Số lần đọc/download: 3953 / 107
Cập nhật: 2016-06-27 09:58:26 +0700
Chương 5
1
Kết thúc cũng là bắt đầu.
Tôi muốn giải thích thêm những sự việc ngoài cuộc đời Kim Trân và tin tức tìm kiếm, đấy là chương năm, chương cuối cùng.
Tôi cảm thấy chương này như hai cánh tay mọc trên thân thể của bốn chương trước, một cánh tay tìm kiếm thời gian trước câu chuyện, một cánh tay nữa thăm dò thời gian sau khi câu chuyện xảy ra. Hai cánh tay rất cố gắng vươn thật xa, dang thật rộng, hơn thế cũng rất may mắn đụng vào những sự thật, có cái như đáp án xa vời và rất hưng phấn. Sự thật, mọi chuyện thần bí và bí mật trong bốn chương trước, thậm chí những gì đặc sắc còn thiếu sẽ lần lượt xuất hiện trong chương này.
Ngoài ra, so với bốn chương trước, dù là nội dung hay ngôn ngữ tự thuật, tôi cố tình không tìm kiếm sự thống nhất về tình cảm, thậm chí cố ý làm nghiêng lệch và biến hoá. Hình như tôi thách thức tiểu thuyết truyền thống thông thường, nhưng kì thật tôi đầu hàng Kim Trân và câu chuyện về anh. Điều kì lạ là, sau khi quyết định đầu hàng, trong lòng tôi bỗng cảm thấy nhẹ nhàng, rất thỏa mãn, cảm giác như đã chiến thắng.
Đầu hàng không có nghĩa là từ bỏ. Khi đọc xong toàn văn các bạn sẽ biết, đấy là do người tạo lập hắc mật đã gợi ý cho tôi. Ôi, tôi đi quá xa mất rồi! Nhưng nói thật, chương này là thế, nói đi nói lại hình như thấy Kim Trân điên tôi cũng phát điên.
Hãy trở lại với câu chuyện.
Có người nghi ngờ hỏi tôi về tính chân thật của câu chuyện, đấy là ngọn roi thứ nhất kích thích tôi viết chương này.
Tôi đã từng nghĩ, để mọi người tin vào câu chuyện, tin là thật, là mục đích không thể bỏ qua. Nhưng câu chuyện này có một yêu cầu đặc biệt, vì nó là thật, không dễ nghi ngờ. Để giữ khuôn mặt vốn có của nó, tưởng như tôi phải mạo hiểm, ví dụ có hai chi tiết tôi có thể hoàn toàn dựa vào tưởng tượng nhưng phải xây dựng thật khéo, thật hợp tình hợp lí, hơn nữa còn có được sự hậu thuẫn của lối tự thuật. Nhưng, mong muốn và nhiệt tình muốn giữ nguyên bản không cho tôi làm như thế. Sở dĩ nói, nếu câu chuyện có khiếm khuyết nào đó thì nguyên nhân không ở người viết, mà tại nhân vật hoặc bản thân cơ chế cuộc sống. Không thể không như thế, ở mỗi con người đều có những điều không hợp logic hoặc có thể nói chưa đủ kinh nghiệm. Đấy là điều không còn cách nào khác.
Tôi cần nhấn mạnh, đây là câu chuyện lịch sử, không phải tưởng tượng, tôi ghi lại những hồi âm từ quá khứ. Có thể hiểu (vì thế có thể tha thứ) một số câu chữ được sửa chữa và có những hư cấu cần thiết, ví dụ tên người, địa điểm, thậm chí tưởng tượng màu sắc của bầu trời lúc bấy giờ. Một số thời gian cụ thể cũng có thể có sự sai lệch, những gì đến nay còn cần giữ bí mật tất nhiên tôi phải tước bỏ, có những miêu tả tâm lí có thể còn vẽ rắn thêm chân. Nhưng không còn cách nào khác, vì Dung Kim Trân là con người chìm đắm vào ảo tưởng, cả đời không có nổi một động tác, động tác duy nhất là phá khoá mật mã, nhưng vì bí mật, nên không có cách nào biểu hiện. Chỉ vậy thôi.
Ngoài ra, tìm thấy Kim Trân ở xưởng sản xuất giấy hay xưởng in huyện M, chuyện này không ai nói chính xác, hơn nữa hôm ấy đưa Kim Trân về không phải là Vasili, mà là nhân vật đứng đầu đơn vị 701, đích thân ông Cục trưởng đi đón. Mấy hôm ấy Vasili vì quá sợ hãi, quá mệt mỏi, nên bị ốm, không thể đi nổi. Vị Cục trưởng này mười năm trước đã xa chúng ta, hơn nữa lúc ông còn sống, ông không nhắc gì đến chuyện hôm ấy, hình như nhắc đến lại cảm thấy không phải với Kim Trân. Có người nói, ông Cục trưởng rất đau lòng về chuyện Kim Trân phát điên, trước lúc chết ông còn tự trách mình. Tôi không biết có nên tự trách mình hay không, chỉ cảm thấy ông tự trách mình khiến tôi càng tiếc cho kết cục của Kim Trân.
Trở lại câu chuyện.
Hôm ấy cùng với ông Cục trưởng đi đón Kim Trân ở huyện M về còn có người lái xe cho Cục trưởng, nghe nói người này lái xe rất giỏi nhưng lại mù chữ, vì thế mới có sự mơ hồ không biết đây là xưởng in hay xưởng làm giấy. Xưởng in và xưởng làm giấy bề ngoài cũng hơi giống nhau, đối với người không biết chữ, với lại lúc nhìn cũng không chú ý, lẫn lộn cũng là chuyện bình thường.
Tôi đã hỏi chuyện người lái xe này, muốn để ông ta phân biệt xưởng in và xưởng làm giấy, ví dụ xưởng làm giấy có ống khói cao, xưởng in thì không có, xưởng in có mùi mực in, xưởng làm giấy có nhiều nước bẩn chảy ra ngoài, nhưng không có mùi. Tuy vậy người lái xe vẫn không thể xác định nổi, lời lẽ hàm hồ, không chắc chắn.
Có lúc tôi nghĩ, có thể đấy là sự phân biệt giữa người có văn hoá và người không có văn hoá. Người không có văn hoá thường khó khăn trong việc phán đoán sự việc đúng sai phải trái, với lại cũng đã mấy chục năm rồi, người lái xe bây giờ là một ông già lẫm cẫm, rượu thuốc quá độ khiến trí nhớ của ông cũng bị thoái hoá nghiêm trọng. Ông nói một cách chắc chắn với tôi, sự việc xảy ra hồi năm 1967, không phải năm 1969. Sai lầm ấy khiến tôi mất tin tưởng vào những tư liệu ông cung cấp. Cho nên cuối câu chuyện thiếu hẳn một người xuất hiện, tôi cứ để nó sai, cho Vasili thay ông Cục trưởng đến huyện M.
Điều ấy phải nói rõ.
Đấy cũng là chỗ sai sự thật lớn nhất trong câu chuyện.
Về việc này tôi luôn cảm thấy đáng tiếc.
Có người tỏ ra quan tâm đến cuộc sống sau đấy của Kim Trân, đấy là ngọn roi thứ hai cổ vũ tôi viết chương này.
Có nghĩa là bảo tôi hãy nói với mọi người rằng, tôi đã hiểu câu chuyện này thế nào.
Tôi rất đồng ý nói.
Thật ra, tôi có thể tiếp xúc với câu chuyện này là do một lần cha tôi gặp hoạ. Mùa xuân năm 1990, cha tôi bảy mươi lăm tuổi vì trúng phong bị liệt, phải nằm viện, sau khi chữa trị không khỏi, phải chuyển sang viện điều dưỡng Linh Sơn. Có thể đây là bệnh viện người chết, nhiệm vụ duy nhất của bệnh nhân ở đấy là nằm yên chờ chết.
Sang đông, tôi đến viện điều dưỡng thăm cha, tôi phát hiện cha tôi sau một năm ốm nặng, trở nên hiền từ, thân ái đối với tôi, đồng thời trở nên thích nói chuyện. Có thể thấy, ông muốn lải nhải biểu thị nhiệt tình và tình yêu thương đối với tôi. Thật ra đấy là điều không cần thiết, vì tôi và ông đều biết, lúc tôi cần ông yêu thương nhất, hoặc do nguyên nhân nào đó, ông đã không yêu thương tôi đúng mức, có thể ông không ngờ gặp khó khăn như ngày hôm nay. Nhưng không có nghĩa là hôm nay ông phải yêu thương bổ sung. Không có chuyện ấy. Dù sao đi nữa, tôi tin mình không có ý nghĩ hoặc tình cảm nào khác đối với những gì không đúng của ông trong quá khứ, để ảnh hưởng đến tình thương yêu và lòng hiếu thảo của tôi đối với ông.
Nói thật, hồi đầu tôi cực lực phản đối cái viện điều dưỡng này, chỉ vì cha tôi yêu cầu, tôi đành chấp nhận. Tôi biết tại sao cha tôi đòi vào đây, không phải ông lo vợ chồng tôi không tận tình chăm sóc, khiến ông phải khó xử. Cũng có thể lo con cái bất hiếu với người ốm lâu. Nhưng tôi nghĩ còn có một khả năng khác, trông thấy ông đau ốm có thể chúng tôi đồng tình, thông cảm và càng có hiếu hơn.
Nói thật, thấy cha tôi cứ lải nhải những chuyện xấu hổ và đáng tiếc trong quá khứ, tôi cảm thấy khó chịu. Nhưng khi ông nói chuyện trong viện điều dưỡng, đủ chuyện li kì của bệnh nhân tại đây, tôi nghe rất vào, nhất là nói đến chuyện Dung Kim Trần. Lúc ấy cha tôi biết nhiều chuyện về Kim Trân, vì họ đều là bệnh nhân với nhau, gần nhau, như láng giềng.
Cha tôi nói, Kim Trân ở đây đã hơn chục năm, không ai không biết anh ta, hiểu anh ta. Mỗi bệnh nhân mới vào đều được nhận một món quà đặc biệt, đấy là chuyện của Kim Trân, mọi người truyền nhau câu chuyện về vinh quang và vất vả của Kim Trân trở thành trào lưu. Mọi người thích bàn luận là bởi Kim Trân rất đặc biệt, rất đáng kính. Tôi nhận ra rằng, ở đây ai cũng kính trọng Kim Trân, dù anh xuất hiện ở đâu, hễ trông thấy anh mọi người liền chủ động đứng lại, đưa mắt chào anh, nhường lối cho anh đi, mỉm cười với anh, tuy có thể anh không cảm nhận nổi. Lúc bác sĩ, y tá đến với anh, anh luôn luôn mỉm cười, khẽ nói chuyện, lúc lên xuống bậc thềm, họ rất cẩn thận đỡ anh, không để mọi người nghĩ anh là ông già hay trẻ con hoặc vị thủ trưởng nào đó.
Trong đời tôi chưa bao giờ thấy một người ốm đau được tôn kính như vậy, trên truyền hình đã trông thấy một lần, đấy là nhà khoa học ngồi trên xe lăn người Anh Stephen Hawking.
Tôi ở lại viện điều dưỡng một ngày, phát hiện bệnh nhân ban ngày đều có cách giết thời gian, họ tụ tập dăm ba người, hoặc đánh cờ, hoặc đánh bài, hoặc đi dạo, hoặc nói chuyện, bác sĩ y tá đến phòng bệnh kiểm tra hoặc phát thuốc đều phải thổi sáo gọi họ mới về. Chỉ có Kim Trân một mình lặng lẽ ngồi trong phòng, ăn cơm hoặc đi dạo bộ cũng phải có người gọi, nếu không anh không chịu rời buồng bệnh, giống như hồi xưa ở trong phòng giải mã. Vì vậy, viện phải cử một hộ lí chuyên trách, mỗi ngày ba lần đưa Kim Trân đến nhà ăn ăn cơm, cơm xong cùng anh đi dạo bộ nửa tiếng đồng hồ. Cha tôi nói, lúc đầu không ai biết quá khứ của Kim Trân, có những hộ lí cảm thấy phiền hà, không làm tròn trách nhiệm, thậm chí bỏ đói anh. Về sau, có một vị thủ trưởng cỡ lớn đến đây, ngẫu nhiên phát hiện, vậy là ông triệu tập bác sĩ y tá toàn viện để nói chuyện. Ông nói:
“Nếu gia đình các anh chị có người già cả, các anh chị đối xử thế nào với người già cũng phải đối xử với anh ấy như thế; nếu gia đình các anh các chị chỉ có trẻ con không có người già, các anh các chị đối với trẻ con như thế nào thì phải đối xử với anh ấy như thế, nếu gia đình các anh các chị không có người già và trẻ con, các anh các chị đối với bản thân thế nào thì phải đối xử với anh ấy như thế.”
Từ đấy về sau, những chuyện vinh quang và bất hạnh của Kim Trân lan truyền rộng rãi trong viện, đồng thời anh trở thành bảo bối của viện, không ai dám không chu đáo với anh, tỏ ra tận tình hơn với anh. Cha nói, nếu không phải do tính chất công tác quyết định, hoặc anh đã trở thành nhân vật anh hùng, mọi người mọi nhà sẽ biết, sự tích thần kì và vinh quang của anh sẽ được đời đời truyền tụng.
Tôi nói: “Tại sao không cử một người chuyên chăm sóc? Anh ấy rất xứng đáng được đãi ngộ như thế.”
