Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Chương 3
C
húng tôi đi hoài đi hoài, vượt núi, vượt đồi, vượt thung lũng, vượt rừng cây. Thật chẳng khác gì những kẻ chạy trốn trong truyện cổ tích, ngay cả tiếng gió thổi cúng làm chúng tôi hoảng sợ.
Quân đội Anh thường nhảy dù xuống các làng dọc theo con đường chúng tôi đi để chặn bước tiến của chúng tôi. Làng này thường báo tin cho làng kia về chúng tôi và cất giấu thực phẩm của họ. Đôi lần, khi dừng chân trong một làng để nghỉ ngơi vì cần quá, chúng tôi thường nhận thấy thổ dân đã báo tin cho quân thù biết và chúng tôi bị tấn công liền.
Bao tháng ròng chúng tôi không thể lơi là việc canh gác đề phòng. Tuy nhiên có một số bộ lạc bản xứ cũng tử tế; và nhờ họ giúp đỡ, chúng tôi tiến dần dần qua dãy núi.
Một hôm chúng tôi tới một làng trên đỉnh một vách đá cao. Người dẫn đường Miến Điện bảo chúng tôi rằng đến đây chúng tôi đã vượt qua mọi nguy hiểm rồi. Anh ta cao nhòng, đầu cạo nhẵn thín - anh có thể nhìn thấy đường gân máu nổi bật trên cái sọ dừa. "Nhìn kìa". Anh ta vừa nói với chúng tôi vừa lau mồ hôi trán. "Vượt qua cái đèo ấy, các ông sẽ tới đất Xiêm".
Cảnh trí mênh mông trải ra trước mặt chúng tôi trông thật là ngoạn mục. Trong lúc chúng tôi đứng nhìn cảnh trí ấy, làn khí núi giá lạnh, buốt xương, tạt qua chúng tôi. Về hướng người dẫn đường đang chỉ tay, chúng tôi nhìn thấy một thứ sương mờ xanh xanh đang treo lơ lửng trên rừng cây rậm rạp trong một dãy núi ngập ánh mặt trời. Xa khỏi chỗ ấy là nơi quân đội Nhật Bản đóng.
"Quanh đây không có lính Anh hoặc lính Ấn hay lính Gớc- ca đâu," người dẫn đường nói. "Tối nay các ông có thể ngủ ngon".
Chắc chắn trông có vẻ an toàn. Chúng tôi đã ở cách thật xa ngôi làng bên cạnh, và vách đá cheo leo trước mặt đâm thẳng xuống một hiệp lộ sâu thẳm, nơi chúng tôi có thể nhìn thấy một dòng sông với những thác nước bọt trắng xóa mãi tít phía dưới. Phía sau ngôi làng là một vách đá cao khác trên đó những con diều hâu đang lượn vòng. Giữa làng có một khoảng đất trống rộng rãi, và ở hai bên khoảng đất này là khu rừng - một rừng cây nhiệt đới thăm thẳm, tối om. Anh khó lòng tưởng tượng một nơi ẩn náu tốt hơn cho khoảng năm mươi người lính Nhật.
Đại úy nói chúng tôi sẽ ở lại đây nhiều ngày, nghỉ ngơi và chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn cuối cùng của cuộc di hành.
Lúc chúng tôi tới ngôi làng, người xã trưởng và nhiều người dân ra chào đón. Họ dẫn chúng tôi vào một ngôi nhà rộng rãi mái lợp rơm, dựng lên ở ven khoảng đất trống rộng rãi ấy. Họ sửa soạn một bữa tiệc mời chúng tôi - có cả rượu nữa. Chúng tôi ăn uống thỏa thích.
Cho đến mới gần đây người Miến Điện vẫn một mực sống theo những lời răn của Phật nên họ chẳng bao giờ uống rượu. Tuy tập quán này đã bị phá vỡ ở các đô thị, song tại miền quê nó vẫn còn rất mạnh. Ngoài mặt trận hầu như chẳng làm sao mà kiếm được rượu. Nhưng trong dịp này dân làng hình như đã vất vả lắm để kiếm rượu cho chúng tôi.
Họ tiếp đón chúng tôi một cách trịnh trọng. Trước khi anh em nhận ra điều này thì bữa tiệc đã biến thành một cuộc liên hoan sinh động với nhiều hình thức giải trí khác nhau. Khoảng mười người thanh niên từ làng ra đứng thành một hàng và hát cho chúng tôi nghe một bài ca của họ. Tất cả họ điều có tóc xoăn và ánh mắt trong. Tuy nhiên, da họ không đen lắm - binh sĩ Nhật Bản chúng ta có nước da đen hơn. Họ đi chân đất và ở trần, trừ cái sà-rông màu sặc sỡ quấn quanh hông. Thoạt đầu bài ca họ hát nghe ồ ồ,, nhưng lắng nghe cho kỹ anh có thể bắt gặp một giọng hơi cao như than như vãn, nỉ nỉ non non. Bài ca hình như không chấm dứt; vừa lúc mình tưởng đã hết, nó lại dấy lên mãnh liệt hơn và tiếp tục hoài. Đó là thứ âm nhạc đều đều, sướt mướt, buồn rầu của miền nhiệt đới.
