Số lần đọc/download: 2575 / 60
Cập nhật: 2016-02-08 22:13:13 +0700
Gặp gỡ
V
ua Lý Túc Tông lên ngôi lúc thái bình, thịnh vượng như thời vua Nghiêu, vua Thuấn. Khắp nơi vang lên tiếng trống vàng, tiếng sáo ngọc. Y phục và đồ vật dồi dào chẳng kém thời Thang, Vũ. Nhà vua có bên cạnh những bề tôi trụ cột, những tướng bảo vệ tin cậy. Hồng phúc của vua toả khắp mọi nơi. Triều chính trong nước vững vàng. Các dòng họ nối tiếp nhau không dứt. Nhà nào cũng có trai hiền, gái tốt. ở đâu cũng nghe người dân hát bài ca mừng gió thuận, mưa hoà và cuộc sống no ấm.
Bấy giờ, ở huyện Namwon, tỉnh Jeolla có một kỹ nữ tên là Nguyệt Mai. Nguyệt Mai rất nổi tiếng ở ba tỉnh phía nam nhưng đã bỏ nghề được một thời gian. Nàng lấy một nhà quý tộc họ Thành. Ngoài 40 tuổi rồi mà nàng vẫn chưa có con, nên mắc bệnh sầu não.
Một hôm, sau khi suy nghĩ về cách có con của người xưa, Nguyệt Mai mời chồng vào phòng nói:
- Xin lang quân nghe thiếp nói. Chúng ta chắc có duyên từ kiếp trước nên đời nay thành vợ, thành chồng. Thiếp đã bỏ nghề kỹ nữ, coi trọng lễ nghi, cố gắng trong việc nội trợ. Vậy tại sao chúng ta chưa có được một đứa con? Hay là thiếp có tội gì? Sau này ai là người cúng tổ tiên và chôn cất chúng ta? Theo thiển ý của thiếp, nếu chúng ta đến lễ ở những chùa lớn và những ngọn núi nổi tiếng thì chắc sẽ toại nguyện. Vậy chàng nghĩ thế nào?
Ông Thành trả lời:
- Những điều nàng nói về cuộc đời chúng ta đều đúng cả. Còn việc cứ đi lễ mà có con thì chẳng hoá ra trên đời này không ai không có con ư?
Nguyệt Mai lại nói:
- Bậc thánh nhân như Khổng Tử cũng phải đi lễ ở núi Ni Khâu; Trịnh Tử Sản người nước Trịnh sinh ra cũng nhờ lễ ở núi U Kyung. Còn ở ta cũng có nhiều núi nổi tiếng và chùa lớn. Ông Châu Thiên Chung Nghi ở Ung Chun tỉnh Kyung Sang già rồi mà chưa có con. Do đi lễ ở đỉnh núi mà sinh quý tử. Chúng ta hay cố làm theo như vậy. Chẳng nhẽ có công trồng cây mà không có ngày hái quả sao?
Từ đó, hai vợ chồng tắm rửa sạch sẽ, tìm nơi để cầu cúng. Đường đi phải qua cầu Ô Thước. Nhìn ra bốn hướng họ thấy núi Kyo Ryong ở phía tây bắc; thấp thoáng trong rừng Jang Lim ở phía đông có chùa Sun Won; núi Ji Li ở phía nam có suối Yo Chun. Con suối này đổ xuống chân núi thành sông Jang nước xanh biếc. Đây là nơi trời đất, âm dương hoà hợp hiếm có. Muốn đi tới Ji Li hai vợ chồng phải qua một cánh rừng rậm và những con sông, ngọn núi khác. Khi leo lên đỉnh Ban Ya của ngọn núi này và so nó với cảnh vật xung quanh, họ tin chắc đó là nơi cần tới. Tại đây nàng Nguyệt Mai dựng một cái đàn và sắp đặt đồ cúng. Nàng đã làm lễ rất công phu, thành kính. Do thần núi linh nghiệm mà nửa đêm ngày đoan ngọ Nguyệt Mai nằm mơ thấy một tiên nữ xuất hiện giữa những đám mây ngũ sắc. Tiên nữ cưỡi hạc trắng, tay cầm một cành hoa quế, đầu đội mũ kết bằng hoa, mặc quần áo rất đẹp; chân bước đến đâu là ở đó có tiếng nhạc. Tiên nữ bước vào nhà, chắp tay chào Nguyệt Mai và nói một cách kính cẩn:
- Tôi là con gái của Lạc Phổ. Một hôm tôi đến Ngọc Kinh để dâng đào tiên. Tôi đã gặp Xích Tùng Tử ở Điện Quang Hàn. Vì mãi trò chuyện với chàng nên tôi đã dâng đào chậm. Ngọc Hoàng tức giận đuổi tôi xuống dưới trần gian. Trong lúc không biết đi đâu, tôi đã được thần núi Du Ryu chỉ đến nhà bà. Xin bà thương tình.
