Số lần đọc/download: 3953 / 107
Cập nhật: 2016-06-27 09:58:26 +0700
Chương 4
1
Bắt đầu nghiên cứu hắc mật.
Hắc mật, nghe cái tên không thôi cũng đã hiểu ý nghĩa, là mật mã chị em với tử mật, nhưng tiên tiến hơn, cao cấp hơn tử mật, nặng nề, sâu sắc như hai màu đen (hắc) và tím (tử) so với nhau. Ba năm trước, Kim Trân nhớ mãi cái ngày đáng sợ, ấy là ngày mồng một tháng chín năm 1966 (ít lâu sau ngày về trường N cứu thầy Dung), bóng ma hắc mật lần đầu tiên xuất hiện trên tử mật. Giống như cánh chim trong gió bỗng nhận ra tuyết trắng đã phong kín núi đồi, Kim Trân nhận ra dấu vết mỏng manh như tơ nhện của hắc mật, dự cảm ngọn núi cao mình chinh phục đang có nguy cơ bị che phủ.
Quả nhiên sự thật sau đấy đúng như thế, dấu tích hắc mật không ngừng bao phủ đỉnh núi tử mật, giống như bóng tối tràn lan xoá sạch ánh sáng lúc mặt trời lặn. Từ đây, đối với đơn vị 701, những ngày tháng đen tối của mười năm trước lại tái hiện, bất giác mọi người lại gửi gắm hi vọng vào ngôi sao Kim Trân sẽ tìm ra ánh sáng. Suốt ba năm nay, ngày cũng như đêm anh chuyên chú đi tìm ánh sáng, nhưng ánh sáng lai luôn ẩn mình trong bóng tối tận bên kia núi. Trong tình hình đó, đơn vị 701 và Tổng cục cùng tổ chức hội nghị nghiên cứu hắc mật - một hội nghị long trọng trong sự im lặng.
Hội nghị được tổ chức ngay tại Tổng cục.
Giống như các Tổng cục, cơ quan Tổng cục của đơn vị 701 đặt tại Bắc Kinh, xuất phát từ thành phố A ngồi tàu hoả phải mất ba ngày hai đêm. Cũng có máy bay, nhưng không được đi máy bay, vì sợ bị cướp máy bay. Thực tế, khả năng cướp máy bay là rất ít, nhưng nếu trên máy bay có một nhân viên phá mã của đơn vị 701 thì khả năng cướp máy bay sẽ tăng lên chục lần, thậm chí trăm lần. Nếu như đấy là Kim Trân, người đã phá khóa mã tử mật nay đang phá khóa hắc mật, thì khả năng bị cướp máy bay sẽ là vô cùng. Nếu tình báo nước X biết chuyến bay nào có Kim Trân, tốt nhất chuyến bay ấy đừng cất cánh. Vì trên máy bay rất có thể có đặc công của nước X, chúng nóng lòng chờ cho máy bay cất cánh, chúng sẽ thực thi hành động xấu xa điên cuồng. Đấy không chỉ là chuyện đùa mà đã từng có bài học thất bại. Người của đơn vị 701 đều biết, mùa xuân năm 1958, sau khi Kim Trân phá khóa tử mật không lâu, một nhân vật trẻ tuổi của bộ phận phá khóa mật mã nước Y bị đặc công nước X bắt cóc, thời gian ấy ông Trịnh Thọt đang học kinh nghiệm ở đấy, đã từng hai lần ăn cơm với nhân vật ấy, tất nhiên có biết. Không ai biết bây giờ nhân vật ấy ở đâu, còn sống hay chết? Đấy cũng là sự tàn khốc của nghề phá mã.
Để so sánh, tàu hỏa hoặc ô tô chạy trên mặt đất chắc chắn và an toàn hơn rất nhiều, dù có những tai nạn bất ngờ vẫn còn có cách hỗ trợ, có lối thoát, không thể mở mắt để nhìn người bị cướp. Ngồi ô tô suốt chặng đường dài là không thể, cho nên Kim Trân chỉ còn cách ngồi tàu hỏa. Bởi thân phận đặc biệt, lại đem theo tài liệu, quy định được nằm giường mềm, ở ngay ga xuất phát, cái toa giường mềm ấy tạm thời được các quan chức cảnh giới vậy chặt. Sự việc này cũng hiếm thấy, Kim Trân cũng đã gặp, tưởng như không phải là dấu hiệu tốt lành.
Một người đi cùng có bộ mặt nghiêm khắc, cao, đen, miệng rộng, mắt hình tam giác, cằm để râu dài ba phân, râu mọc thẳng rất kiên cường, trông như bờm lợn, có cảm giác cứng như bàn chải thép. Bàn chải thép dày đặc chụm lại một chỗ tạo cảm giác sát khí đằng đằng. Cho nên, nói bộ mặt người này đầy vẻ sát khí, hung dữ không có gì là quá đáng. Ở đơn vị 701, con người này tồn tại là một thứ sức mạnh, khác với sự tồn tại vì trí tuệ như Kim Trân. Anh ta còn có một vinh dự đặc biệt mà không ai có, ấy là mấy vị lãnh đạo của đơn vị mỗi khi đi công tác rất thích đưa anh ta đi cùng, chính vì vậy mà mọi người trong đơn vị đều gọi anh ta là Vasili. Vasili là bảo vệ của Lênin trong phim “Lênin năm 1918”, anh ta là Vasili của đơn vị 701.
Trong ấn tượng của mọi người, Vasili lúc nào cũng mặc cái áo gió rất mốt, hai tay thọc vào hai túi áo, bước đi dài và nhanh, vội vã, uy phong ngời ngời, dĩ nhiên có cái vẻ cận vệ, đám thanh niên trai trẻ của đơn vị 701 đều hâm mộ và kính nể anh ta, họ thường tụ tập bàn tán rất hào hứng, bàn tán về cái vẻ oai phong, bàn tán anh ta có thể đã có những chiến công hiển hách. Thậm chí họ bàn tán cả những bí mật trong hai cái túi áo anh ta, bảo túi bên phải là khẩu súng lục nhỏ B7 của Đức chế tạo, rút ra bắn gì cũng trúng, bách phát bách trúng; túi bên trái là tấm giấy chứng nhận đặc biệt đích thân một vị tướng thủ trưởng Tổng cục kí, hễ lấy ra là có thể đi bất cứ nơi nào, ngay cả Thiên hoàng cũng không dám cản trở.
Có người nói, bên nách trái anh ta còn có một khẩu súng lục nữa. Nhưng thật ra không ai trông thấy. Không ai trông thấy cho nên củng không dám nói là không có, vì có ai nhìn được vào nách anh ta? Dù thấy rõ không có, cánh trẻ vẫn không chịu thua, họ vẫn quả quyết chỉ những lúc anh ta đi làm nhiệm vụ mới đem theo.
Tất nhiên điều ấy là có thể.
Đối với một nhân viên bảo vệ trên người có thêm một khẩu súng, thêm một vũ khí bí mật cũng giống như trên người Kim Trân có thêm một cây bút, một cuốn sổ tay, chẳng có gì kì lạ. Rất bình thường, giống như người làm việc cần ăn cơm vậy.
Tuy có một nhân vật đặc biệt đi theo, nhưng Kim Trân không vì thế mà cảm thấy yên tâm và an toàn, tàu vừa chuyển bánh, anh chìm ngay vào cảm giác bất an một cách vô cớ, cảm thấy lo lắng, áy náy bị nhìn trộm, giống như ánh mắt mọi người đổ dồn vào anh, giống như anh không mặc áo quần (cho nên mọi người nhìn), cảm thấy khó xử, căng thẳng, không an toàn, không tự nhiên. Anh không biết tại sao, càng không biết phải làm thế nào để được yên tâm. Thật ra, có cảm giác không an toàn là bởi anh quá chú trọng đến bản thân, quá biết đấy là chuyến đi đặc biệt.
(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)
Như tôi đã nói, người của nước Y bị đặc công nước X bắt cóc trên máy bay chỉ là một nhân vật nhỏ, so với Kim Trân cách biệt như trời với đất. Không phải thần kinh tôi quá nhạy cảm, không phải vì Kim Trân sợ cho bản thân, lúc cậu ta đi quả là rất nguy hiểm. Có một điểm ngay từ đầu tôi đã cảm thấy kì lạ, ấy là sau khi Kim Trân phá được khóa mã tử mật, tuy rất lặng lẽ, sau sự việc ấy dù có giữ bí mật hơn, nhưng nước X vẫn biết. Tất nhiên, việc phá khóa tử mật, họ sớm biết vì có nhiều phản ứng từ rất nhiều việc, trừ phi chúng ta không dùng tư liệu tình báo của họ. Cụ thể do ai phá khóa là điều không nên để họ biết. Nhưng đối phương không những biết Kim Trân đã phá khóa, hơn nữa nhiều người cũng biết rất rõ do Kim Trân, về chuyện này, bộ phận điều tra nghiên cứu cũng đã làm việc, tìm ra mối nghi ngờ, trong đó có Hinsh. Đấy là sự nghi ngờ đầu tiên của chúng tôi đối với Hinsh, nhưng lúc ấy chỉ nghi ngờ vậy thôi, không có chứng cứ cụ thể. Cho đến một năm sau, chúng tôi ngẫu nhiên nhận được một tin tình báo, nói rằng Hinsh và nhà khoa học chống cộng Wenak chỉ là một, cho đến lúc ấy chúng tôi mới nhận ra bộ mặt thật độc ác của Hinsh.
Tại sao Hinsh từ một nhà khoa học đi đến con đường chống Cộng cực đoan, hơn nữa lại chống cộng một cách lắt léo bằng cách thay tên đổi họ, đấy là bí mật của ông ta, nhưng tấm mạng che mặt của Hinsh rơi xuống, âm mưu của ông ta đối với chúng tôi cũng lập tức hiện rõ. Có thể, không ai bằng Hinsh hiểu thiên tài của Kim Trân, với lại ông ta cũng đã từng làm công việc phá khóa mã, lúc ấy định phá khóa mật mã tử mật, ông ta đã hình dung ra, chỉ cần Kim Trân làm, chắc chắn sẽ trở thành cao thủ, tử mật khó mà giữ nổi bí mật. Cho nên, ông ta ra sức ngăn cản Kim Trân đi vào công việc phá khóa mật mã, khi ông ta phát hiện Kim Trân làm công việc này lại cố nghĩ cách ngăn cản, sau khi biết, ông ta cố ý đánh lạc hướng, đưa vào mê hồn trận. Tôi nghĩ, ông ta làm như thế là có lí do chính trị, cũng là do nhu cầu cá nhân. Vì ông ta nghĩ, nếu như Kim Trân phá được khóa tử mật, đối với ông ta sẽ rất xấu hổ, giống như bị mất cắp mà chuông cảnh báo vẫn chưa vang lên. Vai trò của ông ta lúc bấy giờ là chuông cảnh báo tử mật. Có người lại nghĩ, tại sao đối phương có thể biết Kim Trân là người phá khóa tử mật, chắc chắn là do ông ta đã đoán chính xác chín phần mười. Đúng vậy, ông ta đoán đúng! Nhưng, có một điều ông ta không nghĩ đến ấy là, việc ông ta dày công đưa Kim Trân vào mê hồn trận hoàn toàn vô hiệu! Có thể nói, trong sự việc này Thượng đế đã đứng về phía Kim Trân.
Lúc bấy giờ đài phát thanh JOG chống đối ngày nào cũng để lộ ý đồ dùng tiền tài mua chuộc người làm công tác phá khóa mật mã, người nào giá bao nhiêu tiền đều nói rất rõ, họ đặt giá cho Kim Trân là một triệu, gấp mười lần một phi công.
Một triệu!
Với Kim Trân, con số này đã nâng anh lên tận mây xanh nhưng cũng đồng thời cách xa địa ngục chỉ một bước chân. Bởi vì, anh cảm thấy mình đáng tiền, người muốn làm tổn thương anh sẽ có lí do, lí do đủ để thu hút nhiều người khác, khiến anh không chống đỡ nổi. Đấy là điều anh tỏ ra không thông minh, thật ra công việc chúng tôi bảo vệ anh còn hơn cả mức nguy hiểm mà anh có thể gặp, ví dụ lần này đi công tác, ngoài Vasili bảo vệ tiếp cận, trên tàu còn nhiều nhân viên bảo vệ thường phục, gồm cả các đơn vị quân đội dọc đường có thể vào lệnh báo động cấp hai đề phòng mọi bất trắc. Những điều ấy Kim Trân hoàn toàn không hay biết, hơn nữa lúc ấy trên toa phổ thông người lên kẻ xuống cũng làm anh căng thẳng.
