Số lần đọc/download: 3326 / 61
Cập nhật: 2015-12-09 16:24:33 +0700
Chương 3
S
áng sớm hôm sau, chúng tôi thu dọn và lên đường. Tôi đã khỏe lại, ăn của người ta, ở của người ta thì phải góp công góp sức với người ta chứ nhỉ! Buồn thay, tôi lại không hiểu họ nói gì, nên khi thu dọn lều bạt, sự lóng ngóng của tôi chỉ khiến họ thêm vướng chân vướng tay. Nhưng họ rất hiền hòa, không trách mắng gì cả, vả lại, dĩ nhiên rồi, họ có trách mắng, tôi nghe cũng chẳng hiểu.
Họ dành riêng cho người lạ từ trên trời rơi xuống là tôi một chú lạc đà. Nhưng bộ xiêm y người Hán với ống tay rộng thùng thình và chiếc váy dài chấm gót khiến tôi không làm cách nào trèo lên lưng lạc đà được. Tôi nhìn bộ váy áo lòa xòa lôi thôi, rồi lè lưỡi nhìn tiểu hòa thượng với vẻ bất lực và cầu cứu.
Hòa thượng nở nụ cười hồn hậu, quay lại trao đổi một hồi với người phụ nữ đứng tuổi, lát sau, một bộ trang phục giống như của họ được đem tới. Tôi thay đồ, hơi rộng, cũng phải thôi, thân hình của họ cao lớn thế kia mà. Áo dài đến đầu gối, tay phải thắt ống, vai phải xẻ, quần rộng, ống kiểu Alibaba, ủng cao đến đầu gối, ha ha, hợp mốt đấy chứ! Phụ nữ thời Hán ai mà dám mặc áo hở vai? Nhưng điều quan trọng là với bộ quần áo như thế này, việc lên xuống lạc đà không còn khó khăn nữa. Buổi sớm trên sa mạc vẫn giá buốt, tiểu hòa thượng ân cần mang cho tôi một chiếc khăn quàng.
Tôi nhẩm tính, cả đoàn cũng phải chừng sáu mươi người, nhưng tính cả tôi cũng chỉ có tổng cộng năm người phụ nữ. Ngoài tiểu hòa thượng, những người còn lại đều bận quân phục và giắt bên mình một thanh kiếm dài của tướng sĩ thời xưa. Và với biểu cảm trên khuôn mặt họ, thì mọi sự tập trung đều dồn cả vào hai mẹ con ni cô.
Tôi có đôi chút băn khoăn, trước đây, tôi mới chỉ thấy hòa thượng và ni cô có người hầu đi cùng, chứ chưa từng gặp hòa thượng và ni cô dẫn theo một đội quân thế này. Càng quan sát càng nhận thấy vẻ quan cách toát ra từ cử chỉ và lời nói của họ, rõ ràng hai mẹ con hòa thượng có thân phận không tầm thường. So với những người khác, trình độ tiếng Hán của tiểu hòa thượng là khá nhất, vượt xa cả người mẹ xinh đẹp, nên tôi chọn đi cạnh hòa thượng để nghe ngóng tình hình. Tuy giao tiếp khó khăn, nhưng tôi cũng nắm bắt được khá nhiều thông tin.
Tôi gặng hỏi hòa thượng có biết hiện ai đang làm vua vùng Trung Nguyên hay không. Hòa thượng suy nghĩ hồi lâu mới phát âm ra một tiếng gần giống với “Tần/Thanh”. Vậy hẳn là nhà Tần rồi! Không thể là nhà Thanh, nhóm chuyên gia đã khẳng định, cỗ máy vượt thời gian chỉ có thể đưa được con người về lại khoảng thời gian hai ngàn năm trước.
Tôi lại hỏi hòa thượng học tiếng Hán ở đâu. Hòa thượng hoa chân múa tay hồi lâu tôi mới hiểu sơ sơ, rằng ở Kuchi hòa thượng có hai thầy giáo người Hán. Hòa thượng thẹn thùng bộc bạch, là bản thân mới học tiếng Hán được vài tháng mà đã năm năm rồi không luyện khẩu ngữ, nên trò chuyện không được lưu loát.