Nói xong tiên nữ chạy đến ôm chầm lấy Nguyệt Mai. Cảnh tượng này làm cho con hạc đứng bên cạnh bật khóc. Tiếng khóc của nó khiến Nguyệt Mai thức giấc. Nàng biết mình vừa qua giấc mộng Nam Kha. Sau cơn bàng hoàng, Nguyệt Mai đã nói với chồng về giấc mơ đó. Nàng hy vọng nhờ may mắn sẽ sinh được con trai. Quả nhiên, từ tháng đó nàng có thai. Mười tháng trôi qua, một hôm tự nhiên trong phòng nàng rực rỡ màu mây ngũ sắc, rồi nàng sinh ra một người con gái rất đẹp. Mặc dù không sinh con trai như mong muốn nhưng Nguyệt Mai vẫn vui mừng lắm. Không thể nói hết được là nàng đã yêu quý con như thế nào. Nàng đặt tên cho con là Xuân Hương và chăm sóc cẩn thận như giữ gìn ngọc quý trong tay. Cũng không thể nói được Xuân Hương ngoan ngoãn, đáng yêu như thế nào. Xuân Hương hiền lành như con hươu vậy. Bảy, tám tuổi Xuân Hương đã rất thích đọc sách. Cô luôn luôn giữ lễ độ cẩn thận nên không một ai không khen ngợi cô có hiếu với bố mẹ.
Bấy giờ có một nhà quý tộc tên là Lý Hàn Lâm ở Sam Chung Dong. Gia đình ông rất nổi tiếng. Tổ tiên ông đều là những trung thần.
Một hôm, nhà vua xem cuốn sách ghi tên những người trung hiếu để chọn người làm quan các địa phương. Lý Hàn Lâm đang làm quan ở huyện Goa Chun, đã được bổ nhiệm đến huyện Keum San. Sau đó, một lần nữa ông lại được chuyển sang huyện Namwon. Lý Hàn Lâm đã đến tạ ơn vua rồi mang hành trang đến huyện mới. Xem xét tình hình ở đây ông không thấy có gì đặc biệt. Dân tình ổn định, vui vẻ. Người ta có thể nghe thấy tiếng hát ca ngợi thái bình, ca ngợi được mùa. Nhân dân sống hiền hoà như thời Nghiêu, Thuấn ở Trung Quốc ngày xưa.
Lúc đó ngày xuân sáng sủa, ấm áp thích hợp với việc dạo chơi. Trên bầu trời xanh chim én cùng các loài chim gọi nhau và bay từng đôi trông rất tình tứ. Phía nam phía bắc đều chung màu hoa rực rỡ. Trên cành liễu những con chim Koikori cất tiếng gọi bạn. Cây liền cây thành rừng. Chim cu cu đã bay đi rồi. Đây là lúc thời tiết đẹp nhất trong một năm.
Quan huyện Lý Hàn Lâm có con trai tuổi đôi tám. Diện mạo chàng tựa như nhà thơ Đỗ Mục Chi đời Đường. Lòng chàng rộng như biển xanh, còn trí tuệ thì rất uyên bác. Văn chương của chàng có thể sánh với Lý Thái Bạch. Chữ viết chẳng kém Vương Hy Chi. Một hôm chàng gọi tên người hầu là Phòng tử đến và nói:
- Trong huyện này ở đâu có cảnh đẹp nhất? Ta đang có hứng xuân, hãy chỉ cho ta những cảnh đẹp nổi tiếng để ta làm thơ.
