Nguyên tác: “The Money Changers”
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Chương 4
T
ại chi nhánh chính của Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ, ngày làm việc Thứ tư đã bắt đầu từ lâu và đang diễn ra theo nhịp điệu bình thường mọi khi. Ban giám đốc thay phiên nhau làm thường trực điều hành và tuần này đến lượt bà.
Edwina đến cơ quan bao giờ cũng đúng tám giờ rưỡi, nửa giờ trước khi tấm lưới thép nặng nề được kéo lên. Là giám đốc, bà không phải đến trước giờ mở cửa, nhưng bà muốn làm mọi thứ để tỏ ra rằng bà khước từ mọi ưu đãi dành cho người lãnh đạo. Mười lăm năm qua, từ khi bắt đầu đến làm cho nhà băng này, Edwina chưa bao giờ nề hà việc gì, kể cả những việc phụ nữ có quyền từ chối.
Lúc đến cửa phòng tổ chức nhân sự, Edwina mở xắc tay, lấy ra chùm chìa khoá lẫn trong mớ son môi, ví tiền, các thẻ tín dụng cùng nhiều thứ lặt vặt khác. Trước khi tra chìa khoá vào ổ, bà kiểm tra lại ám hiệu "an toàn”. Đó là một mảnh bìa cứng mầu vàng kín đáo trước một ô kính cửa sổ. Nhân viên gác cổng, người đầu tiên đến cơ quan, sau khi đi một vòng kiểm tra không thấy có hiện tượng nào khả nghi, sẽ gài mảnh bìa cứng đó để báo rằng mọi sự yên ổn. Còn nếu bác ta thấy hiện tượng ban đêm có kẻ lạ lọt vào tất nhiên bác ta không cài mẩu bìa cứng màu vàng kia, để mọi người cảnh giác, kiểm tra lại mọi thứ.
Vào đến trong, Edwina bước đến mở tấm bảng gắn vào tường. Bên trong là một nút điện. Bà ấn vào đó theo ám hiệu quy định: hai tiếng dài, ba tiếng ngắn và thêm một tiếng dài nữa. Chuông sẽ vang lên tại phòng bảo vệ của Toà cao ốc và khi nghe thấy ám hiệu trên, bộ phận bảo vệ nhà băng biết là tình hình yên ổn. Nhân viên bảo vệ chi nhánh của Edwina khi đến cơ quan cũng làm ám hiệu với bộ phận bảo vệ của nhà băng trong toà cao ốc. Hình thức "báo tin" này được áp dụng cho tất cả các chi nhánh của Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ.
Nếu Edwina hay nhân viên bảo vệ không làm ám hiệu đó, bộ phận bảo vệ của Toà Cao ốc lập tức báo cảnh sát và liền sau đó chỉ vài phút, toàn bộ ngôi nhà sẽ được lực lượng cảnh sát bao vây. Cũng như mọi biện pháp an toàn khác, hình thức "bấm chuông” này cũng luôn phải được thay đổi. Khi ban bảo vệ ở đại bản doanh của nhà băng tại Toà Cao ốc nhận được tín hiệu "yên ổn” họ yên tâm và sẽ không phải thi hành biện pháp nào để đối phó.
Lúc này, các nhân viên của chi nhánh đang lũ lượt tới. Nhân viên bảo vệ đứng ở cửa, trong bộ đồng phục quy định, kiểm tra và ngăn lại những người không thuộc cơ quan.
- Chào bà Giám đốc!
Người vừa chào Edwina là một ông già tóc bạc trắng, khuôn mặt xương xẩu và đầy nếp nhăn, trông giống như mặt con chuột túi. Ông Tottenhoe này là trưởng phòng tổ chức nhân sự kiêm phụ trách những vụ việc thường ngày của chi nhánh. Vẻ mặt u sầu của ông chứng tỏ ông sắp đến tuổi về hưu, như thể ông ghen với tuổi trẻ của những người khác.
Edwina cùng Tottenhoe đi qua hành lang tầng dưới, theo một hành lang trải thảm đi lên tầng hai, rồi lại xuống gian hầm nơi để các két sắt đựng tiền. Sau khi vặn các núm theo mã số, họ đợi cho các dây cót hoạt động rồi mới mở cửa.
- Nghe đồn ngài Rosselli nguy kịch lắm phải không, thưa bà? – Tottenhoe rầu rĩ hỏi.
