Người ta sẽ học được nhiều hơn từ lỗi lầm của mình, nếu như họ không quá bận rộn chối bỏ lỗi lầm của mình.

J. Harold Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Charles Dickens
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Đình Chi
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 59 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ôi đinh ninh sẽ thấy một ông cảnh sát trong bếp, chờ đó để giải tôi đi.
Nhưng không những trong bếp chẳng có ông cảnh sát nào, mà cũng chưa ai
phát hiện ra vụ mất trộm. Bà Joe đang bận quay cuồng với việc dọn dẹp thu
xếp nhà cửa sẵn sàng cho ngày lễ hôm đó, và Joe đã bị bắt đứng nơi ngưỡng
cửa bếp để tránh xa cái đồ hốt rác - món vật dụng định mệnh kiểu gì cũng dẫn
dắt ông anh rể tôi giẫm vào nó không sớm thì muộn trong lúc chị tôi đang hì
hục quét dọn sàn nhà.
“Mày đã biến đi đâu hả?” là câu chúc mừng Giáng sinh của bà Joe, khi
tôi và lương tâm của tôi cùng chường mặt ra.
Tôi nói tôi đã đi nghe các bài đồng ca Giáng sinh. “À! Được!” bà Joe
nhận xét. “Mày hoàn toàn có thể làm gì đó tệ hại hơn.” Không nghi ngờ gì
nữa, tôi thầm nghĩ.
“Có lẽ nếu tao không phải là vợ một anh chàng thợ rèn, và (cũng vậy
cả thôi) một nô lệ chẳng bao giờ thoát khỏi cái tạp dề, tao đã được đi nghe
hát đồng ca mừng Giáng sinh,” bà Joe nói. “Bản thân tao cũng thích nghe các
bài hát Giáng sinh lắm, và đó là lý do hay ho nhất để tao chẳng được nghe bài
nào.”
Joe, đánh bạo dò vào bếp sau tôi vì cái hốt rác đã lui bước trước mặt
hai chúng tôi, đưa mu bàn tay quệt ngang qua mũi với vẻ dàn hòa khi bà Joe
gườm gườm ném về phía ông chồng một cái nhìn sắc lẹm, và khi bà chị tôi
thu ánh mắt về, anh liền len lén để hai ngón trỏ bắt tréo nhau rồi giơ lên về
phía tôi, dấu hiệu giữa hai chúng tôi để nói bà Joe đang nổi quạu. Tâm trạng
này với bà chị tôi kể cũng là bình thường, vậy là hai ngón trỏ của tôi và Joe
cứ thế bắt tréo nhau liên tục trong hàng tuần liền, hệt như mấy đôi chân trên
mộ các Hiệp sĩ Thập tự chinh vậy*.
Thời này người ta cho rằng những biểu tượng tréo chân trên mộ các hiệp sĩ thời Trung cổ là dấu hiệu
cho biết hiệp sĩ đó từng là Thập tự quân.
Chúng tôi sẽ có một bữa tối thịnh soạn, gồm một cái giò lợn ngâm
giấm với đậu xanh, và hai con gà quay nhồi. Một cái bánh patê ngon lành đã
được chuẩn bị từ sáng hôm qua (lý do khiến không ai nhớ đến món thịt băm),
và bánh pudding thì đã đem hấp. Những món ăn được chuẩn bị tưng bừng
này đã làm chúng tôi bị cắt bỏ bữa sáng không chút khách khí, “vì tôi sẽ
không,” bà Joe nói, “tôi sẽ không có hơi sức đâu chuẩn bị bữa ăn vào lúc này,
với những gì tôi còn phải làm, xin cam đoan với các người đó!”
