Số lần đọc/download: 1409 / 18
Cập nhật: 2016-04-09 07:22:54 +0700
Chương 5: Một Câu Tuyên Bố Ngông Cuồng
M
ười lăm phút sau khi được thông báo, ông Vân đã có mặt ở nhà. Ông Thành, cảnh sát trưởng, và các chuyên viên cũng đã đến đông đủ với các dụng cụ cần thiết.
Chụp hình. Đo tới, đo lui. Tìm dấu giầy, dấu tay. Xong xuôi, ông Thành cho tất cả ra về, chỉ giữ lại một viên thư ký, rồi mời ông bà Vân qua phòng khách để lấy lời khai trong vòng kín đáo.
- Ông Viên ghi cho đầy đủ nhé.
Sau khi dặn dò thuộc viên cẩn thận, ông Thành quay sang hỏi chuyện ông Vân:
- Xin ông Giám Đốc vui lòng cho biết vì sao ông để tiền mặt ở trong nhà quá nhiều như vậy?
Mặt tái ngắt vì xúc động nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, ông Vân đáp, giọng hơi run:
- Thưa, tiền bạc tôi vẫn gửi ở Ngân Hàng, lúc nào cần tiêu mới đi lấy. Với các nhà cung cấp, tôi luôn luôn thanh toán bằng chi phiếu. Tiền mặt lấy ra chỉ để trả cho nhân công. Ngày mai là 29, một ngày trước cuối tháng tức là ngày trả lương cho thầy thợ theo thông lệ. Trước kia, tôi vẫn để đến đúng kỳ lương mới ra Ngân hàng lấy tiền chở thẳng tới Thủ Đức. Nhưng cách đây ngót hai năm, có bữa toàn thể nhân viên các Ngân Hàng đình công tranh đấu về thuế lợi tức khấu lưu nhằm đúng vào ngày tôi cần tiền trả lương cho anh em. Dĩ nhiên bữa đó tôi không lấy được tiền ra. Đã đành đó là một trường hợp bất khả kháng và không thể dự liệu trước được, nhưng đó cũng là một cái gì làm buồn lòng những người cộng tác của tôi không ít. Bởi vậy, để giữ chữ Tín, và nhất là để cố giữ truyền thống của Công Ty luôn luôn trả lương cho nhân viên thật đúng hạn kỳ, tôi phải chạy vạy hết sức vất vả mới xong. Từ đó, rút kinh nghiệm, tháng nào tôi cũng ra nhà băng lấy tiền về trước một hai ngày cho chắc ăn…
- Có ai biết thói quen mới này của ông không? – Thành hỏi.
- Có. Nhiều người biết nữa là đàng khác. Sau cái bữa phải chạy đôn chạy đáo vay tiền, tôi thường vui miệng tuyên bố cạch không dám để đến đúng ngày trả lương mới đi lấy tiền về.
- Tủ sắt của ông thế nào? Khóa chữ có phức tạp lắm không?
- Như ông Quận trưởng thấy đó, tủ sắt của tôi do một hãng nổi tiếng bậc nhất chế tạo. Tủ càng lớn, nghĩa là tủ càng đựng được nhiều tiền thì càng được chế tạo chắc chắn và trình bầy càng đẹp. Dĩ nhiên, cách mở, cách đóng càng khó khăn, phức tạp hơn.
- Ngoài ông ra, còn những ai biết cách mở?
- Không có ai. Tôi là người duy nhất.
- Kể cả bà nhà?
- Vâng, kể cả nhà tôi. Kể cả những người vừa là bạn vừa là cộng sự viên thân tín nhất. Nhà tôi có chỗ để tiền riêng. Các cộng sự viên coi việc kế toán cho Công Ty cũng có tủ sắt riêng ở sở.
- Có khi nào ông phải đi giao dịch xa Saigon không?
- Có chứ.
- Và đi như vậy có lâu không?
- Từ vài ba ngày đến một tuần.
- Những khi ấy, ông có chỉ cách mở tủ cho bà nhà không?
- Không.
- Nhưng ít ra ông cũng phải có một tờ chỉ dẫn bỏ vào một bao thư niêm kín để ở nhà như mọi người thường làm phòng khi cần mở tủ mà ông chưa về kịp.
- Không. Tuyệt đối không. Tôi sợ tờ chỉ dẫn ấy có thể bị thất lạc và như vậy rất tai hại về sau, không biết vào lúc nào. Cho nên khi cần đi vắng lâu, tôi không để bất cứ cái gì trong tủ sắt. Tiền bạc và giấy tờ quan trọng, tôi giao cho hai ông phụ tá cất trong tủ sắt của Công Ty ở Thủ Đức.