Tôi quá đỗi kinh ngạc. Hòa thượng chưa đến mười sáu tuổi, vậy là cậu bắt đầu học tiếng Hán khi mới mười, mười một tuổi, năm năm bỏ bẵng, nhưng vẫn có thể giao tiếp khá thế này, trí nhớ của hòa thượng thật đáng khâm phục. Thời gian học đại học, tôi lựa chọn học ngoại ngữ tiếng Đức, sau vài năm không ngó ngàng đến, giờ đây tôi chỉ nhớ mỗi câu ICH LIEBE DICH (Em yêu anh), nếu yêu cầu tôi trò chuyện với người Đức, sẽ chẳng khác nào như vịt nghe sấm.
Vì tôi tiếp đất giữa sa mạc mênh mông, nên tôi chỉ có thể suy đoán nơi này hoặc là thuộc Tây vực hoặc là thuộc Mông Cổ. Tôi thử hỏi về con đường tơ lụa, nhưng hòa thượng không hiểu. Chỉ khi tôi giải thích, tơ lụa và lá trà được vận chuyển từ Trung Nguyên đến tiêu thụ tại Đại Thực (nay thuộc các Tiểu vương quốc Ả Rập), Ba Tư (nay là I- ran), Đại Tần (nay là Roma) trên con đường này, thì hòa thượng mới gật đầu. Hòa thượng cho biết, Kuchi nằm trên con đường này. Và trong tôi chợt bừng lên một tia hy vọng.
Tiếp đó, tôi vắt cạn bộ nhớ để kể ra những địa danh liên quan đến con đường tơ lục: Yên Kỳ (Yanqi), Thiện Thiện (Shanshan), Sơ Lặc (nay thuộc Kashgar, Tân Cương), Lâu Lan, Hòa Điền (nay thuộc Hotan, Tân Cương), Ô Tôn (nay thuộc Ili, Tân Cương), Đôn Hoàng, … Trong số đó có một vài địa danh mà sau khi nghĩ ngợi một lúc, hòa thượng nhắc lại bằng một âm tương tự, những âm còn lại rất khó nhận biết. Khi kể đến địa danh Khâu Từ, tôi sững lại. Kuchi, Khâu Từ (Qiu Ci, nay thuộc huyện Kucha, Tân Cương). Hai âm này rất giống nhau, lẽ nào là quốc gia có nền văn minh phát triển và giàu mạnh nhất vùng Tây vực thời cổ đại?
Tôi nhìn hòa thượng và thử đọc lại tên Khâu Từ. Hòa thượng ngập ngừng giây lát rồi gật đầu và chỉ vào mình. Trời ơi, cuối cùng thì tôi biết mình đang ở đâu rồi. Tôi đã đến Tây vực, Tây vực đời Tần!
Vậy thì những người Khâu Từ mà tôi gặp trên đường đi này chính là người Tochari. Tài liệu lịch sử chép lại rằng, tổ tiên của người Khâu Từ là tộc người Da Yue Zhi, hay còn lại là người Tochari. Đầu dài, mũi cao, mắt sâu, môi mỏng, da trắng, thuộc giống người châu Âu nguyên thủy. Các bộ lạc Tochari đã kết thúc đời sống du mục vào khoảng một nghìn năm trước Công nguyên và bắt đầu định cư tại Kucha, Yanqi và Turpan. Tôi đã đến tham quan rất nhiều viện bảo tàng khi đi du lịch Tân Cương và rất thích thú khi ngắm nghía các xác ướp, những xác ướp được lưu giữ gần như toàn vẹn sau hơn ba nghìn năm, khuôn mặt xác ướp vẫn hiểu hiện rõ nét đặc điểm ngoại hình của người châu Âu, nổi tiếng nhất là xác ướp mỹ nữ Lâu Lan. Nhưng có lẽ vì nằm trên huyết mạch chính của con đường tơ lụa, là nơi tập trung và lai tạp giữa nhiều tộc người khác nhau, nên người Khâu Từ có khuôn mặt tròn hơn người châu Âu hiện đại.
Niềm hứng khởi đang lên cao thì lập tức bị kéo xuống. Những ghi chép về Tây vực thời kỳ nhà Tần rất ít ỏi, hầu như chỉ tồn tại trong “Tây vực truyện” thuộc sách “Hán thư”. Lịch sử Tây vực trong trí nhớ của người Hán được bắt đầu từ thời Hán Vũ Đế: Trương Khiêm đến Tây vực, kết thân với Ô Tôn (Wu Sun), dựng trại làm ruộng, gây chiến với Hung Nô suốt mấy trăm năm. Nhưng được đến thời kỳ nhà Tần cũng rất tuyệt. Tôi phải lên đường đi Trường An ngay mới được, để có thể tận mắt chứng kiến những biến động to lớn cuối đời Tần, để được diện kiến những nhân vật lừng danh trong lịch sử.