Vậy là chúng tôi tự cắt bánh mì ra, như thể chúng tôi là hai người lính
đang hành quân gấp gáp chứ không phải một người đàn ông và một cậu nhóc
đang ngồi nhà; rồi chúng tôi uống từng ngụm sữa pha nước, với bộ dạng áy
náy, từ một cái bình để trên tủ. Trong lúc đó, bà Joe treo những tấm rèm trắng
sạch tinh lên, chăng dây hoa trang trí mới ngang qua cái lò sưởi rộng để thay
cho dây cũ, rồi mở phòng tiếp khách nhỏ ngang hành lang ra quét tước dọn
dẹp, cả năm trời nơi này được phủ lớp giấy bạc che bụi, phủ đến tận bốn con
chó xù nhỏ bằng sứ trắng để trên bệ lò sưởi, tất cả đều có cái mũi đen, miệng
ngậm một giỏ hoa đứng thành hai đôi. Bà Joe là một bà nội tướng rất sạch sẽ,
nhưng đồng thời cũng sở hữu một phong cách tinh tế đầy nghệ thuật để làm
cho sự sạch sẽ chị mang lại còn khó chịu và khó chấp nhận hơn cả bụi bặm
rác rưởi. Sạch sẽ chỉ kém quan trọng hơn kính Chúa, và có những người quan
niệm như thế về tôn giáo.
Chị tôi, vì có quá nhiều việc phải làm, sẽ có mặt tại nhà thờ một cách
gián tiếp, có nghĩa Joe và tôi sẽ đi. Trong bộ đồ làm việc, Joe là một anh thợ
rèn chắc nịch chẳng lẫn vào đâu được; trong bộ đồ đi lễ, trông ông anh rể tôi
giống một con bù nhìn khá giả hơn bất cứ thứ gì khác. Lúc đó chẳng có thứ gì
Joe mặc vừa người hay nom có vẻ thuộc về anh; và mọi thứ anh mang trên
người lúc ấy đều làm anh lúng túng khổ sở. Vào dịp lễ Giáng sinh này, ông
anh rể tôi ló ra khỏi phòng khi tiếng chuông thanh thản ngân lên, hiện thân
của sự khổ sở trong nguyên bộ đồ đen Chủ nhật. Còn về phần mình, tôi nghĩ
chắc bà chị tôi hẳn phải có một ý tưởng chung chung nào đó về chuyện tôi là
một thằng nhóc tội lỗi mà Cảnh sát Hộ sinh* đón nhận (vào ngày tôi chào
đời) rồi giao lại cho chị để xử trí theo đúng sự trang nghiêm của pháp luật.
Tôi vẫn luôn bị đối xử như thể tôi đã một mực muốn được sinh ra trái với
mệnh lệnh của lý trí, tôn giáo và đạo đức và bất chấp mọi lời lẽ can gián từ
những người bạn thân nhất của tôi. Thậm chí ngay cả khi tôi được dẫn đi may
đo một bộ đồ mới, người thợ cũng được yêu cầu may bộ đồ ấy cho giống như
một bộ đồng phục trại cải huấn, và tất nhiên không cho phép tôi được thoải
mái tung tẩy chân tay.
Pip đang bị ám ảnh về việc lấy trộm đồ ăn và những chiếc tàu nhốt tù nên ở đây nghĩ tới việc cậu
được người hộ sinh đỡ đẻ khi chào đời cũng giống như bị một cảnh sát bắt giữ và việc người hộ sinh
chuyển cậu cho bà chị nuôi cũng giống như cảnh sát chuyển cậu cho cai ngục để thụ án, chính vì vậy
tác giả chơi chữ sáng tạo nên cách gọi này.
