Số lần đọc/download: 3304 / 22
Cập nhật: 2015-10-23 04:58:42 +0700
Hồi 3: Thử Đạo Tám, Đã Ra Đập "Nghênh Rồng " Giãi Phàm Thế Nhập Vào Bụng Hiếu Nữ Để Đầu Thai
T
hần long muốn vượt qua cửa đập, điều thiết yếu là phải tuân thủ lời dặn dò của Hỏa Long chân nhân trước đây, tu luyện sao cho có thể biến hóa pháp thân cực nhỏ. Vượt qua được cửa đập mới kể như tu đạo thành công. Không vượt qua nổi, chẳng những toàn thể công lực đều vất đi hết, mà còn mất mạng dưới đao nhọn. Đó quả thực là chỗ vô cùng nguy hiểm. Có người nói Hỏa Long chân nhân đặt ra đập nước này là để thử thách lòng tu đạo của sinh vật, chung qui chỉ là khuyến khích chúng cố gắng phấn đấu, kiên trì luyện tập. Thật ra, đập nước này đối với các sinh vật chân thành tu đạo, chưa từng hại tới sinh mạng của chúng bao giờ. Trái lại những loài tà ma dưới đáy sông, luyện thành tà thuật, nghĩ chuyện lên bờ hại người, ắt phải qua cửa đập nước này. Cửa đập một khi đóng lại, tính mạng chừng khó nỗi bảo toàn. Người ta đồn rằng từ sau khi có đập nước này, vô số ác ma đã bị trừ khử. Về sau, các yêu vật đó biết được đập nước có đao nhọn lợi hại, mà không đi qua đập nước này cũng chẳng tài nào lên thoát mặt nước, nên chúng đành từ bỏ tà niệm, để tu theo chính đạo. Đó chính là công của Hỏa Long chân nhân khi thiết lập đập nước.
Thần long quả nhiên đạo hạnh viên mãn, chỉ thử một lần đã vượt qua được đập nước, chẳng chút thương tích nào. Thật tình, chân nhân đâu nỡ nhẫn tâm đẩy nó vào chờ chết? Vì thế, lại có lời tương truyền rằng: đập nước này chẳng phải khí cụ đồ long (giết rồng), mà thật tình là nấc thang nghênh đón rồng bay lên trời. Vậy nên, người ta thường gọi đập nước này là đập "Nghênh Rồng". Đập đó nằm ở trong Thất lý lung. Sau này, người ta ngoa truyền, nói rằng nó nằm ở nơi giang khẩu (chỗ sông đổ ra biển) sông Tiền Đường. Sự thật thế nào, ngày nay cũng chẳng biết đâu mà khảo chứng.
Bấy giờ, Hỏa Long chân nhân đứng ở trên mây nhìn xuống, thấy thần long đã vượt qua cửa đập, lòng rất vui mừng, liền đưa tay vẫy gọi. Thần long vội nhảy vọt lên, chân nhân mới dặn bảo:
- Ngươi đã khổ công tu luyện mấy trăm năm, công hạnh mười phần đã được tám, chín. Nay là lúc ngươi nên chuyển đổi sang thân xác người mới có thể lên trời nhận sắc phong, đứng vào hàng tiên ban.
Thần long tự động ngửng đầu lên, chân nhân đưa hai tay vịn chắc đầu rồng, nhắm chỗ cổ nó ấn mạnh, tìm ra được long châu, giữ trong tay. Lại phất tay áo một cái, đẩy cái xác cục mịch của nó xuống chỗ phục long đàm sâu thẳm nhất. Lại niệm chú dời non, đưa một trái núi lớn tới, đè xuống xác rồng, nát thành bùn. Từ đó về sau, chỗ "Phục long đàm" sâu muôn trượng mọc lên một trái núi cao. Những tảng đá nhỏ trên núi bay lả tả, rơi xuống lòng sông. Một dải đất quanh núi xuất hiện vô số thác ghềnh, là chỗ mà ngày nay người ta gọi là "Thất lý lung". Chuyện xảy ra từ đời xa xưa, người ta truyền miệng kể lại, không nhất thiết giống nhau.