Nói tóm lại, tính cách Kim Trân kiên định, học vấn uyên thâm, vận may của thiên tài có thể có được là bởi tinh thần kiên định, không nao núng, hiện tại có thêm lòng thù địch sâu sắc. Thiên tài Kim Trân dù có đọc nhiều sách, học vấn sâu rộng, có những suy nghĩ độc đáo, nhưng trong cuộc sống thường ngày lại là kẻ vô tri, không tỉnh táo, tuy rất cẩn thận nhưng lại ngớ ngẩn, thậm chí hoang đường. Trong những năm tháng ấy, anh chỉ ra ngoài một lần, ấy là lần anh về cứu chị gái là thầy Dung, đi hôm trước hôm sau về ngay. Sự thật thì, suốt mấy năm sau ngày anh phá được khóa tử mật, sức ép công việc đối với anh không lớn lắm, rất sẵn thời gian về thăm nhà, chỉ cần anh muốn tổ chức sẽ sẵn sàng phối hợp, cho xe, cử bảo vệ không vấn đề gì. Nhưng anh liên tiếp từ chối, bề ngoài anh nói về bị bảo vệ quản chặt như quản tù, không được nói chuyện và đi lại thoải mái, về cũng không có ý nghĩa. Thực tế thì anh sợ xảy ra chuyện này chuyện khác, giống như những người bị nhốt trong nhà, sợ không dám đi một mình, anh sợ ra khỏi đơn vị, sợ gặp người lạ. Vinh dự và công việc khiến anh trong suốt như pha lê, dễ vỡ, không còn cách nào, bản thân anh lại làm thổi phồng cảm giác ấy, lại càng không còn cách nào.
Như vậy, công việc và sự cẩn thận cùng tâm lí sợ hãi đối với những sự việc có thể xảy ra đã giữ Kim Trân trong hang núi, không biết đã có bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng trôi qua bên anh, anh vẫn như một con thú bị giam giữ, dựa vào địa thế hiểm yếu, sống ngột ngạt, xơ cứng với tư thế cố hữu mà mọi người đều biết, thoả mãn với việc chiếm hữu thế giới, chiếm hữu thời gian bằng sự tưởng tượng trống rỗng. Anh về họp ở Tổng cục là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng ra khỏi đơn vị 701.
Vẫn như mọi lần, Vasili vẫn mặc áo gió màu kem rộng thùng thình, rất ra vẻ, cổ áo dựng cao thêm phần bí ẩn. Tay trái của anh ta không thọc vào túi như mọi khi, vì phải xách cái cặp, cái cặp cứng còng bằng da bò, màu nâu, không lớn không bé, cái cặp có khoá bảo hiểm vẫn thường thấy, bên trong đựng tài liệu bí mật và một quả bom cháy có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Kim Trân để ý thấy tay phải của anh ta luôn thọc vào túi áo giống như bị tật, không thể để lộ ra ngoài. Nhưng Kim Trân hiểu rằng, tay anh ta không có tật nhưng luôn luôn có một khẩu súng lục. Kim Trân vô tình trông thấy khẩu súng ấy, thêm vào đấy là những điều anh được nghe, nên anh nghĩ, anh ta luôn nắm khẩu súng là do thói quen và do yêu cầu, từ suy nghĩ ấy anh cảm thấy không thiện cảm và sợ hãi, vì anh nhớ đến một câu nói “súng bên người giống như tiền trong túi, lúc nào cũng dễ bị chủ nhân đen ra sử dụng.”
Nghĩ đến bên mình luôn luôn có khẩu súng, cũng có thể là hai khẩu anh cảm thấy sợ. Anh nghĩ, một khi khẩu súng được sử dụng, điều ấy chứng tỏ đã gặp chuyện rắc rối, súng có thể dập tắt chuyện rắc rối, giống như nước dập tắt lửa, nhưng cũng có thể không, giống như có khi nước không dập được lửa. Như vậy… anh không nghĩ tiếp, bên tai chừng như có tiếng súng nổ. Sự thật thì Kim Trân hiểu rõ, chỉ cần xuất hiện tình huống ấy tức là nguy hiểm, một người không chống nổi số đông, cùng lúc Vasili cho nổ trái bom, anh ta cũng không do dự chĩa súng về phía mình mà bắn.
Giết người diệt khẩu!
Kim Trân lẩm bẩm câu nói ấy. Tiếng súng tiêu diệt bỗng như gió thoảng qua tai.
Như vậy, cảm giác thất bại, sự ức chế về một tai hoạ bất ngờ ập xuống đầu tưởng chừng theo suốt dọc đường của Kim Trân, khiến anh phải cố gắng chịu đựng, chống đỡ, cảm thấy đừng đi quá xa, xe lửa lại chạy quá chậm. Sau khi an toàn đến được Tổng cục, tâm trạng căng thẳng và sợ hãi trong anh mới chùng xuống và cảm thấy ấm lòng. Lúc này anh mới dũng cảm nghĩ rằng, sau này (hiện thực nhất là đường về) bất luận thế nào mình cũng không được hù doạ chính mình.
Sẽ xảy ra chuyện gì? Sẽ không xảy ra chuyện gì, vì không ai biết ai, không ai biết anh đem theo bí mật trên người.
Kim Trân lẩm bẩm, coi như lời phê bình và chế nhạo sự căng thẳng dọc đường.
2
Hội nghị khai mạc vào sáng hôm sau.
Lễ khai mạc rất long trọng, cả bốn vị trưởng và phó Tổng cục đều có mặt. Một ông già tóc bạc trắng chủ trì hội nghị. Theo lời giới thiệu, đây là ông Trưởng phòng nghiên cứu số một của Tổng cục, nhưng bên lề có người nói đây là Bí thư thứ nhất của... kiêm cố vấn quân sự. về chuyện này Kim Trân không quan tâm, anh chỉ quan tâm đến câu nói mà vị này nhắc đi nhắc lại trong hội nghị: chúng ta phải phá cho bằng được khoá hắc mật, đấy là yêu cầu an ninh của nhà nước ta.
Ông ta nói: “Cũng là phá khoá mật mã, nhưng yêu cầu và ý nghĩa của việc khoá từng bộ mật mã là khác nhau, có mật mã chúng ta phá là cho yêu cầu đánh thắng cụ thể một cuộc chiến tranh, có những mật mã phá do yêu cầu của cuộc chạy đua vũ trang, có những mật mã phá là do yêu cầu bảo vệ an toàn cho các vị lãnh đạo, có mật mã phá nhằm phục vụ công cuộc ngoại giao, thậm chí có mật mã phá chỉ do yêu cầu công việc, cho nghề nghiệp nào đó. Còn nhiều nhu cầu khác, nhưng tất cả đều là nhu cầu, tóm lại tất cả đều quan trọng đối với an ninh quốc gia. Tôi có thể thẳng thắn nói với mọi người, không nhìn thấy bí mật tầng cao của nước X sẽ là mối đe doạ lớn đối với an ninh đất nước chúng ta. Có người nói, nếu cho một điểm tựa anh ta sẽ xoay chuyển được cả trái đất, phá được khoá mật mã Hắc mật chính là điểm tựa để chúng ta xoay chuyển trái đất. Nếu nói an ninh đất nước chúng ta đang có vấn đề nghiêm trọng, có một sức ép bị động, thì phá khoá mật mã Hắc mật là phá vây, là điểm tựa để giành thế chủ động.”
Lời kêu gọi mạnh mẽ và trang nghiêm của ông già đáng kính khiến cho buổi lễ khai mạc đạt đến đỉnh cao tĩnh lặng. Lúc ông tỏ ra mạnh mẽ, những sợi tóc bạc trên đầu ông rung rinh óng ánh, tưởng như tóc cũng đang nói.
Buổi chiều là các chuyên gia phát biểu ý kiến, Kim Trân được lệnh phát biểu hơn một tiếng đồng hồ đầu tiên, chủ yếu giới thiệu tiến trình phá khoá Hắc mật, đấy là: chưa có tiến triển thực chất và những suy tư lạ kì nào đó đang trói buộc anh, gồm cả những thứ vô cùng quý giá, để rồi sau đấy anh cảm thấy hối hận vì đã công bố trong hội nghị. Mấy ngày sau đấy, anh dành hơn chục tiếng đồng hồ để nghe ý kiến của chín đồng nghiệp và lời phát biểu của hai vị lãnh đạo trong lễ bế mạc. Tóm lại, Kim Trân cảm thấy đây là hội nghị thảo luận (không phải để nghiên cứu), kết quả rất ít ỏi và nông cạn, mọi người phát biểu với những lời lẽ hoa mĩ, có tính khẩu hiệu, chỉ là lời phát biểu, không tranh luận gay gắt, không có những phút lặng lẽ suy tư. Hội nghị nổi trên mặt nước tĩnh lặng, thỉnh thoảng mới có một vài bọt nước, tất cả đều từ hơi thở ngột ngạt của Kim Trân, anh ngột ngạt bởi sự tĩnh lặng và đơn điệu.
Có thể, vì Kim Trân chán ghét cái hội nghị này, chán ghét cả những người dự hội nghị, ít nhất cho đến khi bế mạc. Nhưng sau đấy anh nhận ra không cần thiết, thậm chí vô lí, vì anh nghĩ, hắc mật như một khối u vướng bận trong người anh, bản thân anh dành tâm sức đào sâu nghiên cứu bao năm nay mà vẫn chỉ là số không, không chút dấu tích nhỏ nào, cảm thấy cái chết đang đe doạ, những người ngoài cuộc vừa không phải là thiên tài, vừa không phải là thánh nhân, chỉ là chút chuyện thoáng qua, lại mong họ phát biểu những cao kiến làm chúa cứu thế, quả là hoang đường, là lời nói trong mơ.
(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)
Là một người cô đơn và mệt mỏi, ban ngày Kim Trân luôn chìm sâu vào suy tư hoặc có thể nói là ảo tưởng, đêm nào cũng nằm mơ. Theo tôi biết, có một thời gian, cậu ta mong mình đêm nào cũng nằm mơ, là bởi, cậu ta được nếm vị ngọt của giấc mơ (có người nói cậu phá được mật mã Tử mật từ trong mơ); mặt khác, cậu ta nghi ngờ kẻ tạo ra Hắc mật là ma quỷ, không có lí tính, tư duy như con người, mà mình là con người xem ra chỉ có thể tiếp cận chúng trong giấc mơ.
Suy nghĩ ấy loé sáng đã cổ vũ cậu ta rất nhiều, tưởng như tìm được lối thoát khi đã cùng đường. Có lúc tôi nghe cậu ta nói, đêm nào cũng lệnh cho mình phải nằm mơ, nằm mơ trở thành nhiệm vụ quan trọng trong một thời gian. Sự cố tình ấy khiến một thời gian sau đấy tinh thần của cậu ta gần như bị đổ vỡ, chỉ cần nhắm mắt là giấc mơ đủ màu sắc kéo đến không tài nào xua đi nổi. Đấy là những giấc mơ rối loạn, không có chút tư tưởng, kết quả duy nhất là đã làm rối giấc ngủ bình thường của cậu ta. Để giữ giấc ngủ, cậu ta không thể không xua đi những giấc mơ hàng ngày bám riết lấy cậu, vậy là cậu ta tạo cho mình thói quen đọc truyện trước khi ngủ. Hai việc ấy, việc thứ nhất có thể làm giảm căng thẳng ban ngày, chuyện sau khiến cậu mệt mỏi, cộng lại có tác dụng kích thích giấc ngủ. Theo cách nói của cậu, đọc truyện và đi bộ là hai viên thuốc trợ giúp cậu ngủ ngon giấc.
Cũng phải nói thêm, cậu ta nằm mơ nhiều tưởng chừng làm cho những gì cậu trải qua, thể nghiệm, thưởng thức trong hiện thực đều vào cả giấc mơ. Vậy là cậu có hai thế giới: một hiện thực và một trong mơ. Ai cũng bảo, những gì có trên lục địa đều có trong biển cả, nhưng những gì có ở biển cả không nhất định có trên lục địa. Tình huống của Kim Trân là như vậy, những gì có trong giấc mơ không nhất định có trong hiện thực, nhưng phàm là những gì có trong hiện thực lại có trong giấc mơ của cậu. Tức là nói, những gì có trong thế giới thực vào trong đầu óc Kim Trân đều được chia đôi, một nửa là hiện thực, là thật, sống động, một nửa khác là hư, rối loạn. Ví dụ, thành ngữ chuyện hoang đường, chúng ta chỉ có một, nhưng Kim Trân lại có hai, ngoài những cái thông thường còn có cái trong giác mơ, đấy là điều chỉ có ở cậu. Khỏi phải nói, cái trong mơ hoang đường hơn cái ngoài hiện thực, càng là điều mê sảng.
