Sometimes the dreams that come true are the dreams you never even knew you had.

Alice Sebold

 
 
 
 
 
Tác giả: Natsume Sōseki
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Kusamakura
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1752 / 68
Cập nhật: 2016-05-05 19:45:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ó ai ở nhà không??
Tôi cất tiếng gọi nhưng chẳng ai trả lời.
Ðứng dưới mái hiên, tôi ghé nhìn vào trong thì nhìn thấy lờ mờ một lớp cửa shoji 1 ám khói đang khép kín. Không nhìn thấy được phía bên trong cánh cửa. Năm sáu đôi dép rơm treo lẻ loi trên đầu hồi lơ đãng đong đưa. Phía dưới có bày ba hộp kẹo rẻ tiền, cạnh đó là dăm đồng tiền kẽm nằm rải rác.
Tôi lại cất tiếng gọi "Có ai ở nhà không?". Những con gà đang ngủ trên chiếc cối xay đặt trên nền đất trong góc nhà giật mình thức giấc, bắt đầu kêu "cục cục" loạn xạ. Bên ngoài ngưỡng cửa là bếp lò bằng đất nung, lúc này đang bị mưa tạt làm ướt và đổi màu. Chiếc ấm màu đen đặt trên lò không rõ là ấm làm bằng đất hay bằng bạc. Và may mắn là lửa trong lò vẫn cháy.
Vì không có ai trả lời nên tôi cứ tự tiện đi vào nhà, ngồi xuống chiếc ghế xếp. Những con gà trên cối xay vỗ cánh bay xuống. Giờ thì chúng đậu lên chiếu tatami 2. Nếu không có tấm cửa trượt ngăn lại thì có lẽ chúng đã bay vào phía bên trong. Khi gà trống cất lên những tiếng kêu mạnh mẽ thì gà mái đáp lời bằng những tiếng nhỏ nhẹ hơn. Có lẽ chúng cho tôi là một con cáo hay con chó gì đấy. Trên ghế xếp nằm lặng lẽ một chiếc lư hương dung tích chừng 2 lít, những khoanh nhang cuộn tròn bên trong vẫn thong thả nhả khói, không để ý gì đến thời gian đã trôi qua. Mưa đang dần ngớt hạt.
Một lúc lâu mới nghe tiếng chân bước từ bên trong, rồi tấm cửa trượt ám khói mở ra. Một bà cụ bước ra ngoài.
Tôi đã đoán là thế nào cũng có người xuất hiện. Vì lửa vẫn đang cháy trong lò. Tiền thì vung vãi trên hộp kẹo. Còn nhang thì vẫn điềm nhiên tỏa khói. Chắc chắn là thế nào cũng phải có người. Nhưng cái kiểu bỏ quán thoải mái thế này thì hơi khác với cuộc sống ở thành thị. Và tuy gọi không có ai trả lời, nhưng cái kiểu tự ý vào nhà ngồi đợi cũng là chuyện khó chấp nhận ở thế kỷ hai mươi. Ðây quả là một nơi thú vị, và là nơi không vướng bận đời thường. Hơn nữa, vẻ mặt bà cụ vừa xuất hiện cũng làm tôi thích thú.
Cách đây hai, ba năm tôi có xem vở kịch No có tựa là Takasago, thuộc trường phái Hosho. Khi đó tôi rất ấn tượng với những hoạt cảnh đẹp của vở này. Một ông cụ vác cây chổi đi năm sáu bước trên chiếc cầu dẫn ra sân khấu, và chậm rãi quay về phía sau giáp mặt với bà cụ. Ðến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ cảnh hai nhân vật đối diện nhau. Vì từ chỗ tôi ngồi có thể nhìn thẳng gương mặt bà cụ, nên khi tôi chợt nhận ra "ồ, đẹp quá!", thì từ khoảnh khắc ấy hình ảnh bà đã in vào trong tôi như một bức ảnh được thấu kính tâm hồn ghi lại. Bà cụ ở quán trà có gương mặt giống hệt gương mặt của bà cụ trong vở kịch No dạo ấy, như thể cả hai đều có cùng một dòng máu chảy bên trong.
- Chào cụ, cháu xin ngồi tạm ở đây một lát.
- Vâng. Tôi không biết là có khách đến.
- Mưa lớn quá cụ nhỉ.