Nhắc lại chuyện trước, xác rồng bị đè nén rồi, thần hồn của rồng còn há miệng rộng toác hoác, hướng về phía bàn tay chân nhân nắm long châu mà ngó đăm đăm, quấn quít bên mình chân nhân. Mắt thấy xác rồng bị núi đè nén rồi, chân nhân đột nhiên vỗ tay, cất tiếng cười vang. Cúi nhìn xuống, thấy hồn rồng vẫn quay đầu về phía đầm sâu, chân nhân lập tức đưa tay ra, đập lên đỉnh đầu rồng một phát, hét lên:
Ngươi còn chưa từ bỏ được cái xác thối tha, xấu xí đó hay sao?
Hồn rồng nghe vậy, vội lùi lại, lẽo đẽo đi theo chân nhân, mờ mờ ẩn ẩn du hành được hơn ba trăm dặm. Lúc đó, trời vừa rạng sáng, trong thôn làng nhiều người đã dậy sớm. Chân nhân hạ thấp đám mây xuống. chỉ tay về phía bờ sông, đang có một cô gái giặt quần áo, cất tiếng bảo rồng:
- Nghiệt súc, ngươi có thấy cô nương bên bờ sông kia hay không? Cô gái đó tuổi vừa cài trâm 1, chính là một thiếu nữ. Hôm nay, ta sẽ đưa ngươi vào trong bụng cô gái, khiến cô cảm thụ mà hoài thai, chẳng khác nào trường hợp Ngọc Nữ hoài thai mà sinh ra tổ sư 2
Như vậy, một là ngươi không bị ô uế pháp thân, hai là tỏ rõ ngươi sinh ra đời không giống với mọi người. Chừng nào cơ duyên đưa đến, ta lại tới, độ cho ngươi sinh ra yên ổn.
Nói rồi, chân nhân đưa cao long châu, hướng về phía cô gái ném xuống. Tức thì, giữa không trung mây mù giăng giăng, một trận kim quang bay thẳng vào miệng cô gái. Cô gái kinh hãi quá chừng, kêu lên một tiếng "ôi chao", ngã ngất ở bờ sông. Chân nhân bước lại gần bên cô, ghé tai dặn bảo:
- Hồ Tú Xuân nghe đây. Niệm tình cô thuần hiếu, ta đưa thần long tới làm con gái cô, cô hãy khéo dưỡng dục nó, trong tương lai sẽ được tốt lành.
Trong cơn hôn mê, Tú Xuân nghe lời dặn dò, gật đầu mà tỉnh. Tỉnh lại, cô thấy mặt trời chiếu trước mặt, nhiều người trong thôn tụ tập bên sông, bàn luận lăng xăng về chuyện khi không sấm nổ giữa trời. Thấy Tú Xuân cô nương ngồi ngơ ngác, tay nắm lấy vạt áo, họ xúm lại, hỏi cô:
- Cô có nghe thấy tiếng sấm hay không?
Tú Xuân còn đang hoang mang, nghe hỏi tíu tít, nhất thời không thể trả lời. Mọi người thấy cô thần sắc kỳ dị, đều nói:
- Không xong rồi! Nhất định là sét đánh đã khiến cô mê lú! Mau mau đưa cô về nhà đi!
Vài người phụ nữ xúm vào, người dìu kẻ đỡ, cùng đưa Tú Xuân về nhà. Cha cô là Hồ Lão Nhi, mẹ cô là Thẩm thị, đang vì chuyện Tú Xuân đi giặt áo đã lâu, chưa thấy về, lại nghe có tiếng sấm nổ nữa, nên rất sợ con gái có chuyện, đang bàn tính việc ra bờ sông tìm kiếm. Nay thấy mọi người đưa cô về, ông bà vừa mừng vừa lo. Tú Xuân về tới nhà, thần trí đã ổn định lại. Lại vì sợ cha mẹ lo lắng, cô làm ra vẻ không gặp phải chuyện gì, quay nhìn lại mọi người. ngỏ lời cảm tạ. Lại nói với cha mẹ:
- Vừa rồi, một tiếng sấm vang lên, con nghe như có muôn ngàn tia kim quang chui vào trong bụng. khiến con hôn mê, ngã ra! Cũng may có mấy chị em đưa con về nhà. Con đã ổn định tinh thần, cha mẹ bất tất phải quá lo lắng.