“Đã có.” Cha nói, “nhưng vì thành tích của anh ấy được mọi người biết, mọi người đều tỏ ra tôn kính, muốn dành cho anh chút yêu thương, cho nên người chăm sóc chuyên trách trở nên thừa, phải bỏ đi.”
Cho dù mọi người tận tình quan tâm, chăm sóc đến anh, nhưng tôi thấy anh sống rất khó khăn, vài ba lần qua cửa sổ thấy anh ngồi ngơ ngác ở sofa, có mắt nhưng không thấy, ngồi bất động, giống như một pho tượng, nhưng hai tay như bị kích thích, cứ run lẩy bẩy. Buổi tối, qua bức tường trắng của bệnh viện, tôi vẫn nghe thấy tiếng ho già nua, có cảm giác như có vật gì đánh vào anh. Vào lúc đêm khuya thanh vắng, phòng bên vang lên tiếng kêu nghe như tiếng kèn đồng. Cha nói, đấy là tiếng khóc của anh trong lúc mơ.
Một buổi tối, trong nhà ăn của viện, tôi bất ngờ gặp Kim Trân, anh ngồi đối diện với tôi, ngồi co ro, cúi đầu, bất động, trông như một vật gì đó hoặc như một đống áo quần. Trông anh rất đáng thương, những biểu hiện trên nét mặt đều là dấu tích đáng ghét của thời gian đã mất. Tôi vừa lặng lẽ lén nhìn anh vừa nhớ đến lời cha nói. Tôi nghĩ, con người này đã có một thời trai trẻ, hăng say tài giỏi, là công thần của đơn vị 701 đặc biệt, có cống hiến to lớn cho sự nghiệp của đơn vị 701. Nhưng bây giờ đã già, lại mang bệnh thần kinh khá nặng, thời gian vô tình đã dồn ép anh, chỉ còn lại bộ xương (anh gầy giơ xương), giống như nước chảy chỉ còn trơ đá, ngàn đời nhân loại để lại câu thành ngữ càng ngày càng hay. Trong bóng tối, tôi thấy Kim Trân rất già, già đến kinh người, người già rất có thể xa người đời bất cứ lúc nào.
Anh cúi đầu, không phát hiện tôi nhìn lén, anh ăn xong, đứng dậy đang chuẩn bị đi, vô tình chạm vào ánh mắt tôi. Tôi phát hiện ánh mắt anh rất sáng, tưởng như sống lại, chậm bước về phía tôi, giống như người máy, nỗi đau và bóng tối hiện lên khuôn mặt, giống như một người ăn xin. Đến trước mặt tôi, anh nhìn tôi bằng cặp mắt cá vàng, đồng thời đưa hai tay ra cho tôi, giống như muốn xin gì, đôi môi mấp máy, khó lòng lắm mới nói nổi một câu:
“Sổ tay, sổ tay, sổ tay...”
Tôi giật mình hốt hoảng vì cử chỉ bất ngờ của anh, rất may cô y tá trực ban đến giải thích cho tôi. Cô khuyên giải và dìu anh, anh ngước lên nhìn cô y tá, lại quay đầu nhìn tôi, rồi đi một bước lại dừng, cứ thế ra cửa, biến mất trong bóng tối.
Sau đấy cha tôi nói, bất kể là ai, nếu anh ta trông thấy đều đi tới, hỏi cuốn sổ tay, hình như trong ánh mắt khách có giấu cuốn sổ. Tôi hỏi: “Anh ấy vẫn tìm sổ tay cơ à?”
Cha nói: “Đúng, anh ấy vẫn tìm sổ tay.”
Tôi hỏi: “Cha bảo tìm thấy rồi cơ mà?”
“Đúng là đã tìm thấy. Nhưng anh ấy làm sao biết được?”
Hôm ấy tôi thật sự ngạc nhiên.
Tôi nghĩ, một người bình thường sẽ không nghi ngờ người bị bệnh tâm thần đã mất hẳn trí nhớ, nhưng kì lạ là, mất cuốn sổ tay mà anh vẫn nhớ, vẫn ghi nhớ trong lòng. Anh không biết đã tìm thấy cuốn sổ, không biết thời gian vô tình trôi bên anh. Bây giờ Kim Trân không còn gì, chỉ còn bộ xương, với lòng kiên nhẫn vốn có, vẫn kiên nhẫn đi tìm cuốn sổ tay suốt hai mươi năm.
Đấy là hiện tại và tương lai của Kim Trân.
Sau này sẽ thế nào?
Liệu có xuất hiện kì tích không?
Tôi buồn rầu nghĩ, có thể, có thể.
Tôi biết, nếu bạn là người theo chủ nghĩa thần bí theo đuổi mục tiêu cao xa, nhất định còn hi vọng, thậm chí yêu cầu tôi treo bút. Vấn đề ở chỗ còn nhiều người, họ đều là những người thích hỏi đến tận cùng, thích rõ ràng, không quên số phận hắc mật sau đó, vẫn chưa thoả mãn, khiến tôi phải viết chương này.
Vậy là mùa hè năm thứ hai, tôi tìm đến đơn vị 701 tại thành phố A.
2
Giống như thời gian để lại vết sơn đỏ loang lổ trên cổng lớn của đơn vị 701, thời gian cũng xâm thực cái thần bí, uy nghiêm và yên tĩnh của đơn vị 701. Tôi vẫn nghĩ vào đơn vị 701 là chuyện phức tạp lắm, nhưng người lính gác xem xong thẻ nhà báo và chứng minh thư của tôi, rồi bảo tôi đăng kí vào một cuốn sổ đã quăn mép, thế rồi cho tôi vào. Thật đơn giản, tôi vô cùng ngạc nhiên, tưởng rằng người lính gác xem thường nhiệm vụ. Nhưng đi sâu vào trong, tôi hết nghi ngờ khi trông thấy có những người bán rau và những người dân đi chơi, trông họ rất thoải mái như vào chỗ không người, lại giống như về một làng quê nào đó.
Tôi không thích đơn vị 701 như trong tin đồn, cũng không thích đơn vị 701 như hiện tại, điều này khiến tôi có cảm giác hẫng hụt ghê gớm. Về sau tôi hỏi thăm, nơi tôi đến là khu tập thể mới xây dựng, đấy là khu vực trong khu vực, giống như hang động trong hang động, không những không dễ phát hiện, mà có phát hiện được thì cũng đừng hòng vào nổi. Lính gác ở đấy giống như hồn ma, bất ngờ xuất hiện trước mặt khách, toàn thân lính gác như toả khí lạnh giống như người được làm bằng băng. Họ không cho anh đến gần, sợ đến gần nhiệt độ cơ thể anh làm tan chảy họ.
Tôi ở đơn vị 701 mười hôm, có thể hình dung, tôi gặp Vasili, tên thật của anh là Triệu Kì Vinh. Tôi cũng được gặp chị Cù Lợi, vợ Kim Trân, chị không còn trẻ nữa, vẫn làm công việc cũ. Người chị cao lớn, thời gian cũng làm chị nhỏ bớt, nhưng so với người bình thường vẫn cao lớn. Chị không có con, cũng không có bố mẹ, chị bảo Kim Trân là con, mà cũng là bố mẹ của chị. Chị nói với tôi, điều buồn nhất đối với chị hiện nay là không được về hưu sớm, là bởi tính chất công việc của chị. Chị nói, sau này về hưu chị sẽ đến viện điều dưỡng Linh Sơn sống với chồng, nhưng bây giờ chị chỉ có thể đến với chồng vào kì nghỉ hàng năm, mỗi năm chỉ có hai tháng. Không hiểu có phải do làm công tác bí mật lâu ngày, ấn tượng về chị còn lạnh lùng, trầm mặc ít nói hơn cả Kim Trân như người ta vẫn thường nói. Nói thẳng ra, dù là Vasili hay vợ Kim Trân không giúp gì cho tôi, họ giống như những người khác trong đơn vị 701, không muốn nhắc lại những chuyện buồn của Kim Trân. Trước đây, dù có nhắc lại cũng rất mâu thuẫn, tưởng chừng những chuyện buồn khiến họ mất hẳn kí ức, họ không muốn nói, cũng không có cách nào nói ra. Dùng cách nói không có cách nói ra để đạt mục đích không muốn nói, có thể đấy là phương thức hữu hiệu nhất, được lòng nhất.
Tôi đến thăm vợ Kim Trân vào buổi tối, vì không nói được gì nhiều nên tôi về nhà khách sớm. về đến nhà khách được một lúc, tôi đang ghi chép những điều nghe và thấy ở vợ Kim Trân, bỗng có một anh chừng ba mươi tuổi đến tìm, anh ta tự giới thiệu là cán bộ của phòng bảo vệ đơn vị 701, gọi là Lâm, kiểm tra tôi một lần nữa. Nói thật, cậu ta không hữu hảo với tôi, thậm chí còn kiểm tra hành lí và căn phòng tôi ở. Tôi biết, sau khi kiểm tra, cậu ta càng tin lời tôi nói, tôi muốn viết về tấm gương người anh hùng Dung Kim Trân của họ, cho nên tôi không quan tâm đến việc kiểm tra vô lí của anh ta. Vấn đề là như thế, nhưng anh không tin tôi, cứ vặn hỏi, làm khó đối với tôi, cuối cùng anh bảo thu mọi giấy tờ của tôi gồm thẻ nhà báo, chứng minh thư, giấy giới thiệu công tác và thẻ hội viên Hội nhà văn cùng cuốn sổ tay tôi đang ghi chép, bảo là để kiểm tra kĩ tôi một lần nữa. Tôi hỏi, bao giờ trả lại, anh ta bảo còn phải xem kết quả kiểm tra.
Cả đêm hôm ấy tôi không sao ngủ được.
Sáng hôm sau, vẫn là anh ta đến tìm tôi, nhưng thái độ khác hẳn, vừa thấy tôi anh tỏ ra khiêm tốn, không mạo muội như hôm qua, rồi rất khách khí trả lại giấy tờ và sổ tay cho tôi. Rõ ràng, anh rất thoả mãn với kết quả kiểm tra, tôi đồ là vậy. Nhưng thật bất ngờ, anh đưa đến cho tôi một tin tốt lành: ông Cục trưởng muốn gặp tôi.
Được sự hộ tống của anh, tôi đàng hoàng đi qua ba vọng gác, bước vào chốn thâm nghiêm.
Đi qua ba vọng gác, vọng gác thứ nhất là cảnh sát vũ trang có hai người, người gác bên hông đeo súng lục và dùi cui; vọng gác thứ hai của bộ đội, cũng hai người, trên người khoác tiểu liên bóng loáng, chung quanh tường chăng dây thép gai, ngay trước cổng vào là một lô cốt tròn xoay xây bằng đá, bên trong có máy điện thoại, hình như còn có một khẩu súng máy; vọng gác thứ ba người gác mặc thường phục, chỉ có một người, anh ta đi đi lại lại, tay không vũ khí, chỉ cầm bộ đàm.
Thật ra, cho đến nay tôi vẫn chưa biết đơn vị 701 là thế nào, thuộc quân đội hay công an, hoặc của địa phương? Theo tôi quan sát, những người làm việc ở đây phần lớn mặc thường phục, một số ít mặc quân phục, xe cộ đậu trong sân có biển số địa phương, có biển số quân đội, biển số quân đội ít hơn xe biển số địa phương. Tôi hỏi thăm, mọi người cùng trả lời giống nhau, đầu tiên họ nhắc nhở tôi không nên hỏi, sau đây nói không biết, chỉ biết đây là một đơn vị cơ mật của nhà nước, dù là quân đội hay địa phương cũng đều là của nhà nước.
Tất nhiên đều là nhà nước, nói như thế còn có gì để hỏi nữa? Không nói hay nói đều như không, dù sao thì cũng là một cơ quan trọng yếu của nhà nước. Mỗi quốc gia đều có một cơ quan trọng yếu như thế, giống như mỗi gia đình đều có những biện pháp an toàn nhất định. Đấy là sự cần thiết. Không có gì kì lạ. Không có những cơ cấu như thế mói là lạ.
Sau khi qua vọng gác thứ ba, trước mặt chúng tôi là hai con đường nhỏ âm u thẳng tắp, cây trồng hai bên đường cao to, cành lá um tùm, chim chóc nhảy nhót trên cành, ríu ra ríu rít, có rất nhiều tổ chim, cảm giác như đi vào nơi hoang vắng, tưởng chừng đi nữa cũng khó trông thấy bóng người.
Nhưng rất nhanh chóng, tôi thấy trước mặt là một toà nhà sáu tầng, rất đẹp, tường ngoài ốp gạch men màu nâu, trông rất trang nghiêm, vững chắc, phía trước là khoảng đất trống rộng chừng nửa sân bóng đá, hai bên là hai thảm cỏ chạy dài, ở giữa là một bồn hoa hình vuông, trồng rất nhiều hoa, giữa những khóm hoa là bức tượng đá, tạo hình giống như tượng “Nhà tư tưởng” của Rodin[4]. Lúc đầu tôi nghĩ đây là tượng “Nhà tư tưởng” được phục chế, nhưng đến gần thì thấy tượng có đeo kính, dưới chân tượng khắc chữ, nét khắc mạnh mẽ, mới nghĩ là không phải.
Nhìn kỹ lại, tôi giật mình, thấy khuôn mặt bức tượng quen quen, nhưng không nghĩ ra đấy là ai, hỏi Lâm đi bên cạnh, mới biết đấy là tượng.