Gã Phòng Tử trả lời:
- Công tử đang bận học, tìm những chỗ đó làm gì.
Chàng Lý mắng:
- Mày thật vô học. Từ xưa những bậc văn chương tài hoa thường lấy thiên nhiên làm đối tượng để làm thơ và ngâm thơ. Đến như thần tiên còn muốn du ngoạn đây đó, huống chi ta đây có hứng thú như thế lại không đáng sao. Tư Mã Tương Như từng nói rằng người ta phải ngược xuôi nơi sóng to, gió lớn thì mới có thể biết được thiên nhiên đẹp và vẻ đẹp đó làm nên văn thơ. Lý Thái Bạch là thi tiên, đã chơi ở sông Thái Thạch; Mùa thu, Tô Đông Pha chơi ở sông Xích Bích vào ban đêm; Bạch Cư Dị chơi ở sông Thầm Dương vào những đêm trăng sáng; Vua Thế Tổ chơi ở đài Mun Jang núi Sok Ri huyện Bo Eun... thì ta không chơi được sao?
Phòng Tử chiều theo ý chủ đã kể hết về cảnh đẹp bốn phương.
Trước hết nói về Seoul, qua cổng thành Ja Mun có thể đến Chil Sung Am, Chung Yeon Am; ở thành phố Pyung Yang có Yeon Goang Jung, Dae Dong Lu, Mo Lan Bong; ở huyện Yang Yang có chùa Naksan; ở huyện Bo Eun có đài Mun Jang nằm ở núi Sok Ri; ở An Ywi có đài Su Seung; ở Jin Ju có Chok Suk Lu; có Young Nam Lu; ở tỉnh Jeolla có Pyung Yang Jung thuộc xã Tae In và Han Phung Lu thuộc huyện Mu Ju, Han Byuck Lu thuộc thành phố Jeon Ju; nói về huyện Namwon, ra ngoài cổng phía Đông có miếu Quan Vương mà sự trang nghiêm của người anh hùng xưa như còn hiện diện hôm nay; qua cổng phía Nam có lầu Kwang Han, cầu O Jak, Young Ju Gak; qua cổng phía Bắc có sơn thành Kyo Ryong mà hình dáng của nó trông giống như những bông hoa phù dung vươn giữa trời xanh... Tất cả những nơi đó đều rất đẹp. Vậy tôi xin đi tuỳ theo ý công tử. Sau khi nghe Phòng Tử kể, chàng Lý nói:
- Này Phòng Tử, ta nghe người nói thì lầu Kwang Han và cầu O Jak là cảnh đẹp nhất. Vì vậy hãy đến chỗ đó.
Ta hãy xem việc làm của chàng Lý ra sao.
Chàng đến trước Quan huyện thưa rằng:
- Thưa cha, thời tiết hôm nay rất tốt, con muốn dạo quanh huyện một chút để ngâm thơ.
Quan huyện vừa cười lớn, vừa nói:
- Con đi ngắm cảnh vật ở huyện ta, khi về phải có thơ đấy nhé.
- Vâng, con sẽ làm theo lời cha.
Chàng Lý trả lời rồi ra ngoài.
- Phòng Tử ơi! Mang yên ngựa lại đây.
Chàng gọi người hầu. Theo lời chàng Phòng Tử mang yên ngựa ra. Những vật trang sức trên con ngựa của chàng đều rất quý và đẹp. Dây thì màu đỏ, yên thì làm bằng da con hổ.
Khi đã chuẩn bị ngựa cho chủ xong, Phòng Tử nói:
- Thưa cậu, ngựa đã sẵn sàng rồi.
Trông khuôn mặt chàng Lý lúc này thật đẹp, tóc cuốn gọn gàng, xức dầu thơm ngát. Quần của chàng được may bằng lụa của vùng Sung Chun. Chân chàng được cuốn bằng loại vải sang trọng, có dây buộc màu xanh. Khuy áo trong bằng ngọc; thắt lưng cũng bằng một loại lụa quý. Chiếc túi giắt ngang thắt lưng có thêu nhiều hình đẹp. Chàng khoác bên ngoài chiếc áo dài đến gối, có đai đen. Vừa buộc đai áo chàng vừa ra lệnh cho Phòng Tử:
- Hãy giữ ngựa cho ta.
