Nghịch cảnh là thước đo giá trị của một con người. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn sau những khủng hoảng trong cuộc sống.

Lou Holtz

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Vernes
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Nguyễn Đức Lân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1162 / 11
Cập nhật: 2016-01-26 07:41:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
úc thức dậy, vật đầu tiên mà Bob Morane nhìn ra là một tờ báo nhét bên dưới cánh cửa. Trời đã sáng bạch và bên ngoài những tiếng ồn ào trong thành phố đưa lên tận chỗ buồng của Bob. Chàng đứng dậy, ra lấy tờ "Ấn Độ Thời Báo", ở ngay trang đầu, một dòng chữ lớn nổi bật:
ÁN MẠNG TẠI ĐƯỜNG BAGHAVAPUR
Cecil Mainright, nhà khảo cổ lừng danh, bị ám sát chết trong phòng làm việc của ông.
Bên dưới thuật lại việc Morane khám phá ra xác chết trong trường hợp nào. Nhưng không có chỗ nào đả động đến pho tượng thần Kâli. Người ta có nói đến việc ông giáo sư bị thắt cổ, nhưng không hề nói đến "dây thiêng" hoặc bọn Thug.
Bob suy nghĩ: "Chắc chắn đó là những đề tài linh thiêng mà ở Ấn người ta không muốn đề cập tới. Chính thức thì hơn nửa thế kỷ nay bọn Thug đã thôi hoạt động để người ta phải nói đến, và không còn ai thắc mắc muốn khơi dậy những bóng ma.
Tuy nhiên, nữ thần Kâli thì vẫn tiẽp tục được sùng bái, và hàng ngày ở ngay tại thành phố Calcutta này, bà vẫn là chủ nhân và người ta vẫn hiến tế bằng máu. Những con vật hy sinh chỉ là những con dê nhỏ màu đen, nhưng từ chỗ đó đến chỗ hiến tế bằng nhân mạng thì cũng chỉ một bước dễ vượt qua..."
Phần dưới của bài báo thuật lại sự nghiệp của giáo sư Mainright. Cái ông người Anh này quý đất Ấn đến mức đồng bào của ông đã rời khỏi mà ông vẫn ở lại. Ấn Độ không còn là thuộc địa của Anh nữa nhưng đối với ông thì không có chuyện gì thay đổi. Ông vẫn tiếp tục sống tại căn nhà của ông ở đường Baghavapur như trước, giữa những viên đá cổ và những tượng thần, khác một điều là ông chỉ còn lại vài người đầy tớ, tất cả dường như vẫn trung thành với ông. Từ chiều tối không hiểu sao tất cả đầy tớ của ông đều vắng mặt và khi đó thảm kịch xảy ra.
Bài bảo cũng nói đến Morane, nhắc lại cuộc sống phiêu lưu của chàng và hành vi anh dũng của chàng trong kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Người ta nêu cả lý do mà chàng tới Ấn, nêu cả tên khách sạn chàng đang ở. Bob lại suy nghĩ: "Người ta muốn chỉ cho kẻ giết ông giáo sư chỗ ta đang ở mà cứ làm ra vẻ không thể viết khác được..." Tác giả bài phóng sự kết thúc bằng cách nêu ý kiến của Sheela Khan, vị cảnh sát trưởng, theo đó thì ông giáo sư bị giết là bởi một người đầy tớ cũ bị cho nghỉ việc hoặc là bởi một tên trộm bị bắt quả tang phải làm liều.
Morane nhún vai, lẩm bẩm: "Hoặc giả cái ông Sheela Khan này là kẻ giả dối nhất đời - cũng dễ để tin làm vậy - hoặc giả ông ta là người ngu nhất thế giới. Nhưng ta phải thừa nhận là kẻ ngu này có nhiều kiểu cách. Một kẻ ngu ăn người!"
