tính thành công là dựa trên sự bất ngờ và chớp nhoáng. Cũng vẫn theo kế hoạch hành quân, trong mọi tình huống bằng mọi giá, chúng tôi phải được bốc ra khỏi vùng địch sau 48 tiếng. Vậy mà bước sang ngày thứ ba, cũng vẫn chưa tới được mục tiêu, lại thêm có dấu hiệu bị địch bám sát và theo dõi. Không giống với đơn vị tác chiến khác, vùng hoạt động của chúng tôi nằm ngoài tầm yểm trợ của pháo binh. Và lúc này tôi biết rất rõ cái giá thiệt hại sẽ phải trả là thế nào ở một chiến trường trong lòng địch mà chỉ có chúng tôi là mục tiêu lộ diện.
Rừng già hai lớp, tầng trên với rất nhiều cây cao không dưới ba mươi thước, từng dưới là cả một rừng mây giăng mắc chằng chịt. Trong khi chúng tôi vẫn phải cố tránh xa những đường mòn, vén từng bụi rậm len lách chui rúc mà đi. Ở xa trông chúng tôi không khác một đàn kiến. Thật ngại ngùng khi phải vượt qua trảng, là một cánh đồng tranh đầy bọ vắt, thật khó mà đánh lạc hướng địch cho dù đã cố ngụy tạo những dấu vết. Bảy ngày chỉ có rừng xanh và mùi lá úa ẩm mục, không có một bóng dáng của thú dữ, cho dù trước đây thời Pháp vốn nổi tiếng là vùng săn bắn. Thú dữ nếu không bị chết vì chất Da Cam, thì súng đạn cũng đã khiến chúng phải bỏ đi. Ở hoàn cảnh này mới thật thấm thía câu nói của một nhà văn nào đó rằng thời đại này con người không còn sợ hãi thú dữ nhưng lại rất sợ chính ngay đồng loại của mình – với chúng tôi bây giờ là đồng loại người Việt. Chỉ một tiếng chim lạ hót lảnh trong đêm, hay vài âm thanh xao xác trên nền lá cũng đủ khiến cho những người lính hồi hộp thao thức...
Khi còn ở toán Thám Sát tôi không thể nào quên được kinh nghiệm đó trong một cuộc hành quân ở thung lũng Ashao. Nhiệm vụ của Toán lúc đó thật rõ ràng: lùng kiếm địch, theo dõi dấu vết để khám phá các kho tàng và nếu có thể thì bắt sống tù binh Bắc Việt để về khai thác. Không phải lần đầu tiên lãnh nhiệm vụ đó; tôi đã trải qua một thời gian dài được huấn luyện và đã có kinh nghiệm quen thuộc với loại hoạt động như vậy. Trái với điều tôi nghĩ trước đây rằng can đảm chỉ là một thói quen; nhưng ngược lại càng vào rừng nhiều lần thì thói quen vẫn không đủ giúp chúng tôi bớt sợ hãi. Thành thật với chính mình thì tôi phải thú nhận là có sợ hãi, cho dù lúc nào đối với những người lính họ chỉ thấy ở tôi cái hình ảnh xông xáo lầm lì của một thứ hổ xám; có đứa còn dị đoan tin là tôi có cả bùa phép. Cũng không cần phải đính chính nếu điều đó đem lại sự an tâm hơn ở những người lính. Riêng tôi thì tự hiểu rằng cái hành vi dũng cảm kia đôi khi chỉ là một cố gắng đàn áp, một phản ứng tự ái của cấp chỉ huy phải có...
Khi đó tôi đang dẫn toán tới khúc quẹo của một con đường mòn và cũng là vị trí toán nằm phục kích. Tôi thật chưa có chuẩn bị tâm trạng để chạm địch ngay lúc đó, dù đang ở những bước lùng kiếm. Thật bất ngờ trong khoảnh khắc tôi chạm mặt hắn trong tầm cận chiến không đầy ba thước. Cả hai đều có vũ khí trên tay, không phải súng M16 mà là AK và AK và dĩ nhiên đều lên đạn. Nhưng thật kỳ lạ và cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao khi ánh mắt vừa giao nhau, cả hai đều khựng lại bất động; sợ đến nghẹn thở khiến tôi và cả hắn nữa, cả hai cùng quay lưng cắm cổ bỏ chạy, với tâm trạng mừng rỡ thoát nạn một cách thật phi lý. Ánh mắt kẻ thù trước mặt và cả trong tôi, giữa hai con người đã có gì chứa đựng đến phải gây sợ hãi nhau khiến trí tuệ bị tê liệt. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết nữa. Chắc chắn tôi không phải là người thiếu can đảm, quá khứ đủ bảo đảm hiện tại; ngay từ những người lính đến chính cấp chỉ huy cũng luôn luôn đánh giá tôi như vậy.