Do vậy, Joe cùng tôi tới nhà thờ hẳn phải là một cảnh tượng cảm động
với những ai tính hay thương hại. Dù vậy, những gì tôi phải chịu đựng bên
ngoài chưa thấm vào đâu so với những gì đang diễn ra trong nội tâm. Nỗi
kinh hoàng tấn công tôi mỗi khi bà Joe lại gần tủ cất thức ăn hay ra khỏi
phòng thì chỉ có cảm giác hối hận đang đè nặng tâm trí tôi vì những gì bàn
tay tôi đã làm mới sánh kịp. Bị bí mật tệ hại ấy đè nặng, tôi tự hỏi liệu nhà
thờ có đủ hùng mạnh để che chở tôi khỏi bị gã đàn ông trẻ đáng sợ kia báo
thù hay không, nếu tôi tiết lộ tất cả. Tôi nảy ra ý tưởng là khi các thông báo
hôn nhân được đọc lên và thời điểm ông mục sư nói, “Giờ các con hãy nói
ra!” sẽ là lúc để tôi đứng lên xin được xưng tội riêng trong phòng áo lễ. Tôi
đâu có biết mình sẽ chẳng thể quấy quả cộng đồng giáo xứ ít ỏi của chúng tôi
bằng cách viện đến lựa chọn cực đoan ấy, vì hôm nay là lễ Giáng sinh chứ
không phải ngày Chủ nhật.
Ông Wopsle, ông quản nhà thờ, sẽ đến dùng bữa cùng chúng tôi; cũng
như ông Hubble thợ làm bánh xe cùng bà Hubble; rồi cả bác Pumblechook
(ông là bác anh Joe, song bà Joe cứ xem như của mình), một người buôn bán
lương thực giàu có sống ở thị trấn gần nhất, ông tự đánh xe của mình tới. Bữa
ăn dự định vào lúc một giờ rưỡi. Khi Joe và tôi về nhà, chúng tôi thấy bàn ăn
đã được dọn, bà Joe thay đồ tươm tất, bữa ăn được chuẩn bị sẵn sàng, còn
cửa trước không cài khóa (lúc khác thì chẳng bao giờ có chuyện đó) để khách
khứa vào nhà, và mọi thứ trong nhà đều tinh tươm không chê vào đâu được.
Và vẫn chưa có lời nào về chuyện mất trộm.
Giờ hẹn mời khách rồi cũng tới, song chẳng làm tôi cảm thấy nhẹ
nhõm hơn chút nào, và các vị khách xuất hiện. Ông Wopsle, sở hữu một cái
mũi La Mã cùng vầng trán hói rộng bóng nhoáng và một chất giọng mà ông
ta luôn lấy làm hết sức tự hào; kỳ thực, những người quen ông quản vẫn
ngầm hiểu với nhau là nếu được phép làm gì tùy ý, ông ta sẽ khiến cho một
mục sư chính cống cũng phải xấu hổ; chính ông quản cũng từng thừa nhận
giá như Giáo hội “mở toang”, nghĩa là cho phép cạnh tranh, hẳn ông cũng có
thể tự tin về cơ hội tạo lập chỗ đứng cho mình tại đó. Thế nhưng vì Giáo hội
chẳng hề “mở toang”, ông này, như tôi đã nói, vẫn chỉ là ông quản của chúng
tôi. Nhưng ông quản đã trừng phạt những tiếng Amen thật kinh khủng; và khi
cất giọng đọc các bài Thánh thi - luôn đọc trọn cả bài - trước hết ông quản
luôn nhìn quanh đám đông cử tọa như muốn nói, “Quý vị đã lắng nghe ông
bạn bề trên của tôi; giờ xin hãy cho tôi biết ý kiến của quý vị về cái cung
cách đó!”
Tôi mở cửa cho khách - để làm họ tin chúng tôi vẫn có thói quen mở
cái cửa đó ra - đầu tiên là ông Wopsle, sau đó đến ông bà Hubble, và cuối
cùng là bác Pumblechook. Xin nói luôn, tôi không được phép gọi ông ấy là
ông bác, nếu dám gọi thế tôi sẽ bị phạt nặng.
“Chị Joe,” bác Pumblechook lên tiếng, ông là một người đàn ông trung
niên bệ vệ chậm chạp với hơi thở nặng nề, miệng như miệng cá, đôi mắt lờ
đờ luôn nhìn chằm chằm cùng mái tóc màu cát dựng đứng trên đầu, thành ra
trông vị khách như thể vừa bị nghẹt thở, và phút này mới lai tỉnh, “tôi mang
cho chị làm quà nhân dịp lễ - tôi mang cho chị, bà mẹ ạ, một chai vang sherry
- và tôi mang cho chị, bà mẹ ạ, một chai vang porto.”
