Có tiền và có những thứ tiền có thể mua được là điều tốt, tuy nhiên, đôi khi cũng nên xem lại và đảm bảo rằng mình không mất những thứ mà tiền không mua được.

George Horace Lorimer

 
 
 
 
 
Tác giả: Charles Dickens
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Đình Chi
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 59 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ự xuất hiện của một toán lính gõ báng những khẩu súng hỏa mai đã
nạp đạn xuống bậu cửa nhà chúng tôi khiến những người đang dùng bữa bên
bàn cùng bối rối đứng dậy, đồng thời cũng làm bà Joe tay không trở lại bếp
để rồi đứng sững lại mở to mắt ra trong lúc không ngớt than vãn “Chúa lòng
lành ban phước cho con, chuyện gì đã xảy ra - với cái - bánh!”
Ông trung sĩ và tôi đã vào trong bếp khi bà Joe đứng đờ ra đó nhìn trân
trối; tới lúc này tôi đã phần nào trấn tĩnh lại. Người nói với tôi lúc trước chính
là ông trung sĩ, và lúc này ông ta đang đưa mắt nhìn qua đám khách, tay phải
cầm cái còng chìa về phía họ đầy mời mọc, còn tay trái đặt lên vai tôi.
“Thứ lỗi cho tôi, thưa quý bà quý ông,” ông trung sĩ nói, “nhưng như
tôi đã nói qua với quý ông trẻ tuổi bảnh trai đây ngay từ ngoài cửa” - (thực ra
ông ta chẳng hề nói gì) - “tôi đang nhân danh đức vua thực hiện một cuộc
truy lùng, và tôi muốn gặp ông thợ rèn.”
“Vậy ông làm ơn cho biết ông muốn gặp anh ta có việc gì vậy?” chị tôi
hỏi vặn lại, nhanh chóng bực bội chuyện ông anh rể tôi mà lại được cần đến.
“Thưa bà,” ông trung sĩ lịch lãm đáp, “về cá nhân tôi mà nói, tôi xin trả
lời tôi vinh dự và vui mừng được làm quen với người vợ đáng mến của ông
ấy; nhân danh nhà vua mà nói, tôi xin trả lời, đó là để nhờ một việc nhỏ.”
Câu trả lời được đón nhận như một phản ứng khéo léo từ phía ông
trung sĩ; đến mức ông Pumblechook reo lên thành tiếng, “Hay lắm!”
“Ông thấy đấy, ông thợ rèn,” ông trung sĩ nói, lúc này ông ta đã nhìn
thấy Joe, “chúng tôi có chút rắc rối với cặp còng này, và tôi phát hiện ra ổ
khóa của một bên đã hỏng, thế nên khi khóa còng vào không được nhạy cho
lắm. Vì chúng tôi đang cần ngay đến cái còng này, ông có thể xem qua một
chút được không?”
Joe đưa mắt nhìn cặp còng, rồi nói để chữa nó cần phải nhóm lửa lò rèn
của anh lên, và sẽ phải mất gần hai giờ, “Thế sao? Vậy ông có thể làm ngay
được chứ, ông thợ rèn?” ông trung sĩ nói ngay, “vì nó đang phải phụng sự
nhà vua. Và nếu người của tôi có thể giúp một tay, họ sẽ cố gắng để trở nên
hữu ích.” Dứt lời, ông gọi thuộc cấp của mình, mấy người lính lần lượt đi vào
bếp, dựng gọn súng vào một góc. Rồi họ đứng đó, như những anh lính vẫn
làm; lúc chắp nhẹ hai bàn tay lại trước người; lúc đứng nghỉ trên một chân
hay thả lỏng một bên vai; lúc nới thắt lưng hay chỉnh bao đạn; lúc mở cửa
nhổ thật dứt khoát ra ngoài sân.
Lúc ấy, tôi nhìn thấy tất cả mà chẳng hề biết mình đã thấy, vì tôi đang
sợ chết khiếp. Nhưng rồi khi bắt đầu hiểu cặp còng không phải để dành cho
tôi, và cho đến lúc này mấy anh lính đã chiếm mất sự chú ý vốn lúc trước
dành cho cái bánh và đẩy nó vào trong cánh gà, tôi dần dần nhặt nhạnh lại
được chút tâm trí đã thần hồn nát thần tính của mình.
“Ông có thể cho tôi biết mấy giờ rồi không?” Giọng trung sĩ hỏi ông
bác Pumblechook, như với một người mà khả năng đánh giá tinh tế hoàn toàn
cho phép khẳng định ông ta cũng đáng tin cậy như thế trong vấn đề thời gian.