Lúc này Kim Trân bình tĩnh lại, anh tin tưởng, trông chờ cao kiến của những người phát biểu về hắc mật, nhả lời vàng ngọc, chỉ ra sai lầm cho mình, tức là những điều hoang đường, vô căn cứ trong mơ, hoang đường trong hoang đường, vô căn cứ hơn cả vô căn cứ. Cho nên, anh tự an ủi: không trông chờ gì ở họ, đừng trông chờ nữa, họ không thể chỉ ra được cái sai, không thể, không thể.
Anh nói đi nói lại điều ấy, có thể cho rằng gia tăng nhịp điệu ấy sẽ quên đau khổ.
Nhưng chuyến đi lần ấy không phải Kim Trân không thu hoạch được gì. Ít nhất anh có bốn thu hoạch:
Thứ nhất, thông qua hội nghị lần này, Kim Trân thấy các vị thủ trưởng Tổng cục rất quan tâm đến hiện trạng và số phận việc phá khoá mã hắc mật. Đấy là sức ép đối với Kim Trân, mà cũng là sự cổ vũ đối với anh, cảm thấy như được tiếp thêm sức.
Thứ hai, anh được bạn bè trong hội nghị hoan nghênh qua lời nói hoặc tiếp xúc (ví dụ cái bắt tay nồng nhiệt, gật đầu, mỉm cười ân cần, đấy là sự tiếp xúc hoan nghênh) Kim Trân phát hiện mình sáng chói trong giới phá khoá mật mã, ai cũng yêu mến. Điều này trước đây anh biết ít, bây giờ biết khiến anh thêm phấn khởi.
Thứ ba, vào lúc uống rượu ngoài hội nghị, ông già tóc bạc đầy quyền uy rất phấn khởi điều cho Kim Trân một bộ máy tính bốn trăm ngàn phép tính. Điều ấy chẳng khác nào cho anh một trợ thủ hạng nhất tầm cỡ quốc tế.
Thứ tư, trước khi về, anh mua được ở hiệu sách cũ hai cuốn sách mà anh mơ ước từ lâu, trong đó có cuốn ‘Thiên thư” (Có người dịch là “Chữ của thần linh”), là tác phẩm của Engiert, chuyên gia về mật mã học.
Thế nào gọi là chuyến đi không uổng phí?
Có được những thứ đó có thể gọi là không uổng phí.
Kim Trân vui vẻ ra về vì đã có được những thứ đó. Trên chuyến tàu về, không có cảnh giới hoặc những đoàn thể to tát, cho nên Vasili có được hai chiếc giường mềm. Kim Trân lên toa giường mềm, suốt sáu ngày của chuyến đi lúc này lòng anh mới được thanh thản.
Đúng là anh vui vẻ rời thủ đô, vui vẻ vì còn một nguyên nhân khác: đêm hôm đó bầu trời thủ đô bắt đầu có những bông tuyết đầu mùa, tưởng như sự xếp đặt đặc biệt để vui mừng tiễn đưa con người phương Nam. Tuyết càng rơi càng dày chẳng mấy chốc đã phủ trắng nơi nơi, tuyết óng ánh ẩn hiện trong bóng tối. Kim Trân chờ tàu trong cảnh tuyết rơi. Tuyết lặng lẽ rơi và hơi nước khiến lòng anh yên tĩnh, tràn ngập những ý tưởng đẹp.
Trên đường về hết sức thoả mãn, không một thách thức, cổ vũ Kim Trân tin vào kết quả của chuyến đi.
Nhưng khác với lúc đi.
3
Khác với lúc đi, về mất hai ngày ba đêm, không phải là ba ngày hai đêm. Vào lúc này, đã qua một ngày và hai đêm, ngày thứ hai cũng đang dần qua đi. Dọc đường, trừ những lúc ngủ, hầu hết thời gian còn lại Kim Trân đọc cuốn sách anh mua được. Rõ ràng, cảm giác của anh không còn nhút nhát sợ hãi như lúc đi, anh ngủ được và đọc được là minh chứng. Trên đường về có cái tốt, họ mua được vé tàu giường mềm, có một không gian an toàn, vuông vức như hộp diêm, hoàn toàn độc lập, cách biệt với bên ngoài. Kim Trân đặt mình nằm, lòng những thoả mãn và vui mừng.
Không thể phủ nhận, một con người nhát gan, một con người nhạy cảm, một con người lạnh lùng, riêng biệt là nguyện vọng bức thiết nhất, quan trọng nhất. Ở đơn vị 701, Kim Trân sống lặng lẽ và cô đơn khó ai chịu đựng nổi, tước bỏ những sinh hoạt thế tục, cách li với chung quanh, riêng biệt giữa đám đông. Với một ý nghĩa nào đấy, anh rất khảng khái tiếp nhận anh chàng điên cờ, không loại trừ động cơ cách xa đám đông. Nói một cách khác, cùng với người điên cờ là biện pháp tốt nhất để từ chối đến với người khác. Kim Trân không có bạn, mà cũng không ai làm bạn với anh, mọi người tôn trọng anh, ngưỡng mộ anh, nhưng không thân thiết nhiệt tình với anh. Anh sống cô đơn, (Về sau, mật độ đến với người điên cờ cũng giảm theo thời gian, vậy là anh ta rời khỏi đơn vị 701), mọi người bảo anh vẫn y nguyên, không gần ai, cô đơn, trầm buồn, nhưng cô đơn và trầm buồn không làm anh phiền não, vì nếu phải chịu đựng những thói quen đủ kiểu của mọi người sẽ làm anh thêm đau khổ. Với ý nghĩa đó, anh không thích thú gì với chức vụ đứng đầu phòng giải mã, mà anh cũng không thích thú gì với danh hiệu đứng đầu gia đình.
(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)
Kim Trân làm đám cưới ngày mồng một tháng tám năm 1966, vợ tên là Cù Lợi, một con người cô đơn, làm công tác cơ mật từ rất lâu, hồi đầu làm ở tổng đài điện thoại trên Tổng cục, năm 1964 chuyển về làm nhân viên bảo mật ở chỗ chúng tôi. Cô là người miền Bắc, rất cao, cao hơn Kim Trân nửa cái đầu, mắt to, nói tiếng phổ thông, nhưng ít nói, nói rất nhỏ, có thể vì làm công tác cơ mật lâu nên quen nói nhỏ.
Nói đến hôn nhân của Kim Trân tôi thấy rất lạ, có gì đó do số phận thúc đẩy. Tại sao tôi nói thế? Tôi biết, trước đấy có rất nhiều người quan tâm đến hôn nhân của cậu ta, cũng có nhiều cô gái muốn lấy Trân là để hưởng cái vinh quang của cậu ta. Có thể cậu ta không nghĩ đến, có thể vì do dự không quyết hoặc nguyên nhân khác, cảm giác cậu ta không thích thú gì chuyện hôn nhân và phụ nữ. Về sau không hiểu tại sao, bỗng cậu ta lấy cô Lợi. Lúc bấy giờ cậu ta đã ba mươi tư. Tất nhiên đấy không phải là vấn đề, ba mươi tư cũng hơi lớn nhưng chỉ cần có người bằng lòng lấy thì có vấn đề gì đâu. Vấn đề ở chỗ cưới nhau được ít lâu, hắc mật bỗng lén lút xuất hiện. Khỏi phải nói, nếu cậu ta chưa lấy vợ thì có lẽ cả đời cậu ta sẽ không lấy vợ, bởi hắc mật trở thành vật cản đối với hôn nhân của cậu ta. Cuộc hôn nhân khiến mọi người cảm thấy giống như một con chim bỗng bay vào cửa sổ để ngỏ, có chút lạ lẫm, có chút liều lĩnh, không biết nên thế nào, là tốt hay không tốt? Là đúng hay sai?
Nói thật, Kim Trân không giống với người chồng, mươi ngày nửa tháng cậu ta không về nhà, nhưng về cũng không nói với vợ lấy nửa câu, cơm nấu xong thì ăn, ăn xong lại đi, nếu không thì ngủ, ngủ dậy lại đi. Cứ như vậy cô Lợi sống với cậu ta, cũng khó có cơ hội bắt gặp ánh mắt chồng, càng không nói đến chuyện khác. Làm một trưởng phòng, một lãnh đạo hành chính, cậu ta cũng không xứng với chức vụ, hàng ngày, chừng một tiếng đồng hồ trước khi kết thúc ngày làm việc, cậu ta mới xuất hiện ở văn phòng của trưởng phòng, còn toàn bộ thời gian chui vào phòng giải mã, rút đầu dây điện thoại ra, như vậy cậu ta trốn khỏi mọi phiền toái và đau khổ của một vị trưởng phòng và một người làm chồng, giữ cuộc sống như xưa, tức một mình một nơi, đơn độc làm việc, không muốn ai quấy rầy hoặc giúp đỡ. Từ ngày hắc mật xuất hiện, cảm giác ấy mỗi ngày một rõ, tưởng như cậu ta phải trốn tránh mới có thể tìm ra bí mật sâu xa của hắc mật.
Lúc này Kim Trân đang nằm thoải mái trên cái giường mềm tưởng như có cùng một cảm giác tìm được chỗ ẩn náu khá tốt. Đúng vậy, Vasili rất dễ dàng lấy được hai cái giường nằm trên tàu thật lí tưởng, bạn đồng hành của họ là một vị giáo sư đã nghỉ hưu và cô cháu gái chín tuổi. Vị giáo sư có thể đã sáu mươi tuổi, từng là Hiệu trưởng Đại học G, vì mắt kém nên phải rời chức vụ cách đây không lâu. Trên người ông có chút hơi hướng quyền uy, thích uống rượu, hút thuốc lá Phi mã, dọc đường, rượu và thuốc làm ông tiêu khiển thời gian. Cô cháu gái của vị giáo sư muốn sau này lập chí trở thành một ca sĩ, suốt dọc đường không lúc nào ngơi tiếng hát, trong toa tàu tràn ngập tiếng hát như trên sân khấu. Hai người một già một trẻ khiến trái tim Kim Trân lúc nào cũng xao động bỗng lắng xuống như được uống thuốc an thần. Nói một cách khác, trong không gian nhỏ bé không có lòng thù địch hoặc lòng thù địch trong tưởng tượng, Kim Trân mới không cảm thấy mình nhát gan, anh dùng thời gian vào hai việc hiện thực nhất và có ý nghĩa nhất vào lúc này, tức là ngủ và đọc sách. Giấc ngủ đã dồn ép cho đêm dài trên chặng đường xa ngắn lại như một giấc mơ, đọc sách có thể xua đi khoảng thời gian vô vị ban ngày. Có lúc anh nằm trong bóng tối, không ngủ được mà cũng không đọc nổi, anh lại tiêu hóa thời gian trong suy tư vẩn vơ. Cứ như vậy, ngủ, đọc sách, suy tư, anh đã tiêu hết thời gian trên đường về, một giờ lại một giờ, từng bước từng bước một đưa anh đến gần ước mong bức thiết nhất: kết thúc chặng đường về lại đơn vị 701. Lúc này, ngày thứ hai sắp qua đi, tàu đang chạy nhanh qua cánh đồng mênh mông tít tắp, vầng mặt trời chiều tà bắt đầu đỏ rực toả ánh dịu dàng, rất đẹp, rất hiền từ. Cánh đồng dưới ánh chiều rơi rớt trông thật ấm áp, yên bình, tưởng như trong mơ, lại như bức tranh phong cảnh có sắc màu nồng ấm. Lúc ăn cơm tối, vị giáo sư và Vasili nói chuyện với nhau, Kim Trân ngồi bên chỉ nghe không nói gì, bỗng nghe thấy vị giáo sư nói với giọng hâm mộ:
“Tàu đã vào địa phận tỉnh G rồi, sáng sớm hôm sau hai người đã về đến nhà.”
Câu nói khiến Kim Trân cảm thấy thân thiết vô cùng, vậy là anh vui vẻ nói hỏi:
“Lúc nào thì bác về đến nơi?”
“Hai giờ chiều mai.”
Đấy cũng là điểm chót của chuyến tàu, vậy là Kim Trân nói vui:
“Bác với cháu bé đây là những hành khách trung thành nhất, đi với đoàn tàu từ đầu đến cuối.
“Vậy ra anh là lính đào ngũ rồi.” Vị giáo sư cười to.
Có thể nhận ra, vị giáo sư phấn khởi hơn vì trong toa tàu bỗng có thêm người nói chuyện. Nhưng ông cũng chỉ phấn khởi hụt, vì Kim Trân cười khan vài tiếng rồi không để ý gì đến ông, anh lại cầm cuốn “Thiên thư” lên mải miết đọc, không chú ý gì đến chung quanh. Vị giáo sư nhìn anh cảm thấy kì lạ, nghĩ hay là anh ốm?