Bài tường thuật của tờ "Ấn Độ Thời Báo" hình như dược Sheela Khan đọc cho chép, người ta tự hỏi tại sao cái ông này che giấu sự thật về vấn đề sợi dây thiêng, pho tượng thần Kâli, và bọn Thug. Có phải là vì không muốn đánh động quần chúng một cách vô ích, hay vì một mục đích nào khác? Morane thừa biết rằng các nước Á châu, ít nhiều đều đắm chìm trong tình thế sôi động, tranh chấp chính trị và tôn giáo luôn luôn rối beng, các phe phái tôn giáo không ngừng giành quyền lãnh đạo của thời xa xưa, Sheela Khan có thể thuộc về một trong những phe phái đó, và việc ấy giải thích lý do hành động của ông ta, Bob không tiếp tục đi vào con đường ngờ vực đó nữa. Tạm thời, chàng không muốn kết tội Sheela Khan nến không có những bằng chứng hiển nhiên; và trong lúc đợi những sự việc mới, chàng muốn dành cho ông ta trường hợp giảm khinh và nghi vấn. Sau những suy luận nhanh chóng như thế, Bob khoác lên mình một chiếc áo ngủ, đi đôi dép nhẹ và dùng ngay tờ nhật báo để quét dọn chỗ bao lơn, thu vén các miểng chai vào một góc, để đêm sau lại rải chúng ra một cách dễ dàng. Làm xong công việc đó, Bob mặc quần áo. Vừa quăng cái áo ngủ ra một góc thì đột nhiên chàng nghe có tiếng gõ cửa dồn dập. Chàng đứng yên một lúc thật lâu. Cuộc thăm viếng buổi sống này làm chàng ngạc nhiên. Chẳng những là chàng không có ý đợi một người nào, mà chàng đã dặn kỹ người hầu khách sạn phụ trách tầng lầu là chàng có gọi thì mới được tới.
Lẹ làng, Morane khoác lại chiếc áo ngủ lên mình, nhét khẩu súng lục vào túi bên trái, tay không rời chuôi súng. Sau đó chàng lại gần bên cửa cất tiếng hỏi: "Có chuyện gì thế?".
- Thưa ông Morane, có người muốn đến thăm ông.
Tiếng người hầu ở tầng lầu vang lên. Trong tư thế sẵn sàng sử dụng súng nếu có báo động, Bob rời cái ghế chặn cửa, quay chìa khóa, và mở hé cánh cửa.
Trong khoảng không gian trống trải, bóng người hầu Ấn hiện ra, và tiếng nói lại vang lên:
- Thưa ông Morane, có người muốn đến thăm ông.
Đằng sau người hầu, Bob nhận thấy trong bóng sáng của hành lang có một thân hình đồ sộ khiến người ta phải nghĩ đến một con gấu hay con đười ươi đứng thẳng. Đột nhiên cái bóng đó di động, cánh cửa như bị đẩy bởi một chiếc xe tăng bốn chục tấn, mở toang ra, và một người tiến vào phòng. Quả thật là một tên khổng lồ, hắn cao hơn Morane một cái đầu, hai vai rộng đến độ chắn ngang cả bề rộng cánh cửa. Một khối lượng khổng lồ những xương cùng bắp thịt, mà theo Morane đoán nhận, có khả năng phản ứng nhanh chóng, đáng gờm. Cái đầu to, tóc hớt ngắn, gắn trên cái cổ như cổ bò rừng. Tuy có hình thể bất lợi như thế, người này không có vẻ gì là một con thú ngu đần. Cái trán cao vồ thẳng chứng tỏ sự thông minh, đôi mắt xếch của người Mông Cổ lấp lánh sáng với vẻ nhanh nhẹn. Hơn nữa, người mới tới này lại ăn mặc nếu không nói là lịch sự (điều này cũng khó đối với thân hình bồ tượng của hắn) thì cũng thuộc loại xa hoa. Bộ quần áo Tàu của hắn chắc hẳn phải đắt giá lắm, cũng như chiếc áo sơ-mi bằng nylon mịn rất hợp thời trang, và đôi giày da hươu màu vàng xám. Hắn cằm ở tay một cái nón rơm trắng có thắt dải lụa màu đỏ rực.
Người mới tới thẩy cho người hầu một món tiền thưởng, nói với anh ta vài câu bằng tiếng Bengali, rồi khép cửa lại. Hắn quay lại nhìn Morane mỉm cười. Trên khuôn mặt rộng màu vàng, lưỡng quyền cao, hàm răng hắn trắng muốt, những chiếc răng trắng mạnh mẽ, răng của loài thú ăn thịt, nhai xương.
Người mới tới cất tiếng hỏi bằng một giọng Anh khá chỉnh:
- Phải tôi đang đứng trước thiếu tá Morane đây chăng?
Nụ cười vẫn giữ nhưng trong đôi mắt ti hí lúc này chỉ còn là hai khe hẹp, tỏa ra một tia nhìn nghiêm khắc, lừ lừ.
Hai người còn giữ im lặng, đứng nhìn nhau một hồi, sau cùng người lạ mặt mới nhắc lại câu nói:
- Phải tôi đang đứng trước thiếu tá Morane đây chăng?
