Số lần đọc/download: 21640 / 739
Cập nhật: 2014-12-04 03:14:31 +0700
Hồi 3 - Trãm Bạch Xà, Lưu Quý Dấy Binh
T
riệu Cao và Lý Tư từ khi lập vua Nhị Thế lên ngôi, ra sức vơ vét của cải dân chúng, xui vua Nhị Thế hành phạt sinh linh, tất cả những nguy cơ trong nước đều dấu nhẹm không cho vua Nhị Thế biết.
Trộm cướp nỗi dậy khắp nơi, các tay anh hùng hào kiệt đua nhau chiêu tập binh mã để mưu đồ quốc sự.
Khắp các miệt Sơn Ðông, Sơn Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc và quanh vùng Ngô, Sở không chỗ nào không có giặc giả.
Trần Thắng khởi binh ở đất Tần, Vũ Thần khởi binh ở đất Triệu, Lưu Bang khởi binh ở đất Bái, Hạng Lương khởi binh nơi đất Ngô, bốn biển tung hoành, rộn ràng gươm giáo. Cái họa vong quốc đã đến nơi, thế mà vua Nhị Thế không hay biết gì cả, ngày đêm mải mê tửu sắc nơi cung A Phòng.
Trong số hào kiệt, Lưu Bang được nhiều người nói đến.
Lưu Bang quê ở đất Bái tên chữ là chữ Quý. Khi xưa bà mẹ Lưu Bang thường nằm trên một bờ bưng lớn nghĩ ngơi... Bỗng một hôm, thấy thần nhân đến cùng với mình giao cấu.
Lúc tỉnh dậy, trong mình dã dượi, rồi thụ thai. sanh ra Lưu Bang. Lưu Bang mũi cao, miệng rộng, trán cao, mặt rồng, dưới vế bên tả có bảy mươi hai nốt ruồi, tính tình rộng rãi, trọng nghĩa, yêu người, khi lớn lên được làm chức Ðình Trưởng ở Tứ Thượng. Tuy nhiên, phải cái bệnh ham mê tửu sắc, nên ai cũng chê.
Bấy giờ có ông Lã Văn người Ðan Phủ, ngắm tướng mạo Lưu Bang rồi nói với mọi người:
- Bang tuy là kẻ ham mê tửu sắc, song lúc gặp thời phú quý sẽ về tay. Với đức tánh hiền lương ấy, tôi tưởng gầy nên nghiệp cả không khó.
Một hôm, Lã Văn về bàn với vợ, muốn đem con gái mình là Lã Nha gả cho Lưu Bang.
Bà vợ cau mày nói:
- Sao ông lẩn thẩn thể? Trước kia quan huyện Bái đến cầu hôn, ông không chịu gả, bây giờ lại đem gả cho tên du đãng sao?
Lã Văn cười lớn, nói:
- Ai bảo bà Lưu Bang là kẻ du đãng? Bà có biết đâu người ấy là bậc anh hùng trong thiên hạ!
Hôm sau, Lã Văn mời Lưu Bang đến nhà, đặt tiệc khoản đãi.
Lúc đang ăn uống, Lã Văn nâng chén, nói với Lưu Bang:
- Tôi xem tướng ngài không phải là bậc phàm nhân, xin ngài phải tự trọng mới được. Nhà tôi có một gái, tuổi vừa cặp kê, tôi muốn cho theo hầu ngài để sửa tráp nâng khăn.
Lưu Bang khúm núm thưa:
- Tôi có ba việc chưa làm xong dám đâu nghĩ đến chuyện vợ con!
Lã Công nói:
- Ý tôi đã quyết, ngài chớ phụ lời. Vả lại kẻ trượng phu trên đời phải làm đến trăm nghìn việc, chớ cứ gì ba việc. Tôi chưa thấy ai vì bận việc mà từ chối không lấy vợ bao giờ.
Lưu Bang thấy Lã Công đem lòng quyến luyến không nỡ chối từ. Hai người bắt chén tương tri, rồi giã biệt.
Lã Công đưa tiễn Lưu Bang ra khỏi ngõ, bỗng có một chàng trai vồn vã chạy đến, nói với Lưu Bang:
- Ôi chao! Ngài đi đâu mà đã ba hôm tôi tìm không gặp.