“Mới hơn hai rưỡi.”
“Không đến nỗi quá tệ,” ông trung sĩ ngẫm nghĩ rồi nói, “cho dù tôi
buộc phải đợi hai giờ đồng hồ ở đây cũng vẫn ổn. Các vị ở đây cách đầm lầy
bao xa nhỉ? Không quá một dặm, tôi đoán vậy đúng chứ?”
“Chỉ một dặm thôi,” bà Joe nói.
“Vậy thì ổn. Chúng tôi bắt đầu bao vây chúng vào lúc chạng vạng.
Trước lúc chạng vạng một chút, tôi được lệnh như thế. Vậy thì ổn.”
“Tù vượt ngục sao, ông trung sĩ?” ông Wopsle hỏi như thể tiện mồm.
“Phải!” ông trung sĩ đáp, “hai tên. Người ta đoán chắc chúng vẫn còn
ẩn náu trong đầm lầy, và sẽ không tìm cách chuồn ra trước lúc chạng vạng.
Có ai ở đây thấy gì giống như hai kẻ bị săn đuổi đó chưa?”
Tất cả mọi người, ngoại trừ tôi, đều trả lời không rất tự tin. Chẳng ai
buồn nghĩ đến tôi.
“Được!” ông trung sĩ nói, “tôi nghĩ chúng sẽ nhận ra mình đã bị kẹt
trong vòng vây sớm hơn chúng ngờ. Còn bây giờ, ông thợ rèn! Nếu ông đã
sẵn sàng thì đức vua cũng vậy.”
Joe đã cởi áo vest, áo chẽn và cà vạt ra, đeo cái tạp dề da vào, rồi đi
sang lò rèn. Một người lính mở các cửa sổ gỗ của lò rèn ra, một người khác
nhóm lửa, một người nữa thổi ống bễ, mấy anh lính còn lại đứng quanh ngọn
lửa lò rèn chỉ không bao lâu sau đã cháy bùng bùng. Tiếp theo, Joe bắt đầu
vung búa đập mạnh rồi gõ nhẹ, đập mạnh rồi gõ nhẹ, và tất cả chúng tôi cùng
dõi theo.
Cuộc truy đuổi đáng quan tâm sắp diễn ra không chỉ thu hút sự chú ý
của mọi người mà thậm chí còn khiến bà chị tôi thoáng tính hơn. Chị chiết
một bình bia từ thùng bộng ra cho đám lính, và mời ông trung sĩ dùng một ly
brandy. Nhưng ông Pumblechook đã đột ngột chen vào, “Mang rượu vang
cho ông ấy đi, bà mẹ. Tôi dám cam đoan trong đó không có hắc ín.” Vậy là
ông trung sĩ cảm ơn ông này và nói vì muốn đồ uống của mình không có hắc
ín hơn nên ông ta sẽ dùng rượu vang nếu không có gì phiền. Khi vang được
mang tới, ông trung sĩ nâng cốc vì sức khỏe nhà vua và chúc mừng mùa
Giáng sinh, rồi uống một hơi cạn và chép miệng.
“Ngon chứ hả, trung sĩ?” ông Pumblechook hỏi.
“Tôi sẽ nói với ông một điều,” ông trung sĩ đáp, “tôi ngờ rằng thứ vang
này là do ông cung cấp.”
Ông Pumblechook bật cười khùng khục rồi nói, “À, à, tại sao?”
“Bởi vì,” ông thượng sĩ vừa vỗ vai ông này vừa nói, “ông là một người
sành sỏi.”
“Ông nghĩ vậy ư?” ông Pumblechook nói, kèm theo tiếng cười hệt như
lúc trước. “Mời một cốc nữa!”
“Mời ông. Cùng nâng cốc nào,” ông trung sĩ trả lời. “Miệng cốc tôi vào
chân cốc ông, chân cốc ông vào miệng cốc tôi, cụng một lần, cụng hai lần,
giai điệu tuyệt nhất của những cái Cốc Nhạc! Chúc sức khỏe ông. Chúc ông
sống lâu nghìn năm, và không bao giờ phán xử đúng sai kém hơn so với ông
lúc này!”
Ông trung sĩ lại cạn cốc và dường như khá sẵn lòng cho một cốc thứ
ba. Tôi nhận thấy ông Pumblechook, vì hiếu khách, có vẻ đã quên mất là
mình mang rượu vang tới làm quà tặng và cầm lấy chai từ tay bà Joe, tự mình
giành quyền sử dụng nó đầy hân hoan rót cho mọi người. Thậm chí cả tôi
cũng được một ít. Và ông tỏ ra thoải mái với món rượu vang đến mức yêu
cầu mang nốt cả chai kia ra, rồi rót nó cũng hào phóng tương tự khi chai thứ
nhất đã hết sạch.