Vợ chồng Hồ lão nghe con nói chẳng khác bình thời, cảm thấy như được cất đi một khối đá trong lòng, vội mời mọi người vào nhà trong, pha trà thết đãi. Mọi người bàn bạc lăng xăng một hồi, ai cũng nói khi không sấm nổ ngang trời, ắt có điềm lạ gì đây. Rồi tự giải tán, ra về.
Tú Xuân không dám đem những lời người tiên dặn dò bẩm báo với cha mẹ. Nhưng từ hôm đó trở đi, cô thỉnh thoảng cảm thấy dường như trong bụng có cái gì động đậy. Lòng cô hoảng hốt, liệu rằng lời tiên đã dạy ắt không sai lầm. Cha mẹ ta đang nóng lòng trông một đứa con trai, nhân dịp này ta sẽ thề không lấy ai, ở vậy suốt đời để an ủi cha mẹ. Con gái là con nhà người, làm sao tiếp nối dòng hương hỏa? Hết kiếp sống này, huyết mạch cha mẹ ta đành chấm dứt. Xét cho cùng, đó vẫn chưa phải chính lý. Nay căn cứ theo lời người tiên, dường như ta không chồng mà vẫn mang thai. chẳng là tốt đẹp lắm sao? Tuy đứa bé sinh ra là con gái, nhưng nó lớn lên, ta cũng có thể kén được rể hiền, cũng có thể nói là tiếp nối được huyết mạch của tổ tiên. Há chẳng phải là điều lưỡng toàn hay sao? Chỉ có điều rằng người khác không biết suy xét ta lại không thể thổ lộ thực tình, sau khi ta sinh con, hàng xóm láng giềng tha hồ nghị luận lăng xăng. Lúc đó, ta có trăm miệng cũng không thể biện bạch, há chẳng thẹn chết hay sao?
Mỗi ngày cô cứ lo nghĩ như thế, rầu rĩ không an.
Qua năm sáu tháng, bụng cô ngày một lớn. Tú Xuân bồn chồn, không biết đường nào mà đi. Sớm chiều lo nghĩ thành bệnh, ăn uống không vô mặt vàng võ thân gầy tóp đi, tứ chi bải hoải.
Chứng bệnh đó so với mấy bà mang bầu cũng chẳng sai nhau bao nhiêu. Vợ chồng Hồ lão dường như có nhận biết, nhưng thấy Tú Xuân suất ngày ở trong nhà làm việc nội trợ, mỗi đêm đi ngủ chung giường với mẹ, làm gì có thời giờ mà làm chuyện tư tình ám muội? Vì thế, ông bà chỉ nghi cô mắc chứng phình bụng. Thẩm thị thường tìm cách hỏi riêng con gái, nhưng Tú Xuân chỉ nói là sau hôm nghe sét đánh cô có mắc bệnh xoàng, trước sau vẫn không dám khai ra lời tiên dạy. Tới chừng đủ mười tháng, bụng cô đã lớn tướng, ai cũng đoán chắc cô đã có tin mừng. Tú Xuân nghe phong thanh, thẹn thùng chẳng dám đặt chân ra khỏi cửa.
Ngày khai hoa nở nhụy đã gần kề. Tú Xuân biết không thể dấu nổi nữa, đã đem lời tiên dặn dò bẩm báo với Thẩm thị, nhưng cũng chỉ nói mí mí. Thẩm thị nghe con nói, nửa mừng nửa lo, vội nói lại cho Hồ lão hay. Hồ lão là người đọc sách, biết chuyện Ngọc Nữ hoài thai Lão Quân, mới gật gù, nói:
- Việc lạ trong thiên hạ xưa nay cũng nhiều. Nếu quả như lời Tú Nhi nói, đa phần là đứa bé sắp sinh là người có căn cơ rất lớn. Vả lại lúc Ngọc Nữ lâm bồn, Lão Quân tổ sư đã từ bên sườn mẹ mà chui ra. Nếu con gái chúng ta cũng ở trường hợp như thế, biết tìm đâu ra bà đỡ đặc biệt để giúp đỡ nó?