Dung Kim Trân.
Tôi đứng ngắm bức tượng hồi lâu. Dưới nắng, bức tượng Kim Trân một tay nâng cằm, nhìn thẳng vào tôi, cặp mắt rất có thần, giống mà cũng không giống với Kim Trân trong viện điều dưỡng, giống người thời tráng niên và đã về già.
Tạm biệt Kim Trân, không như tôi tưởng, Lâm không đưa tôi vào bên trong toà nhà, mà đi vòng ra phía sau, vào toà nhà hai tầng nhỏ hơn, tường ốp gạch men xanh có mạch vữa trắng, cụ thể là vào phòng tiếp khách rộng rãi ngay dưới tầng một. Lâm mời tôi ngồi rồi đi ra, lát sau, tôi nghe thấy ngoài hành lang có những âm thanh thật vang, sau đấy một ông già chống gậy tập tễnh bước vào, thấy tôi liền hồ hởi chào:
“Chào, chào đồng chí nhà báo, nào, chúng ta bắt tay...”
Tôi vội đi tới bắt tay ông, mời ông ngồi xuống sofa.
Ông vừa ngồi xuống, vừa nói: “Lẽ ra tôi phải đến gặp anh, vì tôi chủ động muốn gặp, nhưng anh thấy đấy, tôi đi lại không tiện một chút nào, đành phải mời anh vào đây.”
Tôi nói: “Nếu tôi không nhầm, hồi xưa ông đến Đại học N đón Kim Trân, ông họ Trịnh.”
Ông cười hà hà, cầm cái gậy chỉ vào chân mình: “Nó bảo với anh phải không? Các anh là nhà báo thì không thế. Ôi, đúng, đúng, chính tôi, xin hỏi anh là ai nhi?”
Tôi nghĩ, bốn thứ giấy tờ của tôi ông đã rõ, hà tất phải hỏi.
Nhưng để tôn trọng ông, tôi giới thiệu ngắn gọn về mình.
Nghe xong tôi giới thiệu, ông phẩy phẩy tập giấy photocopy cầm trên tay, hỏi: “Những tư liêu này anh lấy ở đâu?”
Tập tài liêu trong tay ông rõ ràng là bản photocopy sổ tay của tôi.
Tôi nói: “Chưa được tôi đồng ý, tại sao ông lại photocopy sổ tay của tôi?”
Ông nói: “Anh đừng lấy đấy làm lạ, chúng tôi buộc phải làm thế này là bởi chúng tôi có năm người cùng chịu trách nhiệm về những gì anh ghi chép, nếu mỗi người chuyền tay nhau xem, sợ mất dăm ba ngày không thể trả lại sổ tay của anh. Bây giờ thì được rồi, năm người chúng tôi đã xem, cho nên sổ tay vẫn là của anh, nếu không nó sẽ là của tôi.”
Ông cười, lại nói: “Điều tôi cần hỏi là, từ tối hôm qua giờ tôi vẫn nghĩ, tại sao anh lại biết những chuyện này, xin hỏi đồng chí nhà báo, đồng chí có thể nói với tôi được không?”
Tôi nói tóm tắt với ông những gì tôi được nghe và thấy ở viện điều dưỡng Linh Sơn.
Ông như hiểu ra, cười nói: “Thế này nhé, anh cũng là con em của hệ thống chúng tôi.”
Tôi nói: “Không, cha tôi làm thiết kế công trình.”
Ông nói: “Tại sao không, cha anh là ai nhỉ? Chưa biết chừng tôi cũng quen.”
Tôi nói với ông, rồi hỏi: “Ông có quen không?”
Ông nói: “Không quen.”
Tôi nói: “Vậy đấy, không thể, cha tôi không thuộc hệ thống của ông.”
Ông nói: “Những người được vào viện điều dưỡng Linh Sơn đều là thuộc hệ thống công tác của chúng tôi.”
Đấy là một tin quan trọng đối với tôi, cha tôi sắp chết, rõ ràng tôi chưa biết cha tôi là ai. Khỏi phải nói, nếu không phải là ngẫu nhiên, tôi sẽ không bao giờ biết được sự thật về cha tôi, giống như thầy Dung đến nay vẫn không biết Kim Trân là ai. Bây giờ tôi đủ lí do để tin rằng, cha tôi tại sao hồi ấy không dành đủ yêu thương cho tôi và mẹ, nhưng vấn đề không ở đấy, vấn đề là cha tôi dù phải chịu đựng oan ức nhưng vẫn không giải thích. Như thế gọi là gì? Là tín ngưỡng hay là cổ hủ? Là đáng kính hay là đáng buồn? Bỗng tôi cảm thấy khó hiểu, mãi đến sáu tháng sau, thầy Dung nói với tôi về nhận thức của mình đối với chuyện này, tôi mới hiểu, đồng thời tin rằng đây là chuyện rất đáng kính trọng hơn là buồn.
Thầy Dung nói, vì một chuyện bí mật mà phải giấu người thân mấy chục năm hoặc cả đời là không công bằng, nhưng nếu không như thế đất nước chúng ta có thể không tồn tại, ít nhất có nguy cơ không tồn tại, không công bằng đành phải không công bằng.
Thầy Dung đã làm tôi yêu quý cha tôi.
Trở lại câu chuyện. Đánh giá đầu tiên của ông Cục trưởng đối với sổ tay của tôi là, không lộ bí mật, tất nhiên tôi vui mừng như trút được gánh nặng, nếu không sổ tay của tôi không còn là của tôi nữa. Lời đánh giá tiếp theo của ông đã đưa tôi vào lãnh cung, ông nói:
“Tôi nghĩ rằng, những tư liệu anh lấy được đều nghe hơi nồi chõ, cho nên có nhiều chuyện đáng tiếc.”
“Thưa Cục trưởng, lẽ nào những gì tôi ghi đều không thật?” Tôi vội hỏi.
“Không!” Ông lắc đầu: “Đều thật cả... nhưng, biết nói thế nào nhỉ, tôi cho rằng, anh hiểu Kim Trân quá ít, đúng, quá ít.”
Nói đến đây ông châm thuốc, rít một hơi, suy nghĩ, rồi ngước lên, rất nghiêm túc nói với tôi: “Đọc những ghi chép trong sổ tay của anh, tuy vụn vặt, thậm chí phần nhiều là những chuyện nghe kể lại, nhưng làm tôi nhớ những chuyện cũ. Tôi rất hiểu Kim Trân, ít nhất là người hiểu cậu ta nhất. Anh có muốn nghe tôi nói những chuyện của cậu ta không?”
Trời đất ơi, thật may mắn, không cầu mà được!
Vậy là, mấy nghìn chữ ngẫu nhiên trong chốc lát nẩy mầm lớn mạnh. Trong thời gian tôi ở đơn vị 701 được gặp ông Cục trưởng vài lần, được hiểu sâu về lịch sử của Kim Trân, “Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh” bắt đầu từ đây. Tất nhiên ý nghĩa của chúng không phải chỉ có thế, ở một ý nghĩa nhất định, trước khi quen biết ông Cục trưởng, đối với tôi những chuyện về Kim Trân chỉ là truyền thuyết không đầu không cuối, bây giờ những chuyện ấy đã trở thành một đoạn lịch sử không còn gì nghi ngờ, mà ông Cục trưởng là người thúc đẩy chúng đổi thay và liên kết chúng lại với nhau. Ông không ngần ngại nhớ lại và kể với tôi những gì về Kim Trân, hơn nữa còn cho tôi một danh sách dài những người chí tình đối với Kim Trân trong một thời điểm nào đó, chỉ một số ít đã qua đời.
Điều đáng tiếc nhất đối với tôi là, trước khi rời khỏi đơn vị 701, tôi cứ luôn mồm Cục trưởng, Cục trưởng nhưng lại quên hỏi tên ông, thậm chí cho đến lúc này tôi vẫn chưa biết tên ông. Là quan chức của một cơ quan bí mật, tên là cái vô dụng nhất, thông thường tên bị che lấp bởi mã hiệu và chức vụ, thêm vào đấy là quá trình vinh quang của ông khiến ông bị thọt chân nên cái tên đã bị che khuất. Che khuất nhưng không phải không có, chẳng qua chỉ vùi xuống dưới. Tôi tin, nếu hỏi, ông sẽ nói với tôi, chẳng qua vì tôi rối trí, quên hỏi. Đến lúc này cái tên gọi của ông bỗng loạn cả lên, Tập Tễnh, Trịnh Thọt, Trưởng phòng Trịnh, Cục trưởng chống gậy, Cục trưởng Trịnh, Thủ trưởng... Ở Trường Đại học N vẫn gọi ông là ông Thọt, ông trưởng phòng Trịnh, ông tự gọi mình là Cục trưởng Chống gậy, tôi thường gọi ông là Thủ trưởng hoặc Cục trưởng Trịnh.
3
Cục trưởng Trịnh nói với tôi, quan hệ giữa ông và gia đình họ Dung kế thừa từ đời ông ngoại. Năm thứ hai sau Cách mạng Tân Hợi, ông ngoại của ông kết thân với ông Lily cha, hai người trở thành bạn thân. Ông lớn lên trong gia đình ông ngoại, từ nhỏ đã biết ông Lily cha. Lúc ông Lily cha qua đời, ông ngoại đưa ông đến trường đại học N dự lễ tang của ông Lily cha, lại biết ông Lily con. Lúc ấy ông mười bốn tuổi, đang học năm thứ hai trung học. Khuôn viên Trường Đại học N rất đẹp đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ông. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, ông cầm bảng thành tích học tập đến tìm ông Lily con, xin được vào học trung học phổ thông ở Trường Đại học N. Vậy là ông được vào học, thầy dạy ngữ văn là Đảng viên Cộng sản, đưa ông vào đảng. Chiến tranh chống Nhật bùng nổ, ông và thầy giáo cùng bỏ học để lên Diên An, bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng.
Sau khi vào Trường Đại học N, ông và Kim Trân hứa sẽ có ngày gặp nhau trong một cơ quan.
Nhưng, như ông Cục trưởng nói, cơ quan này chưa thành lập ngay từ đầu mà mãi mười lăm năm sau, ông thay mặt đơn vị 701 về Trường Đại học N tìm người làm công tác phá khoá mật mã, tiện thể đến thăm ông Hiệu trưởng và cũng tiện thể nói ông muốn tìm người thế nào, ông Hiệu trưởng cười vui giới thiệu Kim Trân.
Ông Cục trưởng nói: “Tôi không dám nói rõ với ông Hiệu trưởng cần người làm việc gì, nhưng tôi cần người có khả năng về mặt nào, điểm ấy thì tôi nói rõ. Ông Hiệu trưởng nói vậy, tôi liền để ý, vì tôi tin cặp mắt của ông Hiệu trưởng, và tôi cũng biết con người đó. Ông Hiệu trưởng không phải là người thích nói đùa, ông nói đùa với tôi ấy là muốn nói, Kim Trân là người có thể thoả mãn yêu cầu của tôi.
Sự thật là như thế, sau khi gặp Kim Trân chừng như ông quyết định ngay.
Ông Cục trưởng nói: “Anh nghĩ thử xem, một thiên tài toán học, từ nhỏ đã kết bạn với giấc mơ, quen với phương Tây, học xong sẽ đi sâu nghiên cứu bí mật của đại não con người, đúng là nhân tài trời sinh ra để làm công việc phá khoá mật mã, liệu tôi thờ ơ được hay sao?”
Còn việc ông Hiệu trưởng đồng ý cho người như thế nào, ông Cục trưởng bày tỏ, đấy là bí mật giữa ông với ông Hiệu trưởng cũ, ông không nói với ai. Tôi nghĩ, điều này có thể khẳng định, nhất định lúc ấy ông rất bức thiết, đành vi phạm kỉ luật của tổ chức, nói thật với ông Hiệu trưởng, nếu không tại sao đến nay ông vẫn kín như miệng vò?
Trong lúc nói chuyện với tôi, nhiều lần ông bày tỏ, việc phát hiện Kim Trân là cống hiến lớn nhất của ông đối với đơn vị 701, không ai ngờ cuối cùng Kim Trân có cái kết cục đầy bất hạnh. Cứ mỗi lần nhắc đến, ông đều đau khổ lắc đầu, thở dài thườn thượt, luôn miệng nói:
“Kim Trân!”
“Kim Trân.”
'Kim Trân ơi!”
(Ghi theo lời kể của ông Cục trưởng Trịnh)
Nếu nói, trước khi phá được khoá mã tử mật, hình ảnh Kim Trân trong tim tôi còn mờ nhạt, chuyển động bất định giữa người điên và thiên tài, nhưng sau khi phá được khoá tử mật, hình ảnh cậu ta trở nên rõ ràng, đẹp và đáng nể, giống như con hổ già tĩnh lặng. Nói thật, tôi rất phục, rất tôn sùng cậu ta, nhưng lại không dám đến gần. Tôi sợ cậu ta làm tôi bỏng, giật mình, đó là cảm giác đối với một con hổ. Tôi dám nói, trong linh hồn cậu ta là một con hổ. Cậu ta cắn xé khó khăn như hổ cố chấp nhưng rất ngon lành ngấu nghiến miếng thịt, cậu ta nghiến răng ngẫm nghĩ giống như con hổ lặng lẽ để rồi xông lên vồ mồi.
Một con hổ!