Rồi chàng nhảy lên lưng ngựa. Chàng sửa chỗ ngồi rất cẩn thận. Tay chàng cầm chiếc quạt che đầu của nước Đường mạ châm kim bằng vàng. Con đường từ nhà ra ngoài rất rộng rãi, Chàng Lý ung dung trên mình ngựa.
Trong cảnh thanh xuân đậm đà hương sắc lúc đó, ai nhìn thấy chàng cũng yêu thích.
Chàng bước lên lầu Kwang Han, dưới mắt chàng, phong cảnh bốn phương thật tuyệt vời. Đã nửa buổi sáng mà Xích thành vẫn còn sương mù. Tiết trời ấm áp làm cây cối xanh tươi, hoa thơm đua nở, ánh sáng mặt trời chiếu vào lầu đỏ, những phòng xanh, những ngôi nhà cao đẹp, bóng lộn của đài Lâm Cao. Lầu Kwang Han sàn cao. Cảnh vật ở đây giống với lầu Ác Dương, đài Cô Tô; với Đông Nam Thuỷ của nước Ngô, Sở chảy về Hồ Động Đình và với lầu Yên Tử ở Bành Trạch phía Tây bắc. ở hướng này có những chim anh vũ và chim công bay trên màu hoa nở trắng, hồng. Những cành thông có hương thơm lay động nhờ gió xuân. Một dòng thác đổ xuống con suối rộng; bên bờ suối có những bông hoa đang mỉm cười. Bốn bề thông mọc san sát. Trên mặt đất cỏ dại đưa hương, xanh tốt chẳng kém gì hoa. Những cây quế, lát, thược dược, bích đào phản chiếu màu sắc xuống lòng suối. ở hướng khác, một cô gái dáng thanh thoát vui tươi như chim hót đang hái những bông hoa đỗ quyên cài lên mái tóc và miệng ngậm một bông Ham Bak. Cô gái xắn áo rửa tay và súc miệng bằng nước suối. Rồi cô giơ tay ném dứ chú chim hoàng anh đang đậu trên cành liễu. Đây chính là ý thơ của người xưa nói về việc đánh thức chim hoàng anh đang ngủ. Cô gái còn bẻ một cành liễu quăng ra dòng suối. Trên không những con bướm trắng như tuyết, những con ong đưc, ong cái vỗ cánh bay. Cùng lúc đó chú hoàng anh vàng chói cũng bay vào rừng. Cảnh ở Kwang Han đã đẹp nhưng cảnh của cầu O Jak ở phía trước còn đẹp hơn. Có thể nói cầu O Jak là cảnh đẹp nhất ở tỉnh Jeolla. Lúc này chàng Lý tự hỏi, nếu đích thực đây là cầu O Jak thì Ngưu Lang, Chức Nữ ở đâu. Chỗ nổi tiếng như thế này thì phải có thơ chứ. Chàng bèn làm mấy câu thơ:
Cầu O Jak như con thuyền đứng dưới vầng trăng cao và sáng.
Những chiếc cột của Lầu Kwang Han đặt trên những phiến đá đẹp.
Ai là Chức Nữ ở trên trời?
Còn tôi đây chính là Ngưu Lang.
Những người hầu mang đồ nhắm ra. Chàng Lý uống một chén rượu. Có men rượi gây cảm hứng, chàng Lý miệng ngậm thuốc đi đi, lại lại. Chàng nghĩ rằng người ta thường khen Bo Ryun Am, núi Gom tỉnh Chung Cheong, nhưng so với đây thì không thấm tháp gì. Những màu đỏ, xanh, hồng, trắng của ngôi nhà cùng với tiếng hót của chim hoàng anh đã khêu gợi hứng xuân của con người. Những con ong vàng, những con bướm vàng, bướm trắng đi tìm hương; chúng bay ra, bay vào thành xuân. Nguồn nước dưới núi Bong Rae như là Ngân Hà. Phong cảnh ở đây khác nào phong cảnh tiên giới. Nếu đây chính là tiên giới thì phải có Hằng Nga.