- Đúng thế, thật đáng buồn!
Tottenhoe lúng búng câu gì Edwina nghe không rõ. Lát sau vào tám giờ bốn mươi lăm, một tiếng rắc trong hệ thống cửa thép vang lên chứng tỏ hệ thống báo động đã gài tối hôm qua, bây giờ thôi làm việc, và người ta có thể mở cửa thoải mái. Edwina bèn ấn vào nút chuông lắp trong tường, báo cho bộ phận bảo vệ ở Toà Cao ốc biết là mọi sự yên ổn. Đúng lúc đó, Miles Eastin, một nhân viên trẻ tuổi bước đến, anh ta đẹp trai, ăn mặc bao giờ cũng rất sang và nụ cười luôn trên môi, trái ngược với bộ mặt âu sầu rúm ró của ông già Tottenhoe. Cùng đi với Eastin là chánh thủ quỹ, chuyên kiểm tra tiền nhập và xuất vào két hàng ngày. Trong sáu tiếng đồng hồ làm việc mỗi ngày, trung bình khoảng một triệu đô la tiền mặt lướt qua cặp mắt tinh tường của anh ta. Nếu tính cả ngân phiếu, chi phiếu thì số tiền trung bình hàng ngày phải lên đến khoảng hai chục triệu đô la.
Edwina lùi lại nhường chỗ cho chánh thủ quỹ và Miles Eastin. Hai người này mở rộng tấm cửa thép nặng nề. Tấm cửa này sẽ mở ra như thế cho đến hết giờ buổi chiều. Eastin nói với ông già Tottenhoe:
- Tôi vừa nhận được điện thoại. Hôm nay hai nhân viên giao dịch nữa nghỉ việc.
Mặt ông già lộ vẻ bực bội.
- Cúm à? - Edwina hỏi.
Hiện giờ dịch cúm đang lan tràn trong thành phố và nhân viên giao dịch luôn phải trực tiếp với khách nên dễ bị lây nhất.
- Vâng, thưa bà giám đốc. - Eastin đáp.
Tottenhoe lẩm bẩm:
- Thế này thì làm việc sao được? - Ông ta quay sang Edwina: - Bà giám đốc quyết định vẫn mở các cửa giao dịch chứ?
- Tất nhiên rồi. Khách hàng đang cần đến chúng ta.
- Nếu vậy tôi phải điều vài người trong văn phòng ra đứng ở các cửa giao dịch bị trống vậy. Eastin, cậu nhận một cửa giao dịch nhé? Cậu biết tính toán chứ?
- Vâng, đến số hai mươi, - Eastin nói.
Edwina bật cười. Anh chàng Eastin này rất tháo vát hầu như giao việc gì anh ta cũng làm được ngay. Bà đã nghĩ đến chuyện sang năm ông già Tottenhoe nghỉ hưu, bà sẽ đề bạt Eastin lên chức trưởng phòng tổ chức nhân sự, đồng thời theo dõi công việc hàng ngày.
Eastin có một trò giải trí mà anh say mê nhất, nhưng đồng thời trò đó lại có ích cho nhà băng. Eastin sưu tầm các loại tiền. Anh được giao việc đào tạo nhân viên mới tuyển cho nhà băng, và trong bài giảng, Eastin luôn chen vào đủ các giai thoại lịch sử. Chẳng hạn giai thoại sau đây: tiền giấy là do người Trung Hoa nghĩ ra đầu tiên, và cuộc lạm phát đầu tiên xảy ra vào thế kỷ XIII, khi vua Mông Cổ Hốt - Tất - Liệt nhà Nguyên in tiền giấy bằng bản khắc gỗ, để trả lương cho binh lính của ông ta hết sức đông đúc. Không may là số tiền giấy in ra lớn đến mức nó mất giá hầu như hoàn toàn. Khi kể lại chuyện đó cho học viên nghe, Miles Eastin đã nói đùa: "Một số người đang lo đồng đô la bị Mông Cổ hoá mất!"
Do hiểu biết sâu sắc về các loại tiền, Miles Eastin còn được ngân hàng sử dụng làm chuyên gia kiểm tra tiền giả. Thường xuyên các quầy giao dịch gửi những tờ giấy bạc khả nghi đến cho anh xem, có phải tiền giả hay không.
