Thất bại lớn nhất của một người là anh ta không bao giờ chịu thừa nhận mình có thể bị thất bại.

Gerald N. Weiskott

 
 
 
 
 
Tác giả: Franz Kafka
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phùng Văn Tửu
Biên tập: Duy Vo
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12551 / 445
Cập nhật: 2015-08-31 15:47:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 Người Bạn Gái Của Cô Bürstner
hững ngày tiếp theo, K. không thể trao đổi được một lời nào với cô Bürstner; anh tìm mọi cách lại gần cô, nhưng cô luôn luôn có cách làm cho anh không đạt được; anh cố gắng rời khỏi bàn giấy là về nhà ngay và ngồi lì không đèn đóm ở trong phòng, trên ghế tràng kỷ, để từ đó theo dõi ngoài tiền sảnh. Nếu chị giúp việc đi qua tưởng trong phòng không có ai, khép cửa lại, thì chỉ một lát sau anh đứng dậy để lại mở ra. Buổi sáng, anh rời khỏi giường sớm hơn thường lệ một tiếng đồng hồ để mong gặp được cô Bürstner một mình khi cô đi làm. Nhưng chẳng có mưu toan nào thành công cả. Anh liền viết hai lá thư cho cô gái, một lá gủi đến chỗ làm việc, còn lá kia gửi về địa chỉ riêng: trong các thư ấy, anh tìm cách biện bạch thêm một lần nữa thái độ cư xử của anh, anh xin chuộc mọi lỗi lầm, hứa hẹn sẽ không bao giờ vượt quá những giới hạn cô Bürstner áp đặt cho anh, mà chỉ xin cô cho phép anh được tiếp chuyện, và thêm rằng chừng nào anh chưa gặp cô thì anh không thể nói với bà Grubach; để kết thúc, anh viết rằng sẽ đợi suốt ngày chủ nhật sau tại phòng mình một tín hiệu của cô cho phép anh hy vọng lời thỉnh cầu được chấp thuận, hay ít ra cũng giải thích cho anh những lý do vì sao anh không được chấp thuận, những lý do không thể tưởng tượng nổi vì anh hứa làm bất cứ điều gì cô muốn kia mà. Những lá thư không bị trả lại, nhưng anh chẳng hề nhận được hồi âm. Song đến chủ nhật sau, anh có thể thấy một tín hiệu khá rõ nét. Từ sáng, qua lỗ khóa, anh nhận thấy ngoài tiền sảnh có sự đi lại đặc biệt, chẳng mấy chốc hiểu ngay là chuyện gì. Một thiếu nữ dạy những bài học tiếng Pháp - song đó lại là một cô gái Đức, và cô tên là Montag - một con người yếu ớt, xanh xao và chân đi hơi khập khiễng, từ trước vẫn ở một phòng riêng, nay dọn đến ở với cô Bürstner; cô đi qua đi lại ngoài tiền sảnh suốt mấy tiếng đồng hồ; luôn luôn có một quyển sách nào đấy bỏ quên phải quay về phòng cũ tìm để mang sang chỗ ở mới.
Khi bà Grubach tnang bữa ăn trưa đến cho K. - từ hôm làm anh nổi giận, bà đích thân cáng đáng mọi việc để phục vụ anh - anh không thể kìm nổi mà không nói với bà, lần đầu tiên kể từ buổi tối lạ lùng:
“Sao hôm nay ngoài tiền sảnh rậm rà rậm rịch như thế? - Anh vừa rót cà phê vừa hỏi - Không thể chấm dứt đi được à? Không có ngày nào khác ngoài hôm chủ nhật để làm công việc quét dọn ư?”.
Tuy không nhìn bà Grubach, anh cũng nhận thấy bà thở dài một cái ra vẻ nhẹ nhõm. Bà xem như một cách xin lỗi, hay ít ra một cách khởi đầu xin lỗi, ngay trong những câu hỏi của K.
“Không phải quét dọn đâu, bác K. ạ, - Bà nói - đấy chỉ là cô Montag dọn đến ở với cô Bürstner và cô ấy chuyển đồ đạc”.
