Nguyên tác: Die Therapie
Số lần đọc/download: 1521 / 15
Cập nhật: 2017-05-20 09:13:55 +0700
Chương 4
V
iktor đi đến lò sưởi, trên bệ của nó có một cái ấm trà cũ bằng sứ Meißen được đặt trên một bếp hâm nhỏ. Khi nhận thấy cô gái ấy đang chăm chú quan sát mình, ông lấy lại bình tĩnh và tự bắt buộc mình không được phép quên cung cách đối xử lịch sự.
“Cô có muốn dùng trà không? Tôi vừa định pha trà mới”.
Người phụ nữ mỉm cười lắc đầu.
“Không, cảm ơn. Tôi không muốn việc ấy được tính vào thời gian của tôi”.
“Thôi được rồi. Ít ra thì cô hãy cởi áo bành tô ra và ngồi xuống đi”.
Ông dọn một chồng báo cũ trên chiếc ghế bành bọc da thuộc bộ ghế cũ. Cha ông đã sắp xếp chúng như thế trước đây nhiều năm, để người ta có thể đồng thời nhìn thấy lò sưởi và qua cửa sổ nhìn thấy biển ngay khi ngồi xuống ấm cúng với một quyển sách hay.
Viktor lại ngồi cạnh bàn viết của ông và nhìn người phụ nữ đẹp xa lạ trong khi cô ấy ngồi xuống nhưng không cởi chiếc áo bành tô Cashmere ra.
Im lặng thống trị trong khoảnh khắc, và người ta có thể nghe được một làn sóng lớn đập vào bờ biển để rồi rì rào dạt ra ngay sau đấy.
Viktor lại nhìn đồng hồ.
“Được rồi, cô... cô tên gì?”
“Tên tôi là Anna Spiegel, tôi là nhà văn”.
“Tôi có phải quen biết cô không?”
“Chỉ khi ông trong khoảng từ 6 đến 13 tuổi và thích đọc sách thiếu nhi. Ông có con không?”
“Có. Tức là...” Nỗi đau đến nhanh và mạnh. Cũng như câu trả lời của ông. Ông nhìn thấy ánh mắt cô đang chăm chăm vào tấm ảnh gia đình đặt trên bệ lò sưởi và nhanh chóng đặt câu hỏi ngược lại để không phải đưa ra một lời giải thích.
Cô ấy đã không đọc báo từ nhiều năm nay.
“Cô nói tiếng Đức chuẩn không pha giọng địa phương. Cô là người ở đâu vậy?”
“Berlin. Chính cống, nếu muốn như thế. Tuy vậy, sách của tôi thành công chủ yếu ở nước ngoài, đặc biệt là ở Nhật. Nhưng hiện giờ cũng không còn như thế nữa”.
“Tại sao?”
“Vì tôi không cho ra đời được quyển nào từ nhiều năm nay”.
Viktor không hề nhận ra rằng câu chuyện của họ đã trở thành trò chơi hỏi - đáp đặc trưng mà phần lớn các cuộc nói chuyện giữa ông và bệnh nhân trước đây hay dừng.
“Cô hoàn toàn không viết gì bao nhiêu lâu rồi?”
“Khoảng năm năm. Tác phẩm cuối cùng của tôi là một quyển sách thiếu nhi. Tôi nghĩ nó là tác phẩm hay nhất cho đến nay của tôi. Tôi cảm nhận điều đấy qua từng dòng chữ tôi viết ra. Nhưng rồi tôi không bao giờ vượt qua được hai chương đầu tiên.
“Tại sao?”
“Vì tình trạng sức khỏe của tôi bất thình lình xấu đi rất nhiều. Tôi phải nhập viện”.
“Vì lý do gì?”
“Tôi nghĩ là cho đến ngày hôm nay những người trong bệnh viện Park cũng không biết được điều ấy”.