- Thời tiết xấu thế này, chắc là anh đi đường vất vả? Ôi, anh bị ướt hết rồi! Ðể tôi khêu lửa cho anh hong khô nhé.
- Chỉ cần khêu lửa thêm một chút, cháu ngồi gần bếp lò là sẽ khô hết thôi. Cháu ngồi đây một lúc thì hơi thấm lạnh.
- Ừ, tôi sẽ khêu lửa ngay đây. À, anh uống chút trà nhé?
Bà cụ nói thế rồi đứng dậy "xùy xùy" đuổi mấy con gà đi. Vợ chồng nhà gà kêu lên "cục cục", nhảy từ chiếc chiếu màu nâu sẫm qua hộp đựng kẹo và bay ra đường. Con gà trống khi bay ra còn để lại trên hộp kẹo một bãi phân.
- Trà đây.
Thoáng chốc bà cụ đã bưng ra một chén trà đặt trên chiếc khay lõm. Dưới đáy cốc đã sạm đen vì chất trà bám lâu ngày, hiện lên hình ba bông hoa mận được vẽ bằng nét bút thanh tao.
- Anh dùng bánh đi.
Lần này bà cụ mang đến những chiếc bánh xoắn hình dây thừng và bánh xiên que đựng trong chiếc hộp đã bị gà giẫm lên lúc nãy. Tôi nhìn xem chỗ phân gà đã được dọn chưa, thì thấy vẫn còn nguyên trong hộp.
Bà cụ vén gọn tay áo bằng sợi dây vải choàng qua vai rồi lom khom đến trước bếp lò. Tôi lấy trong túi ngực ra cuốn tập dùng để vẽ phác thảo, vừa phác họa gương mặt bà cụ nhìn nghiêng vừa hỏi chuyện.
- Ở đây yên tĩnh, thích quá cụ nhỉ.
- Ừ, thì ở miền núi mà, như anh thấy đấy.
- Có cả chim sơn ca hót phải không?
- Ừ, vẫn hót mỗi ngày. Ở đây thì mùa hè chúng cũng hót.
- Cháu thích nghe lắm. Vì chẳng được nghe bao giờ nên rất thích.
- Rất tiếc là hôm nay... vì lúc nãy trời mưa nên lũ chim trốn đâu mất cả rồi.
Ngay lúc ấy có tiếng nổ lốp bốp trong lò, rồi bất chợt lửa đỏ cháy bùng lên thành ngọn cao gần nửa mét.
- Nào, anh đến sưởi đi. Chắc là lạnh lắm rồi. Bà cụ bảo. Tôi nhìn ra đầu hồi thì thấy một cụm khói xanh bay lên rồi tan dần, để lại làn khói mỏng vương vất dưới mái hiên.
- Ôi thích quá. Mình may mắn được sống lại rồi!
- May mà mưa cũng đã tạnh. Trên trời đã xuất hiện tảng đá Tengu 3 rồi kìa.
Một góc của dãy núi trước mặt, hứng những cơn gió núi ghê người thổi thốc qua bầu trời xuân âm u nặng trĩu, đã sáng bừng lên. Và ở hướng bà cụ chỉ, tảng đá Tengu dựng đứng như một cây cột được đẽo gọt sơ sài.
Tôi nhìn tảng đá, rồi nhìn bà cụ, rồi lại nhìn cả hai để so sánh. Với tư cách là một họa sĩ, tôi chỉ ghi nhớ hai gương mặt bà lão, đó là gương mặt bà cụ trong vở Takasago và gương mặt phù thủy núi trong tranh vẽ của Rosetsu 4. Khi xem tranh của Rosetsu, tôi cảm thấy rợn người trước hình ảnh toàn bích về một bà lão. Tôi cho rằng một hình ảnh như thế phải được đặt vào giữa cảnh rừng lá đỏ mùa thu hay dưới ánh trăng lạnh lẽo. Ðến khi xem vở No của sân khấu Hosho, tôi mới ngạc nhiên nhận ra rằng ở một bà lão vẫn có những nét biểu hiện tình cảm dịu dàng như vậy. Hẳn là chiếc mặt nạ của nhân vật ấy 5 phải là tác phẩm của một nghệ sĩ tài hoa. Tiếc là tôi không nghe rõ được tên tác giả, nhưng có thể thấy rằng thể hiện hình ảnh một bà lão như vậy là vừa sâu sắc, vừa điềm tĩnh lại vừa nồng hậu. Ðó là thứ đạo cụ không phù hợp với kiểu phông dát vàng, với gió xuân hoặc hoa anh đào. Tôi cho rằng hơn cả tảng đá Tengu, hình ảnh bà cụ mặc áo cộc tay đang rướn người chỉ về đằng xa như thế này là một cảnh tượng tuyệt đẹp trên đường núi mùa xuân. Tôi cầm cuốn sổ phác thảo lên, hy vọng ghi được hình ảnh đó nhưng ngay lúc ấy thì bà cụ đã đổi tư thế mất rồi.