Bà không nói thêm gì nữa, chờ xem K. phản ứng ra sao và anh có cho phép bà nói tiếp nữa không. Nhưng mới đầu K. trầm ngâm dùng thìa quấy tách cà phê một lát, để mặc bà lặng lẽ làm việc nọ việc kia. Rồi anh nhìn bà và nói:
- Bà đã bỏ mối ngờ vực cũ về cô Bürstner hay chưa?
- À! Bác K. ạ, - Bà Grubach liền đáp và chắp tay giơ về phía K. từ đầu bà chỉ đợi câu hỏi ấy thôi - mới đây bác đã quá quan trọng hóa một nhận xét chẳng đâu vào đâu! Tôi thật chẳng hề có ý xúc phạm đến bác hay đến bất cứ ai; bác biết tôi đã khá lâu rồi, bác K. ạ, nên còn lạ gì nữa! Bác không thể biết những ngày vừa qua tôi đã phải chịu đựng như thế nào. Sao! Tôi mà lại đi vu khống những khách thuê nhà của tôi! Còn bác, bác K. ạ, bác lại tin vào điều đó và bác bảo là bác phải dọn đi! Là bác phải dọn đi!
Lời thốt lên sau cùng ấy nhòa đi trong nước mắt; bà Grubach đưa tạp dề lên mặt và khóc nức nở.
- Bà đừng khóc. - K. vừa nói vừa nhìn ra ngoài cửa sổ, vì anh chỉ nghĩ đến cô Bürstner và cô sắp cho một thiếu nữ đến ở trong phòng mình - Bà đừng khóc nữa - Anh quay về phía bà chủ nhà, nhắc lại.
Và khi thấy bà vẫn cứ khóc hoài:
- Cả tôi nữa cũng có nói nghiêm chỉnh như bà nghĩ đâu; chúng ta hiểu lầm cả hai, điều đó có thể xảy đến ngay cả đối với những người bạn cũ.
Bà Grubach hạ tạp dề xuống một chút để xem có đúng là K. niềm nở thật không.
- Thật mà! Cũng tốt thôi! - K. nói.
Và vì thái độ của bà Grubach hình như chứng tỏ viên đại úy chưa nói gì cả, anh đánh bạo nói thêm:
- Bà tưởng thật là tôi có thể xích mích với bà vì một phụ nữ ngoại quốc ư?
- Chính thế, bác K. ạ. - Bà Grubach nói, vì bà có cái dở là luôn nói ra cái điều chẳng nên nói khi không bị gò bó nữa - Tôi cứ nghĩ bụng hoài: Tại sao bác K. lại bận tâm đến cô Bürstner? Tại sao bác ấy lại cãi cọ với mình trong khi bác ấy biết rằng chỉ một lời nói của bác ấy cũng có thể làm cho mình mất ngủ? Tôi có nói gì về cô ta ngoài những điều tai nghe mắt thấy đâu.
K. không trả lời, vì anh không thể không tống bà ra cửa ngay từ lời đầu tiên, mà anh lại không muốn làm thế. Anh đành uống cà phê và làm cho bà Grubach cảm thấy sụ có mặt của bà là thừa.
Lại bắt đầu nghe thấy tiếng chân bước kéo lê của cô Montag đi ngang qua ngoài tiền sảnh.
- Bà có nghe thấy không? - K, vừa nói vừa giơ ngón tay trỏ dãy hành lang.
- Có có! - Bà Grubach thở dài nói - Tôi muốn giúp đỡ cô ta và thậm chí muốn cho cô mượn cả chị giúp việc, nhưng cô ta cứng đầu cứng cổ lắm cơ, cô ta muốn tự tay chuyển mọi đồ đạc. Tôi lấy làm lạ về thái độ cụa cô Bürstner; tôi luôn chán ngấy không muốn giữ cô Montag lại nữa, và thế là bây giờ cô Bürstner đón cô ấy về phòng mình!
- Tại sao bà lại băn khoăn về chuyện đó? - K. vừa nói vừa nghiền một chút đường còn sót lại trong tách cà phê - Bà có gì thiệt thòi chăng?