Hôm ấy là ngày Đoan ngọ, thời tiết tốt trong năm. Nàng Xuân Hương con của Nguyệt Mai không thể không biết ngày đó. Vì nàng là người thông minh, lại có tài về "Thi thư âm luật". Xuân Hương cùng với người hầu là Hương Đan đi chơi đu. Tóc nàng đẹp như cỏ lan, búi sau gáy, cài bằng chiếc trâm vàng. Nàng mặc chiếc váy lụa mềm mại buông xuống chân, khoan thai bước vào rừng Dang Lim. Trên nền cỏ Kumjandi chim hoàng anh từng đôi bay đi bay lại. Chiếc đu của Xuân Hương cao hàng trăm thước. Nàng cởi chiếc áo mặc ngoài thêu rất đẹp, kéo váy lên trên ngực. Bàn tay búp măng của nàng nắm chặt lấy dây đu tết bằng một loại dây gai. Đôi bàn chân đi tất trắng nhẹ nhàng đặt trên bàn đạp. Khi nhún đu, thân nàng như cành liễu bay qua, bay lại, lấp lánh phía sau là chiếc trâm ngọc, còn phía trước là con dao nhỏ giắt vào chiếc đai bằng gấm ngang lưng.
- Hương Đan ơi, đẩy đu đi!
Xuân Hương giục cô hầu. Mỗi lần nàng lấy sức và nhún người thì cát bụi dưới chân lại bay lên theo gió. Khi chiếc đu đến độ cao nhất thì lá cây trên đầu nàng kêu rào rào. Chiếc đu bay bay làm lộ ra chiếc váy lót màu đỏ giữa không gian màu xanh biếc. Khi chiếc đu vút lên phía trước, trông nàng như con chim én đang đuổi theo cánh hoa đào rơi; khi vút ra phía sau lại giống như con bướm gặp cơn gió mạnh bay hoảng hốt. Nàng khác nào tiên nữ Vu Sơn từ trên mây đáp xuống Đài Dương. Trong khi chiếc đu lướt qua lướt lại, Xuân Hương vừa ngắt lá cây đưa lên miệng, ngắt hoa giắt lên đầu, vừa nói:
- Hương Đan ơi, gió mạnh quá, Chị cảm thấy chóng mặt rồi. Em hãy hãm lại đi.
Chiếc đu bị giữ, lắc lư, làm chiếc trâm ngọc trên đầu nàng văng lên hòn đá bên bờ suối nghe rõ tiếng "cheng".
- Ôi! Trâm của ta!
Xuân Hương kêu lên. Tiếng kêu của nàng khác nào âm thanh của cành san hô ném lên mặt bàn bằng ngọc. Dáng điệu của nàng thật bối rối, không có vẻ bình thường.
Chim én đã bay đi, nỗi lòng chàng Lý thêm buồn rầu. Chàng suy nghĩ miên man và nói một mình:
- Nàng Tây Thi đã lên thuyền nhỏ theo Phạm Tiểu Bá ở Thái Hồ thì ta đây làm sao có thể gặp được. Ngu mĩ nhân cất tiếng hát buồn chia tay với Vua trong một đêm trăng sáng, không còn trở lại nữa. Vương Chiêu Quân bái biệt Vua ở cung Đan Phụng, rồi tự vẫn ở Hạ Long Giang cũng không trở lại. Ban Tiệp Dư làm bài "Bạch đầu âm" ở cung Trường Tín; Triệu Phi Yến làm thị nữ ở cung Triêu Dương đều không thể trở lại. Những người này là tiên nữ ở Lạc Phố hay là tiên nữ ở Vu Sơn.
Tâm trí chàng Lý bay lên tận mây xanh, còn thể xác trông rất mệt mỏi. Thật đúng là một chàng trai si tình.
- Bay ơi!
- Dạ.
- Hãy xem tường tận cái gì thấp thoáng ở đằng kia.
Chàng Lý vừa nói vừa giơ tay chỉ trỏ.