Mặt trời càng lên cao, đoàn quân di chuyển chậm hẳn lại. Không cần đợi lệnh đã có đứa nằm quỵ xuống, miệng há và thở dốc. Tôi hiểu rằng đám lính của tôi đã thật sự kiệt quệ, không còn chút khả năng chiến đấu. Tôi gọi máy về Bộ Chỉ Huy là bằng mọi giá phải cho triệt xuất Đại Đội ra hôm nay. Bổn phận của tôi bây giờ là tìm bãi. Địa hình chập chùng những đồi núi này đâu dễ tìm ra một bãi đáp thẳng mà không phải dùng đến thang dây. Với một phi hành đoàn trực thăng Mỹ thiếu kinh nghiệm, muốn được triệt xuất chỉ có cách làm theo ý tụi nó. Lại có tiếng nài nỉ của viên Cố vấn xin được tạm dừng nghỉ chân. Hắn to như hộ pháp, là một Trung sĩ xuất thân gốc Mũ Xanh, đây là lần thứ ba hắn tình nguyện trở lại Việt Nam. Tôi đã từng biết hắn trong thời gian còn là một trưởng trại lẫy lừng ở gần Ngã Ba Biên Giới. Xuất thân từ Fort Bragg, nhiều năm dạn dày chiến trường Tây Nguyên, chắc chắn hắn không phải là gà chết. Vậy mà lúc này trông hắn thật thảm hại: mặt đỏ gay, môi khô se, miệng há thở dốc. Đâu phải chỉ có hắn là mỏi mệt, cả tôi và đám lính tráng cũng cần được nghỉ ngơi. Nhưng không thể được. Không thể nào dừng quân lúc này cho tới khi tìm được một bãi đáp. Phải tiếp tục đi mới hy vọng tránh tổn thất, mới giữ được tinh thần đám lính tráng đang rất xuống. Trong quyết định đó cũng có một chút gì nhẫn tâm và với một chút mai mỉa tôi bảo nếu cần sẽ cho tụi lính khiêng cáng hắn. Bị chạm tự ái, hắn lại đứng dậy phì phò với những bước nặng nề đi tới. Rồi lại nhìn sang đám lính tráng đang tơi tả, tôi không tránh được nụ cười gằn. Cái sự thể mà các Đại Đội phải liên tiếp vào rừng lúc này một phần cũng bởi do áp lực của tụi nó. Viên Đại Tá Cố vấn trưởng với cặp mắt như cú vọ luôn luôn thúc đẩy chúng tôi phải xử dụng tối đa những đại đội tham chiến. Hắn bảo theo quan điểm cá nhân hắn mà cũng là quan điểm của MACV – Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Mỹ, thì người Mỹ không thể quan niệm nổi mức độ tổn thấp ở một đơn vị được mệnh danh là xung kích và thám sát. Một cách để hiểu ý họ là đơn vị chúng tôi phải biểu tỏ tinh thần chiến đấu bằng những con số tổn thất nhân mạng lớn ở những cuộc hành quân liên tiếp sắp tới. Nếu không, thì MACV chẳng còn lý do gì để phải tiếp tục tài trợ cho sự tồn tại của một đơn vị tổng trừ bị với nhiều tốn kém đến như thế. Điều này thể hiện khá rõ ràng quan niệm mà ông Nixon mệnh danh là Việt Nam hóa cuộc chiến – the so-called Vietnamization. Và báo chí Mỹ đã mỉa gọi đó là một nỗ lực thay đổi màu da trên xác chết. Đến lúc này tôi mới hiểu cái thế lưỡng nan của ông Trung Tá. Ông là cấp chỉ huy khá tư cách với cuộc sống đạm bạc. Dĩ nhiên là ông phải có trách nhiệm và cả tự ái để không bao giờ lính của ông phải chết chóc ngoài ý niệm điều quân của mình. Nhưng ông cũng tự hiểu rằng một sự trái ý bướng bỉnh nào đó với viên Cố vấn sẽ xô đẩy đơn vị ông tới những khó khăn vô số. Từ bản chất một con người rất trầm tĩnh trong mọi hoàn cảnh gian khó phải đối phó, nhưng ở lần này ông đã không giữ được sự bình tĩnh nổi nóng đập bàn đuổi viên Đại Tá Cố vấn ra khỏi hầm chỉ huy hành quân