Trong khi dõi theo mọi người vui vẻ đứng xúm quanh lò rèn, tôi chợt
nghĩ ông bạn đào tẩu ngoài đầm lầy của tôi thật là một món nước xốt ngon
lành khủng khiếp cho một bữa ăn. Họ mới vui vẻ được chừng một phần tư
giờ là cùng thì cuộc vui đã trở nên cực kỳ rôm rả nhờ sự phấn khích hắn đem
lại. Và lúc này đây, khi tất cả họ đều hào hứng mường tượng ra viễn cảnh
“hai tên du đãng” bị tóm cổ, khi ống bễ dường như đang gầm lên đe dọa
những kẻ đào tẩu, ngọn lửa như bùng lên soi rõ họ, làn khói cuộn lên như
đang hối hả lao đi truy đuổi họ, Joe đang quai búa chữa còng để xiềng họ, và
tất cả những cái bóng tối tăm ảm đạm trên tường đang nhún nhảy đe dọa bọn
họ theo ngọn lửa bập bùng, còn những tàn lửa đỏ nóng bỏng rơi tóe ra rồi tắt
phụt, buổi chiều nhợt nhạt bên ngoài trong trí tưởng tượng ngây thơ thương
cảm của tôi dường như đã nhợt nhạt đi như vậy là vì họ, hai kẻ đào tẩu khốn
khổ kia.
Cuối cùng, Joe cũng hoàn tất công việc, tiếng nện búa chan chát và
tiếng thổi bễ phù phù ngừng lại. Vừa mặc áo khoác vào, Joe vừa lấy hết can
đảm đề nghị rằng một vài người trong chúng tôi nên đi theo toán lính để xem
kết quả cuộc săn lùng ra sao. Ông Pumblechook và ông Hubble từ chối, lấy
cớ là để thưởng thức bánh nhân thịt lợn và bầu bạn cùng các quý bà; nhưng
ông Wopsle thì nói sẽ đi nếu Joe cũng đi. Joe nói anh đồng ý, và muốn đưa
tôi đi cùng, nếu bà Joe bằng lòng. Tôi dám chắc hai chúng tôi sẽ chẳng đời
nào được phép đi nếu không phải bà Joe rất tò mò muốn biết tất cả về cuộc
truy lùng cũng như chuyện nó kết thúc ra sao. Và vì sự thể là vậy, chị tôi chỉ
ra điều kiện, “Nếu anh đưa thằng bé về với cái đầu bị súng hỏa mai bắn vỡ
toét ra, đừng có trông mong tôi gắn nó lại như cũ đấy.”
Ông trung sĩ lịch sự chào từ biệt các quý bà, rồi chia tay ông
Pumblechook như một người cùng chí hướng thân thiết; cho dù tôi dám ngờ
không biết vào lúc tỉnh táo ông trung sĩ có nhạy cảm đến vậy với các phẩm
chất của quý ông này như khi đã qua một chầu rượu hay không. Đám lính của
ông ta lấy súng hỏa mai rồi tập hợp thành đội ngũ. Ông Wopsle, Joe và tôi
được yêu cầu nghiêm ngặt phải luôn đi đằng sau và không nói lời nào nữa sau
khi chúng tôi tới chỗ đầm lầy. Khi tất cả chúng tôi đã ra ngoài trời rét căm
căm và đều chân dấn bước tới đích, tôi thì thầm đầy phản trắc với Joe, “Joe,
em hy vọng chúng ta không tìm ra bọn họ.” Và Joe thì thầm với tôi, “Anh
chịu mất một shilling nếu bọn họ đã chạy trốn, Pip.”
Không có kẻ nào trong làng lang thang đi theo chúng tôi, vì thời tiết rất
lạnh và đầy đe dọa, quang cảnh ảm đạm, đường khó đi, trơn trượt, màn đêm
sắp buông xuống, và mọi người đều có lò sưởi ấm áp trong nhà và đều đang
mừng lễ ngày hôm đó. Vài khuôn mặt hối hả tìm đến những khung cửa sổ
sáng rực nhìn theo chúng tôi, nhưng không ai ra ngoài. Chúng tôi đi qua chỗ
bàn tay chỉ đường, và đi tiếp thẳng tới chỗ nghĩa địa nhà thờ. Tại đó, chúng
tôi dừng lại vài phút khi ông trung sĩ giơ tay ra hiệu, trong lúc hai ba người
trong toán lính của ông ta tản ra lục soát giữa các ngôi mộ và kiểm tra cả
cổng nhà thờ. Mấy người lính quay trở ra không tìm thấy gì, sau đó chúng tôi
tiếp tục tiến tới đầm lầy mông quạnh qua cổng bên hông nghĩa địa nhà thờ.