Thẩm thị mừng rỡ, nói:
- Quả thật là người tiên giáng thai rồi. Nhất định sẽ được người tiên chiếu cố, sợ gì mà sợ? Nhưng con gái chúng ta tuổi còn trẻ tính cả thẹn, mà không chồng mà chửa là chuyện hiếm có trên đời ông nói cứ như thể hoa trên trời rơi xuống, ai chịu tin chúng ta chứ? Mai này, Tú Xuân không còn mặt mũi nào mà nhìn người khác đâu.
- Quả là chuyện nan giải. Hiện tại chỉ còn cách vợ chồng ta cứ đem nguyên nhân nói rõ cho mọi người cùng biết, người ta có đàm tiếu cũng chịu thôi. Không ai tìm ra chứng cứ gì, cũng không thể làm bại hoại danh tiếng Tú Nhi.
Thẩm thị nhận là phải. Vì thế, trước mặt mọi người, cặp vợ chồng già cứ đem tình thật ra nói. Chỉ vài ngày, chuyện đồn um lên, cả xóm đều biết. Có người tin có người không tin. Xét cho cùng, chuyện chẳng can dự gì tới mình, ai hơi đâu mà điều tra cho biết thật hay giả? Cuối cùng, những người nghi ngờ Tú Xuân, vì không tìm ra danh tính gian phu, đành không dám phê bình bậy bạ. Bất quá mọi người chỉ hoài nghi trong dạ thôi.
Hôm đó tới lúc Tú Xuân lâm bồn. Như các sản phụ bình thường, cô cũng đau, xé gan xé ruột. Thông thường, các bà cảm thấy có vật gì từ trên rơi xuống, Tú Xuân lại cảm thấy đau từ dưới đau lên. Vợ chồng Hồ lão mời được một bà già trong thôn, có kinh nghiệm đỡ đẻ lâu năm, về lo cho Tú Xuân. Hỏi bà đỡ lý do tại sao, bà ta cũng không biết đường nào trả lời, chỉ nói:
- Tiểu thư được tiên thai, hoặc giả có điều khác thường, so với mọi người. cũng chưa biết được.
Hồ lão cũng có chút hiểu biết, nghĩ rằng bà đỡ này, ngay cả lý do sinh nở kỳ lạ cũng không biết, rõ ràng không thể đỡ đẻ được rồi. Vạn nhất rơi vào trường hợp từ mạng sườn sinh ra, ta thử tìm tòi vùng quanh đó, có thấy lỗ hổng lớn nào đâu? Đem chuyện đó nói lại với Thẩm thị, Thẩm thị cũng phát hoảng.
Trong khi đó, Tú Xuân đau đớn đã tới lúc khẩn thiết. Từ sáng sớm tới giữa trưa, cô cảm thấy thai nhi đã vượt qua khỏi bụng. Cô cắn chặt hàm răng chịu đựng, rồi bỗng trợn trừng hai mắt, mê man bất tỉnh. Vợ chồng Hồ lão quính lên, chỉ biết cầu trời khấn Phật, và thiết lập một bàn thờ ông Thiên giữa sân, thành khẩn cầu xin ông tiên đã đưa tiên thai tới cho con gái mình, hãy mau mau cứu mạng! Đang lúc náo loạn như thế, chợt nghe ngoài cửa có người lắc trước bản leng keng, miệng rao to tiếng:
- Chuyên đỡ đẻ khó đây! Chuyên tiếp nhận quái thai đây!
Hồ lão nghe vậy mừng quá, nói:
- Đang lo là con gái ta sinh quái thai, lại được người này tự xưng là chuyên tiếp nhận quái thai, quả là may mắn lạ kỳ! Có lẽ là con gái ta hiếu thuận, lòng thành đã thấu tới trời, nên trời mới sai người tiên xuống cứu nó đây!