Lã Công thấy chàng trai ấy hình vóc cao lớn, tiếng nói vang như sấm, khí phách đường đường, nghĩ thầm:
- Hẳn là một tay hảo hớn, gặp thời có thể vá trời lấp biển được!
Liền mời cả hai vào hàng rượu gần đó đánh chén.
Lã Công lựalời hỏi thăm tên họ khách.
Khách đáp:
- Phàn tên Khoái, người huyện Bái, làm nghề bán thịt chó.
Nhân đi tìm Lưu Bang lại gặp ngài đây, thật vạn hạnh.
Lã Công nói:
- Tôi từng nghe danh tráng sĩ đã lâu, hôm nay mới gặp màt, muốn tỏ một lời, song còn e ngại.
Phàn Khoái kính cẩn hỏi:
- Việc gì xin ngài cứ thật tình dạy bảo.
Lã Công mỉm cười, nhìn Phàn Khoái hỏi:
- Tôi hỏi thế này tưởng cũng quá đường đột, nhưng xin tráng sĩ hỉ xả cho. Chẳng hay tráng sĩ đã có người nội trợ chưa?
Phàn Khoái đáp:
- Thưa ngài, tôi nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, việc ấy chưa thể nghĩ đến.
Lã Công nói:
- Tôi có hai gái, đứa lớn gả cho Lưu Bang rồi, còn đứa nhỏ là Tu, nếu tráng sĩ có lòng thương, tôi xin dâng nốt.
Phàn Khoái ngập ngừng chưa dám nhận, Lưu Bang mỉm cười bảo Phàn Khoái:
- Hôm nay là ngày kỳ ngộ, chỉ một bữa mà Lã đại nhân đem hai tiểu thư gả cho hai ta. Lã đại nhân đã có lòng thương, hiền đệ chớ nên từ chối.
Phàn Khoái vội vã đứng dậy tạ ơn Lã Công.
Rượu tan, ánh nắng chiều cùng bắt đầu nhạt dần, hai nghời bái biệt ra về.
Ngày hôm sau, quan huyện Bái sai Lưu Bang đưa phu đến núi Ly Sơn để phục vụ công tác xây thành.
Khi đi đường, bọn dân phu trốn thoát quá nửa. Tối hôm ấy nghỉ lại nơi trạm Chăm Phong Tây, Lưu Bang nói với mọi người:
- Các anh ra đi không biết ngày về, vợ đói con rét, người nào trốn được thì trốn, tội gì đem thân hy sinh cho công việc không đem lại lợi ích cho quốc gia.
Bọn dân phu nói:
- Cám ơn ngài có lòng thương chúng tôi, song chúng tôi nỡ nào trốn thoát để ngài mang tội sao đành!
Không, các anh cứ đi! Tôi đây cũng phải tìm đường lánh nạn, chứ dại gì chịu chết!
Trong bọn dân phu có hơn mười người tráng sĩ, thấy Lưu Bang đầy lòng nhân đạo, đồng nói:
- Chúng tôi xin tình nguyện theo ngài!
Lưu Bang thuận tình. Ðêm ấy mọi người cùng Lưu Bang đánh chén thực say rồi theo lối tắt tìm đường đi trốn.
Ði được một quãng, bỗng thấy người dẫn lối quay trở lại nói:
- Ðàng trước có một con rắn dài ước mười trượng, nằm ngang giữa đường, không sao đi được. Phải tìm lối khác thoát thân.
Cả đoàn đều nhốn nháo. Riêng Lưu Bang vẫn điềm nhiên nói:
- Ðấng trượng phu không vì trở ngại mà lùi bước.Nói xong, cầm kiếm bước đến chém con rắn đứt làm hai đoạn, rồi vẫy tay nói với mọi người:
- Rắn đã chết, chúng ta tiến bước!
Mọi người le lưỡi, lắc đầu, bảo nhau:
- Bình nhật, Lưu Bang là kẻ nhút nhát, cớ sao hôm nay lại bạo dạn đến thế.
Cả đoàn kéo nhau vào ẩn nơi núi Mang Ðãng. Dân chúng trong vùng hay tin theo đến rất đông..
Cách mấy hôm, có người đến chỗ Lưu Bang chém con Bạch xà hôm trước, thấy có một bà già đang ôm xác con rắn khóc sướt mướt.