Một cơn mưa nặng hạt lạnh cắt da rào rào quất xuống chúng tôi theo làn gió
đông, nên Joe cõng tôi lên lưng anh.
Lúc này, khi chúng tôi đã đi ra vùng đồng lầy hoang vu u ám nơi
những người còn lại không ngờ tôi từng có mặt trước đó chừng tám chín giờ,
và đã tận mắt nhìn thấy cả hai kẻ đào tẩu đang ẩn náu, tôi lần đầu tiên kinh
hoàng tự hỏi nếu chúng tôi bắt gặp bọn họ, liệu tay tù vượt ngục kia có cho
rằng chính tôi đã dẫn lính tới không? Ông ta đã hỏi tôi có phải là một đứa tiểu
quỷ tinh quái lừa đảo hay không, và từng nói tôi chắc phải là một con chó săn
trẻ hung dữ nếu tham gia vào cuộc săn đuổi ông ta. Liệu ông ta có tin tôi vừa
là một đứa tiểu quỷ vừa là một con chó săn phản trắc, và tôi đã phản bội ông
ta không?
Lúc này tự hỏi mình câu đó quả là vô dụng. Tôi đang ở đây, trên lưng
Joe, và phía dưới tôi là Joe, sải bước qua các khe rãnh như một thợ săn, đồng
thời động viên ông Wopsle cẩn thận để không bị ngã cắm cái mũi La Mã của
ông ta xuống và cố gắng theo kịp chúng tôi. Những người lính đi phía trước
chúng tôi, rải đều ra. Chúng tôi đang bám theo con đường tôi đã đi lúc đầu rồi
bị chệch khỏi trong màn sương mù. Có thể lúc này sương mù chưa buông
xuống, cũng có thể gió đã thổi tan nó đi. Dưới ráng hoàng hôn đỏ quạch, cả
cột đèn hiệu, giá bêu xác, pháo đài cũ và cả bờ sông bên kia đều lộ rõ, dù tất
cả đều phủ một lớp màu nước xám chì.
Trong lúc ở trên đôi vai rộng của Joe quả tim tôi đập thình thịch như
búa thợ rèn, tôi đưa mắt nhìn khắp xung quanh tìm kiếm bóng dáng hai gã tù
vượt ngục. Tôi không nhìn thấy gì, cũng chẳng nghe thấy gì. Ông Wopsle
hơn một lần khiến tôi phát hoảng vì những tiếng thổi và thở phì phò của ông
ta; nhưng đến giờ tôi đã quen với những âm thanh này, và có thể phân biệt
chúng với mục tiêu của cuộc truy lùng. Tôi kinh hãi giật mình khi nghĩ mình
vừa nghe thấy tiếng cái giũa đang mài; nhưng kỳ thực đó chỉ là một cái
chuông đeo ở cổ cừu. Lũ cừu ngừng ăn và ngẩng lên dè dặt nhìn chúng tôi; lũ
bò, quay đầu tránh khỏi luồng gió và cơn mưa, trừng mắt lên tức giận như thể
chúng coi chúng tôi là thủ phạm gây ra cả hai thứ phiền toái đó; nhưng ngoại
trừ mấy chuyện này, cùng những rung động cuối cùng của một ngày sắp tàn
trên từng ngọn cỏ, không còn âm thanh nào khác trong đầm lầy tĩnh lặng lạnh
lẽo.
Những người lính đang tiến về phía pháo đài cũ, ba chúng tôi đi lùi lại
sau họ một chút thì, đột nhiên, tất cả chúng tôi cùng đứng sững lại. Vì một
tiếng kêu lớn và dài đã vươn đến chỗ chúng tôi trên đôi cánh của gió và mưa.
Rồi nó lặp lại. Nó ở rất xa về phía Đông, nhưng thật to và dài. Không, có vẻ
như có hai hay nhiều tiếng kêu cùng vang lên một lúc - nếu đoán chừng từ
chút hỗn loạn trong âm thanh.