Chúa tể của muôn loài!
Thiên vương của giới mật mã!
Nói về tuổi tác, tôi là đàn anh của cậu ta, nói về tư cách tôi là nguyên lão của giới phá khoá mật mã, lúc cậu ta mới đến, tôi là trưởng phòng, trưởng phòng một, trong thâm tâm tôi coi cậu ta là anh cả, việc gì cũng muốn nghe ý kiến cậu ta. Tôi càng hiểu cậu ta, gần cậu ta, kết quả tôi trở thành nô lệ tinh thần của cậu ta, quỳ dưới chân cậu ta, quỳ mà không hề oán thán, ân hận.
Trên đây tôi đã nói, giới mật mã không cho phép xuất hiện hai tâm linh tương tự, tâm linh tương tự chỉ là đống rác. Vì thế, giới mật mã có một quy định bất thành văn, đấy là kỉ luật thép: một người chỉ có thể phá được khoá của một bộ mật mã. Bởi vì, tâm linh của người tạo dựng hoặc phá khoá mã đã bị quá khứ của anh ta hút chặt, tâm linh ấy coi như vứt đi. Nói về nguyên tắc, lẽ ra Kim Trân sau đấy không nên nhận nhiệm vụ phá khoá hắc mật, vì linh hồn cậu ta đã thuộc về tử mật, nếu phá khoá hắc mật, trừ phi cậu ta vò nát tâm linh để rồi tái tạo tâm linh.
Nhưng đối với Kim Trân, chúng tôi không tin quy luật khách quan tồn tại, càng tin cậu ta là một thiên tài. Nói một cách khác, tôi tin rằng, vò nát tâm linh để tái tạo, điều ấy ở Kim Trân không phải không thể. Chúng tôi có thể không tin bản thân, không tin quy luật khách quan, nhưng không có cách nào để không tin Kim Trân. Điều chúng tôi không tin có thể làm được, nhưng đến với cậu ta đều biến thành hiện thực, hiện thức sống động. Như vậy, nhiệm vụ phá khoá hắc mật vô cùng nặng nề cuối cùng đè nặng lên đôi vai cậu ta.
Điều ấy có nghĩa là cậu ta phải xông vào khu vực cấm. Khác với lần trước, lần này cậu bị người khác - cũng là bị tên tuổi chói sáng của bản thân - ném vào khu vực cấm. Không như lần trước, việc thâm nhập vào khu cấm của cánh rừng mật mã là do cậu chủ động...
Tôi không thăm dò nghiên cứu tâm trạng Kim Trân khi tiếp nhận hắc mật, nhưng tôi biết rõ việc cậu gặp nạn và sự bất công. Nếu nói lúc phá khoá tử mật Kim Trân không có một sức ép nào, thảnh thơi lâm trận, đến giờ đi làm, hết giờ ra về, bạn bè và đồng nghiệp bảo cậu ta như đi chơi, nhưng khi phá khoá hắc mật cảm giác ấy ở cậu ta hoàn toàn biến mất. Trên lưng cậu phải cõng cả nghìn cân ánh mắt, ánh mắt đè gãy lưng cậu ta. Trong những năm tháng ấy, mắt tôi trông thấy mái tóc xanh của Kim Trân bạc dần, người gầy quắt, tưởng chừng như vậy để cậu ta dễ bề lẻn vào mê cung hắc mật. Có thể tưởng tượng hắc mật hút hết máu và nước trên người Kim Trân, tuy cậu gậm nhấm hắc mật lại như bóp nát tâm linh mình, gian nan và khổ đau như hai cánh tay ma quỷ đè nặng lên đôi vai. Một con người vốn không liên quan gì đến hắc mật (vì đã phá được khoá tử mật) lúc này lại cõng toàn bộ áp lực của hắc mật, đấy là cái khó của Kim Trân, nỗi buồn của anh cũng là nỗi buồn chung của đơn vị 701.
Nói thẳng ra, tôi không nghi ngờ gì về tài năng và sự cần cù của Kim Trân, nhưng cậu ta không thể một lần nữa sáng tạo kì tích, phá khoá hắc mật. Trong giới phá khoá mật mã mỗi người chỉ phá khoá một bộ mật mã là quy luật thép, tôi không nghi ngờ gì điều ấy. Phải tin rằng, thiên tài cũng là con người, cũng có lúc hồ đồ, cũng phạm sai lầm, hơn nữa, một khi thiên tài phạm sai lầm tất nhiên là rất lớn. Sự thật, hiện tại giới mật mã nhất trí cho rằng, hắc mật không phải là một bộ mật mã cao cấp với ý nghĩa nghiêm túc nhất, trong quá trình lắp đặt khoá có hành động bỡn cợt làm kinh hãi người đời. Chính vì vậy, về sau có người của chúng ta phá được hắc mật, người ấy về tài năng không thể bằng Kim Trân, sau khi người này tiếp tay phá khoá hắc mật, giống như Kim Trân hồi xưa phá khoá tử mật, chỉ cần ba tháng, phá khoá hắc mật rất nhẹ nhàng.
Khoá hắc mật đã bị phá.
Người đó là ai?
Anh (chị) ấy còn sống không?
Cục trưởng Trịnh nói với tôi, người ấy tên là Nghiêm Thực, vẫn còn sống, ông đề nghị tôi đến thăm, sau đấy sẽ quay lại gặp ông, ông bảo vẫn còn tư liệu cho tôi. Hai hôm sau tôi quay lại gặp Cục trưởng Trịnh, câu đầu tiên ông hỏi:
“Anh có thích con người đó không?”
Ông nói con người đó tức là Nghiêm Thực, người phá khoá mật mã hắc mật, ông hỏi khiến tôi không hiểu.
Ông lại nói: “Đừng lấy làm lạ, anh em ở đây không ai thích con người ấy.”
“Tại sao vậy?” Tôi lấy làm lạ.
“Vì ông ta được quá nhiều.”
“Ông ấy phá khoá hắc mật, tất nhiên phải được nhiều chứ!” Tôi nói.
“Nhưng mọi người cho rằng ông ta dựa vào sổ tay của Kim Trân để có được linh cảm phá khoá hắc mật.”
“Đúng vậy, ông ấy cũng nói với tôi như thế.”
“Có chuyện ấy à? Không, ông ta không nói thế đâu.”
“Tại sao không? Chính tai tôi nghe ông ấy nói.”
“Ông ta nói gì?”
“Ông ấy nói, thật ra là Kim Trân phá khoá hắc mật, ông ấy chỉ được tiếng lây.”
“Đúng là một tin mới.” Ông Trịnh ngạc nhiên nhìn tôi. “Trước đây ông ấy tránh nhắc đến Kim Trân, nhưng tại sao với anh, ông ấy lại nói ra? Có thể vì anh là người ngoài chăng?”
Ngừng lại giây lát, ông nói tiếp: “Ông ấy không nhắc đến Kim Trân là để nâng cao mình, cho mọi người cảm giác một mình ông ta phá khoá hắc mật. Có thể thế được không? Sống với nhau mấy chục năm trời, liệu ai không hiểu, tưởng đâu chỉ qua một đêm ông ta trở thành đại thiên tài, liệu có ai tin? Cho nên, cuối cùng xem ra một mình ông ta độc chiếm vinh quang phá khoá hắc mật, ở đây không ai tin nổi, nhiều chuyện dị nghị lắm, tất cả đều bất bình thay cho Kim Trân.”
Tôi nghĩ, nên chăng nói với ông những chuyện ông Thực đã nói? Thật ra, ông Thực không dặn mà cũng không có ý bảo tôi đừng nói lại với ai những gì ông đã nói.
Lặng đi một lúc, ông Cục trưởng nhìn tôi, lại tiếp tục: “Từ trong sổ tay của Kim Trân, ông ta có được linh cảm phá khoá hắc mật, điều ấy không thể nghi ngờ, ai cũng biết, vừa rồi anh nói, bản thân ông ta cũng thừa nhận. Tại sao ông ấy không thừa nhận với chúng tôi? Như tôi vừa nói, trừ phi ông ấy muốn đề cao mình, điều này thì ai cũng hiểu, vì mọi người đều nghĩ như thế. Ông ấy một mực phủ nhận khiến mọi người phản cảm, không tin. Cho nên sự tính toán nhỏ nhen ấy tôi nghĩ không cao tay. Nhưng đấy là chuyện khác, tạm thời không nói đến. Bây giờ tôi có thể hỏi, anh có thể suy nghĩ, tại sao ông Thực lại có được linh cảm qua sổ tay của Kim Trân, mà Kim Trân lại không thể? Đúng lí ra, những gì mà ông Thực có được, Kim Trân phải có từ lâu, vì đấy là của cậu ta, là sổ tay của cậu ta. Ví dụ, cuốn sổ tay như một căn phòng, trong đó có chìa khoá mở hắc mật, chủ nhân không tìm thấy, nhưng một người khác đến không cố ý tìm lại tìm thấy, anh bảo có lạ không?”
Ông đưa ra một ví dụ rất đạt, hình tượng hoá sự thật mà ông hiểu, nói ra một cách rõ ràng nhất, thấu triệt nhất, nhưng tôi nói đấy không phải là sự thật. Nói một cách khác, ví dụ của ông không có vấn đề gì, vấn đề ở sự thật mà ông nhận định. Có lúc tôi thậm chí quyết định nói lại những gì ông Thực đã nói với tôi, đấy mới là sự thật. Nhưng ông không cho tôi nói chen vào mà cứ tiếp tục.
“Cũng chính từ đấy tôi càng tin rằng, trong quá trình phá khoá hắc mật cậu Trân đã phạm sai lầm cực lớn của một thiên tài, sai lầm này một khi rơi xuống đầu thiên tài sẽ biến thành kẻ ngốc. Mà sai lầm xuất hiện, nói cho cùng chỉ là tác dụng của quy luật thép mỗi người chỉ có thể phá được khoá của một bộ mật mã, là di chứng phá khoá tử mật tác yêu tác quái.”
Nói đến đây ông Cục trưởng trầm mặc hồi lâu, tôi có cảm giác như ông đang rơi vào nỗi buồn. Chờ cho ông nói tiếp, nhưng ông nói lời cáo từ. Vậy là tôi muốn nói nhưng không có cơ hội để nói. Không nói cũng chả sao, tôi nghĩ, vì lúc đầu tôi không định nói lại những gì ông Thực nói với tôi, cho dù có cơ hội mà không nói ra cũng tốt, nói ra sợ rằng tôi chỉ thêm gánh nặng tâm lí.
Lúc chia tay, tôi không quên nhắc nhở ông: “Ông bảo còn tư liệu cho tôi cơ mà?”
Ông “ồ” lên một tiếng rồi đến trước cái tủ sắt, mở ngăn kéo, lấy ra một tập hồ sơ, hỏi tôi: “Ở đại học, một thời gian cậu Trân có tên là Lâm, ông giáo sư người Tây tên là Hinsh, anh đã nghe thấy bao giờ chưa?”
Tôi nói: “Chưa.”
Ông nói: “Con người này đã từng cản trở cậu Trân phá khoá tử mật, những lá thư này là bằng chứng. Anh cầm lấy mà xem, nếu cần, anh photocopy.” Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Hinsh.
Cục trưởng thừa nhận, ông không hiểu Hinsh lắm, biết được tí gì cũng chỉ là nghe nói. Ông nói:
“Hồi ấy Hinsh liên lạc với chúng ta, tôi đang ở nước Y để học hỏi kinh nghiệm, lúc về tôi cũng không được biết, chỉ có tổ phá khoá tử mật được tiếp xúc, lúc ấy do Tổng cục trực tiếp chỉ đạo, có thể họ sợ tôi cướp công, cho nên giữ bí mật cả với tôi. Những thư này tôi xin được của một vị lãnh đạo Tổng cục, nguyên văn bằng tiếng Anh, nhưng đều được dịch sang tiếng Trung Quốc.”
Nói đến đây, ông Trịnh như sực nhớ ra: “Tôi phải giữ lại nguyên bản tiếng Anh.” Tôi lập tức mở ra, chuẩn bị chọn lấy bản tiếng Trung Quốc. Ngay lúc ấy tôi đọc được một bản ghi chép cuộc nói chuyện điện thoại: “Bản ghi điện thoại của Tiền Tống Nam” giống như lời dẫn truyện, để ngay trên đầu tập thư, tất cả chỉ mấy câu như sau.
Hinsh là nhà quan sát tình báo quân sự cao cấp làm thuê cho quân đội nước X, tôi gặp ông ta bốn lần, lần cuối cùng vào mùa hè năm 1970, về sau nghe nói ông ta và Phạm Lệ Lệ bị giam lỏng tại căn cứ PP. Không rõ nguyên nhân. Năm 1978 Hinsh chết ở căn cứ PP. Năm 1981 quân đội nước X kết thúc giam lỏng bà Lệ. Năm 1983 bà Lệ đến Hồng Công tìm tôi, mong tôi giúp làm thủ tục để bà ta về nước, tôi không đồng ý. Năm 1986, qua báo chí tôi biết bà Lệ đã về quê, quyên góp xây dựng một công trình nhân đạo tại huyện Lâm Thuỷ. Nghe nói, hiện tại bà định cư ở Lâm Thuỷ.