Thẩm thị cũng mừng, vội ra cửa ngó xem. Thì ra là một đạo cô đã lớn tuổi, què quặt lại đen nhẻm, vừa khua leng keng, vừa rao lớn tiếng, đã đi xa được chừng mười bước. Thẩm thị vội vã đuổi theo, năn nỉ tiên cô cứu mạng:
- Xin tiên cô mau cứu mạng con gái tôi!
Đạo cô hỏi:
- Là đẻ bình thường, hay sinh quái thai? Nếu là sinh đẻ bình thường, sao không để nó tự nhiên từ bên dưới chui ra? Ta không can thiệp vào những chuyện này đâu. Nếu quả thật là quái thai, ta mới giúp cho một tay.
Thẩm thị vội nói:
- Đúng là quái thai! Đúng là quái thai! Là quái thai cực kỳ kỳ lạ? Sư phụ mau mau vào đây. Để chậm trễ, không cứu nổi nữa đâu!
Đạo cô cười:
- Sinh trai đẻ gái, thì cũng như trái cây tới lúc chín phải rụng, việc gì mà quýnh lên thế? Thôi thôi, bần đạo hôm nay từ xa tới, cũng chẳng có ý đỡ đẻ gì cả, tình cờ qua nhà ông bà lại gặp được quái thai này, cũng kể là có duyên với nhau, để ta theo bà vào xem thử.
Nói rồi chống nạng, khập khiễng quay trở lại. Thẩm thị sợ bà kia đi không nổi, có ý tới nâng đỡ, nào ngờ đạo cô tuy đi từ từ, Thẩm thị theo không kịp. Bà ta đi trước mấy bước, tới trước cửa nhà Thẩm thị, chẳng cần chỉ dẫn, đi thẳng vào nhà. Thẩm thị đuổi kịp, mới biết đạo cô là một dị nhân.
Thẩm thị dẫn đạo cô vào phòng. Vừa tới cửa đã nghe tiếng Tú Xuân từ bên trong kêu to: – Đau chết đi được!
Thẩm thị nghe kêu, hồn vía lên mây, không ngó tới đạo cô, lật đật tiến vào phòng, chạy tới chỗ Tú Xuân xem thử. Chỉ thấy cô hai mắt trợn ngược, chân tay buông thõng, nằm như cái xác không hồn. Thẩm thị không thể tự chủ, cất tiếng gào khóc:
- Tú Xuân con ơi! Con nỡ lòng nào bỏ cha bỏ mẹ mà đi? Hu hu, con hỡi là con! Sao con chết khổ thế này?
Bên ngoài, Hồ lão cùng một số bà con thân thích, bạn bè lối xóm ùn ùn kéo vào, bỏ mặc đạo cô, không thèm ngó ngàng tới. Hồ lão đang lúc thương tâm, chợt ngừng lên thấy đạo cô đang đứng trước thi hài Tú Xuân mà cười nhạt. Hồ lão nổi giận, nói:
- Đạo cô này chẳng chút lương tâm. Nhà người ta có người chết, đang lúc thương tâm, ngươi còn ở đó mà cười vui? Còn chút nhân tính nào không đây?
Đạo cô cất tiếng cười to hơn, nói:
- Nhà mấy người mời ta tới, không thèm hỏi han ta một tiếng, để mặc ta đứng lẻ loi, không chút đoái hoài, để bu quanh một người, tường đâu đã chết, mà khóc bù lu bù loa. Những cử động như thế, chẳng tức cười sao?
Hồ lão chưa kịp trả lời, Thẩm thị đã chợt tỉnh ngộ, không ngó tới Tú Xuân nữa, mà nhảy xuống giường, gạt mọi người ra, chạy tới trước mặt đạo cô, quì xuống lạy, cất tiếng nài nỉ. Hồ lão không hiểu ất giáp ra sao, thấy vợ làm vậy cũng vội làm theo. Đạo cô cười nói:
- Đứng dậy đi đứng dậy đi! Bất tất phải đa lễ. Bần đạo đã tới đây, phải nói rõ cho mọi người biết. Tiểu thư với ta đã có duyên từ trước. Nay mạng sống của cô nằm trong tay ta, lẽ nào ta rũ tay áo đang nhìn, không cứu?