Người dẫn đường dịch lời ca cho chứng tôi nghe:
Xa xa trong đám mây dầy
Tuyết trên đỉnh Hi Mã Lạp Sơn óng ánh.
Chúng ta đắm mình trong suối tuyết đang tan,
Mãi đằng ấy, xa xa tim anh ẩn náu.
Tôi ước ao đem tim mình bừng chảy,
Tắm trong dòng suối giá băng.
Trong suốt lúc hát nhiều món ăn cao lương mỹ vị lại được mang ra. Ông xã trưởng râu bạc phơ, má đỏ ửng, cứ rót rượu mời chúng tôi.
Một anh trong bọn quay lại hỏi ông ta: "Từ đây cụ có thể nhìn thấy núi Hy Mã Lạp Sơn không?"
Ông xã trưởng mỉm cười, những đường nhăn quanh mắt ông hoắm sâu lại. Đoạn thẫn thờ lấy hai tay vuốt chòm râu dài, ông trả lời: "Từ đây không thể nhìn thấy dãy núi ấy. Chẳng có ai trong đám chúng tôi đã nhìn thấy bao giờ. Chúng tôi chỉ biết dãy núi ấy qua những bài kinh và chuyện cổ tích mà thôi."
Người Miến Điện đã quen thuộc với kinh kệ và chuyện cổ tích ngay từ lúc còn nhỏ. Chúng ta thường nghe thấy nhắc đến dãy Hy Mã Lạp Sơn trong những bài ca, những chuyện kể của họ và nhìn thấy những bức họa hoặc điêu khắc truyền hình dãy núi thiêng liêng này trong các chùa chiền của họ. Thảy họ đều nghĩ đến dãy núi hùng vĩ ấy như tổ ấm của linh hồn và hy vọng khi chết sẽ hành hương về đó. Họ nói rằng những đỉnh núi phủ đầy tuyết ấy lẩn trong mây óng ánh dưới ánh mặt trời giống như đá hoa cương hoặc bạc thật dác mỏng - hình ảnh của cái đẹp thiêng liêng. Và tại chân dẫy núi đó, nghìn năm về. trước, Thích Ca Mâu Ni đã ngồi trầm tư nghĩ ra một đường lối để giải thoát nhân loại, và Ngài đã đắc đạo đạt tới mức giác ngộ tuyệt đỉnh. Tất cả điều này là một phần tín ngưỡng cơ bản của người Miến Điện. Lắng nghe với điều ấy trong đầu óc, anh có thể khám phá tính chất nguyện cầu trong bài ca của họ.
Khi dân làng chấm dứt, chúng tôi bắt đầu hát. Dẫu sao anh em cũng là "Đại Đội Ca Hát" nổi tiếng mà. Chúng tôi hát đủ thứ bài hát, nhưng bài được hoan nghênh nhất là bài Trăng Trên Lâu Đài Hoang Tàn. Đó là một tác phẩm hay thực sự. Dù cho chúng tôi tới đâu hoặc thính giả chất phác đến thế nào, bài ca ấy vẫn làm người ta say sưa, ngây ngất.
Bị tiếng hát quyến rũ, một đám dân làng đông đảo tụ tập lại lắng nghe. Người Miến Điện thích hội hè đình đám. Vào dịp thường nhất họ cũng kết xe hoa rồi ca hát và nhảy múa. Từ khi chúng tôi vào ngôi làng trong núi, dân chúng sống trong không khí vui vẻ, nhộn nhịp, tươi cười trong lúc họ ganh đua nhau sáng tạo nhiều cách để làm cho anh em chúng tôi vui thích. Chúng tôi muốn dùng tiếng hát để cảm ơn họ.
Dân làng chăm chú lắng nghe như thể đang dự lễ. Những người già cả ngồi ở lối cổng vào.
Trẻ con tựa thành cửa sổ, cằm gối lên hai tay, ngó vào trong. Dưới tàn một cây dừa, tại chỗ đất trống trước nhà, những người đàn bà ngồi xổm, vai đìu con thơ. Tất cả đều im lặng; những cánh tay khẳng khiu, những bắp chân gầy teo khoanh lại theo lối ngồi đặc biệt Miến Điện.
Cái mà họ thích nhất ấy là cây thụ cầm của trung sĩ Mizushima. Anh ngồi trên một cái ghế, đặt chiếc đàn giữa hai đầu gối, rồi gẩy có vẻ say sưa hơn bao giờ hết. Trên thân cây đàn có mấy bông lan khoa và mấy chiếc lông chim màu đỏ làm vật trang điểm; khi anh dùng cả hai bàn tay bật thật mạnh những sợi dây thì những bông hoa và mấy chiếc lồng chim ấy run rẩy như khiêu vũ.