Người ấy lấy làm lạ, hỏi:
- Rắn chết thì trừ hại cho dân làng, cớ sao bà lại thương tiếc?
Bà già nói:
- Con tôi là con Bạch Ðế, hóa ra rắn nằm dọc đường, rủi bị ông Xích Ðế chém chết, vì vậy mà tôi thương khóc.
Bà già nói dứt lời biến mất. Dân trong vùng hay chuyên lạ bảo nhau:
- Ðó là một quái tượng!
Ðất Bái xung thiên khí đế vương
Trảm xà khởi nghĩa cứu tai ương.
Mở dầu sự nghiệp gây nhà Hán
Công đức Lưu Bang thật khó lường.
Từ khi Lưu Bang trảm xà, mưu việc lớn, bốn phương thiên hạ tình nguyện theo phò ước hơn hai trăm người.
Bấy giờ hai người Lại Mục huyện Bái là Tiêu Hà và Tào Tham thấy chính sách nhà Tần tàn bạo, thuế má nặng nề, bàn nhau tôn quan huyện Bái lên làm minh chủ, mộ quân chống lại nhà Tần.
Lưu Bang hay tin ấy, kéo đoàn nghĩa dũng của quân mình đến xin gia nhập.
Quan huyện thấy thanh thế của Lưu Bang thì sợ hãi, gọi Tiêu Hà và Tào Tham đến trách.
- Các ngươi mượn tiến cử ta làm minh chủ, nay lại viện quân ngoài đến, có khác gì thêm cánh cho hùm, sau này không tránh khỏi nội biến.
Tiêu Hà và Tào Tham nhìn nhau mỉm cười.
Ðêm ấy, hai người lén ra ngoài thành, tìm đến nói với Lưu Bang:
- Quan huyện Bái là kẻ tầm thường không mưu nỗi việc lớn. Ngài nay thanh thế đã khá, nên thừa cơ hội này chiếm lấy thành trì huyện Bái, làm chỗ đồn trú quân mă, chiêu dụ hiền tài, khởi xướng việc nghĩa, mưu trừ kẻ tàn bạo, thì thiên hạ bốn phương mới có chỗ tôn phò.
Lưu Bang nói:
- Nếu hai ông sẵn sàng giúp tôi làm việc nghĩa, tôi đâu dám cãi lời. Song điều cần yếu hai ông phải giúp tôi làm nội ứng thì mới nên việc được.
Tiêu Hà và Tào Tham đồng đáp:
- Các bậc bô lão trong thành hiện nay đều mong mỏi có người tài cầm đầu khởi nghĩa, nếu ngài viết một bức thư vạch rõ lợi hại hiểu dụ, ắt trăm dân một lòng nghe theo, thành huyện Bái chiếm đoạt không khó gì.
Lưu Bang theo lời, viết một bức thư bắn vào thành, trong thư đại ý nói:
" Lâu nay thiên hạ khổ sở vì chánh sách tàn bạo nhà Tần, vì vậy, hào kiệt bốn phương đua nhau dấy nghĩa, chọn người tài làm minh chủ liên kết chư hầu dể dánh đổ bạo chúa, đem an cư, lạc nghiệp lại cho muôn dân là người trọng nghĩa vì dân nên cùng tôi ứng theo nghĩa cả ".
Các bô lão trong thành được thư, bàn nhau:
- Hiện nay Lưu Bang chiêu tập binh mã vì dân khởi nghĩa, chúng ta là những kẻ sống ngất ngưởng trong chế độ mục nát bạo tàn, lẽ nào lại không hưởng ứng.
Liền rủ nhau vào giết quan huyện Bái rồi mở cửa thành cho nghĩa binh Lưu Bang kéo vào.
Tiêu Hà, Tào Tham bàn với dân chúng lập Lưu Bang lên làm quan huyện Bái.
Lưu Bang từ chối, nói:
- Không thế được. Nay thiên hạ loạn lạc, các chư hầu đua tranh, cần phải tìm người tài tôn lên. Tôi đức bạc, tài hèn không đủ tín nhiệm làm chủ huyện Bái, xin các ông chọn người khác.
Mọi người đồng thanh nói:
- Lâu nay nghe tiếng ngài là bậc kỳ tài, đáng cho chúng tôi tôn làm minh chủ. Nếu ngài từ chối lòng dân ắt ly tán.
