Số lần đọc/download: 1794 / 19
Cập nhật: 2016-06-03 16:19:50 +0700
Chương 2: Mẹ
T
ôi rất ít khi, nếu không muốn nói là không bao giờ gọi bất cứ ai là bố hay mẹ, người Nga chúng tôi không có thói quen như vậy. Ngay với mẹ chồng hay mẹ vợ mà ờ phương Đông lập tức trở thành như bố mẹ ruột của chính mình, thì chúng tôi chỉ gọi bằng tên đầy đủ bình thường, ví dụ như Anna Pavlôvna, hay I van Fikôlaevich gì đó... chứ không thể gọi bố hay mẹ được. Ở Việt Nam, tôi cũng vậy, gặp bố mẹ của những người bạn thậm chí gần. gũi nhất của tôi, tôi vẫn chỉ gọi bằng "bác" thôi, bất đắc dĩ lắm mới tự xưng là "con". Vê phía các bác cũng vậy, họ có đủ cách gọi tôi: từ "bà", "madame" tới gọi tên và gọi "chị", vừa lịch sự, kính trọng, vừa giữ khoảng cách đối với người ngoại quốc. Thậm chí có những bác gái, mẹ của các bạn tôi, lại tự xưng "em" với tôi, làm tôi hết sức lúng túng, không biết ứng lại ra làm sao?
Bà Đỗ Thị Lời thì khác, bà có con gái sang lao động ờ ngoại thành Mátxcơva mà tôi đã gặp mấy lần khi làm phóng sự tại nhà máy. Và trong một dịp đi Sài Gòn công tác, tôi đã đến nhà để chuyển thư, hỏi thăm sức khỏe gia đình. Từ đó tôi có một người mẹ Việt Nam.
Đến nay tôi vẫn chưa hiểu, mặc dù đã đến nhiều lần, thành phần đầy đủ gia đình này gồm những ai. Bởi vì mỗi lần đến đều có nhân vật mới xuất hiện. Ngoài cô con gái ở Liên Xô ra, bà còn có một người con gái nữa và người con trai cả cùng sống với bà trong căn nhà đó. Ngoài ra có một chị gái nữa đã có chồng, ở riêng. Có một cháu nhỏ gọi bà bằng thím... có bà dì, và một người đàn ông cao tuổi nữa... Tất nhiên tôi hiểu rằng gia đỉnh này giống như các gia đình VN khác thôi. Có lẽ chỉ vì tôi nghe không kịp hay không nghe được đầy đủ lúc được giới thiệu... nhưng tôi vẫn có cảm giác tất cả các nhân vật đó đều hết sức huyền ảo, và chỉ có một người "thực" duy nhất, chính là bà mẹ.
Và một điều lạ, mẹ luôn luôn kể nhiều về tất cả các thành viên trong gia đình: nào con trai cả đang xây nhà sắp cưới vợ, mà vợ thì tuổi cọp, theo "tứ hành xung" của quan niệm phương Đông, sợ hai người không hợp nhau... Nào là con gái thứ ba hình như đã yêu ai đó, mà không có hạnh phúc... Bà dì thì liên tục đau ốm... Thằng cháu nhỏ thì bị kéo vào một đám ẩu đả nhau làm cho bà lo lắng... Con rể, bố của cháu thì hình như có nỗi ưu tư riêng... Dần dần tôi được biết về tất cả, duy về bà Lời, thì gần như tôi không biết gì hết! Thoạt đầu tôi tưởng bà là người rất hiền lành, nhưng về sau, tôi cho bà là người rất cứng rắn.
Tôi được biết chồng bà đã bỏ bà đi với người khác từ lâu, bà một mình nuôi dạy các con. Chuyện đó cũng bình thường, nếu không có sự tiến triển hơi lạ: Khi về già ông bắt đầu có thói quen lui tới nhà bà "tâm sự", phàn nàn tuổi già sức yếu, kể lể nỗi khốn cùng, nghèo khó với "bà mới", và thậm chí còn ngỏ ý muốn trở về với bà Lời, nhưng bà không nhận nữa, chỉ đưa ít tiền, gọi là để giúp đỡ.
Bà là người quê ờ miền Bắc, vào Nam không biết từ hồi nào, chắc khoảng sau 75 thôi. Bà thích hát và rất vui vẻ mỗi khi tôi đưa micrô thu vào băng những lời ca và phát biểu mộc mạc của bà. Bà đặc biệt đậm đà với bài hát ru con "ầu ơ": "Cầu tre khó đi - mẹ dẫn con đi. Con đi trường học, mẹ đi trường đời" v v...
Qua giọng khàn đục của bà, thì âm điệu bài hát cũng trúc trắc, trục trặc như chính bà đang đi trên số phận éo le của cuộc đời mình...
Nghe bà nói chuyện và quan sát những động tác, cử chỉ của bà, tôi biết là bà hơi bị tâm thần. Và giống như tất cả những người bị tâm thần, bà rất tinh vi. Bà có một sức truyền cảm mãnh liệt, làm cho tôi hiểu được nhiều điều sâu kín dường như truyền trực tiếp từ trái tim bà đến trái tim tôi, không cần qua lời nói.
Ngay từ khi tôi đến nhà lần đầu tiên, bà đã nhận tôi là con gái của bà. Cả hai chúng tôi rất thích xưng gọi mẹ con với nhau. Chỉ có tên tôi, bà không sao nhớ nổi, nên bà cứ gọi bằng một cái tên nước ngoài duy nhất mà bà dễ nhớ vào dịp đó: nô tỳ Isaura 1. Đợt sau tôi sang, bà không còn nhớ tên "Isaura" nữa, nên bà chỉ gọi tắt là Nô Tỳ.
--------------------------------
1 Bởi vì lúc đó Đài truyền hình thành phố đang chinh phục hàng trăm con tim khán giả bằng bộ phim nhiều tập mang tên Nô tỳ Isaura, phỏng theo tác phẩm của Bernardo Quymarănch, nhà văn Brazil.