Bất thình lình, từ giữa đám người đang đứng lắng nghe, một thiếu nữ bước ra nhẹ nhàng như đi trong không khí. Nàng khoảng chừng mười hai tuổi, mặc một chiếc váy bó chặt lấy người và một cái áo chẽn ôm lấy sát mình, chỗ thắt lưng đeo những đồ trang sức uốn cong trông tựa cánh chim. Tay chân nàng mềm mại, bóng lên óng ánh. Tóc vấn lại thành một cuộn, càng lên cao càng nhỏ dần, trông như thể đang đội một ngôi chùa nho nhỏ trên đầu.
Thiếu nữ đứng giữa gian phòng, đưa mắt nhìn đám khán giả xung quanh, rồi quyết định thế đứng của điệu vũ. Nàng ngả đầu sang một bên, duỗi thẳng tay trái về phía trước, các ngón tay thẳng tắp, rồi vừa đặt tay phải lên ngực, lòng bàn tay quay ra ngoài, vừa chặp ngón tay cái và ngón tay trỏ lại thành một vòng tròn. Đoạn, sẵn sàng vươn người ra biểu diễn bất cứ lúc nào, nàng đưa đôi mắt to đen lay láy nhìn người nhạc công một cách van lơn, mời mọc.
Mizushima bắt đầu đánh đàn. Điệu nhạc là một bài hát học trò ngày xưa mà anh đã soạn ra như một hành khúc.
Thiếu nữ bắt đầu múa. Nàng từ từ quay đầu hết bên này đến bên kia, bắt chéo chân rồi lại duỗi ra, cổ tay và tất cả các khớp xương tạo thành một loạt những góc vuông.
Đôi cánh tay và hai cẳng chân mảnh mai của nàng cử động, uốn éo một cách thẫn thờ. Bàn tay vẫy phía này rồi phía kia. Nàng lấy bàn chân từ từ vẽ những vòng tròn. Thật là một điệu vũ duyên dáng, lạ mắt, khó quên.
Những thanh niên làng kêu to tán thưởng, lấy hoa ném về phía nàng. Nhiều lần họ yêu cầu nàng múa lại. Cuối cùng khi điệu vũ chấm dứt, Muzushima đi tới một góc nhà, rồi vừa ngồi xuống vừa ôm chặt hai đầu gối trong lúc tiếng dân làng hoan hô vẫn tiếp tục vang lên.
"Thế nào truyện ấy thì sao hở Mizushima?" chúng tôi hỏi anh. " "Liệu cậu có muốn ở lại Miến Điện và chơi thụ cầm cho đến hết đời không?"
Mizushima vẫn là người ít nói, và lần này cũng thế anh chỉ mỉm cười, không hé một lời. Thế rồi anh nhìn thẳng về phía trước như thế đắm đuối suy nghĩ.
"Kể ra thì tớ thích xứ Miến Điện" anh nói. Hình như anh bị miền nhiệt đới quyến rũ dữ lắm - ánh nắng tươi sáng, màu sắc sinh động, hình thức sinh hoạt đổi thay, phong tục tập quán lạ kỳ. Anh lấy làm tự hào là khi mặc chiếc sà - rông anh không bị phân biệt với người Miến Điện. Và tuy là một người đã thận trọng thi hành nhiệm vụ, song một cuộc sống tự nhiên, cởi mở, phóng túng hình như cũng lôi cuốn anh đáo để. Bất kỳ khi nào chúng tôi đi qua một nhạc sĩ lang thang người Miến Điện, Mizushima cũng thường nhìn người ấy với vẻ hầu như ganh tị.
Khi đi tiền sát, anh thường hóa trang như một nhạc sĩ lang thang. Câu chúng tôi nói đùa về chuyện anh ở lại Miến Điện cho đến hết đời có thể đã làm anh xúc động thấm thía.
Lại đến lượt chúng tôi phải hát - Trăng mùa Thu, Những Bông Hồng Dại là những bài ca dễ thương chúng tôi đã biết từ thuở còn nhỏ tuổi. Khi hát chúng tôi quên mọi ưu phiền. Tất cả anh em đều có kỷ niệm quyện chặt với những bài ca này. Những người thân hiện ra trong tâm trí chúng tôi. "À, bây giờ mình nhớ ra rồi. Mẹ ở đó và các em trai... Mình nhớ khuôn mặt chúng nó như thế nào, chúng nó đang nói gì..." Đó là những ý nghĩ thầm kín: lúc chúng tôi hát trong những hoàn cảnh chưa bao giờ chúng tôi tưởng tượng đến - Bị săn đuổi, tính mạng bị đe dọa, chót vót trên dãy núi tại một miền đất xa lạ.
Chúng tôi cứ hát, hát mãi; ai nấy dốc hết cảm xúc từng bị dồn ép vào bài ca.
***