Lưu Bang thấy không thể từ chối được, phải nhận chức, tự xưng là Bái Công, dùng cờ đỏ làm "nghĩa kỳ". Dân chúng đất Bái theo đến hơn ba ngàn người.
Cùng trong thời gian ấy, Hạng Lương và Hạng Vũ sang đất Cối Kê.
Quan Thái Thú Cối Kê là Ân Thông biết Hạng Lương là người mưu trí, liền mời đến bàn chuyện.
Ân Thông nói:
- Nay vua Nhị Thế vô đạo, Trần Thiệp khởi binh thiên hạ nhao nhao hưởng ứng. Tôi cũng muốn thừa cơ khởi nghĩa nên mời ngài đến cùng tôi hợp tác, ý ngài nghĩ sao?
Hạng Lương giả cách vâng lời, rồi trở về bàn với Hạng Vũ:
- Kẽ trượng phu cần tự lập, lẽ nào đem thân xu phụ người khác! Vả lại Ân Thông không phải là người đủ tài đức đứng ra gánh lấy việc đại nghĩa. Tuy nhiên, nếu ta không cướp lấy cơ hội thì làm sao có chỗ dung thân để mưu việc lớn.
Hạng Vũ nói:
- Việc ấy chẳng khó gì! Ngày mai chú vào giả cách đàm đạo với Ân Thông, cháu giắt kiếm vào lưng, theo chú đến đó, thừa cơ giết hắn đi chiếm lấy quận ấy để làm nơi nương tựa, chiêu tạp binh mã, tích thảo dồn lương.
Hạng Lương nói:
- Nếu cháu làm được việc ấy thì hay lắm.
Sáng hôm sau Hạng Lương và Hạng Vũ cùng vào nha môn. Ân Thông đem việc phản Tần bàn với Hạng Lương.
Hạng Vũ đứng một bên, hét lớn:
- Ngươi với ta hai lãnh vực khác nhau. Ta là dòng dõi khanh tướng nước Sở. Nước Tần diệt nước Sở nên ta đối với Tần có cái thù bất cộng đái thiên. Còn ngươi là một quan Thái Thú, ăn lộc vua lại âm mưu phản quốc, rõ là kẻ bất trung, không giết còn để làm gì.
Dứt lời vung kiếm chém Ân Thông rơi đầu.
Nha môn im lặng như tờ không ai dám hé môi.
Hạng Vũ cầm đầu Ân Thông giơ cao, nói:
- Hạng Công là người tài trí, đáng lãnh đạo dân chúng trong quận. Người nào không thuận hãy xem tấm gương này.
Hai viên môn lại là Quý Bá và Chung Ly Muội bước lên công đường nói lớn:
- Ðến đất người, giết chủ người, sao gọi là làm việc nghĩa?
Hạng Vũ đáp:
- Hạng Công vì nước Sở trả thù Tần, vì thiên hạ cứu lầm than đó là chí lớn, nếu hai người bằng lòng qui thuận, nêu cờ khởi nghĩa chẳng phải là hành động đại nghĩa sao!
Hai người nghe nói đều phục xuống thềm, thưa:
- Chúng tôi xin nghe theo lời tướng quân.
Hạng Lương phong cho Quý Bá và Chung Ly Muội làm chức Ðô Úy.
Chẳng bao lâu, các nơi nghe tiếng kéo nhau đến theo hơn vạn người.
Hạng Lương sắp thành đội ngủ, thưởng phạt nghiêm minh ai cũng nức lòng phò tá.
Quý Bá và Chung Ly Muội bàn với Hạng Lương:
- Quân mạnh phải có tướng hùng mới nên việc. Nay thế quân của ta đã đông, nhưng tướng chưa đủ. Trong quận Cối Kê nơi Ðồ Sơn có hai viên tướng là Hoàn Sở và Vũ Anh, sức mạnh địch muôn người, đang chiêu mộ tinh binh ước hơn tám ngàn. Nếu dụ được hai tướng ấy thì hay lắm.
Hạng Lương nghe nói, lập tức sai Hạng Vũ và Quý Bá đến Ðồ Sơn chiêu dụ.