Edwina cùng Eastin và Tottenhoe quay lên tầng một, ra gian phòng lớn. Lúc này đang diễn ra việc giao tiền của nhà băng chi nhánh chính. Hai nhân viên bảo vệ mang vũ khí đứng canh xe tải chở tiền. Thông thường việc giao tiền diễn ra từ sáng sớm. Tiền nhà băng nhận của Kho bạc Dự trữ Liên bang xong, bèn phân phát cho các chi nhánh và cơ sở.
Tiến hành chuyển giao tiền như thế là có nguyên nhân rất đơn giản: không nên để tiền đọng với số lượng quá lớn trong kho nhà băng vì chúng không mang lại lợi ích nào hết. Chưa kể còn có nhiều nguy cơ bị mất mát, ăn cắp. Tài ba các giám đốc chi nhánh và cơ sở giao dịch, còn thể hiện ở chỗ họ biết giữ trong két chỉ vừa đủ số tiền mặt cần thiết, để khỏi bị tồn đọng. Một chi nhánh loại quan trọng như chi nhánh này cũng chỉ giữ trong két đến nửa triệu đô la tiền mặt mà thôi.
Số lượng tiền được chuyển đến sáng nay là hai trăm rưởi ngàn, vừa đủ bù số thiếu hụt do các vụ giao dịch hôm qua, để con số trong két của chi nhánh giữ ở mức nửa triệu, dùng cho ngày giao dịch hôm nay.
Tottenhoe càu nhàu với nhân viên giao tiền:
- Hôm nay tiền có sạch sẽ hơn những lần gần đây không đấy?
- Thưa ông Tottenhoe, tôi có nói với người giao tiền ở bên kia, tại văn phòng trung tâm, là ông kêu tiền nát quá. Thì ra ông ta đã biết rồi. Chắc hẳn ông đã gọi điện sang cho họ. Còn tôi chỉ là thằng vận chuyển. Người ta giao cho tôi thứ gì thì tôi chở đến đây thứ ấy.
Tất cả các ngân hàng đều yêu cầu Kho bạc dự trữ Liên bang chuyển cho họ tiền mặt bằng giấy do Nhà máy in tiền mới in ra, bởi nhiều khách hàng không chịu nhận tiền cũ, nát hoặc bẩn. Để đỡ gặp rắc rối, các nhân viên ngân hàng được lệnh dành tiền cũ, bẩn cho những khách hàng nào dễ tính. Một nhân viên áp tải tiền nháy mắt với nhân viên thứ hai, nói:
- Hiện đang lưu hành vô số tiền giả trông rất mới. Chúng tôi có thể dành cho ông cả một bao tải toàn tiền mới tinh loại đó. Edwina nói:
- Ôi thứ đó thì chúng tôi thiếu gì, đã có quá nhiều là khác. Nguyên trong tuần lễ vừa rồi, chi nhánh của bà đã nhận lầm gần một ngàn đô la tiền giả. Không thể biết được người nào đã giao tiền đó cho các quầy. Theo dự đoán thì nhiều khách hàng gặp phải tiền giả bèn tìm cách đẩy lại cho ngân hàng. Cũng có thể bản thân họ không biết đó là tiền giả, bởi những tờ đô la giả này được làm rất tài tình. Những nhân viên cảnh sát đặc biệt phụ trách điều tra các vụ làm tiền giả, đã nhiều lần nói với Edwina và Miles Eastin: "Gần đây nạn tiền giả bành trướng quá lớn. Những tờ tiền giả chúng tôi thu thập được bắt chước rất khéo tiền thật".
Người ta phát hiện thấy chỉ trong một năm ngoái, số tiền giả lưu hành trên thị trường tiền tệ lên tới con số ba mươi triệu đô la và đại đa số không phát hiện ra được. Hình như đô la giả được in chủ yếu tại Anh và Canada. Cảnh sát đặc nhiệm phát hiện thấy tiền đô la giả lưu hành rất nhiều tại Châu Âu. Nguyên nhân rất đơn giản, việc kiểm tra ở đó khó khăn hơn ở trên đất Hoa Kỳ. Các cảnh sát viên đặc nhiệm bảo Edwina: “Nếu bà có người thân hoặc bè bạn sang Châu Âu bà nên khuyên họ đừng nhận tiền Hoa Kỳ ở đó vì rất dễ gặp phải tiền giả."