- Không, - Bà Grubach nói - bản thân chuyện dọn nhà này thậm chí còn làm cho tôi thích thú, vì tôi có được một buồng cho anh đại úy cháu tôi. Từ lâu tôi cứ ngại vì buộc lòng phải để cho hắn ở trong phòng khách, hắn sẽ làm phiền bác, vì hắn chẳng biết giữ gìn ý tứ lắm đâu.
- Nghĩ gì mà lạ thế! - K. đứng dậy nói - Không phải chuyện đó; bà có vẻ tưởng rằng tôi dễ bị kích động lắm, bởi vì tôi không chịu nổi cô Montag cứ đi qua đi lại hoài! Đấy! Cô ta lại quay lại cửa rồi đó!
Bà Grubach cảm thấy tất cả nỗi bất lực của mình:
- Bác K. ơi, tôi có phải báo cô ấy hoãn lại đôi chút rồi hãy dọn nốt đồ đạc không? Nếu bác muốn, tôi sẽ ra bảo ngay lập tức.
- Thế là cô ấy phải sang ở với cô Bürstner ư?
- Vâng. - Bà Grubach trả lời, không hiểu rõ lắm ý K. định nói.
- Thế thì cô ấy phải dọn đồ đạc sang đấy chứ!
Bà Grubach chỉ biết lắc đầu. Nỗi bất lực không nói nên lời ấy có vẻ như một thách thức càng khiến cho K. nổi cáu thêm; anh đi đi lại lại từ cửa ra vào đến cửa sổ làm cho bà chủ chẳng bỏ về được, nếu không có lẽ bà đã bỏ về rồi.
K. vừa bước sát đến cửa ra vào một lần nữa thì có tiếng gõ cửa. Đó là chị giúp việc vào báo cô Montag muốn trao đổi vài lời với K. và xin anh đến phòng ăn, cô đợi anh ở đây, K. trầm ngâm lắng nghe, rồi anh quay về phía bà Grubach với vẻ mỉa mai khiến bà phát sợ. Thực vậy, sự mỉa mai ấy dường như nói lên rằng K. đã dự kiến từ lâu lời mời của cô Montag, và sau mọi nỗi buồn phiền anh đã phải chịu đựng sáng hôm ấy từ phía những người thuê nhà của bà Grubach, thì việc mời mọc này cũng chẳng có gì lạ. Anh tống khứ chị giúp việc đi bằng cách bảo chuyển lời là anh sẽ đến, rồi anh tới mở tủ để thay áo, và thấy bà chủ nhà lầm rầm rền rĩ về chuyện quấy rầy của cô Montag, anh chỉ đáp lại bằng cách xin bà dọn mâm bát đi cho.
- Nhưng bác hầu như có đụng đến món gì đâu! - Bà bảo anh.
- Thì cứ dọn đi! - K. quát.
Anh tưởng chừng cô Montag dính dáng cả đến chỗ bát đĩa kia và bỏ thuốc độc vào đó cho anh.
Khi đi ngang qua tiền sảnh, anh đưa mắt nhìn vào cửa phòng khép kín của cô Bürstner; nhưng có phải anh được mời vào đấy đâu mà là vào phòng ăn, anh mở tung cửa phòng ăn ra, chẳng buồn thận trọng gõ trước.
Đó là một căn phòng vừa dài vừa hẹp với một cửa sổ duy nhất. Một bên cửa ra vào có vừa đủ chỗ để kê chéo một chiếc tủ buy-phê, tất cả khoảng trống còn lại choán bởi một cái bàn dài từ cửa ra vào tới sát chiếc cửa sổ lớn do đó hầu như không thể đến bên cửa sổ được. Bàn đã bày biện cho một số đông khách ăn, vì là chủ nhật nên hầu hết những người thuê nhà đều ăn tại đấy.
Khi K. vào, cô Montag rời cửa sổ và theo mép bàn tiến tới đón anh; rồi đầu vẫn thẳng đơ như mọi lần, cô bảo:
- Tôi không rõ là anh có biết tôi không?
K. cau mày nhìn cô:
- Có chứ, ở nhà bà Grubach từ lâu rồi mà.
- Vâng, nhưng tôi nghĩ là anh chẳng quan tâm gì lắm đến nhà trọ.