Hạng Vũ đến nơi, sai một tên tùy tùng vào nói.:
- Quan Ðại tướng nước Sở tôi là Hạng Vũ, tùy hành chỉ có vài người, mình không mặc giáp, tay không binh khí đến đây cốt để bàn với nhị vị việc Vương, Bá mà thôi.
Hoàn Sở và Vũ Anh nghe nói, cho mời Hạng Vũ vào.
Hạng Vũ nói:
- Nay vua Nhị Thế vô đạo, dân chúng lầm than, các anh hùng hào kiệt đều nổi lên dấy nghĩa, mong cứu dân khỏi vòng tai biến. Nhị vị tướng quân sẳn tài vũ dũng, có thể giúp ích cho đời, nếu cứ ẩn mãi trong chốn sơn lâm phỏng có ích gì. Hạng Công tích thảo dồn lương nơi quận Cối Kê, quyết lòng rửa hờn cho sáu nước, nếu hai vị tướng quân bằng lòng hợp tác sau này thành công phú quý cùng hưởng.
Hoàn Sở nói:
- Tần tuy vô đạo, song binh lực còn mạnh, nếu không có tài cái thế khó nổi thành công. Chúng tôi nhắm sức mình chưa đủ, không dám mưu việc lớn. Ngài đã dám đứng ra tính việc đại nghĩa, hẳn tài cán siêu quần. Bao giờ chúng tôi thấy được tài năng của ngài thì mới quy thuận, băng không chỉ vẽ hổ không thành, mang tiếng với đời mà thôi.
Hạng Vũ nói:
- Nhị vị tướng quân muốn thử tài tôi bằng cách nào?
Hoàn Sở nói:
- Ở dưới sườn núi có miếu Vũ Vương. Trước miếu có cái đỉnh nặng mấy nghìn cân. Nếu ngài lay nổi ba lượt, thì quả là người có sức mạnh vô địch.
Hạng Vũ nói:
- Thế thì đưa tôi đến đó xem thử.
Hai tướng dẫn Hạng Vũ, Quý Bá và bọn tùy tướng xuống sườn núi, vào miếu Vũ Vương. Giữa sân có một cái đỉnh đồng cao bảy thước, chu vi năm thước, nặng ước năm ngàn cân. Hạng Vũ xem qua rồi bảo viên tiểu tướng đẩy thử xem. Viên tiểu tướng cố sức đẩy mạnh, mặt đỏ bừng, nhưng đỉnh đồng không hề lay chuyển.
Hạng Vũ, xăn tay áo, đẩy mạnh một cái, đỉnh đồng ngã xuống rồi lại đỡ lên như cũ. Ba lần như vậy, vẫn không lấy gì làm nặng nhọc.
Hai tướng vỗ tay reo lớn:
- Ôi chao! Quả là tay hảo hớn!
Hạng Vũ vừa cười vừa nói:
- Thế đã lấy gì làm lạ.
Dứt lời, cầm lấy chân đỉnh đưa cao lên trời, đi quanh miếu ba vòng, mà sắc mặt vẫn không thay đổi.
Hai tướng la lớn:
- Thật là bậc thiên thần, dẫu Mạnh Bôn tái sinh cũng chưa chắc đã địch nổi. Chúng tôi xin tùng phục ngài.
Hạng Vũ đem đỉnh đồng để xuống chỗ cũ, rồi theo hai tướng trở về trại.
Hai tướng đặt tiệc khoản đãi.
Ngày hôm sau thu xếp hành trang, thống suất binh mã, cùng theo Hạng Vũ hạ san.
Vừa đi khỏi Ðồ Sơn vài dặm, bỗng thấy một toán dân chúng hơ hải chạy đến.
Hạng Vũ ngạc nhiên, gò ngựa, hỏi:
- Các ngươi có việc chi sợ hãi thế?.
Vài người dân binh đến đầu ngựa cúi chào Hạng Vũ và nói:
- Trong vực lớn cạnh núi Ðồ Sơn có con rồng đen, hóa thành ngựa, ngày nào cũng đến thôn Nam Phụ gầm, thét, cắn, đá, phá hoại mùa màng, chúng tôi không làm cách nào đuổi đi được. Ai đến gần đều bị ngựa đá chết. Chúng tôi thấy đại binh qua đây, đến nhờ tướng quân vì dân trừ hại. Ðược vậy dân vùng nầy mang ơn tướng quân không ít.