trước sự hoạnh họe rất cao ngạo và trịch thượng của hắn. Hắn đã áp đảo và thành công nhiều lần qua trung gian của ông Tướng Vùng. Một ông Tướng với nhiều nhem nhuốc chỉ muốn được thỏa hiệp cho yên thân bất kể điều gì sẽ xảy ra cho các đơn vị thuộc cấp. Tự ái của tôi cũng được phần nào ve vãn với một cấp chỉ huy đủ cứng cỏi như như ông Trung Tá. Nhưng rồi sao nữa? Ngoài cái tự ái nhất thời, còn lại những vấn đề thực tế mà chúng tôi phải đối phó. Làm sao chúng tôi có thể có tiếng nói mạnh được khi mỗi người lính từ A tới Z phải lệ thuộc vào người Mỹ. Rồi cũng phải tự hỏi tại sao những thế hệ tiền nhân không có ngoại viện, ông cha chúng ta vẫn tạo được một quân đội hùng mạnh để chống ngoại xâm. Khi chọn Võ Bị, tôi tin tưởng ở sứ mạng của một quân đội trưởng thành trong vai trò bảo vệ độc lập và xây dựng đất nước. Nhà trường chỉ có khả năng biến chúng tôi thành những chuyên viên quân sự nhưng lại thiếu sửa soạn để chúng tôi có thể đối phó với một hoàn cảnh chính trị phức tạp như hiện giờ. Từ một quan niệm hết sức đơn giản, phục vụ tổ quốc bằng cái chủ nghĩa kỳ cùng, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, tôi đã không thể quan niệm có chính trị trong tập thể quân đội và dứt khoát không muốn dính dáng đến nó. Nhưng dần dà, với dạn dày những chung đụng, tôi thấm thía hiểu rằng không phải chỉ có cầm súng, nhưng chúng tôi còn đang bị xô đẩy vào những hoàn cảnh lắt léo của một thứ chính trị vây bủa. Đã tới lúc người lính phải xác định cái vị trí hoàn cảnh của mình và tự hỏi tại sao lại đang phải chịu rất nhiều hy sinh và tiếp tục cầm súng chiến đấu.
Lại có tiếng gọi trong máy. Tiểu đội Tiền sát báo tin có đụng địch nhưng chưa rõ quân số. Tôi tự hỏi đơn vị sẽ làm ăn được gì với những tên lính kiệt sức và bết bát như hôm nay. Nhưng tiếng súng đã làm thức dậy bản năng tự vệ, khiến đám binh lính trở lại năng động. Và khi điều động được Đại Đội tới nơi thì chẳng phải bắn thêm một phát súng nào. Chỉ có những hầm gạo và kho lương phải nhanh chóng được tiêu hủy. Kiểm điểm lại thì chỉ có một tên lính Bắc Việt bị thương ở loạt đạn giao tranh đầu tiên với toán Thám Sát. Đây là chiến công nhỏ duy nhất của Đại Đội ở kỳ hành quân này – mà lại do mấy tên lính phá phách và nghiện hút đang bị đầy ải lập thành tích. Đúng ra khi bắt sống được tù binh địch tụi nó đương nhiên mỗi đứa sẽ được 30 ngày phép, chưa kể món tiền thưởng và huy chương. Nhưng điều mà tụi nó chỉ xin tôi lúc này là ở kỳ về hậu cứ, tha giam chúng nó trong những thùng sắt Conex nóng như thiêu, với lời hứa xin chừa phá phách. Tôi chỉ mỉm cười, không hứa hẹn điều gì, trong lòng thì đầy mến thương cái bản tính hồn nhiên và rất can đảm của tụi nó. “Ai mà tin được miệng lưỡi tụi bay...” Hơn một lần tụi nó lấy cả danh dự ra để xin cai nhưng rồi vẫn chứng nào tật đó. Riêng trường hợp thằng Lâm Chút, đã có lần cho trực thăng thả xuống giữa Căn Cứ Hoả Lực vùng kiểm soát của Việt cộng, chỉ với 10 trái lựu đạn và lương khô; vậy mà năm ngày sau đã thấy nó lù lù trở về căn cứ mặt cười nhăn. Không nói ra, là cấp chỉ huy tôi cũng phải thầm phục nó.