- Trông cụ cũng quắc thước nhỉ, tôi vừa hơ lên lửa cuốn sổ đã trở nên thừa thãi trên tay, vừa nói.
- Vâng, may mắn là tôi vẫn khỏe. Vẫn cầm kim may vá, xe sợi gai, xay bột làm bánh được.
Tôi muốn được nhìn bà cụ xay bột bằng chiếc cối xay bằng đá nhưng không dám đề nghị nên đổi đề tài:
- Từ đây tới Nakoi chắc khoảng ba cây số cụ nhỉ?
- Vâng, cũng gần ba cây số. Chắc là anh định qua chỗ suối nước nóng bên ấy...?
- Cháu cũng định nghỉ lại nếu chỗ đấy không quá đông người. Nhưng để xem thế nào đã.
- Không đông đâu. Từ lúc chiến tranh thì chẳng có người đến nữa. Bên đó hầu như đóng cửa suốt.
- Lạ nhỉ. Vậy chắc là không trọ lại được rồi.
- Không, nếu đến gọi thì lúc nào họ cũng sẵn sàng.
- Chỉ có một chỗ nhà trọ thôi cụ nhỉ?
- Ừ, cứ hỏi nhà ông Shihoda thì biết ngay. Nhà giàu trong làng đấy, nhưng chẳng biết là khu nghỉ dưỡng hay là chỗ ẩn cư.
- Nếu vậy thì không có khách cũng chẳng hề gì.
- Anh mới đến lần đầu tiên à?
- Không ạ, trước đây ít lâu cháu cũng có lần đi qua rồi..
Một thoáng im lặng. Trong lúc mở sổ tay lặng lẽ phác họa mấy con gà, tôi nghe thấp thoáng tiếng nhạc ngựa leng keng văng vẳng. Những âm thanh này tự hình thành trong tôi một bản hòa âm theo nhịp điệu riêng. Tôi có cảm giác như mình nghe tiếng cối xay từ nhà bên cạnh vọng sang đều đều trong ngủ giấc ngủ lơ mơ. Tôi ngừng phác họa, ghi bên lề trang giấy đang vẽ một bài thơ:
Tiếng nhạc ngựa
I’nen lắng tai nghe
Gió xuân
Trên đường lên núi tôi đã gặp năm, sáu con ngựa. Cả năm sáu con đều được thắt đai và đeo nhạc. Khó mà hình dung đó là những con ngựa của cuộc sống ngày nay.
Ðiệu nhạc ngựa êm đềm vẳng lại đã xé tan giấc mơ về một con đường núi vắng vẻ đang giữa mùa xuân. Có chút gì vui tươi lắng sâu vào đáy của nỗi buồn trong những âm thanh ấy, giống như tiếng hát được vẽ vào trong một bức tranh.
Ðiệu nhạc ngựa
Hơn cả tiếng đàn Suzuka
Mưa xuân.
Bài thơ lần này tôi viết thành dòng nghiêng. Viết ra rồi, tôi lại cảm thấy như đây không phải là thơ của mình.
- Lại có ai đến đấy. Bà cụ nói, nửa như đang độc thoại.
Bởi vì chỉ có một con đường mùa xuân này thôi, nên người đi người về ai cũng ghé vào quán nước. Có lẽ một trong số năm, sáu con ngựa mà trước đây tôi đã gặp khi chúng đi xuống núi, bây giờ quay trở lên, và mỗi lần nghe tiếng nhạc leng keng thì bà cụ đều nghĩ rằng có ai đó đến. Chắc hẳn bà cụ đã sống qua không biết bao nhiêu mùa xuân từ trước đến nay bên con đường cô tịch này, trong ngôi làng nhỏ bé ngập tràn hoa mà đếm mãi tiếng nhạc ngựa cho đến tận bây giờ, khi mái đầu bạc trắng.