Một nhân viên áp tải tiền vừa vác bao tải tiền lên vai vừa nói:
- Xin các vị đừng lo, chúng tôi mang đến toàn tiền thật thôi. Đợi nhân viên thứ hai vác bao tải tiền lên vai, cả hai cùng đi vào phía gian hầm đặt các két tiền. Edwina đến ngồi bàn giấy của bà kê trên một cái bục cao. Các cửa ra phố đã mở rộng và những khách hàng đầu tiên đang lục tục vào. Tất cả các cửa giao dịch, các ngăn làm việc đều sôi động hẳn lên. Bộ phận lãnh đạo ngồi trên bục cao. Riêng bàn của Edwina, giám đốc, kê chính giữa. Bục trải thảm đỏ. Bàn giấy của bà to và trông trịnh trọng, hai bên cắm hai lá cờ, một lá cờ sao vạch của Hoa Kỳ, một lá cờ nhỏ của bang. Nhiều lúc, ngồi ở bàn giấy, Edwina có cảm giác như đang có camera tivi hướng vào bà và bà sắp phải tuyên bố một điều gì long trọng.
Toà nhà này được sửa sang lại toàn bộ cách đây hai năm. Các kiến trúc sư và trang trí nội thất đã thay đổi hoàn toàn. Họ không tiếc gì gỗ quý để lát tường và tăng thêm rất nhiều chỗ dát vàng. Tất nhiên chi nhánh này trở nên sang trọng và cách bố trí rất thuận tiện cho nhân viên cũng như khách hàng. Dù sao Edwina vẫn cảm thấy nó quá diêm dúa.
Ngồi vào bàn, việc đầu tiên là Edwina là mở cặp đựng các đơn xin vay. Số tiền khách hàng xin vay gửi đến chi nhánh của bà, vượt lên trên tất cả các chi nhánh khác vì đây là chi nhánh chính, cơ sở giao dịch trung tâm của Ngân hàng Thương mại số Một Hoa kỳ. Quyền hạn của Edwina là được đồng ý cho vay một khách hàng không quá một triệu đô la, tất nhiên khi khoản cho vay lên đến mức này, cần phải có hai trưởng phòng của chi nhánh không phản đối. Thật ra rất ít xảy ra trường hợp này. Nếu khách xin vay trên một triệu đô la, Edwina phải chuyển lên Hội đồng xét cho vay của văn phòng trung tâm ở Toà Cao ốc bên cạnh.
Tại Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ cũng như ở mọi ngân hàng khác, số tiền quan chức nào được phép đồng ý cho một khách hàng vay, thể hiện vị trí của quan chức đó trong thang bậc quyền lực. Người ta dùng cụm từ "giá trị của chữ ký tắt” bởi mỗi khi một quan chức đồng ý cho vay, người đó đều ký chữ ký tắt lên góc đơn của khách hàng.
“Giá trị chữ ký tắt" của Edwina khá cao vì trách nhiệm của bà, giám đốc chi nhánh chính, chi nhánh lớn nhất của nhà băng, là một trách nhiệm rất nặng nề. Một số giám đốc chi nhánh chỉ được quyền cho vay từ mươi ngàn đến năm trăm ngàn, tuỳ theo khả năng và thâm niên của họ.
“Giá trị chữ ký tắt" còn thể hiện cả trong điều kiện làm việc của từng quan chức nhà băng. Loại quan chức "chữ ký tắt" trị giá tối đa năm mươi ngàn đô la thì chỗ làm việc chỉ là một bàn giấy kê trong một ngăn che bằng kính. Một kiểm soát viên "chữ ký tắt” trị giá tối đa là nửa triệu đô la thì có phòng giấy riêng sang trọng, cửa ra vào và cửa sổ, trên tường treo một bức hoạ bằng sơn dầu hẳn hoi, phong bì và giấy viết thư có in tiêu đề riêng và được cung cấp đều đặn hàng ngày báo Phố Wall. Ngoài ra ông ta còn được người phục vụ đánh xi giày thường xuyên. Kiểm soát viên cỡ “chữ ký tắt" trị giá tối đa một triệu đô la thì có phòng làm việc lớn, bố trí ở góc toà nhà, nghĩa là có hai cửa sổ trông ra hai mặt, có hai bức tranh sơn dầu treo trên tường và có một thư ký riêng. Phong bì và giấy viết thứ in tên riêng bằng chữ chìm. Ông ta được cung cấp nhiều thứ báo hàng ngày và tạp chí, và được sử dụng xe, được ngồi ăn trong phòng ăn dành cho quan chức cấp cao của nhà băng.