Khi tôi gặp người tù binh thì hắn vẫn còn tỉnh táo khiến tôi phỏng đoán rằng vết thương rất nhẹ. Đạn tuy xuyên mông nhưng chắc không trúng động mạch lớn. Thượng sĩ Tụng y tá mau chóng băng bó cầm máu cho nó. Lệnh Bộ Chỉ Huy là phải ưu tiên đưa tù binh ra bãi triệt xuất. Gã tù binh còn rất trẻ, tuy ốm xanh xao nhưng khuôn mặt lanh lợi và ánh mắt thì say đắm. Hắn gợi cho tôi hình ảnh đứa em trai tử trận cũng trên vùng thảo nguyên này cách đây không bao lâu. Lòng tôi như sôi lên một tình cảm rất khó diễn tả: vừa giận dữ vừa xen lẫn thương cảm. Nhưng rồi cái khuôn mặt trẻ thơ ấy đã khiến lòng tôi nguôi ngay lại. Không biểu lộ nhiều sợ hãi, hắn có ngay thái độ hợp tác. Kinh nghiệm đối với những tù binh chính quy Bắc Việt đều như vậy. Út Hiền sĩ quan ban Hai tới khai thác làm việc ngay với nó. Rất vắn tắt, hắn gốc người Thanh Hóa, xâm nhập vào Nam được 4 năm, tham dự nhiều trận đánh. Hiện đơn vị hắn đang hành quân dưới đồng bằng từ ba hôm. Hắn bị bỏ lại hậu cứ vì đang lên cơn sốt rét ác tính cùng với toán hậu cần. Toán này cũng vừa vội vã rút đi vì không muốn đụng với thứ dữ là đám Biệt Kích. Tôi cố dằn nỗi xúc động mạnh mẽ về cái chi tiết địa danh ấy, hắn là kẻ đồng hương với tôi. Đã có một sợi dây liên đới vô hình ràng buộc tôi xích gần lại với hắn. Không phải chỉ vì nhu cầu nguồn tin tức cần khai thác, mà thật giản dị tôi tự thấy có bổn phận phải cứu sống nó. Ánh mắt nó nhìn tôi tin cậy. Không còn vẻ sợ hãi, nó nói chuyện hỏi han huyên thuyên như một đứa trẻ. Tôi giao cho y tá Tụng theo dõi chăm sóc hắn. Tôi rất quan tâm khi thấy máu đỏ vẫn thấm qua làn vải băng. Tôi hỏi Tụng, hắn nói _ Mạch vẫn đập tốt, thưa Trung úy. Gã tù binh được chích thêm thuốc trợ tim và cầm máu, và cả truyền thêm nước biển khi huyết áp hơi xuống thấp. Không có gì phải e ngại cho tới khi chúng tôi tìm ra bãi khả dĩ để triệt xuất.
Có chiến công đám lính tráng quên hết mệt nhọc, đứa nào cũng có vẻ phấn chấn. Bộ Chỉ Huy ở nhà nhất là Ban Hai trên Quân Đoàn có vẻ nôn nóng về nhu cầu tin tức. Trên chiếc trực thăng CNC, cùng với ông Trung Tá, ông Bác sĩ yêu cầu chính tôi cho biết tình trạng vết thương của người tù binh, để nếu cần thì cho di tản hắn trước bằng thang dây với loại trực thăng có máy kéo. Tôi thì vẫn thành thật tin tưởng rằng hắn sẽ không sao cho tới khi cùng Đại Đội về đến căn cứ. Vả lại trong thâm tâm tôi muốn được có mặt, tham dự trong cách đối xử mà tôi nghĩ sẽ khác hơn riêng đối với hắn. Tính phương giác trên bản đồ, tôi cho lệnh Đại Đội tiếp tục đi theo hướng nam – một khoảng không xa lắm để có một bãi triệt xuất tốt. Nhưng ngay lúc đó tên tù binh đã can gián tôi rằng theo hướng nam có thể đụng với đơn vị hành quân từ đồng bằng trở về. Tôi rất tự tin ở trực giác bén nhạy của mình. Chỉ qua thoáng nhìn trong ánh mắt hắn, tôi nghe theo lời khuyên của hắn không do dự và cho lệnh đại đội di chuyển về hướng đông bắc. Mặc dù sẽ vất vả hơn với một địa hình nhiều trắc trở và phải vượt qua những con dốc. Phải mất gần một Trung đội luân phiên nhau cáng võng hắn. Do những chuyển động va chạm khi leo dốc tôi thấy hắn cố kìm hãm nét chịu đựng đau đớn. Máu tuy vẫn thấm băng nhưng mạch vẫn nhảy tốt. Rồi cũng phải hơn hai giờ đồng hồ sau chúng tôi mới tìm được bãi đáp khả dĩ. Tôi huy động đám lính tráng mau chóng dọn dẹp bãi. Bọn phi hành đoàn Mỹ cho dù có nhát tới đâu cũng không có lý do gì để mà từ chối đáp xuống bãi. Vả lại họ biết rất rõ là vẫn còn một người Mỹ cùng đi với chúng tôi. Để bảo đảm phương tiện không vận cho toàn đơn vị, tôi định rằng viên Cố vấn sẽ cùng với tôi là những người cuối cùng được bốc ra khỏi bãi.