Tiếng nhạc ngựa
Nhuộm mái đầu bạc trắng
Vãn xuân
Tôi viết bài thơ trên vào trang kế tiếp nhưng không thể diễn đạt hết cảm xúc của mình. Cảm thấy cần phải trau chuốt ngôn từ thêm chút nữa nên tôi cứ suy nghĩ và chăm chăm nhìn vào đầu chiếc bút chì. Tôi muốn thể hiện cô đọng trong mười bảy âm tiết những tứ thơ "tóc trắng", "giai điệu ngày xưa", và chọn câu mở đầu là "Tiếng nhạc ngựa", rồi cũng thêm cả quý ngữ chỉ mùa xuân nữa 6. Trong khi đang loay hoay với những tứ thơ thì có tiếng ngựa thồ dừng lại trước nhà, rồi ai đó cất tiếng:
>- Xin chào!
- Ồ, anh Gen đấy à? Lại đi xuống phố hả?
- Cụ cần gì thì cứ bảo cháu nhé.
- Ừ nhỉ, nếu anh có đi qua khu phố Kaji thì lấy giúp cho con bé nhà tôi một lá bùa 7 ở chùa Reigan nhé.
- Vâng, cháu sẽ mang về. Một lá thôi phải không? Cô Aki đã được gả về nơi tử tế và sống hạnh phúc rồi, phải không cụ?
- Giờ thì cũng may mắn là chưa có chuyện gì. Ừ, thì cũng có thể nói là hạnh phúc.
- Tất nhiên là hạnh phúc chứ, thưa cụ. Chỉ cần so sánh với cô gái ở chỗ Nakoi kia thì biết.
- Ừ, tội nghiệp thật đấy. Người đẹp như thế mà... Dạo này mọi chuyện có khá hơn không?
- Ôi, vẫn như mọi khi thôi ạ.
- Rõ khổ! Bà cụ thở dài sõng sượt.
- Ðúng là khổ thật. Anh Gen vuốt mũi con ngựa.
Những giọt nước mưa từ bầu trời xa thẳm rơi xuống vẫn còn đọng lại trên tán cây anh đào núi rậm cành, lúc này bị một cơn gió thổi qua cuốn khỏi nơi trú ẩn tạm thời, rơi xuống lộp độp. Con ngựa giật mình, hất chiếc bờm dài. Tiếng anh Gen kêu "Họ!" hòa cùng tiếng nhạc ngựa leng keng đã kéo tôi ra khỏi dòng suy tưởng.
Bà cụ bảo:
- Anh Gen này, tôi vẫn còn nhớ rõ, như đang thấy trước mắt mình, hình ảnh cô ấy lúc đưa dâu. Áo hoa dài tay, tóc búi cao kiểu takashimada 8, ngồi trên lưng ngựa...
- Ðúng rồi. Không phải thuyền mà là ngựa. Có nghỉ lại ở đây cụ nhỉ.
- Ừ. Rồi khi ngựa của cô dâu dừng lại dưới cây hoa đào kia thì hoa rơi lả tả, rắc lốm đốm lên cả mái tóc đã được búi công phu.
Tôi lại mở sổ ký họa. Cảnh này có thể đi vào tranh vẽ, mà cũng là một tứ thơ. Tôi thử tưởng tượng hình ảnh cô dâu lúc đó, rồi viết rằng:
Cô dâu trên lưng ngựa
Lộng lẫy lướt qua
Mùa hoa
Ðiều kỳ lạ là, tôi có thể hình dung rõ trước mắt mình hình ảnh về trang phục, mái tóc của cô dâu, cả con ngựa và hoa anh đào, nhưng chỉ riêng gương mặt cô thì không sao mường tượng được. Trong lúc tôi đang suy nghĩ xem nên vẽ gương mặt kiểu này hay kiểu khác, thì đột nhiên gương mặt nàng Ophelia trong tranh vẽ của Millais 9 hiện lên lắp vừa vặn vào bên dưới mái tóc búi cao của cô dâu. Không được rồi, tôi xóa vội những nét vẽ mà mình vừa phác thảo một cách thận trọng. Hình ảnh về trang phục, mái tóc, con ngựa và hoa anh đào phút chốc đã biến mất trong tôi, chỉ có hình ảnh nàng Ophelia trôi trên dòng nước với hai tay chắp lại là vẫn chập chờn trong tâm tưởng, như một làn khói mờ ảo không thể nào quét sạch bằng chổi được. Trong tôi dậy lên một cảm giác lạ lùng khó tả, như thể vừa nhìn thấy sao chổi kéo một vệt sáng ở đuôi quét ngang qua bầu trời.