Lập tức bảo lấy một chén nước lạnh, hường về phía thi hài Tú Xuân phun ra một ngụi nước, rồi cất tiếng hét lên:
– Con rồng ngang ngạnh kia, sao chưa chịu ra đời, còn đợi chừng nào?
Nói chưa dứt lời, Tú Xuân đã mấp máy hai mắt, há miệng ra,cử động tay chân. Vợ chồng Hồ lão vui mừng nói:
- Con gái chúng ta được cứu rồi!
Mọi người đều xưng tụng là chuyện kỳ lạ.
Tú Xuân ngồi bật dậy, "ọe!" lên một tiếng, nôn ra một trái cầu bằng thịt, nhảy tưng tưng trên mặt đất, phát ra thành tiếng, như thể quả cầu bằng kim loại. Lúc đầu, nó chỉ nhỏ bằng một viên đạn. Đạo cô lại phun một ngụm nước, trái cầu thịt phình to gấp mười lần. Mọi người đang bàn tán, cho là chuyện kỳ lạ, chợt nghe một tiếng nổ vang, như trời long đất lở, trái cầu thịt vỡ làm đôi. Từ bên trong nhảy ra một cô bé, môi đỏ răng trắng mặt mày xinh tươi. Miệng cô bé lại ngậm một hạt châu nhỏ xíu, chỉ lớn bằng hạt cải phát ra ánh sắc năm màu, lấp lánh. Đạo cô vội tiến lại trước mặt cô bé, nhặt lấy hạt châu, bỏ vào miệng mình, nuốt đi. Vợ chồng Hồ lão cùng mọi người đều đứng ngây người ra nhìn.
Đang lúc lộn xộn, bất kỳ sản phụ nằm trên giường cất tiếng kêu đói, đòi ăn. Thẩm thị lúc đó quá vui sướng, hầu như quên cả Tú Xuân, nghe con đòi ăn, vội vã tiến lại, hỏi:
- Con cảm thấy thế nào?
Tú Xuân lắc đầu, nói:
- Con chẳng thấy gì khác lạ, chỉ thấy đói bụng. Mẹ ơi, mau đem cơm tới cho con ăn đi.
Thẩm thị vội nói:
- Đàn bà mới đẻ thường yếu ớt, sao có thể cho ăn nhiều được?
Tú Xuân chưa kịp đáp, đã nghe đạo cô nói:
- Không sao đâu! Không sao đâu! Ruột rỗng thì phải đói, cứ cho ăn thật no. Chẳng những là tiểu thư, ngay cả bần đạo cũng thèm rượu thịt đây.
Nghe đạo cô nói vậy, Thẩm thị yên tâm, một mặt sai người đi nấu cơm, mặt khác nhặt lấy hai mảnh vỡ của trái cầu thịt. Đạo cô vội ngăn cản, nói:
- Đừng đựng tới thứ đó. Để bần đạo chỉ cho một chỗ mà cất giữ.
Nói rồi, quay nhìn lại, thấy bên cạnh giường có đặt một thùng gạo bằng gỗ, mới bảo đem trút hết gạo ra. Sau đó, đạo cô nhặt hai mảnh quả thịt cầu, ghép lại làm một. Vừa buông tay ra hai mảnh quả cầu đã khít lại, biến thành một quả cầu. Chỗ ghép liền dấu, chẳng có vết tích gì. Lại nhả từ trong miệng ra một cây kim, dài chừng ba tấc, dùng kim đâm vào quả cầu bảy chỗ, để lại bảy lỗ hổng. Sau đó, mới đem quả cầu bỏ vào trong thùng, nói:
- Trong tương lai, vật này có chỗ đắc dụng. Muốn có bất cứ đồ vật gì chỉ cần nhờ đứa bé thò tay vào lấy, là có ngay tức thời. Nên giữ gìn cẩn thận nhé.