Bob gật đầu:
- Đúng tôi là thiếu tá Morane đây. Nhưng tôi không hiểu...
Người kia lại mỉm cười, có cái vẻ như một con cọp sắp vô mồi:
- Ông sẽ biết ngay đây thôi. Nhưng trước hết tôi xin được tự giới thiệu cái đã. Tôi là Kao Maimaitcheng, nhưng các bạn tôi và kẻ thù của tôi đều gọi tắt là Kao, thế thôi... Nếu ông lại muốn biết chức tước của tôi, thì xin nói ngay: tôi là... đặc phái viên của chính phủ nước tôi, tại Ấn Độ.
Morane không vội trả lời. Chàng cũng không hy vọng có thể tống khứ tay này ngay. Bob không phải người chết nhát, chuyện đụng độ chắc là khó tránh, mà anh chàng Mông Cổ này chắc chắn là có thể tay không bóp vỡ một bao diêm quẹt. Chàng cũng không thể khi không hạ sát người khách bằng súng, và chàng cũng đoán rằng có đem súng ra dọa nạt cũng chẳng ăn thua gì. Tốt hơn hết là cứ thảo luận với nhau xem sao. Anh chàng Mông Cổ lại mỉm cười lần nữa, tự nhấc một chiếc ghế bành, kéo lại phía mình, ngồi xuống không đợi mời.
- Ông có thể gọi tôi là Kao. Các bạn tôi và kẻ thù của tôi đều gọi tôi như thế, tôi đã nói rồi.
- Cá nhân tôi, tôi chỉ gọi các bạn tôi bằng họ của họ mà thôi... Nào, tôi đợi nghe ông nói đây, ông Maimaitcheng.
Anh chàng khổng lồ ngả người trên ghế, chẳng cần giữ gìn, cứ gác đôi chân lên nhau, đôi chân to như những cột đền và nhìn ngay mặt chàng người Pháp:
- Thiếu tá Morane, tôi vào ngay vấn đề. Ông đang giữ bên mình một vật mà tôi lưu lâm, và muốn hỏi mua.
Morane không nhíu mày. Chàng biết rõ vật đó là vật gì, nhưng vẫn làm ra vẻ không biết, nói:
- Tôi không hiểu ý ông.
- Ông sẽ hiểu ngay đây, tối hôm qua, ông có dính líu ít nhiều đến vụ ám sát ông giáo sư đáng thương Mainright. Trong vụ này, có một pho tượng nhỏ của nữ thần Kâli bằng kim loại tráng men cao chừng nhiêu đây... Báo chí không nói tới, nhưng pho tượng đó quả thật là có, và đang thuộc quyền sở hữu của ông.
Morane suy nghĩ một lát. Tay Mông Cổ này có vẻ rất am tường thì chơi trò giả ngây giả điếc là vô ích, ít nhất cũng là trong lúc này.
- Đồng ý có chuyện cái pho tượng đó, nhưng nếu ông tưởng rằng tôi đã chiếm giữ nó thì ông lầm đấy. Chính ông Sheela Khan cất giữ nó. Đó là một tang vật, lại dính dáng đến một án mạng, ông đừng quên điều ấy.
Kao Maimaitcheng lắc đầu:
- Không, thiếu tá ạ. Sheela Khan không giữ pho tượng. Tôi có tay chân ở trong giới cảnh sát Calcutta và ở nhiều nơi khác. Nghề của tôi là phải am tường... Đêm qua ông ở nhà giáo sư Mainright ra, ông có cắp dưới nách một vật gói trong một cái khăn trắng. Vật đó chính là pho tượng.
Bob không trả lời. Chàng cũng không có thời giờ để trả lời, vì Kao đã nói liền:
- Tôi đi nói rồi, tôi muốn pho tượng đó, và sẵn sàng chi rất cao giá. Đêm đó ông ở nhà ông Mainright ra thì ngươi của tôi đã rình sẵn để cướp lại, nhưng vì có cảnh sát đặc biệt của Sheela Khan bảo vệ ông, nên người của tôi không muốn liều mạng. Vả chăng, việc gì phải dùng đến bạo lực khi mà tiền bạc có thể dàn xếp? Ông đưa pho tượng cho tôi, và tôi xỉa ngay trước mặt ông một ngàn đô-la, tiên giấy đàng hoàng.
Morane lại giữ im lặng. Maimaitcheng tưởng là chàng chê ít, lại tự tăng giá:
- Hai ngàn đô-la, ông vừa ý chứ?