Ông Cục trưởng nói với tôi, Tiền Tống Nam là đồng chí của chúng ta làm nhiệm vụ trung chuyển thư từ cho Hinsh ở nước X, là người được tuyển chọn rất tốt để tôi hiểu Hinsh, nhưng đáng tiếc, anh này vừa qua đời năm trước. Phạm Lệ Lệ nói trong lá thư là bà vợ người Trung Quốc của Hinsh, muốn tìm hiểu Hinsh bà ta sẽ là người tốt nhất.
Sự xuất hiện của của nhân vật Lệ Lệ khiến tôi vui mừng khôn xiết.
4
Vì không có địa chỉ cụ thể, tôi nghĩ muốn tìm bà Lệ Lệ có thể rất khó, nhưng khi về huyện Lâm Thuỷ, hỏi thăm những người ở phòng giáo dục thì hầu như ai cũng biết bà. Trong mấy năm vừa qua, bà ta đã quyên góp xây được ba ngôi trường tiểu học, ngoài ra còn tặng hàng trăm nghìn đồng tiền sách cho thư viện mấy trường trung học trong huyện. Có thể nói, những người làm công tác giáo dục ở huyện Lâm Thuỷ không ai không biết bà, kính trọng bà. Nhưng khi tôi đến bệnh viện Kim Hào của thành phố C thì lòng tôi bỗng lặng đi. Vì người tôi cần gặp cổ họng đã bị cắt, cổ của bà vẫn bị băng bó, cảm giác như bà có hai cái đầu. Bà bị ung thư họng, bác sĩ cho biết, tuy vết mổ đã thành công, nhưng bà không còn nói được nữa, trừ phi luyện nói bằng phổi. Nhưng vì mới mổ, người bà rất yếu, không thể trả lời phỏng vấn của tôi. Cho nên tôi không nói gì, chỉ như mọi bậc phụ huynh học sinh trong huyện Lâm Thuỷ để lại bó hoa tươi và lời thăm hỏi rồi ra về. Suốt hơn mười ngày sau đấy tôi đến bệnh viện ba lần, ba lần cộng lại bà dùng bút chì viết cho tôi mấy nghìn chữ, tưởng chừng mỗi chữ của bà đều làm tôi kinh ngạc.
Nói thật, không có mấy nghìn chữ của bà, tôi sẽ không bao giờ biết được thực chất con người Hinsh, biết được thân phận, hoàn cảnh, nguyện vọng, nỗi khó xử, nỗi khốn khó, đau thương của ông ta. Với một ý nghĩa nào đó, sau khi ông Hinsh sang nước X ông không còn xứng đáng được gì khác. Mọi thứ của ông đều sai lầm.
Thật ra, mấy nghìn chữ ấy đáng được kiên nhẫn nghiên cứu và coi trọng. Bây giờ xin được chép ra đây.
Lần thứ nhất.
1. Ông ấy (Hinsh) không phải là người phá khoá mật mã.
2. Tuy ông biết mục đích ông ấy (Hinsh) viết nhiều thư như thế là muốn đưa người khác vào mê hồn trận, tại sao vẫn tin lời ông ấy? Đấy là sự lừa dối, ông ấy đâu phải là người chuyên phá khoá mật mã? Ông ấy chỉ tạo dựng mật mã, oan gia của người phá khoá mã.
3. Tử mật là do ông ấy tạo lập.
4. Chuyện này nói ra dài lắm. Ấy là năm 1946 có người tìm ông, người đến tìm là bạn học hồi học Cambridge. Hình như ông bạn này đang giữ một chức vụ quan trọng trong ủy ban trù bị thành lập nhà nước Israel, đưa ông (Hinsh) đến nhà thờ phố cổ Lầu, trước mặt Thượng đế, với danh nghĩa mấy trăm nghìn đồng bào Do Thái cầu mong ông Hinsh tạo lập cho nhà nước Israel một bộ mật mã. Ông mất nửa năm để tạo dựng bộ mật mã ấy, phía đối phương rất thoả mãn. Sự việc là vậy, nhưng ông ấy sợ mật mã bị người khác phá khoá. Từ thuở nhỏ ông lớn lên trong vinh quang, có lòng tự trọng, không cho phép mình thất bại. Do thời gian quá gấp, sau khi tạo lập mật mã, ông thấy còn nhiều khiếm khuyết, vậy là ông tạo dựng một bộ khác để thay thế. Ông say mê lao vào công việc, cuối cùng mất ba năm mới hoàn thành và ông lấy làm vừa ý. Đấy là mật mã tử mật. Ông yêu cầu phía Israel dùng bộ tử mật để thay thế mật mã trước đó. Kết quả sau khi dùng thử đã chứng minh tử mật quá khó, mọi người không sử dụng nổi. Hồi ấy chuyên gia phá mã Englert còn sống nghe nói có mật điện dùng tử mật, đã nói một câu: tôi phải xem ba nghìn bức điện mật này mới tiếp nhận phá khoá, nhưng tình thế này tôi chỉ còn đủ một nghìn bức[5], ý nói đời ông không còn đủ thời gian để phá khoá tử mật. Nhưng lúc bấy giờ chúng tôi không định rời khỏi đại học N để sang nước X tạo nên căng thẳng với Trung Quốc. Tình hình sau đấy như anh nói, để cứu cha tôi, chúng tôi lấy tử mật để giao dịch với nước X.
5. Đúng vậy, ông ấy nhận định Kim Trân sớm muộn gì rồi cũng phá được khoá mật mã tử mật, cho nên mới cố gắng cản trở Kim Trân.
6. Ở đời ông ấy chỉ khâm phục một người đó là Kim Trân. Ông ấy cho rằng Kim Trân là kết tinh trí tuệ của người Tây, trăm năm mới gặp một người như thế.
7.Tôi mệt rồi, hôm sau nói chuyện tiếp.
Lần thứ hai.
1. Thật ra ông ấy (Hinsh) vẫn đang nghiên cứu tạo dựng mật mã.
2. Mật mã cao cấp giống như nhân vật chính trong một vở kịch, cần có bổ sung thay đổi. Nghiên cứu tạo dựng mật mã cao cấp nói chung đều phải đồng thời nghiên cứu tạo ra hai bộ, một bộ dùng, một bộ dự phòng. Nhưng tử mật là việc của ông Hinsh, một mình ông không thể cùng lúc làm ra hai bộ mật mã. Hơn nữa, lúc ông nghiên cứu không nghĩ nó sẽ trở thành mật mã cao cấp, ông làm giống như nghiên cứu ngôn ngữ, chỉ cần tinh xác tỉ mi. Khi nước X coi đây là mật mã cao cấp, đồng thời quyết định nghiên cứu ngay một bộ tử mật dự phòng, đấy là mật mã hắc mật sau đấy.
3. Đúng vậy, khi ông sang nước X liền bắt tay vào nghiên cứu hắc mật, chính xác là giúp nghiên cứu.
4. Nói một cách nghiêm túc, mỗi người chỉ có thể làm được một bộ mật mã. Ông tham gia nghiên cứu hắc mật, không phải trực tiếp nghiên cứu cụ thể, mà là chỉ ra đặc điểm, đường hướng, giúp họ tránh được sự tương đồng, giao thoa, ông tựa như người hoa tiêu. Ví dụ tử mật bay lên trời, ông yêu cầu hắc mật phải chui xuống đất, còn làm thế nào để chui xuống là việc nghiên cứu cụ thể.
5. Được biết, trước khi Kim Trân phá khoá tử mật, công việc nghiên cứu tạo dựng hắc mật đã cơ bản kết thúc, độ khó không giống với mật mã tử mật. Lấy khó để chiến thắng là nguyên tắc trong tạo lập mật mã cao cấp, tại sao phải tập trung nhiều người có trí tuệ cao để nghiên cứu hắc mật là bởi mọi người nghĩ rằng cái khó sẽ làm nản lòng đối phương. Nhưng được biết Kim Trân sau khi đã phá được khoá mã tử mật, một mặt ông kiên quyết yêu cầu sửa lại hắc mật, mặt khác ông dự cảm Kim Trân đã phá được khoá tử mật cũng có thể phá được khoá hắc mật. Bởi ông biết Kim Trân là một thiên tài đặc biệt, việc đi sâu giải quyết khó khăn sẽ kích thích tài năng thần bí của cậu ta mà không thể làm cậu ta nản lòng. Không thể làm nản lòng đành phải tìm cách đưa vào mê hồn trận, dùng những quái chiêu để đưa tâm trí cậu ta vào mê loạn mới có thể hạ gục cậu ta. Nghe nói, về sau hắc mật được cải tiến rất nhiều, một mặt rất khó, một mặt rất dễ, không ra ngô cũng chẳng ra khoai, nói như ông Hinsh, giống như một người bề ngoài mặc như một nhà nghiên cứu nhưng trong lại không mặc quần lót, không đi tất.
6. Anh nói đúng, giới mật mã có quy định không thành văn, mỗi người chỉ có thể tạo lập hoặc phá khoá một bộ mật mã, bởi tâm linh của người tạo lập hoặc phá khoá mã đã bị quá khứ ám ảnh, tâm linh ấy coi như bỏ đi. Bởi vì không cho phép hai bộ mật mã gần giống nhau. Nhưng Kim Trân quá hiểu ông Hinsh, cậu ấy phá khoá tử mật giống như đánh cờ với ông Hinsh, tâm linh của cậu không thể vì thế mà bị ông Hinsh hút mất. Không bị hút, anh ấy có thể phá được khoá mật mã của người khác. Hắc mật không bị phá theo cách như vẫn thấy.
7. Tôi nghi ngờ điều anh nói hắc mật không phải do Kim Trân phá. Thứ hai, có thể có một người như thế, tôi tin rằng người ấy không dựa vào bản thân, mà là do Kim Trân để lại ghi chép cách phá khoá hắc mật.
8. Nếu có thể, anh nói cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra với Kim Trân?
9. Như vậy ông Hinsh không sai.
10. Ông Hinsh nói, đời chúng ta bị Kim Trân bóp nát, cuối cùng cậu ấy cũng tự bóp nát mình.
11. Loại người như Kim Trân chỉ có thể tự mình diệt mình, còn không ai có thể diệt nổi. Thật ra, hai người (Hinsh và Kim Trân) đều bị số phận tiêu diệt, có điều khác là, Kim Trân là một phần của số phận Hinsh, nhưng đối với Kim Trân, ông Hinsh chỉ là một ông thầy biết tài năng của học trò.
12. Hẹn anh hôm khác. Lần sau đến anh cho tôi xem những lá thư của ông Hinsh gửi cho Kim Trân.
Lần thứ ba.
1. Đúng vậy, Weinak chính là Hinsh.
2. Điều ấy đã rõ. Hồi ấy, ông Hinsh là nhân vật bí mật của một cơ quan bí mật, liệu có thể dùng tên thật để làm một nhà khoa học được không? Nhà khoa học là người của công chúng, tính chất nghề nghiệp không cho phép. Đạo đức nghề nghiệp cũng không cho phép. Ông ấy là một nhân vật cao cấp lại làm một việc bí mật, liệu cơ quan nào, tổ chức nào cho phép?
3. Bởi vì lúc bấy giờ ông Hinsh chỉ là người trợ giúp nghiên cứu hắc mật, cho nên có thời gian và công sức nghiên cứu chuyên đề. Thật ra, ông ấy muốn tiếp tục nghiên cứu trí năng nhân tạo. Phải nói rằng, lí thuyết toán học song hướng ông ấy đề xuất về sau có tác dụng quan trọng trong việc nghiên cứu phát triển máy tính. Tại sao ông ấy rất muốn Kim Trân ra nước ngoài? Không giấu gì anh, ông ấy có mục đích riêng, muốn đề Kim Trân ở nước ngoài hợp tác với ông ấy nghiên cứu trí năng nhân tạo.
4. Tại sao ông Hinsh lại lao vào con đường chính trị cực đoan, anh hãy tự suy nghĩ, tôi không trả lời được. Nói tóm lại, ông Hinsh là một nhà khoa học, rất ấu trĩ về chính trị, cho nên rất dễ bị tổn thương, mà cũng dễ bị lợi dụng. Những điều anh vừa nói về hành vi chống Cộng của ông Hinsh là sự bôi nhọ, tôi bảo đảm việc ấy không có.
5. Việc này (nước X giam lỏng vợ chồng ông Hinsh) cũng rõ ràng, hai bộ mật mã cao cấp tử mật và hắc mật đều lần lượt bị phá khoá, một bộ do chính tay ông Hinsh tạo dựng, một bộ nữa ông ấy tham gia tạo dựng. Mà phá khoá là do học trò của ông ấy, tôi lại là người của phía bên này, ông ấy viết nhiều thư - tuy bề ngoài là để tạo nên mê hồn trận, nhưng thực tế ai biết có thật mê hồn trận hay không? Hiệu suất phá khoá mật mã cao cấp là rất thấp, nhưng một người liên tiếp phá hai bộ mật mã, mà phá rất nhanh, bình thường mà nói là không thể, khả năng duy nhất là tiết lộ. Ai tiết lộ? Nghi ngờ lớn nhất là ông Hinsh.
6. Chính thức bị giam lỏng từ sau ngày mật mã hắc mật bị phá, cụ thể từ nửa cuối năm 1970. Nhưng trước đó (sau khi tử mật bị phá) hành động của chúng tôi luôn luôn có người theo dõi, thư từ điện báo đều bị giám sát, còn rất nhiều hạn chế khác, sự thật cũng đã bị nửa giam lỏng.
7. Ông Hinsh qua đời năm 1979 là bởi ông ốm.