Mắt lơ đãng nhìn bàn tay viên thư ký đưa thoăn thoắt trên tập giấy, đợi cho y ghi chép xong, Thành mới chỉ cái hộp quẹt máy hiệu Zippo và một bao thuốc lá Cotab đã bóc rồi và đã vơi hết mấy điếu đặt giữa một vuông vải trắng trên bàn.
- Ông có nhận được các vật này không? – Thành hỏi.
- Thưa có.
- Của ông?
- Không.
- Vậy của ai, thưa ông?
- Của một người bạn thân của tôi là ông Đặng văn Thụ.
- Sao ông nói chắc vậy? – Thành hỏi gặng.
- Thưa, rất giản dị. Hộp quẹt này bạn tôi có đã lâu, và tôi thấy ảnh dùng rất thường. Tôi nhớ một mặt có khắc mấy chữ: “Thân tặng Thụ”, tiếp theo là một chữ ký không rõ. Phong thuốc cũng dễ nhận. Ảnh quen dùng thuốc Cotab và có thói quen khi bóc ra dùng thì bóc luôn cái vỏ băng giấy bóng kính liệng đi.
- Xin ông cho biết trong trường hợp nào hai vật này lại có mặt ở trên bàn giấy của ông trong khi ông đi vắng.
- Thưa, quả tình tôi không được rõ. Sau khi được tin bị mất trộm, tôi ở sở về nhà thấy phong thuốc lá và hộp quẹt quen thuộc, tưởng ban sáng anh Thụ lại chơi có việc gì. Hỏi thì nhà tôi bảo không, anh Thụ đâu có lại. Thưa ông Quận trưởng, trong cái gạt tàn tôi còn thấy một điếu thuốc…
Ông Cò gật gù, ngắt lời:
- Phải rồi, tôi cũng để ý đến cái tàn nguyên lành của một điếu thuốc châm rồi để cho cháy hết chứ không hút.
- Bạn tôi, anh Thụ, không bao giờ có thói quen ấy. Theo tôi nghĩ, hình như kẻ gian cố ý gieo vạ cho anh ta.
Thành quay sang bà Vân, đột ngột hỏi:
- Thưa bà, xin bà cho biết ý kiến nếu hai vật này bà cũng nhận thấy như ông nhà là của ông Thụ.
Bà Vân trả lời không cần suy nghĩ:
- Thưa ông Quận trưởng, chắc chắn đó là đồ dùng của ông Thụ, nhưng tôi không nghĩ rằng ông Thụ là người mang chúng đến đây sáng hôm nay.
- Vậy xin ông bà cứ thực tình cho biết ông bà có nghi cho ai không.
Cả hai người cùng lắc đầu trả lời mau mắn:
- Thưa không.
Trầm ngâm mấy phút, Thành hỏi tiếp:
- Xin ông Giám Đốc cho biết ông Đặng văn Thụ là người như thế nào.
- Thưa, ông Thụ là một trong số mấy người bạn học thân của tôi. Anh em chơi với nhau từ ngày còn nhỏ, từ hồi “còn để chỏm” như người ta thường nói. Gia đình khá giả, ăn học đàng hoàng. Rồi ra đời, mỗi người đi một lối, tôi buôn bán, anh ấy làm công chức. Hiện giữ một chức chủ sự khiêm tốn ở Nha Xây Cất.
- Theo ông thấy, ông Thụ có nhiều kẻ thù không?
- Không có đâu, ông Quận trưởng. Anh ấy hiền khô, người ta kêu là “hiền như bụt”. Làm sao anh ấy có kẻ thù cho được?
- Biết đâu không vì tranh giành quyền lợi nọ kia? – Thành vẫn hỏi gặng.
- Tôi không rành về nhiệm vụ của anh ấy ở công sở, nhưng dường như anh ấy cố tình không nhận những chức vụ có ít nhiều quyền hành hay có liên quan đến tiền bạc.
- Còn chị ấy – bà Vân tiếp lời chồng – chị ấy cũng không chịu bon chen như người ta. Gia cảnh thanh bạch thì chỉ biết thu va thu vén cho đỡ túng thiếu chứ không thèm làm áp phe hay hụi hè gì với ai hết.