Trước biến cố này, ông trung sĩ và mấy anh lính ở gần nhất đang khẽ
trao đổi với nhau thì Joe và tôi bắt kịp. Sau một khoảnh khắc lắng nghe nữa,
Joe (một người có khả năng phán đoán rất tốt) đồng ý, và ông Wopsle (một
người khả năng phán đoán rất tồi) đồng ý. Ông trung sĩ, một người quyết
đoán, ra lệnh không được đáp lại tiếng gọi, nhưng hướng đi cần thay đổi, và
thuộc hạ của ông ta cần tiến “gấp rút” về phía đó. Vậy là chúng tôi rẽ sang
phải (phía Đông nằm ở đằng đó), và Joe cặm cụi bước đi thật gấp gáp, làm tôi
phải ôm thật chặt để ngồi vững trên lưng anh.
Bây giờ thì đúng là một cuộc chạy, và được Joe gọi bằng hai từ anh
không ngừng nhắc đi nhắc lại, “ná thở”. Đi xuống bờ đê rồi lại leo lên đê, qua
các cửa cống, lội xuống mương, lách qua những khóm cây dại cằn cỗi: không
ai bận tâm xem mình đang đi đâu. Chúng tôi càng lại gần nơi tiếng kêu vang
lên, có thể thấy càng rõ nó xuất phát từ nhiều giọng khác nhau. Đôi lúc, tiếng
kêu dường như ngừng hẳn, và lúc đó những người lính dừng lại. Khi tiếng
kêu tiếp tục vang lên, những người lính lại hối hả chạy tới chỗ đó khẩn
trương hơn nữa, và ba chúng tôi bám theo sau họ. Sau một hồi, chúng tôi đã
tới gần đến mức có thể nghe thấy một giọng nói hét lên “Quân giết người!”
và một giọng khác “Tù trốn! Bọn đào tẩu! Lính gác! Đuổi theo bọn tù trốn
đằng này!” Rồi cả hai giọng nói dường như đều nghẹn lại trong lúc vật lộn,
rồi lại vang lên. Nghe thấy những tiếng kêu đó, toán lính nhanh nhẹn lao tới,
và cả Joe cũng vậy.
Ông trung sĩ tới nơi đầu tiên khi chúng tôi tới chỗ tiếng kêu phát ra, và
hai người lính dưới quyền chạy sát ngay sau ông ta. Súng của họ đã nạp đạn
chĩa lên sẵn sàng khi tất cả chúng tôi tới nơi.
“Cả hai gã đây rồi!” ông trung sĩ hổn hển kêu lên trong lúc vất vả di
chuyển dưới lòng mương. “Đầu hàng đi, hai thằng kia! Tao lại còn tưởng
chúng bay là hai con thú hoang cơ đấy! Tách nhau ra!”
Nước bắn tung tóe, bùn văng lên tứ phía, những lời chửi rủa vang lên
không ngớt, những cú đòn tung ra khi vài người lính nữa lao xuống mương
giúp ông trung sĩ và lần lượt lôi gã tù tôi quen rồi gã còn lại lên. Cả hai đều
máu me be bét, thở hổn hển, chửi rủa chống cự quyết liệt; nhưng tất nhiên tôi
lập tức nhận ra cả hai.
“Ông nhớ cho!” người tù tôi quen lên tiếng, dùng tay áo tả tơi chùi máu
trên mặt và vẫy tay rũ những sợi tóc bị giật đứt khỏi ngón tay: “Tôi đã tóm
hắn! Tôi giao hắn cho ông! Hãy nhớ điều đó!”
“Chẳng có gì nhiều để chú ý cả,” ông trung sĩ nói, “chừng đó cũng
chẳng giúp gì mày được mấy đâu, anh bạn, vì mày cũng cùng một giuộc như
nó. Còng chúng lại!”
“Tôi không trông mong điều đó sẽ có ích gì cho mình. Tôi không mong
nó đem đến gì tốt lành cho tôi hơn nó đã làm lúc này,” người tù vừa nói vừa
cười khoan khoái. “Tôi đã tóm được hắn. Hắn biết điều đó. Vậy là đủ với tôi
rồi.”
Gã tù còn lại tái nhợt, và bên cạnh vết bầm cũ ở bên trái khuôn mặt,
dường như khắp người hắn dày kín những vết bầm tím, xây xát. Hắn chẳng
còn hơi sức để mở miệng cho tới khi cả hai kẻ đào tẩu đã bị còng riêng ra,
thậm chí còn phải dựa vào một người lính để khỏi ngã.
“Xin ông nhớ cho, ông lính… hắn ta đã cố giết tôi” là những lời đầu
tiên hắn nói.