- Không có gì đâu, chỉ có cô gái con bà Nguyệt Mai từng làm kỹ nữ ở làng này. Tên cô gái ấy là Xuân Hương.
Người hầu sau khi xem xét trả lời.
Nghe nói thế chàng Lý bất giác vui mừng:
- Thật tốt quá!
Người hầu lại nói:
- Mẹ cô ấy là kỹ nữ nhưng cô là người giỏi chữ nghĩa không kém gì con những nhà quyền quý.
Chàng Lý cười hớn hở, gọi Phòng Tử vào, nói:
- Ta vừa biết cô gái ở đằng kia là con gái của một kỹ nữ, nên ngươi hãy gọi ngay lại đây. Phòng Tử trả lời:
- Cô gái ấy da trắng như tuyết, mặt đẹp như hoa. Những người ham chơi trong hàng quan quận, quan huyện muốn gặp cũng không được. Một người có cái nhan sắc của Trang Khương, cái đức hạnh của Nhâm, Tự, có cái tài văn chương của Thái, Đỗ, có tấm lòng hiền hoà của Thái Tự và lòng chung thuỷ của Nhị Phi..., một người như thế là mẫu mực của giới nữ, khi tiếp xúc không thể coi thường.
Chàng Lý lại cười lớn:
- Này Phòng Tử, ngươi có biết "sự vật thì có chủ" không? Bạch ngọc ở Kinh Sơn, vàng ở Lư Thuỷ đều có chủ nhân. Thôi, đừng nhiều lời nữa, hãy gọi cô ấy cho ta.
Theo lệnh chủ, Phòng Tử đến chỗ Xuân Hương. Dáng đi của hắn giống chú chim xanh của Tây Vương Mẫu khi chuyển thư mời người đến dự tiệc ở Giao Trì.
- Xuân Hương ơi! Cô Xuân Hương ơi!
Xuân Hương giật mình khi nghe tiếng gọi.
- Tiếng ai gọi to thế khiến tôi phải giật mình đó?
- Này cô gái, đã xảy ra việc lớn đấy.
- Việc gì vậy?
- Công tử con quan huyện trong khi dạo chơi ở lầu Kwang Han đã trông thấy cô, nên sai tôi đến gọi cô.
Xuân Hương bực tức nói:
- Chú là kẻ điên. Cớ gì công tử biết tôi mà gọi tôi đến. Chỉ có chú liến thoắng nói về tôi như con chim sẻ mổ hạt thóc.
- Không phải đâu, không phải là tôi nói về cô đâu. Chính cô sai chứ tôi không có gì sai cả. Cô hãy nghe tôi nói về cái sai của cô đây. Con gái muốn chơi đu thì chơi ở trong vườn và chơi nhẹ nhàng không để người khác biết. ở đây cách lầu Kwang Han không xa, cây cối rất tươi tốt. Những cây liễu thướt tha nhảy múa trước gió. Khi cô đánh đu đôi chân rất xinh đẹp, người chao liệng giữa mây trắng, chiếc váy trắng bên trong và chiếc váy hồng bên ngoài phất phơ trước gió đông nam. Da cô trắng như ruột bầu; toàn thân cô khi ẩn khi hiện giữa mây trắng nên công tử tôi trông thấy rõ, chứ đâu phải do tôi nói điều gì. Thôi, cô hãy qua đi.
Xuân Hương trả lời:
- Đương nhiên là chú nói như vậy. Thế nhưng hôm nay là ngày Đoan ngọ, có phải chỉ có mình tôi đi chơi đâu. Các cô gái của những nhà khác cũng đánh đu ở đây. Vả lại, tôi dù có đi chơi như thế này nhưng hiện thời không có tên trong danh sách kỹ nữ nên người khác không có quyền gọi tôi một cách thiếu lịch sự, mà có gọi tôi cũng không phải đi. Hẳn là chú đã hiểu không đúng lời của công tử.
Phòng Tử nghe lời Xuân Hương, trở về lầu Kwang Han thuật lại câu chuyện cho chủ biết. Chàng Lý từ tốn nói:
- Cô ấy nói rất đúng. Nàng quả là người khôn ngoan. Bây giờ mày hãy đến chỗ nàng và nói thế này, thế này...