Thành nhận một điếu thuốc thơm đầu lọc do Vân mời, châm hút, suy nghĩ thật lung trước khi nói bằng một giọng ôn tồn nhưng nghiêm trọng:
- Vì quyền lợi của chính ông bà, ông bà cần cho tôi biết thật rõ những điểm đặc biệt dính dáng đến ông Thụ, dù nhỏ nhặt đến đâu cũng được. Một thói quen, một biệt tài hay một tật xấu độc đáo nào của ông ta cũng có thể giúp ích rất nhiều cho cuộc điều tra. Một thói xấu của đương sự không nhất thiết làm hại đương sự đâu. Trái lại, nó có thể là một sợi dây hữu ích giúp cho nhà chức trách phăng lần ra manh mối…
Ông Vân cười nói:
- Anh Thụ có nhiều nết tốt, những tính tốt thông thường của một gia trưởng, của một công chức, tưởng chả có gì đáng nhấn mạnh. Về biệt tài… à, anh ấy có tài làm ảo thuật.
- Làm ảo thuật? – Thành ngạc nhiên hỏi.
- Vâng, chả biết anh ấy học lỏm được ở đâu, nhưng biểu diễn cũng xôm trò lắm. Nhiều bữa tiệc vui nhờ tài mọn của anh ấy mà nổi đình đám. Như tháng trước, ăn cơm ở nhà tôi, anh ấy vo chiếc khăn mùi xoa rồi không biết lấy ở đâu ra cả chục con chim bồ câu khiến cả bàn tiệc phải khâm phục sát đất.
Hồi tưởng buổi tiệc đãi các bạn thiết của chồng hôm ấy, bà Vân bỗng phì cười, buột miệng nói:
- Nhưng ai cũng ngán cái thói nát rượu của anh ta. Thật là nát rượu không ai bằng…
Linh cảm thấy cuộc điều tra đã đến một khúc quanh thú vị, Thành vui vẻ yêu cầu:
- Xin bà cho nghe đầy đủ cái nát rượu của ông bạn.
- Vâng – bà Vân thong thả kể – tháng trước nhà tôi có mời mươi ông bạn cũ dùng cơm thân mật ở nhà. Các ông đều quen nhau từ ngày còn ở tiểu học nên nói năng suồng sã và phục rượu nhau cho say bí tỉ cũng là sự thường. Tiệc gần tàn, mỗi người phải trổ tài hiến một trò vui. Lập lệ: ai có trò hay nhất thì được thưởng một ly rượu, ai làm trò dở nhất cũng phải phạt một ly rượu. Thành thử anh Thụ giỏi nhất và anh Hà bét nhất đều say khướt. Lại thêm một cái lệ tức cười nữa. Người thua được quyền hỏi người thắng một câu thật ngớ ngẩn, nếu không ngớ ngẩn thì phải phạt một ly rượu đầy. Còn người thắng thì có quyền tuyên bố một câu thật ngông, nếu không thật ngông thì cũng phải phạt một ly rượu đầy.
Cò Thanh bị câu chuyện ngoài lề lôi cuốn, mỉm cười hỏi, như quên phứt đi cả cuộc điều tra:
- Vậy ông thua hỏi thế nào và ông được tuyên bố ra sao, thưa bà?
Bà Vân tủm tỉm cười đáp:
- Thưa ông Quận trưởng, ở đời thật có lắm chuyện thật là ngược ngạo. Như hàng ngày mình nói nhiều câu tưởng là bình thường nhưng xét kỹ mới thấy thật là ngớ ngẩn. Trái lại, lúc cần tìm một câu ngớ ngẩn mà nói lại tìm không ra. Anh Hà cũng ở trong trường hợp ấy. Bị thúc dục mãi, anh ấy đành hỏi liều anh Thụ: “Sao mỗi ngày, mày không chịu khó trổ tài biến một ông Trần Hưng Đạo thành năm bẩy trăm ông mà tiêu có sướng không, tội vạ gì đi làm cái nghề cạo giấy cả tháng mới được hai chục ngàn đồng?”
Anh Thụ lúc bấy giờ đã say quá xá, chỉ cười cười rồi phất tay công nhận câu hỏi ấy khá ngớ ngẩn nên tha cho anh Hà khỏi phạt.
Thế rồi anh Hà phản công bắt anh Thụ tuyên bố. Anh Thụ chỉ ậm ừ rồi gục xuống bàn ngủ.
Cử tọa không chịu, nhất định dựng anh ấy dậy. Tức quá, anh ấy đòi uống rượu nữa. Làm một hơi hết nửa ly, ảnh trừng mắt nhìn nhà tôi, giơ tay chỉ vào mặt và tuyên bố một câu rất là kỳ cục: “Bao giờ tủ két nhà mày đầy nhóc tiền, ông sẽ làm phép “hô thâu” một phát là đi đứt hết. Ông lấy nhẵn không chừa lại một xu cho mày ăn mày luôn cho biết thân. Ha ha!... Được không?”