-...
- Ba ngàn!
-...
- Bốn ngàn!
Chàng người Pháp ngồi nghe cuộc trả giá mà không nhíu mày. Một món tiền lớn như thế để đổi lấy một pho tượng nhỏ bằng chì tầm thường đủ làm động lòng một anh mù - câm - điếc mà thể chất tinh thần lại yếu đuối. Pho tượng này chỉ đáng giá năm đô-la là cùng, thế mà người ta chịu trả cả mấy ngàn. Chắc chắn là Maimaitcheng có dính líu đến vụ giết giáo sư Mainright, có thể chính hắn là kẻ chủ mưu nữa. Bob cảm thấy chàng chẳng sẵn sàng giao thiệp với hắn, hay với bất cứ một tên lưu manh nào đại loại như hắn. Nếu tay Mông Cổ này mà có trách nhiệm về cái chết của nhà bác học thì sớm muộn gì chàng cũng tìm cách nắm cổ hắn, giao cho cảnh sát. Maimaitcheng có sức mạnh bằng mười con đười ươi thật đấy, nhưng mặc hắn chứ.
Tay Mông Cổ khổng lồ lại nói:
- Năm ngàn đô la, lời nói cuối cùng của tôi đấy!
Hắn rút ở túi áo trong của bộ quần áo Tàu ra một xấp giấy tiền màu xanh lá cây búng cho kêu tanh tách giữa những ngón tay chuối mắn của hắn. Morane nhăn mặt làm bộ như tiếc rẻ:
- Tiền của ông tôi cũng ham lắm, ông Maimaitcheng ạ. Nhưng tôi không có pho tượng đó, đành chịu thôi.
Tay Mông Cổ rướn mình trên chiếc ghế bành, lại đập xấp tiền sành sạch vào lòng bàn tay trái.
- Ông nói hết rồi chứ, thiếu tá Morane?
Bob nhún vai:
- Không có vấn đề nói hết hay không nói hết. Ông trả tôi số tiền rất lớn cho pho tượng kia, nhưng tôi xin nhắc lại là tôi không chiếm giữ nó thì biết nói sao bây giờ.
Tên Mông Cổ nhét xấp tiền vào túi áo trong:
- Thiếu tá Morane! Rất tiếc là thấy ông cứng cổ như vậy. Mềm dịu không chiếm được thì tôi cũng đoạt được bằng sức mạnh thôi. Báo để ông biết!
Hùng hổ, Kao tiến lại gần cái tủ, đúng cái tủ mà Bob đã gắn chặt pho tượng ở bên dưới, dùng sống bàn tay trái hắn chặt vào góc tủ một tiếng "chát". Có tiếng kêu "cách" ngắn ngủi. Một miếng gỗ nhỏ hình tam giác tách ra, như bị chặt bằng rìu lăn trên mặt đất. Tay Mông Cổ quay lại phía Morane nhe răng cười có vẻ huênh hoang:
- Nếu tôi chặt như thế một cái vào cổ ông là ông chết tức thì, thiếu tá ạ!
Chàng người Pháp vẫn lạnh tanh. Trong thâm tâm chàng có ý khâm phuc sức mạnh của Maimaitcheng, nhưng chàng cẩn thận rút khẩu súng lục từ túi trái áo ngủ, chĩa vào ngực anh khổng lồ nói với giọng thật bình thản:
- Ông Maimaitcheng! Tôi mà đẩy một viên đạn vào tim ông thì ông cũng chết vậy. Chúng ta chẳng đứa nào thua đứa nào.
Tay Mông Cổ cứng người. Hắn đưa mắt thăm dò đôi mắt của người đối diện, chỉ thấy một vẻ cương quyết lạnh tanh. Hắn rít lên:
- Được lắm, thiếu tá! Ông nói cái giọng đó thì chúng ta chẳng còn gì để bàn cãi... ít ra là trong lúc này. Tuy nhiên nếu ông đổi ý thì ông vẫn có thể tìm tôi theo địa chỉ này.
Hắn rút từ túi áo trên, bên phải, ra một tấm danh thiếp thẩy lên mặt tủ, nói với anh chàng người Pháp:
- Thiếu tá Morane! Đừng quên điều này: Hễ tôi thích là tôi lấy cho bằng được! Tôi thích pho tượng này, tôi sẽ chiếm được nó. Bằng bất cứ cách nào...
Pho Tượng Thần Kâli Pho Tượng Thần Kâli - Henri Vernes Pho Tượng Thần Kâli