- Không.
- Anh ngồi xuống nhé?
Mỗi người mang một chiếc ghế tựa lại đầu bàn và ngồi đối diện với nhau. Nhưng cô Montag lại đứng dậy ngay để đến lấy cái túi lưới cô bỏ ở mép cửa sổ; cô trở lại, mấy đầu ngón tay đung đưa cái túi rồi nói:
- Tôi chỉ đơn giản có vài lời cô bạn tôi nhờ chuyển đến anh. Cô ấy muốn đích thân đến, nhưng hôm nay cô ấy cảm thấy hơi mệt trong người, xin anh thứ lỗi và vui lòng nghe tôi truyền đạt hộ. Vả chăng cô ấy không có thể cho anh biết gì hơn ngoài những điều tôi sắp báo với anh đây; thậm chí tôi còn nghĩ rằng tôi có thể nói với anh dài hơn là cô ấy nữa, vì tôi tương đối ít liên quan hơn đến vụ này. Anh cũng không tin điều đó ư?
- Biết nói thế nào nhỉ? - K. đáp, mệt mỏi thấy cô Montag cứ nhìn chòng chọc vào môi anh.
Có vẻ như cô tự ban cho mình cái quyền bá chủ ngay cả đối với những lời anh sắp nói ra.
- Cô Bürstner chắc là không muốn cho tôi được tiếp chuyện riêng như tôi đã xin với cô ấy?
- Chính thế, - Cô Montag nói - hay nói đúng hơn không phải hoàn toàn như thế; anh diễn đạt tàn nhẫn quá. Nói chung, làm gì có cuộc tiếp chuyện được chấp thuận hay bị khước từ. Nhưng có thể người ta xét thấy là vô ích và là trường hợp này đây. Bây giờ, sau khi anh đã suy nghĩ, tôi có thể nói toạc ra; anh đã bằng lời nói hoặc bằng viết giấy xin được tiếp chuyện cô bạn tôi. Song cô ấy biết - ít ra là theo tôi hiểu - cô ấy đã biết là nói chuyện gì rồi và vì những lý do nào tôi không rõ, cô ấy tin chắc là cuộc trò chuyện ấy sẽ chẳng được tích sự gì. Vả chăng, cô ấy bảo rằng anh cũng chẳng nên quan trọng hóa cuộc trò chuyện - vì anh chỉ tình cờ nảy ra ý nghĩ đó - và nếu anh chưa nhận ra thì rồi tự anh cũng sẽ nhận ra ngay là làm thế chỉ vô ích mà thôi mà chẳng cần phải có sự giải thích gì đặc biệt; tôi trả lời cô ấy rằng có lẽ đúng thế, nhưng để cho sự tình được minh bạch, cô vẫn cứ nên trả lời rõ ràng cho anh thì hơn. Tôi đề nghị để tôi giúp cho việc này và cô bạn tôi chấp nhận sau một vài do dự. Tôi hy vọng đã xử sự theo chiều hướng đúng như cô ấy mong muốn, vì chỉ một chút phân vân cũng vẫn khổ tâm, ngay cả trong những điều vụn vặt nhất, và khi người ta có thể tránh được dễ dàng, như trong trường hợp này, thì tốt nhất là nên làm ngay tức khắc.
- Tôi cám ơn cô. - K. đáp.