8. Đúng vậy, lúc bị giam lỏng ngày nào chúng tôi cũng ở bên nhau, ngày nào cũng có chuyện để nói, tại sao tôi biết nhiều như thế, là do ông Hinsh nói chuyện trong thời gian bị giam lỏng, trước đấy tôi không biết một chút gì.
9. Tôi nghĩ, tại sao Thượng đế bắt tôi bị cái bệnh này, hình như vì tôi biết quá nhiều. Kì thật, không có miệng vẫn có thể nói, lúc có miệng tôi chưa bao giờ nói ra.
10. Tôi không muốn đem theo bí mật để ra đi, tôi muốn ra đi thật nhẹ nhàng. Đến với cuộc đời tôi không cần vinh quang, không cần bí mật, không cần bạn bè và kẻ thù.
11. Đừng nói dối tôi, tôi biết bệnh của mình, tế bào ung thư đã di căn, có thể tôi chỉ còn sống thêm vài tháng nữa thôi.
12. Xin đừng nói tạm biệt với người sắp chết, tôi rất bất hạnh. Anh về nhé, chúc anh bình an!
Mấy tháng sau, tôi nghe nói bà ấy mổ sọ não, mấy tháng sau nữa lại được tin bà ấy đã qua đời. Nghe nói, trong lời dặn lại bà ấy còn nhắc đến tôi, mong trong sách không viết tên thật của bà, vì “tôi và chồng tôi muốn được yên tĩnh.” Bây giờ, trong sách hai cái tên Phạm Lệ Lệ và Hinsh đều được đổi tên, cho dù điều ấy đã vị phạm chuẩn mực khi tồi viết cuốn sách này, nhưng biết làm sao được? Một người già số phận long đong lận đận nhưng có trái tim yêu thương, lời di chúc vẫn muốn được yên tĩnh, vì sinh thời không được yên tĩnh!
5
Cũng cần phải nói đến Nghiêm Thực.
Có thể vì Nghiêm Thực vứt bỏ Kim Trân để nâng mình lên, nên đã tạo ra sự ngăn cách, ông ta trở nên nhàn rỗi, không còn ở đơn vị nữa mà cùng với cô con gái lên tỉnh G ở. Đường cao tốc khiến cho tỉnh G và thành phố A gần nhau hơn, tôi xuất phát từ đơn vị 701 chỉ mất ba tiếng đồng hồ là lên đến tỉnh G và cũng không mất nhiều thì giờ để tìm được chỗ ở của con gái của ông, gặp được ông Thực đã già.
Trong tưởng tượng của tôi, ông Thực đeo kính cận thị nặng, hơn bảy mươi, gần tám mươi tuổi, mái tóc bạc trắng, ánh mắt giảo hoạt và bí ẩn, cho nên nhìn ông không hiền từ và nho nhã như một ông già. Lần đầu tiên gặp ông, ông đang ngồi trước bàn cờ vây, tay phải đang nắm hai quả bi rèn luyện sức khoẻ màu vàng, tay trái cầm quân cờ trắng, đang suy nghĩ. Nhưng trước mặt ông không có đối thủ, ông đánh cờ một mình. Đúng vậy, ông đang chơi cờ với mình, giống như mình nói chuyện với mình, có cảm giác buồn và cô đơn của người già nhưng chí chưa già.
Cháu gái của ông mười lăm tuổi, học sinh trung học, nói với tôi, ông nội của cháu sau khi về hưu kết duyên với cờ vây, ngày nào cũng đánh cờ, ngồi ngắm bàn cờ tiêu khiển thời gian, ông rất cao cờ, rất khó tìm được đối thủ, cho nên đánh cờ với sách cho đã thèm.
Ông ta đánh cờ một mình, nghĩa là đánh cờ với người giỏi cờ.
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ bàn cờ. Ông tự hào nói với tôi, cờ vây rất hay, có thể xua đi nỗi cô đơn, rèn luyện trí óc, di dưỡng tinh thần, kéo dài tuổi thọ, vân vân. Sau khi nói cái lợi của cờ vây, ông tỏ ra tâm đắc, nói chơi cờ vây là bệnh nghề nghiệp của ông.
“Cho nên, người làm công tác phá khoá mật mã, số phận và chơi cờ có mối liên hệ tự nhiên, nhất là những người có cuộc đời bình dị, cuối cùng không gì khác hơn là mê cờ, giống như cướp biển, thuốc phiện, những năm cuối đời muốn làm từ thiện.
Ông giải thích.
Ví dụ của ông khiến tôi tiếp cận với một sự thật nào đó, nhưng...
Tôi hỏi ông: “Tại sao ông cứ nhấn mạnh đến cuộc đời bình dị?”
Ông suy nghĩ rồi nói: “Đối với những thiên tài phá khoá mật mã, nhiệt tình và trí tuệ của họ có thể phát huy trong công việc. Nói một cách khác, tài năng của họ được sử dụng thường xuyên, được sử dụng cho công việc, tinh thần phấn chấn và được phát huy nên cũng được yên tĩnh, sâu xa và không bị áp lực, cũng không bị khô cằn. Không bị áp lực nên cũng không cần xả áp lực, không bị khô cằn nên cũng không cần khát khao yêu cầu tái sinh. Cho nên, đã là thiên tài những năm cuối đời của họ, trong quá trình tổng kết và nhớ lại, họ sẽ lắng nghe được những hồi âm đẹp của bản thân.
“Còn như tôi một cuộc đời bình dị - những người trong cuộc gọi những người như chúng tôi là nửa bầu trời, ý nói có một phần của thiên tài nhưng chưa có sự nghiệp của thiên tài, mấy chục năm sống trong tìm kiếm và áp lực, tài năng chưa được toả sáng, những người như thế về cuối đời không có gì để nhớ lại, cũng chẳng có gì để tổng kết, vậy thì, cuối đời họ làm gì? Hay là vẫn bận bịu, vô thức bận bịu kiếm tìm đất dụng võ, cố gắng giãy giụa trước khi chết? Say mê cờ chính là như thế, là một phần trong đó.
“Thứ hai, xét từ một góc độ khác, các thiên tài một đời khắc khổ đào sâu nghiên cứu, ý đồ sâu xa, đôi chân tư tưởng đi thật xa trên con đường nhỏ hẹp, cho dù lòng có ý nghĩ khác, muốn làm việc khác, nhưng đầu óc đã cố định một hướng, không thể rút ra nổi (ông dùng chữ rút ra khiến tôi thấy gai cả người, cho dù tôi cố nâng tinh thần lên rồi). Não lực của họ, lưỡi gươm tư tưởng của họ không có cách nào vung vẩy múa võ, chỉ có thể đâm chọc như một mũi kim, chọc thẳng. Anh có biết nguồn gốc căn bệnh của người điên không? Thiên tài thất thường và điên cờ cùng một con đường, đều do quá say mê. Anh mời họ đánh cờ vào những năm cuối đời? Không thể được, không còn đánh được nữa.”
Ông nói thêm như để chuẩn bị kết thúc: “Tôi vẫn cho rằng, thiên tài và điên là một cặp đối lập cao độ, thiên tài và điên như hai cánh tay bên phải và bên trái, là hai đầu vươn ra ngoài của cơ thể con người, chẳng qua hai chi khác nhau ở hai hướng. Trong toán học có khái niệm cực đại và cực tiểu, với một ý nghĩa nào đó, thiên tài là cực đại, điên là cực tiểu. Mà trong toán học cực đại và cực tiểu được coi là đồng nhất, đồng nhất vô cực. Cho nên, tôi vẫn thường nghĩ, một ngày nào đó nhân loại phát triển đến một trình độ nhất định, biết đâu điên cũng giống như thiên tài kiệt xuất, tạo sự nghiệp to lớn cho chúng ta. Không nói những chuyện khác, chỉ nói mật mã thôi nhé. Anh nghĩ, nếu chúng ta có thể tư duy như một người điên (tức là không tư duy gì) để suy nghĩ về một bộ mật mã, vậy bộ mật mã ấy không có người phá. Thật ra, sự nghiệp nghiên cứu mật mã là sự nghiệp gần với người điên, càng tiếp cận người điên tức là càng tiếp cận với thiên tài, ngược lại, càng là thiên tài lại càng gần với người điên, về mặt cấu tạo, thiên tài và người điên tương hô tương ứng, thật sự đáng ngạc nhiên. Cho nên tôi không kì thị người điên, là bởi tôi cảm thấy trong con người họ biết đâu ẩn chứa bảo bối, chẳng qua chúng ta chưa phát hiện mà thôi. Họ giống như một khu mỏ mật mã, chờ chúng ta khai thác.”
Nghe ông nói, tinh thần tôi như được tắm gội, có cảm giác tâm linh như được đánh bóng, tưởng như nơi sâu thẳm tâm hồn chất chứa bụi đất, từng lời nói của ông cứ thao thao tẩy rửa bụi trần, khiến tâm linh âm u của tôi như được bừng sáng. Khoan khoái quá, sung sướng quá! Tôi lắng nghe, tận hưởng, đắm say, tưởng như mất hẳn mạch suy tư, cho đến khi ánh mắt chạm vào những quân cờ đen trắng trên mặt bàn mới sực nhớ câu hỏi:
“Vậy ông đã mê cờ như thế nào?”
Ông đặt mình lên cái ghế mây, giọng nói vừa vui vừa tự trào: “Đấy là cuộc đời bình dị của tôi.”
“Không!” Tôi hỏi lại: “Ông phá được mật mã hắc mật, làm sao có thể nói là bình thường?”
Ánh mắt của ông trở nên đờ đẫn, toàn thân co rúm lại, cái ghế kêu cót két, tưởng như suy nghĩ làm cơ thể ông nặng thêm. Lặng đi một lúc lâu, ông ngước mắt nhìn tôi, hỏi rất nghiêm túc: “Anh có biết tôi đã phá khoá hắc mật như thế nào không?”
Tôi thành khẩn lắc đầu.
Anh có muốn biết không?”
“Tất nhiên.”
“Vậy tôi nói với anh, ấy là Kim Trân giúp tôi phá hắc mật.” Ông như cầu cứu: “Ôi, không, không, phải nói là Kim Trân phá khoá hắc mật, không phải tôi.”
“Kim Trân?” Tôi giật mình. “Chẳng phải anh ấy đã... gặp tai hoạ?”
Tôi không nói điên.
“Đúng vậy, anh ấy có chuyện, anh ấy điên. Nhưng anh không nghĩ được rằng, từ tai hoạ của anh ấy, tôi trông thấy bí mật của hắc mật.”
“Là như thế nào?” Tâm linh tôi căng thẳng như muốn vỡ đôi.
“Nói ra dài lắm.”
Ông thở dài, ánh mắt nhìn đi chỗ khác, ông như chìm vào quá khứ.
6
(Ghi theo lời kể của ông Nghiêm Thực)
Tôi không nhớ rõ thời gian cụ thể, có thể là năm 1969, cũng có thể là năm 1970, dù sao đang là mùa đông, Kim Trân gặp chuyện không may. Trước đấy Kim Trân là Trưởng phòng giải mã của chúng tôi, tôi là phó trưởng phòng. Phòng của chúng tôi là một phòng lớn, lúc đông nhất có bảy người, bây giờ ít rồi, ít nhiều rồi. Trước đấy có một ông trưởng phòng khác, ông ấy họ Trịnh, bây giờ vẫn tại chức, nghe nói là Cục trưởng. Ông ấy cũng là một người tài giỏi, bắp chân bị đạn, đi bước thấp bước cao, nhưng không ảnh hưởng đến việc ông đứng trong hàng ngũ những người tài giỏi. Kim Trân là do ông phát hiện, ông ấy đến khoa toán của đại học N, quan hệ giữa hai người rất tốt, nghe nói có quan hệ bè bạn thân thích gì đó. Trước đấy cũng có một vị trưởng phòng, là sinh viên giỏi của một trường đại học ờ trung ương, trong thế chiến thứ hai đã từng tham gia phá khoá mật mã của quân Nhật, sau giải phóng về đơn vị 701 chúng tôi và cũng đã lập công, rất đáng tiếc, sau đấy bị mật mã tử mật làm cho phát điên. Phòng giải mã chúng tôi may mà có ba người ấy mới giành được thành tích rực rỡ, tôi nói thành tích rực rỡ hoàn toàn không khoa trương thổi phồng, tất nhiên Kim Trân không xảy ra chuyện gì tôi dám khẳng định chúng tôi còn giành được những thành tích to lớn hơn nữa, càng vinh quang hơn, không ngờ... Ôi, không ngờ, việc đời không biết đâu mà ngờ!
Sau khi Kim Trân có chuyện, cấp trên quyết định tôi làm trưởng phòng, đồng thời tôi gánh trách nhiệm phá khoá mã hắc mật. Cuốn sổ tay kia, sổ tay của Kim Trân là tư liệu bảo bối để phá khoá mã hắc mật, tất nhiên cũng đến tay tôi. Anh biết không, cuốn sổ tay ấy là bình chứa tư tưởng của Kim Trân, cũng có thể nói, là bộ óc suy nghĩ về hắc mật, trong đó là những suy nghĩ của anh ấy về mật mã hắc mật, toàn những suy nghĩ kì lạ. Khi tôi đọc từng chữ từng câu, từng trang sổ tay cảm thấy từng chữ một đều rất quý, thật sự ngạc nhiên, mỗi chữ đều có hơi thở đặc biệt, kích thích tôi rất mạnh. Tôi không phát hiện được tài năng nhưng có năng lực nhận biết tài năng, ghi chép trong sổ tay bảo với tôi đường hướng phá khoá hắc mật. Kim Trân đã đi được chín mươi chín bước, chỉ còn bước cuối cùng.