- Thôi xin phép cụ, cháu phải đi đây. Anh Gen cất tiếng chào.
- Lúc về anh lại ghé chơi nhé. Có lẽ mưa to lại làm cho đoạn đường "bảy khúc quanh" khó đi hơn đấy.
- Vâng, chắc là hơi vất vả.
Anh Gen đáp lời rồi quay đi. Con ngựa cũng bước theo sau. Tiếng nhạc cứ leng keng leng keng mãi.
- Anh chàng đấy ở Nakoi phải không cụ?
- Vâng, anh Genbei ở Nakoi đấy.
- Anh ấy đã từng đưa cô dâu vượt đèo trên lưng ngựa kia à?
- Trong lễ đưa cô gái nhà Shihoda xuống làm dâu dưới phố, anh Genbei đã cầm cương con ngựa chở cô dâu. Ngày tháng trôi nhanh quá, mới đây mà đã năm năm rồi.
Những ai chỉ khi đứng trước gương mới thấy buồn phiền vì tóc mình đã bạc là người hạnh phúc. Còn như bà cụ này, chỉ nhận ra thời gian năm năm trôi nhanh khi đếm ngón tay, thì có lẽ đã gần thoát tục rồi.
- Chắc là đẹp lắm nhỉ. Ước gì cháu được nhìn cảnh ấy.
Bà cụ cười to:
- Bây giờ cũng nhìn được đấy chứ. Nếu anh đến chỗ suối nước nóng thì chắc chắn là cô ấy sẽ ra chào đấy.
- Ồ, bây giờ cô ấy vẫn ở trong làng đây ạ? Giá mà cô ấy vẫn mặc áo cưới truyền thống dài tay và búi tóc kiểu cô dâu nhỉ!
- Nếu mà anh đề nghị thì cô ấy sẽ mặc cho xem đấy.
Tôi nghĩ làm sao mà có chuyện như thế được. Nhưng bà cụ có vẻ rất nghiêm túc. Một chuyến đi tìm kiếm sự thoát ly tình cảm đời thường mà không gặp những chuyện thế này thì còn gì là thú vị!
- Cô ấy giống hệt nàng Nagara. Bà cụ bảo.
- Giống gương mặt ạ?
- Không. Giống về hoàn cảnh ấy.
- Thế ạ? Nhưng nàng Nagara ấy là ai thế?
- Nghe nói ngày xưa ở làng có một cô gái rất xinh đẹp, con của một gia đình giàu có. Người ta gọi là nàng Nagara.
- Thế à?
- Có hai người đàn ông cùng yêu cô ấy đấy, anh ạ.
- Thế đấy!
- Không biết nên ngả về phía chàng Sasada hay chàng Sasabe, suốt ngày cô ưu tư sầu muộn. Vì không dứt khoát được nên cô rất khổ tâm. Cô đã trầm mình xuống sông tự vẫn, sau khi đọc bài thơ:
Rồi mùa thu sang
Giọt sương mong manh
Tan trên đầu ngọn cỏ
Cuộc đời tôi cũng thế
Sẽ tan vào hư vô.
Tôi không hề nghĩ là mình lại gặp được một sơn thôn thơ mộng thế này, với một bà lão hết sức thú vị, và còn được nghe những câu chuyện xưa cũ bằng một thứ ngôn ngữ cổ xưa và thanh tao đến thế!
- Từ đây đi về phía đông khoảng gần một cây số thì sẽ gặp một ngôi mộ hình tháp năm tầng. Nhân tiện trên đường đi anh có thể ghé thăm mộ của cô gái ấy.
Tôi thầm nhủ mình nhất định phải ghé xem. Rồi bà cụ kể tiếp:
- Cô gái ở Nakoi cũng có hai anh chàng theo đuổi. Một anh thì cô gặp khi đi học ở Kyoto, còn anh kia là người giàu có nhất ở vùng này.