Cứ mỗi dịp Giáng sinh ông lại giới thiệu bản thân, như một điều gì đó
cực kỳ mới mẻ, cũng nói đúng những lời đó, và cầm theo hai cái chai như
một đôi chuông tay. Mỗi Giáng sinh bà Joe lại đáp, như lúc này chị đáp, “Ôi,
b-ác Pum-ble-chook! Thật chu đáo quá!” Và cứ mỗi dịp Giáng sinh, vị khách
cự lại cũng hệt như lúc này ông đang nói, “Cũng không hơn những gì chị
xứng đáng đâu. Nhà ta vui vẻ cả chứ, mà đồng nửa penny đáng giá sáu penny
sao rồi?” Ám chỉ tôi.
Vào những dịp thế này, chúng tôi dùng bữa trong bếp, rồi rời sang
phòng khách dùng hạt dẻ, cam và táo; quả là một thay đổi chẳng khác gì
chuyện Joe đổi từ quần áo mặc làm việc sang bộ đồ đi lễ ngày Chủ nhật. Chị
gái tôi trở nên hồ hởi khác thường vào dịp này, và nhìn chung trở nên thực sự
nhẹ nhàng dễ mến khi có bà Hubble làm bạn hơn là với người khác. Tôi nhớ
bà Hubble là một phụ nữ nhỏ nhắn tóc quăn miệng lưỡi sắc sảo mặc đồ màu
xanh da trời, thường giữ vai vế đàn em, vì bà đã kết hôn với ông Hubble - tôi
không biết đã từ bao lâu rồi - khi bà còn trẻ hơn ông chồng rất nhiều. Tôi còn
nhớ ông Hubble là một ông lão lưng còng vai rộng rắn rỏi, cả người toát lên
mùi mạt cưa, hai chân cách xa nhau đến khác thường: vì thế khi còn bé tôi
lúc nào cũng thấy hàng dặm đồng quê mở ra giữa chúng khi tôi bắt gặp ông
đi tới trên đường làng.
Giữa những vị khách đàng hoàng tử tế này, cho dù có không lấy trộm
thức ăn hẳn tôi cũng sẽ cảm thấy mình thật lạc lõng. Không phải vì tôi bị nhét
vào chỗ góc nhọn tấm khăn trải bàn, bị cái bàn ăn đâm vào ngực và khuỷu tay
của ông bác Pumblechook chọt vào mắt, cũng không phải vì tôi không được
phép mở miệng (tôi chẳng hề muốn nói), hay vì tôi chỉ được thết đãi mấy
mẩu chân gà đầu thừa đuôi thẹo và những miếng bạc nhạc mà con lợn lúc
sinh thời hẳn có ít lý do để tự hào nhất. Không; chắc tôi đã chẳng buồn để
tâm tới chuyện đó, nếu họ để tôi được ở yên thân. Nhưng họ lại chẳng để tôi
yên. Dường như họ nghĩ sẽ bỏ lỡ mất cơ hội nếu thỉnh thoảng không quay
sang trò chuyện về tôi, rồi chĩa mũi vào tôi. Tôi chẳng khác gì một con bò bé
nhỏ không may trong trường đấu bò Tây Ban Nha, liên tục bị tấn công bằng
những cú đòn đạo đức thật khéo léo.
Cuộc tra tấn bắt đầu từ khoảnh khắc chúng tôi ngồi vào bàn dùng bữa.
Ông Wopsle nói lời tạ ơn với vẻ trang trọng rất kịch - bây giờ nghĩ lại, tôi
thấy màn trình diễn ấy giống một sự kết hợp về tôn giáo giữa Bóng Ma trong
Hamlet và Richard Đệ Tam - và kết thúc với nguyện vọng rất hợp lý là chúng
tôi nên thực sự thấy biết ơn. Nghe đến đây, bà chị tôi nhìn tôi chằm chằm, rồi
khẽ nói đầy trách cứ, “Mày nghe thấy chưa? Hãy biết ơn.”