Chàng Lý ghé vào tai Phòng Tử dặn khẽ.
Phòng Tử lại chạy đến chỗ Xuân Hương. Tuy nhiên, trong lúc y đang nói chuyện với chủ thì Xuân Hương đã về nhà rồi. Không còn cách nào khác hắn phải đến nhà nàng. Bấy giờ hai mẹ con Xuân Hương đang ngồi ăn cơm. Thấy Phòng Tử bước vào nhà, nàng nói:
- Tại sao chú lại đến đây?
Xin lỗi bà và cô, công tử của tôi chuyển lời cho cô nguyên văn là: "Tôi không coi nàng là kỹ nữ. Tôi nghe nói nàngcó tài văn chương nên có lời mời nàng. Tôi biết việc mời một cô gái gia đình phong lưu không phải dễ dàng. Vì vậy nếu không có gì phiền hà xin nàng đến một chút."
Không biết duyên số thế nào, chứ ý của Xuân Hương thì muốn đi nhưng vì sợ mẹ nên nàng im lặng chờ đợi. Mẹ nàng bàng hoàng nói:
- Giấc mơ không phải là không thật. Đêm qua mẹ nằm mơ thấy một con rồng ở ao Bích Đào. Chắc đó là điềm lành nên việc hôm nay không phải là chuyện ngẫu nhiên. Và mẹ lại nghe nói công tử con quan huyện tên là Mộng Long. "Mộng" là giấc mơ; còn "Long" là rồng, vậy là rất khớp. Dù thế nào thì người của tầng lớp thượng lưu gọi chẳng lẽ lại không đi sao? Thôi, con cứ qua một lát.
Xuân Hương làm ra vẻ miễn cưỡng phải đi. Bước chân của nàng như con hồ yến đi vào trong tổ, con gà mái tơ đi trong vườn; con rùa đi trên cát trắng; dáng vẻ đẹp đẽ, chậm rãi khác nào thiên nga tập đi bộ. ở trên lầu, chàng Lý đứng ngoài hiên cúi xuống quan sát từng bước đi của nàng. Chàng say mê, theo dõi tỷ mỷ nét kiều diễm bây giờ mới thấy ở Xuân Hương. Mặt nàng mang màu trắng của con hạc giữa dòng sông xanh được ánh trăng phản chiếu trên nền tuyết trắng. Môi nàng đỏ hồng, khi hé miệng cười để lộ ra hàm răng trắng muốt như ngọc, như sao. Nhìn lướt qua thấy nàng là vầng sắc màu lấp loá như mặt trời rọi trong sương mù. Chiếc váy màu xanh như làn sóng của Ngân Hà. Nàng bước uyển chuyển lên lầu và thẹn thùng dừng lại Chàng Lý sai người hầu mời Xuân Hương ngồi. Chàng thấy dáng Xuân Hương thật đẹp và thanh nhã. Nàng khác nào con chim yến sau khi tắm ở dòng sông trong xanh thảng thốt khi gặp người lạ. Người nàng không trang sức gì đặc biệt mà rất tuyệt vời. Đôi mắt như vầng trăng giữa đám mây; miệng đỏ thắm như sen nở trong đầm. Chàng Lý tự nghĩ rằng mình chưa bao giờ được gặp tiên nhưng đây chính là một nàng tiên bị đày xuống Nam Won và từ nay trên cung Quảng thiếu đi một tiên nữ. Phong cách của nàng cũng không phải của người trần gian.
Trong khi ấy Xuân Hương khẽ ngẩng đầu liếc nhìn chàng Lý. Nàng thấy chàng quả là một chàng hào kiệt, một chàng trai lý tưởng của trần thế. Vầng trán chàng cao báo hiệu công danh sớm mở. Sự hài hoà giữa trán và gò má chứng tỏ sau này chàng sẽ là một trung thần tin cậy. Trong lòng, Xuân Hương cảm thấy rất mến chàng Lý, nhưng vẻ ngoài thì nàng ngồi kín đáo, khép hai đầu gối, người hơi cúi xuống. Chàng Lý lên tiếng trước:
- Theo đạo thánh hiền thì người trong một họ không được lấy nhau. Vậy nên xin nàng cho biết tên họ là gì và năm nay bao nhiêu tuổi?