Lúc đó, Thẩm thị đã quấn xong tã lót cho đứa bé, đặt nó lên giường, nằm bên cạnh Tú Xuân.
Sau đó, mọi người kéo nhau ra nhà ngoài ngồi chơi. Hồ lão mới hỏi đạo cô:
- Đạo cô bảo am ở đâu? Pháp danh là gì?
Đạo cô cười đáp:
- Người xuất gia xưng tên gì mà chẳng được? Cần gì phải có pháp danh chứ? Thí chủ thích gọi ta ra sao, ta đều nhận cả. Còn về chỗ ở, ta cũng không có chỗ ở nhất định. Bốn phương đâu cũng là nhà.
Hồ lão thấy bà ta nói năng có huyền lý, bất giác sinh lòng kính phục, mới hỏi:
- Tiểu nữ không chồng mà chửa. lại nhả thai nhi ra đằng miệng, và sinh ra trứng, chẳng biết lành dữ thế nào? Xin chỉ bảo cho biết.
Đạo cô cười lớn tiếng, nói:
- Ta chẳng phải người tiên, làm sao biết được đạo lý đó? Nhưng thiết nghĩ thí chủ giữ lòng trung hậu tiểu thư lại là gái thuần hiếu, ông Trời vốn có lòng từ bi, không thể đem điều bại hoại đến cho gia đình ta, đến nỗi khuynh gia bại sản, tổn hại gia phong đâu.
Hồ lão ngỏ lời cảm tạ.
Không bao lâu, Thẩm thị đã nhờ được người giúp đỡ, đem lên một bàn tiệc chay, mời đạo cô ăn uống tự nhiên. Đạo cô không khách sáo, rượu rót ra chén uống cạn ngay, thức ăn gắp mời, không chê. ăn uống một hồi sạch bách. Rồi ngỏ lời cảm tạ, ra cửa đi mau. Vợ chồng Hồ lão vội ra theo để đưa tiễn, nhưng vừa tới cửa, đã không thấy tung tích đạo cô đâu nữa.
Thẩm thị đổ lỗi cho chồng:
- Đạo cô này nhất định là người tiên. Sao ông không giữ bà ngồi lại một hồi, để tôi hỏi thăm vài câu?
Hồ lão cười đáp:
- Người tiên sao có thể ở lâu trong nhà ta? Bà thấy đó, bà ta vừa ra khỏi cửa, trong nháy mắt đã biến mất, đủ thấy bà ta vội vã đi ngay giữ lại cũng vô ích. Thiết nghĩ đứa bé mới sinh trong nhà ta, tuy là gái nhưng có phúc phận rất lớn, hơn hẳn con trai nhà khác. Vì thế mới có lai lịch kỳ lạ này, lại được người tiên tới đỡ đẻ cho. Vợ chồng ta chỉ nên nghe lời người tiên dặn bảo, khéo nuôi dưỡng dứa nhỏ, sau này sẽ được hưởng phúc vô cùng, hà tất phải quyến luyến với người tiên?
Thẩm thị nhận là phải, không nhắc tới nữa.
Vợ chồng già cùng Tú Xuân cưng đứa bé như ngọc báu trên tay. Đứa bé cũng có điều kỳ lạ: sinh ra một tháng đã biết nói. Hồ lão đặt tên cho là Phi Long, đích thân dạy nó học chữ. Chưa đầy mười tuổi, nó đã đọc sách làu làu. Hồ lão vì tuổi già sức yếu, mới đưa nó tới một ông thầy tư thục trong thôn, nhờ thầy chỉ dẫn thêm. Học chung trương có bảy, tám đứa nhỏ, nam có nữ có, đều chừng trên dưới bảy, tám tuổi, chẳng những thiên tư thông tuệ không bằng Phi Long, mà nhân phẩm tính tình cũng thua kém, nên chúng thường mang dạ ganh ghét, thường toa rập nhau, tìm cách công kích khinh miệt cô bé. Phi Long giữ chắc lời mẹ dạy bảo, chỉ lấy việc học làm trọng, không đua hơi với chúng, việc gì cũng nhẫn nhịn cả. Vì thế, trong vòng vài năm, đôi bên tương an, không có chuyện gì xảy ra.