“Đặc biệt,” ông Pumblechook nói, “cậu bé, hãy biết ơn những người đã
nuôi nấng cháu bằng tay.”
Bà Hubble lắc đầu, và ngắm nghía tôi với linh cảm đầy phiền muộn
rằng chắc rồi tôi cũng sẽ chẳng làm nên gì ra hồn và hỏi, “Sao bọn trẻ chẳng
bao giờ biết ơn vậy nhỉ?” Bí ẩn đạo đức này dường như quá khó hiểu với
những người có mặt cho tới khi ông Hubble lên tiếng lý giải cộc lốc: “Xấu xa
bẩm sinh!” Những người còn lại lập tức lầm rầm “Phải!” rồi nhìn ngay tôi
đầy ác cảm.
Khi có mặt người khác vị trí và ảnh hưởng của Joe (nếu có thể có) có
vẻ yếu ớt hơn so với khi không có ai. Nhưng anh luôn giúp đỡ và an ủi tôi khi
có thể, theo cách riêng của anh, và luôn làm vậy vào bữa ăn bằng cách cho tôi
nước thịt hầm, nếu có. Hôm nay trên bàn ăn ê hề nước thịt hầm, và cho tới
lúc này Joe đã múc vào đĩa của tôi có đến nửa pint.
Một lát sau trong bữa ăn, ông Wopsle quay sang bình phẩm về bài
thuyết giáo một cách khá nghiêm khắc, và đề nghị - vẫn luôn trong trường
hợp giả thiết quen thuộc là Giáo hội “mở toang” - về bài thuyết giáo ông hẳn
đã dành cho giáo xứ. Sau khi mang ra đãi những người có mặt vài đầu mục
của bài thuyết giảng ấy, ông quản nhận xét rằng ông cảm thấy chủ đề thuyết
giáo ngày hôm đó quá buồn tẻ, nhạt nhẽo; điều còn khó lòng tha thứ hơn, ông
nói thêm, là chuyện này lại diễn ra khi có quá nhiều chuyện đang “diễn ra
xung quanh”.
“Lại đúng,” bác Pumblechook nói. “Ông nói đúng trọng tâm rồi đó,
thưa ông! Có vô khối chuyện đang diễn ra xung quanh, cho những ai biết nên
rắc muối lên đuôi chúng mà tóm lấy*. Đó là thứ người ta cần. Một người
không cần phải đi quá xa để tìm lấy một chủ đề, nếu anh ta luôn sẵn sàng với
cái hộp muối của mình.” Ông Pumblechook nói thêm sau một thoáng ngẫm
nghĩ, “Thử nhìn vào Thịt lợn thôi chẳng hạn. Một chủ đề rồi đấy! Nếu ông
muốn một chủ đề, hãy nhìn vào Thịt lợn!”
Thời xưa ở Anh người ta tin rằng rắc muối lên đuôi chim sẽ giúp chúng ta bắt chúng dễ hơn.
“Phải rồi, thưa ông. Rất nhiều chiêm nghiệm về đạo đức cho lũ trẻ,”
ông Wopsle đáp, và tôi biết ngay ông này lại sắp lôi tôi vào, từ trước khi ông
ta nói ra, “có thể rút ra được từ câu chuyện đó*.”
Ở đây ông Wople suy diễn từ món Thịt lợn trong bữa tiệc giáng sinh mà ông Pumblechook nhắc tới
sang câu chuyện trong sách Luke của Kinh Thánh: đó là câu chuyện Jesus kể lại cho các môn đồ
nghe về một người đàn ông có hai con trai, trong đó đứa con út sống hoang tàng tội lỗi phá sản phải
đi chăn lợn và khi cùng đường quay về gặp cha để nhận tội và xin làm tôi tớ cho cha nhưng khi trở về
thì người cha vui mừng đón nhận và tha thứ.
(“Mày nghe lấy nhé,” bà chị nghiêm khắc nói với tôi.)