Kim Trân không ốm đau gì, anh là con người như thế, nói chuyện xong là xong, không dài dòng, không dạo đầu, không khách khí, không rào trước đón sau, nói là nói, không nói là không nói, giống như nói mê, khiến người nghe cũng cảm thấy mình như đang trong mơ.
Nói đến sách “Thiên thư” của Englert, Trung Hoa thư cục xuất bản trước ngày giải phóng, do bà Hàn Tố Âm, một người Anh gốc Hoa dịch, cuốn sách rất mỏng, mỏng không giống một cuốn sách, giống như cuốn sổ tay, trên trang bìa có ghi:
Thiên tài, vẫn là linh hồn của nhân gian, ít và tinh, tinh nhưng quý, quý như báu vật, giống như tất cả những báu vật trên đời, phàm là thiên tài đều yếu ớt, mỏng manh như mầm cây, đụng vào là gãy, hễ gãy là bỏ đi.
Câu nói như viên đạn bắn trúng anh.
(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)
Thiên tài rất dễ gãy, đối với thiên tài Kim Trân không phải là xa lạ, khó tiếp cận, nhiều lần cậu ta nói với tôi về chuyện này, cậu ta nói: thiên tài sở dĩ trở thành thiên tài là bởi một mặt họ kéo dài mình thành vô hạn, kéo thật nhỏ thật dài, nhỏ như sợi tơ, trông như trong suốt, không thể chịu đựng nổi va chạm. Ở một ý nghĩa nhất định, phạm vi trí lực của con người càng có hạn, vậy trí lực một mặt nào đấy càng dễ tiếp cận đến vô hạn, hoặc, độ sâu của nó đạt được là do hi sinh độ rộng. Cho nên, phàm là thiên tài, một mặt họ có tài năng nhạy bén kì lạ, tài trí hơn người, mặt khác lại tỏ ra ngu đần kì lạ, không bằng người bình thường, điển hình nhất là tiến sĩ Englert, ông là nhân vật thần kì trong lĩnh vực phá khoá mật mã, cũng là vị anh hùng trong lòng Kim Trân, “Thiên thư” là sách của ông viết.
Trong giới mật mã không ai không thừa nhận, Englert là vị thánh không thể với tới, ông ta giống như thần linh, không có mật mã nào ở đời làm ông không yên. Ông là vị thánh hiểu sâu bí mật của mật mã. Nhưng trong cuộc sống, Englert là con người ngu đần hạng nhất, ngu đến độ không biết đường về nhà. Ông như người được cưng chiều, ra đường phải có người đưa đi, nếu không, ông không biết đường về. Nghe nói, cả đời ông không lấy vợ, mẹ ông không muốn đánh mất ông, suốt đời bám theo con từng bước, đưa ông ra đường, đưa ông về nhà.
Khỏi phải nói, đối với một người mẹ, đấy là một đứa trẻ tồi tệ.
Suốt nửa thế kỉ trước, nước Đức dưới chế độ phát xít, chính con người này, đứa trẻ này làm phiền lòng người mẹ, một thời trở thành tử thần của chế độ phát xít, khiến Hitler sợ đái cả ra quần. Thật ra, Englert còn là người đồng hương với Hitler, ông sinh ra trên hòn đảo Tars (Đảo giấu vàng), nếu cần nói đến tổ quốc của con người này, thì nước Đức chính là tổ quốc của ông, Hitler là thống soái của tổ quốc ông thời bấy giờ, theo đó, tất nhiên nước Đức là tổ quốc của ông, ông phải phục vụ cho Hitler. Nhưng ông không, hoặc nói không phục vụ từ đầu đến cuối (đã từng phục vụ). Vì ông không phải là kẻ thù của quốc gia nào hoặc người nào, chỉ là kẻ thù của mật mã. Có thể trong một thời gian ông ta là kẻ thù của một quốc gia hoặc một người nào đó, nhưng đến một lúc nào đó ông lại là kẻ thù của một quốc gia khác, một con người khác, điều ấy quyết định bởi nước nào, người nào làm ra và sử dụng mật mã cao cấp nhất thế giới, người có bộ mật mã ấy chính là kẻ thù của ông ta.
Đầu những năm bốn mươi của thế kỉ hai mươi, khi trên bàn làm việc của Hitler xuất hiện những văn thư được mã hoá bằng mật mã chim ưng, Englert liền phản bội tổ quốc, ra khỏi trận tuyến của quân Đức, đến với quân Đồng minh, trở thành bạn của quân Đồng minh. Ông phản bội không phải vì tín ngưỡng, không phải vì tiền, mà chỉ là bởi mật mã chim ưng làm cho những người chuyên phá khoá mật mã thời bấy giờ cảm thấy tuyệt vọng.
Có người nói, mật mã chim ưng là do một thiên tài toán học của Ireland lập ra trong một nhà thờ của người Do Thái ở Berlin, được thần linh phù trợ, hệ số an toàn có thể lên đến ba mươi năm, cao gấp nhiều lần hệ số an toàn của những mật mã cao cấp thời bấy giờ cả chục lần! Ấy là nói, trong ba mươi năm loài người không thể phá được khoá của mật mã này. Phá khoá mật mã không phải là chuyện bình thường, mà là chuyện phi thường.
Đấy cũng là số phận của các nhà phá khoá mật mã phải đối mặt. Đấy là việc họ phải làm. Nói một cách khác, họ phải tìm ra cái không bình thường, giống như hạt cát dưới đáy biển đụng độ với hạt cát trên đất liền, khả năng đụng độ chỉ một phần của mấy chục triệu, không đụng độ mới là chuyện bình thường. Nhưng họ muốn tìm kiếm cái một phần của mấy chục triệu kia, đấy là điều không bình thường lớn như vũ trụ. Người lập mật mã hoặc trong quá trình sử dụng mật mã không tránh khỏi tổn thất ngoài ý muốn - giống như con người hắt hơi một cách ngẫu nhiên, có thể đấy là sự bắt đầu của cái một phần mấy chục triệu, vấn đề là, hi vọng được gửi gắm ở sự tổn thất và sai lầm bất ngờ của người khác, anh không thể không cảm thấy đấy là chuyện hoang đường, là chuyện buồn, hoang đường và buồn chồng lên nhau tạo thành số phận của những người chuyên phá khoá mật mã. Rất nhiều người - đều là tinh anh của loài người - đã phải lặng lẽ sống cuộc đời buồn thảm như vậy.
Nhưng có thể là thiên tài, có thể là may mắn tiến sĩ Englert chỉ cần bảy tháng trời đã mở toang cánh cửa mật mã chim ưng. Có thể đấy là thành công vô tiền khoáng hậu của giới phá khoá mật mã, mức độ hoang đường của nó tương đương với chuyện mặt trời mọc đằng tây, giống như hạt mưa từ trời rơi xuống bỗng có một hạt mưa rơi ngược lên trời.
Mỗi lần nghĩ lại, Kim Trân cảm thấy xấu hổ, một cảm giác không thật. Anh thường khẽ nói với tấm ảnh và tác phẩm của Englert:
“Mọi người đều có anh hùng của mình, ông là anh hùng của tôi, mọi trí tuệ và sức mạnh của tôi đều đến từ sự chỉ đạo và cổ vũ của ông, ông là mặt trời của tôi, nguồn sáng của tôi không tách rời ánh sáng của ông chiếu rọi...”
Anh tự hạ thấp bản thân không phải vì bất mãn với bản thân mà là biểu hiện vô cùng sùng kính Englert. Sự thật thì, ngoài Englert ra, trong lòng Kim Trân chỉ còn lại chính anh, anh không tin ở đơn vị 701 còn ai có thể phá được mã khoá hắc mật ngoài anh. Anh không tin đồng liêu, hoặc lí do chỉ tin mình thật đơn giản, chỉ một, đó là, họ thiếu hẳn lòng thành kính và tình cảm thiêng liêng, sự tôn sùng đầy cảm kích đối với Englert. Trong tiếng xình xịch của đoàn tàu, Kim Trân nghe rõ tiếng mình nói với vị anh hùng của lòng mình:
“Họ không thấy ánh sáng nơi ông, mà có trông thấy cũng sợ hãi, không lấy đấy làm vinh dự, ngược lại cho rằng đấy là sự nhục nhã, đấy là lí do tôi không tin ở họ. Tận hưởng cái đẹp cũng cần có tài năng và lòng dũng cảm, không có tài năng và lòng dũng cảm, cái đẹp sẽ khiến con người phải sợ hãi.”
Cho nên, Kim Trân tin tưởng thiên tài chỉ hiện rõ giá trị cao quý trong con mắt thiên tài, thiên tài trong con mắt số đông hoặc người bình thường rất có thể trở thành quái vật, một kẻ ngu đần. Vì họ đi quá xa đám đông, đám đông nhìn xa không thấy rõ, cho rằng họ đã bị rơi lại phía sau. Đấy là tư duy thường thấy ở số đông, chỉ cần anh im lặng, họ cho rằng anh hỏng rồi, sợ rồi, im lặng là vì sợ hãi mà không phải xem khinh.
Kim Trân nghĩ, mình và đồng nghiệp khác nhau cũng ở chỗ này, tức là, anh khâm phục tiến sĩ Englert, tôn trọng ông ta. Cho nên, anh có thể toả ánh long lanh như khối pha lê trong con mắt sáng ngời của vĩ nhân. Còn bọn họ không thể, bọn họ giống như hòn đá cuội, ánh sáng không thể xuyên qua nổi.
Anh lại nghĩ, không nghi ngờ gì nữa, so sánh thiên tài với người thường như pha lê so với đá cuội là đúng, thiên tài có những phẩm chất: trong suốt, yếu ớt mỏng manh, dễ vỡ, không thể va chạm, hễ va chạm là vỡ, không như đá. Đá có thể vỡ nhưng không vụn như pha lê, có thể vỡ một góc hoặc một mặt, nhưng đá vẫn là đá, vẫn có thể sử dụng. Nhưng pha lê lại không thế, bản tính pha lê không những dễ vỡ, hơn nữa rất bạo liệt, đụng vào là vỡ, hễ vỡ là không còn giá trị. Thiên tài là như vậy, chỉ cần cắt đứt cái ngọn mới nhú chẳng khác nào chặt đứt cả cành, chỉ còn lại một mẩu liệu có ích lợi gì? Chẳng khác nào tiến sĩ Englert, anh lại nghĩ đến anh hùng của lòng mình, nếu thế giới không có mật mã, liệu người anh hùng này còn công dụng gì? Sẽ là vật phế thải.
Bên ngoài, đêm càng khuya hơn.
4
Những chuyện xảy ra sau đây không thật, vì nó quá thật.
Sự việc quá thật trở nên không thật, khiến mọi người không thể tin, giống như không tin ở vùng núi nào đó trong tỉnh Quảng Tây, một cây kim có thể đổi được một con bò thậm chí đổi được một con dao găm bằng bạc. Không ai phủ nhận, mười hai năm trước Kim Trân từ trong giấc mơ thấy Mendeleyev (trong giấc mơ Mendeleyev phát hiện ra vòng tuần hoàn nguyên tố hoá học) đã tìm ra được bí mật vùi sâu của mật mã tử mật, là chuyện thần kì, nhưng không thần kì bằng sự việc dưới đây.
Nửa đêm, Kim Trân bị tiếng tàu vào ga đánh thức. Theo thói quen, hễ thức dậy anh sờ ngay cái cặp bảo hiểm để dưới giường, cái cặp được xích vào chân bàn trà. Vẫn còn!
Anh lại yên tâm nằm xuống, nghe những tiếng chân bước và tiếng loa ồn ào trên sân ga.
Tiếng loa thông báo tàu đã đến thành phố B.
Nghĩa là, ga tới sẽ là thành phố A.
Còn ba tiếng đồng hồ nữa...
Về đến nhà...
Về nhà...
Chỉ còn một trăm tám mươi phút...
Ngủ thêm một giấc nữa là về đến nhà...
Kim Trân suy nghĩ rồi mơ màng chìm vào giấc ngủ.
Chỉ một lát sau, tiếng thét của đoàn tàu rời ga lại làm Kim Trân thức giấc, tiếp theo, tiếng tàu chạy mỗi lúc một hối hả, giống như điệu nhạc đưa con người vào niềm hưng phấn, liên tục gọi về giấc ngủ cho anh. Giấc ngủ của anh không sâu lắm, làm thế nào để chịu đựng nổi sự giày vò đó? Giấc ngủ bị tiếng động mạnh làm tan vỡ, anh tỉnh hẳn. Ánh trăng từ ngoài lọt qua cửa sổ toa tàu, chiếu sáng giường anh nằm, bóng tối chao đảo lúc lên lúc xuống, đủ làm ánh mắt anh nhấp nhem. Anh cảm thấy trước mắt mình thiếu cái gì đó, nhưng là thiếu gì? Anh uể oải nhìn quanh, suy nghĩ, cuối cùng phát hiện mất cái cặp treo trên vách, cái cặp da đen mất đâu. Anh ngồi phắt dậy, đầu tiên tìm quanh giường, không có. Sau đấy lục soát dưới gầm giường, trên mặt bàn nước, dưới gối cũng không thấy đâu.