Edwina thuộc loại này. Bà được hưởng mọi ưu đãi kể trên, chỉ trừ chuyện đánh xi giày. Sáng nay bà xem xét hai đơn xin vay tiền. Đơn thứ nhất bà ký tắt đồng ý, đơn thứ hai bà ghi vào một số câu hỏi, đơn xin vay thứ ba thì bà rất ngạc nhiên. Edwina nhận ra đơn này giống hệt đơn xin vay bà đã nhận được hôm qua. Bà đọc kỹ lại hồ sơ rồi cho gọi nhân viên đã chuẩn bị hồ sơ xin vay này. Anh ta ngồi xuống ghế trước mặt Edwina nói ngay:
- Tôi biết bà gọi tôi đến là vì chuyện gì. Có một số khách hàng tâm thần, bà công nhận không?
Anh ta vóc thấp, mặt tròn, đỏ hồng, nụ cười kín đáo và tên là Cliff Castleman. Anh ta rất được lòng khách hàng vì luôn tỏ thái độ niềm nở, thông cảm, thật ra anh ta rất có năng lực và xét đoán bao giờ cũng chính xác. Edwina nói:
- Tôi hy vọng đây là một trò đùa cho vui, và như thế thật thì đúng là không nên.
- Thưa bà giám đốc, đúng là như thế. Có vẻ như đùa, nhưng đây lại là chuyện hoàn toàn nghiêm túc. Tôi đã đoán trước là thế nào bà cũng muốn biết thêm chi tiết, về những gì có trong hồ sơ và tôi đã ghi ý kiến của tôi.
- Vậy là ông cho rằng nên cho khách hàng này vay nhằm mục đích ghi trong hồ sơ chăng? Và những ngần này tiền?
- Đúng thế. Ý định của khách có vẻ phi lý nhưng tôi cho rằng bà nên đồng ý. Quả là mọi chi tiết đều có cả trong tập hồ sơ.
Một người đàn ông, bốn mươi ba tuổi, tên là Gosbume, làm chân bán hàng cho một hiệu dược phẩm trong thành phố. Ông ta xin vay hai mươi lăm ngàn đô la. Gosbume lấy vợ mười bảy năm trước đây và đã tậu được một ngôi nhà riêng ở ngoại ô. Trong bảng kê tài khoản ông ta mở tại nhà băng này cách đây tám năm, không có một vi phạm nào. Trước đây hai vợ chồng ông có vay của nhà băng một khoản nhỏ và đã hoàn trả sòng phẳng. Về mặt công việc và đời tư, Gosbume không hề sai phạm gì. Nay hai vợ chồng ông ta xin vay nhà băng hai mươi lăm ngàn đô la, là nhằm mua một cỗ quan tài bằng thép không rỉ, để đựng thi hài đứa con gái mười lăm tuổi vừa chết vì bị ung thư thận. Từ hôm đó, thi hài đứa trẻ được giữ trong phòng đựng tuyết nhân tạo cacbonic tại một hãng dịch vụ tang lễ. Ngay sau khi đứa trẻ tắt thở, người ta đã rút hết máu của nó, thay bằng một chất lỏng chống đông tên là dimethylsulfoxyde. Quan tài bằng thép không rỉ có đặc điểm là đựng nitơ lỏng ở nhiệt độ dưới không. Thi hài đứa con gái sẽ được bọc trong những tấm nhôm rồi đặt vào trong chất nitơ lỏng đó.
Nhũng quan tài kiểu như thế, thực chất là những cái chai khổng lồ được bán với cái tên là cryo-crypte tại Los Angeles, và sẽ được chở bằng máy bay đến thành phố này, nếu nhà băng đồng ý cho họ vay tiền. Khoảng một phần ba số tiền vay sẽ được trả trước cho hãng bảo quản quan tài để họ giữ và cứ bốn tháng thay chất nitơ lỏng trong đó một lần.
Castleman hỏi Edwina:
- Bà có nghe nói đến những hội cryonic rồi chứ?