Lè nhè xong, anh ấy chuồi xuống gầm bàn, đánh một giấc ngon lành, chẳng cần biết câu tuyên bố của mình có được chấp nhận là ngông hay không nữa.
Nghỉ một phút, bà Vân thở dài than:
- Anh Thụ quả là vua nát rượu. Chúng tôi vực anh ấy lên giường nằm. Thỉnh thoảng anh ấy lại mở mắt ra lè nhè:
- Cái tủ sắt của mày trông chướng quá, thế nào cũng phải vét sạch một chuyến cho mày sáng mắt ra!
- Thưa bà – Thành hỏi – lúc đó có những ai nghe thấy câu nói ngang ngược và dại dột ấy?
- Thưa, có tám ông bạn cùng dự tiệc và toàn thể gia đình chúng tôi gồm vợ chồng và bốn cháu.
Quay sang ông Vân, Thành nói:
- Phiền ông Giám Đốc ghi dùm tên các ông bạn có mặt trong bữa tiệc hôm ấy vào một danh sách có các cột tên họ, địa chỉ, nghề nghiệp và nơi làm việc.
Đoạn hỏi tiếp bà Vân:
- Thưa bà, còn các người giúp việc trong nhà, có ai nghe thấy không ạ?
- Thưa có. Nhà tôi có ba người giúp việc: một ông bếp già, một chú tài xế và một chị sen. Ông bếp làm việc rất chăm và giỏi, hơi lãng tai, cả ngày chỉ quanh quẩn với ông vua bếp, bữa đó nhà đông vui như vậy mà ông ấy cũng lì không buồn lên nhà trên lấy một phút. Chú tài mắc lo trông chừng mấy chiếc xe của khách đậu ở ngoài đường. Chỉ có chị sen sán vào mà nghe, cười toe toét.
- Hay lắm! Xin bà làm ơn kêu chị sen lên đây cho tôi hỏi một phút.
- Rất tiếc, chị ấy đã xin thôi cách đây chừng nửa tháng rồi, thưa ông Quận trưởng.
- Chị ấy có cho biết lý do không ạ?
- Thưa có. Thì cũng một trong những lý do thông thường người ta nại ra khi không muốn ở nữa: Phải về Quảng Tín ngay vì mẹ đau nặng. Tôi không tin nhưng cũng chẳng giữ làm gì… mà có giữ, chắc cũng chẳng được.
- Hay y thị muốn thêm lương mà không chịu nói ra?
- Chắc không phải vậy đâu. Tôi trả chị ấy mỗi tháng 8 ngàn là số lương cao nhất rồi còn gì. Có thể chị ấy dành dụm được ít tiền muốn đi buôn bán chăng?
Vân bỗng nói xen vào:
- Khi thôi làm, y thị rao đi rao lại là sẽ ra bến xe đò mua vé đi Quảng Tín ngay. Nhưng hai hôm sau, tôi còn thấy y thị cặp kè với một gã cao lớn ở gần chợ Bến Thành.
Quay sang vợ, Vân hỏi:
- Em còn nhớ hôm ấy anh đang mải lái xe, em khẽ vỗ vào tay anh và bảo: mình trông kìa, ai như con Tâm! Thế mà dám hô đi Quảng Tín và xin ra cho bằng được!
- Phải rồi, phải rồi! – người vợ đáp.
- Nó đang mải nói chuyện nên không trông thấy chúng tôi – người chồng tiếp, mặt quay về phía ông Cò – Tôi còn nhớ gã cao lớn, chắc là bồ của y thị, có một cái thẹo khá lớn ở thái dương bên tay mặt.
Mặt hớn hở thấy rõ, Thành thong thả đứng lên, nói:
- Tôi xin phép được hỏi một câu chót. Thị Tâm là người như thế nào, thưa bà?
- Chị ấy người tầm thước – bà Vân vội đáp – Khá đẹp. Chăm chỉ, giỏi giang…
- Và sắc sảo? – Thành hỏi.
- Dạ, rất sắc sảo, nhất là cặp mắt. Ở đây, chị ấy luôn luôn tỏ ra nhu mì, nhưng tôi cảm thấy chị ấy không phải là con người hiền lành.
- Vâng, tôi hiểu. Bà làm ơn cho chúng tôi coi tờ khai gia đình…
Quay qua viên thư ký, Thành tiếp:
- Ông Viên ghi số thẻ căn cước của thị Tâm đi. Đợi ông Giám Đốc lập xong bản danh sách, rồi chúng ta xin phép ông bà Giám Đốc về Ty.
Khi bắt tay từ biệt, Thành dặn ông Vân:
- Chiều nay, lúc nào rảnh mời ông bà ghé qua Ty ký giùm các tờ khai nhé.