“Cô đã ở trong bệnh viện Park ư? Trong Dahlem?” Viktor ngạc nhiên nhìn cô. Ông không hề đoán trước được khúc ngoặc này của cuộc đối thoại, về một mặt, bây giờ ông biết rằng cô ấy thật sự phải là một tác giả giàu có nếu như có khả năng chi trả được cho lần nằm viện đắt tiền ở đấy. Về mặt khác, cô ấy thật sự phải có vấn đề trầm trọng, vì bệnh viện tư sang trọng ấy không phải chuyên về những vấn đề thông thường của người nổi tiếng như nghiện rượu và nghiện ma túy mà chuyên về rối loạn tâm lý trầm trọng. Lúc trước, trước khi suy sụp, ông thường được mời đến tư vấn như chuyên gia từ bên ngoài và có thể khẳng định danh tiếng của bệnh viện này. Với lực lượng chuyên môn nổi tiếng nhất nước và với các phương pháp điều trị mới nhất, bệnh viện tư ở Berlin này đã đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá trong nhiều trường hợp. Tuy vậy, ông vẫn chưa từng trực tiếp gặp một bệnh nhân nào mà rời bệnh viện đấy trong trạng thái tinh thần tỉnh táo như Anna Spiegel đang ngồi bên ông trong ngôi nhà cạnh bờ biển của mình.
“Cô đã ở đấy bao lâu?”
“Bốn mươi bảy tháng”.
Bây giờ thì Viktor thật sự lặng người đi. Lâu đến thế cơ à? Hoặc là cô ấy nói dối đến gỗ thanh cũng phải cong lên, hoặc là cô ấy mang bệnh thật sự đáng ngại. Có lẽ là cả hai.
“Họ đã nhốt tôi trong một căn phòng gần bốn năm liền và cho tôi uống nhiều thuốc đến mức có lúc tôi không còn biết được tôi là ai và đang ở đâu”.
“Người ta chẩn đoán bệnh gì?”
“Lĩnh vực chuyên môn của ông đấy, bác sĩ Larezn ạ. Vì thế nên tôi mới đến tìm đến ông. Tôi mắc bệnh tâm thần phân liệt”.
Viktor dựa lưng vào ghế bành và lắng nghe cô ấy nói. Ông thật sự là chuyên gia trong lĩnh vực tâm thần phân liệt. Ít nhất thì cũng đã từng là.
“Sao cô lại nhập viện?”
“Tôi gọi điện cho giáo sư Malzius”.
“Cô tự mình xin giám đốc cho nhập viện?”
“Vâng, tất nhiên rồi. Bệnh viện này rất nổi tiếng. Ngoài ra thì tôi không biết là ai có thể giúp tôi được nữa. Người ta chỉ giới thiệu ông cho tôi cách đây vài ngày”.
“Ai nói tên tôi cho cô biết?”
“Một bác sĩ trẻ trong bệnh viện. Trước đó ông ấy đã cho tôi ngưng uống thuốc, để tôi có thể suy nghĩ mạch lạc được. Ông ấy cũng là người nói với tôi rằng ông là người tốt nhất cho trường hợp của tôi”.
“Người ta đã cho cô uống những gì?”
“Đủ mọi thứ. Truxal, Fluspi. Thường thì Flupentixol”.
Thuốc an thần kinh điển. Không sai trong mọi trường hợp, Viktor nghĩ.
“Không giúp được gì sao?”
“Không, từ ngày nhập viện triệu chứng ngày càng tồi tệ hơn. Cuối cùng, sau khi ngưng uống thuốc tôi cần đến nhiều tuần mới khỏe lại được. Tôi nghĩ đó đã đủ là bằng chứng nhằm loại trừ việc dùng thuốc để điều trị dạng tâm thần phân liệt đặc biệt của tôi”.
“Cái gì làm cho dạng của cô đặc biệt thế, cô Spiegel?”
“Tôi là nhà văn”.
“Vâng, cô đã nói điều đấy rồi”.
“Tôi cố gắng làm rõ điều đấy càng nhiều càng tốt qua một ví dụ nhé”. Lần đầu tiên, Anna không nhìn thẳng vào ông nữa mà bất chợt nhìn chằm chằm vào một điểm ảo ở phía sau lưng ông. Trước đây, trong phòng khám bệnh của ông trên đường Friedrich trong Berlin, Viktor đã từ bỏ chiếc giường của Freud [1] và thay vào đấy ông thích ngồi đối diện để hỏi chuyện bệnh nhân hơn. Vì thế mà ông đã quan sát được cung cách này nhiều lần rồi. Bệnh nhân tránh cái nhìn của ông ngay khi họ đang căng thẳng và muốn mô tả lại một sự kiện đặc biệt quan trọng càng chính xác càng tốt. Hay là họ đang nói dối.