Anh gọi Vasili, gọi vị giáo sư dậy, vị giáo sư nói với họ, chừng một tiếng đồng hồ trước (xin nhớ, một tiếng đồng hồ trước đấy), ông ra nhà vệ sinh đầu toa, thấy một cậu thanh niên mặc quân phục đứng dựa cửa toa hút thuốc, sau đấy ông ở nhà vệ sinh ra, trông thấy bóng cậu kia đi đằng xa, trên tay cậu ta xách cái cặp Kim Trân vừa nói.
“Lúc bấy giờ tôi không kịp suy nghĩ nhiều, cho rằng cái cặp của cậu ta, vì cậu ta đứng hút thuốc, trên tay có cầm gì không tôi không chú ý, với lại tôi nghĩ cậu ta đứng đấy hút xong điếu thuốc rồi mới đi. Bây giờ, ôi... lúc bấy giờ tôi kịp nghĩ thì tốt biết chừng nào!”
Vị giáo sư giải thích với giọng đồng tình, thông cảm.
Kim Trân nghĩ, chắc chắn cậu thanh niên mặc quân phục kia lấy cái cặp, cậu ta đứng ở đầu toa để rình. Giáo sư đã cho Kim Trân một manh mối, giống như theo dấu chân hình hoa mai trên tuyết đến tận cùng thể nào cũng sẽ là hang hổ. Có thể hình dung, thời gian vị giáo sư vào nhà vệ sinh đủ để cậu thanh niên kia lẻn vào đánh cắp.
“Như vậy gọi là nhờ gió bẻ măng.”
Kim Trân chỉ nói một câu ấy, rồi nở nụ cười đau khổ.
(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)
Thật ra, phá khoá mật mã là chuyện nhờ gió bẻ măng.
Mật mã giống như tấm lưới trời cực lớn, rất khéo léo, không trông thấy rõ. Nhưng, nếu một bản mật mã được đưa vào sử dụng lại giống như một người há to miệng nói chuyện, rất có thể lỡ lời. Lời lỡ nói ra tức là đã để chảy máu, tức là cái miệng há ra, tức là một tia hi vọng. Giống như tia chớp rạch một lỗ thủng trên bầu trời, phải gọt nhọn đầu để chui vào lỗ thủng ấy, thông qua lối đi trong trùng trùng mê cung bí mật có thể bước vào Đại lễ đường. Những năm gần đây, Kim Trân kiên trì chờ đợi bầu trời vỡ ra một kẽ hở, anh đã chờ đợi cả ngàn ngày đêm, nhưng chưa có được một chút tơ mành nào.
Đấy là điều không bình thường, rất không bình thường.
Nó có nguyên nhân, chúng tôi nghĩ ra hai điểm:
Thứ nhất, công việc phá khoá mật mã khiến đối phương phải nghĩ rằng, mỗi lần mở miệng ra nói phải thật thận trọng, phải trầm tư suy nghĩ, không để sơ hở khiến chúng ta không thể tấn công nổi.
Thứ hai, Kim Trân chưa phát hiện ra manh mối phá khoá mã, giọt nước đã lọt qua kẽ ngón tay cậu, chảy mất. Khả năng này rất lớn. Cứ nghĩ mà xem, ông Hinsh rất hiểu Kim Trân, ông ta có thể mách cho những người tạo lập Hắc mật phải nhắm vào những đặc điểm của Kim Trân, đưa ra cái khó dành riêng cho cơ quan của Kim Trân. Nói thật, tình cảm hai người có thời sâu nặng như tình cha con, nhưng lúc này do thân phận và tín ngưỡng, khoảng cách tâm linh hai người xa hơn bất cứ khoảng cách nào có trên trái đất. Đến nay tôi vẫn nhớ, khi chúng tôi biết Hinsh chính là Wenak, cấp trên đã nói cho Kim Trân rõ tình hình đó và cả chuyện Hinsh gây nên mê hồn trận đối với nước ta, để anh cảnh giác. Kim Trân đã nói gì? Cậu ta nói, để ông ta đi gặp ma, ma quỷ của ngôi đền khoa học!
Đối phương càng ngày càng cẩn thận, sơ hở càng ít, càng dễ bị chúng tôi xem thường, ngược lại, cho dù chúng tôi có để lộ, sơ hở của đối phương càng ít hơn. Cả hai phía giống như hai chiều âm dương của cái mộng gỗ, cùng hô ứng, cùng nghiến răng, nghiến thật chặt, xoá sạch dấu vết, không để lộ một chút tơ nhện nào. Hoàn mĩ đến độ lạ lùng đáng sợ, Kim Trân ngày đêm phải đối mặt, thường cảm thấy ớn lạnh, đáng sợ. Không ai biết, nhưng vợ anh biết, trong mơ chồng nhiều lần nói với chị, trên con đường chinh phục mật mã hắc mật cậu đã nắm tay thế thủ, tin chắc sự yên tĩnh của mình đã tuyệt vọng và gặp phải sự đe doạ và chán nản xâm chiếm.
Kẻ cắp rình rập, cái cặp đã mất, Kim Trân lập tức nghĩ đến cảnh giác và tuyệt vọng, anh giễu cợt tự nghĩ, mình muốn kiếm chút gì từ người khác - người tạo lập và sử dụng Hắc mật - thật khó khăn, nhưng người khác đánh cắp đồ của mình thật dễ đàng, chỉ cần hút xong nửa điếu thuốc. Nụ cười đau khổ lại hiện lên khuôn mặt lạnh lùng của anh.
Nói thật, vào lúc này Kim Trân vẫn chưa ý thức được nỗi sợ hãi của việc mất cái cặp da. Anh nhớ ra, trong cái cặp có vé tàu đi và về, phiếu ăn nghỉ và tem gạo có giá đến hai trăm đồng, thậm chí cả các thứ giấy tờ khác. Cuốn sách “Thiên thư” của Englert tối hôm qua trước lúc ngủ anh cũng bỏ vào đấy. Đấy là điều làm anh đau lòng. Tóm lại, những thứ đó so với cái cặp bảo hiểm ở dưới giường, anh thấy mình còn rất may mắn, thậm chí cảm thấy mình còn được sống sót sau tai nạn lớn.
Khỏi phải nói, nếu mất cái cặp bảo hiểm sẽ thật sự to chuyện, thật đáng sợ. Lúc này xem ra không có gì phải sợ, chỉ đáng tiếc chút thôi, chỉ đáng tiếc không có gì đáng sợ.
Mươi phút sau, trong toa tàu lại yên tĩnh, Kim Trân được Vasili và vị giáo sư kia an ủi, sau một lúc hoảng hốt, lúc này cũng bình tĩnh trở lại. Nhưng khi anh chìm vào bóng tối, sự bình tĩnh được bóng tối che khuất lại bị bánh xe của đoàn tàu nghiền nát, khiến anh rơi vào ý nghĩ trách cứ và nuối tiếc.
Trách cứ trong lòng, nuối tiếc trong đầu thật mạnh mẽ.
Trong cặp còn gì khác?
Kim Trân suy nghĩ.
Một cái cặp da trong tưởng tượng, sức tưởng tượng cần thiết để mở cái cặp. Bắt đầu là sự nuối tiếc xâm chiếm, mạch suy tư tỏ ra uể oải, không thể nào mở nổi khoá kéo của cái cặp, trước mắt chỉ là một mảng màu đen hình chữ nhật làm mờ mắt, đấy là vỏ ngoài của cái cặp, không phải bên trong. tâm trạng nuối tiếc mờ dần, mạch suy nghĩ mạnh lên, tập trung, sức mạnh như dòng nước của tuyết tan đọng lại, rồi chảy tiếp, đọng lại. Cuối cùng cái khoá kéo mở toang như tuyết lở, một màu xanh ước mơ bỗng hiện lên lấp lánh trước mắt Kim Trân. Tưởng chừng có một bàn tay giết người ẩn hiện, Kim Trân giật mình, ngồi bật dậy, kêu to:
“Vasili, nguy rồi!”
“Chuyện gì?”
Vasili nhảy xuống giường, trong bóng tối anh trông thấy Kim Trân đang run lẩy bẩy.
“Sổ tay, sổ tay!”.
Kim Trân kêu thất thanh.
Thì ra trong cái cặp ấy có cuốn sổ tay công tác của anh.
(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)
Có thể hình dung, là một con người cô độc, một con người chìm vào trầm tư như chết, Kim Trân thường nghe thấy những âm thanh kì diệu. Những âm thanh ấy hình như đến từ bầu trời xa lắc, lại như từ đáy sâu linh hồn, những âm thanh ấy lúc chờ thì không đến, trông mong không thấy đâu, nhưng lại bất ngờ bắt gặp, không mời mà đến, có lúc xuất hiện trong giấc mơ, giấc mơ trong giấc mơ, rất thần bí khó lường. Nếu tôi nói, những âm thanh ấy phát ra từ trời đất, nhưng thật ra từ trong con người cậu ta, bắn ra từ linh hồn cậu ta, toả ra từ ánh sáng tâm linh lấp lánh, rồi lấp lánh toả ra tiếp, cậu ta cần phải ghi lại. Nếu không, nó đến nhanh mà đi cũng nhanh, nó đi không để lại hình bóng. Bởi vậy, Kim Trân tạo cho mình thói quen đem theo sổ tay và bút, bất cứ lúc nào, bất cứ đi đến đâu, sổ tay và bút như cái bóng lặng lẽ theo cậu ta.
Tôi biết, đấy là cuốn sổ tay cỡ nhỏ, trang bìa in chữ “Tuyệt mật” và mật hiệu, trong đó ghi chép những suy nghĩ kì dị về hắc mật mấy năm qua. Thông thường, Kim Trân để cuốn sổ ở túi dưới phía bên trái của áo mặc. Lần này đi công tác, vì phải đem theo các loại giấy tờ, cậu dùng một cái cặp da, cuốn sổ để vào đấy. Cái cặp da là quà của ông Cục trưởng đi nước ngoài về tặng cậu, cặp da bò loại tốt, kiểu cách nhỏ xinh, rất tiện lợi, quai xách bằng da có thể co lại và nới rộng, lồng vào cổ tay, cái cặp da trở thành túi áo nối dài. sổ tay để trong đó, tôi nghĩ, Kim Trân không còn cảm thấy bất tiện, cũng không lo mất, cảm giác như vẫn để trong túi áo.
Mấy hôm nay, có hai lần Kim Trân phải dùng đến sổ tay.
Lần thứ nhất là buổi chiều trước đấy bốn hôm, lúc ấy anh vừa từ hội nghị ra, vì có một người lên phát biểu tỏ ra không biết gì và rất thô bạo, anh vừa bực vừa giận, về phòng nằm thở hổn hển, mắt nhìn ra cửa sổ. Thoạt đầu anh chú ý đến bầu trời ngoài kia đang tối dần, do thị giác không chỉnh, anh thấy bầu trời nghiêng, có lúc anh chớp mắt, lại xoay chuyển. Sau đấy, ánh mắt anh mỗi lúc một mờ đi, cửa sổ, bầu trời, thành phố, bóng chiều... tất cả đều mờ ảo, tiếp đấy là bầu không khí chuyển động của trời chiều cháy đỏ - anh thấy rõ không khí vô hình lay động, chúng lay động như ngọn lửa, lại như trào ra ngoài bầu trời. Không khí lay động, âm thanh của trời chiều rực cháy, tất cả như bóng tối dần dần lan toả vây bọc quanh anh. Cứ như vậy, chỉ trong chốc lát, anh cảm thấy trong cơ thể có một dòng điện quen thuộc chạy qua, cơ thể phát sáng, nhẹ bỗng, cảm giác toàn thân biến thành không khí, giống như ánh lửa bùng cháy lay động, bốc hơi, bay lên tận tầng mây ngoài bầu trời. Cùng lúc ấy, một giọng nói chập chờn như cánh bướm bay đến... Đấy là âm thanh số phận đến từ ngoài bầu trời, là âm thanh tự nhiên, là ánh sáng, là ngọn lửa, là anh linh, anh cần phải ghi lại.