Một hôm, Phi Long học xong bài, ngồi yên trước bàn học, đợi thầy cho về. Bỗng có một bạn đồng học, vì không làm được bài đã nhờ phi Long gà cho vài câu. Phi Long sợ thầy biết được, không dám đáp ứng. Cậu học trò kia chê Phi Long nhát gan, trước còn chửi ngay bản thân cô. Sau thấy Phi Long không thèm trả lời, cậu
ta nói động tới mẹ cô là Tú Xuân, những gì Phi Long có mẹ không cha, mẹ cô không chồng mà chửa, cô rõ ràng là đứa con tư sinh, làm sao xứng đáng ngồi chung lớp với các bạn khác? Phi Long là người hiếu thuận, biết lễ giáo, thấy vì chuyện riêng mình mà để liên lụy tới mẫu thân phải mang nhục, làm sao chịu nổi? Ngay lúc thương thể đáp trả, cô đợi tan học mới khóc và thưa với thầy, nói cô không thể thụ nghiệp được nữa. Tiên sinh kinh ngạc hỏi tại sao, Phi Long nhất định giữ kín, không chịu nói. Về tới nhà, cô giấu luôn ông bà ngoại và mẹ, chỉ khóc thầm một mình. Vợ chồng Hồ lão nghi ngờ gạn hỏi:
Cháu ơi, có phải kẻ nào ăn hiếp cháu không? Mau nói cho ngoại biết, để ngoại la nó một trận!
Phi Long lắc đầu, nói:
- Ông bà ngoại chẳng cần đa nghi. Đây là chuyện riêng của cháu, dẫu chết cháu cũng không nói ra đâu. Nhưng từ nay về sau, cháu cạch cái trường học đó, nhất định không tới đó nữa đâu!
Hồ lão thấy hỏi không ra đầu mối, càng thêm kinh ngạc. Khéo sao ông thầy cũng vừa tới nhà, hỏi chung một vấn đề. Chẳng ai hiểu ra sao, cứ như ở trong đám mây mù.
Phi Long đã quyết ý nghĩ học thì thôi đi, chẳng ai nhắc tới cô nữa. Nào ngờ mấy tháng sau, chuyện lại tùm lum, cũng bởi anh học trò hủy báng Phi Long gây ra.
Thấy Phi Long không tới trường, cậu ta càng tin những điều bịa đặt của mình là sự thật, lại tiếp tục bịa thêm nhiều chuyện động trời. Cậu nói chắc Tú Xuân có ngoại tình, còn bịa thêm những danh tính Trương Tam, Lý Tứ nào đó, đoan chắc đó là những gian phu, từng qua lại với Tú Xuân, và Phi Long là con tư sinh của một trong hai người đó. Vì sự tình đã tiết lậu, mẹ con cô không mặt mũi nào mà nhìn người khác, nên mẹ cô bắt cô bỏ học, không cho tới trường nữa.
Những lời đồn đại nhảm nhí đó tự nhiên cũng có nhiều người tin là thật. Một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng bao lâu, câu chuyện đó đến tai vợ chồng Hồ lão. Thẩm thị nhân lúc có hai mẹ con với nhau, đem chuyện kể lại cho Tú Xuân nghe. Tú Xuân lặng lẽ chảy hai hàng nước mắt, không nói một câu.
Chú thích
1 Cài trâm: con gái chừng 15 tuổi bắt đầu cài năm (không để tóc xỏa như con nít nửa).
2 Lão Tử (tôn xưng Lão Quân tổ sư) là tổ sư Đao giáo, nên các tín đồ bịa đặt cho ra vẻ ngài là người khác phàm, nói rằng ngài từ bên nách của mẹ ngài là bà Ngọc Nữ, mà chui ra. Truyền thuyết ấy không mấy ai tin, nên cũng ít được nhắc tới.