Tôi lặp đi lặp lại nguyện vọng tha thiết đó với tiểu hòa thượng. Hòa thượng trầm tư một lát rồi gật đầu và hứa sẽ sắp xếp. Nhưng cũng nói thêm, đường xa vạn dặm, phải một năm mới đến nơi, hơn nữa hiện đang là thời kỳ chiến tranh loạn lạc, muôn phần nguy hiểm.
Trời, chiến tranh xảy ra rồi ư? Vậy thì tôi lại càng không thể chần chừ. Tôi vui vẻ bảo rằng không sao cả, hòa thượng băn khoăn nhìn tôi, đôi mắt màu xám nhạt lộ vẻ kinh ngạc. Tôi không biết phải giải thích thế nào để hòa thượng hiểu vì sao một cô gái như tôi lại hứng thú với chiến tranh đến vậy, nên chỉ cười trừ.
Câu chuyện giữa chúng tôi kéo dài đến gần trưa. Trời mùa thu lúc chính Ngọ nắng rất gắt gao, tôi phải trùm kín đầu bằng chiếc khăn quàng vai. Tiểu hòa thượng kéo thấp chiếc áo choàng dài, để lộ bờ vai phải, dưới ánh nắng rực rỡ, nước da bánh mật phản chiếu sức sống, nét khỏe khoắn và vẻ tráng kiện của tuổi trẻ. Lối trang phục để vai trần bên phải này vốn là trang phục phổ biến của giới tăng ni ở Ấn Độ và Tây vực. Sau đó, Phật giáo được truyền bá vào Trung Nguyên, kiểu trang phục này dần được cải biên, có câu “nhập gia tùy tục” mà. Thời tiết Ấn Độ nóng bức, Tây vực thì nằm trong vùng sa mạc, hoang mạc mênh mông, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm rất lớn, nên kiểu trang phục kín đáo vào buổi sáng và buổi tối, hở vai vào buổi trưa này rất phù hợp với điều kiện thời tiết nơi đây.
Khuôn mặt hòa thượng bỗng nhiên ửng đỏ, ánh mắt rời khỏi tôi trôi về phía xa xăm. Lúc này mới chợt nhận ra tôi đã chăm chú ngắm nhìn hòa thượng rất lâu, xấu hổ hết chỗ nói! Trang phục đặc biệt này tôi mới chỉ thấy qua các bức bích họa, được tận mắt chiêm ngưỡng người thật trong trang phục thật thế này, đôi mắt tôi như bị thôi miên, cứ dán chặt vào, quên cả phép lịch sự. Không thể lôi công tác nghiên cứu ra để biện bạch cho hành vi của mình, tôi chỉ còn cách duy nhất là cười khì khì giả ngây ngô.
Chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi tại một rừng dương nhỏ. Những người hầu cận nhanh chóng dựng lều và nhặt cành dương khô nhóm lửa nấu mì. Sau khi lót dạ bằng một bát mì nóng và những chiếc bánh Tây vực, tôi bắt đầu thèm ngủ. Hai mẹ con hòa thượng dùng bữa xong liền vào trong lều tụng kinh, họ đặt trên gối một cuốn kinh thư. Lòng hiếu kỳ kéo tôi lại gần họ, kết quả là tôi luôn luôn bị bất ngờ.
Kinh thư được viết trên lụa, chữ viết rất lạ, hình như là những kí tự, bao gồm rất nhiều đường nét giống hình số 8 được viết thẳng và viết ngang. Tuy đọc không hiểu, nhưng tôi không hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ này, loại văn tự này có lẽ là văn tự Tochari đã thất truyền từ rất lâu. Đây là ngôn ngữ Ấn Âu nguyên thủy cổ xưa nhất được biết đến cho tới nay, ra đời dựa trên sự phát triển những kí tự của chữ viết Brahmi, Ấn Độ và cho đến nay vẫn chưa được giải mã triệt để.
Tôi run rẩy bò đến gần và nhấc cuốn kinh thư phủ trên đầu gối tiểu hòa thượng, nghẹn ngào thốt lên:
- Trời ơi, đây là văn tự Tochari, là văn tự Tochari đấy!