- Có nghe loáng thoáng. Nhưng tôi cho đó là chuyện hão huyền, một thứ khoa học hồ đồ mà tôi không tin.
- Tôi cũng không tin. Nhưng các hội cryonic ấy có rất nhiều hội viên. Một số hội viên đó thuyết phục hai vợ chồng Gosbume rằng sau này, đến lúc khoa học tiến bộ cao, khoảng năm mươi hoặc một trăm năm nữa chẳng hạn, người ta sẽ có thể lấy thi hài đứa trẻ ra khỏi chất lỏng lạnh, hồi sinh cho nó và chữa nó khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Những người tán thành giả thuyết đó nêu lên khẩu hiệu: làm lạnh, chờ đợi và hồi sinh lại.
- Khủng khiếp! - Edwina kêu lên.
- Đúng thế, tôi đồng ý với bà đấy là chuyện phi lý. Nhưng xin bà hãy thử đứng vào vị trí của hai vợ chồng Gosbume. Họ tin tưởng vào lý thuyết đó. Họ đều là người lớn, đều trí óc lành mạnh và đều hết sức mộ đạo. Những người làm ngân hàng chúng ta có quyền gì để phán xét họ? Theo tôi, chúng ta chỉ nên đề ra câu hỏi: liệu gia định Gosbume có khả năng hoàn trả số tiền họ vay không? Tôi đã nghiên cứu kỹ tình hình của họ và tin rằng họ sẽ trả và trả được. Ông Gosbume kia tuy có cách suy nghĩ hồ đồ nhưng ông ta rất nghiêm túc trong chuyện tiền nong, không thiếu của ai một xu bao giờ.
Edwina khó chịu nhưng cố nén lòng đọc lại những con số ghi trong cột chi thu của gia đình Gosbume. Bà nói:
- Nhưng khoản nợ này quá lớn và muốn trả được, họ sẽ phải vất vả ghê gớm.
Gosbume biết thế, nhưng ông ta bảo sẽ tìm được cách kiếm thêm tiền. Ông ta đã xin được việc làm thêm buổi tối và chủ nhật. Vợ ông ta cũng đang kiếm việc để làm.
- Họ còn bốn đứa con nhỏ nữa, đúng không nhỉ?
- Vâng, đúng thế.
- Castleman đáp.
- Phải có ai đến gặp họ và nói cho họ hiểu rằng bốn đứa con nhỏ kia cần phải có tiền để may mặc, học hành và bao nhiêu khoản chi phí khác cho chúng để chúng nên người.
- Chính tôi đã nói điều đó với họ. Tôi đã trao đổi rất lâu với Gosbume. Ông ta cho biết cả gia đình ông ta đã bàn bạc rất kỹ vấn đề và tất cả nhất trí tán thành. Bốn đứa con kia hứa vài năm nữa, đủ lớn, chúng sẽ đi làm kiếm tiền và chăm sóc thi hài của chị chúng.
Edwina chợt nhớ lại cuộc họp chiều hôm qua tại phòng họp ở trụ sở trung tâm của nhà băng. Ông Ben Rosselli sẽ từ giã cõi đời một cách tự trọng. Giá như ông ta trông chờ vào cái hội cryonic thì cái chết của ông sẽ tầm thường biết bao. Liệu bà, Edwina có quyền đem tiền của ông dùng vào một thứ việc hàm hồ như lý thuyết cryonic kia không?
Castleman nói:
- Thưa bà giám đốc, tôi nhận được bộ hồ sơ xin vay tiền này đã được hai ngày. Mới đọc, tôi cũng thấy vô lý giống như bà đã nghĩ. Nhưng sau suy nghĩ lại, tôi đã thay đổi ý kiến. Tôi cho rằng việc cho vay này là một mạo hiểm có thể chấp nhận được.
