Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Chương 3
Đ
ó là một buổi sáng đầy sương muối và rất ẩm ướt. Tôi đã thấy hơi ẩm
đọng lại bên ngoài ô cửa sổ nhỏ xíu phòng mình, như thể một con yêu tinh đã
khóc ròng ngoài đó cả đêm, và dùng ô cửa sổ làm khăn mùi soa. Còn bây giờ
tôi thấy sương ẩm đọng trên những hàng giậu trơ trụi và những bụi cỏ lơ thơ,
trông giống như một thứ mạng nhện thô kệch giăng từ cành này sang cành
kia, lá này sang lá khác. Hơi nước ướt sũng bám trên từng thanh hàng rào,
từng cánh cổng, và màn sương mù phủ trên đầm lầy đặc quánh đến mức tôi
chịu không thể nhìn thấy cái ngón tay bằng gỗ đóng trên cọc để chỉ đường
cho khách bộ hành tới làng chúng tôi - một hướng đi họ chẳng bao giờ theo vì
chẳng bao giờ có ai tới đó - cho đến khi tôi tới ngay gần bên dưới nó. Thế rồi
khi tôi nhìn lên, trong khi nó nhỏ nước xuống tong tong, với lương tâm đang
bị đè nặng của tôi nó dường như là một bóng ma đang nộp tôi cho mấy con
tàu nhốt tù.
Sương mù còn dày hơn nữa khi tôi bước lên chỗ đầm lầy, vậy nên thay
vì tôi đang chạy về phía mọi vật, mọi vật dường như đang chạy về phía tôi.
Một cảm giác thật khó chịu cho một tâm hồn tội lỗi. Những cửa cống, triền
đê và bờ đất ập tới tôi qua màn sương mù, như thể chúng đang la lên hết cỡ,
“Một thằng bé cầm theo bánh nhân thịt lợn của người khác! Bắt nó lại!”
Những con gia súc như đột nhiên vụt hiện lên, mở to mắt nhìn trừng trừng,
rồi phì hơi qua lỗ mũi, “Ô kìa, thằng nhóc ăn trộm!” Một con bò đực đen, với
một mảng lông trắng quanh cổ - thậm chí cả nó cũng làm lương tâm đang
thức tỉnh của tôi nhớ tới một ông mục sư - đưa mắt nhìn tôi chằm chặp không
rời, và quay tròn cái đầu đần độn của nó đầy vẻ quở trách khi tôi đi ngang
qua, đến mức tôi phải nức nở thanh minh với nó, “Cháu không thể đừng
được, thưa ông! Cháu không lấy cho cháu!” Nghe tới đó, con bò cúi đầu
xuống, phì ra một đám hơi từ mũi, rồi biến mất sau một cú đạp chân sau và
một cú vung đuôi.
Trong lúc đó, tôi tiếp tục đi dần về phía con sông; nhưng dù cố đi
nhanh đến thế nào đi nữa, tôi cũng không thể làm đôi chân mình ấm lên nổi,
hơi ẩm lạnh buốt như thể đã bị đóng đinh lên đó, giống như cái xiềng được
đóng chặt vào chân người đàn ông tôi đang chạy đi gặp. Tôi biết rõ đường
phải đi tới chỗ pháo đài cũ, đường cũng khá thẳng, vì một lần vào Chủ nhật
tôi đã tới chỗ đó cùng Joe, và Joe, ngồi trên một khẩu pháo cũ, đã nói với tôi
rằng khi tôi trở thành thợ học việc của anh, một cách chính thức, chúng tôi sẽ
tha hồ vui ở đó! Nhưng, lạc giữa màn sương mù, cuối cùng tôi nhận ra mình
đã đi quá xa về bên phải, và vì thế đành phải cố quay lại theo bờ sông, ở bên
bờ có những tảng đá rời nằm nhô lên mặt bùn và những cây cọc đánh dấu
mức thủy triều. Cố đi qua chỗ này nhanh hết sức có thể, tôi lội qua một cái
rãnh tôi biết ở rất gần pháo đài, và vừa kịp leo lên mô đất đằng sau cái rãnh
thì nhìn thấy một người đàn ông ngồi ngay trước mặt. Hắn quay lưng về phía
tôi, hai tay khoanh lại, đầu cúi gục về đằng trước ngủ vùi.