Tên tù binh được đặt nằm dài trên lớp cỏ mịn. Hắn xanh xao cố mỉm cười khi nhìn tôi bước tới. Tôi muốn có phút chuyện vãn và làm một cử chỉ chăm sóc hắn. Có tiếng reo mừng của đám lính tráng khi nghe đoàn trực thăng từ xa tới. Ngay lúc đó không hiểu sao bỗng dưng tên tù binh ngồi bật dậy và hốt hoảng kêu la. Có một cái gì đó khiến hắn trừng mắt ngạc nhiên và đầy vẻ sợ hãi. Như không thấy, hắn chỉ kịp quơ tay về phía trước níu lấy tôi kêu thất thanh một tiếng “Anh” rồi ngã rũ xuống và chết tốt. Tôi bàng hoàng kêu ngay y tá Tụng và ngay cả chính tôi cũng đã làm mọi điều để cấp cứu hồi sinh hắn nhưng vô hiệu. Tôi vẫn nghĩ rằng vết thương đó không đủ làm hắn chết mau như thế. Tụng y tá thì tìm cách giải thích là tên tù binh đã chết vì bị “kích xúc”. Thêm một danh từ chuyên môn cũng chẳng giải thích được gì thêm về cái chết bất ngờ và vô lý đó. Tôi để ý là khi nghe tiếng vỗ cánh của đoàn trực thăng xà trên bãi thì vẻ mặt hắn biến sắc và để lộ một vẻ sợ hãi khủng khiếp. Hình như đó là một thứ phản xạ điều kiện của tột cùng sợ hãi của một người suốt bốn năm sống trong rừng sâu mà nỗi ám ảnh đe dọa thường xuyên là các toán Biệt Kích với chiến dịch Diều Hâu trực thăng vận. Trong khi cũng thứ âm thanh của những cánh quạt gió ấy thì đang khiến đám lính tráng đói khát của tôi nhảy tưng lên như điên vì mừng rỡ sung sướng. Đoàn trực thăng chỉ có bốn chiếc. Phần còn lại của phi đoàn bất ngờ bị điều động xuống tăng viện cho mặt trận ở đồng bằng. Ít ra phải cần mười hai phi vụ trực thăng để triệt xuất hết toàn Đại Đội.