Joe lại múc cho tôi thêm ít nước thịt.
“Lũ lợn,” ông Wopsle nói tiếp bằng thứ giọng thật trầm, vừa nói vừa
chỉ nĩa vào khuôn mặt đỏ bừng của tôi, như thể ông ta vừa nói ra tên thánh
của tôi, “lũ lợn chính là bạn đồng hành của đứa con hoang tàng. Sự tham lam
của Lợn được đưa ra trước chúng ta như một ví dụ cho lũ trẻ.” (Tôi nghĩ ý
tưởng này quả là hay ho ở cùng người vừa mới ca tụng món thịt lợn thật mềm
và ngọt.) “Điều gì đáng ghét ở một con lợn thì còn đáng ghét hơn khi ở trong
một thằng bé.”
“Hay con bé,” ông Hubble gợi ý.
“Tất nhiên rồi, hay con bé, ông Hubble,” ông Wopsle chấp nhận một
cách khá khó chịu, “nhưng chẳng có đứa bé gái nào có mặt ở đây cả.”
“Thêm nữa,” ông Pumblechook vừa nói vừa quay ngoắt sang tôi, “hãy
nghĩ tới những gì cháu phải biết ơn. Nếu cháu sinh ra đã là một con vật kêu
ủn ỉn…”
“Nếu có đứa trẻ nào như thế thì chính là nó đấy,” bà chị tôi nhấn giọng
nói.
Joe lại múc thêm nước thịt cho tôi.
“A, nhưng tôi muốn nói đến một con ủn ỉn bốn chân kia,” ông
Pumblechook nói. “Nếu cháu được sinh ra như thế, thì bây giờ liệu cháu có
thể ở đây không? Không đâu nhỉ…”
“Trừ phi là dưới dạng kia,” ông Wopsle vừa nói vừa hất hàm về phía
cái đĩa.
“Nhưng tôi không có ý nói dưới dạng đó, thưa ông,” ông Pumblechook
đáp lại, rất không thích bị chen ngang. “Ý tôi là đang được vui vẻ ngồi bên
những người lớn tuổi đứng đắn hơn cậu bé, được trau dồi bản thân từ những
câu trò chuyện của họ, được tận hưởng cuộc sống đầy đủ. Liệu cậu bé có làm
được những thứ này không? Không, nó không thể. Và điểm đến của cháu sẽ
là thế nào nhỉ?” ông lại quay sang tôi. “Cháu chắc sẽ bị bán đi lấy những
đồng shilling* theo giá ngoài chợ, và ông hàng thịt Dunstable sẽ tìm đến cháu
khi cháu nằm trên ổ rơm, và ông ta sẽ kẹp cháu vào dưới cánh tay trái, rồi
dùng tay phải thò vào dưới cái tạp dề hàng thịt lấy một con dao từ túi áo ra,
rồi chọc tiết cướp đi mạng sống của cháu. Chứ chẳng có chuyện được nuôi
bằng tay đâu. Chẳng có đâu!”
1 shilling = 1/20 bảng Anh.
Joe lại cho tôi thêm nước thịt, đến mức tôi phát sợ khi phải nhận.
“Thằng bé này chắc phải là cả một kho rắc rối cho bà,” bà Hubble lên
tiếng tỏ vẻ ái ngại cho chị tôi.
“Rắc rối ư?” bà chị tôi nhắc lại, “rắc rối ư?” Rồi chị bắt đầu liệt kê ra
một bản danh sách kinh hoàng những thứ bệnh tật tôi đã có tội lỗi mắc phải,
tất cả những lần thức thâu đêm tôi đã gây ra, tất cả những chỗ trên cao tôi đã
từ đó ngã xuống, tất cả những chỗ thấp tôi đã rơi tõm vào, tất cả những vết
thương tôi gây ra cho chính mình, và tất cả những lần chị đã ước gì tôi cuốn
xéo xuống mồ song tôi vẫn ương bướng không chịu làm theo.