Đấy là lần đầu anh phải dùng bút kể từ hôm đi công tác, sau đấy anh nghĩ lại, đấy là sự phẫn nộ thiêu cháy anh, phẫn nộ đưa linh cảm đến với anh. Lần thứ hai là sáng sớm hôm qua, trên con tàu lắc lư anh vui mừng mơ thấy tiến sĩ Englert, đồng thời được nói chuyện với ông ta rất lâu, tỉnh dậy, anh ghi lại nội dung buổi nói chuyện với tiến sĩ Englert.
Có thể nói, trên con đường chinh phục mật mã, trên lối nhỏ của thiên tài, Kim Trân không hò hét, cũng không ra sức cầu cứu, mà luôn luôn chống hai cây gậy, tức là, cần cù và cô độc. Cô độc khiến anh sâu sắc và cứng rắn, cần cù có thể làm anh có được vận may từ vũ trụ. Vận may là ma quỷ, không trông thấy, không sờ thấy, không diễn tả rõ ràng, chờ đợi không đến, cầu mong không thấy, chập chờn ẩn hiện như quỷ thần, có thể đấy là thứ thần bí nhất trần gian. Đồ ma quỷ! Nhưng vận may của Kim Trân không có gì là thần bí, thậm chí rất hiện thực, chúng ẩn náu trong những con chữ ghi trong sổ tay.
Nhưng rồi cuốn sổ tay không cánh mà bay!
Sau khi an ủi Kim Trân, Vasili như lửa đốt, anh ta trở nên bận rộn và căng thẳng. Đầu tiên anh tìm cảnh sát trên đoàn tàu, yêu cầu hành khách ngồi tại chỗ, nghiêm cấm nhảy tàu, thông qua hệ thống vô tuyến điện của đoàn tàu (Trung chuyển qua ga của thành phố A) báo cáo tình hình cho đơn vị 701. Đơn vị 701 lại báo cáo với Tổng cục, Tổng cục báo cáo với cấp trên, cứ như vậy báo cáo lên cấp cao, cuối cùng lên đến thủ trưởng tối cao. Thủ trưởng tối cao chỉ thị gấp:
“Việc mất cắp có liên quan đến an ninh quốc gia, mọi bộ phận có liên quan phải ra sức phối hợp, bằng mọi cách để lấy lại.”
Sổ tay của Kim Trân mất như thế nào? Nó có liên quan đến bí mật của đơn vị 701, mặt khác nó liên quan đến việc có thể phá được khoá mật mã Hắc mật hay không. Sổ tay của Kim Trân là kho tư duy của anh, mọi suy nghĩ và là chìa khoá đều tập trung cả ở đấy, liệu có thể mất được không?
Không thể!
Không thể không tìm ra!
Tàu đã tăng tốc, nó phải về đến ga đúng giờ.
Tiếp theo là ga thành phố A, tức là Kim Trân đã về đến cửa, sự việc xảy ra là có âm mưu từ trước, chẳng khác nào số trời đã định, không ai ngờ tới, rất nhiều ngày qua đi, không xảy ra việc gì, vậy mà đến lúc này về đến cửa, lại xảy ra chuyện mất cái cặp da mà không mất cặp bảo hiểm. Hơn nữa, thủ phạm xem ra không phải là kẻ địch đáng sợ, mà là một tên ăn cắp. Tất cả như trong mơ, Kim Trân cảm thấy bấn loạn mệt mỏi, một mê cung trống rỗng vây bủa anh, giày vò anh. Con tàu vẫn lao về phía trước, cảm giác càng bức xức, tưởng như đoàn tàu không phải chạy về thành phố A, mà là lao xuống địa ngục.
Đoàn tàu đến thành phố A liền bị phong toả, một tiếng đồng hồ trước đấy là ga thành phố B, toàn thành phố cũng bị bí mật quản chế.
Những điều thường thức bảo với mọi người: tên kẻ cắp đã xuống tàu, đấy là thành phố B.
Không ai không biết, chỗ trốn kín nhất của một ngọn lá là trong rừng sâu, chỗ trốn kín nhất của một người là trong đám đông, là thành phố, bởi muốn trinh sát phá những vụ án như vậy là rất khó, nói rõ hơn, cái bé nhỏ trong đó là khó của cái khó, có thể đưa ra rất nhiều cứ liệu để trông thấy một chút manh mối trong cả quá trình phá án.
Theo ghi chép của tổ chuyên án đặc biệt lúc bấy giờ, trực tiếp và gián tiếp tham gia phá án có các bộ phận sau: Đơn vị 701 (đơn vị đứng mũi chịu sào), Công an thành phố A, Quân đội thành phố A, Cục Đường sắt thành phố A, Đại đội X. của thành phố A, Công an thành phố B, Quân đội thành phố B, Cục đường sắt thành phố B, Cục vệ sinh môi trường thành phố B, Cục quản lí đô thị thành phố B, Cục Xây dựng thành phố B, Cục Giao thông thành phố B, Nhật báo thành phố B, Cục bưu chính thành phố B, Đoàn thanh niên của cơ quan X. thuộc thành phố B. Ngoài ra còn vô số đơn vị nhỏ lẻ khác.
Những nơi phải kiểm tra: ga xe lửa thành phố A, ga xe lửa thành phố B, 220 cây số đường sắt từ thành phố A đến thành phố B, 72 khách sạn, nhà trọ, 637 thùng rác, 56 nhà vệ sinh công cộng, 43 cây số cống rãnh, 9 trạm thu mua phế liệu, vô số nhà dân ở thành phố B.
Hơn 3.700 người trực tiếp tham gia phá án, gồm cả Kim Trân và Vasili.
2.141 hành khách và 43 nhân viên đoàn tàu, hơn 600 lính mặc thường phục bị trực tiếp thẩm vấn.
Vì vậy đoàn tàu về trễ năm tiếng rưỡi đồng hồ.
Thành phố B bị bí mật quản chế 484 tiếng đồng hồ, tức 20 ngày và 4 tiếng đồng hồ.
Mọi người nói đây là vụ án bí mật lớn nhất từ xưa đến nay diễn ra ở tỉnh G, động đến hàng vạn người, mấy thành phố run sợ, quy mô sâu rộng chưa từng có.
5
Cũng phải nói đấy là yêu cầu của Kim Trân, chuyện này vẫn chưa hết, chừng như mới bắt đầu.
Lúc anh xuống tàu, xuất hiện ở ke nhà ga, lập tức một toán người ập đến, dẫn đầu là nhân vật số một của đơn vị 701, đại nhân Cục trưởng (Cục trưởng tiền nhiệm của Cục trưởng Trịnh Thọt) - người có bộ mặt ngựa dễ sợ, ít nhất vào lúc ấy Kim Trân thấy như thế. Ông ta đi đến trước mặt Kim Trân, vẻ tức giận làm mất đi cái tôn trọng thường ngày ông ta vẫn dành cho anh, ánh mắt lạnh lùng khiếp hãi.
Kim Trân sợ hãi né tránh ánh mắt, nhưng không tránh khỏi những âm thanh:
“Tại sao không để văn bản mật vào cặp bảo hiểm?”
Lúc ấy mọi người thấy mắt Kim Trân long lanh sáng, rồi lập tức tắt lịm, như sợi tóc bóng điện bị cháy, đồng thời toàn thân cứng như gỗ, ngã vật ra đất.
Khi ánh sáng ban mai chiếu vào ô cửa sổ, Kim Trân mới tỉnh lại, ánh mắt chạm vào khuôn mặt mơ hồ của vợ. Cũng có lúc anh may mắn quên hết mọi chuyện, nghĩ rằng mình đang nằm trên giường nhà mình, vợ anh bị tiếng kêu trong khi anh ngủ mê đánh thức đang lo lắng nhìn anh (Có thể vợ anh vẫn thường ngồi nhìn chồng trong giấc mơ như thế). Nhưng căn phòng trắng và mùi thuốc khiến Kim Trân nhanh chóng tỉnh lại, biết rằng đây là bệnh viện. Vậy là, chỉ trong khoảnh khắc, trí nhớ của anh hồi tỉnh. Anh lại nghe thấy tiếng nói uy nghiêm của ông Cục trưởng:
“Tại sao không để văn bản mật vào cặp bảo hiểm?”
“Tại sao?”
“Tại sao?”
“Tại sao...”
(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)
Nên tin rằng, chuyến công tác này của Kim Trân không ít kẻ ghen tị, thù địch, vì có sự ghen tị nên phải cảnh giác. Cho nên, nếu nói sự việc xảy ra là bởi cậu ta mất cảnh giác, sơ ý, thật không công bằng nếu coi đấy là kết quả sự xem thường và xem thường nghề nghiệp của cậu. Nhưng không để sổ tay vào cặp bảo hiểm lại như nói Kim Trân không cẩn thận, cảnh giác không cao.
Tôi nhớ rất rõ, lúc họ xuất phát từ đơn vị 701, tôi và Vasili phải ba lần yêu cầu, nhắc nhở cậu ta, bỏ tất cả các văn bản mật, kể cả giấy tờ tuỳ thân vào cặp bảo hiểm, cậu ta cũng đã làm như thế rồi. Trên đường về, Vasili nói, cậu ta rất cẩn thận bỏ các văn bản mật vào cặp bảo hiểm, kể cả cuốn cách ngôn vị Thủ trưởng Tổng cục tặng trong thời gian hội nghị, cuốn cách ngôn này do chính tay Thủ trưởng Tổng cục sáng tác, hoàn toàn là cuốn sách bán ở các hiệu sách, không có gì gọi là bí mật. Nhưng cậu ta nghĩ, trên trang bìa có chữ kí của Thủ trưởng Tổng cục, sợ như thế sẽ lộ thân phận, nên coi nó như một tài liệu mật, tự tay bỏ vào cặp bảo hiểm. Cậu ta bỏ tất cả vào, chỉ để một cuốn sổ tay ở ngoài. Sau khi xảy ra sự việc nghĩ lại, cậu ta đã để quên như thế nào, quả thật như một bí mật cổ xưa sâu kín. Tôi tin rằng, tuyệt đối tin rằng, không phải vì thường dùng đến nó mà để ở ngoài, không thể. Cậu ta không mạo hiểm thế đâu, cậu ta cũng không đủ dũng cảm và cả gan mạo hiểm như thế. Chừng như không có lí do gì, sau khi sự việc xảy ra, cậu ta muốn tìm một lí do cũng khó. Kì lạ là, trước khi sự việc xảy ra, cậu ta hoàn toàn không ý thức được có sự tồn tại của cuốn sổ tay (Sự việc xảy ra rồi, cậu ta vẫn chưa nghĩ ngay đến nó), tưởng chừng như nó chỉ là cái kim gài trên tay áo phụ nữ, không cần hoặc không chú ý nên bị nó đâm vào tay, bình thường không nghĩ đến nó.
Đối với Kim Trân, cuốn sổ tay không thể như cái kim trên tay áo phụ nữ, vì cái kim không đáng tiền nên không để ý. Không thể nghi ngờ cậu ta không nhớ đến nó, mà rất nhớ, ghi vào lòng. Vì đấy là thứ mà cậu vô cùng quý, dùng nó để nói chuyện, là bình chứa linh hồn của cậu ta.
Một thứ vô cùng quan trọng, quý báu đối với cậu ta, là bảo bối của cậu, làm sao có thể xem thường nó?
Đấy là câu hỏi khó trả lời.
Kim Trân rất hối hận, đồng thời anh muốn đi vào mê cung thần bí, tìm ra câu hỏi tại sao anh lại sơ ý bỏ cuốn sổ tay ở ngoài. Thoạt đầu, anh choáng váng trong bóng tối vô cùng vô tận, nhưng dần dần anh thích nghi với bóng tối, bóng tối trở thành điểm tựa để phát hiện ra ánh sáng. Cứ như vậy, anh tiếp cận với ý nghĩ...
Chính vì mình sơ ý, cất giấu nó quá kĩ, giấu vào trong tim mình, thậm chí không để bản thân trông thấy... Có thể trong sâu xa tiềm thức, cuốn sổ tay không tồn tại riêng biệt như một vật thể cụ thể, giống như mình đeo kính... những thứ đó vì quá cần thiết, sẽ không bao giờ rời chúng. Từ lâu chúng găm vào sinh mệnh, trở thành giọt máu của sinh mệnh, một bộ phận của cơ thể... Mình không cảm thấy chúng, giống như mọi người bình thường không cảm thấy tim và máu mình. Con người chỉ đến khi ốm đau mới cảm nhận được cơ thể mình, không đeo kính mới nhớ đến nó, sổ tay chỉ có thể mất...
Nghĩ đến chuyện mất sổ tay, Kim Trân ngồi bật dậy như bị điện giật, anh vừa mặc áo quần, vừa vội vã chạy ra khỏi phòng bệnh, giống như bị lửa đốt bỏ chạy. Vợ anh, một cô gái cao lớn có lẽ chưa bao giờ thấy chồng như thế, cũng phải giật mình. Nhưng chị bình tĩnh chạy theo chồng.