“Cố giết hắn ư?” người tù tôi quen khinh bỉ nói. “Cố, mà lại không làm
thế sao? Tôi đã tóm hắn, và nộp lại hắn; đó là những gì tôi làm. Tôi không chỉ
ngăn không cho hắn trốn khỏi đầm lầy, tôi còn lôi hắn tới đây - lôi hắn tới tận
đây. Tên đê tiện này, nếu các vị muốn biết, hắn là một quý ông đấy. Và bây
giờ tàu nhốt tù đã có lại quý ông của nó, nhờ tôi. Giết hắn ư? Tôi có đáng
phải giết hắn không khi tôi có thể làm điều còn tệ hại hơn và lôi hắn trở lại!”
Gã tù kia vẫn hổn hển, “Hắn ta cố… hắn ta đã… cố… giết tôi. Hãy…
hãy làm chứng.”
“Nghe đây!” người tù tôi quen nói với ông trung sĩ. “Tôi đã một mình
thoát ra khỏi tàu nhốt tù; tôi đã chuồn lẹ và thành công. Tôi cũng đã có thể
thoát khỏi cái chốn đồng không mông quạnh lạnh chết người này - hãy nhìn
xuống chân tôi xem; ông sẽ chẳng thấy xiềng xích nào ở đó cả - nếu tôi
không phát hiện ra là hắn cũng đang ở đây. Để hắn chạy thoát ư? Để hắn
hưởng lợi nhờ những thứ tôi kiếm được ư? Để hắn tiếp tục biến tôi thành một
thứ công cụ thêm lần nữa sao? Một lần nữa ư? Không, không, không. Nếu tôi
có chết dưới đáy mương kia,” rồi ra dấu về phía bờ mương bằng hai bàn tay
bị còng, “tôi cũng ghì chặt lấy hắn trong tay mình, để ông có thể an toàn tìm
thấy hắn trong vòng tay tôi.”
Kẻ đào tẩu còn lại, rõ ràng sợ chết khiếp đồng bọn của hắn, liền nhắc
lại, “Hắn ta đã cố giết tôi. Nếu các vị không tới tôi chắc chết rồi.”
“Hắn nói láo!” người tù tôi quen hét lên dữ dội. “Hắn là một kẻ dối trá
bẩm sinh, và đến chết vẫn là một kẻ dối trá. Hãy nhìn vào mặt hắn xem;
chẳng phải điều đó ghi rõ trên đó sao? Hãy bảo hắn nhìn thẳng vào mắt tôi
xem. Tôi thách hắn làm thế đấy.”
Kẻ đào tẩu còn lại, cố nở một nụ cười khinh bỉ, song vẫn chưa thể điều
khiển được miệng để nói ra bất cứ ý kiến nào, đưa mắt nhìn những người
lính, nhìn quanh đầm lầy rồi lên trời, nhưng chắc chắn không hề dám nhìn
vào mắt người vừa lên tiếng.
“Các vị thấy hắn thế nào chưa?” người tù tôi quen nói tiếp. “Các vị
thấy hắn là một kẻ đê tiện thế nào chưa? Các vị có thấy đôi mắt gian giảo
luôn đảo ngược đảo xuôi kia không? Hắn đã nhìn như thế đấy khi chúng tôi
bị xử cùng nhau. Hắn không bao giờ nhìn thẳng vào tôi.”
Kẻ còn lại, luôn mấp máy đôi môi khô nẻ và bồn chồn đưa mắt nhìn
hết xa lại gần, cuối cùng cũng hướng mắt trong khoảnh khắc về phía người
vừa nói, và đáp lại, “Mày cũng đâu có gì nhiều mà nhìn,” cùng cái nhìn có
phần mỉa mai châm chọc vào hai bàn tay bị còng. Tới lúc này, người tù tôi
quen trở nên cực kỳ kích động, chắc hẳn ông ta đã lao tới gã kia nếu không bị
mấy người lính giữ lại. “Chẳng phải tôi đã nói với ông,” gã đào tẩu kia nói
tiếp, “là hắn ta sẽ giết tôi nếu có thể sao?” Và bất cứ ai cũng có thể thấy hắn
run bần bật vì sợ, và trên môi hắn vỡ ra những mảnh trắng nhỏ kỳ cục, trông
như tuyết mỏng.
“Cãi nhau thế là đủ rồi,” ông trung sĩ nói. “Đốt đuốc lên.”