Nếu có thể mang cuốn kinh thư này trở về, nó sẽ có giá trị nghiên cứu lớn lao biết chừng nào!
Ni cô xinh đẹp hơi chau mày! Tiểu hòa thượng sau một thoáng giật mình, ngạc nhiên nhìn tôi:
- Cô biết văn tự này? Đây là chữ Khâu Từ, không phải Tochari.
A, đúng rồi, Tochari là cách đặt tên của người Đức, những người Khâu Từ này chắc chắn không biết Tochari là tên gọi ngôn ngữ của họ. Nhưng con người ở thế kỉ XXI đã quen với tên gọi đó. Tôi cười ngượng ngùng nhưng mắt vẫn dán chặt vào những hình số 8 xiêu vẹo kia, tự nhận thấy nỗi hưng phấn được tận mắt chiêm ngưỡng những dòng văn tự Tochari sống động đang dâng cao không bút nào tả xiết.
Được nghe lại và thấy lại một ngôn ngữ đã thất truyền đối với một người nghiên cứu lịch sử như tôi, có ý nghĩa vô cùng lớn lao, không thể đo đếm. Để có thể giải mã những văn tự đã chết, biết bao nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã phải dành cả cuộc đời để tìm kiếm dấu tích trên những di chỉ, di cảo còn sót lại. Thế kỷ XVIII, Champollion lần đầu tiên giải mã được chữ tượng hình Ai Cập, đã vén được bức màn bí ẩn phủ trên mình lịch sử suốt mấy nghìn năm và ông được lưu danh thiên cổ. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa có cách nào giải mã hoàn toàn văn tự Tochari, nếu như tôi có thể đọc hiểu thứ ngôn ngữ này…
Tôi nắm chặt tay áo thùng thình của tiểu hòa thượng:
- Làm ơn, dạy tôi tiếng Tochari, à không, tiếng Khâu Từ!
Hòa thượng sững sờ chốc lát, rồi quay ra hỏi:
- Cô biết chữ Hán chứ?
- Tất nhiên rồi.
Đến phiên tôi ngạc nhiên.
Hòa thượng quay sang chuyện trò một hồi lâu với ni cô. Ni cô ngước nhìn tôi một lát rồi nói mấy câu với con trai. Hai mẹ con họ trao đổi khá lâu khiến tôi không khỏi hụt hẫng. Đang lo sợ bị từ chối, thì tiểu hòa thượng quay lại nhìn tôi, đôi mắt màu nâu nhạt ánh lên nét tinh nghịch:
- Tôi sẽ dạy cô, nhưng đổi lại cô phải dạy tôi tiếng Hán.
Tôi thở phào, thì ra cậu ta muốn có đi có lại, tốt thôi!
- Được chứ.
Ngập ngừng giây lát, tôi bổ sung thêm:
- Tuy tôi không uyên thâm kinh thư Phật pháp, nhưng tôi có thể dạy cậu chữ Hán, giảng giải “Luận ngữ”, “Kinh thi”, “Tả truyện”, “Chiến quốc sách”.
Tôi nghiên cứu lịch sử, không phải Phật học. Tôi có tìm hiểu đôi chút về lịch sử Phật giáo, nhưng đi sâu vào những nội dung cụ thể của Phật giáo tam tạng như: kinh tạng, luật tạng, luận tạng thì tôi hoàn toàn không biết gì. Tôi thực sự tiếc nuối, sớm biết sẽ vượt thời gian đến nơi đây, đồng hành cùng mấy vị hòa thượng ni cô thế này, tôi đã chăm chỉ nghiên cứu về Phật học rồi.
- Không hiểu kinh Phật cũng không sao, cô dạy tôi những kinh văn kia là đủ.
Tiểu hòa thượng có vẻ rất vui mừng, vì tôi thấy nụ cười ấm áp lẩn khuất sau hàng lông mày dài tuyệt đẹp.
Tôi bỗng nghĩ, kinh Phật lưu truyền ở Trung Nguyên đều được dịch từ tiếng Phạn và một số ngôn ngữ thuộc Tây vực. Hòa thượng là người Khâu Từ, đâu cần phải học kinh Phật tiếng Hán, hòa thượng người Hán học kinh Phật từ tiểu hòa thượng này mới đúng chứ!