Tôi nghĩ những người La Mã hẳn phải khiến nhau bực bội kinh khủng
lắm với cái mũi của họ. Có lẽ cũng chính vì thế mà họ trở thành giống người
bồn chồn đến vậy. Dù thế nào đi nữa, cái mũi kiểu La Mã của ông Wopsle đã
khiến tôi thấy bực bội ghê gớm trong khi màn kể tội tôi diễn ra, tới mức tôi
hẳn rất hài lòng được giật cái mũi đó đến khi ông ta phải gào tướng lên.
Nhưng tất cả những gì tôi phải chịu đựng cho tới lúc này chẳng là gì hết khi
sánh với những cảm xúc tệ hại xâm chiếm tôi khi khoảng ngừng tiếp theo
màn kể tội của chị tôi bị phá vỡ, trong suốt quãng ngừng ấy tất cả mọi người
đều nhìn tôi (trong khi tôi ý thức được điều đó một cách khổ sở) đầy phẫn nộ
và ghê tởm.
“Dẫu vậy,” ông Pumblechook nói, nhẹ nhàng dẫn dắt mọi người trở lại
chủ đề họ đã đi chệch. “Thịt lợn - với tư cách thực phẩm - còn thật ngon nữa,
phải không?”
“Mời bác dùng thêm chút brandy nào,” chị tôi nói.
Ôi Chúa ơi, cuối cùng thời điểm đó cũng đến! Ông ấy sẽ phát hiện ra
rượu nhạt hoét, và sẽ nói thế, vậy là tôi coi như đi tong! Cả hai tay tôi bấu
chặt lấy chân bàn ăn dưới tấm khăn trải, chờ đợi số phận của mình.
Chị tôi đi lấy cái chai bằng đá, quay lại cầm theo nó, và rót brandy ra
cho ông khách: những người khác không dùng. Người đàn ông khốn khổ mân
mê ly rượu của mình - cầm nó lên, giơ ra ánh sáng ngắm nghía, rồi đặt nó
xuống - kéo dài thêm nỗi khổ sở của tôi. Trong lúc đó, bà Joe và Joe hối hả
dọn bàn lấy chỗ cho cái bánh nhân thịt lợn và bánh pudding.
Tôi không thể rời mắt khỏi ông khách, vẫn bấu chặt hai chân hai tay
vào cái chân bàn, tôi thấy ông khách đen đủi mân mê cái ly của mình thật vui
thú, cầm nó lên, mỉm cười, ngửa cổ, rồi uống cạn ly brandy. Ngay sau đó, tất
cả những người dự tiệc kinh hoàng không nói nên lời khi ông này vụt đứng
bật dậy, quay quay vài vòng co gập người lại hoảng hốt ho khạc rồi lao vụt ra
cửa; sau đó, có thể thấy ông ta qua cửa sổ, đang cúi gập người xuống khạc
nhổ dữ dội, mặt mũi nhăn nhó trông thật khiếp, và có vẻ như đang bị mất trí.
Tôi bám thật chặt lấy chân bàn trong khi bà Joe và Joe chạy lại chỗ ông
bác. Tôi không rõ mình làm thế ra sao, song biết chắc tôi đã giết ông ấy theo
cách nào đó. Trong tình thế khốn khổ của tôi lúc này, thật nhẹ nhõm khi thấy
vị khách được dìu trở vào trong nhà, đưa mắt nhìn khắp lượt những người có
mặt như thể họ đã bất đồng với ông ta, rồi ngồi sụp xuống ghế hổn hển mấy
từ đầy ý nghĩa, “Hắc ín!”
Tôi đã đổ đầy chai bằng nước hắc ín. Tôi biết ông ấy sẽ sớm cảm thấy
tệ lắm. Tôi làm cái bàn xê dịch, như một bà đồng thời nay, nhờ nắm tay của
tôi đang giữ lấy chân bàn mà không ai nhìn thấy.
“Hắc ín!” chị tôi kinh ngạc kêu lên. “Làm sao lại có hắc ín trong đó
được chứ?”