Tôi nghĩ hắn chắc sẽ vui hơn nếu tôi mang bữa ăn sáng tới chỗ hắn
theo cách bất ngờ như thế, vậy là tôi nhẹ nhàng bước tới, chạm tay lên vai
hắn. Hắn lập tức nhảy dựng lên, và đó không phải là người đàn ông hôm
trước, mà là một người khác!
Thế nhưng cả người này nữa cũng mặc đồ màu xám xơ xác, và dưới
chân cũng mang một cái xiềng to tướng, cũng tập tễnh, cũng hốc hác, cũng
lạnh run, cũng hệt như người kia; ngoại trừ hắn không có cùng khuôn mặt, và
trên đầu đội một cái mũ phớt rộng vành. Tôi nhìn thấy tất cả trong nháy mắt,
vì tôi cũng chỉ có một nháy mắt để nhìn thấy mọi thứ: người đàn ông bật rủa
khi thấy tôi, rồi vung tay đánh tôi - một cú đánh vòng yếu ớt không trúng tôi
và thiếu chút nữa làm kẻ ra đòn ngã lăn kềnh, vì nó làm hắn mất thăng bằng -
sau đó hắn chạy vào màn sương mù, vấp ngã hai lần trong khi chạy, rồi tôi
không thấy hắn nữa.
“Đó là gã trẻ tuổi!” tôi nghĩ, cảm thấy tim mình nhói đau khi nhận ra
hắn. Tôi dám đoan chắc tôi cũng đã cảm thấy đau nhói cả ở chỗ lá gan nữa,
nếu lúc ấy tôi biết nó ở chỗ nào.
Không bao lâu sau đó tôi tới chỗ pháo đài, và ở đó đúng là người đàn
ông kia - ôm chặt lấy người và tập tễnh đi tới đi lui, như thể suốt cả đêm
không lúc nào dừng làm thế - đang đợi tôi. Chắc chắn là ông ta đang lạnh
cóng. Tôi gần như chờ mong được thấy ông ta ngã vật ra trước mắt mình mà
chết cóng. Đôi mắt ông ta nom cũng có vẻ đói cào đói cấu, đến mức khi tôi
đưa ông ta cái giũa và ông ta để nó xuống mặt cỏ, tôi cảm thấy chắc ông ta đã
cố ăn nó nếu không nhìn thấy cái gói tôi cầm theo. Lần này ông ta không lộn
ngược tôi lên để lấy những gì tôi có trong người nữa, mà để yên cho tôi được
đứng bình thường trong khi tôi mở cái gói và moi sạch mọi thứ nhét trong các
túi áo ra.
“Có gì trong chai vậy, nhóc?” ông ta hỏi.
“Brandy,” tôi nói.
Người đàn ông đã bắt đầu dốc món thịt băm xuống cổ họng theo cách
kỳ cục nhất trần đời - giống như đang vội vã cuống quýt giấu nó vào chỗ nào
đó hơn là ăn - nhưng ông ta vẫn dừng lại để uống một ít rượu. Trong suốt thời
gian đó, ông ta cứ run cầm cập, đến mức phải khó khăn lắm mới giữ cái cổ
bình lọt vào giữa hai hàm răng mà không cắn đứt nó luôn.
“Cháu nghĩ ông đang bị sốt vì lạnh,” tôi nói.
“Tao cũng nghĩ thế, nhóc ạ,” ông ta nói.
“Ở ngoài này tệ lắm,” tôi nói với ông ta. “Ông đã nằm ngoài đồng bùn,
và chúng thường gây những cơn cảm lạnh khủng khiếp. Cả bệnh thấp khớp
nữa.”
“Tao sẽ ăn sáng trước khi chúng giết chết tao,” ông ta nói. “Tao sẽ ăn,
cho dù tao sẽ bị treo lên giá treo cổ như cái ở đằng kia, ngay sau bữa sáng.
Tao sẽ chọi lại được cái lạnh cho tới lúc đó, tao cá với mày là thế.”
Ông ta nuốt chửng món thịt băm, gặm cái xương, ngấu nghiến bánh mì,
pho mát và bánh nhân thịt lợn, tất cả cùng một lúc: vừa ăn ông ta vừa nhìn
chăm chăm đầy ngờ vực vào làn sương mù xung quanh chúng tôi, và thường
xuyên dừng lại - thậm chí cả quai hàm cũng ngừng nhai - để lắng nghe. Một
âm thanh nào đó, có thật hay tưởng tượng, một tiếng leng keng trên sông hay
tiếng súc vật thở ngoài đầm lầy, vừa làm ông ta giật mình, và ông ta đột nhiên
hỏi.