- Ồ, vậy cô ấy phải lòng anh nào?
- Bản thân cô ấy thì nhất định muốn gắn bó với anh chàng ở Kyoto, nhưng vì nhiều lý do, bố mẹ cô đã gả cô cho người ở vùng này...
- May mà cô ấy không trầm mình xuống sông đấy nhỉ.
- Chuyện là... anh chàng này vì ngưỡng mộ mà muốn cưới cô ấy nên có lẽ cũng rất chiều chuộng cô. Nhưng cô gái thì vốn mang tâm lý bị cưỡng chế nên không hòa hợp được với chồng, vì thế bố mẹ cô cũng rất lo lắng. Rồi khi chiến tranh xảy ra thì ngân hàng nơi chồng cô làm việc bị giải thể, và cô ấy về lại Nakoi. Thiên hạ chỉ trích cô đủ điều, cho rằng cô là người bạc tình, không nhân nghĩa. Cô vốn là người rất hiền lành nhút nhát nhưng dạo này hay nổi loạn, mỗi khi ghé lại đây anh Genbei đều nói rằng mọi việc có vẻ là không ổn...
Nếu mà nghe tiếp thì câu chuyện sẽ mất hay. Giống như khi ta sắp bay bổng lên cõi tiên thì bỗng có ai đó giằng níu lại. Tôi đã mạo hiểm vượt qua những đoạn đường khúc khuỷu để đến được nơi này, nên nếu mà sơ hở để bị kéo trở lại thế giới trần tục thì thật là phí công vô ích cho một cuộc dấn thân. Nếu ta lưu tâm quá mức đến những chuyện đời thường, thì mùi tục lụy sẽ thấm vào da thịt, làm dơ bẩn và nặng thêm thân xác.
- Cụ ạ, con đường này dẫn đến Nakoi có phải không? Tôi đặt mấy đồng tiền lẻ lên chiếc bàn nhỏ và đứng dậy.
- Từ chỗ mộ tháp năm tầng rẽ sang bên phải thì có một con đường tắt khoảng chừng tám trăm mét. Ðường hơi xấu nhưng hình như những người trẻ tuổi thì thích đi lối ấy hơn... Chỗ tiền nước này hơi nhiều đấy... Thôi anh đi cẩn thận!
Chú thích
1.Cửa shoji là loại cửa trượt, thường thấy ở những ngôi nhà Nhật Bản theo kiểu truyền thống, được đóng bằng những thanh gỗ nhỏ và dán giấy phủ lên các ô vuông giữa những thanh gỗ ấy.
2.Loại chiếu dùng để trải sàn nhà trong những ngôi nhà Nhật Bản kiểu truyền thống.
3.Tengu là tên một con quái vật tưởng tượng trong văn hóa Nhật Bản, có mặt đỏ, mũi dài, trên lưng có cánh và trên tay cầm một chiếc quạt.
4.Nagasawa Rosetsu (1754 - 1799) là một họa sĩ Nhật Bản nổi tiếng thời Edo.
5.Diễn viên chính trong kịch No Nhật Bản luôn đeo mặt nạ khi diễn xuất để thể hiện vai diễn.
6.Quý ngữ là từ chỉ mùa, một đặc trưng của thể thơ haiku. Theo quy ước của thể thơ này, quý ngữ có thể là từ gọi tên mùa hoặc là tên gọi một hình ảnh đặc trưng của một mùa nào đó trong năm, chẳng hạn như hoa anh đào là hình ảnh tượng trưng cho mùa xuân, chim quyên tượng trưng cho mùa hạ...v.v...
7.Chùa ở Nhật Bản thường bán những lá bùa cho khách đến thăm. Khách mua những lá bùa này với mục đích cầu sức khỏe, hạnh phúc...v.v...
8.Kiểu búi tóc của phụ nữ Nhật Bản khi mặc kimono, đặc biệt các cô dâu thường búi tóc kiểu này khi mặc trang phục truyền thống trong lễ cưới.
9.John Everett Millais (1829 - 1896) là họa sĩ người Anh.
Gối Đầu Lên Cỏ Gối Đầu Lên Cỏ - Natsume Sōseki Gối Đầu Lên Cỏ