Anh từ từ đứng lên, nhìn cô Montag, rồi cái bàn, rồi cái cửa sổ - ngôi nhà phía trước mặt ánh nắng chói chang - rồi tiến ra cửa; cô Montag đi theo anh vài bước như thể cô không hoàn toàn tin cậy, nhưng ra đến trước cửa, cả hai phải lùi lại, vì đại úy Lanz đẩy cửa mở toang. K. chưa bao giờ nhìn ông gần đến thế. Đó là một người đàn ông cao lớn, khoảng bốn mươi tuổi; bộ mặt gầy guộc, rám nắng; ông bơi nghiêng đầu để chào hai người, rồi tiến về phía cô Montag và kính cẩn hôn bàn tay cô. Ông rất tự nhiên thoải mái trong cách xử sự; sự lễ phép của ông đối với cô Montag trái hẳn với thái độ của K.; tuy thế, cô Montag không có vẻ trách cứ K., hình như cô còn muốn giới thiệu anh với đại úy nữa. Nhưng K. thì chẳng thiết chút nào; anh không thể tỏ ra tử tế cả với cô, cả với ông; dưới con mắt của anh, cái hôn tay kia đã liên kết cô gái vào nhóm những kẻ mưu mô bí mật tìm cách ngăn cản anh đến với cô Bürstner, tuy bề ngoài làm ra vẻ hiền lành vô tư nhất trần đời. Đó không phải là điều duy nhất K. tưởng chừng nhìn được; anh còn nhận thấy cô Montag đã lựa chọn một cách khéo léo mặc dầu nó là con dao hai lưỡi; cô xoay xở để phóng đại tầm quan trọng những mối quan hệ giữa K. với cô Bürstner, và nhất là tầm quan trọng của cuộc trò chuyện mà K. cầu xin, nhưng lại làm như là chính K. đã phóng đại tất cả; cần phải tỏ cho cô ta thấy rằng cô đã đi lầm đường; K. không muốn phóng đại gì hết, anh biết rằng Bürstner chỉ là một cô bé đánh máy không cưỡng lại lâu được với anh. Đấy là anh chưa cố ý tính đến những điều bà Grubach cho anh biết về cô. Chính vì suy nghĩ về tất cả, những điều ấy mà anh rời khỏi phòng với cái gật đầu chào không nhận thấy được: anh muốn trở về phòng mình ngay lập tức, nhưng tiếng cười khúc khích cù cô Montag làm cho anh nghĩ rằng anh rất có thể dành cho cô ta cũng như cho đại úy Lanz một sự bất ngờ. Anh nhìn khắp chung quanh, căng tai căng mắt nghe ngóng rình mò xem có tiếng động nào báo trước chuyện bất thường hay không. Nhưng khắp nơi đều bình lặng. Chỉ nghe tiếng trò chuyện từ phòng ăn vọng lại và tiếng bà Grubach trong hành lang nhà bếp. Cơ hội xem chừng thuận lợi, K. đến gõ cửa phòng cô Bürstner thấy chẳng có gì động tĩnh, anh lại gõ nữa, nhưng cả lần này cũng không có ai trả lời. Cô ta ngủ hay đúng là mệt thật? Hay biết đâu cô ta lẩn tránh vì linh cảm thấy gõ cửa nhè nhẹ như vậy chỉ có thể là K.; K. cho rằng cô giả vờ đi vắng; anh lại gõ mạnh hơn, và khi thấy tiếng cốc cốc chẳng có kết quả gì, anh liền mở cửa một cách thận trọng, với cảm giác mình phạm lỗi, và tệ hơn nữa là phạm lỗi mà không được tích sự gì. Trong phòng không có ai; hơn nữa nó không gợi nhớ lại bao nhiêu căn phòng mà K. đã biết. Bây giờ, có hai chiếc giường kê dọc theo tường; gần cửa ra vào là ba chiếc ghế tựa trên chất đầy quần áo; một cái tủ mở toang. Chắc cô Bürstner đã đi khỏi trong lúc cô Montag đương tiếp chuyện với K. tại phòng ăn; anh không sửng sốt lắm. Vì anh có trông chờ được gặp cô thiếu nữ mấy đấu; đó chẳng qua là vì bất chấp, muốn thách thức cô Montag nên anh mới có mưu toan này; anh chỉ khổ tâm hơn khi đóng cửa lại, nhìn sang phòng ăn thấy cô Montag đương bình thản trò chuyện với đại úy Lanz; có lẽ họ đứng đấy từ lúc K. mở cửa; họ làm ra vẻ không chú ý, thì thầm trò chuyện và chỉ theo dõi những hành động của anh như người ta thường lơ đãng nhìn chung quanh trong lúc chuyện trò. Song những cái nhìn ấy đè nặng lên K. một cách ghê gớm, anh vội vã đi dọc theo tường hành lang trở về phòng mình.
Vụ Án Vụ Án - Franz Kafka Vụ Án