Mắt Kim Trân kém, không quen với bóng tối trong hành lang, anh lại vội vã chạy, lúc xuống, anh ngã ở cầu thang, cặp kính văng ra may mà không vỡ, đúng lúc ấy vợ đuổi kịp anh. Vợ từ đơn vị 701 đến, trước khi đến có người đã báo cho chị biết, có thể Kim Trân đi đường bị mệt, đột ngột lâm bệnh phải vào nằm ở bệnh viện X, chị phải đến chăm sóc. Chị đến, nhưng không biết đã xảy ra chuyện gì. Chị bảo chồng về nghỉ, bị Kim Trân từ chối một cách thô bạo.
Xuống đến dưới nhà, anh vui mừng thấy chiếc xe jeep của mình đang chờ ở sân, anh đến bên chiếc xe, thấy người lái xe đang ngủ gục trên tay lái. Xe đưa vợ anh đến, lúc này Kim Trân đang cần dùng. Lên xe, anh nói dối vợ, anh bỏ quên cặp trên tàu, “đi lấy rồi về ngay.”
Kim Trân biết, tên ăn cắp chỉ có hai cách: thứ nhất, vẫn ở trên tàu, thứ hai là đã xuống tàu ở thành phố B. Nếu còn ở trên tàu chắc chắn nó không thể thoát, vì tàu đã bị phong toả. Cho nên, Kim Trân vội vã đến thành phố B, vì thành phố A không cần anh, mà thành phố B có thể cần người của toàn thành phố.
Ba tiếng đồng hồ sau, chiếc xe con vào sân của Cục cảnh vệ. Anh hỏi thăm đến Tổ chuyên án đặc biệt. Tổ chuyên án đặc biệt đóng ngay trong nhà khách của Cục cảnh vệ, tổ trưởng là một vị Phó Tổng cục trưởng (lúc này chưa đến nhận nhiệm vụ), dưới có năm vị tổ phó là lãnh đạo những bộ phận có liên quan của hai thành phố A và B, trong đó có một vị tổ phó về sau là Cục trưởng Trịnh chống gậy - lúc bấy giờ là Phó cục trưởng thứ bảy - lúc này ông đang có mặt tại Tổ chuyên án. Kim Trân đến, ông Trịnh nói với anh một tin xấu: đoàn tàu phong toả ở thành phố A để kiểm tra nhưng không tìm thấy tên ăn cắp.
Có nghĩa là tên ăn cắp đã xuống ga B.
Vậy là người của tổ chuyên án kéo nhau về thành phố B, ngay chiều hôm đó Vasili cũng đến B, anh ta đến B theo lệnh của Cục trưởng đưa Kim Trân vào bệnh viện điều trị. Có thể Cục trưởng đoán biết Kim Trân sẽ từ chối, cho nên lúc ông ra lệnh liền bổ sung một câu: nếu Kim Trân không chấp hành, anh phải bám theo từng bước bảo vệ an toàn cho Kim Trân.
Kết quả, Vasili chấp hành không phải là mệnh lệnh mà là lời bổ sung.
Không ngờ, một sự thoả hiệp nho nhỏ của Vasili lại mang tai hoạ về cho đơn vị 701.
6
Mấy hôm sau, ban ngày Kim Trân như kẻ mộng du lang thang khắp ngõ phố của thành phố B, lại tiêu hao đêm dài đến điên người trong những suy nghĩ xa xôi. Vì hi vọng quá mức nên anh cảm thấy thất vọng cực độ, đêm là thời gian anh thụ hình. Cứ tối đến, anh lại trăn trở giày vò bởi số phận không may của mình, những đêm mất ngủ đè nặng lên anh, thiêu cháy anh. Anh cố moi óc nhớ lại mỗi ngày mỗi đêm vừa qua, mong phán xét bản thân, làm rõ cái sai của mình. Nhưng hình như tất cả đều sai lầm, lại như không có gì sai, tất cả như mơ như ảo. Trong tấm lưới vô tận, nước mắt bi phẫn đốt cháy đôi mắt anh. Trong sự giày vò ghê gớm, anh như bông hoa tàn, những cánh hoa rơi rụng dần, lại như con cừu lạc đàn, tiếng kêu yếu đuối, cô đơn, đau khổ.
Lúc này là buổi tối thứ sáu sau ngày xảy ra sự việc. Cái đêm quý báu và buồn đau này bắt đầu bằng một trận mưa như trút, mưa làm cho Kim Trân và Vasili ướt lướt thướt, khiến Kim Trân ho không ngớt, vì vậy họ về đến nhà muộn hơn mọi ngày. Hai người nằm lên giường, dù mệt mỏi họ vẫn phải chịu đựng, phải chịu đựng tiếng mưa ngoài kia quả là chuyện khó khăn.
Tiếng rào rào khiến Kim Trân nhớ đến một việc đáng sợ.
(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)
Là đương sự, đối với công tác điều tra, Kim Trân có nhiều ý kiến đặc biệt, ví dụ có lần cậu ta nêu lên, ăn cắp nhằm mục đích lấy tiền, cho nên hắn lấy tiền rồi vứt các thứ đi, coi cuốn sổ tay bảo bối của cậu là thứ giấy lộn. Ý kiến này rất đúng, những người trong tổ chuyên án đánh giá cao, vì thế các thùng rác và đống rác của thành phố B ngày nào cũng có người lục soát. Tất nhiên Kim Trân là một thành viên trong số đó, hơn nữa cậu còn là chủ tướng, làm rất tích cực và cẩn thận, thông thường có người tìm kiếm rồi anh vẫn không yên tâm, tự mình tìm lại một lần nữa.
Nhưng buổi tối thứ sáu sau ngày xảy ra sự việc, một trận mưa như trút, hơn nữa mưa như không tạnh, nước từ trên trời ào ào trút xuống, lại ào ào chảy trên mặt đất, mưa xối xả, khắp các ngõ ngách của thành phố B nước chảy thành sông, nước tràn ngập. Điều ấy khiến mọi người trong đơn vị 701 mà Kim Trân là đại diện đều đau khổ nghĩ rằng, dù có ngày tìm thấy cuốn sổ tay thì tất cả những suy nghĩ quý báu được ghi trong đó cũng bị nhoè. Với lại, nước mưa chảy xối xả rất có thể cuốn trôi cuốn sổ tay, càng khó tìm thấy. Cho nên, trận mưa làm chúng tôi thêm đau khổ, tuyệt vọng, chắc chắn Kim Trân càng đau khổ hơn, càng tuyệt vọng hơn. Đúng ra, trận mưa chỉ là trận mưa thông thường, không ác ý, không liên quan đến hành vi của tên ăn cắp, mặt khác như có gì đó phối hợp xa xôi, lặng lẽ câu kết, là sự tiếp tục, phát triển ác ý, khiến tai hoạ chúng tôi đang gặp phải càng thêm nặng nề.
Trận mưa cũng làm ướt tia hi vọng nhỏ nhoi của Kim Trân.
Trận mưa làm ướt tia hi vọng nhỏ nhoi của Kim Trân.
Từ trận mưa này Kim Trân một lần nữa dễ dàng và trực tiếp nhận ra thật rõ ràng và đậm nét quá trình tai hoạ giáng xuống đầu anh: hình như có một ngoại lực thần bí nào đó thao túng, khiến những gì anh sợ lần lượt xảy ra một cách bất ngờ, hơn nữa rất ngẫu nhiên, đau xót vô cùng.
Từ trận mưa này Kim Trân cũng nhìn lại chuyện thần bí và sâu sắc của mười hai năm trước. Mười hai năm trước, trong giấc mơ về Mendeleyev anh đã đột nhập được vào thiên đường của tử mật, từ đấy đêm trở thành huy hoàng xán lạn đối với anh. Anh đã từng nghĩ rằng, sự thần kì ấy, ý trời ấy không còn nữa, bởi vì nó quá thần kì, thần kì đến độ không ai dám cầu mong. Nhưng bây giờ, sự thần kì và ý trời lại tái hiện trong anh, chẳng qua hình thức không như vậy, giống như ánh sáng và bóng tối, lại giống như cầu vồng và mây đen, hai mặt chính phản của một đồ vật, tưởng như nhiều năm nay anh đi quanh nó, cho dù đối mặt với mặt phải, tất nhiên cũng đối mặt với mặt trái của nó.
Vậy cái đó là gì?
Kim Trân nghĩ, hồi xưa ông Tây dạy anh, trong lòng có đức Giê su cơ đốc, có thể cái đó là Thượng đế toàn năng, thần linh toàn năng, vì chỉ có thần linh mới có tính phức tạp, cũng là sự hoàn chỉnh, tức là có mặt thiện lại có mặt ác, tuy có lương thiện lại có sợ hãi. Hình như chỉ có thần linh mới có được năng lượng và sức mạnh to lớn, khiến anh phải xoay chuyển quanh nó, xoay chuyển và xoay chuyển, đồng thời hiện rõ tất cả: tất cả vui mừng, tất cả khổ đau, tất cả tuyệt vọng, tất cả thiên đường, tất cả địa ngục, tất cả huy hoàng, tất cả huỷ diệt, tất cả vinh quang, tất cả ô nhục, tất cả đại hỉ, tất cả đại bi, tất cả thiện, tất cả ác, tất cả ngày, tất cả đêm, tất cả ánh sáng, tất cả bóng tối, tất cả chính diện, tất cả phản diện, tất cả âm, tất cả dương, tất cả trên, tất cả dưới, tất cả mặt trong, tất cả mặt ngoài, tất cả đây, tất cả kia, tất cả của tất cả...
Khái niệm thần linh long trọng thấp thoáng xuất hiện, khiến trái tim Kim Trân rất bất ngờ trở nên thấu đáo và thanh thản. Anh nghĩ, dẫu vậy, dẫu tất cả đều là chỉ ý của thần linh, liệu mình còn gì để chống lại? Chống lại cũng vô ích. Luật pháp của thần linh là công bằng. Thần linh không thay đổi luật pháp vì một ý nguyện của ai đó. Thần linh quyết định bày tỏ rõ ràng với mọi người về tất cả những gì của mình. Thần linh thông qua tử mật và hắc mật để hiển thị tất cả: vui mừng, khổ đau, hi vọng, tuyệt vọng, thiên đường, địa ngục, huy hoàng, huỷ diệt, vinh quang, ô nhục, đại hỉ, đại bi, thiện và ác, ngày và đêm, sáng và tối, chính diện, phản diện, âm và dương, trên và dưới, trong và ngoài, đây và kia, tất cả và tất cả...
Kim Trân nghe thấy một loạt tiếng hô khẩu hiệu, anh rất thản nhiên và bình tĩnh thu ánh mắt từ ngoài cửa sổ về, tưởng chừng mưa hay không mưa không liên quan gì đến anh, tiếng mưa cũng không làm anh khó chịu. Lúc anh nằm lên giường, tiếng mưa thậm chí khiến anh cảm thấy thân thiết, bởi nó rất thuần khiết, rất ôn hoà, có tiết tấu, Kim Trân nghe và bị nó thu hút và tan chảy. Anh ngủ, đồng thời còn nằm mơ. Trong mơ anh nghe thấy một giọng nói từ xa vọng lại:
“Xin đừng mê tín thần linh.”
“Mê tín thần linh là biểu hiện nhu nhược”.
“Thần linh không cho Englert một cuộc sống hoàn mĩ.”
“Lẽ nào luật pháp của thần linh là công bằng?”
“Luật pháp của thần linh không công bằng...”
Câu cuối cùng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tiếng nhắc lại mỗi lúc một to hơn, cuối cùng to như tiếng sấm khiến Kim Trân tỉnh giấc, tỉnh rồi tiếng nói ấy vẫn văng vẳng bên tai:
“Không công bằng... không công bằng... không công bằng...” Kim Trân không nghĩ ra đấy là tiếng ai, càng không biết tại sao lại nói với anh “thần linh không công bằng!”. Thôi được, cứ coi như không công bằng, vậy không công bằng ở đâu? Anh bắt đầu suy nghĩ tìm kiếm trong vô biên. Không biết tại đau đầu hay tại hoài nghi, sợ hãi, anh không tìm ra đầu mối của mạch suy nghĩ, mọi ý nghĩ cứ phù du, không đầu, ồn ào huyên náo, trong đầu như nồi nước sôi lục bục, mở ra xem, nhưng không có chút thực chất nào, mọi ý nghĩ lướt qua rất hình thức. Lát sau, cảm giác nước sôi không còn, giống như cho thực phẩm vào nồi, theo đó trong đầu vẫn là tiếng bánh xe lửa nghiến trên đường ray, một loạt hình ảnh kẻ cắp, cặp da, nước mưa... khiến Kim Trân trông thấy tai hoạ ngay trước mắt mình. Nhưng anh không hiểu những thứ đó có ý nghĩa gì, hình như thức ăn chưa chín, về sau những thứ đó chen chúc xô đẩy nhau, nước lại bốc hơi rồi dần dần sôi. Nhưng không phải số không như ban đầu, mà là sự sục sôi của thuỷ thủ sau một chuyến đi xa nay trông thấy bờ, muốn tăng tốc để sớm đến với mục tiêu, cuối cùng Kim Trân nghe thấy tiếng nói thần bí:
“Để tai hoạ bất ngờ hạ gục mi, lẽ nào mi cảm thấy công bằng?”