Trong khi một người lính, mang theo một cái giỏ thay vì súng, quỳ một
gối xuống để mở nó ra, người tù tôi quen lần đầu tiên đưa mắt nhìn quanh, và
thấy tôi. Tôi đã tụt xuống khỏi lưng Joe bên bờ mương khi chúng tôi đến nơi,
và không hề rời khỏi đó từ lúc ấy. Tôi nhìn ông ta chăm chăm khi ông ta nhìn
tôi, đồng thời hơi vẫy tay và lắc đầu. Tôi đã chờ ông ta nhìn mình để tôi có
thể cam đoan với ông ta là tôi vô tội. Kết quả là chẳng có dấu hiệu nào cho
biết thậm chí ông ta hiểu ý định của tôi, vì người tù dành cho tôi một cái nhìn
tôi không thể hiểu nổi, và tất cả chỉ diễn ra trong nháy mắt. Nhưng nếu lúc đó
ông ta nhìn tôi chăm chú hơn, hoặc lâu hơn, trong một giờ hay một ngày, thì
có khi sau đó tôi đã chẳng thể nhớ được mặt ông ta.
Người lính mang theo giỏ nhanh chóng đánh lửa và thắp lên ba bốn cây
đuốc, tự cầm lấy một cây, rồi phân phát số còn lại cho những người khác.
Lúc trước trời đã gần tối, nhưng lúc này bầu trời có vẻ đã sầm lại, và không
bao lâu sau thì trở nên tối đen. Trước khi chúng tôi rời khỏi chỗ đó, bốn
người lính đứng thành vòng, bắn hai phát lên trời. Chẳng mấy chốc, chúng tôi
nhìn thấy những ánh đuốc khác cháy sáng đằng xa sau lưng mình, và nhiều
ánh đuốc khác trên đầm lầy ở bờ sông đối diện. “Được rồi,” ông trung sĩ nói.
“Bước.”
Chúng tôi chưa đi được bao xa thì ba khẩu thần công nổ vang phía
đằng trước, tiếng nổ chúng gây ra dường như vừa làm thủng thứ gì đó trong
tai tôi. “Mày đang được chờ đón trên boong đấy,” ông trung sĩ nói với người
tù tôi quen, “họ biết mày đang đến. Đừng đi lang thang nào, anh bạn. Lại gần
đây.”
Hai người tù bị tách riêng ra, mỗi người có một lính canh giải đi. Lúc
này tôi nắm lấy một bàn tay Joe, còn Joe đang cầm một cây đuốc. Ông
Wopsle muốn quay về, nhưng Joe quyết tâm chứng kiến mọi thứ đến cùng,
vậy là ba chúng tôi đi tiếp với đội lính. Đường đi bây giờ cũng khá dễ chịu,
hầu hết chạy theo ven sông, thỉnh thoảng mới phải đi vòng khi gặp phải một
con đập với một chiếc cối xay gió nhỏ dựng bên trên và một cửa cống đầy
bùn. Đưa mắt nhìn lui, tôi có thể thấy những đốm sáng khác đang tới đằng
sau chúng tôi. Những cây đuốc chúng tôi cầm theo làm rơi từng đốm lửa lớn
xuống đường, và tôi có thể thấy chúng nằm đó, cũng bốc khói và lóe sáng.
Tôi không thể thấy gì khác ngoài màn đêm tối đen. Những ngọn đuốc sưởi
ấm không khí xung quanh chúng tôi với quầng lửa sáng rực của chúng, và hai
người tù có vẻ thích điều đó, vì họ lặng lẽ tập tễnh bước đi giữa những khẩu
súng hỏa mai. Chúng tôi không thể đi nhanh vì đôi chân tập tễnh của bọn họ;
và hai người tù cũng đã kiệt sức, đến mức chúng tôi phải dừng lại hai ba lần
dọc đường để họ nghỉ lấy hơi.
Sau chừng một giờ đi như thế, chúng tôi tới một ngôi lán gỗ tồi tàn và
một bến thuyền. Trong lán có một lính canh lên tiếng hỏi danh tính, ông trung
sĩ liền trả lời. Sau đó, chúng tôi đi vào trong lán, một chỗ sặc mùi thuốc lá và
vôi quét tường, với một lò sưởi lớn cháy rực, một cây đèn, một giá súng hỏa
mai xếp thành hàng, một cái trống và một cái khung giường gỗ thấp, trông
giống như một cái máy cán là quá khổ không có bộ máy, bên trên đủ chỗ cho
cả một tá lính cùng một lúc. Ba bốn người lính trùm áo choàng nằm trên đó
chẳng mấy bận tâm đến chúng tôi, chỉ ngẩng đầu lên nhìn chằm chằm trong
cơn ngái ngủ rồi lại nằm xuống. Ông trung sĩ báo cáo vài câu, viết vài dòng
vào một quyển sổ, rồi người tù tôi vẫn gọi là kẻ còn lại bị lính canh của hắn
giải đi để lên tàu trước.