“Mày không phải là một thằng nhóc lừa đảo đấy chứ? Mày không dẫn
theo ai chứ?”
“Không, thưa ông! Không!”
“Cũng không làm ai có cớ đi theo mày chứ?”
“Không!”
“Được,” ông ta nói, “tao tin mày. Quả thực mày sẽ đúng là một con
chó săn hung dữ nếu vào tuổi này mày lại có thể giúp săn lùng một gã sâu
mọt khốn nạn đã bị săn đuổi đến đường cùng như gã sâu mọt khốn nạn này!”
Có cái gì đó kêu lách cách trong cổ họng người đàn ông, như thể trong
người ông ta có đầy máy móc như một cái đồng hồ, và bộ máy ấy sắp đổ
chuông. Và ông ta đưa ống tay áo rách tướp thô ráp lên quệt qua đôi mắt.
Thương hại bộ dạng khốn khổ của ông ta, tôi đánh bạo lên tiếng trong
lúc dõi theo ông ta dần dần để tâm vào cái bánh nhân thịt lợn, “Cháu rất
mừng là ông thích nó.”
“Mày nói gì cơ?”
“Cháu nói cháu rất mừng là ông thích nó.”
“Cảm ơn mày, nhóc. Tao thích lắm.”
Tôi vẫn hay quan sát con chó to nuôi ở nhà khi nó ăn; và lúc này tôi
chợt nhận ra một sự tương đồng rõ rệt giữa cách ăn của con chó và người
này. Ông ta cắn từng miếng mạnh mẽ, gọn gàng, đột ngột, hệt như con chó.
Ông ta nuốt, hay nói đúng hơn là táp gọn, từng miếng đầy mồm, quá gấp gáp,
quá nhanh; và ông ta không ngớt ngó nghiêng sang hai bên, như thể cho rằng
từ hướng nào cũng hiện diện nguy cơ có người tới cướp mất cái bánh. Tôi
nghĩ ông ta quá bồn chồn với nỗi ám ảnh đó nên không thể thoải mái thưởng
thức cái bánh, hay để ai đó cùng ăn tối với ông ta mà không cắn cho vị khách
kia một cú ra trò. Về tất cả những mặt này, ông ta đặc biệt giống con chó.
“Cháu sợ là ông sẽ chẳng chừa lại tí nào cho người kia,” tôi rụt rè nói;
sau một hồi im lặng đắn đo xem liệu có lịch sự không khi đưa ra lời nhắc nhở
như thế. “Chẳng còn gì để lấy thêm ở cái chỗ đã lấy này đâu.” Hiển nhiên
chính sự thật này đã thôi thúc tôi đưa ra lời bóng gió.
“Chừa lại cho người kia ư? Người kia nào?” ông bạn của tôi hỏi, dừng
lại trong khi đang nhai ngấu nghiến vỏ bánh.
“Người đàn ông trẻ tuổi. Người ông nói đến ấy. Người cùng lẩn trốn
với ông.”
“À à!” ông ta đáp, kèm theo âm thanh nghe như tiếng cười khùng khục.
“Hắn ư? Phải rồi, phải rồi! Hắn không muốn ăn gì cả đâu.”
“Cháu nghĩ chú ấy nhìn có vẻ rất cần đấy,” tôi nói.
Người đàn ông ngừng nhai, và nhìn tôi cực kỳ chăm chú với vẻ kinh
ngạc tột độ.
“Nhìn ư? Lúc nào?”
“Vừa mới đây thôi ạ.”
“Ở đâu?”
“Đằng kia,” tôi vừa nói vừa chỉ, “ngay đằng kia kìa, cháu gặp chú ấy
ngồi ngủ gật ở đó, và cứ nghĩ đó là ông.”
Ông ta chộp lấy cổ áo tôi và cứ thế nhìn tôi chằm chằm, khiến tôi bắt
đầu nghĩ ý tưởng cắt cổ tôi lúc ban đầu đang sống dậy trong ông ta.