“Lần thử nghiệm làm nhà văn đầu tiên của tôi là một truyện ngắn. Tôi viết nó lúc mười ba tuổi trong một cuộc thi đua của học sinh do thượng nghị viện Berlin tổ chức. Đề tài cho trước là ‘Ý nghĩa của cuộc sống’, và truyện của tôi nói về nhiều người thanh niên trẻ tuổi bắt đầu một cuộc thí nghiệm khoa học. Tôi vừa mới nộp bản thảo thì nó xảy ra ngay vào ngày hôm sau”.
“Cái gì?”
“Bạn gái thân nhất của tôi tổ chức tiệc mừng sinh nhật mười bốn tuổi trong gian Sảnh lễ hội của khách sạn ‘Vier Jahreszeiten’ ở Grunewald. Tôi đang trên đường vào nhà vệ sinh và phải đi ngang qua tiền sảnh của khách sạn. Cô ấy bất thình lình ở đấy. Cô ấy đứng ngay tại quầy tiếp tân”.
“Ai?”
“Julia”.
“Julia là ai?”
“Cô ấy. Julia. Một trong số những phụ nữ từ trong truyện ngắn của tôi, nhân vật chính trong cảnh mở đầu”.
“Cô muốn nói rằng cô nhìn thấy một người đàn bà giống như một người trong bài văn của cô?”
“Không phải”. Anna lắc đầu. “Không phải một người đàn bà giống như cô ấy. Đấy chính là cô ấy”.
“Cô nhận ra cô ấy bằng cách nào?”
“Cô ấy nói chính xác những từ tôi đã cho cô ấy nói trong cảnh đầu tiên”.
“Cái gì cơ chứ?”
Giọng nói của Anna nhỏ đi, và cô ấy lại nhìn thẳng vào mắt Viktor.
“Julia cúi người qua quầy và nói với nhân viên tiếp tân: ‘Này, em trai, nếu chị thật dễ thương với em thì có cho chị một phòng thật đẹp không?’”
Viktor không tránh né cái nhìn thách thức của cô ấy.
“Thế cô có nghi rằng đấy có lẽ chỉ là một sự tình cờ thôi hay không?”
“Có, tôi thật sự đã suy nghĩ lâu về việc này. Rất lâu. Chỉ có điều tôi khó có thể tin đấy chỉ là một sự tình cờ, vì sau đấy Julia đã làm chính xác những gì mà tôi đã viết trong bài văn của tôi”.
“Điều gì thế?”
“Cô ấy đưa một khẩu súng vào mồm và bắn tung não của cô ấy ra khỏi sọ”.
Viktor kinh hãi nhìn người phụ nữ.
“Đó là...”
“... một chuyện đùa? Rất đáng tiếc là không phải như thế. Người đàn bà cạnh quầy tiếp tân chỉ bắt đầu cho một cơn ác mộng mà tôi đã bị giam ở trong đấy từ gần hai mươi năm nay. Lúc nhiều hơn, lúc ít hơn, bác sĩ Larenz ạ. Tôi là nhà văn và đó là lời nguyền rủa của tôi”.
Viktor gần như có thể chuyển động đôi môi theo lời nói của cô ấy, ông biết chắc những gì cô ấy sắp nói ra đến mức như thế.
“Tất cả những nhân vật mà tôi cho họ thành hình trong suy nghĩ của tôi kể từ câu truyện ngắn đấy đều trở thành hiện thực. Tôi có thể nhìn thấy họ, quan sát họ, và thỉnh thoảng còn nói chuyện với họ nữa. Tôi nghĩ ra họ và trong khoảnh khắc kế tiếp họ có mặt trong cuộc sống của tôi. Căn bệnh của tôi đấy bác sĩ Larenz ạ. Đó là vấn đề của tôi. Đó là nét đặc biệt của cái được cho là bệnh tâm thần phân liệt của tôi”.
Anna cúi người về phía trước.
“Và vì thế nên tôi mới ở chỗ ông. Thế nào...?”
Viktor nhìn cô ấy và không nói gì trong khoảnh khắc đầu tiên.
Có quá nhiều ý nghĩ muốn đồng thời được suy nghĩ cùng một lúc. Quá nhiều cảm xúc đấu tranh với nhau.
“Thế nào, bác sĩ Larenz?”
“Thế nào là thế nào?”
“Ông có quan tâm không? Ông có điều trị cho tôi không, bây giờ, tôi đang ở chỗ ông rồi?”
Viktor nhìn đồng hồ. Năm phút đấy đã trôi qua rồi.
Chú thích:
[1] Sigmund Freud (1856 - 1939): bác sĩ, nhà tâm lý học người Áo, thành lập môn phân tâm học.