Người tù tôi quen không hề nhìn tôi, trừ một lần duy nhất đó. Trong lúc
chúng tôi đứng bên trong lán, ông ta đứng trước lò sưởi trầm ngâm nhìn ngọn
lửa, hay lần lượt nhấc hai bàn chân giơ lên trước lò sưởi trầm ngâm nhìn như
thể thương hại chúng sau cuộc phiêu lưu vừa phải trải qua. Đột nhiên, ông ta
quay sang ông trung sĩ và nói.
“Tôi muốn nói một chuyện liên quan tới cuộc vượt ngục này. Nó có thể
giúp một số người khỏi bị nghi ngờ vì tôi.”
“Mày có thể nói gì tùy thích,” ông trung sĩ đáp, lãnh đạm khoanh tay
đứng nhìn người tù, “nhưng mày không có quyền nói ra ở đây. Rồi mày sẽ có
khối dịp để nói về chuyện đó, và nghe về nó, trước khi người ta xong việc với
mày, mày biết đấy.”
“Tôi biết, nhưng đây là chuyện khác, một chuyện riêng biệt. Người ta
không thể sống mà không ăn; ít nhất là tôi không thể. Tôi đã lấy một ít đồ ăn
từ ngôi làng đằng kia, chỗ có nhà thờ nằm ngay bên rìa đầm lầy.”
“Ý mày là ăn trộm,” ông trung sĩ nói.
“Và tôi sẽ cho ông biết ở nhà nào. Từ nhà người thợ rèn.”
“Ái chà!” ông thượng sĩ thốt lên, nhìn Joe chằm chằm.
“Ái chà, Pip!” Joe thốt lên, nhìn tôi chằm chằm.
“Một ít thức ăn thừa - đúng thế đấy - một ít rượu, và một cái bánh nhân
thịt lợn.”
“Ông có tình cờ mất thứ gì như một cái bánh nhân thịt lợn không, ông
thợ rèn?” ông thượng sĩ hỏi đầy tin tưởng.
“Vợ tôi đúng là bị mất cái bánh thật, đúng lúc ông tới. Cậu không biết
gì sao, Pip?”
“Vậy,” người tù tôi quen nói, đưa mắt nhìn Joe ủ rũ, và không hề liếc
nhìn tôi dù chỉ thoáng qua, “ông là người thợ rèn, phải không? Thế thì tôi lấy
làm tiếc phải nói tôi đã ăn mất cái bánh của ông.”
“Có Chúa chứng giám, ông có thể cứ tự nhiên - nếu cái bánh ấy là của
tôi,” Joe đáp, không khỏi nhớ tới bà Joe. “Chúng tôi không biết ông đã làm
gì, nhưng chắc chắn chúng tôi không để ông vì thế mà phải chết đói, ông bạn
đồng loại đáng thương. Phải vậy không, Pip?”
Thứ gì đó tôi từng để ý thấy lúc trước lại nấc lên trong cổ họng người
tù, và ông ta quay lưng lại. Con thuyền đã quay trở lại, người lính áp giải ông
ta đã sẵn sàng, vậy là chúng tôi đi theo người tù ra bến thuyền thô sơ làm từ
đá và cọc gỗ, rồi nhìn ông ta bị đưa lên con thuyền được chèo bởi một toán tù
nhân giống như ông ta. Không ai có vẻ ngạc nhiên, tỏ ra quan tâm, vui mừng
hay ái ngại khi thấy ông ta, hay nói với người tù một lời, ngoại trừ ai đó trên
thuyền gầm lên như quát chó, “Chèo đi, lũ kia!” làm hiệu lệnh để những mái
chèo khỏa xuống nước. Dưới ánh đuốc, chúng tôi nhìn thấy con tàu nhốt tù
đen trũi nằm cách bãi bùn ven bờ một quãng, như một con thuyền Noah* xấu
xa. Bị bít kín mít và neo lại bằng những chuỗi xích to hoen gỉ, con tàu-nhà tù
trong đôi mắt thơ trẻ của tôi dường như cũng bị xiềng như những người tù.
Chúng tôi thấy chiếc thuyền cập mạn tàu, rồi thấy người tù bị đưa lên theo
thành tàu và khuất dạng. Sau đó, phần cán còn lại của những cây đuốc bị ném
xuống biển, rít lên xèo xèo rồi tắt ngấm, như thể với người tù tất cả thế là đã
kết thúc.
Great Expectations (Tiếng Việt) Great Expectations (Tiếng Việt) - Charles Dickens Great Expectations (Tiếng Việt)