- Thiếp họ Thành, tuổi đôi tám.
Nàng trả lời.
Hãy xem thái độ của chàng Lý ra sao.
- Ha ha, nghe nàng nói như vậy tôi rất vui mừng. Tuổi của nàng cũng bằng tuổi của tôi. Về họ thì tôi và nàng rõ ràng là có duyên tiền định. Chúng ta có nhân duyên hoà hợp thì hãy xây dựng cuộc sống hạnh phúc lâu dài.
- Nàng có còn cha mẹ không?
- Thiếp chỉ có mẹ thôi.
- Nàng có mấy anh chị em?
- Mẹ thiếp năm nay đã 60 tuổi, nhưng chỉ sinh một mình thiếp là gái, không có con trai.
- Nếu thế thì hẳn nàng là con gái quý của gia đình. Do duyên tiền định mà chúng ta gặp nhau nên hãy sống bên nhau mãi mãi.
Hãy xem thái độ của Xuân Hương ra sao.
Xuân Hương khẽ nhíu mày và hé đôi môi đỏ cất tiếng trong như ngọc:
- Trung thần không thờ hai vua. Liệt nữ không lấy hai chồng. Chàng là quý công tử, còn thiếp là một tiện nữ. Thiếp yêu chàng mà sau này chàng phụ tình thiếp thì mối hận của cảnh "tấm lòng son" phải "phòng không chiếc bóng" thì có ai hiểu cho. Vậy xin chàng đừng nói như vậy.
Chàng Lý đáp rằng:
- Lời nàng nói thật khôn ngoan. Khi nào hứa hôn với nhau, chúng ta sẽ cùng thề vàng đá. Còn hiện giờ xin nàng cho biết nhà của nàng ở đâu?
Xuân Hương trả lời:
- Xin chang hỏi Phòng Tử.
Chàng Lý cười vui vẻ:
- Tôi muốn hỏi nàng chứ hỏi Phòng Tử thì có ý nghĩa gì.
- Phòng Tử ơi!
- Dạ.
- Hãy chỉ cho ta nhà nàng ở đâu? Phòng Tử vừa giơ tay chỉ vừa nói:
- ở đằng kia kìa, trên đồi cây rậm rạp; ở đó có ao nước sạch, nhiều cá quý, xung quanh có hoa thơm, cỏ lạ; trên cây các loài chim khoe màu lông đẹp; trên sườn đá những cây thông lớn gặp gió uốn ngọn như những con rồng; những cành liễu rủ trước nhà mềm và nhỏ như sợi dây; ngoài ra còn có cây Deulchuc, Jucbaek, cây dâu và cây Eunhaeng đứng đối diện sau theo âm dương; trước cửa nhà thảo đường có cây ngô đồng và cây daechu, cây nho và những cây khác leo trên hàng rào. Từ đây nhìn qua Juk Lim thấp thoáng ngôi nhà của Xuân Hương đó.
Chàng Lý nói:
- Trong một khu sạch sẽ, có nhiều thông và tre như thế thì con người ở đấy hẳn phải trinh tiết, chung thuỷ.
Xuân Hương vừa đứng lên vừa e thẹn nói:
- Ở đây không khí không được tốt, thiếp xin phép về nhà.
Chàng Lý nói đỡ lời:
- Có thể như vậy. Tối nay tôi sẽ đến thăm nhà nàng. Xin đừng lánh mặt nhé.
Xuân Hương trả lời:
- Thiếp không biết.
- Sao lại không biết. Thôi nàng về đi, tối nay sẽ gặp nhau.
Xuân Hương về đến nhà, mẹ nàng đón ở cửa vui vẻ nói:
- Con mẹ về rồi à, công tử nói với con những gì?
- Không nói gì cả, con chỉ ngồi một lát rồi xin về. Chàng hẹn tối nay sẽ đến thăm nhà ta.
- Con đã trả lời thế nào?
- Con trả lời rằng "không biết".
- Thế là tốt.