Hôm đó, tôi còn phát hiện thêm điều thú vị này nữa: sau bữa trưa, hai mẹ con hòa thượng không ăn thêm bất cứ thứ gì. Người cổ đại chỉ ăn hai bữa một ngày, giới tăng ni càng nghiêm khắc hơn.
Hỏi tiểu hòa thượng thì được trả lời bằng tiếng Hán bập bõm rằng, giới luật quy định, hòa thượng có thể dùng bữa trong khoảng thời gian từ sáng đến trưa, nhưng bắt đầu từ buổi chiều cho đến buổi sáng ngày tiếp theo, hòa thượng không được phép ăn uống bất cứ thứ gì.
Giới luật này được đặt ra xuất phát từ câu chuyện: một đệ tử của Phật Thích Ca đi khất thực vào buổi chiều muộn, lúc ấy trời đã nhá nhem tối, một người phụ nữ mang thai lầm tưởng vị hòa thượng đó là ma, đã quá sợ hãi dẫn đến đẻ non. Từ đó, Phật Thích Ca đã đặt ra giới luật này. Nhưng những người ốm đau bệnh tật hoặc những người lao động vất vả, thì vẫn được phép ăn bữa tối, để duy trì sức khỏe.
Tôi gật gật đầu. Vào thời đại của Phật Thích Ca, các hòa thượng dành phần lớn thời gian cho việc ngồi thiền, nên năng lượng tiêu hao không nhiều, không ăn bữa tối cũng không sao. Nhưng khi Phật giáo được truyền vào đất Hán, các nhà sư Trung Nguyên vẫn ăn tối như người thường. Bởi vì, ở Trung Nguyên, nhà sư cũng phải làm ruộng, nên đã chủ động thay đổi giới luật. Điều đó chứng minh tính linh hoạt của tín ngưỡng Phật giáo. Có lẽ vì thế, trải qua mấy nghìn năm, Phật giáo vẫn phát triển mạnh mẽ.
Quan sát cách họ ăn cơm và uống nước đều nhận thấy nhiều điều thú vị. Đám thị nữ dùng một vật dụng gần giống với túi lưới, lọc nước rồi mới mang đến cho hai mẹ con hòa thượng uống. Lúc đầu tôi cứ đinh ninh, hẳn là họ e ngại nước trên sa mạc chứa nhiều tạp chất, nặng mùi phèn nên lọc qua một lần rồi mới uống. Nhưng đến khi thấy nước dành chomình không cần lọc, liền cảm thấy kì lạ.
Tiểu hòa thượng lại ra sức giải thích cho tôi hiểu: các nhà sư trước khi uống phải lọc nước để tránh nuốt vào bụng những sinh vật có trong nước, nếu không, sẽ vô tình mắc tội sát sinh. Bởi vậy, giới luật của nhà Phật quy định, nhà sư phải luôn mang theo bên mình túi lọc nước, nếu không, họ không được phép rời khỏi nơi ở quá hai mươi dặm.
Lời giải thích của tiểu hòa thượng khiến tôi lập tức nhớ tới câu chuyện Trần Huyền Trang khi xưa một mình đi giữa sa mạc mênh mông không bóng người, mặc dù sắp lả đi vì khát, nhà sư vẫn đổ hết nước trong túi da của mình đi. Vì Huyền Trang kiên trì tuân thủ giới luật, không uống nước khi chưa được lọc sạch.
Buổi tối, tôi ngồi bên đống lửa ngoài lán trại, chăm chú ghi chép lại tất cả những điều mắt thấy tai nghe mấy ngày qua. Trên cao, ngàn vạn ngôi sao lấp lánh giữa nền trời xanh thẫm.
Còn nhớ những ngày tháng du lịch Tân Cương ở thế kỷ XXI, tôi cũng từng ngước lên bầu trời trong vắt giữa đêm khuya thanh vắng và tự hỏi, phải chăng người xưa cũng từng ngắm nhìn bầu trời đêm này như tôi? Và, bầu trời sao tôi nhìn thấy đêm nay, phải chăng cũng là bầu trời sao thuần khiết mà một nghìn năm sau tôi lại được nhìn ngắm? Tôi cứ đắm chìm trong mối suy từ này không sao dứt ra khỏi. Tôi của hôm nay và tôi của một nghìn năm về sau đang cùng hướng lên bầu trời thăm thẳm kia ư? Vậy rốt cuộc, tôi đã xuất hiện và tồn tại như thế nào?