“Không!”
Kim Trân kêu lên, tung cửa chạy đi, chạy vào cơn mưa như trút, gào lên với bầu trời đêm tối:
“Trời ơi, ông trời không công bằng với tôi!”
“Trời ơi, tôi muốn cho Hắc mật hạ gục tôi!”
“Chỉ có Hắc mật hạ gục tôi mới công bằng!”
“Trời ơi, chỉ có con người tàn ác mới gặp sự không công bằng như thế này!”
“Trời ơi, chỉ có thần linh tàn ác mới để tôi gặp phải điều chê trách thế này!”
“Thần linh tàn ác, nhà ngươi không thể như thế!”
“Thần linh tàn ác, tôi sẽ liều với ngươi...”
Sau một hồi gào thét bỗng anh cảm thấy nước mưa lạnh giá tựa như lửa thiêu đốt, khiến máu trong người cuộn chảy, máu chảy lại làm anh nghĩ đến nước mưa cũng đang chảy. Ý nghĩ ấy vừa loé lên anh cảm thấy toàn thân chuyển động, kết nối với trời với đất, như không khí như sương mù, như mộng như ảo. Cứ như vậy anh nghe thấy những âm thanh lúc mờ lúc tỏ trên bầu trời, những âm thanh ấy hình như xuất phát từ cuốn sổ tay khốn khổ, nó lưu lạc cùng khốn với nét mực nhoè nhoẹt, lúc ẩn lúc hiện cho nên âm thanh cũng lúc rõ lúc không.
Kim Trân, anh nghe đây, nước mưa chảy khiến mặt đất cũng chảy theo. Cho dù nước mưa cuốn trôi sổ tay của anh, cũng có thể nó trôi về với anh, hãy trôi đi, cho dù mọi việc có thể xảy ra, tại sao lại không thể... Cho dù nước mưa có thể cuốn trôi sổ tay, cũng có thể nó trôi về... trôi về... trôi về...
Đấy là ý nghĩ kì lạ cuối cùng của Kim Trân.
Đó là một đêm diệu kì và ác độc.
Ngoài trời vẫn mưa không ngớt, mưa vô cùng vô tận.
7
Câu chuyện này nửa vui, nửa buồn. Vui ấy là tìm lại được cuốn sổ tay, buồn ấy là Kim Trân mất tích. Tất cả và tất cả giống như Kim Trân nói, thần linh đưa lại niềm vui cho chúng ta nhưng cũng đưa lại khổ đau, thần linh đang hiển thị tất cả.
Trong cái đêm mưa dai dẳng, Kim Trân đi mất tích. Không ai biết anh đi vào lúc nào, đi trước lúc nửa đêm hay sau nửa đêm? Đi lúc mưa hay khi mưa đã tạnh? Nhưng ai cũng biết từ đấy không thấy Kim Trân về, giống như một con chim bay khỏi tổ, lại như ngôi sao sa vĩnh viễn rời khỏi quĩ đạo.
Kim Trân mất tích khiến vụ án thêm phức tạp, giống như đêm tối trước bình minh. Có người chỉ ra rằng, phải chăng Kim Trân mất tích là sự việc tiếp theo của cuốn sổ tay, là hai bước của một hành động? Nếu vậy, thân phận tên kẻ cắp càng thêm bí hiểm và là thù địch. Nhưng phần đông đều tin rằng, Kim Trân mất tích là bởi anh quá tuyệt vọng, không thể chịu đựng nổi đau khổ. Ai cũng biết, mật mã là sinh mệnh của Kim Trân, cuốn sổ tay là sinh mệnh của sinh mệnh Kim Trân, lúc này hi vọng tìm lại được cuốn sổ tay càng ngày càng ít dần, dù tìm lại được thì nước mưa cũng làm nhoè không còn đọc được nữa, anh không nghĩ ra, có thể lao đi tìm, đấy là điều không phải không có khả năng.
Chuyện sau đấy đã chứng thực sự nghi ngờ của mọi người. Một buổi chiều, có người nhặt được một chiếc giày da ở bờ sông (gần nhà máy lọc dầu) cách thành phố B hơn chục cây số về phía đông. Vasili nhận ra ngay đấy là chiếc giày của Kim Trân, đấy là chiếc giày há mõm, Kim Trân đi mỏi chân, trong lúc bôn ba anh đá tung nó đi.
Vasili càng tin rằng, anh đang đối mặt với khả năng chẳng được việc gì, với tâm trạng lo buồn, anh cảm nhận có thể không tìm thấy cuốn sổ tay, nhưng rất có thể tìm thấy thi thể Kim Trân, thi thể có thể nổi trên dòng sông nước đục ngầu. Nếu thật như thế, Vasili nghĩ, thà rằng lúc ấy đưa Kim Trân về, sự việc trong đầu óc Kim Trân chỉ có thể là không bình thường.
“Chúng ta theo đuổi mục đích chó má!”
Anh ném chiếc giày thật xa, giống như ném đi những năm tháng không ra gì.
Đây là sự việc xảy ra trong ngày thứ chín của vụ án, cuốn sổ tay vẫn bặt vô âm tín khiến mọi người mất hết lòng tin, bóng tối tuyệt vọng bắt đầu bám lấy trái tim mọi người và nó đang sâu sắc thêm. Vì thế Tổng cục quyết định mở rộng điều tra ra công khai - trước đấy điều tra bí mật.
Hôm sau, “Nhật báo thành phố B” đăng ngay trên trang nhất tin “Tìm đồ vật bị thất lạc”. Tin nói dối, một người nghiên cứu khoa học, mất cuốn sổ tay có liên quan đến một phát minh kĩ thuật có tầm cỡ quốc gia.
Phải nói rằng, đây là hành động mạo hiểm, vì tên kẻ cắp có thể giấu hoặc huỷ cuốn sổ tay, theo đó công tác trinh sát rơi vào tuyệt vọng. Điều khiến mọi người khó tin là, mười giờ ba phút tối hôm đó, chuông điện thoại đường dây nóng của Tổ chuyên án bỗng reo lên, Vasili với sự nhạy cảm của mình, một tay chộp ngay điện thoại, nói:
“A lô, Tổ chuyên án đây, có gì nói đi.”
“A lô, a lô, ở đâu đấy, có gì nói đi.”
Tút tút tút...
Điện thoại bị ngắt.
Vasili đặt máy xuống, cảm thấy như đụng phải một cái bóng.
Một phút sau chuông điện thoại lại réo.
Vasili lại cầm máy, vừa lên tiếng thì trong máy có tiếng nói run run vội vã:
“Cuốn, cuốn sổ tay... ở trong thùng thư...”
“Thùng thư nào, a lô, thùng thư nào?”
Tút tút tút...
Điện thoại lại bị ngắt.
Tên kẻ cắp, tên kẻ cắp đáng giận lại đáng yêu, có thể vì quá hoảng sợ nên không kịp nói hòm thư nào rồi vội bỏ máy xuống. Nhưng như vậy cũng đủ, rất đủ. Thành phố B có mấy chục thậm chí cả trăm thùng thư, như vậy có là gì? Hơn nữa, vận may tìm đến liên tục, Vasili bất ngờ mở thùng thư thứ nhất thì phát hiện ngay cuốn sổ tay.
Dưới ánh sao đêm, cuốn sổ tay toả ánh xanh, nó lặng lẽ đến ghê rợn, nhưng là sự lặng lẽ hoàn mĩ, vui mừng, tưởng như đấy là một đại dương thu nhỏ, lại giống như một mảnh đá quý màu xanh.
Cuốn sổ tay vẫn nguyên, chỉ bị xé mất hai trang cuối. Một vị lãnh đạo Tổng cục nói vui trong máy điện thoại: “Có thể tên ăn cắp dùng để chùi cái đít bẩn của nó!”
Một vị lãnh đạo khác của Tổng cục nghe tin, ông vui mừng nói: “Nếu tìm được cái thằng ăn cắp kia, các cậu cho nó một ít giấy bản, đơn vị 701 các cậu có nhiều giấy lắm.”
Nhưng không ai đi tìm tên kẻ cắp.
Vì hắn không phải tên bán nước.
Vì vẫn chưa tìm được Kim Trân.
Hôm sau, “Nhật báo thành phố B” lại đăng tin tìm người, tìm Kim Trân, tin đăng báo thế này:
Dung Kim Trân, nam, 37 tuổi, cao 1,65 mét, người gầy nhỏ, da trắng, đeo kính cận thị nặng màu trà, mặc đồ Tôn Trung Sơn màu xanh, quần màu ghi nhạt, trên túi áo ngực cài cây bút máy nhập khẩu, tay đeo đồng hồ nhãn hiệu Chung Sơn, biết nói tiếng phổ thông và tiếng Anh, cử chỉ chậm chạp, có thể đi chân trần.
Hôm sau vẫn không có hồi âm.
Ngày thứ hai vẫn không có hồi âm.
Ngày thứ ba, “Nhật báo tỉnh G” cũng đăng tin tìm Kim Trân, ngay trong ngày hôm ấy không có hồi âm gì.
Có thể, theo Vasili, không có hồi âm là chuyện bình thường, vì đòi một thi thể có hồi âm là chuyện khó khăn. Anh ta có dự cảm sâu sắc rằng, việc đưa Kim Trân còn sống về đơn vị 701 - đấy là nhiệm vụ của anh ta - là vô cùng khó khăn.
Nhưng trưa ngày hôm sau, Tổ chuyên án thông báo cho Vasili biết, ở huyện M vừa điện cho biết, ở đây có một người giống với Dung Kim Trân, mời người của Tổ chuyên án về nhận mặt.
Giống Dung Kim Trân? Vasili lập tức nghĩ dự cảm của mình là đúng, vì chỉ có thi thể thì mới có hồi âm như thế. Chưa lên đường, Vasili vốn được coi là con người kiên cường, mạnh mẽ chưa chi đã nhoè nước mắt yếu đuối.
Huyện M cách thành phố B chừng một trăm cây số, làm sao mà Kim Trân đến đấy để tìm sổ tay, chuyện thật bí ẩn và kì lạ. Dọc đường, Vasili với con mắt của người trong mộng nhìn lại những tai hoạ đã qua và khổ đau sắp tới, lòng những kinh hoàng, buồn thương. Đến huyện M, Vasili chưa đi tìm người gọi điện thoại, anh đi qua cổng nhà máy sản xuất giấy, chợt để ý đến một người ngồi trước đống giấy phế liệu. Con người này thật đáng chú ý, trông không bình thường, người đầy bùn đất, đi chân trần, rét thâm tím bàn chân, hai bàn tay đỏ ửng, giống như móng vuốt đang cào bới, lật giở đống giấy, tìm từng cuốn vở phế bỏ, xem kĩ từng cuốn, ánh mắt mê mẩn, miệng lẩm bẩm, dáng vẻ thành kính của kẻ gặp nạn, như vị trụ trì gặp nạn đang thành khẩn, buồn đau tìm kiếm kinh bổn nơi cửa chùa.
Đó là một buổi chiều mùa đông có nắng, nắng chiếu trên con người đáng thương, chiếu trên bàn tay đỏ máu.
Chiếu trên đầu gối đang quỳ.
Chiếu trên tấm lưng lom khom.
Chiếu trên khuôn mặt biến dạng.
Chiếu trên miệng, trên mũi, trên cặp kính, trên ánh mắt...
Vasili nhìn đôi tay như móng vuốt dang rộng, vươn dài, đi tới gần con người kia, cuối cùng nhận ra đấy là Kim Trân.
Kim Trân đây rồi!
Đấy là ngày thứ mười sáu của vụ án, bốn giờ chiều ngày mười ba tháng giêng năm 1970.
Buổi chiều muộn của ngày mười bốn tháng giêng năm 1970, Vasili đưa Kim Trân với vết thương thể xác và linh hồn cùng những bí mật vĩnh viễn, về đến sân đơn vị 701 cao cổng kín tường, từ đấy câu chuyện cũng kết thúc.