Bước cuối cùng quan trọng nhất, ấy là tìm khoá mã.
Khái niệm khoá mã là thế này, nói ví dụ, hắc mật là cái nhà phải đốt, muốn đốt được nhà trước hết phải có diêm để có lửa, mà số diêm Kim Trân tích góp to như núi, có thể phủ kín ngôi nhà, chỉ còn mồi lửa cuối cùng. Khoá mã là mồi lửa cuối cùng, là điểm nổ.
Những gì có trong sổ tay đã phản ánh đấy là bước cuối cùng để tìm khoá mã, một năm trước Kim Trân đã bắt đầu đi. Ấy là nói, chín mươi chín bước trước đấy Kim Trân đã đi trong hai năm, nhưng bước cuối cùng anh còn chần chừ chưa bước. Điều này thật kì lạ. Theo một ý nghĩa nào đó, một người đi chín mươi chín bước trong hai năm, bước cuối cùng dù khó đến đâu cũng không cần đến một năm vậy mà vẫn chưa bước đi. Đấy là điều kì lạ.
Còn một điều kì lạ nữa là, không hiểu anh có lí giải nổi không, tức là, hắc mật là một bộ mật mã cao cấp đã sử dụng trước đó ba năm, nhưng chúng tôi vẫn không thấy bất cứ một sai sót nào của nó, ba năm không đánh rơi một giọt nước nào, không lộ dấu tích thật của nó, hiện tượng này rất hiếm thấy trong lịch sử mật mã. Điều này Kim Trân đã từng thảo luận với chúng tôi, cho rằng rất không bình thường, anh nhiều lần nghi ngờ, thậm chí nghi ngờ hắc mật là sự sao chép bộ mật mã cũ nào đó. Bởi vì chỉ có đã qua sử dụng tức là mật mã đã qua sửa chữa mới có thể hoàn mĩ đến vậy, nếu không, người tạo ra mật mã trừ phi là một ông thánh, là một đại thiên tài không thể tưởng tượng nổi.
Hai điều kì lạ là hai vấn đề buộc chúng ta phải suy nghĩ. Cứ theo cuốn sổ tay thì biết, Kim Trân đã suy nghĩ nhiều lắm, rất sâu và rất sắc sảo, sổ tay khiến tôi một lần nữa chạm vào linh hồn Kim Trân, đó là cái vô cùng cao đẹp và thật dễ sợ. Khi tôi vừa cầm cuốn sổ tay, tôi đã từng nghĩ để mình đứng lên vai Kim Trân, vậy là tôi suy nghĩ theo những suy nghĩ đã ghi trong sổ tay của anh ấy, nhưng tôi phát hiện mình đang bước vào một tâm linh vô cùng mạnh mẽ, mỗi hơi thở của tâm linh ấy đều gây chấn động và xung động đối với tôi.
Tâm linh ấy đang nuốt chửng tôi.
Tâm linh ấy bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng nuốt chửng tôi.
Có thể nói thế này, sổ tay tức là Kim Trân, tôi càng đối diện với nó, càng gần nó, càng cảm thấy nó lớn mạnh, sâu sắc, kì diệu, càng cảm thấy mình yếu đuối, nhỏ bé, tưởng như càng nhỏ hơn. Trong những ngày đó, qua từng câu từng chữ trong sổ tay, tôi càng cảm thấy thật rõ ràng Kim Trân là một thiên tài, tư tưởng của anh ấy thật kì lạ, càng đi sâu càng thấy sắc sảo, khí thế, sát khí đằng đằng... Tôi càng đọc càng cảm thấy tất cả nhân loại, sự sáng tạo và chết chóc cùng hiện lên, tất cả tạo nên cái mĩ cảm kì dị cực điểm, hiện rõ trí tuệ và tài năng kiệt xuất của loài người.
Cuốn sổ tay tạo cho tôi một nhân vật giống như một vị thánh, sáng tạo nên tất cả, lại giống như ma quỷ bóp nát tất cả, gồm cả trật tự tâm linh. Trước con người ấy tôi cảm thấy nồng nhiệt, sùng kính, sợ hãi, cảm thấy phải quỳ lạy. Sau ba tháng, tôi không đứng lên vai Kim Trân, tôi không đứng lên nổi! Chỉ là rất hạnh phúc và yếu ớt leo lên người anh ấy, giống như đứa trẻ bị lạc nhiều năm nay trườn vào lòng mẹ nó, lại giống như giọt mưa rơi lên mặt đất, ngấm vào lòng đất.
Anh có thể tưởng tượng cứ như vậy nhiều lắm tôi chỉ là người bước ra khỏi bước thứ chín mươi chín của Kim Trân, bước cuối cùng chôn vùi trong đen tối vĩnh viễn. Thời gian cũng có thể để Kim Trân bước nốt bước chân cuối cùng, nhưng tôi không thể, là bởi như tôi vừa nói, tôi chỉ là một hài đồng trên người anh ấy. Bây giờ anh ấy đã ngã xuống tôi mới phát hiện, Kim Trân để lại cho tôi cuốn sổ tay thật ra đã để lại cho tôi nỗi buồn đau, để tôi đứng trước thắng lợi, một thắng lợi hiếm hoi nhưng không có cách nào sờ thấy, nắm bắt được. Thật đáng thương, đáng buồn! Tâm trạng tôi lúc bấy giờ vô cùng khủng hoảng và khó xử.
Nhưng Kim Trân ra viện.
Đúng vậy, anh ra viện, không phải ra viện vì đã bình phục, mà là... nói thế nào nhỉ? Không thể chữa khỏi bệnh, ở mãi trong bệnh viện cũng thật vô nghĩa, phải về.
Cũng là ý trời, từ lúc Kim Trân ốm, tôi không gặp anh ấy. Lúc xảy ra chuyện, tôi ốm phải nằm viện, lúc tôi ra viện Kim Trân đã chuyển về tỉnh, tức là nơi này, để điều trị. Đến thăm anh ấy cũng bất tiện. Với lại tôi ra viện phải bắt tay ngay vào công việc phá khoá hắc mật, cũng không có thời gian đi thăm anh ấy. Tôi cũng phải đọc sổ tay của anh ấy. Cho nên Kim Trân bị điên, mãi đến khi anh ấy ra viện tôi mới được gặp.
Đấy là ý trời.
Tôi dám nói, nếu tôi gặp anh ấy trước đấy một tháng, rất có thể không có chuyện gì. Tại sao tôi nói vậy? Có hai nguyên nhân: thứ nhất, trong thời gian Kim Trân nằm viện tôi đọc sổ tay của anh ấy, khiến hình ảnh anh ấy trong tim tôi càng vĩ đại, càng mạnh mẽ; thứ hai, qua đọc sổ tay của anh ấy và sau một thời gian suy nghĩ, những khó khăn của hắc mật chỉ còn nhỏ như một mũi kim. Đấy là bước đệm, là cơ sở phát sinh những gì sau đó.
Buổi chiều hôm ấy, tôi nghe nói Kim Trân về, liền đi thăm, đến nơi mới biết anh ấy chưa về, vậy là tôi chờ ở dưới sân. Chỉ một lúc sau tôi trông thấy một chiếc xe jeep cũ dừng lại, từ phía sau xe hai người chui ra, đấy là ông Hoàng cán bộ của phòng chúng tôi và vợ Kim Trân. Tôi đi tới, hai người gật đầu hờ hững với tôi, rồi chui vào xe, bắt đầu đỡ Kim Trân từng bước chui ra. Hình như anh ấy không muốn ra, lại giống như một vật phẩm bị vỡ, không thể lôi ra ngay, chỉ có thể chầm chậm, cẩn thận đưa ra.
Một lúc sau đã đưa được Kim Trân từ trong xe ra, nhưng tôi trông thấy một người...
Anh ấy khom lưng, toàn thân run rẩy, cái đầu cứng đơ giống như vừa được đặt lên và chưa được chỉnh ngay ngắn, bị nghiêng, đôi mắt mở to tròn xoe, sợ hãi, nhưng lại như không trông thấy gì, miệng há, tưởng chừng không mím lại nổi, thinh thoảng nước miếng chảy ra...
Đấy là Kim Trân ư?
Tim tôi như bị bóp nát, thần trí hỗn loạn. Anh ấy làm tôi sợ hãi... Tôi đứng ngây ra, không dám đi tới chào hỏi, tưởng chừng như anh ấy làm tôi bị bỏng. Được vợ dìu, Kim Trân như nỗi sợ hãi biến mất trước mắt tôi nhưng không thể biến mất trong lòng tôi.
Về đến văn phòng, tôi ngồi vật xuống sofa, phải đến một tiếng đồng hồ không dám thở mạnh, vô tri vô giác giống như một xác chết. Khỏi phải nói, tôi bị kích thích quá lớn, mức độ chả khác gì cuốn sổ tay đã kích thích tôi. Về sau bớt dần, nhưng trước mắt vẫn hiện rõ cái cảnh Kim Trân xuống xe, nó nằm ngang lòng tôi như một ý nghĩ độc ác hiếm thấy, không tài nào xua đi nổi, cứ ỳ ra. Hình ảnh Kim Trân sau khi điên cứ bám chặt lấy tôi, giày vò tôi, càng nhìn anh ấy càng thấy thương, thê thảm quá, sợ hãi. Tôi tự hỏi, ai đã làm anh ấy đến nông nỗi này? Tôi nghĩ đến tai hoạ của anh ấy, nghĩ đến kẻ gây ra tại hoạ cho anh...
Chính là tên ăn cắp!
Không ai ngờ một thiên tài, một con người mạnh mẽ và đáng nể như vậy (cuốn sổ tay khiến tôi cảm thấy Kim Trân thật lớn mạnh và đáng sợ), một con người vừa có tầm cao vừa có độ sâu, là tinh hoa của loài người, là anh hùng của giới phá khoá mật mã, cuối cùng bị một cái gõ nhẹ của tên ăn cắp đập vỡ tan tành. Điều ấy khiến tôi cảm thấy bí ẩn và hoang đường, cái hoang đường gây chấn động mạnh cho tôi.
Mọi cảm giác gây chấn động đối với con người dễ làm anh phải suy nghĩ, nhưng suy nghĩ có lúc vô thức, cho nên rất có thể có kết quả, cho dù có cũng không nhất thiết có ý thức ngay được. Trong cuộc sống có lúc bỗng nhiên cảm nhận một cách vô cớ một tư tưởng nào đó, cảm thấy quái dị vô cớ, thậm chí ngờ rằng thần linh ban thưởng, thật ra từ lâu đã có trong người, chẳng qua nó lắng đọng quá sâu trông vô thức, lúc này chỉ nổi lên chút ít, giống như cá dưới đáy nước ngẫu nhiên ngoi lên.
Lúc bấy giờ suy nghĩ của tôi hoàn toàn có ý thức, hình ảnh nhỏ nhen của tên ăn cắp và hình ảnh cao đẹp của Kim Trân - hai người chênh nhau một trời một vực, khiến suy nghĩ của tôi có ngay định hướng, không nghi ngờ gì nữa, khi bạn trừu tượng hoá hai hình ảnh đó, so sánh đối chiếu về tinh thần hay thực chất đấy là sự chênh lệch giữa cái đẹp và xấu, nặng và nhẹ, to lớn và nhỏ bé. Tôi nghĩ, Kim Trân không bị mật mã cao cấp hoặc người tạo lập mật mã cao cấp quật ngã, nhưng bị một tên kẻ cắp gõ nhẹ đã quật ngã anh. Kim Trân suốt một thời gian dài chịu đựng giày vò, khắc khổ trước tử mật và hắc mật, nhưng trước bóng tối và khó khăn của tên kẻ cắp đưa lại, chỉ cần vài ba ngày là anh không chịu nổi.
Tại sao anh ấy không chịu đựng nổi chỉ một cái gõ nhẹ?
Lẽ nào tên kẻ cắp lại lớn mạnh thế hay sao?
Tất nhiên là không.
Tại Kim Trân yếu đuối?
Đúng vậy!
Vì kẻ cắp đã lấy đi cuốn sổ tay thiêng liêng nhất và bí hiểm nhất của Kim Trân, cuốn sổ tay là thứ quan trọng nhất và cũng là điểm yếu nhất của anh, giống như trái tim con người chỉ chạm nhẹ, chạm thật nhẹ cũng đủ làm chết người.
Anh biết đấy, trong những trường hợp bình thường anh phải cất giữ cái thiêng liêng nhất, quý báu nhất vào nơi an toàn nhất. Ví dụ cuốn sổ tay ấy Kim Trân phải cất vào cặp an toàn, để vào cái cặp da nhỏ là một sai lầm, là chỉ một sơ ý nhỏ. Nhưng ngược lại, nếu nghĩ tên ăn cắp là kẻ địch thực sự, là đặc công của nước X, mục đích gây án của nó là đánh cắp cuốn sổ tay, nếu là một đặc công, nó rất khó tưởng tượng Kim Trân lại có thể sơ ý đối với cuốn sổ tay, để nó vào cái cặp không an toàn, cho nên đối tượng ăn cắp của nó sẽ không phải là cái cặp da mà là cặp an toàn kia.