Thời tiết đã lại có dấu hiệu xấu, tin ở nhà cho biết có thể mưa bão to vào buổi chiều. Theo thông lệ tôi và bộ phận chỉ huy bao giờ cũng xuống bãi đầu tiên và rời bãi ở chuyến bay sau cùng. Tôi giao việc sắp xếp cho thiếu úy Lực viên sĩ quan phụ tá. Ngồi bệt xuống đất bên xác hắn, người tôi nặng trĩu mỏi mệt. Tôi đưa tay vuốt mắt hắn, mi mắt còn ấm nóng khép lại dễ dàng. Một cử chỉ mà tôi đã không thể làm cho thằng em khi nó bị tử trận ở Pleime, xác gói Poncho đưa về những năm ngày sau đã thối rình nhưng vẫn được mẹ tôi ôm trầm lấy mà khóc. Chợt nhìn xuống hai bàn tay người tù binh trầy rách vấy máu vì những bụi gai mây cào xước, tôi không thể không cảm thấy nỗi sót sa mà nghĩ rằng cái đau bây giờ vẫn còn thấm sâu mãi vào trong tấm thân thể mất dần hơi ấm ấy_ Thôi ngủ đi! Tôi nhủ thầm dịu dàng và chưa bao giờ lại thấy gần gũi thân thuộc với cái chết đến như thế. Chẳng còn thứ nhãn hiệu nào để mà gắn lên cái xác chết trẻ trung ấy. Dù là hắn hay thằng em tôi, thì cũng chỉ còn thấy đó là xác một người Việt Nam đã chết rồi. Liệu có cách nào để gia đình hắn biết được tin hắn chết. Tôi đã từng nghe nói đến Đài Mẹ Việt Nam do người Mỹ thiết lập, với những buổi phát thanh ra Bắc rất hiệu quả bằng cách cho đọc những bức thư bắt được từ các cán binh Sinh Bắc Tử Nam. Nhưng tôi lại trạnh nghĩ hay cứ để cho bà mẹ già và đàn em hắn lúc nào cũng còn nuôi những hy vọng mong ngóng. Bức thư hắn viết dở dang buổi sáng nay chắc không bao giờ được gửi về. Trong đó hắn nhắc tới bà mẹ già, tới đứa em nhỏ, tới huyện Vĩnh Lộc làng Bồng Trung bên giòng sông Mã bên lở bên bồi. Và nó nhắc tới phần mộ người cha nằm phía trên cánh đồng chiêm dưới chân ngọn núi Đa Bút. Hắn đã chớp nhoáng gợi lại cho tôi một quê hương mà cả hai cùng thất lạc. Cổ họng như đau thắt, tâm hồn tê mỏi nhưng tôi chẳng thể nào có được một giọt nước mắt để khóc. Trong thâm tâm tôi rất muốn được khóc.
Lệnh nhà cho biết phải bỏ lại xác người tù binh mới chết tại bãi. Ông Trung Tá vốn dị đoan, cả với xác chiến hữu cũng không được ông cho phép đưa về Bộ Chỉ Huy hành quân. Cái giai thoại trước cuộc hành quân ông thường phải tự dọn mình, tránh cả không gần gũi vợ mà ông cho là xui. Ông bao giờ cũng muốn tránh tối đa tổn thất cho những người lính.
Lúc này, riêng tôi thấy là nhẫn tâm khi phải bỏ xác hắn tại bãi. Khi tôi là người cuối cùng bước lên trực thăng, con tàu vội vã bốc vọt lên trên một nền trời ủ dột đang vần vũ kéo tới nhũng đám mây bão. Nhìn xuống bãi, gã tù binh vẫn bất động nằm yên như im ngủ, phủ trên mình thay cho lá cờ chỉ là một chiếc võng xanh xao. Cũng đành để hắn ở lại với rừng núi quạnh hiu, và riêng mang theo trong tôi cái tình cảm day dứt khó tả. Phải chi còn đủ thời gian để đào xong một chiếc huyệt cho dù chỉ đủ vùi nông thân xác hắn.
Gió lộng từ những cánh quạt trực thăng, tạt những cụm mây đầy hơi ẩm vào da mặt tôi buốt rát. Da thịt tê dại, cả tâm hồn cũng tê dại, gần như vô cảm, tôi không còn suy nghĩ hay phản ứng được gì. Ngồi bên tôi và luôn luôn di động là gã xạ thủ đại liên mắt thật xanh, bỗng dưng như một tên khùng, hắn chĩa mũi súng đại liên xả đạn như mưa xuống bãi cho dù chẳng có một dấu hiệu nghi ngờ nào của địch quân. Mùi thuốc súng khét lẹt với những âm thanh nhức nhối và chát chúa.
Khi đoàn trực thăng đã thực sự rời xa bãi, tên Trung sĩ cận vệ thân tín lên tiếng nhắc tôi và cố nói to. _ Em thấy là Hổ xám quên. “Không, lần này không phải là tao quên.” Nó nhắc tôi việc gài một trái lựu đạn rút kíp dưới xác người tù binh mới chết phải bỏ lại dưới bãi. Hơn một lần địch đã hành động như vậy và gây cho chúng tôi tổn thất. Nhưng ở lần này thì tôi lại nghĩ rằng cho dù có làm thêm một cạm bẫy xác nữa, gây thêm được một vài chết chóc, không vì thế mà ngày mai Hoà Bình sẽ trở lại sớm hơn.
Tân Cảnh_ Kontum 1971