Nhưng bác Pumblechook, người có quyền lực vô hạn trong căn bếp
này, chẳng buồn nghe tới lời chị tôi nói, chẳng buồn nghe tới chủ đề chị gọi
ra, oai nghiêm phẩy tay gạt tất cả đi và đòi gin pha nước nóng. Chị tôi, lúc ấy
đã bắt đầu trầm ngâm thật đáng sợ, đành tất bật lấy gin, nước nóng, đường,
vỏ chanh, rồi pha mọi thứ với nhau. Ít nhất thì vào lúc này tôi tạm thoát nạn.
Tòi vẫn bấu chặt lấy chân bàn, nhưng lúc này với tất cả lòng biết ơn
đầy phấn khởi.
Dần dà tôi cũng bình tâm trở lại để buông tay ra mà cùng chia phần
món bánh pudding. Ông Pumblechook cũng ăn bánh pudding. Tất cả đều ăn
bánh pudding. Món này được thưởng thức xong thì ông Pumblechook cũng
đã bắt đầu tươi tỉnh trở lại nhờ công hiệu tuyệt vời của gin pha nước.
Tôi vừa mới nghĩ mình đã thoát nạn ngày hôm ấy thì chị tôi nói với
Joe, “Lấy đĩa sạch - lạnh.”
Tôi lại lập tức bám chặt lấy chân bàn, ghì chặt nó vào ngực như thể nó
là người đồng hành tuổi thơ và người bạn của tâm hồn tôi. Tôi hiểu chuyện gì
sắp xảy ra, và cảm thấy lần này mình thực sự đi tong rồi.
“Các vị nhất định phải nếm,” chị tôi nói với mấy vị khách bằng điệu bộ
duyên dáng nhất, “để kết thúc bữa tiệc, các vị nhất định phải nếm qua món
quà tuyệt vời ngon lành của bác Pumblechook!”
Nhất định ư! Cầu cho họ không mong được nếm thử nó!
“Các vị phải biết nhé,” chị tôi vừa nói vừa đứng lên, “đó là một chiếc
bánh; một cái bánh nhân thịt lợn ngon tuyệt.”
Tất cả thực khách rì rầm tán thưởng. Bác Pumblechook, biết rõ mình
đáng được đồng loại tán thưởng, lên tiếng, nghĩ cho hết nhẽ thì khá sôi nổi,
“Được rồi, chị Joe, chúng tôi sẽ cố hết mức; chúng ta hãy cùng nếm thử cái
bánh này nào.”
Chị tôi đi lấy bánh. Tôi nghe thấy tiếng bước chân chị tới chạn đồ ăn.
Tôi thấy ông Pumblechook mân mê con dao ăn. Tôi thấy vẻ háo hức sống dậy
trong lỗ mũi La Mã của ông Wopsle. Tôi nghe thấy ông Hubble nhận xét
rằng “một miếng bánh nhân thịt lợn ngon lành sẽ đứng trên mọi món ta có thể
kể ra, mà lại chẳng hại gì,” và tôi nghe thấy Joe nói, “Cậu sẽ có một phần,
Pip.” Tôi chưa lúc nào dám chắc hoàn toàn liệu có phải tôi đã ré lên một tiếng
kinh hoàng hay không, dù chỉ trong tâm trí tôi hay trong tầm tai nghe của
những người có mặt. Tôi cảm thấy không thể chịu đựng hơn được nữa, cảm
thấy mình phải chạy trốn. Tôi buông cái chân bàn ra, và cắm đầu chạy trối
chết.
Nhưng tôi chẳng chạy được quá cửa vào nhà, vì đến đó tôi đâm đầu lao
thẳng vào một toán lính mang súng hỏa mai, một người trong số họ giơ một
cặp còng về phía tôi và nói, “Anh bạn đây rồi, nhanh lên, lại đây nào!”
Great Expectations (Tiếng Việt) Great Expectations (Tiếng Việt) - Charles Dickens Great Expectations (Tiếng Việt)