Sự mạo hiểm có thể chấp nhận được. Edwina hiểu rằng, nói cho cùng thì Castleman nghĩ đúng, bởi trong nghề ngân hàng chỉ có một diều duy nhất cần cân nhắc: khả năng rủi ro đến đâu và có thể chấp nhận được hay không? Bên cạnh đó có một nguyên tắc đã được quy định trong ngành là ngân hàng không được quyền phán xét những chuyện thuộc đời tư của khách hàng. Dĩ nhiên việc cho vay này có phần mạo hiểm. Nhưng nếu trường hợp rủi ro thì cũng không thể khiển trách được Castleman. Hồ sơ nhân sự của ông ta chứa đựng nhiều ưu điểm hơn khuyết điểm, nhiều thành công hơn thất bại. Một hồ sơ nhân sự chỉ toàn thành công chưa phải đã là một hồ sơ tốt, bởi làm nhân viên ngân hàng phụ trách việc cho vay bao giờ cũng phải chấp nhận một số rủi ro, đôi khi thất bại. Một người chỉ toàn thành công, không bao giờ thất bại, có nghĩa anh ta quá thận trọng và như vậy anh ta khó làm tốt công việc. Máy tính sẽ chỉ rõ với giám đốc cách đánh giá con người đó như thế.
Edwina nói:
- Được. Tuy ông ta có cách suy nghĩ tôi thấy ghê tởm nhưng tôi chấp nhận đề xuất của ông. Bà ký tắt lên góc tờ đơn xin vay tiền. Castleman quay về chỗ.
Ngày Thứ tư đó khởi đầu giống mọi ngày khác. Công việc chạy đều đặn, chỉ có chuyện cho vay tiền để ướp lạnh xác một đứa trẻ gái là hơi khác thường. Edwina tiếp tục giải quyết công việc cho đến đầu buổi chiều.
Mỗi khi ăn trưa một mình, Edwina thường vào tiệm ăn xoàng xĩnh ở dưới tầng hầm của Toà Cao ốc. Nơi đó ồn ào, thức ăn cũng không ngon, nhưng được cái có thể ăn chóng vánh, mười lăm phút là xong. Nhưng hôm nay bà mời ăn một khách hàng, cho nên bà đưa ông ta lên nhà ăn dành cho quan chức cao cấp của nhà băng trong Toà Cao ốc, trên tầng gần chót.
Khách là thủ quỹ một hãng thương mại lớn của thành phố. Ông ta xin vay nóng ba triệu đô la để bù khoản thiếu hụt do mùa thu vừa rồi thời tiết xấu, doanh thu giảm sút, và để tiếp tục cất hàng tiêu thụ cho lễ Noel.
Vừa lấy món măng tây trong đĩa, ông ta vừa nhăn nhó:
- Vụ lạm phát quá tai hại! Nhưng chỉ hai tháng nữa chúng tôi sẽ khôi phục được tình hình kinh doanh. Ông già Noel bao giờ cũng rất tốt với hãng chúng tôi.
Hãng thương mại của ông ta là khách quen và tốt của nhà băng. Tuy nhiên Edwina cũng không buông tha. Bà vặn vẹo đủ điều, đề ra những điều kiện khá khắt khe có lợi cho nhà băng. Khách cố tự vệ nhưng cuối cùng đành nhượng bộ. Ba triệu là con số vượt ra ngoài quyền hạn của Edwina, bà chỉ có quyền đề nghị và phải được Ban lãnh đạo ở văn phòng trung tâm chấp thuận. Nếu cần nhanh, bà có thể trực tiếp với Alex Vandervoort và trong những trường hợp như thế này, thông thường Vandervoort vẫn ủng hộ bà.
Lúc ăn tráng miệng và uống cà phê, một cô hầu bàn bước đến nói với Edwina:
- Ông Tottenhoe muốn nói chuyện với bà. Ông ấy bảo có việc cần kíp.
Edwina xin lỗi khách rồi sang phòng bên cạnh. Đầu dây kia, ông già trưởng phòng tổ chức nhân sự phàn nàn:
- Tôi tìm bà mãi mà không thấy.
- Thì bây giờ ông đã thấy rồi. Chuyện gì vậy?
- Trong một cái két tiền bị hụt. Tottenhoe trình bầy đầu đuôi. Cách đây nửa giờ, một nữ nhân viên giao dịch báo tin bị mất tiền. Ngay lúc đó người ta đã tiến hành kiểm tiền lại.
Edwina nhận thấy có nỗi hoang mang trong giọng nói của ông già Tottenhoe. Bà hỏi độp ngay:
- Mất bao nhiêu?
Ông già đáp với giọng nghèn nghẹn:
- Sáu ngàn đô la.
- Tôi sẽ về ngay bây giờ. Liền sau đấy bà xin lỗi khách rồi theo thang máy cấp tốc xuống dưới tầng trệt.