Điều ấy muốn nói, nếu tên ăn cắp là một đặc vụ chỉ nhằm đánh cắp sổ tay, vậy cuốn sổ để trong cặp da, ngược lại sẽ là khéo léo tránh được nạn cướp đoạt.
Chúng ta đưa thêm giả thuyết, nếu Kim Trân để sổ tay vào cặp da không phải là vô ý, mà là cố tình, nhưng anh ấy gặp một đặc vụ chính cống chứ không phải là tên ăn cắp, thử nghĩ xem, âm mưu của Kim Trân để sổ tay vào cặp da quả là cao siêu, nó đưa tên đặc vụ vào mê hồn trận, có phải không?
Điều ấy khiến tôi nghĩ đến hắc mật. Tôi ngờ rằng, phải chăng người tạo lập hắc mật không cố tình cất giấu khoá mã vào két bảo hiểm? Cái lí thông thường là phải cất thật kĩ, giấu thật kín, nhưng lại cố tình không bỏ vào két sắt, mà để ở cặp da? Nhưng liệu Kim Trân, một người vất vả mò mẫm với cái khoá mật mã có sắm vai một đặc vụ tìm sổ tay trong két bảo hiểm hay không?
Suy nghĩ ấy loé lên làm tôi vô cùng kích động.
Lúc ấy suy nghĩ của tôi hoàn toàn vớ vẩn, nhưng nó vớ vẩn lại trùng khớp với hai điều kì lạ tôi nói ở trên. Điều kì lạ thứ nhất nói về sự sâu sắc của hắc mật, thậm chí Kim Trân đã đi được chín mươi chín bước và khó bước nổi bước cuối cùng; điều kì lạ thứ hai vô cùng đơn giản, thậm chí liên tục sử dụng trong ba năm cũng không có sai sót. Như anh biết đấy, chỉ có cái đơn giản mới có thể tự nó vận hành hoàn mĩ như mong muốn.
Tất nhiên, nghiêm khắc mà nói, có hai khả năng đơn giản, thứ nhất giả đơn giản, tức người tạo lập hắc mật là một thiên tài hiếm có, anh ta tạo lập một bộ mật mã đối với anh ta là rất đơn giản và dễ dàng, nhưng với chúng ta là vô cùng sâu sắc. Khả năng thứ hai là đơn giản thật, tức là dùng cái khéo léo để thay cho cái sâu sắc, lấy cái siêu đơn giản để làm mê hoặc chúng ta, cài bẫy chúng ta, hãm hại chúng ta. Ví dụ, để khoá mã trong cặp da.
Sau đấy có thể tưởng tượng, nếu nói đấy là giả đơn giản, vậy hắc mật đối với chúng ta không thể phá nổi, vì chúng ta đối diện với một đại thiên tài hiếm có. Về sau tôi nghĩ, thoạt đầu Kim Trân cố chấp sa vào cái giả đơn giản. Nói một cách khác, anh ấy bị cái đơn giản giả đánh lừa, làm mê hoặc, hãm hại. Nhưng mà, anh ấy rơi vào cái giả đơn giản cũng là bình thường, chừng như tất nhiên, một mặt... nói thế nào nhỉ? Thế này nhé, anh và tôi là hai phía trên võ đài, anh đánh tôi gục xuống võ đài, sau đấy có một người của phe tôi nhảy lên đánh với anh, về tình cảm hay cảm giác đều dễ bị anh cho rằng con người này là cao thủ, ít nhất phải cao hơn tôi, đúng không? Kim Trân là như thế, anh ấy đã phá được khoá mã tử mật, là người chiến thắng trên võ đài, rất phấn khởi, nói về tâm trạng, từ lâu anh ấy đã chuẩn bị chiến thắng một cao thủ hơn thế. Thứ hai, nói về đạo lí, chỉ có giả đơn giản mới thống nhất được hai điều kì lạ, nếu không nó sẽ mâu thuẫn, đối lập nhau. Ở đây Kim Trân đã phạm phải sai lầm của một thiên tài. Bởi vì, theo anh ấy, một bộ mật mã cao cấp không thể có mâu thuẫn rõ ràng như thế. Kim Trân đã từng phá khoá mật mã tử mật, đã từng quen với cái kết cấu bí mật và tương thích với nhau, cho nên, đối diện với hai điều kì lạ, ý niệm của anh ấy không phải là kéo nó ra theo thói quen, mà là cố nén nó lại. Muốn nén nó lại thì đơn giản giả là sức mạnh duy nhất.
Tóm lại, thiên tài Kim Trân đã bị cái thiên tài của mình làm hại, khiến anh miên man trong cái giả đơn giản mà không thoát ra nổi. Điều này nói lên anh ấy có đủ dũng khí và thực lực để thách thức đại thiên tài. Tâm linh khát vọng và đại thiên tài chém giết lẫn nhau.
Tôi không như Kim Trân. Với tôi, giả đơn giản chỉ có thể làm tôi sợ hãi, tuyệt vọng, bịt lối thoát, bịt kín con đường này một con đường khác cũng sẽ tự nhiên mở ra dưới chân tôi. Cho nên, đơn giản thật, ý nghĩ khoá mã có khả năng để trong cặp da loé lên, tôi cảm thấy vui mừng chưa từng có, có cảm giác một cánh tay đưa tôi đến bên một cánh cửa, cánh cửa ấy chỉ cần đạp nhẹ là mở toang.
Đúng vậy, tôi rất kích động, nghĩ đến đấy tôi rất kích động, đấy là điều vĩ đại nhất đời tôi, vào khoảnh khắc thần kì nhất, chính vì có khoảnh khắc ấy trong đời mới có được sự thản nhiên, yên tĩnh ngày nay, thậm chí trường thọ. Phong thuỷ xoay vần, vào thời khắc ấy ông trời đem vận may đến ân thưởng cho tôi, tôi mơ hồ và hạnh phúc như được thu nhỏ lại, đưa trả về bụng mẹ, tất cả như được người khác chủ động đưa đến, khỏi phải đi lấy, khỏi phải trả ơn, giống như một cái cây.
Ôi, tâm trạng tôi trong khoảnh khắc ấy thật khó nắm bắt, cho nên nhớ lại cũng chỉ là khoảng trống. Tôi còn nhớ, tôi không lên máy ngay để tìm cách chứng thực suy nghĩ của tôi, có thể tôi sợ suy nghĩ của mình bị lộ, mặt khác vì tôi mê tín thời điểm ba giờ đêm. Tôi nghe nói, sau ba giờ đêm lúc ấy vừa có người, vừa có ma, thần khí và linh khí rất sung mãn, thích hợp cho mọi suy nghĩ. Vậy là tôi cứ đi đi lại lại trong phòng đầy tử khí giống như một phạm nhân, vừa lặng nghe nhịp tim mình đập dồn dập, vừa cố gắng kiềm chế xúc động mãnh liệt, chờ cho đến ba giờ đêm, sau đây đến ngay bên máy tính (bộ máy tính bốn trăm ngàn phép tính của ông Tổng cục trưởng tặng Kim Trân) bắt đầu tìm cách chứng thực giấc mơ hoang đường của hoang đường, và ý nghĩ kì lạ về những bí mật của bí mật. Tôi không biết mình tính toán trong bao lâu, chỉ nhớ tôi đã phá được khoá mã hắc mật, điên cuồng chạy ra khỏi hang (hồi ấy chúng tôi vẫn làm việc trong hang đá), quỳ trên mặt đất, vái trời vái đất. Trời chưa sáng, vẫn còn bóng tối.
Ôi, nhanh quá ư? Tất nhiên là quá nhanh, anh không biết đấy, chìa khoá của hắc mật ở ngay trong cái cặp da!
Ôi, không ngờ, hắc mật không có khoá!
Chìa khoá là không!
Không có khoá!
Không có gì sất!
Ôi, tôi không biết phải giải thích với anh thế nào, ví dụ thế này nhé. Ví dụ, hắc mật cất trong một ngôi nhà rất xa, một ngôi nhà ở nơi vô hạn trên bầu trời, ngôi nhà có vô số cửa, các cửa đều giống nhau, đều có khoá, nhưng chỉ có một cánh cửa mở được, nó lẫn lộn trong vô số cửa, các cửa giả đều không mở nổi.
Muốn vào trong đó trước hết phải giữa vô biên vũ trụ tìm được ngôi nhà kín đáo, sau đấy giữa vô số ô cửa giống nhau tìm thấy một cánh cửa có thể mở. Tìm thấy rồi, anh mới có thể tìm ra chìa khoá để mở cửa. Kim Trân chưa tìm thấy chìa khoá, nhưng anh đã giải quyết tất cả từ một năm trước đấy, tìm thấy ngôi nhà, tìm thấy cánh cửa thật, nhưng chưa thấy chìa khoá.
Cái chìa khoá, như tôi vừa nói, thật ra lấy một xâu chìa khoá cho vào lỗ khoá và thử. Xâu chìa khoá này đều do người phá mã căn cứ vào trí tuệ và sự tưởng tượng của mình để làm ra, cái này không mở được đổi cái khác, lại không được, lại đổi cái khác... Cứ như vậy Kim Trân bận suốt một năm, có thể biết anh ấy đã đổi bao nhiêu cái rồi. Nói đến đây, anh nên nghĩ rằng một người phá mã thành công cần có trí năng thiên tài cũng cần có vận may thiên tài. Vì theo lí thuyết, một nhân tài phá khoá mật mã trong bụng anh ta có vô số chìa khoá, nhất định sẽ có một chiếc mở được. Vấn đề ở chỗ chiếc chìa khoá ấy xuất hiện lúc nào, là bắt đầu, là khoảng giữa hay cuối cùng, trong đó có yếu tố ngẫu nhiên.
Yếu tố ngẫu nhiên này nguy hiểm đến mức có thể huỷ diệt.
Yếu tố ngẫu nhiên này thần kì đến độ có thể sáng tạo tất cả.
Nhưng đối với tôi, tính ngẫu nhiên gồm cả nguy hiểm và vận may đều không tồn tại, bởi trong tôi không có chìa khoá, tôi không đủ khả năng rèn chìa khoá, cũng không thể tìm đau khổ hoặc vận may trong số hàng triệu. Nếu cánh cửa có khoá, vậy có thể tưởng tượng tôi không thể lọt qua cánh cửa ấy. Nhưng lúc này, điều hoang đường là, cánh cửa như có khoá, thực tế lại không khoá, chỉ khép hờ, anh chỉ cần khẽ đẩy cửa sẽ mở ra. Khoá cửa hắc mật vớ vẩn đến khó tin, không dám tin, tất cả đều bày ra trước mắt, tôi vẫn không tin ở mắt mình, cho rằng mọi chuyện đều giả, đều là chuyện trong mơ.
Ôi, ma quỷ, đúng là ma quỷ tạo lập mật mã!
Chỉ có ma quỷ mới đủ dũng khí dã man và gian tà đến vậy!
Chỉ có ma quỷ mới có trí tuệ hoang đường và độc ác đến vậy!
Ma quỷ né tránh thiên tài Kim Trân, nhưng lại gặp con người tôi ngang ngược đón đầu. Nhưng có trời mới biết, tôi mới biết, tất cả đều là sáng tạo của Kim Trân, anh ấy dùng sổ tay của mình để nâng tôi lên tận trời cao, lại thông qua tai hoạ của mình chỉ rõ những điều bí mật của hắc mật được giấu kín. Có thể anh sẽ bảo điều ấy là vô tình, nhưng ở đời này có mật mã nào không phá bằng sự cố ý hay vô tình? Tất cả đều được phá bởi cố ý hoặc vô tình, nếu không tại sao chúng ta cần vận may từ bầu trời sao, cần mộ tổ bốc khói xanh?
Đúng vậy, mật mã trên đời này đều được phá trong cố ý hay vô tình!
Ha ha, thằng nhỏ, hôm nay mày không chú ý đã phá được mật mã của ta? Không giấu gì anh, những điều tôi nói với anh đều là bí mật, là mật mã của tôi, tôi chưa nói với ai bao giờ. Chắc chắn anh sẽ nghĩ, tại sao tôi chỉ nói với anh về những bí mật của tôi, những bí mật không đẹp đẽ của tôi? Nói với anh nhé, là bởi tôi sắp thành ông lão tám mươi, một ngày nào đấy có thể chết, tôi không muốn sống trong vinh quang hão...
Cuối cùng ông nói với tôi, sở dĩ đối phương làm ra một bộ mật mã không có khoá mã là bởi từ trong số phận bi thảm của mật mã tử mật nhận ra bước đường cùng của mình. Họ biết, chỉ một lần giao đấu họ hiểu được thiên tài của Kim Trân, nếu giao đấu chính diện chắc chắn họ sẽ chết, vậy là mạo hiểm làm chuyện sai trái, điên cuồng sử dụng quái chiêu xa lạ.
Nhưng họ không hiểu được rằng, Kim Trân còn có tuyệt chiêu, nói như lời ông già, Kim Trân thông qua tai hoạ của mình, phương thức thần kì của thần kì, nói với đồng nghiệp cái bí mật quái đản của hắc mật, đấy là ngón đòn có một không hai trong lịch sử phá khoá mật mã. Bây giờ tôi nhớ lại mọi điều, nhớ lại Kim Trân trong quá khứ và hiện tại, nhớ lại những điều thần bí và thiên tài của anh, lòng cảm thấy vô cùng kính trọng, vô cùng buồn thương, vô cùng thần bí!