“Ăn mặc hệt như ông, ông biết đấy, chỉ là có đội mũ,” tôi vừa giải
thích vừa run lẩy bẩy, “và… và” - tôi khổ sở cố nghĩ cách nói sao cho thật tế
nhị - “và có… cùng lý do để muốn mượn một cái giũa. Ông có nghe tiếng đại
bác nổ tối qua không?”
“Vậy là có súng nổ!” người đàn ông tự nói một mình.
“Cháu không nghĩ ông lại không biết chắc chuyện đó,” tôi nói tiếp, “vì
cả nhà cháu nghe thấy rõ ở nhà, mà nhà cháu còn ở xa hơn, cả nhà lại ở kín
trong nhà.”
“Chà, thấy chưa!” ông ta nói. “Khi một người chỉ có độc một mình ở
giữa chốn đồng lầy này, với một cái đầu váng vất và một cái bụng rỗng tuếch,
sống dở chết dở vì lạnh và đói, hắn ta chẳng nghe thấy gì hơn trong suốt cả
đêm ngoài tiếng súng bắn và tiếng người gọi. Nghe ư? Hắn ta nhìn thấy bọn
lính, áo đỏ sáng rực dưới ánh đuốc đằng trước, đang tiến tới bao vây hắn.
Nghe thấy số tù của hắn được hô lên, nghe thấy chính hắn đang bị quát đứng
lại, nghe thấy tiếng lách cách của những khẩu hỏa mai, nghe thấy lệnh, ‘Sẵn
sàng! Giương súng! Nhắm vào hắn!’ rồi bị những bàn tay tóm lấy - rồi chẳng
có gì cả! Sao chứ, tối qua tao có thấy một toán truy lùng không ư - có thấy
chúng ngay hàng thẳng lối, đều đặn bước tới không ư, quỷ bắt chúng đi - tao
thấy cả trăm ấy chứ. Còn đại bác bắn à! Sao chứ, tao thấy cả màn sương mù
rung chuyển vì đại bác nổ, sau đó là ngày sáng bảnh. Nhưng còn gã này”; ông
ta cứ thế nói một thôi, như thể đã quên bẵng sự có mặt của tôi, “mày có để ý
thấy gì ở hắn ta không?”
“Mặt chú ấy bị bầm tím khiếp lắm,” tôi nói, nhớ lại điều tôi gần như
không biết là mình biết.
“Không phải ở đây chứ?” người đàn ông vội hỏi, đồng thời không chút
thương xót vả lòng bàn tay vào má trái của mình.
“Đúng rồi, ở chỗ đó ạ!”
“Hắn ta đâu rồi?” Người đàn ông vơ vét nốt chút ít thức ăn còn lại cất
vào trong ngực chiếc áo khoác xám. “Chỉ cho tao xem hắn ta đi đường nào.
Tao sẽ quật hắn xuống, như một con chó săn. Quỷ bắt cái xiềng này với cái
chân đau chết tiệt của tao đi! Đưa tao cái giũa nào, nhóc.”
Tôi chỉ về hướng màn sương mù đã nuốt chửng người đàn ông kia, và
ông ta nhìn về phía đó trong khoảnh khắc. Nhưng rồi ông ta lại ngồi phịch
xuống đám cỏ ướt, hì hục giũa cái xiềng của mình như một gã điên, chẳng
buồn bận tâm đến tôi hay đến cả cái chân của mình vốn đã mang sẵn một vết
trầy xước cũ và bê bết máu, song vẫn bị chủ nhân của nó đối xử thô bạo như
thể nó cũng chẳng có nhiều cảm giác gì hơn cái giũa. Giờ tôi lại thấy sợ ông
ta phát khiếp, khi ông ta hối hả giũa xiềng trong cơn vội vã hung hãn này, và
tôi cũng sợ không dám vắng nhà lâu hơn nữa. Tôi nói tôi phải về, nhưng ông
ta chẳng buồn để ý, vậy là tôi nghĩ tốt nhất mình nên lẳng lặng chuồn đi. Lần
cuối cùng tôi thấy người đàn ông, đầu ông ta đang cúi gằm xuống sát đầu gối
trong lúc ông ta hì hục tấn công cái xiềng, vừa giũa vừa lẩm bẩm những câu
nguyền rủa nóng nảy nhằm vào nó và cả cái chân của mình. Lần cuối cùng tôi
lắng nghe ông ta khi dừng bước giữa màn sương mù, cái giũa vẫn đang làm
việc.